Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 23/2010/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng Người ký: Trần Văn Minh
Ngày ban hành: 10/08/2010 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 23/2010/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 10 tháng 8 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 04/2008/TT-BTNMT ngày 18 tháng 9 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Hướng dẫn lập, phê duyệt hoặc xác nhận đề án bảo vệ môi trường và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 142/2000/QĐ-UB ngày 29 tháng 12 năm 2000 của UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ, Thông tin - Truyền thông, Tư pháp; Công an thành phố; Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã; thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định này thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/cáo);
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (b/cáo);
- TVTUỷ, TT HĐND thành phố (b/cáo);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố (b/cáo);
- Cục kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- C.tịch và các PCT UBND thành phố;
- Các cơ quan ban, ngành, đoàn thể;
- Đài PTTH ĐN, Báo Đà Nẵng;
- Trung tâm Công báo;
- Lưu: VT,NCPC,KTN,KTTH,QLĐTư,QLĐTh(Quang)

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Minh

 

QUY ĐỊNH

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 23 /2010/QĐ-UBND ngày 10 tháng 8 năm 2010 của Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định một số nội dung về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

1. Công tác bảo vệ môi trường phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và Quy định này.

2. Các ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã phải đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn, hàng năm và xây dựng, thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường của địa phương và ngành.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1: ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG, CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG

Điều 4. Đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường bổ sung, cam kết bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường bổ sung

1. Dự án phải lập và trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung:

Ngoài các dự án phải lập và trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động bổ sung theo quy định thì các dự án sau đây phải lập và trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động bổ sung: Các dự án có mở rộng quy mô, công suất thiết kế; công nghệ sản xuất; công nghệ xử lý chất thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn) nhưng không nằm trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường có tính chất và quy mô tương đương với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt trước đó.

2. Dự án phải lập, trình xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung:

Ngoài các dự án phải lập và trình xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung theo quy định thì các dự án sau đây phải lập và trình xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung gồm: Các dự án mở rộng quy mô, công suất thiết kế; công nghệ sản xuất; công nghệ xử lý chất thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn) nhưng không nằm trong bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường có tính chất và quy mô tương đương với đối tượng phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường đã được xác nhận trước đó.

3. Chủ các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đi vào hoạt động từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 mà không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường thì phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường và trình cơ quan có thẩm quyền xác nhận, phê duyệt.

4. Dự án không bắt buộc lập thủ tục môi trường:

a) Cửa hàng sách báo, tạp hoá;

b) Văn phòng đại diện, tư vấn;

c) Văn phòng giao dịch tách rời khu vực sản xuất;

d) Cơ sở kinh doanh hàng gia dụng;

đ) Các dự án xây dựng cơ quan công sở mới (có số lao động nhỏ hơn 100 người) và các công sở đã đi vào hoạt động.

Điều 5. Hồ sơ thẩm định

Hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường bổ sung, bản cam kết bảo vệ môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung trình cho cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt được thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 6: Uỷ quyền thẩm định

1. Ủy ban nhân dân thành phố uỷ quyền cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung, tham mưu trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung đối với các Dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung theo quy định của pháp luật, trừ các dự án quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Uỷ ban nhân dân thành phố uỷ quyền cho Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung, tham mưu trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung đối với các dự án đầu tư nằm trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

3. UBND các quận, huyện được uỷ quyền cho Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng tổ chức đăng ký và xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung đối với dự án đầu tư nằm trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 7. Thời gian thẩm định

1. Báo cáo đánh giá tác động môi trường:

Thời gian thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường không quá 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

2. Báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung:

Thời gian thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường không quá 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

3. Cam kết bảo vệ môi trường:

Thời gian xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường không quá 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

4. Cam kết bảo vệ môi trường bổ sung:

Thời gian xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung không quá 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Điều 8. Kinh phí thẩm định

Kinh phí thẩm định thủ tục môi trường thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.

Điều 9. Trách nhiệm thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung, bản cam kết bảo vệ môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung và đề án bảo vệ môi trường

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Là cơ quan thường trực giúp Uỷ ban nhân dân thành phố hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân về trình tự hồ sơ, thủ tục về môi trường, tiếp nhận hồ sơ, tổ chức họp hội đồng thẩm định, trả hồ sơ, trực tiếp kiểm tra giám sát việc thực hiện các nội dung đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung sau khi được phê duyệt đối với những dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Uỷ ban nhân dân thành phố và đề án bảo vệ môi trường đối với những dự án thuộc thẩm quyền của Sở;

b) Gửi bản sao quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân thành phố hoặc của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phê duyệt và quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường do Sở phê duyệt đến Uỷ ban nhân dân các quận, huyện nơi thực hiện dự án;

c) Quản lý toàn bộ hồ sơ môi trường của các dự án, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường bổ sung và đề án bảo vệ môi trường, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường có tính chất và quy mô tương đương với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường;

d) Tổ chức điều tra, lập danh sách khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động có tính chất và quy mô tương đương đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng chưa thực hiện thủ tục về môi trường; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nói trên lập thủ tục môi trường theo quy định.

2. Uỷ ban nhân dân các quận, huyện:

a) Trực tiếp hướng dẫn việc đăng ký và tổ chức xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường có tính chất và quy mô tương đương với đối tượng phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường;

b) Gửi 01 (một) bản cam kết bảo vệ môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung đã được xác nhận kèm theo giấy xác nhận đến Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi;

c) Quản lý toàn bộ hồ sơ môi trường đối với các dự án nằm trên địa bàn thuộc đối tượng lập bản cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường có tính chất và quy mô tương đương với đối tượng phải lập cam kết bảo vệ môi trường và các cơ sở được chuyển giao từ Sở Tài nguyên và Môi trường;

d) Tổ chức điều tra, lập danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động có tính chất và quy mô tương đương đối tượng lập cam kết bảo vệ môi trường nhưng chưa thực hiện thủ tục về môi trường; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nói trên lập thủ tục môi trường theo quy định.

3. Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất:

a) Trực tiếp hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trình tự hồ sơ, thủ tục về môi trường; tiếp nhận hồ sơ, tổ chức họp hội đồng thẩm định, trả hồ sơ và kiểm tra việc thực hiện các nội dung đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung sau khi được phê duyệt đối với các dự án đầu tư nằm trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố;

b) Gửi 01 (một) bản báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung, đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, xác nhận kèm theo quyết định, giấy xác nhận đến Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi;

c) Quản lý toàn bộ hồ sơ môi trường đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp;

d) Tổ chức điều tra, lập danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động trong các khu công nghiệp nhưng chưa thực hiện thủ tục về môi trường và hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nói trên lập thủ tục môi trường theo quy định.

Mục 2: BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ

Điều 10: Bảo vệ môi trường đối với làng nghề

Việc quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề phải gắn liền với bảo vệ môi trường.

1. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan đề xuất quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề một cách hợp lý.

2. Uỷ ban nhân dân các quận, huyện tổ chức thống kê, đánh giá mức độ ô nhiễm của các làng nghề trên địa bàn quản lý; xậy dựng kế hoạch, tập trung xử lý, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường của làng nghề được phân cấp.

Điều 11. Về chính sách khuyến khích

1. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sản phẩm thân thiện với môi trường được đánh giá và công nhận.

2. Được khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sản phẩm thân thiện với môi trường.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ trình Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt.

Điều 12. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cơ quan trong việc nhập khẩu phế liệu

1. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường: Tiến hành kiểm tra về điều kiện của các tổ chức, cá nhân nhập khẩu sắt, thép phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định trước khi Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu cho các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu.

2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu sắt, thép phế liệu:

Phải thông báo bằng văn bản chậm nhất là 5 (năm) ngày trước khi tiến hành bốc dỡ cho Sở Tài nguyên và Môi trường về chủng loại, số lượng, trọng lượng phế liệu, cửa khẩu nhập, tuyến vận chuyển, kho, bãi tập kết phế liệu và nơi đưa phế liệu vào sản xuất.

c) Trách nhiệm của Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng:

Làm thủ tục nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho các tổ chức, cá nhân sau khi Uỷ ban nhân dân thành phố có chủ trương đồng ý bằng văn bản và được Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan có thẩm quyền của thành phố cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu.

Khi hàng hoá đến cảng, Cục Hải quan Đà Nẵng tiến hành làm thủ tục hải quan cho hàng hoá là phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tại các cửa khẩu. Trường hợp lô hàng có hiện tượng chứa nhiều tạp chất có khả năng gây ô nhiễm môi trường, Cục Hải quan Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát Môi trường thuộc Công an thành phố và các cơ quan có liên quan tiến hành trưng cầu giám định các tạp chất là chất thải và các tạp chất nguy hại trong lô hàng theo quy định pháp luật.

Điều 13. Quản lý xả nước thải vào nguồn nước

1. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phải tiến hành lập thủ tục xả nước thải vào nguồn nước tại Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

Điều 14. Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường về khai thác khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố phải tiến hành ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường tại Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện theo quy định.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể thủ tục, hồ sơ ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản theo quy định.

Mục 3: BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ, KHU DÂN CƯ

Điều 15. Các ngành nghề sản xuất không được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong khu dân cư được quy định (có phụ lục ban hành kèm theo Quy định này).

Điều 16. Các cơ sở thuộc danh mục ngành nghề sản xuất, kinh doanh quy định tại Điều 15 đang hoạt động trong khu dân cư tập trung phải cam kết có kế hoạch di dời.

Trong thời gian chưa di dời, các cơ sở đang hoạt động nêu trên phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, nghiêm cấm không được xả nước, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường bên ngoài.

Điều 17. Khuyến khích việc thành lập các tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường tại các khu dân cư.

1. Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện tạo điều kiện cho các tổ chức tự quản hoạt động, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

2. Uỷ ban nhân dân cấp phường, xã có trách nhiệm quy định về hoạt động của các tổ chức tự quản bảo vệ môi trường và tạo điều kiện để các tổ chức tự quản hoạt động hiệu quả.

Mục 4: BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NGUỒN NƯỚC AO, HỒ, ĐẦM, SÔNG, BIỂN VÀ CÁC NGUỒN NƯỚC KHÁC

Điều 18. Bảo vệ môi trường nguồn nước ao hồ, đầm, sông, biển

1. Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện có trách nhiệm:

a) Quản lý đối với các hồ, ao, đầm trên địa bàn theo ranh giới hành chính đã được xác định, phân cấp;

b) Tổ chức điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng và lập chương trình quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng hợp lý các ao, hồ, đầm do địa phương quản lý.

2. Định kỳ hàng năm Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện báo cáo tình hình thực hiện quản lý về Sở Tài nguyên và môi trường để tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân thành phố.

Điều 19. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nước của lưu vực sông.

Mục 5: QUẢN LÝ CHẤT THẢI

Điều 20. Quy định chung về quản lý chất thải

1. Việc quản lý chất thải thực hiện theo Luật bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005 và các quy định dưới luật hiện hành có liên quan.

2. Chất thải rắn tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được phân loại tại nguồn theo nhóm phù hợp với mục đích tái chế, xử lý, tiêu huỷ và chôn lấp.

3. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thu gom, tái chế, xử lý chất thải được thành phố ưu đãi về thuế, đất đai,...giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan nghiên cứu, trình Uỷ ban nhân dân thành phố về chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ về vốn và đất đai,...

4. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng Quy định quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố và tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 21. Quản lý chất thải nguy hại

1. Tổ chức, cá nhân có hoạt động phát sinh chất thải nguy hại hoặc hành nghề thu gom, vận chuyển, xử lý, tiêu huỷ chất thải nguy hại phải tiến hành đăng ký tại Sở Tài nguyên và Môi trường.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý, hướng dẫn cụ thể thủ tục đăng ký, cấp phép quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn thành phố.

Điều 22. Quản lý nước thải

1. Các khu dân cư, khu đô thị tập trung phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải; nước thải sinh hoạt phải được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định hiện hành trước khi xả thải ra môi trường xung quanh.

2. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trụ sở cơ quan, trường học, các hộ gia đình phải xử lý nước thải sinh hoạt trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước chung của thành phố, không để tự thấm vào đất.

3. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề phải có hệ thống xử lý nước thải riêng và phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định trước khi đấu nối xả vào hệ thống thoát nước chung.

4. Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ bằng phương tiện giao thông đường thuỷ phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định trước khi thải ra môi trường xung quanh.

Mục 6 :QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNGVÀ THÔNG TIN VỀ MÔI TRƯỜNG

Điều 23. Quy hoạch mạng lưới quan trắc và xây dựng chương trình quan trắc

1. Sở Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường và xây dựng chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt.

2. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phải xây dựng và quản lý mạng lưới quan trắc môi trường trong phạm vi đơn vị.

Điều 24. Trách nhiệm thực hiện quan trắc môi trường, lưu trữ số liệu

1. Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố và thống kê, lưu trữ số liệu quan trắc môi trường của thành phố.

2. Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện, phường, xã thống kê, lưu trữ số liệu quan trắc môi trường trên địa bàn quản lý.

3. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phải tổ chức quan trắc chất lượng môi trường, tác động môi trường từ các cơ sở do đơn vị quản lý; thống kê, lưu trữ số liệu quan trắc môi trường, các nguồn thải, chất thải từ hoạt động tại đơn vị và các tác động đối với môi trường.

Điều 25. Công bố, cung cấp thông tin về môi trường

1. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, các dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc có tính chất và quy mô tương đương với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, có trách nhiệm báo cáo các thông tin về môi trường trong phạm vi đơn vị quản lý cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

2. Các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng phải lập cam kết bảo vệ môi trường hoặc dự án có tính chất và quy mô tương đương với đối tượng phải lập cam kết bảo vệ môi trường có trách nhiệm cung cấp thông tin về môi trường liên quan đến hoạt động của đơn vị cho Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện hoặc bộ phận phụ trách bảo vệ môi trường ở phường, xã (trường hợp cấp xã, phường được phân cấp xác nhận cam kết bảo vệ môi trường).

3. Định kỳ hằng năm và 5 (năm) năm Sở Tài nguyên và Môi trường lập báo cáo hiện trạng môi trường của thành phố, trình Uỷ ban nhân dân thành phố.

4. Định kỳ hằng năm và 5 (năm) năm, các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện lập báo cáo hiện trạng môi trường và công tác bảo vệ môi trường của ngành, địa phương do mình quản lý và báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình trình UBND thành phố).

5. Định kỳ hằng năm và 5 (năm) năm, Uỷ ban nhân dân cấp phường, xã lập báo cáo hiện trạng môi trường và công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn do mình quản lý và báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện có trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật hiện hành.

Mục 7: HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 26. Uỷ ban nhân dân thành phố khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố phối hợp, hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng các chương trình, các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố và tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động có hiệu quả.

Điều 27. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm làm đơn vị đầu mối triển khai các hoạt động, chương trình, dự án hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.

Mục 8: TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ XÃ HỘI VÀ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG VIỆC THỰC HIỆN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 28. Các Sở, ban, ngành

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.

b) Chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân thành phố về các hoạt động quản lý liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, hệ thống cống thoát nước trên địa bàn thành phố.

2. Công an thành phố chịu trách nhiệm về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, công tác phòng chống cháy nổ; phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, các cơ quan chức năng của thành phố có liên quan kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu và động cơ nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường đối với các phương tiện giao thông không đảm bảo các yêu cầu trên; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm tra đột xuất các đơn vị, cá nhân có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

3. Bộ Chỉ huy quân sự thành phố chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường tại các khu vực do quân đội quản lý; kiểm tra, phát hiện xử lý chất độc hóa học do chiến tranh để lại; phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và Công an thành phố, các cơ quan chức năng của thành phố xử lý các vấn đề môi trường liên quan.

4. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm về quy hoạch đô thị gắn với bảo vệ môi trường và hướng dẫn thực hiện các quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.

5. Sở Công Thương chịu trách nhiệm về quy hoạch phát triển ngành công thương; các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị gắn với bảo vệ môi trường và hướng dẫn thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt.

6. Sở Y tế chịu trách nhiệm về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh lao động; chủ trì, phối hợp:

a) Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác thu gom, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải y tế, các loại chất thải nguy hại khác;

b) Sở Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu huỷ chất thải phóng xạ.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm quản lý bảo vệ tài nguyên rừng và phát triển rừng; bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường các cơ sở nuôi trồng thủy sản; quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi; thực hiện chương trình nước sinh hoạt nông thôn; quản lý việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón; quản lý các cơ sở chăn nuôi, giết mổ động vật, gia xúc, nơi mua bán động vật và sản phẩm động vật, nơi chôn lấp tiêu huỷ động vật, các cơ sở chế biến thủy sản và dịch vụ thủy sản.

8. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các đơn vị chức năng liên quan quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các phương tiện giao thông đường bộ, đường thuỷ,…

9. Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chức năng giáo dục công tác bảo vệ môi trường trong trường học ở các bậc học do ngành quản lý.

10. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu, điểm, các đơn vị kinh doanh du lịch và các đơn vị khác trong phạm vi quản lý của mình.

11. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tham mưu trình Uỷ ban nhân dân thành phố cân đối vốn xây dựng cơ bản cho các công trình, dự án liên quan đến lĩnh vực môi trường đã được phê duyệt; phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất các chính sách đầu tư cho bảo vệ môi trường.

12. Sở Tài chính chịu trách nhiệm tham mưu trình Uỷ ban nhân dân thành phố cân đối bố trí dự toán kinh phí về công tác bảo vệ môi trường hàng năm theo chủ trương phê duyệt của các cấp có thẩm quyền.

13. Sở Khoa học và Công nghệ khuyến khích xây dựng các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như đầu tư phát triển công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường, các giải pháp xử lý môi trường,…

14. Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng chịu trách nhiệm quản lý môi trường trong phạm vi thuộc thẩm quyền quản lý của Ban và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường khi cần thiết.

15. Các cơ quan: Báo Đà Nẵng, Báo Công an thành phố Đà Nẵng, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng và đề nghị Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng và các cơ quan thông tấn, báo chí của trung ương đóng trên địa bàn thành phố kịp thời đăng đưa tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về môi trường và công tác bảo vệ môi trường; biểu dương các cá nhân, đơn vị có thành tích trong bảo vệ môi trường; phản ánh kịp thời các sự việc vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.

Điều 29. Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện, phường, xã

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện, phường, xã chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý; mời các tổ chức đoàn thể cùng tham gia như: Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ,… tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ môi trường đến cộng đồng dân cư trong phạm vi địa bàn quản lý.

Điều 30. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các cơ quan đoàn thể

1. Tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.

2. Tham gia công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức và thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường.

Điều 31. Tổ chức, cá nhân

Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 32. Hằng năm, ngân sách thành phố bố trí chi thường xuyên cho sự nghiệp bảo vệ môi trường không dưới 1% (một phần trăm) tổng chi ngân sách thành phố và tăng dần tỉ lệ này theo tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan tổng hợp kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường trình Uỷ ban nhân dân thành phố.

Điều 33. Huy động vốn thực hiện công tác bảo vệ môi trường

1. Tăng cường nguồn lực và đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư bảo vệ môi trường, huy động các nguồn vốn ODA, vốn từ các chương trình hợp tác quốc tế, vốn từ nguồn thu phí môi trường và đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc mọi thành phần kinh tế trên toàn địa bàn thành phố đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường.

2. Thực hiện công tác xã hội hoá trong đó triển khai các biện pháp huy động theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các cá nhân trên địa bàn thành phố; giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND thành phố tổ chức xã hội hoá các hoạt động bảo vệ môi trường thuộc phân cấp quản lý của thành phố. UBND các quận, huyện thực hiện công tác xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường tại địa phương mình theo quy định của pháp luật.

3. Xúc tiến kêu gọi nguồn viện trợ, các dự án đầu tư nước ngoài, tăng cường khả năng thu hút các nguồn vốn ODA, tăng cường thu hút đầu tư cho bảo vệ môi trường từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ban, ngành, địa phương quận, huyện liên quan lập các dự án bảo vệ môi trường cụ thể của đơn vị mình để kêu gọi thu hút đầu tư đầu tư ODA, đặc biệt chú trọng các dự án liên quan đến xử lý nước thải, chất thải rắn, không khí và tiếng ồn, chất thải y tế.

4. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp Sở Tài chính và các sở, ban, ngành, địa phương quận, huyện liên quan tham mưu UBND thành phố thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường thành phố Đà Nẵng để huy động các nguồn lực của Nhà nước và tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của cộng đồng, các tổ chức trong, ngoài nước, các tổ chức quốc tế để tập trung giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc ưu tiên, cần thiết.

Điều 34. Việc thanh tra, kiểm tra môi trường

1. Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố đối với các dự án lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động bổ sung thuộc thẩm quyền phê duyệt của Uỷ ban nhân dân thành phố, dự án được uỷ quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường và đề án bảo vệ môi trường thuộc thuộc thẩm quyền Sở phê duyệt.

2. Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đối với các dự án lập cam kết bảo vệ môi trường, cam kết môi trường bổ sung; đề án bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xác nhận của mình và các tổ chức, cá nhân được chuyển giao từ Sở Tài nguyên và Môi trường. Phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, thanh tra và giám sát đối với những cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trong phạm vi quản lý thuộc thẩm quyền.

3. Uỷ ban nhân dân cấp phường, xã kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân trên địa bàn về các dự án lập bản cam kết bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường bổ sung thuộc thẩm quyền đã phân cấp.

4. Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trong phạm vi đơn vị quản lý.

5. Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát được thực hiện theo định kỳ 2 lần/năm hoặc thanh tra, kiểm tra đột xuất (khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc có khiếu nại, tố cáo) theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 35. Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Điều 36. Các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an.

Điều 37. Các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố được xem xét khen thưởng theo quy định hiện hành.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện và các đơn vị liên quan xem xét, đề xuất với Uỷ ban nhân dân thành phố việc hình thành các giải thưởng về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.

Điều 38. Công tác thi đua khen thưởng trên các lĩnh vực cho các tập thể, cá nhân, thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng của thành phố phải xem xét đến vấn đề bảo vệ môi trường của tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng.

Điều 39. Trong quá trình triển khai thực hiện quy định này, nếu có vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, đơn vị, cá nhân cần kịp thời phản ánh, báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố để xem xét sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tế./.

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC NGÀNH NGHỀ SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ KHÔNG CẤP GIẤY PHÉP ĐĂNG KÝ KINH DOANH MỚI TRONG KHU DÂN CƯ
(Kèm theo Quyết định số 23 /2010/QĐ-UBND ngày 10 tháng 8 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

1. Ngành hoá chất: sản xuất hoá chất cơ bản, sản xuất pin, ắc quy, thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất làm lạnh, phèn, tẩy rửa, thuốc nhuộm, sơn, sản xuất phân bón;

2. Ngành tái chế: Giấy, nhựa, kim loại, dầu nhớt cặn;

3. Ngành tẩy, nhộm, hồ, in trên các sản phẩm vải sợi, đệt, may, đan;

4. Ngành luyện cán cao su, đúc lốp xe bằng cao su…

5. Ngành thuộc da;

6. Ngành xi mạ điện;

7. Ngành gia công cơ khí: Rèn, đúc, cán kéo kim loại, dập, cắt, gò, hàn, sơn;

8. Ngành in, tráng bao bì kim loại;

9. Ngành sản xuất bột giấy;

10. Ngành sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gốm sứ, thuỷ tinh;

11. Ngành chế biến gỗ (trừ điêu khắc gỗ và mộc gia dụng không phun véc ni);

12. Ngành sản xuất chế biến thực phẩm tươi sống, nước chấm các loại, muối, dầu ăn, phơi hải sản;

13. Ngành sản xuất thuốc lá;

14. Ngành sản xuất cồn, rượu, bia, nước giải khát (trừ nước uống tinh khiết);

15. Ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm (trong nội thị);

16. Ngành giết mổ gia súc, gia cầm;

17. Ngành chế biến than;

18. Ngành chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản, phơi các nguyên vật liệu thuỷ hải sản như đầu tôm, cá,…;

19. Ngành chế biến sắn, chế biến nông sản khác.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 23/2010/QĐ-UBND ngày 10/08/2010 ban hành Quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.759

DMCA.com Protection Status
IP: 3.17.76.174
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!