Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 3921/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận Người ký: Phan Văn Đăng
Ngày ban hành: 22/10/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3921/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 22 tháng 10 năm 2024

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ SỰ CỐ CHẤT THẢI TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2023-2030

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023-2030;

Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Công văn số 197/CV-UB ngày 03/4/2023 của Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về việc triển khai thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023-2030;

Căn cứ Công văn số 217/HĐ-TD ngày 09/4/2024 của Hội đồng thẩm định của Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về việc thông báo kết quả thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2023-2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 4704/STNMT-CCBVMT ngày 30/8/2024.

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2023-2030 như sau:

A. MỤC ĐÍCH

Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2023 - 2030 nhằm triển khai quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030 và Công văn số 1190/UBND-KT ngày 11/4/2023 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030.

B. NỘI DUNG THỰC HIỆN

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Đặc điểm tình hình có liên quan đến chất thải[1]

1.1. Đặc điểm địa lý

Bình Thuận là tỉnh cực Nam vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (tọa độ địa lý 10o33’42’’ đến 11o33’18’’ vĩ độ Bắc và từ 107o23’41’’ đến 108o52’42” kinh độ Đông); phía Bắc giáp các tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận; phía Tây giáp tỉnh Đồng Nai; phía Tây Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông. Là một trong 28 tỉnh, thành phố giáp biển của cả nước, Bình Thuận có vị trí cầu nối, gắn kết giữa các địa phương ở vùng Đông Nam Bộ - Duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Có khoảng cách không quá xa với thành phố Hồ Chí Minh (cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 200 km); cách thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, trung tâm du lịch lớn của cả nước khoảng 250 km.

Bình Thuận với tổng diện tích tự nhiên 7.943,93 km2 và diện tích vùng biển do tỉnh Bình Thuận quản lý có diện tích 52.000 km2, diện tích vùng biển đưa vào quy hoạch là 20.288 km2 trên phạm vi 10 đơn vị hành chính: 01 thành phố (Phan Thiết); 01 thị xã (La Gi) và 08 huyện (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân, Phú Quý).

Tỉnh lỵ của Bình Thuận là thành phố Phan Thiết nằm cách thành phố Hồ Chí Minh 183 km về phía Bắc, cách thành phố Đà Nẵng 753 km và cách thủ đô Hà Nội 1.520 km về phía Nam theo đường Quốc lộ 1.

1.2. Đặc điểm địa hình

Bình Thuận trải dài dọc bờ biển Đông theo hướng Đông Bắc - Tây Nam phần lãnh thổ rộng nhất 95 km và hẹp nhất là 32 km. Phía Bắc giáp các sườn núi cuối cùng của dãy Trường Sơn, phía Nam là các dải đồi cát chạy dài dọc theo bờ biển; Phần lớn lãnh thổ là đồi núi thấp và trung bình, đồng bằng ven biển nhỏ hẹp, địa hình hẹp ngang kéo theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, phân hóa thành 4 dạng địa hình:

- Vùng núi trung bình và cao (cao trình > 500m): Chủ yếu tập trung ở phía Bắc và Tây Bắc, chiếm 31,5% diện tích tự nhiên, có độ dốc cao, địa hình phức tạp, ít có khả năng sản xuất nông nghiệp, chủ yếu dành cho công tác bảo vệ và trồng rừng đầu nguồn.

- Vùng đồi núi thấp (200 đến 500m): Chủ yếu đất dùng vào lâm nghiệp, chiếm khoảng 40,7% diện tích tự nhiên.

- Vùng đồi cát ven biển (100 đến 200 m): Gồm các đồi cát đỏ, cát trắng, vàng, phân bố dọc suốt bờ biển của tỉnh từ huyện Tuy Phong đến thị xã La Gi. Địa hình dạng gò đồi lượn sóng chiếm khoảng 18,22% diện tích tự nhiên.

- Vùng đồng bằng phù sa (dưới 100 m): Chiếm khoảng 9,43% diện tích tự nhiên, được tạo thành từ trầm tích phù sa sông, suối như đồng bằng Tuy Phong (sông Lòng Sông); đồng bằng Phan Rí, Sông Mao (sông Lũy); đồng bằng Phan Thiết (sông Quao, sông Cà Ty); đồng bằng Đức Linh, Tánh Linh (sông La Ngà).

Địa hình của tỉnh tương đối phức tạp, nhiều dãy núi đâm ngang ra biển, chia cắt lãnh thổ thành những khu vực nhỏ hẹp. Phía Nam tỉnh là dãy núi Ông nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, các đỉnh cao từ 700 - 1.000 m vừa là đường phân thủy vừa là bức tường ngăn gió mùa Tây Nam thổi tới trong mùa hạ. Phía Đông Bắc tỉnh có núi Bà Rá (760 m), núi Gió (697 m) kéo dài từ Vĩnh Hảo ra gần biển. Ngoài ra, phía Đông Bắc tỉnh còn bị che chắn bởi dãy Cà Ná. Mũi Dinh (Padanan) cao từ 800 đến 1.500 m thuộc địa phận Ninh Thuận ngăn cản gió mùa Đông Bắc trong mùa đông.

Đặc điểm địa hình nói trên tạo điều kiện phát triển nền kinh tế đa dạng, với độ cao vừa phải và ít chịu tác động của nước biển dâng, thuận lợi cho bố trí các hoạt động và các công trình kinh tế - xã hội phi nông nghiệp; tuy nhiên cũng gây khó khăn nhiều cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và sinh hoạt của dân cư.

1.3. Địa chất, thổ nhưỡng

a) Về địa chất

Địa chất tỉnh Bình Thuận hình thành trên tập hợp các đá xâm nhập, phun trào, biến chất và trầm tích sau:

- Đá magma acid: Phần lớn là đá granit bao phủ một diện tích khá lớn khoảng ¼ diện tích tỉnh Bình Thuận. Sản phẩm phong hóa đá granit hình thành ra 3 nhóm đất là đất đỏ vàng, đất xám và đất xói mòn trơ sỏi, trong đó nhóm đất xám là chủ yếu, với đặc tính rửa trôi, hoạt tính thấp và thành phần cơ giới cát là chủ yếu.

- Đá bazan: Bao phủ khoảng 3,3% diện tích tự nhiên. Trong điều kiện nhiệt đới ẩm đã phát triển một lớp vỏ phong hóa dày trung bình từ 20 m đến 30 m, có nơi dày 40 đến 50 m và có màu nâu đỏ.

- Đá phiến sét: Chiếm khoảng 5,3% diện tích tự nhiên. Đá rất cổ (tuổi Mesozoi), là nền móng của lãnh thổ nhưng một phần lớn diện tích bị trầm tích Aluvi tuổi Neogen và bazan phủ lấp lên. Đất trên đá phiến sét thường có màu vàng hay vàng nhạt, thành phần cơ giới trung bình đến nặng, các chất dinh dưỡng khác. Do phong hóa mạnh cùng với quá trình xói mòn rửa trôi mạnh nên đất thường có chiều dày mỏng, nhiều nơi hoàn toàn trơ đá gốc hoặc đá bán phong hóa trên bề mặt địa hình.

- Trầm tích phù sa cổ (tuổi Pleistocene): Chiếm một diện tích không lớn khoảng 10% diện tích lãnh thổ. Tầng dày từ 2,0 đến 7,0 m, màu nâu vàng, lên sát tầng mặt chuyển sang màu xám. Cấp hạt thường thô, tạo cho đất có cấp hạt cát là chủ yếu (cát, cát pha, thịt nhẹ và thịt trung bình). Thành phần cơ giới nhẹ, cùng với điều kiện nhiệt đới gió mùa, mưa lớn và tập trung, làm cho đất bị rửa trôi mạnh, nghèo dưỡng chất và có hoạt tính thấp.

- Trầm tích Holocen: Là trầm tích trẻ, chiếm khoảng 26% diện tích tự nhiên, được chia thành 3 dạng: Cát biển; trầm tích đầm lầy - biển; phù sa sông - suối.

b) Về thổ nhưỡng

Bình Thuận có một số nhóm đất chủ yếu sau đây:

- Nhóm đất cát biển (C): Phân bố dọc theo bờ biển từ Tuy Phong đến Hàm Tân. Đất rất nghèo dinh dưỡng, không có khả năng giữ nước, không thích hợp với sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, một số diện tích trồng khoai lang, khoai mì, đậu, mè, hành, tỏi, dưa hấu, mãng cầu... nhưng có năng suất và hiệu quả rất thấp.

- Nhóm đất mặn (M): Phân bố chủ yếu ở ven biển Phan Thiết, Tuy Phong. Đất có độ phì tương đối khá, nhưng độ mặn tương đối cao không thích hợp với sản xuất nông nghiệp và hiện tại đang sử dụng làm muối, nuôi trồng thủy sản nước lợ.

- Nhóm đất phù sa (P): Phân bố dọc theo hệ thống Sông Lũy, Sông Dinh, Sông La Ngà, Sông Lòng Sông, Sông Cái Phan Thiết... Đất khá giàu dinh dưỡng, thích hợp với nhiều loại cây trồng. Hiện tại sử dụng trồng cây lương thực (lúa, ngô), cây ăn quả, bông, lạc và cây thực phẩm khác... năng suất và hiệu quả khá cao.

- Nhóm đất xám bạc màu (X, B): Phân bố ở bậc thềm trung gian giữa vùng đất phù sa, đất cát ở phía Đông và vùng đồi núi thấp phía Tây, thuộc hầu hết các huyện, thị. Đất nghèo dinh dưỡng, hiện tại chủ yếu là đất lâm nghiệp, vùng đồi gò độ dốc thấp trồng cây lâu năm, cây hoa màu năng suất, hiệu quả thấp.

- Nhóm đất đen (Ru): Phân bố ở Đức Linh, Tánh Linh. Đất khá giàu chất dinh dưỡng, thích hợp với nhiều loại cây trồng. Hiện đang trồng cây hàng năm, cây ăn quả.

- Nhóm đất đỏ vàng (F): Phân bố ở vùng núi trung bình, núi cao và bậc thềm phù sa cổ ở nửa phía Tây Bắc của tỉnh. Trong đó các loại đất phát triển trên đá bazan (Fk, Ft) và đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa (Fl) có độ phì khá, các loại đất còn lại độ phì thấp, hiện tại chủ yếu trồng rừng, bảo vệ rừng.

- Nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi (H): Phân bố trên vùng núi cao ở Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Tuy Phong, Bắc Bình và Hàm Thuận Nam.

- Nhóm đất thung lũng dốc tụ (D): Phân bố rải rác ven các suối (hợp thuỷ) ở Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Đức Linh, Tuy Phong, Hàm Tân và Tánh Linh. Đất có độ phì nhiêu từ trung bình đến khá, hiện tại sử dụng trồng lúa, trồng hoa màu.

- Nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá (E): Phân bố ở vùng cao thuộc Hàm Thuận Nam, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Hàm Tân và Bắc Bình.

1.4. Khí hậu

Bình Thuận nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình nhiều nắng, nhiều gió và là một trong những vùng khô hạn nhất cả nước. Đặc trưng khí hậu thời tiết của tỉnh như sau:

a) Chế độ nhiệt

- Nhiệt độ không khí

Bình Thuận có nền nhiệt độ cao quanh năm, hầu hết vùng đồng bằng ven biển và các vùng núi thấp kế cận đều có nhiệt độ trung bình năm từ 25,9 đến 27,8oC, tổng nhiệt năm trên 9.600oC. Nơi có nhiệt độ cao nhất là vùng phía Đông bắc tỉnh (huyện Tuy Phong, Bắc Bình) nhiệt độ trung bình năm là 27,8oC và tổng nhiệt năm trên 9.800oC. Các vùng núi cao trên 700 m nhiệt độ trung bình năm thường dao động dưới 24oC và tổng nhiệt năm dưới 8.800oC. Riêng vùng núi cao trên 1.200 m có nhiệt độ trung bình năm dưới 22oC và tổng nhiệt độ năm dưới 7.700oC.

Do địa hình giảm dần từ phía Bắc đến Nam nên nhiệt độ cũng tăng dần theo hướng đó. Ở vùng đồng bằng ven biển nhiệt độ các huyện phía Bắc cao hơn các huyện phía Nam. Nhiệt độ không khí cao hoặc thấp có ảnh hưởng lớn đến đời sống con người, gia súc và cây trồng.

- Nhiệt độ mặt đất

Nhiệt độ đất có thể đo ở ngay mặt đất và các độ sâu khác nhau, nhiệt độ đất cũng có quan hệ chặt chẽ với loại đất. Nhiệt độ mặt đất trung bình năm ở Bình Thuận dao động ở khoảng 30,9 đến 32,2oC, cao hơn so với nhiệt độ không khí trung bình năm khoảng 4,9 đến 5,3oC. Nhiệt độ mặt đất trung bình tháng trong mùa khô so với mùa mưa chênh nhau không nhiều, tại trạm Phan Thiết là xấp xỉ, còn trạm La Gi chênh nhau 1,0oC. Nhiệt độ mặt đất trung bình (Tg) biến đổi theo các tháng trong năm tương tự như nhiệt độ không khí. Giá trị lớn nhất xảy ra vào các tháng 3 đến tháng 5 và nhỏ nhất vào các tháng mùa mưa.

b) Chế độ gió

Chế độ gió ở khu vực tỉnh Bình Thuận bị tác động của áp cao cận nhiệt đới Thái Bình Dương, ở tầng thấp của tầng đối lưu, luồng không khí có hướng chủ yếu là Đông Bắc di chuyển khá ổn định suốt cả năm từ vùng cận nhiệt đới về vùng xích đạo, còn ở tầng cao không khí di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Nam từ vùng xích đạo về vùng cận nhiệt đới tạo thành hoàn lưu tín phong (hay gió mậu dịch).

Gió ở Bình Thuận bao gồm gió mùa Đông - Bắc (hướng Đông chiếm ưu thế nhiều hơn) và gió mùa Tây - Nam. Gió mùa Tây - Nam hoạt động liên quan chặt chẽ đến quá trình bắt đầu mùa mưa của tỉnh Bình Thuận.

Tốc độ gió ở tỉnh Bình Thuận đo được trung bình năm trên đất liền dao động từ 1,6 đến 3,2 m/s, còn ở huyện đảo Phú Quý thì tương đối lớn tốc độ trung bình năm là 5,6 m/s, với dao động các tháng trong năm từ 2,9 đến 8,0 m/s. Tháng có tốc độ gió trung bình lớn nhất thường là vào thời kỳ gió mùa Đông bắc (tháng 1, tháng 2, tháng 3), vùng ven biển dao động trong khoảng 3,9 m/s; đi sâu vào đất liền thì dao động trong khoảng 1,6 đến 1,9 m/s; riêng huyện đảo Phú Quý tháng có tốc độ gió trung bình lớn nhất là vào khoảng thời kỳ gió mùa Tây - Nam (tháng 7, tháng 8), tốc độ gió trung bình dao động khoảng 7,3 đến 8,0 m/s.

Với tốc độ gió bình quân lớn, ổn định, nhất là khu vực đồng bằng ven biển và trên các đảo gần bờ và xa bờ có tốc độ gió khá lớn tạo cho Bình Thuận có lợi thế, tiềm năng phát triển năng lượng gió.

c) Chế độ mưa

Biến trình lượng mưa trong năm ở tỉnh Bình Thuận mang đặc trưng của cả khu vực Nam Trung Bộ lẫn khu vực Nam Bộ.

Lượng mưa tại tỉnh Bình Thuận phân bố không đều theo thời gian, lượng mưa vào mùa mưa chiếm từ khoảng 85 đến 90% lượng mưa năm, lượng mưa vào mùa khô chỉ chiếm từ 10-15%. Mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11 với lượng mưa lớn nhất đạt tới 540,2 mm thường vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 9. Các tháng mùa khô rơi vào các tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Các tháng 2, 3, 4 hầu như không có mưa, cùng với thời tiết nắng hạn gay gắt làm các sông suối khô kiệt gây thiếu nước trầm trọng cho cả sản xuất và sinh hoạt. Lượng mưa mùa khô trung bình tháng đều dưới 40 mm. Tổng lượng mưa toàn mùa khô các nơi phổ biến từ 59 đến 97 mm.

Lượng mưa trong năm ở tỉnh Bình Thuận phân bố không đồng đều theo không gian, nơi có lượng mưa ít nhất chỉ đạt 728 mm và nơi cao có lượng mưa năm nhiều nhất là 2.564 mm, chênh lệch giữa vùng mưa nhiều nhất với vùng mưa ít nhất là 1.836 mm. Khu vực phía Tây Bắc của tỉnh là nơi có lượng mưa năm cao nhất đạt từ 2.000 đến 2.500 mm, tiếp theo là khu vực phía Nam của tỉnh dao động từ 1.400 đến 1.600 mm. Khu vực phía Đông Bắc của tỉnh và trung tâm thành phố Phan Thiết có lượng mưa thấp nhất với tổng lượng mưa năm chỉ đạt 730 đến 1.110 mm.

Trên khu vực phía Đông - Bắc (huyện Tuy Phong, Bắc Bình) và trung tâm tỉnh, trong đó có một cực đại phụ xuất hiện vào tháng 5 trùng với thời kỳ mưa lũ tiểu mãn, cực đại chính xuất hiện vào tháng 9 đến tháng 10, đây là thời kỳ mưa lũ chính vụ. Trên khu vực phía Tây, Tây - Bắc và phía Nam (huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh và Hàm Tân), lượng mưa cực tiểu hàng năm thường rơi vào tháng 1 đến tháng 2, sau đó tăng dần. Thời kỳ cao điểm của mùa mưa thường xảy ra vào mùa hè là thời kỳ hoạt động mạnh của gió mùa Tây - Nam và tháng có lượng mưa cực đại là tháng 7 đến tháng 9.

d) Phân vùng khí hậu

Căn cứ theo chế độ nhiệt và chế độ gió, mưa, khí hậu biển (đối với huyện đảo Phú Quý) và vùng núi cao (phía Bắc tỉnh), có thể phân chia Bình Thuận gồm 5 tiểu vùng khí hậu theo thứ tự từ Bắc vào Nam và từ Tây sang Đông như sau:

- Tiểu vùng khí hậu phía Đông tỉnh Bình Thuận (tiểu vùng 1)

Đây là khu vực bao gồm các phần lớn diện tích huyện Tuy Phong, phía Đông Nam huyện Bắc Bình, phía Đông Bắc thành phố Phan Thiết. Vùng này bao gồm toàn bộ thung lũng sông Lòng Sông, hạ lưu sông Lũy, sông Quao. Nét đặc trưng nhất của địa hình khu vực này là vùng đồng bằng ven sông Lòng Sông, sông Lũy, sông Quao và vùng đồi cát ven biển ở độ cao dưới 600mm. Các đặc trưng khác biệt của tiểu vùng khí hậu này so với với phần lớn các khu vực khác chính là lượng mưa thấp nhất, nền nhiệt độ cao nhất tỉnh; là vùng khô hạn nhất tỉnh và cả nước.

Nhiệt độ không khí trung bình năm của khu vực này dao động từ 27,0 đến 27,8oC, tương ứng với tổng nhiệt năm trên 9.800oC, tháng có nhiệt độ không khí trung bình cao nhất là tháng 4, tháng 5 với nhiệt độ không khí trung bình dao động từ 29,1 đến 29,3oC, nhiệt độ tối cao tuyệt đối có thể lên tới 38,9oC vào tháng 5.

Lượng mưa trung bình năm dưới 1.000 mm. Số ngày mưa từ 65 đến 90 ngày/năm. Độ ẩm trung bình năm dao động từ 75 đến 78%, tháng ẩm ướt nhất là tháng 9 cũng trùng vào thời kỳ mưa lũ chính vụ và cao nhất cũng chỉ đạt 81,5%, tháng khô nhất là tháng 2, độ ẩm chỉ đạt 68,6%.

Cũng như một số vùng của khu vực Nam Trung Bộ, ở tiểu vùng này là nơi có tốc độ gió lớn nhất tỉnh với tốc độ gió trung bình năm khoảng 3,5 đến 4,0 m/s. Đây cũng là nơi chịu ảnh hưởng ít của bão và áp thấp nhiệt đới nên rất thích hợp với phát triển năng lượng sạch như năng lượng gió, năng lượng mặt trời.

- Tiểu vùng khí hậu Trung tâm và Tây Nam tỉnh (tiểu vùng 2)

Diện tích của tiểu vùng này khá rộng lớn gồm 1 phần huyện Bắc Bình, phần lớn huyện Hàm Thuận Nam, thành phố Phan Thiết, toàn bộ huyện Hàm Tân, thị xã La Gi. Đặc điểm chính của tiểu vùng này đồng bằng, đôi khi xen kẽ gò, đồi, núi thấp dưới 600 m.

Nhiệt độ trung bình tiểu vùng khí hậu này thấp hơn khu vực phía Đông một ít, dao động trong khoảng 26,5 đến 26,9oC. Trong năm, hai tháng từ tháng 4 đến tháng 5 có nhiệt độ trung bình từ 28,2 đến 28,6oC, các tháng còn lại chủ yếu dưới 28oC. Tổng nhiệt độ trung bình năm trên phần lớn diện tích khoảng 9.400-9.800oC.

Tổng lượng mưa năm dao động từ 1.000 đến 1.600 mm. Mùa mưa của tiểu vùng khí hậu này kéo dài 7 tháng bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào cuối tháng 11, lượng mưa bình quân tháng nhiều năm đều trên 100 mm, dao động từ 140 đến 311 mm; tháng tháng 8 và tháng 9 có lượng mưa cao nhất là từ 186 đến 311 mm, tháng 11 là tháng cuối của mùa mưa, lượng mưa có giảm và dao động trong khoảng 50 đến 83 mm. Mùa khô của tiểu vùng này từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa trung bình các tháng trong thời gian này đều nhỏ hơn 50 mm, tháng có lượng mưa thấp nhất là tháng 2, lượng mưa chỉ đạt dưới 5 mm.

- Tiểu vùng khí hậu Thung lũng sông La Ngà (tiểu vùng 3)

Đây là tiểu vùng gồm phần lớn diện tích huyện Tánh Linh, huyện Đức Linh và các xã Hàm Cần, Hàm Thạnh, Mỹ Thạnh huyện Hàm Thuận Nam. Tiểu vùng có địa hình chuyển tiếp giữa đồi núi thấp xuống vùng lòng chảo thung lũng sông La Ngà, có độ cao phổ biến từ 100 đến 400m, xen kẽ là đồi núi thấp dưới 700 mm, nên khu vực này có nhiệt độ tương đối thấp, nhiệt độ trung bình năm phổ biến 25 đến 25,9oC tương đương với tổng nhiệt toàn miền dưới 9.400oC. Trung tuần tháng 3 cho đến tháng 9 là thời kỳ có nhiệt độ trung bình ngày cao nhất dao động từ 26 đến 26,6oC (trong đó tháng 4, tháng 5 có nhiệt độ 26,6oC).

Tiểu vùng này chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất của khí hậu miền Đông Nam Bộ, với những thung lũng đón gió mùa Tây - Nam nên lượng mưa khu vực này lớn nhất tỉnh, tổng lượng mưa năm dao động từ 2.016 đến 2.564 mm, số ngày mưa cũng khá nhiều (khoảng 124 đến 140 ngày/năm), do vậy, tiểu vùng này quanh năm khá ẩm ướt, độ ẩm trung bình dao động khoảng 80 đến 83%. Mùa mưa khu vực này kéo dài 7 tháng, bắt đầu từ tháng 5 cho đến tháng 11 với lượng mưa trung bình các tháng đều trên 100 mm (trong đó 3 tháng 7, 8, 9 là các tháng có lượng mưa cao nhất đều trên 300 mm).

- Tiểu vùng khí hậu đồi núi phía Bắc tỉnh (tiểu vùng 4)

Khu vực này là những ngọn núi cao từ 700 đến 1.300 m bao gồm xã Phan Dũng, Vĩnh Hảo, Phong Phú huyện Tuy Phong; Phan Lâm, Phan Sơn, Bình An, Phan Điền, Phan Tiến huyện Bắc Bình; Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ, Đa Mi huyện Hàm Thuận Bắc; các xã phía Bắc của huyện Tánh Linh, Đức Linh.

Do địa hình là núi cao nên nền nhiệt độ ở tiểu vùng này khá thấp, nhiệt độ trung bình năm dao động từ 21,5 đến 22,5oC, ở một vài đỉnh núi cao trên 1.000 m có thể xuống dưới 21oC, tổng nhiệt trung bình năm 7.500 đến 8.300oC.

Tiểu vùng khí hậu vùng núi phía Bắc tỉnh nơi tiếp giáp với cao nguyên Lâm Đồng có tâm mưa lớn Bảo Lộc - Đại Quang (3.700 đến 4.000 mm/năm), nên có lượng mưa, độ ẩm rất cao và chỉ kém hơn so với tiểu vùng thung lũng sông La Ngà. Lượng mưa năm bình quân nhiều năm tiểu vùng khí hậu này là 1.600 đến 2.000 mm.

- Tiểu vùng khí hậu biển - huyện đảo Phú Quý (tiểu vùng 5)

Là một huyện đảo có diện tích 16 km² nằm ngoài khơi cách Phan Thiết khoảng hơn 100 km về phía Đông Nam, xung quanh đảo chính Phú Quý còn có các đảo khác như Hòn Đá Cao hướng Tây Bắc, Hòn Đỏ hướng Đông Bắc và Hòn Tranh, Hòn Hải hướng Tây Nam.

Trong tiểu vùng khí hậu này, xung quanh là tiếp giáp biển nên nhiệt độ tương đối ổn định và biên độ nhiệt độ ngày nhỏ chỉ khoảng 4,2oC, nhiệt độ trung bình năm là 27,3oC, tổng nhiệt cả năm 9.960oC. Tháng có nhiệt độ cao nhất của tiểu vùng này là tháng 5 với nhiệt độ trung bình là 29oC, tháng có nhiệt độ thấp nhất là tháng 1 với nhiệt độ 25,0oC.

Mùa mưa của tiểu vùng này kéo dài 7 tháng, bắt đầu từ tháng 5 cho đến tháng 11, lượng mưa bình quân năm ở mức tương đối thấp đạt khoảng 1.128 mm. Trong các tháng mùa mưa, tuy lượng mưa đều trên 100 mm, nhưng phần lớn các tháng lượng mưa không vượt quá 200 mm và tháng được coi mưa nhiều nhất là tháng 10 với lượng mưa là 219 mm; mùa khô của tiểu vùng này kéo dài 5 tháng bắt đầu từ tháng 12 cho đến tháng 4 năm sau, với lượng mưa nhỏ hơn 35 mm, riêng trường hợp tháng 12 do thời kỳ này ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh tăng cường mạnh, kết hợp với các hình thế gây mưa ở thời kỳ cuối mùa mưa của khu vực Nam Trung Bộ, nên lượng mưa tháng tương đối lớn hơn so các vùng khác, trung bình đạt 101 mm.

1.5. Thủy, hải văn

1.5.1. Thủy văn

a) Hệ thống sông ngòi

Hệ thống thủy văn của tỉnh Bình Thuận, với nhiều sông, suối xuất phát từ phía Tây, nơi có các dãy núi của dải Trường Sơn, tiếp giáp với lưu vực thượng nguồn sông Đồng Nai và đổ ra biển Đông theo hướng Bắc - Nam hoặc Tây Bắc - Đông Nam, từ sông La Ngà đổ vào sông chính là sông Đồng Nai. Các sông, suối đa số có lưu vực hẹp, độ dốc lòng sông lớn, dòng chảy phụ thuộc vào lượng mưa, nhiều sông suối không có nước vào mùa khô, riêng sông La Ngà có dòng chảy dồi dào hơn do mưa nhiều.

- Bình Thuận có 7 lưu vực sông chính là: sông Lòng Sông, sông Lũy, sông Cái Phan Thiết, sông Cà Ty, sông Phan, sông Dinh và sông La Ngà. Tổng diện tích lưu vực là 9.853 km2, tổng lượng nước bình quân hàng năm đạt trên 4,4 tỷ m3:

+ Sông La Ngà: Là một phụ lưu của sông Đồng Nai, sông bắt nguồn từ vùng núi cao của Cao nguyên Bảo Lộc có độ cao khoảng 1.300 m. Sau khi chảy qua địa phận tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đồng Nai, sông gia nhập với sông Đồng Nai ở phía tả ngạn. Sông La Ngà có chiều dài 299 km, diện tích lưu vực 3.990 km2, diện tích thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận là 1.900 km2, độ rộng lưu vực lớn nhất là 50 km, độ cao bình quân lưu vực là 468 m, mật độ lưới sông trung bình là 0,58 km/km2. Phía thượng nguồn sông La Ngà thuộc huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng vào huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng hồ thủy điện Hàm Thuận, với dung tích 695 triệu m3 phục vụ phát điện và cung cấp nước tưới cho vùng đồng bằng La Ngà, các huyện Tánh Linh, Đức Linh, tỉnh Bình Thuận và huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, trên nhánh suối Đa Mi, huyện Tánh Linh cũng xây dựng hồ chứa nước Đa Mi với dung tích 140,8 triệu m3 để khai thác lại nguồn nước từ nhà máy thủy điện Hàm Thuận trước khi đổ vào sông La Ngà.

+ Sông Lòng Sông: Bắt nguồn từ vùng núi giáp với tỉnh Lâm Đồng ở độ cao 1.350 m, sông chảy theo hướng chính là Tây Bắc - Đông Nam, khi đến điểm giao với đường sắt sông đổi theo hướng chảy là từ Tây sang Đông rồi đổ ra Biển Đông ở thị trấn Liên Hương. Sông có 2 nhánh chính cấp 1 (Tân Lê, Tân Can) và 1 nhánh cấp 2 (Cha Ra). Chiều dài sông chính 53 km, diện tích lưu vực sông là 509 km2, chiều dài lưu vực là 44,6 km, chiều rộng lưu vực là 12,0 km, mật độ lưới sông là 0,46 km/km2, hệ số uốn khúc là 1,32. Đây là lưu vực sông có độ dốc lớn nhất tỉnh Bình Thuận, độ dốc trung bình vùng thượng lưu khoảng 17%, độ dốc trung bình toàn lưu vực khoảng 45%. Địa hình bên phải lưu vực sông Lòng Sông cao và dốc hơn bên trái, các phụ lưu bên phải bắt nguồn từ độ cao trên 1.000 m, các phụ lưu bên trái bắt nguồn từ độ cao khoảng 700 m. Đoạn sông vùng núi là sông một lòng, đến vùng trung du và gần cửa ra, lòng sông có nhiều bãi cạn ở giữa sông. Trên thượng nguồn Sông Lòng Sông đã xây dựng 2 hồ chứa nước là hồ Phan Dũng tại xã Phan Dũng với dung tích chứa khoảng 13,67 triệu m3 và hồ Lòng Sông tại xã Phú Lạc có dung tích chứa khoảng 36,9 triệu m3 phục vụ cấp nước tưới và sinh hoạt cho nhân dân huyện Tuy Phong.

+ Sông Lũy: Bắt nguồn từ dãy núi cao ở rìa cao nguyên Di Linh - tỉnh Lâm Đồng, đầu nguồn còn gọi là sông Ta Mai. Là một con sông lớn thứ 2 trong tỉnh, sông chảy theo hướng Bắc - Nam, khi đến gần QL1 sông chuyển theo hướng Tây - Đông sau chuyển theo hướng Tây Bắc - Đông Nam rồi đổ ra cửa Phan Rí. Diện tích lưu vực sông là 2.014 km2, trong đó 80% diện tích nằm trong tỉnh và 20% diện tích đầu nguồn thuộc vùng núi cao tỉnh Lâm Đồng. Chiều dài sông chính 96 km, độ cao trung bình lưu vực 371 m, độ rộng trung bình lưu vực là 31 km, nơi rộng nhất là 55 km, chiều dài lưu vực là 52km. Trên thượng nguồn Sông Lũy thuộc huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã xây hồ chứa nước thủy điện Đại Ninh, với dung tích 319,77 triệu m3, đây là nguồn nước ổn định phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân huyện Bắc Bình. Đồng thời, tại xã Phan Sơn - Phan Lâm huyện Bắc Bình đã xây dựng hồ thủy điện Bắc Bình trên nhánh suối Ma Tin với dung tích 5,89 triệu m3 để khai thác lại nguồn nước từ nhà máy thủy điện Đại Ninh trước khi đổ vào Sông Lũy.

+ Sông Cái Phan Thiết (sông Quao): Bắt nguồn từ vùng núi cao phía Tây thuộc cao nguyên Bảo Lộc - Di Linh (tỉnh Lâm Đồng), chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam sau khi qua khỏi hồ sông Quao sông chuyển hướng Bắc

- Nam đổ ra biển tại cửa Phú Hài (Phan Thiết), có chiều dài sông chính là 92 km, diện tích lưu vực 1.239 km2, chiều dài lưu vực 54 km, chiều rộng bình quân lưu vực 19 km, mật độ lưới sông 0,44 km/km2, hệ số uốn khúc sông 2,5. Trên thượng nguồn sông Quao, tại xã Hàm Trí huyện Hàm Thuận Bắc đã xây hồ chứa nước sông Quao với dung tích 73 triệu m3.

+ Sông Cà Ty: Bắt nguồn từ dãy núi Ông có độ cao trên 1.300 m, chảy theo hướng Bắc - Nam, sau đó chuyển hướng theo Tây Bắc - Đông Nam đổ ra biển ở cửa Thương Chánh - Phan Thiết. Vùng thượng nguồn còn có tên gọi là sông Mương Mán, chiều dài sông Cà Ty là 65 km, diện tích lưu vực 754 km2, chiều dài bình quân lưu vực là 45 km, chiều rộng bình quân lưu vực là 17 km, mật độ lưới sông là 0,32 km/km2, hệ số uốn khúc là 1,40. Độ cao lưu vực có độ cao phổ biến từ 200 đến 400m. Độ dốc sông vùng thượng nguồn tương đối lớn khoảng 39%, độ dốc bình quân lưu vực khoảng 48,6%. Lòng sông được mở rộng về phía cửa ra không lớn, sông chảy một lòng từ thượng nguồn đến cửa ra. Vùng núi của lưu vực tương đối ngắn nhưng chiều ngang lớn và thu hẹp về phía hạ lưu. Trên nhánh sông Móng tại xã Hàm Thạnh huyện Hàm Thuận Nam đã xây dựng hồ chứa nước Sông Móng với dung tích 37 triệu m3.

+ Sông Phan: Bắt nguồn từ dãy núi Núi Mốc, huyện Tánh Linh có độ cao trên 850 m, chảy theo hướng Bắc - Nam, sau đó chuyển theo hướng Tây Bắc - Đông Nam rồi lại chảy theo hướng Bắc - Nam đổ ra biển ở cửa Tân Hải, thị xã La Gi. Chiều dài sông chính là 64 km, diện tích lưu vực là 443 km2, độ dài bình quân lưu vực là 47 km, độ rộng bình quân lưu vực là 12 km, mật độ lưới sông là 0,32 km/km2, hệ số uốn khúc là 1,57. Trên sông Phan tại xã Sông Phan, huyện Hàm Tân đã xây dựng hồ chứa nước Sông Phan, với dung tích 2,17 triệu m3.

+ Sông Dinh: Bắt nguồn từ núi Chứa Chan, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, qua huyện Hàm Tân và thị xã La Gi rồi đổ ra cửa biển La Gi. Chiều dài sông chính là 57 km, diện tích lưu vực 904 km2 có một phần diện tích (khoảng 304 km2) nằm ở địa phận tỉnh Đồng Nai, chiều dài bình quân lưu vực 54 km, chiều rộng bình quân lưu vực 17 km, mật độ lưới sông rất thấp 0,15 km/km2, hệ số uốn khúc 1,10. Trên lưu vực sông Dinh, thuộc xã Tân Phúc và thị trấn Tân Nghĩa đã xây dựng hồ chứa nước Sông Dinh 3 với dung tích 50 triệu m3, cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho huyện Hàm Tân và thị xã La Gi.

- Ngoài hệ thống sông chính, Bình Thuận còn có một số sông nhỏ như:

+ Sông Đá Bạc: Là một sông nhỏ nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Bình Thuận, bắt nguồn từ vùng núi cao giáp ranh với tỉnh Ninh Thuận ở độ cao 600m. Sông chảy chủ yếu theo hướng Bắc - Nam rồi đổ ra biển tại Cà Thá, xóm 8, Vĩnh Hảo…Sông có chiều dài 16 km, diện tích lưu vực 123 km2, chiều rộng bình quân của lưu vực là 7,7 km, mật độ lưới sông là 0,72 km/km2, độ uốn khúc của sông chính là 1,2. Độ dốc trung bình vùng thượng nguồn lưu vực khoảng 14,8%, độ dốc trung bình toàn lưu vực khoảng 42,5%. Vùng núi và đồng bằng rộng lớn, vùng trung du nhỏ hẹp với độ cao phổ biến từ 50-100 m. Vùng núi và trung du sông chảy một lòng đến vùng hạ lưu sông có nhiều bãi nhỏ ở giữa sông. Phía đầu nguồn sông Đá Bạc tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong đã xây dựng hồ chứa nước Đá Bạc, với dung tích 4,87 triệu m3, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của địa phương.

+ Sông Tram: Sông Tram nằm ở phía Đông Nam tỉnh Bình Thuận, bắt nguồn từ vùng núi cao 500 m. Sông chảy theo hướng Bắc - Nam, đến gần cửa ra sông được gia nhập bởi nhánh sông Cô Kiều rồi đổ ra biển tại cửa Hồ Lân, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân. Chiều dài sông chính là 19,5 km, diện tích lưu vực 166 km2, chiều rộng bình quân lưu vực 8,5 km, mật độ lưới sông 0,45 km/km2, hệ số uốn khúc là 1,2. Độ dốc vùng thượng nguồn sông Tram khoảng 28,6%, của cả lưu vực khoảng 43,2%. Mặt cắt sông nhỏ tương đối ổn định từ thượng lưu về hạ lưu, sông chủ yếu chảy một lòng, không có bãi giữa sông. Vùng núi ở thượng lưu ngắn, dốc và nhỏ hẹp, vùng trung du nhỏ, vùng đồng bằng rộng và dài hơn. Mặc dù tỉnh Bình Thuận có hệ thống sông chảy qua nhiều, nhưng lưu lượng không lớn, khả năng trữ nước hạn chế, việc quản lý, khai thác hiệu quả nguồn nước cho phát triển kinh tế - xã hội gặp khó khăn, yêu cầu phải xây dựng hệ hồ đập chứa nước và với nhiều kênh dẫn, đồng thời, cần xem xét khả năng tiếp nước từ lưu vực sông Đồng Nai sang các con sông khác như sông Lũy, sông Quao, sông Cà Ty bổ sung cho nguồn nước của tỉnh.

b) Chế độ dòng chảy các dòng sông

- Dòng chảy năm biến đổi như sau: (i) Theo không gian, chế độ dòng chảy phân bố không đều, lượng dòng chảy tập trung chủ yếu ở khu vực vùng núi phía bắc vùng quy hoạch và ít nhất là khu vực phía Đông Bắc vùng quy hoạch. Cá biệt tại khu vực trung tâm ven biển, phía Đông Bắc thành phố Phan Thiết không có dòng chảy, không có hệ thống sông suối. Dòng chảy có xu hướng giảm dần từ Nam ra Bắc và từ Tây sang Đông; (ii) Theo thời gian, dòng chảy trên các sông suối tập trung chủ yếu vào mùa lũ. Lượng dòng chảy mặt tập trung từ tháng 6 đến hết tháng 11, là các tháng mùa lũ. Tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm trong mùa lũ chiếm 60 đến 86%, mùa cạn chiếm 14 đến 40% tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm.

- Dòng chảy mùa lũ trên các sông suối bắt đầu từ tháng 6 đến hết tháng 11, tương ứng với thời kỳ thịnh hành của gió mùa Tây Nam, bão và áp thấp nhiệt đới. Hàng năm trên các sông suối vùng quy hoạch xuất hiện từ 3 đến 7 trận lũ, trung bình có 4,2 trận lũ trong năm. Số lượng các trận lũ của tỉnh Bình Thuận nhiều hơn so với các tỉnh khác ở khu vực Nam Trung Bộ do thời gian mùa lũ dài hơn. Các trận lũ lớn chủ yếu xảy ra từ tháng 8 đến tháng 10.

- Dòng chảy mùa kiệt trên các sông bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 5 năm sau. Mùa kiệt của tỉnh Bình Thuận ngắn nhất trong các tỉnh khác ở khu vực Nam Trung Bộ nên lượng nước phân bố trong năm đều hơn. Lượng dòng chảy ít nhất trong mùa kiệt thường xuất hiện vào tháng 2 và tháng 3, đây là hai tháng có lượng dòng chảy ít nhất trong năm, đặc biệt là tháng 3, có những năm không có dòng chảy. Như vậy, ở các sông suối trên địa bàn tỉnh thì lưu vực càng lớn, độ che phủ rừng nhiều và độ dốc nhỏ thì lượng dòng chảy điều hòa hơn các lưu vực khác. Các sông suối ở phía Tây Nam có lượng nước nhiều nhất và điều hòa nhất, sau đó là các sông suối ở khu vực Trung tâm và ven biển là có dòng chảy ít nhất và cực đoan nhất.

- Dòng chảy bùn cát, hàm lượng chất lơ lửng phân bố không đồng đều trong năm, cao nhất xảy ra vào tháng 10, do đây là tháng có lượng dòng chảy nhiều nhất nên đã đem theo lượng phù sa lớn. Các tháng 5 và 6 có hàm lượng chất lơ lửng lớn nhưng nhỏ hơn tháng 10 là do lưu lượng nước trong sông không lớn nhưng do là tháng đầu mùa lũ nên bề mặt bị phong hóa mạnh, các kết cấu đất đã có sự liên kết kém nên với lưu lượng dòng chảy không lớn nhưng hàm lượng chất lơ lửng tương đối cao. Các tháng mùa kiệt và giữa mùa lũ do lưu lượng nước ít và sản phẩm phong hóa từ bề mặt lưu vực nhỏ nên hàm lượng chất lơ lửng trong nước sông nhỏ. Các tháng mùa kiệt do dòng chảy chủ yếu là từ nước ngầm và dòng chảy sát mặt nên không mang theo vật chất phong hóa bề mặt nên hàm lượng chất lơ lửng giảm mạnh, đặc biệt là các tháng giữa mùa kiệt.

c) Phân vùng thủy văn

Trên cơ sở phân bố hệ thống sông ngòi tự nhiên và với các đặc trưng thủy văn khác nhau, hệ thống thủy văn tỉnh Bình Thuận được phân thành 5 tiểu vùng như sau.

- Tiểu vùng 1: Gồm các lưu vực nhỏ ở phía Bắc tỉnh Bình Thuận, các lưu vực sông Lòng Sông và Đá Bạc. Mùa lũ từ tháng 9 đến tháng 11, mùa kiệt từ tháng 12 năm trước đến tháng 8 năm sau.

- Tiểu vùng 2: Gồm lưu vực sông Lũy và sông Cái, thuộc huyện Bắc Bình và nam Hàm Thuận Bắc. Mùa lũ từ tháng 8 đến tháng 11, mùa cạn từ tháng 12 năm trước đến tháng 7 năm sau. Lượng dòng chảy mùa cạn chiếm từ 23,78 đến 39,45%, mùa lũ từ 60,55 đến 76,22% lượng dòng chảy năm.

- Tiểu vùng 3: Tiểu vùng này thuộc khu trung tâm ven biển tỉnh Bình Thuận, đây là vùng đồi cát lớn, với tổng lượng mưa năm nhỏ, không có sông suối và dòng chảy, thảm phủ thực vật rất thưa thớt, có những khu vực không có thực vật.

- Tiểu vùng 4: Là khu vực phía Đông nam tỉnh Bình Thuận, gồm lưu vực sông Cà Ty, sông Dinh và sông Phan. Mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 10, mùa cạn từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau. Tổng lượng dòng chảy mùa cạn chiếm từ 13,88 đến 28,99%, mùa lũ từ 71,01 đến 86,12% lượng dòng chảy năm.

- Tiểu vùng 5: Là khu vực phía Tây Bắc tỉnh Bình Thuận bao gồm vùng thung lũng sông La Ngà. Mùa lũ từ tháng 7 đến tháng 11, mùa cạn từ tháng 12 năm trước đến tháng 6 năm sau. Tổng lượng dòng chảy mùa cạn chiếm từ 17,68 đến 26,09%, mùa lũ từ 73,91 đến 82,32% lượng dòng chảy năm.

1.5.2. Hải văn

Bình Thuận có chế độ thủy triều rất phức tạp: (i) Khu vực phía Nam của tỉnh giáp với Bà Rịa - Vũng Tàu là bán nhật triều không đều với biên độ triều từ 2,0-2,5 m; (ii) Khu vực phía Bắc gồm các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, thành phố Phan Thiết và Hàm Thuận Nam lại có chế độ nhật triều không đều, độ lớn thủy triều vào những ngày nước cường từ 1,5 đến 2,0 m. Chế độ thủy triều đã gây nhiễm mặn cho các vùng đất ven biển, cửa sông, tuy nhiên khá ổn định nên có thể lợi dụng để tàu thuyền ra vào các cửa sông, cửa biển.

Do đặc điểm địa hình ven bờ của Bình Thuận bị chia cắt bởi phần cuối của dãy núi Trường Sơn nhô ra biển tạo thành nhiều mũi đất, đá lớn nhỏ: (i) Các mũi đất lớn như mũi Sừng Trâu (phía Bắc gần giáp với Ninh Thuận), mũi La Gàn, mũi Đá Dựng, mũi Né, mũi Kê Gà tạo thành các điểm cứng phân chia đường bờ thành các cung đường cong lớn có dạng vịnh (bay-shaped shore line); (ii) Các mũi đá nhỏ hơn phân chia cung bờ lớn thành các cung bờ nhỏ hơn. Các cung đường bờ cong hình thành ở khu vực Bình Thuận thể hiện rõ dạng xoắn ốc giữa hai điểm cố định (mũi đá hay đầu đê), tạo chế độ dòng chảy ven biển lớn, có thể đạt 50 đến 70 cm/s, trong những năm gần đây có sự đột biến gây xói lở nghiêm trọng ở một số nơi thuộc các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Phan Thiết...

2. Tính chất, quy mô đặc điểm của các cơ sở trên địa bàn tỉnh

Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có các cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Chi tiết tại Phụ lục I- Danh sách các dự án, cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (trong KCN) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thuộc quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ; Phụ lục II - Danh sách các dự án, cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (nằm ngoài KCN) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thuộc quy định Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP .

3. Thực trạng lực lượng, phương tiện ứng phó chất thải cấp tỉnh

3.1. Lực lượng, phương tiện chuyên trách

Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chưa có đơn vị chuyên trách về ứng phó chất thải, chủ yếu là lực lượng kiêm nhiệm và đơn vị hiệp đồng đó là quân đội, công an, các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện.

3.2. Lực lượng, phương tiện kiêm nhiệm

a) Lực lượng

- Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh;

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh;

- Công an tỉnh;

- Ban Quản lý các KCN Bình Thuận;

- Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Sở Công Thương;

- Sở Giao thông vận tải;

- Sở Khoa học và Công nghệ;

- Sở Tài chính;

- Sở Y tế;

- Sở Thông tin và Truyền thông;

- Sở Xây dựng;

- Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Thuận;

- Lực lượng Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh, huyện.

- Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp huyện.

- Bệnh viện đa khoa tỉnh, các Bệnh viện khu vực, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã và thành phố; các Đội y tế cơ động và Trung tâm Cấp cứu 115,...

- Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận, các Ban quản lý công trình công cộng của huyện, thị xã nơi xảy ra sự cố.

- Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

b) Phương tiện, trang thiết bị

Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh huy động các trang thiết bị ứng phó sự cố chất thải phù hợp với trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố của các đơn vị: Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh,...

3.3. Lực lượng, phương tiện tăng cường

Khi sự cố chất thải xảy ra với khối lượng lớn, vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh, UBND tỉnh báo cáo Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia điều động tăng cường lực lượng, phương tiện của các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, các bộ, ngành đứng chân trên địa bàn hoặc các tỉnh bạn cùng tham gia ứng phó (Quân khu 7 là lực lượng nòng cốt).

4. Dự kiến các khu vực nguy cơ cao

4.1. Chất thải rắn

a) Khu vực 1: Các bãi chôn lấp chất thải rắn[2] trên địa bàn tỉnh.

b) Khu vực 2: Các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại[3] đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

c) Khu vực 3: Các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu sản xuất tập trung[4] đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

d) Khu vực 4: Các nhà máy nhiệt điện[5] tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân.

4.2. Chất thải lỏng

a) Khu vực 1: Các bãi chôn lấp chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

b) Khu vực 2: Các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

c) Khu vực 3: Các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung và trạm xử lý nước thải đô thị tập trung[6] đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

d) Khu vực 4: Các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

4.3. Chất thải khí

a) Khu vực 1: Các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

b) Khu vực 2: Các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

c) Khu vực 3: Các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung, trạm xử lý nước thải đô thị tập trung trên địa bàn tỉnh.

Ngoài những khu vực đã nêu tại mục 4.1, 4.2, 4.3 còn có tiềm ẩn nguy cơ sự cố của các cơ sở theo Danh sách tại mục 2 phần I của Kế hoạch và các cơ sở khác có phát sinh chất thải rắn, nước thải, khí thải trên địa bàn tỉnh.

5. Kết luận: Trên cơ sở lực lượng, phương tiện và trang thiết bị hiện có, tỉnh Bình Thuận có khả năng ứng phó sự cố chất thải có quy mô vừa và nhỏ.

II. TỔ CHỨC, LỰC LƯỢNG PHƯƠNG TIỆN ỨNG PHÓ

1. Tư tưởng chỉ đạo:“Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả”.

2. Nguyên tắc ứng phó

- Tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nguồn lực, các phương án hiệp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố chất thải;

- Tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin sự cố chất thải, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó;

- Ứng phó sự cố chất thải được thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” quy định tại pháp luật phòng, chống thiên tai; phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động chuẩn bị và ứng phó sự cố;

- Chỉ huy thống nhất, phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó sự cố môi trường, sự cố chất thải;

- Tổ chức, cá nhân gây sự cố chất thải chịu trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức ứng phó sự cố, cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố, bồi thường thiệt hại và các chi phí khác do sự cố gây ra theo quy định của pháp luật.

3. Biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả

3.1. Biện pháp phòng ngừa

- Hiện nay, các KCN Phan Thiết (ngoại trừ KCN Phan Thiết giai đoạn 2 của Công ty TNHH Thép Trung Nguyên), các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2, 4 đã lắp đặt các hệ thống quan trắc (nước thải, khí thải) tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát chất lượng môi trường. Bên cạnh đó, chủ đầu tư các Nhà máy xử lý rác, các bãi rác cần đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc (nước thải, khí thải, không khí xung quanh) để cảnh báo sớm dấu hiệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

- Xây dựng lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm, tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm về dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục sự cố chất thải. Đầu tư mua sắm trang, thiết bị, vật tư để nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó cho các lực lượng của địa phương.

- Nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo, thông báo, báo động sự cố tại địa phương; giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý các KCN, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp,...vi phạm quy định về quản lý, xử lý chất thải.

- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố chất thải.

3.2. Biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả

a) Tiếp nhận thông tin, đánh giá tình hình sự cố

- Tiếp nhận thông tin sự cố chất thải trên địa bàn, kịp thời thông báo sự cố trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các cấp, các ngành và cộng đồng.

- Tăng cường chế độ ứng trực, chủ động nắm chắc tình hình, đánh giá, kết luận, xác định phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả.

- Đánh giá sơ bộ về phạm vi, đối tượng và mức độ tác động đối với môi trường đất, nước, không khí, con người và sinh vật.

b) Thiết lập Sở Chỉ huy ứng phó

- Sở chỉ huy cơ bản

+ Địa điểm: Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Thuận (địa chỉ: số 02 Thủ Khoa Huân, phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).

+ Thành phần, gồm: Lãnh đạo Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng; Lãnh đạo các sở, đơn vị: Công an, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Y tế, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và truyền thông; Ban Quản lý các KCN Bình Thuận.

+ Nhiệm vụ: Chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục sự cố chất thải kịp thời, hiệu quả, tổng hợp, báo cáo kết quả về Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia để theo dõi và chỉ đạo.

- Sở Chỉ huy tại hiện trường:

+ Địa điểm: Nơi xảy ra sự cố.

+ Thành phần: Lãnh đạo Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng; Lãnh đạo các sở, đơn vị: Công an, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Y tế, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và truyền thông; Ban Quản lý các KCN Bình Thuận, Chủ tịch UBND cấp huyện nơi xảy ra sự cố.

+ Nhiệm vụ: Đánh giá, kết luận tình hình, xác định phương án ứng phó, khắc phục hậu quả; tổ chức ứng phó sự cố kịp thời, hiệu quả, tổng hợp, báo cáo kết quả về Sở chỉ huy cơ bản để theo dõi và chỉ đạo.

c) Biện pháp ứng phó

- Xác định và đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trên địa bàn; các kịch bản ứng phó với từng loại sự cố có thể xảy ra gây nguy hại cho con người, môi trường trên địa bàn xảy ra sự cố.

- Tổ chức sơ tán tài sản, phương tiện và nhân dân: Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo lực lượng tại chỗ của tỉnh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Công an tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh,...) phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân nơi xảy ra sự cố nhanh chóng sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực xảy ra sự cố, phong tỏa hiện trường, kịp thời thông tin, định hướng dư luận.

- Ngăn chặn nguồn chất thải ra môi trường, cụ thể:

+ Sự cố chất thải rắn thông thường (chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường): Sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ để khống chế, hạn chế chất thải phát tán ra ngoài môi trường, kịp thời triển khai đắp bờ, đào rãnh ngăn, bể chứa,.. không cho chất thải phát tán ra ngoài môi trường.

+ Sự cố chất thải lỏng (bùn thải, nước thải): Sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ kết hợp với nhân lực tổ chức triển khai kịp thời triển khai bịt lấp các khu vực bị vỡ bằng các vật liệu tại chỗ (bao đất, bao cát hoặc vật liệu sẵn có tại hiện trường), đắp bờ, đào rãnh ngăn, bể chứa...sử dụng hệ thống bơm để hút toàn bộ nước thải thu về bể chứa, hồ chứa tạm,…để hạn chế, dừng phát tán chất thải ra môi trường.

+ Sự cố chất thải khí (khí thải): Sử dụng công nghệ như: Hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ tương ứng, phù hợp như dung dịch kiềm, nước; hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ như than hoạt tính, geolit,...; xử lý khí thải bằng công nghệ UV để xử lý các loại khí độc (Hydrogen sulfide, Mercaptans, Sulfide, Amoniac) hoặc xử lý khí thải bằng công nghệ Plasma nhằm giảm nồng độ bụi trong không khí, loại bỏ khí độc hại,...; ngăn chặn, dừng phát tán chất thải ra môi trường.

d) Khắc phục hậu quả

- Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, chủ cơ sở và chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố đánh giá mức độ ảnh hưởng, xác định biện pháp và tổ chức khắc phục ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khỏe, đời sống cho người dân, an toàn vệ sinh cho cộng đồng và môi trường khu vực sự cố.

- Tổ chức lực lượng, phương tiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải đúng quy định.

- Phục hồi môi trường sau sự cố: Quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường, tổng hợp báo cáo và đưa thông tin cho nhân dân biết trở lại trạng thái bình thường.

4. Tổ chức sử dụng lực lượng

Khi nhận được thông tin về sự cố môi trường, sự cố chất thải, Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ của tỉnh gồm: Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh; chính quyền địa phương; các sở, ban, ngành; các cơ sở gây ra sự cố và các lực lượng theo hợp đồng của tỉnh và lực lượng được huy động, tăng cường (nếu có) cơ động đến hiện trường xảy ra sự cố để tham gia ứng phó (nếu sự cố chất thải xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh đề nghị Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia huy động lực lượng, phương tiện của trên và các tỉnh lân cận cùng tham gia ứng phó), tổ chức thành các bộ phận sau:

4.1. Lực lượng quan sát, giám sát, tiếp nhận thông tin và cảnh báo, thông báo, báo động

Khi phát hiện có dấu hiệu của sự cố chất thải hoặc sự cố chất thải xảy ra, cơ sở để xảy ra sự cố có trách nhiệm báo cáo cấp trên và các cơ quan chức năng. Các cơ quan chức năng tiếp nhận thông tin về sự cố môi trường, sự cố chất thải gồm:

- Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh;

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh;

- Công an tỉnh;

- Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Sở Công Thương;

- Sở Xây dựng;

- Sở Thông tin và Truyền thông

- Sở Giao thông vận tải;

- Sở Y tế;

- Ban Quản lý các KCN Bình Thuận;

- UBND huyện, thị xã, thành phố nơi xảy ra sự cố;

- UBND xã, phường, thị trấn nơi xảy ra sự cố;

- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;

- Báo Bình Thuận;

- Các cơ quan, đơn vị khác có liên quan.

Trong đó, Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì về tiếp nhận thông tin. Các cơ quan chức năng khác khi tiếp nhận thông tin về sự cố chất thải phải báo về Sở Tài nguyên và Môi trường để tham mưu cho UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh quyết định phương án ứng phó sự cố; đồng thời, thông báo về Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh để tổng hợp chung.

4.2. Lực lượng chốt chặn, tuần tra bảo vệ hiện trường

Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo cơ sở gây ra sự cố chất thải quyết liệt ngăn chặn chất thải tràn ra môi trường, đồng thời chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải tổ chức tuần tra, bảo vệ an ninh, an toàn tại hiện trường xảy ra sự cố, không cho người dân và các phương tiện ra vào khu vực xảy ra sự cố.

4.3. Lực lượng tuyên truyền

Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong khu vực xảy ra sự cố, ổn định tinh thần, có trách nhiệm tham gia ứng phó, khắc phục sự cố, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn về người, phương tiện trong khu vực xảy ra sự cố.

4.4. Lực lượng sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn

Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố và các lực lượng khác nhanh chóng sơ tán nhân dân và tài sản ra khỏi khu vực xảy ra sự cố.

4.5. Lực lượng tăng cường, phối hợp

Khi sự cố chất thải xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia đề nghị tăng cường lực lượng, phương tiện của cấp trên, lực lượng, phương tiện của các đơn vị quân đội và lực lượng, phương tiện của các tỉnh lân cận cùng tham gia ứng phó.

4.6. Lực lượng ứng phó sự cố chất thải

4.6.1. Đối với chất thải rắn: Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo lực lượng tham gia ứng phó sự cố của tỉnh (kể cả lực lượng tăng cường, phối hợp) sử dụng phương tiện kết hợp với nhân lực triển khai đắp bờ, đào rãnh...(đối với chất thải rắn) để hạn chế không cho đất, đá thải, chất thải phát tán ra ngoài môi trường; chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo cho các đơn vị trực thuộc đóng các công trình thủy lợi của các khu vực bị ảnh hưởng; Thông báo cho các hộ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản (trên sông, kênh, rạch, trong các ao, hồ) trong khu vực bị ảnh hưởng để có biện pháp ứng phó, khắc phục.

4.6.2. Đối với chất thải lỏng: Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo lực lượng tham gia ứng phó sự cố của tỉnh sử dụng phương tiện kết hợp với nhân lực tổ chức triển khai đắp bờ, đào rãnh ngăn, bể chứa..., bịt lấp thân các khu vực bị vỡ bằng các vật liệu tại chỗ (bao đất, bao cát hoặc vật liệu sẵn có tại hiện trường), sử dụng hệ thống bơm để hút toàn bộ chất thải lỏng thu về bể chứa, hồ chứa... để hạn chế, dừng phát tán chất thải nguy hại ra môi trường.

4.6.3. Đối với chất thải khí: Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo lực lượng tham gia ứng phó sự cố của tỉnh áp dụng các phương pháp sử dụng công nghệ, như: Hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ tương ứng phù hợp như dung dịch kiềm; hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ như than hoạt tính, geolit...; xử lý khí thải bằng công nghệ UV để xử lý các loại khí độc (Hydrogen sulfide, Mercaptans, Sulfide, Amoniac) hoặc xử lý khí thải bằng công nghệ Plasma nhằm giảm nồng độ bụi trong không khí, loại bỏ khí độc hại trong khí thải...ngăn chặn, dừng phát tán chất thải ra môi trường.

4.7. Lực lượng thu gom chất thải, nước thải

Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo lực lượng tham gia ứng phó của tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương huy động học sinh, sinh viên tình nguyện và nhân dân nơi xảy ra sự cố cùng các phương tiện tiến hành thu gom chất thải, nước thải đưa về nơi tập kết để tiến hành xử lý theo quy định (Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu gom chất thải, nước thải và quy định nơi tập kết để xử lý).

4.8. Lực lượng bảo đảm hậu cần, y tế

- Lực lượng đảm bảo hậu cần: Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, chủ cơ sở gây ra sự cố và chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố bảo đảm hậu cần cho các lực lượng tham gia ứng phó và nhân dân trong khu vực xảy ra sự cố.

- Lực lượng đảm bảo y tế: Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Bệnh viện, Trung tâm Y tế trên địa bàn, lực lượng y tế của đơn vị tham gia ứng phó, thiết lập Bệnh viện dã chiến tại nơi xảy ra sự cố (nếu cần); cử cán bộ y tế cùng với cơ số thuốc, vật tư, trang thiết bị cần thiết để sơ cứu, cấp cứu, điều trị cho nhân dân, lực lượng làm công tác ứng cứu tại hiện trường; vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh.

4.9. Lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn giao thông

Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan đảm bảo an ninh, an toàn và thiết lập hành lang an toàn giao thông khu vực xảy ra sự cố.

4.10. Lực lượng phòng cháy chữa cháy

Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các lực lượng có liên quan thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy, quản lý các nguồn nhiệt, nguồn lửa kể cả các nguồn nhiệt, nguồn lửa của các thiết bị, phương tiện tham gia ứng phó, hướng dẫn kỹ thuật cho đội phòng cháy cháy.

III. DỰ KIẾN MỘT SỐ TÌNH HUỐNG ĐIỂN HÌNH VÀ BIỆN PHÁP XỬ LÝ

1. Tình huống 1: Sự cố chất thải lỏng, nước thải

1.1. Tình huống: Do vỡ đê bao hồ chứa nước thải công nghiệp tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 của Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, làm nước thải tràn ra môi trường, trữ lượng khoảng 3.000 m3, gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của 250 hộ dân sinh sống và môi trường biển xung quanh Nhà máy. Sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở. Chủ cơ sở đề nghị UBND tỉnh chủ trì, tổ chức ứng phó.

1.2. Biện pháp xử lý

Sau khi tiếp nhận thông tin từ Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ của tỉnh, lực lượng hợp đồng của tỉnh (nếu có), cơ động đến hiện trường xảy ra sự cố; các lực lượng tham gia ứng phó được tổ chức như sau:

1.2.1. Tiếp nhận thông tin, đánh giá, kết luận tình hình: Sau khi tiếp nhận thông tin từ Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân sử dụng lực lượng, phương tiện của Công ty tổ chức ứng phó, kịp thời triển khai đắp bờ, khắc phục toàn bộ lượng nước thải còn lại của hồ chứa nước thải của nhà máy, không cho nước thải tràn ra môi trường, đồng thời đánh giá tình hình, xác định khả năng diễn biến sự cố, tổ chức lực lượng bảo vệ hiện trường, triển khai các biện pháp quan sát, cảnh báo không cho người, phương tiện di chuyển vào khu vực xảy ra sự cố.

1.2.2. Vận hành cơ chế: Nhận được thông tin từ Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức vận hành cơ chế họp Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, đồng thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh (kể cả lực lượng hợp đồng với tỉnh) chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động đến hiện trường tham gia ứng phó.

1.2.3. Thiết lập Sở chỉ huy tại hiện trường: Chủ tịch UBND tỉnh ra

Quyết định thành lập Sở chỉ huy tại hiện trường, thành phần gồm:

- Chỉ huy trưởng: Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tài nguyên và môi trường trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo điều hành và tổ chức ứng phó.

- Phó Chỉ huy trưởng hiện trường: Do Chỉ huy trưởng chỉ định; giúp chỉ huy trưởng trực tiếp chỉ huy, điều phối các lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải.

- Các thành viên gồm: Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Lãnh đạo các sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Khoa học và Công nghệ và Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong.

1.2.4. Tổ chức ứng phó sự cố

Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng tổ chức đồng thời thực hiện công tác ứng phó sự cố chất thải, cụ thể như sau:

- Lực lượng quan sát, giám sát, tiếp nhận thông tin và cảnh báo, thông báo, báo động: Sau khi nhận được báo cáo của Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức lực lượng quan sát, giám sát, tiếp nhận thông tin và cảnh báo, thông báo không cho người và phương tiện vào khu vực xảy ra sự cố; cảnh báo đến người dân trong việc sử dụng nước phục vụ cho phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong khu vực xảy ra sự cố.

- Lực lượng sơ tán phương tiện và người dân ra khỏi khu vực sự cố: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực lượng, phương tiện tại chỗ, gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an, lực lượng của Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân phối hợp với UBND huyện Tuy Phong huy động người dân địa phương nhanh chóng sơ tán nhân dân, phương tiện, tài sản (nếu có) ra khỏi khu vực xảy ra sự cố.

- Tổ chức ứng phó: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng tổ chức đồng thời thực hiện công tác ứng phó sự cố chất thải, các lực lượng tham gia được tổ chức thành các bộ phận như sau:

+ Ngăn chặn nguồn phát ra nước thải: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại

hiện trường chỉ đạo lực lượng tham gia ứng phó sử dụng phương tiện kết hợp với nhân lực tổ chức triển khai đắp bờ, đào rãnh ngăn, bể chứa..., bịt lấp thân hồ bị vỡ bằng các vật liệu tại chỗ (bao đất, bao cát hoặc vật liệu sẵn có tại hiện trường...) để ngăn chặn nguồn nước thải không cho lan rộng, phát tán ra môi trường, sử dụng hệ thống bơm để hút nước thải về các hồ chứa nước thải, hồ sự cố tại khu vực hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy.

+ Khoanh vùng sự cố chất thải: Chỉ huy trưởng, Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực lượng tham gia ứng phó sử dụng phương tiện kết hợp với nhân lực tổ chức triển khai đắp bờ, đào rãnh ngăn, bể chứa..., bịt lấp thân hồ bị vỡ bằng các vật liệu tại chỗ (bao đất, bao cát hoặc vật liệu sẵn có tại hiện trường...) để ngăn chặn, khống chế, khoanh vùng nguồn chất thải không để lan rộng, phát tán ảnh hưởng đến môi trường, giới hạn phạm vi, đối tượng và mức độ tác động của nước thải.

+ Thu gom nước thải: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực lượng tham gia ứng phó sử dụng sử dụng hệ thống bơm để hút toàn bộ chất thải lỏng thu về bể chứa, hồ chứa... hoặc chuyển hướng di chuyển của nước thải về hồ chứa, rãnh ngăn, bể chứa...., nước thải thu gom được sử dụng xe chuyên dụng vận chuyển về nơi tập kết theo quy định, không để lan rộng ảnh hưởng đến môi trường; quan trắc đánh giá chất lượng môi trường nước mặt khu vực sự cố (Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu gom nước thải và tổ chức vận chuyển về nơi tập kết để xử lý theo quy định).

- Lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn khu vực sự cố: Chỉ huy trưởng, Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Giao thông vận tải cùng các cơ quan, đơn vị liên quan, đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự xã hội, thiết lập hành lang bảo đảm an toàn giao thông khu vực xảy ra sự cố.

- Lực lượng bảo đảm hậu cần, y tế:

+ Bảo đảm hậu cần: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND huyện Tuy Phong, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân bảo đảm hậu cần cho các lực lượng tham gia ứng phó; các lực lượng tham gia ứng phó sự cố tự bảo đảm phương tiện trong quá trình tham gia ứng phó.

+ Bảo đảm y tế: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Bệnh viện đa khoa huyện Tuy Phong, các lực lượng y tế của đơn vị tham gia ứng phó; cử cán bộ, bác sĩ, nhân viên cùng trang thiết bị, vật tư, thuốc men để sơ cứu, cấp cứu, điều trị cho nhân dân và người làm công tác ứng cứu tại hiện trường.

- Bộ phận khắc phục hậu quả, phục hồi môi trường: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực lượng tham gia ứng phó phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khắc phục hậu quả và xử lý môi trường sau sự cố, không để ảnh hưởng sức khỏe nhân dân và môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá kết quả xử lý môi trường để làm căn cứ ra quyết định kết thúc công tác xử lý sự cố.

1.2.5. Tổng hợp báo cáo theo quy định.

2. Tình huống 2: Sự cố về chất thải rắn

2.1. Tình huống: Do mưa lũ kéo dài, khu vực chôn lấp chất thải rắn tại Bãi rác Hàm Tân thuộc Nhà máy xử lý chất thải rắn, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân bị sự cố kéo theo lượng chất thải rắn, nước thải (nước rỉ rác) tràn ra bên ngoài môi trường, khối lượng tràn ra khoảng 1.500 m3. Hậu quả gây ảnh hưởng đến 10 ha đất lúa và 200 hộ dân sinh sống xung quanh Nhà máy. Sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở. Chủ cơ sở đề nghị UBND tỉnh chủ trì, tổ chức ứng phó.

2.2. Biện pháp xử lý

Sau khi tiếp nhận thông tin sự cố từ đơn vị vận hành Nhà máy xử lý chất thải rắn huyện Hàm Tân, Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ của tỉnh, lực lượng hợp đồng của tỉnh (nếu có), cơ động đến hiện trường xảy ra sự cố; các lực lượng tham gia ứng phó được tổ chức như sau:

2.2.1. Tiếp nhận thông tin, đánh giá, kết luận tình hình:

Sau khi tiếp nhận thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh lệnh cho Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân, Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải chỉ đạo lực lượng tại chỗ quyết liệt ứng phó, ngăn chặn không cho chất thải tràn ra môi trường, đồng thời đánh giá tình hình, xác định khả năng diễn biến sự cố, tổ chức lực lượng bảo vệ hiện trường, triển khai các biện pháp quan sát, cảnh báo không cho người, phương tiện di chuyển vào khu vực xảy ra sự cố.

2.2.2. Vận hành cơ chế:

Nhận được thông tin từ Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức vận hành cơ chế họp Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, đồng thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó.

2.2.3. Thiết lập Sở chỉ huy tại hiện trường: Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định thành lập Sở chỉ huy tại hiện trường, thành phần gồm:

- Chỉ huy trưởng: Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tài nguyên và môi trường trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo điều hành và tổ chức ứng phó.

- Phó Chỉ huy trưởng hiện trường: Do Chỉ huy trưởng chỉ định; Giúp Chỉ huy trưởng trực tiếp chỉ huy, điều phối các lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải.

- Các thành viên gồm: Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Lãnh đạo các sở: Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, UBND huyện Hàm Tân.

2.2.4. Tổ chức ứng phó sự cố

Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng tổ chức đồng thời thực hiện công tác ứng phó sự cố chất thải, cụ thể như sau:

- Lực lượng quan sát, giám sát, tiếp nhận thông tin và cảnh báo, thông báo, báo động

Sau khi nhận được báo cáo của Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và Công ty Cổ phần Công trình đô thị (lực lượng theo hợp đồng của tỉnh) huy động lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố đến hiện trường xảy ra sự cố để tham gia ứng phó.

Các cơ quan, đơn vị nhận được ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, tổ chức huy động lực lượng, phương tiện đến hiện trường để tham gia ứng phó, khắc phục sự cố.

- Lực lượng sơ tán phương tiện và người dân ra khỏi khu vực sự cố: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực lượng, phương tiện tại chỗ, gồm: Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, các sở, ban ngành và Công ty cổ phần Công trình đô thị phối hợp với lực lượng thuộc UBND huyện Hàm Tân, người dân tại địa bàn nhanh chóng sơ tán nhân dân, phương tiện, tài sản ra khỏi khu vực xảy ra sự cố.

- Tổ chức ứng phó:

Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực lượng tham gia ứng phó tổ chức đồng thời thực hiện công tác ứng phó sự cố chất thải tiến hành các nội dung như sau:

+ Ngăn chặn nguồn phát ra chất thải: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực lượng tham gia ứng phó sử dụng phương tiện tổ chức triển khai đắp bờ, đào rãnh ngăn, bể chứa..., bịt lấp các khu vực bị vỡ bằng các vật liệu tại chỗ (bao đất, bao cát hoặc vật liệu sẵn có tại hiện trường) để ngăn chặn không cho nguồn chất thải lan rộng, phát ra môi trường, giới hạn phạm vi, đối tượng và mức độ tác động của chất thải và nước thải.

+ Khoanh vùng sự cố chất thải: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực lượng tham gia ứng phó sử dụng phương tiện (máy xúc, máy ủi...) kết hợp với nhân lực đào rãnh ngăn, bể chứa, đắp bờ.... để ngăn chặn, khống chế, khoanh vùng chất thải không để lan rộng ảnh hưởng đến môi trường;

+ Thu gom chất thải: Chỉ huy trưởng, Sở chỉ huy tại hiện trường, chỉ đạo lực lượng tham gia ứng phó sử dụng phương tiện (máy xúc, máy ủi...) thu gom chất thải; sử dụng công nghệ ép khô đất thải, rác thải vận chuyển về nơi tập kết; sử dụng thiết bị bơm nước để thu hồi nước thải hoặc chuyển hướng di chuyển của nước thải về hồ chứa, rãnh ngăn, bể chứa.... không để lan rộng ảnh hưởng đến môi trường; đánh giá mức độ ô nhiễm và triển khai các biện pháp khắc phục ô nhiễm; làm sạch nguồn nước bằng chất oxy hóa khử như: Clo, Kali pecmanganat, Clorat canxi, Bicromat kali, Dioxit clo, Hypoclorit canxi,...Tiến hành quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường nước mặt, đất khu vực kênh thủy lợi (Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu gom chất thải và vận chuyển về nơi tập kết để xử lý; quan trắc đánh giá chất lượng môi trường).

- Lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn khu vực sự cố: Nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và các lực lượng liên quan tổ chức tuần tra, bảo vệ an ninh, an toàn tại hiện trường xảy ra sự cố, không cho người dân và phương tiện ra vào khu vực hiện trường.

- Lực lượng bảo đảm hậu cần, y tế:

+ Bảo đảm hậu cần: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND huyện Hàm Tân, Nhà máy xử lý chất thải bảo đảm hậu cần cho các lực lượng tham gia ứng phó; các lực lượng tham gia ứng phó sự cố tự bảo đảm phương tiện trong quá trình tham gia ứng phó.

+ Bảo đảm y tế: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Hàm Tân, lực lượng y tế của các đơn vị tham gia ứng phó thiết lập Bệnh viện dã chiến tại Trung tâm huyện Hàm Tân (nếu cần); cử cán bộ, y bác sỹ, nhân viên cùng trang, thiết bị, vật tư y tế, cơ số thuốc để sơ, cấp cứu, điều trị bệnh cho nhân dân và cán bộ, nhân viên làm công tác ứng cứu tại hiện trường, kịp thời, hiệu quả.

- Bộ phận khắc phục hậu quả, phục hồi môi trường: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực lượng tham gia ứng phó phối hợp với sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khắc phục hậu quả và xử lý môi trường sau sự cố, không để ảnh hưởng sức khỏe nhân dân và môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá kết quả xử lý môi trường để làm căn cứ ra quyết định kết thúc công tác xử lý sự cố.

2.2.5. Tổng hợp báo cáo theo quy định.

3. Tình huống 3: Sự cố khí thải

3.1. Tình huống: Do ảnh hưởng của sự hệ thống khử NOx (hệ thống SCR); hệ thống lọc bụi tĩnh điện (hệ thống ESP); hệ thống khử SOx (hệ thống FGD) trong quá trình hoạt động tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 của Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận chất lượng không bảo đảm, mất khả năng khử NOx, lọc bụi, khử SOx hoặc khử NOx, lọc bụi, khử SOx, dẫn đến khối lượng khói thải phát tán ra ngoài môi trường gây hậu quả ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe đời sống của 3.000 cư dân/2.000 hộ dân xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của Công ty. Giám đốc Công ty đề nghị UBND tỉnh chủ trì, tổ chức ứng phó.

3.2. Biện pháp xử lý

Sau khi tiếp nhận thông tin từ Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ của tỉnh, lực lượng hợp đồng của tỉnh (nếu có), cơ động đến hiện trường xảy ra sự cố; các lực lượng tham gia ứng phó được tổ chức như sau:

3.2.1. Tiếp nhận thông tin, đánh giá, kết luận tình hình

Sau khi tiếp nhận thông tin từ Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, Chủ tịch UBND tỉnh lệnh cho Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân dừng hoạt động, sử dụng lực lượng, phương tiện của Công ty kịp thời khắc phục sự cố, hạn chế đến mức thấp nhất việc phát thải các chất khí thải ra môi trường phát sinh trong quá trình hoạt động; đồng thời đánh giá, kết luận tình hình, xác định phương án ứng phó, khắc phục sự cố, tổ chức lực lượng bảo vệ hiện trường, triển khai các biện pháp quan sát, cảnh báo không cho người, phương tiện di chuyển vào khu vực xảy ra sự cố.

Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Lãnh đạo Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia huy động lực lượng, phương tiện Trung tâm Ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ hạt nhân khu vực miền Nam thuộc Binh chủng Hóa học/Bộ Quốc phòng co động đến hiện trường tham gia ứng phó.

3.2.2. Vận hành cơ chế: Nhận được thông tin từ Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức vận hành cơ chế họp Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, đồng thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh (kể cả lực lượng hợp đồng với tỉnh) chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động đến hiện trường tham gia ứng phó.

3.2.3. Thiết lập Sở chỉ huy tại hiện trường: Chủ tịch UBND tỉnh ra

Quyết định thành lập Sở chỉ huy tại hiện trường, thành phần gồm:

- Chỉ huy trưởng: Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tài nguyên và môi trường trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo điều hành và tổ chức ứng phó.

- Phó Chỉ huy trưởng hiện trường: Do Chỉ huy trưởng chỉ định; giúp chỉ huy trưởng trực tiếp chỉ huy, điều phối các lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải.

- Các thành viên gồm: Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Lãnh đạo các sở, đơn vị: Công an tỉnh, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong.

3.2.4. Tổ chức ứng phó sự cố

Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng tổ chức đồng thời thực hiện công tác ứng phó sự cố chất thải, cụ thể như sau:

- Lực lượng quan sát, giám sát, tiếp nhận thông tin và cảnh báo, thông báo, báo động: Sau khi nhận được báo cáo của Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương phối hợp Trung tâm Ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ hạt nhân khu vực miền Nam tổ chức lực lượng quan sát, giám sát, tiếp nhận thông tin và cảnh báo, thông báo không cho người và phương tiện vào khu vực xảy ra sự cố.

- Lực lượng sơ tán phương tiện và người dân ra khỏi khu vực sự cố: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực lượng, phương tiện tại chỗ, gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương phối hợp với UBND huyện Tuy Phong nhanh chóng sơ tán công nhân, nhân dân, phương tiện, tài sản (nếu có) ra khỏi khu vực xảy ra sự cố.

- Tổ chức ứng phó: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng tổ chức đồng thời thực hiện công tác ứng phó sự cố chất thải, các lực lượng tham gia được tổ chức thành các bộ phận như sau:

+ Ngăn chặn nguồn phát ra khí thải: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực lượng tại chỗ của tỉnh phối hợp với Trung tâm Ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ hạt nhân khu vực miền Nam sử dụng phương tiện chuyên dụng ngăn chặn, không cho phát tán khói độc ra môi trường, áp dụng các phương pháp sử dụng công nghệ, như: Hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ tương ứng phù hợp như dung dịch kiềm; hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ như than hoạt tính, geolit..., để ngăn chặn nguồn khói thải không cho lan rộng, phát tán ra môi trường.

+ Khoanh vùng sự cố chất thải: Chỉ huy trưởng, Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực lượng tham gia ứng phó sử dụng phương tiện kết hợp với nhân lực tổ chức khoanh vùng nguồn khói, triển khai xử lý khí thải bằng công nghệ UV để xử lý các loại khí độc (Hydrogen sulfide, Mercaptans, Sulfide, Amoniac) hoặc xử lý khí thải bằng công nghệ Plasma nhằm giảm nồng độ bụi trong không khí, loại bỏ khí độc hại trong khí thải...để ngăn chặn, khống chế, khoanh vùng nguồn chất thải không để lan rộng, phát tán ảnh hưởng đến môi trường.

+ Thu gom chất thải: Chỉ huy trưởng, Sở chỉ huy tại hiện trường, chỉ đạo lực lượng tham gia ứng phó áp dụng các phương pháp sử dụng công nghệ, như:

Hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ tương ứng phù hợp như dung dịch kiềm; hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ như than hoạt tính, geolit..., xử lý khí thải bằng công nghệ UV để xử lý các loại khí độc (Hydrogen sulfide,Mercaptans, Sulfide, Amoniac) hoặc xử lý khí thải bằng công nghệ Plasma nhằm giảm nồng độ bụi trong không khí, loại bỏ khí độc hại trong khí thải...không để lan rộng ảnh hưởng đến môi trường và đời sống dân sinh, tiến hành quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường không khí khu vực xảy ra sự cố (Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu gom khí thải được và tổ chức xử lý theo quy định, quan trắc môi trường không khí xung quanh sau sự cố).

- Lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn khu vực sự cố: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Giao thông vận tải cùng các cơ quan, đơn vị liên quan, đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự xã hội, thiết lập hành lang bảo đảm an toàn giaothông khu vực xảy ra sự cố.

- Lực lượng bảo đảm hậu cần, y tế:

+ Bảo đảm hậu cần: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND huyện Tuy Phong, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân bảo đảm hậu cần cho các lực lượng tham gia ứng phó; các lực lượng tham gia ứng phó sự cố tự bảo đảm phương tiện trong quá trình tham gia ứng phó.

+ Bảo đảm y tế: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh, lực lượng y tế các đơn vị tham gia ứng phó; cử cán bộ, bác sỹ, nhân viên cùng trang thiết bị, vật tư, thuốc men để sơ cứu, cấp cứu, điều trị cho công nhân, nhân dân và người làm công tác ứng cứu tại hiện trường kịp thời, hiệu quả.

- Bộ phận khắc phục hậu quả, phục hồi môi trường: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khắc phục hậu quả và xử lý môi trường sau sự cố, không để ảnh hưởng sức khỏe nhân dân và môi trường, tổ chức đánh giá kết quả xử lý môi trường đểlàm căn cứ ra quyết định kết thúc công tác xử lý sự cố.

3.2.5. Tổng hợp báo cáo theo quy định.

IV. NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

1. Nhiệm vụ chung

- Tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh.

- Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải (cho phép việc lồng ghép xây dựng kế hoạch, tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố chất thải trong các kế hoạch khác của cơ quan, đơn vị).

- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia theo Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải khi có yêu cầu.

2. Nhiệm vụ cụ thể

2.1. Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh

- Chủ trì, chỉ đạo các lực lượng ứng phó sự cố chất thải theo kế hoạch, huy động lực lượng, phương tiện của địa phương và của các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tham gia ứng phó.

- Chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân và nhân dân phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả công tác ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, khắc phục phương tiện, trang thiết bị ứng phó. Đầu tư bổ sung các phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố đảm bảo công tác ứng phó sự cố chất thải.

- Tổ chức Sở chỉ huy tại hiện trường tham gia đề xuất các biện pháp ứng phó sự cố chất thải và chỉ huy trực tiếp công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả.

- Hằng năm sơ kết, tổng kết công tác ứng phó sự cố chất thải, báo cáo kết quả thực hiện về Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia và các Bộ theo chức năng.

2.2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Là cơ quan thường trực giúp Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố.

- Hướng dẫn thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường chất thải, hướng dẫn kỹ thuật phục hồi môi trường sau sự cố chất thải theo Hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các văn bản liên quan.

- Chủ trì, tham mưu báo cáo UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh về quá trình thực hiện ứng phó, khắc phục sự cố môi trường, sự cố chất thải cấp tỉnh và cung cấp các thông tin chính thống và đầu mối phát ngôn với các cơ quan thông tin, truyền thông theo nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên thực hiện kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động có nguy cơ xảy ra sự cố chất thải thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường và phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức quan trắc, đánh giá mức độ ô nhiễm đối với môi trường đất, nước, không khí khu vực xảy ra sự cố và các khu vực bị ảnh hưởng làm cơ sở xác định thiệt hại đối với môi trường theo quy định của pháp luật.

- Công bố số điện thoại liên lạc của cơ quan thường trực, đơn vị trực để tất cả các cơ sở được biết.

2.3. Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh

- Tiếp nhận thông tin về sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh của các cơ quan, đơn vị; đồng thời thông báo đến Sở Tài nguyên và Môi trường để biết tham mưu cho UBND tỉnh biện pháp xử lý phù hợp.

- Tổng hợp tiến độ xử lý sự cố từ các cơ quan, đơn vị, địa phương, báo cáo UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị tài liệu họp của Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh về ứng phó sự cố chất thải.

2.4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Tham mưu cho Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh phương án ứng phó, sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố chất thải.

- Điều động lực lượng, phương tiện, phối hợp hiệp đồng với các đơn vị của Bộ, Quân khu đứng chân trên địa bàn và triển khai lực lượng, phương tiện tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ và ứng phó khắc phục hậu quả sự cố chất thải.

- Tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy, điều hành ở các cấp và hành động phối hợp, hiệp đồng của bộ đội trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do sự cố chất thải gây ra.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và Ban chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh để chỉ đạo, điều hành trực tiếp công tác ứng phó sự cố chất thải.

- Chỉ đạo Ban chỉ huy Quân sự các huyện, thị xã, thành phố triển khai lực lượng phối hợp với lực lượng công an bảo vệ hiện trường, bảo đảm an ninh trật tự; triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh.

2.5. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Tham mưu đề xuất cho Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh về phương án ứng phó và điều động lực lượng, phương tiện tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ và ứng phó khắc phục hậu quả sự cố chất thải trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh trong lĩnh vực được giao.

- Tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy, điều hành ở các cấp và hành động phối hợp, hiệp đồng của bộ đội trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do sự cố chất thải gây ra.

- Phối hợp với Công an tỉnh và các lực lượng chức năng có liên quan bảo vệ hiện trường khu vực sự cố, không cho người và các phương tiện không đúng chức năng, nhiệm vụ vào khu vực xảy ra sự cố; phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực xảy ra sự cố.

2.6. Công an tỉnh

-Theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo Công an các địa phương, đơn vị nghiệp vụ tham gia ứng phó sự cố môi trường theo đề nghị của cơ quan, cấp có thẩm quyền. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả. Ưu tiên hoạt động cứu người trước, cứu tài sản sau và bảo vệ môi trường khi có tình huống xảy ra.

- Chỉ đạo và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực xảy ra sự cố; điều tra, làm rõ nguyên nhân gây ra sự cố theo quy định của pháp luật.

- Định kỳ tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập, đào tạo lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và lồng ghép xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố chất thải trong tập huấn, huấn luyện, diễn tập sự cố khác của tỉnh; phối hợp và làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.

2.7. Sở Công Thương

- Hướng dẫn cơ sở sản xuất công nghiệp thực hiện khai báo cơ sở dữ liệu môi trường ngành công thương theo Thông tư số 42/2020/TT-BCT ngày 30/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

- Phối hợp tuyên truyền đến các cơ sở trong lĩnh vực quản lý xây dựng và thực hiện các kế hoạch ứng phó sự sự cố chất thải cấp cơ sở để đảm bảo an toàn, vệ sinh, môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất, sẵn sàng phòng ngừa và ứng phó khi sự cố xảy ra.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh triển khai việc phòng ngừa sự cố môi trường theo lĩnh vực tham mưu phụ trách theo quy định của pháp luật thuộc ngành quản lý.

2.8. Sở Giao thông vận tải

- Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phân luồng đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường được giao quản lý (quốc lộ, đường tỉnh); cắm biển cảnh báo cho các phương tiện, đơn vị vận tải được biết để lựa chọn phương thức di chuyển phù hợp khi di chuyển qua khu vực sự cố và thực hiện các nhiệm vụ khác khi có yêu cầu.

- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện do đơn vị mình quản lý tham gia cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố chất thải đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát hoạt động cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố khi có yêu cầu của tỉnh.

2.9. Sở Tài chính

Trên cơ sở dự toán hàng năm của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố; Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí chi thường xuyên để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 153 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, quy định của Luật Ngân sách nhà nước và theo khả năng ngân sách địa phương.

2.10. Sở Y tế

- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị lực lượng, cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế và phương tiện sẵn sàng tham gia cấp cứu, vận chuyển, điều trị người bị nạn.

- Cử các đội ứng cứu tại chỗ, đội cấp cứu lưu động ứng trực tại hiện trường sẵn sàng tham gia sơ cấp cứu, điều trị kịp thời người bị nạn, đối với bệnh nhân nặng thì sơ cứu rồi chuyển người bệnh lên tuyến trên phù hợp.

2.11. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Thuận cập nhật chính xác, kịp thời các thông tin khi có sự cố xảy ra và định hướng dư luận cho người dân.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo thông tin, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong quá trình ứng phó, khắc phục sự cố. Bảo đảm thông tin, liên lạc lưu thông để phục vụ cho Ban chỉ huy phòng thủ dân sự và các cấp chỉ huy chỉ đạo ứng phó sự cố chất thải.

2.12. UBND cấp huyện

- Ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp huyện theo quy định.

- Xây dựng lực lượng ứng phó sự cố chất thải, bảo đảm nguồn nhân lực, phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố và sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn.

- Chỉ đạo, tổ chức và huy động các lực lượng có liên quan ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn; yêu cầu bồi thường thiệt hại và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn theo phân cấp; trường hợp xảy ra sự cố chất thải, yêu cầu cơ sở để xảy ra sự cố ngừng hoạt động, thực hiện các biện pháp hạn chế phạm vi, mức độ ảnh hưởng, triển khai các hoạt động khắc phục; thông báo ngay cho UBND cấp huyện và các cơ quan có liên quan.

2.13. Các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh

Chuẩn bị lực lượng, phương tiện và trang thiết bị y tế, vật tư, thuốc sẵn sàng tham gia cấp cứu, vận chuyển, điều trị người bị nạn.

2.14. Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao theo lĩnh vực ngành quản lý và tại Công văn số 1190/UBND-KT ngày 11/4/2023 của UBND tỉnh có trách nhiệm chủ động phối hợp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ có liên quan theo nội dung của Kế hoạch này.

2.15. Các cơ sở (tại Phụ lục I và Phụ lục II kèm theo)

- Chủ cơ sở có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải cấp cơ sở phù hợp với nội dung phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường (theo Mục 1 Điều 109 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 10/01/2022).

- Đầu tư mua sắm trang, thiết bị, vật tư và chuẩn bị lực lượng phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải tại cơ sở, thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố.

- Định kỳ tổ chức và tham gia các lớp tập huấn, huấn luyện và diễn tập ứng phó sự cố chất thải và đầu tư trang thiết bị bảo đảm sẵn sàng ứng phó sự cố chất thải.

2.16. Tổ chức thực hiện

- Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo kết quả triển khai, thực hiện các nội dung được giao tại văn bản này với UBND tỉnh qua Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01/12 hàng năm.

- Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp kết quả triển khai, thực hiện của các Sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/12 hàng năm.

V. CÔNG TÁC BẢO ĐẢM

1. Thông tin liên lạc

1.1. Bảo đảm thông tin cho chỉ huy, chỉ đạo

Sử dụng hệ thống thông tin vô tuyết điện, hữu tuyến điện, mạng thông tin vệ tinh Imasat, VSAT-IP và mạng thông tin di động, thành lập Đội thông tin ngay tại hiện trường để tiếp nhận và xử lý thông tin.

1.2. Bảo đảm thông tin liên lạc cho lực lượng ứng phó, khắc phục sự cố, phục hồi môi trường sau sự cố

- Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị liên quan sử dụng hệ thống thông tin hiện hành, kết hợp với phương tiện thông tin đại chúng như Truyền thanh, truyền hình, hệ thống thông báo, báo động để nắm và truyền tin kịp thời đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy, điều hành ứng phó sự cố.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trang bị máy bộ đàm cho đơn vị tìm kiếm cứu nạn, tiếp cận hiện trường đầu tiên và người chỉ huy hiện trường để đảm bảo thông tin liên lạc.

2. Bảo đảm trang thiết bị ứng phó sự cố chất thải

Sử dụng trang thiết bị chuyên dụng, trang thiết bị hiện có của các cơ quan đơn vị tham gia ứng phó và đầu tư mua sắm trang thiết bị để bảo đảm dự phòng. Khi sự cố vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh đề nghị Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia tăng cường nguồn lực, cấp bổ sung trang thiết bị, vật tư để tham gia ứng phó có hiệu quả.

3. Bảo đảm vật chất cho các đơn vị tham gia ứng phó, khắc phục sự cố; phục hồi môi trường sau sự cố

Ban chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo UBND các cấp huyện nơi xảy ra sự cố phối hợp với các sở, ban, ngành, chủ cơ sở gây ra sự cố và UBND xã nơi xảy ra sự cố bảo đảm vật chất cho các lực lượng tham gia ứng phó sự cố và nhân dân trong khu vực xảy ra sự cố; các lực lượng tham gia ứng phó sự cố tự bảo đảm phương tiện cho lực lượng của mình.

4. Tổ chức y tế, thu dung cấp cứu người bị nạn

Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị lực lượng cùng với cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế và phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố, sơ cấp cứu, điều trị kịp thời người bị nạn, đối với bệnh nhân nặng thì sơ cứu rồi chuyển người bệnh lên tuyến trên phù hợp; tham mưu thiết lập Bệnh viện dã chiến tại nơi xảy ra sự cố (nếu cần).

VI. TỔ CHỨC CHỈ HUY

1. Sở chỉ huy thường xuyên

1.1. Địa điểm: Trụ sở UBND tỉnh.

1.2. Thành phần

- Trưởng ban: Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo công tác tổ chức ứng phó.

- Phó Trưởng ban: Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

- Các thành viên: Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành: Công an, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận; Giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Bình Thuận.

1.3. Nhiệm vụ

- Chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục thảm họa sự cố chất thải kịp thời, hiệu quả.

- Đánh giá, nhận định tình hình, khả năng diễn biến sự cố xảy ra, đề ra phương án, biện pháp ứng phó, điều động bổ sung nguồn lực nếu cần thiết. Báo cáo kết quả thực hiện về Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; các bộ, ngành để theo dõi, tổng hợp.

- Theo dõi, tổ chức việc ứng phó, khắc phục sự cố tại hiện trường theo phương án đã được xác định.

- Bổ sung lực lượng, phương tiện cho lực lượng tham gia ứng phó khi cần.

2. Sở chỉ huy tại hiện trường

2.1. Địa điểm: Tại hiện trường nơi xảy ra sự cố.

2.2. Thành phần

- Chỉ huy trưởng hiện trường: Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tài nguyên và môi trường trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo.

- Phó chỉ huy hiện trường: Do Chỉ huy trưởng chỉ định, giúp Chỉ huy trưởng trực tiếp chỉ huy, điều phối các lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải.

- Các thành viên: Lãnh đạo Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; Lãnh đạo các sở, ban, ngành: Công an, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận; Lãnh đạo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Thuận; Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp huyện; Lãnh đạo UBND cấp xã nơi xảy ra sự cố và Chủ cơ sở nơi xảy ra sự cố.

2.3. Nhiệm vụ

- Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các tổ chức, cá nhân để huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư nhanh chóng có mặt tại hiện trường để tham gia ứng phó, khắc phục sự cố.

- Chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải có hiệu quả, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia ứng phó.

- Chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố, tổ chức khắc phục hậu quả và xử lý ô nhiễm môi trường sau sự cố theo quy định.

- Thường xuyên báo cáo kết quả ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố hoặc sự cố phát sinh về Sở chỉ huy thường xuyên.

Trên đây là Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2023 - 2030. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Ban chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

(Đính kèm: Phụ lục I- Danh sách các dự án, cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (trong KCN) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thuộc quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ- CP; Phụ lục II - Danh sách các dự án, cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (nằm ngoài KCN) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thuộc quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP)./.


Nơi nhận:
- Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, Đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT,TTTT, KT. Vương.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Văn Đăng

PHỤ LỤC I

DANH SÁCH CÁC DỰ ÁN, CƠ SỞ THUỘC LOẠI HÌNH SẢN XUẤT, KINH DOANH CÓ NGUY CƠ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG (TRONG KHU CÔNG NGHIỆP) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN THUỘC QUY ĐỊNH TẠI PHỤ LỤC II NGHỊ ĐỊNH SỐ 08/2022/NĐ-CP
(Kèm theo Kế hoạch số 3921/KH-UBND ngày 22/10/2024 của UBND tỉnh)

TT

Chủ dự án

Địa chỉ liên lạc

Tên dự án/ cơ sở

Địa điểm

Công suất

Lớn

Trung bình

Nhỏ

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

I

Mức I

1

Làm giàu, chế biến khoáng sản độc hại, khoáng sản kim loại; chế biến khoáng sản có sử dụng hóa chất độc hại

Từ 200.000 tấn quặng làm nguyên liệu đầu vào/năm trở lên

Dưới 200.000 tấn quặng làm nguyên liệu đầu vào/năm

Không

Công ty Cổ phần Khoáng sản Sông Bình

KCN chế biến tập trung khoáng sản titan Sông Bình

Nhà máy nghiền zircon siêu mịn Sông Bình (35.000 tấn sản phẩm/năm)

KCN chế biến tập trung khoáng sản titan Sông Bình

35.000

2

Công ty Cổ phần Giấy Bắc Mỹ

Lô 2/9, đườngsố 2, KCN Phan Thiết giai đoạn 1

Nhà máy sản xuất giấy - Phụ kiện ngành giấy và bao bì

Lô 2/9, đườngsố 2, KCN Phan Thiết giai đoạn 1

2.000

II

Mức II

3

Mạ có công đoạn làm sạch bề mặt kim loại bằng hoá chất

Từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

Từ 1.000 đến dưới 10.000 tấn sản phẩm/năm

Dưới 1.000 tấn sản phẩm/năm

Công ty TNHH Sheh Fung Screws Việt Nam

lô C8.1, cụm C8, đường N8 KCN Hàm Kiệm II - Bita’s, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam

Nhà máy sản xuất xuất đinh ốc vít

lô C8.1, cụm C8, đường N8 KCN Hàm Kiệm II - Bita’s, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam

100.000

III

Mức III

Chế biến thuỷ, hải sản

Từ 20.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

Từ 1.000 đến dưới 20.000 tấn sản phẩm/năm

Từ 100 đến dưới 1.000 tấn sản phẩm/năm

4

Công ty TNHH Hải Triều

Lô 2/6A và Lô 2/3 KCN Phan Thiết giai đoạn 1, xã Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận

Nhà máy chế biến thủy sản NGHISON FOODS GROUP

Lô 2/6A và Lô 2/3 KCN Phan Thiết, xã Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận

17.000

5

Công ty TNHH Chế biến thủy hải sản Trans Pacific

Lô 6/6 KCN Phan Thiết giai đoạn 2, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc

Chế biến thủy hải sản Transpacific tại KCN Phan Thiết 1

Lô 6/6 KCN Phan Thiết giai đoạn 2, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc

1.500

6

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải sản Fresh - Link

Số 14, đường số 1 KCN Phan Thiết giai đoạn 2, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc

Nhà máy chế biến hải sản đóng hộp Fresh- Link

Số 14, đường số 1 KCN Phan Thiết giai đoạn 2, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc

3.600

PHỤ LỤC II

DANH SÁCH CÁC DỰ ÁN, CƠ SỞ THUỘC LOẠI HÌNH SẢN XUẤT, KINH DOANH CÓ NGUY CƠ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG (NẰM NGOÀI KHU CÔNG NGHIỆP) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN THUỘC QUY ĐỊNH PHỤ LỤC II NGHỊ ĐỊNH SỐ 08/2022/NĐ-CP
( Kèm theo Kế hoạch số 3921/KH-UBND ngày 22/10/2024 của UBND tỉnh)

TT

Chủ dự án

Địa chỉ liên lạc

Tên dự án/ cơ sở

Địa điểm

Công suất

Lớn

Trung bình

Nhỏ

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

I

Mức I

Làm giàu, chế biến khoáng sản độc hại, khoáng sản kim loại; chế biến khoáng sản có sử dụng hóa chất độc hại

Từ 200.000 tấn quặng làm nguyên liệu đầu vào/năm trở lên

Dưới 200.000 tấn quặng làm nguyên liệu đầu vào/năm

Không

1

Công ty TNHH MTV Nhà máy xỉ titan Hưng Thịnh

xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình

Nhà máy sản xuất xỉ titan (điều chỉnh)

xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình

12.000tấn xỉ/năm 7.000 tấn gang/năm

Nhiệt điện than

Từ 600MW trở lên

Dưới 600MW

Không

2

Công ty TNHH Điện Lực Vĩnh Tân 1

xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1

xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong

1.200

3

Công ty Nhiệt Điện Vĩnh Tân

xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2

xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong

1.224

4

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4

xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4+4 Mở rộng

xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong

1.800

II

Mức II

Tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường; Tái chế, xử lý chất thải nguy hại

Từ 500 tấn/ngày trở lên

Dưới 500 tấn/ngày

Không

5

Công ty TNHH Nhật Hoàng

xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết và xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam

Nhà máy rác thành phố Phan Thiết

xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết và xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam

400

6

Công ty TNHH TM XD Xử lý môi trường Thanh Long

xã Gia An, huyện Tánh Linh

Nhà máy phân loại, tái chế và xử lý rác thải sinh hoạt Thanh Long

xã Gia An, huyện Tánh Linh

20

7

Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Du lịch Thành Nam

xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc

Nhà máy phân loại, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt Thành Nam

xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc

70

8

Công ty Cổ phần Môi trường Đa Lộc

thôn Triều Dương, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý

Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt và sản xuất phân hữu cơ huyện Phú Quý

thôn Triều Dương, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý

70

9

Công ty Cổ phần Môi trường Xanh PEDACO

xã Tân Bình, thị xã La Gi

Khu Liên hợp xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và sản xuất phân hữu cơ

xã Tân Bình, thị xã La Gi

450

10

Công ty TNHH Môi trường Bá Phát

xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh

Nhà máy xử lý chất thải Bá Phát

xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh

85,2

11

Công ty TNHH Thương mại Xây dựng xử lý môi trường Đồng Thuận Phát

xã Nam Chính, huyện Đức Linh

Khu liên hợp tái chế và xử lý rác thải sinh hoạt công nghiệp nguy hại Nam Chính

xã Nam Chính, huyện Đức Linh

80

Mức III

Sản xuất tinh bột sắn, bột ngọt

Từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

Từ 500 đến dưới 10.000 tấn sản phẩm/năm

Từ 5 đến dưới 500 tấn sản phẩm/năm

12

Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Phát

thôn 4, xã Đức Hạnh, huyện Đức Linh

Nhà máy chế biến tinh bột mỳ

thôn 4, xã Đức Hạnh, huyện Đức Linh

36.000

13

Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Phát

xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam

Nhà máy chế biến tinh bột mỳ

xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam

36.000

14

Công ty TNHH An Hạ Bình Thuận

thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình

Nhà máy chế biến tinh bột mỳ An Hạ

thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình

3.600

Chế biến mủ cao su

Từ 15.000 tấn/năm trở lên

Từ 6.000 đến dưới 15.000 tấn/năm

Dưới 6.000 tấn/năm

15

Công ty TNHH Southland Trường Xuân

thôn 3, xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh

Nhà máy chế biến mủ cao su Southland Trường Xuân

thôn 3, xã Gia Huynh, Tánh Linh

3.500

16

Công ty Cổ phần Cao su Thắng Lợi - Bình Thuận

xã Trà Tân, huyện Đức Linh

Nhà máy chế biến mủ cao su nguyên liệu và cao su tái sinh

xã Trà Tân, huyện Đức Linh

11.100

17

Công ty TNHH Cao Su Bình Thuận

xã Gia huynh, huyện Tánh Linh và xã Tân Hà, huyện Đức Linh

Nhà máy chế biến cao su Suối Kè

xã Gia huynh, Tánh Linh và xã Tân Hà, huyện Đức Linh

7.500

18

Công ty TNHH Cao Su Bình Thuận

xã Tân Hà, huyện Đức Linh

Nhà máy chế biến cao su Suối Kè - Giai đoạn 2

xã Tân Hà, huyện Đức Linh

9.000

19

Công ty TNHH Cao Su Sao Thái Dương

xã Đông Hà, huyện Đức Linh

Nhà máy chế biến cao su Sao Thái Dương

xã Đông Hà, huyện Đức Linh

800 tấn mủ cốm

Sản xuất đường từ mía

Từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

Từ 500 đến dưới 10.000 tấn sản phẩm/năm

Từ 5 đến dưới 500 tấn sản phẩm/năm

20

Công ty TNHH MK Sugar Việt Nam

thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc

Nhà máy đường MK Bình Thuận, giai đoạn 1 công suất 1.800 tấn mía/ngày

thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc

73.620 tấn đường

Chế biến thủy, hải sản

Từ 20.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

Từ 1.000 đến dưới 20.000 tấn sản phẩm/năm

Từ 100 đến dưới 1.000 tấn sản phẩm/năm

21

Công ty TNHH Hải Nam

27 Nguyễn Thông, Phường Phú Hài, TP Phan Thiết, tỉnh BìnhThuận

Nhà máy chế biến hải sản Hải Nam

27 Nguyễn Thông, Phường Phú Hài, TP Phan Thiết, tỉnh BìnhThuận

13.092

22

Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bình Thuận

75 Võ Thị Sáu, phường Bình Hưng

Xí nghiệp Thuỷ sản Phan Thiết

75 Võ Thị Sáu, phường Bình Hưng

1.000

23

Công ty cổ phần chế biến hải sản Biển Đông

Lô B, Khu chế biến thủy sản Nam Cảng cá Phan Thiết

Nhà máy chế biến thủy sản Nam Cảng cá Phan Thiết

Lô B, Khu chế biến thủy sản Nam Cảng cá Phan Thiết

900

24

Côngty TNHH Hải Thuận

Lô 08-09 Cảng cá Phan Thiết

Xưởng chế biến hải sản Hải Thuận

Lô 08-09 Cảng cá Phan Thiết

1.180

25

Công ty Cổ phần chế biến bột cá Kim Thành

xã Tân Bình, thị xã La Gi

Nhà máy chế biến bột cá Kim Thành

xã Tân Bình, thị xã La Gi

2.300

26

Công ty Cổ phần Nam Mỹ

xã Chí Công, huyện Tuy Phong

Nhà máy chế biến bột cá Nam Mỹ

xã Chí Công, huyện Tuy Phong

900

27

Công ty TNHH Sản xuất - Chế biến Bột cá Thành Đạt

xã Chí Công, huyện Tuy Phong

Nhà máy sản xuất chế biến bột cá Thành Đạt

xã Chí Công, huyện Tuy Phong

900

28

Công ty TNHH chế bến thủy sản Minh Hiền

xã Tân Bình, thị xã La Gi

Nhà máy sản xuất bột cá Minh Hiền

xã Tân Bình, thị xã La Gi

4.900

29

Công ty Cổ phần thủy sản 584 Nha Trang

số 54 Trần Hưng Đạo, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong

Phân xưởng II - Phân xưởng chế biến nước mắm

số 54 Trần Hưng Đạo, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong

1.369,5

30

Công ty Cổ phần Chế biến bột cá Kim Long

Khu chế biến nước mắm, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết

Nhà máy chế biến bột cá Kim Long

Khu chế biến nước mắm, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết

1.250

Chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp

Từ 1.000 đơn vị vật nuôi trở lên

Từ 100 đến dưới 1.000 đơn vị vật nuôi

Từ 10 đến dưới 100 đơn vị vật nuôi

31

Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản

xã Đông Hà, huyện Đức Linh

Trang trại heo giống Song Hà

xã Đông Hà, huyện Đức Linh

2.600

32

Công ty TNHH Lam Chi

xã Đông Hà, huyện Đức Linh

Trang trại heo giống Đông Hà

xã Đông Hà, huyện Đức Linh

2.600

33

Công ty TNHH XD An Phú Khánh 7

xã Tân Hà, huyện Đức Linh

Trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản Tân Hà

xã Tân Hà, huyện Đức Linh

1.200

34

Công ty Cổ Phần Chăn nuôi Duy Cường

xã Trà Tân, huyện Đức Linh

Trang tại chăn nuôi heo nái sinh sản Duy Cường

xã Trà Tân, huyện Đức Linh

1.200

35

Công ty TNHH Trang trại chăn nuôi Thu Hà

xã Đông Hà, huyện Đức Linh

Trang trại chăn nuôi Thu Hà

xã Đông Hà, huyện Đức Linh

750

36

Công ty TNHH chăn nuôi Phú Thịnh

xã Tân Hà, huyện Đưc Linh

Trang trại chăn nuôi heo nái Phú Thịnh 2

xã Tân Hà, huyện Đưc Linh

4.000

37

Trang trại chăn nuôi heo Thành Công

xã Trà Tân, huyên Đức Linh

Trang trại chăn nuôi heo Thành Công

xã Trà Tân, huyên Đức Linh

840

38

Hộ Kinh Doanh Trang Trại Gia An

xã Gia An, huyện Tánh Linh

Trang trại gà giống Bình An

xã Gia An, huyện Tánh Linh

432

39

Công ty TNHH Sunjin Vina Mekong

xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân

Trồng cây lâu năm kết hợp chăn nuôi

xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân

4.400

40

Công ty TNHH TM&DV Bình Dương

thôn Đá Mài, xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân

Trang trại chăn nuôi heo công nghiệp Bình Dương

thôn Đá Mài, xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân

5.200

41

Công ty TNHH MTV TMDV Chăn nuôi Tấn Phát Đồng Nai

xã Tân Hà, huyện Hàm Tân

Trang trại chăn nuôi heo nái đẻ Nam Hà

xã Tân Hà, huyện Hàm Tân

1.200

42

Công ty TNHH Nam Xuân

xã Tân Hà, huyện Hàm Tân

Trang trại chăn nuôi heo nái đẻ Nam Xuân

xã Tân Hà, huyện Hàm Tân

1.200

43

Công ty TNHH Chăn nuôi Cường Hoa

xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam

Trang trại nuôi heo nái đẻ Cường Hoa

xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam

1.200

44

Ông Nguyễn Mạnh Hùng

thôn Suối Tứ, xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân

Trang trại chăn nuôi heo Phú Hùng Mạnh

thôn Suối Tứ, xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân

1.200

45

Công ty TNHH MTV Trang trại Hưng Tân

thôn Đông Thuận, xã Tân Hà, huyện Hàm Tân

Trang trại chăn nuôi heo Hưng Tân

thôn Đông Thuận, xã Tân Hà, huyện Hàm Tân

1.200

46

Ông Lê Giang Nam

thôn Suối Tứ, xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân

Trang trại chăn nuôi heo Nam - Bắc

thôn Suối Tứ, xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân

1.200

47

DNTN Phan Vĩnh Long - Hàm Tân

xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân

Trang trại chăn nuôi heo công nghiệp Nguyễn Đức Ưng

xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân

2.000

48

DNTN TM Thuận Hòa

xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc

Trang trại chăn nuôi heo Thuận Hòa

xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc

1.200

49

Công ty TNHH trang trại chăn nuôi Phước Dung

xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc

Trang trại chăn nuôi heo hậu bị Phước Dung

xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc

1.200

50

Công ty TNHH Nông nghiệp Làng Sen Việt Nam

xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân

Dự án trồng trọt kết hợp chăn nuôi heo tập trung

xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân

1.200

51

Công ty TNHH chăn nuôi Việt Đức

xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam

Trang tại chăn nuôi heo nái đẻ Việt Đức

xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam

1.200

52

Công ty TNHH XD An Phú Khánh 7

xã Tân Hà, huyện Đức Linh

Trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản Tân Hà

xã Tân Hà, huyện Đức Linh

1.200

52

DNTN Chăn nuôi Minh Trang

xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân

Trang trại chăn nuôi heo nái 1.200 con

xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân

600

54

Công ty TNHH Trang Trại Tuấn Anh

thôn Suối Bang, xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân

Trang trại chăn nuôi heo Anh Nghĩa

thôn Suối Bang, xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân

1.236

55

Công ty TNHH An Hợp Phát

thôn Phú Sung, xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam

Trang trại nuôi heo hậu bị An Hợp Phát

thôn Phú Sung, xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam

2.000

56

DNTN Phan Vĩnh Long - Hàm Tân

xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân

Trang trại heo hậu bị Minh Trang

xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân

2.400

57

Công ty TNHH Ngọc Hân

xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân

Trang trại chăn nuôi heo Ngọc Hân

xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân

1.400

58

Công ty TNHH Thiên Minh

Xã Hàm Thạnh, huyện HTN

Trang trại heo Thiên Minh

Xã Hàm Thạnh, huyện HTN

1.200

59

Công ty TNHH Chăn nuôi Ngọc Minh Anh

xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân

Trang trại chăn nuôi heo Ngọc Minh Anh

xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân

1.200

60

Công ty TNHH Việt Hoàng T&T

Xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc

Trang trại heo hậu bị (1) Việt Hoàng

Xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc

2.000

61

Công ty TNHH Việt Hoàng T&T

Xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc

Trang trại heo hậu bị (2) Việt Hoàng

Xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc

2.000

62

Công ty TNHH Việt Hoàng T&T

Xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc

Trang trại heo hậu bị (3) Việt Hoàng

Xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc

2.000

63

Trang trại chăn nuôi Thu Hà

xã Đông Hà, huyện Đức Linh

Trang trại chăn nuôi Thu Hà

xã Đông Hà, huyện Đức Linh

750

64

Công ty TNHH Huỳnh Gia Phúc

Thị xã La Gi

Mở rộng trang trại chăn nuôi heo hậu bị Huỳnh Gia Phúc

Thị xã La Gi

2.400

65

Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Bình An

xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam

Trang trại chăn nuôi heo Bình An

xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam

2.000

66

Công ty TNHH Phúc Thịnh Phát

xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình

Trang trại chăn nuôi heo hậu bị Phúc Thịnh Phát

xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình

2.000

67

Công ty TNHH Nông trại Bách Minh

xã Bình Tân, huyện Bắc Bình

Trang trại chăn nuôi heo hậu bị Bách Minh

xã Bình Tân, huyện Bắc Bình

2.000

68

Công ty TNHH Trang trại Ngọc Hân

xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân

Trang trại chăn nuôi heo Ngọc Hân 2

xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân

3.000

69

Công ty Cổ phần SX TM Phan Lâm (điều chỉnh chủ đầu tư từ Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu Vĩnh Tiến)

xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình

Trang trại chăn nuôi heo hậu bị Vĩnh Tiến

xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình

2.400

70

Công ty TNHH Hưng Phát Huy (điều chỉnh chủ đầu tư từ Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu Vĩnh Tiến)

xã Bình An, huyện Bắc Bình

Trang trại chăn nuôi heo hậu bị Vĩnh Tiến 2

xã Bình An, huyện Bắc Bình

2.400

71

Công ty TNHH Làng Việt Nam

xã Hồng Sơn, huyện HTB

Dự án Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao Làng Việt Nam

xã Hồng Sơn, huyện HTB

12.000

72

Công ty TNHH chăn nuôi Phú Thịnh

xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình

Trang trại chăn nuôi heo nái Phú Thịnh

xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình

1.200

73

Công ty TNHH Làng Việt Nam

xã Hàm Đức, huyện HTB

Trang trại chăn nuôi heo giống và hậu bị Làng Việt 1

xã Hàm Đức, huyện HTB

6.000

74

Công ty TNHH Chăn nuôi Tân Long

xã Tân Hà, huyện Hàm Tân

Trang trại chăn nuôi heo nái đẻ Nam Hà

xã Tân Hà, huyện Hàm Tân

1.200

75

Công ty TNHH Đầu tư Lê Hà

xã Tân Hà, huyện Hàm Tân

Trang trại chăn nuôi heo Lê Hà

xã Tân Hà, huyện Hàm Tân

1.200

76

Công ty TNHH MTV Đức Phát

Xã Đông Hà, huyện Đức Linh

Trang trại chăn nuôi gà thương phẩm Đức Phát

Xã Đông Hà, huyện Đức Linh

900

77

Trang trại chăn nuôi heo theo mô hình VAC Phạm Văn Trường

xã Đông Hà, huyện Đức Linh

Phạm Văn Trường

xã Đông Hà, huyện Đức Linh

200

78

Công ty TNHH Việt Phúc

xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình

Trang trại chăn nuôi heo Việt Phúc

xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình

1.200

79

Công ty TNHH Chăn nuôi Nguyễn Thu Hiền

xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình

Trang trại chăn nuôi gà giống bố mẹ

xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình

432

80

Công ty TNHH Nông trại Thịnh Phát

xã Bình Tân, huyện Bắc Bình

Trang trại chăn nuôi gà Thịnh Phát

xã Bình Tân, huyện Bắc Bình

750

81

Công ty TNHH Xây lắp Thành Ân

xã Sông Lũy, Bắc Bình

Trang trại Chăn nuôi vịt Thành Ân

xã Sông Lũy, Bắc Bình

345,6

82

Công ty TNHH Japfa

xã Đông Hà, huyện Đức Linh

Trang trại gà giống bố mẹ Japfa

xã Đông Hà, huyện Đức Linh

230,4

83

Công ty TNHH Vân Hiền Lâm

xã Vũ Hoà, huyện Đức Linh

Trang trại chăn nuôi gà giống bố mẹ

xã Vũ Hoà, huyện Đức Linh

576

84

Công ty TNHH MTV Phát Phú Thành

xã Trà Tân, huyện Đức Linh

Trang trại vịt Phát Phú Thành

xã Trà Tân, huyện Đức Linh

120

85

Công ty TNHH chăn nuôi Mỹ Nhung

xã Trà Tân, huyện Đức Linh

Trang trại chăn nuôi gà thương phẩm Mỹ Nhung

xã Trà Tân, huyện Đức Linh

700

86

Công ty TNHH TMDV Nguyễn Điển

xã Trà Tân, huyện Đức Linh

Trang trại chăn nuôi gà giống bố mẹ

xã Trà Tân, huyện Đức Linh

360

87

Công ty TNHH TMDV Nguyễn Điển

xã Trà Tân, huyện Đức Linh

Trang trại chăn nuôi gà giống bố mẹ Nguyễn Điển 2

xã Trà Tân, huyện Đức Linh

360

88

Công ty TNHH chăn nuôi Mỹ Nhung

xã Trà Tân, huyện Đức Linh

Trang trại chăn nuôi gà thương phẩm Mỹ Nhung 2

xã Trà Tân, huyện Đức Linh

700

89

Công ty TNHH Trí Tuệ LC

xã Tân Hà, huyện Đức Linh

Trang trại chăn nuôi vịt giống bố mẹ

xã Tân Hà, huyện Đức Linh

120

90

Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Đồng Hợp Thành

thôn 1B, xã Trà Tân, huyện Đức Linh

Trang trại chăn nuôi heo

thôn 1B, xã Trà Tân, huyện Đức Linh

1.250



[1] Nguồn: Tổng hợp theo báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1701/QĐ-TTg ngày 27/12/2023.

[2] Các bãi chôn lấp chất thải rắn gồm: Bãi chôn lấp tại xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân (thu gom 3 xã ven biển: Sơn Mỹ, Tân Thắng, Thắng Hải); Bãi rác Hàm Tân tại xã Sông Phan, huyện Hàm Tân (thu gom 5 xã và 2 thị trấn); Bãi chôn lấp chất thải rắn Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam; Bãi rác núi Xã Thô tại xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc; Bãi rác Bình Tú, thành phố Phan Thiết; Bãi rác xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình; Bãi rác Đồi Pá - xã Phan Điền, huyện Bắc Bình; Bãi rác Núi Nạng, xã Phong Phú, huyện Tuy Phong; Bãi chôn lấp tro, xỉ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1; Bãi chôn lấp tro, xỉ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2.

[3] Các Nhà máy xử lý chất thải rắn gồm: Khu Liên hợp xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và sản xuất phân hữu cơ của Công ty cổ phần Môi trường Xanh PEDACO tại xã Tân Bình, thị xã La Gi; Nhà máy rác thành phố Phan Thiết của Công ty TNHH Nhật Hoàng tại xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết và xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam; Nhà máy xử lý chất thải Bá Phát của Công ty TNHH Môi trường Bá Phát tại xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh; Nhà máy phân loại, tái chế và xử lý rác thải sinh hoạt Thanh Long của Công ty TNHH TM XD Xử lý môi trường Thanh Long tại xã Gia An, huyện Tánh Linh; Khu liên hợp tái chế và xử lý rác thải sinh hoạt công nghiệp nguy hại Nam Chính của Công ty TNHH Thương mại Xây dựng xử lý môi trường Đồng Thuận Phát tại xã Nam Chính, huyện Đức Linh; Nhà máy phân loại, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt Thành Nam của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Du lịch Thành Nam tại xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc; Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt và sản xuất phân hữu cơ huyện Phú Quý của Công ty cổ phần Môi trường Đa Lộc tại thôn Triều Dương, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý.

[4] KCN Phan Thiết giai đoạn 1 của Công ty CP VLXD và KS Bình Thuận, KCN Phan Thiết giai đoạn 2 của Công ty TNHH Thép Trung Nguyên, KCN Hàm Kiệm I của Công ty cổ phần TV-TM-DV Địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận, KCN Hàm Kiệm II của Công ty cổ phần Đầu tư Bình Tân, KCN chế biến tập trung khoáng sản titan Sông Bình của Công ty CP Rạng Đông,…; CCN chế biến hải sản Phú Hài; CCN Tân Bình 1; CCN Nam Hà, CCN Nam Cảng cá Phan Thiết,…; CCN chế biến hải sản Phú Hài; CCN Tân Bình 1; CCN Nam Hà, CCN Nam Cảng cá Phan Thiết,…

[5] Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân bao gồm: Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 của Công ty TNHH Điện Lực Vĩnh Tân 1, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 của Công ty Nhiệt Điện Vĩnh Tân và Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4;

[6] KCN Phan Thiết giai đoạn 1 của Công ty CP VLXD và KS Bình Thuận, KCN Phan Thiết giai đoạn 2 của Công ty TNHH Thép Trung Nguyên, KCN Hàm Kiệm I của Công ty cổ phần TV-TM-DV Địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận, KCN Hàm Kiệm II của Công ty cổ phần Đầu tư Bình Tân, KCN chế biến tập trung khoáng sản titan Sông Bình của Công ty CP Rạng Đông,…; CCN chế biến hải sản Phú Hài; CCN Tân Bình 1; CCN Nam Hà, CCN Nam Cảng cá Phan Thiết,…; Cảng cá Phan Thiết, Cảng cá La Gi,… ; Nhà máy xử lý nước thải tập trung của thành phố tại phường Phú Hài.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 3921/KH-UBND ngày 22/10/2024 ứng phó sự cố chất thải tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2023-2030

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


177

DMCA.com Protection Status
IP: 3.147.53.90
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!