BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 05/VBHN-BKHCN
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 12 năm 2014
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN VIỆC CẤP, THU HỒI THẺ GIÁM ĐỊNH VIÊN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP VÀ GIẤY CHỨNG NHẬN
TỔ CHỨC ĐỦ ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25 tháng 02
năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ
giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt
động giám định sở hữu công nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 11 tháng 3 năm 2008,
được sửa đổi, bổ sung bởi:
1. Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN ngày 27 tháng
3 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung Thông tư số
01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 hướng dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ giám định viên
sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định
sở hữu công nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 11 tháng 5 năm 2009;
2. Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22 tháng
7 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số quy
định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007, được sửa đổi, bổ sung
theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 31/7/2010 và Thông tư số
01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số
04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2011;
3. Thông tư số 04/2012/TT-BKHCN ngày 13 tháng
02 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số quy
định của Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 hướng dẫn việc cấp, thu
hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều
kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Thông
tư số 04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009 và Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày
22/7/2011, có hiệu lực kể từ ngày 29 tháng 3 năm 2012.
Căn cứ Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19
tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ
cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16
tháng 01 năm 2004 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị
định số 54/2003/NĐ-CP ;
Căn cứ Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22
tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về
sở hữu trí tuệ;
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc cấp,
thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều
kiện hoạt động giám định về quyền sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là “giám định
sở hữu công nghiệp”) như sau:[1]
I. ĐIỀU KIỆN VÀ HÌNH
THỨC HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
1.[2] Các
chuyên ngành giám định sở hữu công nghiệp
Lĩnh vực giám định sở hữu công nghiệp quy
định tại Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ và điểm b khoản 2 Điều 39 của Nghị
định số 105/2006/NĐ-CP sửa đổi bao gồm các chuyên ngành sau đây:
a) Giám định sáng chế và thiết kế bố trí mạch
tích hợp bán dẫn;
b) Giám định kiểu dáng công nghiệp;
c) Giám định nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý;
d) Giám định các quyền sở hữu công nghiệp
khác.
2.[3] Điều
kiện cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và hình thức hoạt động giám định
2.1. Các điều kiện để được cấp Thẻ giám định
viên sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là “Thẻ giám định viên”) quy định tại khoản
3 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ được hiểu như sau:
a) Điều kiện “Thường trú tại Việt Nam” được
hiểu là có nơi sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại Việt Nam
và đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về nơi cư trú;
b) Điều kiện “Có phẩm chất đạo đức tốt” được
hiểu là không bị xử lý vi phạm hành chính do vi phạm pháp luật về sở hữu công
nghiệp hoặc về hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp và không thuộc diện bị truy
cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xoá án tích;
c) Điều kiện “Có trình độ đại học trở lên về
chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp Thẻ giám định viên” được hiểu là
có Bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học các ngành kỹ thuật, khoa học vật
lý, hoá học hoặc sinh học đối với chuyên ngành giám định sáng chế và thiết kế
bố trí mạch tích hợp bán dẫn; có Bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học ngành
bất kỳ đối với các chuyên ngành giám định khác;
d) Điều kiện “Đã qua thực tế hoạt động chuyên
môn trong lĩnh vực đề nghị cấp Thẻ giám định viên từ 05 năm trở lên” được hiểu
là đã trực tiếp làm công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, thanh tra, kiểm
tra, pháp chế, tư vấn pháp luật về sở hữu công nghiệp, nghiên cứu khoa học có
chức danh nghiên cứu viên, giảng dạy về sở hữu công nghiệp có chức danh giảng
viên từ 05 năm trở lên, hoặc những người đã trực tiếp làm công tác giải thích,
hướng dẫn thi hành các quy định pháp luật, xây dựng quy chế, trực tiếp thực
hiện hoặc xét duyệt kết quả thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế (gồm cả
giải pháp hữu ích), hoặc đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, hoặc đơn đăng ký
nhãn hiệu hoặc đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý (gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hoá) tại
các cơ quan sở hữu công nghiệp quốc gia hoặc quốc tế từ 05 năm trở lên, hoặc
những người đã hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp từ 05 năm trở lên.
2.2. Giám định viên sở hữu công nghiệp có thể
hoạt động trong một tổ chức giám định sở hữu công nghiệp dưới danh nghĩa của tổ
chức đó hoặc hoạt động độc lập. Trường hợp hoạt động dưới danh nghĩa của tổ
chức giám định sở hữu công nghiệp thì thông tin về giám định viên phải được ghi
nhận vào Danh sách giám định viên thuộc tổ chức theo thủ tục cấp Giấy chứng
nhận tổ chức giám định và hình thức hoạt động đó được ghi nhận vào Danh sách
giám định viên sở hữu công nghiệp quy định tại khoản 6 Mục III
của Thông tư này.
3.[4] Các tổ
chức được cấp Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu
công nghiệp
3.1 Tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định
tại khoản 2 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ được cấp Giấy chứng nhận tổ chức
đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là Giấy chứng
nhận tổ chức giám định).
3.2 Các tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 42
của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP sửa đổi bao gồm các tổ chức sau đây:
a) Doanh nghiệp, bao gồm: công ty trách nhiệm
hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân thuộc mọi
thành phần kinh tế thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh
nghiệp;
b) Hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã thành
lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hợp tác xã;
c) Đơn vị sự nghiệp thành lập và hoạt động
theo Quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
d) Các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam
thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về luật sư, bao gồm: văn
phòng luật sư; công ty luật trách nhiệm hữu hạn; công ty luật hợp danh; trừ chi
nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu
hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn liên
doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước
ngoài.
Chi nhánh và các đơn vị phụ thuộc khác của
các tổ chức thuộc các trường hợp quy định tại khoản này chỉ được hoạt động giám
định dưới danh nghĩa của tổ chức mà mình phụ thuộc theo ủy quyền của tổ chức
đó.
4.[5] (được
bãi bỏ)
II. KIỂM TRA NGHIỆP
VỤ GIÁM ĐỊNH SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
1. Nội dung kiểm tra và đối tượng được miễn
kiểm tra nghiệp vụ giám định sở hữu công nghiệp
a)[6] Nội
dung kiểm tra nghiệp vụ giám định quy định tại khoản 3 Điều 201 của Luật Sở hữu
trí tuệ bao gồm môn pháp luật sở hữu công nghiệp và các môn chuyên ngành giám
định.
b)[7] Môn
pháp luật sở hữu công nghiệp là nội dung kiểm tra bắt buộc đối với tất cả các
chuyên ngành giám định.
Người đã có ít nhất 15 năm liên tục làm công
tác soạn thảo và hướng dẫn thi hành văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu công
nghiệp, giám định sở hữu công nghiệp, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo,
thanh tra về sở hữu công nghiệp tại các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công
nghiệp, nghiên cứu, giảng dạy pháp luật về sở hữu công nghiệp tại tổ chức
nghiên cứu, đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp, hoặc tư vấn về pháp
luật sở hữu công nghiệp dưới danh nghĩa người đại diện sở hữu công nghiệp thì
được miễn kiểm tra môn pháp luật sở hữu công nghiệp.
c)[8] Các
môn chuyên ngành giám định gồm môn giám định sáng chế (gồm cả giải pháp hữu
ích) và thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, môn giám định kiểu dáng công
nghiệp, môn giám định nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý (gồm cả tên gọi xuất xứ hàng
hoá) và môn giám định các quyền sở hữu công nghiệp khác là nội dung kiểm tra
đối với chuyên ngành giám định tương ứng.
Người đã có ít nhất 15 năm liên tục làm công
tác giải thích, hướng dẫn thi hành các quy định pháp luật, xây dựng quy chế,
trực tiếp thực hiện hoặc xét duyệt kết quả về thẩm định (xét nghiệm) nội dung
đơn đăng ký sáng chế (gồm cả giải pháp hữu ích), hoặc đơn đăng ký kiểu dáng
công nghiệp, hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (gồm cả tên gọi xuất xứ
hàng hoá) tại các cơ quan sở hữu công nghiệp quốc gia hoặc quốc tế thì được
miễn kiểm tra môn chuyên ngành giám định tương ứng.
Người đã có ít nhất 15 năm liên tục trực tiếp
tiến hành thủ tục xác lập, thực thi quyền sở hữu công nghiệp dưới danh nghĩa
người đại diện sở hữu công nghiệp thì được miễn 01 môn chuyên ngành giám định
tương ứng với lĩnh vực mà mình đã thực hiện nhiều vụ việc nhất.
2. Hội đồng Kiểm tra nghiệp vụ giám định sở
hữu công nghiệp
a)[9] Bộ
trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ra quyết định thành lập Hội đồng Kiểm tra
nghiệp vụ giám định sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là “Hội đồng Kiểm tra”)
trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ. Chủ tịch Hội đồng Kiểm
tra là Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ hoặc một Phó Cục trưởng được Cục trưởng ủy
quyền; thành viên của Hội đồng Kiểm tra bao gồm những người có kinh nghiệm và
uy tín về chuyên môn trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
b) Hội đồng kiểm tra có nhiệm vụ xây dựng
ngân hàng đề bài kiểm tra (gồm cả đáp án và thang điểm), tổ chức các kỳ kiểm
tra và đánh giá kết quả kiểm tra theo quy định tại các khoản 3,
5 và 6 Mục II của Thông tư này.
c) Hội đồng kiểm tra được sử dụng con dấu của
Cục Sở hữu trí tuệ để phục vụ công tác kiểm tra nghiệp vụ giám định sở hữu công
nghiệp.
d) Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan giúp việc
của Hội đồng kiểm tra, có nhiệm vụ quy định tại khoản 3 và khoản
5 Mục II của Thông tư này và các nhiệm vụ khác theo phân công của Chủ tịch
Hội đồng kiểm tra.
3. Tổ chức kiểm tra
a) Cục Sở hữu trí tuệ thông báo trên trang
tin điện tử của Cục Sở hữu trí tuệ và trên một báo hàng ngày của trung ương
trong ba số liên tiếp về việc tổ chức kỳ kiểm tra nghiệp vụ giám định sở hữu
công nghiệp, trong đó nêu rõ điều kiện tham dự kiểm tra, thủ tục nộp hồ sơ, nội
dung kiểm tra, thời gian, địa điểm kiểm tra.
b) Kỳ kiểm tra phải được tổ chức trong thời
hạn 3 tháng kể từ ngày có ít nhất 05 người đăng ký dự kiểm tra có hồ sơ đăng ký
được chấp nhận theo quy định tại điểm a khoản 5 Mục II của Thông
tư này.
c) Đề bài kiểm tra do Chủ tịch Hội đồng kiểm
tra chọn ngẫu nhiên từ ngân hàng đề bài kiểm tra quy định tại điểm
b khoản 2 Mục II của Thông tư này.
4.[10] Hồ sơ
đăng ký tham dự kiểm tra
Hồ sơ đăng ký tham dự kiểm tra gồm 01 bộ tài
liệu sau đây:
a) 02 Tờ khai đăng ký dự kiểm tra nghiệp vụ
giám định sở hữu công nghiệp, làm theo mẫu quy định tại Phụ
lục I của Thông tư này;
b) Bản sao Bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau
đại học (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được
chứng thực);
c) Bản sao Quyết định tuyển dụng hoặc hợp
đồng lao động và tài liệu khác chứng minh thực tế hoạt động chuyên môn (xuất
trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực), nếu
người đăng ký dự kiểm tra có yêu cầu được miễn môn kiểm tra nêu tại điểm b và điểm c khoản 1 Mục II của Thông tư này;
d) 02 ảnh 3x4 (cm);
đ) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường
hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của
Cục Sở hữu trí tuệ).
5. Thẩm quyền, thủ tục xem xét hồ sơ đăng ký
tham dự kiểm tra
Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan tiếp nhận hồ sơ
đăng ký tham dự kiểm tra. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Sở
hữu trí tuệ có trách nhiệm xem xét hồ sơ theo quy định sau đây:
a) Trường hợp hồ sơ có đủ các tài liệu quy
định tại khoản 4 Mục II của Thông tư này và người đăng ký
đáp ứng đủ điều kiện tham dự kiểm tra, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ra thông
báo chấp nhận hồ sơ, trong đó nêu rõ kế hoạch kiểm tra đã được ấn định hoặc
chưa được ấn định vì chưa đủ số người đăng ký tham dự kiểm tra theo quy định
tại điểm b khoản 3 Mục II của Thông tư này.
b) Trường hợp hồ sơ có thiếu sót hoặc người
đăng ký không đáp ứng đủ điều kiện tham dự kiểm tra, Cục trưởng Cục Sở hữu trí
tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận hồ sơ, trong đó nêu rõ lý do và ấn
định thời hạn 1 tháng kể từ ngày ra thông báo để người đăng ký sửa chữa thiếu
sót hoặc có ý kiến phản đối. Khi hết thời hạn đã ấn định mà người đăng ký không
sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến
phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng thì Cục trưởng Cục Sở hữu
trí tuệ ra thông báo chính thức từ chối chấp nhận hồ sơ, trong đó nêu rõ lý do
từ chối.
6. Đánh giá kết quả kiểm tra
a)[11] Hội
đồng Kiểm tra xét miễn kiểm tra theo tiêu chuẩn quy định tại các điểm
b và c khoản 1 Mục II của Thông tư này; chấm bài kiểm tra theo đáp án và
thang điểm của đề bài. Kết quả xét miễn kiểm tra và kết quả chấm bài kiểm tra
do Chủ tịch Hội đồng Kiểm tra phê duyệt.
Kết quả xét miễn kiểm tra được thông báo cho
người đăng ký không muộn hơn 30 ngày trước ngày kiểm tra. Những người không đạt
tiêu chuẩn miễn kiểm tra đối với môn kiểm tra nào thì được làm bài kiểm tra môn
đó ngay trong kỳ kiểm tra đã đăng ký, với điều kiện phải nộp phí theo quy định.
b) Người đạt điểm kiểm tra từ trung bình trở
lên hoặc được miễn kiểm tra đối với môn kiểm tra nào thì được coi là đạt yêu
cầu đối với môn kiểm tra đó.
c)[12] Trong
thời hạn 02 tháng kể từ ngày tổ chức kiểm tra, Chủ tịch Hội đồng kiểm tra thông
báo kết quả kiểm tra cho người tham dự kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận đủ điều
kiện nghiệp vụ làm giám định viên sở hữu công nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Thông tư này cho những người đạt yêu cầu
đối với tất cả các môn kiểm tra, trong đó ghi rõ chuyên ngành giám định tương
ứng với môn kiểm tra và ấn định thời hạn giá trị của Giấy chứng nhận (làm tài
liệu nộp hồ sơ yêu cầu cấp Thẻ giám định viên) là 05 năm kể từ ngày cấp.
d) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra thông
báo kết quả kiểm tra, người tham dự kiểm tra có quyền yêu cầu Hội đồng kiểm tra
phúc tra bài kiểm tra và phải nộp phí phúc tra theo quy định. Việc chấm phúc
tra được thực hiện theo nguyên tắc chấm bài kiểm tra.
III. THẨM QUYỀN, THỦ
TỤC CẤP, THU HỒI THẺ GIÁM ĐỊNH VIÊN
1. Thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám
định viên, lập và công bố Danh sách giám định viên sở hữu công nghiệp
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ có thẩm quyền
cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám định viên, lập và công bố Danh sách giám định
viên sở hữu công nghiệp theo thủ tục quy định tại các khoản 3,
4, 5 và 6 Mục III của Thông tư này.
Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan tiếp nhận và
xem xét hồ sơ yêu cầu cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám định viên theo quy định
tại các khoản 2, 3 và 4 Mục III của Thông tư này.
2.[13] Hồ sơ
yêu cầu cấp Thẻ giám định viên
Hồ sơ yêu cầu cấp Thẻ giám định viên gồm 01
bộ tài liệu sau đây:
a) 02 Tờ khai yêu cầu cấp Thẻ giám định viên,
làm theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư
này;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện
nghiệp vụ làm giám định viên sở hữu công nghiệp do Chủ tịch Hội đồng kiểm tra
cấp theo quy định tại điểm c khoản 6 Mục II của Thông tư này;
c) Bản sao Chứng minh nhân dân;
d) 02 ảnh 3x4 (cm);
đ) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường
hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của
Cục Sở hữu trí tuệ).
3. Thủ tục cấp Thẻ giám định viên
Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ,
Cục Sở hữu trí tuệ xem xét hồ sơ theo quy định sau đây:
a) Trường hợp hồ sơ đáp ứng quy định tại khoản 2 Mục III của Thông tư này và người nộp hồ sơ đáp ứng
các điều kiện quy định tại khoản 2 Mục I của Thông tư này,
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp Thẻ giám định viên, trong đó
ghi rõ họ tên, địa chỉ thường trú, số Giấy chứng minh nhân dân và chuyên ngành
giám định của người được cấp Thẻ.
b) Trường hợp hồ sơ có thiếu sót hoặc người
yêu cầu cấp Thẻ giám định viên không đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Mục I của Thông tư này, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ
ra thông báo dự định từ chối chấp nhận hồ sơ, trong đó nêu rõ lý do và ấn định
thời hạn 1 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu cấp Thẻ giám định
viên sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối. Khi hết thời hạn đã ấn định mà
người yêu cầu cấp Thẻ giám định viên không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa
thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối
nhưng không xác đáng thì Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp
Thẻ giám định viên, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
c) Thẻ giám định viên được làm theo mẫu quy
định tại Phụ lục IV của Thông tư này.
4. Cấp lại Thẻ giám định viên
a) Theo yêu cầu của giám định viên, Cục
trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp lại Thẻ giám định viên trong trường
hợp Thẻ giám định viên bị mất, bị lỗi, bị hỏng (rách, bẩn, phai mờ...) đến mức
không sử dụng được; hoặc có sự thay đổi về thông tin đã được ghi nhận trong Thẻ
giám định viên theo quy định tại điểm a khoản 3 Mục III của Thông
tư này.
b) Giám định viên có nghĩa vụ yêu cầu Cục Sở
hữu trí tuệ cấp lại Thẻ giám định viên để ghi nhận lại các thay đổi nêu tại điểm
a trên đây.
c)[14] Quy
định tại khoản 2 và khoản 3 Mục III của Thông tư này cũng
được áp dụng đối với thủ tục cấp lại Thẻ giám định viên, trừ tài liệu quy định
tại điểm b khoản 2 và thời hạn Cục Sở hữu trí tuệ xem xét hồ sơ là 15 ngày, kể
từ ngày nhận hồ sơ.
d) Trong trường hợp Thẻ giám định viên bị lỗi
do Cục Sở hữu trí tuệ gây ra, Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm cấp lại Thẻ miễn
phí trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được cấp Thẻ.
5.[15] Thu
hồi Thẻ giám định viên
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định
thu hồi Thẻ giám định viên trong các trường hợp sau đây:
a) Có chứng cứ khẳng định rằng Thẻ giám định
viên được cấp trái với quy định pháp luật;
b) Người được cấp Thẻ giám định viên không
còn đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ
và khoản 2 Mục I của Thông tư này;
c) Người được cấp Thẻ giám định viên từ bỏ
hoạt động giám định.
6. Lập và công bố Danh sách giám định viên sở
hữu công nghiệp, thông báo thay đổi thông tin liên quan đến Thẻ giám định viên
a) Cục Sở hữu trí tuệ lập Danh sách giám định
viên sở hữu công nghiệp, ghi nhận, xoá tên giám định viên trong Danh sách giám
định viên sở hữu công nghiệp theo các quyết định cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám
định viên, ghi nhận hình thức hoạt động của giám định viên phù hợp với Danh
sách tổ chức giám định sở hữu công nghiệp quy định tại điểm 6 Mục
IV của Thông tư này. Danh sách giám định viên sở hữu công nghiệp được công
bố trên Công báo sở hữu công nghiệp và trên trang tin điện tử của Cục Sở hữu
trí tuệ cùng Danh sách tổ chức giám định sở hữu công nghiệp nêu trên.
b) Cục Sở hữu trí tuệ thông báo cho Sở Khoa
học và Công nghệ thông tin về các thay đổi liên quan đến Thẻ giám định viên của
những giám định viên hoạt động cho tổ chức giám định sở hữu công nghiệp của địa
phương tương ứng để phục vụ công tác cấp, cấp lại và thu hồi Giấy chứng nhận tổ
chức giám định tại địa phương.
IV. THẨM QUYỀN, THỦ
TỤC CẤP, THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH
1.[16] Thẩm
quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định
a) Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ có thẩm
quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định theo quy định tại
các khoản 2, 3, 4 và 5 Mục IV của Thông tư này cho các đơn
vị sự nghiệp là tổ chức khoa học và công nghệ đăng ký hoạt động khoa học và
công nghệ tại Bộ Khoa học và Công nghệ.
b) Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ có thẩm
quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định theo quy định tại
các khoản 2, 3, 4 và 5 Mục IV của Thông tư này cho các tổ
chức quy định tại khoản 3 Mục I của Thông tư này đăng ký
kinh doanh, đăng ký hoạt động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa
phương.
c) Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công
nghệ là cơ quan tiếp nhận và xem xét hồ sơ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận tổ chức
giám định theo thẩm quyền tương ứng quy định tại điểm a và điểm b trên đây.
2.[17] Hồ sơ
yêu cầu cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định
Hồ sơ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận tổ chức
giám định gồm 01 bộ tài liệu sau đây:
a) 02 Tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận tổ
chức giám định, làm theo mẫu quy định tại Phụ lục III
của Thông tư này;
b)[18] Bản
sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp), Giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh (đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã), Giấy chứng
nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ (đối với đơn vị sự nghiệp là tổ
chức khoa học và công nghệ), Quyết định thành lập và Giấy đăng ký hoạt động
(nếu pháp luật quy định phải đăng ký hoạt động - đối với đơn vị sự nghiệp không
phải là tổ chức khoa học và công nghệ) hoặc Giấy đăng ký hoạt động đối với tổ
chức hành nghề luật sư (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản
sao đã được chứng thực);
c) Bản sao Quyết định tuyển dụng hoặc hợp
đồng lao động giữa tổ chức và giám định viên sở hữu công nghiệp hoạt động cho
tổ chức (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được
chứng thực);
d) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường
hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của
Cục Sở hữu trí tuệ).
3. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám
định
Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ,
Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ xem xét hồ sơ theo quy định sau
đây:
a) Trường hợp hồ sơ đáp ứng quy định tại khoản 2 Mục IV của Thông tư này và tổ chức đáp ứng các điều
kiện quy định tại khoản 3 Mục I của Thông tư này, Cục
trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ ra quyết định cấp Giấy
chứng nhận tổ chức giám định, trong đó ghi rõ tên đầy đủ, tên giao dịch, địa
chỉ của tổ chức và chuyên ngành giám định của tổ chức tương ứng với chuyên
ngành giám định của các giám định viên thuộc tổ chức, Danh sách giám định viên
sở hữu công nghiệp là thành viên của tổ chức.
b) Trường hợp hồ sơ có thiếu sót hoặc tổ chức
không đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Mục I của Thông
tư này, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ ra
thông báo dự định từ chối chấp nhận hồ sơ, trong đó nêu rõ lý do và ấn định
thời hạn 1 tháng kể từ ngày ra thông báo để tổ chức nộp hồ sơ sửa chữa thiếu
sót hoặc có ý kiến phản đối. Khi hết thời hạn đã ấn định mà tổ chức nộp hồ sơ
không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý
kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng thì Cục trưởng Cục
Sở hữu trí tuệ, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ ra quyết định từ chối cấp Giấy
chứng nhận tổ chức giám định, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
c) Giấy chứng nhận tổ chức giám định được làm
theo mẫu quy định tại Phụ lục VI của Thông tư này.
4. Cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định
a) Theo yêu cầu của tổ chức giám định, Cục
trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ ra quyết định cấp
lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định trong trường hợp Giấy chứng nhận bị mất,
bị lỗi, bị hỏng (rách, bẩn, phai mờ...) đến mức không sử dụng được; hoặc có sự
thay đổi liên quan đến các thông tin đã được ghi nhận trong Giấy chứng nhận
theo quy định tại điểm a khoản 3 Mục IV của Thông tư này.
b) Tổ chức giám định có nghĩa vụ làm thủ tục
yêu cầu cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định cấp lại Giấy chứng
nhận để ghi nhận lại các thay đổi nêu tại điểm a khoản này.
c)[19] Quy
định tại khoản 2 và khoản 3 Mục IV của Thông tư này cũng
được áp dụng đối với thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định, trừ các
tài liệu quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 và thời hạn Cục Sở hữu trí tuệ,
Sở Khoa học và Công nghệ xem xét hồ sơ là 15 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ.
d) Trong trường hợp Giấy chứng nhận tổ chức
giám định bị lỗi do Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy
chứng nhận gây ra, thì cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm cấp lại Giấy
chứng nhận miễn phí trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của tổ
chức giám định.
5. Thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Giám đốc Sở
Khoa học và Công nghệ ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định
trong các trường hợp sau đây:
a) Có chứng cứ khẳng định rằng Giấy chứng
nhận được cấp trái với quy định của pháp luật;
b) Tổ chức không còn đáp ứng các điều kiện
quy định tại khoản 3 Mục I của Thông tư này;
c) Tổ chức chấm dứt hoạt động giám định.
6. Lập và công bố Danh sách tổ chức giám định
sở hữu công nghiệp, thông báo thay đổi liên quan đến Giấy chứng nhận tổ chức
giám định
a) Cục Sở hữu trí tuệ lập Danh sách tổ chức
giám định sở hữu công nghiệp, ghi nhận, xoá tên tổ chức giám định trong Danh
sách tổ chức giám định sở hữu công nghiệp theo Quyết định cấp, cấp lại, thu hồi
Giấy chứng nhận tổ chức giám định và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp,
trang tin điện tử của Cục Sở hữu trí tuệ.
b) Sở Khoa học và Công nghệ thông báo cho Cục
Sở hữu trí tuệ mọi thông tin về việc cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ
chức giám định để phục vụ việc lập Danh sách tổ chức giám định sở hữu công
nghiệp nêu tại điểm a khoản này.
V. THI HÀNH[20]
1. Khiếu nại, tố cáo
Việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại; việc tố
cáo, giải quyết tố cáo đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc
thực hiện thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám định viên, Giấy chứng nhận tổ
chức giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
2.[21] Phí,
lệ phí
Việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí
kiểm tra nghiệp vụ giám định, thẩm định hồ sơ, cấp, cấp lại Thẻ giám định viên
và Giấy chứng nhận tổ chức giám định quy định tại Thông tư này được thực hiện
theo quy định tại Thông tư số 22/2009/TT-BTC ngày 04/02/2009 của Bộ Tài chính
quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.
3. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15
ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn,
vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu, giải
quyết. /.
Nơi nhận:
-
Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
- Website của Bộ Khoa học và Công nghệ (để đăng lên Trang thông tin điện tử);
- Lưu: VT, Cục SHTT, PC.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN
HỢP NHẤT
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Việt Thanh
|
[1] Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN sửa đổi,
bổ sung Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 hướng dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ
giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ
chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Nghị định số
28/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Nghị định số
105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản
lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
Bộ trưởng Bộ Khoa học
và Công nghệ sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2008/TT- BKHCN ngày 25/02/2008
hướng dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng
nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp như sau:”
Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN sửa đổi, bổ
sung một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007, được sửa
đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 31/7/2010 và Thông tư số
01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số
04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009 có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Nghị định số
28/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Luật Sở hữu
trí tuệ ngày 29/11/2005, được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 36/2009/QH12 ngày
19/6/2009 (sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ);
Căn cứ Nghị quyết số
67/NQ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính
thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Bộ trưởng Bộ Khoa học
và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN
ngày 14/02/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006,
được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN (sau đây gọi là “Thông
tư số 01/2007/TT-BKHCN sửa đổi năm 2010”) và Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày
25/02/2008 hướng dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và
Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp,
được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009 (sau đây
gọi là “Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN sửa đổi năm 2009”) như sau:”
Thông tư số 04/2012/TT-BKHCN sửa đổi,
bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 hướng
dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận
tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ
sung theo Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009 và Thông tư số
18/2011/TT-BKHCN ngày 22/7/2011 có căn cứ ban hành như sau:
”Căn cứ Luật Sở hữu
trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 và Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/6/2009
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/11/2005 (sau đây
gọi là “Luật Sở hữu trí tuệ”);
Căn cứ Nghị định số
105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản
lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010
của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP (sau
đây gọi là “Nghị định số 105/2006/NĐ-CP sửa đổi”);
Căn cứ Nghị định số
28/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Bộ trưởng Bộ Khoa học
và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN
ngày 25/02/2008 hướng dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công
nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công
nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009
và Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22/7/2011 (sau đây gọi là “Thông tư số
01/2008/TT-BKHCN”) như sau:”
[2] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của
Thông tư số 04/2012/TT-BKHCN sửa
đổi, bổ sung một
số quy định của Thông
tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 hướng dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ
giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt
động giám định sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số
04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009 và Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN
ngày 22/7/2011, có hiệu lực kể từ ngày 29 tháng 3 năm 2012.
[3] Khoản này được sửa đổi, bổ
sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 04/2012/TT-BKHCN sửa đổi,
bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 hướng
dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận
tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ
sung theo Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009 và Thông tư số
18/2011/TT-BKHCN ngày 22/7/2011, có hiệu lực kể từ ngày 29 tháng 3 năm 2012.
[4] Khoản này được sửa đổi, bổ
sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 04/2012/TT-BKHCN sửa đổi,
bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 hướng
dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận
tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ
sung theo Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009 và Thông tư số
18/2011/TT-BKHCN ngày 22/7/2011, có hiệu lực kể từ ngày 29 tháng 3 năm 2012.
[5] Khoản này được bãi bỏ theo
quy định tại khoản 4 Điều 1 của Thông tư số 04/2012/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung
một số quy định của Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 hướng dẫn việc
cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức
đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo
Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009 và Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN
ngày 22/7/2011, có hiệu lực kể từ ngày 29 tháng 3 năm 2012.
[6] Điểm này được sửa đổi theo
quy định tại khoản 5 Điều 1 của Thông tư số 04/2012/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung
một số quy định của Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 hướng dẫn việc
cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức
đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo
Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009 và Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN
ngày 22/7/2011, có hiệu lực kể từ ngày 29 tháng 3 năm 2012.
[7] Điểm này được sửa đổi theo
quy định tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung
một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007, được sửa đổi,
bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 31/7/2010 và Thông tư số
01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số
04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2011.
[8] Điểm này được sửa đổi theo
quy định tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung
một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007, được sửa đổi,
bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 31/7/2010 và Thông tư số
01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số
04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2011.
[9] Điểm này được sửa đổi theo
quy định tại khoản 1 của Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Thông tư
số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 hướng dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ giám định
viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám
định sở hữu công nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 11 tháng 5 năm 2009.
[10] Khoản này được sửa đổi, bổ
sung theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN sửa đổi,
bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007, được
sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 31/7/2010 và Thông tư
số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số
04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2011.
[11] Điểm này được sửa đổi theo
quy định tại khoản 2 của Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Thông tư
số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 hướng dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ giám định
viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám
định sở hữu công nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 11 tháng 5 năm 2009.
[12] Điểm này được sửa đổi, bổ
sung theo quy định tại khoản 3 Điều 2 của Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN sửa đổi,
bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007, được
sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 31/7/2010 và Thông tư
số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số
04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2011.
[13] Khoản này được sửa đổi, bổ
sung theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN sửa đổi,
bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007, được
sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 31/7/2010 và Thông tư
số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số
04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2011.
[14] Điểm này được sửa đổi, bổ
sung theo quy định tại khoản 5 Điều 2 của Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN sửa đổi,
bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007, được
sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 31/7/2010 và Thông tư
số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số
04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2011.
[15] Khoản này được sửa đổi theo
quy định tại khoản 6 Điều 1 của Thông tư số 04/2012/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung
một số quy định của Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 hướng dẫn việc
cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức
đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo
Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009 và Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN
ngày 22/7/2011, có hiệu lực kể từ ngày 29 tháng 3 năm 2012.
[16] Khoản này được sửa đổi theo
quy định tại khoản 7 Điều 1 của Thông tư số 04/2012/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung
một số quy định của Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 hướng dẫn việc
cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức
đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo
Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009 và Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN
ngày 22/7/2011, có hiệu lực kể từ ngày 29 tháng 3 năm 2012.
[17] Khoản này được sửa đổi, bổ
sung theo quy định tại khoản 6 Điều 2 của Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN sửa đổi,
bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007, được
sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 31/7/2010 và Thông tư
số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số
04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2011.
[18] Điểm này được sửa đổi theo
quy định tại khoản 8 Điều 1 của Thông tư số 04/2012/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung
một số quy định của Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 hướng dẫn việc
cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức
đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo
Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009 và Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN
ngày 22/7/2011, có hiệu lực kể từ ngày 29 tháng 3 năm 2012, có hiệu lực kể từ
ngày 29 tháng 3 năm 2012.
[19] Điểm này được sửa đổi theo
quy định tại khoản 7 Điều 2 của Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung
một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007, được sửa đổi,
bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 31/7/2010 và Thông tư số
01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số
04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009, có
hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2011.
[20] Khoản 4 của Thông tư số
04/2009/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008
hướng dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng
nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp, có hiệu lực
kể từ ngày 11 tháng 5 năm 2009 quy định như sau:
“4.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Trong quá trình thực
hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Khoa học và
Công nghệ để nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.”
Điều
3 của Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông
tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số
13/2010/TT-BKHCN ngày 31/7/2010 và Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày
25/02/2008, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN ngày
27/3/2009, có
hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2011 quy định như sau:
“Điều
3. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày,
kể từ ngày ký ban hành.”
Điều 2 của Thông tư số
04/2012/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số
01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 hướng dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ giám định viên
sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định
sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN
ngày 27/3/2009 và Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22/7/2011, có hiệu lực kể
từ ngày 29 tháng 3 năm 2012 quy định như sau:
“Điều
2. Hiệu lực thi hành
Thông
tư này có hiệu lực thi hành sau 45, ngày kể từ ngày ký ban hành.
Trong quá trình thực
hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ
để nghiên cứu, giải quyết.”
[21] Khoản này được sửa đổi theo
quy định tại khoản 9 Điều 1 của Thông tư số 04/2012/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung
một số quy định của Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 hướng dẫn việc
cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức
đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo
Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009 và Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN
ngày 22/7/2011, có hiệu lực kể từ ngày 29 tháng 3 năm 2012.