ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1739/KH-UBND
|
Lai Châu, ngày 10
tháng 5 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 29/NQ-CP NGÀY 08 THÁNG 3 NĂM 2024 CỦA
CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 61-KL/TW, NGÀY
17 THÁNG 8 NĂM 2023 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 13-CT/TW
NGÀY 12 THÁNG 01 NĂM 2017 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI
VỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG
Thực hiện Nghị quyết số
29/NQ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động
thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17 tháng 8 năm 2023 của Ban Bí thư về tiếp
tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư về
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển
rừng (viết tắt là Chỉ thị số 13- CT/TW, Kết luận số 61-KL/TW, Nghị quyết số
29/NQ-CP), Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như
sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận
thức về vai trò, tầm quan trọng của rừng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền
vững, đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
- Phát triển kinh tế lâm nghiệp
bền vững theo hướng đa mục đích, đa giá trị trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả
tài nguyên rừng và đất quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp. Đa dạng hóa các loại
hình tổ chức, hợp tác, liên kết, chia sẻ lợi ích trong sản xuất, kinh doanh lâm
nghiệp theo hướng sản xuất xanh, bền vững, tuần hoàn, huy động các nguồn lực hợp
pháp phục vụ phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.
- Khắc phục những tồn tại, hạn
chế trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua, phấn đấu
thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lai Châu XIV về
lâm nghiệp, đồng thời, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện
sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững.
2. Yêu cầu
- Xác định rõ vai trò, trách
nhiệm của các ngành, các cấp chính quyền, người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính
quyền các cấp và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đối với công tác quản lý, bảo vệ,
phát triển rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.
- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt
nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả các nội dung phù hợp với từng đối tượng, thành
phần, từng cấp, ngành, nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững, hiểu
rõ những nội dung cơ bản của Chỉ thị số 13-CT/TW, Kết luận số 61-KL/TW, Nghị
quyết số 29/NQ-CP .
- Các cấp, các ngành chủ động
xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; coi đây là nhiệm vụ
chính trị thường xuyên và lâu dài.
II. NHIỆM VỤ,
GIẢI PHÁP
1. Đổi mới,
đa dạng hoá, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng
cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
bền vững
- Tổ chức quán triệt, phổ biến,
nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và
nhân dân về mục tiêu, nhiệm vụ của Chỉ thị số 13-CT/TW, Kết luận số 61-KL/TW,
Nghị quyết số 29/NQ-CP ; các chiến lược, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch
phát triển ngành lâm nghiệp và các văn bản khác có liên quan.
- Các cơ quan truyền thông tăng
cường chất lượng, thời lượng đưa tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của
pháp luật về lâm nghiệp; xây dựng chuyên mục, chuyên trang, phối hợp tổ chức sản
xuất các tin, bài, phóng sự chuyên đề về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng
và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; đăng tin, bài biểu dương người tốt,
việc tốt trong bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, phê phán
các hành vi thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
- Đẩy mạnh tuyên truyền trên
các nền tảng số, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện truyền thông mới;
phát hành các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền bằng tiếng dân tộc thiểu số để đưa
thông tin đến với người dân ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng
bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đào tạo, tập huấn
nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác tuyên truyền tại
cơ sở; tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân,
các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển
rừng bền vững.
- Thực hiện tốt công tác tuyên
truyền giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trong các trường
học; lồng ghép các nội dung tuyên truyền về lâm nghiệp vào các giờ học, cuộc
thi tìm hiểu kiến thức, hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt ngoại khóa, dã ngoại...
cho học sinh các cấp và giáo dục thường xuyên.
2. Hoàn thiện
pháp luật, cơ chế, chính sách về lâm nghiệp
- Rà soát, kiến nghị cấp có thẩm
quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về lâm nghiệp đảm bảo phù hợp,
đồng bộ với các quy định của pháp luật khác có liên quan và phù hợp với thực tiễn.
- Rà soát, hoàn thiện, điều chỉnh,
bổ sung cơ chế, chính sách của tỉnh về lâm nghiệp phù hợp với chủ trương của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước; phù hợp với xu hướng phát triển lâm nghiệp
và điều kiện thực tiễn của địa phương, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ; tạo động
lực thu hút sự tham gia của người dân, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho
hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững;
thúc đẩy hình thành doanh nghiệp lâm nghiệp lớn, hiện đại, đủ năng lực vốn,
công nghệ, trình độ quản trị, sản xuất các sản phẩm có chất lượng, xây dựng được
thương hiệu, sức cạnh tranh cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong nước,
trong vùng.
- Đề xuất và triển khai thực hiện
các cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động của kiểm
lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; tăng cường các chế độ, chính sách đặc
thù để thu hút, giữ chân người lao động làm việc trong ngành lâm nghiệp.
- Nghiên cứu, đề xuất ban hành
chính sách hỗ trợ dạy nghề, tạo sinh kế, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng
cao thu nhập cho người trồng rừng, người bảo vệ rừng, lao động ngành sản xuất,
chế biến lâm sản.
3. Phát triển
kinh tế lâm nghiệp
- Tiếp tục triển khai có hiệu
quả chiến lược, chương trình, đề án của Chính phủ về phát triển lâm nghiệp và
các nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại: Kế hoạch số 3036/KH-UBND
ngày 24 tháng 9 năm 2021 thực hiện Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm
2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt
Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch số 2985/KH-UBND ngày
16 tháng 8 năm 2022 về triển khai thực hiện Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12
tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển lâm
nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Quyết định số
422/QĐ-UBND ngày 19 tháng 4 năm 2021 phê duyệt đề án phát triển rừng bền vững
giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 1569/KH-UBND ngày 26
tháng 4 năm 2024 triển khai thực hiện quyết định Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày
29 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giá trị
đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn
tỉnh Lai Châu và các chương trình, đề án, kế hoạch khác có liên quan.
- Triển khai thực hiện tốt
phương án quản lý rừng bền vững đối với diện tích đất, rừng do Ban Quản lý rừng
phòng hộ các huyện đang quản lý; khuyến khích các chủ rừng khác xây dựng và thực
hiện quản lý rừng bền vững trên diện tích được giao, cho thuê.
- Đẩy mạnh triển khai dịch vụ hấp
thụ, lưu giữ các bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng
và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; nghiên cứu, tiếp cận,
tham gia thị trường các bon trong nước và thế giới.
- Quản lý nâng cao chất lượng
giống cây trồng lâm nghiệp gắn với nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng,
chú trọng khâu chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp, cây bản địa, thâm canh rừng.
4. Tổ chức
thực hiện có hiệu quả quy hoạch lâm nghiệp quốc gia
- Tổ chức triển khai thực hiện
có hiệu quả quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm
2050; quy hoạch 3 loại rừng trong quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm
nhìn đến năm 2050. Chủ động rà soát, kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung làm
cơ sở thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng,
an ninh gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.
- Đẩy mạnh công tác giao rừng,
cho thuê rừng, nhất là diện tích rừng chưa giao hiện do Ủy ban nhân dân cấp xã
quản lý; rà soát phân định ranh giới rừng, cắm mốc giới trên thực địa, phấn đấu
đến năm 2030, toàn bộ diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp phải được
giao, cho thuê đến từng chủ rừng gắn với trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển
rừng.
- Tiếp tục quản lý chặt chẽ việc
chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; trừ các dự án quan trọng quốc
gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh; dự án cấp thiết khác theo tiêu chí do
Chính phủ quy định.
- Đấu tranh phòng, chống các
hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, nhất là các hành vi phá rừng, lấn chiếm
đất rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắn động vật hoang dã trái pháp luật;
xử lý nghiêm theo quy định.
5. Sắp xếp
tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp
- Tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ
chức, bộ máy, ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực lâm nghiệp
phù hợp với các quy định của Trung ương và tình hình thực tiễn tại địa phương.
- Quy định cụ thể việc phân cấp,
phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính gắn với kiểm tra, giám sát việc thực hiện
công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Xác định rõ trách nhiệm người đứng
đầu các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan và cán
bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, chủ rừng. Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, khai
thác lâm sản trái phép phức tạp, nghiêm trọng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn
mình quản lý hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới, người thân vi phạm các
quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
- Tiếp tục thực hiện Đề án nâng
cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và
phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 177/QĐ-TTg
ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức xây dựng lực lượng
chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy rừng theo hướng chuyên nghiệp; bảo đảm
các điều kiện cần thiết cho hoạt động của kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng
chuyên trách.
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao
chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành lâm nghiệp, đặc
biệt là đội ngũ làm công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và
phòng, chống tội phạm liên quan đến rừng.
6. Nâng cao
hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; giảm thiểu dân di cư tự do
- Tiếp tục triển khai thực hiện
có hiệu quả Quyết định số 984/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng
Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ triển khai Kết luận số 82-KL/TW ngày
29 tháng 7 năm 2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số
30-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới
và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
- Rà soát, xử lý tình trạng
công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp được giao đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng
không hiệu quả; xử lý các diện tích đất lâm nghiệp bị chồng lấn, tranh chấp, lấn
chiếm.
- Giải quyết đất ở, đất sản xuất
cho đồng bào dân tộc thiểu số. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nhượng đất ở, đất
sản xuất được giao của đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường công tác tuyên
truyền, vận động, giảm thiểu tình trạng dân di cư tự do.
7. Đẩy mạnh
nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và chủ động, nâng cao
hiệu quả hội nhập quốc tế về lâm nghiệp
- Thực hiện chuyển đổi số,
nghiên cứu, tiếp cận và sử dụng trí tuệ nhân tạo trong theo dõi, giám sát, quản
lý tài nguyên rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, theo dõi diễn biến rừng, truy
xuất nguồn gốc lâm sản, nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp... nâng cao năng lực
quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.
- Nghiên cứu các giải pháp kỹ
thuật và quản lý nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà
kính trong lâm nghiệp; tiếp cận và tham gia thị trường các-bon rừng, tham gia
cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon thu được từ hoạt động tăng cường hấp thụ
khí nhà kính trong lâm nghiệp.
- Tăng cường đối thoại, hợp
tác, trao đổi thông tin với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong hoạt động quản lý,
bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng khu vực biên giới, kịp thời đấu tranh,
ngăn chặn hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép gỗ, lâm sản ngoài gỗ, động vật
hoang dã qua biên giới.
- Tăng cường, chủ động thu hút,
vận động các nguồn vốn hỗ trợ quốc tế, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI),
tiếp cận thị trường thương mại các-bon rừng. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tài
trợ nước ngoài (vốn ODA, vay ưu đãi và hỗ trợ quốc tế...) theo hướng tăng cường
cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cấp chứng chỉ rừng, ưu tiên hỗ
trợ kinh phí để thực hiện thí điểm và nhân rộng các mô hình trồng mới rừng, phục
hồi rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, nông lâm ngư kết hợp, phát triển sinh kế;
xây dựng kết cấu hạ tầng lâm nghiệp, ưu tiên các vùng nguyên liệu tập trung,
vùng phát triển Sâm Lai Châu.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn là cơ quan thường trực, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh đôn đốc, tổ chức thực
hiện, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch; xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm
quyền xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch;
định kỳ hàng năm hoặc đột xuất (khi có yêu cầu) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về
tình hình thực hiện Kế hoạch.
2. Các sở, ban, ngành và Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố rà soát, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân
công tại Kế hoạch số 1628/KH-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân
tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2017 của
Chính phủ và Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 18 tháng 4 năm 2017 của
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 13- CT/TW ngày 12 tháng 01
năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII và các nhiệm vụ chủ yếu được
phân công tại Kế hoạch này; xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể và tổ chức thực
hiện; định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện gửi Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
(Chi
tiết có Phụ lục kèm theo)
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh phát huy vai trò giám
sát, phản biện xã hội; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thành viên,
đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia, gương mẫu chấp hành các quy
định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phát động phong trào thi
đua và đề nghị cấp có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng các gương điển hình
tiên tiến trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát triển kinh tế
lâm nghiệp bền vững.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện
Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ ban hành Chương
trình hành động thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17 tháng 8 năm 2023 của Ban
Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của
Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ
và phát triển rừng. Căn cứ nội dung Kế hoạch, các sở, ngành có liên quan, Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- VP UBND tỉnh: V, CB;
- Lưu: VT, Kt9.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hà Trọng Hải
|