Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Sở hữu trí tuệ 2005 số 50/2005/QH11 áp dụng 2024

Số hiệu: 50/2005/QH11 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Văn An
Ngày ban hành: 29/11/2005 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/2005/QH11

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2005

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Khoá XI, kỳ họp thứ 8
(Từ ngày 18 tháng 10 đến ngày 29 tháng 11 năm 2005)

LUẬT

SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;

Luật này quy định về sở hữu trí tuệ.

PHẦN THỨ NHẤT

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật này và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 3. Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ

1. Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.

2. Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.

3. Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là giống cây trồng và vật liệu nhân giống.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

2. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

3. Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

4. Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

5. Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.

6. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.

7. Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.

8. Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.

9. Tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố là tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã được phát hành với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan để phổ biến đến công chúng với một số lượng bản sao hợp lý.

10. Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hoặc tạm thời tác phẩm dưới hình thức điện tử.

11. Phát sóng là việc truyền âm thanh hoặc hình ảnh hoặc cả âm thanh và hình ảnh của tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đến công chúng bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả việc truyền qua vệ tinh để công chúng có thể tiếp nhận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn.

12. Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

13. Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.

14. Mạch tích hợp bán dẫn là sản phẩm dưới dạng thành phẩm hoặc bán thành phẩm, trong đó các phần tử với ít nhất một phần tử tích cực và một số hoặc tất cả các mối liên kết được gắn liền bên trong hoặc bên trên tấm vật liệu bán dẫn nhằm thực hiện chức năng điện tử. Mạch tích hợp đồng nghĩa với IC, chip và mạch vi điện tử.

15. Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là thiết kế bố trí) là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn.

16. Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

17. Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.

18. Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

19. Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau.

20. Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

21. Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

Khu vực kinh doanh quy định tại khoản này là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.

22. Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

23. Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.

24. Giống cây trồng là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được.

25. Văn bằng bảo hộ là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân nhằm xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; quyền đối với giống cây trồng.

Điều 5. Áp dụng pháp luật

1. Trong trường hợp có những vấn đề dân sự liên quan đến sở hữu trí tuệ không được quy định trong Luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự.

2. Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về sở hữu trí tuệ của Luật này với quy định của luật khác thì áp dụng quy định của Luật này.

3. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 6. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ

1. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất l­ượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký.

2. Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chư­ơng trình được mã hoá được định hình hoặc thực hiện mà không gây ph­ương hại đến quyền tác giả.

3. Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau:

a) Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký;

b) Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó;

c) Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó;

d) Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.

4. Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này.

Điều 7. Giới hạn quyền sở hữu trí tuệ

1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ theo quy định của Luật này.

2. Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Trong trường hợp nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của Nhà nước, xã hội quy định tại Luật này, Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền của mình hoặc buộc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình với những điều kiện phù hợp.

Điều 8. Chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ

1. Công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng; không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh.

2. Khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

3. Hỗ trợ tài chính cho việc nhận chuyển giao, khai thác quyền sở hữu trí tuệ phục vụ lợi ích công cộng; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ cho hoạt động sáng tạo và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

4. Ưu tiên đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng liên quan làm công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Điều 9. Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 10. Nội dung quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ

1. Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ.

3. Tổ chức bộ máy quản lý về sở hữu trí tuệ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về sở hữu trí tuệ.

4. Cấp và thực hiện các thủ tục khác liên quan đến Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp, Bằng bảo hộ giống cây trồng.

5. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về sở hữu trí tuệ; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.

6. Tổ chức hoạt động thông tin, thống kê về sở hữu trí tuệ.

7. Tổ chức, quản lý hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ.

8. Giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về sở hữu trí tuệ.

9. Hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ.

Điều 11. Trách nhiệm quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và thực hiện quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.

Bộ Văn hoá - Thông tin trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại địa phương theo thẩm quyền.

5. Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các cấp.

Điều 12. Phí, lệ phí về sở hữu trí tuệ

Tổ chức, cá nhân phải nộp phí, lệ phí khi tiến hành các thủ tục liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

PHẦN THỨ HAI

QUYỀN TÁC GIẢ VÀ QUYỀN LIÊN QUAN

Chương I

ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ VÀ QUYỀN LIÊN QUAN

Mục 1. ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ

Điều 13. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

1. Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại các điều từ Điều 37 đến Điều 42 của Luật này.

2. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại khoản 1 Điều này gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

c) Tác phẩm báo chí;

d) Tác phẩm âm nhạc;

đ) Tác phẩm sân khấu;

e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);

g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

h) Tác phẩm nhiếp ảnh;

i) Tác phẩm kiến trúc;

k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học;

l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

2. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

3. Tác phẩm được bảo hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.

4. Chính phủ hướng dẫn cụ thể về các loại hình tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 15. Các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả

1. Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin.

2. Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.

3. Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.

Mục 2. ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 16. Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền liên quan

1. Diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm văn học, nghệ thuật (sau đây gọi chung là người biểu diễn).

2. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu cuộc biểu diễn quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác (sau đây gọi là nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình).

4. Tổ chức khởi xướng và thực hiện việc phát sóng (sau đây gọi là tổ chức phát sóng).

Điều 17. Các đối tượng quyền liên quan được bảo hộ

1. Cuộc biểu diễn được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Cuộc biểu diễn do công dân Việt Nam thực hiện tại Việt Nam hoặc nước ngoài;

b) Cuộc biểu diễn do người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam;

c) Cuộc biểu diễn được định hình trên bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo quy định tại Điều 30 của Luật này;

d) Cuộc biểu diễn chưa được định hình trên bản ghi âm, ghi hình mà đã phát sóng được bảo hộ theo quy định tại Điều 31 của Luật này;

đ) Cuộc biểu diễn được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có quốc tịch Việt Nam;

b) Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá của tổ chức phát sóng có quốc tịch Việt Nam;

b) Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá của tổ chức phát sóng được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá chỉ được bảo hộ theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này với điều kiện không gây ph­ương hại đến quyền tác giả.

Chương II

NỘI DUNG, GIỚI HẠN QUYỀN, THỜI HẠN BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Mục 1. NỘI DUNG, GIỚI HẠN QUYỀN, THỜI HẠN BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ

Điều 18. Quyền tác giả

Quyền tác giả đối với tác phẩm quy định tại Luật này bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

Điều 19. Quyền nhân thân

Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:

1. Đặt tên cho tác phẩm;

2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Điều 20. Quyền tài sản

1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:

a) Làm tác phẩm phái sinh;

b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

c) Sao chép tác phẩm;

d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Điều 21. Quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu

1. Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh được hưởng các quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này và các quyền khác theo thoả thuận.

Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, biên đạo múa, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật sân khấu, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm sân khấu được hưởng các quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này và các quyền khác theo thoả thuận.

2. Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu là chủ sở hữu các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều này có nghĩa vụ trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác theo thoả thuận với những người quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 22. Quyền tác giả đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu

1. Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.

Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.

2. Sưu tập dữ liệu là tập hợp có tính sáng tạo thể hiện ở sự tuyển chọn, sắp xếp các tư liệu dưới dạng điện tử hoặc dạng khác.

Việc bảo hộ quyền tác giả đối với sưu tập dữ liệu không bao hàm chính các tư liệu đó, không gây phương hại đến quyền tác giả của chính tư liệu đó.

Điều 23. Quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian

1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là sáng tạo tập thể trên nền tảng truyền thống của một nhóm hoặc các cá nhân nhằm phản ánh khát vọng của cộng đồng, thể hiện tương xứng đặc điểm văn hoá và xã hội của họ, các tiêu chuẩn và giá trị được lưu truyền bằng cách mô phỏng hoặc bằng cách khác. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian bao gồm:

a) Truyện, thơ, câu đố;

b) Điệu hát, làn điệu âm nhạc;

c) Điệu múa, vở diễn, nghi lễ và các trò chơi;

d) Sản phẩm nghệ thuật đồ hoạ, hội hoạ, điêu khắc, nhạc cụ, hình mẫu kiến trúc và các loại hình nghệ thuật khác được thể hiện dưới bất kỳ hình thức vật chất nào.

2. Tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian phải dẫn chiếu xuất xứ của loại hình tác phẩm đó và bảo đảm giữ gìn giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian.

Điều 24. Quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học

Việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này do Chính phủ quy định cụ thể.

Điều 25. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao

1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:

a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;

b) Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;

c) Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;

d) Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;

đ) Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;

e) Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;

g) Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;

h) Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;

i) Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;

k) Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

3. Việc sử dụng tác phẩm trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình, chương trình máy tính.

Điều 26. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao

1. Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của Chính phủ.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

3. Việc sử dụng tác phẩm trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tác phẩm điện ảnh.

Điều 27. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả

1. Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này được bảo hộ vô thời hạn.

2. Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này có thời hạn bảo hộ như sau:

a) Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Trong thời hạn năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu được định hình, nếu tác phẩm chưa được công bố thì thời hạn được tính từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả được xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này;

b) Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;

c) Thời hạn bảo hộ quy định tại điểm a và điểm b khoản này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền tác giả

1. Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

2. Mạo danh tác giả.

3. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.

4. Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.

5. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.

7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.

8. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.

9. Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

10. Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

11. Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

12. Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

13. Cố ý xoá, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.

14. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

15. Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.

16. Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Mục 2. NỘI DUNG, GIỚI HẠN QUYỀN, THỜI HẠN BẢO HỘ QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 29. Quyền của người biểu diễn

1. Người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư thì có các quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn; trong trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư thì người biểu diễn có các quyền nhân thân và chủ đầu tư có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn.

2. Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:

a) Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn;

b) Bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.

3. Quyền tài sản bao gồm độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:

a) Định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình;

b) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình;

c) Phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn của mình chưa được định hình mà công chúng có thể tiếp cận được, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng;

d) Phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao cuộc biểu diễn của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.

4. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các quyền quy định tại khoản 3 Điều này phải trả tiền thù lao cho người biểu diễn theo quy định của pháp luật hoặc theo thoả thuận trong trường hợp pháp luật không quy định.

Điều 30. Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình

1. Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:

a) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình của mình;

b) Phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.

2. Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được hưởng quyền lợi vật chất khi bản ghi âm, ghi hình của mình được phân phối đến công chúng.

Điều 31. Quyền của tổ chức phát sóng

1. Tổ chức phát sóng có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:

a) Phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng của mình;

b) Phân phối đến công chúng chương trình phát sóng của mình;

c) Định hình chương trình phát sóng của mình;

d) Sao chép bản định hình chương trình phát sóng của mình.

2. Tổ chức phát sóng được hưởng quyền lợi vật chất khi chương trình phát sóng của mình được ghi âm, ghi hình, phân phối đến công chúng.

Điều 32. Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao

1. Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:

a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học của cá nhân;

b) Tự sao chép một bản nhằm mục đích giảng dạy, trừ trường hợp cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được công bố để giảng dạy;

c) Trích dẫn hợp lý nhằm mục đích cung cấp thông tin;

d) Tổ chức phát sóng tự làm bản sao tạm thời để phát sóng khi được hưởng quyền phát sóng.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng quyền quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

Điều 33. Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao

1. Tổ chức, cá nhân sử dụng quyền liên quan trong các trường hợp sau đây không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thoả thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng:

a) Sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương mại để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;

b) Sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng quyền quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

Điều 34. Thời hạn bảo hộ quyền liên quan

1. Quyền của người biểu diễn được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình.

2. Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm công bố hoặc năm mươi năm kể từ năm tiếp theo năm bản ghi âm, ghi hình được định hình nếu bản ghi âm, ghi hình chưa được công bố.

3. Quyền của tổ chức phát sóng được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm chương trình phát sóng được thực hiện.

4. Thời hạn bảo hộ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ các quyền liên quan.

Điều 35. Hành vi xâm phạm các quyền liên quan

1. Chiếm đoạt quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

2. Mạo danh người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

3. Công bố, sản xuất và phân phối cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

4. Sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào đối với cuộc biểu diễn gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.

5. Sao chép, trích ghép đối với cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

6. Dỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.

7. Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện để bảo vệ quyền liên quan của mình.

8. Phát sóng, phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng cuộc biểu diễn, bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm, ghi hình khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử đã bị dỡ bỏ hoặc đã bị thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.

9. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó giải mã trái phép một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.

10. Cố ý thu hoặc tiếp tục phân phối một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá khi tín hiệu đã được giải mã mà không được phép của người phân phối hợp pháp.

Chương III

CHỦ SỞ HỮU QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 36. Chủ sở hữu quyền tác giả

Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này.

Điều 37. Chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả

Tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm có các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 và các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này.

Điều 38. Chủ sở hữu quyền tác giả là các đồng tác giả

1. Các đồng tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm có chung các quyền quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này đối với tác phẩm đó.

2. Các đồng tác giả sáng tạo ra tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác thì có các quyền quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này đối với phần riêng biệt đó.

Điều 39. Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả

1. Tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả là người thuộc tổ chức mình là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 40. Chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế

Tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả theo quy định của pháp luật về thừa kế là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này.

Điều 41. Chủ sở hữu quyền tác giả là người được chuyển giao quyền

Tổ chức, cá nhân được chuyển giao một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này theo thoả thuận trong hợp đồng là chủ sở hữu quyền tác giả.

Điều 42. Chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước

1. Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm sau đây:

a) Tác phẩm khuyết danh;

b) Tác phẩm còn trong thời hạn bảo hộ mà chủ sở hữu quyền tác giả chết không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc không được quyền hưởng di sản;

c) Tác phẩm được chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước.

2. Chính phủ quy định cụ thể việc sử dụng tác phẩm thuộc sở hữu nhà nước.

Điều 43. Tác phẩm thuộc về công chúng

1. Tác phẩm đã kết thúc thời hạn bảo hộ theo quy định tại Điều 27 của Luật này thì thuộc về công chúng.

2. Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này nhưng phải tôn trọng các quyền nhân thân của tác giả quy định tại Điều 19 của Luật này.

3. Chính phủ quy định cụ thể việc sử dụng tác phẩm thuộc về công chúng.

Điều 44. Chủ sở hữu quyền liên quan

1. Tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để thực hiện cuộc biểu diễn là chủ sở hữu đối với cuộc biểu diễn đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên liên quan.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sản xuất bản ghi âm, ghi hình là chủ sở hữu đối với bản ghi âm, ghi hình đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên liên quan.

3. Tổ chức phát sóng là chủ sở hữu đối với chương trình phát sóng của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên liên quan.

Chương IV

CHUYỂN GIAO QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Mục 1. CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 45. Quy định chung về chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan

1. Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan là việc chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan chuyển giao quyền sở hữu đối với các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19, Điều 20, khoản 3 Điều 29, Điều 30 và Điều 31 của Luật này cho tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Tác giả không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19, trừ quyền công bố tác phẩm; người biểu diễn không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này.

3. Trong trường hợp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có đồng chủ sở hữu thì việc chuyển nhượng phải có sự thoả thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu; trong trường hợp có đồng chủ sở hữu nhưng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có quyền chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác.

Điều 46. Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan

1. Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan phải được lập thành văn bản gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;

b) Căn cứ chuyển nhượng;

c) Giá, phương thức thanh toán;

d) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

đ) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

2. Việc thực hiện, sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự.

Mục 2. CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 47. Quy định chung về chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan

1. Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là việc chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng có thời hạn một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19, Điều 20, khoản 3 Điều 29, Điều 30 và Điều 31 của Luật này.

2. Tác giả không được chuyển quyền sử dụng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19, trừ quyền công bố tác phẩm; người biểu diễn không được chuyển quyền sử dụng các quyền nhân thân quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này.

3. Trong trường hợp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có đồng chủ sở hữu thì việc chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan phải có sự thoả thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu; trong trường hợp có đồng chủ sở hữu nhưng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác.

4. Tổ chức, cá nhân được chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan có thể chuyển quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân khác nếu được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.

Điều 48. Hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan

1. Hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan phải được lập thành văn bản gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;

b) Căn cứ chuyển quyền;

c) Phạm vi chuyển giao quyền;

d) Giá, phương thức thanh toán;

đ) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

2. Việc thực hiện, sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự.

Chương V

CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 49. Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan

1. Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan nộp đơn và hồ sơ kèm theo (sau đây gọi chung là đơn) cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.

2. Việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.

Điều 50. Đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan

1. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

2. Đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm:

a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.

Bộ Văn hóa - Thông tin quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan;

b) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;

c) Giấy uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền;

d) Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;

đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

3. Các tài liệu quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều này phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt.

Điều 51. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan

1. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan có quyền cấp lại, đổi, huỷ bỏ giấy chứng nhận đó.

3. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện, trình tự, thủ tục cấp lại, đổi, huỷ bỏ Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

4. Bộ Văn hóa - Thông tin quy định mẫu Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

Điều 52. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan

Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp đơn. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.

Điều 53. Hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan

1. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

2. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan do cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan cấp trước ngày Luật này có hiệu lực tiếp tục được duy trì hiệu lực.

Điều 54. Đăng bạ và công bố đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan

1. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan được ghi nhận trong Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan.

2. Quyết định cấp, cấp lại, đổi hoặc huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan được công bố trên Công báo về quyền tác giả, quyền liên quan.

Điều 55. Cấp lại, đổi, huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan

1. Trong trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan bị mất, hư hỏng hoặc thay đổi chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thì cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này tiến hành cấp lại hoặc đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

2. Trong trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã đăng ký không thuộc đối tượng bảo hộ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

3. Tổ chức, cá nhân phát hiện việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan trái với quy định của Luật này thì có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

Chương VI

TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN, TƯ VẤN, DỊCH VỤ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 56. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan

1. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan là tổ chức phi lợi nhuận do các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thỏa thuận thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan.

2. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện các hoạt động sau đây theo uỷ quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan:

a) Thực hiện việc quản lý quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán cấp phép, thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép khai thác các quyền được uỷ quyền;

b) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên; tổ chức hòa giải khi có tranh chấp.

3. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có các quyền và nhiệm vụ sau đây:

a) Thực hiện các hoạt động khuyến khích sáng tạo và các hoạt động xã hội khác;

b) Hợp tác với các tổ chức tương ứng của tổ chức quốc tế và của các quốc gia trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan;

c) Báo cáo theo định kỳ và đột xuất về hoạt động đại diện tập thể cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 57. Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan

1. Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện các hoạt động sau đây theo yêu cầu của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan:

a) Tư vấn những vấn đề có liên quan đến quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan;

b) Đại diện cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan tiến hành thủ tục nộp đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan theo uỷ quyền;

c) Tham gia các quan hệ pháp luật khác về quyền tác giả, quyền liên quan, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo uỷ quyền.

PHẦN THỨ BA

QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Chương VII

ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Mục 1. ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ ĐỐI VỚI SÁNG CHẾ

Điều 58. Điều kiện chung đối với sáng chế được bảo hộ

1. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có tính mới;

b) Có trình độ sáng tạo;

c) Có khả năng áp dụng công nghiệp.

2. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có tính mới;

b) Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Điều 59. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế

Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế:

1. Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;

2. Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;

3. Cách thức thể hiện thông tin;

4. Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;

5. Giống thực vật, giống động vật;

6. Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;

7. Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.

Điều 60. Tính mới của sáng chế

1. Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.

2. Sáng chế được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế đó.

3. Sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:

a) Sáng chế bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này;

b) Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học;

c) Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại lệ phí duy trì hiệu lực của Luật này trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

Điều 61. Trình độ sáng tạo của sáng chế

Sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.

Điều 62. Khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế

Sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định.

Mục 2. ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ ĐỐI VỚI KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

Điều 63. Điều kiện chung đối với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ

Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Có tính mới;

2. Có tính sáng tạo;

3. Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Điều 64. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp

Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:

1. Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;

2. Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;

3. Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.

Điều 65. Tính mới của kiểu dáng công nghiệp

1. Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.

2. Hai kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó.

3. Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.

4. Kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:

a) Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này;

b) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học;

c) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

Điều 66. Tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.

Điều 67. Khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để

chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.

Mục 3. ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ ĐỐI VỚI THIẾT KẾ BỐ TRÍ

Điều 68. Điều kiện chung đối với thiết kế bố trí được bảo hộ

Thiết kế bố trí được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Có tính nguyên gốc;

2. Có tính mới thương mại.

Điều 69. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa thiết kế bố trí

Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa thiết kế bố trí:

1. Nguyên lý, quy trình, hệ thống, phương pháp được thực hiện bởi mạch tích hợp bán dẫn;

2. Thông tin, phần mềm chứa trong mạch tích hợp bán dẫn.

Điều 70. Tính nguyên gốc của thiết kế bố trí

1. Thiết kế bố trí được coi là có tính nguyên gốc nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả;

b) Chưa được những người sáng tạo thiết kế bố trí và những nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm tạo ra thiết kế bố trí đó.

2. Thiết kế bố trí là sự kết hợp các phần tử, các mối liên kết thông thường chỉ được coi là có tính nguyên gốc nếu toàn bộ sự kết hợp đó có tính nguyên gốc theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 71. Tính mới thương mại của thiết kế bố trí

1. Thiết kế bố trí được coi là có tính mới thương mại nếu chưa được khai thác thương mại tại bất kỳ nơi nào trên thế giới trước ngày nộp đơn đăng ký.

2. Thiết kế bố trí không bị coi là mất tính mới thương mại nếu đơn đăng ký thiết kế bố trí được nộp trong thời hạn hai năm kể từ ngày thiết kế bố trí đó đã được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này hoặc người được người đó cho phép khai thác nhằm mục đích thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.

3. Khai thác thiết kế bố trí nhằm mục đích thương mại quy định tại khoản 2 Điều này là hành vi phân phối công khai nhằm mục đích thương mại đối với mạch tích hợp bán dẫn được sản xuất theo thiết kế bố trí hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn đó.

Mục 4. ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ ĐỐI VỚI NHÃN HIỆU

Điều 72. Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ

Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;

2. Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.

Điều 73. Dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu

Các dấu hiệu sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu:

1. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước;

2. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;

3. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;

4. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;

5. Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.

Điều 74. Khả năng phân biệt của nhãn hiệu

1. Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Hình và hình hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu;

b) Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hoá, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến;

c) Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu;

d) Dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh;

đ) Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận quy định tại Luật này;

e) Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

g) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên;

h) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm, trừ trường hợp hiệu lực bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 của Luật này;

i) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng;

k) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

l) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hoá;

m) Dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh nếu dấu hiệu được đăng ký để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó;

n) Dấu hiệu trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn so với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu.

Điều 75. Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng

Các tiêu chí sau đây được xem xét khi đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng:

1. Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;

2. Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;

3. Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;

4. Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;

5. Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;

6. Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;

7. Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;

8. Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.

Mục 5. ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ ĐỐI VỚI TÊN THƯƠNG MẠI

Điều 76. Điều kiện chung đối với tên thương mại được bảo hộ

Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

Điều 77. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại

Tên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoặc chủ thể khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh thì không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại.

Điều 78. Khả năng phân biệt của tên thương mại

Tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng;

2. Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;

3. Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.

Mục 6. ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ ĐỐI VỚI CHỈ DẪN ĐỊA LÝ

Điều 79. Điều kiện chung đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ

Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

2. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

Điều 80. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý

Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý:

1. Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hoá ở Việt Nam;

2. Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;

3. Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm;

4. Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

Điều 81. Danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý

1. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.

2. Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.

Điều 82. Điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý

1. Các điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý là những yếu tố tự nhiên, yếu tố về con người quyết định danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

2. Yếu tố tự nhiên bao gồm yếu tố về khí hậu, thuỷ văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác.

3. Yếu tố về con người bao gồm kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương.

Điều 83. Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý

Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ.

Mục 7. ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ ĐỐI VỚI BÍ MẬT KINH DOANH

Điều 84. Điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ

Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;

2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;

3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Điều 85. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh

Các thông tin bí mật sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh:

1. Bí mật về nhân thân;

2. Bí mật về quản lý nhà nước;

3. Bí mật về quốc phòng, an ninh;

4. Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.

Chương VIII

XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI SÁNG CHẾ, KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP, THIẾT KẾ BỐ TRÍ, NHÃN HIỆU, CHỈ DẪN ĐỊA LÝ

Mục 1. ĐĂNG KÝ SÁNG CHẾ, KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP,THIẾT KẾ BỐ TRÍ, NHÃN HIỆU, CHỈ DẪN ĐỊA LÝ

Điều 86. Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí

1. Tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí:

a) Tác giả tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình;

b) Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Chính phủ quy định quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất - kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước.

3. Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

4. Người có quyền đăng ký quy định tại Điều này có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.

Điều 87. Quyền đăng ký nhãn hiệu

1. Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.

2. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.

3. Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó.

4. Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hoá, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đó.

5. Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau đây:

a) Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hoá, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh;

b) Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ.

6. Người có quyền đăng ký quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này, kể cả người đã nộp đơn đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật với điều kiện các tổ chức, cá nhân được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng.

7. Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

Điều 88. Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý

Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước.

Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Người thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.

Điều 89. Cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.

2. Cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.

Điều 90. Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên

1. Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký cùng một sáng chế hoặc đăng ký các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau hoặc đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau hoặc tương tự với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ có thể được cấp cho đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.

2. Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ có thể được cấp cho một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo sự thoả thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thoả thuận được thì tất cả các đơn đều bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

Điều 91. Nguyên tắc ưu tiên

1. Người nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn đầu tiên đăng ký bảo hộ cùng một đối tượng nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về quyền ưu tiên mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên hoặc có thoả thuận áp dụng quy định như vậy với Việt Nam;

b) Người nộp đơn là công dân Việt Nam, công dân của nước khác quy định tại điểm a khoản này cư trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước khác quy định tại điểm a khoản này;

c) Trong đơn có nêu rõ yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên và có nộp bản sao đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;

d) Đơn được nộp trong thời hạn ấn định tại điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Trong một đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hoặc nhãn hiệu, người nộp đơn có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở nhiều đơn khác nhau được nộp sớm hơn với điều kiện phải chỉ ra nội dung tương ứng giữa các đơn nộp sớm hơn ứng với nội dung trong đơn.

3. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên có ngày ưu tiên là ngày nộp đơn của đơn đầu tiên.

Điều 92. Văn bằng bảo hộ

1. Văn bằng bảo hộ ghi nhận chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu (sau đây gọi là chủ văn bằng bảo hộ); tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; đối tượng, phạm vi và thời hạn bảo hộ.

2. Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý ghi nhận tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tính chất đặc thù về điều kiện địa lý và khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý.

3. Văn bằng bảo hộ gồm Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Điều 93. Hiệu lực của văn bằng bảo hộ

1. Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

2. Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn.

3. Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.

4. Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm.

5. Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây:

a) Kết thúc mười năm kể từ ngày nộp đơn;

b) Kết thúc mười năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới;

c) Kết thúc mười lăm năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.

6. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.

7. Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.

Điều 94. Duy trì, gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ

1. Để duy trì hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí duy trì hiệu lực.

2. Để gia hạn hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí gia hạn hiệu lực.

3. Mức lệ phí và thủ tục duy trì, gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ do Chính phủ quy định.

Điều 95. Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ

1. Văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

a) Chủ văn bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định;

b) Chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp;

c) Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp;

d) Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực;

đ) Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể;

e) Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;

g) Các điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi làm mất danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm đó.

2. Trong trường hợp chủ văn bằng bảo hộ sáng chế không nộp lệ phí duy trì hiệu lực trong thời hạn quy định thì khi kết thúc thời hạn đó, hiệu lực văn bằng tự động chấm dứt kể từ ngày bắt đầu năm hiệu lực đầu tiên mà lệ phí duy trì hiệu lực không được nộp. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ghi nhận việc chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

3. Trong trường hợp chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ kể từ ngày nhận được tuyên bố của chủ văn bằng bảo hộ.

4. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với các trường hợp quy định tại các điểm c, d, đ, e và g khoản 1 Điều này với điều kiện phải nộp phí và lệ phí.

Căn cứ kết quả xem xét đơn yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ và ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc thông báo từ chối chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ.

5. Quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều này cũng được áp dụng đối với việc chấm dứt hiệu lực đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu.

Điều 96. Huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ

1. Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

a) Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu;

b) Đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ.

2. Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ một phần hiệu lực trong trường hợp phần đó không đáp ứng điều kiện bảo hộ.

3. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này với điều kiện phải nộp phí và lệ phí.

Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ là suốt thời hạn bảo hộ; đối với nhãn hiệu thì thời hiệu này là năm năm kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ, trừ trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp do sự không trung thực của người nộp đơn.

4. Căn cứ kết quả xem xét đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ và ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc thông báo từ chối hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ.

5. Quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này cũng được áp dụng đối với việc huỷ bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu.

Điều 97. Sửa đổi văn bằng bảo hộ

1. Chủ văn bằng bảo hộ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp sửa đổi những thông tin sau đây trên văn bằng bảo hộ với điều kiện phải nộp phí, lệ phí:

a) Thay đổi, sửa chữa thiếu sót liên quan đến tên và địa chỉ của tác giả, chủ văn bằng bảo hộ;

b) Sửa đổi bản mô tả tính chất, chất lượng đặc thù, khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý; sửa đổi quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

2. Theo yêu cầu của chủ văn bằng bảo hộ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có trách nhiệm sửa chữa những thiếu sót trong văn bằng bảo hộ do lỗi của cơ quan đó. Trong trường hợp này, chủ văn bằng bảo hộ không phải nộp phí, lệ phí.

3. Chủ văn bằng bảo hộ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thu hẹp phạm vi quyền sở hữu công nghiệp; trong trường hợp này, đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tương ứng phải được thẩm định lại về nội dung và người yêu cầu phải nộp phí thẩm định nội dung.

Điều 98. Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp

1. Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp là tài liệu ghi nhận việc xác lập, thay đổi và chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý theo quy định của Luật này.

2. Quyết định cấp văn bằng bảo hộ, nội dung chủ yếu của văn bằng bảo hộ, quyết định sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, quyết định đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp được ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.

3. Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp lập và lưu giữ.

Điều 99. Công bố các quyết định liên quan đến văn bằng bảo hộ

Quyết định cấp, chấm dứt, hủy bỏ, sửa đổi văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định.

Mục 2. ĐƠN ĐĂNG KÝ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Điều 100. Yêu cầu chung đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm các tài liệu sau đây:

a) Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;

b) Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ quy định tại các điều từ Điều 102 đến Điều 106 của Luật này;

c) Giấy uỷ quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;

d) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;

đ) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;

e) Chứng từ nộp phí, lệ phí.

2. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và giấy tờ giao dịch giữa người nộp đơn và cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu sau đây có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp yêu cầu:

a) Giấy uỷ quyền;

b) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký;

c) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên;

d) Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.

3. Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm:

a) Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;

b) Giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác.

Điều 101. Yêu cầu về tính thống nhất của đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

1. Mỗi đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ cho một đối tượng sở hữu công nghiệp duy nhất, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

2. Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp một Bằng độc quyền sáng chế hoặc một Bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho một nhóm sáng chế có mối liên hệ chặt chẽ về kỹ thuật nhằm thực hiện một ý đồ sáng tạo chung duy nhất.

3. Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp một Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho nhiều kiểu dáng công nghiệp trong các trường hợp sau đây:

a) Các kiểu dáng công nghiệp của một bộ sản phẩm gồm nhiều sản phẩm thể hiện ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, được sử dụng cùng nhau hoặc để thực hiện chung một mục đích;

b) Một kiểu dáng công nghiệp kèm theo một hoặc nhiều phương án là biến thể của kiểu dáng công nghiệp đó, theo ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp đó.

4. Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho một nhãn hiệu dùng cho một hoặc nhiều hàng hoá, dịch vụ khác nhau.

Điều 102. Yêu cầu đối với đơn đăng ký sáng chế

1. Tài liệu xác định sáng chế cần bảo hộ trong đơn đăng ký sáng chế bao gồm bản mô tả sáng chế và bản tóm tắt sáng chế. Bản mô tả sáng chế gồm phần mô tả sáng chế và phạm vi bảo hộ sáng chế.

2. Phần mô tả sáng chế phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Bộc lộ đầy đủ và rõ ràng bản chất của sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó;

b) Giải thích vắn tắt hình vẽ kèm theo, nếu cần làm rõ thêm bản chất của sáng chế;

c) Làm rõ tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế.

3. Phạm vi bảo hộ sáng chế phải được thể hiện dưới dạng tập hợp các dấu hiệu kỹ thuật cần và đủ để xác định phạm vi quyền đối với sáng chế và phải phù hợp với phần mô tả sáng chế và hình vẽ.

4. Bản tóm tắt sáng chế phải bộc lộ những nội dung chủ yếu về bản chất của sáng chế.

Điều 103. Yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp

1. Tài liệu xác định kiểu dáng công nghiệp cần bảo hộ trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm bản mô tả kiểu dáng công nghiệp và bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp. Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp gồm phần mô tả kiểu dáng công nghiệp và phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.

2. Phần mô tả kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Bộc lộ đầy đủ tất cả các đặc điểm tạo dáng thể hiện bản chất của kiểu dáng công nghiệp và nêu rõ các đặc điểm tạo dáng mới, khác biệt so với kiểu dáng công nghiệp ít khác biệt nhất đã biết, phù hợp với bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ;

b) Trường hợp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm nhiều phương án thì phần mô tả phải thể hiện đầy đủ các phương án và chỉ rõ các đặc điểm khác biệt giữa phương án cơ bản với các phương án còn lại;

c) Trường hợp kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn đăng ký là kiểu dáng của bộ sản phẩm thì phần mô tả phải thể hiện đầy đủ kiểu dáng của từng sản phẩm trong bộ sản phẩm đó.

3. Phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp phải nêu rõ các đặc điểm tạo dáng cần được bảo hộ, bao gồm các đặc điểm mới, khác biệt với các kiểu dáng công nghiệp tương tự đã biết.

4. Bộ ảnh chụp, bản vẽ phải thể hiện đầy đủ các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp.

Điều 104. Yêu cầu đối với đơn đăng ký thiết kế bố trí

Tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định thiết kế bố trí cần bảo hộ trong đơn đăng ký thiết kế bố trí bao gồm:

1. Bản vẽ, ảnh chụp thiết kế bố trí;

2. Thông tin về chức năng, cấu tạo của mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí;

3. Mẫu mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí, nếu thiết kế bố trí đã được khai thác thương mại.

Điều 105. Yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu

1. Tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định nhãn hiệu cần bảo hộ trong đơn đăng ký nhãn hiệu bao gồm:

a) Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;

b) Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

2. Mẫu nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu nếu có; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nhãn hiệu có từ, ngữ bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt.

3. Hàng hoá, dịch vụ nêu trong đơn đăng ký nhãn hiệu phải được xếp vào các nhóm phù hợp với bảng phân loại theo Thoả ước Ni-xơ về phân loại quốc tế về hàng hoá và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu, do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố.

4. Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ, căn cứ thành lập và hoạt động của tổ chức tập thể là chủ sở hữu nhãn hiệu;

b) Các tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức tập thể;

c) Danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu;

d) Các điều kiện sử dụng nhãn hiệu;

đ) Biện pháp xử lý hành vi vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu.

5. Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nhãn hiệu;

b) Điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu;

c) Các đặc tính của hàng hoá, dịch vụ được chứng nhận bởi nhãn hiệu;

d) Phương pháp đánh giá các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ và phương pháp kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu;

đ) Chi phí mà người sử dụng nhãn hiệu phải trả cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu, nếu có.

Điều 106. Yêu cầu đối với đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý

1. Tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định chỉ dẫn địa lý cần bảo hộ trong đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý bao gồm:

a) Tên gọi, dấu hiệu là chỉ dẫn địa lý;

b) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;

c) Bản mô tả tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và các yếu tố đặc trưng của điều kiện tự nhiên tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng của sản phẩm đó (sau đây gọi là bản mô tả tính chất đặc thù);

d) Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

đ) Tài liệu chứng minh chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại nước có chỉ dẫn địa lý đó, nếu là chỉ dẫn địa lý của nước ngoài.

2. Bản mô tả tính chất đặc thù phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Mô tả loại sản phẩm tương ứng, bao gồm cả nguyên liệu thô và các đặc tính lý học, hoá học, vi sinh và cảm quan của sản phẩm;

b) Cách xác định khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

c) Chứng cứ về loại sản phẩm có xuất xứ từ khu vực địa lý theo nghĩa tương ứng quy định tại Điều 79 của Luật này;

d) Mô tả phương pháp sản xuất, chế biến mang tính địa phương và có tính ổn định;

đ) Thông tin về mối quan hệ giữa tính chất, chất lượng đặc thù hoặc danh tiếng của sản phẩm với điều kiện địa lý theo quy định tại Điều 79 của Luật này;

e) Thông tin về cơ chế tự kiểm tra các tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm.

Điều 107. Uỷ quyền đại diện trong các thủ tục liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp

1. Việc uỷ quyền tiến hành các thủ tục liên quan đến việc xác lập, duy trì, gia hạn, sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ phải được lập thành giấy uỷ quyền.

2. Giấy uỷ quyền phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ đầy đủ của bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền;

b) Phạm vi uỷ quyền;

c) Thời hạn uỷ quyền;

d) Ngày lập giấy uỷ quyền;

đ) Chữ ký, con dấu (nếu có) của bên uỷ quyền.

3. Giấy uỷ quyền không có thời hạn uỷ quyền được coi là có hiệu lực vô thời hạn và chỉ chấm dứt hiệu lực khi bên uỷ quyền tuyên bố chấm dứt uỷ quyền.

Mục 3. THỦ TỤC XỬ LÝ ĐƠN ĐĂNG KÝ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP VÀ CẤP VĂN BẰNG BẢO HỘ

Điều 108. Tiếp nhận đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, ngày nộp đơn

1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chỉ được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp nhận nếu có ít nhất các thông tin và tài liệu sau đây:

a) Tờ khai đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, trong đó có đủ thông tin để xác định người nộp đơn và mẫu nhãn hiệu, danh mục sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu;

b) Bản mô tả, trong đó có phạm vi bảo hộ đối với đơn đăng ký sáng chế; bộ ảnh chụp, bản vẽ, bản mô tả đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp; bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đối với đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý;

c) Chứng từ nộp lệ phí nộp đơn.

2. Ngày nộp đơn là ngày đơn được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp nhận hoặc là ngày nộp đơn quốc tế đối với đơn nộp theo điều ước quốc tế.

Điều 109. Thẩm định hình thức đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định hình thức để đánh giá tính hợp lệ của đơn.

2. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bị coi là không hợp lệ trong các trường hợp sau đây:

a) Đơn không đáp ứng các yêu cầu về hình thức;

b) Đối tượng nêu trong đơn là đối tượng không được bảo hộ;

c) Người nộp đơn không có quyền đăng ký, kể cả trường hợp quyền đăng ký cùng thuộc nhiều tổ chức, cá nhân nhưng một hoặc một số người trong số đó không đồng ý thực hiện việc nộp đơn;

d) Đơn được nộp trái với quy định về cách thức nộp đơn quy định tại Điều 89 của Luật này;

đ) Người nộp đơn không nộp phí và lệ phí.

3. Đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, trong đó phải nêu rõ lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối;

b) Thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót, sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu hoặc không có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối quy định tại điểm a khoản này;

c) Thông báo từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn đối với đơn đăng ký thiết kế bố trí;

d) Thực hiện thủ tục quy định tại khoản 4 Điều này nếu người nộp đơn sửa chữa thiếu sót đạt yêu cầu hoặc có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ quy định tại điểm a khoản này.

4. Đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này hoặc thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo chấp nhận đơn hợp lệ hoặc thực hiện thủ tục cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 118 của Luật này đối với đơn đăng ký thiết kế bố trí.

5. Đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối theo quy định tại khoản 3 Điều này bị coi là không được nộp, trừ trường hợp đơn được dùng làm căn cứ để yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

Điều 110. Công bố đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đã được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chấp nhận hợp lệ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều này.

2. Đơn đăng ký sáng chế được công bố trong tháng thứ mười chín kể từ ngày nộp đơn hoặc từ ngày ưu tiên đối với đơn được hưởng quyền ưu tiên hoặc vào thời điểm sớm hơn theo yêu cầu của người nộp đơn.

3. Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đơn đăng ký nhãn hiệu, đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được công bố trong thời hạn hai tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ.

4. Đơn đăng ký thiết kế bố trí được công bố dưới hình thức cho phép tra cứu trực tiếp tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp nhưng không được sao chép; đối với thông tin bí mật trong đơn thì chỉ có cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan trong quá trình thực hiện thủ tục hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc quá trình thực hiện thủ tục xử lý hành vi xâm phạm quyền mới được phép tra cứu.

Các thông tin cơ bản về đơn đăng ký thiết kế bố trí và văn bằng bảo hộ thiết kế bố trí được công bố trong thời hạn hai tháng kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ.

Điều 111. Bảo mật đơn đăng ký sáng chế, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trước khi công bố

1. Trước thời điểm đơn đăng ký sáng chế, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có trách nhiệm bảo mật thông tin trong đơn.

2. Cán bộ, công chức của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp làm lộ bí mật thông tin trong đơn đăng ký sáng chế, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp thì bị xử lý kỷ luật; nếu việc làm lộ bí mật thông tin gây thiệt hại cho người nộp đơn thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điều 112. Ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ

Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo các tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.

Điều 113. Yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế

1. Trong thời hạn bốn mươi hai tháng kể từ ngày nộp đơn hoặc kể từ ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, người nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc bất kỳ người thứ ba nào đều có thể yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thẩm định nội dung đơn với điều kiện phải nộp phí thẩm định nội dung đơn.

2. Thời hạn yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích là ba mươi sáu tháng kể từ ngày nộp đơn hoặc kể từ ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên.

3. Trường hợp không có yêu cầu thẩm định nội dung nộp trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì đơn đăng ký sáng chế được coi như đã rút tại thời điểm kết thúc thời hạn đó.

Điều 114. Thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

1. Những đơn đăng ký sở hữu công nghiệp sau đây được thẩm định nội dung để đánh giá khả năng cấp văn bằng bảo hộ cho đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ và xác định phạm vi bảo hộ tương ứng:

a) Đơn đăng ký sáng chế đã được công nhận là hợp lệ và có yêu cầu thẩm định nội dung nộp theo quy định;

b) Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đơn đăng ký nhãn hiệu, đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đã được công nhận là hợp lệ.

2. Đơn đăng ký thiết kế bố trí không được thẩm định nội dung.

Điều 115. Sửa đổi, bổ sung, tách, chuyển đổi đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

1. Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có các quyền sau đây:

a) Sửa đổi, bổ sung đơn;

b) Tách đơn;

c) Yêu cầu ghi nhận thay đổi về tên, địa chỉ của người nộp đơn;

d) Yêu cầu ghi nhận thay đổi người nộp đơn do chuyển nhượng đơn theo hợp đồng, do thừa kế, kế thừa hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

đ) Chuyển đổi đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế thành đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích và ngược lại.

2. Người yêu cầu thực hiện các thủ tục quy định tại khoản 1 Điều này phải nộp phí và lệ phí.

3. Việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp không được mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn và không được làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn, đồng thời phải bảo đảm tính thống nhất của đơn.

4. Trong trường hợp tách đơn thì ngày nộp đơn của đơn được tách được xác định là ngày nộp đơn của đơn ban đầu.

Điều 116. Rút đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

1. Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có quyền tuyên bố rút đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bằng văn bản do chính mình đứng tên hoặc thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp nếu giấy uỷ quyền có nêu rõ việc uỷ quyền rút đơn.

2. Từ thời điểm người nộp đơn tuyên bố rút đơn, mọi thủ tục tiếp theo liên quan đến đơn đó sẽ bị chấm dứt; các khoản phí, lệ phí đã nộp liên quan đến những thủ tục chưa bắt đầu tiến hành được hoàn trả theo yêu cầu của người nộp đơn.

3. Mọi đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đã rút hoặc bị coi là đã rút nếu chưa công bố và mọi đơn đăng ký nhãn hiệu đã rút đều được coi là chưa từng được nộp, trừ trường hợp đơn được dùng làm căn cứ để yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

Điều 117. Từ chối cấp văn bằng bảo hộ

1. Đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ trong các trường hợp sau đây:

a) Có cơ sở để khẳng định rằng đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ;

b) Đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ nhưng không phải là đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 90 của Luật này;

c) Đơn thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 90 của Luật này mà không được sự thống nhất của tất cả những người nộp đơn.

2. Đơn đăng ký thiết kế bố trí bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ trong trường hợp không đáp ứng yêu cầu về hình thức theo quy định tại Điều 109 của Luật này.

3. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Thông báo dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ, trong đó phải nêu rõ lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn có ý kiến phản đối dự định từ chối;

b) Thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ nếu người nộp đơn không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng dự định từ chối quy định tại điểm a khoản này;

c) Cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 118 của Luật này nếu người nộp đơn có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối quy định tại điểm a khoản này.

4. Trong trường hợp có phản đối về dự định cấp văn bằng bảo hộ, đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tương ứng được thẩm định lại về những vấn đề bị phản đối.

Điều 118. Cấp văn bằng bảo hộ, đăng bạ

Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp không thuộc các trường hợp từ chối cấp văn bằng bảo hộ quy định tại khoản 1, khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 117 của Luật này và người nộp đơn nộp lệ phí thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.

Điều 119. Thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định hình thức trong thời hạn một tháng kể từ ngày nộp đơn.

2. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định nội dung trong thời hạn sau đây:

a) Đối với sáng chế là mười hai tháng kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn;

b) Đối với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý là sáu tháng kể từ ngày công bố đơn.

3. Thời hạn thẩm định lại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bằng hai phần ba thời hạn thẩm định lần đầu, đối với những vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không vượt quá thời hạn thẩm định lần đầu.

4. Thời gian dành cho việc sửa đổi, bổ sung đơn không được tính vào các thời hạn quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Mục 4. ĐƠN QUỐC TẾ VÀ XỬ LÝ ĐƠN QUỐC TẾ

Điều 120. Đơn quốc tế và xử lý đơn quốc tế

1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nộp theo các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên được gọi chung là đơn quốc tế.

2. Đơn quốc tế và việc xử lý đơn quốc tế phải tuân thủ quy định của điều ước quốc tế có liên quan.

3. Chính phủ hướng dẫn thi hành quy định về đơn quốc tế và trình tự, thủ tục xử lý đơn quốc tế của điều ước quốc tế có liên quan phù hợp với các nguyên tắc của Chương này.

Chương IX

CHỦ SỞ HỮU, NỘI DUNG VÀ GIỚI HẠN QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Mục 1. CHỦ SỞ HỮU VÀ NỘI DUNG QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Điều 121. Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp

1. Chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp tương ứng.

Chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc có nhãn hiệu đã đăng ký quốc tế được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc có nhãn hiệu nổi tiếng.

2. Chủ sở hữu tên thương mại là tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp tên thương mại đó trong hoạt động kinh doanh.

3. Chủ sở hữu bí mật kinh doanh là tổ chức, cá nhân có được bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Bí mật kinh doanh mà bên làm thuê, bên thực hiện nhiệm vụ được giao có được trong khi thực hiện công việc được thuê hoặc được giao thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

4. Chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là Nhà nước.

Nhà nước trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân tiến hành việc sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại địa phương tương ứng và đưa sản phẩm đó ra thị trường. Nhà nước trực tiếp thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Điều 122. Tác giả và quyền của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí

1. Tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là người trực tiếp sáng tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp; trong trường hợp có hai người trở lên cùng nhau trực tiếp sáng tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp thì họ là đồng tác giả.

2. Quyền nhân thân của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí gồm các quyền sau đây:

a) Được ghi tên là tác giả trong Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;

b) Được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

3. Quyền tài sản của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là quyền nhận thù lao theo quy định tại Điều 135 của Luật này.

Điều 123. Quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp

1. Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp có các quyền tài sản sau đây:

a) Sử dụng, cho phép người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 124 và Chương X của Luật này;

b) Ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 125 của Luật này;

c) Định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Chương X của Luật này.

2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước trao quyền sử dụng, quyền quản lý chỉ dẫn địa lý theo quy định tại khoản 4 Điều 121 của Luật này có các quyền sau đây:

a) Tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền cho phép người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý đó theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền ngăn cấm người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý đó theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Điều 124. Sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

1. Sử dụng sáng chế là việc thực hiện các hành vi sau đây:

a) Sản xuất sản phẩm được bảo hộ;

b) Áp dụng quy trình được bảo hộ;

c) Khai thác công dụng của sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ;

d) Lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm quy định tại điểm c khoản này;

đ) Nhập khẩu sản phẩm quy định tại điểm c khoản này.

2. Sử dụng kiểu dáng công nghiệp là việc thực hiện các hành vi sau đây:

a) Sản xuất sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ;

b) Lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm quy định tại điểm a khoản này;

c) Nhập khẩu sản phẩm quy định tại điểm a khoản này.

3. Sử dụng thiết kế bố trí là việc thực hiện các hành vi sau đây:

a) Sao chép thiết kế bố trí; sản xuất mạch tích hợp bán dẫn theo thiết kế bố trí được bảo hộ;

b) Bán, cho thuê, quảng cáo, chào hàng hoặc tàng trữ các bản sao thiết kế bố trí, mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ;

c) Nhập khẩu bản sao thiết kế bố trí, mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ.

4. Sử dụng bí mật kinh doanh là việc thực hiện các hành vi sau đây:

a) Áp dụng bí mật kinh doanh để sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ, thương mại hàng hoá;

b) Bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu sản phẩm được sản xuất do áp dụng bí mật kinh doanh.

5. Sử dụng nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi sau đây:

a) Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;

b) Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hoá mang nhãn hiệu được bảo hộ;

c) Nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.

6. Sử dụng tên thương mại là việc thực hiện hành vi nhằm mục đích thương mại bằng cách dùng tên thương mại để xưng danh trong các hoạt động kinh doanh, thể hiện tên thương mại trong các giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm, hàng hoá, bao bì hàng hoá và phương tiện cung cấp dịch vụ, quảng cáo.

7. Sử dụng chỉ dẫn địa lý là việc thực hiện các hành vi sau đây:

a) Gắn chỉ dẫn địa lý được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;

b) Lưu thông, chào bán, quảng cáo nhằm để bán, tàng trữ để bán hàng hoá có mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ;

c) Nhập khẩu hàng hoá có mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.

Điều 125. Quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

1. Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp nếu việc sử dụng đó không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý không có quyền cấm người khác thực hiện hành vi thuộc các trường hợp sau đây:

a) Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc mục đích phi thương mại hoặc nhằm mục đích đánh giá, phân tích, nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, sản xuất thử hoặc thu thập thông tin để thực hiện thủ tục xin phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành sản phẩm;

b) Lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp, trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra thị trường nước ngoài;

c) Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí chỉ nhằm mục đích duy trì hoạt động của các phương tiện vận tải của nước ngoài đang quá cảnh hoặc tạm thời nằm trong lãnh thổ Việt Nam;

d) Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp do người có quyền sử dụng trước thực hiện theo quy định tại Điều 134 của Luật này;

đ) Sử dụng sáng chế do người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện theo quy định tại Điều 145 và Điều 146 của Luật này;

e) Sử dụng thiết kế bố trí khi không biết hoặc không có nghĩa vụ phải biết thiết kế bố trí đó được bảo hộ;

g) Sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu nhãn hiệu đó đã đạt được sự bảo hộ một cách trung thực trước ngày nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đó;

h) Sử dụng một cách trung thực tên người, dấu hiệu mô tả chủng loại, số lượng, chất lượng, công dụng, giá trị, nguồn gốc địa lý và các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.

3. Chủ sở hữu bí mật kinh doanh không có quyền cấm người khác thực hiện các hành vi sau đây:

a) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh thu được khi không biết và không có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được một cách bất hợp pháp;

b) Bộc lộ dữ liệu bí mật nhằm bảo vệ công chúng theo quy định tại khoản 1 Điều 128 của Luật này;

c) Sử dụng dữ liệu bí mật quy định tại Điều 128 của Luật này không nhằm mục đích thương mại;

d) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra một cách độc lập;

đ) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra do phân tích, đánh giá sản phẩm được phân phối hợp pháp với điều kiện người phân tích, đánh giá không có thoả thuận khác với chủ sở hữu bí mật kinh doanh hoặc người bán hàng.

Điều 126. Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí

Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí:

1. Sử dụng sáng chế được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;

2. Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Điều 131 của Luật này.

Điều 127. Hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh

1. Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh:

a) Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó;

b) Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó;

c) Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh;

d) Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền;

đ) Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được có liên quan đến một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này;

e) Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật quy định tại Điều 128 của Luật này.

2. Người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm chủ sở hữu bí mật kinh doanh, người được chuyển giao hợp pháp quyền sử dụng bí mật kinh doanh, người quản lý bí mật kinh doanh.

Điều 128. Nghĩa vụ bảo mật dữ liệu thử nghiệm

1. Trong trường hợp pháp luật có quy định người nộp đơn xin cấp phép kinh doanh, lưu hành dược phẩm, nông hoá phẩm phải cung cấp kết quả thử nghiệm hoặc bất kỳ dữ liệu nào khác là bí mật kinh doanh thu được do đầu tư công sức đáng kể và người nộp đơn có yêu cầu giữ bí mật các thông tin đó thì cơ quan có thẩm quyền cấp phép có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp cần thiết để các dữ liệu đó không bị sử dụng nhằm mục đích thương mại không lành mạnh và không bị bộc lộ, trừ trường hợp việc bộc lộ là cần thiết nhằm bảo vệ công chúng.

2. Kể từ khi dữ liệu bí mật trong đơn xin cấp phép được nộp cho cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này đến hết năm năm kể từ ngày người nộp đơn được cấp phép, cơ quan đó không được cấp phép cho bất kỳ người nào nộp đơn muộn hơn nếu trong đơn sử dụng dữ liệu bí mật nêu trên mà không được sự đồng ý của người nộp dữ liệu đó, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều 125 của Luật này.

Điều 129. Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý

1. Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;

b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

2. Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.

3. Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ:

a) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;

b) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý;

c) Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó;

d) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với rượu vang, rượu mạnh cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, kể cả trường hợp có nêu chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ thật của hàng hoá hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc được sử dụng kèm theo các từ loại, kiểu, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy.

Điều 130. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh

1. Các hành vi sau đây bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh:

a) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hoá, dịch vụ;

b) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hoá, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hoá, dịch vụ;

c) Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng;

d) Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.

2. Chỉ dẫn thương mại quy định tại khoản 1 Điều này là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hoá, dịch vụ, bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hoá, nhãn hàng hoá.

3. Hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm các hành vi gắn chỉ dẫn thương mại đó lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện quảng cáo; bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu hàng hoá có gắn chỉ dẫn thương mại đó.

Điều 131. Quyền tạm thời đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí

1. Trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp biết rằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại và người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký, trong đó chỉ rõ ngày nộp đơn và ngày công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp để người đó chấm dứt việc sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng.

2. Đối với thiết kế bố trí đã được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại trước ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nếu người có quyền đăng ký biết rằng thiết kế bố trí đó đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại thì người đó có quyền thông báo bằng văn bản về quyền đăng ký của mình đối với thiết kế bố trí đó cho người sử dụng để người đó chấm dứt việc sử dụng thiết kế bố trí hoặc tiếp tục sử dụng.

3. Trong trường hợp đã được thông báo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà người được thông báo vẫn tiếp tục sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì khi Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được cấp, chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí có quyền yêu cầu người đã sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí phải trả một khoản tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đó trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng.

Mục 2. GIỚI HẠN QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Điều 132. Các yếu tố hạn chế quyền sở hữu công nghiệp

Theo quy định của Luật này, quyền sở hữu công nghiệp có thể bị hạn chế bởi các yếu tố sau đây:

1. Quyền của người sử dụng trước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp;

2. Các nghĩa vụ của chủ sở hữu, bao gồm:

a) Trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;

b) Sử dụng sáng chế, nhãn hiệu.

3. Chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 133. Quyền sử dụng sáng chế nhân danh Nhà nước

1. Bộ, cơ quan ngang bộ có quyền nhân danh Nhà nước sử dụng hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng sáng chế thuộc lĩnh vực quản lý của mình nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân và đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu sáng chế hoặc người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền (sau đây gọi là người nắm độc quyền sử dụng sáng chế) theo quy định tại Điều 145 và Điều 146 của Luật này.

2. Việc sử dụng sáng chế quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được giới hạn trong phạm vi và điều kiện chuyển giao quyền sử dụng quy định tại khoản 1 Điều 146 của Luật này, trừ trường hợp sáng chế được tạo ra bằng việc sử dụng cơ sở vật chất - kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Điều 134. Quyền sử dụng trước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp

1. Trường hợp trước ngày đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được công bố mà có người đã sử dụng hoặc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đồng nhất với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký nhưng được tạo ra một cách độc lập (sau đây gọi là người có quyền sử dụng trước) thì sau khi văn bằng bảo hộ được cấp, người đó có quyền tiếp tục sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng hoặc đã chuẩn bị để sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả tiền đền bù cho chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ. Việc thực hiện quyền của người sử dụng trước sáng chế, kiểu dáng công nghiệp không bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp.

2. Người có quyền sử dụng trước sáng chế, kiểu dáng công nghiệp không được phép chuyển giao quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển giao quyền đó kèm theo việc chuyển giao cơ sở sản xuất, kinh doanh nơi sử dụng hoặc chuẩn bị sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. Người có quyền sử dụng trước không được mở rộng phạm vi, khối lượng sử dụng nếu không được chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp cho phép.

Điều 135. Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí

1. Chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

2. Mức thù lao tối thiểu mà chủ sở hữu phải trả cho tác giả được quy định như sau:

a) 10% số tiền làm lợi mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;

b) 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

3. Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được nhiều tác giả tạo ra, mức thù lao quy định tại khoản 2 Điều này là mức dành cho tất cả các đồng tác giả; các đồng tác giả tự thoả thuận việc phân chia số tiền thù lao do chủ sở hữu chi trả.

4. Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tồn tại trong suốt thời hạn bảo hộ của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

Điều 136. Nghĩa vụ sử dụng sáng chế, nhãn hiệu

1. Chủ sở hữu sáng chế có nghĩa vụ sản xuất sản phẩm được bảo hộ hoặc áp dụng quy trình được bảo hộ để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội. Khi có các nhu cầu quy định tại khoản này mà chủ sở hữu sáng chế không thực hiện nghĩa vụ đó thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho người khác mà không cần được phép của chủ sở hữu sáng chế theo quy định tại Điều 145 và Điều 146 của Luật này.

2. Chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu đó. Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ năm năm trở lên thì quyền sở hữu nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực theo quy định tại Điều 95 của Luật này.

Điều 137. Nghĩa vụ cho phép sử dụng sáng chế cơ bản nhằm sử dụng sáng chế phụ thuộc

1. Sáng chế phụ thuộc là sáng chế được tạo ra trên cơ sở một sáng chế khác (sau đây gọi là sáng chế cơ bản) và chỉ có thể sử dụng được với điều kiện phải sử dụng sáng chế cơ bản.

2. Trong trường hợp chứng minh được sáng chế phụ thuộc tạo ra một bước tiến quan trọng về kỹ thuật so với sáng chế cơ bản và có ý nghĩa kinh tế lớn, chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc có quyền yêu cầu chủ sở hữu sáng chế cơ bản chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản với giá cả và điều kiện thương mại hợp lý.

Trong trường hợp chủ sở hữu sáng chế cơ bản không đáp ứng yêu cầu của chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc mà không có lý do chính đáng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chuyển giao quyền sử dụng sáng chế đó cho chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc mà không cần được phép của chủ sở hữu sáng chế cơ bản theo quy định tại Điều 145 và Điều 146 của Luật này.

Chương X

CHUYỂN GIAO QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Mục 1. CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Điều 138. Quy định chung về chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp

1. Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác.

2. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp).

Điều 139. Các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp

1. Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.

2. Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng.

3. Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.

4. Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

5. Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.

Điều 140. Nội dung của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;

2. Căn cứ chuyển nhượng;

3. Giá chuyển nhượng;

4. Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.

Mục 2. CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐỐI TƯỢNG SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Điều 141. Quy định chung về chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

1. Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình.

2. Việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp).

Điều 142. Hạn chế việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

1. Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tên thương mại không được chuyển giao.

2. Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó.

3. Bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép.

4. Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá về việc hàng hoá đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.

5. Bên được chuyển quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền có nghĩa vụ sử dụng sáng chế như chủ sở hữu sáng chế theo quy định tại khoản 1 Điều 136 của Luật này.

Điều 143. Các dạng hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp gồm các dạng sau đây:

1. Hợp đồng độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó nếu được phép của bên được chuyển quyền;

2. Hợp đồng không độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, quyền ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không độc quyền với người khác;

3. Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thứ cấp là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó theo một hợp đồng khác.

Điều 144. Nội dung hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

1. Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;

b) Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng;

c) Dạng hợp đồng;

d) Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ;

đ) Thời hạn hợp đồng;

e) Giá chuyển giao quyền sử dụng;

g) Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.

2. Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không được có các điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên được chuyển quyền, đặc biệt là các điều khoản không xuất phát từ quyền của bên chuyển quyền sau đây:

a) Cấm bên được chuyển quyền cải tiến đối tượng sở hữu công nghiệp, trừ nhãn hiệu; buộc bên được chuyển quyền phải chuyển giao miễn phí cho bên chuyển quyền các cải tiến đối tượng sở hữu công nghiệp do bên được chuyển quyền tạo ra hoặc quyền đăng ký sở hữu công nghiệp, quyền sở hữu công nghiệp đối với các cải tiến đó;

b) Trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế bên được chuyển quyền xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ được sản xuất hoặc cung cấp theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp sang các vùng lãnh thổ không phải là nơi mà bên chuyển quyền nắm giữ quyền sở hữu công nghiệp tương ứng hoặc có độc quyền nhập khẩu hàng hoá đó;

c) Buộc bên được chuyển quyền phải mua toàn bộ hoặc một tỷ lệ nhất định các nguyên liệu, linh kiện hoặc thiết bị của bên chuyển quyền hoặc của bên thứ ba do bên chuyển quyền chỉ định mà không nhằm mục đích bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ do bên được chuyển quyền sản xuất hoặc cung cấp;

d) Cấm bên được chuyển quyền khiếu kiện về hiệu lực của quyền sở hữu công nghiệp hoặc quyền chuyển giao của bên chuyển quyền.

3. Các điều khoản trong hợp đồng thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này mặc nhiên bị vô hiệu.

Mục 3. BẮT BUỘC CHUYỂN GIAO QUYỀN SỬ DỤNG ĐỐI VỚI SÁNG CHẾ

Điều 145. Căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế

1. Trong các trường hợp sau đây, quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 147 của Luật này mà không cần được sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng sáng chế:

a) Việc sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội;

b) Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế quy định tại khoản 1 Điều 136 và khoản 5 Điều 142 của Luật này sau khi kết thúc bốn năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế và kết thúc ba năm kể từ ngày cấp Bằng độc quyền sáng chế;

c) Người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thoả thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thoả đáng;

d) Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

2. Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế có quyền yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng khi căn cứ chuyển giao quy định tại khoản 1 Điều này không còn tồn tại và không có khả năng tái xuất hiện với điều kiện việc chấm dứt quyền sử dụng đó không gây thiệt hại cho người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế.

Điều 146. Điều kiện hạn chế quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc

1. Quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải phù hợp với các điều kiện sau đây:

a) Quyền sử dụng được chuyển giao thuộc dạng không độc quyền;

b) Quyền sử dụng được chuyển giao chỉ được giới hạn trong phạm vi và thời hạn đủ để đáp ứng mục tiêu chuyển giao và chủ yếu để cung cấp cho thị trường trong nước, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 145 của Luật này. Đối với sáng chế trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn thì việc chuyển giao quyền sử dụng chỉ nhằm mục đích công cộng, phi thương mại hoặc nhằm xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh;

c) Người được chuyển giao quyền sử dụng không được chuyển nhượng quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với cơ sở kinh doanh của mình và không được chuyển giao quyền sử dụng thứ cấp cho người khác;

d) Người được chuyển giao quyền sử dụng phải trả cho người nắm độc quyền sử dụng sáng chế một khoản tiền đền bù thoả đáng tuỳ thuộc vào giá trị kinh tế của quyền sử dụng đó trong từng trường hợp cụ thể phù hợp với khung giá đền bù do Chính phủ quy định.

2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 137 của Luật này còn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế cơ bản cũng được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế phụ thuộc với những điều kiện hợp lý;

b) Người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản không được chuyển nhượng quyền đó, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với toàn bộ quyền đối với sáng chế phụ thuộc.

Điều 147. Thẩm quyền và thủ tục chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc

1. Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trên cơ sở xem xét yêu cầu được chuyển giao quyền sử dụng đối với trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 145 của Luật này.

Bộ, cơ quan ngang bộ ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình khi xảy ra trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 145 của Luật này trên cơ sở tham khảo ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế phải ấn định phạm vi và các điều kiện sử dụng phù hợp với quy định tại Điều 146 của Luật này.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế phải thông báo ngay cho người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về quyết định đó.

4. Quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế hoặc từ chối chuyển giao quyền sử dụng sáng chế có thể bị khiếu nại, bị khởi kiện theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định cụ thể thủ tục chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế quy định tại Điều này.

Mục 4. ĐĂNG KÝ HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Điều 148. Hiệu lực của hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp

1. Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 của Luật này, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.

2. Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 của Luật này, hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có hiệu lực theo thoả thuận giữa các bên, nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.

3. Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp mặc nhiên bị chấm dứt hiệu lực nếu quyền sở hữu công nghiệp của bên giao bị chấm dứt.

Điều 149. Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp

Hồ sơ đăng ký hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm:

1. Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;

2. Bản gốc hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng;

3. Bản gốc văn bằng bảo hộ đối với trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp;

4. Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, văn bản giải trình lý do không đồng ý của bất kỳ đồng chủ sở hữu nào về việc chuyển giao quyền nếu quyền sở hữu công nghiệp thuộc sở hữu chung;

5. Chứng từ nộp phí, lệ phí;

6. Giấy uỷ quyền nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện.

Điều 150. Xử lý hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp

Trình tự, thủ tục tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp do Chính phủ quy định.

Chương XI

ĐẠI DIỆN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Điều 151. Dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp

1. Dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp bao gồm:

a) Đại diện cho tổ chức, cá nhân trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xác lập và bảo đảm thực thi quyền sở hữu công nghiệp;

b) Tư vấn về vấn đề liên quan đến thủ tục xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp;

c) Các dịch vụ khác liên quan đến thủ tục xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp.

2. Đại diện sở hữu công nghiệp gồm tổ chức kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp) và cá nhân hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp trong tổ chức đó (sau đây gọi là người đại diện sở hữu công nghiệp).

Điều 152. Phạm vi quyền của đại diện sở hữu công nghiệp

1. Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp chỉ được thực hiện các dịch vụ trong phạm vi được uỷ quyền và được phép uỷ quyền lại cho tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khác, nếu được sự đồng ý bằng văn bản của người uỷ quyền.

2. Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp có quyền từ bỏ hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp nếu đã chuyển giao một cách hợp pháp công việc đại diện chưa hoàn tất cho tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khác.

3. Đại diện sở hữu công nghiệp không được thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Đồng thời đại diện cho các bên tranh chấp với nhau về quyền sở hữu công nghiệp;

b) Rút đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ, tuyên bố từ bỏ sự bảo hộ, rút đơn khiếu nại về việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp nếu không được bên uỷ quyền đại diện cho phép;

c) Lừa dối hoặc ép buộc khách hàng trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

Điều 153. Trách nhiệm của đại diện sở hữu công nghiệp

1. Đại diện sở hữu công nghiệp có trách nhiệm sau đây:

a) Thông báo rõ các khoản, các mức phí và lệ phí liên quan đến thủ tục xác lập và bảo đảm thực thi quyền sở hữu công nghiệp, các khoản và các mức phí dịch vụ theo bảng phí dịch vụ đã đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp;

b) Giữ bí mật thông tin, tài liệu được giao liên quan đến vụ việc mà mình đại diện;

c) Thông tin trung thực và đầy đủ mọi thông báo, yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập và bảo đảm thực thi quyền sở hữu công nghiệp; giao kịp thời văn bằng bảo hộ và các quyết định khác cho bên được đại diện;

d) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên được đại diện bằng cách đáp ứng kịp thời các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập và bảo đảm thực thi quyền sở hữu công nghiệp đối với bên được đại diện;

đ) Thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập và bảo đảm thực thi quyền sở hữu công nghiệp mọi thay đổi về tên, địa chỉ và các thông tin khác của bên được đại diện khi cần thiết.

2. Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp phải chịu trách nhiệm dân sự đối với người được đại diện về hoạt động đại diện do người đại diện sở hữu công nghiệp thực hiện nhân danh tổ chức.

Điều 154. Điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp

Tổ chức đáp ứng các điều kiện sau đây được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp với danh nghĩa tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp:

1. Là doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được thành lập và hoạt động hợp pháp;

2. Có chức năng hoạt động dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh);

3. Người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức uỷ quyền phải đáp ứng các điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 155 của Luật này.

Điều 155. Điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp

1. Cá nhân được phép hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;

b) Hoạt động cho một tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

2. Cá nhân đáp ứng các điều kiện sau đây thì được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp:

a) Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Thường trú tại Việt Nam;

c) Có bằng tốt nghiệp đại học;

d) Đã trực tiếp làm công tác pháp luật về sở hữu công nghiệp liên tục từ năm năm trở lên hoặc đã trực tiếp làm công tác thẩm định các loại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại cơ quan quốc gia hoặc quốc tế về sở hữu công nghiệp liên tục từ năm năm trở lên hoặc đã tốt nghiệp khoá đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền công nhận;

đ) Không phải là công chức, viên chức đang làm việc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập và bảo đảm thực thi quyền sở hữu công nghiệp;

e) Đã đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra về nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp do cơ quan có thẩm quyền tổ chức.

3. Chính phủ quy định cụ thể chương trình đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp, việc kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp, cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

Điều 156. Ghi nhận, xoá tên tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp

1. Tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện kinh doanh, hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 154 và Điều 155 của Luật này được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ghi nhận trong Sổ đăng ký quốc gia về đại diện sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân đó.

2. Trường hợp có căn cứ khẳng định đại diện sở hữu công nghiệp không còn đáp ứng các điều kiện kinh doanh, hành nghề quy định tại Điều 154 và Điều 155 của Luật này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp xoá tên đại diện sở hữu công nghiệp đó trong Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

3. Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 152 và Điều 153 của Luật này thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Người đại diện sở hữu công nghiệp có sai phạm về chuyên môn, nghiệp vụ trong khi hành nghề hoặc vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều 152điểm a khoản 1 Điều 153 của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị cảnh cáo, phạt tiền, thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

PHẦN THỨ TƯ

QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG

Chương XII

ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG

Điều 157. Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng

1. Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng là tổ chức, cá nhân chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng hoặc đầu tư cho công tác chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng hoặc được chuyển giao quyền đối với giống cây trồng.

2. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc nước có ký kết với Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thoả thuận về bảo hộ giống cây trồng; tổ chức, cá nhân nước ngoài có địa chỉ thường trú tại Việt Nam hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam.

Điều 158. Điều kiện chung đối với giống cây trồng được bảo hộ

Giống cây trồng được bảo hộ là giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, thuộc Danh mục loài cây trồng được Nhà nước bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp.

Điều 159. Tính mới của giống cây trồng

Giống cây trồng được coi là có tính mới nếu vật liệu nhân giống hoặc sản phẩm thu hoạch của giống cây trồng đó chưa được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 164 của Luật này hoặc người được phép của người đó bán hoặc phân phối bằng cách khác nhằm mục đích khai thác giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký một năm hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký sáu năm đối với giống cây trồng thuộc loài thân gỗ và cây nho, bốn năm đối với giống cây trồng khác.

Điều 160. Tính khác biệt của giống cây trồng

1. Giống cây trồng được coi là có tính khác biệt nếu có khả năng phân biệt rõ ràng với các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn hoặc ngày ưu tiên nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên.

2. Giống cây trồng được biết đến rộng rãi quy định tại khoản 1 Điều này là giống cây trồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Giống cây trồng mà vật liệu nhân giống hoặc sản phẩm thu hoạch của giống đó đã được sử dụng một cách rộng rãi trên thị trường ở bất kỳ quốc gia nào tại thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ;

b) Giống cây trồng đã được bảo hộ hoặc được đăng ký vào Danh mục loài cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào;

c) Giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký bảo hộ hoặc được đăng ký vào Danh mục loài cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào, nếu các đơn này không bị từ chối;

d) Giống cây trồng mà bản mô tả chi tiết của giống đó đã được công bố.

Điều 161. Tính đồng nhất của giống cây trồng

Giống cây trồng được coi là có tính đồng nhất nếu có sự biểu hiện như nhau về các tính trạng liên quan, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống.

Điều 162. Tính ổn định của giống cây trồng

Giống cây trồng được coi là có tính ổn định nếu các tính trạng liên quan của giống cây trồng đó vẫn giữ được các biểu hiện như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống trong trường hợp nhân giống theo chu kỳ.

Điều 163. Tên của giống cây trồng

1. Người đăng ký phải đề xuất một tên phù hợp cho giống cây trồng với cùng một tên như tên đã đăng ký ở bất kỳ quốc gia nào khi nộp đơn đăng ký bảo hộ.

2. Tên của giống cây trồng được coi là phù hợp nếu tên đó có khả năng dễ dàng phân biệt được với tên của các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi trong cùng một loài hoặc loài tương tự.

3. Tên của giống cây trồng không được coi là phù hợp trong các trường hợp sau đây:

a) Chỉ bao gồm các chữ số, trừ trường hợp chữ số liên quan đến đặc tính hoặc sự hình thành giống đó;

b) Vi phạm đạo đức xã hội;

c) Dễ gây hiểu nhầm về các đặc trưng, đặc tính của giống đó;

d) Dễ gây hiểu nhầm về danh tính của tác giả;

đ) Trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày công bố đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng;

e) Trùng hoặc tương tự với tên của sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng đó;

g) Ảnh hưởng đến quyền đã có trước của tổ chức, cá nhân khác.

4. Tổ chức, cá nhân chào bán hoặc đưa ra thị trường vật liệu nhân giống của giống cây trồng phải sử dụng tên giống cây trồng như tên đã ghi trong Bằng bảo hộ, kể cả sau khi kết thúc thời hạn bảo hộ.

5. Khi tên giống cây trồng được kết hợp với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại hoặc các chỉ dẫn tương tự với tên giống cây trồng đã được đăng ký để chào bán hoặc đưa ra thị trường thì tên đó vẫn phải có khả năng nhận biết một cách dễ dàng.

Chương XIII

XÁC LẬP QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG

Mục 1. XÁC LẬP QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG

Điều 164. Đăng ký quyền đối với giống cây trồng

1. Để được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc nộp đơn đăng ký bảo hộ cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.

2. Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng (sau đây gọi là người đăng ký) bao gồm:

a) Tác giả trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng bằng công sức và chi phí của mình;

b) Tổ chức, cá nhân đầu tư cho tác giả chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp có thoả thuận khác;

c) Tổ chức, cá nhân được chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng.

3. Giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển do sử dụng ngân sách nhà nước hoặc từ dự án do Nhà nước quản lý thì quyền đối với giống cây trồng đó thuộc về Nhà nước. Chính phủ quy định cụ thể việc đăng ký quyền đối với giống cây trồng quy định tại khoản này.

Điều 165. Cách thức nộp đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có địa chỉ thường trú tại Việt Nam hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam nộp đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng (sau đây gọi là đơn đăng ký bảo hộ) trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài không có địa chỉ thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam nộp đơn đăng ký bảo hộ thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.

Điều 166. Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên đối với giống cây trồng

1. Trường hợp có từ hai người trở lên độc lập nộp đơn đăng ký bảo hộ vào các ngày khác nhau cho cùng một giống cây trồng thì Bằng bảo hộ giống cây trồng chỉ có thể được cấp cho người đăng ký hợp lệ sớm nhất.

2. Trường hợp có nhiều đơn đăng ký bảo hộ cho cùng một giống cây trồng được nộp vào cùng một ngày thì Bằng bảo hộ giống cây trồng chỉ có thể được cấp cho người nào đứng tên nộp một đơn duy nhất theo sự thoả thuận của tất cả những người đăng ký; nếu những người đăng ký không thoả thuận được thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng sẽ xem xét để cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng trên cơ sở xác định người đầu tiên đã chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng đó.

Điều 167. Nguyên tắc ưu tiên đối với đơn đăng ký bảo hộ

1. Người đăng ký có quyền yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký bảo hộ được nộp trong thời hạn mười hai tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ cùng một giống cây trồng tại nước có ký kết với Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thoả thuận về bảo hộ giống cây trồng. Ngày nộp đơn đầu tiên không tính vào thời hạn này.

2. Để được hưởng quyền ưu tiên, người đăng ký phải thể hiện yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên trong đơn đăng ký bảo hộ. Trong thời hạn chậm nhất là ba tháng, kể từ ngày nộp đơn đăng ký, người đăng ký phải cung cấp bản sao các tài liệu về đơn đầu tiên được cơ quan có thẩm quyền xác nhận và các mẫu hoặc bằng chứng khác xác nhận giống cây trồng ở hai đơn là một và phải nộp lệ phí. Người đăng ký có quyền cung cấp thông tin, tài liệu hoặc vật liệu cần thiết cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thẩm định theo quy định tại Điều 176 và Điều 178 của Luật này trong thời hạn hai năm sau ngày kết thúc thời hạn hưởng quyền ưu tiên hoặc trong thời hạn thích hợp tuỳ thuộc vào loài của giống cây trồng trong đơn, sau khi đơn đầu tiên bị từ chối hoặc rút bỏ.

3. Đơn đăng ký bảo hộ được hưởng quyền ưu tiên thì ngày ưu tiên là ngày nộp đơn đầu tiên.

4. Trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, việc nộp một đơn khác hoặc công bố hoặc sử dụng giống cây trồng là đối tượng của đơn đầu tiên không bị coi là căn cứ để từ chối đơn đăng ký bảo hộ được hưởng quyền ưu tiên.

Điều 168. Bằng bảo hộ giống cây trồng và Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ

1. Bằng bảo hộ giống cây trồng ghi nhận tên giống và loài cây trồng, tên chủ sở hữu quyền đối với giống cây trồng (sau đây gọi là chủ bằng bảo hộ), tên tác giả giống cây trồng và thời hạn bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ghi nhận việc cấp Bằng bảo hộ và nội dung Bằng bảo hộ vào Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ và lưu giữ các thông tin đó.

Điều 169. Hiệu lực của Bằng bảo hộ giống cây trồng

1. Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

2. Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết hai mươi lăm năm đối với giống cây thân gỗ và cây nho; đến hết hai mươi năm đối với các giống cây trồng khác.

3. Bằng bảo hộ giống cây trồng có thể bị đình chỉ hoặc huỷ bỏ hiệu lực theo quy định tại Điều 170 và Điều 171 của Luật này.

Điều 170. Đình chỉ, phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng

1. Bằng bảo hộ giống cây trồng có thể bị đình chỉ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

a) Giống cây trồng được bảo hộ không còn đáp ứng điều kiện về tính đồng nhất và tính ổn định như tại thời điểm cấp Bằng;

b) Chủ bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực theo quy định;

c) Chủ bằng bảo hộ không cung cấp tài liệu, vật liệu nhân giống cần thiết để duy trì và lưu giữ giống cây trồng theo quy định;

d) Chủ bằng bảo hộ không thay đổi tên giống cây trồng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.

2. Trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ra quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng.

3. Trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, khi hết thời hạn nộp lệ phí duy trì hiệu lực, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ra quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng kể từ ngày đầu tiên của năm hiệu lực tiếp theo mà lệ phí duy trì hiệu lực không được nộp.

4. Trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, mọi tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng.

Căn cứ vào kết quả xem xét đơn yêu cầu đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng và ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ra thông báo từ chối đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ hoặc ra quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ.

5. Trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng đăng thông báo trên tạp chí chuyên ngành và nêu rõ lý do đình chỉ, đồng thời gửi thông báo cho chủ bằng bảo hộ. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày thông báo, chủ bằng bảo hộ có quyền gửi đơn đề nghị được khắc phục các lý do bị đình chỉ cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng và nộp lệ phí để phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng. Trong thời hạn chín mươi ngày kể từ ngày nộp đơn, chủ bằng bảo hộ phải khắc phục những lý do bị đình chỉ đối với các trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng xem xét phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ và thông báo trên tạp chí chuyên ngành.

Trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng sẽ được phục hồi sau khi chủ sở hữu chứng minh được giống đã đáp ứng các điều kiện về tính đồng nhất và tính ổn định và được cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng xác nhận.

Điều 171. Huỷ bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng

1. Bằng bảo hộ giống cây trồng bị hủy bỏ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

a) Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng do người không có quyền đăng ký đứng tên, trừ trường hợp quyền đối với giống cây trồng được chuyển lại cho người có quyền đăng ký;

b) Giống cây trồng được bảo hộ không đáp ứng các điều kiện về tính mới hoặc tính khác biệt tại thời điểm cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng;

c) Giống cây trồng không đáp ứng các điều kiện về tính đồng nhất hoặc tính ổn định trong trường hợp Bằng bảo hộ giống cây trồng được cấp dựa trên kết quả khảo nghiệm kỹ thuật do người đăng ký thực hiện.

2. Trong thời hạn hiệu lực của Bằng bảo hộ giống cây trồng, mọi tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng.

Căn cứ vào kết quả xem xét đơn yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng và ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ra thông báo từ chối huỷ bỏ hoặc ra quyết định huỷ bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng.

3. Trong trường hợp Bằng bảo hộ giống cây trồng bị huỷ bỏ, mọi giao dịch phát sinh trên cơ sở giống cây trồng được cấp Bằng bảo hộ đó bị vô hiệu. Việc xử lý giao dịch vô hiệu thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự.

Điều 172. Sửa đổi, cấp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng

1. Chủ bằng bảo hộ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thay đổi, sửa chữa sai sót liên quan đến tên và địa chỉ của chủ bằng bảo hộ với điều kiện phải nộp phí, lệ phí. Trong trường hợp những sai sót này là do cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng gây ra thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng phải sửa chữa, chủ bằng bảo hộ không phải nộp phí, lệ phí.

2. Chủ bằng bảo hộ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng cấp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng trong trường hợp bị mất hoặc hư hỏng với điều kiện phải nộp phí, lệ phí.

Điều 173. Công bố quyết định liên quan đến Bằng bảo hộ giống cây trồng

Quyết định về việc cấp, cấp lại, đình chỉ, hủy bỏ, sửa đổi Bằng bảo hộ giống cây trồng được cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng công bố trên tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định.

Mục 2. ĐƠN VÀ THỦ TỤC XỬ LÝ ĐƠN ĐĂNG KÝ BẢO HỘ

Điều 174. Đơn đăng ký bảo hộ

1. Đơn đăng ký bảo hộ gồm các tài liệu sau đây:

a) Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;

b) Ảnh chụp, tờ khai kỹ thuật theo mẫu quy định;c) Giấy uỷ quyền, nếu đơn được nộp thông qua đại diện;

d) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người đăng ký là người được chuyển giao quyền đăng ký;

đ) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;

e) Chứng từ nộp phí, lệ phí.

2. Đơn đăng ký bảo hộ và các giấy tờ giao dịch giữa người đăng ký và cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu sau đây có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng yêu cầu:

a) Giấy uỷ quyền;

b) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký;

c) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên;

d) Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.

3. Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên của đơn đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng gồm:

a) Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan nhận đơn;

b) Giấy chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền ưu tiên, nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác.

4. Mỗi đơn chỉ được đăng ký bảo hộ cho một giống cây trồng.

Điều 175. Tiếp nhận đơn đăng ký bảo hộ, ngày nộp đơn

1. Đơn đăng ký bảo hộ chỉ được cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng tiếp nhận khi có đủ các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 174 của Luật này.

2. Ngày nộp đơn là ngày đơn được cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng tiếp nhận.

Điều 176. Thẩm định hình thức đơn đăng ký bảo hộ

1. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thẩm định hình thức đơn trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đơn để xác định tính hợp lệ của đơn.

2. Đơn đăng ký bảo hộ được coi là không hợp lệ trong các trường hợp sau đây:

a) Đơn không đáp ứng các yêu cầu về hình thức theo quy định;

b) Giống cây trồng nêu trong đơn không thuộc loài cây trồng có tên trong Danh mục loài cây trồng được bảo hộ;

c) Đơn do người không có quyền đăng ký nộp, kể cả trường hợp quyền đăng ký thuộc nhiều tổ chức, cá nhân, nhưng một hoặc nhiều người trong số đó không đồng ý thực hiện việc đăng ký.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Thông báo từ chối chấp nhận đơn đối với các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này, trong đó nêu rõ lý do từ chối;

b) Thông báo cho người đăng ký khắc phục những thiếu sót trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này và ấn định trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, người đăng ký phải khắc phục các thiếu sót đó;

c) Thông báo từ chối chấp nhận đơn, nếu người đăng ký không khắc phục thiếu sót hoặc không có ý kiến xác đáng phản đối thông báo quy định tại điểm b khoản này;

d) Thông báo chấp nhận đơn, yêu cầu người đăng ký gửi mẫu giống đến cơ sở khảo nghiệm để tiến hành khảo nghiệm kỹ thuật và thực hiện thủ tục quy định tại Điều 178 của Luật này nếu đơn hợp lệ hoặc người đăng ký khắc phục thiếu sót đạt yêu cầu hoặc có ý kiến xác đáng phản đối thông báo quy định tại điểm b khoản này.

Điều 177. Công bố đơn đăng ký bảo hộ

1. Trường hợp đơn được chấp nhận hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng công bố đơn hợp lệ trên tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày đơn được chấp nhận.

2. Nội dung công bố đơn gồm số đơn, ngày nộp đơn, đại diện (nếu có), người đăng ký, chủ sở hữu, tên giống cây trồng, tên loài cây trồng, ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ.

Điều 178. Thẩm định nội dung đơn đăng ký bảo hộ

1. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thẩm định nội dung đối với đơn được chấp nhận là hợp lệ. Nội dung thẩm định bao gồm:

a) Thẩm định tính mới và tên gọi phù hợp của giống cây trồng;

b) Thẩm định kết quả khảo nghiệm kỹ thuật đối với giống cây trồng.

2. Khảo nghiệm kỹ thuật là tiến hành các thí nghiệm nhằm xác định tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống cây trồng.

Việc khảo nghiệm kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân có năng lực tiến hành khảo nghiệm giống cây trồng thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng có thể sử dụng kết quả khảo nghiệm kỹ thuật đã có trước đó.

3. Thời hạn thẩm định kết quả khảo nghiệm kỹ thuật là chín mươi ngày, kể từ ngày nhận được kết quả khảo nghiệm kỹ thuật.

Điều 179. Sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký bảo hộ

1. Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thông báo từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng hoặc quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng, người đăng ký có các quyền sau đây:

a) Sửa đổi, bổ sung đơn nhưng không được làm thay đổi bản chất đơn đăng ký bảo hộ;

b) Yêu cầu ghi nhận thay đổi tên, địa chỉ của người đăng ký;

c) Yêu cầu ghi nhận thay đổi người đăng ký do chuyển nhượng đơn theo hợp đồng hoặc thừa kế, kế thừa;

2. Người yêu cầu thực hiện các thủ tục quy định tại khoản 1 Điều này phải nộp phí, lệ phí.

Điều 180. Rút đơn đăng ký bảo hộ

1. Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng quyết định cấp hay từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng, người đăng ký có quyền rút đơn đăng ký bảo hộ. Yêu cầu rút đơn phải được lập thành văn bản.

2. Từ thời điểm người đăng ký rút đơn đăng ký bảo hộ, mọi thủ tục tiếp theo liên quan đến đơn đó bị chấm dứt; các khoản phí, lệ phí đã nộp liên quan đến những thủ tục chưa bắt đầu tiến hành được hoàn trả theo yêu cầu của người đăng ký.

Điều 181. Ý kiến của người thứ ba về việc cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng

Kể từ ngày đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng được công bố trên tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng đến trước khi ra quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến về việc cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng với cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng. Ý kiến phải được lập thành văn bản và kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh.

Điều 182. Từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng

Đơn đăng ký bảo hộ bị từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng trong trường hợp giống cây trồng không đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 176 và Điều 178 của Luật này. Trong trường hợp từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thực hiện các thủ tục sau đây:

1. Thông báo về dự định từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng, trong đó phải nêu rõ lý do và ấn định thời hạn để người đăng ký khắc phục thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối;

2. Thông báo từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng nếu người đăng ký không khắc phục được các thiếu sót và không có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối quy định tại khoản 1 Điều này;

3. Thực hiện các thủ tục quy định tại Điều 183 của Luật này, nếu người đăng ký khắc phục được các thiếu sót hoặc có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 183. Cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng

Trong trường hợp đơn đăng ký bảo hộ không bị từ chối theo quy định tại Điều 182 của Luật này và người đăng ký nộp lệ phí thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ.

Điều 184. Khiếu nại việc cấp hoặc từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng

1. Người đăng ký và bất kỳ người thứ ba nào đều có quyền khiếu nại quyết định cấp hoặc từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng.2. Việc giải quyết khiếu nại quyết định cấp hoặc từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Chương XIV

NỘI DUNG VÀ GIỚI HẠN QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG

Mục 1. NỘI DUNG QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG

Điều 185. Quyền tác giả giống cây trồng

Tác giả giống cây trồng có các quyền sau đây:

1. Được ghi tên với danh nghĩa là tác giả trong Bằng bảo hộ giống cây trồng, Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ và trong các tài liệu công bố về giống cây trồng;

2. Nhận thù lao theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 191 của Luật này.

Điều 186. Quyền của chủ bằng bảo hộ

1. Chủ bằng bảo hộ có quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng các quyền sau đây liên quan đến vật liệu nhân giống của giống đã được bảo hộ:a) Sản xuất hoặc nhân giống;

b) Chế biến nhằm mục đích nhân giống;

c) Chào hàng;

d) Bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường khác;

đ) Xuất khẩu;

e) Nhập khẩu;

g) Lưu giữ để thực hiện các hành vi quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này.

2. Ngăn cấm người khác sử dụng giống cây trồng theo quy định tại Điều 188 của Luật này.

3. Để thừa kế, kế thừa quyền đối với giống cây trồng và chuyển giao quyền đối với giống cây trồng theo quy định tại Chương XV của Luật này.

Điều 187. Mở rộng quyền của chủ bằng bảo hộ

Quyền của chủ bằng bảo hộ được mở rộng đối với các giống cây trồng sau đây:

1. Giống cây trồng có nguồn gốc từ giống cây trồng được bảo hộ, trừ trường hợp giống cây trồng được bảo hộ có nguồn gốc từ một giống cây trồng đã được bảo hộ khác.

Giống cây trồng được coi là có nguồn gốc từ giống được bảo hộ nếu giống cây trồng đó vẫn giữ lại biểu hiện của các tính trạng chủ yếu thu được từ kiểu gen hoặc sự phối hợp các kiểu gen của giống được bảo hộ, trừ những khác biệt là kết quả của sự tác động vào giống được bảo hộ;

2. Giống cây trồng không khác biệt rõ ràng với giống cây trồng đã được bảo hộ;

3. Giống cây trồng mà việc sản xuất đòi hỏi phải sử dụng lặp lại giống cây trồng đã được bảo hộ.

Điều 188. Hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng

Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền của chủ bằng bảo hộ:

1. Khai thác, sử dụng các quyền của chủ bằng bảo hộ mà không được phép của chủ bằng bảo hộ;

2. Sử dụng tên giống cây trồng mà tên đó trùng hoặc tương tự với tên giống cây trồng đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài hoặc loài liên quan gần gũi với giống cây trồng đã được bảo hộ;

3. Sử dụng giống cây trồng đã được bảo hộ mà không trả tiền đền bù theo quy định tại Điều 189 của Luật này.

Điều 189. Quyền tạm thời đối với giống cây trồng

1. Quyền tạm thời đối với giống cây trồng là quyền của người đăng ký bảo hộ giống cây trồng phát sinh từ ngày đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng được công bố đến ngày cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng. Trong trường hợp giống cây trồng không được cấp Bằng bảo hộ thì người đăng ký bảo hộ không có quyền này.

2. Trong trường hợp người đăng ký biết giống cây trồng đăng ký bảo hộ đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại thì người đăng ký bảo hộ giống cây trồng có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc đã nộp đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng, trong đó ghi rõ ngày nộp đơn và ngày mà đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng được công bố để người đó chấm dứt việc sử dụng giống cây trồng hoặc tiếp tục sử dụng.

3. Trong trường hợp đã được thông báo theo quy định tại khoản 2 Điều này mà người được thông báo vẫn tiếp tục sử dụng giống cây trồng thì khi Bằng bảo hộ giống cây trồng được cấp, chủ bằng bảo hộ có quyền yêu cầu người đã sử dụng giống cây trồng phải trả một khoản tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng đó trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng.

Mục 2. GIỚI HẠN QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG

Điều 190. Hạn chế quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng

1. Các hành vi sau đây không bị coi là xâm phạm quyền đối với giống cây trồng đã được bảo hộ:

a) Sử dụng giống cây trồng phục vụ nhu cầu cá nhân và phi thương mại;b) Sử dụng giống cây trồng nhằm mục đích lai tạo để nghiên cứu khoa học;

c) Sử dụng giống cây trồng để tạo ra giống cây trồng mới khác biệt với giống cây trồng đã được bảo hộ;

d) Hộ sản xuất cá thể sử dụng sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng được bảo hộ để tự nhân giống và gieo trồng cho vụ sau trên diện tích đất của mình.

2. Quyền đối với giống cây trồng không được áp dụng đối với các hành vi liên quan đến vật liệu của giống cây trồng được bảo hộ do chủ bằng bảo hộ hoặc người được chủ bằng bảo hộ cho phép bán hoặc bằng cách khác đưa ra thị trường Việt Nam hoặc thị trường nước ngoài, trừ các hành vi sau đây:

a) Liên quan đến việc nhân tiếp giống cây trồng đó;

b) Liên quan đến việc xuất khẩu các vật liệu của giống cây trồng có khả năng nhân giống vào những nước không bảo hộ các chi hoặc loài cây trồng đó, trừ trường hợp xuất khẩu vật liệu nhằm mục đích tiêu dùng.

Điều 191. Nghĩa vụ của chủ bằng bảo hộ và tác giả giống cây trồng

1. Chủ bằng bảo hộ có các nghĩa vụ sau đây:

a) Trả thù lao cho tác giả giống cây trồng theo thoả thuận; trường hợp không có thoả thuận thì mức trả thù lao phải tuân theo quy định của pháp luật;

b) Nộp lệ phí duy trì hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định;

c) Lưu giữ giống cây trồng được bảo hộ, cung cấp vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng và duy trì tính ổn định của giống cây trồng được bảo hộ theo quy định.

2. Tác giả giống cây trồng có nghĩa vụ giúp chủ bằng bảo hộ duy trì vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ.

Chương XV

CHUYỂN GIAO QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG

Điều 192. Chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng

1. Chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng là việc chủ bằng bảo hộ cho phép người khác thực hiện một hoặc một số hành vi thuộc quyền sử dụng đối với giống cây trồng của mình.

2. Trường hợp quyền sử dụng giống cây trồng thuộc đồng sở hữu thì việc chuyển giao quyền sử dụng cho người khác phải được sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu.

3. Việc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản.

4. Hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng không được có những điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên nhận chuyển giao quyền sử dụng, đặc biệt là những điều khoản hạn chế không xuất phát từ quyền của bên chuyển giao quyền sử dụng đối với giống cây trồng tương ứng hoặc không nhằm bảo vệ các quyền đó.

Điều 193. Quyền của các bên trong hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng

1. Bên chuyển giao quyền sử dụng có quyền cho phép hoặc không cho phép bên nhận chuyển giao quyền sử dụng chuyển giao lại quyền sử dụng cho bên thứ ba.

2. Bên nhận chuyển giao quyền sử dụng có các quyền sau đây:

a) Chuyển giao quyền sử dụng cho bên thứ ba, nếu được bên giao quyền sử dụng cho phép;

b) Yêu cầu bên giao quyền sử dụng thực hiện các biện pháp cần thiết phù hợp để chống lại các hành vi xâm phạm của bên thứ ba gây thiệt hại cho mình;

c) Tiến hành các biện pháp cần thiết để ngăn chặn các hành vi xâm phạm của bên thứ ba, nếu trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày nhận được yêu cầu của bên chuyển giao quyền sử dụng không thực hiện yêu cầu quy định tại điểm b khoản này.

Điều 194. Chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng

1. Chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng là việc chủ bằng bảo hộ giống cây trồng chuyển giao toàn bộ quyền đối với giống cây trồng đó cho bên nhận chuyển nhượng. Bên nhận chuyển nhượng trở thành chủ bằng bảo hộ giống cây trồng kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng theo thủ tục do pháp luật quy định.

2. Trường hợp quyền đối với giống cây trồng thuộc đồng sở hữu thì việc chuyển nhượng cho người khác phải được sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu.

3. Việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản.

Điều 195. Căn cứ và điều kiện bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng

1. Trong các trường hợp sau đây, quyền sử dụng giống cây trồng được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 196 của Luật này mà không cần được sự đồng ý của chủ bằng bảo hộ hoặc người được chủ bằng bảo hộ chuyển giao quyền sử dụng độc quyền (sau đây gọi là người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng):

a) Việc sử dụng giống cây trồng nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh, an ninh lương thực và dinh d­ưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội;

b) Người có nhu cầu và năng lực sử dụng giống cây trồng không đạt được thoả thuận với người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng về việc ký kết hợp đồng sử dụng giống cây trồng mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thoả đáng;

c) Người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

2. Người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng có quyền yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng khi căn cứ chuyển giao quy định tại khoản 1 Điều này không còn tồn tại và không có khả năng tái xuất hiện với điều kiện việc chấm dứt quyền sử dụng đó không gây thiệt hại cho người đ­ược chuyển giao quyền sử dụng.

3. Quyền sử dụng giống cây trồng được chuyển giao theo quyết định của cơ quan nhà nư­ớc có thẩm quyền phải phù hợp với các điều kiện sau đây:

a) Quyền sử dụng đư­ợc chuyển giao không phải là quyền độc quyền;

b) Quyền sử dụng đư­ợc chuyển giao chỉ đ­ược giới hạn trong phạm vi và thời hạn đủ để đáp ứng mục đích chuyển giao và chủ yếu để cung cấp cho thị trường trong n­ước, trừ tr­ường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

c) Ng­ười đư­ợc chuyển giao quyền sử dụng không được chuyển nh­ượng quyền đó cho người khác, trừ trư­ờng hợp chuyển như­ợng cùng với cơ sở kinh doanh của mình và không đư­ợc chuyển giao quyền sử dụng thứ cấp cho ngư­ời khác;

d) Ngư­ời đư­ợc chuyển giao quyền sử dụng phải đền bù thoả đáng cho người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng tuỳ thuộc vào giá trị kinh tế của quyền sử dụng đó trong từng trường hợp cụ thể, phù hợp với khung giá đền bù do Chính phủ quy định.

4. Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với giống cây trồng và khung giá đền bù quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.

Điều 196. Thẩm quyền và thủ tục chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng theo quyết định bắt buộc

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình trên cơ sở xem xét yêu cầu đ­ược chuyển giao quyền sử dụng đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 195 của Luật này.

Bộ, cơ quan ngang bộ ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình trên cơ sở tham khảo ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 195 của Luật này.

2. Quyết định chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng phải ấn định phạm vi và các điều kiện sử dụng phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 195 của Luật này.

3. Cơ quan nhà nư­ớc có thẩm quyền quyết định chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng phải thông báo ngay cho ng­ười nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng về quyết định đó.

4. Quyết định chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng hoặc từ chối chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng có thể bị khiếu nại, bị khởi kiện theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định cụ thể thủ tục chuyển giao quyền sử dụng đối với giống cây trồng quy định tại Điều này.

Điều 197. Quyền của chủ bằng bảo hộ trong trường hợp bị bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng

Chủ bằng bảo hộ bị bắt buộc phải chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng có các quyền sau đây:

1. Nhận đền bù tương ứng với giá trị kinh tế của quyền sử dụng đó hoặc tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng theo hợp đồng có phạm vi và thời hạn tương ứng;

2. Yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng sửa đổi, đình chỉ hiệu lực, huỷ bỏ hiệu lực của việc chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng khi điều kiện dẫn đến việc chuyển giao đó đã chấm dứt và việc sửa đổi, huỷ bỏ, đình chỉ hiệu lực đó không gây thiệt hại cho người được chuyển giao quyền sử dụng bắt buộc.

PHẦN THỨ NĂM

BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Chương XVI

QUY ĐỊNH CHUNG VỀ BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Điều 198. Quyền tự bảo vệ

1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:

a) Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;

c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự quy định tại Điều 202 của Luật này và các biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Điều 199. Biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, ­­có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.

2. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 200. Thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Toà án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

2. Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Toà án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

3. Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Uỷ ban nhân dân các cấp. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan này có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

4. Việc áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan.

Điều 201. Giám định về sở hữu trí tuệ

1. Giám định về sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có quyền trưng cầu giám định về sở hữu trí tuệ khi giải quyết vụ việc mà mình đang thụ lý.

3. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và tổ chức, cá nhân khác có liên quan có quyền yêu cầu giám định về sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

4. Chính phủ quy định cụ thể hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ.

Chương XVII

XỬ LÝ XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ BẰNG BIỆN PHÁP DÂN SỰ

Điều 202. Các biện pháp dân sự

Toà án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:1. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;

2. Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

3. Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

4. Buộc bồi thường thiệt hại;

5. Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Điều 203. Quyền và nghĩa vụ chứng minh của đương sự

1. Nguyên đơn và bị đơn trong vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có quyền và nghĩa vụ chứng minh theo quy định tại Điều 79 của Bộ luật tố tụng dân sự và theo quy định tại Điều này.

2. Nguyên đơn chứng minh mình là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bằng một trong các chứng cứ sau đây:

a) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, văn bằng bảo hộ; bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan, Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp, Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ;

b) Chứng cứ cần thiết để chứng minh căn cứ phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan trong trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan; chứng cứ cần thiết để chứng minh quyền đối với bí mật kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu nổi tiếng;

c) Bản sao hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong trường hợp quyền sử dụng được chuyển giao theo hợp đồng.

3. Nguyên đơn phải cung cấp các chứng cứ về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

4. Trong vụ kiện về xâm phạm quyền đối với sáng chế là một quy trình sản xuất sản phẩm, bị đơn phải chứng minh sản phẩm của mình được sản xuất theo một quy trình khác với quy trình được bảo hộ trong các trường hợp sau đây:

a) Sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ là sản phẩm mới;

b) Sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ không phải là sản phẩm mới nhưng chủ sở hữu sáng chế cho rằng sản phẩm do bị đơn sản xuất là theo quy trình được bảo hộ và mặc dù đã sử dụng các biện pháp thích hợp nhưng vẫn không thể xác định được quy trình do bị đơn sử dụng.

5. Trong trường hợp một bên trong vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chứng minh được chứng cứ thích hợp để chứng minh cho yêu cầu của mình bị bên kia kiểm soát do đó không thể tiếp cận được thì có quyền yên cầu Toà án buộc bên kiểm soát chứng cứ phải đưa ra chứng cứ đó.

6. Trong trường hợp có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì nguyên đơn phải chứng minh thiệt hại thực tế đã xảy ra và nêu căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 205 của Luật này.

Điều 204. Nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

1. Thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:

a) Thiệt hại về vật chất bao gồm các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại;

b) Thiệt hại về tinh thần bao gồm các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; người biểu diễn; tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng.

2. Mức độ thiệt hại được xác định trên cơ sở các tổn thất thực tế mà chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải chịu do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra.

Điều 205. Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

1. Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về vật chất cho mình thì có quyền yêu cầu Toà án quyết định mức bồi thường theo một trong các căn cứ sau đây:

a) Tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất;

b) Giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ với giả định bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng đối tượng đó theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện;

c) Trong trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất theo các căn cứ quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Toà án ấn định, tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá năm trăm triệu đồng.

2. Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về tinh thần cho mình thì có quyền yêu cầu Toà án quyết định mức bồi thường trong giới hạn từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại.

3. Ngoài khoản bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Toà án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư.

Điều 206. Quyền yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Khi khởi kiện hoặc sau khi khởi kiện, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong các trường hợp sau đây:

a) Đang có nguy cơ xảy ra thiệt hại không thể khắc phục được cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ;

b) Hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc chứng cứ liên quan đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có nguy cơ bị tẩu tán hoặc bị tiêu huỷ nếu không được bảo vệ kịp thời.

2. Toà án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 1 Điều này trước khi nghe ý kiến của bên bị áp dụng biện pháp đó.

Điều 207. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời sau đây được áp dụng đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó:

a) Thu giữ;

b) Kê biên;

c) Niêm phong; cấm thay đổi hiện trạng; cấm di chuyển;

d) Cấm chuyển dịch quyền sở hữu.

2. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác được áp dụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Điều 208. Nghĩa vụ của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ chứng minh quyền yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều 206 của Luật này bằng các tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 203 của Luật này.

2. Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại gây ra cho người bị áp dụng biện pháp đó trong trường hợp người đó không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ này, người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải nộp khoản bảo đảm bằng một trong các hình thức sau đây:

a) Khoản tiền bằng 20% giá trị hàng hoá cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc tối thiểu hai mươi triệu đồng nếu không thể xác định được giá trị hàng hóa đó;

b) Chứng từ bảo lãnh của ngân hàng hoặc của tổ chức tín dụng khác.

Điều 209. Huỷ bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Toà án ra quyết định huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 122 của Bộ luật tố tụng dân sự và trong trường hợp người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chứng minh được việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là không có căn cứ xác đáng.

2. Trong trường hợp huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, Toà án phải xem xét để trả lại cho người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khoản bảo đảm quy định tại khoản 2 Điều 208 của Luật này. Trong trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không có căn cứ xác đáng và gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Toà án buộc người yêu cầu phải bồi thường thiệt hại.

Điều 210. Thẩm quyền, thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Thẩm quyền, thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện theo quy định tại Chương VIII, Phần thứ nhất của Bộ luật tố tụng dân sự.

Chương XVIII

XỬ LÝ XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ BẰNG BIỆN PHÁP HÀNH CHÍNH VÀ HÌNH SỰ; KIỂM SOÁT HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU LIÊN QUAN ĐẾN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Mục 1. XỬ LÝ XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ BẰNG BIỆN PHÁP HÀNH CHÍNH VÀ HÌNH SỰ

Điều 211. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính

1. Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt hành chính:

a) Thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội;

b) Không chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mặc dù đã được chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thông báo bằng văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi đó;

c) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;

d) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán vật mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.

2. Chính phủ quy định cụ thể về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính, hình thức, mức phạt và thủ tục xử phạt các hành vi đó.

3. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Điều 212. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự

Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.

Điều 213. Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ

1. Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hoá sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

3. Hàng hoá sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.

Điều 214. Các hình thức xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 1 Điều 211 của Luật này bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tịch thu hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ;

b) Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.

3. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc tiêu huỷ hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ;

b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hoá quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc buộc tái xuất đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hoá.

4. Mức tiền phạt quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được ấn định ít nhất bằng giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được và nhiều nhất không vượt quá năm lần giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được.

Chính phủ quy định cụ thể cách xác định giá trị hàng hóa vi phạm.

Điều 215. Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính

1. Trong các trường hợp sau đây, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính quy định tại khoản 2 Điều này:

a) Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội;

b) Tang vật vi phạm có nguy cơ bị tẩu tán hoặc cá nhân, tổ chức vi phạm có biểu hiện trốn tránh trách nhiệm;

c) Nhằm bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

2. Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính được áp dụng theo thủ tục hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:

a) Tạm giữ người;

b) Tạm giữ hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm;

c) Khám người;

d) Khám phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm về sở hữu trí tuệ;

đ) Các biện pháp ngăn chặn hành chính khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Mục 2. KIỂM SOÁT HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU LIÊN QUAN ĐẾN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Điều 216. Biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ

1. Các biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ bao gồm:

a) Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

b) Kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

2. Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là biện pháp được tiến hành theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nhằm thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính.

3. Kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là biện pháp được tiến hành theo đề nghị của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nhằm thu thập thông tin để thực hiện quyền yêu cầu áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan.

4. Trong quá trình thực hiện biện pháp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, nếu phát hiện hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 213 của Luật này thì cơ quan hải quan có quyền và có trách nhiệm áp dụng biện pháp hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 214 và Điều 215 của Luật này.

Điều 217. Nghĩa vụ của người yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ

1. Người yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ có các nghĩa vụ sau đây:

a) Chứng minh mình là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bằng các tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 203 của Luật này;

b) Cung cấp đầy đủ thông tin để xác định hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

c) Nộp đơn cho cơ quan hải quan và nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;

d) Bồi thường thiệt hại và thanh toán các chi phí phát sinh cho người bị áp dụng biện pháp kiểm soát trong trường hợp hàng hoá bị kiểm soát không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

2. Để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại điểm d khoản 1 Điều này, người yêu cầu áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan phải nộp khoản bảo đảm bằng một trong các hình thức sau đây:

a) Khoản tiền bằng 20% giá trị lô hàng cần áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan hoặc tối thiểu hai mươi triệu đồng nếu không thể xác định được giá trị lô hàng đó;

b) Chứng từ bảo lãnh của ngân hàng hoặc của tổ chức tín dụng khác.

Điều 218. Thủ tục áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan

1. Khi người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại Điều 217 của Luật này thì cơ quan hải quan ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng.

2. Thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan là mười ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định. Trong trường hợp người yêu cầu tạm dừng có lý do chính đáng thì thời hạn này có thể kéo dài, nhưng không được quá hai mươi ngày làm việc với điều kiện người yêu cầu tạm dừng thủ tục hải quan phải nộp thêm khoản bảo đảm quy định tại khoản 2 Điều 217 của Luật này.

3. Khi kết thúc thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan không khởi kiện dân sự và cơ quan hải quan không quyết định thụ lý vụ việc theo thủ tục xử lý vi phạm hành chính đối với người xuất khẩu, nhập khẩu lô hàng thì cơ quan hải quan có trách nhiệm sau đây:

a) Tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng;

b) Buộc người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan phải bồi thường cho chủ lô hàng toàn bộ thiệt hại do yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan không đúng gây ra và phải thanh toán các chi phí lưu kho bãi, bảo quản hàng hóa và các chi phí phát sinh khác cho cơ quan hải quan và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan theo quy định của pháp luật về hải quan;

c) Hoàn trả cho người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan khoản tiền bảo đảm còn lại sau khi đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường và thanh toán các chi phí quy định tại điểm b khoản này.

Điều 219. Kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Trong trường hợp chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có đề nghị kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì khi phát hiện lô hàng có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cơ quan hải quan phải thông báo ngay cho người đó. Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày được thông báo, nếu người đề nghị không yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng bị phát hiện và cơ quan hải quan không quyết định xem xét việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định tại Điều 214 và Điều 215 của Luật này thì cơ quan hải quan có trách nhiệm tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng.

PHẦN THỨ SÁU

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 220. Điều khoản chuyển tiếp

1. Quyền tác giả, quyền liên quan được bảo hộ theo quy định của các văn bản pháp luật có hiệu lực trước ngày Luật này có hiệu lực, nếu còn thời hạn bảo hộ vào ngày Luật này có hiệu lực thì được tiếp tục bảo hộ theo quy định của Luật này.

2. Đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá, thiết kế bố trí, giống cây trồng đã được nộp cho cơ quan có thẩm quyền trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục xử lý theo quy định của các văn bản pháp luật có hiệu lực tại thời điểm nộp đơn.

3. Mọi quyền và nghĩa vụ theo văn bằng bảo hộ được cấp theo quy định của pháp luật có hiệu lực trước ngày Luật này có hiệu lực và các thủ tục duy trì, gia hạn, sửa đổi, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng quyền sở hữu, giải quyết tranh chấp liên quan đến văn bằng bảo hộ đó được áp dụng theo quy định của Luật này, trừ quy định về căn cứ huỷ bỏ hiệu lực các văn bằng bảo hộ thì chỉ áp dụng quy định của các văn bản pháp luật có hiệu lực tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ.

4. Bí mật kinh doanh và tên thương mại đã tồn tại và được bảo hộ theo Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2000 của Chính phủ về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp tiếp tục được bảo hộ theo quy định của Luật này.

5. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, chỉ dẫn địa lý, kể cả chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo Nghị định quy định tại khoản 4 Điều này chỉ được bảo hộ sau khi đã được đăng ký theo quy định của Luật này.

Điều 221. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2006.

Điều 222. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Văn An

NATIONAL ASSEMBLY
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No. 50/2005/QH11

Hanoi, November 29, 2005

 

LAW

ON INTELLECTUAL PROPERTY

National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam Legislature XI, Session 8
(From 18 October until 29 November 2005)

Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam as amended by Resolution 51/2001/QH10 passed by Legislature X of the National Assembly at its 10th Session on 25 December 2001;
This Law regulates intellectual property.

PART I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Governing scope

This Law regulates copyright, copyright related rights, industrial property rights and rights to plant varieties; and the protection of such rights.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



This Law shall apply to Vietnamese organizations and individuals and to foreign organizations and individuals who satisfy the conditions stipulated in this Law and in any international treaty of which the Socialist Republic of Vietnam is a member.

Article 3. Subject matter of intellectual property rights

1. The subject matter of copyright shall comprise literary, artistic and scientific works; the subject matter of copyright related rights shall comprise performances, audio and visual fixation, broadcasts and satellite signals carrying coded programmes.

2. The subject matter of industrial property rights shall comprise inventions, industrial designs, designs of semi-conducting closed circuits, trade secrets, marks, trade names and geographical indications.

3. The subject matter of rights to plant varieties shall comprise plant varieties and reproductive materials.

Article 4. Interpretation of terms

In this Law, the following terms shall be construed as follows:

1. Intellectual property rights means rights of an organization or individual to intellectual assets comprising copyright and copyright related rights, industrial property rights and rights to plant varieties.

2. Copyright means rights of an organization or individual to works which such organization or individual created or owns.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Industrial property rights means rights of an organization or individual to inventions, industrial designs, designs of semi-conducting closed circuits, trade secrets, marks, trade names and geographical indications which such organization or individual created or owns, and the right to prevent unfair competition.

5. Rights to plant varieties means rights of an organization or individual to new plant varieties which such organization or individual has selected and created, discovered and developed, or which they own.

6. Intellectual property right holder means an owner of intellectual property rights or an organization or individual to whom intellectual property rights are assigned by the owner.

7. Work means a creation of the mind in the literary, artistic or scientific sector, expressed in any mode or form.

8. Derivative work means a work translated from one language into another; or an adapted, modified, transformed, compiled, annotated or selected work.

9. Published work, audio and visual fixation means a work or audio and visual fixation which has been published with the permission of the copyright holder or related right holder in order to distribute it to the public in a reasonable amount of copies.

10. Reproduction means the making of one or more copies of a work, audio and visual fixation by whatever mode or in whatever form, including permanent or provisional backup of the work in electronic form.

11. Broadcasting means the transmission of sound or image or both sound and image of a work, performance, audio and visual fixation or broadcast to the public by wireless or landline means including satellite transmission, in such a way that the public may access such work from any place and time the public selects.

12. Invention means a technical solution in the form of a product or process which is intended to solve a problem by application of natural laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



14. Semiconductor integrated circuit means a product in its intermediate or final form in which the elements, at least one of which is an active element, and some or all of the interconnections, are integrally formed in or on a piece of semiconductor material and which is intended to perform an electronic function. Integrated circuit is synonymous with IC, chip and micro-electronic circuit.

15. Design of semi-conducting closed circuits (hereinafter referred to as layout design) means a three dimensional disposition of circuit elements and their interconnections in a semi-conducting closed circuit.

16. Mark means any sign used to distinguish goods or services of different organizations or individuals.

17. Collective mark means a mark used to distinguish goods or services of members of an organization which is the owner of such mark from marks of non-members of such organization.

18. Certification mark means a mark which is authorized by its owner to be used by another organization or individual on the latter's goods or services in order to certify the origin, raw materials, materials, mode of manufacture of goods or manner of provision of services, and the quality, accuracy, safety or other characteristic of goods or services bearing such mark.

19. Integrated marks means identical or similar marks registered by the same entity and intended for use on products or services which are of the same, similar or interrelated type.

20. Well known mark means a mark widely known by consumers throughout the territory of Vietnam.

21. Trade name means the designation of an organization or individual used in business activities in order to distinguish the business entity bearing such trade name from other business entities in the same business sector and area.

Business area as stipulated in this clause means the geographical area in which a business entity has its partners, customers or reputation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



23. Trade secret means information obtained from activities of financial or intellectual investment, which has not yet been disclosed and which is able to be used in business.

24. Plant variety means a plant grouping within a single botanical taxon of the lowest known rank, which is morphologically uniform and suitable for being propagated unchanged, and can be defined by the expression of phenotypes resulting from a genotype or a combination of given genotypes, and distinguished from any other plant grouping by the expression of at least one inheritable phenotype.

25. Protection title means a document granted by the competent State body to an organization or individual in order to establish industrial property rights to an invention, industrial design, layout design, mark or geographical indication; or in order to establish rights to a plant variety.

Article 5. Application of laws

1. The provisions of the Civil Code shall apply to intellectual property related civil matters which are not regulated by this Law.

2. Where there are any differences between the provisions on intellectual property in this Law and the provisions in other laws, the provisions in this Law shall apply.

3. Where an international treaty of which the Socialist Republic of Vietnam is a member contains provisions different from those in this Law, such international treaty shall apply.

Article 6. Grounds for the generation and establishment of intellectual property rights

1. Copyright shall arise at the moment a work is created and fixed in a certain material form, irrespective of its content, quality, form, mode and language and irrespective of whether or not such work has been published or registered.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Industrial property rights shall be established as follows:

 (a) Industrial property rights to an invention, industrial design, layout design, mark or geographical indication shall be established on the basis of a decision of the competent State body to grant a protection title in accordance with the registration procedures stipulated in this Law or the recognition of international registration pursuant to an international treaty of which the Socialist Republic of Vietnam is a member. In the case of a well known mark, industrial property rights shall be established on the basis of use and shall not be dependent on registration procedures;

 (b) Industrial property rights to a trade name shall be established on the basis of lawful use thereof;

 (c) Industrial property rights to a trade secret shall be established on the basis of lawful acquirement of the trade secret and maintaining confidentiality thereof;

 (d) The right to prevent unfair competition shall be established on the basis of competitive activities in business.

4. Rights to a plant variety shall be established on the basis of a decision of the competent State body to grant a plant variety protection title in accordance with the registration procedures stipulated in this Law.

Article 7. Limitations on intellectual property rights

1. Intellectual property right holders shall only be permitted to exercise their rights within the scope and term of protection provided for in this Law.

2. The exercise of intellectual property rights must not infringe the interests of the State, the public interest or the legitimate rights and interests of other organizations and individuals, and must not breach other relevant provisions of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 8. Policies of the State on intellectual property

1. To recognize and protect intellectual property rights of organizations and individuals on the basis of harmonizing the interests of intellectual property right holders and the public interest; not to protect intellectual property objects which are contrary to social ethics and public order or which harm national defence and security.

2. To encourage and promote activities of creation and utilization of intellectual assets aimed at contributing to socio-economic development and improving the people's material and spiritual life.

3. To provide financial support for the receipt and use of transferred intellectual property rights servicing the public interest; to encourage Vietnamese and foreign organizations and individuals to provide financial aid for creative activities and for the protection of intellectual property rights.

4. To prioritize investment in training and fostering senior officials, public servants and other relevant subjects engaged in the work of protecting intellectual property rights and to prioritize research into and application of science and techniques for the protection of intellectual property rights.

Article 9. Right and responsibility of organizations and individuals in the protection of intellectual property rights

Organizations and individuals shall have the right to themselves take measures permitted by law to protect their intellectual property rights, and shall be obliged to respect the intellectual property rights of other organizations and individuals in accordance with the provisions of this Law and other relevant laws.

Article 10. Contents of State administration of intellectual property

1. Formulating and directing the implementation of strategies and policies on protection of intellectual property rights.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Organizing an administrative apparatus for intellectual property; training and fostering staff to administer intellectual property.

4. Granting and carrying out other procedures related to registered copyright certificates, registered related rights certificates, protection titles for industrial property objects and plant variety protection titles.

5. Inspecting and examining compliance with the law on intellectual property; settling complaints and denunciations, and dealing with breaches of the law on intellectual property.

6. Organizing information and statistics on intellectual property.

7. Organizing and administering intellectual property assessment activities.

8. Educating, and communicating and disseminating knowledge about intellectual property and the law on intellectual property.

9. Conducting international co-operation on intellectual property.

Article 11. Responsibility for State administration of intellectual property

1. The Government shall exercise uniform State administration of intellectual property.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The Ministry of Culture and Information shall, within the scope of its duties and powers, carry out State administration of copyright and related rights.

The Ministry of Agriculture and Rural Development shall, within the scope of its duties and powers, carry out State administration of rights to plant varieties.

3. Ministries and ministerial equivalent bodies shall, within the scope of their respective duties and powers, co-ordinate with the Ministry of Science and Technology, the Ministry of Culture and Information and the Ministry of Agriculture and Rural Development to carry out State administration of industrial property.

4. People's committees at all levels shall, within the scope of their authority, carry out State administration of industrial property within their respective localities.

5. The Government shall provide specific regulations on the powers and responsibilities for State administration of industrial property of the Ministry of Science and Technology, the Ministry of Culture and Information, the Ministry of Agriculture and Rural Development Science and of people's committees at all levels.

Article 12. intellectual property fees and charges

Organizations and individuals shall be required to pay fees and charges when carrying out procedures related to intellectual property rights in accordance with the provisions of this Law and other related laws.

PART II

COPYRIGHT AND RELATED RIGHTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



CONDITIONS FOR PROTECTION OF COPYRIGHT AND RELATED RIGHTS

Section 1. CONDITIONS FOR PROTECTION OF COPYRIGHT

Article 13. Authors and copyright holders with works which are protected by copyright

1. Organizations and individuals with works which are protected by copyright comprise persons who directly create such works and copyright holders stipulated in articles 37 to 42 inclusive of this Law.

2. Authors and copyright holders stipulated in clause 1 of this article shall comprise Vietnamese organizations and individuals; foreign organizations and individuals with works published for the first time in Vietnam and not yet published in any other country, or with works also published in Vietnam within thirty days after publication for the first time in another country; and foreign organizations and individuals with works which are protected in Vietnam pursuant to an international treaty on copyright of which the Socialist Republic of Vietnam is a member.

Article 14. Types of works which are protected by copyright

1. Literary, artistic and scientific works which are protected by copyright comprise:

 (a) Literary works, scientific works, textbooks, teaching courses and other works expressed in written language or other characters;

 (b) Lectures, addresses and other speeches;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (d) Musical works;

 (dd) Stage works;

 (e) Cinematographic works and works created by a process analogous to cinematography (hereinafter all referred to as cinematographic works);

 (g) Plastic art works and applied art works;

 (h) Photographic works;

 (i) Architectural works;

 (k) Sketches, plans, maps and drawings related to topography or scientific works;

 (l) Folklore and folk art works;

 (m) Computer programs and data collections.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Protected works as stipulated in clauses 1 and 2 of this article must be created personally by authors through their intellectual labour and without copying the works of others.

4. The Government shall provide detailed guidelines on the types of works stipulated in clause 1 of this article.

Article 15. Subject matter outside the category of copyright protection

1. News of the day as mere items of information.

2. Legal instruments, administrative and other documents in the judicial domain, and official translations of such documents.

3. Processes, systems, operational methods, concepts, principles and data.

Section 2. CONDITIONS FOR PROTECTION OF RELATED RIGHTS

Article 16. Organizations and individuals eligible for protection of related rights

1. Actors and actresses, singers, instrumentalists, dancers and other persons who perform literary and artistic works (hereinafter all referred to as performers).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Organizations and individuals who fix for the first time the sounds and images of performances or other sounds and images (hereinafter all referred to as producers of audio and visual fixation).

4. Organizations which initiate and carry out broadcasting (hereinafter referred to as broadcasting organizations).

Article 17. Subject matter of related rights eligible for protection

1. Performances shall be protected if they fall into one of the following categories:

 (a) They are made by Vietnamese citizens in Vietnam or abroad;

 (b) They are made by foreigners in Vietnam;

 (c) They are fixed on audio and visual fixation and protected pursuant to the provisions of article 30 of this Law;

 (d) They have not yet been fixed on audio and visual fixation but have already been broadcast and are protected pursuant to the provisions of article 31 of this Law;

 (dd) They are protected pursuant to an international treaty of which the Socialist Republic of Vietnam is a member.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (a) It belongs to audio and visual fixation producers bearing Vietnamese nationality;

 (b) It belongs to audio and visual fixation producers protected pursuant to an international treaty of which the Socialist Republic of Vietnam is a member.

3. Broadcasts and satellite signals carrying coded programmes shall be protected if they fall into one of the following categories:

 (a) They belong to broadcasting organizations bearing Vietnamese nationality;

 (b) They belong to broadcasting organizations protected pursuant to an international treaty of which the Socialist Republic of Vietnam is a member.

4. Performances, audio and visual fixation, broadcasts and satellite signals carrying coded programmes shall only be protected pursuant to the provisions of clauses 1, 2 and 3 of this article on the condition that they are not prejudicial to copyright.

Chapter II

CONTENTS OF, LIMITATIONS ON AND TERM OF PROTECTION OF COPYRIGHT AND RELATED RIGHTS

Section 1. CONTENTS OF, LIMITATIONS ON AND TERM OF PROTECTION OF COPYRIGHT

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Copyright in works regulated in this Law shall comprise moral rights and economic rights.

Article 19. Moral rights

Moral rights [of authors] shall comprise the following rights:

1. To give titles to their works.

2. To attach their real names or pseudonyms to their works; to have their real names or pseudonyms acknowledged when their works are published or used.

3. To publish their works or to authorize other persons to publish their works.

4. To protect the integrity of their works; and to forbid other persons to modify, edit or distort their works in whatever form, causing harm to the honour and reputation of the author.

Article 20. Economic rights

1. Economic rights [of authors] shall comprise the following rights:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (b) To display their works to the public;

 (c) To reproduce their works;

 (d) To distribute or import the original or copies of their works;

 (dd) To communicate their works to the public by wireless or landline means, electronic information networks or other technical means;

 (e) To lease the original or copies of cinematographic works and computer programs.

2. Authors or copyright holders shall exclusively exercise the rights stipulated in clause 1 of this article or may grant other persons the right to exercise such rights pursuant to the provisions of this Law.

3. When any organization or individual exercises one, several or all of the rights stipulated in clause 1 of this article and in article 19.3 of this Law, such organization or individual must ask for permission from the copyright holder and must pay royalties, remuneration or other material benefits to the copyright holder.

Article 21. Copyright in cinematographic works and dramatic works

1. Persons who act as directors; screenwriters; cameramen; montage makers; music composers; art designers; studio sound, lighting and art designers; studio props and technical effects designers, and persons engaged in other creative jobs in making cinematographic works shall have the rights stipulated in clauses 1, 2 and 4 of article 19 of this Law and other rights as agreed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Organizations and individuals who invest finance or material and technical facilities in the production of cinematographic works and stage works shall be holders of the rights stipulated in article 19.3 and article 20 of this Law.

3. The organizations and individuals stipulated in clause 2 of this article shall be obliged to pay royalties, remuneration or other material benefits as agreed with the persons stipulated in clause 1 of this article.

Article 22. Copyright in computer programs and data collections

1. Computer program means a set of instructions expressed in the form of commands, codes, diagrams and other forms which, when incorporated in a device readable by a computer, are capable of enabling such computer to perform a job or achieve a specific result.

Computer programs shall be protected the same as literary works, irrespective of whether the computer programs are expressed in the form of source codes or machine codes.

2. Data collection means a set of data selected or arranged in a creative way and expressed in electronic or other forms.

Copyright protection of data collections shall not extend to protection of the data itself, and must not be prejudicial to copyright in the data itself.

Article 23. Copyright in folklore and folk art works

1. Folklore and folk art work means a collective creation based on the traditions of a community or individuals reflecting the ambitions of such community and expressed in a form appropriate to the cultural and social characteristics, standards and values of such community which have been handed down by imitation or other modes. Folklore and folk art works shall comprise:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (b) Folk songs and melodies;

 (c) Folk dances, plays, rites and games;

 (d) Folk art products including graphics, paintings, sculpture, musical instruments, architectural models and other artistic expressions in any material form.

2. Organizations and individuals using folklore and folk art works must cite the origins of the folklore and folk art works, and must ensure that the authentic value of such folklore and folk art works is preserved.

Article 24. Copyright in literary, artistic and scientific works

The Government shall issue specific regulations governing the protection of copyright in the literary, artistic and scientific works stipulated in article 14.1 of this Law.

Article 25. Cases when published works may be used without having to seek permission or pay royalties or remuneration

1. Published works may be used without having to seek permission or pay royalties or remuneration in the following cases:

 (a) Making one copy of the work of an author for scientific research or teaching purposes;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (c) Quoting from a work in order to write an article published in a newspaper or periodical, in a radio or television broadcast or in a documentary, without misrepresenting the author's views;

 (d) Quoting from a work in school or university for lecturing purposes without misrepresenting the author's views and not for commercial purposes;

 (dd) Copying of a work by a library for archival and research purposes;

 (e) Performing a stage work or other art work in mass cultural, communication or mobilization activities without collecting fees in any form;

 (g) Audio-visual recording of a performance in order to report current events or for teaching purposes;

 (h) Photographing or televising plastic art; or an architectural, photographic, or applied art work displayed at a public place in order to present images of such work;

 (i) Transcribing a work into braille or into characters of other languages for the blind;

 (k) Importing copies of another's work for personal use.

2. Organizations and individuals who use the works stipulated in clause 1 of this article must neither affect the normal use of such works nor cause prejudice to the rights of the author or copyright holder, and must provide information being the author's name and the source and origin of the work.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 26. Cases when published works may be used without having to seek permission but royalties or remuneration must be paid

1. A broadcasting organization which uses a published work to make a broadcast which is sponsored, contains an advertisement or which collects fees in any form shall not be required to seek permission but must pay royalties or remuneration to the copyright holder in accordance with regulations of the Government.

2. Organizations and individuals who use works stipulated in clause 1 of this article must neither affect the normal use of such works nor cause prejudice to the rights of the author or copyright holder, and must provide information being the author's name and the source and origin of the work.

3. The use of works in the cases stipulated in clause 1 of this article shall not apply to cinematographic works.

Article 27. Term of copyright protection

1. The moral rights stipulated in clauses 1, 2 and 4 of article 19 of this Law shall be protected for an indefinite term.

2. The moral rights stipulated in article 19.3 and the economic rights stipulated in article 20 of this Law shall enjoy the following terms of protection:

 (a) Cinematographic works, photographic works, stage works, applied art works and anonymous works shall have a term of protection of fifty (50) years as from the date of first publication. If a cinematographic work or stage work has not been published within fifty (50) years from the date of its formulation, the term of protection shall be calculated from the date of its formulation. When information on the author of an anonymous work appears, the term of protection of such work shall be calculated pursuant to sub-clause (b) below;

 (b) Any work not stipulated in sub-clause (a) above shall be protected for the whole life of the author and for fifty (50) years after his or her death. In the case of a work of joint authors, the term of protection shall expire in the fiftieth year after the death of the last surviving co-author;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 28. Conduct constituting infringement of copyright

1. Appropriating copyright in a literary, artistic or scientific work.

2. Impersonating an author.

3. Publishing or distributing a work without permission from the author.

4. Publishing or distributing a work of joint authors without permission from the co-authors.

5. Modifying, editing or distorting a work in any way which prejudices the honour and reputation of the author.

6. Copying a work without permission from the author or copyright holder, except in the cases stipulated in sub-clauses (a) and (dd) of article 25.1 of this Law.

7. Making a derivative work without permission from the author or copyright holder of the work used for making such derivative work, except in the case stipulated in sub-clause (i) of article 25.1 of this Law.

8. Using a work without permission from the copyright holder and without paying royalties, remuneration or other material benefits in accordance with law, except in the cases stipulated in article 25.1 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



10. Duplicating, producing copies of, distributing, displaying or communicating a work to the public via a communications network or digital means without permission from the copyright holder.

11. Publishing a work without permission from the copyright holder.

12. Deliberately destroying or de-activating the technical solutions applied by the copyright holder to protect copyright in his or her work.

13. Deliberately deleting or modifying electronic information in a work regarding management of the rights to such work.

14. Manufacturing, assembling, transforming, distributing, importing, exporting, selling or leasing out equipment when knowing, or having grounds to know, that such equipment may de-activate technical solutions applied by the copyright holder to protect copyright in his or her work.

15. Making and selling a work with a forged signature of the author of such work.

16. Importing, exporting or distributing copies of a work without permission from the copyright holder.

Section 2. CONTENTS OF, LIMITATIONS ON AND TERM OF PROTECTION OF RELATED RIGHTS

Article 29. Rights of performers

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Moral rights shall comprise the following rights:

 (a) To have the name acknowledged when performing, when distributing audio and visual fixation or when broadcasting performances;

 (b) To protect the integrity of the imagery of the performance, and to prevent others from modifying, editing or distorting the work in any way prejudicial to the honour and reputation of the performer.

3. Economic rights shall include the exclusive right to exercise or to authorize others to exercise the following rights:

 (a) To formulate a live performance on audio and visual fixation;

 (b) To directly or indirectly reproduce a performance which has been formulated on audio and visual fixation;

 (c) To broadcast or to communicate to the public in other ways an unformulated performance so that it may be accessed by the public, except where such performance is intended to be broadcast;

 (d) To distribute to the public an original performance and copies thereof by sale, rental or distribution by whatever technical means which are accessible by the public.

4. Any organization or individual who exploits or uses the rights stipulated in clause 3 of this article must pay remuneration to the performer in accordance with law or pursuant to an agreement if there is no relevant provision of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Producers of audio and visual fixation shall have the exclusive right to exercise, or to authorize others to exercise, the following rights:

 (a) To directly or indirectly copy their audio and visual fixation;

 (b) To distribute to the public their original audio and visual fixation and copies thereof by sale, rent or distribution by whatever technical means which are accessible by the public.

2. Producers of audio and visual fixation shall be entitled to material benefits when such recording is distributed to the public.

Article 31. Rights of broadcasting organizations

1. Broadcasting organizations shall have the exclusive right to exercise, or to authorize others to exercise, the following rights:

 (a) To broadcast or re-broadcast their broadcasts;

 (b) To distribute their broadcasts to the public;

 (c) To formulate [into a fixed form] their broadcasts;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Broadcasting organizations shall be entitled to material benefits when their broadcasts are recorded and distributed to the public.

Article 32. Cases when related rights may be exercised without having to seek permission or pay royalties or remuneration

1. Related rights may be exercised without having to seek permission or pay royalties or remuneration in the following cases:

 (a) Making one copy of a work for personal scientific research purposes;

 (b) Making one copy of a work for teaching purposes, except for performances, audio and visual fixation or broadcasts which have been published for teaching purposes;

(c) Reasonable quoting from a work in order to provide information;

 (d) Making of provisional copies of a work by a broadcasting organization for broadcasting purposes when such organization has the broadcasting right.

2. Organizations and individuals who use works stipulated in clause 1 of this article must neither affect the normal use of performances, audio and visual fixation or broadcasts; nor cause prejudice to the rights of performers, producers of audio and visual fixation, or broadcasting organizations.

Article 33. Cases when related rights may be exercised without having to seek permission but when royalties or remuneration must be paid

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (a) They directly or indirectly use published audio and visual fixation for commercial purposes in making broadcasts which are sponsored, contain advertisements or which collect fees in any form;

 (b) They use published audio and visual fixation in business or commercial activities.

2. Organizations and individuals who use works stipulated in clause 1 of this article must neither affect the normal use of performances, audio and visual fixation or broadcasts; nor cause prejudice to the rights of performers, producers of audio and visual fixation or broadcasting organizations.

Article 34. Term of protection of related rights

1. The rights of performers shall be protected for fifty (50) years calculated from the year following the year of formulation [into a fixed form] of a performance.

2. The rights of producers of audio and visual fixation shall be protected for fifty (50) years calculated from the year following the year of publication, or fifty (50) years calculated from the year following the year of formulation of any unpublished audio and visual fixation.

3. The rights of broadcasting organizations shall be protected for fifty (50) years calculated from the year following the year of the making of a broadcast.

4. The terms of protection stipulated in clauses 1, 2 and 3 of this article shall expire at 24:00 hrs on 31 December of the year of expiration of the term of protection of the related rights.

Article 35. Conduct constituting infringement of related rights

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Impersonating a performer, producer of audio and visual fixation, or a broadcasting organization.

3. Publishing, producing and distributing a formulated performance, audio and visual fixation or a broadcast without permission from the performer, producer of the audio and visual fixation or from the broadcasting organization.

4. Modifying, editing or distorting a performance in any way which prejudices the honour and reputation of the performer.

5. Copying or reciting from a formulated performance, audio and visual fixation or a broadcast without permission from the performer, producer of the audio and visual fixation or from the broadcasting organization.

6. Deliberately deleting or modifying electronic information regarding management of rights without permission from the related right holder.

7. Deliberately destroying or de-activating the technical solutions applied by the related right holder to protect his or her rights.

8. Publishing, distributing or importing for public distribution performances, copies of a fixed performance or audio and visual fixation knowing, or having grounds to know, that electronic information regarding management of rights has been deleted or modified without permission from the related right holder.

9. Manufacturing, assembling, transforming, distributing, importing, exporting, selling or leasing out equipment knowing, or having grounds to know, that such equipment helps to illegally decode satellite signals carrying coded programmes.

10. Deliberately receiving or relaying satellite signals carrying coded programmes without permission from the legal distributor.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



COPYRIGHT HOLDERS, AND RELATED RIGHTS HOLDERS

Article 36. Copyright holders

Copyright holder means an organization or individual who holds one, several or all of the economic rights stipulated in article 20 of this Law.

Article 37. Copyright holders being authors

Authors who use their own time, finance and material or technical facilities to create works shall have the moral rights stipulated in article 19 and the economic rights stipulated in article 20 of this Law.

Article 38. Copyright holders being co-authors

1. Co-authors who use their time, finance and material or technical facilities to jointly create works shall share the rights to such works stipulated in articles 19 and 20 of this Law.

2. A co-author as defined in clause 1 of this article who has jointly created a work, a separate part of which is detachable for independent use without prejudice to the parts of the work of the other co- authors, shall have the rights to such separate part stipulated in articles 19 and 20 of this Law.

Article 39. Copyright holders being organizations and individuals who assign tasks to authors or who enter into contracts with authors

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Any organization or individual who enters into a contract with an author for the creation of a work shall be the holder of the rights stipulated in articles 19.3 and 20 of this Law, unless otherwise agreed.

Article 40. Copyright holders being heirs

Any organization or individual who inherits copyright in accordance with the law on inheritance shall be the holder of the rights stipulated in articles 19.3 and 20 of this Law.

Article 41. Copyright holders being assignees of rights

Any organization or individual who is contractually assigned one, several or all of the rights stipulated in articles 19.3 and 20 of this Law shall be the copyright holder.

Article 42. Copyright holders being the State

1. The State shall be the holder of copyright in the following works:

 (a) Anonymous works;

 (b) Works for which the term of protection has not expired but the copyright holder died without leaving an heir or the heir renounced the inheritance or was deprived of the right to inherit;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The Government shall issue detailed regulations governing the use of works under State ownership.

Article 43. Works belonging to the public

1. Any work whose term of protection has expired pursuant to article 27 of this Law shall belong to the public.

2. All organizations and individuals shall be entitled to use the works stipulated in clause 1 of this article but must respect the moral rights of authors stipulated in article 19 of this Law.

3. The Government shall issue detailed regulations governing the use of works belonging to the public.

Article 44. Related right holders

1. Organizations and individuals who use their time and make a financial investment in or use their material and technical facilities to give a performance shall be the owners of such performance unless otherwise agreed with the parties concerned.

2. Organizations and individuals who use their time and make a financial investment in or use their material and technical facilities to produce audio and visual fixation shall be the owners of such audio and visual fixation unless otherwise agreed with the parties concerned.

3. Broadcasting organizations shall be the owners of their broadcasts unless otherwise agreed with the parties concerned.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



TRANSFER OF COPYRIGHT AND RELATED RIGHTS

Section 1. ASSIGNMENT OF COPYRIGHT AND RELATED RIGHTS

Article 45. General provisions on assignment of copyright and related rights

1. Assignment of copyright and related rights means the transfer by copyright holders or related right holders of the ownership of the rights stipulated in articles 19,3, 20, 29.3, 30 and 31 of this Law to other organizations and individuals pursuant to a contract or in accordance with a relevant provision of law.

2. Authors shall not be permitted to assign the moral rights stipulated in article 19 of this Law, except for the right of publication. Performers shall not be permitted to assign the moral rights stipulated in article 29.2 of this Law.

3. Where a work, performance, audio and visual fixation or broadcast is under joint ownership, the assignment thereof must be agreed upon by all co-owners. In a case of joint ownership of a work, performance, audio and visual fixation or broadcast which is composed of separate parts detachable for independent use, copyright holders or related right holders may assign their copyright or related rights in their separate parts to other organizations or individuals.

Article 46. Contracts for the assignment of copyright or related rights

1. A contract for the assignment of copyright or related rights must be made in writing and include the following principal contents:

 (a) Names and addresses of the assignor and the assignee;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (c) Price and method of payment;

 (d) Rights and obligations of the parties;

 (dd) Liability for contractual breach.

2. The performance, amendment, termination or cancellation of a contract for the assignment of copyright or related rights must comply with the provisions of the Civil Code.

Section 2. LICENSING OF COPYRIGHT AND RELATED RIGHTS

Article 47. General provisions on licensing of copyright and related rights

1. Licensing of copyright and related rights means the grant of permission by the copyright holder or related right holder for another organization or individual to use for a definite term one, several or all of the rights stipulated in articles 19,3, 20, 29.3, 30 and 31 of this Law.

2. Authors shall not be permitted to license the moral rights stipulated in article 19 of this Law, except

for the right of publication. Performers shall not be permitted to license the moral rights specified in article 29.2 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Any organization or individual to whom copyright or related rights are licensed shall be permitted to license other organizations and individuals after obtaining permission from the copyright holder or related right holder.

Article 48. Contracts for the licensing of copyright or related rights

1. A contract for the licensing of copyright or related rights must be made in writing and include the following principal contents:

 (a) Full names and addresses of the licensor and the licensee;

 (b) Grounds for the licence;

 (c) Scope of the licence;

 (d) Price and method of payment;

 (dd) Rights and obligations of the parties;

 (e) Liability for contractual breach.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter V

CERTIFICATES OF REGISTERED COPYRIGHT AND RELATED RIGHTS

Article 49. Registration of copyright and related rights

1. Registration of copyright and related rights means the filing of an application with a file enclosed (hereinafter referred to as application) by an author, copyright holder or related rights holder with the competent State body in order to record information on the author, the work, the copyright holder and the related rights holder.

2. The filing of an application for grant of a certificate of registered copyright or a certificate of registered related rights shall not be a compulsory pre-requisite for entitlement to copyright or related rights in accordance with the provisions of this Law.

3. Organizations and individuals who are granted certificates of registered copyright or certificates of registered related rights shall not bear the burden of proving such copyright or related rights in a dispute, unless contrary proof is tendered.

Article 50. Applications for registration of copyright or related rights

1. Authors, copyright holders and related rights holders may directly file, or may authorize other organizations or individuals to file, applications for registration of copyright or related rights.

2. An application for registration of copyright or related rights shall comprise:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



A declaration must be made in Vietnamese and signed by the author, copyright holder, related rights holder or person authorized to file the application; and must include complete information on the applicant, author, copyright holder or related rights holder; the summarized content of the work, performance, audio and visual fixation or broadcast; the name of the author, and the title of the work used to make the derivative work if the work to be registered is a derivative work; the date, place and form of publication; and an undertaking accepting liability for the information set out in the application.

The Ministry of Culture and Information shall regulate the sample form of a declaration for registration of copyright or related rights.

 (b) Two copies of the work the subject of the application for copyright registration, or two copies of the formulated object the subject of the application for related rights registration;

 (c) A letter of authorization where the applicant is an authorized person;

 (d) Documents proving the right to file the application where the applicant acquires such right by way of inheritance, succession or assignment;

 (dd) Written consent of the co-authors in the case of a work under joint authorship;

 (e) Written consent of the co-owners if the copyright or related rights are jointly owned.

3. The documents stipulated in sub-clauses (c), (d), (dd) and (e) of clause 2 of this article must be written in Vietnamese. Documents in a foreign language must be translated into Vietnamese.

Article 51. Authority to grant registered copyright certificates and registered related rights certificates

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The State administrative body authorized to grant registered copyright certificates and registered related rights certificates shall have the right to re-grant, renew or cancel such certificates.

3. The Government shall issue regulations governing the conditions, order and procedures for re- granting, renewal or cancellation of registered copyright certificates and registered related rights certificates.

4. The Ministry of Culture and Information shall regulate the sample forms of registered copyright certificates and registered related rights certificates.

Article 52. Time-limit for granting registered copyright certificates and registered related rights certificates

The State administrative body for copyright and related rights shall be responsible to grant a registered copyright certificate or registered related rights certificate to the applicant, or shall notify the applicant in writing in a case of refusal to grant a certificate, within a time-limit of fifteen (15) working days from the date of receipt of a valid application.

Article 53. Validity of registered copyright certificates and registered related rights certificates

1. Registered copyright certificates and registered related rights certificates shall be valid throughout the entire territory of Vietnam.

2. Any registered copyright certificate or registered related rights certificate which was granted by the State administrative body for copyright and related rights before the effective date of this Law, shall continue to be valid.

Article 54. Official recording and publication of registered copyright and registered related rights

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Decisions on the grant, re-grant, renewal and cancellation of effectiveness of registered copyright certificates and registered related rights certificates shall be published in the Official Gazette on copyright and related rights.

Article 55. Re-grant, renewal and cancellation of effectiveness of registered copyright certificates and registered related rights certificates

1. Where a registered copyright certificate or registered related rights certificate is lost or damaged, or where the copyright holder or related rights holder is changed, the competent State body stipulated in article 51.2 of this Law shall conduct procedures for the re-grant or renewal of such certificate.

2. Where the grantee of a registered copyright certificate or registered related rights certificate is not the author, copyright holder or related rights holder; or where the registered work, audio and visual fixation or broadcast is ineligible for protection, the competent State body stipulated in article 51.2 of this Law shall cancel the effectiveness of such certificate.

3. Any organization or individual who discovers that the grant of a registered copyright certificate or registered related rights certificate was contrary to law shall be entitled to request the State administrative body for copyright and related rights to cancel the effectiveness of such certificate.

Chapter VI

REPRESENTATION, CONSULTANCY AND SERVICES REGARDING COPYRIGHT AND RELATED RIGHTS

Article 56. Organizations acting as collective representatives of copyright or related rights

1. An organization acting as the collective representative of copyright or related rights means a non- profit making organization established pursuant to an agreement between authors, copyright holders or related right holders and operating pursuant to the law on protection of copyright and related rights.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (a) Manage copyright or related rights; conduct negotiations for licensing; and collect and distribute royalties, remuneration and other material benefits from the permitted exercise of authorized rights;

 (b) Protect the legitimate rights and interests of its members; organize a conciliation if a dispute arises.

3. An organization acting as the collective representative of copyright or related rights shall have the following rights and duties:

 (a) To encourage creative and other social activities;

 (b) To co-operate with counterparts in international and national organizations on the protection of copyright and related rights;

 (c) To make periodic and one-off reports to competent State bodies on its collective representative activities;

 (d) Other rights and duties stipulated by law.

Article 57. Consultancy and service organizations regarding copyright and related rights

1. Consultancy and service organizations regarding copyright and related rights shall be permitted to be established and operate in accordance with law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (a) Provide consultancy on issues related to the law on copyright and related rights;

 (b) Carry out, on behalf of and pursuant to authorization from copyright holders and related right holders, procedures for filing applications for registration of copyright and related rights;

 (c) Participate pursuant to authorization in other legal relationships on copyright, related rights and protection of legitimate rights and interests of authors, copyright holders and related right holders.

PART III

INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS

Chapter VII

CONDITIONS FOR PROTECTION OF INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS

Section 1. CONDITIONS FOR PROTECTION OF INVENTIONS

Article 58. General conditions for inventions to be eligible for protection

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (a) It is novel;

 (b) It is of an inventive nature;

 (c) It is susceptible of industrial application.

2. Unless an invention is common knowledge, it shall be protected in the form of the grant of a utility solution patent when it satisfies the following conditions:

 (a) It is novel;

 (b) It is susceptible of industrial application.

Article 59. Objects ineligible for protection as inventions

The following objects shall be ineligible for protection as inventions:

1. Scientific discoveries or theories, mathematical methods.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Presentations of information.

4. Solutions of aesthetic characteristics only.

5. Plant varieties, animal breeds.

7. Processes of plant or animal production which are principally of a biological nature, other than microbiological processes.

8. Human and animal disease prevention methods, diagnostic and treatment methods.

Article 60. Novelty of inventions

1. An invention shall be deemed novel if it has not yet been publicly disclosed by use or by means of a written description or any other form either inside or outside Vietnam before the filing date or the priority date, as applicable, of the invention registration application.

2. An invention shall be deemed not yet publicly disclosed if it is known to only a limited number of persons who are obliged to keep it secret.

3. An invention shall not be deemed to have lost its novelty if it is published in the following cases, provided that the invention registration application is filed within six (6) months from the date of publication:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (b) It is published in the form of a scientific presentation by the person having the right to register it as defined in article 86 of this Law;

 (c) It is displayed at a national exhibition of Vietnam or at an official or officially recognized international exhibition by the person having the right to register it as defined in article 86 of this Law.

Article 61. Inventive nature of inventions

An invention shall be deemed to be of an inventive nature if, based on technical solutions already publicly disclosed by use or by means of a written description or any other form either inside or outside Vietnam prior to the filing date or the priority date as applicable of the application for registration of the invention, the invention constitutes inventive progress and cannot be easily created by a person with average knowledge in the art.

Article 62. Inventions which are susceptible of industrial application

An invention shall be deemed to be susceptible of industrial application if it is possible to realize mass manufacture or production of products or repeated application of the process which is the subject matter of the invention, and to achieve stable results.

Section 2. CONDITIONS FOR PROTECTION OF INDUSTRIAL DESIGNS

Article 63. General conditions for industrial designs to be eligible for protection

1. An industrial design shall be eligible for protection when it satisfies the following conditions:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (b) It is of a creative nature;

 (c) It is susceptible of industrial application.

Article 64. Objects ineligible for protection as industrial designs

The following items shall be ineligible for protection as industrial designs:

1. Outward appearance of a product which is necessarily due to the technical features of the product.

2. Outward appearance of civil or industrial construction works.

3. Shape of a product which is invisible during the use of the product.

Article 65. Novelty of industrial designs

1. An industrial design shall be deemed to be new if it significantly differs from other industrial designs which have been publicly disclosed by use or by means of written descriptions or in any other form either inside or outside Vietnam prior to the filing date or the priority date, as applicable, of the application for registration of the industrial design.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. An industrial design shall be deemed not yet publicly disclosed if it is known to only a limited number of persons who are obliged to keep it secret.

4. An industrial design shall be deemed not to have lost its novelty if it is published in the following cases, provided that the application for registration of the industrial design is filed within six (6) months from the date of publication:

 (a) It is published by another person without permission from the person having the right to register it as defined in article 86 of this Law;

 (b) It is published in the form of a scientific presentation by the person having the right to register it as defined in article 86 of this Law;

 (c) It is displayed at a national exhibition of Vietnam or at an official or officially recognized international exhibition by the person having the right to register it as defined in article 86 of this Law.

Article 66. Creativity of industrial designs

An industrial design shall be deemed to be creative if, based on industrial designs already publicly disclosed through use or by means of written descriptions or in any other form either inside or outside Vietnam before the filing date or the priority date, as applicable, of the application for registration of the industrial design, the industrial design cannot be easily created by a person with average knowledge in the art.

Article 67. Industrial designs which are susceptible of industrial application

An industrial design shall be deemed to be susceptible of industrial application if it can be used as a model for mass manufacture of products with the outward appearance embodying such industrial design by industrial or handicraft methods.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 68 General conditions for layout designs to be eligible for protection

A layout design shall be eligible for protection when it satisfies the following conditions:

1. It is original.

2. It is commercially novel.

Article 69. Objects ineligible for protection as layout designs

The following items shall be ineligible for protection as layout designs:

1. Principles, processes, systems and methods operated by semiconductor integrated circuits.

2. Information or software contained in semiconductor integrated circuits.

Article 70. Originality of layout designs

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (a) It is the result of its author's creative labour;

 (b) It was not widely known among creators of layout designs or manufacturers of semi- conducting closed circuits at the time of its creation.

2. A layout design which is a combination of elements and common interconnections shall be deemed to be original only if such combination, taken overall, is original pursuant to the provisions of clause 1 of this article.

Article 71. Commercial novelty of layout designs

1. A layout design shall be deemed to be commercially novel if it has not yet been commercially exploited anywhere in the world prior to the filing date of the application for registration.

2. A layout design shall not be deemed to have lost its commercial novelty if the application for registration of the layout design is filed within two years from the date it was commercially exploited for the first time anywhere in the world by the person who has the right to register it as defined in article 86 of this Law or by his or her licensee.

3. Commercial exploitation of a layout design as stipulated in clause 2 of this article means any act of public distribution for commercial purposes of a semiconductor integrated circuit produced by incorporation of such layout design, or of a commodity containing such semiconductor integrated circuit.

Section 4. CONDITIONS FOR PROTECTION OF MARKS

Article 72. General conditions for marks to be eligible for protection

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. It is a visible sign in the form of letters, words, drawings or images including holograms, or a combination thereof, represented in one or more colours.

2. It is capable of distinguishing goods or services of the mark owner from those of other subjects.

Article 73. Signs ineligible for protection as marks

The following signs shall be ineligible for protection as marks:

1. Signs identical with or confusingly similar to national flags or national emblems.

2. Signs identical with or confusingly similar to emblems, flags, armorial bearings, abbreviated names or full names of Vietnamese State bodies, political organizations, socio-political organizations, socio- politico-professional organizations, social organizations or socio-professional organizations or with international organizations, unless permitted by such bodies or organizations.

3. Signs identical with or confusingly similar to real names, aliases, pseudonyms or images of leaders, national heroes or famous personalities of Vietnam or foreign countries.

4. Signs identical with or confusingly similar to certification seals, check seals or warranty seals of international organizations which require that their signs must not be used, unless such seals are registered as certification marks by such organizations.

5. Signs which cause misunderstanding or confusion or which deceive consumers as to the origin, properties, use, quality, value or other characteristics of goods or services.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. A mark shall be deemed to be distinctive if it consists of one or more easily noticeable and memorable elements, or of many elements forming an easily noticeable and memorable combination, and does not fall into the cases stipulated in clause 2 of this article.

2. A mark shall be deemed to be indistinctive if it is a sign falling into one of the following categories:

 (a) Simple shapes and geometric figures, numerals, letters or scripts of uncommon languages, except where such sign has been widely used and recognized as a mark;

 (b) Conventional signs or symbols, pictures or common names in any language of goods or services that have been widely and regularly used and known to many people;

 (c) Signs indicating time, place and method of production; category, quantity, quality, properties, ingredients, use, value or other characteristics descriptive of goods or services, except where such sign has acquired distinctiveness by use before the filing of the application for registration of the mark;

 (d) Signs describing the legal status and business sector of business entities;

 (dd) Signs indicating the geographical origin of goods or services, except where such sign has been widely used and recognized as a mark or registered as a collective mark or certification mark as stipulated in this Law;

 (e) Signs other than integrated marks which are identical with or confusingly similar to registered marks of identical or similar goods or services on the basis of applications for registration with earlier filing dates or priority dates, as applicable, including applications for registration of marks filed pursuant to a treaty of which the Socialist Republic of Vietnam is a member;

 (g) Signs identical with or confusingly similar to another person's mark which has been widely used and recognized for similar or identical goods or services before the filing date or the priority date, as applicable;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (i) Signs identical with or confusingly similar to another person's mark recognized as a well known mark which has been registered for goods or services which are identical with or similar to those bearing such well known mark, or for dissimilar goods or services if the use of such mark may affect the distinctiveness of the well known mark or the mark registration was aimed at taking advantage of the reputation of the well known mark;

 (k) Signs identical with or similar to another person's trade name currently in use if the use of such sign may cause confusion to consumers as to the origin of goods or services;

 (l) Signs identical with or similar to a protected geographical indication if the use of such sign may mislead consumers as to the geographical origin of goods;

 (m) Signs identical with, containing or being translated or transcribed from protected geographical indications for wines or spirits if such sign has been registered for use with respect to wines and spirits not originating from the geographical areas bearing such geographical indications;

 (n) Signs identical with or insignificantly different from another person's industrial design which has been protected on the basis of an application for registration of an industrial design with a filing date or priority date earlier than that of the application for registration of the mark.

Article 75. Criteria for evaluation of whether or not a mark is well known

The following criteria shall be taken into account when considering whether or not a mark is well known:

1. The number of relevant consumers who were aware of the mark by purchase or use of goods or services bearing the mark, or from advertising.

2. The territorial area in which goods or services bearing the mark are circulated.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Duration of continuous use of the mark.

5. Wide reputation of goods or services bearing the mark.

6. Number of countries protecting the mark.

7. Number of countries recognizing the mark as a well known mark.

8. Assignment price, licensing price, or investment capital contribution value of the mark.

Section 5. CONDITIONS FOR PROTECTION OF TRADE NAMES

Article 76. General conditions for trade names to be eligible for protection

A trade name shall be protected when it is capable of distinguishing the business entity bearing it from other business entities operating in the same business sector and locality.

Article 77. Objects ineligible for protection as trade names

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 78. Distinctiveness of trade names

A trade name shall be deemed to be distinctive when it satisfies the following conditions:

1. It consists of a proper name, except where the proper name was widely known by use.

2. It is not identical with or confusingly similar to a trade name which was used earlier by another person in the same business sector and locality.

3. It is not identical with or confusingly similar to another person's mark or a geographical indication which was protected before the date of use of such trade name.

Section 6. CONDITIONS FOR PROTECTION OF GEOGRAPHICAL INDICATIONS

Article 79. General conditions for geographical indications to be eligible for protection

A geographical indication shall be eligible for protection when it satisfies the following conditions:

1. The product bearing the geographical indication originates from the area, locality, territory or country corresponding to such geographical indication.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 80. Objects ineligible for protection as geographical indications

The following objects shall be ineligible for protection as geographical indications:

1. Names or indications which have become generic names of goods in Vietnam.

2. Geographical indications of foreign countries where they are not, or no longer, protected or used.

3. Geographical indications identical with or similar to a protected mark, where the use of such geographical indication is likely to cause confusion as to the origin of products.

4. Geographical indications which mislead consumers as to the true geographical origin of products bearing such geographical indications.

Article 81. Reputation, quality and characteristics of products bearing geographical indications

1. Reputation of products bearing a geographical indication shall be determined on the basis of the trust of consumers in such products to the extent such products are widely known to and selected by consumers.

2. Quality and characteristics of products bearing a geographical indication shall be determined by one or more qualitative, quantitative or physically, chemically, microbiologically perceptible criteria which can be tested by technical means or by experts with appropriate testing methods.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Geographical conditions relevant to a geographical indication means natural and human factors decisive to reputation, quality and characteristics of products bearing such geographical indication.

2. Natural factors shall include climatic, hydrological, geological, topographical and ecological factors and other natural conditions.

3. Human factors shall include skills and expertise of producers, and traditional production processes of localities.

Article 83. Geographical areas bearing geographical indications

Geographical areas bearing geographical indications must have their boundaries accurately determined by words and by maps.

Section 7. CONDITIONS FOR PROTECTION OF TRADE SECRETS

Article 84. General conditions for trade secrets to be eligible for protection

A trade secret shall be eligible for protection when it satisfies the following conditions:

1. It is neither common knowledge nor easily obtainable.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The owner of the trade secret maintains its secrecy by necessary means so that the secret will not be disclosed nor be easily accessible.

Article 85. Objects ineligible for protection as trade secrets

The following confidential information shall be ineligible for protection as trade secrets:

1. Personal identification secrets.

2. State management secrets.

3. National defence and security secrets.

4. Other confidential information unrelated to business.

Chapter VIII

ESTABLISHMENT OF INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS TO INVENTIONS, INDUSTRIAL DESIGNS, LAYOUT DESIGNS, MARKS AND GEOGRAPHICAL INDICATIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 86. Right to register inventions, industrial designs and layout designs

1. The following organizations and individuals shall have the right to register inventions, industrial designs and layout designs:

 (a) Authors who have created inventions, industrial designs or layout designs by their own labour and at their own expense;

 (b) Organizations or individuals who have supplied funds and material facilities to authors in the form of job assignment or hiring, unless otherwise agreed by the parties involved and provided that such agreements are not contrary to the provisions of clause 2 of this article.

2. The Government shall provide regulations on the right to register inventions, industrial designs and layout designs created by using material and technical facilities and funds from the State Budget.

3. Where a number of organizations and individuals have jointly created or invested in the creation of an invention, industrial design or layout design, such organizations and individuals shall all have the registration right which may only be exercised with the consensus of all.

4. A person who has the registration right as stipulated in this article may assign such right to other organizations or individuals by a written contract, bequest or inheritance in accordance with law, even where a registration application has already been filed.

Article 87. Right to register marks

1. Organizations and individuals shall have the right to register marks to be used for goods such organizations or individuals produce or for services such organizations or individuals provide.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Lawfully established collective organizations shall have the right to register collective marks to be used by the members of the collective organization pursuant to the regulations of the collective organization on use of collective marks. For signs indicating geographical origins of goods or services, an organization with the right to register means a local collective organization of [other] organizations or individuals engaged in production or trading in the relevant locality.

4. Organizations with the function of controlling and certifying quality, properties, origin or other relevant criteria of goods or services shall have the right to register certification marks, provided that such organizations are not engaged in production or trading of such goods or services.

5. Two or more organizations or individuals shall have the right to jointly register a mark in order to become its co-owners on the following conditions:

 (a) Such mark is used in the names of all co-owners or used for goods or services which are produced or traded with the participation of all co-owners;

 (b) The use of such mark does not cause confusion to consumers as to the origin of goods or services.

6. Persons with the registration right stipulated in clauses 1, 2, 3, 4 and 5 of this article, including those who have already filed registration applications, may assign the registration right to other organizations or individuals by a written contract, bequest or inheritance in accordance with law, provided that the assignee satisfies the conditions applicable to persons with the registration right.

7. For a mark protected in a country being a contracting party to a treaty of which the Socialist Republic of Vietnam is a member, which treaty prohibits the representative or agent of a mark owner from registering such mark, the representative or agent shall not be permitted to register such mark without agreement from the mark owner unless there is a justifiable reason.

Article 88. Right to register geographical indications

The right to register Vietnamese geographical indications belongs to the State.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 89. Methods of filing an application for registration of establishment of industrial property rights

1. Vietnamese organizations and individuals, foreign individuals permanently residing in Vietnam, and foreign organizations and individuals having production or business establishments in Vietnam shall file applications for registration of establishment of industrial property rights either directly or through their lawful representatives in Vietnam.

2. Foreign individuals not permanently residing in Vietnam and foreign organizations and individuals without production or business establishments in Vietnam shall file applications for registration of establishment of industrial property rights through their lawful representatives in Vietnam.

Article 90. "First to file" principle

1. Where two or more applications for registration are filed by different parties for the same invention, for registration of industrial designs identical with or insignificantly different from each other, for registration of marks identical with or confusingly similar to each other, or for identical or similar goods or services, a protection title may only be granted to the valid application with the earliest priority or filing date amongst applications which satisfy all conditions for the grant of a protection title.

2. Where there are two or more applications satisfying all the conditions for the grant of a protection title and having the same earliest priority or filing date, a protection title may only be granted to a single application from such applications with agreement from all applicants. Without such an agreement, all such applications shall be refused the grant of a protection title.

Article 91. Priority principle

1. An applicant for registration of an invention, industrial design or mark may claim priority on the basis of the first application for registration of protection of the subject matter if the following conditions are fully satisfied:

 (a) The first application was filed in Vietnam or in a country being a contracting party to a treaty of which the Socialist Republic of Vietnam is also a member, containing provisions on priority right, or in a country which has agreed with Vietnam to apply such provisions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (c) The claim for the priority right is clearly stated in the application and a copy of the first application certified by the receiving office is enclosed;

 (d) The application is filed within the time-limit provided for in a treaty of which Vietnam is a member.

2. In an application for registration of an invention, industrial design or mark, the applicant may claim the priority right on the basis of different earlier filed applications, provided that the similarity between the contents of such earlier applications and the present application are indicated.

3. An application for registration of industrial property which enjoys priority right shall bear the priority date being the filing date of the first application.

Article 92. Protection titles

1. A protection title shall recognize the owner of the invention, industrial design, layout design or mark (hereinafter all referred to as protection title owners); the author of the invention, industrial design or layout design; and the subject matter, scope and term of protection.

2. A protection title of a geographical indication shall record the organization managing such geographical indication, the organization or individual having the right to use such geographical indication, the protected geographical indication, the particular characteristics of products bearing such geographical indication, and the particular characteristics of geographical conditions and geographical areas bearing such geographical indication.

3. Protections title shall include an invention patent, utility solution patent, industrial design patent, certificate of registered design of semi-conducting closed circuits, certificate of registered mark and certificate of registered geographical indication.

Article 93. Validity of protection titles

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. An invention patent shall be valid from the grant date until the end of twenty (20) years after the filing date.

3. A utility solution patent shall be valid from the grant date until the end of ten (10) years after the filing date.

4. An industrial design patent shall be valid from the grant date until the end of five (5) years after the filing date and may be renewed for two consecutive terms, each of five (5) years.

5. A certificate of registered design of semi-conducting closed circuits shall be valid from the grant date until the earliest date among the following:

 (a) The end of ten (10) years after the filing date;

 (b) The end of ten (10) years after the date the layout design was first commercially exploited anywhere in the world by a persons with the registration right or his or her licensee;

 (c) The end of fifteen (15) years after the date of creation of the layout design.

6. A certificate of registered mark shall be valid from the grant date until the end of ten (10) years after the filing date and may be renewed for many consecutive terms, each of ten (10) years.

7. A certificate of registered geographical indication shall have indefinite validity starting from the grant date.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. In order to maintain the validity of an invention patent or a utility solution patent, the owner must pay a validity maintenance fee.

2. In order to have the validity of an industrial design patent or a certificate of registered mark extended, the owner must pay a validity extension fee.

3. Fee rates and procedures for maintaining or extending validity of protection titles shall be stipulated by the Government.

Article 95. Termination of validity of protection titles

1. The validity of a protection title shall be terminated in the following cases:

 (a) The owner fails to pay the stipulated validity maintenance or extension fee;

 (b) The owner declares relinquishment of the industrial property rights;

 (c) The owner no longer exists, or the owner of a certificate of registered mark is no longer engaged in business activities and does not have a lawful heir;

 (d) The mark has not been used by its owner or the licensee of the owner without justifiable reason for five (5) consecutive years prior to a request for termination of validity, except where use is commenced or resumed at least three (3) months before the request for termination;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (e) The owner of a certificate of registered certification mark violates the regulations on use of the certification mark or fails to supervise or ineffectively supervises the implementation of such regulations;

 (g) The geographical conditions decisive to reputation, quality or special characteristics of products bearing a geographical indication have changed resulting in the loss of such reputation, quality or characteristics of products.

2. Where the owner of an invention protection title fails to pay the validity maintenance fee before the stipulated time-limit, the validity of such protection title shall, upon the expiration of such time-limit, automatically terminate as from the first day of the first valid year for which the validity maintenance fee has not been paid. The State administrative body for industrial property rights shall record such termination in the National Register of Industrial Property and publish it in the Official Gazette of Industrial Property.

3. Where the owner of a protection title declares relinquishment of the industrial property right as stipulated in sub-clause (b) of clause 1 of this article, the State administrative body for industrial property rights shall decide to terminate the validity of such protection title from the date of receipt of the owner's declaration.

4. Organizations and individuals shall have the right to request the State administrative body for industrial property rights to terminate the validity of protection titles in cases specified in sub-clauses (c), (d), (dd), (e) and (g) of clause 1 of this article, provided that such organization or individual pays fees and charges. Based on the result of the examination of a request for termination of validity of a protection title and the opinions of the parties involved, the State administrative body for industrial property rights shall issue a decision on termination of validity of a protection title or notify refusal to terminate the validity of the protection title.

5. The provisions of clauses 1, 3 and 4 of this article shall also apply to the termination of validity of international registrations of marks.

Article 96. Cancellation of effectiveness of protection titles

1. A protection title shall be entirely invalidated in the following cases:

 (a) The applicant for registration has neither had nor been assigned the right to register the invention, industrial design, layout design or mark;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. A protection title shall be partly invalidated as to the part which failed to satisfy the protection conditions.

3. Any organization or individual may request the State administrative body for industrial property rights to invalidate a protection title in the cases specified in clauses 1 and 2 of this article, provided that such applicant pays fees and charges. The statute of limitations for exercising the right to request invalidation of a protection title shall be the whole term of protection of the protection title. For marks, such statute of limitations shall be five (5) years from the grant date, except where the protection title was granted as a result of dishonesty of the applicant.

4. Based on the result of the examination of a request for invalidation of a protection title and the opinions of the parties involved, the State administrative body for industrial property rights shall issue a decision on entire or partial invalidation of the protection title or shall notify refusal to invalidate.

5. The provisions of clauses 1, 2, 3 and 4 of this article shall also apply to the invalidation of international registrations of marks.

Article 97. Amendments to protection titles

1. The owner of a protection title may request the State administrative body for industrial property rights to make amendments to the following information in such protection title, provided that the prescribed fees and charge are paid:

 (a) Changes of, and corrections of errors to the name and address of the author or the protection title owner;

 (b) Amendments to the description of particular characteristics, quality or geographical area bearing a geographical indication; amendments to the regulations on use of collective marks or the regulations on use of a certification mark.

2. At the request of the owner of a protection title, the State administrative body for industrial property rights must correct errors caused by its fault in such protection title, and in such case the protection title owner shall not be liable to pay fees and charges.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 98. National Register of Industrial Property

1. The National Register of Industrial Property means the document recording the establishment, change and transfer of industrial property rights to inventions, industrial designs, layout designs, marks and geographical indications pursuant to this Law.

2. Decisions on grant of protection titles, principal contents of protection titles and decisions on amendment to, termination of validity or cancellation of validity of protection titles, and decisions on registration of industrial property right transfer contracts shall all be recorded in the National Register of Industrial Property.

3. The National Register of Industrial Property shall be compiled and kept by the State administrative body for industrial property rights.

Article 99. Publication of decisions relating to protection titles

Decisions on the grant, termination of validity, cancellation of validity or amendment of protection titles for industrial property rights shall be published by the State administrative body for industrial property rights in the Official Gazette of Industrial Property within sixty (60) days as from the date of issuance of such decision.

Section 2. APPLICATIONS FOR REGISTRATION OF INDUSTRIAL PROPERTY

Article 100. General requirements applicable to applications for registration of industrial property

1. An industrial property registration application shall contain the following documents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (b) Documents, samples and information identifying the industrial property object registered for protection as specified in articles 102 to 106 inclusive of this Law;

 (c) Power of attorney, if the application is filed through a representative;

 (d) Documents evidencing the registration right, if such right is acquired by the applicant from another person;

 (dd) Documents evidencing the priority right, if such right is claimed;

 (e) Receipt for payment of fees and charges.

2. Industrial property registration applications and source documents of transactions between an applicant and the State administrative body for industrial property rights shall be made in Vietnamese, except for the following documents which may be made in another language but shall be translated into Vietnamese at the request of the State administrative body for industrial property rights:

 (a) Power of attorney;

 (b) Documents evidencing the registration right;

 (c) Documents evidencing the priority right;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Documents evidencing the priority right in an industrial property registration application shall include:

 (a) A copy of the first application(s) certified by the receiving office;

 (b) Deed of assignment of priority right if such right is acquired from another person.

Article 101. Requirements on the uniformity of an application for registration of industrial property

1. Each industrial property registration application shall request the grant of only one protection title for a single industrial property object, except for the cases specified in clauses 2, 3 and 4 of this article.

2. Each registration application may request the grant of one invention patent or one utility solution patent for a group of inventions that are technically linked to form a single common inventive idea.

3. Each registration application may request the grant of one industrial design patent for several industrial designs in the following cases:

 (a) Industrial designs of a set of products consisting of numerous items expressing a single common inventive idea and used together or for a common purpose;

 (b) An industrial design accompanied by one or more variants being variations of such industrial design which express a single common inventive idea and which are not significantly different from such industrial design.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 102. Requirements on applications for registration of inventions

1. Documents identifying an invention registered for protection in an application for invention registration shall include a description of the invention and an abstract of the invention. The invention description shall contain a descriptive section and the scope of protection of the invention.

2. The description of an invention must satisfy the following conditions:

 (a) Fully and clearly disclose the nature of the invention to the extent that such invention may be realized by a person with average knowledge in the art;

 (b) Briefly explain accompanying drawings, if it is required to further clarify the nature of the invention;

 (c) Clarify the novelty, inventive step and susceptibility of industrial application of the invention.

3. The scope of protection of an invention shall be expressed in the form of a combination of technical specifications which are necessary and sufficient to identify the scope of the rights to such invention, compatible with the description of invention and drawings.

4. An abstract of an invention must disclose principal features of the nature of such invention.

Article 103. Requirements on applications for registration of industrial designs

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The descriptive section of an industrial design must satisfy the following conditions:

 (a) Fully disclose all features expressing the nature of the industrial design and clearly identify features which are new, different from the least different known industrial design, and consistent with the set of photos or drawings;

 (b) Where the application for registration of the industrial design consists of variants, the descriptive section must fully show these variants and clearly identify distinctions between the principal variant and other variants;

 (c) Where the industrial design stated in the registration application is that of a set of products, the descriptive section must fully show features of each product of the set.

3. The section on scope of protection of an industrial design must clearly define features which need to be protected, including features which are new and different from similar known industrial designs.

4. The set of photos and drawings must fully define the features of the industrial design.

Article 104. Requirements on applications for registration of layout designs

Documents, samples and information identifying a layout design which needs to be registered for protection in an application for registration of a layout design shall include:

1. Drawings and photos of the layout-design.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Samples of semi-conducting closed circuits produced under the layout design, if such layout design has been commercially exploited.

Article 105. Requirements on applications for registration of marks

1. Documents, samples and information identifying a mark which needs to be registered for protection in an application for registration of a mark shall include:

 (a) A sample of the mark and a list of goods or services bearing the mark;

 (b) Regulations on use of collective marks or regulations on use of certification marks.

2. The sample of the mark must be described in order to clarify elements of the mark and the comprehensive meaning of the mark, if any; where the mark consists of words or phrases of hieroglyphic languages, such words or phrases must be transcribed; where the mark consists of words or phrases in a foreign language, such words or phrases must be translated into Vietnamese.

3. Goods or services listed in an application for registration of a mark must be classified into appropriate groups in accordance with the Classification List under the Nice Agreement on International Classification of Goods and Services for the purpose of mark registration, and published by the State administrative body for industrial property rights.

4. The regulations on use of collective marks shall contain the following principal contents:

 (a) Name, address, grounds of establishment and operation of the collective organization being the owner of the mark;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (c) List of organizations and individuals permitted to use the mark;

 (d) Conditions for use of the mark;

 (dd) Measures for dealing with breaches of regulations on use of the mark.

5. The regulations on use of certification marks shall contain the following principal contents:

 (a) The organization or individual being the mark owner;

 (b) Conditions for using the mark;

 (c) Characteristics of goods or services certified by the mark;

 (d) Methods of evaluating characteristics of goods or services and methods of controlling the use

of the mark;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 106. Requirements on applications for registration of geographical indications

1. Documents, samples and information identifying a geographical indication which needs to be registered for protection in an application for registration of a geographical indication shall include:

 (a) The name or sign being the geographical indication;

 (b) The product bearing the geographical indication;

 (c) Description of peculiar characteristics and quality, or reputation of the product bearing the geographical indication and particular elements of natural conditions decisive to the peculiar characteristics and quality, or reputation of the product (hereinafter referred to as the description of peculiar characteristics);

 (d) Map of the geographical area bearing the geographical indication;

 (dd) Documents evidencing that the geographical indication is under protection in the country of origin in the case of a foreign geographical origin.

2. The description of peculiar characteristics must contain the following principal contents:

 (a) Description of the relevant product including raw materials, and physical, chemical, microbiological and perceptible properties of the product;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (c) Evidence proving that the product originates from such geographical area within the meaning stipulated in article 79 of this Law;

 (d) Description of local and stable methods of production and processing;

 (dd) Information on relationship between the peculiar characteristics and quality, or reputation of the product and the geographical conditions as stipulated in article 79 of this Law;

 (e) Information on the mechanism of self-control of the peculiar characteristics or quality of the product.

Article 107  Authorized representation in procedures related to industrial property rights

1. Authorization for carrying out procedures related to the establishment, maintenance, extension, amendment, termination and invalidation of protection titles must be made in writing in the form of a power of attorney.

2. A power of attorney must contain the following principal contents:

 (a) Full name and address of the principal and of the attorney;

 (b) Scope of authorization;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (d) Date of making the power of attorney;

 (dd) Signature and seal (if any) of the principal.

3. A power of attorney without any valid term shall be considered valid indefinitely, and validity shall be terminated only when the principal declares termination of validity.

Section 3. PROCEDURES FOR PROCESSING APPLICATIONS FOR REGISTRATION OF INDUSTRIAL PROPERTY AND FOR GRANTING PROTECTION TITLES

Article 108. Receipt of applications for registration of industrial property, and filing dates

1. An application for registration of industrial property shall only be received by the competent State administrative body for industrial property rights if the application consists of at least the following documents and information:

 (a) A declaration for registration of an invention, industrial design, layout design, mark or geographical indication, which includes sufficient information to identify the applicant and in the case of a mark a sample of the mark and a list of goods or services bearing the mark;

 (b) Description, including the scope of protection, in the case of an application for registration of an invention; a set of photos and drawings and a description in the case of an application for registration of an industrial design; and a description of peculiar characteristics of a product bearing a geographical indication, in the case of an application for registration of a geographical indication;

 (c) Receipt for payment of filing fee.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 109.  Formal examination of applications for registration of industrial property

1. Applications for registration of industrial property shall be subject to formal examination for evaluation of their validity.

2. An application for registration of industrial property shall be considered invalid in the following cases:

 (a) It does not fulfil the formal requirements;

 (b) The subject matter stated in the application is ineligible for protection;

 (c) The applicant does not have the registration right, including where the registration right belongs to more than one organization or individual but one or more of them do not agree to the filing;

 (d) The application is filed in contravention of regulations on the filing method stipulated in article 89 of this Law;

 (dd) The applicant fails to pay fees and charges.

3. For applications for registration of industrial property falling into a case stipulated in clause 2 of this article, the State administrative body for industrial property rights shall carry out the following procedures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (b) Issue a notice of refusal to accept the invalid application if the applicant fails to correct errors, improperly corrects errors or fails to make a justifiable objection to such intended refusal stipulated in sub-clause (a) of this clause;

 (c) Issue a notice of refusal to grant a certificate of registered design of semi-conducting closed circuits in case of a closed circuit registration application;

 (d) Carry out procedures specified in clause 4 of this article if the applicant properly corrects errors or makes a justifiable objection to the intended refusal to accept the invalid application stipulated in sub-clause (a) of this clause.

4. For industrial property registration applications not falling into a case stipulated in clause 2 of this article, or in a case stipulated in sub-clause (d) of clause 3 of this article, the State administrative body for industrial property rights shall issue a notice of acceptance of the valid application or carry out procedures for granting a protection title and recording it in the National Register of Industrial Property as stipulated for in article 118 of this Law, applicable to layout design registration applications.

5. Mark registration applications rejected according to the provisions of clause 3 of this article shall be deemed not to have been filed, except where they serve as grounds for claims for priority right.

Article 110. Publication of applications for registration of industrial property

1. Applications for registration of industrial property which have been accepted as being valid by the State administrative body for industrial property rights shall be published in the Official Gazette of Industrial Property in accordance with the provisions of this article.

2. Applications for registration of inventions shall be published in the 19th month as from the filing date or the priority date, as applicable, or at an earlier time at the request of the applicant.

3. Applications for registration of industrial designs, marks or geographical indications shall be published within two months as from the date such application is accepted as being valid.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 111. Confidentiality of applications for registration of inventions and industrial designs prior to publication thereof

1. Before applications for registration of inventions and industrial designs are published in the Official Gazette of Industrial Property, the State administrative body for industrial property rights must keep information therein confidential.

2. State employees of the State administrative body for industrial property rights who disclose information in applications for registration of inventions and industrial designs shall be disciplined; if the information disclosed causes loss and damage to applicants, such employees must pay compensation therefor in accordance with law.

Article 112. Third party opinions on the grant of protection titles

As from the date an application for registration of industrial property is published in the Official Gazette of Industrial Property up until prior to the date of issuance of a decision on grant of a protection title, any third party shall have the right to express an opinion to the competent State administrative body for industrial property rights on the grant or refusal to grant a protection title for such application. Such opinions must be made in writing and be accompanied by documents or must quote the source of information.

Article 113. Request for substantive examination of applications for registration of inventions

1. Within forty two (42) months after the filing date or the priority date, as applicable, an applicant or any third party may request the competent State administrative body for industrial property rights to substantively examine an application [for registration of an invention], provided that the substantive examination fee is paid.

2. The time-limit for making a request for substantive examination of an application for registration of an invention involving a request for a utility solution patent shall be thirty six (36) months from the filing date or the priority date, as applicable.

3. Where no request for substantive examination is filed within the time-limit specified in clauses 1 and 2 of this article, the application for registration of the invention shall be deemed to have been withdrawn at the expiry of such time-limit.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The following applications for registration of industrial property shall be substantively examined for evaluation of the eligibility for grant of protection titles for subject matter stated in such applications under protection conditions and for determination of the respective scope of protection:

 (a) Applications for registration of inventions which have already been accepted as being valid and involve requests for substantive examination filed according to regulations;

 (b) Applications for registration of industrial designs, marks and geographical indications which have been accepted as being valid.

2. Applications for registration of layout designs shall not be substantively examined.

Article 115. Amendment, supplementation, division and conversion of applications for registration of industrial property

1. An applicant shall have the following rights before the competent State administrative body for industrial property rights notifies a refusal or decides to grant a protection title:

 (a) To amend or supplement the application;

 (b) To divide the application;

 (c) To request the recording of changes in name or address of the applicant;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (dd) To convert an application for registration of an invention involving a request for an invention patent into an application for registration of an invention involving a request for a utility solution patent, and vice versa.

2. The applicants for completion of the procedures stipulated in clause 1 of this article must pay fees and charges.

3. Any amendment or supplementation of an application for registration of industrial property must not expand the scope of the subject matter already disclosed or stated in such application, and must not change the nature of the subject matter subject to registration stated in the application and must ensure the uniformity of the application.

4. In a case of division of an application, the filing date of the divided application shall be deemed to be the filing date of the original application.

Article 116. Withdrawal of applications for registration of industrial property

1. Before the competent State administrative body for industrial property rights decides or refuses to grant a protection title, the applicant shall have the right to make a written declaration on the withdrawal of the application for registration of industrial property in his or her own name or through an industrial property representation service organization, provided that a power of attorney clearly states authorization for withdrawal of the application.

2. As from the time an applicant declares withdrawal of the application, all further procedures related to such application shall cease; fees and charges already paid in relation to the procedures which have not yet been commenced shall be refunded to the applicant at his or her request.

3. All applications for registration of industrial designs which have been withdrawn or are deemed to have been withdrawn before their publication and all applications for registration of marks which have been withdrawn shall be deemed not to have been filed, except where they serve as grounds for claims for priority right.

Article 117. Refusal to grant protection titles

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (a) There are grounds to affirm that the subject matter stated in the application does not fully satisfy the conditions for protection;

(b) The application satisfies the conditions for the grant of a protection title but does not have the earliest filing date or priority date as in the case stipulated in clause 1 of article 90 of this Law;

 (c) The application falls into a case stipulated in clause 2 of article 90 of this Law but fails to have the consensus of all applicants.

2. The grant of a protection title for an application for registration of a layout design which does not fulfil the formal requirements stipulated in article 109 of this Law shall be refused.

3. Where an application for registration of industrial property falls into the cases stipulated in clauses 1 and 2 of this article, the competent State administrative body for industrial property rights shall carry out the following procedures:

 (a) Notify an intended refusal to grant a protection title, clearly stating the reasons therefor and setting a time-limit for the applicant to make an objection to such intended refusal;

 (b) Notify the refusal to grant a protection title if the applicant makes no objection or makes unjustifiable objection to such intended refusal stipulated in sub-clause (a) of this clause;

 (c) Grant a protection title and record it in the National Register of Industrial Property according to the provisions of article 118 of this Law if the applicant has made a justifiable objection to the intended refusal stipulated in sub-clause (a) of this clause.

4. Where an objection is made to the intended grant of a protection title, the relevant application for registration of industrial property shall be re-examined with regard to the matters about which the objection is made.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Where an application for registration of industrial property does not fall into the cases of refusal to grant protection titles stipulated in clauses 1, 2 and 3(b) of article 117 of this Law and the applicant has paid the fee, the State administrative body for industrial property rights shall decide to grant a protection title and enter it in the National Register of Industrial Property.

Article 119. Time-limit for processing applications for registration of industrial property

1. An application for registration of industrial property shall have its form examined within one month from the filing date.

2. An application for registration of industrial property shall be substantively examined within the following time-limits:

 (a) For an invention, twelve (12) months from the date of its publication if a request for substantive examination is filed before the date of publication of the application, or from the date of receipt of a request for substantive examination if such request is filed after the date of publication of the application;

 (b) For an industrial design, a mark or a geographical indication, six (6) months from the date of publication of the application.

3. The time-limit for re-examination of an application for registration of industrial property shall be equal to two-thirds of the time-limit for the initial examination, and may, in complicated cases, be extended but must not exceed the time-limit for the initial examination.

4. The duration for amendment or supplementation of applications shall not be included in the time- limits specified in clauses 1, 2 and 3 of this article.

Section 4. INTERNATIONAL APPLICATIONS AND PROCESSING OF INTERNATIONAL APPLICATIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Applications for registration of industrial property filed pursuant to a treaty of which the Socialist Republic of Vietnam is a member shall be collectively referred to as international applications.

2. International applications and processing thereof shall comply with the relevant treaties.

3. The Government shall guide the implementation of provisions in relevant treaties on international applications, and the order and procedure for processing thereof in compliance with the principles stipulated in this Chapter.

Chapter IX

OWNERS OF INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS, CONTENTS OF INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS, AND LIMITATIONS ON INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS

Section 1. OWNERS OF INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS, CONTENTS OF INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS

Article 121. Owners of industrial property objects

1. The owner of an invention, industrial design or layout design means an organization or individual who is granted a protection title for the respective industrial property object by the competent body.

Owner of a mark means an organization or individual who is granted a protection title for such mark by the competent body or who has an internationally registered mark recognized by the competent body or who has a well known mark.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Owner of a trade secret means an organization or individual who has lawfully acquired such trade secret and kept it secret. A trade secret acquired by an employee or a performer of an assigned task during the performance of the hired job or assigned task shall be owned by the employer or the task assignor, unless otherwise agreed by the parties.

4. The State is the owner of geographical indications of Vietnam.

The State shall grant the right to use geographical indications to organizations or individuals who manufacture products bearing such geographical indications in relevant localities and put such products on the market. The State shall directly exercise the right to manage geographical indications or grant that right to organizations representing the interests of all organizations or individuals granted the right to use geographical indications.

Article 122. Authors of inventions, industrial designs and layout designs and their rights

1. The author of an invention, industrial design or layout design means the person who has personally created such industrial property object. Where two or more persons have jointly created an industrial property object, they shall be co-authors of it.

2. Moral rights of authors of inventions, industrial designs and layout designs shall include the following rights:

 (a) To be named as authors in invention patents, utility solution patents, industrial design patents or certificates of registered design of semi-conducting closed circuits;

 (b) To be acknowledged as authors in documents in which inventions, industrial designs or layout designs are published or introduced.

3. Economic rights of authors of inventions, industrial designs and layout designs are the rights to receive remuneration as stipulated in article 135 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Owners of industrial property objects shall have the following economic rights:

 (a) To use or authorize others to use industrial property objects according to the provisions of article 124 and Chapter X of this Law;

 (b) To prevent others from using industrial property objects according to the provisions of article 125 of this Law;

 (c) To dispose of industrial property objects according to the provisions of Chapter X of this Law.

2. Organizations and individuals who are granted by the State the right to use or the right to manage geographical indications according to the provisions of clause 4 of article 121 of this Law shall have the following rights:

 (a) Organizations which are granted the right to manage geographical indications may permit other persons to use such geographical indications according to the provisions of clause 1(a) of this article;

 (b) Organizations and individuals who are granted the right to use or organizations which are granted the right to manage geographical indications may prevent other persons from using such geographical indications according to the provisions of clause 1(b) of this article.

Article 124. Use of industrial property objects

1. Use of an invention means the performance of the following acts:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (b) Applying the protected process;

 (c) Exploiting utilities of the protected product or the product manufactured under the protected process;

 (d) Circulating, advertising, offering or stocking for circulation the products stipulated in sub-clause (c) of this clause;

 (dd) Importing the products stipulated in sub-clause (c) of this clause.

2. Use of an industrial design means the performance of the following acts:

 (a) Manufacturing products with an appearance embodying the protected industrial design;

 (b) Circulating, advertising, offering or stocking for circulation products stipulated in sub-clause (c) of this clause;

 (c) Importing products stipulated in sub-clause (c) of this clause.

3. Use of a layout design means the performance of the following acts:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (b) Selling, leasing, advertising, offering or stocking copies of the protected layout design, semi- conducting closed circuits manufactured under the protected layout design or articles containing such semi-conducting closed circuits;

 (c) Importing copies of the protected layout design, semi-conducting closed circuits manufactured under the protected layout-design or articles containing such semi-conducting closed circuits.

4. Use of a trade secret means the performance of the following acts:

 (a) Applying the trade secret to the manufacture of products, provision of services or trade in goods;

 (b) Selling, advertising for sale, stocking for sale or importing products manufactured with the application of the trade secret.

5. Use of a mark means the performance of the following acts:

 (a) Affixing the protected mark on goods, goods packages, business facilities, means of service provision or transaction documents in business activities;

 (b) Circulating, offering, advertising for sale or stocking for sale goods bearing the protected mark;

 (c) Importing goods or services bearing the protected mark.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. Use of a geographical indication means the performance of the following acts:

 (a) Affixing the protected geographical indication in or on goods or goods packages, business facilities, and transaction documents in business activities;

 (b) Circulating, offering, advertising for sale or stocking for sale goods bearing the protected geographical indication;

 (c) Importing goods bearing the protected geographical indication.

Article 125. Right to prevent others from using industrial property objects

1. Owners of industrial property objects as well as organizations and individuals granted the right to use or the right to manage geographical indications shall have the right to prevent others from using such industrial property objects unless such use falls into the cases stipulated in clauses 2 and 3 of this article.

2. Owners of industrial property objects as well as organizations and individuals granted the right to use or the right to manage geographical indications shall not have the right to prevent others from performing the following acts:

 (a) Using inventions, industrial designs or layout designs in service of their personal needs or for non-commercial purposes, or for purposes of evaluation, analysis, research, teaching, testing, trial production or information collection for carrying out procedures of application for licences for production, importation or circulation of products;

 (b) Circulating, importing, exploiting utilities of products which were lawfully put on the market including overseas markets, except for products put on the overseas markets not by the mark owners or their licensees;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (d) Using inventions or industrial designs by persons with the prior use right according to the provisions of article 134 of this Law;

 (dd) Using inventions by persons authorized by competent State bodies according to the provisions of articles 145 and 146 of this Law;

 (e) Using layout designs without knowing or having the obligation to know that such layout designs are under protection;

 (g) Using marks identical with or similar to protected geographical indications where such marks have acquired protection in an honest manner before the date of filing the application for registration of such geographical indication;

 (h) Using in an honest manner people's names, descriptive marks of type, quantity, quality, utility, value, geographical origin and other properties of goods or services.

3. Owners of trade secrets shall not have the right to prevent others from performing the following acts:

 (a) Disclosing or using trade secrets acquired without knowing or having the obligation to know that they were unlawfully acquired by others;

 (b) Disclosing secret data in order to protect the public according to the provisions of clause 1 of article 128 of this Law;

 (c) Using secret data stipulated in article 128 of this Law not for commercial purposes;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (dd) Disclosing or using trade secrets obtained by analyzing or evaluating lawfully distributed products, unless otherwise agreed upon by analyzers or evaluators and owners of such trade secrets or sellers of such products.

Article 126. Acts of infringement of rights to inventions, industrial designs and layout designs

The following acts shall be regarded as infringements of rights of owners of inventions, industrial designs and layout designs:

1. Using protected inventions, protected industrial designs or industrial designs insignificantly different from protected industrial designs, or protected layout designs or any original part thereof within the valid term of a protection title without permission from the owners.

2. Using inventions, industrial designs and layout designs without paying compensation according to the provisions on provisional rights in article 131 of this Law.

Article 127. Acts of infringement of the right to trade secrets

1. The following acts shall be deemed infringements of the right to trade secrets:

 (a) Accessing or acquiring information pertaining to a trade secret by taking acts against secrecy- keeping measures applied by lawful controllers of such trade secret;

 (b) Disclosing or using information pertaining to a trade secret without the permission of the owner of such trade secret;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (d) Accessing or acquiring information pertaining to the trade secret of an applicant for a licence for trading in or circulating products by taking acts against secrecy-keeping measures applied by competent bodies;

 (dd) Using or disclosing trade secrets, while knowing or having the obligation to know that they have been acquired by others engaged in one of the acts stipulated in sub-clauses (a), (b), (c) or (d) of this clause;

 (e) Failing to perform the secrecy-keeping obligation stipulated in article 128 of this Law.

2. Lawful controllers of trade secrets defined in clause 1 of this Article include owners of trade secrets, their lawful licensees and managers of trade secrets.

Article 128. Obligation to maintain secrecy of test data

1. Where the law requires applicants for licences for trading in or circulating pharmaceuticals or agro- chemical products to supply test results or any other data being trade secrets obtained by investment of considerable effort, and where applicants request such data to be kept secret, the competent licensing body shall be obliged to apply necessary measures so that such data is neither used for unfair commercial purposes nor disclosed, except where the disclosure is necessary to protect the public.

2. From the time of submission of secret data in applications to the competent body stipulated in clause 1 of this article to the end of a five year period as from the date the applicant is granted a licence, such body must not grant licences to any subsequent applicants in whose applications the said secret data is used without the consent of submitters of such data, except for the cases stipulated in clause 3(d) of article 125 of this Law.

Article 129. Acts of infringement of rights to marks, trade names and geographical indications

1. The following acts, if performed without the permission of mark owners, shall be deemed to be infringements of the right to a mark:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (b) Using signs identical with protected marks for goods or services similar or related to those goods or services on the list registered together with such mark, if such use is likely to cause confusion as to the origin of the goods or services;

 (c) Using signs similar to protected marks for goods or services identical with, similar to or related to goods or services on the list registered together with such mark, if such use is likely to cause confusion as to the origin of the goods or services;

 (d) Using signs identical with, or similar to, well known marks, or signs in the form of translations or transcriptions of well known marks for any goods or services, including those not identical with, dissimilar or unrelated to goods or services on the lists of those bearing well known marks, if such use is likely to cause confusion as to the origin of the goods or services or misleading impressions as to the relationship between users of such signs and well known mark owners.

2. All acts of using commercial indications identical with, or similar to, trade names of others which were used earlier for the same or similar type of goods or services, which cause confusion as to business entities, establishments or activities under such trade names shall be deemed to be infringements of the right to the trade name.

3. The following acts shall be deemed to be infringements of the right to protected geographical indications:

 (a) Using protected geographical indications for products which do not satisfy the criteria of peculiar characteristics and quality of products bearing geographical indications, although such products originate from geographical areas bearing such geographical indication;

 (b) Using protected geographical indications for products similar to products bearing geographical indications for the purpose of taking advantage of their reputation and popularity;

(c) Using any sign identical with, or similar to, a protected geographical indication for products not originating from geographical areas bearing such geographical indication, and therefore misleading consumers into believing such products originate from such geographical areas;

 (d) Using protected geographical indications of wines or spirits for wines or spirits not originating from geographical areas bearing such geographical indication, even where the true origin of goods is indicated or geographical indications are used in the form of translations or transcriptions, or accompanied by such words as "category," "model," "type," "imitation" or the like.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The following acts shall be deemed to be acts of unfair competition:

 (a) Using commercial indications to cause confusion as to business entities, business activities or commercial origin of goods or services;

 (b) Using commercial indications to cause confusion as to the origin, production method, utilities, quality, quantity or other characteristics of goods or services; or as to the conditions for provision of goods or services;

 (c) Using marks protected in a country which is a contracting party to a treaty of which the Socialist Republic of Vietnam is a member and under which representatives or agents of owners of such marks are prohibited from using such marks, if users are representatives or agents of the mark owners and such use is neither consented to by the mark owners nor justified;

 (d) Registering or possessing the right to use or using domain names identical with, or confusingly similar to, protected trade names or marks of others, or geographical indications without having the right to use, for the purpose of possessing such domain name, benefiting from or prejudicing the reputation and popularity of the respective mark, trade name or geographical indication.

2. Commercial indications stipulated in clause 1 of this article mean signs and information serving as guidelines to trading of goods or services including marks, trade names, business symbols, business slogans, geographical indications, designs of packages and/or labels of goods.

3. Acts of using commercial indications stipulated in clause 1 of this article include acts of affixing such commercial indications on goods, goods packages, means of service provision, business transaction documents or advertising means; and selling, advertising for sale, stocking for sale and importing goods affixed with such commercial indications.

Article 131. Provisional rights to inventions, industrial designs and layout designs

1. Where an applicant for registration of an invention or industrial design knows that such invention or industrial design is being used by another person for commercial purposes without prior use right, the applicant may notify in writing the user of the filing of the latter's application, clearly specifying the filing date and the date of publication of the application in the Official Gazette of Industrial Property so that the user may either terminate or continue such use.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Where the person notified of contents stipulated in clauses 1 and 2 of this article continues using such invention, industrial design or layout design, then as soon as an invention patent, utility solution patent, industrial design patent or certificate of registered design of semi-conducting closed circuits is granted, the owner of the object shall have the right to request the user to pay compensation equivalent to the price for licensing of such invention, industrial design or layout design within the corresponding scope and duration of use.

Section 2. LIMITATIONS ON INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS

Article 132. Factors limiting industrial property rights

Industrial property rights may be limited pursuant to this Law by the following factors:

1. Right of prior users to inventions or industrial designs.

2. Obligations of owners, including:

 (a) To pay remuneration to the authors of inventions, industrial designs or layout designs;

 (b) To use inventions or marks.

3. Licensing of inventions pursuant to decisions of competent State bodies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Ministries and ministerial equivalent bodies shall have the right, on behalf of the State, to use or permit other organizations or individuals to use inventions in domains under their respective management for public and non-commercial purposes, national defence and security, disease prevention, and treatment and nutrition of the people, and to meet other urgent social needs without having to obtain permission of invention owners or their licensees under exclusive contracts (hereinafter referred to as holders of the exclusive right to use inventions) in accordance with articles 145 and 146 of this Law.

2. The use of inventions pursuant to clause 1 of this article shall be limited within the scope of and under the conditions for licensing provided for in clause 1 of article 146 of this Law, except where such inventions are created by using material and technical facilities and funds from the State Budget.

Article 134. Right of prior use of inventions and industrial designs

1. Where a person has, before the publication date of an application for registration of an invention or industrial design, used or prepared necessary conditions for use of an invention or industrial design identical with the protected invention or industrial design stated in such application for registration, but created independently (hereinafter referred to as the prior use right holder), then after a protection title is granted, such person shall be entitled to continue using such invention or industrial design within the scope and volume of use or use preparations without having to obtain permission or paying compensation to the owner of the protected invention or industrial design. The exercise of the right of prior users of inventions or industrial designs shall not be deemed an infringement of the right of the owner of the invention or industrial design.

2. Prior use right holders to inventions or industrial designs must not assign such right to others, except where such right is assigned together with the transfer of a business or production establishment which has used or has prepared to use the invention or industrial design. Prior use right holders must not expand the use scope and volume unless it is so permitted by the owner of the invention or industrial design.

Article 135. Obligation to pay remuneration to authors of inventions, industrial designs and layout designs

1. Owners of inventions, industrial designs and layout designs shall be obliged to pay remuneration to the authors of such inventions, industrial designs and layout designs in accordance with the provisions of clauses 2 and 3 of this article, unless otherwise agreed upon by the parties.

2. The minimum level of remuneration payable by an owner to an author shall be regulated as follows:

 (a) Ten (10) per cent of the profit gained by the owner from the use of the invention, industrial design or layout design;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Where an invention, industrial design or layout design is jointly created by more than one author, the remuneration level provided for in clause 2 of this article shall be applicable to all co-authors. The co- authors shall agree between themselves on the division of the remuneration paid by the owner.

4. The obligation to pay remuneration to authors of inventions, industrial designs and layout designs shall exist throughout the term of protection of such invention, industrial design or layout design.

Article 136. Obligation to use inventions and marks

1. Owners of inventions shall be obliged to manufacture protected products or apply protected processes to satisfy the requirements of national defence and security, disease prevention, and treatment and nutrition of the people or to meet other social urgent needs. When the needs stipulated in this clause arise but an invention owner fails to perform such obligation, the competent State body may license such invention to others without permission from the invention owner in accordance with the provisions of articles 145 and 146 of this Law.

2. Owners of marks shall be obliged to use such marks continuously. Where a mark has not been used for five consecutive years or more, the ownership right to such mark shall be invalidated in accordance with the provisions of article 95 of this Law.

Article 137. Obligation to authorize the use of principal inventions for the purpose of using dependent inventions

1. A dependent invention means an invention created based on another invention (hereinafter referred to as the principal invention) and may only be used on condition that the principal invention is also used.

2. Where the owner of a dependent invention can prove that his or her invention makes an important technical advance as compared with the principal invention and has great economic significance, he or she may request the owner of the principal invention to license such principal invention at a reasonably commercial price and conditions.

Where the owner of a principal invention fails to satisfy the request of the owner of a dependent invention without justifiable reason, the State body concerned may license such invention to the owner of the dependent invention without permission from the owner of the principal invention in accordance with the provisions of articles 145 and 146 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



TRANSFER OF INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS

Section 1. ASSIGNMENT OF INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS

Article 138. General provisions on assignment of industrial property rights

1. Assignment of an industrial property right means the transfer of ownership right by the owner of such industrial property right to another organization or individual.

2. An assignment of an industrial property right must be established in the form of a written contract (hereinafter referred to as an industrial property right assignment contract).

Article 139.  Restrictions on assignment of industrial property rights

1. Industrial property right owners may only assign their rights within the scope of protection.

2. Rights to geographical indications shall not be assignable.

3. Rights to trade names may only be assigned together with the transfer of the entire business establishment and business activities under such trade name.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Rights to marks may only be assigned to organizations or individuals who satisfy conditions for persons having the right to register such marks.

Article 140. Contents of industrial property right assignment contracts

An industrial property right assignment contract must contain the following principal contents:

1. Full names and addresses of the assignor and of the assignee.

2. Grounds for the assignment.

3. Assignment price.

4. Rights and obligations of the assignor and the assignee.

Section 2. LICENSING OF INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS

Article 141. General provisions on licensing of industrial property rights

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Licensing of industrial property objects must be established in the form of a written contract (hereinafter referred to as industrial property object licence contract).

Article 142. Restrictions on licensing of industrial property objects

1. The right to use geographical indications or trade names shall not be licensable.

2. The right to use collective marks must not be licensed to organizations or individuals other than members of the owners of such collective marks.

3. The licensee must not enter into a sub-licence contract with a third party, unless it is so permitted by the licensor.

4. Mark licensees shall be obliged to indicate on goods and goods packages that such goods have been manufactured under mark licence contracts.

5. Invention licensees under exclusive contracts shall be obliged to use such inventions in the same manner as the invention owners according to the provisions of clause 1 of article 136 of this Law.

Article 143. Types of industrial property object licence contracts

Industrial property object licence contracts shall be of the following types:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Non-exclusive contract means a contract under which, within the licensing scope and term, the licensor shall still have the right to use the industrial property object and to enter into a non-exclusive industrial property object licence contract with others.

3. Industrial property object sub-licence contract means a contract under which the licensor is a licensee of the right to use such industrial property object pursuant to another contract.

Article 144. Contents of industrial property object licence contracts

1. An industrial property object licence contract must contain the following principal contents:

 (a) Full names and addresses of the licensor and of the licensee;

 (b) Grounds for licensing;

 (c) Contract type;

 (d) Licensing scope including limitations on use right and territorial limitations;

 (dd) Contract term;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (g) Rights and obligations of the licensor and of the licensee.

2. An industrial property object licence contract must not have provisions which unreasonably restrict the right of the licensee, and in particular the following provisions which do not derive from the rights

of the licensor:

 (a) Prohibiting the licensee from improving the industrial property object other than marks; compelling the licensee to transfer free of charge to the licensor improvements of the industrial property object made by the licensee or the right of industrial property registration or industrial property rights to such improvements;

 (b) Directly or indirectly restricting the licensee from exporting goods produced or services provided under the industrial property object licence contract to the territories where the licensor neither holds the respective industrial property right nor has the exclusive right to import such goods;

 (c) Compelling the licensee to buy all or a certain percentage of raw materials, components or equipment from the licensor or a third party designated by the licensor not for the purpose of ensuring the quality of goods produced or services provided by the licensee;

 (d) Prohibiting the licensee from complaining about or initiating lawsuits with regard to the validity of the industrial property rights or the licensor's right to license.

3. Any clauses in a contract falling into the cases stipulated in clause 2 of this article shall be automatically invalid.

Section 3. COMPULSORY LICENSING OF INVENTIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. In the following cases, the right to use an invention may be licensed to another organization or individual pursuant to a decision of the competent State body defined in clause 1 of article 147 of this Law without permission from the holder of the exclusive right to use such invention:

 (a) Where the use of such invention is for public and non-commercial purposes or in service of national defence and security, disease prevention, and treatment and nutrition of people or other urgent needs of society;

 (b) Where the holder of the exclusive right to use such invention fails to fulfil the obligations to use such invention stipulated in clause 1 of article 136 and clause 5 of article 142 of this Law upon the expiration of four years as from the date of filing the application for registration of the invention, or the expiration of three years as from the date of granting the invention patent;

 (c) Where a person who wishes to use the invention fails to reach an agreement with the holder of the exclusive right to use such invention or on entry into an invention licence contract in spite of efforts made within a reasonable time for negotiating a satisfactory commercial price and conditions;

 (d) Where the holder of the exclusive right to use such invention is deemed to have performed anti-competitive practices prohibited by the law on competition.

2. The holder of the exclusive right to use an invention may request termination of the use right when the grounds for licensing stipulated in clause 1 of this article no longer exist and are unlikely to recur, provided that such termination shall not be prejudicial to the licensee of the invention.

Article 146. Conditions limiting the right to use inventions compulsorily licensed pursuant to a decision

1. The right to use an invention licensed pursuant to a decision of a competent State body must comply with the following conditions:

 (a) Such licensed use right is non-exclusive;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (c) The licensee must neither assign nor sub-license such right to others, except where the assignment is effected together with the transfer of the licensee's establishment;

 (d) The licensee must pay the holder of the exclusive right to use the invention satisfactory compensation depending on the economic value of such use right in each specific case, and compliant with the compensation framework stipulated by the Government.

2. Apart from the conditions stipulated in clause 1 of this article, the right to use an invention licensed in any of the cases stipulated in clause 2 of article 137 of this Law must also satisfy the following conditions:

 (a) The holder of the exclusive right to use the principal invention shall also be licensed to use dependent inventions on reasonable terms;

 (b) The licensee of the right to use the principal invention must not assign such right, except where the assignment is effected together with all rights to the dependent inventions.

Article 147. Authority and procedures for compulsorily licensing of an invention pursuant to a decision

1. The Ministry of Science and Technology shall issue decisions on licensing of inventions based on a consideration of requests for licensing in the cases stipulated in sub-clauses (b), (c) and (d) of article 145.1 of this Law.

Ministries and ministerial equivalent bodies shall, after consulting the opinion of the Ministry of Science and Technology, issue decisions on licensing of inventions in domains under their respective management in the case stipulated in sub-clause (a) of article 145.1 of this Law.

2. Decisions on licensing of inventions must set out appropriate use scope and conditions according to the provisions of article 146 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. A decision on licensing of an invention or on refusal to license an invention may be subject to a complaint or lawsuit in accordance with law.

5. The Government shall provide specific regulations on licensing of inventions pursuant to this article.

Section 4. REGISTRATION OF CONTRACTS FOR TRANSFER OF INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS

Article 148. Validity of contracts for transfer of industrial property rights

1. For the industrial property rights established on the basis of registration according to the provisions of clause 3(a) of article 6 of this Law, an industrial property right assignment contract shall be valid upon its registration with the State administrative body for industrial property rights.

2. For the industrial property rights established on the basis of registration according to the provisions of clause 3(a) of article 6 of this Law, an industrial property object licence contract shall be valid as agreed upon by the parties involved but shall be legally effective as against a third party upon registration with the State administrative body for industrial property rights.

3. Validity of an industrial property object licence contract shall be automatically terminated upon the termination of the licensor's industrial property rights.

Article 149. Application file for registration of a contract for transfer of industrial property rights

An application file for registration of an industrial property object licence contract or of an industrial property right assignment contract shall contain:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The original or a valid copy of the contract.

3. The original of the protection title in the case of an industrial property right assignment.

4. The co-owners' written consent, or a written explanation of the reason for disagreement of any co- owner with the right assignment where the industrial property right is under joint ownership.

5. Receipt for payment of fees and charges.

6. A power of attorney, if the application file is filed by a representative.

Article 150. Processing application files for registration of contracts for transfer of industrial property rights

The Government shall provide regulations on the order and procedures for receiving and processing application files for registration of industrial property object licence contracts and of industrial property right assignment contracts.

Chapter XI

INDUSTRIAL PROPERTY REPRESENTATION

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Industrial property representation services shall comprise:

 (a) Representing organizations or individuals before competent State bodes in the establishment and enforcement of industrial property rights;

 (b) Providing consultancy on issues related to procedures for the establishment and enforcement of industrial property rights;

 (c) Other services related to procedures for the establishment and enforcement of industrial property rights.

2. Industrial property representatives shall comprise organizations providing industrial property representation services (hereinafter referred to as industrial property representation service organizations) and individuals practicing industrial property representation within such organizations (hereinafter referred to as industrial property agents).

Article 152. Scope of rights of industrial property representatives

1. Industrial property representation service organizations shall only provide services within the scope of authorization and may re-authorize other industrial property representation service organizations when they obtain written consent from the authorizing parties.

2. Industrial property representation service organizations may voluntarily waive their industrial property representation service business after having lawfully transferred all incomplete representation jobs to other industrial property representation service organizations.

3. Industrial property representatives must not perform the following activities:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (b) Withdraw applications for protection titles, declare waiver of protection or withdraw appeals against the establishment of industrial property rights without consent from the authorizing parties;

 (c) Deceive their clients regarding contracts for industrial property representation services or force their clients to enter into and perform such contracts.

Article 153. Responsibilities of industrial property representatives

1. Industrial property representatives shall have the following responsibilities:

 (a) To clearly notify fee and charge amounts and rates related to procedures for establishment and enforcement of industrial property rights, and service charge amounts and rates according to the service charge tariff registered at the State administrative body for industrial property rights;

 (b) To keep confidential information and documents related to cases in which they act as representatives;

 (c) To truthfully and fully inform represented parties of all notices and requests from the State body competent to establish and enforce industrial property rights; to deliver on time to the represented parties protection titles and other decisions;

 (d) To protect the rights and legitimate interests of represented parties by promptly satisfying all requests regarding represented parties from the State body competent to establish and enforce industrial property rights;

 (dd) To notify the State body competent to establish and enforce industrial property rights of all changes in the names, addresses of and other information about the represented parties when necessary.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 154. Conditions applicable to industrial property representation service business

Organizations which satisfy the following conditions shall be permitted to provide industrial property representation services as industrial property representation service organizations:

1. Being a business or organization which practises law, or a scientific and technological service organization lawfully established and operating.

2. Having the function of providing industrial property representation services, which is stated in its business registration certificate or operation registration certificate (hereinafter both referred to as business registration certificate).

3. The head of such organization or person authorized by the head must satisfy the conditions for industrial property representation service practice stipulated in clause 1 of article 155 of this Law.

Article 155. Conditions applicable to industrial property representation service practices

1. An individual who satisfies the following conditions shall be permitted to practice industrial property representation service:

 (a) Having an industrial property representation service practising certificate;

 (b) Working for one industrial property representation service organization.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (a) Being a Vietnamese citizen with full capacity for civil acts;

 (b) Residing permanently in Vietnam;

 (c) Having a university degree;

 (d) Having been engaged personally in the domain of industrial property law for five consecutive years or more, or in the examination of assorted industrial property registration applications at national or international industrial property offices for five consecutive years or more, or having graduated from a training course on industrial property law recognized by the competent body;

 (dd) Not being a civil servant working in the State body competent to establish and enforce industrial property rights;

 (e) Having passed an examination on the industrial property representation profession organized by the competent body.

3. The Government shall provide detailed programs on industrial property law training and on examinations for the industrial property representation profession, and on the grant of industrial property representation service practising certificates.

Article 156. Recording and deleting names of industrial property representation service organizations; withdrawal of industrial property representation service practising certificates

1. Organizations and individuals who satisfy the conditions for industrial property representation service business or practice stipulated in articles 154 and 155 of this Law shall, at their request, be recorded in the National Register of Industrial Property Representatives and published in the Official Gazette of Industrial Property by the State administrative body for industrial property rights.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Industrial property representation service organizations which breach the provisions of clause 3 of article 152 and article 153 of this Law shall be dealt with in accordance with law.

4. Industrial property agents who make professional mistakes while practising or who breach the provisions of clause 3(c) of article 152 and clause 1(a) of article 153 of this Law shall, depending on the nature and seriousness of their mistake or breach, be subject to a caution, monetary fine or withdrawal of their industrial property representation service practising certificate.

PART IV

RIGHTS TO PLANT VARIETIES

Chapter XII

CONDITIONS FOR PROTECTION OF RIGHTS TO PLANT VARIETIES

Article 157. Organizations and individuals whose rights to plant varieties are eligible for protection

1. Organizations and individuals whose rights to plant varieties are eligible for protection means those who select and breed or discover and develop plant varieties or who invest in the selection and breeding or the discovery and development of plant varieties or to whom rights to plant varieties are transferred.

2. Organizations and individuals defined in clause 1 of this Article shall include Vietnamese organizations and individuals; organizations and individuals of foreign countries which have concluded agreements on the protection of plant varieties with the Socialist Republic of Vietnam; and foreign organizations and individuals with permanent residential addresses in Vietnam or with establishments producing or trading in plant varieties in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Plant varieties eligible for protection means plant varieties which have been selected and bred or discovered and developed, are on the list of State protected plant species promulgated by the Ministry of Agriculture and Rural Development; and are new, distinct, uniform, stable and designated by proper denominations.

Article 159. Novelty of a plant variety

A plant variety shall be deemed new if reproductive materials or harvested materials of such variety have not yet been sold or otherwise distributed for the purpose of exploitation in the territory of Vietnam by the registration right holder defined in article 164 of this Law or his or her licensee one (1) year before the filing date of the application for registration, or for exploitation outside the territory of Vietnam six (6) years before the filing date of the application for registration for timber trees or vines, or four (4) years for other plant varieties.

Article 160. Distinctness of a plant variety

1. A plant variety shall be deemed to be distinct if it is clearly distinguishable from any other variety whose existence is a matter of common knowledge at the time of filing the application or on the priority date, as the case may be.

2. Plant varieties whose existence is a matter of common knowledge defined in clause 1 of this article mean those falling into one of the following cases:

 (a) Their reproductive materials or harvested materials have been widely used in the market of any country at the time of filing of the application for registration for protection;

 (b) They have been protected or registered on the list of plant species in any country;

 (c) They are the subject matter of an application for registration for protection or registration on the list of plant species in any country, provided that such application has not been rejected;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 161. Uniformity of a plant variety

A plant variety shall be deemed uniform if, subject to variation which may be expected from the particular features of its propagation, it is sufficiently uniform in its relevant characteristics.

Article 162. Stability of a plant variety

A plant variety shall be deemed stable if its relevant originally described characteristics remain unchanged after repeated propagation or, in the case of a particular cycle of propagation, at the end of each cycle.

Article 163. Denominations of plant varieties

1. The registrant must designate a proper denomination for a plant variety which must be the same as the denomination registered in any country where and when an application for registration for protection was filed.

2. The denomination of a plant variety shall be deemed proper if it is distinguishable from those of other plant varieties of common knowledge within the same or similar species.

3. Denominations of plant varieties shall be deemed improper in the following cases:

 (a) They consist of numerals only, except where such numerals are relevant to characteristics or the breeding of such variety;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (c) They may easily mislead as to features or characteristics of such variety;

 (d) They may easily mislead as to identification of the breeder;

 (dd) They are identical or confusingly similar to marks, trade names or geographical indications protected before the date of publication of the application for registration for protection of such plant variety;

 (e) They are identical or similar to the denomination of a harvested material of such plant variety;

 (g) They affect prior rights of other organizations or individuals.

4. Organizations and individuals who offer for sale or bring onto the market reproductive materials of plant varieties must use the denominations of such plant varieties as stated in protection titles even after the expiration of the protection terms.

5. When denominations of plant varieties are combined with marks, trade names or indications similar to denominations of plant varieties already registered for offer for sale or brought onto the market, such denominations must still be distinguishable.

Chapter XIII

ESTABLISHMENT OF RIGHTS TO PLANT VARIETIES

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 164. Registration of rights to plant varieties

1. In order to obtain protection of rights to plant varieties, an organization or individual must file an application for registration for protection with the State administrative body for rights to plant varieties.

2. Organizations and individuals having the right to register plant varieties for protection (hereinafter referred to as registrants) shall include:

 (a) Breeders who have personally selected and bred or discovered and developed the plant variety by their own efforts and at their own expense;

 (b) Organizations and individuals who fund breeders to select and breed or discover and develop the plant variety by job assignment or hiring, unless otherwise agreed;

 (c) Organizations and individuals to whom are transferred, or who inherit the right to register for protection of the plant variety.

3. For plant varieties which are selected and bred or discovered and developed with the use of State Budget funds or under projects managed by the State, the rights to such plant varieties shall belong to the State. The Government shall issue specific regulations governing the registration of rights to plant varieties stipulated in this clause.

Article 165. Method of filing applications for registration of rights to plant varieties

1. Any Vietnamese organization or individual, or foreign organization or individual with a permanent residential address in Vietnam or who has a plant variety production or trading establishment in Vietnam may file an application for registration of rights to a plant variety (hereinafter referred to as protection registration application) either directly or by a lawful representative in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 166. "First to file" principle applicable to plant varieties

1. Where two or more parties independently file applications for registration for protection on different days for the same plant variety, a plant variety protection certificate shall only be granted to the earliest valid registrant.

2. Where there are a number of applications for registration for protection of the same plant variety filed on the same day, a plant variety protection certificate shall only be granted to the registrant whose name is used for the filing of the sole application as agreed upon by all the other registrants. Where these registrants fail to reach agreement, the State administrative body for rights to plant varieties shall consider a grant of a plant variety protection certificate to the party deemed to be the first breeder who selected and bred or discovered and developed such variety.

Article 167. Priority principle applicable to protection registration applications

1. A registrant may claim priority right where an application for registration for protection is filed within twelve (12) months from the date of filing an application for registration for protection for the same plant variety in a country which has concluded an agreement on plant variety protection with the Socialist Republic of Vietnam. The date on which the first filing occurred shall not be included in this time-limit.

2. In order to enjoy priority right, the registrant must express the claim for the priority right in his or her application for registration for protection. Within three (3) months after filing the application, the registrant must produce copies of documents on the first application certified by the competent body and samples or other evidence proving that the variety in both applications was the same, and the registrant must pay a fee. The registrant may supply necessary information, documents or materials to the State administrative body for rights to plant varieties for examination according to the provisions of articles 176 and 178 of this Law within two (2) years of expiry of the duration for enjoying the priority right, or within an appropriate duration depending on the species of the plant variety stated in the application after a first application is rejected or withdrawn.

3. Where an application for registration for protection is eligible for priority right, the priority date shall be the first filing date.

4. Within the time-limit stipulated in clause 1 of this article, the filing of another application or the publication or use of the plant variety the subject matter of the first application for registration for protection shall not be deemed a ground for rejecting the application for registration for protection eligible for the priority right.

Article 168. Plant variety protection certificates, and the National Register of Protected Plant Varieties

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The State administrative body for rights to plant varieties shall record the grant and contents of a protection certificate in the National Register of Protected Plant Varieties, and shall archive such information.

Article 169. Validity of plant variety protection certificates

1. A plant variety protection certificate shall be valid throughout the entire territory of Vietnam.

2. Plant variety protection certificates shall be valid from the grant date up until the expiry of a period of twenty-five (25) years for timber trees and vines; and of twenty (20) years for other plant varieties.

3. Plant variety protection certificates may have their validity terminated or they may be invalidated pursuant to the provisions of articles 170 and 171 of this Law.

Article 170. Suspension and restoration of validity of plant variety protection certificates

1. The validity of a plant variety protection certificate may be suspended in the following cases:

 (a) The protected plant variety no longer satisfies the conditions of uniformity and stability as at the time of grant of the certificate;

 (b) The protection certificate holder fails to pay the validity maintenance fee according to regulations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (d) The protection certificate holder fails to change the denomination of the plant variety at the request of the State administrative body for rights to plant varieties.

2. In the cases stipulated in sub-clauses (a), (c) and (d) of clause 1 of this article, the relevant State administrative body for rights to plant varieties shall issue a decision on suspension of validity of the plant variety protection certificate.

3. In the case stipulated in sub-clause (b) of clause 1 of this article, upon the expiry of the time-limit for payment of the validity maintenance fee, the relevant State administrative body for rights to plant varieties shall issue a decision on suspension of validity of the plant variety protection certificate as from the first day of the next valid year for which the validity maintenance fee was not paid.

4. In the case stipulated in sub-clause (a) of clause 1 of this article, any organization or individual may request the State administrative body for rights to plant varieties to suspend the validity of the plant variety protection certificate.

Based on the results of considering the application for suspension of a plant variety protection certificate and the opinions of relevant parties, the relevant State administrative body for rights to plant varieties shall either issue a decision to suspend the validity of the certificate or shall refuse the application.

5. In the cases stipulated in clause 1 of this article, the relevant State administrative body for rights to plant varieties shall publish such suspension in a specialized magazine, clearly stating the reasons therefor, and concurrently send a notice thereon to the certificate holder. Within thirty (30) days from the date of notification, the certificate holder may file a request for application of remedies to the reasons why validity was suspended with the State administrative body for rights to plant varieties and pay the fee for restoration of validity of the plant variety protection certificate. Within ninety (90) days after the date of filing the request, the protection certificate holder must remedy the reasons why validity was suspended, applicable to the cases stipulated in sub-clauses (b), (c) and (d) of clause 1 of this article. The State administrative body for rights to plant varieties shall consider and restore the validity of the protection certificate and publish such restoration in a specialized magazine.

In the case stipulated in sub-clause (a) of clause 1 of this article, the validity of the plant variety protection certificate shall be restored after its holder successfully proves that the plant variety has satisfied the conditions of uniformity and stability and after this has been so certified by the State administrative body for rights to plant varieties.

Article 171. Cancellation of effectiveness of plant variety protection certificates

1. The effectiveness of a plant variety protection certificate shall be cancelled in the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (b) The protected plant variety failed to satisfy the conditions of novelty or distinctness at the time

of grant of the plant variety protection certificate;

 (c) The plant variety failed to satisfy the conditions of uniformity or stability where the plant variety protection certificate was granted on the basis of results of technical tests conducted by the registrant.

2. During the valid term of a plant variety protection certificate, any organization or individual may request the State administrative body for rights to plant varieties to cancel the effectiveness of a plant variety protection certificate.

Based on the results of the examination of a request for cancellation of effectiveness of a plant variety protection certificate and opinions of the relevant parties, the State administrative body for rights to plant varieties shall either issue a notice of refusal to cancel or shall issue a decision on cancellation of effectiveness of the plant variety protection certificate.

3. Where a plant variety protection certificate is cancelled, all transactions arising on the basis of the grant of the plant variety protection certificate shall be null and void, and such null and void transactions shall be dealt with in compliance with the Civil Code.

Article 172. Amendment and re-grant of plant variety protection certificates

1. A protection certificate holder may request the State administrative body for rights to plant varieties to amend or correct errors related to the name and address of the holder, on payment of fees and charges. Where such errors were made by the State administrative body for rights to plant varieties, such body must correct such errors, and protection certificate holders shall not have to pay fees and charges.

2. A protection certificate holder may request the State administrative body for rights to plant varieties to re-grant a plant variety protection certificate when such certificate was lost or damaged, provided that the holder pays fees and charges.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Decisions on the grant, re-grant, suspension, cancellation, and amendment of plant variety protection certificates shall be published by the State administrative body for rights to plant varieties in a specialized magazine on plant varieties within sixty (60) days after such decisions are issued.

Section 2. APPLICATIONS FOR REGISTRATION FOR PROTECTION, AND PROCESSING APPLICATIONS

Article 174. Applications for registration for protection

1. An application for registration for protection [of a plant variety] shall contain the following documents:

 (a) A declaration for registration made on the stipulated sample form;

 (b) Photos and a technical declaration made on the stipulated sample form;

 (c) Power of attorney, where the application is filed through a representative;

 (d) Documents evidencing the registration right where the registrant is a transferee of the registration right;

 (dd) Documents evidencing the priority right where the application contains a claim for priority right;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Applications for registration for protection and source documents of transactions between an applicant for registration and the State administrative body for rights to plant varieties shall be madein Vietnamese, except for the following documents which may be made in another language but shall be translated into Vietnamese at the request of the State administrative body for rights to plant varieties:

 (a) Power of attorney;

 (b) Documents evidencing the registration right;

 (c) Documents evidencing the priority right;

 (d) Other documents supporting the application.

3. Documents evidencing the priority right of an application for registration for protection of rights to a plant variety shall comprise:

 (a) Copies of the first application(s) certified by the receiving agency;

 (b) Documents on transfer or inheritance of the priority right if such right is acquired from another person.

4. Each application shall be registered only for the protection of one plant variety.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. An application for registration for protection shall be received by the relevant State administrative body for rights to plant varieties only when the application encloses all the documents stipulated in clause 1 of article 174 of this Law.

2. The filing date of an application shall be the date on which such application is received by the relevant State administrative body for rights to plant varieties.

Article 176. Formal examination of applications for registration for protection

1. The State administrative body for rights to plant varieties shall conduct a formal examination of an application within fifteen (15) days of receipt of such application, in order to determine the validity of such application.

2. An application for registration for protection shall be deemed invalid in the following cases:

 (a) It fails to satisfy the formal requirements as stipulated;

 (b) The plant variety stated in such application does not belong to a plant species on the list of protected plant species;

 (c) The application is filed by a person who does not have the registration right, including where the registration right belongs to many organizations or individuals but one or more of them do not agree to register.

3. The State administrative body for rights to plant varieties shall carry out the following procedures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (b) Notify the registrant of errors for correction in the case stipulated in sub-clause (a) of clause 2

of this article, setting a time-limit of thirty (30) days after the receipt of the notice for the correction of such errors by the registrant;

 (c) Notify the refusal to accept the application where the registrant fails to correct errors or where the registrant does not make a reasonable appeal against the notice stipulated in sub-clause (b) of this clause;

 (d) Notify the acceptance of the application, requesting the registrant to supply samples of the plant variety to the testing institution for performance of technical tests and procedures stipulated in article 178 of this Law where such application is valid or where the registrant has properly corrected the errors or made a justifiable opposition to the notice stipulated in sub- clause (b) of this clause.

Article 177. Publication of applications for registration for protection

1. Where an application is accepted as valid, the State administrative body for rights to plant varieties shall publish such valid application in a specialized magazine on plant varieties within ninety (90) days from the date of acceptance of the application.

2. The published contents of an application shall include the serial number and filing date of the application, the representative agent (if any), the registrant, the owner, the denomination of the plant variety, the name of the plant species, and the date on which the application was accepted as valid.

Article 178. Substantive examination of contents of applications for registration for protection

1. The State administrative body for rights to plant varieties shall conduct a substantive examination of applications already accepted as valid. The examination shall cover:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (b) Examination of results of technical tests of the plant variety.

2. Technical tests means experiments conducted to determine the distinctness, uniformity and stability of a plant variety.

The technical test shall be conducted by the competent State body or by an organization or individual capable of testing plant varieties in compliance with regulations of the Ministry of Agriculture and Rural Development.

The State administrative body for rights to plant varieties may use previously obtained technical test results.

3. The time-limit for examination of technical test results shall be ninety (90) days from the date of receipt of such technical test results.

Article 179. Amendment and supplementation of applications for registration for protection

1. Before the relevant State administrative body for rights to plant varieties notifies a refusal to grant a plant variety protection certificate or notifies its decision on grant of a plant variety protection certificate, the registrant shall have the following rights:

 (a) To amend or supplement the application without changing the nature of the application;

 (b) To request the recording of changes of the registrant's name or address;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The person requesting the conduct of the procedures stipulated in clause 1 of this article must pay fees and charges.

Article 180. Withdrawal of applications for registration for protection

1. Before the relevant State administrative body for rights to plant varieties decides or refuses to grant a plant variety protection certificate, the registrant may withdraw the application. A request for withdrawal of an application must be made in writing.

2. From the moment a registrant withdraws an application for registration for protection, all subsequent procedures related to such application shall cease; and fees and charges already paid for procedures which have not yet been carried out shall be refunded at the request of the registrant.

Article 181. Opinions of third parties on the grant of a plant variety protection certificate

As from the date of publication of an application for registration for protection of a plant variety in a specialized magazine on plant varieties up until before a decision on grant of a plant variety protection certificate is issued, any third party shall be permitted to provide an opinion to the State administrative body for rights to plant varieties challenging the grant of such plant variety protection certificate. An opinion must be made in writing and accompanied by documents and evidence to support it.

Article 182. Refusal to grant a plant variety protection certificate

An application for registration for protection shall be rejected and the grant of a plant variety protection certificate refused where the relevant plant variety fails to satisfy the conditions stipulated in articles 176 and 178 of this Law. In a case of refusal to grant a plant variety protection certificate, the State administrative body for rights to plant varieties shall carry out the following procedures:

1. Notify the intended refusal to grant a plant variety protection certificate, clearly stating the reasons therefor and setting a time-limit for the registrant to correct errors or oppose the intended refusal.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Carry out the procedures stipulated in article 183 of this Law where the registrant has corrected errors or made a justifiable opposition to the intended refusal stipulated in clause 1 of this article.

Article 183. Grant of plant variety protection certificates

Where an application for registration for protection is not rejected as provided for in article 182 of this Law and the registrant pays the fee, the State administrative body for rights to plant varieties shall issue a decision granting a plant variety protection certificate and shall record it in the National Register of Protected Plant Varieties.

Article 184 Complaints about the grant or the refusal to grant a plant variety protection certificate

1. The registrant and any third party shall have the right to lodge a complaint about the decision or the refusal to grant a plant variety protection certificate.

2. The resolution of complaints about a decision or refusal to grant a plant variety protection certificate shall comply with the law on complaints and denunciations.

Chapter XIV

CONTENTS OF AND LIMITATIONS ON RIGHTS TO PLANT VARIETIES

Section 1. CONTENTS OF RIGHTS TO PLANT VARIETIES

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The breeder of a plant variety shall have the following rights:

1. To have his or her name as the breeder recorded in the plant variety protection certificate, the National Register of Protected Plant Varieties, and published documents on the plant variety.

2. To receive remuneration pursuant to the provisions of clause 1(a) of article 191 of this Law.

Article 186. Rights of protection certificate holders

1. A protection certificate holder shall have the right to exercise or authorize others to exercise the following rights to reproductive materials of a protected plant variety:

 (a) To conduct production or propagation;

 (b) To process the reproductive materials for the purpose of propagation;

 (c) To offer the reproductive materials for sale;

 (d) To sell the reproductive materials or to conduct other marketing activities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (e) To import the reproductive materials;

 (g) To stock reproductive materials for the purposes specified in sub-clauses (a) to (e) inclusive of this clause.

2. To prevent others from using the plant variety according to the provisions of article 188 of this Law.

3. To bequeath or transfer the rights to the plant variety according to the provisions of Chapter XV of this Law.

Article 187. Extension of rights of protection certificate holders

The rights of a protection certificate holder shall be extended to the following plant varieties:

1. Plant varieties which originate from the protected plant variety, except where such protected plant variety itself originates from another protected plant variety.

2. A plant variety shall be deemed to originate from a protected plant variety if such plant variety still retains the expression of the essential characteristics resulting from the genotype or combination of genotypes of the protected variety, except for differences resulting from an impact on the protected variety.

3. Plant varieties which are not definitely distinct from the protected plant variety.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 188. Acts constituting an infringement of the right to a plant variety

The following acts shall be deemed an infringement of the rights of a protection certificate holder:

1. Exploiting or using rights of such protection certificate holder without his or her permission.

2. Using a plant variety denomination which is identical or similar to a denomination protected for a plant variety of the same species or a species closely linked to the protected plant variety.

3. Using a protected plant variety without paying remuneration in accordance with article 189 of this Law.

Article 189. Provisional rights to plant varieties

1. Provisional rights to a plant variety means rights of the registrant for protection of such plant variety, which arise from the date of publication of the application for registration for protection until the date of grant of the plant variety protection certificate. Where a plant variety protection certificate is not granted for such plant variety, the protection registrant shall not [no longer] have these provisional rights.

2. Where the registrant is aware of the fact that the plant variety registered for protection is being used by another person for commercial purposes, the plant variety protection registrant may notify in writing such user of the fact that an application for registration for protection of the plant variety has been filed, clearly specifying the filing date and the date of publication of such application, so that the user may either stop using or continue using the plant variety.

3. Where a user who has been notified in accordance with clause 2 of this article continues using the plant variety, the plant variety protection certificate holder shall have the right, upon the grant of the certificate, to demand such plant variety user pay compensation equivalent to the licensing price of such plant variety within the corresponding use scope and duration.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 190. Limitations on rights of plant variety protection certificate holders

1. The following acts shall not be deemed an infringement of the right to a protected plant variety:

 (a) Using the plant variety for personal and non-commercial purposes;

 (b) Using the plant variety for cross-breeding for scientific research purposes;

 (c) Using the plant variety to create new plant varieties distinct from the protected plant varieties;

 (d) Using harvested materials of the protected plant variety by an individual production household for self-propagation and cultivation in the next season on the land area belonging to such household.

2. The right to a plant variety shall not be applicable to acts related to materials of the protected plant variety which are sold on or otherwise brought onto the domestic or overseas market by the protection certificate holder or his or her licensee, except for the following acts:

 (a) Acts relating to further propagation of such plant variety;

 (b) Acts relating to export of reproductive materials of such plant variety to countries where the genus or species of such plant variety is not protected, except where such materials are exported for consumption purposes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. A protection certificate holder shall have the following obligations:

 (a) To pay remuneration to the breeder of the plant variety as agreed upon; in the absence of such agreement, the remuneration level must comply with the provisions of law;

 (b) To pay the fee for maintenance of validity of the plant variety protection certificate in accordance with regulations;

 (c) To preserve the protected plant variety, to supply reproductive materials of the protected plant variety to the State administrative body for rights to plant varieties, and to maintain the stability of the protected plant variety in accordance with regulations.

2. The breeder of a plant variety shall be obliged to help the protection certificate holder to maintain reproductive materials of the protected plant variety.

Chapter XV

TRANSFER OF RIGHTS TO PLANT VARIETIES

Article 192. Licensing of plant varieties

1. Licensing of a plant variety means permission from the protection certificate holder to another person to conduct one or more acts within the holder's right to use the plant variety.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The licensing of a plant variety must be effected in the form of a written contract.

4. A plant variety licensing contract must not contain terms which unreasonably restrict the rights of the licensee, particularly restrictions neither deriving from nor aimed at protecting the rights of the licensor to the licensed plant variety.

Article 193. Rights of parties to a licensing contract

1. The licensor shall have the right to permit or not permit the licensee to sub-license to a third party.

2. The licensee shall have the following rights:

 (a) To license the use right to a third party if so permitted by the licensor;

 (b) To request the licensor to take necessary and appropriate measures to prevent infringement by a third party causing loss and damage to the licensee;

 (c) To take necessary measures to prevent a third party's infringements if, within a time-limit of three months from the date of receipt of the request stipulated in sub-clause (b) above, the licensor fails to act as requested.

Article 194. Assignment of rights to plant varieties

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Where rights to a plant variety are under joint ownership, the assignment of such rights to another person must be consented to by all co-owners.

3. The assignment of rights to a plant variety must be effected in the form of written contract.

Article 195. Bases and conditions for compulsory licensing of plant varieties

1. In the following cases, the rights to use a plant variety may be licensed to another organization or individual pursuant to a decision of the competent State body defined in clause 1 of article 196 of this Law without permission from the protection certificate holder or his or her exclusive licensee (hereinafter referred to as the holder of the exclusive right to use the plant variety):

 (a) The use of such plant variety is for the public interest and non-commercial purposes, or in service of national defence and security, food security and nutrition of the people or to meet other urgent social needs;

 (b) The persons having the need and capacity to use such plant variety fail to reach agreement with the holder of the exclusive right to use such plant variety on the entry into a licensing contract though they have made best efforts within a reasonable period of time to negotiate a satisfactory price and commercial conditions;

 (c) The holder of the exclusive right to use such plant variety is deemed to have conducted anti- competitive practices prohibited by the law on competition.

2. The holder of the exclusive right to use a plant variety may request termination of the use right when the bases for licensing stipulated in clause 1 of this article cease to exist and are unlikely to recur, provided that termination of such use right will not be prejudicial to the licensee.

3. The right to use a plant variety licensed pursuant to a decision of a competent State body must satisfy the following conditions:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (b) Such licensed use right is limited within a scope and duration sufficient to attain the licensing objective, and is largely for the domestic market except for the case stipulated in sub-clause (c) of clause 1 of this article;

 (c) The licensee must not assign the use right to another person, except where the assignment is made together with the transfer of the business establishment of the licensee, and the licensee must not sub-license to others;

(d) The licensee must pay adequate compensation to the holder of the exclusive right to use the plant variety, taking into account the economic value of such use right in each specific case and in compliance with the compensation rate bracket promulgated by the Government.

4. The Government shall specify cases of compulsory licensing of plant varieties and the compensation rate bracket stipulated in sub-clause (d) of clause 3 of this article.

Article 196. Authority and procedures for licensing of plant varieties pursuant to compulsory decisions

1. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall issue decisions on licensing of plant varieties in the domains over which such Ministry exercises State management on the basis of considering licensing requests for the cases stipulated in clause 1 of article 195 of this Law.

Ministries and ministerial equivalent bodies shall, after consulting the opinion of the Ministry of Agriculture and Rural Development, issue decisions on licensing of plant varieties in domains under their respective management for the cases stipulated in clause 1 of article 195 of this Law.

2. Plant variety licensing decisions must set the use scope and conditions in compliance with the provisions of clause 3 of article 195 of this Law.

3. The State body competent to issue a decision licensing a plant variety must promptly notify such decision to the holder of the exclusive right to use the plant variety in question.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. The Government shall provide detailed guidelines on the procedures for compulsory licensing of plant varieties as stipulated in this article.

Article 197. Rights of protection certificate holders in cases of compulsory licensing of plant varieties

A protection certificate holder subject to compulsorily licensing of the plant variety shall have the following rights:

1. To receive compensation corresponding to the economic value of the licensed use right or equivalent to the licensing price under a contract with an equivalent scope and term.

2. To request the State administrative body for rights to plant varieties to amend, terminate validity of or invalidate the compulsory licensing when the conditions for such compulsory licensing no longer exist and when such amendment, termination of validity or invalidation will not cause loss and damage to the licensees who derived their right from the compulsory licensing.

PART V

PROTECTION OF INTELLECTUAL PROPERTY RIGHTS

Chapter XVI

GENERAL PROVISIONS ON PROTECTION OF INTELLECTUAL PROPERTY RIGHTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. An intellectual property right holder shall have the right to apply the following measures to protect the intellectual property rights of such holder:

 (a) To apply technological measures to prevent acts of infringement of its intellectual property rights;

 (b) To request any organization or individual who commits an act of infringement of the intellectual property rights of the holder to terminate such act, make a public apology or rectification, and pay damages;

 (c) To request the competent State body to deal with acts of infringement of its intellectual property rights in accordance with the provisions of this Law and other relevant laws;

 (d) To initiate a lawsuit at a court or a claim at an arbitration centre to protect the legitimate rights and interests of the holder.

2. Organizations and individuals who suffer loss and damage caused by acts of infringement of intellectual property rights or who discover acts of infringement of intellectual property rights which cause loss and damage to consumers or society shall have the right to request the competent State body to deal with such acts in accordance with the provisions of this Law and other relevant laws.

3. Organizations and individuals who suffer loss and damage or who are likely to suffer loss and damage caused by acts of unfair competition shall have the right to request the competent State body to apply the civil remedies stipulated in article 202 of this Law and the administrative remedies stipulated in the law on competition.

Article 199. Remedies when dealing with acts of infringement of intellectual property rights

1. Any organization or individual who commits an act of infringement of the intellectual property rights of another organization or individual shall, depending upon the nature and seriousness of such infringement, be dealt with by the application of civil, administrative or criminal remedies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 200. Authority for dealing with acts of infringement of intellectual property rights

1. The following bodies shall, within the scope of their respective duties and powers, have authority to deal with acts of infringement of intellectual property rights: courts, inspectorates, market management offices, customs offices, police offices and people's committees at all levels.

2. The application of civil and criminal remedies shall fall within the authority of courts. In necessary cases, courts may apply provisional urgent measures stipulated by law.

3. The application of administrative remedies shall fall within the authority of inspectorates, police offices, market management offices, customs offices and people's committees at all levels. In necessary cases, such bodies may apply preventive measures stipulated by law or measures to secure payment of administrative fines stipulated by law.

4. The application of measures to control intellectual property related imports and exports shall fall within the authority of customs offices.

Article 201. Intellectual property assessment

1. Intellectual property assessment means the use by competent organizations or individuals of their professional knowledge and expertise to make an assessment of and conclusions on matters related to cases of infringement of intellectual property rights.

2. A State body competent to deal with acts of infringement of intellectual property rights shall have the right to arrange for an intellectual property assessment while dealing with a case for which such body has accepted jurisdiction.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The Government shall provide detailed guidelines on activities being intellectual property assessment.

Chapter XVII

APPLICATION OF CIVIL REMEDIES IN DEALING WITH INFRINGEMENTS OF INTELLECTUAL PROPERTY RIGHTS

Article 202. Civil remedies

Courts may apply the following civil remedies in dealing with organizations and individuals who have committed acts of infringement of intellectual property rights:

1. Compulsory termination of the infringing acts.

2. Compulsory public apology and rectification.

3. Compulsory performance of civil obligations.

4. Compulsory payment of damages for loss.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 203. Burden of proof of litigants9

1. The plaintiff and the defendant to a lawsuit regarding infringement of intellectual property rights shall bear the burden of proof stipulated in article 79 of the Civil Procedure Code and this article.

2. The plaintiff must prove that the plaintiff is the intellectual property right holder by leading one of the following forms of evidence:

 (a) Copies of the copyright registration certificate, related right registration certificate or protection title; or an extract of the National Register of Copyright and Related Rights, the National Register of Industrial Property or the National Register of Protected Plant Varieties;

 (b) Necessary evidence proving the basis for establishment of copyright or related rights in the absence of a copyright registration certificate, related right registration certificate; necessary evidence proving the right to a trade secret, trade name or well known mark;

 (c) Copy of the license contract for an intellectual property object where the use right is licensed pursuant to a contract.

3. The plaintiff shall bear the burden of proving acts of infringement of intellectual property rights or acts of unfair competition.

4. In a lawsuit regarding infringement of the right to an invention which is a production process, the defendant shall bear the burden of proving that the product of the defendant was produced by a process other than the protected process in the following cases:

 (a) The product made by the protected process is new;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Where a party to a lawsuit regarding infringement of intellectual property rights can prove that appropriate evidence proving such party's claim is under the control of the other party and is therefore inaccessible, the former party shall have the right to request the court to compel the latter party to produce such evidence.

6. When making a claim for compensation for damages for loss, the plaintiff must prove the plaintiff's actual loss and damage and specify the basis for determining the amount of compensation for damages in accordance with article 205 of this Law.

Article 204. Principles for determining loss and damage caused by an infringement of intellectual property rights

1. Loss and damage caused by acts of infringement of industrial property rights shall comprise:

(a) Material loss and damage including property loss, decrease in income and profit, loss of business opportunity, and reasonable expenses for mitigating and remedying the material damage;

 (b) Spiritual loss and damage including damage to honour, dignity, prestige, reputation and other spiritual loss caused to authors of literary, artistic and scientific works; to performers; to authors of inventions, industrial designs, layout designs; and to breeders of plant varieties.

2. The extent of damage shall be determined on the basis of actual losses suffered by intellectual property right holders due to acts of infringement of intellectual property rights.

Article 205. Bases for determining amount of damages for loss and damage caused by an infringement of intellectual property rights

1. Where the plaintiff proves that an act of infringement of intellectual property rights has caused the plaintiff material damage, the plaintiff shall have the right to request the court to decide the amount of damages on one of the following bases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (b) The price of the licensing of an intellectual property object on the assumption that the defendant was licensed by the plaintiff to use that object under a license contract within a scope corresponding to the act of infringement which was committed;

 (c) Where it is impossible to determine the amount of damages for material damage on the bases stipulated in sub-clause (a) and (b) of this clause, such amount of damages shall be set by the court depending on the extent of loss but must not exceed five hundred million (500,000,000) dong.

2. Where a plaintiff proves that the act of infringement of intellectual property rights caused the plaintiff spiritual damage, the plaintiff shall have the right to request the court to decide on the amount of damages depending on the extent of loss, to range from five million (5,000,000) to fifty million (50,000,000) dong.

3. In addition to the amount of damages stipulated in clauses 1 and 2 of this article, an industrial property right holder shall also have the right to request the court to compel the organization or individual who have committed the act of infringement of industrial property rights to pay reasonable costs of engaging a lawyer.

Article 206. Right to request the court to apply provisional urgent measures

1. Upon or after the initiation of a lawsuit, an intellectual property right holder shall have the right to request the court to apply provisional measures in the following cases:

 (a) There is a danger of irreparable damage to such intellectual property right holder;

 (b) Goods suspected of infringement of intellectual property rights or evidence related to the act of infringement of industrial property rights are likely to be dispersed or destroyed unless they are protected in time.

2. A court may make a decision applying provisional urgent measures at the request of an industrial property right holder as stipulated in clause 1 of this article before hearing the party subject to such measures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The following provisional urgent measures may be applied to goods suspected of infringing intellectual property rights or to raw materials and materials, or facilities of production or trading of such goods:

 (a) Retention;

 (b) Seizure;

 (c) Sealing; prohibiting any alteration of the original state; prohibiting any movement;

 (d) Prohibiting transfer of ownership.

2. Other provisional urgent measures may be applied in accordance with the Civil Procedure Code.

Article 208. Obligations of applicants for provisional urgent measures

1. Applicants for provisional urgent measures shall bear the burden of proving their right provided for in clause 1 of article 206 of this Law by producing the documents and evidence stipulated in clause 2 of article 203 of this Law.

2. An applicant for provisional urgent measures shall be obliged to pay compensation for loss caused to a person subject to such measures in a case where the latter is found not to have infringed industrial property rights. To secure the performance of this obligation, an applicant for provisional urgent measures shall deposit security in one of the following forms:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (b) A deed of guarantee issued by a bank or other credit institution.

Article 209. Cancellation of application of provisional urgent measures

1. The court shall issue a decision cancelling provisional urgent measures previously applied in the case stipulated in clause 1 of article 122 of the Civil Procedure Code or in a case where the person subject to such measures proves that such application was not well founded.

2. In a case of cancellation of a provisional urgent measure, the court shall consider refunding the applicant the security stipulated in clause 2 of article 208 of this Law. Where a request for the application of a provisional urgent measure was not well founded thus causing loss to the person subject to such measure, the court shall compel the applicant to pay compensation for such loss.

Article 210. Authority and procedures for application of provisional urgent measures

The authority and procedures for application of provisional urgent measures shall be implemented in accordance with the provisions of Chapter VIII, Part One of the Civil Procedure Code.

Chapter XVIII

DEALING WITH INFRINGEMENTS OF INTELLECTUAL PROPERTY RIGHTS BY APPLICATION OF ADMINISTRATIVE AND CRIMINAL MEASURES; CONTROL OF INTELLECTUAL PROPERTY RELATED IMPORTS AND EXPORTS

Section 1. DEALING WITH INFRINGEMENTS OF INTELLECTUAL PROPERTY RIGHTS BY APPLICATION OF ADMINISTRATIVE AND CRIMINAL MEASURES

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The following acts of infringement of industrial property rights shall be subject to administrative penalties:

 (a) Acts of infringement of intellectual property rights which cause loss and damage to consumers or society;

 (b) Failure to terminate an act of infringement of intellectual property rights although the intellectual property right holder has issued a written notice requesting termination of such act;

 (c) Producing, importing, transporting or trading in intellectual property counterfeit goods stipulated in article 213 of this Law, or assigning others to do so;

 (d) Producing, importing, transporting or trading in articles bearing a mark or geographical indication which is identical or confusingly similar to a protected mark or geographical indication, or assigning others to do so.

2. The Government shall specify acts of infringement of intellectual property rights which shall be subject to administrative penalties, the forms and levels of penalties, and the procedures for applying same.

3. Any organization or individual who commits an act of unfair competition in intellectual property shall be subject to an administrative penalty in accordance with the law on competition.

Article 212. Acts of infringement of industrial property rights which shall be subject to criminal penalties

Any individual who commits an act of infringement of intellectual property rights involving a criminal element shall be criminally prosecuted in accordance with the criminal law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Intellectual property counterfeit goods regulated in this Law comprise goods bearing counterfeit marks and goods bearing counterfeit geographical indications (hereinafter referred to as counterfeit mark goods) defined in clause 2 of this article and pirated goods defined in clause 3 of this article.

2. Counterfeit mark goods means goods or their packages bearing a mark or sign which is identical with or indistinguishable from a mark or geographical indication currently protected for those very goods, without permission from the mark owner or organization managing the geographical indication.

3. Pirated goods means copies made without permission from the copyright holder or related right holder.

Article 214. Forms of administrative penalty and measures for remedying consequences

Any organization or individual who commits an act of infringement of intellectual property rights defined in clause 1 of article 211 of this Law shall be compelled to terminate such act and shall be subject to one of the following principal penalties:

 (a) A caution;

 (b) A monetary fine.

2. Any organization or individual who infringes intellectual property rights may, depending on the nature and seriousness of the infringement, also be subject to one of the following additional penalties:

 (a) Confiscation of intellectual property counterfeit goods, raw materials and materials, and facilities used mainly for production or trading of such intellectual property counterfeit goods;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. In addition to the penalties stipulated in clauses 1 and 2 of this article, any organization or individual who infringes intellectual property rights may also be subject to one or more of the following measures for remedying consequences:

 (a) Compulsory destruction, distribution or use for non-commercial purposes of intellectual property counterfeit goods as well as raw materials and materials, and facilities used mainly for production or trading of such intellectual property counterfeit goods, provided that such destruction, distribution or use will not affect the exploitation of rights by intellectual property right holders;

 (b) Compulsory transportation out of the territory of Vietnam of transit goods infringing intellectual property rights or compulsory re-export of intellectual property counterfeit goods and imported materials and raw materials, and facilities used mainly for production or trading of such intellectual property counterfeit goods after the infringing elements have been removed from such goods.

4. The amount of the monetary fine stipulated in sub-clause (b) of clause 1 of this article shall be set at least equal to the value of the detected infringing goods but shall not exceed five times such value.

The Government shall issue detailed regulations on the method of determining the value of infringing goods.

Article 215. Preventive measures and/or measures to secure enforcement of administrative penalties

1. In the following cases, organizations and individuals shall have the right to request the competent body to apply preventive measures and/or measures to secure enforcement of the administrative penalties stipulated in clause 2 of this article:

 (a) An act of infringement of intellectual property rights is likely to cause serious loss and damage to consumers or society;

 (b) Material evidence of the infringement is likely to be dispersed or there are indications that the offender will evade responsibility;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Preventive measures and/or measures to secure enforcement of administrative penalties which may be applied in accordance with administrative procedures to acts of infringement of intellectual property rights shall comprise:

 (a) Temporary detention of persons;

 (b) Temporary custody of infringing goods, material evidence and facilities;

 (c) Body searches;

 (d) Searches of means of transport and objects; searches of places where infringing goods, material evidence and facilities are hidden;

 (dd) Other administrative preventive measures in accordance with the law on dealing with administrative breaches.

Section 2. CONTROL OF INTELLECTUAL PROPERTY RELATED IMPORTS AND EXPORTS

Article 216. Measures to control intellectual property related imports and exports

1. Measures to control intellectual property related imports and exports shall comprise:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (b) Inspection and supervision to detect goods showing signs of infringing intellectual property rights.

2. Suspension of customs procedures for goods suspected of infringing intellectual property rights means a measure taken at the request of an intellectual property right holder in order to collect information and evidence on the goods consignment in question so that the intellectual property right holder may exercise the right to request that the infringing act be dealt with and to request the application of provisional urgent measures, preventive measures and/or measures to secure enforcement of administrative penalties.

3. Inspection and supervision to detect goods showing signs of infringing intellectual property rights means a measure taken at the request of an intellectual property right holder in order to collect information for the exercise of the right to request suspension of customs procedures.

4. If any intellectual property counterfeit goods within the meaning of article 213 of this Law are found during the course of application of the measures stipulated in clauses 2 and 3 of this article, the customs office shall have the right and responsibility to apply administrative remedies to deal with such goods in accordance with articles 214 and 215 of this Law.

Article 217. Obligations of applicants for measures to control intellectual property related imports and exports

1. An applicant for application of a measure to control intellectual property related imports or exports shall have the following obligations:

 (a) To prove that the applicant is an intellectual property right holder by producing the documents and evidence stipulated in clause 2 of article 203 of this Law;

 (b) To supply information sufficient to identify goods suspected of infringing intellectual property rights or to detect goods showing signs of infringing intellectual property rights;

 (c) To file a written request with the customs office and to the pay fees and charges stipulated by law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. In order to secure the performance of the obligation stipulated in sub-clause (d) of clause 1 of this article, an applicant shall deposit security in one of the following forms:

 (a) A sum of money equal to twenty (20) per cent of the value of the goods consignment subject to the application of the measure of suspension of customs procedures, or at least twenty million (20,000,000) dong where it is impossible to value such goods;

 (b) A deed of guarantee issued by a bank or other credit institution.

Article 218. Procedures for application of the measure of suspension of customs procedures

1. When an applicant for the suspension of customs procedures has fulfilled the obligations stipulated in article 217 of this Law, the customs office shall issue a decision suspending customs procedures with regard to the goods consignment in question.

2. The duration of suspension of customs procedures shall be ten (10) working days from the date of issuance of the suspension decision. Where the applicant has justifiable reasons, this duration may be extended but must not exceed twenty (20) working days, provided that the applicant deposits the security stipulated in clause 2 of article 217 of this Law.

3. Upon expiry of the duration stipulated in clause 2 of this article, if the applicant does not initiate civil proceedings and the customs office does not issue a decision accepting jurisdiction to deal with the case in accordance with administrative procedures as an administrative breach by the importer or exporter of the goods, then the customs office shall have the following responsibilities:

 (a) To continue customs procedures for the goods consignment in question;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 (c) To refund to the applicant the remaining security amount after the obligation to pay compensation and expenses stipulated in sub-clause (b) above has been fulfilled.

Article 219. Inspection and supervision to detect goods showing signs of infringement of intellectual property rights

Where an intellectual property right holder requests inspection and supervision to detect goods showing signs of infringement of intellectual property rights and the customs office then finds such a goods consignment, the customs office shall promptly notify the applicant thereof. If the applicant does not request the suspension of customs procedures with regard to the offending goods consignment and the customs office does not issue a decision on consideration of application of the administrative penalties stipulated in articles 214 and 215 of this Law within three working days from the date of notification, then the customs office must continue carrying out customs procedures for the goods consignment in question.

PART VI

IMPLEMENTING PROVISIONS

Article 220. Transitional provisions

1. Copyright and related rights protected pursuant to legal instruments which were effective before the effective date of this Law shall continue to be protected pursuant to this Law if they remain within the term of protection on the effective date of this Law.

2. Applications for registration of copyright, related rights, inventions, utility solutions, industrial designs, marks, appellations of origin of goods, layout designs or plant varieties which were filed with the competent bodies before the effective date of this Law shall continue to be processed in accordance with the provisions of the legal instruments effective at the time of filing of such applications.

3. All rights and obligations conferred by protection titles granted according to the provisions of law effective before the effective date of this Law and procedures for maintenance, renewal, amendment, licensing, ownership assignment and settlement of disputes relating to such protection titles shall be subject to the provisions of this Law, except for grounds for invalidation of protection titles which shall only be subject to the provisions of legal documents effective at the time of grant of such protection titles.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. From the effective date of this Law, geographical indications including those protected under the Decree mentioned in clause 4 of this article shall only be protected after registration in accordance with the provisions of this Law.

Article 221. Effectiveness

This Law shall be of full force and effect as of 1 July 2006.

Article 222. Implementing guidelines

The Government and the Supreme People's Court shall provide detailed regulations and guidelines for the implementation of this Law.

This Law was passed by Legislature XI of the National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its 8th session on 29 November 2005.

 

 

CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Van An

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Sở hữu trí tuệ 2005

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.020.325

DMCA.com Protection Status
IP: 18.223.125.236
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!