ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 39/2018/QĐ-UBND
|
Hà Nam, ngày 02 tháng 11 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC,
VIÊN CHỨC ĐƯỢC CỬ ĐI ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày
13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15
tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP
ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức,
viên chức;
Căn cứ Thông tư số 01/2018/TT-BNV
ngày 08 tháng 01 năm 2018 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của
Nghị định số 101/2017/NĐ-CP
ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức,
viên chức;
Căn cứ Thông tư số 36/2018/TT-BTC
ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng
và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức,
viên chức;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Quy định về chế độ chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên
chức được cử đi đào tạo sau đại học.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực
kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2018 và thay thế Quyết định số 07/2015/QĐ-UBND ngày
08 tháng 4 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định chế độ chính sách
đối với người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, chính sách thu hút nguồn nhân lực
trình độ cao.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban
nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Cục kiểm tra văn bản
QPPL- BTP;
- Bộ Nội vụ;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Lưu: VT, NC.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Xuân Đông
|
QUY ĐỊNH
CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐƯỢC CỬ
ĐI ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 39/2018/QĐ-UBND ngày 02/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Văn bản này quy định chế độ, chính
sách đối với cán bộ, công chức và viên chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm
quyền quản lý của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh được cử đi đào tạo sau đại học.
2. Đối tượng áp dụng
Cán bộ, công chức, viên chức đang làm
việc trong các cơ quan của Đảng, các tổ chức chính trị- xã hội; cơ quan hành
chính nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp tỉnh và cấp huyện được cử đi
đào tạo sau đại học ở trong nước bao gồm: đào tạo Thạc sỹ, đào tạo Tiến sỹ (nghiên cứu sinh); đào tạo Bác sỹ chuyên khoa I, chuyên
khoa II; Dược sỹ chuyên khoa I, chuyên khoa II.
Điều 2. Mục
đích, yêu cầu
1. Mục đích: Nhằm động viên, khuyến
khích cán bộ, công chức và viên chức không ngừng học tập nâng cao trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
của địa phương.
2. Yêu cầu: Việc cử cán bộ, công chức,
viên chức đi đào tạo sau đại học phải theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền
phê duyệt, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, phù hợp với vị trí việc
làm đang đảm nhiệm và vị trí việc làm quy hoạch sau khi được đào tạo và xuất
phát từ yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và tình hình thực tiễn của địa
phương.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ
THỂ
Điều 3. Điều kiện
1. Điều kiện chung
- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;
nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước;
đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Chấp hành sự phân công của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức;
- Tốt nghiệp trình độ Đại học hệ
chính quy tập trung (không áp dụng đối với hình thức đào tạo liên thông);
- Có cam kết tiếp tục thực hiện nhiệm
vụ, công vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành
chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 (hai) lần thời gian đào tạo;
- Chuyên ngành đào tạo sau đại học
phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhiệm hoặc vị trí việc làm theo quy hoạch
được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Có quyết định cử đi học của Thường
trực Tỉnh ủy đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan của Đảng,
các Huyện ủy, Thành ủy, các tổ chức chính trị - xã hội; của Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan hành chính
nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc quyền quản lý (hoặc quyết định của cơ quan được Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh
ủy quyền).
2. Điều kiện khác
- Đối với cán bộ, công chức:
+ Có thời gian công tác từ đủ 03 năm
trở lên (không kể thời gian tập sự) và 02 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn
thành tốt nhiệm vụ trở lên;
+ Không quá 40 tuổi tính từ thời điểm
được đi đào tạo sau đại học lần đầu;
- Đối với viên chức:
+ Đã kết thúc thời gian tập sự (nếu
có);
Điều 4. Chế độ hỗ
trợ
Cán bộ công chức, viên chức được hỗ
trợ 01 (một) lần sau khi nhận Bằng tốt nghiệp sau đại học gồm:
1. Hỗ trợ tiền tài liệu: 05 triệu đồng/người/khóa
học;
2. Hỗ trợ sau khi nhận Bằng tốt nghiệp:
Tiến sỹ: 80 triệu đồng/người; Thạc sỹ, Bác sỹ chuyên khoa II, Dược sỹ chuyên
khoa II: 20 triệu đồng/người. Bác sỹ chuyên khoa I, Dược sỹ chuyên khoa I: 10
triệu đồng/người.
Điều 5. Trình tự
thủ tục và hồ sơ
1. Trình tự và hồ sơ trình cấp có thẩm
quyền cử đi học
- Các sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc
Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng quy hoạch,
đào tạo và kế hoạch cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học của
năm sau gửi về Sở Nội vụ trước ngày 31 tháng 10 hàng năm. Trong thời gian 20
ngày làm việc, Sở Nội vụ có trách nhiệm thẩm định, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định.
- Các cơ quan của Đảng, các, tổ chức
chính trị - xã hội ở cấp tỉnh; các Huyện ủy, Thành ủy xây dựng quy hoạch đào tạo
và kế hoạch cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học của năm sau
gửi về Ban Tổ chức Tỉnh ủy trước ngày 31 tháng 10 hàng năm. Ban Tổ chức Tỉnh ủy
trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổng hợp gửi về Sở Nội vụ để tổng hợp chung toàn tỉnh trước ngày 15 tháng 11
hàng năm.
- Sau khi có Thông báo nhập học của
cơ sở đào tạo, trong thời gian 15 ngày làm việc, các đơn vị gửi hồ sơ về Sở Nội
vụ (đối với cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban
nhân dân tỉnh) hoặc Ban Tổ chức Tỉnh ủy (đối với các cơ quan của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội; các Huyện ủy,
Thành ủy) để trình cấp có thẩm quyền quyết định cử đi
học, hồ sơ gồm:
+ Văn bản đề nghị cử cán bộ, công chức
và viên chức đi đào tạo;
+ Bản sao Thông báo nhập học của cơ sở
đào tạo;
+ Bản sao Bằng tốt nghiệp Đại học;
+ Lý lịch cán bộ, công chức (mẫu
2c-BNV/2008 ban hành kèm theo Quyết định số 02/2008/QĐ-BNV ngày 06/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; đối với viên chức là
mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư số
12/2012/TT-BNV ngày 18/12/2012 của Bộ Nội vụ);
+ Bản cam kết của cá nhân có xác nhận của lãnh đạo đơn vị;
+ Bản đánh giá cán bộ, công chức 02
năm liền kề có xác nhận của lãnh đạo đơn vị;
+ Bản sao Quyết định tuyển dụng của
cơ quan có thẩm quyền.
2. Trình tự, hồ sơ đề nghị hỗ trợ sau
khi nhận Bằng tốt nghiệp
- Sau khi cán bộ, công chức, viên chức
nhận Bằng tốt nghiệp sau đại học, các đơn vị gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí
về Sở Nội vụ gồm:
+ Văn bản đề nghị của cơ quan, đơn vị;
+ Danh sách trích ngang cán bộ, công chức,
viên chức đã nhận Bằng tốt nghiệp sau đại học;
+ Bản sao Bằng tốt nghiệp sau đại học
của từng cá nhân;
+ Bản sao quyết định cử đi học.
- Thời gian gửi hồ sơ về Sở Nội vụ:
Việc hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức sau khi nhận Bằng tốt nghiệp sau đại
học được thực hiện 2 đợt trong năm (đợt 1 các đơn vị tổng hợp, gửi hồ sơ về Sở Nội vụ trong tháng 6 và đợt 2
trong tháng 12 hàng năm). Trong thời gian 30 ngày làm
việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nội vụ có trách nhiệm thẩm định hồ sơ,
trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.
Điều 6. Bồi hoàn
kinh phí hỗ trợ đào tạo sau đại học
1. Những người được hưởng chính sách
hỗ trợ đi đào tạo sau đại học theo quy định này không thực hiện đúng theo các
yêu cầu đã cam kết và quy định của pháp luật thì phải đền bù kinh phí đào tạo
và hoàn trả kinh phí đã được hỗ trợ. Trình tự, thủ tục đền
bù kinh phí thực hiện theo quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01
tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;
2. Không giải quyết cho cán bộ, công
chức, viên chức đã hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định này liên hệ chuyển
công tác đến cơ quan, đơn vị không thuộc phạm vi quản lý của tỉnh mà chưa bồi
hoàn kinh phí đã được hỗ trợ theo quy định.
Điều 7. Quản lý
và sử dụng nguồn kinh phí
1. Kinh phí thực hiện:
Kinh phí hỗ trợ cho cán bộ, công chức
và viên chức được cử đi đào tạo sau đại học được bố trí từ nguồn ngân sách của
tỉnh và được phân bổ cho Sở Nội vụ theo dự toán hàng năm.
2. Sở Nội vụ tham mưu giúp Ủy ban nhân
dân tỉnh quản lý nguồn kinh phí hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức sau khi
tốt nghiệp sau đại học. Hàng năm tổng hợp danh sách cán bộ, công chức, viên chức
và chi trả cho cán bộ, công chức, viên chức theo Quyết định của Ủy ban nhân dân
tỉnh đã phê duyệt.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm
của các đơn vị
1. Sở Nội vụ
a) Thẩm định hồ sơ cử cán bộ công chức,
viên chức đi đào tạo sau đại học; tổng hợp quy hoạch, kế
hoạch đào tạo sau đại học, danh sách và kinh phí hàng năm báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh xem xét quyết định;
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính
dự toán ngân sách tỉnh hàng năm cho việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo
sau đại học;
c) Thẩm định hồ sơ và cấp kinh phí hỗ
trợ cho cá nhân sau khi đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt theo quy định của Luật ngân sách.
2. Sở Tài chính
a) Phối hợp với Sở Nội vụ tổng hợp dự
toán kinh phí dành cho chính sách cử đi đào tạo sau đại học và chính sách thu
hút báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;
b) Phối hợp với các ngành có liên
quan thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách này;
3. Các sở, ban, ngành; các đơn vị trực
thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Hàng năm xây dựng quy hoạch cán bộ,
kế hoạch đào tạo sau đại học và dự kiến kinh phí hỗ trợ cho cán bộ, công chức,
viên chức sau khi nhận Bằng tốt nghiệp sau đại học gửi về
Sở Nội vụ;
b) Xét duyệt, lập hồ sơ cử cán bộ,
công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở
Nội vụ). Hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, công chức, viên
chức sau khi nhận Bằng tốt nghiệp sau đại học gửi về Sở Nội vụ theo quy định tại
khoản 2, Điều 5 quy định này.
4. Các cơ quan của Đảng, các tổ chức
chính trị - xã hội ở cấp tỉnh; các Huyện ủy, Thành ủy
a) Hàng năm xây dựng kế hoạch cử cán
bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học và dự kiến kinh phí hỗ trợ cho
cán bộ, công chức, viên chức sau khi nhận Bằng tốt nghiệp sau đại học gửi về
Ban Tổ chức Tỉnh ủy để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Xét duyệt, lập hồ sơ cử cán bộ, công
chức, viên chức đi đào tạo sau đại học báo cáo Thường trực Tỉnh ủy (qua Ban Tổ
chức Tỉnh ủy). Hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, công chức,
viên chức sau khi nhận Bằng tốt nghiệp sau đại học gửi về Sở Nội vụ theo quy định
tại khoản 2, Điều 5 quy định này.
5. Các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm
bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên căn cứ khả năng ngân sách có thể áp
dụng mức hỗ trợ theo quy định này để thực hiện chế độ chính sách khi cử cán bộ,
công chức và viên chức đi đào tạo sau đại học. Nguồn kinh phí chi trả do đơn vị
tự đảm bảo.
Điều 9. Điều khoản
thi hành
1. Không áp dụng chế độ, chính sách tại
quy định này đối với những cán bộ, công chức, viên chức do Thủ trưởng các đơn vị
thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cử đi đào tạo sau đại học.
2. Cán bộ, công chức, viên chức được
cử đi đào tạo sau đại học và thực hiện chính sách thu hút trước khi Quyết định
này có hiệu lực được thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định tại Quyết định
số 07/2015/QĐ-UBND ngày 08/4/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện,
nếu có vướng mắc các đơn vị phản ánh bằng văn bản về Sở Nội vụ để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.