ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 94/KH-UBND
|
Vĩnh Phúc, ngày
12 tháng 4 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN TRỒNG CÂY DỌC HAI BÊN ĐƯỜNG CAO TỐC NỘI BÀI - LÀO
CAI ĐOẠN TUYẾN ĐI QUA ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
Căn cứ Quyết định số 524/QĐ-TTg
ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây
xanh giai đoạn 2021 - 2025”;
Căn cứ Nghị định số
11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết
cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị quyết số
01-NQ/ĐHXVII ngày 16/11/2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần
thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025;
Căn cứ Quyết định số
33/2018/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh quy định về quản lý cây xanh đô
thị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;
Căn cứ Thông tư số
16/VBHN-BGTVT ngày 30/11/2017 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện
một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy
định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Kế hoạch số
2616/KH-BNN-TCLN ngày 07/5/2021 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về thực hiện
Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”;
Căn cứ Văn bản số
954/BGTVT-KCHT ngày 26/01/2022 của Bộ Giao thông Vận tải về việc trồng cây
phân tán dọc hai bên đường cao tốc Nội Bài - Lao Cai đoạn qua địa bàn tỉnh
Vĩnh Phúc;
Căn cứ Kế hoạch số 309/KH-UBND
ngày 10/12/2021 của UBND tỉnh về Kế hoạch trồng cây phân tán năm 2022;
UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển
khai tổ chức thực hiện trồng cây dọc hai bên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, với các nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH
, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tổ chức, thực hiện góp phần
hoàn thành chỉ tiêu Kế hoạch trồng cây phân tán năm 2022 trên địa bàn các
huyện, thành phố đoạn tuyến đường cao tốc đi qua nhằm hạn chế bụi đường, giảm
tiếng ồn của động cơ xe, tạo cảnh quan môi trường xanh -sạch - đẹp, gắn với
tuyên truyền giáo dục về mục đích ý nghĩa về trồng cây; nâng cao nhận thức
của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá
trị của việc trồng cây xanhphân tán góp phần bảo vệ môi trường sinh thái,
giảm nhẹ thiên tai, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Tăng tỷ lệ cây xanh trên địa
bàn tỉnh, góp phần giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng 25% theo chỉ tiêu Đại hội
Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 giao tại Nghị
quyết số 01-NQ/ĐHXVII ngày 16/11/2020.
2. Yêu cầu
- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo
dục, huy động được đông đảo tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị tích cực tham
gia, hưởng ứng trồng cây;
- Tổ chức khảo sát, lập hồ sơ
vị trí trồng cây dọc hai bên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn tuyến đi
qua địa phận cấp huyện quản lý trình cấp phép thi công trồng cây gắn chỉ tiêu
Kế hoạch cây phân tán của cấp huyện được giao;
- Lựa chọn loài cây trồng có
giá trị nhiều mặt, có chiều cao phù hợp, đảm bảo mục tiêu; Cây sau trồng được
giao tổ chức, cá nhân chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây và có chế độ chăm sóc
(tưới nước, bón phân...) thích hợp, cắt tỉa để cho cây trồng phát triển
nhanh, bộ rễ và thân chắc, khỏe tránh bị đổ khi có mưa, giông, bão.
II. NỘI DUNG
THỰC HIỆN
1. Tổ chức
tuyên truyền, vận động
Tại các địa phương có đoạn tuyến
đường cao tốc Nội bài - Lào Cai đi qua tổ chức tuyên truyền về mục đích, ý
nghĩa của việc trồng cây dọc hai bên đường cao tốc; vận động nhân dân thu hoạch
toàn bộ cây trồng, tài sản,... hiện có trên hành lang 02 bên của tuyến đường
đồng thời trả lại mặt bằng để triển khai, thực hiện trồng cây.
2. Loài cây
trồng
Trồng cây keo lá tràm (giống
CLT 18 hoặc CLT 98...)là loài cây phù hợp với điều kiện lập địa của Vĩnh
Phúc, dễ trồng, mọc nhanh, tán dày, thường xanh, chịu được gió, sau trồng
2-3 năm cây trồng khép tán, cải thiện được tiểu khí hậu, giảm bụi và tiếng
ồn, che chắn hạn chế dòng chảy, góp phần cố định đạm cho đất, đồng thời là
cây cung cấp gỗ nguyên liệu làm giấy, gỗ dán, ván dán, gỗ xẻ, đóng đồ
mộc,....
3. Về
nguồn giống và kỹ thuật trồng
3.1. Yêu cầu về cây giống:
- Nguồn gốc giống: Được tạo ra
từ giống có nguồn giống được công nhận;
- Tuổi cây con: Từ 3 đến 5
tháng kể từ khi hạt đã qua xử lý được cấy vào bầu;
- Đường kính cổ rễ: Từ 0,3 cm
trở lên;
- Chiều cao: Từ 25 cm trở lên;
- Hình thái chung: Cây cứng
cáp, thân thẳng, không bị sâu bệnh, lá xanh tốt, không cụt ngọn, không vỡ bầu
hoặc gẫy gập, không có biểu hiện bị sâu bệnh hại;
- Bầu cây: Kích thước bầu tối
thiểu là 6 x 10 cm. Hỗn hợp ruột bầu đầy ngang mặt bầu, không bị vỡ, không biến
dạng, rễ cây phủ xung quanh mặt trong của vỏ bầu.
3.2. Thời vụ:
- Vụ Xuân - Hè: Trồng vào
tháng 01 đến tháng 5 Dương lịch.
- Vụ Hè thu: Trồng vào tháng
8 đến tháng 9 Dương lịch.
3.3. Mật độ trồng: Dự
kiến cây cách cây khoảng 2,0 x 2,0 m.
3.4. Xử lý thực bì, cuốc
hố trồng cây
- Thực bì được phát dọn sạch sẽ
trên toàn bộ hiện trườngvà được xử lý trước khi cuốc hố; đối với diện tích
sau khai thác phải được đào bỏ toàn bộ gốc cây trồng cũ.
- Cuốc hố trồng cây với kích
thước 40x40x40cm, khi cuốc hố lớp đất mặt để riêng, lớp đất tầng dưới để riêng;
cự ly hàng cách hàng 1,0 m, hố cách hố 1,0m (tính từ tâm hố).
- Sau khi cuốc hố 5-10 ngày tiến
hành lấp hố (Dùng cuốc cào ½ lớp đất bề mặt xuống bằng ½ chiều sâu của hố, đất
lấp phải được đập nhỏ, loại bỏ hết tạp chất như đá, rễ cây, cỏ…), mỗi hố bón
01 kg phân vi sinh và 0,3 kg NPK; sau đó dùng cuốc trộn đều phân với lớp đất
mặt cho vào hố rồi dùng lớp đất dưới lấp lên trên; thực hiện rẫy sạch cỏ xung
quanh, vạc đất xung quanh lấp đầy hố và tạo thành bồn có đường kính khoảng 80
cm, cao 5-10 cm. Sau khi tạo bồn hố xong, cuốc 1 hố nhỏ có độ sâu khoảng 10
cm đến 15 cm ở giữa tâm hố để chuẩn bị trồng cây.
3.5. Kỹ thuật trồng:
+ Trước khi vận chuyển cây đến
hiện trường để trồng bầu cây phải được tưới hoặc nhúng xuống nước cho ngấm no
nước sau đó mới được đem đi trồng;
+ Rạch bỏ túi bầu, đặt bầu cây
ngay ngắn ở chính giữa hố, giữ cho cây thẳng đứng. Sau đó thực hiện quy trình
“3 lấp, 2 dẵm, 1 nhấc cây”, cụ thể: Dùng đất ẩm lấp khoảng 1/3 bộ rễ cây, khẽ
nhấc cây lên một chút; dẵm chặt; lấp đất đến miệng hố và dẵm chặt; cuối cùng
lấp tiếp một lớp đất tơi xốp cao hơn mặt bầu 2-3 cm, tạo thành hình mâm xôi
cho dễ thoát nước.
+ Sau khi trồng nếu đất khô
độ ẩm không đảm bảo yêu cầu tưới nước để đảm bảo độ ẩm cho cây sinh trưởng và
phát triển.
+ Sau trồng 15 -30 ngày, kiểm
tra toàn bộ cây trồng, nếu cây bị chết phải tiến hành trồng dặm.
3.6. Chăm sóc, bảo vệ cây
trồng:
Thực hiện chăm sóc cây trồng
tối thiểu trong 3 năm liền. Hàng năm, tùy vào điều kiện thực bì, đất đai, thời
tiết để bố trí số lần chăm sóc từ 2 - 3 lần/năm. Cụ thể:
3.6.1. Năm thứ nhất:
- Trồng vụ Xuân - hè chăm sóc
2 lần/năm.
+ Lần 1 vào tháng 7-8, phát dọn,
dãy cỏ xung quanh gốc, xới đất, vun mầu vào gốc có đường kính 0,8 m, cao khoảng
5cm.
+ Lần 2 vào tháng 10-11, phát
cỏ, cắt gỡ dây leo, cây bụi lấn át cây trồng, chú ý kiểm tra sâu bệnh hại để
có biện pháp phòng trừ kịp thời.
- Trồng vụ Thu chăm sóc 1 lần/năm
vào tháng 10-11, nội dung tiến hành như lần 1 của vụ Xuân hè.
3.6.2. Năm thứ hai (chăm sóc
3 lần/năm):
- Lần 1 vào tháng 3-4, chăm
sóc như lần 1 năm thứ nhất, kết hợp bón thúc với lượng 0,3 kg phân NPK hoặc 0,5
kg phân hữu cơ vi sinh trên 1 gốc bằng cách rạch bón xung quanh cách gốc
10-15cm và lấp kín phân.
- Lần 2 vào tháng 7-8, phát
thực bì toàn diện, gỡ bỏ dây leo lấn át cây trồng, tỉa cành cho cây.
- Lần 3 vào tháng 10-11, phát
thực bì quanh gốc, đường kính rộng 1m.
3.6.3. Năm thứ ba (chăm sóc
2 lần/năm):
- Lần 1 vào tháng 3-4, phát
thực bì toàn diện, dãy cỏ quanh gốc rộng 1m, thực hiện bón thúc như bón lần
1 trong năm thứ hai.
- Lần 2 vào tháng 7-8, thực
hiện phát thực bì toàn diện, dẫy cỏ xung quanh gốc kết hợp tỉa cành, tỉa
thân.
Lưu ý: Tăng cường công
tác quản lý, bảo vệ cây trồng không để chăn thả gia súc, gia cầm vào hiện
trường trồng cây (3 năm đầu) và không để gia súc hoặc người phá hoại cây
trồng...
3.6.4. Năm thứ tư: Tùy
theo điều kiện cụ thể có thể thực hiện chăm sóc như: Xới đất, bón phân 1 lần
vào đầu mùa sinh trưởng (tháng 3-4), loại phân, liều lượng có thể áp dụng
như các lần bón thúc trước đây.
3.7. Phòng trừ sâu bệnh:
- Sâu hại: Gồm các loài sâu hại
chính như sâu vạch xám, sâu nâu, sâu kèn nhỏ gây hại. Khi cần thiết có thể
dùng một số loại thuốc như: Sumithion 50EC, Ofatox, KARATE 2,5EC, Trebon... để
phòng trừ.
- Bệnh hại: Gồm một số bệnh
hại chính như: Bệnh phấn trắng, bệnh phấn hồng, bệnh rộp lá. Khi phát
hiện bệnh hại với tỷ lệ bị bệnh còn ít, sử dụng thuốc Bordeaux nồng độ
1% phun hoặc quét lên các vết bị bệnh (Bệnh phấn hồng). Nếu tỷ lệ thiệt
hại lớn, tiến hành chặt bỏ những cây bị chết hoặc nhiễm bệnh nặng để tránh
lan sang các cây khác.
- Côn trùng: Mối và dế là những
loài côn trùng thường gây hại nhiều cho cây Keo, khi phát hiện thấy có mối,
dế trong khu vực trồng cây thì phải tiến hành phá vỡ tổ mối hoặc rắc thuốc
Thiodan 35%, Furadan, Chlodan... hoặc có thể làm bả độc để bẫy.
4. Nguồn
cung ứng giống: Các tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh giống
cây trồng lâm nghiệp(trong đó có cây keo lá tràm CLT 18 hoặc CLT 98...)trong
và ngoài tỉnh đảm bảo các điều kiện về sản xuất kinh doanh theo quy định tại
Điều 22 và 23 Luật Trồng trọt năm 2018 và Điều 21, 22 Nghị định số
27/2021/NĐ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất,
kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp.
III. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
UBND tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn
ngân sách tỉnh cho Sở Nông nghiệp & PTNT (trực tiếp thực hiện là Chi cục
Kiểm lâm) thực hiện nhiệm vụ khảo sát, thiết kế trồng cây 02 bên đường cao tốc
Nội Bài - Lào Cai; cho UBND các huyện, thành phố có đường cao tốc Hà Nội -
Lào Cai đi qua để trồng cây và chăm sóc, cắt tỉa cây trong suốt quá trình
khai thác, sử dụng trên cơ sở dự toán được phê duyệt.
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Ban Chỉ đạo trồng
cây phân tán tại địa phương có đoạn tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi
qua chịu trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện gắn với tiêu chí giao thông, môi trường
theo Kế hoạch 309/KH-UBND ngày 10/12/2021 của UBND tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp & PTNT
(1) Chủ trì, phối hợp Sở Giao
thông vận tải là đầu mối chỉ đạo UBND cấp huyện có tuyến đường cao tốc đi qua
để thu thập hồ sơ tuyến đường, tổ chức lập hồ sơ, nhiệm vụ khảo sát, thiết
kế (vị trí, cự ly, khoảng cách, diện tích) trồng cây dọc hai bên đường cao tốc
Nội Bài - Lào Cai đoạn tuyến đi qua địa phận địa phương quản lý theo quy định
tại Điều 26 và Điều 28 Nghị định số 11/2010/NĐ- CP ngày 24/02/2010 của Chính
phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thỏa
thuận với Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận quy mô, giải pháp thiết kế,
trình UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ khảo sát, thiết kế; trình Cục đường bộ I cấp
phép thi công.
(2) Lập dự toán kinh phí: khảo
sát, thiết kế; trồng cây 02 bên đường Nội Bài - Lào Cai, trình Sở Tài chính
thẩm định.
(3) Phối hợp với Sở Giao thông
vận tải và UBND cấp huyện hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây;
kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch tại địa phương; tham mưu, đề xuất
tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện (nếu có);
theo dõi tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
(4) Phối hợp với các Sở,
ngành, UBND cấp huyện đề xuất khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích
trong phong trào trồng cây phân tán năm 2022 gửi Sở Nội vụ thẩm định trình
UBND tỉnh.
3. UBND các huyện, thành phố
Phúc Yên, Bình Xuyên, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô (viết tắt là cấp huyện) chủ
trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp & PTNT và các cơ
quan, đơn vị có liên quan thực hiện:
(1) Phối hợp Sở Nông nghiệp
& PTNT trong suốt quá trình lập hồ sơ khảo sát, thiết kế vị trí, cự ly,
khoảng cách, diện tích được phép trồng cây dọc hai bên đường cao tốc Nội
Bài - Lào Cai đoạn tuyến đi qua địa phận của địa phương quản lý theo quy định tại
Điều 26 và Điều 28 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ
quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến khi
triển khai trồng cây.
(2) Chủ trì tổ chức thực hiện
giải phóng hành lang tuyến; tiếp nhận kinh phí và triển khai trồng cây theo
hồ sơ thiết kế, dự toán được phê duyệt, cấp phép thi công. Thời gian hoàn
thành xong trong năm 2022;
(3) Hằng năm, trình phê duyệt
dự toán để thực hiện trồng cây (nếu có), chăm sóc, cắt tỉa và duy trì hàng
năm đối với tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn tuyến qua địa phận Vĩnh
Phúc theo nhiệm vụ được giao tại khoản 2, Điều 2 Quyết định số
33/2018/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh quy định về quản lý cây xanh đô
thị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
(7) Ban chỉ đạo trồng cây phân
tán cấp huyện tăng cường đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển
khai thực hiện kế hoạch tại địa phương; Tổng hợp kết quả thực hiện theo tiến
độ, gửi báo cáo về Sở Nông nghiệp & PTNT định kỳ vào ngày 20 hàng
tháng và báo cáo đột xuất theo yêu cầu để tổng hợp, báo cáo; đồng thời gửi
báo cáo về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải,
UBND tỉnh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam khi có yêu cầu.
4. Sở Giao thông vận tải
(1). Phối hợp với Sở Nông
nghiệp & PTNT, UBND các huyện, thành phố để hướng dẫn lập phương án,
chuẩn bị hồ sơ khảo sát, thiết kế theo quy định của ngành Giao thông vận tải;
(2). Chủ trì, phối hợp Sở Nông
nghiệp & PTNT để thỏa thuận với Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận
quy mô, giải pháp thiết kế theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư số
16/VBHN-BGTVT ngày 30/11/2017 của Bộ Giao thông vận tải và đề nghị Cục Quản
lý đường bộ I cấp phép thi công công trình theo quy định tại khoản 2, 3 Điều
18 Thông tư số 16/VBHN-BGTVT ngày 30/11/2017 của Bộ Giao thông vận tải;
(3). Làm việc trực tiếp với Ban
quản lý dự án các đường cao tốc phía Bắc - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường
cao tốc Việt Nam (VEC) để thống nhất phương án trồng cây, chủng loại theo
thiết kế của Sở Nông nghiệp & PTNT đảm bảo an toàn giao thông trong quá
trình triển khai thực hiện trồng cây của tỉnh.
5. Sở Nội vụ
Phối hợp với các Sở Nông
nghiệp & PTNT, Sở Giao thông vận tải UBND cấp huyện xem xét, thẩm định
trình UBND tỉnh khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích trong phong
trào trồng cây phân tán năm 2022.
6. Sở Tài chính
Cân đối bố trí nguồn kinh phí
thực hiện; thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt dự toán do Sở Nông nghiệp
& PTNT lập để triển khai thực hiện trồng cây dọc hai bên đường cao tốc
Nội Bài - Lào Cai đoạn đi qua tỉnh Vĩnh Phúc.
Trên đây là Kế hoạch trồng cây
dọc hai bên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh
Vĩnh Phúc, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các
huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ nội dung Kế hoạch,
tổ chức triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Cục Quản lý đường bộ I;
- TTTU, TTHĐND, ĐĐBQH tỉnh;
- CPCT, CPVP;
- Các Sở, ban, ngành đoàn thể thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, NN2.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Khước
|