Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: Khongso Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: ***
Ngày ban hành: 26/07/2021 Ngày hiệu lực:
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:          /2021/TT-BTC

Hà Nội, ngày         tháng      năm 2021

DỰ THẢO 26.7.2021

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ CƠ CHẾ TỰ CHỦ TÀI CHÍNH CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP; XỬ LÝ TÀI SẢN, TÀI CHÍNH KHI TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp; Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi là Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ); xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi là Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công) quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 2 và Điều 39 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam thực hiện theo quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là UBND cấp tỉnh) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện chế độ báo cáo.

Điều 3. Dịch vụ sự nghiệp công

1. Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

a) Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước: Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ;

b) Giá, phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước: Thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

c) Các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh, cấp huyện hoặc cơ quan cấp dưới theo phân cấp lựa chọn đơn vị sự nghiệp công để cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu theo quy định.

Trường hợp danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước có định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá: Thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu; kinh phí Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu là nguồn chi thường xuyên của đơn vị.

Trường hợp danh mục dịch vụ sự nghiệp công chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá: Thực hiện giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp công trực thuộc theo dự toán được phê duyệt như nguồn kinh phí chi nhiệm vụ không thường xuyên.

2. Dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước: Thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CƠ CHẾ TỰ CHỦ TÀI CHÍNH CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG

Điều 4. Phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công

Đơn vị sự nghiệp công thực hiện phân loại mức độ tự chủ tài chính căn cứ điều kiện và công thức xác định mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên quy định tại Điều 9, Điều 10 và Điều 28 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, Thông tư này hướng dẫn một số nội dung như sau:

1. Xác định nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công (A)

Nguồn thu xác định mức độ tự chủ tài chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó:

a) Kinh phí cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11, điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ

b) Trường hợp đơn vị sự nghiệp công có chức năng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo danh mục được cấp có thẩm quyền ban hành nhưng chưa đủ điều kiện được đặt hàng do chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá do cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc đơn vị sự nghiệp công được giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước có tính đặc thù theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì nguồn thu xác định mức độ tự chủ tài chính bao gồm kinh phí giao nhiệm vụ.

2. Xác định các khoản chi (B)

Các khoản chi xác định mức độ tự chủ tài chính quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó bao gồm:

a) Chi thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo danh mục được cấp có thẩm quyền ban hành quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Đối với tổ chức khoa học công nghệ công lập, xác định gồm cả chi thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được cơ quan có thẩm quyền xét chọn, tuyển chọn theo quy định pháp luật về khoa học và công nghệ và các khoản chi thường xuyên giao tự chủ theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Các khoản thu, chi quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được tính trên cơ sở dự toán thu, chi tại năm đơn vị xây dựng phương án tự chủ tài chính để trình cấp có thẩm quyền.

Điều 5. Nguồn tài chính và sử dụng nguồn tài chính

1. Nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công quy định tại Điều 11, Điều 15 và Điều 19 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Sử dụng nguồn tài chính

a) Chi thường xuyên giao tự chủ: Đơn vị sự nghiệp công được chủ động sử dụng các nguồn tài chính giao tự chủ để chi thường xuyên theo quy định tại Điều 12, Điều 16, Điều 20 và Điều 26 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

b) Chi thường xuyên không giao tự chủ và chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ: Đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định tại Điều 17, Điều 21 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 6. Phân phối kết quả tài chính trong năm

1. Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị sự nghiệp công được sử dụng theo quy định tại  Điều 14, Điều 18 và khoản 2 Điều 22 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ và theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

2. Đối với Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi

Quỹ tiền lương làm cơ sở để tính trích Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi trong năm của đơn vị quy định như sau:

a) Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (sau đây gọi là Nghị quyết số 27-NQ/TW)

- Tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công: Tính trên cơ sở hệ số lương, hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) do Nhà nước quy định của số lượng người làm việc trong đơn vị quy định tại Điều 9 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và mức tiền lương cơ sở do Chính phủ quy định; tiền lương của lao động hợp đồng từ 01 năm trở lên.

- Tiền lương tăng thêm do nâng bậc lương theo niên hạn và nâng bậc lương trước thời hạn của đơn vị theo quy định (nếu có).

b) Kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành

- Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 2): Trích Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi trên cơ sở Quỹ tiền lương thực hiện được xác định theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 3): Trích Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi trên cơ sở Quỹ tiền lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương theo quy định của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công.

3. Đối với Quỹ bổ sung thu nhập

a) Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, cơ sở tính trích lập Quỹ bổ sung thu nhập căn cứ quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

b) Kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành:

- Đơn vị nhóm 1 và nhóm 2 không trích lập Quỹ bổ sung thu nhập;

- Đơn vị nhóm 3 trích lập Quỹ bổ sung thu nhập trên cơ sở Quỹ tiền lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương theo quy định của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công.

- Đơn vị sự nghiệp công do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 4) sử dụng kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được để bổ sung thu nhập cho viên chức, người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

4. Về thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm trong năm

a) Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW

Căn cứ dự toán thu, chi của năm; kết quả hoạt động tài chính quý trước (trong trường hợp quý đầu tiên của năm kế hoạch, đơn vị căn cứ vào kết quả hoạt động tài chính của quý IV năm trước liền kề), nhằm động viên kịp thời người lao động phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, đơn vị tự xác định chênh lệch thu, chi thường xuyên, thực hiện tạm trích Quỹ bổ sung thu nhập hàng quý (tối đa không vượt quá 70% số chênh lệnh thu lớn hơn chi đơn vị xác định được theo quý) để chi thu nhập tăng thêm cho từng người lao động hàng tháng theo quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Kết thúc năm ngân sách, trước ngày 31 tháng 01 năm sau, đơn vị xác định số chênh lệch thu lớn hơn chi và trích lập các Quỹ theo quy định. Trong đó đối với Quỹ bổ sung thu nhập: Trường hợp số đã tạm chi trước thu nhập tăng thêm của đơn vị vượt quá số được trích lập Quỹ bổ sung thu nhập theo quy định, số chi vượt phải trừ vào nguồn Quỹ bổ sung thu nhập của năm trước còn dư (nếu có) và số dư Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi của đơn vị; nếu vẫn còn thiếu thì trừ vào nguồn Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi của năm sau hoặc trừ vào Quỹ tiền lương năm sau của đơn vị (nếu các Quỹ khác không còn nguồn). Trường hợp số đã tạm chi thấp hơn số được trích lập Quỹ bổ sung thu nhập theo quy định, đơn vị chi trả tiếp thu nhập tăng thêm cho người lao động hoặc để dự phòng chi bổ sung thu nhập cho người lao động năm sau, theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Sau khi quyết toán năm của đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trường hợp số được trích lập Quỹ bổ sung thu nhập theo quy định có thay đổi (tăng hoặc giảm) so với số đơn vị xác định khi kết thúc năm ngân sách, đơn vị có trách nhiệm điều chỉnh lại số trích lập Quỹ bổ sung thu nhập, tương tự như khi kết thúc năm ngân sách nêu trên và theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

b) Kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành: Đơn vị nhóm 3 tiếp tục thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm từ Quỹ bổ sung thu nhập theo quy định tại gạch đầu dòng (-) thứ nhất điểm b khoản 3 Điều 6 Thông tư này. Đơn vị nhóm 4 sử dụng kinh phí thường xuyên tiết kiệm để bổ sung thu nhập cho viên chức, người lao động theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 22 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

4. Đối với các Quỹ khác

a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được trích lập và sử dụng Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 26 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ;

b) Cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp được trích lập và sử dụng Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 30 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ;

c) Đơn vị sự nghiệp công chỉ được trích lập các Quỹ khác khi pháp luật chuyên ngành quy định cho phép đơn vị được trích lập, mức trích lập quỹ và sử dụng quỹ theo quy định của pháp luật chuyên ngành; trường hợp không quy định, đơn vị không được trích lập.

Điều 7. Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ

1. Để chủ động sử dụng kinh phí chi thường xuyên đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả, đơn vị có trách nhiệm xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ làm căn cứ để cán bộ, viên chức, người lao động thực hiện; làm căn cứ để Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi và các cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan tài chính và các cơ quan thanh tra, kiểm toán theo dõi, kiểm tra theo quy định.

2. Nội dung quy chế chi tiêu nội bộ bao gồm các quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức, mức chi thống nhất trong đơn vị, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao, phù hợp với hoạt động đặc thù của đơn vị, sử dụng kinh phí tiết kiệm có hiệu quả và tăng cường công tác quản lý.

Đối với những nội dung chi, mức chi cần thiết cho hoạt động của đơn vị trong phạm vi nội dung quy chế chi tiêu nội bộ nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa ban hành thì Thủ trưởng đơn vị có thể xây dựng mức chi cho từng nhiệm vụ, nội dung công việc trong phạm vi nguồn tài chính chi thường xuyên của đơn vị. Nội dung xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ theo Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Quy chế chi tiêu nội bộ do Thủ trưởng đơn vị ban hành sau khi tổ chức thảo luận rộng rãi dân chủ, công khai trong đơn vị và có ý kiến thống nhất của tổ chức công đoàn; đơn vị gửi cơ quan quản lý cấp trên có ý kiến. Trường hợp có quy định không phù hợp với quy định của pháp luật, cơ quan quản lý cấp trên có ý kiến bằng văn bản yêu cầu đơn vị điều chỉnh lại cho phù hợp. Đơn vị triển khai thực hiện theo quy chế, đồng thời gửi cơ quan tài chính cùng cấp để theo dõi, giám sát thực hiện, Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để làm căn cứ kiểm soát chi.

4. Thủ trưởng đơn vị căn cứ tính chất công việc, khối lượng sử dụng, tình hình thực hiện năm trước, quyết định phương thức khoán chi phí cho từng cá nhân, bộ phận, đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc sử dụng như: sử dụng văn phòng phẩm, điện thoại, xăng xe, điện, nước, công tác phí và các khoản khoán khác; kinh phí tiết kiệm do thực hiện khoán được xác định chênh lệch thu, chi và được phân phối, sử dụng theo chế độ quy định.

5. Thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, đơn vị phải bảo đảm có chứng từ, hóa đơn hợp pháp, hợp lệ theo quy định, trừ các khoản được thực hiện khoán theo quy chế chi tiêu nội bộ (như thanh toán văn phòng phẩm, thanh toán công tác phí được thực hiện chế độ khoán; thanh toán tiền cước sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động hàng tháng theo hướng dẫn hiện hành và các khoản khoán khác theo quy định nếu có).

6. Một số tiêu chuẩn, định mức và mức chi đơn vị phải thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước, gồm: Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô; tiêu chuẩn, định mức về nhà làm việc; tiêu chuẩn, định mức trang bị điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động; chế độ công tác phí nước ngoài; chế độ tiếp khách nước ngoài và hội thảo quốc tế ở Việt Nam.

7. Chế độ quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các nhiệm vụ chi không thường xuyên, nguồn thu phí để lại chi nhiệm vụ không thường xuyên, nguồn vay nợ, viện trợ, nguồn khác (nếu có), đơn vị phải thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật hiện hành đối với từng nguồn kinh phí.

Chương III

LẬP, CHẤP HÀNH DỰ TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN THU, CHI

Điều 8. Lập dự toán

1. Hàng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dự toán thu, chi ngân sách và cung cấp hoạt động dịch vụ thuộc phạm vi, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, Điều 32 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó:

a) Đối với dự toán kinh phí cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước: Căn cứ kết quả thực hiện năm trước; tình hình thu, chi hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của năm hiện hành; số lượng, khối lượng dịch vụ và yêu cầu nhiệm vụ của năm kế hoạch; định mức kinh tế kỹ thuật, chế độ, định mức chi tiêu theo quy định hiện hành hoặc đơn giá dịch vụ (nếu có), đơn vị lập dự toán gửi cơ quan quản lý cấp trên.

Kinh phí thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công được lập dự toán trong phần kinh phí tự chủ của đơn vị sự nghiệp công, trong đó ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện.

Kinh phí giao nhiệm vụ được lập dự toán trong phần kinh phí không tự chủ (chi thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao) theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11, điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ).

b) Đối với dự toán ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên giao tự chủ cho đơn vị nhóm 4: Đơn vị sự nghiệp công lập dự toán căn cứ tình hình thực hiện năm hiện hành, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao trong năm kế hoạch, số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chế độ chi tiêu hiện hành;

c) Đối với dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ: Đơn vị sự nghiệp công lập dự toán theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và khoa học công nghệ;

d) Đối với dự toán thu, chi từ nguồn thu phí được để lại: Đơn vị sự nghiệp công lập dự toán thu chi theo quy định pháp luật về phí và lệ phí.

đ) Đối với dự toán chi thường xuyên không giao tự chủ: Đơn vị sự nghiệp công lập dự toán theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Đơn vị sự nghiệp công lập dự toán theo quy định tại khoản 1 Điều này, gửi cơ quan quản lý cấp trên để xem xét, tổng hợp gửi cơ quan tài chính và cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.  

3. Đối với dự toán thu, chi cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước và các hoạt động dịch vụ khác: Đơn vị sự nghiệp công tự xây dựng kế hoạch, dự toán thu, chi thực hiện nhiệm vụ, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để theo dõi, kiểm tra và giám sát việc thực hiện.

Trường hợp danh mục dịch vụ sự nghiệp công chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và chưa có đơn giá được cấp có thẩm quyền ban hành, đơn vị lập dự toán kinh phí nhà nước giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo số lượng, khối lượng và định mức chi theo chế độ hiện hành.

Điều 9. Phân bổ và giao dự toán

Việc phân bổ và giao dự toán của cơ quan quản lý cấp trên cho đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn hiện hành và quy định tại Thông tư này. Trong đó:

1. Đối với dự toán kinh phí cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

Căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (sau đây gọi là Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ) và quy định sau:

a) Căn cứ lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ, quyết định của cấp có thẩm quyền (nếu có) và trong phạm vi dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao, các Bộ, cơ quan Trung ương hoặc cơ quan cấp dưới theo phân cấp (đối với các đơn vị trực thuộc Trung ương), Ủy ban nhân dân các cấp hoặc cơ quan cấp dưới theo phân cấp (đối với các đơn vị trực thuộc địa phương) phân bổ và giao dự toán kinh phí ngân sách đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước cho các đơn vị, đồng thời quyết định đặt hàng cho đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, chi tiết theo từng danh mục dịch vụ sự nghiệp công theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư này; chi tiết theo số lượng, khối lượng, đơn giá dịch vụ sự nghiệp công được cấp có thẩm quyền ban hành, kinh phí và các nội dung quy định khác.

b) Trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước tại Khoản 1 Điều 3 của Thông tư này hoặc đã được cấp có thẩm quyền ban hành, nhưng chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và chưa có đơn giá được phê duyệt; các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp hoặc cơ quan cấp dưới theo phân cấp phân bổ và giao dự toán nhiệm vụ và kinh phí cho đơn vị theo số lượng, khối lượng dịch vụ sự nghiệp công và dự toán theo chế độ quy định hiện hành như kinh phí nhiệm vụ chi không thường xuyên.

2. Đối với dự toán ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên giao tự chủ cho đơn vị nhóm 3 và đơn vị nhóm 4 (trừ đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên từ nguồn thu phí quy định tại khoản 4 Điều này)

Cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc căn cứ vào dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định, nguyên tắc phân bổ như đối với lĩnh vực chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và các yếu tố biến động do thay đổi chính sách, chế độ của Nhà nước, thiên tai, dịch bệnh làm thay đổi dự toán thu, chi của đơn vị.

Riêng đối với  đơn vị nhóm 3 trong lĩnh vực y tế- dân số: Thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Đối với dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ

Cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc theo pháp luật về ngân sách nhà nước và khoa học công nghệ. Việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định hiện hành về khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

4. Đối với dự toán thu, chi từ nguồn thu phí được để lại

a) Cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc theo quy định pháp luật phí và lệ phí, trong đó kinh phí thường xuyên giao tự chủ năm đầu thời kỳ ổn định phân bổ bằng mức kinh phí xác định theo phương án tự chủ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Dự toán các năm tiếp theo trong thời kỳ ổn định giao bằng mức chi thường xuyên năm trước liền kề và kinh phí tăng thêm nếu có (do tăng chế độ tiền lương, nhiệm vụ tăng thêm theo quyết định của cấp có thẩm quyền) hoặc trừ kinh phí giảm theo quy định của cấp có thẩm quyền nếu có (do giảm nhiệm vụ, giảm khác) trong phạm vi nguồn thu phí được để lại chi theo quy định.

b) Trường hợp đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên từ nguồn thu phí (không có nguồn thu hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ khác): Phân bổ và giao cả phần kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ do nguồn thu phí được để lại chi theo quy định không bảo đảm đủ chi thường xuyên (nếu có) theo phương án tự chủ được cấp có thẩm quyền phê duyệt và điều chỉnh hàng năm (nếu có).

5. Đối với dự toán chi thường xuyên không giao tự chủ: Cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc căn cứ dự toán được giao và nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

6. Đối với dự toán thu, chi cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước và các hoạt động dịch vụ khác: Cơ quan quản lý cấp trên không giao dự toán thu, chi cho các đơn vị sự nghiệp công.

Điều 10. Thực hiện dự toán và quyết toán thu, chi

1. Thực hiện dự toán thu, chi

a) Đơn vị sự nghiệp công thực hiện dự toán thu, chi trong phạm vi dự toán ngân sách được giao, sử dụng kinh phí ngân sách đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành; chấp hành nghĩa vụ nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác theo quy định của pháp luật.

Đối với dự toán chi thường xuyên, đơn vị được điều chỉnh các mục chi cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, đồng thời gửi cơ quan cấp trên và Kho bạc nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để theo dõi quản lý, thanh toán và quyết toán.

Đối với kinh phí ngân sách nhà nước giao nhiệm vụ cho đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá được cơ quan có thẩm quyền ban hành, đơn vị thực hiện dự toán thu, chi như đối với nguồn kinh phí chi nhiệm vụ không thường xuyên theo quy định; không được sử dụng để trích lập các quỹ của đơn vị.

b) Cuối năm ngân sách, dự toán chi thường xuyên từ các nguồn tài chính giao tự chủ chưa sử dụng hết, đơn vị được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng.

Đối với kinh phí Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công: Khi kết thúc đặt hàng, giao nhiệm vụ, cơ quan quản lý cấp trên nghiệm thu sản phẩm không đạt yêu cầu hoặc không thực hiện đủ theo số lượng, khối lượng dịch vụ công được đặt hàng, giao nhiệm vụ, mà nhiệm vụ đó không thực hiện tiếp năm sau hoặc vì lý do khách quan phải dừng thực hiện, kinh phí còn dư đơn vị hủy dự toán hoặc nộp trả ngân sách nhà nước, không chuyển sang năm sau để sử dụng cho nhiệm vụ khác.

2. Hạch toán kế toán: Đơn vị sự nghiệp công thực hiện hạch toán thu, chi theo chương, loại, khoản, mục, tiểu mục chi của mục lục ngân sách theo quy định hiện hành.

3. Quyết toán thu, chi: Kết thúc năm ngân sách, các đơn vị sự nghiệp công thực hiện khóa sổ kế toán, lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm gửi cơ quan quản lý cấp trên xét duyệt, thẩm định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hiện hành.

Điều 11. Kiểm tra, kiểm soát hoạt động thu, chi của đơn vị sự nghiệp công

1. Kho bạc Nhà nước các cấp:

a) Đối với các khoản chi thường xuyên và chi nhiệm vụ không thường xuyên hoạt động sự nghiệp thực hiện kiểm soát chi theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước, Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước và hướng dẫn tại Thông tư này; đối với chi đầu tư thực hiện theo Luật Đầu tư công và Thông tư số 10/2020/TT-BTC ngày 20 tháng 02 năm 2020 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn nhà nước.

b) Trường hợp đơn vị sự nghiệp công chưa có Quyết định giao quyền tự chủ của cơ quan có thẩm quyền; chưa có quy chế chi tiêu nội bộ gửi đến Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch; chưa có danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc đã có danh mục dịch vụ sự nghiệp công nhưng chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá được cơ quan có thẩm quyền ban hành; Kho bạc Nhà nước thực hiện việc kiểm soát chi, thanh toán theo chế độ quy định hiện hành như kiểm soát chi nhiệm vụ không thường xuyên; không thanh toán để trích lập các quỹ của đơn vị.

2. Trong quá trình thực hiện quyền tự chủ tài chính, đơn vị sự nghiệp công có trách nhiệm tự kiểm tra tình hình thực hiện ở đơn vị mình và thực hiện các quy định về thanh tra, kiểm toán, kiểm tra theo quy định của pháp luật liên quan.

3. Các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp hoặc cơ quan cấp dưới theo phân cấp, các cơ quan nhà nước có liên quan thực hiện việc kiểm tra hoạt động thu, chi của các đơn vị sự nghiệp công theo quy định hiện hành và quy định tại Thông tư này

Chương IV

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG

Điều 12. Chế độ báo cáo định kỳ

1. Đơn vị sự nghiệp công thực hiện chế độ tự chủ định kỳ hàng năm phải báo cáo về kết quả thực hiện chế độ tự chủ cho cơ quan quản lý cấp trên (các Bộ, cơ quan trung ương hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo phân cấp quản lý) để tổng hợp theo quy định tại khoản 4 Điều 38 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ trước ngày 28 tháng 2 năm sau (theo Phụ lục số 5 ban hành kèm theo Thông tư này).

Đối với đơn vị sự nghiệp công trực thuộc địa phương quản lý, định kỳ hàng năm phải báo cáo cơ quan chủ quản cấp trên để tổng hợp về kết quả thực hiện chế độ tự chủ và báo cáo gửi Sở Tài chính trước ngày 28 tháng 2 năm sau để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định kỳ hàng năm tổ chức đánh giá về tình hình triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công theo quy định tại khoản 5 Điều 36 và khoản 5 Điều 37 Nghị định số 60/2021/NĐ-PC cả Chính phủ, gửi báo cáo về Bộ Tài chính trước ngày 31 tháng 3 của năm sau (theo Phụ lục số 6 ban hành kèm theo Thông tư này).

3. Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập của các Bộ, cơ quan trung ương và của địa phương theo mẫu quy định tại Phụ lục số 7 ban hành kèm theo Thông tư này để phục vụ cho công tác quản lý và báo cáo Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

4. Trong trường hợp Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ có quy định cụ thể về thời hạn gửi báo cáo thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc      Thủ tướng Chính phủ.

5. Thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ hàng năm quy định tại Thông tư này là tính từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/01 của năm sau.

Điều 13. Hệ thống thông tin dữ liệu về tài sản công và tài chính của đơn vị sự nghiệp công trong toàn quốc

1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công

a) Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công của đơn vị sự nghiệp công trong toàn quốc được quản lý, vận hành, trao đổi và khai thác theo quy định tại Mục 1 Chương XIII Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Thông tư số 67/2018/TT-BTC ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, vận hành, trao đổi và khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công;

b) Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo đơn vị sự nghiệp công thực hiện quy định về báo cáo kê khai, thực hiện cập nhật thông tin, bảo đảm kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

2. Hệ thống thông tin dữ liệu về tài chính của đơn vị sự nghiệp công

a) Báo cáo định kỳ quy định tại Điều 12 Thông tư này được thể hiện dưới hình thức văn bản điện tử và gửi đến cơ quan nhận báo cáo thông qua hệ thống trục liên thông văn bản điện tử của Chính phủ.

Trường hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan đến việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ chưa tham gia hệ thống trục liên thông văn bản điện tử của Chính phủ hoặc hạ tầng cơ sở dữ liệu điện tử chưa hoàn thiện đồng bộ thì thực hiện gửi báo cáo dưới hình thức văn bản giấy đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức: Gửi trực tiếp; gửi qua dịch vụ bưu chính; hoặc các phương thức khác theo quy định của pháp luật.

b) Hệ thống thông tin dữ liệu về tài chính của đơn vị sự nghiệp công phải đảm bảo phù hợp với mô hình xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định. Việc cập nhật vào Hệ thống thông tin dữ liệu về tài chính của đơn vị sự nghiệp công phải được kiểm tra, phân loại, đánh giá, xử lý, tích hợp, số hóa và chuẩn hóa theo quy định. 

Ngoài phương thức gửi báo cáo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo bằng hình thức gửi dữ liệu qua mạng điện tử theo quy định, quy trình, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Tài chính hướng dẫn và chịu trách nhiệm về tính pháp lý, sự chính xác, trung thực của các dữ liệu do mình cung cấp.

Chương V

XỬ LÝ TÀI SẢN, TÀI CHÍNH KHI TỔ CHỨC LẠI HOẶC GIẢI THỂ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG

Điều 14. Xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công

1. Đơn vị sự nghiệp công được tổ chức lại khi đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Thông tư này quy định việc xử lý về tài sản và tài chính khi tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công dưới hình thức chia, tách, sáp nhập, hợp nhất.

2. Xử lý về tài sản

a) Đơn vị sự nghiệp công thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản công và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên xem xét, quyết định phương án xử lý tài sản theo một hoặc các phương thức quy định từ Điều 48 đến Điều 53 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công (sau đây gọi là Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ);

b) Việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định tại Điều 55 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Xử lý về tài chính

Đơn vị sự nghiệp công (cũ) bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất có trách nhiệm:

a) Lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán theo quy định của chế độ kế toán đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện quyết toán hoặc kiểm tra, xác định các khoản kinh phí được cấp;

c) Có văn bản đề nghị cơ quan thuế thực hiện quyết toán hoặc kiểm tra, xác định các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định;

d)  Kiểm kê số dư bằng bằng tiền của Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ khen thưởng, phúc lợi, Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ đặc thù, Quỹ khác và số dư nguồn cải cách tiền lương.

4. Đơn vị sự nghiệp công (cũ) bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất phải bàn giao đầy dủ, nguyên trạng tài sản, công nợ, quyền sử dụng đất, các hợp đồng kinh tế, các quyền, nghĩa vụ khác cho đơn vị sự nghiệp công (mới) kèm theo hồ sơ, chứng từ có liên quan.

Đơn vị sự nghiệp công (mới) hình thành sau chia, tách, sáp nhập, hợp nhất có trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa toàn bộ tài sản (kể cả tài sản hư hỏng, kém, mất phẩm chất, không cần dùng, chờ thanh lý), các khoản công nợ phải thu, phải trả và các nghĩa vụ khác của đơn vị bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất. Sau khi nhận bàn giao, đơn vị sự nghiệp công (mới) có trách nhiệm tiếp tục xử lý các tồn tại về tài chính theo các quy định hiện hành.

Điều 15. Xử lý tài sản, tài chính khi giải thể đơn vị sự nghiệp công

1. Đơn vị sự nghiệp công được giải thể khi đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Việc xử lý về tài sản của đơn vị sự nghiệp công khi giải thể thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư này.

3. Xử lý tài về chính của đơn vị sự nghiệp công khi giải thể

Đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Thông tư này. Riêng đối với số dư bằng bằng tiền của Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ khen thưởng, phúc lợi, Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ đặc thù, Quỹ khác và số dư nguồn cải cách tiền lương, đơn vị thực hiện như sau:

a) Số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi được sử dụng để bù đắp các khoản đã chi vượt chế độ cho người lao động (nếu có), chi cho người lao động theo chế độ quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập, phần còn lại chia cho người lao động đang làm việc theo số tháng làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi (Trường hợp chưa tròn tháng và có ngày lẻ thì số ngày lẻ từ 15 ngày trở lên được tính tròn 1 tháng, dưới 15 ngày không được tính). Việc chi số dư bằng tiền của các Quỹ cho người lao động được hoàn thành trước thời điểm giải thể đơn vị sự nghiệp công;

b) Số dư bằng tiền của Quỹ bổ sung thu nhập/Quỹ dự phòng ổn định thu nhập được chia cho người lao động đang làm việc theo Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị sự nghiệp công tối đa không quá 6 tháng lương thực hiện, phần còn lại (nếu có) được nộp vào ngân sách nhà nước;

c) Số dư bằng tiền của Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, số dư nguồn cải cách tiền lương được nộp vào ngân sách nhà nước;

d) Số dư các Quỹ đặc thù và Quỹ khác theo quy định của pháp luật;

đ) Các khoản công nợ (nợ thuế, nợ phải trả khác…) thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 47 và khoản 1 Điều 48 Luật Kế toán năm 2015 và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Giao quyền tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp công

1. Đơn vị sự nghiệp công xây dựng phương án tự chủ tài chính; lập dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định theo quy định tại Điều 8 Thông tư này và đề xuất phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị quy định tại Điều 4 của Thông tư này, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước và điều kiện thực tế của đơn vị, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (bộ, cơ quan trung ương đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý; UBND cấp tỉnh, cấp huyện đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý) theo Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Căn cứ phương án tự chủ tài chính do đơn vị đề xuất, cơ quan quản lý cấp trên tổng hợp phương án phân loại mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị trực thuộc và dự toán thu, chi của các đơn vị, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để thẩm định; cụ thể:

a) Đối với các đơn vị trực thuộc Trung ương quản lý:

- Các Bộ, cơ quan trung ương xem xét, thẩm tra dự toán thu, chi thường xuyên năm đầu thời kỳ ổn định; trong đó xác định kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước và từ nguồn thu phí được để lại chi (nếu có) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ (theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này); dự kiến phân loại các đơn vị trực thuộc theo mức độ tự chủ tài chính, tổng hợp phương án phân loại và dự toán thu, chi của các đơn vị, gửi Bộ Tài chính (theo Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này).

- Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến bằng văn bản về việc phân loại đơn vị theo mức độ tự chủ tài chính; kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước và từ nguồn thu phí được để lại chi (nếu có) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ, theo đề nghị của các Bộ, cơ quan trung ương.

- Sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan Trung ương hoặc cơ quan cấp dưới theo phân cấp ra quyết định giao quyền tự chủ cho đơn vị, trong đó xác định phân loại đơn vị và phê duyệt dự toán kinh phí theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này cho các đơn vị năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ (theo Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư này).

b) Đối với các đơn vị trực thuộc địa phương quản lý:

- Cơ quan chủ quản ở địa phương xem xét, thẩm tra dự toán thu, chi thường xuyên năm đầu thời kỳ ổn định; trong đó xác định kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước và từ nguồn thu phí được để lại chi (nếu có) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ (theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này); dự kiến phân loại các đơn vị trực thuộc theo mức độ tự chủ tài chính, tổng hợp phương án phân loại và dự toán thu, chi của các đơn vị, gửi cơ quan tài chính cùng cấp (theo Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này).

- Cơ quan tài chính cùng cấp xem xét, có ý kiến bằng văn bản về việc phân loại đơn vị theo mức độ tự chủ tài chính; kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước và từ nguồn thu phí được để lại chi (nếu có) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ, theo đề nghị của cơ quan chủ quản.

- Sau khi có ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan chủ quản ở địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp mình (hoặc quyết định nếu được phân cấp) quyết định giao quyền tự chủ cho các đơn vị trực thuộc, trong đó xác định phân loại đơn vị và phê duyệt dự toán kinh phí theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này cho các đơn vị năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ (theo Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư này).

c) Đối với Đại học vùng, việc giao tự chủ tài chính thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này và theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Đề nghị Bộ GDĐT có ý kiến về nội dung này.

3. Kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước và từ nguồn thu phí được để lại chi (nếu có) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ

a) Ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cho đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo điểm a khoản 1 Điều 19 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

b) Ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần chi thường xuyên đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên từ nguồn thu phí (không có nguồn thu hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ khác) do nguồn thu phí được để lại chi theo quy định không đủ chi thường xuyên (nếu có).

Đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên từ các nguồn kinh phí khác hoặc được Nhà nước đặt hàng theo giá chưa tính đủ chi phí, ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chi thường xuyên còn thiếu sau khi đơn vị đã sử dụng hết nguồn thu hoạt động dịch vụ sự nghiệp.

c) Ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 và điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ đối với trường hợp tại thời điểm thẩm định phương án tự chủ cho đơn vị (cùng với thời gian phân bổ và giao dự toán) xác định được nhiệm vụ và kinh phí đặt hàng, cơ quan chủ quản xác định kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ cho đơn vị năm đầu thời kỳ ổn định. Trường hợp nhiệm vụ đặt hàng không nằm trong danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc đơn giá đặt hàng không theo đúng đơn giá được ban hành, cơ quan tài chính yêu cầu cơ quan chủ quản điều chỉnh lại kinh phí đặt hàng theo quy định.

d) Nguồn thu phí được để lại chi thường xuyên theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Giao dự toán thu, chi thường xuyên 04 (bốn) năm tiếp theo của thời kỳ ổn định: Hàng năm, trong thời kỳ ổn định phân loại đơn vị, cơ quan chủ quản quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách cho các đơn vị theo quy định tại Điều 18 của Thông tư này. Trong đó, đối với dự toán kinh phí Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo số lượng, khối lượng, đơn giá dịch vụ sự nghiệp công được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc dự toán chi theo chế độ quy định hiện hành, trong phạm vi dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao.

4. Khi rà soát phương án tự chủ, trường hợp đơn vị không có nguồn thu để bảo đảm chi thường xuyên, các Bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sắp xếp tổ chức lại, giải thể các đơn vị hoặc chuyển đổi các đơn vị sang đơn vị ngoài công lập, doanh nghiệp theo quy định tại khoản 6 Điều 35 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

5. Việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị được ổn định trong thời gian 05 (năm) năm. Năm cuối của thời kỳ ổn định, các đơn vị báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện cơ chế tự chủ trong 05 (năm) năm. Căn cứ vào kết quả thực hiện của thời kỳ trước, nhiệm vụ của năm kế hoạch và thời kỳ tiếp theo, các đơn vị xây dựng phương án tự chủ của thời kỳ ổn định tiếp theo, gửi cơ quan quản lý cấp trên xem xét cùng với thời gian lập dự toán ngân sách của năm kế hoạch.

Trường hợp đơn vị có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ hoặc có biến động về nguồn thu làm thay đổi mức độ tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên, đơn vị xây dựng phương án tự chủ về tài chính theo quy định tại Khoản 1 Điều này để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Trình tự xem xét, phân loại và giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị theo quy định tại Điều 4 và Điều 16 Thông tư này.

6. Sau mỗi thời kỳ ổn định (05 năm), các bộ, cơ quan trung ương (đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý), UBND cấp tỉnh (đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý) có trách nhiệm rà soát, nâng mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị nhóm 3 (trừ đơn vị sự nghiệp công cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, không có nguồn thu sự nghiệp) theo lộ trình quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP .

Điều 17. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Đơn vị sự nghiệp công đã được cơ quan có thẩm quyền phân loại là đơn vị nhóm 1 hoặc nhóm 2 tiếp tục thực hiện theo các quy định về cơ chế tự chủ tài chính quy định tại khoản 5 Điều 35 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ. 

2. Đơn vị sự nghiệp công thực hiện phân phối kết quả tài chính trong năm theo phương án tự chủ tài chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đến hết năm 2021; từ năm 2022, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ và quy định tại Thông tư này.

Điều 18. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày    tháng    năm 2021 và được áp dụng thực hiện phương án tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp công từ năm 2022.

2. Thông tư số 90/2017/TT-BTC ngày 30 tháng 8 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Thông tư số 145/2017/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết kịp thời và sửa đổi cho phù hợp./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc Hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh;
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
- Hội Nông dân Việt Nam;
- Hội Cựu chiến binh Việt Nam;
- HĐND, UBND, Sở Tài chính, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, HCSN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





DANH MỤC CÁC PHỤ LỤC KÈM THEO

STT

Tên Phụ lục

1

Hướng dẫn nội dung xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị sự nghiệp công

2

Phương án tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công (dùng cho đơn vị sự nghiệp cấp III báo cáo cơ quan quản lý cấp trên)

3

Báo cáo tổng hợp phương án phân loại tự chủ tài chính và dự toán thu, chi của các đơn vị sự nghiệp giai đoạn.......

4

Quyết định về việc giao quyền tự chủ tài chính cho đơn vị.........

5

Báo cáo kết quả thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị ........(dùng cho đơn vị dự toán cấp III báo cáo đơn vị dự toán cấp trên)

6

Báo cáo tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị SNCL (dùng cho Bộ, địa phương báo cáo Bộ Tài chính)

7

Báo cáo tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong toàn quốc (Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo)

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


13.234

DMCA.com Protection Status
IP: 18.222.78.65
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!