ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2500/QĐ-UBND
|
Hưng Yên, ngày 02
tháng 11 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUÁ HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI VÀ CẤP
NƯỚC SẠCH TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Phòng chống, thiên tai
ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng
6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định của Chính phủ; số
117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 về sản xuất, cung cấp
và tiêu thụ nước sạch; số
124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ; số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 về quản
lý chi phí đầu tư xây dựng; số
06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 quy định chi tiết một
số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công
trình xây dựng; số
15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 quy định chi tiết một
số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại
biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần
thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025;
Căn cứ Thông báo số 45-TB/TV ngày 18/01/2021 của Tỉnh ủy về việc phân công các đồng chí chủ trì, cơ quan xây dựng các chương trình, đề án trình Tỉnh ủy, Ban Thường
vụ Tỉnh ủy để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần
thứ XIX Đảng bộ tỉnh;
Căn cứ Kết luận số 227-KL/TV ngày 28/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh
ủy về Đề án nâng cao hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi
và cấp nước sạch tỉnh Hưng
Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030:
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tại Văn bản số 963/SNN-TL ngày 31/8/2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hệ thống công
trình thủy lợi và cấp nước sạch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng
đến năm 2030 (có Đề án kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng sở, ban,
ngành tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có
liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các đoàn thể tỉnh;
- Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- Công ty TNHH MTV KTCT thủy lợi tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Trung tâm Thông tin - Hội nghị tỉnh;
- Lưu: VT, KT1H.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Quốc Văn
|
ĐỀ ÁN
NÂNG CAO HIỆU QUẢ HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI VÀ CẤP NƯỚC SẠCH TỈNH
HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 2500/QĐ-UBND ngày 02/11/2021 của UBND tỉnh Hưng
Yên)
Phần I
CƠ SỞ PHÁP LÝ
I. CÁC CĂN CỨ
- Luật Phòng chống, thiên tai ngày
19/6/2013;
- Luật Thủy lợi ngày 19/6/2017;
- Nghị định của Chính phủ: Số
117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 về sản xuất, cung cấp và
tiêu thụ nước sạch; số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của
Chính phủ; số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 về quản lý chi
phí đầu tư xây dựng; số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 quy định chi tiết một số
nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo
trì công trình xây dựng; số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021
quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
- Thông tư số 01/2008/TT-BXD ngày
02/01/2008 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP
ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
- Thông tư số 08/2012/TT-BXD ngày
21/11/2012 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp
nước an toàn;
- Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày
14/12/2018 của Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích
sinh hoạt;
- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ
tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ
2020 -2025;
- Thông báo số 45-TB/TU ngày
18/01/2021 của Tỉnh ủy về việc phân công các đồng chí chủ
trì, cơ quan xây dựng các chương trình, đề án
trình Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ
XIX Đảng bộ tỉnh;
- Căn cứ Kết luận số 227-KL/TU ngày
28 tháng 7 năm 2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về Đề án nâng cao hiệu quả hệ thống
công trình thủy lợi và cấp nước sạch tỉnh Hưng Yên giai đoạn
2021-2025, định hướng đến năm 2030.
II. SỰ CẦN THIẾT
Đến nay, hệ thống Bắc Hưng Hải nói
chung, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên nói riêng và hệ thống cấp
nước sạch đã cơ bản được điều chỉnh và đáp ứng các yêu cầu khai thác, sử dụng.
Tuy vậy, công tác thủy lợi và cấp nước của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, thách
thức và tồn tại như sau:
- Do sự biến đổi của khí hậu, diễn biến
thời tiết ngày càng bất lợi; tình trạng thiếu nguồn nước tưới vào vụ Xuân và
mưa lớn gây ngập úng trên diện rộng thường xuyên xuất hiện.
- Quá trình phát triển theo hướng tổng
hợp, đa ngành, đa lĩnh vực gồm Công nghiệp, Nông nghiệp, Đô thị và Nông thôn đã
tác động mạnh mẽ đến hệ thống thủy lợi. Nhìn chung, hệ thống thủy
lợi đã không đơn thuần chỉ phục vụ nông nghiệp mà còn phục vụ đa mục tiêu kinh
tế - xã hội với yêu cầu hiện đại hóa ngày càng cao.
- Đa số công trình thủy lợi hiện có
được đầu tư xây dựng từ lâu, qua nhiều năm khai thác, sử dụng đến nay đã xuống
cấp, thiếu công xuất; hệ thống sông trục tưới tiêu và kênh mương nội đồng bị bồi
lắng, thu hẹp dòng chảy ngày càng nghiêm trọng.
- Cơ chế, chính sách trong lĩnh vực
thủy lợi còn tồn tại và chưa phù hợp để tạo động lực, phát
huy sức mạnh của các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và cộng đồng tham
gia đầu tư xây dựng, bảo vệ công trình thủy lợi.
- Trong điều kiện phát triển và tăng
trưởng của nền kinh tế, nước sạch và vệ sinh môi trường là nhu cầu thiết yếu của
cuộc sống, phản ánh chất lượng sống của mỗi gia đình, mỗi
quốc gia. Để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề
ra là tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch 100%, cần các biện pháp, giải pháp
cụ thể, thiết thực, có hiệu quả để nâng cao hiệu quả Chương trình
cấp nước sạch của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Phần II
ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG
I. ĐÁNH GIÁ THỰC
TRẠNG VÀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
1. Hiện trạng hệ thống các công
trình thủy lợi:
Đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng
đưa vào khai thác sử dụng 638 trạm bơm (26 TB cột nước thấp), trong đó: Chuyên
tưới 454 trạm (9 TB cột nước thấp), chuyên tiêu 38 trạm (4 TB cột nước thấp) và
tưới tiêu kết hợp 146 trạm (13 TB cột nước thấp). Hệ thống kênh nội đồng của tỉnh
cơ bản hoàn thiện từ công trình đầu mối đến mặt ruộng, với tổng chiều dài hơn
6.289km; trong đó: Sông trục hệ thống Bắc Hưng Hải là 93,5km, kênh trục liên
huyện và kênh dẫn nước tưới, tiêu chính là 1.195km; kênh tiểu thủy lợi hơn
5.000km. Hệ thống công trình thủy lợi trong đồng được phân thành 4 khu phục vụ tưới tiêu cho dân sinh, nông nghiệp và các ngành
kinh tế, cụ thể:
a) Khu Bắc Kim Sơn: Tổng số công trình phục vụ tưới, tiêu là 173 trạm bơm, trong đó:
Chuyên tưới 129 trạm (3 TB cột nước thấp), chuyên tiêu 5 trạm và tưới tiêu kết
hợp 39 trạm (2 TB cột nước thấp). Các trục sông, kênh chính làm nhiệm vụ dẫn nước
tưới tiêu của khu được kết nối, liên thông với nhau như: Sông Lương Tài, Bà
Sinh, Bần - Vũ Xá,...
b) Khu Châu Giang: Tổng số công trình phục vụ tưới tiêu là 141 trạm bơm, trong đó: Chuyên
tưới 104 trạm, chuyên tiêu 11 trạm và tưới tiêu kết hợp 26 trạm (1 TB cột nước
thấp). Các trục sông, kênh chính làm nhiệm vụ dẫn nước tưới tiêu của khu được kết
nối, liên thông với nhau như: Sông Thái Nội, Tam Bá Hiển,
sông Mười, sông Đồng Quê, Từ Hồ - Sài Thị,...
c) Khu Ân Thi - đường 39: Tổng số công trình phục vụ tưới tiêu là 155 trạm bơm, trong đó: Chuyên
tưới 109 trạm (1 TB cột nước thấp), chuyên tiêu 3 trạm và tưới tiêu kết hợp 43
trạm (7 TB cột nước thấp). Các trục sông, kênh chính làm nhiệm vụ dẫn nước tưới
tiêu của khu được kết nối, liên thông với nhau như: Sông Bún, Quảng Lãng,....
d) Khu Nam Cửu An: Tổng số công trình phục vụ tưới tiêu là
169 trạm bơm, trong đó: Chuyên tưới 112 trạm (5 TB cột nước thấp), chuyên tiêu
19 trạm (4 TB cột nước thấp) và tưới tiêu kết hợp 38 trạm (3 TB cột nước thấp).
Các trục sông, kênh chính làm nhiệm vụ dẫn nước tưới tiêu của khu được kết nối, liên thông với nhau như: Sông Hòa Bình,
Bác Hồ, Sậy - La Tiến, Lê Như Hổ, sông 61, sông Đống Lồ, Cao xá - Phượng Tường,...
2. Năng lực phục vụ tưới, tiêu phục
vụ sản xuất nông nghiệp:
a) Về cấp nước tưới: Nguồn nước chủ yếu lấy từ sông Hồng qua cống Xuân Quan vào hệ thống
sông Bắc Hưng Hải và các sông trục cấp nước phục vụ dân sinh, các ngành kinh tế
của Tỉnh và tạo nguồn cho các trạm bơm phục vụ tưới cho cây trồng; ngoài ra,
tranh thủ thủy triều lấy nguồn nước từ sông Luộc, tăng cường nguồn nước phục vụ
chủ yếu cho huyện Tiên Lữ, Phù Cừ qua cống Võng Phan.
Tổng diện tích tưới ổn định là
43.189ha/46.990ha, đạt 91,9% tổng diện tích cân tưới bằng động
lực theo quy hoạch, trong đó:
- Khu Bắc Kim Sơn: Diện tích tưới ổn
định là 9.638 ha/9.638 ha, đạt 100%.
- Khu Châu Giang: Diện tích tưới ổn định
là 9.193 ha/12.577 ha, đạt 73,1%.
- Khu Ân Thi - Đường 39: Diện tích tưới
ổn định là 9.210 ha/9.627 ha, đạt 95,6%.
- Khu Tây Nam - Cửu An: Diện tích tưới ổn định là 15.148ha/15.148ha, đạt 100%.
b) Về tiêu nước: Tổng diện tích tiêu trực tiếp ra sông Hồng, sông Luộc là 24.155ha, thuộc
lưu vực các trạm bơm Liên Nghĩa, Nghi Xuyên, Bảo Khê (tiêu
đô thị), Triều Dương A và B, Mai Xá A và B, La Tiến A và B; tổng diện tích tiêu
tự chảy ra sông Bắc Hưng Hải là 2.500 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Văn Giang, Khoái
Châu; phần diện tích còn lại tiêu bằng động lực ra sông Bắc Hưng Hải về cống Cầu
Xe, An Thổ ra sông Thái Bình, sông Luộc.
Tổng diện tích được tiêu ổn định là
76 615 ha/80.728 ha, đạt 94,9 % tổng diện tích cần tiêu bằng động lực theo quy
hoạch, trong đó:
- Khu Bắc Kim Sơn: Diện tích được
tiêu ổn định 16.885ha/18.429ha, đạt 91,6%.
- Khu Châu Giang: Diện tích được tiêu
ổn định 20.211ha/20.751 ha, đạt 97,4%.
- Khu Ân Thi - Đường 39: Diện tích được
tiêu ổn định 13.465ha/15.494ha, đạt 86,9 %.
- Khu Tây Nam - Cửu An: Diện tích được
tiêu ổn định 26.054ha/26.054ha, đạt 100%.
3. Năng lực phục vụ tiêu thoát nước
phục vụ dân sinh, công nghiệp và các ngành kinh tế khác:
Hiện tại, đa số các trạm bơm tiêu, hệ
thống kênh mương đã được đầu tư xây dựng từ lâu, có nhiệm vụ thiết kế chủ yếu
phục vụ tiêu thoát nước cho sản xuất nông nghiệp đến nay chuyển đổi sang phục vụ
tiêu thoát nước cho công nghiệp, đô thị,...(hệ số tiêu cho công nghiệp, đô
thị tăng gấp khoảng 2,5 lần so với hệ số tiêu cho nông nghiệp),
nên nhiều hệ thống kênh mương, trạm bơm đang bị quá tải, thiếu công suất phục vụ;
với năng lực công trình thủy lợi hiện có mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu
tiêu thoát nước của khu công nghiệp, đô thị.
4. Kết quả áp dụng tưới nước cho
cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh:
Biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm
nước cho cây trồng cạn hiện áp dụng trên địa bàn tỉnh chủ yếu sử dụng biện pháp
tưới phun cục bộ, tưới nhỏ giọt và tưới tiết kiệm trong nhà lưới, nhà kính. Tổng
diện tích cây trồng cạn áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước khoảng 3.724 ha,
trong đó:
- Diện tích tưới phun cục bộ: 3.098
ha, (đạt 83%).
- Diện tích nhỏ giọt: 25 ha, (đạt
0,7%).
- Diện tích tưới tiết kiệm nước trong
nhà lưới, nhà kính: 601 ha, (đạt 16,3%).
5. Về quản lý, khai thác công
trình thủy lợi:
- Giai đoạn 2011-2016, công trình thủy
lợi trên địa bàn tỉnh do khối doanh nghiệp Nhà nước (02 Công ty khai thác công
trình thủy lợi) và 154 HTX dịch vụ nông nghiệp tham gia quản lý, khai thác và bảo
vệ công trình. Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 21/3/2013 của Ban thường vụ
Tỉnh ủy, Chương trình hành động số 50A/CTr-UBND ngày
26/4/2013 của UBND tỉnh về việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước; tăng
cường giải quyết xử lý hiệu quả tình trạng vi phạm lấn chiếm công
trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018 tỉnh đã thực hiện bàn giao toàn bộ công trình thủy lợi do các
HTX dịch vụ nông nghiệp quản lý về Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi
tỉnh quản lý, khai thác và bảo vệ.
- Tổ chức, bộ máy của Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh: Bộ máy quản lý, khai thác
công trình thủy lợi tinh gọn, ít đầu mối; vận hành hoạt động có tổ chức chuyên
nghiệp và hiệu quả, tổ chức bao gồm: Khối văn phòng Công ty, 9 Xí nghiệp khai
thác công trình thủy lợi trực thuộc Công ty trực tiếp quản lý, khai thác và bảo
vệ công trình thủy lợi trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố và đến các Cụm,
các Trạm.
- Trình độ cán bộ, nhân viên, công
nhân cơ bản có năng lực, trình độ chuyên môn được đào tạo đúng chuyên ngành; vận
hành công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm quy trình, quy phạm, điều
hành tưới, tiêu nước hiệu quả và an toàn. Hiện tại, tổng số cán bộ, công nhân của
Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh là 2.265 người, trong đó:
+ Số cán bộ,
nhân viên, công nhân thuộc biên chế của Công ty là 861 người; có trình độ trên
đại học 12 người, đại học 227 người, cao đẳng là 16 người,
trung cấp 72 người và công nhân vận hành trạm bơm 534 người.
+ Số công nhân làm việc theo Hợp đồng
thời vụ 1.404 người (làm việc quản lý, vận hành các trạm bơm tiếp nhận từ các
HTX dịch vụ nông nghiệp về Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh).
6. Những khó khăn, hạn chế:
- Mùa kiệt mực nước sông Hồng xuống
thấp, thấp hơn rất nhiều so với mực nước thiết kế của các công trình thủy lợi nội
đồng, gây nhiều khó khăn cho công tác phục vụ sản xuất và ảnh hưởng đến đời sống
sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh.
- Nhiều trạm bơm xây dựng từ lâu, đến nay chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp, máy móc
thiết bị đã xuống cấp; hệ thống kênh mương chủ yếu là kênh
đất thường xuyên bị sạt trượt, bồi lắng, mặt cắt dòng chảy
thu hẹp, thiết bị vận hành công trình lạc hậu dẫn đến hiệu suất phục vụ tưới
tiêu không cao và khó khăn cho việc ứng dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết
kiệm nước cho cây trồng.
- Công nghiệp, đô thị và giao thông
phát triển nhanh, dẫn đến nhu cầu tiêu thoát nước ngày một tăng, tạo áp lực lớn
cho hệ thống công trình thủy lợi, nhiều công trình, hệ thống công trình thủy lợi
không đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước trong giai đoạn hiện nay (thiếu công suất
năng lực tiêu nước).
- Đối tượng phục vụ tưới, tiêu của
nhiều công trình đến nay đã bị thay đổi, dẫn đến nhiệm vụ của công trình và hệ
thống kênh mương không còn phù hợp, hiệu quả phục vụ công
trình thủy lợi không cao.
- Những năm gần đây diện tích chuyển đổi
từ lúa kém hiệu quả sang rau, màu, hoa, cây cảnh và cây ăn quả diễn
ra mạnh mẽ, do đó nhu cầu về tưới tiêu khác rất nhiều. Mặt khác, diện tích cây
trồng cạn áp dụng biện pháp tưới tiên tiến tiết kiệm nước còn thấp, chiếm 18,5%
trong tổng số 20.091,8ha diện tích sản xuất cây trồng cạn;
biện pháp tưới chưa phù hợp và chưa hiệu quả.
- Tình trạng xả nước thải chưa qua xử
lý của các Khu công nghiệp, Đô thị, dân cư và Làng nghề vào hệ thống công trình
thủy lợi gây ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng; đặc
biệt phía thượng lưu sông Kim Sơn (hệ thống Bắc Hưng Hải),
vị trí cống Xuân Thụy (sông Cầu Bây).
- Vi phạm công trình thủy lợi mặc dù
đã được các cấp các ngành quyết liệt ngăn chặn xử lý; tuy nhiên vẫn còn tồn tại,
chưa được xử lý triệt để.
- Số lượng cán bộ,
công nhân trực tiếp quản lý, vận hành các trạm bơm có trình độ đáp ứng yêu cầu quy
định tại Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ quy định chi
tiết một số điều của Luật thủy lợi còn hạn chế.
- Mức chi trả đối với công nhân, nhân
viên hợp đồng thời vụ với Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh
hiện tại chưa có quy định cụ thể.
7. Nguyên nhân:
- Những năm gần đây diễn biến thời tiết cực đoan, mùa kiệt mưa ít xuất hiện gây hạn hán kéo dài
và mùa mưa, bão, áp thấp thường xuyên xuất hiện gây mưa với cường độ lớn.
- Ý thức bảo vệ công trình thủy lợi của
một số bộ phận nhân dân chưa cao, tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ công
trình thủy lợi còn tồn tại chưa xử lý triệt để. Tỉnh trạng xả, vứt rác thải vào
công trình thủy lợi vẫn tồn tại và ngày càng gia tăng,
chưa được quan tâm xử lý.
- Nguồn kinh phí dành cho việc đầu tư
xây dựng và cải tạo, nâng cấp công trình thủy lợi để đáp ứng
nhu cầu tưới, tiêu và thoát nước cho các đối tượng còn nhiều
hạn chế và chưa kịp thời.
II. ĐÁNH GIÁ THỰC
TRẠNG VÀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ - KHAI THÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SẠCH TỈNH HƯNG YÊN
1. Thực trạng công trình, kết quả
phục vụ cung cấp nước sạch:
Trong những năm gần đây, Chương trình
cấp nước sạch tỉnh Hưng Yên đã được quan tâm, đầu tư trọng điểm. Đến nay:
- Tất cả các đơn vị hành chính cấp xã
đã được quy hoạch và phân vùng cấp nước sạch;
- Toàn tỉnh có 45 dự án cấp nước sạch,
trong đó có 43 dự án đang hoạt động, 01 dự án (nhà máy nước An Sinh huyện
Văn Lâm) hiện đang thi công hoàn thiện phần đường ống và đấu nối
đồng hồ sử dụng nước, dự kiến đến ngày 15/6/2021 sẽ cấp nước cho người dân và
01 dự án (nhà máy nước Xuân Quan huyện Văn Giang) đang xin chủ trương đầu tư với
Tổng công suất thiết kế khoảng 250.000m3/ngày đêm.
Một số đơn vị cấp nước hiện đang tiến hành nâng công suất, mở rộng quy mô nhà
máy. Trong đó: Có 42 nhà máy nước nằm trên địa bàn tỉnh; 02 nhà máy nước từ Hải
Dương.
- Về nguồn vốn:
+ Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc
gia về Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (gọi tắt là Chương trình NTP),
từ năm 1997 đến 2015, tỉnh Hưng Yên đã đầu tư xây dựng 16 nhà máy với Tổng mức
đầu tư đã được quyết toán là 123.000 triệu đồng, các công trình đã hoàn thành
đưa vào vận hành, cung cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn 28 xã, phường,
thị trấn thuộc 09 huyện, thị xã. Tổng số đấu nối thực tế của toàn bộ các công trình
thuộc chương trình NTP là 39.283/51.930 hộ (đạt 75,7% thiết kế),
công suất tiêu thụ đạt 24.830/15.400 m3/ngđ (đạt tỷ lệ 161,23%), tỷ
lệ xây dựng mạng đường ống đạt 100% theo thiết kế. Hiện nay, Trung tâm Nước
sinh hoạt và VSMTNT đang quản lý, vận hành 01 NMN, còn lại 15 NMN thuộc Chương
trình NTP hiện do các doanh nghiệp quản lý, vận hành theo các quyết định tạm
giao hoặc các biên bản bàn giao của UBND xã, UBND huyện hoặc Trung tâm Nước
sinh hoạt và VSMTNT, không có quyết định giao quản lý của UBND tỉnh theo quy định
tại Thông tư 54/TT-BTC ngày 04/5/2013 của Bộ Tài chính. Do chưa có quyết định
giao công trình cho đơn vị quản lý nên từ khi được tạm giao đến nay, các doanh
nghiệp chưa thực hiện việc trích nộp chi phí khấu hao tài sản, hoàn trả phần vốn
nhà nước theo quy định. Mặt khác, qua quá trình vận hành, khai thác các nhà máy
nước đã được đầu tư thêm bằng nhiều nguồn vốn (doanh nghiệp,
nhân dân,...), một số hạng mục công trình thuộc phần vốn nhà nước đầu tư đã xuống
cấp, hư hỏng, nhiều hạng mục công trình như các tuyến ống, hệ thống lọc đã được
các doanh nghiệp cải tạo, thay thế để đảm bảo chất lượng
nước cho người dân. Tuy nhiên quá trình đầu tư diễn ra lâu dài (bắt đầu từ năm
2001 đến nay). Các thủ tục, chứng từ tài chính đều thiếu, không đầy đủ. Do đó, rất khó xác định nguồn vốn nhà nước và nguồn vốn doanh nghiệp
đầu tư. Căn cứ kết quả thẩm định của Công ty TNHH thẩm định giá và đại lý thuế
Việt Nam ngày 18/12/2017 giá trị còn lại của 16 công trình nhà máy nước thuộc
Chương trình Mục tiêu quốc gia đến thời điểm thẩm định là 74,7 tỷ đồng.
+ Thực hiện Chương trình WB (PforR),
tỉnh Hưng Yên đã đầu tư xây dựng 18 dự án cấp nước tập trung nông thôn, bao gồm
09 dự án giai đoạn 1 và 09 dự án giai đoạn 2 (nối mạng từ các dự án đợt 1), được
triển khai thi công xây dựng từ năm 2013. Đến nay tất cả
các công trình đã hoàn thành đưa vào vận hành, cung cấp nước sạch cho người dân
trên địa bàn 22 xã thuộc 09 huyện, thị xã. Tổng số đấu nối thực tế của toàn bộ các công trình thuộc chương trình PforR là 31.103/39.057 hộ
(đạt 80% thiết kế), công suất tiêu thụ đạt 7.622/16.090 m3/ngđ (đạt tỷ lệ 47%), tỷ lệ xây dựng mạng đường ống đạt 100% theo thiết
kế. Hiện nay, các công trình thuộc Chương trình PforR đang được UBND tỉnh Hưng
Yên tạm giao cho Trung tâm Nước quản lý, vận hành. Theo báo cáo của Trung tâm
Nước sinh hoạt và VSMTNT, hoạt động sản xuất kinh doanh của
các công trình thuộc chương trình PforR cơ bản thu đủ bù chi, chưa thực hiện được
việc trích nộp khấu hao tài sản nhà nước và chưa đủ khả năng trả nợ vốn vay theo quy định do doanh thu chỉ đảm bảo thu đủ bù chi. Căn cứ
kết quả thẩm định của Công ty TNHH thẩm định giá và đại lý thuế Việt Nam ngày
17/4/2018, giá trị còn lại của 09 nhà máy nước và 01 hệ thống thuộc chương
trình PforR đến thời điểm thẩm định là 419,2 tỷ đồng.
+ Có 3 nhà máy nước từ ODA Phần Lan.
+ Có 14 nhà máy nước nguồn xã hội
hóa, doanh nghiệp.
- Về nguồn nước:
+ 24 nhà máy nước sử dụng nguồn nước
ngầm.
+ 18 nhà máy nước sử dụng nguồn nước
mặt sông Hồng, sông Luộc, hoặc mua buôn từ các nhà máy nước sử dụng nguồn nước
mặt Sông Hồng, Sông Luộc.
- Các nhà máy trên địa bàn các huyện,
thị xã, thành phố:
+ Văn Giang (06
nhà máy), tỷ lệ đấu nối đồng hồ đạt 62%, trong đó có 02 nhà máy khai thác nước
mặt sông Hồng, 04 nhà máy khai thác nước ngầm.
+ Khoái Châu (07 nhà máy), tỷ lệ đấu
nối đạt 71,2%, trong đó có 03 nhà máy khai thác nước mặt sông Hồng, 04 nhà máy
khai thác nước ngầm.
+ Văn Lâm (04 nhà máy), tỷ lệ đấu nối
đạt 68,5%, trong đó có 04 nhà máy khai thác nước ngầm.
+ Mỹ Hào (06 nhà máy), tỷ lệ đấu nối
đạt 64,6%, trong đó có 02 nhà máy khai thác nước mặt sông Hồng, sông Thái Bình,
04 nhà máy khai thác nước ngầm.
+ Yên Mỹ (07 nhà máy), tỷ lệ đấu nối
đạt 74,8%, trong đó có 07 nhà máy khai thác nước ngầm.
+ Kim Động (07 nhà máy), tỷ lệ đấu nối
đạt 77%, trong đó có 06 nhả máy khai thác nước mặt sông Hồng, 01 nhà máy khai
thác nước ngầm.
+ Ân Thi (05 nhà
máy), tỷ lệ đấu nối đạt 62%, trong có 04 nhà máy khai thác nước mặt sông Hông,
sông Luộc và mua buôn từ các nhà máy nước sử dụng nguồn nước mặt Sông Hồng,
Sông Luộc; 01 nha máy khai thác nước ngầm.
+ Thành phố Hưng Yên (03 nhà máy), tỷ
lệ đấu nối đạt 81,2%, trong có 03 nhà máy khai thác nước mặt sông Hồng, sông Luộc.
+ Tiên Lừ (06 nhà máy), tỷ lệ đấu nối
đạt 54,9%, trong có 05 nhà máy khai thác nước mặt sông Hồng, sông Luộc, 01 nhà
máy khai thác nước ngầm.
+ Phù Cừ (06 nhà máy), tỷ lệ đấu nối
đạt 58,4%, trong có 06 nhà máy khai thác nước mặt sông Luộc
và mua buôn từ các nhà máy nước sử dụng nguồn nước mặt sông Luộc.
- Về việc thực hiện chuyển nguồn nước
thô của các cơ sở khai thác nước: Từ tháng 10/2019, tất cả
các nhà máy nước trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc chuyển
nguồn nước thô nội đồng sang sử dụng nước sông Hồng, sông Luộc hoặc mua buôn nước
sạch từ các nhà máy nước khác.
- Đến nay, trên
địa bàn tỉnh còn 05 xã người dân chưa được sử dụng nước sạch từ các nhà máy nước
tập trung. Trong đó: 04 xã (Lạc Đạo, Minh Hài, Lạc Hồng và Việt Hưng), huyện
Văn Lâm thuộc phân vùng cấp nước của nhà máy nước An Sinh, hiện đang thi công
hoàn thiện phần đường ống và đấu nối đồng hồ sử dụng nước, dự kiến đến ngày
15/6/2021 sẽ thực hiện việc cấp nước cho người dân và xã Xuân Quan, huyện Văn
Giang. UBND tỉnh đã đồng ý về chủ trương triển khai thực
hiện dự án “Nhà máy nước sạch Xuân Quan” tại Công văn số 2079/UBND-TH ngày
12/8/2020, doanh nghiệp đang phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện hồ sơ, thủ tục
liên quan triển khai thực hiện dự án (tiến độ thực hiện còn chậm).
- Tỷ lệ đấu nối đồng
hồ sử dụng nước toàn tỉnh mới đạt trung bình 67,5% (tương đương 227.000/335.000
hộ), thấp hơn so với mục tiêu, nhiệm vụ của UBND tỉnh giao, cũng như so với hệ
thống mạng đường ống cấp nước dịch vụ đã được triển khai trên toàn tỉnh.
2. Về quản lý, khai thác công
trình cấp nước sạch:
Trên địa bàn tỉnh, các công trình cấp
nước sạch bao gồm 11 nhà máy nước do Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường
nông thôn quản lý, 34 nhà máy do các doanh nghiệp quản lý.
Trong thời gian vừa qua, các công
trình được giao cho Trung tâm nước và doanh nghiệp hoạt động bền vững, hiệu quả,
đội ngũ quản lý, vận hành có năng lực chuyên môn, chủ động trong việc bố trí
kinh phí sửa chữa. Việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng nước
sạch còn nhiều bất cập, để khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng
và khai thác công trình cấp nước sạch, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan và địa
phương dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết
cấu hạ tầng cấp nước sạch để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới làm
cơ sở để cho việc thực hiện quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng
cấp nước sạch (căn cứ cho việc xử lý các công trình được đầu tư bằng nguồn mục
tiêu quốc gia và vốn vay WB).
Hiện nay, các công trình thuộc Chương
trình PforR và 01 công trình thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia đang được
LBND tỉnh Hưng Yên tạm giao cho Trung tâm Nước quản lý, vận hành.
Công tác quản lý, vận hành, khai thác
các công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh cũng đạt được những kết quả nhất định:
- Tỷ lệ đường ống cấp nước dịch vụ
(đường ống cấp 3) cơ bản đạt trên 95% tại các xã có dự án cấp nước đang hoạt động.
- Tỷ lệ đấu nối tính đến hết tháng
12/2020 đạt khoảng 67,5%. Trong đó địa phương cao nhất là: TP Hưng Yên (81,2%),
Kim Động (77%), thấp nhất là: Tiên Lữ (54,9%), Phù Cừ (58,4%).
- Chất lượng nước của các nhà máy nước
tập trung cơ bản đạt chất lượng theo Quy chuẩn, công tác nội kiểm và ngoại kiểm
được tiến hành định kỳ theo quy định.
3. Khó khăn, hạn chế:
- Việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng
nước sạch đối với các nhà máy nước thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia gặp nhiều
khó khăn, khó xác định được nguồn vốn doanh nghiệp, vốn nhà nước nên khó xác định
được giá để xử lý tài sản; có nguy cơ xảy ra tranh chấp,
khiếu kiện khi triển khai xử lý tài sản.
- Khó khăn trong công tác bảo trì, cải
tạo, nâng cấp chất lượng, mở rộng mạng đường ống cấp nước đối với các nhà máy thuộc chương trình
PforR.
- Công tác đảm bảo cấp nước an toàn
còn một số hạn chế, việc đảm bảo cấp nước ổn định, đủ lưu lượng, áp lực và thời gian cấp nước liên tục 24/24h của một
số đơn vị tại một số thời điểm còn chưa được đảm bảo làm ảnh hưởng đến sinh hoạt
của nhân dân.
- Công tác tuyên truyền vận động người
dân đấu nối sử dụng nước sạch tại các địa phương và của các đơn vị cấp nước
chưa thực sự hiệu quả, nhiều địa phương đã lắp đặt hoàn thành mạng đường ống
cấp nước dịch vụ nhưng tỷ lệ đấu nối còn thấp.
- Một số nhà máy nước còn khai thác
nước ngầm nên chất lượng nước chưa đảm bảo, phải xử lý tốn kém.
4. Nguyên nhân:
- Các nhà máy thuộc Chương trình Mục
tiêu quốc gia đều do các doanh nghiệp quản lý, vận hành theo các quyết định tạm
giao hoặc biên bản bàn giao nên chưa thực hiện việc trích nộp chi phí khấu hao
tài sản, hoàn trả phần vốn nhà nước theo quy định; quá trình đầu tư cải tạo,
nâng cấp, mở rộng diễn ra trong thời gian dài, các thủ tục, chứng từ tài chính
không đầy đủ nên rất khó xử lý tài sản.
- Việc quản lý các nhà máy thuộc
Chương trình PforR của Trung tâm nước sinh hoạt và VSMTNT mới được UBND tỉnh tạm
giao, chưa được bàn giao chính thức, một số khu dân cư nằm trong phân vùng cấp
nước được giao nhưng lại nằm ngoài phạm vi khi thực hiện dự án.
- Công tác tuyên truyền vận động người
dân đấu nối sử dụng nước sạch tại các địa phương và các đơn vị cấp nước chưa thực
sự hiệu quả; tỷ lệ đấu nối còn thấp.
- Một số đơn vị, dự án chậm triển
khai thi công xây dựng nhà máy, lắp đặt hệ thống đường ống cấp nước dịch vụ hoặc
còn chậm trễ trong việc đấu nối, lắp đặt đồng hồ sử dụng
nước cho người dân; năng lực cung cấp nước, chất lượng phục
vụ của một số nhà máy nước chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân trong phân
vùng được giao.
- Việc phối hợp giữa các đơn vị cấp nước với chính quyền địa phương trong việc triển khai
thi công lắp đặt đường ống cấp nước và các công trình hạ tầng
khác, đặc biệt là đường giao thông nông thôn còn chưa nhịp nhàng, đồng bộ làm ảnh
hưởng đến tiến độ thực hiện, gây thiệt hại, lãng phí trong quá trình đầu tư dự
án.
- Nguồn nước ngầm trên địa bàn tỉnh đang
đứng trước tình trạng suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm nên việc khai thác, xử lý
gặp nhiều khó khăn.
Phần III
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
I. MỤC TIÊU
1. Quan điểm, mục tiêu chung:
- Hiện đại hóa hệ
thống thủy lợi từng bước tăng mức đảm
bảo cấp, thoát nước phục vụ dân sinh, nông nghiệp, đô thị, công nghiệp và các
ngành kinh tế khác, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ sản xuất
nông nghiệp hàng hóa, tăng cường cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội
bền vững; chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do
thiên tai gây ra; nâng cao mức bảo đảm tiêu thoát nước, chống úng ngập; từng bước thích ứng với điều kiện biến đổi
khí hậu trong giai đoạn hiện nay.
- Hoạt động cấp nước sạch nông thôn
là mục tiêu, nhiệm vụ thường xuyên dài hạn, đáp ứng các
yêu cầu thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân, phát triển
kinh tế-xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ phát triển nguồn nước, hệ thống các công trình nước sạch
tập trung đảm bảo bền vững và có hiệu quả lâu dài.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Về thủy lợi:
- 100% công trình, hệ thống công
trình thủy lợi được đầu tư sửa chữa, nâng cấp bảo đảm đủ năng lực, an toàn khi
hoạt động.
- Nâng cao hiệu quả phục vụ của hệ thống
thủy lợi đối với yêu cầu phát triển nông nghiệp, các ngành kinh tế và bảo vệ môi
trường nước, cụ thể:
+ Đáp ứng nhu cầu cấp nước phục vụ sản
xuất nông nghiệp; chủ động tưới cho 100% diện tích trồng lúa 2 vụ với mức đảm bảo
tưới 85%..
+ Đảm bảo tiêu nước phục vụ nông nghiệp
với tần suất từ 5% đến 10%; đáp ứng yêu cầu tiêu, thoát nước phục
vụ dân sinh, đô thị, công nghiệp và các ngành kinh tế khác và thích ứng với điều
kiện biến đổi khí hậu.
+ Rà soát, xây dựng thí điểm một số
công trình thủy lợi cấp nước tiên tiến (cấp nước có áp lực) cho cây trồng cạn
trên địa bàn tỉnh.
b) Về nước sạch:
- Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội
5 năm 2021-2025 tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh phấn đấu 100% hộ dân được sử
dụng nước sạch, đặc biệt là nước sạch từ các nhà máy nước tập trung.
- Tiến độ cụ thể:
+ Phấn đấu đến hết năm 2021, hoàn thiện
mạng đường ống cấp nước dịch vụ (đường ống cấp 3) tại tất
cả các đơn vị hành chính cấp xã, đảm bảo điều kiện người dân được sử dụng nước
sạch từ các nhà máy nước tập trung ngay khi có nhu cầu.
+ Đến 2025, tỷ lệ hộ dân nông thôn được
sử dụng nước sạch đạt 100%.
+ Đến năm 2025 chuyển 30% (dự kiến
các nhà máy sau: Phụng Công, thị trấn Văn Giang, Mỹ Văn, Bình Minh, Hồng Tiến,
Ngọc Thanh), năm 2030 chuyển 70% nhà máy nước khai thác từ nguồn nước ngầm sang
khai thác nguồn nước mặt sông Hồng, sông Luộc.
II. NHIỆM VỤ VÀ CÁC
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Về thủy lợi:
a) Đánh giá hệ thống công trình thủy
lợi:
- Điều tra, cập nhật hiện trạng hệ thống
thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Đánh giá năng lực phục vụ của hệ thống, phương thức
quản lý, khai thác, năng lực của đội ngũ quản lý; đề xuất các giải pháp nâng
cao năng lực phục vụ của hệ thống và năng lực quản lý của bộ máy quản lý, khai
thác.
- Căn cứ vào nhu cầu của Đề án Tái cơ
cấu ngành nông nghiệp, Kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành thủy
lợi, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để đánh
giá hệ thống công trình thủy lợi có hướng đề xuất nhiệm vụ giải pháp thực hiện
cho phù hợp.
b) Rà soát, xây dựng phương án
phát triển thủy lợi phục vụ tải cơ cấu ngành nông nghiệp:
- Rà soát, xây dựng phương án phát
triển thủy lợi phục vụ phát triển và tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn
tỉnh Hưng Yên đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, xây dựng phương
án phát triển thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, đồng thời triển khai các dự
án thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, tăng cường kiểm soát chất lượng nước,
cấp nước chủ động, đảm bảo chất lượng nước cho khu vực nuôi chuyên canh.
- Rà soát, xây dựng phương án phát
triển thủy lợi phục vụ cho cây trồng cạn: Rà soát quy hoạch phát triển nông
nghiệp, đề án phát triển vùng sản xuất cây ăn quà, hoa, cây cảnh tập trung trên
địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020- 2025; đánh giá nguồn nước, quy hoạch phát
triển diện tích cây trồng cạn và đề xuất giải pháp cấp nước
tưới theo phương pháp tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn.
c) Hoàn thiện thể chế, chính sách:
- Rà soát, xây dựng các văn bản quy
phạm pháp luật thuộc thẩm quyền về quản lý khai thác công trình thủy lợi.
- Ban hành và triển khai thực hiện
các thủ tục hành chính cấp phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công
trình thủy lợi.
- Chuyển dịch vai trò của nhà nước từ
cung cấp trực tiếp dịch vụ công sang xây dựng khung pháp lý, chính sách hỗ trợ,
điều phối, giám sát thực hiện, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công.
d) Nâng cao năng lực công trình thủy
lợi theo hướng hiện đại hóa:
- Tập trung đầu tư, sửa chữa, nâng cấp
hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với các
công trình đầu mối, công trình cống điều tiết để đảm bảo phục vụ cho sản xuất
trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển nâng; áp dụng
phương thức canh tác bền vững, tiết kiệm nước và nâng cao hiệu quả công trình,
cụ thể:
+ Nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng thủy
lợi nội đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, áp dụng các
biện pháp canh tác tiên tiến cho lúa và công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước
cho cây trồng cạn.
+ Hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ
chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sử dụng đất, ưu tiên đầu tư đối với các dự án thủy
lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, hệ thống các trạm bơm điện vừa và nhỏ cấp nước
tưới cho cây trồng cạn chủ lực đang có thị trường tiêu thụ sản phẩm, tưới cho
các dự án nông nghiệp công nghệ cao.
+ Xây dựng hệ thống thông tin, dự
báo, cảnh cáo sớm phục vụ quản lý và chỉ đạo điều hành phòng, chống ngập úng, hạn
hán và vận hành công trình.
+ Xây dựng mô hình trình diễn về tưới
tiên tiến, tiết kiệm nước phù hợp với mục tiêu của Đề án Tái cơ cấu ngành nông
nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
- Thúc đẩy các dự án đầu tư công -
tư; phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi như đầu tư mới các trạm bơm điện, nạo
vét, nâng cấp công trình thủy lợi nội đồng, đầu tư xây dựng công trình thủy lợi
ở vùng bãi sông Hồng, sông Luộc. Khai thác tốt nguồn nước kết hợp phục vụ sinh
hoạt, giao thông, công nghiệp và nuôi thủy sản.
đ) Áp dụng khoa học công nghệ và
tăng cường hợp tác quốc tế:
- Tiếp cận, áp dụng chương trình
ATLAS-GIS vào quản lý hệ thống công trình thủy lợi.
- Hướng dẫn các tổ chức, người dân phương
pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước kết hợp biện pháp canh tác khoa học, phục vụ
sản xuất theo phương thức “cánh đồng mẫu lớn” trong sản xuất nông nghiệp.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến
để tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo sớm úng ngập, hạn hán, nâng cao hiệu quả
chỉ đạo điều hành.
- Nghiên cứu, học tập nâng cao hiệu
quả quản lý khai thác về mô hình tổ chức quản lý vận hành công trình thủy lợi;
chính sách thủy lợi phí, giá nước trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, chính
sách hỗ trợ của nhà nước về thủy lợi; công nghệ, giải pháp tưới tiên tiến tiết
kiệm nước; công nghệ cao; công nghệ quản lý vận hành công trình; dự báo, cảnh
báo sớm phục vụ vận hành, giảm thiểu thiệt hại.
e) Đẩy mạnh công tác đào tạo, đào
tạo lại và thông tin, truyền thông:
- Rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về thủy lợi; xây dựng kế hoạch và tổ
chức thực hiện đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, nhận
thức và chuyên môn hóa nghiệp vụ cho các đối tượng thực hiện
nhiệm vụ quản lý về khai thác công trình thủy lợi.
- Tăng cường công tác tuyên truyền,
phổ biến về chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước về quản lý khai thác
và bảo vệ công trình thủy lợi, đặc biệt là chính sách miễn, giảm thủy lợi phí để
nâng cao ý thức bảo vệ công trình thủy lợi, sử dụng nước tiết kiệm.
- Phát động phong trào toàn dân làm
thủy lợi thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phối
hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội, các
tổ chức đoàn thể để vận động toàn dân tham gia quản lý
khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
- Phổ biến mô hình quản lý khai thác
và bảo vệ công trình thủy lợi tiên tiến, hiệu quả, bền vững để phát triển và
nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
f) Tăng cường bảo vệ công trình thủy
lợi:
- Tổ chức cắm mốc
chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
- Xử lý thí điểm vi phạm công trình
thủy lợi đối với các cụm dân cư lâu đời nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy
lợi.
- Đối với việc ngăn chặn, xử lý, giải
tỏa công trình thủy lợi:
+ Tăng cường công tác tuyên truyền phổ
biến pháp luật về quản lý đất đai, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy
lợi.
+ Đối với các địa phương để phát sinh
vi phạm mới, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa
phương, chịu trách nhiệm trực tiếp với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp trên.
+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra giám sát việc ngăn chặn, xử lý, giải tỏa các vi phạm trong phạm vi bảo vệ
công trình thủy lợi, vi phạm về xả rác thải, xả nước thải vào công trình thủy lợi.
+ UBND các huyện, thị xã, thành phố
xây dựng phương án xử lý hiệu quả đối với những trường hợp liên quan đến việc
đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất sai phạm, trái thẩm
quyền.
+ Tăng cường công tác phối hợp giữa
các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi với chính quyền địa phương,
các ngành, các cấp trong việc bảo vệ công trình thủy lợi.
g) Huy động nguồn lực, xã hội hóa:
- Đẩy mạnh huy động các nguồn vốn của
Trung ương, của tỉnh, của các tổ chức trong, ngoài nước, các Chương trình, dự
án và sự đóng góp của các tầng lớp Nhân dân để thực hiện Đề
án theo quy định Pháp luật hiện hành.
- Xã hội hóa trong việc khai thác, quản
lý công trình thủy lợi, với mục tiêu huy động tối đa nguồn lực từ
các tổ chức, doanh nghiệp, tư nhân..nguồn vốn Nhà nước sẽ tập trung đầu tư các
công trình thủy lợi có quy mô lớn, công trình chính quan trọng, công trình thủy
lợi vùng khó khăn,...
2. Về nước sạch:
a) Cơ chế, chính sách: Hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính
sách trong hoạt động cấp nước sạch nói chung và nước sạch nông thôn nói riêng.
Cụ thể:
- Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Bộ Tài chính đang xây dựng Nghị định về cấp nước sạch nông
thôn và Nghị định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp
nước sạch. Sau khi Nghị định mới và các văn bản quy định được ban hành và có hiệu
lực thi hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các
sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh việc quản lý, sử dụng và
khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn để thực hiện đồng bộ,
đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định và hiệu quả cho người
dân, tránh thất thoát tài sản công, giảm thủ tục, văn bản hành chính.
- Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ
các hộ nghèo, hộ cận nghèo đấu nối và sử dụng nước sạch.
b) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo:
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện
Chương trình cấp nước sạch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025 để giúp UBND tỉnh
chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện
Chương trình cấp nước sạch tỉnh, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh
tế - xã hội đã đề ra.
- Kiện toàn nhân sự và hoạt động các
tiểu ban của Ban chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo điều phối thực hiện có hiệu quả các
vấn đề cụ thể gồm: Tiểu ban quản lý chất lượng nước, Tiểu ban cơ chế chính
sách, hỗ trợ, Tiểu ban tuyên truyền, Tiểu ban cấp nước an toàn, chống thất
thoát thất thu nước sạch.
- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở,
ban, ngành với các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ
chức chính trị - xã hội nhằm tiếp tục huy động cả hệ thống
chính trị vào việc thực hiện nhiệm vụ Chương trình cấp nước sạch tỉnh. Giao chỉ
tiêu, trách nhiệm cụ thể đối với từng địa phương, các tổ chức chính trị xã hội;
đồng thời chỉ đạo các địa phương phân công phân nhiệm rõ ràng cho từng thành
viên Ban chỉ đạo, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng thôn, xóm, cụm dân cư, các tổ
chức chính trị xã hội tại địa phương.
- Tiếp tục khuyến khích, kêu gọi đầu
tư, đẩy mạnh xã hội hóa việc huy động các nguồn lực trong thực hiện Chương
trình nước sạch của tỉnh.
- Tăng cường kiểm tra, rà soát việc
thực hiện thỏa thuận cấp nước theo đúng quy định về sản xuất, cung cấp và tiêu
thụ nước sạch của các đơn vị cấp nước; đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ,
hoàn thiện mạng đường ống cấp nước; giao chỉ tiêu, tiến độ cụ thể cho từng đơn
vị tại từng địa bàn, yêu cầu các đơn vị cam kết thực hiện đúng tiến độ được
giao; thực hiện kịp thời việc đấu nối cho các hộ dân, đảm bảo công khai, minh bạch
các khoản chi phí đấu nối đã huy động người dân tham gia đóng góp theo thỏa thuận.
- Tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực
hiện quy hoạch và phân vùng cấp nước, khả năng cung cấp và chất lượng dịch vụ của
các đơn vị cấp nước; điều chỉnh vùng phục vụ cấp nước của các đơn vị không đáp ứng
được yêu cầu cung cấp nước cho người dân đảm bảo quyền lợi cho nhân dân.
c) Tăng cường đầu tư phát triển:
- Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống
cấp nước và vệ sinh nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại, áp dụng công nghệ mới,
quản lý vận hành thông minh, đảm bảo tính bền vững.
- Tiếp tục đầu tư phát triển các hệ
thống cấp nước quy mô lớn liên xã, liên huyện, ưu tiên sử
dụng nguồn nước ổn định và có chất lượng tốt đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước
và phát triển kinh tế - xã hội; sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống cấp
nước theo hướng hiện đại, đồng bộ nhàm nâng cao công suất, chất lượng nước sạch
theo quy chuẩn; tạo thuận lợi trong quản lý vận hành để nâng cao hiệu quả công
trình, giảm chi phí vận hành.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các
dự án cấp nước hiện đang triển khai trên địa bàn tỉnh, phấn đấu trong năm 2021,
người dân tại tất cả các đơn vị hành chính cấp xã được sử dụng nước sạch từ các
nhà máy nước tập trung (hiện còn 05 xã người dân chưa được sử dụng nước sạch từ
các nhà máy nước tập trung).
d) Quản lý vận hành công trình cấp
nước bền vững:
- Tập trung hoàn thành việc giao quản
lý vận hành công trình cấp nước cho đơn vị có đủ năng lực, triển khai thực hiện
nghiêm Nghị định của Chính phủ về cấp nước sạch nông thôn sau khi được ban hành
và có hiệu lực.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám
sát tình hình quản lý các công trình cấp nước tập trung nông thôn; đôn đốc công
tác sửa chữa, nâng cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động của công trình, thực hiện quản
lý vận hành thông minh.
- Rà soát, điều chỉnh giá nước đảm bảo
giá thành được tỉnh đúng, tính đủ các chi phí hợp lý. Thực hiện việc cấp bù giá
nước trong trường hợp giá tiêu thụ thấp hơn giá thành theo quy định; chống thất,
thoát, thất thu đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị cấp nước cũng
như người sử dụng nước.
- Thực hiện an ninh nguồn nước và cấp
nước an toàn. Tập trung triển khai công tác xác định và công bố vùng bảo hộ vệ
sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; xây dựng và triển khai Kế hoạch cấp nước an
toàn của tỉnh.
- Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xả
thải gây ô nhiễm nguồn nước đảm bảo an ninh, an toàn nguồn
nước.
- Các đơn vị cấp nước thực hiện việc
công bố hợp quy chất lượng sản phẩm theo quy định.
e) Công tác tuyên truyền, vận động:
- Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc
sử dụng nguồn nước sạch đảm bảo chất lượng tới sức khỏe, đời
sống và sinh hoạt của nhân dân, từ đó tăng tỷ lệ đấu nối sử
dụng nước sạch.
- Đa dạng hóa công tác tuyên truyền về
nội dung, hình thức thể hiện, mở rộng truyền thông trên
các phương tiện thông tin tiện tích bên cạch các kênh thông tin truyền thống.
f) Công tác kiểm tra, giám sát:
- Cộng đồng dân cư tại địa phương
tham gia giám sát các công trình cấp nước sạch theo phương châm: Dân biết, dân
bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.
- Thực hiện Bộ chỉ số theo dõi - đánh
giá cấp nước nông thôn; tăng cường điều tra cơ bản, thu thập và chia sẻ thông
tin; quản lý cơ sở dữ liệu để hỗ trợ phục vụ công tác lập kế hoạch và quản
lý ngành; Tổ chức công khai kết quả đánh giá chất lượng nguồn nước
cấp, nước sau xử lý và công tác vệ sinh.
g) Huy động nguồn lực, xã hội hóa:
- Tăng cường thực hiện chủ trương,
chính sách khuyến khích, kêu gọi sự đầu tư của các thành
phần kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp trong việc thực hiện Chương trình cấp nước
sạch của tinh. Đậc biệt trong thời gian tới việc quản lý, sử dụng và khai thác
tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn đối với các công trình cấp nước
tập trung được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước của Chương trình NTP và
Chương trình PforR. Ngay sau khi Nghị định mới về quản lý, sử dụng và khai thác
tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch, các văn bản quy định được ban hành và có
hiệu lực thi hành, Sở Nông nghiệp và PTNT phoi hợp với các sở, ngành, đơn vị
liên quan tham mưu UBND tỉnh việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu
hạ tầng cấp nước sạch nông thôn, thực hiện việc chuyển nhượng, đấu giá các công
trình cấp nước tập trung thuộc chương trình NTP và chương trình
PforR để thoái vốn nhà nước và trả nợ vốn vay WB.
- Bên cạnh đó, huy động nguồn lực từ
chính cộng đồng hưởng lợi thông qua thỏa thuận đóng góp tài chính, để có hình
thức huy động đúng Pháp luật và phù hợp với điều kiện chung của từng địa phương
trong tỉnh. Người dân có thể đóng góp kinh phí thông qua đấu nối sử dụng nước,
chi phí này sẽ được khấu trừ dần qua tiền sử dụng nước hàng tháng hoặc qua giá
nước.
Phần IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu triển khai thực hiện Đề án; xây dựng
các chương trình, dự án cụ thể đê thực hiện các nội dung của Đề
án. Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện Đề án,
định kỳ, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Đề án với UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn.
- Phối hợp với UBND huyện, thị xã,
thành phố chỉ đạo các tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi trên địa
bàn và các xã, phường, thị trấn xây dựng chương trình, kế hoạch
thành lập, củng cố các tổ chức thủy lợi
cơ sở.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối
hợp với Sở Tài chính trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư công trong kế hoạch
trung hạn trình UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu Đề án đề
ra, phù hợp khả năng cân đối ngân sách địa phương.
3. Sở Tài chính: Chủ trì phối hợp với
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối, bố trí
kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương đảm bảo cho các nội dung triển khai thực
hiện Đề án, đồng thời hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc
sử dụng kinh phí để thực hiện Đề án đảm bảo đúng theo quy định hiện hành.
4. UBND cấp huyện: Tổ chức quán triệt,
xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Đề án theo quy định, bảo đảm
tính thống nhất, đồng bộ với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của
địa phương.
5. Các đơn vị quản lý, khai thác công
trình thủy lợi: Phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức
tuyên truyền và thực hiện Đề án trong phạm vi quản lý; bố trí kinh phí trong
công tác quản lý, khai thác công trình để thực hiện Đề án./.