BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
90/2014/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày
10 tháng 7 năm 2014
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, QUYẾT TOÁN KINH PHÍ
BẢO ĐẢM TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC PHỤC VỤ ĐỀ ÁN THỰC HIỆN “THỎA THUẬN GIỮA CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN
DÂN LÀO VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ NGƯỜI DI CƯ TỰ DO, KẾT HÔN KHÔNG GIÁ THÚ
TRONG VÙNG BIÊN GIỚI HAI NƯỚC”
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06
tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật
Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23
tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện Quyết định số 2627/QĐ-TTg ngày 31
tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thực hiện “Thỏa
thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước
Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết
hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước” (sau đây gọi tắt là Đề án theo
Quyết định số 2627/QĐ-TTg);
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành
chính sự nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy
định việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm từ ngân sách nhà
nước phục vụ Đề án thực hiện “Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc giải quyết
vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước”:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn việc lập, quản lý, sử
dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án theo Quyết định số 2627/QĐ-TTg .
2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn
vị có liên quan đến việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí
ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện Đề án theo Quyết định số 2627/QĐ-TTg .
Điều 2. Nguyên tắc quản
lý, sử dụng, quyết toán kinh phí
Kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện
Đề án theo Quyết định số 2627/QĐ-TTg thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm
theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên
quan, cụ thể:
1. Ngân sách trung ương bảo đảm:
a) Đối với hoạt động của các Bộ, ngành, cơ quan
trung ương: Do ngân sách trung ương bảo đảm, được bố trí cùng với dự toán chi
ngân sách hoạt động thường xuyên của Bộ, ngành, cơ quan trung ương và được ghi
thành một nội dung riêng trong dự toán của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương;
b) Kinh phí hỗ trợ cho phía Lào theo quy định tại
Khoản 4 Điều 10 của Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc giải
quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai
nước.
2. Ngân sách địa phương bảo đảm:
Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí đối với
các hoạt động thuộc nhiệm vụ của địa phương. Đối với địa phương chưa tự cân đối
được ngân sách, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương để thực
hiện theo hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư này.
3. Kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm thực
hiện Đề án theo Quyết định số 2627/QĐ-TTg phải được quản lý, sử dụng đúng mục
đích, đúng chế độ và theo các quy định tại Thông tư này.
Kinh phí từ nguồn tài trợ của các cá nhân, tổ chức,
doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện đúng theo sự thỏa thuận với các cơ
quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ trong và ngoài nước và phù hợp với
pháp luật Việt Nam. Trường hợp không có thỏa thuận thực hiện theo quy định tại Thông
tư này.
Điều 3. Nội dung chi
1. Nội dung chi áp dụng chung đối với với các Bộ,
ngành, cơ quan trung ương và địa phương:
a) Chi phục vụ các đoàn của Việt Nam sang Lào
đàm phán, hội họp;
b) Chi đưa, đón trong nước đoàn của Lào sang Việt
Nam đàm phán, hội họp;
c) Chi dịch thuật;
d) Chi tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên
tham gia thực hiện Đề án;
đ) Chi hoạt động (trong nước và ngoài nước) phục
vụ việc khảo sát, điều tra, thống kê và phân loại đối tượng di cư tự do và kết
hôn không giá thú; hoạt động đôn đốc, kiểm tra, chấn chỉnh việc giải quyết nhập
quốc tịch Việt Nam, cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam và đăng ký hộ tịch;
công tác xác minh, tiếp nhận những người do phía Lào trao trả hoặc trao trả người
Lào về nước:
- Chi công tác phí (trong nước và ngoài nước);
- Chi soạn báo cáo thống kê, tổng hợp kết quả điều
tra, phân loại đối tượng di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên
giới; soạn báo cáo tổng hợp kết quả xác minh để tiếp nhận những người do phía
Lào trao trả hoặc trao trả người Lào về nước;
e) Chi phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật về biên giới và các quy định của Thỏa thuận;
g) Chi hoạt động thường xuyên khác của Ban Chỉ đạo
thực hiện Thỏa thuận và Đoàn Chuyên viên liên hợp; Tổ Chuyên viên liên hợp;
h) Chi hội nghị sơ kết, tổng kết công tác thực
hiện Đề án;
i) Chi khen thưởng cho các cán bộ có thành tích
xuất sắc trong quá trình thực hiện Đề án;
k) Các khoản chi phát sinh khác phục vụ trực tiếp
thực hiện Đề án (nếu có);
l) Chi tiếp nhận, giải quyết việc nhập quốc tịch
Việt Nam, cấp giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, đăng ký hộ tịch và cấp các
giấy tờ cần thiết khác.
2. Nội dung chi đặc thù áp dụng đối với các địa
phương:
Ngoài các nội dung chi áp dụng chung nêu tại Khoản
1 Điều 3 Thông tư này, các địa phương được chi thêm các nội dung sau:
a) Chi cho việc ăn, ở, thuốc chữa bệnh và chuyên
chở người Việt Nam về nước do phía Lào trao trả;
b) Kinh phí hỗ trợ phía Lào cho việc trao trả
người Lào phải trở về nước cho đến khi bàn giao tại địa điểm giao nhận theo quy
định tại Khoản 4 Điều 10 của Thỏa thuận bao gồm các khoản:
chi phí ăn, ở, thuốc chữa bệnh và chi phí chuyên chở người Lào về nước;
c) Hỗ trợ tái hòa nhập cho số người Việt Nam do
phía Lào trao trả:
- Hỗ trợ về nhà ở;
- Hỗ trợ đất ở, giải quyết việc làm;
- Hỗ trợ học nghề;
- Hỗ trợ về y tế;
- Hỗ trợ về giáo dục;
- Trợ giúp đột xuất trước mắt đối với các đối tượng
khó khăn trong thời gian mới trở về chưa đăng ký được hộ khẩu, hộ tịch (gạo, lều
bạt làm nơi ở tạm, hỗ trợ y tế).
Điều 4. Chế độ định mức chi
1. Các nội dung chi thực hiện theo các chế độ, định
mức chi tiêu quy định hiện hành của nhà nước gồm:
a) Chi công tác phí cho những người đi công tác
nước ngoài: Thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ công
tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do
ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí;
b) Chi công tác phí cho những người đi công tác
trong nước; chi hội nghị sơ kết, tổng kết công tác thực hiện Đề án: Thực hiện
theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí, chế độ
chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn
vị sự nghiệp công lập;
c) Chi dịch thuật: Thực hiện theo quy định hiện
hành của Bộ Tài chính tại văn bản quy định về chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước
ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế
tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước;
d) Chi tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên
tham gia thực hiện Đề án (tối đa 5 ngày): Thực hiện theo quy định hiện hành của
Bộ Tài chính về chế độ chi từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;
đ) Chi phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật về biên giới và các quy định của Thỏa thuận: Thực hiện
theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về chế độ chi từ ngân
sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
e) Chi khen thưởng cho các cán bộ có thành tích
xuất sắc trong quá trình thực hiện Đề án: Thực hiện theo quy định hiện hành của
Luật thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành;
g) Chi hoạt động thường xuyên khác của Ban Chỉ đạo
thực hiện Thỏa thuận, Đoàn Chuyên viên liên hợp, Tổ Chuyên viên liên hợp: Thực
hiện theo chế độ, định mức chi tiêu theo quy định hiện hành và do Thủ trưởng cơ
quan, đơn vị chuẩn chi chịu trách nhiệm trước pháp luật; khi quyết toán phải
căn cứ vào hoá đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp theo đúng quy định.
2. Định mức chi đối với một số nội dung công việc
đặc thù như sau:
a) Chi phục vụ các đoàn của Việt Nam sang Lào
đàm phán, hội họp:
Thực hiện theo quy định hiện hành tại Thông tư của
Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi
công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí. Ngoài
ra, được chi mua tặng phẩm tặng bạn, mức chi mua tặng phẩm thực hiện theo quy định
tại điểm h, Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày
06 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón khách nước
ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế
tại Việt Nam và chi tiếp khách trong nước (sau đây gọi là Thông tư số
01/2010/TT-BTC);
b) Chi đưa đón trong nước các đoàn của Lào sang
Việt Nam đàm phán, hội họp:
- Chi thuê phòng họp, thuê xe đưa đón khách (nếu
có): Theo thực tế căn cứ vào hợp đồng có chứng từ, hoá đơn hợp pháp;
- Chi đón tiếp xã giao thực hiện theo mức chi
quy định tại điểm e, Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 01/2010/TT-BTC
của Bộ Tài chính;
- Chi tổ chức chiêu đãi: Mỗi đoàn đàm phán, hội
họp được tổ chức chiêu đãi hai lần (khi gặp mặt và khi kết thúc). Mức chi chiêu
đãi khách thực hiện theo quy định tại điểm đ, Khoản 1 Điều 2
Thông tư số 01/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính;
- Chi mua tặng phẩm tặng bạn, mức chi mua tặng
phẩm thực hiện theo quy định tại điểm h, Khoản 1 Điều 2 Thông tư
số 01/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính;
c) Chi bồi dưỡng đối với cán bộ Việt Nam tham
gia đoàn đàm phán tổ chức ở trong nước: Ngoài chế độ công tác phí trong nước
theo quy định hiện hành, được chi bồi dưỡng mức 150.000 đồng/người/buổi cho các
thành viên và cán bộ trong danh sách phục vụ đoàn đàm phán trong những ngày
tham gia phiên họp chuẩn bị và các phiên đàm phán chính thức;
d) Chi báo cáo thống kê, tổng hợp kết quả điều
tra, phân loại đối tượng di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên
giới; báo cáo tổng hợp kết quả xác minh để tiếp nhận những người do phía Lào
trao trả hoặc trao trả người Lào về nước: 2.000.000 đồng/báo cáo;
đ) Chi tiếp nhận, giải quyết việc nhập quốc tịch
Việt Nam, cấp giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, đăng ký hộ tịch và cấp các
giấy tờ cần thiết khác: Theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp về
quy trình, thủ tục và miễn lệ phí theo quy định của Thỏa thuận;
e) Chi cho việc ăn, ở, thuốc chữa bệnh và chuyên
chở người Việt Nam về nước do phía Lào trao trả và người Lào về nước do Việt
Nam trao trả:
- Mức chi tiền ăn, ở: Tối đa không vượt quá mức
chi tiền công tác phí hiện hành áp dụng đối với cán bộ, công chức nhà nước đi
công tác trong nước;
- Tiền thuốc chữa bệnh: Thanh toán theo chứng từ
chi thực tế hợp pháp, hợp lệ;
- Chi phí chuyên chở người Việt Nam và người Lào
về nước: Thanh toán theo hóa đơn hợp pháp, hợp lệ. Trường hợp không có hóa đơn
thì do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định hỗ trợ tối đa bằng giá vé xe ô tô
khách loại trung bình trên cùng cung đường.
Chứng từ chi các khoản nêu trên phải có chữ ký
hoặc điểm chỉ xác nhận đã thực chi của người Việt Nam về nước do phía Lào trao
trả và của người Lào về nước do phía Việt Nam trao trả.
g) Chi hỗ trợ tái hòa nhập cho số người Việt Nam
do phía Lào trao trả: Tùy hoàn cảnh thực tế của từng người và điều kiện, khả
năng ngân sách của địa phương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương vận dụng các chính sách dưới đây để quy định cụ thể việc hỗ trợ:
- Hỗ trợ về nhà ở: Vận dụng theo Quyết định số
167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách
hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; Quyết định số 67/2010/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm
2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định
số 167/2008/QĐ-TTg ;
- Hỗ trợ đất ở, giải quyết việc làm: Vận dụng
theo quyết định số 29/2013/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính
phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng
bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai
đoạn 2013-2015;
- Hỗ trợ học nghề: Vận dụng theo Quyết định số
1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề
cho lao động nông thôn đến năm 2020;
- Hỗ trợ về y tế: Vận dụng chính sách hỗ trợ
tham gia bảo hiểm y tế theo Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2009
của Chính phủ;
- Hỗ trợ về giáo dục: Vận dụng chính sách hỗ trợ
miễn giảm học phí theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của
Chính phủ về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng
học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học
2010-2011 đến năm học 2014-2015; Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm
2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP .
- Trợ giúp đột xuất trước mắt đối với các đối tượng
khó khăn trong thời gian mới về chưa đăng ký được hộ khẩu, hộ tịch: Hỗ trợ 15
kg gạo/người/tháng trong thời gian 3 tháng; hỗ trợ mua lều bạt làm nơi ở tạm 3
triệu đồng/hộ; hỗ trợ y tế bình quân 50.000 đồng/người/tháng (trong thời gian 3
tháng).
Điều 5. Lập dự toán, quản lý
và quyết toán kinh phí
1. Việc lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh
toán và quyết toán kinh phí bảo đảm thực hiện Đề án thực hiện theo quy định của
Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.
2. Đối với kinh phí do các cơ quan địa phương thực
hiện: Hằng năm, căn cứ tiến độ thực hiện Đề án và chế độ chi tiêu quy định tại Thông
tư này, các cơ quan địa phương xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Đề án (bao gồm
cả kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách địa phương bảo đảm và phần đề nghị
ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương) gửi cơ quan có thẩm
quyền theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và văn bản hướng dẫn Luật.
3. Việc quản lý, chi tiêu, thanh quyết toán kinh
phí thực hiện Đề án được thực hiện theo chế độ và quy định quản lý tài chính hiện
hành. Kinh phí cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển nguồn sang năm sau tiếp tục
sử dụng cho các công việc của Đề án.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm
2014 và hết hiệu lực khi Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc giải quyết
vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước
chấm dứt hiệu lực.
2. Các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh biên
giới Việt Nam - Lào có trách nhiệm thực hiện và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị
trực thuộc thực hiện đúng các quy định của Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc
phát sinh đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu bổ
sung, sửa đổi cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng Chính phủ; các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- UBND các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Thanh hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình,
Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Cổng TTĐT Chính phủ, Cổng TTĐT Bộ Tài chính;
- Vụ NSNN, Vụ PC, Vụ CST, Cục QLN và TCĐN, KBNN;
- Lưu: VT, Vụ HCSN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trương Chí Trung
|