Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 28/2023/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Võ Văn Hoan
Ngày ban hành: 05/07/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2023/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 7 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Thông tư số 25/2019/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 12 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng;

Căn cứ Quyết định số 127/2000/QĐ-BNN-KL ngày 11 tháng 12 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định về cấp dự báo, báo động và biện pháp tổ chức thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng;

Căn cứ Quyết định số 52/2021/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021 - 2026;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 1523/SNN-CCKL ngày 02 tháng 6 năm 2023 và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Báo cáo số 4158/BC-STP-VB ngày 08 tháng 9 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2023 và thay thế Quyết định số 4781/QĐ-UB-KT ngày 17 tháng 10 năm 1996 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành quy định cấp dự báo phòng cháy, chữa cháy rừng.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các Sở, ngành Thành phố, Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP;
- Sở Tư pháp;
- VPUB: Các Phòng NCTH; TTCB TP;
- Lưu: VT, (KT/Linh).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Hoan

QUY ĐỊNH

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Kèm theo Quyết định số 28/2023/QĐ-UBND ngày 05 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, phương châm thực hiện

1. Phạm vi điều chỉnh

a) Quy định về công tác phòng cháy và chữa cháy rừng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

b) Các nội dung khác có liên quan đến phòng cháy, chữa cháy rừng không quy định trong quyết định này được áp dụng theo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và quy trình kỹ thuật hiện hành.

2. Đối tượng áp dụng

a) Đối với các chủ rừng là cơ quan Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trong nước và các tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng trên địa bàn Thành phố.

b) Đối với các loại rừng trong quy hoạch lâm nghiệp hiện có trên địa bàn Thành phố, theo chức năng sử dụng bao gồm: đặc dụng, phòng hộ và sản xuất và cây lâm nghiệp trồng ngoài quy hoạch lâm nghiệp.

c) Đối với các nhà máy, công ty, kho tàng, nhà ở và các cơ sở khác có các công trình xây dựng ở ven rừng, ngoài việc phải thực hiện quy định này còn phải thực hiện các quy định khác của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.

3. Phương châm thực hiện

Phòng cháy rừng là chính, chữa cháy rừng phải khẩn trương, kịp thời, triệt để và an toàn.

Điều 2. Cấp dự báo cháy rừng

1. Cấp dự báo cháy rừng thực hiện theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Cấp dự báo cháy rừng gồm 05 cấp, từ cấp I đến cấp V.

2. Biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng thực hiện theo Mẫu số 04 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP. Chi tiết quy định cấp cháy rừng, đặc trưng cháy rừng theo cấp và biện pháp phòng cháy rừng được quy định tại Điều 4 quy định này.

3. Việc dự báo cấp cháy rừng trên địa bàn được thực hiện thông qua việc xác định độ ẩm vật liệu cháy.

4. Bảng tra cấp dự báo cháy rừng theo quan hệ độ ẩm vật liệu cháy với khả năng phát sinh cháy rừng:

Cấp cháy

Độ ẩm của vật liệu cháy (%)

Khả năng xảy ra cháy rừng

Tính cách của đám cháy

Mục trắc nếu bẻ vật liệu cháy

I

35 - 45

Ít có khả năng cháy rừng

Dai, tay cảm giác ướt

II

25 - 35

Có khả năng cháy rừng

Cường độ thấp

Gấp đôi được

III

15 - 25

Dễ xảy ra cháy rừng

Cường độ trung bình

Gãy kêu lách tách

IV

10 - 15

Dễ xảy ra cháy rừng và nguy cơ cháy

Tốc độ lan tràn của lửa nhanh; rất nóng, khó kiểm soát

Gãy kêu to

V

<10

Rất dễ xảy ra cháy rừng, cực kỳ nguy hiểm

Tốc độ lan tràn lửa rất nhanh, thất thường, khó kiểm soát

Vò nát tinh

5. Chủ rừng có trách nhiệm xác định cấp cháy, dự báo cháy trên diện tích đơn vị quản lý.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ THÔNG TIN DỰ BÁO CẤP CHÁY RỪNG VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHÁY RỪNG

Điều 3. Thông tin dự báo cấp cháy rừng

1. Tổ chức dự báo cháy rừng và thông tin kịp thời các cấp dự báo cháy rừng đến Ủy ban nhân dân các cấp nơi có rừng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong mùa khô.

2. Trong mùa khô, từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau, Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm nắm bắt tình hình, cập nhật, xử lý số liệu từ ngành khí tượng thủy văn và từ thực địa để thông tin kết quả dự báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng và có văn bản cảnh báo đến địa phương về cấp cháy và tình hình cháy rừng hàng ngày ở địa phương đến các chủ rừng và người dân chủ động thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy rừng.

3. Căn cứ tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn để dự báo cấp cháy rừng; khi dự báo cháy rừng cấp IV hoặc cấp V, thông tin cảnh báo cấp cháy rừng liên tục hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng.

4. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng, thông báo cấp dự báo cháy rừng kịp thời tới từng nơi trọng điểm cháy rừng. Triển khai thực hiện các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy và cảnh báo nguy cơ cháy rừng khi dự báo cháy rừng cấp IV, cấp V trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 4. Các biện pháp phòng cháy rừng

1. Biện pháp chung

a) Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy rừng trong toàn địa bàn.

b) Xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao; tổ chức cảnh báo cháy rừng và phát hiện sớm các điểm cháy rừng.

c) Quản lý chặt chẽ các nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt ở trong rừng và ven rừng; áp dụng các giải pháp làm giảm vật liệu cháy hoặc làm giảm độ khô của vật liệu cháy trong rừng, các biện pháp phòng chống cháy lan.

d) Xây dựng, duy tu, sửa chữa các công trình và trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy rừng.

đ) Các biện pháp phòng cháy khác theo quy định của pháp luật.

2. Biện pháp đối với dự báo cháy rừng cấp I. Khả năng cháy rừng thấp, trên biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng mũi tên chỉ số I.

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các chủ rừng phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, lực lượng Kiểm lâm triển khai kế hoạch phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng dân cư về phòng cháy, chữa cháy rừng.

b) Các chủ rừng, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có rừng có trách nhiệm thành lập, kiện toàn các tổ, đội thường trực phòng cháy và chữa cháy rừng.

c) Tổ chức kiểm tra về chuẩn bị phương tiện, dụng cụ, công trình cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

3. Biện pháp đối với dự báo cháy rừng cấp II. Khả năng cháy rừng ở mức trung bình, trên biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng mũi tên chỉ số II.

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các chủ rừng tăng cường kiểm tra, đôn đốc bố trí người canh phòng, lực lượng sẵn sàng kịp thời dập tắt khi xảy ra cháy rừng.

b) Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến những quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng.

4. Biện pháp đối với dự báo cháy rừng cấp III. Khả năng cháy lan trên diện rộng, trên biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng mũi tên chỉ số III.

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Hạt Kiểm lâm đôn đốc việc phòng cháy và chữa cháy rừng của các xã, chủ rừng. Kiểm tra giám sát việc sử dụng lửa trong thu hoạch nông sản, vệ sinh khu canh tác.

b) Các chủ rừng phải thường xuyên kiểm tra lực lượng canh phòng và lực lượng khoán quản lý bảo vệ rừng.

c) Lực lượng canh phòng trực 10/24 giờ trong ngày (từ 10 giờ đến 20 giờ), đặc biệt chú trọng các giờ cao điểm.

d) Khi xảy ra cháy rừng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được quyền huy động mọi lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy.

5. Biện pháp đối với dự báo cháy rừng cấp IV. Nguy cơ cháy rừng lớn, trên biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng mũi tên chỉ số IV.

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trực tiếp chỉ đạo việc phòng cháy và chữa cháy rừng tại địa phương.

b) Các chủ rừng và lực lượng Kiểm lâm thường xuyên kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng trọng điểm dễ cháy.

c) Chủ rừng bố trí lực lượng canh phòng phải thường xuyên trên chòi canh và ngoài hiện trường rừng, đảm bảo trực 12/24 giờ (từ 9 giờ đến 21 giờ trong ngày) nhất là các giờ cao điểm, phát hiện kịp thời điểm cháy, báo động và huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay.

d) Chi cục Kiểm lâm phối hợp và nắm chắc tình hình khí tượng, thủy văn để dự báo và thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng về cấp cháy và tình hình cháy rừng ở địa phương.

6. Biện pháp đối với dự báo cháy rừng cấp V. Rất nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm, trên biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng mũi tên chỉ số V.

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố trực tiếp chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp Thành phố, huyện, xã và các chủ rừng.

b) Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng trọng điểm cháy.

c) Chủ rừng, lực lượng địa phương đảm bảo trực 24/24 giờ trong ngày, tăng cường kiểm tra người và phương tiện vào rừng.

d) Thông báo thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng về cấp cháy và tình hình cháy rừng ở địa phương.

đ) Khi xảy ra cháy rừng phải huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay, tiến hành điều tra xác minh vụ cháy và xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ CHỮA CHÁY RỪNG

Điều 5. Điều kiện an toàn về phòng cháy đối với khu rừng

1. Điều kiện an toàn về phòng cháy đối với khu rừng

a) Có quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy rừng; có biển báo, biển cấm lửa được bố trí tại các vị trí quy định, phù hợp với đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng.

b) Có phương án phòng cháy và chữa cháy rừng; có xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy rừng phù hợp.

c) Có các công trình phòng cháy và chữa cháy rừng phù hợp với đặc điểm và tính chất của từng loại rừng.

d) Trang bị phương tiện, dụng cụ phòng cháy và chữa cháy rừng phù hợp với đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng theo phương án phòng cháy và chữa cháy rừng.

đ) Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy rừng và tổ chức thường trực sẵn sàng, đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.

e) Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

2. Đối với các khu rừng có đường dây điện cao thế và các công trình có nguy cơ gây cháy rừng phải có hành lang an toàn phù hợp với từng loại công trình theo quy định của pháp luật và thường xuyên kiểm tra, dọn sạch vật liệu cháy trong hành lang an toàn.

3. Sử dụng lửa ở những cơ sở, công trình, công trường và nhà ở trong khu vực gần rừng phải bảo đảm không để cháy lan vào rừng; sau khi sử dụng lửa phải dập tắt hết tàn lửa.

4. Khi đốt đồng ruộng, đốt thực bì để chuẩn bị đất sản xuất và làm giảm vật liệu cháy trong rừng, người sử dụng lửa phải thực hiện.

a) Biện pháp an toàn phòng cháy và chữa cháy.

b) Không đốt vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Trong ngày, tiến hành đốt lúc gió nhẹ, vào trước 09 giờ sáng và sau 16 giờ chiều.

c) Trước khi đốt phải thông báo với chính quyền địa phương, tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa.

Điều 6. Các biện pháp chữa cháy rừng

1. Phát huy hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ.

2. Chuẩn bị phương tiện, dụng cụ: các địa phương, đơn vị, chủ rừng trên địa bàn phải bảo quản tốt và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, thiết bị, các công trình phòng cháy và chữa cháy rừng đã có như: máy bơm nước chữa cháy, cưa xăng, máy thổi gió, máy cắt thực bì, xe ô tô, xe máy, hệ thống thông tin liên lạc và các phương tiện khác. Ngoài ra, trang bị thêm đồ bảo hộ và các dụng cụ cần thiết chữa cháy rừng như: dao, rựa, bàn cào và các dụng cụ khác để dự phòng cho lực lượng tăng cường chữa cháy rừng. Xe chữa cháy chuyên dụng và các phương tiện, thiết bị khác của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

3. Tổ chức lực lượng chữa cháy rừng: khi cháy rừng xảy ra trên địa bàn tổ chức lực lượng chữa cháy rừng bao gồm: chủ rừng, địa phương, lực lượng Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

4. Tùy theo diễn biến của từng vụ cháy mà có thể huy động thêm lực lượng, phương tiện, dụng cụ của các đơn vị, địa phương trên địa bàn lân cận để chữa cháy rừng khi có yêu cầu.

5. Các biện pháp kỹ thuật chữa cháy rừng.

a) Biện pháp chữa cháy trực tiếp: là phương pháp bố trí đội hình chữa cháy trực tiếp đối đầu, bao vây ngọn lửa và dùng phương tiện, dụng cụ dập lửa liên tục. Chỉ được sử dụng khi nào đám cháy có ngọn lửa thấp, cường độ cháy không mạnh. Áp dụng đối với đám cháy nhỏ dưới 01 ha.

b) Biện pháp chữa cháy gián tiếp: là biện pháp dùng lực lượng và phương tiện để giới hạn đám cháy từ xa như làm đường băng cản lửa, áp dụng giải pháp làm giảm vật liệu cháy, làm giảm độ khô của vật liệu cháy, chủ động đốt trước hoặc các biện pháp ngăn chặn khác. Biện pháp này áp dụng khi xảy ra cháy với quy mô và cường độ cao, diện tích rừng còn lại của khu rừng lớn, việc trực tiếp dập lửa hiệu quả thấp, không an toàn cho người và phương tiện.

c) Kết hợp biện pháp kỹ thuật chữa cháy rừng trực tiếp và biện pháp kỹ thuật chữa cháy rừng gián tiếp.

6. Trong chữa cháy rừng phải luôn luôn quán triệt yêu cầu về bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia chữa cháy.

Điều 7. Người chỉ huy chữa cháy rừng

1. Khi xảy ra cháy, trong mọi trường hợp, người có chức vụ cao nhất của đơn vị Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có mặt tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy.

2. Người đứng đầu đơn vị Kiểm lâm hoặc người được ủy quyền tại nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy.

3. Trong trường hợp không có Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

a) Nếu chủ rừng là cơ quan, tổ chức thì người đứng đầu hoặc người được ủy quyền cơ quan, tổ chức là người chỉ huy chữa cháy rừng, trưởng khu phố, trưởng ấp, tổ trưởng tổ dân phố tại nơi xảy ra cháy rừng có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy; nếu chủ rừng là hộ gia đình hoặc cá nhân thì trưởng khu phố, trưởng ấp, tổ trưởng tổ dân phố hoặc người được ủy quyền tại nơi xảy ra cháy rừng là người chỉ huy chữa cháy.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên có mặt tại đám cháy là người chỉ huy chữa cháy rừng.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Tổ chức, quản lý lực lượng phòng cháy và chữa cháy rừng

1. Các địa phương có rừng thành lập và quản lý hoạt động của lực lượng phòng cháy và chữa cháy, Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các tổ đội phòng cháy và chữa cháy, dân phòng và lực lượng dân quân của địa phương; bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện và các điều kiện để duy trì hoạt động của lực lượng phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

2. Chủ rừng là tổ chức có trách nhiệm thành lập, quản lý hoạt động của đội phòng cháy và chữa cháy rừng; bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện và các điều kiện để duy trì hoạt động của đội phòng cháy và chữa cháy rừng; xây dựng và thực tập Phương án chữa cháy rừng hàng năm.

3. Cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm thành lập, quản lý hoạt động của các đơn vị phòng cháy và chữa cháy rừng thuộc phạm vi quản lý của mình; phối hợp Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn và tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy rừng chuyên ngành, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng và lực lượng bảo vệ rừng của cơ sở.

Điều 9. Trách nhiệm thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy rừng

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện liên quan tổ chức thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy rừng trên địa bàn Thanh phố Hồ Chí Minh.

b) Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thực hiện các nhiệm vụ về phòng cháy và chữa cháy rừng.

Chủ động thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về phòng cháy và chữa cháy rừng; tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương và của Thành phố trong công tác phòng cháy và chữa cháy rừng.

Thường xuyên chỉ đạo theo dõi, cập nhật thông tin cảnh báo cháy rừng và thông báo cấp dự báo cháy rừng để chủ động tổ chức tuần tra, kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng, giải quyết kịp thời, không để đám cháy lây lan trên diện rộng.

Chuẩn bị sẵn sàng, huy động lực lượng xử lý khi có cháy rừng; bố trí trực phòng cháy và chữa cháy rừng thường xuyên 24/24 giờ trong những tháng cao điểm của mùa khô để kịp thời tiếp nhận và xử lý ngay thông tin báo cháy, không để xảy ra cháy lớn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra.

Phối hợp cùng Trung tâm Khí tượng thủy văn Nam Bộ để có thông tin diễn biến thời tiết cho xây dựng dự báo cháy rừng cung cấp cho Đài Truyền hình Thành phố để kịp thời cảnh báo cho các địa phương biết về nguy cơ cháy rừng và triển khai các biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy rừng ở các địa phương, cơ sở và các chủ rừng trong suốt mùa khô, nhất là các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng.

c) Chỉ đạo ngành Thủy lợi, tăng cường điều tiết nước phục vụ công tác phòng cháy và chữa cháy rừng.

2. Bộ Tư lệnh Thành phố

Chỉ đạo các đơn vị Quân đội trực thuộc, lực lượng Dân quân tự vệ tại các địa phương có rừng tăng cường phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, Công an và các lực lượng khác trong công tác phòng cháy và chữa cháy rừng theo các quy định của pháp luật.

3. Công an Thành phố

Chỉ đạo Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ và các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với Chi cục Kiểm lâm và các lực lượng khác trong thực hiện

a) Công tác kiểm tra hướng dẫn về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của chủ rừng và các phường, xã có rừng.

b) Đào tạo huấn luyện cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở, lực lượng xung kích phòng cháy, chữa cháy rừng tại các phường, xã có rừng.

4. Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố, Đài Phát thanh - Truyền hình Thành phố và các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm) và các cơ quan, tổ chức liên quan tuyên truyền phổ biến pháp luật về công tác phòng cháy và chữa cháy rừng trong các tháng cao điểm; thông tin cấp dự báo cháy rừng hàng ngày trong các tháng cao điểm mùa khô đến toàn thể nhân dân nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng.

5. Trách nhiệm về phòng cháy và chữa cháy của chủ rừng là tổ chức

a) Các chủ rừng là tổ chức

Tăng cường vai trò trách nhiệm trong công tác phòng cháy và chữa cháy rừng đối với diện tích rừng do đơn vị quản lý; thực hiện đúng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đã được phê duyệt và chịu trách nhiệm về diện tích rừng do đơn vị quản lý.

Bố trí trực phòng cháy và chữa cháy rừng thường xuyên. Tăng cường hệ thống cảnh báo cháy rừng, bảng tuyên truyền, trang bị phương tiện chữa cháy để đáp ứng tốt công tác chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

b) Trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trong khu vực có rừng.

Tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về phòng cháy và chữa cháy của chủ rừng theo quy định của pháp luật.

Phối hợp với các chủ rừng khác, chính quyền sở tại, cơ quan, tổ chức xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy của chủ rừng; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình lân cận.

Thực hiện các hoạt động phòng cháy và chữa cháy khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Ngăn chặn và báo kịp thời khi phát hiện nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy rừng và hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; báo cháy và chữa cháy kịp thời khi phát hiện cháy và chấp hành nghiêm lệnh huy động tham gia chữa cháy rừng.

6. Ủy ban nhân dân các huyện có rừng

a) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, phường phối hợp với Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Chi cục Kiểm lâm thực hiện quản lý Nhà nước về công tác phòng cháy và chữa cháy rừng, không để xảy ra cháy rừng, chủ động tăng cường thực hiện giảm số vụ cháy trên địa bàn.

b) Chủ động tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất tại các khu vực gần rừng, nghiêm cấm sử dụng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác ở khu vực ven rừng, trong rừng, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng.

c) Thực hiện việc báo cáo với các cấp, các ngành về công tác phòng cháy và tình hình cháy rừng xảy ra trên địa bàn quản lý.

7. Ủy ban nhân dân cấp xã có rừng

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy đối với diện tích rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn.

b) Phối hợp với các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội, chủ rừng, tổ chức lực lượng phòng cháy và chữa cháy rừng trên địa bàn; phát hiện và ngăn chặn kịp thời những trường hợp vi phạm về phòng cháy và chữa cháy rừng.

c) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng cháy và chữa cháy rừng; hướng dẫn nhân dân thực hiện trách nhiệm và các biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng, huy động các lực lượng chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý.

d) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chính sách về phòng cháy và chữa cháy rừng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn.

đ) Thành lập, củng cố Ban chỉ huy, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cấp xã và các Tổ, đội xung kích phòng cháy và chữa cháy tại các địa bàn có rừng./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 28/2023/QĐ-UBND ngày 05/07/2023 Quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


891

DMCA.com Protection Status
IP: 18.188.113.185
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!