Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 911/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum Người ký: Nguyễn Hữu Tháp
Ngày ban hành: 05/10/2021 Ngày hiệu lực:
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 911/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 05 tháng 10 năm 2021

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN DỆT THỔ CẨM KON TUM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH ngày 25 tháng 06 năm 2019 của Văn phòng Quốc hội về Luật Sở hữu trí tuệ;

Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp; Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;

Căn cứ Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BKHCN ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Quản lý và sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum.

Điều 3. Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; các Sở, ban ngành liên quan và các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm thổ cẩm mang Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục Sở hữu trí tuệ;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng UBND tỉnh: CVP, PCVP
KSX;
- Lưu: VT, KGVX.MNK.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tháp

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN DỆT THỔ CẨM KON TUM
(Kèm theo Quyết định số 911/QĐ-UBND ngày 05 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích

Quy chế này quy định về việc quản lý và sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum nhằm đảm bảo chất lượng, duy trì danh tiếng, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm và dịch vụ từ các sản phẩm thổ cẩm có nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Quy chế này được áp dụng cho việc quản lý và sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum cho các sản phẩm thổ cẩm và dịch vụ từ các sản phẩm thổ cẩm có nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Những nội dung có liên quan đến việc quản lý và sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum không được quy định trong Quy chế này sẽ được áp dụng theo Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Quy chế này áp dụng đối với chủ sở hữu Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum, tổ chức quản lý Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum và các tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum trong hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm và dịch vụ từ các sản phẩm thổ cẩm có nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ sử dụng được hiểu như sau:

1. Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum: là nhãn hiệu chứng nhận được áp dụng cho các sản phẩm thổ cẩm và dịch vụ các sản phẩm thổ cẩm có nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Kon Tum, bao gồm phần chữ và phần hình quy định tại Phụ lục 01 Quy chế này.

2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận: là văn bản do cơ quan quản lý Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum cấp cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm và dịch vụ từ các sản phẩm thổ cẩm có nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Quy chế này.

Điều 4. Chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ủy quyền cho Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum quản lý nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum.

Điều 5. Điều kiện được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ từ Dệt Thổ cẩm Kon Tum có nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Kon Tum được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận khi đáp ứng các điều kiện sau:

1. Có hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ từ các sản phẩm thổ cẩm nằm trong phạm vi vùng chứng nhận theo Bản đồ tại Phụ lục 02 Quy chế này.

2. Sản phẩm, dịch vụ yêu cầu cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận nằm trong danh mục các sản phẩm, dịch vụ tại Điều 7 Quy chế này.

3. Sản phẩm, dịch vụ yêu cầu cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận phải đáp ứng tiêu chí chứng nhận được quy định tại Điều 8 Quy chế này.

4. Sản phẩm được Tổ chức chứng nhận hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm dệt thổ cẩm chứng nhận theo quy định.

5. Cam kết thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các nội dung trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận của Quy chế này.

6. Chấp hành tốt các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Khu vực địa lý mang Nhãn hiệu chứng nhận

Khu vực địa lý mang Nhãn hiệu chứng nhận là vùng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm và dịch vụ từ các sản phẩm thổ cẩm có nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Kon Tum, được thể hiện trong bản đồ khu vực địa lý tại Phụ lục 02 Quy chế này.

Chương II

SẢN PHẨM VÀ CHẤT LƯỢNG MANG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN

Điều 7. Sản phẩm, dịch vụ mang Nhãn hiệu chứng nhận

1. Sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum gồm sản phẩm dệt thổ cẩm có gắn nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum để tiêu thụ hoặc sản xuất trên thị trường.

2. Dịch vụ mang Nhãn hiệu chứng nhận gồm:

a) Dịch vụ mua bán các sản phẩm Dệt Thổ cẩm Kon Tum mang Nhãn hiệu chứng nhận theo Khoản 1 Điều 7 của Quy chế này.

b) Dịch vụ quảng cáo, quảng bá sản phẩm Dệt Thổ cẩm Kon Tum mang Nhãn hiệu chứng nhận theo Khoản 1 Điều 7 của Quy chế này.

Điều 8. Chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận

Các đặc tính chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum được thể hiện tại Phụ lục 03 của Quy chế này.

Điều 9. Tiêu chí chứng nhận và phương pháp đánh giá

1. Tiêu chí chứng nhận

a) Sản phẩm mang Nhãn hiệu chứng nhận phải đáp ứng tiêu chí chứng nhận về nguồn gốc địa lý và chỉ tiêu chất lượng các sản phẩm thổ cẩm quy định tại Phụ lục 03 Quy chế này.

b) Dịch vụ mang Nhãn hiệu chứng nhận là các dịch vụ liên quan đến các sản phẩm thổ cẩm đã được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận.

2. Phương pháp đánh giá

a) Phương pháp đánh giá cảm quan và phương pháp đánh giá thông qua thẩm định hồ sơ, thẩm định trực tiếp tại tổ chức yêu cầu cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận. Khi cần thiết thì đánh giá qua kiểm định chất lượng của cơ quan kiểm định đủ điều kiện được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận hoặc chỉ định làm nhiệm vụ kiểm định.

b) Việc đánh giá được thực hiện bởi cơ quan quản lý Nhãn hiệu chứng nhận.

Chương III

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÃN HIỆU VÀ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN

Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan quản lý Nhãn hiệu chứng nhận

1. Phổ biến và cung cấp đầy đủ thông tin về trách nhiệm, quyền lợi của tổ chức, cá nhân sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận.

2. Tiếp nhận đăng ký sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Quy chế này.

3. Tổ chức triển khai các hoạt động cấp, đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận theo quy định tại Quy chế này.

4. Tổ chức kiểm tra việc sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận của tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận.

5. Ban hành các hướng dẫn về việc in ấn Nhãn hiệu chứng nhận và chi phí của tổ chức, cá nhân phải trả khi sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận.

6. Tiếp nhận và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về các hành vi vi phạm Quy chế này.

7. Phối hợp với cơ quản lý nhà nước của tỉnh có liên quan phát triển nhãn hiệu chứng nhận.

Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận

1. Quyền lợi:

a) Được sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận kèm nhãn hiệu riêng của tổ chức, cá nhân trên bao bì sản phẩm, phương tiện kinh doanh, quảng cáo và các giấy tờ giao dịch khác cho sản phẩm Dệt Thổ cẩm Kon Tum đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận.

b) Được khai thác, sử dụng và hưởng các lợi ích kinh tế phát sinh từ việc sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận.

c) Được tham gia vào các chương trình tập huấn, đào tạo về quản lý, sử dụng, quảng bá nhãn hiệu chứng nhận và hưởng các chính sách hiện hành của Nhà nước về hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ sử dụng và phát triển sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận.

d) Được quyền tham gia đề xuất các ý kiến liên quan đến việc quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận.

đ) Được quyền khiếu nại khi phát hiện bị xâm phạm quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum đã được cấp.

e) Được thực hiện các quyền tự bảo vệ và các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ:

a) Sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận theo quy định tại Phụ lục 01 Quy chế này và hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhãn hiệu chứng nhận.

b) Chỉ được sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Dệt Thổ cẩm Kon Tum đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận.

c) Đảm bảo chất lượng sản phẩm mang Nhãn hiệu chứng nhận; duy trì, bảo vệ và phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với Nhãn hiệu chứng nhận.

d) Thông báo đến Cơ quan quản lý Nhãn hiệu chứng nhận khi không còn nhu cầu sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận.

đ) Nộp chi phí theo quy định cho hoạt động cấp và duy trì hiệu lực Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận.

e) Báo cáo tình hình sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận định kỳ vào ngày 25 tháng 12 hàng năm và đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan quản lý Nhãn hiệu chứng nhận.

Chương IV

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN

Điều 12. Cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận

1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận nộp đơn trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan quản lý Nhãn hiệu chứng nhận và bản sao các tài liệu liên quan theo quy định của Quy chế này.

2. Trường hợp Đơn đăng ký không hợp lệ thì chậm nhất là sau 05 (năm) ngày làm việc, cơ quan quản lý Nhãn hiệu chứng nhận có văn bản đề nghị tổ chức, cá nhân sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện.

3. Trong thời hạn tối đa 10 (mười) ngày làm việc sau khi nhận được Đơn đăng ký hợp lệ của tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý Nhãn hiệu chứng nhận cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận cho tổ chức, cá nhân đó.

Điều 13. Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận

1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum theo Mẫu kèm theo Quy chế này.

2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum được lập 01 (một) bản chính trao cho tổ chức, cá nhân. Cơ quan quản lý Nhãn hiệu chứng nhận mở sổ theo dõi việc cấp, đình chỉ và thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận theo quy định.

Điều 14. Sửa đổi, bổ sung và cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận

1. Những trường hợp sau đây được sửa đổi, bổ sung và cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận:

a) Giấy chứng nhận hết hạn.

b) Có sự thay đổi nội dung thông tin trong Giấy chứng nhận đã cấp.

c) Giấy chứng nhận bị mờ, rách nát, thất lạc.

2. Trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung và cấp lại Giấy chứng nhận:

a) Trường hợp Giấy chứng nhận hết hạn: Trình tự, thủ tục thực hiện như cấp Giấy chứng nhận lần đầu.

b) Trường hợp Giấy chứng nhận thay đổi nội dung thông tin hay bị mờ, rách nát, thất lạc: Tổ chức, cá nhân gửi văn bản đến cơ quan quản lý Nhãn hiệu chứng nhận nêu rõ lý do đề nghị sửa đổi, bổ sung, cấp lại và kèm theo Giấy chứng nhận gốc (trừ trường hợp bị thất lạc).

- Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, cơ quan quản lý Nhãn hiệu chứng nhận cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận cho tổ chức, cá nhân.

- Trường hợp không cấp lại Giấy chứng nhận, cơ quan quản lý Nhãn hiệu chứng nhận phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do cho tổ chức, cá nhân.

Điều 15. Đình chỉ quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận

1. Tổ chức, cá nhân bị đình chỉ quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum trong trường hợp không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại Điều 5 của Quy chế này.

2. Thời hạn tạm đình chỉ tối đa không quá 06 (sáu) tháng kể từ ngày cơ quan quản lý ra Quyết định đình chỉ.

3. Trong thời hạn bị đình chỉ, tổ chức, cá nhân không được sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum dưới bất kỳ hình thức nào.

4. Tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum trở lại khi đã khắc phục được những vi phạm và gửi báo cáo kết quả khắc phục kèm theo tài liệu chứng minh và được cơ quan quản lý Nhãn hiệu ra Quyết định cho phép sử dụng lại.

Điều 16. Thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận

1. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận trong các trường hợp sau:

a) Khi không còn nhu cầu sử dụng và tự đề nghị thu hồi.

b) Sau 06 (sáu) tháng bị đình chỉ vẫn chưa khắc phục được vi phạm.

c) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.

d) Khi vi phạm quy định tại Điều 19 Quy chế này.

2. Khi bị thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng, tổ chức, cá nhân phải dừng ngay việc sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm dệt thổ cẩm của tỉnh Kon Tum.

3. Tổ chức, cá nhân không được xem xét cấp lại nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum trong vòng 01 (một) năm tính từ ngày ra Quyết định thu hồi.

Điều 17. Kiểm tra việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận

1. Đơn vị quản lý tiến hành kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum trên địa bàn như sau:

a) Kiểm tra sau cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận trong vòng 06 (sáu) tháng kể từ ngày cấp.

b) Kiểm tra định kỳ 01 (một) năm một lần kể từ năm thứ hai trở đi.

2. Thành lập Tổ kiểm tra việc sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum: Tổ kiểm tra do cơ quan quản lý Nhãn hiệu chứng nhận quyết định thành lập. Tổ kiểm tra gồm các cơ quan có liên quan về quản lý Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum.

3. Nội dung kiểm tra:

a) Kiểm tra hồ sơ, tài liệu gốc về điều kiện được quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum.

b) Kiểm tra hiện trạng cơ sở sản xuất, kinh doanh Dệt Thổ cẩm Kon Tum.

c) Lấy mẫu sản phẩm để phân tích các chỉ tiêu chất lượng trong trường hợp xét thấy chất lượng các sản phẩm Dệt Thổ cẩm Kon Tum không đảm bảo chất lượng.

Điều 18. Kinh phí về quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận

1. Từ nguồn thu của người sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận và của cơ quan quản lý nhãn hiệu.

2. Từ các nguồn tài trợ, các khoản thu hợp pháp khác.

Chương V

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 19. Các hành vi vi phạm

1. Làm trái các quy định của Quy chế này.

2. Những hành vi xâm phạm quyền sở hữu và quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận theo quy định của pháp luật.

3. Tự ý chuyển giao quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum dưới bất kì hình thức nào, kể cả trường hợp tự cho phép sử dụng giữa các đơn vị thành viên trực thuộc hoặc đơn vị chủ quản.

Điều 20. Hình thức xử lý vi phạm

Tùy theo mức độ, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu và quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận có thể bị xử phạt như sau:

1. Tạm đình chỉ hoặc thu hồi quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm tại Khoản 1 Điều 19 Quy chế này.

2. Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm tại Khoản 2 Khoản 3 Điều 19 Quy chế này.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21. Trách nhiệm phát hiện và xử lý vi phạm

1. Các tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum đều có quyền và nghĩa vụ yêu cầu cơ quan quản lý Nhãn hiệu chứng nhận xử lý vi phạm theo quy định của Quy chế này và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.

2. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh khi sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại Quy chế này. Trường hợp vi phạm, tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy chế và các quy định pháp luật hiện hành.

3. Cơ quan quản lý Nhãn hiệu chứng nhận có trách nhiệm theo dõi và xử lý các trường hợp sai phạm hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi, vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Cơ chế giải quyết tranh chấp về Nhãn hiệu chứng nhận

1. Đối với các tranh chấp xảy ra trong nội bộ giữa các thành viên được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum thì cơ quan quản lý Nhãn hiệu chứng nhận có trách nhiệm chủ trì giải quyết.

2. Đối với các tranh chấp về Nhãn hiệu chứng nhận với bên ngoài (của thành viên được quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận hoặc cơ quan quản lý Nhãn hiệu chứng nhận với các cá nhân, tổ chức bên ngoài) thì cơ quan quản lý Nhãn hiệu chứng nhận đại diện giải quyết theo quy định của pháp luật.

3. Đối với các tranh chấp giữa cơ quan quản lý Nhãn hiệu chứng nhận với cá nhân, tổ chức sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum sẽ do cơ quan quản lý nhãn hiệu giải quyết lần đầu và Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum giải quyết lần cuối.

Điều 23. Khen thưởng

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong quá trình quản lý, sử dụng và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum được khen thưởng theo quy định hiện hành.

Điều 24. Điều khoản thi hành

1. Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan quản lý Nhãn hiệu chứng nhận:

a) Thực hiện việc quản lý và sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ và các quy định của pháp luật có liên quan.

b) Tổ chức triển khai thực hiện quản lý và sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận theo quy định tại Quy chế này trong phạm vi được ủy quyền.

c) Phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức chứng nhận, các tổ chức, cá nhân có liên quan đẩy mạnh việc sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận nhằm nâng tầm các sản phẩm thổ cẩm thị trường trong nước và ngoài nước.

2. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh đến cơ quan quản lý nhãn hiệu để chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

PHỤ LỤC 01

BIỂU TRƯNG (LOGO) NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN DỆT THỔ CẨM KON TUM
(Kèm theo Quyết định số   /QĐ-UBND ngày   tháng   năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

Nhóm 18: Túi vải; Địu trẻ em; Ví đựng tiền; Ví đựng đồ cá nhân; Cặp sách; Ba lô (tất cả làm bằng vải dệt thổ cẩm).

Nhóm 20: Gối thổ cẩm.

Nhóm 24: Vải thổ cẩm; vải thổ cẩm dùng cho gia đình như: khăn trải bàn, khăn trải giường, khăn phủ gối, rèm, vỏ chăn, vỏ gối, vỏ nệm.

Nhóm 25: Đồ đội đầu; quần áo; khăn choàng; mũ; cà vạt; khố (tất cả làm bằng vải dệt thổ cẩm).

Nhóm 35: Dịch vụ mua bán - xuất nhập khẩu sản phẩm làm từ dệt thổ cẩm; Dịch vụ quảng cáo, quảng bá nhằm mục đích kinh doanh các sản phẩm dệt thổ cẩm.

PHỤC LỤC 02

BẢN ĐỒ VÙNG ĐỊA LÝ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN DỆT THỔ CẨM KON TUM
(Kèm theo Quyết định số   /QĐ-UBND ngày   tháng   năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

PHỤC LỤC 03

CHỈ TIÊU CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM MANG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN DỆT THỔ CẨM KON TUM
(Kèm theo Quyết định số   /QĐ-UBND ngày   tháng   năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

Để được sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận, sản phẩm thổ cẩm phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

1. Chỉ tiêu về nguyên liệu, cảm quan và màu sắc:

1.1 Về nguyên liệu dệt vải thổ cẩm:

Nguyên liệu sử dụng để dệt vải thổ cẩm gồm: Sợi truyền thống và sợi công nghiệp. Sợi truyền thống: Là các sản phẩm sợi tự nhiên được sản xuất theo phương pháp truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ của tỉnh Kon Tum, trong khu vực địa lý tương ứng kèm theo nhãn hiệu chứng nhận Dệt thổ cẩm Kon Tum.

- Sợi công nghiệp: Là các loại sợi sản xuất công nghiệp, được bà con dân tộc thiểu số tại chỗ của tỉnh Kon Tum sử dụng để sản xuất các sản phẩm Dệt thổ cẩm Kon Tum.

1.2 Về màu sắc và họa tiết hoa văn:

1.2.1. Màu sắc và họa tiết hoa văn tiêu biểu của sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Xơ Đăng:

Màu sắc đặc trưng và họa tiết hoa văn nổi bật trong sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon Tum có đặc trưng nền màu xanh đậm, trên nền có thêu các đường thêu kẻ sọc ngang nhiều màu sắc như sau:

+ Đường thêu kẻ sọc màu xanh lá cây, với hai đường viền được thêu màu đỏ, chính giữa được thêu màu đỏ đậm;

+ Đường thêu kẻ sọc màu đỏ; Trong đó nổi bật là:

+ Đường thêu kẻ sọc màu xanh, hai đường viền màu đỏ, trên nền được thêu các đường thêu sọc đứng, nhỏ, màu xanh lá cây. Trên nền được thêu đường cong hình sin, màu xanh đậm. Tại mỗi điểm vòng cung của đường cong được thêu hình bông hoa màu xanh đậm;

+ Đường thêu kẻ sọc màu đỏ, hai đường viền màu xanh nước biển, trên nền được thêu các đường thêu kẻ sọc đứng và các hoa văn màu xanh lá cây.

1.2.2. Màu sắc và họa tiết hoa văn tiêu biểu của sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Ba Na:

Màu sắc đặc trưng và họa tiết hoa văn nổi bật trong sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Ba Na tỉnh Kon Tum có đặc trưng nền màu xanh đậm, trên nền có thêu các đường thêu kẻ sọc ngang nhiều màu sắc như sau:

+ Các đường thêu kẻ sọc màu xanh đậm;

+ Các đường thêu kẻ sọc màu đỏ;

+ Các đường thêu kẻ sọc màu xanh lá cây:

+ Các đường thêu kẻ sọc màu trắng; Trong đó nổi bật là:

+ Các đường thêu kẻ sọc màu trắng, với mũi thêu được móc thành các mũi móc so le với nhau, trên nền vải màu xanh đậm.

+ Nổi bật nhất là các đường thêu kẻ sọc có nền màu xanh đậm, trên nền có thêu hình các họa tiết như sau: Các đường thêu màu trắng tạo thành hình chữ X, trong đó xen chính giữa hình chữ X có một đường thêu màu trắng, thẳng đứng đi qua tâm. Xen giữa các hình thêu chữ X là hình thêu các bông hoa màu trắng có đặc điểm tạo hình là: Bông hoa có sáu cánh, mỗi cánh được thêu tạo hình quả trám.

1.2.3. Màu sắc và họa tiết hoa văn tiêu biểu của sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Gia Rai:

Màu sắc đặc trưng và họa tiết hoa văn nổi bật trong sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Gia Rai tỉnh Kon Tum có đặc trưng nền màu xanh đậm, trên nền có thêu các đường thêu kẻ sọc ngang nhiều màu sắc như sau:

+ Đường thêu kẻ sọc màu vàng được thêu xen lẫn các đường thêu màu nâu;

+ Đường thêu kẻ sọc màu đỏ;

Nổi bật nhất là đường thêu kẻ sọc:

+ Đường thêu kẻ sọc màu hồng được thêu họa tiết màu trắng hình quả trám nối tiếp, trong đó chính giữa hình quả trám được thêu các hình tam giác nhỏ màu trắng, chính giữa được thêu thêm một hình quả trám nhỏ;

+ Đường thêu kẻ sọc nền màu xanh lá cây, trên nền được thêu đường cong hình sin, màu trắng. Tại mỗi điểm vòng cung của đường cong được thêu hình bông hoa nhỏ màu trắng.

1.2.4. Màu sắc và họa tiết hoa văn tiêu biểu của sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Gié Triêng:

Màu sắc đặc trưng và họa tiết hoa văn nổi bật trong sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Gié Triêng tỉnh Kon Tum có đặc trưng nền màu xanh đậm, trên nền có thêu các đường thêu kẻ sọc ngang nhiều màu sắc như sau:

+ Đường thêu kẻ sọc màu vàng;

+ Đường thêu kẻ sọc màu đỏ;

+ Đường thêu kẻ sọc màu trắng.

Trong đó, nổi bật nhất là đường thêu kẻ sọc được thêu hai đường viền màu trắng, trên nền được thêu các mũi thêu màu hồng và màu trắng móc với nhau tạo các hình trụ tròn trải đều khắp đường thêu này.

1.2.5. Màu sắc và họa tiết hoa văn tiêu biểu của sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Brâu:

Màu sắc đặc trưng và họa tiết hoa văn nổi bật trong sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Brâu tỉnh Kon Tum có đặc trưng nền màu xanh đậm, trên nền có thêu các đường thêu kẻ sọc ngang nhiều màu sắc như sau:

+ Đường thêu kẻ sọc màu trắng;

+ Đường thêu kẻ sọc màu xanh lá cây;

+ Đường thêu kẻ sọc màu đỏ;

+ Đường thêu kẻ sọc màu xanh đậm.

Trong đó, nổi bật là:

+ Các đường thêu kẻ sọc màu nâu, trên nền được thêu các chấm tròn, nhỏ màu trắng được cách đều nhau, trải khắp trên nền của đường thêu kẻ.

+ Và một đường thêu kẻ sọc có nền được thêu các đường thêu kẻ sọc nhỏ màu trắng và màu hồng được thêu thành các sọc đứng đan xen lại với nhau.

1.2.6. Màu sắc và họa tiết hoa văn tiêu biểu của sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Rơ Măm:

Màu sắc đặc trưng và họa tiết hoa văn nổi bật trong sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Rơ Mâm tỉnh Kon Tum có đặc trưng nền màu trắng ngà, trên nền có thêu các đường thêu kẻ sọc ngang nhiều màu sắc như sau:

+ Đường thêu màu đỏ;

+ Đường thêu màu xanh lá cây;

+ Đường thêu màu đỏ nhạt có lẫn các các sợi màu trắng;

+ Đường thêu màu xanh nước biển;

+ Đường thêu màu đen;

+ Đường thêu nền màu xanh lá cây, trên nền được thêu đường cong hình sin, màu xanh đậm. Tại mỗi điểm vòng cung của đường cong được thêu hình bông hoa màu xanh đậm.

1.2.7. Màu sắc và họa tiết hoa văn tiêu biểu của sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Hrê:

Màu sắc đặc trưng và họa tiết hoa văn nổi bật trong sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Hrê tỉnh Kon Tum có đặc trưng nền màu xanh đậm, trên nền có thêu các đường thêu kẻ sọc ngang nhiều màu sắc như sau:

+ Đường thêu kẻ sọc màu đỏ;

+ Đường thêu kẻ sọc màu trắng;

+ Đường thêu kẻ sọc màu xanh đậm;

Trong đó nổi bật là:

+ Đường thêu kẻ sọc ngang màu xanh, thêu đan xen màu trắng được thêu ở hai bìa ngoài của các đường thêu kẻ sọc.

+ Đường thêu kẻ sọc nằm chính giữa, các đường thêu kẻ sọc có hai đường viền sọc ngang màu trắng, trên nền có thêu các đường thêu sọc đứng, màu xanh đỏ trắng.

+ Đường thêu kẻ sọc nền màu trắng, chính giữa được thêu một đường thêu kẻ sọc ngang màu đỏ, hai đường viền được thêu các đường thêu kẻ sọc ngang hình răng cưa, màu đỏ.

2. Chỉ tiêu về tiêu chuẩn chất lượng:

2.1. Giới hạn về hàm lượng formaldehyt:

STT

Nhóm sản phẩm dệt may

Mức giới hạn tối đa (mg/kg)

1

Sản phẩm dệt may cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi

30

2

Sản phẩm dệt may tiếp xúc trực tiếp với da

75

3

Sản phẩm dệt may không tiếp xúc trực tiếp với da

300

2.2. Giới hạn về hàm lượng amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm:

STT

Tên hàm lượng amin thơm

Mức giới hạn tối đa (mg/kg)

1

Biphenyl-4-ylamin/ 4-aminobiphenyl xenylamin

30 mg/kg

2

Benzidin

30 mg/kg

3

4-clo-o-toluidin

30 mg/kg

4

2-naphtylamin

30 mg/kg

5

o-aminoazotoluen/ 4-amino-2’,3-dimetylazobenzen/ 4-o- tolylazo-o-toluidin

30 mg/kg

6

5-Nitro-o-toluidin

30 mg/kg

7

4-cloanilin

30 mg/kg

8

4-metoxy-m-phenylendiamin

30 mg/kg

9

4,4’-diaminobiphenylmetan/ 4,4’-metylendianilin

30 mg/kg

10

3,3-diclobenzidin/ 3,3’-diclobiphenyl-4,4’-ylendiamin

30 mg/kg

11

3,3’-dimetoxybenzidin/ o-dianisidin

30 mg/kg

12

3,3’-dimetylbenzidin/4 ,4’-bi-o-toluidin

30 mg/kg

13

4,4'-metylendi-o-toluidin

30 mg/kg

14

6-metoxy-m-toluidin/ p-cresidin

30 mg/kg

15

4,4’-metylen-bis-(2-clo-anilin)

30 mg/kg

16

4,4’-oxydianilin

30 mg/kg

17

4,4’-thiodianilin

30 mg/kg

18

o-toluidin/ 2-aminotoluen

30 mg/kg

19

4-metyl-m-phenylendiamin

30 mg/kg

20

2,4,5-trimetylanilin

30 mg/kg

21

o-anisidin/ 2-metoxyanilin

30 mg/kg

22

4-aminoazobenzen

30 mg/kg

Ghi chú: Áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số số QCVN 01: 2017/BCT ban hành theo Thông tư số 21/2017/TT-BCT ngày 23 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng
Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum

Kính gửi: Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum.

Tên tổ chức, cá nhân đề nghị: ..................................................................................

Địa chỉ: .....................................................................................................................

Điện thoại:.................................................................................................................

Email: .......................................................................................................................

Quyết định thành lập hoặc giấy phép kinh doanh (nếu có): ....................................

Căn cứ Quy chế Quản lý và sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum ban hành kèm theo Quyết định số …./QĐ-BDT ngày … tháng … năm … của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum;

Đối chiếu với điều kiện cụ thể của đơn vị, tôi/chúng tôi đề nghị được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum,

Loại sản phẩm, dịch vụ mang Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum đề nghị:

Sản phẩm đề nghị:.....................................................................................................

Dịch vụ đề nghị:........................................................................................................

Quy mô sản xuất, kinh doanh: .................................................................................

Địa điểm sản xuất, kinh doanh: ...............................................................................

Tôi/ Chúng tôi cam đoan những thông tin nêu trên là đúng sự thật; đồng thời cam kết thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các yêu cầu của chủ sở hữu Nhãn hiệu chứng nhận quy định về quản lý và sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum.

…, ngày… tháng… năm….
 
Tổ chức, cá nhân đề nghị
(ký tên, đóng dấu)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BẢN CAM KẾT

Về việc sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận
Dệt Thổ cẩm Kon Tum

Kính gửi: Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum.

Tên (đơn vị, cá nhân): ..............................................................................................

Địa chỉ: .....................................................................................................................

Điện thoại:.................................................................................................................

Email: .......................................................................................................................

Quyết định thành lập hoặc giấy phép kinh doanh (nếu có): ....................................

Sau khi được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum, tôi/ chúng tôi xin cam kết thực hiện các nội dung như sau:

1. Sử dụng đúng và chính xác Nhãn hiệu chứng nhận gồm cả tên nhãn hiệu và hình ảnh logo;

2. Chỉ sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm và dịch vụ đã được chủ sở hữu Nhãn hiệu chứng nhận cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận;

3. Nhãn hiệu chứng nhận được sử dụng kèm với nhãn hiệu chính thức của đơn vị, nhưng không sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận làm nhãn hiệu chính cho sản phẩm, dịch vụ của mình;

4. Không chuyển nhượng hay chuyển giao quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận dưới bất kỳ hình thức nào;

5. Chấp hành chế độ kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất của chủ sở hữu Nhãn hiệu chứng nhận về việc sử dụng nhãn hiệu của đơn vị;

6. Nộp đầy đủ các khoản phí theo quy định;

7. Thực hiện đầy đủ các nội dung của Bản cam kết này và các quy định tại Quy chế Quản lý và sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum;

8. Tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định liên quan đến việc sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận nhằm duy trì, bảo vệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum;

9. Duy trì và bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ mang Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum.

Nếu vi phạm những điều đã cam kết trên, tôi/chúng tôi xin chịu mọi hình thức xử lý theo quy định của pháp luật./.

…, ngày… tháng… năm….
Tổ chức, cá nhân cam kết
(ký tên, đóng dấu)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Về việc cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận quyền sử dụng
Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum

Kính gửi: Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum

I. THÔNG TIN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐỀ NGHỊ

Tên tổ chức, cá nhân đề nghị: ...........................................................................................

Địa chỉ: .............................................................................................................................

Điện thoại: ......................................................................................................................... Email: ................................................................................................................................

Quyết định thành lập hoặc giấy phép kinh doanh (nếu có): .............................................

II. NỘI DUNG YÊU CẦU

Tôi/Chúng tôi đề nghị được cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum.

- Số Giấy chứng nhận (được cấp lần đầu): .............................................................

Cấp ngày: ...............................................................................................................

- Lý do đề nghị cấp lại, sửa đổi, bổ sung: .................................................................

□ Giấy chứng nhận bị mất

□ Giấy chứng nhận bị hư hỏng

□ Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum.

III. CẬP NHẬT THÔNG TIN

Sản phẩm đề nghị cấp: ......................................................................................................

Dịch vụ để nghị cấp:……………………………………………………………………..

Địa điểm sản xuất, kinh doanh: ........................................................................................

Tôi/Chúng tôi cam đoan những thông tin nêu trên là đúng sự thật; đồng thời cam kết thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Chủ sở hữu Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum./.

……………………., ngày… tháng… năm….
Người đề nghị
(ký tên, đóng dấu)

UBND TỈNH KON TUM
BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Kon Tum, ngày … tháng … năm …

GIẤY CHỨNG NHẬN

QUYỀN SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN DỆT THỔ CẨM KON TUM

Số:…

Chủ Giấy chứng nhận: (Tên tổ chức/cá nhân được cấp, địa chỉ)

Cấp theo Quyết định số: …/QĐ-BDT, ngày: …/…/…

Có hiệu lực từ ngày cấp đến hết ba (03) năm (có thể gia hạn)./.

TRƯỞNG BAN

GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN

SỐ: …

1. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận có quyền:

a) Gắn Nhãn hiệu chứng nhận trên bao bì, phương tiện kinh doanh, thư từ giao dịch, phương tiện quảng cáo cho các loại sản phẩm thổ cẩm đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum do mình sản xuất, kinh doanh.

b) Có quyền khai thác, sử dụng và thụ hưởng các lợi ích phát sinh từ Nhãn hiệu chứng nhận.

c) Được sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận kèm với nhãn hiệu riêng, không được sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận làm nhãn hiệu chính cho các sản phẩm thổ cẩm khác của mình.

d) Được tham gia các chương trình quảng bá, phát triển Nhãn hiệu chứng nhận do chủ sở hữu chứng nhận và tổ chức, cá nhân khác tổ chức.

2. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận có nghĩa vụ:

a) Sử dụng đúng và chính xác Nhãn hiệu chứng nhận gồm cả phần chữ và phần hình theo mẫu đã được cấp.

b) Chỉ sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận cho các loại sản phẩm thổ cẩm được liệt kê trong Giấy chứng nhận này.

c) Tuân thủ các quy định do Chủ sở hữu Nhãn hiệu chứng nhận ban hành./.

THUYẾT MINH

MẪU NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN ĐỆT THỔ CẨM KON TUM
(Kèm theo Quyết định số 911/QĐ-UBND ngày 05 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

1. Về cấu trúc thể hiện mẫu logo:

1.1. Mẫu logo đề xuất sử dụng:

1.2. Cấu trúc của logo: Logo được thiết kế bao gồm các yếu tố chữ và hình, cụ thể như sau:

Yếu tố chữ: Phần chữ sử dụng trong logo là dòng chữ “DỆT THỔ CẨM KON TUM”, và dòng chữ tiếng Anh tương ứng là “KON TUM BROCADE WEAVING” được thiết kế là mẫu chữ in hoa, thể hiện to, rõ ràng, đặt ở phía trên và phía dưới trên đường viền của hình tròn. Màu sắc (nâu) chủ đạo tương phản với màu nền (trắng) của logo, tạo ấn tượng nhận diện rõ nét, dễ nhìn.

Yếu tố hình họa: Phần hình bao gồm hai đường tròn đồng tâm, hình hai ngôi sao, hình bông hoa cách điệu, được thiết kế từ mẫu hoa văn thổ cẩm đặc trưng nhất của 7 dân tộc có sản phẩm dệt thổ cẩm thuộc dự án. Logo được thiết kế thêm phần hình nhận diện logo biểu trưng của tỉnh Kon Tum đặt chính giữa tâm của các hình tròn đồng tâm.

2. Về ý nghĩa tổng quát của mẫu Nhãn hiệu: được thiết kế dựa trên sự kết hợp hoa văn tiêu biểu dệt thổ cẩm của 7 dân tộc thiểu số tại chỗ tạo thành một bông hoa đầy màu sắc, vừa giới thiệu được nét đặc trưng của sản phẩm dệt thổ cẩm của từng dân tộc, vừa thể hiện sự bình đẳng, đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc thiểu số tại chỗ, vừa phản ảnh khát vọng tỏa sáng, vươn xa của sản phẩm dệt thổ cẩm tỉnh Kon Tum.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 911/QĐ-UBND ngày 05/10/2021 về Quy chế quản lý và sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm tỉnh Kon Tum

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6

DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.200.102
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!