Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: Khongso Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông Người ký: Đào Hồng Lan
Ngày ban hành: 30/03/2016 Ngày hiệu lực:
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:   /2016/TT–LĐTBXH

Hà Nội, ngày    tháng   năm 2016

DỰ THẢO 3.2016

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH QUY TRÌNH CAN THIỆP, TRỢ GIÚP TRẺ EM BỊ XÂM HẠI

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 71/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em;

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định  quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại.

2. Thông tư này áp dụng đối với Công chức Văn hóa - Xã hội chuyên trách theo dõi về Lao động - Thương binh và Xã hội xã phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã); cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, giáo dục và đào tạo, công an các cấp; Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, cá nhân liên quan trong việc can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại.

Điều 2. Những từ ngữ được sử dụng trong Thông tư này được hiểu như sau

1. Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự và nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, bỏ mặc và các hình thức gây tổn hại khác.

2. Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại tình dục, sức khỏe, tính mạng; lăng mạ, xúc phạm danh dự nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

3. Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; mua, bán, bắt cóc trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm.

4. Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em là hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

5. Chăm sóc thay thế là việc tổ chức, gia đình, cá nhân nhận trẻ em không còn cha mẹ, trẻ em không được hoặc không thể sống cùng cha mẹ đẻ về chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm đảm bảo sự an toàn và lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

6. Trẻ em bị xâm hại tình dục là nạn nhân của một trong các hành vi dâm ô, giao cấu, cưỡng dâm, hiếp dâm.

7. Trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng là nạn nhân của các hành vi bạo lực, xâm hại, lừa đảo, khiêu dâm thông qua mạng internet.

8. Dịch vụ bảo vệ trẻ em là những hoạt động thực hiện chính sách, cung cấp hoặc kết nối các dịch vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật để bảo vệ trẻ em.

Điều 3. Nguyên tắc can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại

1. Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em.

2. Kịp thời, phù hợp, an toàn cho trẻ em.

3. Bảo đảm tính liên tục, thân thiện trong cung cấp dịch vụ.

4. Bảo đảm bí mật về thông tin liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật.

Chương II

QUY TRÌNH CAN THIỆP, TRỢ GIÚP TRẺ EM BỊ  XÂM HẠI

Điều 4. Các bước trong quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại

1. Tiếp nhận, kiểm tra thông tin và đánh giá nguy cơ sơ bộ về tình trạng trẻ em bị xâm hại; thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em khẩn cấp nếu trẻ em đang bị xâm hại.

2. Thu thập thông tin, đánh giá nguy cơ cụ thể, toàn diện và xác định nhu cầu cần can thiệp, trợ giúp các trẻ em bị xâm hại.

3. Xây dựng và thông qua kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại.

4. Thực hiện hoạt động can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại.

5. Rà soát, đánh giá nguy cơ sau can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại.

6. Đối với trẻ em đang bị xâm hại nghiêm trọng, đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ cao bị xâm hại thực hiện quy trình tại Điều 6 của Thông tư này.

Điều 5. Tiếp nhận, kiểm tra thông tin và đánh giá nguy cơ sơ bộ về tình trạng trẻ em bị xâm hại

1. Mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo, tố giác, phát hiện trường hợp trẻ em có nguy cơ bị tổn hại và tình trạng bị xâm hại, bóc lột, bạo lực, sao nhãng của trẻ em cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý thông tin.

2. Cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội, công an, công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã nơi trẻ em cư trú hoặc nơi trẻ em có nguy cơ hoặc bị xâm hại, bóc lột, bạo lực, sao nhãng có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hoặc thông tin về đường dây nóng miễn phí 18001567 của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

3. Người tiếp nhận thông tin có trách nhiệm: Ghi chép, đầy đủ thông tin về vụ việc; Việc tiếp nhận thông tin phải được thực hiện bằng văn bản theo mẫu Báo cáo tiếp nhận thông tin ban hành kèm theo Thông tư này (Mẫu số 01);

4. Công chức Văn hóa - Xã hội có trách nhiệm: Phối hợp với cán bộ các cơ quan công an, y tế, tổ chức xã hội, tổ chức đoàn thể, cá nhân có liên quan, gia đình, trường học, hàng xóm, bạn bè của trẻ em là nạn nhân kiểm tra tính xác thực của thông tin. Việc xác định tính xác thực của thông tin có thể bằng cách gọi điện thoại hoặc trực tiếp đến địa bàn nơi xảy ra vụ việc, nơi trẻ em đang ở.

5. Trong thời hạn 01 ngày kể từ ngày tiếp nhận thông tin, công chức Lao động – Thương binh và Xã hội cấp xã có trách nhiệm phối hợp với các cán bộ tại địa phương thực hiện việc đánh giá nguy cơ sơ bộ làm cơ sở đưa ra nhận định về tình trạng hiện thời của trẻ em để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã có biện pháp can thiệp kịp thời. Nội dung đánh giá sơ bộ gồm:

a) Đánh giá sơ bộ mức độ tổn thương của trẻ em: Trẻ em bị xâm hại nghiêm trọng, trẻ em bị xâm hại nhưng không nghiêm trọng, trẻ em bị xâm hại ít hoặc không bị xâm hại, việc đánh giá mức độ tổn thương này do cán bộ y tế chịu trách nhiệm;

b) Đánh giá môi trường sống ảnh hưởng đến trẻ em bị xâm hại theo các mức độ: có nguy cơ cao tiếp tục bị xâm hại hoặc bị tổn hại; ít hoặc không có nguy cơ tiếp tục bị xâm hại hoặc bị tổn hại do công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã chịu trách nhiệm.

Điều 6. Can thiệp, trợ giúp đối với trẻ em đang bị tổn hại nghiêm trọng, bị xâm hại hoặc có nguy cơ cao bị xâm hại

Trong trường hợp kết quả đánh giá nguy cơ sơ bộ có trẻ em đang bị tổn hại nghiêm trọng hoặc môi trường sống của trẻ có nguy cơ cao tiếp tục bị tổn hại cần phải xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em bị xâm hại:

1. Báo cáo chủ tịch Ủy ban nhân dân xã có biện pháp bảo đảm an toàn tạm thời cho trẻ em bị xâm hại.

a) Phân công trách nhiệm cơ quan tiến hành tách tạm thời trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trong trường hợp trẻ bị tổn hại hoặc bị đe dọa gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần bởi chính cha, mẹ, người chăm sóc.

b) Phân công cơ quan chịu trách nhiệm bố trí chỗ ăn, ở an toàn tạm thời cho trẻ em trong trường hợp trẻ em bị chính cha, mẹ, người chăm sóc có hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột hoặc trẻ em không có nơi ở trong trường hợp là nạn nhân của hành vi mua, bán người.

c) Phân công Y tế cơ sở thực hiện các biện pháp chăm sóc y tế kịp thời trong trường hợp trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất. Phân công cơ quan làm đầu mối liên hệ, kết nối các dịch vụ để bảo vệ, chăm sóc trẻ em hiệu quả nhất.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định áp dụng biện pháp tách tạm thời trẻ em bị xâm hại trong thời hạn không quá 07 ngày theo đề nghị của người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

3. Chậm nhất 12 giờ, kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của Công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định áp dụng biện pháp tách tạm thời trẻ em bị xâm hại, gửi trẻ đến nơi chăm sóc thay thế an toàn.

4. Quyết định tách tạm thời trẻ em bị xâm hại có hiệu lực ngay sau khi ký và được gửi cho cha đẻ hoặc mẹ đẻ, hoặc người chăm sóc trực tiếp có hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột, sao nhãng trẻ Công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã.

Việc tách trẻ em đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội cấp huyện hoặc cấp tỉnh được áp dụng theo khoản 2 Điều 30, khoản 2 Điều 31 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

5. Tiếp tục thực hiện các bước được quy định tại các khoản 2,3,4,5 Điều 4 của Thông tư này.

6. Báo cáo đánh giá nguy cơ sơ bộ về tình trạng trẻ em bị xâm hại được thực hiện theo hướng dẫn (Mẫu số 01).

Điều 7. Thu thập thông tin, đánh giá nguy cơ cụ thể và xác định nhu cầu cần can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại

1. Công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã chủ trì phối hợp với cán bộ các ngành có liên quan tiến hành thu thập các thông tin sau:

a) Tình trạng  thể chất, tinh thần trẻ em bị xâm hại;

b) Hoàn cảnh của trẻ em bị xâm hại, gia đình, cha, mẹ của trẻ em trong quá khứ và hiện tại;

c) Mối quan hệ của trẻ em bị xâm hại với cha, mẹ và các thành viên trong gia đình;

d) Mối quan hệ của trẻ em bị xâm hại với đối tượng xâm hại;

đ) Việc chăm sóc cho trẻ em bị xâm hại trong quá khứ, hiện tại và tương lai;

e) Các yếu tố đang tác động đến việc chăm sóc trẻ em bị xâm hại.

2. Công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã phối hợp với cán bộ cơ sở y tế, công an xã tiến hành đánh giá nguy cơ cụ thể:

a) Đánh giá sơ bộ mức độ tổn hại và nhu cầu chăm sóc y tế, chữa trị các tổn hại về thể chất và tinh thần của trẻ em bị xâm hại;

b) Các yếu tố nguy cơ trẻ em bị xâm hại có thể tiếp tục bị xâm hại;

c) Hành vi xâm hại trẻ em tác động đến sự phát triển về thể chất, tâm lý, tình cảm;

d) Nguy cơ thiếu an toàn của môi trường chăm sóc trẻ em.

3. Xác định nhu cầu cần can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại để giải quyết từng vấn đề của trẻ em bị xâm hại theo thứ tự ưu tiên sau:

a) Nhu cầu cung cấp dịch vụ chăm sóc, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ trị liệu tâm lý, điều trị y tế;

b) Nhu cầu cải thiện môi trường sống cho trẻ em, giúp trẻ em bị xâm hại phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.

4. Việc đánh giá nguy cơ cụ thể và xác định nhu cầu can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại được thực hiện theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này (Mẫu số 02).

Điều 8. Xây dựng và thông qua kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại

1. Công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã phối hợp với cán bộ các ngành có liên quan xây dựng Kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại trình Ủy ban nhân dân xã phê duyệt (Mẫu số 03).

2. Kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại dựa trên cơ sở các kết luận của việc đánh giá nguy cơ tại Điều 5; Điều 6 và ý kiến thống nhất của các ngành liên quan, bao gồm các nội dung sau:

a) Sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các vấn đề cần giải quyết của trẻ em;

b) Chỉ ra các nhu cầu cần can thiệp, trợ giúp để giải quyết từng vấn đề của trẻ em;

c) Xác định mục tiêu cần đạt được để giải quyết các vấn đề và đáp ứng các nhu cầu cơ bản của trẻ em trên cơ sở nguồn lực và khả năng hiện có;

d) Xác định các biện pháp can thiệp, trợ giúp và nguồn lực cần hỗ trợ để đạt được mục tiêu;

e) Phân công trách nhiệm của các ngành có liên quan thực hiện can thiệp, cung cấp các dịch vụ trợ giúp trẻ em bị xâm hại.

3. Trình tự, thủ tục, thông qua Kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại gồm:

a) Sau khi nhận được văn bản quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư này, trong thời hạn 02 ngày làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức và chủ trì cuộc họp thảo luận về Kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại.

b) Thành phần cuộc họp gồm có Công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã ; đại diện công an cấp xã; đại diện trường học; đại diện cơ sở y tế; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức xã hội cùng cấp có liên quan, đại diện đơn vị dân cư ở cơ sở; cha, mẹ, người giám hộ trẻ em.

c) Hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt Kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại gồm:

- Báo cáo tiếp nhận thông tin trẻ em bị xâm hại;

- Báo cáo đánh giá nguy cơ sở bộ về tình trạng trẻ em bị xâm hại và báo cáo thu thập thông tin, đánh giá nguy cơ cụ thể và xác định nhu cầu cần can thiệp, trợ giúp của trẻ em bị xâm hại;

- Biên bản cuộc họp và ý kiến kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã về Kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại;

- Dự thảo Quyết định phê duyệt Kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại;

- Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

4. Phê duyệt Kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại.

Sau khi nhận đủ Hồ sơ tại ( Điểm c khoản 3 của Điều này) từ Công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét phê duyệt Kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại; Kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại được gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện và cha, mẹ, người giám hộ hoặc gia đình trẻ em bị xâm hại.

5. Xây dựng và thông qua kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại được thực hiện theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này (Mẫu số 03).

Điều 9. Thực hiện Kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại

1. Công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã căn cứ vào Kế hoạch được Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã phê duyệt chủ trì phối hợp phối hợp với các cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện hoạt động can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại.

2. Khi thực hiện hoạt động can thiệp, trợ giúp, Công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã có trách nhiệm:

a) Theo dõi, giám sát việc thực hiện các hoạt động can thiệp, trợ giúp nhằm kịp thời điều chỉnh các hoạt động can thiệp, trợ giúp cho phù hợp;

b) Vận động cộng đồng, cá nhân, tổ chức tham gia và hỗ trợ nhằm đáp ứng các nhu cầu chăm sóc cho trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục;

c)  Kết nối với các dịch vụ sẵn có nhằm đáp ứng nhu cầu cần trợ giúp của trẻ bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.

3. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan thực hiện can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại theo Kế hoạch đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã phê duyệt.

a) Công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã :

- Cung cấp các nhu cầu liên quan để bảo đảm chính sách trợ cấp cho trẻ em;

- Kết nối với các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em sẵn có tại địa phương hoặc địa phương khác để đáp ứng nhu cầu cần can thiệp, trợ giúp của trẻ em bị xâm hại;

- Vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia và hỗ trợ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em nhằm can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại;

b) Cơ sở y tế có trách nhiệm:

- Tiếp nhận, khám và điều trị kịp thời cho trẻ em bị xâm hại;

- Thực hiện các biện pháp khám, điều trị phòng chống lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục;

- Việc điều trị khẩn cấp HIV được áp dụng nếu xác định rõ đối tượng xâm hại tình dục là đối tượng nhiễm HIV;

- Cung cấp các dịch vụ trị liệu tâm lý, giúp các em phục hồi về tinh thần.

c) Cơ quan công an có trách nhiệm:

- Tiếp tục điều tra làm rõ hành vi phạm tội xâm hại trẻ em để đưa đối tượng xâm hại trẻ em ra trước pháp luật;

- Bảo vệ nạn nhân, nhân chứng trong suốt quá trình tố tụng;

- Phối hợp với cơ quan Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân để sớm đưa đối tượng xâm hại ra truy tố trước pháp luật.

d) Nhà trường có trách nhiệm:

- Thực hiện việc tiếp nhận trẻ em bị xâm hại tiếp tục trở lại trường, tránh kỳ thị làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ em;

-  Tạo điều kiện thuận lợi nhất để trẻ em bị xâm hại quay trở lại trường học và không phải bỏ học.

đ) Các Đoàn thể, các tổ chức xã hội, các cá nhân có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại theo sự phân công.

4. Hằng tháng Công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã phối hợp với cán bộ các ngành có liên quan theo dõi, giám sát thực hiện Kế hoạch can thiệp trợ giúp.

5. Hằng tháng Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã họp với các ngành, tổ chức và cá nhân có liên quan về tình hình thực hiện Kế hoạch để xem xét điều chỉnh kịp thời.

6. Việc thực hiện kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại được thực hiện kèm theo Thông tư này (Mẫu số 04 ).

Điều 10. Rà soát, đánh giá nguy cơ sau can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại

1. Công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã có trách nhiệm phối hợp với cán bộ công an, y tế, giáo dục và các đoàn thể, tổ chức xã hội thực hiện các hoạt động sau:

a) Rà soát, đánh giá nguy cơ sau can thiệp trợ giúp trẻ em bị xâm hại nhằm đưa ra các nhận định, kết luận về tình trạng hiện tại của trẻ em sau khi thực hiện các biện pháp can thiệp, trợ giúp;

b) Nếu trẻ em không còn nguy cơ bị xâm hại, các yếu tố về thể chất, tâm lý, nhận thức và tình cảm của trẻ em ổn định, thì báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để kết thúc quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại và lưu trữ hồ sơ theo quy định của pháp luật về lưu trữ;

c) Trường hợp trẻ em vẫn có nguy cơ bị xâm hại hoặc các yếu tố về thể chất, tâm lý, nhận thức và tình cảm của trẻ chưa ổn định, cần tiếp tục thực hiện can thiệp, trợ giúp; Lập Kế hoạch can thiệp, trợ giúp mới trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, theo quy định các điều từ Điều 8 đến Điều 9 của Thông tư này.

2. Việc rà soát, đánh giá nguy cơ sau can thiệp trợ giúp trẻ em bị xâm hại,  được thực hiện kèm theo Thông tư này (Mẫu số 05 ).

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

1. Chỉ đạo cơ quan Lao động - Thương Binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan Công an, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức xã hội có liên quan tại địa phương triển khai, thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại theo quy định tại Thông tư này.

2.  Chỉ đạo cơ quan Công an

- Phối hợp với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, tập huấn quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại cho cán bộ trong ngành; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại.

- Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân tỉnh tiến hành điều tra, truy tố, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc xâm hại trẻ em;

- Thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em là người bị hại, người làm chứng và người có liên quan trong các vụ án, vụ việc xâm hại trẻ em theo quy định của pháp luật.

3. Chỉ đạo cơ quan Y tế

- Phối hợp với cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn, tập huấn cơ quan y tế địa phương thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại;

- Thanh tra, kiểm tra hoặc phối hợp các Sở, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách về khám, chữa bệnh cho trẻ em nói chung và trẻ em bị xâm hại nói riêng.

- Chỉ đạo các Trung tâm y tế, các bệnh viện, các trạm y tế tiếp nhận khám, điều trị miễn phí cho các trẻ em bị xâm hại;

- Bảo quản, cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền chứng cứ, kết quả khám, điều trị, kết quả giám định mức độ tổn thương của trẻ em bị xâm hại.

4. Chỉ đạo cơ quan Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp với cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn, tập huấn cho cơ quan giáo dục – đào tạo thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại;

- Thanh tra, kiểm tra hoặc phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách về giáo dục cho trẻ em nói chung và cho trẻ em bị xâm hại nói riêng quay trở lại trường học.

5. Bố trí kinh phí tổ chức thực hiện Thông tư tại địa phương từ nguồn ngân sách chi sự nghiệp, chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em của địa phương và ngân sách huy động từ các nguồn khác theo quy định của Luật ngân sách và các văn bản chính sách hiện hành.

Điều 12. Trách nhiệm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Chỉ đạo hệ thống ngành tổ chức thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại.

2. Phối hợp với các ngành liên quan phát triển các loại hình dịch vụ bảo vệ trẻ em, từng bước đáp ứng các nhu cầu cần can thiệp, trợ giúp của trẻ em trong tình trạng khẩn cấp. Hình thành Trung tâm công tác xã hội trẻ em; đường dây tư vấn để kết nối dịch vụ bảo vệ trẻ em.

3. Hỗ trợ giải quyết các trường hợp nghiêm trọng vượt quá khả năng của cấp xã và huyện.

4. Phối hợp với các cơ quan cùng cấp có liên quan chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện quy trình.

5. Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình và kết quả thực hiện công tác can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại  tại địa phương và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 13. Trách nhiệm của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

1. Chỉ đạo, hướng dẫn cấp xã thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại.

2. Phối hợp với các ngành liên quan phát triển các loại hình dịch vụ trợ giúp trẻ em; hình thành các văn phòng tư vấn trợ giúp trẻ em, phối hợp Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập các điểm tư vấn trợ giúp trẻ em ở cộng đồng, trường học trên địa bàn.

3. Hỗ trợ giải quyết các trường hợp nghiêm trọng vượt quá khả năng của cấp xã.

4. Phối hợp với các cơ quan cùng cấp có liên quan chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện quy trình.

5. Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình và kết quả thực hiện công tác can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại  tại địa phương và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 14. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã

1. Bố trí địa chỉ thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin trẻ em bị xâm hại; phân công cán bộ, trang bị phương tiện và điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu để giúp Công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã, thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại;

2. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cá nhân, gia đình và cộng đồng phát hiện, cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại.

3. Chỉ đạo, phân công Công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã, y tế cơ sở, công an, nhà trường, các đoàn thể, tổ chức xã hội xây dựng và thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại.

4. Chỉ đạo các ban, ngành liên quan phát triển các loại hình dịch vụ bảo vệ trẻ em; hình thành mạng lưới cộng tác viên người lớn; mạng lưới cộng tác viên trẻ em; điểm tư vấn trợ giúp trẻ em ở cộng đồng, trường học trên địa bàn.

5. Bố trí kinh phí tổ chức thực hiện Thông tư từ nguồn ngân sách của địa phương và ngân sách huy động từ các nguồn khác theo quy định của Luật ngân sách và các văn bản chính sách hiện hành, nhằm đáp ứng tối đa việc thực hiện kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại để giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em bị xâm hại.

6. Lưu trữ hồ sơ can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại.

7. Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình và kết quả thực hiện công tác can thiệp, trợ giúp trẻ trẻ em bị xâm hại, trên địa bàn và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau     ngày kể từ ngày ký.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 23/2010/TT-BLĐTBXH ngày 16/8/2010 quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.

Điều 14. Tổ chức thực hiện

Trong quá trình thực hiện, các địa phương nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để có hướng dẫn, bổ sung kịp thời./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Kiểm toán Nhà nước;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Website Bộ LĐTBXH;
- Lưu: Bộ LĐTBXH (VT, CBVCSTE).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đào Hồng Lan

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Dự thảo Thông tư quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


7.247

DMCA.com Protection Status
IP: 3.15.228.162
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!