Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 243/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau Người ký: Lê Văn Sử
Ngày ban hành: 05/10/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 243/KH-UBND

Cà Mau, ngày 05 tháng 10 năm 2023

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

Thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 29/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 125/QĐ-BNN-TCTS ngày 04/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch của Bộ thực hiện Quyết định số 911/QĐ-TTg ; Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 05/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Quyết định số 1846/QĐ-UBND ngày 21/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; từng bước xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học.

- Nguồn vốn tự nhiên thủy sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước được nghiên cứu, kiểm kê, đánh giá; từng bước xây dựng, áp dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên và đầu tư phát triển nguồn vốn tự nhiên thủy sản.

- Xử lý các vấn đề môi trường trong hoạt động thủy sản; tăng cường năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong ngành thủy sản.

- Mạng lưới, hoạt động quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản (quan trắc đất, nước, trầm tích) được triển khai hiệu quả; cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường thủy sản được xây dựng và tích hợp vào cơ sở dữ liệu môi trường của bộ, quốc gia.

- Hoạt động bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo vệ môi trường sống các loài thủy sinh, phục hồi hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi thủy sản (rừng ngập mặn, vùng đất ngập nước,...) được triển khai hiệu quả, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; thực hiện cụ thể hóa kế hoạch hành động của Trung ương về bảo tồn, bảo vệ và tái tạo một số loài thủy sản ưu tiên bảo vệ trên địa bàn tỉnh.

- 100% cán bộ, công chức, viên chức ngành thủy sản; 100% doanh nghiệp thủy sản; trên 50% ngư dân, 100% hộ nuôi trồng thủy sản thâm canh, siêu thâm canh được tập huấn, phổ biến pháp luật, kế hoạch bảo vệ môi trường ngành thủy sản.

- Góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; duy trì mức tăng hàng năm 08% diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và bền vững.

- Mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản được nghiên cứu, áp dụng và từng bước được nhân rộng.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ

1.1. Rà soát, xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản

- Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định, hướng dẫn kỹ thuật về chủ động phòng ngừa, kiểm soát nguồn thải trong các hoạt động thủy sản có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

- Xây dựng, triển khai các kế hoạch quản lý môi trường trong hoạt động thủy sản.

- Xây dựng các quy định nhằm thực hiện mục tiêu thu gom, giảm thiểu chất thải từ các hoạt động sản xuất thủy sản; đặc biệt đối với các cơ sở, hộ gia đình khai thác, nuôi trồng, chế biến, kinh doanh quy mô nhỏ.

1.2. Chủ động phòng ngừa, quản lý, kiểm soát nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản; quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản (quan trắc đất, nước, trầm tích).

- Điều tra, đánh giá tổng thể nguồn thải trong các hoạt động thủy sản (khai thác, nuôi trồng, chế biến, hệ thống cơ sở hạ tầng thủy sản).

- Xây dựng, ban hành kế hoạch quản lý môi trường và thực hiện các giải pháp kiểm soát chất thải các hoạt động thủy sản; chú trọng việc kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm tại các khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản thâm canh, siêu thâm canh, các vùng ven biển, các khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao.

- Chủ động trong giải quyết các vấn đề môi trường, các vấn đề phát sinh trong hoạt động thủy sản.

- Rà soát, kiện toàn, xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường (đất, nước, trầm tích); thực hiện quan trắc môi trường thường niên (đất, nước, trầm tích) tại các vùng nuôi tập trung, các cảng cá, nguồn cung nước đầu vào và đầu ra cho các vùng nuôi trồng thủy sản, các làng nghề chế biến thủy sản, khu bảo tồn biển và khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tiếp tục thực hiện kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản (Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 16/9/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh); tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực về quan trắc môi trường cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động địa phương.

- Cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường thủy sản được xây dựng và tích hợp vào cơ sở dữ liệu môi trường của bộ, quốc gia.

- Điều tra, đánh giá, phân loại chất lượng môi trường các khu vực nuôi trồng thủy sản; xây dựng và thực hiện kế hoạch cải tạo, phục hồi các khu vực ô nhiễm do tác động từ hoạt động nuôi trồng thủy sản.

- Tiếp tục thực hiện, đánh giá công tác quản lý, phòng, chống rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh Cà Mau (Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 26/02/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 23/3/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 175/QĐ- TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau).

- Thực thi quy định tại Phụ lục V của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản.

1.3. Hướng dẫn, kiểm tra, xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường

- Các mô hình phòng ngừa, kiểm soát, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường được nghiên cứu, xây dựng và từng bước áp dụng trong các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, chế biến thủy sản, hạ tầng cơ sở thủy sản; kế hoạch phòng ngừa, kiểm soát, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong hoạt động thủy sản được xây dựng; hướng dẫn kỹ thuật được xây dựng và áp dụng trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao năng lực, kỹ năng phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường cho các bên có liên quan.

- Tham gia ứng phó sự cố môi trường thuộc phạm vi quản lý theo phân công của Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành.

1.4. Thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản

- Áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên thủy sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các hoạt động thủy sản.

- Chuyển đổi mô hình thủy sản theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; phát triển sản xuất thủy sản hữu cơ, công nghệ cao, thân thiện với môi trường theo Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 29/01/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

- Nghiên cứu, xây dựng và từng bước áp dụng mô hình doanh nghiệp, cơ sở, cụm làng nghề, tổ hợp tác nuôi trồng, chế biến, khai thác, kinh doanh thủy sản theo hướng sản xuất xanh, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường.

- Áp dụng các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên hệ sinh thái.

- Xây dựng các tài liệu hướng dẫn, đào tạo, hỗ trợ triển khai và nhân rộng các mô hình phát triển cụm liên kết, cụm làng nghề chế biến thủy sản bền vững, mô hình về chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững, chuỗi cung ứng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; mô hình sản xuất thủy sản hữu cơ, bảo đảm kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

1.5. Bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái quan trọng góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học

- Bảo vệ môi trường sống (chất lượng môi trường, các hệ sinh thái điển hình: Rừng ngập mặn, vùng đất ngập nước,...) của các loài thủy sản.

- Xây dựng và thực hiện Dự án phục hồi các hệ sinh thái cốt lõi đối với nguồn lợi thủy sản: rừng ngập mặn, các khu vực cửa sông, ven biển, biển được xác định là bãi đẻ, ương dưỡng, khu vực giống của các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, các loài có giá trị kinh tế, các loài đặc hữu, bản địa.

- Xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động bảo tồn, bảo vệ và phát triển các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, các loài cần được ưu tiên bảo vệ để đáp ứng được yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.

- Xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo tồn, lưu giữ các nguồn gen thủy sản nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu, bản địa; thúc đẩy tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên di truyền thủy sản.

- Tăng cường ngăn chặn khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

- Kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn các loài thủy sản ngoại lai xâm hại.

2. Giải pháp

2.1. Nâng cao nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản đối với các bên có liên quan

- Phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về quan điểm coi “môi trường là điều kiện, nền tảng, là yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững” theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Từng bước thay đổi nhận thức, tư duy của các cấp, các ngành trong hoạch định chính sách phát triển.

- Nâng cao nhận thức, hiểu biết về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh thủy sản thực hiện các tiêu chuẩn, cam kết tự nguyện về môi trường; ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội về môi trường của các doanh nghiệp sản xuất thủy sản, cộng đồng ngư dân.

- Truyền thông về bảo vệ môi trường trong các hoạt động thủy sản nói riêng, bảo vệ môi trường nói chung tới các bên có liên quan, đặc biệt chú trọng tới cộng đồng ngư dân, người nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản và cộng đồng dân cư tham gia hoạt động thủy sản.

2.2. Phát triển khoa học, ứng dụng công nghệ trong hoạt động thủy sản, trong xử lý chất thải từ các hoạt động thủy sản

- Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong các hoạt động thủy sản theo hướng công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường giảm thiểu chất thải theo kinh tế tuần hoàn.

- Xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải từ các hoạt động thủy sản; xã hội hóa, nâng cao năng lực hệ thống các tổ chức đánh giá sự phù hợp lĩnh vực môi trường.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường thủy sản được kết nối liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia thủy sản; cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên, kịp thời. Từng bước chuyển đổi số cơ sở dữ liệu môi trường thủy sản.

- Ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ thông tin, viễn thám, AI, truy xuất nguồn gốc,... trong theo dõi, kiểm tra giám sát quy trình sản xuất, kinh doanh, xử lý môi trường.

2.3. Đầu tư xây dựng hạ tầng đảm bảo việc xử lý, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải; mạng lưới quan trắc môi trường thủy sản

- Đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm, các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, làng nghề chế biến thủy sản,... đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường.

- Đầu tư, phát triển mạng lưới quan trắc môi trường thủy sản đồng bộ; xây dựng và thực hiện chương trình quan trắc môi trường thủy sản (nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, chế biến thủy sản, cơ sở hạ tầng thủy sản) hiệu quả.

- Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ cho khu bảo tồn biển nhằm thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững.

2.4. Nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích khai thác, sử dụng đầu tư, duy trì phát triển nguồn vốn tự nhiên thủy sản; huy động, xã hội hóa nguồn lực trong bảo vệ môi trường thủy sản

- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái thủy sản tạo nguồn tài chính bền vững cho hoạt động bảo vệ, duy trì, phát triển hệ sinh thái thủy sản; cơ chế, chính sách, ưu đãi, hỗ trợ cho các hoạt động thủy sản thân thiện với môi trường.

- Xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ môi trường trong tái chế, xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực thủy sản.

- Phát huy vai trò của Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; khuyến khích, hỗ trợ hình thành Quỹ cấp tỉnh, Quỹ cộng đồng nhằm tạo nguồn vốn cho công tác bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản.

- Khuyến khích, hỗ trợ hình thành đối tác công tư (PPP) trong bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản.

- Nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế Trách nhiệm mở rộng tự nguyện của các doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường thủy sản.

- Nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong sản xuất thủy sản.

2.5. Tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong các hoạt động thủy sản

- Rà soát, khắc phục chồng chéo, bất cập về chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường giữa các sở, ngành; thực hiện phân cấp giữa cấp tỉnh và địa phương đảm bảo tính thống nhất, liên tục trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

- Triển khai các quy định về bảo vệ môi trường theo cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

- Thực hiện kiểm tra, giám sát trách nhiệm quản lý địa phương đối với công tác bảo vệ môi trường.

- Tăng cường giám sát cộng đồng đối với bảo vệ môi trường thủy sản; minh bạch hóa thông tin về môi trường, bảo vệ môi trường thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.

2.6. Tăng cường hợp tác trong và ngoài nước về bảo vệ môi trường

- Tăng cường hợp tác với các tỉnh lân cận, xây dựng các hành lang bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản để đảm bảo tính thống nhất cùng nhau phát triển.

- Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu thực hiện các dự án, chương trình, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản nhằm kiểm soát, phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường góp phần nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu.

- Thúc đẩy thực thi các cam kết về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, thu hút các dự án hỗ trợ kỹ thuật.

III. CÁC DỰ ÁN VÀ NHIỆM VỤ ƯU TIÊN

(1) Truyền thông, nâng cao nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất thủy sản.

(2) Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau định kỳ 05 năm đến năm 2030.

(3) Điều tra, đánh giá nguồn ô nhiễm, lượng chất thải từ các hoạt động sản xuất thủy sản và đề xuất giải pháp quản lý.

(4) Quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản (quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản).

(5) Điều tra, đánh giá thực trạng công nghệ, áp dụng công nghệ trong xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, chế biến thủy sản và đề xuất các giải pháp công nghệ xử lý chất thải trong sản xuất thủy sản.

(6) Đổi mới và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải trong sản xuất thủy sản tạo tiền đề cho việc tận dụng, sử dụng các phế phẩm, phụ phẩm thủy sản dưới hình thức hợp tác công tư.

(7) Nghiên cứu và từng bước đầu tư xây dựng mô hình quản lý chất thải tiên tiến trong các hoạt động thủy sản.

(8) Xây dựng, cập nhật, vận hành cơ sở dữ liệu môi trường ngành thủy sản.

(Chi tiết tại Phụ lục kèm theo)

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Căn cứ vào các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm và lập dự toán nhu cầu kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp quản lý về ngân sách nhà nước.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thủy sản tại địa phương theo quy định.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch; xây dựng kế hoạch quản lý môi trường, kiểm soát chất thải từ các hoạt động thủy sản; chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch với các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, các dự án có liên quan do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo tỷ lệ chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thủy sản được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

- Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường trong sản xuất thủy sản; tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong các hoạt động thủy sản.

- Tổ chức thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thủy sản thuộc thẩm quyền phê duyệt, cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản và xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Tiếp tục vận hành có hiệu quả đường dây nóng về bảo vệ môi trường.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng chương trình và triển khai có hiệu quả các biện pháp để ngăn ngừa, kiểm soát và phòng trừ các loài thủy sản ngoại lai xâm hại; tăng cường quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen.

- Nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích khai thác, sử dụng, đầu tư, duy trì phát triển nguồn vốn tự nhiên thủy sản; huy động, xã hội hóa nguồn lực trong bảo vệ môi trường thủy sản.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng các Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất thải đối với các cơ sở chế biến thủy sản, cơ sở nuôi trồng thủy sản phù hợp với tính đặc thù của ngành, đảm bảo sự phát triển bền vững.

- Phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền cân đối, bố trí kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện Kế hoạch và các dự án ưu tiên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn; cân đối, bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch theo đúng tiến độ sau khi được cấp có thẩm quyền phân bổ.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau rà soát, bổ sung các chính sách mang tính đặc thù của môi trường thủy sản để thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản. Xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường thủy sản sẵn sàng kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

- Tổ chức hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết đánh giá kết quả thực hiện hàng năm, 5 năm và tổng kết 10 năm; kịp thời đề xuất, kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền, điều chỉnh Kế hoạch, bổ sung các dự án, nhiệm vụ ưu tiên phù hợp với điều kiện thực tế.

3. Sở Khoa học và Công nghệ

- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tăng cường công tác nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ xử lý chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường trong hoạt động thủy sản nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường.

- Tăng cường công tác hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ, sáng kiến cải tiến, và giải pháp công nghệ trong các hoạt động thủy sản bao gồm sản xuất xanh và bảo vệ môi trường.

4. Sở Tài chính

- Chủ trì, hướng dẫn quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp để thực hiện Kế hoạch.

- Chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền cân đối, bố trí kinh phí ngân sách nhà nước cho Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành khác để thực hiện Kế hoạch và các dự án ưu tiên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương trên cơ sở đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan, ưu tiên tổng hợp bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của ngân sách địa phương, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cân đối, bố trí kinh phí trong dự toán chi của các cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn để thực hiện Kế hoạch.

5. Công an tỉnh

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thủy sản.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

- Hướng dẫn các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản; đưa tin, viết báo những mô hình nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường để nhân rộng trong cộng đồng.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau

- Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình, cộng đồng ngư dân thúc đẩy các hoạt động thủy sản theo hướng xanh, sạch, kinh tế tuần hoàn, phù hợp với nguồn lực của địa phương.

- Tổ chức quy hoạch sử dụng đất dành cho xử lý môi trường từ các hoạt động thủy sản tại các khu nuôi trồng thủy sản tập trung, cảng cá, các cụm công nghiệp làng nghề chế biến thủy sản.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch quản lý môi trường, kiểm soát chất thải từ các hoạt động thủy sản tại địa phương; xây dựng các mô hình kiểm soát chất thải từ các hoạt động thủy sản (nuôi trồng, khai thác, chế biến); mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ thủy sản tại địa phương; kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản tại địa bàn.

- Phối hợp với các sở, ngành và địa phương khác xây dựng cơ chế phòng ngừa, chủ động ứng phó sự cố môi trường hoạt động thủy sản có phạm vi liên huyện, thành phố.

- Căn cứ điều kiện thực tế, lồng ghép các nội dung của Kế hoạch này vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Xem xét bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch đối với các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của ngân sách địa phương theo quy định phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thủy sản tại địa phương.

8. Các Hội và các bên có liên quan

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện cho các thành viên về trách nhiệm và vai trò trong hoạt động bảo vệ môi trường thủy sản; vận động tổ chức cá nhân, doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản.

- Tham gia đề xuất cơ chế, chính sách và biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các hoạt động bảo vệ môi trường thủy sản.

- Tổ chức thực hiện hoặc phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia hoạt động thủy sản, tham gia xử lý, tái chế chất thải từ hoạt động thủy sản.

Các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch; thường xuyên đánh giá tình hình triển khai và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng năm và đột xuất khi có yêu cầu về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các địa phương, đơn vị có liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xem xét, chỉ đạo kịp thời.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau./.


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các đơn vị tại Mục V;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Phòng NN-TN (Kha22);
- Lưu: VT, Ktr88/10.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Sử

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ, CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN THỰC HIỆN
(Kèm theo Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 05/10/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

Nội dung

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Kinh phí (tỷ đồng)

Nguồn kinh phí

Thời gian xây dựng, phê duyệt

Thời gian thực hiện

1

Truyền thông, nâng cao nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất thủy sản

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, các Hội, hiệp hội nghề nghiệp, Doanh nghiệp

2

Sự nghiệp kinh tế

Hàng năm

2023 - 2030

2

Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau định kỳ 05 năm đến năm 2030

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND cấp huyện

9

Sự nghiệp kinh tế

2024

2024 - 2030

3

Điều tra, đánh giá nguồn ô nhiễm, lượng chất thải từ các hoạt động sản xuất thủy sản và đề xuất giải pháp quản lý

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND cấp huyện

3

Sự nghiệp môi trường

2024

2024 - 2025

4

Quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản (quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản)

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện

4

Sự nghiệp kinh tế; lồng ghép

Hàng năm

2023 - 2025

7,6

Sự nghiệp kinh tế

Hàng năm

2026 - 2030

5

Điều tra, đánh giá thực trạng công nghệ, áp dụng công nghệ trong xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, chế biến thủy sản và đề xuất các giải pháp công nghệ xử lý chất thải trong sản xuất thủy sản

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND cấp huyện, các Viện, Trường, đơn vị có liên quan

5,5

Sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp môi trường

2024

2024 - 2026

6

Đổi mới và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải trong sản xuất thủy sản tạo tiền đề cho việc tận dụng, sử dụng các phế phẩm, phụ phẩm thủy sản dưới hình thức hợp tác công tư

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Khoa học và Công nghệ, UBND cấp huyện, các Viện, Trường, đơn vị có liên quan

4,5

Sự nghiệp khoa học công nghệ

2024

2024 - 2026

7

Nghiên cứu và từng bước đầu tư xây dựng mô hình quản lý chất thải tiên tiến trong các hoạt động thủy sản

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND cấp huyện

6

Sự nghiệp môi trường

Hàng năm

2025 - 2028

8

Xây dựng, cập nhật, vận hành cơ sở dữ liệu môi trường ngành thủy sản

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, các Viện, Trường, đơn vị có liên quan

3

Sự nghiệp kinh tế

2024

2024 - 2025

Tổng cộng

44,6

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 243/KH-UBND ngày 05/10/2023 thực hiện Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


168

DMCA.com Protection Status
IP: 3.129.211.116
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!