BỘ Y TẾ
*****
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGIÃ VIỆT NAM
Độc lập - Từ do - Hạnh phúc
*******
|
Số: 36/2007/QĐ-BYT
|
Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY TRÌNH THẨM ĐỊNH VÀ
PHÊ DUYỆT CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH Y TẾ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH
NHÀ NƯỚC
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn
cứ Nghị định 49/2003/NĐ-CP ngày 15/05/2003 của Chính phủ, quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Luật Xây dựng, Nghị định số
16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ, Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày
29/09/2006 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Luật đấu thầu số 61/2005/QH11, ngày 29/11/2005 của Quốc hội khoá
11 và Nghị định số 111/2006/NĐ-CP , ngày 29/09/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi
hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày
16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định 99/2007/NĐ-CP ngày 13/06/2007 của Chính phủ về quản lý
chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Theo đề nghị của các ông Vụ trưởng các Vụ: Trang thiết bị- Công trình y tế, Kế
hoạch - Tài chính, Pháp chế và Văn phòng Bộ Y tế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này: “Quy trình thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư
xây dựng công trình y tế sử dụng vốn ngân sách nhà nước”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15
ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng, Vụ
trưởng các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ Y tế, các
Chủ đầu tư dự án xây dựng công trình y tế sử dụng ngân sách nhà nước và
các cơ quan, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Quốc Triệu
|
QUY TRÌNH
THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
Y TẾ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
(ban hành kèm theo Quyết định số 36/2007/QĐ-BYT ngày 23/10/2007 của Bộ trưởng
Bộ Y tế)
Phần 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy trình này quy định việc thẩm
định và phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng công trình y tế sử dụng vốn ngân
sách nhà nước.
2. Đối tượng áp dụng:
Quy trình này áp dụng đối với
các đơn vị, chủ đầu tư trực thuộc Bộ Y tế và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa
phương có dự án đầu tư xây dựng công trình y tế theo quy định phải được Bộ
Y tế thẩm định và phê duyệt hoặc có ý kiến thỏa thuận trước khi phê duyệt đối với
các dự án đầu tư xây dựng bệnh viện các ngành, địa phương là dự án nhóm A hoặc
các dự án đầu tư bệnh viện có quy mô nhỏ hơn nhưng theo yêu cầu của người quyết
định đầu tư cần có ý kiến thỏa thuận của Bộ Y tế.
Quy trình này không áp dụng đối
với các dự án đầu tư áp dụng vốn viện trợ nước ngoài – ODA và nguồn tư nhân,
dân lập.
Phần 2:
THẨM ĐỊNH CÁC DỰ ÁN ĐẦU
TƯ
1. Tiếp nhận hồ sơ:
Hồ sơ dự án đầu tư được gửi qua
Văn thư của Bộ Y tế.
Hồ sơ do Chủ đầu tư trình phải
đáp ứng đủ yêu cầu về nội dung theo Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005
của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Nghị định số
112/2006/NĐ-CP ngày 29/09/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của
Nghị định số 16/2005/NĐ-CP và Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của
Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Lãnh đạo Vụ Trang thiết bị và
Công trình y tế (Vụ TTB-CTYT) sẽ phân công chuyên viên thụ lý hồ sơ (Chuyên
viên chuyên quản), kiểm tra tính hợp lý, pháp lý của hồ sơ sau đó báo cáo Lãnh
đạo Vụ bố trí lịch thẩm tra.
2. Trình duyệt hồ sơ:
Trình bày, bảo vệ: Chủ đầu tư và
Tư vấn
2.1. Thẩm tra Thiết kế sơ bộ:
2.1.1. Vụ TTB-CTYT tiến
hành thẩm tra thiết kế sơ bộ nhằm đảm bảo các yêu cầu về quy hoạch, dây chuyền
hoạt động và quy mô đầu tư của dự án.
Hồ sơ đề nghị thẩm tra bao gồm:
- Thuyết minh thiết kế sơ bộ -
Trong đó có bản nhiệm vụ thiết kế phù hợp với Quy hoạch phát triển tổng thể của
đơn vị, các Tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành, Tiêu chuẩn xây dựng hiện hành.
- Bản vẽ các phương án xây dựng
về: Quy hoạch mặt bằng tổng thể - Cơ cấu sử dụng đất – Phân khu chức năng, dây
chuyền phục vụ - Thiết kế sơ bộ từng hạng mục công trình.
- Thời gian: Theo mục 2.2.1 dưới
đây.
2.1.2. Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ thiết
kế cơ sở, Chủ đầu tư trình Bộ Y tế (Vụ TTB-CTYT) xem xét để có văn bản gửi Sở
Xây dựng địa phương thẩm định.
2.2. Thẩm định dự án đầu tư ở cấp
Vụ:
Vụ TTB-CTYT là đơn vị đầu mối thẩm
định dự án đầu tư, có trách nhiệm tổ chức thẩm định dự án, tổng hợp ý kiến của
các cơ quan có liên quan và kết quả thẩm định thiết kế cơ sở, nhận xét, đánh
giá, kiến nghị và trình người quyết định đầu tư phê duyệt dự án.
2.2.1. Hồ sơ đề nghị thẩm định
bao gồm:
- Tờ trình phê duyệt dự án (theo
mẫu tại Phụ lục 1-Thông tư số 02/2007/TT-BXD ngày 14/02/2007 của Bộ Xây dựng –
có phát hành kèm theo);
- Dự án đầu tư xây dựng công
trình gồm phần thuyết minh và thiết kế cơ sở;
- Văn bản cho phép đầu tư đối với
dự án quan trọng quốc gia; văn bản chấp thuận về quy hoạch ngành đối với dự án
nhóm A không có trong quy hoạch ngành; văn bản chấp thuận về quy hoạch xây dựng
đối với dự án không có trong quy hoạch xây dựng;
- Các văn bản pháp lý có liên
quan;
- Số lượng: 09 bộ;
- Thời gian thẩm định dự án, bao
gồm cả thời gian thẩm tra thiết kế sơ bộ được tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ,
cụ thể:
* Đối với dự án quan trọng quốc
gia: thời gian thẩm định dự án theo quy định của Nghị quyết số 66/2006/QH11 của
Quốc Hội, trong đó thời gian thẩm tra thiết kế sơ bộ không quá 20 ngày làm việc.
* Đối với dự án nhóm A: thời
gian thẩm định dự án không quá 40 ngày làm việc, trong đó thời gian thẩm tra
thiết kế sơ bộ không quá 15 ngày làm việc.
* Đối với dự án nhóm B: thời
gian thẩm định dự án không quá 30 ngày làm việc, trong đó thời gian thẩm tra
thiết kế sơ bộ không quá 10 ngày làm việc.
* Đối với dự án nhóm C: thời
gian thẩm định dự án không quá 20 ngày làm việc, trong đó thời gian thẩm tra
thiết kế sơ bộ không quá 7 ngày làm việc.
2.2.2. Trình tự tiến hành thẩm định
hồ sơ dự án đầu tư cấp Vụ:
Vụ TTB-CTYT chủ trì, thẩm định
theo 2 bước như sau:
2.2.2.1. Bước 1 – Thẩm tra cấp
chuyên viên: Tùy thuộc tính chất và quy mô của dự án, Lãnh đạo Vụ TTB-CTYT có
thể yêu cầu chuyên viên chuyên quản hoặc nhóm chuyên viên thẩm tra hồ sơ và báo
cáo kết quả cho Lãnh đạo Vụ TTB-CTYT xem xét trước khi tổ chức thẩm tra cấp Vụ.
2.2.2.2. Bước 2 – Thẩm tra cấp Vụ:
Lãnh đạo Vụ TTB-CTYT chủ trì, chuyên viên Vụ TTB-CTYT theo dõi dự án, đại diện
Vụ Kế hoạch – Tài chính và đại diện các Vụ, Cục liên quan, chuyên gia trong và
ngoài ngành y tế được mời.
Nội dung thẩm tra: Quy định tại khoản 6 – Điều 1 – Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/09/2006
của Chính phủ, cụ thể như sau:
- Xem xét các yếu tố đảm bảo
tính hiệu quả của dự án, bao gồm: sự cần thiết đầu tư; các yếu tố đầu vào của dự
án; quy mô, công suất, công nghệ, thời gian, tiến độ thực hiện dự án; phân tích
tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.
- Xem xét các yếu tố đảm bảo
tính khả thi của dự án, bao gồm: sự phù hợp với quy hoạch; nhu cầu sử dụng đất,
tài nguyên (nếu có); khả năng giải phóng mặt bằng, khả năng huy động vốn đáp ứng
tiến độ của dự án; kinh nghiệm quản lý của Chủ đầu tư; kết quả thẩm định thiết
kế cơ sở; khả năng hoàn trả vốn vay; giải pháp phòng chống cháy nổ; các yếu tố ảnh
hưởng đến dự án như quốc phòng, an ninh, môi trường trên cơ sở ý kiến bằng văn
bản của các cơ quan liên quan và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2.3. Phê duyệt dự án đầu tư
2.3.1. Hồ sơ đề nghị phê duyệt
bao gồm:
- Như Mục 2.2.1.
- Báo cáo thẩm định hồ sơ dự án
đầu tư ở cấp Vụ.
2.3.2. Trình tự, hình thức và nội
dung:
Sau khi Chủ đầu tư đã hoàn chỉnh
hồ sơ Dự án đầu tư, Vụ TTB-CTYT làm đầu mối về thẩm định dự án đầu tư của Bộ Y
tế đăng ký lịch báo cáo kết quả thẩm định với Chủ tịch Hội đồng tư vấn thẩm định
dự án đầu tư.
Thành phần: Chủ trì: Chủ tịch Hội
đồng Tư vấn về Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản Bộ Y tế, các thành viên Hội
đồng có tên trong Quyết định thành lập Hội đồng và Lãnh đạo các Vụ, Cục liên
quan, các chuyên gia được mời đều là ủy viên chính thức của Hội đồng.
Sau khi nghe báo cáo thẩm định cấp
Vụ, Hội đồng Tư vấn tập trung rà soát các nội dung sau:
- Các thủ tục, căn cứ pháp lý
liên quan đến dự án đầu tư
- Sự phù hợp của dự án với quy
hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng.
- Sự phù hợp của thiết kế cơ sở
về mục tiêu đầu tư, quy hoạch xây dựng, quy mô xây dựng, công nghệ, công suất
thiết kế, cấp công trình; Sự hợp lý của các giải pháp thiết kế trong thiết kế
cơ sở.
- Sự hợp lý của các chi phí, Tổng
mức đầu tư của dự án
2.3.3. Phê duyệt dự án đầu tư:
Sau khi Chủ đầu tư đã hoàn chỉnh
hồ sơ Dự án đầu tư theo kết luận của Chủ tịch Hội đồng tư vấn thẩm định dự
án đầu tư (nếu có), Vụ TTB-CTYT tập hợp các tài liệu liên quan và chuẩn bị văn
bản quyết định trình Lãnh đạo Bộ ký duyệt.
Phần 3:
THẨM ĐỊNH BÁO CÁO KINH TẾ
KỸ THUẬT
1. Đơn vị đầu mối thẩm định báo
cáo kinh tế kỹ thuật là Vụ TTB-CTYT.
2. Hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật
trình thẩm định bao gồm:
- Tờ trình thẩm định Báo cáo
kinh tế kỹ thuật (theo mẫu tại Phụ lục 5 - Thông tư số 02/2007/TT-BXD ngày
14/02/2007 của Bộ Xây dựng – Có phát hành kèm theo).
- Báo cáo kinh tế kỹ thuật bao gồm
phần thuyết minh và thiết kế bản vẽ thi công.
- Kết quả thẩm định thiết kế bản
vẽ thi công và dự toán, kèm theo văn bản góp ý của các cơ quan có liên quan (nếu
có).
3. Vụ TTB-CTYT tổ chức thẩm định
như sau: tùy thuộc tính chất, quy mô và độ phức tạp của nội dung đầu tư trong hồ
sơ Báo cáo kinh tế kỹ thuật, Lãnh đạo Vụ TTB-CTYT có thể chỉ đạo chuyên viên
chuyên quản, nhóm chuyên viên hoặc trực tiếp Lãnh đạo Vụ chủ trì thẩm định
hồ sơ (có thể mời chuyên gia trong và ngoài ngành y tế).
Nội dung thẩm định cụ thể như
sau:
- Xem xét các yếu tố đảm bảo
tính hiệu quả, bao gồm: sự cần thiết đầu tư; các yếu tố đầu vào; quy mô, công
suất, công nghệ, thời gian, tiến độ thực hiện; phân tích tài chính, hiệu quả
kinh tế - xã hội,
- Xem xét các yếu tố đảm bảo
tính khả thi, bao gồm: sự phù hợp với quy hoạch được duyệt; nhu cầu sử dụng đất,
tài nguyên (nếu có); khả thi giải phóng mặt bằng; khả năng huy động vốn đáp ứng
tiến độ; khả năng hoàn trả vốn vay; kinh nghiệm quản lý của chủ đầu tư; kết quả
thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán.
- Thời gian thẩm định: không quá
20 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
Phần 4:
THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ CẦN
Ý KIẾN THỎA THUẬN CỦA BỘ Y TẾ
Vụ TTB-CTYT tổ chức thẩm tra các
nội dung:
- Quy mô đầu tư phải phù hợp với
quy hoạch hệ thống y tế và quy hoạch phát triển đơn vị được cấp có thẩm quyền
phê duyệt.
- Thiết kế cơ sở phù hợp với
tiêu chuẩn thiết kế công trình y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và Tiêu chuẩn
xây dựng hiện hành.
- Danh mục trang thiết bị y tế
(nếu có) phải thực hiện theo quy định cụ thể của Bộ Y tế.
- Thời gian: không quá 20 ngày
làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
Phần 5:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc
Bộ Y tế, chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình y tế, Hội đồng Tư vấn
về Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản Bộ Y tế, Vụ Trang thiết bị và Công trình
Y tế, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Thanh tra và các Vụ, Cục – Bộ Y tế có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành./.
|
BỘ
TRƯỞNG
Nguyễn Quốc Triệu
|