BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 23/VBHN-BTC
|
Hà Nội, ngày 09
tháng 04 năm 2019
|
THÔNG TƯ[1]
HƯỚNG
DẪN VỀ KẾ HOẠCH DỰ TRỮ QUỐC GIA VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHI CHO DỰ TRỮ QUỐC GIA
Thông tư số 145/2013/TT-BTC ngày 21 tháng 10 năm
2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn kế hoạch dự trữ quốc gia và ngân sách
nhà nước chi cho dự trữ quốc gia có hiệu lực kể từ ngày 06 tháng 12 năm 2013,
được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 131/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ
trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
145/2013/TT-BTC ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn
kế hoạch dự trữ quốc gia và ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia có hiệu
lực kể từ ngày 12 tháng 02 năm 2019.
Căn cứ Luật dự trữ quốc gia số 22/2012/QH13 ngày
20/11/2012;
Căn cứ Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013
của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật dự trữ quốc gia;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày
27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ
Nhà nước;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn
về kế hoạch dự trữ quốc gia và ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia như
sau:[2]
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn về kế hoạch dự trữ quốc gia
và ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức,
cá nhân có liên quan đến công tác xây dựng, thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia
và ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. KẾ HOẠCH DỰ TRỮ QUỐC
GIA
Điều 3. Xây dựng kế hoạch dự trữ
quốc gia
Các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia thực hiện
xây dựng kế hoạch về dự trữ quốc gia 5 năm, hằng năm và được tổng hợp chung vào
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Điều 4. Nội dung kế hoạch dự trữ
quốc gia
1. Mức dự trữ quốc gia cuối kỳ là tổng giá trị hàng
dự trữ quốc gia tồn kho (gồm số lượng và giá trị từng mặt hàng) được xác định tại
thời điểm 31 tháng 12 của năm kế hoạch hoặc năm cuối kỳ kế hoạch trên cơ sở tổng
hợp kế hoạch nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia (Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư này);
2. Kế hoạch tăng, giảm, luân phiên đổi hàng dự trữ
quốc gia
a) Kế hoạch tăng hàng dự trữ quốc gia bao gồm số lượng
và giá trị các mặt hàng nhập tăng đưa vào dự trữ quốc gia trong năm kế hoạch hoặc
kỳ kế hoạch được lập chi tiết từng mặt hàng theo quy cách, ký mã hiệu, thời
gian sản xuất (Phụ lục số 02 kèm
theo Thông tư này);
b) Kế hoạch giảm hàng dự trữ quốc gia bao gồm số lượng
và giá trị các mặt hàng xuất giảm do không còn nhu cầu tiếp tục dự trữ quốc gia
hoặc do thay đổi yêu cầu về số lượng, danh mục hàng dự trữ quốc gia trong năm kế
hoạch hoặc kỳ kế hoạch được lập chi tiết từng mặt hàng theo quy cách, ký mã hiệu,
thời gian sản xuất, thời gian nhập kho (Phụ
lục số 03 kèm theo Thông tư này);
c) Kế hoạch luân phiên, đổi hàng dự trữ quốc gia
bao gồm số lượng, giá trị những mặt hàng đến thời hạn xuất luân phiên, đổi hàng
trong năm kế hoạch hoặc kỳ kế hoạch để bảo đảm chất lượng hàng dự trữ quốc gia,
hoặc do hàng giảm chất lượng, hàng không phù hợp với tiến bộ kỹ thuật, hoặc do
thay đổi danh mục mặt hàng. Kế hoạch luân phiên, đổi hàng dự trữ quốc gia được
lập chi tiết từng mặt hàng theo quy cách, ký mã hiệu, thời gian sản xuất, thời
gian nhập kho dự trữ (Phụ lục số 04
kèm theo Thông tư này).
3. Kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở vật chất - kỹ
thuật dự trữ quốc gia bao gồm kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản trụ sở làm việc
và kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
4. Kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học,
công nghệ bao gồm kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh
tế - kỹ thuật, nghiên cứu đề tài khoa học cấp nhà nước và cấp ngành về dự trữ
quốc gia, kế hoạch ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong công tác quản lý
và bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
5. Phương án cân đối nguồn tài chính cho hoạt động
dự trữ quốc gia: Trên cơ sở các nội dung hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2, khoản
3 và khoản 4 Điều này, các bộ, ngành được phân công quản lý hàng dự trữ quốc
gia xây dựng phương án cân đối nguồn tài chính cho hoạt động dự trữ quốc gia của
năm kế hoạch hoặc kỳ kế hoạch.
Điều 5. Trình tự xây dựng kế hoạch
dự trữ quốc gia
1. Các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia thực
hiện xây dựng kế hoạch dự trữ quốc gia 5 năm, hằng năm theo danh mục chi tiết
hàng dự trữ quốc gia được giao và theo nội dung kế hoạch dự trữ quốc gia quy định
tại Điều 4 của Thông tư này.
2. Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) chủ trì
phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ
quốc gia xây dựng kế hoạch 5 năm về dự trữ quốc gia; thẩm định và tổng hợp gửi
Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cân đối chung trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
trình Chính phủ để trình Quốc hội phê duyệt kế hoạch 5 năm về dự trữ quốc gia.
3. Hằng năm, căn cứ kế hoạch 5 năm về dự trữ quốc
gia được duyệt và kế hoạch của các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia lập,
Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) chủ trì, tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu
tư để cân đối chung trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt.
4. Trường hợp cần thiết thay đổi danh mục chi tiết
hoặc quy cách mặt hàng nhập so với mặt hàng đến hạn xuất luân phiên, đổi hàng,
các bộ, ngành phải thuyết minh rõ lý do gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà
nước) thẩm định, tổng hợp trình Chính phủ quyết định.
5. Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc
gia lập kế hoạch đầu tư xây dựng kho chứa hàng dự trữ quốc gia theo quy hoạch
chi tiết mạng lưới kho dự trữ quốc gia đã được phê duyệt.
Kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật
dự trữ quốc gia được tổng hợp chung trong kế hoạch đầu tư phát triển hằng năm của
các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp
báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định phương án phân vốn đầu tư xây dựng
cơ bản cho dự trữ quốc gia.
Điều 6. Giao kế hoạch, tổ chức
thực hiện và kiểm tra kế hoạch dự trữ quốc gia
1.[3] Hằng năm, căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về
việc giao kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước về dự trữ quốc gia, Thủ trưởng
các hộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia phân bổ, giao kế hoạch và dự toán
ngân sách nhà nước về dự trữ quốc gia cho các đơn vị dự trữ quốc gia trực thuộc,
đảm bảo trong phạm vi dự toán được giao và chi tiết theo từng danh mục mặt hàng
được phê duyệt; đồng thời gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) để kiểm
tra, theo dõi. Chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản phân bổ
của Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự
trữ Nhà nước) có trách nhiệm kiểm tra và yêu cầu Thủ trưởng bộ, ngành quản lý
hàng dự trữ quốc gia điều chỉnh lại đối với trường hợp phân bổ không đúng danh
mục, không đúng tổng mức, không đúng chính sách, chế độ hiện hành của pháp luật
đã quy định và không đúng chi tiết theo từng nội dung chi về dự trữ quốc gia đã
được giao.
2. Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) chủ trì,
phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra việc thực hiện kế hoạch dự trữ quốc
gia của các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính
phủ; đề xuất, kiến nghị những giải pháp cho việc thực hiện kế hoạch dự trữ quốc
gia.
Mục 2. QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ
NƯỚC CHI CHO DỰ TRỮ QUỐC GIA
Điều 7. Lập, phân bổ và giao dự
toán ngân sách về dự trữ quốc gia
1.[4] Cùng với kỳ lập kế hoạch dự trữ quốc gia 5 năm, các bộ,
ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia lập kế hoạch tài chính 5 năm chi cho dự trữ
quốc gia; hàng năm cùng với việc lập kế hoạch dự trữ quốc gia, các bộ, ngành quản
lý hàng dự trữ quốc gia lập dự toán ngân sách nhà nước năm sau chi cho dự trữ
quốc gia.
Kế hoạch tài chính 5 năm, dự toán ngân sách nhà
nước hàng năm chi cho dự trữ quốc gia được lập theo quy định của Luật ngân sách
nhà nước và các văn bản hướng dẫn, bao gồm:
a) Ngân sách nhà nước chi cho mua hàng dự trữ quốc
gia.
b) Ngân sách nhà nước chi cho nghiệp vụ dự
trữ quốc gia bao gồm: Chi hoạt động nhập, xuất, cứu trợ, viện trợ, bảo quản, bảo
vệ, bảo hiểm hàng dự trữ quốc gia; chi nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và
công nghệ bảo quản cho bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia và các khoản chi
khác phục vụ công tác bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
Ngân sách nhà nước chi mua hàng dự trữ quốc gia
và chi nghiệp vụ dự trữ quốc gia nêu tại Điểm a và Điểm b Khoản này được tổng hợp
và gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) để chủ trì, tổng hợp dự toán
ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương trong kế hoạch tài
chính quốc gia 5 năm và hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
c) Ngân sách nhà nước chi cho đầu tư xây dựng cơ
bản được gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, tổng hợp trong kế hoạch đầu tư
công trung hạn và dự toán chi đầu tư phát triển hàng năm theo quy định của Luật
đầu tư công và Luật ngân sách nhà nước.
d) Ngân sách nhà nước chi cho hoạt động của bộ
máy quản lý dự trữ quốc gia và chi cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức,
viên chức làm công tác dự trữ quốc gia, chi nghiên cứu khoa học được tổng hợp
chung trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, ngành theo quy
định của Luật ngân sách nhà nước.
2. Căn cứ quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền giao dự toán ngân sách chi cho dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự
trữ Nhà nước) thực hiện phân bổ và cấp phát hoặc giao dự toán kinh phí chi mua
hàng dự trữ quốc gia, chi nghiệp vụ dự trữ quốc gia. Thủ trưởng bộ, ngành quản
lý hàng dự trữ quốc gia thực hiện phân bổ, cấp phát hoặc giao dự toán ngân sách
nhà nước cho các đơn vị dự trữ quốc gia trực thuộc và tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn,
kiểm tra thực hiện.
3. Trường hợp trong năm phát sinh các nhiệm vụ đột
xuất theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, được lập bổ sung dự toán ngân
sách theo quy định của pháp luật về quản lý ngân sách nhà nước.
Điều 8. Vốn bán hàng dự trữ quốc
gia
1. Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia được sử dụng
vốn bán hàng để thực hiện mua hàng theo quyết định được cấp có thẩm quyền giao.
2.[5] Trường hợp chưa mua hàng ngay, trong thời hạn 30 ngày
sau khi kết thúc đợt bán hàng, các đơn vị thuộc bộ, ngành quản lý hàng dự trữ
quốc gia và Tổng cục Dự trữ Nhà nước được giao nhiệm vụ bán hàng dự trữ quốc
gia phải nộp số tiền bán hàng dự trữ quốc gia vào tài khoản tiền gửi vốn dự trữ
quốc gia do bộ, ngành hàng dự trữ quốc gia quản lý, hoặc tài khoản tiền gửi vốn
dự trữ quốc gia tại Kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước)
quản lý (đối với các đơn vị trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước).
Khi có nhu cầu sử dụng số tiền bán hàng đã nộp để
thực hiện mua hàng dự trữ quốc gia, các đơn vị đề nghị Thủ trưởng bộ, ngành quản
lý hàng dự trữ quốc gia, hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (đối với
các đơn vị trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước) cấp vốn mua hàng theo đúng quy
định.
3.[6] Trường hợp vốn bán hàng dự trữ quốc gia
không sử dụng để mua hàng dự trữ quốc gia, các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc
gia và Tổng cục Dự trữ Nhà nước phải thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước trong
thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc đợt bán hàng, đồng thời báo cáo Bộ Tài
chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) về số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước để tổng
hợp báo cáo theo quy định.
4.[7] Đối với số tiền thu được từ bán hàng đã
nộp vào tài khoản tiền gửi vốn dự trữ quốc gia mà chưa sử dụng hết trong năm,
chậm nhất đến hết ngày 05 tháng 02 năm sau bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc
gia, Tổng cục Dự trữ Nhà nước có trách nhiệm đối chiếu số dư tiền gửi với Kho bạc
Nhà nước và có văn bản cùng hồ sơ kèm theo gửi Tổng cục Dự trữ Nhà nước thẩm định;
chậm nhất đến trước ngày 10 tháng 02 năm sau, Tổng cục Dự trữ Nhà nước có văn bản
gửi Kho bạc Nhà nước để Kho bạc Nhà nước thông báo cho bộ, ngành quản lý hàng dự
trữ quốc gia, Tổng cục Dự trữ Nhà nước số dư tiền gửi được chuyển sang năm sau
tiếp tục thực hiện mua hàng dự trữ quốc gia hoặc nộp vào ngân sách nhà nước
theo đúng quy định; đồng thời gửi Tổng cục Dự trữ Nhà nước để theo dõi.
Điều 9. Vốn mua hàng dự trữ quốc
gia
1. Vốn mua hàng dự trữ quốc gia hàng năm bao gồm:
a) Vốn do ngân sách bố trí tăng dự trữ quốc gia
trong kế hoạch nhà nước giao hàng năm và khoản ngân sách bổ sung cho mua bù
hàng dự trữ quốc gia (nếu có);
b) Vốn bán hàng dự trữ quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này;
c) Vốn khác theo quy định của pháp luật.
2.[8] Cấp vốn mua hàng dự trữ quốc gia
a) Thực hiện chi theo hình thức lệnh chi tiền:
Trên cơ sở đề nghị của Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia hoặc đề
nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (đối với hàng dự trữ quốc gia
do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý) cùng hồ sơ cấp vốn kèm theo;
trong phạm vi 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Tổng cục Dự
trữ Nhà nước kiểm tra hồ sơ, thủ tục đã đáp ứng các điều kiện chi theo quy định
và lập Thông tri duyệt y dự toán gửi Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cấp vốn
theo điều khoản thanh toán ghi trong hợp đồng mua hàng dự trữ quốc gia cho các
tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị dự trữ quốc gia. Trường hợp, trong hợp đồng nhập
khẩu hàng dự trữ quốc gia có yêu cầu phải ký quỹ mở thư tín dụng (L/C) để thanh
toán thì cấp vốn mua theo mức ký quỹ vào tài khoản ký quỹ của đơn vị ký hợp đồng
nhập khẩu tại ngân hàng để thanh toán theo các điều khoản ghi trong hợp đồng nhập
khẩu.
b) Hồ sơ cấp vốn theo quy định tại Khoản 3 Điều
này.
3.[9] Hồ sơ cấp vốn bằng hình thức lệnh chi tiền
gồm:
a) Dự toán vốn mua hàng dự trữ quốc gia được cấp
có thẩm quyền giao.
b) Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về giá
tối đa mua hàng dự trữ quốc gia hoặc văn bản của Bộ Tài chính về nguyên tắc xác
định giá mua hàng dự trữ quốc gia do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được phân công
quản lý;
c) Quyết định giá mua hàng dự trữ quốc gia của
các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia (nếu có);
d) Quyết định giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch
mua hàng của thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia và một trong các
quyết định sau: Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; quyết định phê
duyệt kết quả chỉ định thầu; quyết định phê duyệt kết quả chào hàng cạnh tranh;
quyết định phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp; quyết định mua của mọi đối tượng
của cấp có thẩm quyền giao;
đ) Hợp đồng mua hàng dự trữ quốc gia (nếu có);
e) Văn bản đề nghị cấp vốn của Thủ trưởng bộ,
ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, hoặc của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ
Nhà nước (đối với hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản
lý), hoặc của cơ quan, đơn vị được ủy quyền.
4. Thanh toán vốn mua hàng dự trữ quốc gia chỉ được
thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:
a) Hợp đồng mua hàng dự trữ quốc gia (nếu có);
b) Hàng hóa dự trữ quốc gia đã nhập kho bảo đảm
đúng tiêu chuẩn chất lượng, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định; trường hợp
mua hàng nhập khẩu phải gửi kèm hồ sơ nhập khẩu có liên quan;
c) Biên bản thanh lý hợp đồng, hoặc biên bản nghiệm
thu, biên bản bàn giao hoặc phiếu nhập kho đối với các trường hợp mua trực tiếp
rộng rãi của mọi đối tượng;
d) Thủ trưởng đơn vị dự trữ quốc gia duyệt chi.
5.[10] Vốn mua hàng dự trữ quốc gia được cấp
trong năm ngân sách. Trường hợp dự toán chi mua hàng dự trữ quốc gia đến hết thời
gian chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước chưa thực hiện hoặc chưa chi hết,
chậm nhất đến hết ngày 05 tháng 02 năm sau, các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ
quốc gia, Tổng cục Dự trữ Nhà nước có văn bản đề nghị chuyển số dư dự toán gửi
Tổng cục Dự trữ Nhà nước. Chậm nhất đến trước ngày 10 tháng 02 năm sau, Tổng cục
Dự trữ Nhà nước có văn bản gửi Kho bạc Nhà nước để Kho bạc Nhà nước đối chiếu,
xác nhận số dư dự toán và thông báo số dư dự toán được chuyển cho các bộ, ngành
quản lý hàng dự trữ quốc gia, Tổng cục Dự trữ Nhà nước; đồng thời gửi về Tổng cục
Dự trữ Nhà nước để theo dõi.
6. Trường hợp cần vốn để mua hàng dự trữ quốc gia
có tính thời vụ, mua hàng mới trước khi xuất bán đổi hàng cũ theo kế hoạch xuất
bán luân phiên đổi hàng, các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia có văn bản
đề nghị Bộ Tài chính cho ứng từ ngân sách nhà nước; bộ, ngành quản lý hàng dự
trữ quốc gia có trách nhiệm hoàn trả số tiền đã ứng sau khi hoàn thành việc xuất
bán đổi hàng dự trữ quốc gia theo kế hoạch.
7. Các trường hợp nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia
không phải thanh toán tiền theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các khoản
chênh lệch giá theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền bộ, ngành quản lý hàng
dự trữ quốc gia được hạch toán tăng hoặc giảm nguồn vốn dự trữ tương ứng, báo
cáo quyết toán với Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước).
Điều 10. Chi phí bảo hiểm đối
với kho, hàng dự trữ quốc gia
1. Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc
gia có trách nhiệm thực hiện bảo hiểm đối với kho, hàng dự trữ quốc gia thuộc
quyền quản lý theo quy định của chế độ bảo hiểm bắt buộc hiện hành.
2. Cấp kinh phí
a) [11] Đối với các khoản chi theo hình thức rút
dự toán: Quy trình chi, hồ sơ, thủ tục, hạch toán kế toán, kiểm soát chi thực
hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn;
b) Cấp bằng hình thức lệnh chi tiền
Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) kiểm tra hồ
sơ, thủ tục, lập Thông tri cấp kinh phí cho các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị dự
trữ nhà nước được Thủ trưởng các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia giao
nhiệm vụ bảo quản hàng dự trữ quốc gia theo quy định về chi ngân sách trung
ương bằng hình thức lệnh chi tiền.
3. Hồ sơ cấp phát bằng hình thức lệnh chi tiền, gồm:
a) Dự toán kinh phí chi bảo hiểm đối với kho, hàng
dự trữ quốc gia được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Hợp đồng mua bảo hiểm đối với kho, hàng dự trữ
quốc gia;
c) Văn bản đề nghị cấp kinh phí của bộ, ngành quản
lý hàng dự trữ quốc gia hoặc cơ quan, đơn vị được ủy quyền.
4. Việc lựa chọn doanh nghiệp để mua bảo hiểm bắt
buộc đối với kho, hàng dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu.
Điều 11. Chi phí thanh lý hàng
dự trữ quốc gia
1. Nội dung chi phí thanh lý gồm:
a) Chi phí kiểm kê hàng dự trữ quốc gia;
b) Chi phí định giá và thẩm định giá hàng dự trữ quốc
gia;
c) Chi phí tổ chức bán hàng dự trữ quốc gia;
d) Các chi phí khác có liên quan.
2. Các đơn vị dự trữ quốc gia lập dự toán thu, chi
thanh lý hàng dự trữ quốc gia trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thanh toán chi
phí thanh lý hàng dự trữ quốc gia được thực hiện theo quy định hiện hành của
nhà nước.
3. Số tiền thu được từ thanh lý hàng dự trữ quốc
gia, sau khi trừ đi các chi phí quy định tại khoản 1 Điều này, được nộp vào
ngân sách nhà nước trong thời hạn 30 ngày sau khi kết thúc thanh lý. Trường hợp
số tiền thu được từ thanh lý hàng dự trữ quốc gia không đủ bù đắp chi phí, được
chi từ ngân sách nhà nước chi cho hoạt động quản lý dự trữ quốc gia của đơn vị
dự trữ quốc gia có hàng dự trữ quốc gia thanh lý.
Điều 12. Chi phí tiêu hủy hàng
dự trữ quốc gia
1. Nội dung chi phí gồm:
a) Chi phí kiểm kê hàng dự trữ quốc gia;
b) Chi phí di dời hàng dự trữ quốc gia đến nơi tiêu
hủy;
c) Chi phí tiêu hủy hàng dự trữ quốc gia;
d) Các chi phí khác có liên quan.
2. Các đơn vị dự trữ quốc gia lập dự toán chi cho
tiêu hủy hàng dự trữ quốc gia trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thanh toán chi
phí tiêu hủy hàng dự trữ quốc gia được thực hiện theo quy định hiện hành của
nhà nước.
3. Cấp kinh phí: được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này.
4. Hồ sơ cấp kinh phí bằng hình thức lệnh chi tiền
bao gồm:
a) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tiêu hủy hàng
dự trữ quốc gia;
b) Dự toán kinh phí tiêu hủy hàng dự trữ quốc gia
được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Hợp đồng thuê tiêu hủy hàng dự trữ quốc gia (nếu
có);
d) Văn bản đề nghị cấp kinh phí của bộ, ngành quản
lý hàng dự trữ quốc gia hoặc cơ quan, đơn vị được ủy quyền.
Điều 13. Chi phí nhập, chi phí
xuất hàng dự trữ quốc gia tại cửa kho[12]
1. Đối với các mặt hàng đã có định mức kinh tế kỹ
thuật hàng dự trữ quốc gia: Nội dung chi và mức chi thực hiện theo quy định tại
định mức kinh tế kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia hiện hành.
2. Đối với các mặt hàng chưa có định mức kinh tế
- kỹ thuật: Nội dung chi và mức chi phí nhập, chi phí xuất hàng dự trữ quốc gia
tại cửa kho (nhận trên phương tiện của người bán, xuất lên phương tiện của người
mua):
a) Nội dung chi phí tại cơ quan Tổng cục Dự trữ
Nhà nước, các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực và các đơn vị được giao quản lý hàng
dự trữ quốc gia thuộc các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, bao gồm:
Tuyên truyền, quảng cáo, thông tin liên lạc,
đăng tin, tập huấn, hướng dẫn; kiểm tra công tác nhập, xuất tại các đơn vị trực
thuộc; chi phí thẩm định chất lượng hàng; chi đầu tư cơ sở vật chất; chi sửa chữa
thường xuyên kho tàng; chi phí sửa chữa tài sản, phương tiện, thiết bị phục vụ
công tác nhập, xuất; chi làm đêm, thêm giờ, bữa ăn giữa ca; in ấn tài liệu, văn
phòng phẩm; họp chỉ đạo, hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết và các chi phí
khác có liên quan.
b) Nội dung chi phí tại đơn vị tổ chức, triển
khai thực hiện, bao gồm: Chi phí theo Điểm a Khoản này và chi phí thuê tổ chức
có chức năng thẩm định giá; kiểm tra, kiểm định hàng dự trữ quốc gia; sửa chữa,
kiểm định phương tiện đo lường; sửa chữa, mua sắm tài sản, công cụ, dụng cụ,
bao bì phục vụ nhập, xuất (nếu có); cân, đong, đo, đếm, sang bao, đổ bao, đóng
gói, hạ kiêu; chi phí lắp đặt, nổ thử máy tại chỗ, chi phí thuê phương tiện bốc
dỡ (nếu có); bốc xếp hàng dự trữ quốc gia từ phương tiện vận chuyển vào kho hoặc
từ kho lên phương tiện vận chuyển; công tác an ninh, bảo vệ; mái che tạm phục vụ
giao, nhận hàng và các chi phí khác có liên quan.
c) Đối với các tổ chức, doanh nghiệp được bộ,
ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia ngoài những
chi phí đã nêu tại Điểm a, Điểm b Khoản này, nội dung chi còn được tính thêm
chi phí nhân công bao gồm: Lương thủ kho, bảo vệ, các khoản đóng góp theo
lương, các khoản thanh toán cho người lao động (nếu có).
d) Mức chi
Đối với những khoản chi tại Điều này đã có trong
chế độ Nhà nước quy định thì thực hiện theo chế độ hiện hành;
Đối với những khoản chi chưa có trong chế độ Nhà
nước quy định thì thực hiện theo mức phí cụ thể do Thủ trưởng bộ, ngành quản lý
hàng dự trữ quốc gia, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước giao, đảm bảo
không vượt mức phí tối đa do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.
3. Cấp kinh phí: Được thực hiện theo quy định tại
Khoản 2 Điều 10 Thông tư này.
4. Hồ sơ cấp kinh phí bằng hình thức lệnh chi tiền
bao gồm:
a) Dự toán kinh phí chi cho công tác nhập, xuất
hàng dự trữ quốc gia được cấp có thẩm quyền giao;
b) Quyết định của Thủ trưởng bộ, ngành quản lý
hàng dự trữ quốc gia giao nhiệm vụ nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia cho đơn vị dự
trữ quốc gia trực thuộc;
c) Quyết định giao mức phí nhập, xuất của các bộ,
ngành cho đơn vị trực thuộc (nếu có);
d) Văn bản đề nghị cấp kinh phí của bộ, ngành quản
lý hàng dự trữ quốc gia, hoặc của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (đối
với hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý), hoặc
cơ quan, đơn vị được ủy quyền, trong đó ghi rõ số lượng nhập, xuất hàng dự trữ
quốc gia.
Điều 14. Chi phí xuất, cấp
hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ và viện trợ
1. Nội dung chi
a)[13] Chi phí xuất hàng dự trữ quốc gia tại cửa
kho theo quy định tại Điều 13 Thông tư này;
b) Chi phí vận chuyển, bao gồm: Cước phí vận chuyển
đến nơi giao hàng; phí cầu đường; chi phí kê lót trên phương tiện vận chuyển,
chi phí chằng buộc, áp tải, hao hụt theo định mức; chi phí bảo hiểm hàng hóa
trong quá trình vận chuyển; chi phí vệ sinh, chờ đợi của phương tiện, chi phí
chuyển tải, chi phí bốc xếp sang phương tiện;
c) Chi phí thuê thẩm định dự toán chi phí vận chuyển;
d) Công tác phí trong nước; chi phí dịch tài liệu;
thông tin liên lạc trong nước và quốc tế;
đ) Chi phí tổ chức Lễ giao nhận tượng trưng hàng dự
trữ quốc gia với Đại Sứ quán nước nhận viện trợ tại Việt Nam;
e) Chi phí tiếp đoàn chuyên gia thuộc nước nhận viện
trợ làm việc tại Việt Nam;
g) Chi phí cho đoàn công tác ra nước ngoài thực hiện
nhiệm vụ xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để viện trợ do cấp có thẩm quyền quyết định;
h) Chi phí mua bao bì mới đóng gói hoặc thay thế và
dự phòng bao bì rách vỡ, in market, sang bao, xếp kiêu chờ xuất;
i) Chi phí làm thủ tục xuất khẩu đối với hàng dự trữ
quốc gia xuất viện trợ (bao gồm chi phí kiểm định, kiểm dịch và các chi phí có
liên quan đến xuất khẩu);
k) Chi phí cho các hoạt động khác có liên quan.
2. Mức chi: Được thực hiện như đối với chi phí nhập,
chi phí xuất hàng dự trữ quốc gia tại cửa kho quy định tại khoản
3 Điều 13 Thông tư này.
3. Cấp kinh phí: được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này. Trường hợp phải triển khai thực
hiện ngay nhiệm vụ xuất, cấp hàng cứu trợ mà đơn vị chưa được cấp có thẩm quyền
phê duyệt, giao dự toán hoặc dự toán đã giao còn thiếu, đơn vị thực hiện nhiệm
vụ được tạm ứng kinh phí từ nguồn chi thường xuyên hoặc nguồn vốn khác (trừ nguồn
vốn dự trữ quốc gia), để sử dụng cho các công việc thực tế phát sinh nhiệm vụ cứu
trợ, đồng thời phải lập dự toán kinh phí trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Hồ sơ cấp kinh phí bằng hình thức lệnh chi tiền
gồm:
a) Dự toán chi phí xuất, cấp hàng dự trữ quốc gia để
cứu trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về mức phí
tối đa xuất, cấp hàng dự trữ để cứu trợ;
c) Quyết định của Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng
dự trữ quốc gia giao nhiệm vụ cho đơn vị dự trữ quốc gia trực thuộc;
d) Quyết định giao mức phí xuất, cấp hàng dự trữ quốc
gia của các bộ, ngành cho đơn vị trực thuộc;
đ) Văn bản đề nghị cấp kinh phí của bộ, ngành quản
lý hàng dự trữ quốc gia hoặc cơ quan, đơn vị được ủy quyền, trong đó ghi rõ số
lượng xuất, cấp hàng dự trữ quốc gia.
Điều 15. Chi phí bảo quản hàng
dự trữ quốc gia[14]
1. Chi phí bảo quản phân loại theo thời gian thực
hiện bao gồm: Chi phí bảo quản lần đầu; chi phí bảo quản thường xuyên; chi phí
bảo quản theo định kỳ và các chi phí bảo quản không thường xuyên khác.
2. Nội dung chi và mức chi đối với các mặt hàng
đã có định mức kinh tế kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia: Thực hiện theo quy định tại
định mức kinh tế kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia hiện hành.
3. Nội dung chi và mức chi đối với các mặt hàng
chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật, bao gồm:
a) Nội dung chi phí tại cơ quan Tổng cục Dự trữ
Nhà nước, các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực và các đơn vị được giao quản lý hàng
dự trữ quốc gia thuộc các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, bao gồm:
Chi phí hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra, kiểm định
công tác bảo quản tại các đơn vị trực thuộc; chi đầu tư cơ sở vật chất; chi phí
mua sắm sửa chữa công cụ, dụng cụ phục vụ công tác bảo quản; bữa ăn giữa ca; in
ấn tài liệu; chi phí quản lý định mức và các chi phí khác có liên quan.
b) Nội dung chi phí tại đơn vị tổ chức, triển
khai thực hiện, bao gồm:
Chi phí theo Điểm a Khoản này, ngoài ra còn được
tính thêm các chi phí phục vụ công tác bảo quản bao gồm: Chi phí vật tư phục vụ
việc bảo quản: Điện, nước, văn phòng phẩm, bảo hộ lao động, bạt chống bão,
phòng cháy chữa cháy; chi phí bốc xếp đảo hàng, khử trùng kho, đóng gói, hạ
kiêu, chi phí thuê phương tiện bốc dỡ, bồi dưỡng độc hại; chi phí xử lý môi trường
và các chi phí khác có liên quan.
c) Đối với các tổ chức, doanh nghiệp được bộ,
ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia ngoài những
chi phí đã nêu tại Điểm a và Điểm b Khoản này, nội dung chi còn được tính thêm
các chi phí khác gồm: Lương thủ kho, bảo vệ, các khoản đóng góp theo lương, các
khoản thanh toán cho người lao động, chi phí khấu hao tài sản; chi phí thuê đất
(nếu có) phục vụ cho công tác bảo quản.
d) Mức chi:
Đối với những khoản chi tại Điều này đã có trong
chế độ Nhà nước quy định thì thực hiện theo chế độ hiện hành;
Đối với những khoản chi chưa có trong chế độ Nhà
nước quy định thì thực hiện theo mức phí cụ thể do Thủ trưởng bộ, ngành quản lý
hàng dự trữ quốc gia, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước giao, đảm bảo
không vượt mức phí tối đa do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.
4. Cấp kinh phí: Được thực hiện theo quy định tại
Khoản 2 Điều 10 Thông tư này.
5. Hồ sơ cấp kinh phí bằng hình thức lệnh chi tiền
gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp kinh phí của bộ, ngành quản
lý hàng dự trữ quốc gia, hoặc của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (đối
với hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý), hoặc
cơ quan, đơn vị được ủy quyền (kèm báo cáo nhập, xuất, tồn hàng dự trữ quốc gia
bảo quản trong kỳ);
b) Quyết định giao mức phí bảo quản của bộ,
ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia giao cho đơn vị trực thuộc (nếu có);
c) Hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia
(nếu có).
Điều 16. Khoán chi phí nhập,
xuất, bảo quản hàng DTQG
1. Kinh phí nhập, xuất, cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ
và bảo quản hàng dự trữ quốc gia được thực hiện theo chế độ khoán. Tổng mức
khoán chi phí được xác định căn cứ vào số lượng hàng thực tế nhập, xuất, bảo quản
và mức khoán bằng tiền đối với từng loại phí nêu trên của từng loại mặt hàng được
cơ quan có thẩm quyền giao. Trong phạm vi chi phí được khoán, Thủ trưởng đơn vị
dự trữ quốc gia được chủ động quyết định chi theo các nội dung quy định tại Điều 13, Điều 14 và Điều 15 Thông tư này để phục vụ cho nhập,
xuất, cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ và bảo quản hàng dự trữ quốc gia theo quy định.
2. Tiết kiệm phí là số tiền chênh lệch giữa tổng mức
khoán chi phí trừ đi tổng mức chi phí thực tế để thực hiện nhập, xuất, cứu trợ,
hỗ trợ, viện trợ và bảo quản hàng dự trữ quốc gia. Đơn vị dự trữ quốc gia được
sử dụng 100% số tiền tiết kiệm phí để trích lập quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng
và bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức; mua sắm, sửa chữa, đầu tư
xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác quản lý dự trữ quốc gia của đơn vị.
Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia và Tổng cục trưởng Tổng cục Dự
trữ Nhà nước được quyết định điều hòa tiết kiệm phí giữa các đơn vị trực thuộc.Việc
trích lập, sử dụng các quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng và chi bổ sung thu nhập
cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo hướng dẫn tại Điều
17 của Thông tư này.
3. Cuối quý, đơn vị dự trữ quốc gia lập báo cáo thực
hiện kế hoạch nhập, xuất, cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ, bảo quản (Phụ lục số 05 kèm theo Thông tư này)
gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch và chuyển tiết kiệm phí sang tài khoản tiền
gửi của đơn vị dự trữ quốc gia tại Kho bạc Nhà nước để tạm trích các quỹ phúc lợi,
quỹ khen thưởng và chi bổ sung thu nhập cho công chức, viên chức. Kết thúc năm,
đơn vị dự trữ quốc gia lập báo cáo thực hiện kế hoạch nhập, xuất, cứu trợ, hỗ
trợ, viện trợ và bảo quản cả năm gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch và chuyển
tiết kiệm phí còn lại sang tài khoản tiền gửi để trích các quỹ phúc lợi, khen
thưởng và chi bổ sung thu nhập cho công chức, viên chức và chịu trách nhiệm về
báo cáo của mình, đồng thời báo cáo cơ quan tài chính cấp trên. Trường hợp, số
đã rút cao hơn số được rút theo thực tế thực hiện kế hoạch cả năm thì Kho bạc
Nhà nước trừ vào số được rút của năm sau hoặc thu hồi giảm chi ngân sách Nhà nước,
số dư tài khoản tiền gửi được chuyển năm sau để sử dụng.
4. Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc
gia, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước xem xét, phê duyệt tiết kiệm phí
của các đơn vị trực thuộc cùng với việc phê duyệt báo cáo quyết toán năm.
5. Chi phí nhập, xuất, bảo quản không thường xuyên,
không được cơ quan có thẩm quyền giao khoán thì thực hiện cấp phát, thanh quyết
toán theo từng nội dung cụ thể.
Điều 17. Trích thưởng, trích lập
và quản lý, sử dụng quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng
1. Giá trị trích thưởng do giảm hao hụt hàng dự trữ
quốc gia so với định mức được tính theo giá hạch toán. Cá nhân trực tiếp bảo quản
hàng hóa dự trữ quốc gia được hưởng 50% số tiền thưởng theo quy định tại Điều
19 của Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành Luật dự trữ quốc gia, số còn lại đơn vị dự trữ quốc gia được
trích lập quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng và bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức,
viên chức; mua sắm, sửa chữa, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công
tác quản lý dự trữ quốc gia của đơn vị.
2. Đơn vị dự trữ quốc gia được trích quỹ phúc lợi
và quỹ khen thưởng từ các nguồn kinh phí quy định tại khoản 2
Điều 16 và khoản 1 Điều 17 Thông tư này tối đa bằng 03 (ba) tháng tiền
lương, tiền công và thu nhập tăng thêm thực hiện bình quân trong năm; được sử dụng
cùng với số tiết kiệm do thực hiện cơ chế giao tự chủ về kinh phí chi thường
xuyên để bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức tối đa không quá 01
(một) lần quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ và các loại phụ cấp (trừ phụ cấp làm
đêm, thêm giờ) do Nhà nước quy định; số còn lại được sử dụng để mua sắm, sửa chữa,
đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác quản lý dự trữ quốc gia của
đơn vị.
3. Căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, Thủ
trưởng đơn vị dự trữ quốc gia xây dựng quy chế thi đua, khen thưởng, quy chế
chi tiêu nội bộ theo hướng dẫn của bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia; quyết
định chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân trong và ngoài đơn vị theo hiệu quả
công việc và thành tích đóng góp vào hoạt động của đơn vị và công khai để cán bộ,
công chức, viên chức trong đơn vị thực hiện; kiểm tra, giám sát.
Điều 18. Chế độ báo cáo thống
kê, kế toán
1. Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia lập báo
cáo thống kê nhập, xuất và tồn kho hàng dự trữ quốc gia (Phụ lục số 06, 07 kèm theo Thông tư này) gửi Bộ Tài
chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) trước ngày 20 tháng đầu quý sau (đối với báo
cáo quý), trước ngày 25/01 năm sau (đối với báo cáo năm) đồng thời gửi Bộ Kế hoạch
và Đầu tư.
2. Trường hợp thực hiện các nhiệm vụ đột xuất theo
quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc người được ủy quyền, sau khi hoàn thành
nhiệm vụ, trong thời hạn 10 ngày, bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia phải
báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Dự
trữ Nhà nước), Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Trường hợp phải báo cáo đột xuất theo yêu cầu của
Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bộ, ngành quản lý hàng
dự trữ quốc gia phải thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.
4. Các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, đơn
vị dự trữ quốc gia phải thực hiện chế độ kế toán theo quy định của chế độ kế
toán dự trữ quốc gia.
5. Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia có trách
nhiệm tổng hợp báo cáo quyết toán; tổ chức kiểm tra, duyệt quyết toán vốn, phí
dự trữ quốc gia của các đơn vị trực thuộc, chịu trách nhiệm về quyết toán đã
duyệt, tổng hợp báo cáo quyết toán gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước).
Tổng cục Dự trữ Nhà nước có trách nhiệm thẩm định, tổng hợp quyết toán của các
bộ, ngành về vốn, phí dự trữ quốc gia báo cáo Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 19. Hiệu lực thi hành[15]
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 06
tháng 12 năm 2013.
2. Bãi bỏ nội dung hướng dẫn về kế hoạch dự trữ quốc
gia và ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia của Thông tư số
143/2007/TT-BTC ngày 03/12/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 196/2004/NĐ-CP
ngày 02/12/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dự trữ quốc
gia, Thông tư số 181/2012/TT-BTC ngày 24/10/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của
Thông tư số 143/2007/TT-BTC ngày 03/12/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định số
196/2004/NĐ-CP ngày 02/12/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh
Dự trữ quốc gia và Thông tư số 143/2009/TT-BTC ngày 15/7/2009 của Bộ Tài chính
hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo cho xuất, cấp hàng dự
trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ và viện trợ.
Điều 20. Trách nhiệm thi hành[16]
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc
xây dựng, thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia và ngân sách nhà nước chi cho dự
trữ quốc gia có trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị
các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ
Nhà nước) để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng công
báo);
- Lãnh đạo Bộ (để báo cáo);
- Website Bộ Tài chính;
- Website TCDT;
- Vụ Pháp chế, Cục THTKTC (BTC);
- Lưu: VT, TCDT.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN
HỢP NHẤT
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Văn Hiếu
|
[1] Văn bản này được hợp nhất từ 02 Thông tư
sau:
- Thông tư số 145/2013/TT-BTC ngày 21 tháng 10 năm
2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn kế hoạch dự trữ quốc gia và ngân sách
nhà nước chi cho dự trữ quốc gia có hiệu lực kể từ ngày 06 tháng 12 năm 2013;
- Thông tư số 131/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ
trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
145/2013/TT-BTC ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn
kế hoạch dự trữ quốc gia và ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia có hiệu
lực kể từ ngày 12 tháng 02 năm 2019.
Văn bản hợp nhất này không thay thế 02 Thông tư nêu
trên.
[2] Thông tư số 131/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018
của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
145/2013/TT-BTC ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn
kế hoạch dự trữ quốc gia và ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia:
“Căn cứ Luật dự trữ quốc gia ngày 20 tháng 11
năm 2012;
Căn cứ Luật đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm
2014;
Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng
8 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật dự trữ quốc gia và Nghị
định số 128/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung
danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia và phân công cơ quan quản lý hàng dự trữ
quốc gia ban hành kèm theo Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2013
của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng
12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân
sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng
7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ
Nhà nước;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi,
bổ sung một số điều của Thông tư số 145/2013/TT-BTC ngày 21 tháng 10 năm 2013 của
Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn kế hoạch dự trữ quốc gia và ngân sách nhà nước
chi cho dự trữ quốc gia (sau đây gọi là Thông tư số 145/2013/TT-BTC)”
[3] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định
tại Khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 131/2018/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 12
tháng 02 năm 2019.
[4] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định
tại Khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 131/2018/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 12
tháng 02 năm 2019.
[5] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định
tại Khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 131/2018/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng
02 năm 2019.
[6] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định
tại Khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 131/2018/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 12
tháng 02 năm 2019.
[7] Khoản này được bổ sung theo quy định tại Khoản
3 Điều 1 của Thông tư số 131/2018/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 02
năm 2019.
[8] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định
tại Khoản 4 Điều 1 của Thông tư số 131/2018/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 12
tháng 02 năm 2019
[9] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định
tại Khoản 4 Điều 1 của Thông tư số 131/2018/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 12
tháng 02 năm 2019
[10] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định
tại Khoản 4 Điều 1 của Thông tư số 131/2018/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 12
tháng 02 năm 2019
[11] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định
tại Khoản 5 Điều 1 của Thông tư số 131/2018/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 12
tháng 02 năm 2019
[12] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định
tại Khoản 6 Điều 1 của Thông tư số 131/2018/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 12
tháng 02 năm 2019
[13] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định
tại Khoản 7 Điều 1 của Thông tư số 131/2018/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 12
tháng 02 năm 2019
[14] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định
tại Khoản 8 Điều 1 của Thông tư số 131/2018/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 12
tháng 02 năm 2019
[15] Điều 3 Thông tư số 131/2018/TT-BTC ngày 28
tháng 12 năm 2018, có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 02 năm 2018 quy định như
sau:
“Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12
tháng 02 năm 2019”.
[16] Điều 2 Thông tư số 131/2018/TT-BTC , có hiệu
lực kể từ ngày 12 tháng 02 năm 2019 quy định như sau
“Điều 2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến
việc xây dựng, thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia và ngân sách nhà nước chi cho
dự trữ quốc gia có trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề
nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính (Tổng cục
Dự trữ Nhà nước) để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung”.