ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4018/KH-UBND
|
Quảng Ninh, ngày 06 tháng 6 năm 2017
|
KẾ HOẠCH
XÂY DỰNG ĐỀ ÁN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 2085/QĐ-TTG NGÀY 31/10/2016 CỦA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ
HỘI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
Thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg
ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ
phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 -
2020, Thông tư số 02/2017/TT-UBDT ngày 22/5/2017 của Ủy ban Dân tộc hướng dẫn
thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và
Văn bản số 468/UBDT-CSDT ngày 26/5/2017 của Ủy ban Dân tộc. Ủy ban nhân dân tỉnh
Quảng Ninh ban hành kế hoạch xây dựng Đề án thực hiện Quyết định số
2085/QĐ-TTg , cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Lập Đề án cụ thể của tỉnh để thực
hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê
duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu
số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế
tại địa phương.
2. Đề án phải xác định được rõ mục
tiêu, phạm vi và nguyên tắc thực hiện; phản ánh đúng tình hình thực tế, nhu cầu,
giải pháp, nguồn lực hỗ trợ đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh
theo các nội dung chính sách đặc thù được quy định tại Quyết định số
2085/QĐ-TTg .
3. Việc xây dựng Đề án phải gắn với
trách nhiệm của chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; thực hiện khoa học, khách quan, sát thực tiễn
và có tính khả thi.
II. TÊN VÀ NỘI
DUNG ĐỀ ÁN
1. Tên Đề án: Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội
vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017 -
2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 22/5/2016 (gọi tắt là Đề án 2085).
2. Nội dung Đề án:
Đề án 2085 được xây dựng phải đảm bảo
các nội dung sau:
- Phân tích sự cần thiết xây dựng Đề
án;
- Xác định được nội dung; phạm vi
không gian và thời gian của Đề án;
- Nêu những căn cứ pháp lý để xây dựng
Đề án;
- Đánh giá đúng thực trạng và nhu cầu
cần hỗ trợ đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh theo các nội dung chính sách đặc thù được quy định
tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg ;
- Quan điểm, mục tiêu (gồm mục tiêu
chung, mục tiêu cụ thể), nguyên tắc trong thực hiện Đề án;
- Nhiệm vụ, giải pháp cần phải được
xác định cụ thể gắn với tiến độ thực hiện kèm theo, xác định rõ số hộ thuộc đối
tượng thụ hưởng và số vốn cần hỗ trợ của từng nội dung chính sách đặc
thù theo quy định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg và Thông tư số 02/2017/TT-UBDT ,
gồm:
+ Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước
sinh hoạt;
+ Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi.
- Xác định nguồn vốn, cơ cấu vốn,
phân kỳ vốn thực hiện Đề án;
- Phân công tổ chức thực hiện đối với
các Sở, ngành, địa phương liên quan, việc phân công phải đảm bảo rõ đầu mối, rõ
đơn vị thực hiện và rõ tiến độ thực
hiện;
- Đánh giá tác động, hiệu quả của Đề
án.
3. Cơ quan chủ trì xây dựng Đề án: Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh.
4. Cơ quan chủ quản, phê duyệt Đề
án: UBND tỉnh Quảng Ninh.
III. TIẾN ĐỘ THỰC
HIỆN
1. Cấp xã: Tiến
hành rà soát, đánh giá chính xác thực trạng, xác định đối tượng, nhu cầu và
phương án cụ thể đến từng hộ về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ
trợ vay vốn tín dụng ưu đãi tại địa phương theo quy định tại Quyết định số
2085/QĐ-TTg theo Hướng dẫn của Ban Dân tộc tỉnh; UBND cấp xã lập hồ sơ gửi về
UBND cấp huyện chậm nhất là ngày 25/6/2017. Việc rà soát, đánh giá xây dựng Đề
án là khâu rất quan trọng để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp thực tiễn
của Đề án, yêu cầu cấp huyện và cấp xã tập trung rà soát phải cụ thể, chính
xác, phản ánh đúng thực tiễn.
2. Cấp huyện: UBND cấp huyện chỉ đạo
cụ thể cấp xã trong quá trình thực hiện rà soát, phân công rõ người theo dõi, tổng
hợp và lập hồ sơ theo Hướng dẫn của Ban Dân tộc tỉnh và gửi về UBND tỉnh (qua
Ban Dân tộc tỉnh tổng hợp) chậm nhất là ngày 30/6/2017.
3. Cấp tỉnh: Giao Ban Dân tộc tỉnh chủ
trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tổng hợp, tham mưu
UBND tỉnh dự thảo Đề án 2085 của tỉnh; báo cáo UBND tỉnh để xin ý kiến thẩm tra
của Ủy ban Dân tộc trước ngày 07/7/2017. Trong quá trình
Trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban
Dân tộc và chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo
Đề án 2085, xin ý kiến các sở, ngành, địa phương liên quan và trình UBND tỉnh
phê duyệt Đề án 2085 trong tháng 7/2017 để tổ chức thực hiện.
IV. KINH PHÍ XÂY DỰNG
ĐỀ ÁN
Kinh phí xây dựng Đề án từ nguồn ngân
sách tỉnh bổ sung kinh phí cho Ban Dân tộc tỉnh để thực hiện. Ban Dân tộc tỉnh
lập dự toán gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Dân tộc tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án 2085 đảm bảo bám
sát Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và tình
hình thực tiễn của tỉnh; Tổ chức đôn đốc, kiểm tra các địa phương, đơn vị trong
quá trình thực hiện khảo sát, lập đề án từ cơ sở để đảm bảo việc xây dựng Đề án
phải phù hợp, đúng thực tiễn ở cơ
sở.
- Phổ biến, quán triệt nội dung Quyết
định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số
02/2017/TT-UBDT ngày 22/5/2017 của Ủy ban Dân tộc đến các cơ quan, đơn vị, địa
phương có liên quan;
- Ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức
tập huấn và đôn đốc cấp huyện, cấp xã tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác
định đối tượng, nhu cầu và phương án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy
định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh;
- Tổng hợp hồ sơ, thông tin cấp huyện
gửi cấp tỉnh; thành lập Tổ soạn thảo xây dựng Đề án 2085; tham mưu xây dựng Đề
án 2085 theo đúng các bước, quy trình, đảm bảo tiến độ, yêu cầu của UBND tỉnh.
- Xây dựng dự toán gửi Sở Tài chính
thẩm định, trình UBND tỉnh duyệt cấp kinh phí xây dựng Đề án 2085 theo quy định
hiện hành.
- Kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo
của UBND tỉnh về các nội dung phát
sinh liên quan đến việc xây dựng Đề án 2085.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và Sở Tài chính tham mưu xây dựng, đề xuất
phương án, giải pháp bố trí vốn từ ngân sách trong Đề án 2085 của tỉnh.
3. Sở Tài chính: Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu xây dựng,
đề xuất phương án bố trí vốn từ ngân sách trong Đề án 2085 của tỉnh. Thẩm định,
trình UBND tỉnh duyệt cấp kinh phí xây dựng Đề án 2085 của tỉnh theo quy định.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn: Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, các Sở,
ngành liên quan rà soát, xây dựng các nội dung, giải pháp cụ thể thực hiện
chính sách theo quy định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg để đề xuất trong Đề án
2085 của tỉnh
5. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì tham mưu UBND tỉnh ban hành
hạn mức đất tối thiểu đối với đất ở, đất sản xuất trước ngày 15/6/2017 để làm
cơ sở cho các địa phương rà soát, xây dựng Đề án 2085;
- Chủ trì tham mưu chỉ đạo và hướng dẫn
UBND các huyện thị xã thành phố rà soát quỹ đất hiện còn của các địa phương, lập
phương án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất
thuộc phạm vi Đề án 2085.
6. Ngân hàng Chính sách xã hội: Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh rà soát, xây dựng các nội dung, giải
pháp cụ thể thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi thuộc Đề án
2085 của tỉnh.
7. Các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh
xây dựng Đề án 2085 của tỉnh.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố
- Phổ biến, quán triệt nội dung Quyết
định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số
02/2017/TT-UBDT ngày 22/5/2017 của
Ủy ban Dân tộc, các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh, Hướng dẫn của các sở, ngành
chức năng của tỉnh về triển khai, thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg đến các
đơn vị, địa phương liên quan;
- Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, các
sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn việc rà soát, đề xuất nhu cầu hỗ trợ theo
chính sách quy định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg tại địa phương;
- Chỉ đạo rà soát, đánh giá đúng thực
trạng, xác định đối tượng, nhu cầu và phương án hỗ trợ cụ thể đến từng hộ thiếu
đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi tại địa
phương theo quy định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg đảm bảo đúng các bước, quy
trình, thời gian thực hiện theo Kế hoạch này và Hướng dẫn của Ban Dân tộc tỉnh;
đồng thời chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả rà soát, đề xuất nhu cầu
hỗ trợ theo chính sách quy định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg tại địa phương
mình.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc,
các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
- Tuyên truyền sâu rộng về nội dung Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016
của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 02/2017/TT-UBDT ngày 22/5/2017 của Ủy
ban Dân tộc đến các tổ chức đoàn thể cấp dưới và đoàn viên, hội viên;
- Giám sát quá trình thực hiện việc
rà soát, đánh giá thực trạng, xác định đối tượng, nhu cầu và phương án hỗ trợ
theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh và tham gia xây dựng Đề án
2085 của tỉnh.
Căn cứ Kế hoạch này, UBND tỉnh yêu cầu
các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển
khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thông tin kịp thời về
Ban Dân tộc tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Dân tộc (b/c);
- CT UBND tỉnh (báo cáo);
- Các PCT UBND tỉnh;
- Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Ủy ban MTTQ và các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Các Sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Tài
nguyên và Môi trường, Lao động TB&XH, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng,
Ban Xây dựng NTM, Ban Dân tộc tỉnh (thực hiện);
- CN Ngân hàng CSXH tỉnh (thực hiện);
- UBND các huyện, thị xã, TP (thực hiện);
- V0-V5, NLN1-3, VX, QLĐĐ1;
- Lưu: VT, NLN3 (15b, CV161).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vũ Thị Thu Thủy
|