ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
05/2025/QĐ-UBND
|
Quảng Ninh, ngày
22 tháng 01 năm 2025
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT VÀ NGHIỆM THU PHƯƠNG ÁN TRỒNG
RỪNG GỖ LỚN, PHƯƠNG ÁN SẢN XUẤT DƯỚI TÁN RỪNG; QUY CHẾ QUẢN LÝ, KHAI THÁC ĐỐI VỚI
DIỆN TÍCH TRỒNG RỪNG GỖ LỚN THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 37/2024/NQ-HĐND NGÀY 10/7/2024 CỦA
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm
2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức
chính quyền địa phương năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật năm 2020;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp năm 2017; Luật Đất đai
năm 2024;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số
34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; số 59/2024/NĐ-CP ngày
25 tháng 5 năm 2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP
ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung
một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của
Chính phủ;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: sổ
156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Lâm nghiệp; số 91/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2024 Sửa đổi, bổ sung
một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính
phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; số
140/2024/NĐ-CP ngày 25 tháng 10 năm 2024 Quy định về thanh lý rừng trồng;
Căn cứ Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND ngày
10/7/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định một số chính sách đặc thù để khuyến
khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tại Tờ trình số 7302/TTr-SNNPTNT ngày 26 tháng 12 năm 2024; báo cáo
thẩm định số 286/BC-STP ngày 30 tháng 9 năm 2024 của Sở Tư pháp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành theo Quyết
định này Quy định trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và nghiệm thu phương án trồng
rừng gỗ lớn, phương án sản xuất dưới tán rừng; quy chế quản lý, khai thác đối với
diện tích trồng rừng gỗ lớn theo Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7
năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2025.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- V0, V1, V2, NLN1, 3, TM3;
- Lưu: VT, NLN3 (03b, QĐ11).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nghiêm Xuân Cường
|
QUY ĐỊNH
TRÌNH
TỰ LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT VÀ NGHIỆM THU PHƯƠNG ÁN TRỒNG RỪNG GỖ LỚN, PHƯƠNG
ÁN SẢN XUẤT DƯỚI TÁN RỪNG; QUY CHẾ QUẢN LÝ, KHAI THÁC ĐỐI VỚI DIỆN TÍCH TRỒNG RỪNG
GỖ LỚN THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 37/2024/NQ-HĐND NGÀY 10 THÁNG 7 NĂM 2024 CỦA HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN TỈNH
(Kèm theo Quyết định số: 05/2025/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2024 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
Chương I
TRÌNH TỰ LẬP, THẨM ĐỊNH,
PHÊ DUYỆT, NGHIỆM THU PHƯƠNG ÁN TRỒNG RỪNG GỖ LỚN, PHƯƠNG ÁN SẢN XUẤT DƯỚI TÁN
RỪNG
Điều 1. Trình tự lập, thẩm định,
phê duyệt, nghiệm thu Phương án trồng rừng gỗ lớn, phương án sản xuất dưới tán
rừng (viết tắt là Phương án)
1. Tổ chức, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân có nhu
cầu tham gia chính sách theo Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm
2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận không
có tranh chấp về đất đai và thực hiện xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền
phê duyệt.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện
a) Xác nhận tình trạng sử dụng đất theo quy định của
pháp luật về đất đai cho Tổ chức, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân đăng ký tham
gia chính sách.
b) Kiểm tra sự phù hợp về vị trí, diện tích, nhu cầu
tham gia chính sách của Tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân với phân vùng trồng rừng
gỗ lớn được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt; tổng hợp, lập Phương án chung
cho Tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân đáp ứng yêu cầu thực hiện chính sách gửi về
thường trực Hội đồng thẩm định phương án cấp huyện để tổng hợp, trình Hội đồng
thẩm định.
3. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng
Kinh tế) tổng hợp chung Phương án của các Tổ chức (trên cơ sở phương án của các
Tổ chức gửi về sau khi có xác nhận về tình trạng sử dụng đất) đáp ứng yêu cầu
thực hiện chính sách gửi về thường trực Hội đồng thẩm định phương án cấp huyện
để tổng hợp, trình Hội đồng thẩm định.
4. Hội đồng thẩm định phương án cấp huyện do Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập.
Thành phần gồm: đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp
huyện phụ trách lĩnh vực lâm nghiệp là Chủ tịch Hội đồng; Phòng Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn (Phòng Kinh tế) là thường trực Hội đồng; Phòng Tài chính -
Kế hoạch; Phòng Tài nguyên và Môi trường; cơ quan Kiểm lâm, Phòng giao dịch
Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã (nơi có chủ rừng
tham gia chính sách) và các phòng, ban, tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện (nếu
thấy cần thiết).
5. Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận
đủ hồ sơ theo quy định, Hội đồng thẩm định cấp huyện tổ chức thẩm định Phương
án.
Nội dung thẩm định: Về đối tượng tham gia; quy mô,
địa điểm thực hiện chính sách; thời gian, tiến độ thực hiện; kế hoạch vốn và
nhu cầu kinh phí hỗ trợ; tính khả thi của phương án; năng lực thực hiện và khả
năng hoàn trả ngân sách (nếu xảy ra rủi ro) của đối tượng tham gia; quy trình kỹ
thuật; phương án vay và hoàn trả vốn vay (nếu có đề xuất vay vốn).
6. Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận
được báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp huyện ban hành Quyết định phê duyệt và công bố Phương án.
Điều 2. Trình tự nghiệm thu
Phương án
1. Trình tự nghiệm thu lập Phương án
Thời điểm nghiệm thu: được thực hiện ngay sau khi
Phương án được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt;
Hồ sơ nghiệm thu: Phương án được Ủy ban nhân dân cấp
huyện phê duyệt; các tài liệu khác có liên quan (nếu có);
Thành phần nghiệm thu: Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức
nghiệm thu đối với Phương án của Tổ hợp tác, Hộ gia đình, cá nhân; Phòng Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng Kinh tế) nghiệm thu đối với Phương án của
Tổ chức.
2. Trình tự nghiệm thu trồng rừng, chăm sóc rừng trồng
a) Trình tự nghiệm thu rừng trồng áp dụng theo quy
định tại Điều 11 Thông tư số 24/2024/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 12 năm 2024 của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi bổ sung một số điều của các thông
tư trong lĩnh vực lâm nghiệp (viết tắt là Thông tư số 24/2024/TT-BNNPTNT); các
chỉ tiêu nghiệm thu trồng rừng quy định tại Mục I, Phụ lục IIA ban hành kèm
theo Thông tư số 24/2024/TT-BNNPTNT .
b) Trình tự nghiệm thu chăm sóc trồng rừng trồng áp
dụng theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 24/2024/TT-BNNPTNT ; các chỉ tiêu
nghiệm thu trồng rừng quy định tại Mục II, Phụ lục IIA ban hành kèm theo Thông
tư số 24/2024/TT-BNNPTNT .
c) Nghiệm thu rừng trồng và chăm sóc rừng trồng thực
hiện trong thời gian kiến thiết cơ bản (05 năm đầu), sau thời gian trên thực hiện
quản lý rừng theo quy chế quản lý rừng hiện hành.
3. Trình tự nghiệm thu trồng cây lâm sản ngoài gỗ,
cây dược liệu
a) Việc nghiệm thu được thực hiện tại hiện trường
trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu của hộ gia đình, cá nhân sau khi trồng
(tối thiểu 15 ngày). Tỷ lệ cây sống phải đạt trên 90%.
b) Các chỉ tiêu nghiệm thu cây giống áp dụng theo
chỉ tiêu cây giống xuất vườn quy định tại Quyết định số 88/QĐ-BVR ngày 31 tháng
12 năm 2022 của Trung tâm nghiên cứu bảo vệ rừng thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp
Việt Nam ban hành hướng dẫn kỹ thuật cấp cơ sở kỹ thuật trồng một số loài cây lâm
sản ngoài gỗ dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các quy trình kỹ thuật
trồng cho từng loài cây áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật ngành hiện hành và theo Phương án đã được phê duyệt.
4. Trình tự nghiệm thu chăn nuôi gia súc (lợn, dê),
gia cầm
a) Nghiệm thu con giống gia súc, gia cầm được thực
hiện tại cơ sở chăn nuôi của hộ gia đình, cá nhân đảm bảo theo các quy định của
Luật Chăn nuôi.
b) Chỉ tiêu nghiệm thu gồm: Hồ sơ con giống theo
quy định tại Điều 18, Điều 20, Điều 22 Luật Chăn nuôi năm 2018; các tiêu chí
con giống áp dụng cho các loài quy định tại Quyết định của Bộ Khoa học và Công
nghệ: số 4115/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 12 năm 2018; số 2428/QĐ-BKHCN ngày 01
tháng 12 năm 2022 về việc công bố Tiêu chuẩn quốc gia; các Quyết định của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: số 4653/QĐ-BNN-CN ngày 10 tháng 11 năm
2015; số 2509/QĐ-BNN-CN ngày 22 tháng 6 năm 2016; các Quyết định của Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn: số 789/QĐ-SNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014; số
1220/QĐ-SNNPTNT ngày 15 tháng 12 năm 2017 và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
ngành hiện hành và theo Phương án đã được phê duyệt.
Chương II
QUY CHẾ QUẢN LÝ, KHAI
THÁC RỪNG TRỒNG GỖ LỚN; HOÀN TRẢ NGÂN SÁCH, XỬ LÝ RỦI RO
Điều 3. Quy chế quản lý, khai
thác rừng trồng gỗ lớn
1. Bảo vệ rừng (bao gồm: Bảo vệ hệ sinh thái rừng,
bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng và phòng trừ sinh vật gây hại rừng): thực
hiện theo quy định tại Điều 37, Điều 38, Điều 40 của Luật Lâm nghiệp năm 2017;
Điều 19, Điều 26 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (viết tắt
là Nghị định số 156/2018/NĐ-CP).
2. Phát triển rừng: Thực hiện theo quy định tại Điều
47, Điều 48 Luật lâm nghiệp năm 2017; Điều 27 Nghị định 156/2018/NĐ-CP được sửa
đổi bổ sung bởi Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2024 của Chính
phủ (viết tắt là Nghị định số 91/2024/NĐ-CP).
3. Phòng cháy chữa cháy rừng: Thực hiện theo quy định
tại Điều 39 của Luật Lâm nghiệp năm 2017; Chương IV Nghị định số
156/2018/NĐ-CP ; Thông tư số 25/2019/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 12 năm 2019 của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng;
Quyết định số 29/2020/QĐ-UBND ngày 18 tháng 8 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh
về việc ban hành quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Quảng
Ninh.
4. Khai thác rừng
a) Thực hiện theo quy định tại Điều 55, Điều 59 của
Luật Lâm nghiệp năm 2017; Điều 20, Điều 29 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP được sửa
đổi bổ sung bởi Nghị định số 91/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
b) Hồ sơ, nguồn gốc lâm sản khai thác: Thực hiện
theo quy định tại Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc
lâm sản được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày
15/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
c) Thời gian được phép khai thác gỗ theo Phương án
đã được phê duyệt, cam kết của Tổ chức, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân về thời
gian khai thác rừng trồng và quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 2 và điểm b, khoản
8 Điều 4 của Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển
mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số
22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 12 năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn; thời gian tối thiểu để được khai thác rừng gỗ lớn sau 10 năm tuổi.
5. Sản xuất nông, lâm kết hợp trong rừng: Thực hiện
theo quy định tại Điều 57, Điều 60 của Luật lâm nghiệp năm 2017; Điều 25, Điều
30 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số
91/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Điều 4. Quy định về hoàn trả
ngân sách Nhà nước đối với kinh phí đã hỗ trợ
1. Tổ chức, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân sau
khi nhận kinh phí hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn theo Nghị quyết 37/2024/NQ-HĐND bị
thiệt hại về rừng hoặc trồng rừng nhưng không thành rừng theo các nguyên nhân
không phải rủi ro thiên tai (ngoài các nguyên nhân quy định tại Điều 4 Nghị định
số 140/2024/NĐ-CP) dẫn đến không thể tiếp tục thực hiện các nội dung theo
Phương án đã được phê duyệt, tiến hành thống kê, đánh giá hiện trạng báo cáo Ủy
ban nhân dân cấp xã.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ hồ sơ, báo cáo của
chủ rừng hoặc trong quá trình quản lý phát hiện các trường hợp đã nhận hỗ trợ
kinh phí nhưng không đảm bảo các điều kiện về diện tích, tỷ lệ cây sống ở mức tối
thiểu (theo TCVN 12509-2:2018 ) và theo Phương án đã được phê duyệt, tiến hành lập
biên bản đánh giá hiện trạng, xác định mức độ, nguyên nhân thiệt hại về rừng hoặc
sử dụng vốn vay không đúng mục đích, không đảm bảo về diện tích, cây trồng, vật
nuôi theo phương án được phê duyệt báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân cấp huyện
xem xét, quyết định.
a) Chủ rừng đã nhận kinh phí hỗ trợ lần thứ nhất
nhưng rừng trồng bị thiệt hại do thiên tai và diện tích bị thiệt hại có khả
năng phục hồi, đồng thời chủ rừng cam kết tự bỏ kinh phí thực hiện các biện
pháp lâm sinh (chăm sóc, trồng bổ sung) và đạt các chỉ tiêu nghiệm thu hoàn
thành sau thời gian kiến thiết cơ bản thì tiếp tục nghiệm thu, hỗ trợ phần kinh
phí lần 2; nếu chủ rừng không tự bỏ kinh phí thực hiện các biện pháp lâm sinh để
đạt chỉ tiêu nghiệm thu hoàn thành thì thu hồi kinh phí đã hỗ trợ.
b) Chủ rừng đã nhận đủ 02 lần kinh phí hỗ trợ hoặc
đã nhận kinh phí hỗ trợ lần thứ nhất nhưng rừng trồng bị thiệt hại do các
nguyên nhân khác không phải rủi ro thiên tai và chủ rừng không thực hiện các biện
pháp lâm sinh để đạt chỉ tiêu nghiệm thu hoàn thành thì thu hồi kinh phí đã hỗ
trợ.
c) Hộ gia đình, cá nhân vay vốn ưu đãi ủy thác qua
Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng sử dụng không đúng mục đích, không đảm bảo về
diện tích, cây trồng, vật nuôi theo phương án được phê duyệt thì thu hồi kinh
phí đã vay sử dụng không đúng theo phương án.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ báo cáo, đề xuất
của Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức thẩm định, ra quyết định xử lý và thông báo
cho Ủy ban nhân dân cấp xã, các đối tượng chịu tác động của quyết định biết, thực
hiện.
4. Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ quyết định của Ủy
ban nhân dân cấp huyện thông báo, đôn đốc các đối tượng chịu tác động của quyết
định triển khai thực hiện và thu hồi kinh phí đã hỗ trợ, đã vay vốn ưu đãi ủy
thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
5. Tổ chức, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân có
trách nhiệm thực hiện các nội dung theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện
và hoàn trả kinh phí đã hỗ trợ.
Điều 5. Quy định xử lý rủi ro
trồng rừng gỗ lớn
1. Tổ chức, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân đã nhận
đủ 02 lần kinh phí hỗ trợ hoặc đã nhận kinh phí hỗ trợ lần thứ nhất nhưng bị
thiệt hại rừng theo các nguyên nhân quy định tại Điều 4 Nghị định số
140/2024/NĐ-CP (gọi chung là rủi ro thiên tai) và không có khả năng phục hồi thì
thực hiện hồ sơ, trình tự thanh lý rừng trồng theo quy định tại Nghị định số
140/2024/NĐ-CP .
2. Thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng theo
quy định tại khoản 2, Điều 6 Nghị định số 140/2024/NĐ-CP ; Nghị định số
50/2024/NQ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định
thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
3. Hình thức thanh lý rừng trồng theo quy định tại
Điều 8 Nghị định số 140/2024/NĐ-CP .
4. Hồ sơ thanh lý rừng trồng áp dụng theo quy định
tại Điều 9 Nghị định số 140/2024/NĐ-CP .
5. Trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng áp dụng
theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 140/2024/NĐ-CP .
6. Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ quyết định thanh
lý rừng của cấp có thẩm quyền thông báo cho Tổ chức, tổ hợp tác, hộ gia đình,
cá nhân và thực hiện việc cập nhật hồ sơ đối với diện tích trồng rừng được
thanh lý.
Điều 6. Xử lý rủi ro đối với vốn
vay ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội
Thực hiện theo Điều 11 Quyết định số
24/2023/QĐ-UBND ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Ban hành
Quy chế về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân
hàng chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính
sách và các quy định hiện hành.
Điều 7. Chi phí quản lý, kiểm
tra nghiệm thu
1. Chi phí quản lý, kiểm tra nghiệm thu theo dự
toán được duyệt do Ngân sách đảm bảo, được lập cùng dự toán kinh phí thực hiện
chính sách hàng năm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, không bao gồm phần ngân sách
ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách.
2. Nội dung chi gồm: kiểm tra, nghiệm thu; thanh
toán các dịch vụ công cộng; vật tư văn phòng phẩm; thông tin, tuyên truyền,
liên lạc; tổ chức hội nghị có liên quan đến dự án; công tác phí; thuê mướn, sửa
chữa, mua sắm tài sản phục vụ quản lý dự án; chi phí khác và chi phí dự phòng.
3. Kinh phí quản lý theo quy định tại Khoản 8, Điều
1 Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ Xây dựng ban hành
định mức xây dựng được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 09/2024/TT-BXD ngày 30
tháng 8 năm 2024 của Bộ xây dựng sửa đổi, bổ sung một số định mức xây dựng ban
hành tại thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ Xây dựng.
Điều 8. Các biện pháp đảm bảo
thu hồi ngân sách
1. Chủ rừng tham gia chính sách phải cam kết đảm bảo
đủ năng lực để thực hiện chính sách sau khi được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê
duyệt phương án và khả năng hoàn trả ngân sách nếu không thực hiện theo đúng
phương án đã được phê duyệt do các nguyên nhân không phải rủi ro thiên tai theo
quy định.
2. Hội đồng thẩm định phải thực hiện rà soát kỹ lưỡng
trong quá trình thẩm định, xét duyệt phương án đảm bảo chủ rừng có đủ năng lực
thực hiện; xét duyệt nội dung cam kết của chủ rừng trong đó đánh giá từng trường
hợp cụ thể về khả năng hoàn trả ngân sách nếu xảy ra rủi ro.
3. Xem xét thu hồi kinh phí hỗ trợ nếu chủ rừng bị
thiệt hại hoặc không thực hiện phương án đã được phê duyệt do các nguyên nhân
không phải rủi ro thiên tai từ các nguồn thu nhập hợp pháp khác của chủ rừng hoặc
khấu trừ tại nguồn theo nội dung chủ rừng đã cam kết gắn với tăng cường tuyên
truyền, vận động chủ rừng tham gia chính sách.
Điều 9. Điều khoản thi hành
1. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu
chuẩn, quy chuẩn ngành được viện dẫn, trích dẫn thực hiện trong Quyết định này
được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc quy định mới bởi văn bản khác thì áp dụng
văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc quy định mới đó.
2. Trong quá trình thực hiện các cơ quan, đơn vị
liên quan; tổ chức, hộ gia đình cá nhân thực hiện có vướng mắc, phát sinh liên
quan phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn) tổng hợp, giải quyết./.