ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 128/KH-UBND
|
Cà
Mau, ngày 18 tháng 11 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
TÀI
CHÍNH 05 NĂM TỈNH CÀ MAU GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước
năm 2015;
Căn cứ Nghị định số
45/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định chi tiết lập kế hoạch tài
chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm;
Căn cứ Chỉ thị số 17/CT-TTg
ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch tài chính 05
năm giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Thông tư số
69/2017/TT-BTC ngày 07/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hướng dẫn lập kế
hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm;
Căn cứ Thông tư số
38/2019/TT-BTC ngày 28/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hướng dẫn xây dựng
dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03
năm 2020 - 2022; kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương giai đoạn 2021 - 2025;
Trên cơ sở tình hình thực hiện
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2016 - 2020; Chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau xây
dựng Kế hoạch Tài chính 05 năm giai đoạn 2021 - 2025, với nội dung cụ thể như
sau:
A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC
HIỆN NHIỆM VỤ TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TỈNH CÀ MAU GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
I. VỀ THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
1. Thu nội địa
Tổng thu nội địa giai đoạn năm
2016 - 2020 là 24.215.008 triệu đồng, đạt 107% chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng
nhân dân tỉnh giao; tăng 29,20% so với thực hiện giai đoạn 2011 - 2015; với tốc
độ tăng thu bình quân 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 là 8,14%/năm, cụ thể: năm
2016 thu 3.981.634 triệu đồng, đạt 97,66% dự toán Bộ Tài chính giao, tăng 2,33%
so thực hiện cùng kỳ; năm 2017 thu 4.155.066 triệu đồng, đạt 100,92% dự toán Bộ
Tài chính giao, tăng 4,36% so thực hiện cùng kỳ; năm 2018 thu 4.685.968 triệu
đồng, đạt 116,25% dự toán Bộ Tài chính giao, tăng 12,78% so thực hiện cùng kỳ;
năm 2019 thu 5.719.340 triệu đồng, đạt 126,56% dự toán Bộ Tài chính giao, tăng 22,05%
so thực hiện cùng kỳ; năm 2020 ước thu 5.673.000 triệu đồng, đạt 109,31% dự
toán Bộ Tài chính giao, bằng 99,19% so thực hiện cùng kỳ.
Về cơ cấu thu ngân sách nhà
nước (NSNN): thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020 là 19.524.000
triệu đồng, chiếm tỷ trọng 80,82% tổng thu ngân sách; giảm 9,7% so với giai
đoạn 2011 - 2015 (chiếm tỷ trọng 89,6% trong tổng thu ngân sách). Nguyên nhân
đạt thấp là do thay đổi chính sách thuế, cụ thể là “Sản phẩm trồng trọt, chăn
nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông
thường được bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã không phải kê khai, tính nộp thuế
giá trị gia tăng” (Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ),
dẫn đến giảm thu thuế GTGT đối với kinh doanh hàng thủy sản.
2. Thu xuất nhập khẩu
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu
giai đoạn 2016 - 2020 ước thực hiện là 290.901 triệu đồng, đạt 115% dự toán
được giao (253.000 triệu đồng); cụ thể: năm 2016 thu 209.668 triệu đồng, đạt
419% dự toán giao (50.000 triệu đồng); năm 2017 thu 16.904 triệu đồng, đạt
14,09% dự toán được giao (120.000 triệu đồng); năm 2018 thu 29.082 triệu đồng,
đạt 264% dự toán được giao (11.000 triệu đồng); năm 2019 thu 20.247 triệu đồng,
đạt 40,49% dự toán được giao (50.000 triệu đồng); năm 2020 ước thu 15.000 triệu
đồng bằng 68,18% dự toán được giao (22.000 triệu đồng).
Bên cạnh những thuận lợi về sự chuyển
biến tích cực của nền kinh tế, kinh tế vĩ mô ổn định, tạo điều kiện thúc đẩy
phát triển sản xuất; các biện pháp miễn, giảm, giãn thuế đã góp phần tạo điều
kiện cho sản xuất từng bước được phục hồi và có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên,
nhìn chung, qua các năm nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu có sự biến động
không đồng nhất do ảnh hưởng bởi thay đổi, điều chỉnh trong chính sách thuế như
Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Thuế giá trị gia tăng,... Bên cạnh đó, ngành
hàng xuất khẩu chủ lực của địa phương là thủy sản, chịu thuế suất xuất khẩu là
0%, nên hầu như không phát sinh nguồn thu thuế xuất khẩu và những mặt hàng nhập
khẩu như máy móc thiết bị thuộc các dự án khuyến khích ưu đãi đầu tư, các
nguyên liệu phục vụ chế biến hàng thủy sản xuất khẩu thuộc danh mục hàng hóa
miễn thuế nên cũng ảnh hưởng một phần đến nguồn thu. Mặt khác, nguồn thu từ hoạt
động xuất nhập khẩu phụ thuộc vào tiến độ đầu tư dự án từ các nhà đầu tư trên
địa bàn.
II. VỀ CHI NSNN GIAI ĐOẠN
2016 - 2020
1. Tình hình giao kế hoạch
vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020
Trên cơ sở các Quyết định giao
kế hoạch vốn đầu tư trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016 - 2020 của Thủ tướng
Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau khóa
IX, kỳ họp thứ Năm đã thông qua Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 về kế
hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Cà Mau và Ủy ban nhân
dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh
Cà Mau (Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 08/12/2017); theo đó, tổng kế hoạch vốn
đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 -2020 đã giao là 16.615.889 triệu đồng
(tăng 56,73% so với giai đoạn 2011 - 2015), trong đó:
- Nguồn ngân sách Trung ương
(NSTW) hỗ trợ tỉnh Cà Mau là 8.595.441 triệu đồng, chiếm 51,73%; trong đó, bố
trí đầu tư một số chương trình dự án chủ yếu, như hỗ trợ người có công với cách
mạng về nhà ở (theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng
Chính phủ) là 169.164 triệu đồng; Kế hoạch vốn các Chương trình mục tiêu quốc
gia là 591.159 triệu đồng (trong đó: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng
Nông thôn mới: 437.020 triệu đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo
bền vững 154.139 triệu đồng); Kế hoạch vốn các Chương trình mục tiêu là
2.815.312 triệu đồng (trong đó bố trí để hoàn trả các khoản ứng trước NSTW là
315.608 triệu đồng và thanh toán nợ xây dựng cơ bản 1.496 triệu đồng); đã phân
bổ cho 12 Chương trình mục tiêu (gồm 43 dự án, trong đó có 34 dự án giai đoạn
2011 - 2015 chuyển sang và 09 dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016 - 2020);
Kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ là 962.000 triệu đồng (trong đó: lĩnh vực giao
thông 01 dự án 900.000 triệu đồng và lĩnh vực giáo dục 12 dự án 62.000 triệu
đồng); Kế hoạch vốn nước ngoài (ODA) là 1.453.693 triệu đồng (đã phân bổ cho 10
dự án).
- Vốn cân đối ngân sách địa
phương (NSĐP) là 8.020.448 triệu đồng, chiếm 48,27%; trong đó, một số nhiệm vụ
chủ yếu như: chi bổ sung Quỹ Phát triển đất là 304.065 triệu đồng; chi đầu tư
từ bội chi ngân sách là 51.000 triệu đồng; Kế hoạch vốn ngân sách tập trung và
nguồn thu sử dụng đất do tỉnh quản lý là 2.428.858 triệu đồng, bố trí cho 142
danh mục dự án (trong đó: có 64 dự án giai đoạn 2011 - 2015 chuyển sang và 78
dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016 - 2020); Kế hoạch vốn từ nguồn thu xổ
số kiến thiết (không bao gồm vốn đã hỗ trợ ngân sách huyện, thành phố) là 3.567.337
triệu đồng, bố trí cho 166 danh mục dự án (trong đó có 60 dự án giai đoạn 2011
- 2015 chuyển sang và 106 dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016 - 2020); Kế
hoạch vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ và cân đối ngân sách huyện, thành phố là
1.293.578 triệu đồng.
2. Tình hình triển khai thực
hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020
Tổng giá trị giải ngân kế hoạch
vốn được giao trong giai đoạn 2016 - 2020 (đã giải ngân trong giai đoạn 2016 -
2019 và ước năm 2020).
- Năm 2016: giải ngân 2.736.536
triệu đồng, đạt 90,2% kế hoạch vốn (3.033.894 triệu đồng).
- Năm 2017: giải ngân 2.145.559
triệu đồng, đạt 91,1% kế hoạch vốn (2.354.856 triệu đồng).
- Năm 2018: giải ngân 3.060.118
triệu đồng, đạt 80,5% kế hoạch vốn (3.800.148 triệu đồng).
- Năm 2019: giải ngân 3.023.526
triệu đồng, đạt 88,2% kế hoạch vốn (3.429.307 triệu đồng).
- Năm 2020: ước giải ngân đạt
100% kế hoạch.
3. Đánh giá vốn đầu tư theo
cơ cấu nguồn vốn
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công
trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Cà Mau đã giao là 16.615.889 triệu
đồng; trong đó, nguồn NSTW hỗ trợ tỉnh Cà Mau là 8.595.441 triệu đồng, chiếm
51,73% và vốn cân đối ngân sách địa phương là 8.020.448 triệu đồng, chiếm
48,27% trong tổng vốn được bố trí.
Với các nguồn vốn đầu tư từ
ngân sách trung ương và cân đối ngân sách địa phương trong giai đoạn 2016 -
2020, địa phương đã bố trí cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; theo đó, đã có
nhiều dự án, công trình được triển khai đầu tư xây dựng, các dự án, công trình
hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần cải thiện hệ
thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo động lực thúc đẩy
phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, rút ngắn khoảng cách phát triển
giữa nông thôn và thành thị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người
dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 05 tuyến
Quốc lộ kết nối với các tỉnh trong khu vực, có 82/82 xã có đường ô tô đến trung
tâm xã (đạt tỷ lệ 100%); hệ thống công trình thủy lợi, lưới điện được tập trung
đầu tư; các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và trạm y tế xã đã được đầu tư nâng
cấp, xây dựng mới hoàn chỉnh; cơ sở vật chất trường học được đầu tư theo hướng
đạt chuẩn quốc gia; hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao từ tỉnh đến xã đang
được đầu tư; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
4. Về công tác quyết toán dự
án hoàn thành
Trong năm 2016, số dự án đã phê
duyệt quyết toán 674 dự án, công trình (ngân sách tỉnh 100 dự án; ngân sách huyện
574 dự án), trong đó: Tổng mức đầu tư được duyệt 4.182.433 triệu đồng, giá trị
đề nghị quyết toán 1.863.031 triệu đồng, giá trị quyết toán được duyệt 1.852.244
(giảm so với giá trị đề nghị 10.787 triệu đồng). Số dự án chưa phê duyệt quyết
toán 92 dự án với tổng mức đầu tư 752.090 triệu đồng, (trong đó số dự án trong
thời hạn lập báo cáo quyết toán 48 dự án với tổng giá trị thanh toán 206.665
triệu đồng).
Trong năm 2017, số dự án đã phê
duyệt quyết toán 340 dự án, công trình (ngân sách tỉnh 95 dự án; ngân sách huyện
550 dự án), trong đó: Tổng mức đầu tư được duyệt 3.047.212 triệu đồng, giá trị
đề nghị quyết toán 2.534.805 triệu đồng, giá trị quyết toán được duyệt 2.523.457
(giảm so với giá trị đề nghị 11.348 triệu đồng). Số dự án chưa phê duyệt quyết
toán 85 dự án với tổng mức đầu tư 1.041.316 triệu đồng, (trong đó số dự án
trong thời hạn lập báo cáo quyết toán 58 dự án với tổng giá trị thanh toán
134.401 triệu đồng).
Trong năm 2018, số dự án đã phê
duyệt quyết toán 679 dự án, công trình (ngân sách tỉnh 129 dự án; ngân sách huyện
245 dự án), trong đó: Tổng mức đầu tư được duyệt 2.461.590 triệu đồng, giá trị
đề nghị quyết toán 2.146.891 triệu đồng, giá trị quyết toán được duyệt 2.141.651
(giảm so với giá trị đề nghị 5.240 triệu đồng). Số dự án chưa phê duyệt quyết
toán 257 dự án với tổng mức đầu tư 1.782.631 triệu đồng, (trong đó số dự án
trong thời hạn lập báo cáo quyết toán 229 dự án với tổng giá trị thanh toán 1.538.416
triệu đồng).
Trong năm 2019, số dự án đã phê
duyệt quyết toán 609 dự án, công trình (ngân sách tỉnh 83 dự án; ngân sách huyện
526 công trình), trong đó: Tổng mức đầu tư được duyệt 3.729.852 triệu đồng, giá
trị đề nghị quyết toán 2.819.911 triệu đồng, giá trị quyết toán được duyệt
2.804.652 (giảm so với giá trị đề nghị 15.259 triệu đồng). Số dự án chưa phê
duyệt quyết toán 247 dự án với tổng mức đầu tư 1.908.749 triệu đồng, (trong đó
số dự án trong thời hạn lập báo cáo quyết toán 232 dự án với tổng giá trị thanh
toán 1.781.129 triệu đồng).
5. Chi ngân sách nhà nước
Dự toán chi cân đối NSĐP 05 năm
2016 - 2020 được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết nghị thông qua là 37.689.789
triệu đồng. Trong đó: chi đầu tư phát triển
8.901.699 triệu đồng (chưa bao
gồm chi trả nợ gốc 722.870 triệu đồng); chi thường xuyên 28.058.160 triệu đồng;
chi trả nợ lãi các khoản do chính quyền địa phương vay 7.060 triệu đồng. Ước
thực hiện chi cân đối NSĐP là 43.255.962 triệu đồng, đạt 114,76% dự toán Hội
đồng nhân dân tỉnh giao, cụ thể:
- Chi đầu tư phát triển
11.770.437 triệu đồng, đạt 132,22% dự toán (chưa bao gồm chi trả nợ gốc 714.457
triệu đồng), tốc độ tăng chi bình quân khoảng 14%/năm; tăng 58,83% so với thực
hiện giai đoạn 2011 - 2015 (7.409.544 triệu đồng). Chi đạt khá cao so với dự
toán là do thực hiện các dự án, công trình thuộc Chương trình mục tiêu, Chương
trình mục tiêu quốc gia được Trung ương bố trí hỗ trợ cho tỉnh Cà Mau. Trong
đó, chủ yếu chi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như giao thông đô thị, giao
thông nông thôn; xây mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất trường học
thuộc các cấp học; hệ thống y tế tuyến tỉnh và tuyến cơ sở được đầu tư hoàn
chỉnh để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân;...
- Chi thường xuyên 30.766.210
triệu đồng, đạt 109,65% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, tốc độ tăng chi
bình quân khoảng 6%/năm, tăng 52,59% so với thực hiện giai đoạn 2011 - 2015 (20.162.142
triệu đồng). Trong đó, một số nhiệm vụ chi chiếm tỷ trọng lớn như:
+ Chi sự nghiệp giáo dục, đào
tạo và dạy nghề chiếm 35,6% chi thường xuyên, tương đương 10.959.986 triệu
đồng, tăng 41,4% so với giai đoạn 2011 - 2015; bên cạnh việc đảm bảo tiền lương
và các chế độ chính sách cho người lao động hoạt động trong ngành giáo dục còn
thực hiện chi sửa chữa, nâng cấp trường lớp, mua sắm mới trang thiết bị dạy học.
+ Chi sự nghiệp kinh tế là
5.423.238 triệu đồng, chiếm 17,6% chi thường xuyên, so với giai đoạn 2011 -
2015 tăng 128,73%, chủ yếu là chi cho công tác duy tu, sửa chữa các công trình
giao thông; nạo vét, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi; kiến thiết thị
chính (cây xanh đô thị) và thực hiện chính sách phát triển đất trồng lúa và một
số nhiệm vụ phát sinh do trung ương hỗ trợ có mục tiêu để triển khai khẩn cấp công
tác phòng chống sạt lở bờ sông, đê biển, các công trình phòng, chống hạn hán,
xâm nhập mặn,...
+ Chi quản lý hành chính nhà
nước là 6.370.006 triệu đồng, chiếm 20,7% chi thường xuyên, tăng 29,98% so với
giai đoạn 2011 - 2015, tăng chủ yếu là do thực hiện chi tăng lương theo lộ
trình của Chính phủ và thực hiện các chính sách đối với các xã đặc biệt khó
khăn, vùng bãi ngang ven biển.
+ Chi đảm bảo xã hội là
1.963.332 triệu đồng, chiếm 6,4% chi thường xuyên, tăng 72% so với giai đoạn
2011 - 2015; chủ yếu chi thực hiện chế độ chính sách các đối tượng bảo trợ xã
hội, người có công với cách mạng, chi hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại
dịch Covid-19.
- Chi trả nợ lãi các khoản do
chính quyền địa phương vay 4.858 triệu đồng.
Giai đoạn 2016 - 2020, chi đầu
tư phát triển chiếm tỷ trọng 27,2% trong cơ cấu chi NSNN, tăng khoảng 4 điểm
phần trăm so với giai đoạn 2011 - 2015 (23,3%). Nhìn chung, cơ cấu chi ngân
sách giai đoạn này chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ lệ chi đầu tư
phát triển, giảm dần tỷ lệ chi thường xuyên trong cơ cấu tổng chi NSNN.
6. Về quản lý, sử dụng tài
sản công và sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước
a) Công tác quản lý, sử dụng
tài sản công
Công tác quản lý, sử dụng tài
sản công tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong những năm qua
đã đi vào nề nếp, tài sản được theo dõi, quản lý chặt chẽ cả về số lượng và giá
trị. Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính đã triển khai phần mềm quản lý tài sản
thống nhất từ Trung ương đến địa phương đối với các loại tài sản có giá trị lớn
như: trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô và tài sản khác có giá
trị từ 500 triệu đồng trở lên/đơn vị tài sản. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị báo
cáo tình hình biến động tài sản để cập nhật vào phần mềm quản lý. Trụ sở làm việc
của các cơ quan, đơn vị trong những năm gần đây được xây dựng khang trang, sạch
đẹp; các cơ quan, đơn vị được trang bị tài sản sử dụng hiệu quả, phát huy hết
công năng, phục vụ tốt cho nhu cầu công tác.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao cơ
quan chuyên môn hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng quy định của pháp
luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; việc mua sắm tài sản thực hiện đúng
tiêu chuẩn, định mức, đúng công năng, mục đích, tiết kiệm và hiệu quả. Trình
tự, thủ tục về mua sắm, thanh lý tài sản công thực hiện theo đúng trình tự,
thẩm quyền đã được phân cấp.
b) Mua sắm tài sản
Trên cơ sở tham mưu của các Sở,
ngành chuyên môn, trong giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thống nhất
chủ trương để các cơ quan, đơn vị xây dựng, mua sắm tài sản với tổng giá trị
khoảng 2.758.000 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của NSTW và nguồn cân đối NSĐP; trong
đó: đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, mua sắm xe ô tô và tài sản khác có giá trị
từ 500 triệu đồng trở lên trên/01 đơn vị tài sản, tổng giá trị là 2.498.000
triệu đồng; mua sắm tài sản là trang thiết bị phục vụ công tác văn phòng có giá
trị 260.000 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh cân đối bố trí khoảng 50.000
triệu đồng/năm.
Về trình tự thủ tục mua sắm tài
sản công thực hiện theo đúng quy định hiện hành; đối với xây dựng trụ sở làm
việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công,
Luật Đấu thầu. Thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản
hướng dẫn thi hành, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng quy chế quản lý, sử dụng
tài sản công, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận nhằm quản lý
chặt chẽ việc mua sắm, quản lý tài sản công.
Để việc thực hiện mua sắm tài
sản công theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo triển
khai thực hiện mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung, kết quả cụ thể
như sau:
- Năm 2017 thực hiện mua sắm
tập trung 06 gói thầu với dự toán 13,98 tỷ đồng. Sau khi tổ chức đấu thầu, giá trúng
thầu là 10,97 tỷ đồng, giảm 3,01 tỷ đồng.
- Năm 2018 thực hiện mua sắm
tập trung 05 gói thầu với dự toán 17,33 tỷ đồng. Sau khi tổ chức đấu thầu, giá trúng
thầu là 13,8 tỷ đồng, giảm 3,53 tỷ đồng.
- Năm 2019 thực hiện mua sắm
tập trung 05 gói thầu với dự toán 14,62 tỷ đồng. Sau khi tổ chức đấu thầu, giá
trúng thầu là 9,22 tỷ đồng, giảm 5,4 tỷ đồng.
- Năm 2020 thực hiện mua sắm
tập trung 03 gói thầu với dự toán 11,75 tỷ đồng. Sau khi tổ chức đấu thầu, giá trúng
thầu là 9,57 tỷ đồng, giảm 2,1 tỷ đồng.
c) Thực hiện lập đề án cho
thuê, liên doanh, liên kết đối với các đơn vị sự nghiệp công lập
Thực hiện Nghị định số 151/2017/NĐ-CP
ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý,
sử dụng tài sản công, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt 75 đề án làm cơ sở cho
các cơ quan, đơn vị thực hiện. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước không thuộc
đối tượng được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên
doanh, liên kết theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP , Ủy ban nhân dân
tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện. Đồng thời, giao cơ quan chuyên
môn thường xuyên thực hiện kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng tài sản công
vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của các cơ quan, đơn vị
để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.
d) Triển khai phần mềm quản
lý tài sản dưới 500 triệu đồng/đơn vị tài sản
Đã phối hợp với Trung tâm Dữ
liệu quốc gia về tài sản công trực thuộc Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính
triển khai tập huấn cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đến nay có 1.059
đơn vị tham gia tập huấn sử dụng phần mềm quản lý tài sản dưới 500 triệu
đồng/đơn vị tài sản, qua đó các đơn vị đã cập nhật số liệu tài sản đầy đủ vào
phần mềm, giúp các cơ quan, đơn vị theo dõi chặt chẽ, kịp thời, chính xác.
đ) Công tác sắp xếp nhà, đất
Thực hiện Nghị định số 167/2017/NĐ-CP
ngày 31/12/2017 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo
về việc rà soát, sắp xếp nhà, đất trên địa bàn tỉnh; kết quả có tổng số 850 cơ
sở nhà đất của 34 cơ quan, đơn vị phải thực hiện rà soát, sắp xếp. Trên cơ sở
đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Tổ công tác để kiểm tra hiện trạng cơ sở
nhà, đất, tổng hợp lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với các cơ sở
nhà đất trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 09 Quyết
định phê duyệt Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên địa bàn tỉnh; trong
đó, giữ lại để tiếp tục bố trí sử dụng là 318 trường; bán đấu giá, bán tài sản
trên đất là 45 trường hợp; thực hiện điều chuyển 163 trường hợp; thu hồi để đấu
giá giao đất cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư 09 trường hợp;... Trong thời
gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp tham mưu xử
lý dứt điểm công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên địa bàn tỉnh theo quy
định.
7. Về vay nợ chính quyền địa
phương
Kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài
trung hạn 2016 - 2020 tỉnh Cà Mau được giao tại các Quyết định: Quyết định số 547/QĐ-TTg
ngày 20/4/2017, Quyết định số 303/QĐ-TTg ngày 21/3/2019, Quyết định số
883/QĐ-TTg ngày 16/7/2019, Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 04/11/2019 và Quyết
định số 1707/QĐ-TTg ngày 02/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ; theo đó tỉnh Cà
Mau có 11 dự án được giao kế hoạch vốn, cụ thể như sau:
- Dự án đầu tư xây dựng hệ
thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Cà Mau: vốn đầu tư 7.000 triệu
đồng (cơ chế tài chính trong nước: NSTW cấp phát 100%), do Ban Quản lý dự án
Công trình xây dựng làm chủ đầu tư, đã giải ngân 6.565 triệu đồng.
- Dự án Chống chịu khí hậu tổng
hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long: vốn đầu tư 259.078 triệu đồng
(cơ chế tài chính trong nước, tỉnh vay lại 30% vốn ODA), do Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, dự kiến giải ngân 84,65% kế hoạch vốn.
- Dự án Trường Cao đẳng nghề
Việt Nam - Hàn Quốc: vốn đầu tư 28.060 triệu đồng (cơ chế tài chính trong nước:
NSTW cấp phát 100%), do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm chủ đầu tư, đã
giải ngân 100% kế hoạch vốn.
- Dự án Nâng cấp đô thị vùng
Đồng bằng sông Cửu Long - Tiểu dự án thành phố Cà Mau: vốn đầu tư 553.895 triệu
đồng (cơ chế tài chính trong nước: NSTW cấp phát 100%), do Ủy ban nhân dân
thành phố Cà Mau làm chủ đầu tư, dự kiến giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao
trong giai đoạn 2016 - 2020.
- Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải
các bệnh viện tỉnh Cà Mau: vốn đầu tư 32.555 triệu đồng (cơ chế tài chính trong
nước: NSTW cấp phát 100%), do Sở Y tế làm chủ đầu tư, đã giải ngân 100% kế hoạch
vốn.
- Dự án Kết hợp bảo vệ vùng ven
biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tại tỉnh Cà Mau: vốn đầu tư 173.845 triệu
đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Chủ đầu tư, đến thời điểm
hiện tại chưa giải ngân.
- Dự án Đầu tư cơ sở vật chất
Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển đạt chuẩn quốc gia (điều chỉnh) thuộc Chương
trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2: vốn đầu tư 11.000 triệu đồng,
do Ban Quản lý dự án công trình Xây dựng làm chủ đầu tư, đã giải ngân 100% kế
hoạch vốn.
Về tổng thể, nhu cầu vốn giai
đoạn 2016 - 2020 cho các dự án, công trình sử dụng nguồn vốn vay lại cơ bản
được đảm bảo; tuy nhiên, vẫn còn 01 dự án đang gặp vướng mắc về cơ chế (Dự án
Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tại tỉnh Cà Mau: đến
thời điểm hiện tại chưa giải ngân do đang chờ Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp
thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế
để hướng dẫn cho địa phương thực hiện theo Hiệp định).
B. KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH 5 NĂM
GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT CỦA KẾ
HOẠCH TÀI CHÍNH 05 NĂM GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tài
chính trên địa bàn tỉnh; huy động, phân phối, quản lý, sử dụng có hiệu quả các
nguồn lực tài chính, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại thu, chi NSNN; triệt để tiết kiệm, chống
lãng phí, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, đầu tư hợp lý cho con người và giải
quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong
tình hình mới; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính đi đôi với đẩy mạnh cải cách
hành chính, hiện đại hóa và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát
tài chính; giảm mạnh và kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, bảo đảm ổn định kinh
tế vĩ mô và an ninh tài chính trên địa bàn.
II. DỰ BÁO CÁC CHỈ TIÊU KINH
TẾ - XÃ HỘI 05 NĂM 2021 - 2025
Căn cứ Chỉ thị số 18/CT-TTg
ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 3889/BKHĐT-TH ngày
16/6/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh
tế xã hội 5 năm 2021 - 2025, địa phương dự kiến các chỉ tiêu phát triển kinh tế
- xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể như sau:
- Tổng sản phẩm trong tỉnh
(GRDP giá thực tế), bình quân tăng 6,5-7%/năm.
- Cơ cấu kinh tế đến năm 2025:
dịch vụ chiếm 32,5%; công nghiệp, xây dựng chiếm 35%; ngư, nông, lâm nghiệp
chiếm 28,7%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,8%.
- GRDP bình quân đầu người đạt khoảng
77 triệu đồng vào năm 2025.
- Tổng vốn đầu tư xã hội bình
quân khoảng 30 - 32% so với GRDP.
- Thu ngân sách nhà nước 05 năm
35.800.000 triệu đồng.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu 05
năm đạt 6.000 triệu đô la Mỹ (USD).
- Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021
- 2025 giảm ít nhất 0,5%/năm.
- Giải quyết việc làm bình quân
40.000 lao động/năm.
- Có 66 xã đạt tiêu chí nông
thôn mới.
III. CƠ CẤU THU, CHI VÀ
KHUNG CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH TỔNG THỂ CỦA ĐỊA PHƯƠNG 05 NĂM 2021 - 2025
1. Thu ngân sách nhà nước
Dự kiến tổng thu NSNN 05 năm
giai đoạn 2021 - 2025 là 35.800.000 triệu đồng, tăng 46,09% so với thực hiện 05
năm giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng thu bình quân khoảng 9%/năm, cụ thể:
- Dự toán thu nội địa là
35.287.000 triệu đồng, tăng 45,72% so với ước thực hiện 05 năm giai đoạn 2016 -
2020, tốc độ tăng thu nội địa bình quân khoảng 9%/ năm. Trong đó, thu NSĐP được
hưởng theo phân cấp là 32.990.666 triệu đồng. Nếu loại trừ thu tiền sử dụng
đất, xổ số kiến thiết thì tổng thu NSĐP được hưởng theo phân cấp là 21.636.666
triệu đồng.
- Dự toán thu từ hoạt động xuất
nhập khẩu 513.000 triệu đồng, bằng 176% so với ước thực hiện 05 năm giai đoạn
2016 - 2020.
2. Chi ngân sách nhà nước
a) Chi đầu tư phát triển
Việc xây dựng kế hoạch chi đầu
tư phát triển 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 nhằm phù hợp với mục tiêu định hướng
phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 của địa phương, khả năng
cân đối nguồn lực và bảo đảm an toàn nợ công theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW
ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị. Phân bổ kế hoạch vốn đảm bảo phù hợp với khả
năng cân đối nguồn vốn đầu tư công của địa phương, dự kiến nguồn vốn Trung ương
hỗ trợ, dự toán nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết và kế hoạch giải
ngân các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài Chính phủ vay về cho địa
phương vay lại; đồng thời, phải tuân thủ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và
Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ
vốn đầu tư công.
Tập trung bố trí vốn để hoàn
thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án quốc gia và dự án,
chương trình trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của
địa phương; hoàn trả các khoản vốn ứng từ NSNN trước kế hoạch; ưu tiên bố trí
vốn đối ứng cho các dự án, chương trình sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của
các nhà tài trợ nước ngoài.
Dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư
công giai đoạn 2021 - 2025 là 16.373.323 triệu đồng (chưa bao gồm chi trả nợ
gốc 35.167 triệu đồng), cụ thể:
- Chi đầu tư xây dựng cơ bản
vốn trong nước 4.286.372 triệu đồng (chưa bao gồm chi trả nợ gốc 35.167 triệu đồng),
xác định trên cơ sở bố trí tăng 10% qua mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2025;
- Chi từ nguồn thu tiền sử dụng
đất 3.564.000 triệu đồng (đã trừ 10% kinh phí thực hiện công tác đo đạc, đăng ký
đất đai, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất theo Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 04/4/2013
của Thủ tướng Chính phủ), xác định trên cơ sở dự toán thu tiền sử dụng đất
trong giai đoạn 05 năm giai đoạn 2021 - 2025;
- Chi từ nguồn xổ số kiến thiết
7.394.000 triệu đồng, xác định trên cơ sở dự toán thu tiền xổ số kiến thiết trong
giai đoạn 05 năm giai đoạn 2021 - 2025;
- Chi chi đầu tư từ nguồn vay
lại NSĐP 1.128.951 triệu đồng, xây dựng trên cơ sở kế hoạch vay 05 năm giai
đoạn 2021 - 2025 bao gồm các dự án đã ký Hiệp định và các dự án đã được phê
duyệt chủ trương.
b) Chi thường xuyên
- Xây dựng dự toán chi thường
xuyên theo từng lĩnh vực, đảm bảo ưu tiên bố trí chi trả đầy đủ các chế độ,
chính sách cho con người theo định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên theo
Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; tiếp tục thực hiện tinh thần Nghị quyết
số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền
lương, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không tính lương và các khoản
có tính chất như lương) để bổ sung nguồn cải cách tiền lương và đảm bảo nhiệm
vụ chi cho các tiêu chuẩn, định mức, chế độ khác đã được cấp có thẩm quyền ban
hành. Đối với chi thường xuyên các năm trong giai đoạn 05 năm giai đoạn 2021 -
2025 bằng với dự toán năm 2020 và khả năng thu cân đối ngân sách địa phương
được hưởng theo phân cấp theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Thông tư
số 38/2019/TT-BTC ngày 28/6/2019.
- Dự toán chi thường xuyên được
xây dựng theo hướng triệt để tiết kiệm, cắt giảm những nhiệm vụ chi không thực
sự cần thiết; thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành
chính theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành
Trung ương; phấn đấu giảm 10% chi trực tiếp từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp
công lập so với giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày
25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương; đồng thời, bám sát khung cân đối chi
thường xuyên 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 được Bộ Tài chính thông báo.
- Dự kiến bố trí kế hoạch chi
thường xuyên 05 giai đoạn 2021 - 2025 là 34.729.917 triệu đồng, tăng 23,78% so
với dự toán giai đoạn 05 năm 2016 - 2020.
Để đảm bảo cân đối ngân sách
hàng năm nhằm hoàn thành Kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021 - 2025, Ủy
ban nhân dân tỉnh xác định khung cân đối ngân sách địa phương là 51.196.000
triệu đồng.
c) Vay nợ chính quyền địa
phương
Danh mục dự án đã trình đề xuất
dự án giai đoạn 2021 - 2025, đến nay tỉnh đã trình Đề xuất 04 dự án, gồm:
- Dự án Xây dựng đê biển Tây từ
Cái Đôi Vàm đến Kênh Năm và kè phòng, chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu từ
cửa sông Ông Đốc đến cửa sông Bảy Háp, tỉnh Cà Mau; đề xuất sử dụng vốn vay Cơ
quan Phát triển Pháp (AFD), tổng mức đầu tư dự kiến 28,2 triệu đô la Mỹ (USD)
(tương đương 719.692 triệu đồng); trong đó, vốn vay 20,06 triệu ơ rô (EUR)
(tương đương 510.420 triệu đồng), cơ chế tài chính trong nước, tỉnh vay lại 30%
vốn vay. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cơ quan lập đề xuất Dự án.
- Dự án Nâng cấp và phát triển
đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau; đề xuất sử
dụng vốn ODA Ngân hàng Thế giới (WB), tổng mức đầu tư dự kiến 54.698 triệu đô la
Mỹ (USD) (tương đương 1.270.306 triệu đồng); trong đó, vốn vay 41,02 triệu đô
la Mỹ (USD) (tương đương 952.648 triệu đồng), cơ chế tài chính trong nước, tỉnh
vay lại 50% vốn vay. Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau là cơ quan lập đề xuất Dự
án.
- Dự án Khu xử lý nước thải tập
trung các Khu Công nghiệp Khánh An, Hòa Trung và Sông Đốc - tỉnh Cà Mau; đề xuất
sử dụng vốn ODA Chính phủ Hungary, tổng mức đầu tư dự kiến 20,77 triệu ơ rô
(EUR) (tương đương 540.000 triệu đồng); trong đó, vốn vay là 18,69 triệu ơ rô
EUR (tương đương 477.039 triệu đồng), cơ chế tài chính trong nước, tỉnh vay lại
50% vốn vay. Ban Quản lý các dự án ODA và NGO tỉnh Cà Mau là cơ quan lập đề xuất
Dự án.
- Dự án Phát triển thủy sản bền
vững (SFID) tỉnh Cà Mau; đề xuất sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), tổng
mức đầu tư dự kiến 27,18 triệu đô la Mỹ (USD) (tương đương 631.000 triệu đồng);
trong đó, vốn vay 23,52 triệu đô la Mỹ (USD) (tương đương 546 triệu đồng), cơ chế
tài chính trong nước, tỉnh vay lại 50% vốn vay. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn là cơ quan lập đề xuất Dự án.
IV. DỰ BÁO NHỮNG TÁC ĐỘNG
ĐẾN CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
TÀI CHÍNH 05 NĂM GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
1. Dự báo những tác động đến
thu, chi ngân sách địa phương
a) Thu ngân sách nhà nước
- Theo dự báo tình hình kinh tế
nước ta và của tỉnh nhà giai đoạn 2021 - 2025 phát triển ổn định, dự báo tốc độ
tăng trưởng GRDP của tỉnh giai đoạn 2021- 2025 tăng cao hơn giai đoạn 2016 -
2020. Nhưng quy mô nền kinh tế của tỉnh Cà Mau so với cả nước còn nhỏ, chưa tự
cân đối thu - chi ngân sách; nguồn thu ngân sách còn hạn chế, thiếu ổn định,
vẫn phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương. Đặc biệt, tỉnh Cà Mau tăng
trưởng kinh tế thuộc nhóm trung bình so với cả nước, với đặc thù kinh tế của
tỉnh chủ yếu phát triển nông lâm, thủy sản, hầu hết các ngành nghề kinh doanh
thuộc lĩnh vực được ưu đãi, miễn giảm thuế, nên ảnh hưởng đến việc đóng góp số
thu cho NSNN.
- Theo đánh giá trong 05 năm
tới, kinh tế của tỉnh Cà Mau có nhiều thuận lợi và cơ hội phát triển nhưng vẫn
tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: thiên tai, dịch bệnh diễn
biến phức tạp, tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường tác động trực
tiếp đến sự phát triển ổn định, bền vững của địa phương. Đặc biệt, đại dịch
Covid-19 xuất hiện, diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cùng với việc
triển khai thực hiện chính sách miễn, giảm thuế của Chính phủ làm giảm nguồn
thu NSNN; cụ thể một số nhiệm vụ thu chịu tác động như giảm thuế thu nhập doanh
nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, lệ phí trước bạ lần đầu khi đăng ký
ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; các khoản phí, lệ phí. Bên cạnh đó, do
ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một số thị trường xuất khẩu chủ lực của tỉnh
tạm ngưng nhập khẩu các mặt hàng nông thủy sản làm ảnh hưởng đến nguồn thu thuế
xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo dự báo một số
dự án đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng của quốc gia tiếp tục sẽ được
triển khai trên địa bàn tỉnh Cà Mau như: Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Dự án
đấu nối đường ống dẫn khí PM3; Dự án điện gió Khai Long, Dự án điện gió Tân
Thuận, nâng cấp Tuyến đường Quản lộ Phụng Hiệp, Dự án nâng cấp Quốc lộ 1A (đoạn
Cà Mau - Đầm Cùng), Dự án bất động sản (Happy home giai đoạn 2), Dự án nâng cấp
đô thị động lực Sông Đốc và Năm Căn,... là nhân tố quan trọng để thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế cũng như góp phần tạo nguồn thu cho NSNN.
- Thu từ Cụm Dự án Khí - Điện -
Đạm Cà Mau là nguồn thu chủ yếu chiếm gần 35% tổng thu ngân sách trên địa bàn, nhưng
nguồn thu này đã ổn định, tăng trưởng thấp, giá dầu thế giới không ổn định, hơn
nữa sản lượng khí hiện nay đã khai thác hết công suất, do đó thuế phát sinh
hàng năm không tăng.
- Chưa có giải pháp hiệu quả để
khai thác quỹ đất công, từ đó nguồn thu từ đất chưa tương xứng với tiềm năng,
chưa tạo được động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
b) Chi ngân sách địa phương
- Cà Mau là tỉnh chưa tự cân
đối được thu chi ngân sách, phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương khoảng
50% để đảm bảo nhu cầu chi, nên không chủ động trong việc triển khai thực hiện
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Do đặc thù, Cà Mau là tỉnh có
địa bàn rộng, sông ngòi dày đặc, nền đất yếu nên chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng
kinh tế - xã hội rất lớn; tuy nhiên, do dân cư phân bổ rộng khắp, các đối tượng
chính sách nhiều nên nhu cầu chi cho con người chiếm tỷ trọng lớn để đảm bảo thực
hiện các nhiệm vụ chi cho giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội,... nên tỉnh
gặp rất nhiều khó khăn trong việc nâng dần tỷ lệ chi đầu tư phát triển và giảm
tỷ lệ chi thường xuyên.
- Tình trạng biến đổi khí hậu,
nước biển dâng, sạt lở, thiên tai, dịch bệnh diễn ra ngày càng phức tạp, đặc
biệt đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt nên địa
phương phải bố trí nguồn lực để hỗ trợ công tác phòng, chống, khắc phục thiệt
hại do thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo cuộc sống cho người dân ở vùng bị ảnh
hưởng. Do nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên rất khó khăn trong việc cân đối
thu, chi.
- Để tăng chi đầu tư phát triển
thì nguồn thu từ xổ số kiến thiết và tiền sử dụng đất là rất quan trọng. Tuy
nhiên, do dự toán nguồn thu từ xổ số kiến thiết mỗi năm đều tăng sát với tình
hình thực tế; trong khi nguồn thu tiền sử dụng đất không bền vững vì mỗi năm
quỹ đất giảm dần, dẫn đến trong tương lai nguồn thu tiền sử dụng đất sẽ giảm,
ảnh hưởng đến việc tăng chi đầu tư phát triển của địa phương.
- Thực hiện Nghị quyết số
18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương sẽ phấn đấu giảm 10% chi
trực tiếp từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện tính đúng tính đủ các chi phí để xác định giá
dịch vụ sự nghiệp công trong một số lĩnh vực như giáo dục- đào tạo, giáo dục
nghề nghiệp, y tế nhằm tạo nguồn thu, tăng tính tự chủ về tài chính cho các đơn
vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của
Ban Chấp hành Trung ương.
2. Các giải pháp tổ chức
thực hiện Kế hoạch Tài chính 05 năm giai đoạn 2021 - 2025
Căn cứ đánh giá tình hình kinh
tế - xã hội và những thách thức được dự báo cho giai đoạn 05 năm giai đoạn 2021
- 2025, để thực hiện hoàn thành Kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021 - 2025
của địa phương, bên cạnh việc nghiêm túc thực hiện các giải pháp chỉ đạo, điều hành
của Trung ương thì cần tập trung vào các giải pháp sau:
a) Thu ngân sách nhà nước
- Tăng cường công tác phân
tích, dự báo, rà soát, xác định và đánh giá những nhân tố ảnh hưởng đến nguồn
thu NSNN trên địa bàn; triển khai thực hiện tốt các chính sách của Chính phủ về
những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô; kịp thời có những giải pháp về cơ chế,
chính sách, thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện phát
triển sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu NSNN. Phấn đấu thực hiện hoàn
thành vượt mức dự toán thu NSNN giai đoạn 2021 - 2025.
- Tăng cường công tác tuyên
truyền, hỗ trợ người nộp thuế ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực
thông qua việc đổi mới phương thức, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức
tuyên truyền; chú trọng đến hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền - hỗ trợ
để phục vụ người nộp thuế một cách tốt nhất; tổ chức đối thoại thường xuyên với
người nộp thuế theo quy chế đã ban hành; tuyên dương kịp thời thành tích của tổ
chức, cá nhân có ý thức chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế, đóng góp số thu lớn cho
NSNN; đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động hỗ trợ người nộp thuế, đẩy mạnh
việc phát triển hệ thống đại lý thuế.
- Triển khai đồng bộ các biện
pháp quản lý thuế, trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất
thu thuế, trốn lậu thuế và đẩy mạnh công tác quản lý nợ đọng thuế. Đồng thời,
ngành Thuế phối hợp chặt chẽ các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố tổ chức kiểm tra chống thất thu theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
thông tin, hiện đại hóa phương thức khai, nộp, hoàn thuế,... nhằm đạt được mục
tiêu, yêu cầu tại các Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những
nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực
cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện
tử, hiện đại hóa phương thức quản lý thu nộp NSNN, nâng cấp cơ sở hạ tầng đáp
ứng yêu cầu đối với quản lý thu hiện đại ở tất cả các khâu trong quản lý thuế.
- Thực hiện tốt các chính sách
của Chính phủ về những giải pháp tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục
triển khai có hiệu quả kế hoạch cải cách giai đoạn 2021 - 2025, đẩy mạnh tiến
trình cải cách hiện đại hóa công tác thuế theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt; tổ chức triển khai kịp thời thủ tục hành chính thuế, quy
trình nghiệp vụ do Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
- Triển khai thực hiện Đề án
xây dựng, phát triển và khai thác quỹ đất công của tỉnh Cà Mau.
- Tiếp tục vận hành hệ thống
quản lý chất lượng ISO 9001-2008; tuyên truyền vận động trên 97% doanh nghiệp
thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử đạt cả 03 tiêu chí; tiếp tục nâng cao chất
lượng cải cách thủ tục hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính theo Kế hoạch
của Ủy ban nhân dân tỉnh; đảm bảo giải quyết kịp thời và hoàn trả đúng hạn,
trước hạn theo thời gian cắt giảm từng thủ tục hành chính cho người nộp thuế.
- Tăng cường kỷ cương, kỷ luật
nội ngành, đổi mới phương pháp làm việc, củng cố, nâng cao tinh thần trách
nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Tiếp tục thực hiện tốt
chương trình phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
b) Chi ngân sách địa phương
- Tập trung cơ cấu lại NSNN;
tăng cường quản lý nợ công, đảm bảo an toàn và bền vững; thực hiện nghiêm
nguyên tắc vay bù đắp bội chi NSNN chỉ được sử dụng để chi đầu tư phát triển,
không sử dụng cho chi thường xuyên.
- Từng bước cơ cấu lại chi NSNN
theo hướng tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi
thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự
chủ và tinh giản bộ máy, biên chế theo đề án đã được phê duyệt.
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương,
nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách, từng
bước triển khai quản lý chi ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với
các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
- Bảo đảm tính công khai, minh
bạch và công bằng trong việc lập kế hoạch chi đầu tư phát triển hàng năm; quản
lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp
trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các
cấp, các ngành và nâng cao hiệu quả đầu tư. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh
giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình; đối với những dự án, công trình
chậm tiến độ phải kịp thời điều chuyển vốn.
- Triệt để tiết kiệm NSNN, kiểm
soát chặt chẽ dự toán chi thường xuyên, nhất là kinh phí họp, hội nghị, hội
thảo, tiếp khách, đi công tác trong nước và ngoài nước. Kiên quyết dừng triển
khai và thu hồi các khoản kinh phí chi thường xuyên đã giao trong dự toán đầu
năm nhưng đến ngày 30/6 hàng năm chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển
khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu để bổ sung dự
phòng ngân sách.
- Thực hiện nghiêm lộ trình
tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP
ngày 14/02/2015 của Chính phủ; đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với
đơn vị sự nghiệp công lập, giảm mức hỗ trợ từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp
công lập.
- Tiếp tục bố trí nguồn tiết
kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất như
lương); 70% tăng thu ngân sách địa phương (không kể tăng thu xổ số kiến thiết
và tiền sử dụng đất) để bổ sung nguồn thực hiện cải cách tiền lương.
c) Quản lý tài sản công
- Tiếp tục thực hiện công tác
sắp xếp nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ- CP ngày 31/12/2017 của Chính
phủ: xây dựng Đề án xử lý, sắp xếp trụ sở các cơ quan nhà nước trên tuyến đường
Phan Ngọc Hiển và đường Trần Hưng Đạo để di dời cho phù hợp với quy hoạch chung
của tỉnh; đồng thời, tiếp tục rà soát sắp xếp nhà đất đối với các cơ quan đơn
vị còn lại để bố trí trụ sở làm việc hợp lý hơn, qua đó sắp xếp trụ sở dôi dư
để tiến hành các thủ tục bán, thanh lý tạo nguồn thu để tái đầu tư, nâng cấp,
cải tạo, xây dựng mới trụ sở làm việc cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
- Rà soát việc sử dụng tài sản
công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và các nội dung
khác trong quản lý, sử dụng tài sản công bảo đảm các nguyên tắc quy định tại
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
- Rà soát, sắp xếp lại, xử lý
xe ô tô phục vụ công tác theo chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô
tô chuyên dùng thuộc địa phương quản lý theo Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019
của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô. Tiếp tục thực hiện
quản lý xe ô tô theo phương thức tập trung; thắt chặt việc mua sắm, trang bị xe
ô tô công.
- Tăng cường quản lý trụ sở làm
việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, định mức sử dụng
trụ sở làm việc bao gồm cả diện tích làm việc và diện tích các bộ phận công
cộng, phụ trợ, kỹ thuật ngay từ khâu lập, phê duyệt thiết kế đầu tư xây dựng
mới, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc.
- Thực hiện giám sát chặt chẽ
công tác xử lý bán, thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật.
d) Về công tác sắp xếp, tinh
giản bộ máy
- Tiếp tục thực hiện rà soát,
sắp xếp tổ chức bên trong của các sở, ngành theo hướng tinh gọn đầu mối, kiên
quyết cắt giảm số lượng, sắp xếp lại phòng, chi cục, trung tâm, ban quản lý dự
án và đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ngành.
- Xây dựng khung số lượng cán
bộ, công chức cấp xã theo hướng xác định rõ vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức
danh, đặc thù của địa phương và bảo đảm giảm biên chế; thống nhất việc khoán
chi phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố
theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung
một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên
trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; Nghị quyết số 25/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019
của Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau quy định số lượng, chức danh, một số chế độ,
chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và
ấp khóm trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
- Có cơ chế tài chính phù hợp
để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công,
nhất là cho y tế và giáo dục.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện
giá dịch vụ sự nghiệp công, từng bước tính đủ các chi phí đối với các loại dịch
vụ cơ bản, thiết yếu, đồng thời cần gắn với chính sách hỗ trợ phù hợp cho người
nghèo, đối tượng chính sách.
- Thực hiện cơ chế phân bổ
nguồn lực, quản lý, cấp phát NSNN theo hướng NSNN bảo đảm đầu tư cho các dịch
vụ công cơ bản, thiết yếu. Đối với các đơn vị được Nhà nước bảo đảm toàn bộ
kinh phí hoạt động, cần đẩy mạnh thực hiện cơ chế khoán chi.
- Khuyến khích việc tinh giản
biên chế, bổ sung vào diện tinh giản biên chế một số đối tượng hưởng lương từ
NSNN. Bảo đảm nguồn kinh phí để giải quyết chính sách đối với những người dôi
dư do sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện tinh giản
biên chế.
Trên đây là Kế hoạch Tài chính
05 năm tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau báo cáo
Hội đồng nhân dân tỉnh (gửi kèm theo các Phụ lục I và Phụ lục II)./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lâm Văn Bi
|