ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 10/2016/QĐ-UBND
|
Long An, ngày 03 tháng 03 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ NGUỒN
LỢI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày
26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ về điều kiện
sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản; Nghị định số 14/2009/NĐ-CP
ngày 13/02/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
59/2005/NĐ-CP ;
Căn cứ Nghị định số 66/2005/NĐ-CP
ngày 19/5/2005 của Chính phủ về bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20/6/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định
về lĩnh vực thủy sản;
Căn cứ Thông tư số 02/2006/TT-BTS
ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số
59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một
số ngành nghề thủy sản;
Căn cứ Thông tư số 62/2008/TT-BNN ngày 20/5/2008 của
Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn về việc sửa đổi, bổ sung
Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006;
Căn cứ Thông tư số
89/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
ban hành danh mục khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn trong năm;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 222/TTr-SNN ngày 22/01/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định quản
lý các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Long
An.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười)
ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 45/2013/QĐ-UBND ngày 11/9/2013 của
UBND tỉnh.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã,
thành phố tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở,
ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thi hành quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ NN và PTNT;
- Tổng cục Thủy sản;
- Cục KTVB QPPL-Bộ Tư
pháp;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnhsx;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Phòng NCKT;
- Lưu: VT, SNN, An.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Tấn Dũng
|
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH LONG AN
(Ban hành kèm theo Quyết
định số 10/2016/QĐ-UBND
ngày 03/3/2016 của UBND tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Đối tượng
và phạm vi áp dụng
1. Quy định này quy định việc quản lý
các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các vùng nước trên địa bàn tỉnh Long An.
2. Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác
và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Long An.
Điều 2. Nguyên
tắc chung
1. Khai thác thủy sản ở sông, kênh, rạch
và các vùng nước tự nhiên khác phải đảm bảo không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Khai thác thủy sản phải gắn liền tái tạo
và phát triển nguồn lợi thủy sản.
2. Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy
sản phải kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên, môi trường. Đảm bảo
hài hòa lợi ích của các ngành, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển thủy
sản của địa phương.
3. Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy
sản là yêu cầu cấp thiết trước mắt
và lâu dài, là sự nghiệp của toàn xã hội, là quyền và trách nhiệm của cơ quan
nhà nước, tổ chức, toàn dân.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong quy định này các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Nguồn lợi thủy sản là tài nguyên sinh vật trong vùng nước tự nhiên, có
giá trị kinh tế, khoa học để phát triển nghề khai thác thủy sản,
bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy
sản.
2. Khai thác thủy sản là việc
tiến hành khai thác nguồn lợi thủy sản trên biển, sông, hồ, đầm, phá và các
vùng nước tự nhiên khác.
3. Tái tạo nguồn lợi thủy sản là quá trình tự phục hồi
hoặc hoạt động làm phục hồi, gia tăng nguồn lợi thủy sản.
4. Thủy sinh vật ngoại lai là
loài thủy sinh vật được du nhập từ nước ngoài vào lãnh thổ của Việt Nam.
5. Kích thước mắt lưới là số đo khoảng cách hai điểm giữa của hai gút lưới
đối diện của mắt lưới hình thoi được kéo căng theo chiều dọc, ký hiệu là 2a, đơn vị tính là mm.
6. Chất gây mê là chất hóa học
gây kích thích các loài thủy sản mất khả năng hô hấp, bài tiết...
7. Mồi thuốc dẫn dụ là mồi nhữ
được chế biến có tác dụng kích thích vào giác quan của các loài thủy sản nhằm thu hút tập trung chúng lại để khai thác, đánh bắt.
8. Tàu cá là tàu, thuyền và
các cấu trúc nổi khác chuyên dùng
cho khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản.
9. Hoạt động thủy sản là việc
tiến hành khai thác, nuôi trồng, vận
chuyển thủy sản khai thác; bảo quản, chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy
sản; dịch vụ trong hoạt động thủy
sản; điều tra, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Chương II
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG
KHAI THÁC, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN
Điều 4. Những hoạt
động khai thác thủy sản bị cấm
1. Sử dụng chất nổ, hóa chất độc hại,
chất gây mê, mồi thuốc dẫn dụ, thực vật có độc tố; Sử dụng xung điện dưới mọi
hình thức và các công cụ đánh bắt,
khai thác có tính chất tận diệt.
2. Sử dụng ngư cụ đánh bắt thủy sản có kích thước mắt lưới nhỏ hơn kích thước mắt lưới quy định tại Phụ lục 3
ban hành kèm theo Thông tư số 02/2006/TT-BTS
ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản.
Điều 5. Các loại
nghề, đối tượng khai thác thủy sản bị cấm, cấm phát triển
1. Tàu cá làm nghề cào khung không được
phép hoạt động khai thác thủy sản ở
vùng cửa sông, sông, kênh, rạch.
2. Các nghề te, đáy trong sông cấm
phát triển.
3. Đối tượng bị cấm khai thác:
a) Các loài thủy sản có kích thước nhỏ
hơn quy định tại Phụ lục sửa đổi, bổ sung phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư
số 62/2008/TT-BNN ngày 20/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Các loài thủy sản bố mẹ đang trong
thời kỳ sinh sản, nuôi con và các loài cá non (cá rô non, cá ròng ròng,...)
trong các vùng nước.
c) Các loài thủy sản bị cấm khai thác
và cấm khai thác có thời hạn theo quy định tại Phụ lục sửa đổi, bổ sung Phụ lục 5 và Phụ lục sửa đổi, bổ
sung Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư số 62/2008/TT-BNN ngày 20/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 6. Vùng cấm
khai thác thủy sản, thời gian cấm khai thác thủy sản
1. Tàu cá khai thác thủy sản không được
phép hoạt động tại các khu bảo tồn nội địa, trong khu vực Nhà nước quy hoạch
nuôi cá lồng, bè (trừ hoạt động thu hoạch của cơ sở nuôi). Vùng quy hoạch nuôi
thủy sản do tỉnh phê duyệt.
2. Nghiêm cấm hoạt động khai thác thủy
sản trên các tuyến kênh rạch nội đồng làm ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng
đến việc cấp nước trong sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản.
Điều 7. Giấy phép
khai thác thủy sản
1. Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản
tại các vùng nước trên địa bàn tỉnh phải có giấy phép khai thác thủy sản do cơ
quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp. Trừ trường hợp tổ chức, cá nhân khai
thác thủy sản bằng tàu cá có trọng tải dưới 0,5 tấn hoặc không sử dụng tàu cá.
2. Nội dung, điều kiện cấp, cấp lại, gia
hạn, thu hồi giấy phép khai thác thủy sản phải được thực hiện đúng theo quy định
của Luật Thủy sản và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Không cấp giấy phép trong các trường
hợp sau:
a) Khai thác các loài thủy sản bị cấm,
khai thác trong vùng cấm, trong thời gian cấm khai thác hoặc bằng nghề bị cấm.
b) Khai thác các loài thủy sản thuộc
danh mục các loài thủy sản mà Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn đã
công bố trữ lượng nguồn lợi của các loài này đang bị suy giảm nghiêm trọng hoặc
có nguy cơ tuyệt chủng.
c) Khai thác các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên để làm giống có
kích thước nhỏ hơn kích thước tối thiểu cho phép khai thác theo quy định.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn là cơ quan cấp giấy phép khai
thác thủy sản trên địa bàn của tỉnh Long An.
5. Trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại,
gia hạn, thu hồi thực hiện đúng theo quy định của Luật Thủy sản và các quy định
khác của pháp luật có liên quan.
Điều 8. Tổ chức hội
nghề nghiệp khai thác thủy sản
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân hoạt
động khai thác thủy sản cùng loại
nghề thành lập hội nghề nghiệp hoặc
ban quản lý cộng đồng, tổ hợp tác theo đúng quy định pháp luật.
Điều 9. Bảo vệ
nguồn lợi thủy sản
1. Tổ chức, cá nhân khi tham gia vào
hoạt động thủy sản phải đảm bảo thực
hiện đúng theo quy định tại các Điều 4, 5, 6 của Quy định này.
2. Nghiêm cấm các hoạt động khai
thác, tiêu thụ, chế biến, vận chuyển
các loài thủy sản quý hiếm có nguy
cơ tuyệt chủng cần bảo vệ, bảo tồn và phát triển theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Bảo vệ
môi trường sống của các loài thủy sản
1. Tổ chức, cá nhân khi xây dựng mới,
thay đổi hoặc phá bỏ các công trình có liên quan đến môi trường sống, di cư, sinh sản của các loài thủy sản phải
thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Tổ chức, cá nhân khi tiến hành hoạt
động thủy sản phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về tài
nguyên nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo
vệ môi trường sống của các loài thủy sản trong hoạt động sản xuất nông nghiệp,
công nghiệp, dịch vụ và các hoạt động khác.
Điều 11. Bảo tồn,
tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản
1. Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thực
hiện việc bảo tồn, tái tạo và phát
triển nguồn lợi thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản và các quy định khác của
pháp luật có liên quan.
2. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân
đầu tư nghiên cứu khoa học, tham gia thả giống thủy sản vào môi trường tự nhiên
và tạo ra các vùng cư trú nhân tạo nhằm phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi
thủy sản.
3. Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân tự
ý du nhập, thả, phóng sinh các loài thủy sinh vật ngoại lai vào các vùng nước tự
nhiên, khu bảo tồn nội địa.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Trách nhiệm
của các sở, ngành và UBND cấp huyện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn
a) Tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước;
tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong Nhân dân các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt
động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
b) Xây dựng quy hoạch bảo vệ và phát
triển các loài thủy sản nhằm khai
thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi
thủy sản; phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan lập kế hoạch điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản
trên địa bàn tỉnh.
c) Tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý hoạt động
khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật.
d) Tổ chức phát động việc thả các loài giống thủy sản vào môi trường tự
nhiên nhằm tái tạo và phát triển
nguồn lợi thủy sản.
đ) Tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động
khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy
sản trên địa bàn tỉnh; Xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý hoạt động khai thác
và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo đúng quy định của pháp luật.
e) Định kỳ, đột xuất báo cáo về hoạt
động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định.
2. Các sở, ngành có liên quan
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của mình, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện đúng
quy định này và pháp luật khác có liên quan.
3. UBND cấp huyện
a) Chịu trách nhiệm triển khai quản
lý các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn quản lý. Xem
xét cấm khai thác thủy sản trên
các tuyến kênh rạch nội đồng làm ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến việc
cấp nước trong sản xuất nông nghiệp,
nuôi thủy sản.
b) Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành
tăng cường tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi
thủy sản theo quy định của pháp luật.
c) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị
trấn tuyên truyền, phổ biến đến ngư dân và các tổ chức, cá nhân về hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy
sản trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.
Điều 13. Khen
thưởng và xử lý vi phạm
Các tổ chức, cá nhân có thành tích
trong việc thực hiện nội dung Quy
định này sẽ được xét khen thưởng, biểu dương theo quy định chung. Các tổ chức,
cá nhân nào vi phạm Quy định này
tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Điều
khoản thi hành
1. Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ
tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm
triển khai, phổ biến và tổ chức thực
hiện nghiêm túc quy định này và các quy định pháp luật về thủy sản có liên
quan.
2 Trong quá trình tổ chức triển khai
thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Nộng nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.