QUỐC HỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Nghị quyết số: 104/2023/QH15
|
Hà Nội, ngày 10
tháng 11 năm 2023
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2024
QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã được
sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 59/2020/QH14;
Trên cơ sở
xem xét Báo cáo số 42/BC-CP ngày 21 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ; Báo cáo
thẩm tra số 95/BC-UBTCNS15-m ngày 22 tháng 10 năm 2023 của Ủy ban Tài chính,
Ngân sách; Báo cáo tiếp thu, giải trình số 681/BC-UBTVQH15 ngày 09 tháng 11 năm
2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến đại biểu Quốc hội,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2024
1. Số thu ngân
sách nhà nước là 1.700.988 tỷ đồng (một triệu, bảy trăm nghìn, chín trăm
tám mươi tám tỷ đồng).
2. Thu chuyển
nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư
chuyển sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỷ đồng (mười
chín nghìn, không trăm bốn mươi tỷ đồng) để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu
đồng/tháng.
3. Tổng số chi
ngân sách nhà nước là 2.119.428 tỷ đồng (hai triệu, một trăm mười chín
nghìn, bốn trăm hai mươi tám tỷ đồng).
4. Mức bội chi
ngân sách nhà nước là 399.400 tỷ đồng (ba trăm chín mươi chín nghìn, bốn
trăm tỷ đồng), tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm:
Bội chi ngân
sách trung ương là 372.900 tỷ đồng (ba trăm bảy mươi hai nghìn, chín
trăm tỷ đồng), tương đương 3,4%GDP;
Bội chi ngân
sách địa phương là 26.500 tỷ đồng (hai mươi sáu nghìn, năm trăm tỷ
đồng), tương đương 0,2%GDP.
5. Tổng mức
vay của ngân sách nhà nước là 690.553 tỷ đồng (sáu trăm chín mươi nghìn,
năm trăm năm mươi ba tỷ đồng).
(Kèm theo các phụ lục số I, II, III và IV)
Điều 2. Về điều hành ngân sách nhà nước năm 2023
1. Cho phép sử
dụng 145,9 tỷ đồng nguồn thu hồi kinh phí đã tạm cấp trong năm 2022 cho một số
địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư,
chuyển nguồn để bổ sung cho các địa phương còn thiếu nguồn thực hiện chính sách
và quyết toán niên độ ngân sách năm 2023.
2. Cho phép
chuyển nguồn toàn bộ 13.796 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi
ngân sách trung ương năm 2021 để bố trí dự toán, kế hoạch đầu tư công hằng năm
trong các năm 2023, 2024, 2025 cho Bộ Giao thông vận tải và 08 địa phương để
triển khai thực hiện 03 dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 58/2022/QH15, Nghị quyết số 59/2022/QH15 và Nghị quyết số 60/2022/QH15.
3. Cho phép
chuyển nguồn dự toán ngân sách nhà nước thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc
gia năm 2023 (bao gồm vốn đầu tư phát triển, kinh phí thường xuyên của ngân
sách trung ương và ngân sách địa phương) sang năm 2024 tiếp tục thực hiện.
4. Giao Chính
phủ rà soát, phân bổ chi tiết từng nhiệm vụ chi cụ thể cho từng Bộ, cơ quan
trung ương, địa phương theo Tờ trình số 586/TTr-CP ngày 20 tháng 10 năm 2023
của Chính phủ; chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, sự cần thiết,
tính đầy đủ, hợp lệ, tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi và các điều kiện
bổ sung, giao dự toán và giải ngân theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật
liên quan. Đối với số vốn còn lại chưa phân bổ, căn cứ quy định tại Nghị quyết
số 70/2022/QH15, Chính phủ khẩn trương rà
soát, báo cáo Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Quá
thời hạn theo quy định của pháp luật, thực hiện hủy dự toán.
5. Chính phủ
xem xét, quyết định bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 bảo
đảm đúng quy định của pháp luật để tiếp tục thực hiện, sớm hoàn thành và đưa
vào sử dụng Dự án kè sông Nậm Mộ, đoạn qua khối 4, khối 5 thị trấn Mường Xén,
huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An theo Báo cáo số 569/BC-CP ngày 19 tháng 10 năm 2023
của Chính phủ.
Điều 3. Về thực hiện chính sách tiền lương
1. Từ ngày 01
tháng 7 năm 2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị
quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018
của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nguồn kinh phí thực
hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân
sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân
đối ngân sách nhà nước); điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp
hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội
đang gắn với lương cơ sở.
2. Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước ở Trung ương đang
thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù:
a) Từ ngày 01
tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024: Mức tiền lương và thu nhập
tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế
đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng
tháng 12/2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh
hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024). Trường hợp tính
theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ
chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì chỉ thực hiện chế
độ tiền lương theo quy định chung để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
b) Từ ngày 01
tháng 7 năm 2024: Bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù
của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; áp dụng chế độ tiền lương, phụ
cấp, thu nhập thống nhất. Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối
với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt
động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn,...) của
các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước. Giao Chính phủ tổ chức thực hiện và báo
cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
3. Các Bộ, cơ
quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách
chính sách tiền lương theo quy định. Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản
thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy
định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày
13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội.
Điều 4. Giao Chính phủ
1. Tập trung
điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp
đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác;
kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước,
giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm
các cân đối lớn của nền kinh tế; nghiên cứu có giải pháp báo cáo Quốc hội sửa
đổi, bổ sung quy định pháp luật về thuế để khắc phục đà suy giảm các chỉ tiêu
về tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước trên GDP và tỷ lệ huy động từ thuế,
phí vào ngân sách nhà nước.
2. Sớm trình
Quốc hội các dự án sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, để tăng cường quản lý
thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững; nâng cao hiệu quả công tác
quản lý thu, mở rộng cơ sở thu; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp
chống thất thu, chuyển giá trốn thuế; gian lận thương mại, đặc biệt trong các
hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số; đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng
thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; tiếp tục triển khai thực hiện cải cách thủ tục
hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; thực hiện nghiêm quy
định về đấu giá khi thực hiện chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất,
cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Có giải pháp
đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp,
bảo đảm hiệu quả, chặt chẽ, tránh gây thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại
doanh nghiệp. Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật về tài chính
trong lĩnh vực đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị
lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Khóa XIII, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa
Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả
nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa ngân sách trung ương và ngân
sách địa phương; có giải pháp củng cố, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách
trung ương.
3. Siết chặt
kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng
tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán, bảo đảm
chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên,
các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống
thiên tai, dịch bệnh, bổ sung vốn đầu tư phát triển và hỗ trợ phục hồi kinh tế;
phấn đấu tăng cao hơn nữa tỉ lệ chi đầu tư phát triển; chỉ ban hành chính sách
làm tăng chi ngân sách khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; phân bổ và
giao dự toán đúng thời hạn theo quy định của Luật
Ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, khắc phục
hạn chế trong chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư công, chậm giải ngân vốn
đầu tư công; kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự
án có khả năng thực hiện và giải ngân nhưng thiếu vốn, hạn chế tối đa việc
chuyển nguồn.
Có giải pháp
hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đề xuất, công tác chuẩn bị, phê duyệt dự án
ODA, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng giai đoạn thực hiện. Xem xét
trách nhiệm trong xây dựng dự toán không sát thực tế, tổ chức thực hiện thiếu
hiệu quả dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công thấp. Nghiên cứu, có chế tài xử lý
đối với các trường hợp trả lại kế hoạch vốn hằng năm do nguyên nhân chủ quan.
4. Tiếp tục
chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện tinh giản biên chế,
sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi
mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp
công lập, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp
công lập.
5. Chỉ đạo
triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra,
xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về
thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà
nước. Chú trọng tổ chức thực hiện các quy định tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Quốc
hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí.
6. Kiểm soát
chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ
của ngân sách địa phương, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ. Tăng cường kiểm
tra, thanh tra việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các hiệp
định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ; đánh giá, dự báo
rủi ro về khả năng vay, khả năng trả nợ để có phương án quản lý, điều hành hiệu
quả ngân sách nhà nước; chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ công
theo quy định của Luật Quản lý nợ công; bảo
đảm tiết kiệm, hiệu quả khi mua lại, hoán đổi, thanh toán trái phiếu Chính phủ;
điều hành kinh phí chi trả chi phí phát hành, mua lại, hoán đổi, thanh toán
trái phiếu Chính phủ trong phạm vi dự toán chi trả nợ lãi của ngân sách trung
ương năm 2024 được Quốc hội quyết định.
7. Trình cấp
có thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết theo thẩm quyền việc thực hiện khoản 1, khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết này.
Điều 5. Giám sát và kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết
1. Ủy ban
Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban
khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của
mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
2. Kiểm toán
nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tiến hành kiểm toán việc
thực hiện Nghị quyết này bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Nghị quyết
này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, kỳ họp thứ 6
thông qua ngày 10 tháng 11 năm 2023.
|
CHỦ TỊCH QUỐC
HỘI
Vương Đình Huệ
|