BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 107/2021/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày 03
tháng 12 năm 2021
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ THANH QUYẾT TOÁN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP THỰC HIỆN NHIỆM VỤ
PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT GIỐNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NGHIÊN CỨU, SẢN XUẤT GIỐNG
PHỤC VỤ CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021 - 2030
Căn cứ Luật Ngân
sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP
ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP
ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ
cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính hành
chính sự nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định
quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ phát
triển sản xuất giống trong Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống
phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và
thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước (chi các hoạt động
kinh tế) thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất giống quy định tại khoản 2 Mục III Điều 1 Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm
2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu,
sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 (sau
đây gọi tắt là Quyết định số 703/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ).
Đối với việc hướng dẫn nội dung thực hiện nhiệm vụ
phát triển sản xuất giống thực hiện theo quy định tại khoản 2 Mục
III Điều 1 Quyết định số 703/QĐ-TTg và Thông tư số 10/2021/TT-BNNPTNT ngày
19 tháng 8 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Thông tư này không điều chỉnh việc quản lý, sử dụng
và thanh quyết toán kinh phí chi thường xuyên sự nghiệp khoa học và công nghệ
thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và nghiên cứu chọn tạo giống
quy định tại điểm a, điểm c khoản 1 Mục III Điều 1 Quyết định số
703/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; việc quản lý, sử dụng và thanh quyết
toán kinh phí chi thường xuyên chi các hoạt động kinh tế thực hiện hỗ trợ sản
xuất, cung ứng, lưu giữ giống gốc giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản
thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019
của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm,
dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; điểm b Khoản 1 Mục III Điều 1 Quyết định số 703/QĐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ.
3. Việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh
phí từ các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án phát triển sản xuất giống
theo Quyết định số 703/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực hiện theo quy định tại
Thông tư này và các quy định khác có liên quan (nếu có).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp
công lập ở Trung ương và địa phương (sau đây gọi là cơ quan, đơn vị) có chức
năng, nhiệm vụ quản lý, nghiên cứu, sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống
vật nuôi và giống thủy sản.
2. Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia
đình, cá nhân (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân) nghiên cứu, sản xuất giống cây
nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản.
Điều 3. Nguồn kinh phí
1. Nguồn ngân sách nhà nước chi thường xuyên (chi
các hoạt động kinh tế) theo quy định của Luật
Ngân sách nhà nước, trong đó:
a) Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí cho các dự
án phát triển sản xuất giống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ
ngành khác quản lý và tổ chức thực hiện;
b) Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí cho các dự
án phát triển sản xuất giống do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), Ủy ban nhân dân cấp huyện,
cấp xã hoặc giao cơ quan chuyên môn quản lý và tổ chức thực hiện.
2. Nguồn kinh phí của các tổ chức, cá nhân tham gia
thực hiện dự án phát triển sản xuất giống theo Quyết định số 703/QĐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ.
Điều 4. Nguyên tắc quản lý, sử
dụng kinh phí
1. Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoặc hỗ trợ
một phần kinh phí theo phân cấp hiện hành để thực hiện các dự án phát triển sản
xuất giống theo quy định của Luật Ngân sách nhà
nước và các văn bản hướng dẫn; trong đó:
a) Ngân sách nhà nước ưu tiên kinh phí triển khai
thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật
nuôi và giống thủy sản chủ lực quốc gia theo văn bản quy định của cấp có thẩm
quyền. Đối với các giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản
khác, căn cứ yêu cầu thực tiễn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ,
ngành và địa phương xem xét, quyết định hỗ trợ theo chính sách của Chương trình
trong từng giai đoạn cụ thể;
b) Dự án phát triển sản xuất giống được cấp có thẩm
quyền phê duyệt; giống sử dụng trong dự án phải là giống được phép sản xuất,
kinh doanh ở Việt Nam theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan;
c) Dự án phát triển sản xuất giống chưa nhận bất kỳ
hỗ trợ nào từ nguồn ngân sách nhà nước;
d) Ngân sách nhà nước hỗ trợ theo tiến độ thực hiện
của dự án tương ứng với tỷ lệ đóng góp nguồn lực đối ứng theo cam kết của đơn vị
và trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Các cơ quan, đơn vị được giao quản lý ngân sách
nhà nước thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống theo Quyết định số 703/QĐ-TTg
của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện công khai chế độ, định mức, tiêu chuẩn,
kinh phí cho các đối tượng thụ hưởng theo quy định hiện hành.
3. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng
ngân sách nhà nước thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống theo Quyết định
số 703/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm:
a) Thực hiện theo đúng nội dung đã được cấp có thẩm
quyền phê duyệt;
b) Quản lý, sử dụng kinh phí đúng chế độ, tiết kiệm
và hiệu quả; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền;
thanh quyết toán kinh phí đã sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách
nhà nước và quy định tại Thông tư này.
4. Việc xác định các loại giống cây nông, lâm nghiệp,
giống vật nuôi và giống thủy sản; phương thức thực hiện; khối lượng công việc
và dự toán kinh phí; kiểm tra, giám sát, triển khai nhiệm vụ phát triển giống
được thực hiện theo quy định pháp luật liên quan, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn và các quy định tại Thông tư này.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Nội dung ngân sách
trung ương đảm bảo kinh phí, hỗ trợ một phần kinh phí
1. Đối với giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật
nuôi và giống thủy sản chủ lực quốc gia
1.1 Ngân sách trung ương đảm bảo tối đa 100% kinh
phí thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, các Bộ, ngành khác quản lý và tổ chức thực hiện, căn cứ định mức
kinh tế kỹ thuật và các văn bản có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt,
gồm:
a) Nhập nội, mua bản quyền giống mới đối với những
giống trong nước chưa có;
b) Bình tuyển cây đầu dòng, chọn lọc cây trội do
các đơn vị thực hiện;
c) Chăm sóc vườn cây đầu dòng, rừng giống, vườn giống
để cung cấp vật liệu nhân giống do các đơn vị thực hiện;
d) Nhập công nghệ sản xuất giống theo giá trị chuyển
nhượng bản quyền, bao gồm cả chi phí thuê chuyên gia nước ngoài để tư vấn kỹ
thuật, chuyển giao công nghệ và các chi phí khác có liên quan (nếu có);
đ) Hoàn thiện công nghệ sản xuất giống đối với các
công nghệ đã được cấp có thẩm quyền ban hành;
e) Đào tạo, tập huấn quy trình công nghệ nhân giống;
g) Kiểm soát chất lượng giống;
h) Kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình; tổ chức
sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình.
1.2. Ngân sách trung ương hỗ trợ một phần chi phí sản
xuất giống thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống do Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành khác quản lý và tổ chức thực hiện, cụ thể
như sau:
a) Đối với lĩnh vực trồng trọt
- Hỗ trợ tối đa 50% chi phí sản xuất giống; sản xuất
giống siêu nguyên chủng, giống bố mẹ dùng để sản xuất hạt lai F1.
- Hỗ trợ tối đa 30% chi phí sản xuất hạt lai F1,
chi phí sản xuất cây giống từ vườn cây đầu dòng.
b) Đối với lĩnh vực chăn nuôi: Hỗ trợ tối đa 10%
chi phí sản xuất giống bố mẹ.
c) Đối với lĩnh vực lâm nghiệp:
- Hỗ trợ tối đa 50% chi phí sản xuất giống.
- Hỗ trợ tối đa 30% chi phí nhân giống cây lâm nghiệp
bằng phương pháp nuôi cấy mô.
d) Đối với lĩnh vực thủy sản: Hỗ trợ tối đa 50% chi
phí sản xuất giống.
2. Đối với giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật
nuôi và giống thủy sản khác
Căn cứ yêu cầu thực tiễn trong từng giai đoạn cụ thể,
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành xem xét, quyết định hỗ
trợ theo chính sách của Chương trình này. Nội dung, tỷ lệ hỗ trợ tối đa bằng
70% mức đảm bảo kinh phí và hỗ trợ kinh phí quy định tương ứng tại khoản 1 Điều
này.
Điều 6. Nội dung ngân sách địa
phương đảm bảo kinh phí, hỗ trợ một phần kinh phí
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân
tỉnh phê duyệt nội dung được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoặc hỗ trợ một
phần kinh phí thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống chủ lực quốc gia và
giống khác theo Quyết định số 703/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại địa
phương, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương và theo quy định
tại Điều 5 Thông tư này.
2. Việc lựa chọn các giống cây nông, lâm nghiệp, giống
vật nuôi và giống thủy sản khác tại địa phương để hỗ trợ theo chính sách của
Chương trình này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ yêu cầu thực tiễn trong từng
giai đoạn cụ thể xem xét, quyết định nhằm đạt mục tiêu của Chương trình.
Điều 7. Nội dung chi, định mức
chi
Nội dung chi, mức chi thực hiện theo định mức, định
mức kinh tế kỹ thuật, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành do cơ quan Nhà nước
có thẩm quyền ban hành. Thông tư này hướng dẫn thêm một số nội dung chi, định mức
chi như sau:
1. Hỗ trợ sản xuất giống
Ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí nhân công và vật
tư để sản xuất giống trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, các Bộ ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành, trong
đó đơn giá nhân công được xác định như sau:
a) Công lao động kỹ thuật được tính tối đa bằng 70%
hệ số tiền công ngày cho chức danh “thành viên chính” thực hiện nhiệm vụ khoa học
và công nghệ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch
số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22 tháng 4 năm 2015 của liên Bộ Tài chính, Bộ
Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết
toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà
nước.
b) Công lao động phổ thông được tính tối đa bằng
50% công lao động kỹ thuật quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
2. Đào tạo tập huấn quy trình công nghệ nhân giống
trong nước cho các đơn vị, tổ chức và cá nhân trực tiếp tham gia thực hiện dự
án. Nội dung hỗ trợ cụ thể như sau:
a) Chi biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu
bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 76/2018/TT-BTC
ngày 17 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài chính về hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng
chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học,
giáo dục nghề nghiệp;
b) Chi thù lao giảng viên, trợ giảng; phụ cấp tiền
ăn giảng viên, trợ giảng; chi phí đưa, đón, bố trí nơi ở cho giảng viên, trợ giảng;
chi thù lao hướng dẫn viên tham quan, thực hành thao tác kỹ thuật: Thực hiện
theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ
Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí
dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Thời gian đào
tạo, mức chi trả thù lao cho giảng viên và hướng dẫn viên thực hành thao tác kỹ
thuật được phê duyệt trong từng dự án cụ thể;
c) Chi in ấn tài liệu, giáo trình trực tiếp phục vụ
lớp học (không bao gồm tài liệu tham khảo); giải khát giữa giờ; tổ chức cho học
viên đi khảo sát, thực tế (nếu có); thuê hội trường, phòng học, thiết bị phục vụ
học tập, vật tư thực hành lớp học (nếu có); chi tổ chức khai giảng, bế giảng,
in chứng chỉ, chi tiền thuốc y tế thông thường cho học viên (nếu học viên ốm);
chi khác phục vụ trực tiếp lớp học (điện, nước, thông tin liên lạc, văn phòng
phẩm, vệ sinh, trông giữ xe và các khoản chi trực tiếp khác). Mức chi thực hiện
theo hình thức hợp đồng với nhà cung cấp theo các quy định liên quan.
Tất cả các học viên được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu
học (không bao gồm tài liệu tham khảo). Đối với học viên không hưởng lương từ
ngân sách nhà nước được hỗ trợ tiền ăn tối đa 100% chi phí tiền ăn theo mức quy
định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính
quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị; hỗ trợ tiền đi lại là
200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở
lên; riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc
vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng bãi ngang, xã đảo theo quy
định của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm
đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên. Đối với chỗ ở cho người học: Trường hợp
đơn vị tổ chức đào tạo bố trí chỗ ở cho các học viên thì đơn vị được hỗ trợ chi
phí dịch vụ, bao gồm chi phí điện, nước; trường hợp đơn vị tổ chức đào tạo thuê
chỗ ở cho học viên thì được hỗ trợ 100% chi phí theo quy định tại Thông tư số
40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.
3. Kiểm soát chất lượng giống: Ngân sách nhà nước hỗ
trợ tối đa 100% chi phí kiểm nghiệm, kiểm định, chứng nhận chất lượng giống,
giám định vi rút, xét nghiệm, kiểm dịch, kiểm soát bệnh.
Điều 8. Lập, phân bổ, chấp hành
và quyết toán
Việc lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán
kinh phí cho Chương trình thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Nghị định số
163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước
và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Ngoài ra, Thông tư này hướng dẫn một
số nội dung cụ thể như sau:
1. Lập dự toán:
a) Đối với kinh phí Chương trình từ nguồn ngân sách
trung ương
Hàng năm, cùng với thời gian lập dự toán ngân sách
nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành khác lập dự
toán kinh phí thực hiện Chương trình, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp
có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành.
b) Đối với kinh phí Chương trình từ nguồn ngân sách
địa phương
Việc lập dự toán kinh phí Chương trình cho cấp huyện,
cấp xã do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định phù hợp với pháp luật về ngân sách
nhà nước.
Hàng năm, tại thời điểm xây dựng dự toán, căn cứ
Thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nội dung được
ngân sách bảo đảm kinh phí hoặc hỗ trợ một phần kinh phí, mức chi do Hội đồng
nhân dân cấp tỉnh quy định; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự toán
kinh phí Chương trình cấp tỉnh và tổng hợp chung trong dự toán ngân sách của Sở;
Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã lập dự toán kinh phí Chương trình theo phân cấp
ngân sách và tổng hợp chung cùng thời điểm xây dựng dự toán, gửi cơ quan tài
chính cùng cấp xem xét, tổng hợp vào dự toán ngân sách địa phương trình cấp có
thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà
nước và các văn bản hướng dẫn.
2. Phân bổ, chấp hành dự toán
a) Cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp
công lập thực hiện rút dự toán tại Kho bạc nhà nước nơi giao dịch.
Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch thực hiện kiểm soát,
thanh toán các khoản chi theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20
tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực
Kho bạc Nhà nước và Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 20 tháng 5 năm 2020 của Bộ
Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân
sách nhà nước qua Kho bạc nhà nước.
b) Tổ chức, cá nhân không có quan hệ thường xuyên với
ngân sách được thanh toán theo hình thức lệnh chi tiền.
Cơ quan tài chính có trách nhiệm kiểm soát hồ sơ,
Kho bạc nhà nước thực hiện xuất quỹ ngân sách, chuyển tiền cho các đối tượng thụ
hưởng ngân sách ghi trên lệnh chi tiền theo quy định tại khoản 2
Điều 19 Thông tư số 342/2016/TT- BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài
chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP
ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Ngân sách nhà nước.
3. Quyết toán
a) Kinh phí thực hiện các dự án sản xuất giống được
tổng hợp chung vào quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành khác và địa phương theo phân cấp.
b) Trình tự lập, mẫu biểu báo cáo, thời gian nộp và
xét duyệt báo cáo quyết toán thực hiện theo quy định tại Thông tư số 137/2017/TT-BTC
ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định xét duyệt, thẩm định, thông
báo và tổng hợp quyết toán năm.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi tối
đa. Căn cứ khả năng cân đối nguồn kinh phí trong phạm vi dự toán được giao, Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở
trung ương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức
chi cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế để thực hiện nhưng tối đa không vượt
mức chi quy định tại Thông tư này.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
chịu trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện Thông tư này.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20
tháng 1 năm 2022.
2. Chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên
chức và người lao động tại các cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước
quy định tại Thông tư này được thực hiện cho đến khi có quy định mới về chế độ
tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày
21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII
về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng
vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp thì thực hiện theo quy định
chung.
3. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư
này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ
sung hoặc thay thế đó.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng
mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính để
nghiên cứu, giải quyết kịp thời và sửa đổi cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc Hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh;
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
- Hội Nông dân Việt Nam;
- Hội Cựu chiến binh Việt Nam;
- HĐND, UBND, Sở Tài chính, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, HCSN(230b).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Võ Thành Hưng
|