ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
21/2007/QĐ-UBND
|
Cần
Thơ, ngày 28 tháng 6 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THAY ĐỔI, CẢI CHÍNH HỘ TỊCH, XÁC ĐỊNH
LẠI DÂN TỘC, XÁC ĐỊNH LẠI GIỚI TÍNH, BỔ SUNG HỘ TỊCH, ĐIỀU CHỈNH HỘ TỊCH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng
ký và quản lý hộ tịch;
Căn cứ Nghị định số 76/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy định về việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc,
xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực sau 10 ngày và đăng Báo Cần Thơ chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân thành phố, giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Võ Thanh Tòng
|
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC THAY ĐỔI, CẢI CHÍNH HỘ TỊCH, XÁC ĐỊNH LẠI DÂN TỘC,
XÁC ĐỊNH LẠI GIỚI TÍNH, BỔ SUNG HỘ TỊCH, ĐIỀU CHỈNH HỘ TỊCH
(Ban hành theo Quyết định số 21/2007/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2007 của Ủy
ban nhân dân thành phố Cần Thơ)
Chương I
NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư tại nước
ngoài, người nước ngoài và người không quốc tịch có đủ điều kiện để thay đổi, cải
chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch,
điều chỉnh hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch thì được đăng ký thay
đổi họ, tên, chữ đệm; cải chính những nội dung đã được đăng ký trong Sổ đăng ký
khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, nhưng có sai sót trong khi đăng ký; xác
định lại dân tộc; xác định lại giới tính; bổ sung những nội dung chưa được đăng
ký trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh; điều chỉnh những nội
dung trong sổ đăng ký hộ tịch và các giấy tờ hộ tịch khác, không phải Sổ đăng
ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh.
Điều 2. Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường,
thị trấn có thẩm quyền giải quyết thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân
tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch có trách nhiệm
tạo điều kiện để cá nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch theo quy định
của pháp luật.
Điều 3. Cá nhân có yêu cầu xin thay đổi, cải chính hộ tịch,
xác nhận lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch
thì nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan quản lý nhà nước
về hộ tịch; công chức tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu các loại
giấy tờ có liên quan theo quy định của pháp luật; đồng thời, tuân thủ các quy định
về cải cách hành chính đối với công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.
Điều 4. Việc đăng ký, kiểm tra và xử lý các vi phạm về
thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ
sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch phải được thực hiện một cách chính xác, kịp thời
và khách quan theo quy định của pháp luật về hộ tịch và Quy định này.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Thay đổi hộ tịch
Thay đổi họ,
tên, chữ đệm đã được đăng ký đúng trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy
khai sinh, nhưng cá nhân có yêu cầu thay đổi khi có lý do chính đáng trong các
trường hợp sau:
1. Theo yêu cầu
của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến
tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
2. Theo yêu cầu
của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con
nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ,
tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
3. Theo yêu cầu
của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
4. Thay đổi họ
cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại;
5. Thay đổi họ,
tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
6. Thay đổi họ,
tên của người được xác định lại giới tính;
7. Các trường
hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
Điều 6. Cải chính hộ tịch
Cải chính những
nội dung đã được đăng ký trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai
sinh, nhưng có sai sót trong khi đăng ký, bao gồm:
1. Cải chính
ngày, tháng, năm sinh khi có sự sai sót trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính
Giấy khai sinh do ghi chép của cán bộ hộ tịch - tư pháp hoặc do đương sự khai
báo nhầm lẫn;
2. Trường hợp
khi phát hiện sai sót trong giấy khai sinh hoặc trong Sổ đăng ký khai sinh (nơi
sinh, dân tộc, quốc tịch, quê quán, giới tính, phần khai về cha, mẹ) đã được
đăng ký;
3. Ngoài các
trường hợp nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nếu việc yêu cầu cải chính hộ tịch
mà có lý do chính đáng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng người
và hồ sơ hợp lệ, đúng thủ tục quy định thì cơ quan Tư pháp xem xét, đề xuất ý
kiến trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Điều 7. Xác định lại dân tộc
Xác định lại
dân tộc của người con theo dân tộc của người cha hoặc dân tộc của người mẹ
trong những trường hợp sau:
1. Cá nhân
khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trong trường
hợp cha đẻ và mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của người con được
xác định là dân tộc của cha đẻ hoặc dân tộc của mẹ đẻ theo tập quán hoặc theo
thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ.
2. Người đã
thành niên, cha đẻ và mẹ đẻ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên có quyền
yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong các trường hợp
sau đây:
a) Xác định lại
theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ, nếu cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác
nhau;
b) Xác định lại
theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ trong trường hợp làm con nuôi của người thuộc
dân tộc khác mà được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi do không biết
cha đẻ, mẹ đẻ là ai.
3. Trong trường
hợp cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên yêu cầu xác định
lại dân tộc cho người chưa thành niên từ đủ mười lăm tuổi trở lên thì phải được
sự đồng ý của người chưa thành niên đó.
Điều 8. Xác định lại giới tính
Xác định lại giới
tính của một người trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm
sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định
rõ về giới tính.
Điều 9. Bổ sung hộ tịch
Bổ sung những
nội dung chưa được đăng ký trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai
sinh, bao gồm:
1. Các nội
dung về ngày, tháng sinh, quê quán, dân tộc, quốc tịch, giới tính và phần khai
về cha mẹ (trừ trường hợp con ngoài giá thú) chưa được đăng ký trong Sổ đăng ký
khai sinh và bản chính Giấy khai sinh thì được khai bổ sung.
2. Trong trường
hợp giấy khai sinh của một người đã ghi năm sinh mà không ghi ngày, tháng sinh;
nay người đó có yêu cầu bổ sung, thì ngày, tháng sinh được xác định như sau:
a) Đối với những
người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân như: sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, học
bạ, văn bằng, lý lịch cán bộ công chức, lý lịch đảng viên mà trong các hồ sơ,
giấy tờ đó đã ghi thống nhất về ngày, tháng sinh thì xác định theo ngày, tháng
sinh đó. Trường hợp ngày, tháng sinh ghi trong các hồ sơ, giấy tờ nói trên của
người đó không thống nhất thì xác định theo ngày, tháng sinh trong hồ sơ, giấy
tờ được lập đầu tiên;
b) Đối với những
người chưa có hồ sơ, giấy tờ cá nhân hoặc đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân, nhưng
trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân cũng không ghi ngày, tháng sinh thì ngày, tháng
sinh được xác định theo lời khai của đương sự. Riêng trường hợp bổ sung ngày,
tháng sinh cho trẻ em, thì ngày, tháng sinh của trẻ được xác định theo cam kết
của cha, mẹ đẻ;
c) Trong trường
hợp không xác định được ngày, tháng sinh theo hai trường hợp trên thì ngày,
tháng sinh là ngày 01 tháng 01 của năm đó.
Điều 10. Điều chỉnh những nội dung trong sổ đăng ký hộ tịch
và các giấy tờ hộ tịch khác
1. Khi cá
nhân có yêu cầu điều chỉnh những nội dung đã được đăng ký trong sổ hộ tịch và
các giấy tờ hộ tịch khác (không phải Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy
khai sinh) thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký hộ tịch căn cứ vào bản
chính Giấy khai sinh để điều chỉnh những nội dung đó cho phù hợp với nội dung
tương ứng trong bản chính Giấy khai sinh.
2. Điều chỉnh
nội dung của sổ hộ tịch và giấy tờ hộ tịch khác không liên quan đến nội dung
khai sinh, thì Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ vào những giấy tờ có liên quan do
đương sự xuất trình để điều chỉnh. Trong trường hợp việc đăng ký hộ tịch trước
đây do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện, nhưng sổ hộ tịch chỉ còn lưu tại Ủy
ban nhân dân cấp huyện, thì Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc điều chỉnh.
3. Xử lý một
số trường hợp:
a) Giấy khai
sinh và sổ hộ khẩu khớp với nhau (có trước học bạ, văn bằng) nhưng không khớp với
học bạ, văn bằng thì phải căn cứ vào giấy khai sinh và sổ hộ khẩu để điều chỉnh
học bạ, văn bằng;
b) Trường hợp
không khớp giữa giấy khai sinh (đúng hạn), sổ hộ khẩu và học bạ, văn bằng thì
phải căn cứ vào giấy khai sinh có tên trong sổ đăng ký khai sinh để chỉnh lý sổ
hộ khẩu và học bạ, văn bằng và ngược lại hộ khẩu lập trước khai sinh (có sổ
đăng ký khai sinh) thì chỉnh lý khai sinh, học bạ và văn bằng theo hộ khẩu;
c) Trường hợp có hai hoặc nhiều giấy khai sinh không khớp với
nhau về nội dung (khai sinh cùng số hoặc khác số), một số giấy tờ khớp với khai
sinh này, một số giấy tờ khớp với khai sinh khác thì Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn (gọi tắt là cấp xã) ra quyết định thu hồi giấy khai sinh không có tên
trong sổ đăng ký khai sinh; giấy khai sinh còn lại (có tên trong sổ đăng ký
khai sinh) là căn cứ để điều chỉnh các giấy tờ khác.
Nếu các giấy
khai sinh đều có tên trong sổ đăng ký khai sinh thì Ủy ban nhân dân cấp xã ra
quyết định thu hồi các giấy khai sinh cấp sau, giấy khai sinh còn lại là căn cứ
để điều chỉnh các giấy tờ khác. Nếu đương sự có các giấy khai sinh đều không có
tên trong sổ đăng ký khai sinh thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cấp giấy khai
sinh quyết định thu hồi và cho đăng ký lại khai sinh theo hộ khẩu, chứng minh
nhân dân;
d) Các trường
hợp thuộc phạm vi được phép cải chính hộ tịch theo quy định tại Nghị định
158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ và theo Quy định này,
sau khi có quyết định cho phép cải chính hộ tịch của cấp có thẩm quyền thì các
cơ quan có thẩm quyền chỉnh lý sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, học bạ, văn bằng,
giấy chứng nhận kết hôn, giấy khai tử... cho phù hợp với quyết định cải chính hộ
tịch.
Chương III
THẨM QUYỀN, THỦ TỤC ĐĂNG
KÝ VIỆC THAY ĐỔI, CẢI CHÍNH HỘ TỊCH, XÁC ĐỊNH LẠI DÂN TỘC, XÁC ĐỊNH LẠI GIỚI
TÍNH, BỔ SUNG HỘ TỊCH, ĐIỀU CHỈNH HỘ TỊCH
Điều 11. Thẩm quyền thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định
lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch
1. Ủy ban
nhân dân cấp xã:
Ủy ban nhân
dân cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh trước đây có thẩm quyền giải quyết việc
thay đổi, cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi; bổ sung hộ tịch và điều chỉnh
hộ tịch cho mọi trường hợp, không phân biệt độ tuổi.
2. Ủy ban
nhân dân cấp huyện:
Ủy ban nhân
dân cấp huyện, mà trong địa hạt của huyện đó đương sự đã đăng ký khai sinh trước
đây, có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ
14 tuổi trở lên và xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch,
điều chỉnh hộ tịch cho mọi trường hợp, không phân biệt độ tuổi.
3. Sở Tư
pháp:
a) Sở Tư pháp
mà trong địa hạt của thành phố trước đây đương sự đã đăng ký hộ tịch có thẩm
quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định
lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch cho công dân Việt Nam định
cư ở nước ngoài, người nước ngoài và người không quốc tịch trong các trường hợp
sau:
- Các quy định
về thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ
sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch tại Chương II của Quy định này cũng được áp dụng
đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, mà trước đây đã đăng ký hộ tịch
trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;
- Các quy định
về cải chính hộ tịch, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch
tại Chương II của Quy định này cũng được áp dụng đối với người nước ngoài trước
đây đã đăng ký hộ tịch trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
b) Đối với việc
giải quyết cải chính hộ tịch, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh
hộ tịch cho người nước ngoài hoặc người không quốc tịch cư trú ổn định lâu dài
tại Việt Nam mà đã đăng ký hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp xã theo Nghị định
158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ
tịch, thì được thực hiện như đối với công dân Việt Nam ở trong nước.
Điều 12. Phối hợp giữa Ủy ban nhân dân cấp xã, huyện và
các cơ quan Tư pháp (cấp xã, huyện và thành phố) trong việc thay đổi, cải chính
hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh
hộ tịch.
1. Khi công
dân có yêu cầu về thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại
giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch mà việc giải quyết các yêu cầu
đó cần các thông tin trong sổ hộ tịch đang lưu tại Sở Tư pháp thì Sở Tư pháp có
trách nhiệm tạo điều kiện cho Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp xã thực hiện
thẩm quyền của mình theo đúng quy định tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP , như sau:
a) Ủy ban
nhân dân cấp huyện hoặc cấp xã có công văn đề nghị Sở Tư pháp cung cấp thông
tin trong sổ hộ tịch lưu tại Sở Tư pháp; Sở Tư pháp cung cấp thông tin theo yêu
cầu của Ủy ban dân nhân cấp huyện hoặc cấp xã bằng cách gửi trang sao chụp sổ
lưu hoặc trích lục thông tin trả lời bằng văn bản cho Ủy ban dân nhân cấp huyện
hoặc cấp xã;
b) Sau khi đã
giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại
giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch, Ủy ban dân nhân cấp huyện hoặc
cấp xã thông báo cho Sở Tư pháp để ghi chú vào sổ đăng ký hộ tịch lưu tại Sở Tư
pháp.
2. Đối với cơ
quan Tư pháp cấp xã và huyện khi cần thông tin để giải quyết việc thay đổi, cải
chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch,
điều chỉnh hộ tịch thì cũng áp dụng theo khoản 1 Điều này.
Điều 13. Thủ tục đăng ký việc thay đổi, cải chính hộ tịch,
xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch
1. Người yêu
cầu thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính,
bổ sung hộ tịch phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định), xuất trình bản chính Giấy
khai sinh của người cần thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác
định lại giới tính, bổ sung hộ tịch và các giấy tờ có liên quan để làm căn cứ
cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới
tính, bổ sung hộ tịch:
- Đối với trường
hợp xác định lại giới tính, thì văn bản kết luận của tổ chức y tế đã tiến hành
can thiệp để xác định lại giới tính là căn cứ cho việc xác định lại giới tính;
- Việc thay đổi,
cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch
cho người chưa thành niên hoặc người mất năng lực hành vi dân sự được thực hiện
theo yêu cầu của cha, mẹ hoặc người giám hộ;
- Đối với việc
thay đổi họ, tên cho người từ đủ 09 tuổi trở lên và xác định lại dân tộc cho
người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi trở lên, thì phải có sự đồng ý của người
đó.
2. Người yêu
cầu thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính,
bổ sung hộ tịch phải xuất trình bản chính giấy khai sinh theo quy định. Trong
trường hợp bản chính giấy khai sinh bị mất, thì yêu cầu cơ quan Tư pháp lập thủ
tục cấp lại bản chính giấy khai sinh, sau đó mới yêu cầu thay đổi, cải chính hộ
tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch.
3. Trong thời
hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu việc thay đổi, cải
chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính có đủ điều kiện
theo quy định của pháp luật, thì đương sự được cấp một bản chính Quyết định cho
phép thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính;
bản sao Quyết định được cấp theo yêu cầu của đương sự;
Trường hợp cần
phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.
4. Việc bổ
sung hộ tịch và điều chỉnh hộ tịch được giải quyết ngay sau khi nhận đủ giấy tờ
hợp lệ.
Điều 14. Lệ phí đăng ký hộ tịch
Cá nhân có
yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới
tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch phải nộp lệ phí đăng ký hộ tịch theo
quy định tại Quyết định số 14/2007/QĐ-UBND ngày 30 tháng 3 năm 2007 của Ủy ban
nhân dân thành phố Cần Thơ về mức thu lệ phí đăng ký hộ tịch.
Chương IV
XỬ LÝ VI PHẠM VÀ TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Điều 15. Xử lý vi phạm đối với cán bộ, công chức có thẩm
quyền đăng ký và quản lý hộ tịch
Người có thẩm
quyền đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại
giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch mà thiếu tinh thần trách nhiệm
hoặc cố ý làm trái với các quy định pháp luật về hộ tịch và Quy định này, thì
tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm
hình sự; nếu gây thiệt hại, thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 16. Xử lý vi phạm đối với người yêu cầu đăng ký hộ tịch
Người yêu cầu
đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới
tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ mà không thực hiện đúng Quy định này hoặc
có hành vi gian dối khi đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc,
xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch thì tùy mức độ vi
phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định
của pháp luật.
Điều 17. Trách nhiệm thi hành
Giám đốc Sở
Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc Sở
Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và thủ trưởng
cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai và thực hiện việc thay đổi, cải
chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch,
điều chỉnh hộ tịch theo Quy định này./.