HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
136/2010/NQ-HĐND
|
Hà
Tĩnh, ngày 24 tháng 12 năm 2010
|
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH PHÂN CẤP NGUỒN THU, NHIỆM VỤ CHI CÁC CẤP NGÂN SÁCH;
TỶ LỆ PHẦN TRĂM (%) PHÂN CHIA NGUỒN THU GIỮA CÁC CẤP NGÂN SÁCH GIAI ĐOẠN
2011-2015; ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ CHI THƯỜNG XUYÊN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2011
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 19
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND
được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước
được Quốc hội thông qua ngày 16/12/2002;
Căn cứ Nghị định số
60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn
thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Quyết định số
59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức
phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2011;
Sau khi xem xét Tờ trình số
357/TTr-UBND ngày 17/12/2010 của UBND tỉnh về việc đề nghị phê chuẩn quy định
phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm (%) phân
chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2011 - 2015; định mức phân bổ
chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2011; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế
Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Quy
định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi các cấp ngân sách, tỷ lệ phần trăm (%)
phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2011 - 2015; Định mức phân
bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2011. (Có các phụ lục kèm
theo).
Điều 2.
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Khóa XV, Kỳ họp thứ 19 thông qua.
Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ, Website Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Văn phòng Bộ Tư lệnh QK4;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- VP Tỉnh ủy, VP UBND tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo, chuyên viên VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Trung tâm Công báo - Tin học VP UBND tỉnh;
- Trang thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VP.
|
CHỦ
TỊCH
Nguyễn Thanh Bình
|
PHỤ LỤC SỐ 01
QUY ĐỊNH PHÂN CẤP NGUỒN THU, NHIỆM VỤ CHI CÁC CẤP NGÂN
SÁCH ĐỊA PHƯƠNG GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 136/2010/NQ-HĐND ngày 24/12/2010 của HĐND tỉnh)
A. NGUỒN THU
VÀ NHIỆM VỤ CHI CỦA NGÂN SÁCH TỈNH:
I. Nguồn thu
Ngân sách tỉnh.
1. Các khoản thu ngân sách tỉnh
hưởng 100%.
1.1. Các khoản thu từ hoạt động xổ
số kiến thiết.
1.2. Tiền cho thuê đất, mặt nước của
các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài).
(Tiền thuê đất phát sinh trên địa
bàn Thị xã Hồng Lĩnh thực hiện theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số
82/2008/NQ-HĐND ngày 23/7/2008 của HĐND tỉnh đến hết năm 2011)
1.3. Viện trợ không hoàn lại của
các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho
ngân sách tỉnh theo quy định của pháp luật.
1.4. Tiền cho thuê và tiền bán nhà ở
thuộc sở hữu Nhà nước.
1.5. Thu hồi vốn của ngân sách tỉnh
tại các tổ chức kinh tế, thu từ quỹ dự trữ tài chính địa phương, thu nhập từ vốn
góp.
1.6. Tiền thu từ hoạt động sự nghiệp
nộp vào ngân sách tỉnh theo quy định của pháp luật.
1.8. Các khoản phí, lệ phí và các
khoản thu khác nộp vào ngân sách tỉnh theo quy định của pháp luật.
1.9. Tiền đền bù thiệt hại đất, tài
sản trên đất do cấp tỉnh quản lý.
1.10. Thu xử phạt hành chính trong
các lĩnh vực do cấp tỉnh quản lý.
1.11. Huy động của các tổ chức, cá
nhân để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nộp vào ngân sách tỉnh
theo quy định của pháp luật.
1.12. Đóng góp tự nguyện của các tổ
chức, cá nhân ở trong và ngoài nước cho ngân sách tỉnh.
1.13. Thu từ huy động đầu tư xây dựng
kết cấu hạ tầng theo quy định tại khoản 3 điều 8 của Luật NSNN.
1.14. Thu kết dư ngân sách tỉnh.
1.15. Thu chuyển nguồn của ngân
sách tỉnh.
1.16. Thu bổ sung từ ngân sách
trung ương cho ngân sách tỉnh.
2. Các khoản thu phân chia theo
tỷ lệ phần trăm (%) giữa Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương theo quy
định tại Khoản 2, Điều 30 Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính
phủ, bao gồm:
2.1. Thuế GTGT, không kể thuế GTGT
hàng hóa nhập khẩu.
2.2. Thuế TNDN (không kể thuế TNDN
của đơn vị hạch toán toàn ngành).
2.3. Thuế thu nhập cá nhân.
2.4. Thuế chuyển thu nhập ra nước
ngoài không kể thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài từ hoạt động thăm dò khai
thác dầu khí.
2.5. Thuế tiêu thụ đặc biệt thu từ
hàng hóa, dịch vụ trong nước.
2.6. Phí xăng dầu.
3. Các khoản thu phân chia theo
tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, thành phố, thị xã (gọi
tắt là ngân sách huyện), và ngân sách xã, phường, thị trấn (gọi tắt là ngân
sách xã).
3.1. Thuế nhà, đất.
3.2. Thuế sử dụng đất nông nghiệp.
3.3. Thuế Tài nguyên.
3.4. Tiền sử dụng đất.
3.5. Thuế môn bài.
3.6. Lệ phí trước bạ.
II. Nhiệm vụ chi
của ngân sách tỉnh.
1. Chi đầu tư phát triển:
1.1. Chi xây dựng công trình kết cấu
hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh quản lý.
1.2. Chi hỗ trợ vốn cho các doanh
nghiệp, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính của Nhà nước theo quy định của
pháp luật
2. Chi thường xuyên.
2.1. Các hoạt động sự nghiệp giáo dục
đào tạo, y tế xã hội, văn hóa thông tin, thể dục, thể thao, sự nghiệp khoa học
công nghệ, môi trường, các sự nghiệp khác do cơ quan cấp tỉnh quản lý.
- Giáo dục phổ thông trung học, phổ
thông dân tộc nội trú, trung tâm kỹ thuật hướng nghiệp dạy nghề, trung tâm giáo
dục thường xuyên các huyện, thành phố, thị xã và các hoạt động giáo dục khác
theo phân cấp của tỉnh.
- Đại học, cao đẳng, trung học
chuyên nghiệp, đào tạo nghề, đào tạo ngắn hạn và các hình thức đào tạo bồi dưỡng
khác do tỉnh quản lý.
- Phòng bệnh, chữa bệnh của các cơ
sở y tế do tỉnh quản lý, Bệnh viện các huyện, thành phố, thị xã và các hoạt động
y tế khác thuộc tỉnh quản lý.
- Các trại xã hội, cứu tế xã hội, cứu
đói, phòng chống các tệ nạn xã hội và các hoạt động xã hội khác.
- Bảo tồn, bảo tàng, thư viện, biểu
diễn nghệ thuật, hoạt động văn hóa khác.
- Phát thanh, truyền hình và các hoạt
động thông tin khác.
- Bồi dưỡng, huấn luyện huấn luyện
viên, vận động viên các đội tuyển cấp tỉnh, các giải thi đấu cấp tỉnh, quản lý
các cơ sở thi đấu thể dục, thể thao và các hoạt động thể dục, thể thao khác.
- Nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến
bộ kỹ thuật và các hoạt động khoa học công nghệ khác.
- Các hoạt động về môi trường cấp tỉnh.
- Các sự nghiệp khác.
2.2. Các hoạt động sự nghiệp kinh tế
do các cơ quan cấp tỉnh quản lý.
- Sự nghiệp giao thông: Duy trì, bảo
dưỡng và sửa chữa cầu đường và các công trình giao thông khác, lập biển báo và
các giải pháp đảm bảo ATGT trên các tuyến đường.
- Sự nghiệp nông nghiệp, thủy lợi,
ngư nghiệp và lâm nghiệp: Duy tu bảo dưỡng các tuyến đê, các công trình thủy lợi,
các trạm trại nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, công tác khuyến lâm, khuyến
nông, khuyến ngư, chi khoanh nuôi, bảo vệ, phòng chống cháy rừng, bảo vệ nguồn
lợi thủy sản.
- Sự nghiệp công nghiệp
- Đo đạc, lập bản đồ và lưu trữ hồ
sơ địa chính.
- Điều tra cơ bản.
- Các sự nghiệp kinh tế khác.
2.3. Quốc phòng, an ninh và trật tự
an toàn xã
- Quốc phòng:
+ Huấn luyện cán bộ, dân quân tự vệ
(đối tượng do tỉnh triệu tập)
+ Hoạt động của các đơn vị tự vệ
luân phiên thoát ly sản xuất làm nhiệm vụ thường trực chiến đấu hoặc sẵn sàng
chiến đấu ở những trọng điểm biên giới, hải đảo trong một số trường hợp đặc biệt
theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.
+ Xây dựng phương án phòng thủ khu
vực
+ Vận chuyển vũ khí, khí tài, quân
trang, quân dụng cho lực lượng dân quân tự vệ và quân nhân dự bị.
+ Tiếp đón quân hoàn thành nghĩa vụ
quân sự trở về.
+ Hỗ trợ các hoạt động quân sự,
biên phòng, biên giới theo chủ trương chính sách của tỉnh.
- An ninh và trật tự an toàn xã hội.
+ Hỗ trợ các chiến dịch phòng ngừa,
phòng chống các loại tội phạm.
+ Hỗ trợ các chiến dịch giữ gìn an
ninh và trật tự an toàn xã hội.
+ Hỗ trợ công tác phòng cháy, chữa
cháy.
+ Hỗ trợ sửa chữa nhà tạm giam, tạm
giữ.
+ Hỗ trợ sơ kết, tổng kết phong
trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc.
+ Hỗ trợ các hoạt động khác.
2.4. Hoạt động của các cơ quan nhà
nước cấp tỉnh.
2.5. Hoạt động của các cơ quan Đảng
Cộng sản Việt Nam cấp tỉnh.
2.6. Hoạt động của các cơ quan: Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội cựu chiến binh
Việt Nam, Hội phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam cấp tỉnh.
2.7. Hỗ trợ hoạt động của các tổ chức
xã hội, các hội xã hội - nghề nghiệp cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.
2.8. Thực hiện các chính sách xã hội
do cấp tỉnh quản lý.
2.9. Các chương trình quốc gia do
Chính phủ giao cho cấp tỉnh quản lý.
2.10. Trả lãi tiền vay đầu tư theo
quy định tại Khoản 3 Điều 8 Luật NSNN.
3. Chi trả nợ gốc vay đầu tư
theo quy định Khoản 3 Điều 8 Luật NSNN.
4. Chi bổ sung quỹ dự trữ tài
chính.
5. Chi bổ sung cho ngân sách cấp
dưới.
6. Chi tạo nguồn thực hiện cải
cách tiền lương.
7. Chi chuyển nguồn sang năm
sau.
8. Các khoản chi khác theo quy định
của Pháp luật.
B. NGUỒN
THU, NHIỆM VỤ CHI CỦA NGÂN SÁCH CẤP HUYỆN, THÀNH PHỐ, THỊ XÃ (gọi tắt là cấp
huyện):
I. Nguồn thu của
ngân sách cấp huyện.
1. Các khoản thu ngân sách cấp
huyện hưởng 100%.
1.1. Các khoản phí, lệ phí thu từ
các hoạt động do cấp huyện quản lý.
1.2. Thu sự nghiệp do cấp huyện quản
lý theo quy định của pháp luật.
1.3. Tiền đền bù thiệt hại đất, tài
sản trên đất do cấp huyện quản lý.
1.4. Thu xử phạt hành chính trong
các lĩnh vực do cấp huyện quản lý.
1.5. Thu viện trợ không hoàn lại của
các tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp cho ngân sách cấp huyện theo quy định
của pháp luật.
1.6. Đóng góp của các tổ chức, cá
nhân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho Ngân sách cấp huyện theo quy định của
pháp luật.
1.7. Đóng góp tự nguyện của các tổ
chức, cá nhân trong và ngoài nước cho ngân sách cấp huyện theo quy định của
pháp luật.
1.8. Thu chuyển nguồn từ năm trước
chuyển sang.
1.9. Thu kết dư ngân sách.
1.10. Thu bổ sung từ ngân sách tỉnh.
1.11. Thu khác theo quy định của
pháp luật.
2. Các khoản thu phân chia theo
tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách cấp huyện và các cấp ngân sách thực hiện
theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Mục I, Phần A quy định này.
II. Nhiệm vụ
chi của ngân sách cấp huyện.
1. Chi đầu tư phát triển:
1.1. Chi xây dựng các công trình kết
cấu hạ tầng kinh tế - xã hội do huyện, thành phố, thị xã quản lý.
1.2. Riêng đối với thành phố Hà
Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh có thêm nhiệm vụ chi xây dựng các trường phổ thông công
lập các cấp trung học cơ sở, tiểu học, mầm non, điện chiếu sáng, cấp thoát nước,
giao thông đô thị, vệ sinh đô thị, và các công trình phúc lợi công cộng khác.
1.3. Chi đối ứng các dự án, chương
trình mục tiêu
1.4. Các khoản chi đầu tư phát triển
khác theo quy định của pháp luật.
2. Chi thường xuyên.
2.1. Các hoạt động về giáo dục bậc trung
học cơ sở, tiểu học cơ sở, giáo dục mầm non và các hoạt động có liên quan đến
giáo dục do cấp huyện quản lý.
2.2. Các hoạt động về đào tạo nghề,
đào tạo ngắn hạn và các loại hình đào tạo khác do cấp huyện tổ chức quản lý
2.3. Hỗ trợ các hoạt động về lĩnh vực
y tế do cấp huyện quản lý.
2.4. Các hoạt động SN văn hóa-thông
tin; thể dục-thể thao, tuyên truyền phổ biến pháp luật, đảm bảo xã hội và các sự
nghiệp khác do cấp huyện quản lý.
2.5. Các hoạt động sự nghiệp kinh tế
do cơ quan cấp huyện quản lý:
- Nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp,
thủy lợi, chuyển giao công nghệ
- Giao thông.
- Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp,
thương mại du lịch, tài nguyên, môi trường.
- Sự nghiệp kiến thiết thị chính.
- Các sự nghiệp kinh tế khác.
2.6. Quốc phòng, an ninh và trật tự
an toàn xã hội
- Quốc phòng:
+ Công tác giáo dục quốc phòng toàn
dân.
+ Công tác tuyển quân và đón tiếp
quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về.
+ Đăng ký quân nhân dự bị.
+ Tổ chức huấn luyện cán bộ dân
quân tự vệ (do cấp huyện trực tiếp điều động).
+ Chi trả phụ cấp thực hiện pháp lệnh
dân quân tự vệ.
+ Thực hiện một số nhiệm vụ khác về
đảm bảo quốc phòng theo quy định.
- An ninh và trật tự an toàn xã hội.
+ Tuyên truyền, giáo dục phong trào
quần chúng bảo vệ an ninh.
+ Hỗ trợ các chiến dịch giữ gìn an
ninh và trật tự an toàn xã hội.
+ Hỗ trợ sơ kết, tổng kết phong
trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc.
+ Hỗ trợ hoạt động an ninh trật tự
cơ sở.
+ Thực hiện một số nhiệm vụ khác về
đảm bảo an ninh theo quy định.
2.7. Hoạt động của các cơ quan Nhà
nước cấp huyện.
2.8. Hoạt động của các tổ chức Đảng
Cộng sản Việt Nam cấp huyện.
2.9. Hoạt động của các cơ quan cấp
huyện: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn thanh niên CS HCM, Hội cựu chiến binh Việt
Nam, Hội phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam.
2.10. Hỗ trợ cho các tổ chức xã hội,
các hội xã hội nghề nghiệp cấp huyện theo quy định của pháp luật.
2.11. Các khoản chi khác theo phân
cấp của tỉnh.
2.12. Chi tạo nguồn thực hiện cải
cách tiền lương.
2.13. Các khoản chi khác theo quy định
của pháp luật.
3. Chi bổ sung cho ngân sách cấp
xã, thị trấn.
C. NGUỒN THU
VÀ NHIỆM VỤ CHI CỦA NGÂN SÁCH XÃ, THỊ TRẤN:
I. Nguồn thu của
ngân sách xã, thị trấn.
1. Các khoản thu được hưởng
100%.
1.1. Các khoản phí, lệ phí thu từ
các hoạt động do xã, thị trấn quản lý.
1.2. Thu từ sử dụng quỹ đất công
ích và thu hoa lợi công sản khác.
1.3. Thu từ hoạt động sự nghiệp nộp
ngân sách xã, thị trấn theo quy định của pháp luật.
1.4. Tiền đền bù thiệt hại đất, tài
sản trên đất do xã, thị trấn quản lý.
1.5. Thu xử phạt hành chính trong
các lĩnh vực do xã, thị trấn quản lý.
1.6. Viện trợ không hoàn lại của
các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho xã theo quy định của pháp luật.
1.7. Các khoản đóng góp của các tổ
chức cá nhân: gồm đóng góp theo quy định của pháp luật, đóng góp tự nguyện cho
ngân sách xã do HĐND xã, thị trấn quyết định đưa vào ngân sách quản lý.
1.8. Thu chuyển nguồn từ năm trước
chuyển sang.
1.9. Thu kết dư ngân sách.
1.10. Thu bổ sung từ ngân sách cấp
trên.
1.11. Các khoản thu khác theo quy định
của pháp luật.
2. Các khoản thu phân chia theo
tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách xã với các cấp ngân sách thực hiện theo quy
định tại Khoản 2 và Khoản 3, Mục I, Phần A quy định này.
II. Nhiệm vụ
chi của ngân sách xã, thị trấn.
1. Chi đầu tư phát triển:
1.1. Chi xây dựng kết cấu hạ tầng
kinh tế - xã hội không có khả năng thu hồi vốn do xã quản lý.
1.2. Chi đầu tư xây dựng các công
trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của xã từ nguồn huy động đóng góp của
các tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.
1.3. Các khoản chi đầu tư phát triển
khác theo quy định của pháp luật.
2. Chi thường xuyên:
2.1. Chi cho hoạt động của các cơ
quan Nhà nước xã, thị trấn.
2.2. Kinh phí hoạt động của cơ quan
Đảng Cộng sản Việt Nam ở xã, thị trấn.
2.3. Kinh phí hoạt động của các tổ
chức chính trị xã hội ở xã, thị trấn (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn thanh
niên CS HCM, Hôi cựu chiến binh Việt Nam, Hội phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt
Nam).
2.4. Đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm
y tế cho cán bộ và các đối tượng khác theo chế độ quy định.
2.5. Chi cho công tác dân quân tự vệ,
trật tự an toàn xã hội.
- Chi huấn luyện dân quân tự vệ,
các khoản phụ cấp thuộc huy động dân quân tự vệ và các khoản chi khác về dân
quân tự vệ thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách xã, thị trấn theo quy định của pháp
luật.
- Chi thực hiện đăng ký nghĩa vụ
quân sự, công tác nghĩa vụ quân sự khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách xã, thị
trấn theo quy định của pháp luật.
- Chi tuyên truyền, vận động và tổ
chức phong trào bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, thị trấn.
- Các khoản chi khác theo chế độ
quy định.
2.6. Chi cho công tác xã hội và hoạt
động văn hóa thông tin, thể dục, thể thao do xã, thị trấn quản lý.
- Trợ cấp hàng tháng cho cán bộ xã,
thị trấn nghỉ việc theo chế độ quy định (riêng khoản trợ cấp hàng tháng cho cán
bộ xã, thị trấn nghỉ việc và trợ cấp thôi việc một lần cho các bộ xã nghỉ việc
từ ngày 01/01/1998 trở về sau do tổ chức bảo hiểm xã hội chi).
- Chi hoạt động văn hóa thông tin,
thể dục thể thao, truyền thanh do xã, thị trấn quản lý.
2.7. Chi hỗ trợ các lớp bổ túc văn
hóa, trợ cấp nhà trẻ, lớp mẫu giáo kể cả trợ cấp cho giáo viên mẫu giáo và cô
nuôi dạy trẻ do xã, thị trấn quản lý.
2.8. Chi hỗ trợ hoạt động y tế xã,
thị trấn.
2.9. Chi sửa chữa, cải tạo các công
trình phúc lợi, các công trình kết cấu hạ tầng do xã, thị trấn quản lý như: trường
học, trạm y tế, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, nhà văn hóa, thư viện, đài tưởng niệm,
cơ sở thể dục thể thao, cầu đường giao thông, công trình cấp thoát nước công cộng.
- Hỗ trợ khuyến khích phát triển
các sự nghiệp kinh tế như khuyến nông; khuyến ngư, khuyến lâm, khuyến diêm,
khuyến công theo chế độ quy định.
2.10. Chi tạo nguồn thực hiện cải
cách tiền lương.
2.11. Các khoản chi khác theo quy định
của pháp luật.
D. NGUỒN THU,
NHIỆM VỤ CHI CỦA NGÂN SÁCH PHƯỜNG.
I. Nguồn thu của
ngân sách phường.
1. Các khoản thu 100%.
1.1. Các khoản phí, lệ phí thu từ
các hoạt động do phường quản lý.
1.2. Thu từ sử dụng quỹ đất công
ích và thu hoa lợi công sản khác.
1.3. Thu từ hoạt động sự nghiệp nộp
ngân sách phường theo quy định của pháp luật.
1.4. Tiền đền bù thiệt hại đất, tài
sản trên đất do phường quản lý.
1.5. Thu xử phạt hành chính trong
các lĩnh vực do phường quản lý.
1.6. Viện trợ không hoàn lại của
các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho phường theo quy định của pháp
luật.
1.7. Các khoản đóng góp của các tổ
chức cá nhân: gồm đóng góp theo quy định của pháp luật, đóng góp tự nguyện cho
ngân sách phường do HĐND phường quyết định đưa vào ngân sách quản lý.
1.8. Thu chuyển nguồn từ năm trước
chuyển sang.
1.9. Thu kết dư ngân sách.
1.10. Thu bổ sung từ ngân sách cấp
trên.
1.11. Các khoản thu khác theo quy định
của pháp luật.
2. Các khoản thu phân chia theo
tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách Phường và các cấp ngân sách thực hiện theo
quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Mục I, Phần A quy định này.
II. Nhiệm vụ
chi của ngân sách phường.
1. Chi đầu tư phát triển.
1.1. Chi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
của phường từ nguồn huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân theo quy định của
pháp luật.
1.2. Các khoản chi Đầu tư phát triển
khác theo quy định của pháp luật.
2. Chi thường xuyên.
2.1. Chi cho hoạt động của các cơ
quan Nhà nước phường
2.2. Chi cho hoạt động của cơ quan
Đảng Cộng sản Việt Nam phường.
2.3. Chi cho hoạt động của các tổ
chức Chính trị xã hội phường (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản
Hồ Chí Minh, Hội cựu chiến binh Việt Nam, Hội phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt
Nam).
2.4. Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm
y tế cho cán bộ và các đối tượng khác theo chế độ quy định.
2.5. Chi cho công tác dân quân tự vệ,
trật tự an toàn xã hội.
- Chi huấn luyện dân quân tự vệ,
các khoản phụ cấp và các khoản chi khác về dân quân tự vệ thuộc nhiệm vụ chi của
ngân sách phường theo quy định của pháp luật.
- Chi thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân
sự, công tác nghĩa vụ quân sự khác của ngân sách phường theo quy định của pháp
luật.
- Chi tuyên truyền, vận động và tổ
chức phong trào bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn phường.
- Các khoản chi khác theo chế độ
quy định.
2.6. Chi cho công tác xã hội và hoạt
động văn hóa thông tin, thể dục, thể thao ở phường.
2.7. Chi hỗ trợ hoạt động y tế,
giáo dục.
2.8. Các khoản chi khác theo quy định
của pháp luật.
PHỤ LỤC SỐ 02
QUY ĐỊNH TỶ LỆ PHẦN TRĂM (%) PHÂN CHIA NGUỒN THU GIỮA
CÁC CẤP NGÂN SÁCH GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 136/2010/NQ-HĐND ngày 24/12/2010 của HĐND tỉnh)
A. NGUỒN THU
NGÂN SÁCH CÁC CẤP HƯỞNG 100% (một trăm phần trăm).
I. Nguồn thu
ngân sách tỉnh hưởng 100%.
1. Các khoản thu từ hoạt động xổ số
kiến thiết.
2. Viện trợ không hoàn lại của các
tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho ngân
sách tỉnh theo quy định của pháp luật.
3. Tiền cho thuê và tiền bán nhà ở
thuộc sở hữu Nhà nước.
4. Thu hồi vốn của ngân sách tỉnh tại
các tổ chức kinh tế, thu từ quỹ dự trữ tài chính địa phương, thu nhập từ vốn
góp.
5. Tiền thu từ hoạt động sự nghiệp
nộp vào ngân sách do tỉnh quản lý.
6. Các khoản phí, lệ phí và các khoản
thu khác nộp vào ngân sách do các cơ quan cấp tỉnh tổ chức quản lý theo quy định
của pháp luật.
7. Tiền đền bù thiệt hại đất, tài sản
trên đất do cấp tỉnh quản lý.
8. Thu xử phạt hành chính trong các
lĩnh vực do cấp tỉnh quản lý.
9. Huy động của các tổ chức, cá
nhân để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nộp vào ngân sách cấp tỉnh
theo quy định của pháp luật.
10. Đóng góp tự nguyện của các tổ
chức, cá nhân ở trong và ngoài nước cho ngân sách tỉnh.
11. Thu từ huy động đầu tư xây dựng
kết cấu hạ tầng theo quy định tại khoản 3 điều 8 của Luật NSNN.
12. Thu kết dư ngân sách tỉnh.
13. Thu chuyển nguồn từ năm trước
chuyển sang.
14. Thu bổ sung từ ngân sách Trung
ương cho ngân sách tỉnh.
II. Nguồn thu
ngân sách huyện, thành phố, thị xã hưởng 100% (gọi tắt là ngân sách huyện).
1. Các khoản phí, lệ phí do các cơ quan
cấp huyện quản lý thu nộp ngân sách theo quy định của pháp luật.
2. Thu sự nghiệp nộp ngân sách do cấp
huyện quản lý theo quy định pháp luật.
3. Thu viện trợ không hoàn lại của
các tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp cho ngân sách huyện theo quy định của
pháp luật.
4. Huy động của các tổ chức, cá
nhân để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nộp vào ngân sách huyện
theo quy định của pháp luật.
5. Đóng góp tự nguyện của các tổ chức,
cá nhân trong và ngoài nước cho ngân sách huyện theo quy định của pháp luật.
6. Thu xử phạt vi phạm hành chính
trong các lĩnh vực do cấp huyện quản lý (kể cả thu xử phạt an toàn giao thông);
Thu từ các hoạt động chống buôn lậu và kinh doanh trái pháp luật theo phân cấp
của tỉnh.
7. Tiền đền bù thiệt hại đất, tài sản
trên đất do cấp huyện quản lý.
8. Thu chuyển nguồn từ năm trước
chuyển sang.
9. Thu kết dư ngân sách.
10. Thu bổ sung từ ngân sách cấp tỉnh.
11. Các khoản thu khác của ngân
sách huyện theo quy định của pháp luật.
III. Nguồn thu
ngân sách xã, thị trấn hưởng 100%.
1. Các khoản phí, lệ phí thu từ các
hoạt động do các cơ quan cấp xã, thị trấn tổ chức quản lý thu theo quy định của
pháp luật.
2. Thu từ sử dụng quỹ đất công ích
và thu hoa lợi công sản khác.
3. Thu từ hoạt động sự nghiệp nộp
ngân sách xã, thị trấn theo quy định của pháp luật.
4. Tiền đền bù thiệt hại đất, tài sản
trên đất do cấp xã, thị trấn quản lý.
5. Thu xử phạt hành chính trong các
lĩnh vực do cấp xã, thị trấn quản lý (kể cả thu xử phạt an toàn giao thông).
6. Viện trợ không hoàn lại của các
tổ chức, cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho xã, thị trấn theo quy định của pháp
luật.
7. Các khoản đóng góp theo quy định
của pháp luật; đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện cho ngân sách xã, thị trấn để
đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng và thực hiện các mục tiêu khác.
8. Thu chuyển nguồn từ năm trước
chuyển sang.
9. Thu kết dư ngân sách xã, thị trấn.
10. Thu bổ sung từ ngân sách cấp
trên.
11. Các khoản thu khác theo quy định
của pháp luật.
IV. Nguồn thu
ngân sách phường hưởng 100%.
1. Các khoản phí, lệ phí thu từ các
hoạt động do phường quản lý.
2. Thu từ sử dụng quỹ đất công ích
và thu hoa lợi công sản khác.
3. Thu từ hoạt động sự nghiệp nộp
ngân sách theo quy định của pháp luật.
4. Tiền đền bù thiệt hại đất, tài sản
trên đất do phường quản lý.
5. Thu xử phạt hành chính trong các
lĩnh vực do phường quản lý.
6. Viện trợ không hoàn lại của các
tổ chức, cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho phường theo quy định của pháp luật.
7. Các khoản đóng góp của các tổ chức
cá nhân: gồm đóng góp theo quy định của pháp luật, đóng góp tự nguyện cho ngân
sách phường do HĐND phường quyết định đưa vào ngân sách quản lý.
8. Thu chuyển nguồn từ năm trước
chuyển sang.
9. Thu kết dư ngân sách.
10. Thu bổ sung từ ngân sách cấp
trên.
11. Các khoản thu khác theo quy định
của pháp luật
B. CÁC KHOẢN
THU PHÂN CHIA THEO TỶ LỆ PHẦN TRĂM (%) GIỮA CÁC CẤP NGÂN SÁCH.
I. Thuế giá trị
gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp (loại
trừ thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp về hoạt
động sản xuất kinh doanh chính của các đơn vị hạch toán toàn ngành ngân sách
trung ương hưởng 100%).
1. Đối với các doanh nghiệp Nhà nước
nộp: Phân chia cho ngân sách tỉnh 100% (bao gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp từ
hoạt động sản xuất kinh doanh phụ của các đơn vị hạch toán toàn ngành).
2. Đối với khu vực kinh tế ngoài quốc
doanh.
2.1. Cục thuế tỉnh trực tiếp quản
lý thu: Ngân sách tỉnh hưởng 100%.
2.2. Chi cục thuế
các huyện, thành phố, thị xã quản lý thu:
- Đối với hoạt động XDCB nhà ở,
đánh bắt hải sản, kinh doanh vận tải: Ngân sách xã, phường, thị trấn hưởng
100%.
- Đối với các hoạt động kinh doanh
còn lại:
+ Phát sinh trên địa bàn xã, thị trấn:
Số thu do Doanh
nghiệp, Hợp tác xã nộp: ngân sách tỉnh 10%, huyện 60%, ngân sách xã 30%
(Riêng phát sinh trên địa bàn Thị trấn Xuân An - huyện Nghi Xuân: ngân sách tỉnh
10%, ngân sách huyện 70%, ngân sách thị trấn 20%)
Số thu hộ cá thể nộp: ngân sách huyện
40%; Ngân sách xã, thị trấn 60% (Riêng phát sinh trên địa bàn Thị trấn Xuân An
- huyện Nghi Xuân: ngân sách huyện 70%, ngân sách thị trấn 30%).
+ Phát sinh trên địa bàn Phường:
Ngân sách tỉnh hưởng 60%; Ngân sách thành phố, thị xã hưởng 40%.
II. Thuế thu
nhập cá nhân:
1. Cục Thuế tỉnh quản lý thu: Ngân
sách tỉnh 100%;
2. Chi cục thuế các huyện, thành phố,
thị xã quản lý thu: Ngân sách tỉnh 60%, ngân sách huyện, thành phố, thị xã 40%.
III. Thuế chuyển
lợi nhuận ra nước ngoài (không kể thuế
chuyển lợi nhuận ra nước ngoài từ hoạt động dầu khí): Ngân sách tỉnh hưởng
100%.
IV. Thuế tiêu
thụ đặc biệt từ hàng hóa sản xuất trong nước.
1. Thu các mặt hàng: rượu, bia, thuốc
lá, ô tô dưới 24 chỗ, xăng các loại: Ngân sách tỉnh hưởng 100%.
2. Thuế tiêu thụ đặc biệt hàng sản
xuất trong nước thu vào các mặt hàng khác: Ngân sách huyện, thành phố, thị xã
hưởng 50%; Ngân sách xã, phường, thị trấn hưởng 50%.
V. Thuế Tài
nguyên.
1. Tài nguyên rừng: Ngân sách tỉnh
hưởng 60%, ngân sách huyện 20%, ngân sách xã 20%.
2. Tài nguyên khoáng sản: ngân sách
tỉnh 50%, ngân sách huyện 30%, ngân sách xã 20%.
3. Tài nguyên khác (đá, cát, sỏi, đất,
nước, ...): ngân sách huyện, thành phố, thị xã 60%, ngân sách xã, phường, thị
trấn 40%.
VI. Phí xăng dầu:
Ngân sách tỉnh hưởng 100%.
VII. Thuế nhà đất:
Ngân sách xã, phường, thị trấn hưởng 100%.
VIII. Thuế sử dụng
đất nông nghiệp: Ngân sách xã, phường, thị trấn
100%.
IX. Tiền sử dụng
đất: Số thu do cấp đất, đấu giá đất trên địa bàn
toàn tỉnh được trích để hình thành quỹ phát triển đất của tỉnh theo quy định tại
Nghị định số 69/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ, Quyết định số
40/2010/QĐ-TTg ngày 12/5/2010 của TTCP và Quyết định của UBND tỉnh, số còn lại
được phân chia cho các cấp ngân sách, cụ thể như sau:
1. Phát sinh trên địa bàn xã (không
bao gồm các xã thuộc TP Hà Tĩnh):
- Ngân sách tỉnh 20% (để trích quỹ
phát triển đất của tỉnh);
- Ngân sách huyện, thị xã 30%; Ngân
sách xã 50%.
2. Phát sinh trên địa bàn các xã của
TP Hà Tĩnh và thị trấn các huyện:
- Ngân sách tỉnh 30% (gồm quỹ phát
triển đất của tỉnh 10%, ngân sách tỉnh 20%);
- Ngân sách huyện, TP Hà Tĩnh 20%;
Ngân sách xã, thị trấn 50%.
3. Phát sinh trên địa bàn Phường:
- Ngân sách tỉnh hưởng 50% (gồm quỹ
phát triển đất của tỉnh 10%, ngân sách tỉnh 40%);
- Ngân sách thành phố, thị xã hưởng
50%.
4. Đối với Thị xã Hồng Lĩnh:
Phát sinh trên địa bàn xã: Ngân
sách tỉnh 20% (để trích quỹ phát triển đất của tỉnh); Phát sinh trên địa bàn
phường: Ngân sách tỉnh 10% (để trích quỹ phát triển đất của tỉnh); số còn lại
phân chia theo tỷ lệ (%) theo Nghị quyết số 82/2008/NQ-HĐND ngày 23/7/2008 của
HĐND tỉnh đến hết năm 2011; Từ năm 2012, thực hiện theo điểm 1 và điểm 3 mục 9
phần B quy định này.
5. Đối với đất đã giao quyền sử dụng
cho các tổ chức, đơn vị, cơ quan Nhà nước (thuộc quỹ đất chuyên dùng) khi thay
đổi mục đích sử dụng, giao đất có thu tiền sử dụng đất: Ngân sách tỉnh 100%
(trong đó trích quỹ phát triển đất của tỉnh 20%; ngân sách tỉnh 80%).
6. Đối với việc giao đất để xây dựng
các công trình, dự án được triển khai theo cam kết đã ký giữa nhà đầu tư và
UBND tỉnh thì số thu tiền sử dụng đất thực hiện như sau:
- Trích 20% hình thành quỹ phát triển
đất của tỉnh;
- Số còn lại thực hiện theo đúng
quyết định của UBND tỉnh về quy định cơ chế tài chính đối với nguồn thu tiền sử
dụng đất theo từng dự án cụ thể.
7. Đối với đấu giá đất, cấp đất một
số khu vực đã được duyệt quy hoạch trên địa bàn Thành phố Hà Tĩnh, Thị xã Hồng
Lĩnh để tạo nguồn trả nợ Bộ Tài chính và phát triển đô thị: Thực hiện cơ chế
riêng theo Quyết định UBND tỉnh sau khi thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh;
X. Tiền cho
thuê đất, mặt nước của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài): ngân sách tỉnh
100%, không bao gồm các trường hợp thực hiện theo quy định sau đây:
1. Tiền thuê đất phát sinh trên địa
bàn Thị xã Hồng Lĩnh thực hiện theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số
82/2008/NQ-HĐND ngày 23/7/2008 của HĐND tỉnh đến hết năm 2011; từ năm 2012,
ngân sách tỉnh hưởng 100%.
2. Đối với mặt đất, mặt nước do các
huyện, thành phố, thị xã quản lý có nhiều thuận lợi sản xuất kinh doanh, dịch vụ
được sử dụng để cho thuê thu tiền một lần để tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
thì thực hiện cơ chế riêng theo quyết định của UBND tỉnh sau khi thống nhất với
Thường trực HĐND tỉnh;
XI. Lệ phí trước
bạ.
1. Đối với lệ phí trước bạ nhà, đất:
ngân sách xã, phường, thị trấn 100%.
2. Đối với lệ phí trước bạ thu vào
các tài sản khác (không phải là đất, nhà): Ngân sách tỉnh hưởng 70%; Ngân sách
huyện, thành phố, thị xã hưởng 30%.
XII. Phí môi
trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản: Thực
hiện phân chia cho các cấp ngân sách theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, Quyết định
của UBND tỉnh hiện hành.
XIII. Thuế môn
bài.
1. Đối với hộ cá nhân nộp:
+ Phát sinh trên địa bàn xã, thị trấn:
Ngân sách xã, thị trấn hưởng 100%;
+ Phát sinh trên địa bàn phường:
Ngân sách Thành phố, thị xã 50%, ngân sách phường hưởng 50%;
2. Đối với DN, HTX nộp: ngân sách huyện,
thành phố, thị xã 100%;
XIV. Trong thời kỳ ổn định, theo quy định về tỷ lệ phân chia nguồn
thu cho các cấp ngân sách trên đây: Tùy theo từng trường hợp cụ thể, nếu số thu
ngân sách cấp xã, phường, thị trấn được hưởng lớn hơn nhiệm vụ chi cấp xã, phường,
thị trấn được cấp có thẩm quyền giao thì HĐND huyện, thành phố, thị xã quyết định
việc giao các xã, phường thị trấn về chỉ tiêu số thu lớn hơn số chi
phải nộp ngân sách huyện, thành phố, thị xã để đảm bảo cân đối
ngân sách chung trên địa bàn.
Trường hợp nếu có biến động lớn do ảnh
hưởng của sự phát triển kinh tế đối với một số địa bàn, khu vực hoặc thay đổi về
phân cấp tổ chức thu dẫn đến sự thay đổi lớn về số thu ngân sách thì Thường trực
HĐND tỉnh thống nhất với UBND tỉnh xem xét quyết định điều chỉnh tỷ lệ (%) phân
chia một số nguồn thu giữa các cấp ngân sách cho phù hợp và báo cáo tại kỳ họp
HĐND tỉnh gần nhất./.
PHỤ LỤC SỐ 03
QUY ĐỊNH ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ CHI THƯỜNG XUYÊN NGÂN SÁCH
NĂM 2011
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 136/2010/NQ-HĐND ngày 24/12/2010 của HĐND tỉnh)
A. ĐỊNH MỨC
ĐỐI VỚI CÁC SỞ, BAN, NGÀNH, ĐƠN VỊ CẤP TỈNH.
I. Định mức
chi quản lý hành chính nhà nước, Đảng, Đoàn thể:
1. Chi cho con người.
Chi lương, phụ cấp và các khoản có tính
chất tiền lương, các khoản phụ cấp và các khoản đóng góp BHYT, BHXH, BHTN theo
lương theo mức lương tối thiểu 730.000 đồng;
Biên chế làm cơ sở xác định dự toán
chi cho con người thống nhất theo số biên chế tỉnh giao năm 2010 để xác định quỹ
lương, phụ cấp, các khoản đóng góp; số biên chế kế hoạch tỉnh giao năm 2011
tăng so với kế hoạch năm 2010 sẽ được tính toán bổ sung theo quy định;
2. Định mức chi khác theo đầu
biên chế các đơn vị.
Đơn vị:
triệu đồng/biên chế/năm
Các
đơn vị quản lý hành chính
|
Định
mức phân bổ năm 2011
|
1. Đơn vị Dự toán cấp I, Tổ chức
chính trị xã hội
|
21
|
2. Đơn vị Dự toán cấp II, các đơn
vị hành chính sự nghiệp khác
|
18
|
3. Các hội xã hội, hội nghề nghiệp
|
17
|
Đối với các đơn vị dự toán cấp I, các
tổ chức chính trị: Nếu đơn vị có số biên chế dưới 30 người thì bổ sung thêm khoản
kinh phí thường xuyên 60 triệu đồng/năm/đơn vị;
Định mức chi khác phân bổ nêu trên:
Đã bao gồm:
- Các khoản chi hành chính phục vụ
hoạt động thường xuyên bộ máy các cơ quan (dịch vụ công cộng, chi phí thuê mướn,
vật tư văn phòng, thông tin tuyên truyền, công tác phí, hội nghị phí).
- Các khoản chi nghiệp vụ mang tính
thường xuyên phát sinh hàng năm.
- Các khoản kinh phí mua sắm công cụ,
dụng cụ, vật tư; kinh phí sửa chữa thường xuyên tài sản, trang thiết bị, Bảo hiểm
vật chất xe ô tô; Các khoản chi có tính chất thường xuyên khác.
Không bao gồm:
- Các khoản chi đặc thù mang tính
chất chung của các Sở ngành, chi kinh phí đối ứng của các dự án; chi thuê trụ sở;
chi tổ chức Đại hội toàn quốc, Hội nghị quốc tế; chi hỗ trợ cho các Quỹ theo
quyết định của cấp có thẩm quyền; chi hoạt động của các Ban chỉ đạo, tổ công
tác liên ngành,... chi mua ô tô, sửa chữa lớn trụ sở; kinh phí mua sắm trang
thiết bị, phương tiện làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Đối với dự toán chi bảo đảm hoạt
động của Văn phòng Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh ngoài định mức trên, được tính bổ
sung các nhiệm vụ chi đặc thù của các cơ quan này.
- Dự toán chi quản lý hành chính
các năm tiếp theo trong thời kỳ ổn định (từ năm 2012) được điều chỉnh tăng thêm
hàng năm theo tỷ lệ (%) do UBND trình HĐND tỉnh quyết định.
3. Bổ sung chi nghiệp vụ theo
nhiệm vụ của ngành, đơn vị.
II. Sự nghiệp
Y tế.
Thực hiện theo quy định hiện hành về
chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Mức kinh phí ngân sách cấp chi thường
xuyên hàng năm cho các đơn vị Y tế theo nguyên tắc: Các đơn vị xác định và phấn
đấu nâng mức tự trang trải nhu cầu chi từ nguồn thu phí, sự nghiệp và nguồn
khác của mình; Ngân sách dành nguồn ưu tiên cho các hoạt động chủ yếu, bố trí
trên cơ sở định mức chi do Chính phủ quy định tại Quyết định số 59/QĐ-TTg ngày
30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ và bổ sung thêm theo khả năng cân đối ngân
sách.
- Ngân sách cấp hoạt động chi thường
xuyên Sự nghiệp Y tế được giao ổn định hàng năm trong thời kỳ ổn định ngân sách
và được tăng theo tỷ lệ do UBND trình HĐND quyết định theo khả năng cân đối
ngân sách. Sở Y tế phối hợp ngành liên quan có trách nhiệm ban hành hệ thống định
mức phân bổ chi sự nghiệp Y tế cho các đơn vị trực thuộc, bảo đảm phân bổ khớp
đúng về tổng mức, phù hợp với đặc điểm thực tế và nguồn thu của các đơn vị trực
thuộc, bảo đảm công khai, minh bạch và theo đúng các quy định của pháp luật.
- Bổ sung thêm chế độ cho cán bộ Y
tế công tác tại vùng khó khăn theo Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 của
Chính phủ;
III. Phân bổ
chi sự nghiệp Giáo dục.
- Xác định mức chi/1 biên chế cán bộ
viên chức SN giáo dục theo nguyên tắc: tính đủ tỷ lệ chi tiền lương, phụ cấp,
đóng góp các khoản bảo hiểm đảm bảo mức 85%; chi hoạt động sự nghiệp mức 15%; bố
trí kinh phí theo khả năng ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, chuyển
đổi trường bán công sang công lập, tăng biên chế, mua sắm sửa chữa, các nhiệm vụ
khác của sự nghiệp giáo dục;
Xác định biên chế, chế độ tiền
lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo Quyết định của UBND tỉnh giao năm học
2010-2011.
- Bổ sung chi hỗ trợ học bổng học
sinh dân tộc nội trú, bán trú; phụ cấp theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày
20/6/2006 của Chính phủ;
- Hỗ trợ 140.000 đ/người dân thuộc
các xã, thôn thuộc chương trình 135, các xã được hưởng cơ chế chính sách theo
Nghị quyết 30a trong độ tuổi 1-18 tuổi để thực hiện không thu tiền sách giáo
khoa, giấy vở học sinh;
IV. Sự nghiệp
Đào tạo (bao gồm cả đào tạo nghề).
Thực hiện theo quy định hiện hành của
Nhà nước về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với đơn vị sự
nghiệp công lập. Mức kinh phí ngân sách cấp chi thường xuyên hàng năm cho các
đơn vị đào tạo theo nguyên tắc:
- Các đơn vị xác định và phấn đấu
nâng mức tự trang trải nhu cầu chi từ nguồn thu phí, sự nghiệp và nguồn khác của
mình;
- Ngân sách cấp hoạt động chi thường
xuyên sự nghiệp đào tạo cấp tỉnh được giao ổn định hàng năm trong thời kỳ ổn định
ngân sách và được tăng theo tỷ lệ (%) do UBND trình HĐND tỉnh quyết định theo
khả năng cân đối ngân sách. Sở, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp ban
hành hệ thống định mức phân bổ chi ngân sách cho các đơn vị trực thuộc, bảo đảm
phân bổ khớp đúng về tổng mức, phù hợp với đặc điểm thực tế và nguồn thu của
các đơn vị trực thuộc, bảo đảm công khai, minh bạch và theo đúng các quy định của
pháp luật;
- Bố trí kinh phí đào tạo để thực
hiện các đề án, chính sách phát triển sự nghiệp đào tạo của tỉnh theo khả năng
cân đối ngân sách.
V. Đối với các
lĩnh vực, sự nghiệp khác còn lại.
Căn cứ nhiệm vụ phát triển kinh tế
xã hội, các chính sách của tỉnh và khả năng ngân sách, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh
quyết định mức cụ thể theo từng lĩnh vực sự nghiệp trong dự toán ngân sách hàng
năm.
B. ĐỊNH MỨC
PHÂN BỔ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH HUYỆN, THÀNH PHỐ, THỊ XÃ (Gọi tắt là cấp huyện); XÃ,
PHƯỜNG, THỊ TRẤN (Gọi tắt là cấp xã).
Xây dựng theo tiêu chí biên chế, cơ
cấu cấp huyện, cấp xã theo khu vực và một số tiêu chí bổ sung đối với một số
lĩnh vực cụ thể:
I. Chi quản lý
hành chính (Quản lý nhà nước, Đảng, Đoàn thể).
1. Xác định định mức chi/1 biên chế
cán bộ công chức cấp huyện, cán bộ công chức cấp xã; tính đủ tỷ lệ chi tiền
lương, phụ cấp, đóng góp theo lương 70%, chi hoạt động quản lý hành chính 30%;
Đối với cấp xã mức chi tiền lương, phụ cấp, đóng góp theo lương 75%, chi hoạt động
hành chính 25%;
2. Bổ sung chế độ Phụ cấp cấp ủy
viên, Phụ cấp đại biểu HĐND các cấp; hỗ trợ thực hiện chế độ cho cán bộ không
chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố; trưởng các chi hội thôn, tổ dân phố
- Biên chế xác định theo Quyết định
của UBND tỉnh, Tỉnh ủy giao năm 2010; số biên chế KH tỉnh giao năm 2011 tăng so
với KH 2010 sẽ được tính toán bổ sung theo quy định; Đối với cấp xã xác định chế
độ theo Nghị quyết số 131/NQ-HĐND ngày 13/10/2010 của HĐND tỉnh về quy định chức
danh, chế độ phụ cấp cán bộ không chuyên trách xã, thôn theo Nghị định số
92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ;
3. Bổ sung thêm kinh phí thực hiện
các chế độ chính sách đặc thù đối với cơ quan Đảng, HĐND cấp huyện theo khả
năng ngân sách.
II. Chi sự
nghiệp đào tạo cấp huyện.
1. Xác định mức chi đối với cấp huyện
đảm bảo hoạt động của Trung tâm chính trị cấp huyện theo cơ cấu chi 80% chi con
người, 20% chi cho hoạt động hành chính sự nghiệp;
2. Bổ sung kinh phí thực hiện các
nhiệm vụ đào tạo trên địa bàn:
- Mức 260 triệu đồng/huyện/năm đối
với các huyện có trên 27 đơn vị hành chính cấp xã;
- Mức 250 triệu đồng/huyện/năm đối
với các huyện có từ 19-27 đơn vị hành chính
- Mức 240 triệu đồng/huyện/năm đối
với các huyện có dưới 19 đơn vị hành chính cấp xã.
III. Chi sự
nghiệp Văn hóa Thông tin, Thể dục thể thao.
1. Đối với cấp huyện.
- Xác định mức chi đối với cấp huyện
đảm bảo hoạt động của trung tâm VHTT-TDTT, đơn vị sự nghiệp khác cấp huyện theo
cơ cấu chi 80% chi con người, 20% chi cho hoạt động hành chính sự nghiệp;
- Bổ sung kinh phí chi hoạt động sự
nghiệp VHTT-TDTT:
+ Mức 170 triệu đồng/huyện/năm đối
với các huyện có trên 27 đơn vị hành chính cấp xã;
+ Mức 165 triệu đồng/huyện/năm đối
với các huyện có từ 19-27 đơn vị hành chính cấp xã;
+ Mức 155 triệu đồng/huyện/năm đối
với các huyện có dưới 19 đơn vị hành chính cấp xã;
2. Đối với cấp xã.
- Phân bổ theo đơn vị hành chính cấp
xã (phường, thị trấn) phân loại theo khu vực:
+ Đô thị: phân bổ 29 triệu đồng/
đơn vị/năm;
+ Miền núi, vùng sâu: phân bổ 32
triệu đồng/ đơn vị/ năm;
+ Vùng cao: phân bổ 35 triệu đồng/
đơn vị/ năm;
- Bổ sung kinh phí cụm dân cư theo
quy định: mức 1 triệu đồng/cụm dân cư.
IV. Chi đảm bảo
xã hội.
1. Đối với cấp huyện.
- Định mức chi đảm bảo chế độ tiền
lương, đóng góp, các khoản phụ cấp theo lương; kinh phí các hoạt động của các hội
Chữ thập đỏ, Hội người mù, hội người cao tuổi....;
Hỗ trợ thêm kinh phí cho cấp huyện
để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất về công tác cứu tế, đảm bảo xã hội khác theo
khả năng cân đối ngân sách, cụ thể:
+ Mức 220 triệu đồng/huyện/năm đối
với các huyện có trên 27 đơn vị hành chính cấp xã;
+ Mức 200 triệu đồng/huyện/năm đối
với các huyện có từ 19-27 đơn vị hành chính cấp xã;
+ Mức 180 triệu đồng/huyện/năm đối
với các huyện có dưới 19 đơn vị hành chính cấp xã;
2. Đối với cấp xã.
- Phân bổ mức 17 triệu đồng/
xã/năm;
- Bổ sung kinh phí thực hiện các chế
độ chính sách: chế độ cho cán bộ hưu xã, BHYT cho các đối tượng: người nghèo, cựu
chiến binh, cựu thanh niên xung phong; chế độ theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP
ngày 13/4/2007; số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 của Chính phủ về trợ cấp tại cộng
đồng và chế độ Bảo hiểm Y tế cho các đối tượng, trợ cấp thường xuyên cho cán bộ
lão thành cách mạng.
V. Chi an
ninh.
1. Đối với cấp huyện.
- Phân bổ kinh phí cho cấp huyện để
thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự xã hội theo phân cấp phù hợp khả
năng cân đối ngân sách, cụ thể:
+ Mức 270 triệu đồng/huyện/năm đối
với các huyện có trên 27 đơn vị hành chính cấp xã;
+ Mức 265 triệu đồng/huyện/năm đối
với các huyện có từ 19-27 đơn vị hành chính cấp xã;
+ Mức 260 triệu đồng/huyện/năm đối
với các huyện có dưới 19 đơn vị hành chính cấp xã;
- Phân bổ thêm: Huyện có xã biên giới:
75 triệu đồng/ xã/năm;
2. Đối với cấp xã.
- Phân bổ theo đơn vị hành chính cấp
xã theo khu vực:
+ Đô thị: phân bổ 12 triệu đồng/
đơn vị/năm;
+ Đồng bằng: phân bổ 8 triệu đồng/đơn
vị/năm;
+ Miền núi, vùng sâu: phân bổ 8 triệu
đồng/ đơn vị/ năm;
+ Vùng cao: phân bổ 11 triệu đồng/
đơn vị/ năm;
- Bổ sung cho xã biên giới: 60 triệu/xã;
VI. Chi quốc
phòng.
1. Đối với cấp huyện.
- Phân bổ kinh phí cho cấp huyện để
thực hiện các nhiệm vụ Quốc phòng, quân sự địa phương theo phân cấp, phù hợp khả
năng cân đối ngân sách, cụ thể:
+ Mức 540 triệu đồng/huyện/năm đối
với các huyện có trên 27 đơn vị hành chính cấp xã;
+ Mức 520 triệu đồng/huyện/năm đối
với các huyện có từ 19-27 đơn vị hành chính cấp xã;
+ Mức 500 triệu đồng/huyện/năm đối
với các huyện có dưới 19 đơn vị hành chính cấp xã;
- Bổ sung: Huyện có xã biên giới:
75 triệu đồng/ xã/năm;
2. Đối với cấp xã.
- Phân bổ theo đơn vị hành chính cấp
xã theo khu vực:
+ Đô thị: phân bổ 21 triệu đồng/
đơn vị/năm;
+ Đồng bằng: phân bổ 22 triệu đồng/đơn
vị/năm;
+ Miền núi, vùng sâu: phân bổ 22 triệu
đồng/ đơn vị/ năm;
+ Vùng cao: phân bổ 27 triệu đồng/
đơn vị/ năm;
- Bổ sung cho xã biên giới: 60 triệu/xã;
VII. Chi sự
nghiệp kinh tế.
1. Đối với cấp huyện.
- Xây dựng mức chi sự nghiệp kinh tế
đảm bảo hoạt động của các đơn vị sự nghiệp (Trung tâm chuyển giao công nghệ,
văn phòng CQSD đất, hội đồng bồi thường GPMB) theo cơ cấu chi: 80% chi cho con
người, 20% chi sự nghiệp;
- Phân bổ 10% so tổng chi thường
xuyên từ mục I-VI trên đây;
- Phân bổ để thực hiện các sự nghiệp
kinh tế trên địa bàn, nhiệm vụ quy hoạch, thực hiện các chính sách về phát triển
các lĩnh vực kinh tế thuộc cấp huyện quản lý:
+ Mức 2.750 triệu đồng/huyện/năm đối
với các huyện có trên 27 đơn vị hành chính cấp xã;
+ Mức 2.600 triệu đồng/huyện/năm đối
với các huyện có từ 19-27 đơn vị hành chính cấp xã;
+ Mức 2.500 triệu đồng/huyện/năm đối
với các huyện có dưới 19 đơn vị hành chính cấp xã;
- Bổ sung kinh phí đảm bảo kiến thiết
thị chính:
+ Đô thị loại III (Thành phố Hà
Tĩnh): 6.500 triệu đồng;
+ Đô thị loại IV (Thị xã Hồng
Lĩnh): 4.000 triệu đồng;
2. Đối với cấp xã.
- Phân bổ 10% so tổng chi thường
xuyên từ mục I-VI trên đây (không bao gồm chi đảm bảo xã hội);
- Bổ sung chế độ cho cán bộ thú y cấp
xã, chế độ bảo vệ đê điều phần ngân sách tỉnh hỗ trợ;
- Bổ sung kinh phí đảm bảo kiến thiết
thị chính đối với thị trấn: 200 triệu đồng/ thị trấn;
VIII. Chi sự
nghiệp giáo dục.
1. Phân bổ định mức chi/1 biên chế
cán bộ viên chức SN giáo dục cấp huyện; tính đủ tỷ lệ chi tiền lương, phụ cấp,
đóng góp theo lương, đảm bảo chi hoạt động sự nghiệp mức 15% trên tổng chi thường
xuyên;
2. Bổ sung chi hỗ trợ phụ cấp giáo
viên mầm non ngoài biên chế, học bổng học sinh dân tộc nội trú, bán trú; phụ cấp
theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ;
3. Hỗ trợ 140.000 đ/người dân thuộc
xã, thôn 135, xã 30a từ 1-18 tuổi để thực hiện chế độ không thu tiền sách giáo
khoa, giấy vở học sinh;
- Chi SNGD xác định theo biên chế
kế hoạch năm học 2010-2011 được UBND tỉnh giao để xác định quỹ lương, phụ cấp,
các khoản đóng góp; số biên chế thực tế mới bổ sung thêm so với chỉ tiêu biên
chế sau khi giao Dự toán năm 2011 theo Quyết định của cấp có thẩm quyền, trong
quá trình thực hiện dự toán sẽ tính toán bổ sung theo quy định;
IX. Chi sự
nghiệp môi trường:
1. Các đô thị.
- Thành phố Hà Tĩnh: 6.000 triệu/năm;
- Thị xã Hồng Lĩnh: 3.000 triệu đồng/năm;
2. Các đơn vị còn lại.
- Các huyện có Khu công nghiệp, di
tích lịch sử, khác (Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Nghi Xuân): mức 550 triệu/huyện/năm;
- Mức 530 triệu đồng/huyện/năm đối
với các huyện có từ 19 đơn vị hành chính cấp xã trở lên;
- Mức 460 triệu đồng/huyện/năm đối
với các huyện còn lại;
X. Chi thường
xuyên khác.
1. Đối với ngân sách huyện.
- Tính 0,5% tổng chi thường xuyên từ
mục I-IX;
- Phân bổ theo đơn vị huyện:
+ Mức 150 triệu đồng/huyện/năm đối
với các huyện có trên 27 đơn vị hành chính cấp xã;
+ Mức 170 triệu đồng/huyện/năm đối
với các huyện có từ 19-27 đơn vị hành chính cấp xã;
+ Mức 200 triệu đồng/huyện/năm đối
với các huyện còn lại;
2. Đối với ngân sách xã.
- Tính 0,5% tổng chi thường xuyên từ
mục I-IX;
- Phân bổ thêm 4,5 triệu đồng/ xã/
năm./.