THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 20/CT-TTg
|
Hà Nội, ngày
07 tháng 5 năm 2020
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TIẾT KIỆM ĐIỆN GIAI ĐOẠN 2020 - 2025
Trong nhiều năm qua, việc cung ứng điện cho nền
kinh tế luôn được đảm bảo, làm nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế, thu
hút đầu tư, giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định xã hội. Tuy nhiên, xét bối cảnh
nguồn cung ứng điện giai đoạn 2020 - 2025 gặp nhiều thách thức do: (i) tình trạng
thủy văn đảm bảo mức phát điện của các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông diễn
biến theo chiều hướng bất lợi bởi biến đổi khí hậu; (ii) sự phụ thuộc ngày càng
sâu rộng vào năng lượng sơ cấp nhập khẩu; (iii) nguồn điện gió, điện mặt trời vẫn
còn hạn chế về quy mô và còn nhiều rào cản kỹ thuật trong khai thác, sử dụng;
(iv) nhiệt điện gặp nhiều khó khăn trong mở rộng đầu tư, trong khi đó, nhu cầu
điện vẫn tiếp tục tăng ở mức cao, bình quân 10%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng
kinh tế, thì việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả phải được coi là giải pháp
quan trọng, cấp bách nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng, phát triển
bền vững, tăng trưởng kinh tế đất nước trong 05 năm tới.
Thực hiện Chỉ thị số
34/CT-TTg ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường
tiết kiệm điện, cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực trong ý thức sử dụng
điện theo hướng tiết kiệm và hiệu quả. Kết quả là, đã tiết kiệm được trên 9 tỷ
kWh, tương đương 15.000 tỷ đồng, với mức tiết kiệm bình quân đạt 1,5% tổng điện
năng tiêu thụ hằng năm. Đây là tiền đề quan trọng cho phép cả nước cần phải tiếp
tục đẩy nhanh, mạnh việc cải thiện chất lượng sử dụng điện, coi tiết kiệm điện
là một giải pháp then chốt để giảm thiểu nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn
2020 - 2025.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu,
trong giai đoạn 2020 - 2025, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu
2,0% tổng điện năng tiêu thụ. Để đạt được mục tiêu này, yêu cầu mọi tổ chức, cá
nhân nghiêm túc thực hiện việc tiết kiệm điện, cụ thể như sau:
1. Các bộ,
cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương, các doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể - xã hội thực
hiện một số giải pháp sau:
a) Thực hiện tiết kiệm điện tại
cơ quan, công sở:
- Phối hợp với cơ quan điện
lực sở tại xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện cho đơn vị
mình, đảm bảo hằng năm tối thiểu tiết kiệm 5,0% tổng điện năng tiêu thụ trong
năm.
- Xây dựng, ban hành và tổ
chức thực hiện hiệu quả quy định về sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa các trang
thiết bị tiêu thụ điện tại cơ quan, đơn vị.
- Phổ biến, quán triệt việc
thực hiện tiết kiệm điện tới toàn thể người lao động, đưa nội dung tiết kiệm điện
vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và
thi đua khen thưởng hằng năm.
- Đôn đốc, rà soát và thường
xuyên kiểm tra việc thực hiện nội quy và các quy định hiện hành về tiết kiệm điện.
- Tận dụng và huy động các
nguồn lực để lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hệ thống
đun nước nóng từ năng lượng mặt trời để giảm tiêu thụ điện từ hệ thống điện quốc
gia.
b) Thực hiện tiết kiệm điện
trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài
trời:
- Các tổ chức, cá nhân quản
lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống chiếu sáng cho mục đích quảng
cáo, trang trí ngoài trời chủ trì, phối hợp với cơ sở cung cấp điện xây dựng và
tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện, theo đó, phải đảm bảo tối thiểu tiết
kiệm 20% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2020 - 2025 cho các hoạt động
chiếu sáng trên.
- Áp dụng các giải pháp quản
lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chiếu sáng công cộng; thay thế các đèn trang
trí, đèn chiếu sáng, đèn quảng cáo bằng đèn tiết kiệm điện; Áp dụng công nghệ
điều khiển tự động trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng
cáo, trang trí ngoài trời.
- Triển khai các giải pháp
công nghệ tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, sử dụng thiết bị chiếu
sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện cho 100% công trình chiếu sáng công cộng chuẩn
bị đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp.
- Đẩy nhanh lộ trình thực hiện
tự động hóa chiếu sáng theo khung thời gian và điều kiện thời tiết của các công
trình chiếu sáng công cộng.
- Các nhà hàng, khách sạn,
cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư giảm 50% công suất
chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào cao điểm buổi tối của hệ thống điện
theo yêu cầu của cơ quan điện lực sở tại; tuân thủ các quy định về chiếu sáng
tiết kiệm và hiệu quả, sẵn sàng cắt, giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo
của cơ quan điện lực tại địa phương trong trường hợp xảy ra thiếu điện.
c) Thực hiện tiết kiệm điện
tại các hộ gia đình:
- Sử dụng các thiết bị điện
được dán nhãn năng lượng theo Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm
2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán
nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.
- Thường xuyên thực hành
hành vi sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình như: tắt các thiết bị
điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện;
chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết; ưu tiên mua sắm các phương tiện,
thiết bị điện hiệu suất cao hoặc thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng;
hạn chế tối đa sử dụng bóng đèn sợi đốt; lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt
trời trên mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời.
d) Thực hiện tiết kiệm điện
tại các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ:
- Thực hiện các giải pháp sử
dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
- Xây dựng và phổ biến thực
hiện nội quy tiết kiệm điện của đơn vị cho khách hàng, nhân viên; phối hợp với
cơ sở cung ứng điện thực hiện việc giảm nhu cầu sử dụng điện khi có yêu cầu.
đ) Thực hiện tiết kiệm điện
tại doanh nghiệp sản xuất:
- Xây dựng và thực hiện các
giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả như: đảm bảo sử dụng đúng công suất
và biểu đồ phụ tải; thực hiện kế hoạch sản xuất hợp lý; hạn chế tối đa việc huy
động các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm; hạn
chế tối đa các thiết bị điện hoạt động không tải.
- Lắp đặt, tích hợp các nguồn
năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió vào hệ thống năng lượng
nội bộ; ưu tiên sử dụng các thiết bị được dán nhãn năng lượng hiệu suất cao.
- Cơ sở sử dụng năng lượng
trọng điểm phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm
mỗi năm, rà soát, chấn chỉnh việc chấp hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả có liên quan.
- Các doanh nghiệp sản xuất
công nghiệp là đối tượng điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật quy định
về định mức tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm phải tuân thủ định mức
tiêu hao năng lượng theo quy định.
2. Bộ Công
Thương có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với các
bộ, ngành, địa phương tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai
Chỉ thị này, tổng hợp kết quả thực hiện hằng năm, báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia
thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
giai đoạn 2019 - 2030.
- Chủ trì, phối hợp với các
bộ, ngành, địa phương triển khai khẩn trương các nhiệm vụ của Chương trình quốc
gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 và Chương
trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến
năm 2030 trong đó đặc biệt chú trọng tới hoạt động điều chỉnh phụ tải điện phi
thương mại và thương mại.
- Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực
Việt Nam thực hiện vận hành tối ưu các nhà máy điện và lưới điện truyền tải,
phân phối nhằm sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp và giảm tổn thất điện
năng trên toàn hệ thống.
- Phối hợp với các cơ quan
truyền thông tuyên truyền liên tục, rộng rãi để nhân dân biết và thực hiện tiết
kiệm điện.
- Đôn đốc các Sở Công Thương
hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, dịch vụ thực hiện đầu tư, triển
khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng thay thế các trang thiết bị có hiệu suất
thấp bằng các thiết bị, dây chuyền sản xuất có hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng.
- Chủ trì, phối hợp với các
bộ, ngành rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về
định mức sử dụng năng lượng cho đơn vị sản phẩm của ngành/tiểu ngành.
- Phối hợp với Ủy ban nhân
dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng chỉ tiêu tiết kiệm điện
theo năm cho địa phương.
- Xây dựng và tổ chức thực
hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát, áp dụng chế tài xử phạt đối với các cá nhân,
doanh nghiệp, tổ chức không thực hiện các quy định về sử dụng năng năng lượng
tiết kiệm và hiệu quả.
3. Bộ Tài
chính có trách nhiệm:
- Phối hợp với Bộ Công
Thương và các bên liên quan nghiên cứu, xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm
quyền ban hành cơ chế tài chính cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam hạch toán
vào giá thành các nhiệm vụ về thúc đẩy tiết kiệm điện.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ
Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để bố trí kinh phí
thực hiện nhiệm vụ của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và
hiệu quả giai đoạn 2019 - 2020 ban hành theo Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13
tháng 3 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Bộ Khoa
học và Công nghệ có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát bổ
sung, xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hiệu suất
năng lượng đối với các thiết bị tiêu thụ điện.
5. Bộ Thông
tin và Truyền thông có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo các Đài
phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa
phương xây dựng và thực hiện liên tục các chương trình phát thanh và truyền
hình về tiết kiệm điện, áp dụng đơn giá phù hợp cho việc tuyên truyền, phổ biến
về tiết kiệm điện.
6. Ủy ban
nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:
- Xây dựng và đưa các chỉ
tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào kế hoạch phát triển kinh tế -
xã hội hằng năm và giai đoạn.
- Chỉ đạo các đài phát thanh
- truyền hình, các cơ quan truyền thông trực thuộc liên tục tuyên truyền về tiết
kiệm điện đối nhân dân trên địa bàn.
- Đẩy mạnh công tác kiểm
tra, thanh tra, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm quy định hiện hành về sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
- Yêu cầu các cơ quan điện lực
địa phương phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức đóng trên địa bàn xây dựng kế
hoạch tiết kiệm điện. Hỗ trợ Ủy ban nhân dân các cấp thống kê kết quả thực hiện
kế hoạch tiết kiệm điện của doanh nghiệp, tổ chức thuộc địa bàn cung cấp điện.
- Tổ chức khen thưởng và đề
xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền để khen thưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức
và cá nhân có thành tích trong công tác tiết kiệm điện.
7. Các Bộ,
cơ quan trung ương và địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm:
Hướng dẫn, kiểm tra, giám
sát, phê duyệt và rà soát các dự án đầu tư, mua sắm công, triệt để tuân thủ quy
định tại Quyết định số 68/2011/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng
Chính phủ ban hành danh mục, phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được
trang bị, mua sắm đối với cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; giám sát
chi phí sử dụng điện trong chi thường xuyên của các đơn vị hành chính sự nghiệp
theo quy định mức tiết kiệm điện của Chỉ thị này.
8. Tập đoàn
Điện lực Việt Nam có trách nhiệm:
- Vận hành tối ưu các nhà máy
điện và lưới điện truyền tải, phân phối nhằm sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng
sơ cấp và giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống. Huy động một cách hợp lý
công suất và điện năng các nhà máy thủy điện, các nguồn điện mua của các nhà
máy điện độc lập và các nguồn điện dự phòng của khách hàng.
- Xây dựng, tổ chức thực hiện
và báo cáo Bộ Công Thương kết quả thực hiện chương trình tiết kiệm điện hằng
năm và giai đoạn.
- Phối hợp chặt chẽ với
Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia, cập nhật dự báo về thời tiết và nguồn
nước, chủ động thực hiện các phương án vận hành hiệu quả, sử dụng tiết kiệm nguồn
nước để phát điện.
- Chủ trì, phối hợp cùng với
các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước
trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế tài chính cho phép việc hạch toán chi
phí của hoạt động thúc đẩy tiết kiệm điện vào giá thành sản xuất kinh doanh của
Tập đoàn.
9. Các Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hội đồng
thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị và các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện có trách nhiệm
chỉ đạo và thi hành nghiêm Chỉ thị này.
10. Chỉ thị
này thay thế Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính
phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Các Tập đoàn kinh tế;
- VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, CN (2).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|