ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
23/KH-UBND
|
Cần
Thơ, ngày 25 tháng 01 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG
XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg
ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 1980/QĐ-TTg
ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ Tiêu chí
quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Công văn số 18/BCĐTW-VPĐP
ngày 26 tháng 10 năm 2016 của Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục
tiêu quốc gia về hướng dẫn thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới;
Theo Quyết định số 4158/QĐ-UBND
ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc ban
hành Bộ Tiêu chí thành phố Cần Thơ về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;
Theo Quyết định 1737/QĐ-UBND ngày
07 tháng 7 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Bộ hướng dẫn
thực hiện Bộ Tiêu chí thành phố Cần Thơ về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 -
2020;
Thực hiện Công văn số
3141/BTNMT-TCMT ngày 22 tháng 6 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc
đẩy mạnh thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới,
Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ
xây dựng kế hoạch đẩy mạnh thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng
nông thôn mới trên địa bàn thành phố Cần Thơ, cụ thể như sau:
I. Mục tiêu
1. Quán triệt và cụ thể hóa
các nhiệm vụ theo Quyết định số 1600/QĐ- TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
giai đoạn 2016 - 2020 và thực hiện hiệu quả, củng cố nâng chất tiêu chí môi trường
trong xây dựng nông thôn mới.
2. Thay đổi căn bản tư duy bảo
vệ môi trường từ nhận thức sang hành động; tăng cường năng lực tổ chức thực hiện
và phối hợp trong theo dõi, giám sát công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng
nông thôn mới.
3. Tạo bước chuyển biến rõ nét
về cảnh quan, môi trường, đặc biệt là việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải;
việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh
dịch vụ, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp trong xây dựng nông
thôn mới.
II. Yêu cầu
1. Nghiêm túc thực hiện, phối
hợp chặt chẽ trong khảo sát đánh giá tiêu chí môi trường theo hướng dẫn tại
Công văn số 18/BCĐTW-VPĐP ngày 26 tháng 10 năm 2016 của Trưởng Ban Chỉ đạo
Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia về hướng dẫn thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Quyết định số 4158/QĐ-UBND
ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc ban
hành Bộ Tiêu chí thành phố Cần Thơ về xã nông thôn mới
giai đoạn 2016 - 2020.
2. Các nhiệm vụ, giải pháp được
phân công trách nhiệm cụ thể cho đơn vị chủ trì, các đơn vị phối hợp thực hiện
nhằm triển khai có hiệu quả, đảm bảo nâng cao chất lượng môi trường nông thôn mới.
III. Nhiệm vụ cụ thể
Phân công nhiệm vụ cụ thể như
sau:
1. Văn phòng Điều phối nông
thôn mới
- Xây dựng kế hoạch, tổ chức
kiểm tra giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông
thôn mới (sau đây gọi tắt là Chương trình). Tham mưu xây dựng kế hoạch vốn,
phân bổ vốn ngân sách và các nguồn khác để đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường
trong xây dựng nông thôn mới.
- Theo dõi, báo cáo giám sát
đánh giá tình hình thực hiện Chương trình trên địa bàn thành phố. Nghiên cứu, đề
xuất cơ chế chính sách, và cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện hiệu quả
công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
- Phối hợp đôn đốc các xã chưa
hoàn thành tiêu chí môi trường tiếp tục phấn đấu, xây dựng kế hoạch cụ thể để đạt
tiêu chí môi trường.
- Phối hợp xây dựng các mô
hình kiểu mẫu đối vối từng tiêu chí cụ thể trong tiêu chí môi trường như: Mô hình thực hiện tốt chỉ tiêu về cảnh quan môi trường, mô hình áp dụng
những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong xử lý nước sạch, xử lý rác thải, chất
thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của địa
phương.
- Định kỳ tổ chức kiểm tra các
xã trong quá trình thực hiện chỉ tiêu, tiêu chí môi trường để kịp thởi tháo gỡ
khó khăn, vướng mắc cho địa phương.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Phối hợp với Văn phòng Điều
phối xây dựng nông thôn mới, các sở, ban, ngành thành phố và các huyện tổ chức
thực hiện nghiêm túc tiêu chí về bảo vệ môi trường trong việc công nhận các xã,
huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
- Phối hợp với các sở, ngành
có liên quan tăng cường kiểm tra các hoạt động bảo vệ môi trường trong lĩnh vực
nông, lâm, ngư nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn xử lý các phụ,
phế phẩm nông nghiệp theo hướng thân thiện môi trường; xử lý các chất thải, bao
bì chứa hóa chất dùng trong nông nghiệp, các điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng và đề xuất các mô hình phát triển sản xuất
nông nghiệp, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường.
- Tiếp tục thực hiện tốt
Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tập
trung giải quyết vấn đề nước sạch ở trên địa bàn các xã còn thiếu nước sạch.
Triển khai thực hiện quy hoạch phát triển chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm
và cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, công nghiệp trên địa bàn thành
phố Cần Thơ đến năm 2030 nhằm giải quyết vấn đề môi trường phát sinh từ hoạt động
chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với
Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện đẩy mạnh công tác bảo
vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
- Phối hợp tham gia khảo sát, đánh
giá và hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường; tham mưu các giải pháp cụ thể để
duy trì thực hiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí môi trường trong xây dựng
xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
- Phối hợp tham mưu giải quyết
các vấn đề môi trường còn tồn tại ở khu vực nông thôn đặc biệt là quản lý rác
thải sinh hoạt, chất thải từ các hoạt động nông nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành có liên quan tổng hợp, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các quy định về bảo vệ
môi trường; rà soát, góp ý các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ
môi trường, khắc phục những bất cập hiện nay, nhất là các quy định về các công
cụ, biện pháp quản lý nhà nước; triển khai các biện pháp kiểm soát, giám sát hoạt
động xả thải của doanh nghiệp.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và
Đầu tư đẩy mạnh công tác xã hội hóa môi trường khu vực nông thôn, nghiên cứu
thu hút các đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trong thực hiện công tác bảo vệ môi
trường.
- Tăng cường công tác truyền
thông, giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường nông thôn, sáng tạo và
phát huy các mô hình tiên tiến bảo vệ môi trường ở nông thôn; chủ trì, phối hợp
chặt chẽ với các đoàn thể chính trị- xã hội tham gia vào công tác tuyên truyền
bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Tham mưu Ủy ban nhân dân
thành phố lồng ghép chặt chẽ các yêu cầu bảo vệ môi trường trong việc lập, thẩm
định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án
đầu tư phát triển trên địa bàn các huyện.
- Phối hợp tham mưu cân đối, bố
trí vốn đầu tư cho các dự án, chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường ở
nông thôn.
- Chủ trì, phối hợp tham mưu
xây dựng ban hành các cơ chế ưu đãi, khuyến khích, xã hội hóa tạo điều kiện thuận
lợi cho các cá nhân, tổ chức đầu tư trong lĩnh vực môi trường ở nông thôn.
5. Sở Xây dựng
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân
huyện thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch đảm bảo các tiêu chí
về môi trường theo quy định. Kiểm
tra việc tuân thủ quy hoạch xây dựng chi tiết đối với các dự án đầu tư lớn, có
tác động xấu đến môi trường trên địa bàn các huyện.
- Phối hợp với chủ đầu tư, Ủy
ban nhân dân huyện Cờ Đỏ và các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý triệt để vấn đề
môi trường tại bãi rác xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ.
6. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp các đơn vị
liên quan rà soát, cải tạo hệ thống xử lý nước thải y tế, lò đốt rác y tế ở
các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa
bàn các huyện, chú trọng công tác quản lý chất thải y tế của các cơ sở y tế xã.
- Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở
y tế thu gom, xử lý các chất thải y tế theo đúng quy định.
- Hướng dẫn các cơ sở sản xuất,
kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.
7. Sở Công Thương
- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan
chuyên ngành trong kiểm tra thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường ở các
làng nghề.
- Hỗ trợ các cơ sở sản xuất
xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, cơ sở sản
xuất công nghiệp nông thôn thông qua các chương trình, đề án khuyến công.
- Chủ trì, phối hợp triển khai
hiệu quả các chương trình sản xuất sạch, bền vững ở nông thôn. Đẩy mạnh công
tác tuyên truyền nâng cao nhận thức sử dụng tiết kiệm năng lượng, sử dụng các
thiết bị điện có hiệu suất cao và được dán nhãn năng lượng.
8. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp tham mưu
phân bổ ngân sách cho các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, cải thiện,
phục hồi môi trường; các chương trình nước sạch- vệ sinh môi trường trong xây dựng
nông thôn mới.
- Chủ trì, phối hợp tham mưu
triển khai thực hiện Thông tư 02/2017/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Bộ
Tài chính Hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường; chủ động phối hợp
tham mưu các nội dung chi, mức chi ngân sách sự nghiệp
môi trường thuộc thẩm quyền của địa phương theo quy định.
9. Công an thành phố
- Tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh
công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường đến
các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhân dân địa phương.
Phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường nhằm nâng cao
ý thức của nhân dân trong việc phát hiện, tố giác, ngăn chặn hành vi vi phạm
pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Đẩy mạnh phối hợp với các sở,
ban, ngành tổ chức các Đoàn thanh kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật về
bảo vệ môi trường. Kịp thời phát hiện, điều tra xử lý các loại tội phạm và hành
vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các hành vi sản xuất,
mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc phòng trừ dịch bệnh trong nuôi
trồng thủy sản, thú y... giả, kém chất lượng.
- Thường xuyên phối hợp rà
soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý nhà nước
về bảo vệ môi trường. Kịp thời tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung những bất cập
trong thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường.
10. Các sở, ban, ngành liên
quan
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ
của cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng kế hoạch nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ
môi trường theo từng ngành, từng lĩnh vực phụ trách.
Phối hợp chặt chẽ trong hoạt động
thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và công tác khảo
sát, đánh giá tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
11. Các tổ chức đoàn thể,
chính trị - xã hội
- Tiếp tục phát huy vai trò của
Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể trong
công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường nông
thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
- Chủ động phối hợp với các
đơn vị liên quan xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường ở nông
thôn; chủ động phối hợp, vận động đoàn viên, hội viên đăng ký cam kết thực hiện
sản xuất an toàn, không gây ô nhiễm môi trường; thu gom và xử lý rác thải trong
sản xuất nông nghiệp theo quy định.
12. Ủy ban nhân dân huyện
- Căn cứ Kế hoạch của thành phố,
triển khai xây dựng Chương trình/kế hoạch hành động cụ thể theo tình hình thực
tế của địa phương.
- Đổi mới, đẩy mạnh các hình
thức tuyên truyền, lồng ghép hiệu quả trong các phong trào xây dựng xã nông
thôn mới tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức và duy trì ý thức tự giác bảo
vệ môi trường cho cộng đồng.
- Tăng cường chỉ đạo, kiểm
tra, giám sát chặt chẽ các vấn đề môi trường khu vực nông thôn phát sinh; kịp
thời xử lý các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về môi trường của các cơ sở,
sản xuất kinh doanh, các lò giết mổ gia cầm, gia xúc, các cơ sở chăn nuôi trên
địa bàn; đề xuất các giải pháp phấn đấu đạt tiêu chí môi trường đối với các xã
chưa đạt.
IV. Tổ chức thực hiện
- Các sở, ban ngành, UBND huyện,
các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị truyền thông, Báo, Đài trên địa bàn
thành phố, phổ biến, quán triệt Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm
2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng
nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và đẩy mạnh thực hiện công tác bảo vệ môi
trường trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ
được phân công trong Kế hoạch.
- Định kỳ kiểm tra, báo cáo kết
quả thực hiện Kế hoạch trước ngày 30 tháng 11 hằng năm gửi về Sở Tài nguyên và
Môi trường tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Tài nguyên và Môi
trường.
- Trong quá trình triển khai
thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc phát sinh, các đơn vị kịp thời phản ánh, đồng
gửi về Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và Sở Tài nguyên và Môi trường;
Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem
xét, kịp thời chỉ đạo./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đào Anh Dũng
|