BỘ KHOA HỌC
VÀ
CÔNG
NGHỆ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 15/VBHN-BKHCN
|
Hà Nội,
ngày 27 tháng 02 năm 2015
|
QUYẾT
ĐỊNH
Quyết định số 15/2006/QĐ-BKHCN ngày 23 tháng
8 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành “Quy định về
việc cấp, sử dụng và quản lý mã số mã vạch”, có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 10
năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 16/2011/TT-BKHCN ngày
30 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một
số điều của “Quy định về việc cấp, sử dụng và quản lý mã số mã vạch” ban hành
kèm theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BKHCN ngày 23 tháng 8 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ
Khoa học và Công nghệ, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 8 năm 2011.
Căn cứ Nghị định số
54/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số
28/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung
một số điều của Nghị định 54/2003/NĐ-CP ;
Căn cứ Quyết định số
45/2002/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy
định nội dung quản lý nhà nước về mã số mã vạch và cơ quan quản lý nhà nước
về mã số mã vạch;
Theo đề nghị của Tổng
cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Vụ trưởng Vụ Pháp
chế,[1]
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này "Quy định về việc cấp, sử dụng và quản lý mã
số mã vạch".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ
ngày đăng Công báo.
Điều 3. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm tổ
chức và hướng dẫn thực hiện Quy định ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 4. Các ông Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất
lượng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY ĐỊNH
VỀ
VIỆC CẤP, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ MÃ SỐ MÃ VẠCH
Chương
I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy
định về việc cấp, sử dụng và quản lý các loại mã số mã vạch (dưới đây viết tắt
là MSMV) có mã quốc gia của Việt Nam và việc quản lý sử dụng MSMV của nước
ngoài.
Điều
2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp
dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt
động trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức/ doanh nghiệp) có nhu
cầu sử dụng MSMV và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cấp MSMV.
Điều
3. Giải thích từ ngữ
Trong quy
định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Mã số là
một dãy các chữ số dùng để phân định vật phẩm, địa điểm, tổ chức.
2. Mã vạch
là một dãy các vạch thẫm song song và các khoảng trống xen kẽ để thể hiện mã số
sao cho máy quét có thể đọc được.
3. EAN là
tên của tổ chức MSMV quốc tế trước tháng 2 năm 2005.
4. GS1 là
tên của tổ chức MSMV quốc tế từ tháng 2 năm 2005 đến nay.
5. Mã
số EAN là mã số tiêu chuẩn do tổ chức MSMV quốc tế quy định để áp dụng
chung trên toàn thế giới.
6. Mã
quốc gia là số đầu gồm ba chữ số do tổ chức GS1 cấp cho các quốc gia thành
viên. Mã quốc gia của Việt Nam là 893.
7. Mã
doanh nghiệp là dãy số gồm mã quốc gia và số phân định tổ chức/doanh
nghiệp, gồm từ bốn đến bảy số tiếp theo.
8. Mã số
rút gọn (viết tắt là EAN 8) là dãy số có tám chữ số quy định cho vật phẩm (sản
phẩm) có kích thước nhỏ, gồm mã quốc gia, số phân định vật phẩm và một số kiểm
tra.
9. Mã số
địa điểm toàn cầu (Global Location Number, viết tắt là GLN), là dãy số có
mười ba chữ số quy định cho tổ chức/doanh nghiệp và địa điểm, gồm mã quốc gia,
số phân định tổ chức/doanh nghiệp hoặc địa điểm và một số kiểm tra.
10. Mã số thương phẩm toàn cầu
(Global Trade Item Number viết tắt là GTIN), là mã số vật phẩm (sản phẩm, hàng
hóa), được cấu tạo từ mã doanh nghiệp, bao gồm các loại mã số mười ba chữ số -
viết tắt là EAN 13; mã số mười bốn chữ số - EAN 14; mã số rút gọn tám chữ số -
EAN 8 và mã số UCC (Uniform Code Council, viết tắt là UCC) của Hội đồng mã
thống nhất của Mỹ và Canada.
11. Ngân hàng mã số quốc gia
Việt Nam là tập hợp các mã số có mã quốc gia là 893.
12. Mã nước
ngoài
là mã quốc gia của nước ngoài, do tổ chức MSMV quốc gia nước ngoài cấp và quản
lý.
14. Mạng
GEPIR (Global Electronic Party Information Registry) là mạng toàn cầu đăng
ký điện tử các thông tin về thành viên sử dụng hệ thống MSMV do GS1 thiết lập
và quản lý.
Chương
II
CẤP VÀ QUẢN LÝ CÁC LOẠI MÃ SỐ MÃ VẠCH
Điều 4. Các loại MSMVđược cấp và quản lý
1. Các loại
MSMV được cấp và quản lý thống nhất gồm:
a) Mã doanh
nghiệp;
b) Mã số rút
gọn (EAN 8);
c) Mã số địa điểm
toàn cầu (GLN).
2. Các loại
MSMV do tổ chức/doanh nghiệp tự lập để sử dụng, sau khi được cấp mã số doanh
nghiệp, gồm:
a) Mã số
thương phẩm toàn cầu (GTIN);
b) Mã số địa điểm
toàn cầu (GLN);
c) Các loại
mã số cho đơn vị hậu cần, tài sản hoặc đối tượng khác khi có nhu cầu sử dụng.
3. Mỗi tổ
chức/doanh nghiệp được đăng ký sử dụng một mã doanh nghiệp. Trong trường hợp
đặc biệt, một tổ chức/doanh nghiệp có thể đăng ký sử dụng hơn một mã doanh
nghiệp khi chứng minh đã dùng hết quỹ số được cấp. Khi đăng ký sử dụng thêm mã
doanh nghiệp, tổ chức/doanh nghiệp phải làm thủ tục như đăng ký cấp mã lần đầu
và kèm theo thuyết minh đã sử dụng hết quỹ số được cấp.
Điều
5. Trách nhiệm cấp và quản lý MSMV
1. Tổng
cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (sau đây viết tắt là Tổng cục TCĐLCL) là cơ
quan giúp Bộ Khoa học và Công nghệ cấp các loại MSMV quy định tại khoản
1 Điều 4 của quy định này và quản lý các loại MSMV quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 của Quy định này.
2. Sau khi được cấp mã doanh nghiệp,
các tổ chức/doanh nghiệp tự lập các loại MSMV quy định tại khoản
2 Điều 4 của Quy định này để sử dụng và định kỳ sáu tháng báo cáo Danh mục
các loại mã số sử dụng với Tổng cục TCĐLCL.
Điều
6. Trình tự cấp MSMV
Việc
cấp MSMV thực hiện theo trình tự sau đây:
1. Đăng ký sử
dụng MSMV;
2. Tiếp nhận
hồ sơ đăng ký sử dụng MSMV;
3. Thẩm định
hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng MSMV;
4. Hướng dẫn
sử dụng MSMV.
Điều
7. Đăng ký sử dụng MSMV
1.
Các tổ chức/doanh nghiệp muốn sử dụng MSMV phải đăng ký sử dụng MSMV tại các cơ
quan được Tổng cục TCĐLCL chỉ định tiếp nhận hồ sơ đăng ký sử dụng MSMV (sau
đây gọi là Tổ chức tiếp nhận hồ sơ).
2.[2]
Hồ sơ đăng ký sử dụng MSMV gồm 01 bộ, cụ thể như sau:
a) Bản đăng ký
sử dụng MSMV theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Quy
định này (02 bản);
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng kí kinh
doanh đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thương mại hoặc bản sao
Quyết định thành lập đối với các tổ chức khác (Xuất trình bản chính để đối
chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực) (01 bản);
c) Bảng Đăng ký danh mục sản phẩm sử dụng mã GTIN theo mẫu quy
định tại Phụ lục II của Quy định này (02 bản).
Điều
8. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký sử dụng MSMV
1. Tổ chức
tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức/doanh nghiệp đăng ký lập
hồ sơ đăng ký sử dụng MSMV; tiếp nhận và xử lý sơ bộ hồ sơ đăng ký sử dụng
MSMV.
2. Trong thời
hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, tổ chức tiếp nhận hồ
sơ phải chuyển hồ sơ đến Tổng cục TCĐLCL.
Điều
9. Thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng MSMV
1.[3]
Trong
thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Tổng cục TCĐLCL
tiến hành thẩm định hồ sơ đăng kí sử dụng MSMV
a) Nếu hồ sơ
hợp lệ, Tổng cục TCĐLCL cấp mã số; vào sổ đăng kí, lưu vào ngân hàng mã số
quốc gia và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng MSMV.
b) Nếu hồ sơ
chưa hợp lệ, Tổng cục TCĐLCL đề nghị tổ chức/doanh nghiệp hoàn thiện.
2. Giấy chứng
nhận quyền sử dụng MSMV được gửi cho tổ chức/doanh nghiệp sử dụng MSMV thông
qua các tổ chức tiếp nhận hồ sơ trong thời hạn không quá 10 ngày, kể từ ngày
được Tổng cục TCĐLCL cấp. Mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng MSMV được quy định
tại Phụ lục IV của Quy định này.
3. Khi tổ
chức/doanh nghiệp sử dụng MSMV có sự thay đổi về tư cách pháp nhân, về tên gọi
hoặc địa chỉ giao dịch hoặc Giấy chứng nhận bị mất hoặc hỏng, tổ chức/doanh
nghiệp sử dụng MSMV phải thông báo bằng văn bản cho Tổng cục TCĐLCL để được đổi
hoặc cấp lại Giấy chứng nhận mới.Tổ chức/doanh nghiệp sử dụng MSMV chịu trách
nhiệm thanh toán các chi phí đổi và cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng MSMV.
Điều
10. Hướng dẫn sử dụng MSMV
Tổ chức tiếp
nhận hồ sơ có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức/doanh nghiệp đăng ký sử dụng
MSMV tuân thủ các quy định về sử dụng MSMV quy định tại Chương III của Quy định
này và các quy định khác có liên quan đến sử dụng MSMV.
Điều
11. Phí cấp MSMV
1.[4] Tổ chức/doanh nghiệp sử dụng
MSMV nộp phí cấp MSMV khi đăng kí sử dụng MSMV và phí duy trì sử dụng hằng năm
cho tổ chức tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Thông tư số 88/2002/TT-BTC ngày
02/10/2002 về việc “Quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí cấp mã số
mã vạch”; Thông tư số 36/2007/TT-BTC ngày 11/4/2007 sửa đổi, bổ sung Thông tư
số 88/2002/TT-BTC của Bộ Tài chính và các quy định hiện hành có liên quan.
2. Phí duy
trì sử dụng MSMV phải nộp trước ngày 30 tháng 6 hằng năm. Nếu quá thời hạn đó
mà chưa nộp thì tổ chức tiếp nhận hồ sơ sẽ thông báo cho tổ chức/doanh nghiệp
sử dụng MSMV biết để nộp. Nếu sau một năm tổ chức/doanh nghiệp sử dụng MSMV
không nộp phí duy trì sử dụng MSMV, Tổng cục TCĐLCL thu hồi mã số đã cấp, thông
báo cho tổ chức/doanh nghiệp sử dụng và thông báo rộng rãi cho các cơ quan có
liên quan.
Chương
III
SỬ DỤNG MÃ SỐ MÃ VẠCH
Điều
12. Sử dụng MSMV được cấp
Sau khi được
cấp mã doanh nghiệp, tổ chức/doanh nghiệp sử dụng MSMV tự quy định mã số phân
định vật phẩm, số phân định tổ chức/địa điểm và lập các loại MSMV quy định tại khoản 2 Điều 4 cho các vật phẩm, tổ chức/địa điểm của mình. Tổ
chức/doanh nghiệp sử dụng MSMV phải gửi danh mục các Mã số thương phẩm toàn cầu
GTIN và Mã số địa điểm toàn cầu GLN được sử dụng cho Tổng cục TCĐLCL (thông qua
tổ chức tiếp nhận hồ sơ) để quản lý chung, theo quy định tại khoản
2 Điều 5 của Quy định này. Bảng đăng ký danh mục sản phẩm sử dụng mã GTIN
theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Quy định này.
Điều
13. Gắn, ghi MSMV
Việc gắn hoặc
ghi MSMV trên vật phẩm, nhãn, bao bì, phương tiện vận chuyển và trong các tài
liệu liên quan kèm theo phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc
tế và các quy định khác liên quan.
Điều 14. Bảo đảm sự đơn nhất của mã số đăng ký sử dụng và chất lượng
mã vạch
Tổ chức/doanh
nghiệp sử dụng MSMV phải chịu trách nhiệm về sự đơn nhất của mã số đăng ký sử
dụng và chất lượng mã vạch, tuân thủ theo các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế liên
quan. Tổ chức/doanh nghiệp sử dụng MSMV có trách nhiệm thông báo các thông tin
mô tả đối tượng mang MSMV cho các tổ chức và cá nhân là đối tác và có liên
quan.
Điều
15. Chuyển nhượng, ủy quyền sử dụng MSMV và sử dụng Mã nước ngoài
1. Tổ
chức/doanh nghiệp không được chuyển nhượng quyền sử dụng MSMV đã được
Tổng cục TCĐLCL cấp cho tổ chức/doanh nghiệp khác.
2. Tổ
chức/doanh nghiệp khi muốn ủy quyền cho cơ sở liên doanh hoặc gia công
chế biến sản phẩm của mình sử dụng MSMV đã được Tổng cục TCĐLCL cấp
để in trên sản phẩm liên doanh sản xuất hoặc theo hợp đồng gia công
chế biến, Tổ chức/doanh nghiệp phải có văn bản ủy quyền (thư ủy quyền, hợp
đồng sử dụng hoặc các hình thức ủy quyền khác) có xác nhận của Tổng cục
TCĐLCL và gửi cho đối tác liên doanh hoặc gia công chế biến sử dụng
làm bằng chứng được ủy quyền.
3. Tổ
chức/doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam khi sử dụng Mã nước
ngoài để in trên sản phẩm của mình, phải được cơ quan có thẩm quyền của nước
ngoài cấp hoặc được tổ chức/doanh nghiệp là chủ sở hữu của Mã nước ngoài ủy
quyền sử dụng Mã nước ngoài và phải thông báo việc sử dụng Mã nước ngoài với
Tổng cục TCĐLCL bằng văn bản, gửi kèm theo bản sao giấy chứng nhận quyền sử
dụng mã hoặc văn bản ủy quyền.
Chương
IV
THU HỒI MÃ SỐ MÃ VẠCH ĐÃ CẤP
Điều
16. Tự ngừng sử dụng MSMV
Khi tổ
chức/doanh nghiệp sử dụng MSMV muốn ngừng sử dụng MSMV phải thông báo bằng văn
bản và nộp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng MSMV cho Tổng cục TCĐLCL thông qua
các tổ chức tiếp nhận hồ sơ. Tổng cục TCĐLCL ra quyết định thu lại mã số đã cấp
và Giấy chứng nhận quyền sử dụng MSMV, thông báo cho tổ chức/doanh nghiệp sử
dụng MSMV và công bố rộng rãi cho các tổ chức có liên quan biết.
Điều
17. Thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng MSMV
Giấy chứng
nhận quyền sử dụng MSMV đã cấp sẽ bị thu hồi khi tổ chức/doanh nghiệp sử dụng
MSMV vi phạm các điều, khoản của Quy định này và các nội dung đã cam kết khi
đăng ký sử dụng MSMV.
Chương
V
QUẢN LÝ NGÂN HÀNG MÃ SỐ QUỐC GIA VÀ
LƯU GIỮ HỒ SƠ, DỮ LIỆU VỀ CẤP, SỬ DỤNG MÃ SỐ MÃ VẠCH
Điều
18. Quản lý ngân hàng mã số quốc gia và lưu giữ hồ sơ
Tổng cục
TCĐLCL có trách nhiệm lập và duy trì Ngân hàng mã số quốc gia Việt Nam với mã
quốc gia 893; lưu giữ hồ sơ về cấp và sử dụng MSMV và hồ sơ, tài liệu liên quan
đến việc sử dụng MSMV của nước ngoài.
Điều
19. Lập và công bố danh mục các mã số đã cấp
Hằng
năm, Tổng cục TCĐLCL có trách nhiệm lập và công bố danh mục các mã số đã cấp
của Việt Nam (Niên giám MSMV) và quản lý danh mục các Mã số thương phẩm toàn
cầu GTIN và Mã số địa điểm toàn cầu GLN được sử dụng, do các tổ chức/doanh
nghiệp sử dụng MSMV đã định kỳ báo cáo.
Điều
20. Quản lý cơ sở dữ liệu[5]
Tổng cục TCĐLCL là cơ quan quản lý thống nhất các dữ liệu đăng kí sử
dụng MSMV ở Việt Nam và việc sử dụng Mã nước ngoài ở Việt Nam, tổ chức khai
thác dữ liệu phù hợp với quy định của Tổ chức GS1 quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Điều
21. Bảo mật các thông tin về tổ chức/doanh nghiệp
Tổng cục TCTCĐL và
các tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký sử dụng MSMV có trách nhiệm bảo mật các
thông tin của tổ chức/doanh nghiệp đăng kí sử dụng MSMV trừ các thông tin phải
công khai theo yêu cầu của Tổ chức GS1 quốc tế.
Chương
VI
THANH TRA, GIÁM SÁT,
GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ VIỆC CẤP VÀ SỬ DỤNG MÃ SỐ MÃ VẠCH
Điều
22. Trách nhiệm thực hiện việc thanh tra
Thanh tra
chuyên ngành TCĐLCL thực hiện việc thanh tra về MSMV theo quy định của pháp
luật về thanh tra.
Điều
23. Trách nhiệm thực hiện việc giám sát
1. Tổng
cục TCĐLCL (Trung tâm Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam) thực hiện giám sát việc
sử dụng MSMV theo quy định tại Chương III của Quy định này và theo các tiêu
chuẩn, quy định khác có liên quan.
2. Khi
phát hiện việc sử dụng MSMV chưa đúng quy định, cơ quan giám sát có trách nhiệm
nhắc nhở và hướng dẫn tổ chức/doanh nghiệp sử dụng MSMV thực hiện đúng các quy
định hiện hành.
3. Khi
phát hiện có vi phạm trong việc sử dụng MSMV, cơ quan giám sát có trách nhiệm
kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Điều
24. Xử lý vi phạm
1. Tổ
chức, cá nhân vi phạm pháp luật về MSMV bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy
định tại Nghị định 126/2005/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy
định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản
phẩm, hàng hoá.
2. Người
đứng đầu tổ chức, cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ quyền hạn gây phiền hà cho
tổ chức/doanh nghiệp sử dụng MSMV hoặc bao che cho người vi phạm bị xử lý theo
quy định của pháp luật.
Điều
25. Khiếu nại, tố cáo
1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm các
quy định về cấp, sử dụng MSMV theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
2. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về cấp, sử dụng MSMV được thực
hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Chương
VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[6]
Điều
26. Báo cáo tình hình cấp và quản lý sử dụng MSMV
Tổng cục
TCĐLCL có trách nhiệm hằng năm tổng hợp, báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ về
tình hình cấp, sử dụng và quản lý MSMV; công tác thanh tra, giám sát, giải
quyết khiếu nại, tố cáo về việc cấp và sử dụng MSMV; các thông tin phản hồi
liên quan đến việc thực hiện Quy định này cũng như các kiến nghị sửa đổi, bổ
sung nội dung Quy định này khi cần thiết.
Điều
27. Hướng dẫn thực hiện
Tổng cục
TCĐLCL có trách nhiệm tổ chức và hướng dẫn thực hiện Quy định này./.
Nơi nhận:
-
Bộ
trưởng (để báo cáo)
-
Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
-
Cổng thông tin điện tử Bộ Khoa học và Công nghệ (để đăng tải);
-
Lưu: VT, TĐC,
PC.
|
XÁC THỰC
VĂN BẢN HỢP NHẤT
KT. BỘ
TRƯỞNG
THỨ
TRƯỞNG
Trần
Việt Thanh
|