QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 28/2015/QĐ-UBND ngày 10 tháng 7 năm 2015 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về hoạt động vật liệu nổ
công nghiệp, an toàn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; hồ sơ thủ tục cấp
Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, dịch vụ nổ mìn và trách nhiệm quản
lý nhà nước về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Quy định này áp dụng cho tất cả các tổ chức, cá
nhân tham gia hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
và cụm từ viết tắt
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. “VLNCN” là tên viết tắt của cụm từ “vật
liệu nổ công nghiệp”.
2. “QCVN 02:2008/BCT” là tên viết tắt của
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 02:2008/BCT về an toàn trong bảo quản, vận chuyển,
sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp.
3. “Vật liệu nổ công nghiệp” là thuốc nổ
và các phụ kiện nổ sử dụng cho mục đích dân dụng.
4. “Hoạt động vật liệu nổ công nghiệp” là
việc thực hiện một trong số hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất, mua
bán, xuất khẩu, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy, giám sát ảnh
hưởng nổ mìn.
5. “Dịch vụ nổ mìn” là việc sử dụng vật
liệu nổ công nghiệp để thực hiện hợp đồng nổ
mìn giữa tổ chức được phép làm dịch vụ nổ mìn với tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
6. “Khoảng
cách an toàn” là khoảng cách cần thiết nhỏ nhất, theo mọi hướng tính từ vị
trí nổ mìn hoặc từ nhà xưởng, kho, phương tiện chứa vật liệu nổ công nghiệp đến các đối tượng cần bảo vệ (người, nhà ở,
công trình hoặc kho, đường giao thông công cộng, phương tiện chứa vật liệu nổ công nghiệp khác...), sao cho
các đối tượng đó không bị ảnh hưởng quá mức cho phép về chấn động, sóng không
khí, đá văng theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành khi nổ mìn hoặc
khi có sự cố cháy, nổ phương tiện, kho chứa vật
liệu nổ công nghiệp.
7. “Giám sát ảnh hưởng nổ mìn” là việc sử
dụng các phương tiện, thiết bị để đo, phân tích và đánh giá mức độ chấn động, mức
độ tác động sóng không khí do nổ mìn gây ra.
8. “Nổ mìn vi sai
điện” là phương pháp nổ mìn dùng kíp vi sai điện, có tác động nổ chậm sau
thời gian định trước để khởi nổ các lỗ mìn, kíp nổ được kích nổ bằng dòng điện.
9. “Nổ mìn vi sai
phi điện” là phương pháp nổ mìn dùng kíp vi sai phi điện, có tác động nổ chậm
sau thời gian định trước để khởi nổ các lỗ mìn, kíp nổ được kích nổ bằng sóng nổ.
10. “Bản sao” là bản sao có chứng thực (Đối
với trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện/công văn hành chính); Bản chụp kèm
theo bản chính để đối chiếu (Đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp); Bản scan
từ bản gốc (nếu thủ tục hành chính có áp dụng nộp hồ sơ qua mạng điện tử).
Điều 4. Nguyên tắc quản lý
hoạt động vật liệu nổ công nghiệp
1. Quản lý Nhà nước về hoạt động VLNCN trên địa
bàn tỉnh phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 4 Nghị định số
39/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý Nhà
nước về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ BẢO QUẢN VÀ
VẬN CHUYỂN VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP
Điều 5. Kho vật liệu nổ công
nghiệp
1. Chỉ các tổ chức, đơn vị có giấy phép sản xuất,
kinh doanh, sử dụng VLNCN và dịch vụ nổ mìn trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng
kho chứa VLNCN. Việc đầu tư, xây dựng, mở rộng, cải tạo kho chứa VLNCN phải thực
hiện đúng quy định pháp luật về đầu tư xây dựng công trình, quy chuẩn kỹ thuật
hiện hành và quy định pháp luật liên quan; đồng thời phải thỏa mãn các quy định
theo QCVN 02: 2008/BCT.
2. Sở Công thương
phối hợp với các sở, ban ngành liên quan thực hiện thẩm tra thiết kế, kiểm tra
công tác nghiệm thu đưa công trình kho chứa VLNCN dạng cố định theo quy định tại Điểm 3 Điều 6 Chương II QCVN 02:
2008/BCT vào sử dụng đối với các tổ chức thuộc thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng
VLNCN của tỉnh; Các loại kho lưu động (trừ kho có kết cấu dạng hòm, thùng chứa),
Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan và Công an tỉnh
kiểm tra kết cấu của kho theo quy định và thống nhất địa điểm cho phép đặt kho
đảm bảo các điều kiện an ninh, an toàn.
3. Việc quản lý kho VLNCN, theo dõi mở sổ xuất
nhập, sắp xếp kho, bảo quản VLNCN thực hiện theo phụ lục C, Quy chuẩn Việt Nam QCVN
02:2008/BCT.
4. Quy định về an ninh trật tự kho vật liệu nổ
công nghiệp.
a) Phải có chòi canh gác đảm bảo quan sát được
toàn bộ kho VLNCN, trang bị các thiết bị, ánh sáng, phương tiện phục vụ việc bảo
vệ canh gác, phòng cháy, phòng nổ, thông tin liên lạc, bốc dỡ và cấp phát VLNCN
theo Quy chuẩn QCVN 02:2008/BCT. Không được sử dụng kho chứa VLNCN cho mục đích
khác trong thời hạn hiệu lực quy định của Giấy phép sử dụng VLNCN;
b) Phải có phương án đảm bảo an ninh trật tự, biện
pháp xử lý và phối hợp với chính quyền địa phương trong các trường hợp có sự cố,
người xâm nhập trái phép và các trường hợp khẩn cấp khác. Phải đăng ký đầy đủ
danh sách người làm việc liên quan đến VLNCN với cơ quan Công an địa phương.
5. Quy định về phòng cháy, chữa cháy kho vật liệu
nổ công nghiệp.
a) Các nhà kho của kho cố định phải xây dựng bằng
vật liệu không cháy có bậc 1 chịu lửa theo TCVN 2622:95 Phòng cháy, chữa cháy
cho nhà và công trình - yêu cầu thiết kế:
- Trường hợp tường kho xây bằng vật liệu xây dựng
không cháy (gạch, đá, bê tông), phải có chiều dày ít nhất 220mm. Mặt trong tường
lót bằng vật liệu không phát sinh tia lửa dày 15mm, tường kho quét vôi hoặc sơn
màu sáng;
- Trường hợp đặc biệt được cơ quan Phòng cháy chữa
cháy cho phép, có thể làm bằng ván gỗ ghép hai mặt, khoảng rỗng bên trong phải
có bề dày ít nhất 200mm và được điền đầy vật liệu dạng hạt (bê tông xỉ, cát,
vôi vữa trộn mạt cưa). Các tường loại này phải được lót một lớp chống cháy hoặc
trát vữa cả hai mặt trong ngoài, tường kho quét vôi hoặc sơn màu sáng;
- Mái nhà kho phải làm bằng vật liệu không cháy,
có thể làm bằng mái ngói hoặc fibrô xi măng, mái nhà kho phải có trần. Nếu nhà
kho có mái bê tông cốt thép thì phải có lớp cách nhiệt;
- Các kho VLNCN phải được trang bị đầy đủ các
phương tiện dụng cụ chữa cháy. Các bể chứa nước chứa từ 50m3 trở lên
phải có máy bơm để bơm chữa cháy;
- Kho phải có đường ống dẫn nước hoặc bể chứa nước
chữa cháy. Phải có lối đi đến bể chứa nước thuận lợi. Dung tích bể chứa nước hoặc
lượng nước cấp bằng đường ống xác định theo bảng H.1, phụ lục H Quy chuẩn QCVN 02:2008/BCT.
b) Quá trình xây dựng công trình kho VLN công
nghiệp phải thực hiện đúng các thiết kế đã được thẩm duyệt về phòng cháy chữa
cháy, đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy trong suốt quá trình
thi công;
Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu
hộ - Công an tỉnh Bình Thuận có trách nhiệm kiểm tra thi công trong quá trình
xây dựng công trình kho VLNCN theo quy định pháp luật hiện hành.
6. Quy định cấp phát vật liệu nổ.
Các đơn vị sử dụng VLNCN có nhiệm vụ lập sổ xuất
nhập VLNCN ở kho, ghi chép đầu đủ các nội dung theo quy định, bao gồm:
a) Sổ thống kê cấp phát và trả vật liệu nổ dùng
không hết làm theo mẫu tại phụ lục E
Quy chuẩn QCVN 02:2008/BCT. Sổ phải đánh số trang và đóng dấu giáp lai của đơn
vị. Cuối mỗi ngày phải tổng hợp số liệu đã cấp phát và đã hoàn trả đối với từng
loại VLNCN;
b) Trường hợp nổ mìn các lỗ khoan nhỏ thì quản đốc
hay phó quản đốc trực ca căn cứ nhiệm vụ sản xuất của ngày, hộ chiếu nổ mìn (hộ
chiếu mẫu) định mức tiêu hao vật liệu nổ để duyệt phiếu lệnh nổ mìn. Phiếu lệnh
này đồng thời là phiếu xin lĩnh VLNCN và giao cho người thợ mìn hoặc tổ trưởng
thợ mìn thực hiện. Lệnh này phải ghi rõ và ký vào phiếu lượng VLNCN đã dùng
trong ca. Trường hợp nổ mìn lỗ khoan lớn thì Phó giám đốc kỹ thuật của đơn vị,
căn cứ vào hộ chiếu, kết quả nghiệm thu các lỗ khoan để ký lệnh nổ mìn kiêm phiếu
xuất kho VLNCN. Phiếu lệnh lập theo mẫu tại phụ lục E Quy chuẩn QCVN 02:2008/BCT
và làm cơ sở để ghi chép vào sổ thống kê cấp phát. Số không dùng hết phải đem
trả kho tiêu thụ ngay;
c) Thống kê cấp phát, phiếu lĩnh trả vật liệu nổ
không được viết bằng bút chì, không được tẩy xoá, làm nhòe. Muốn chữa phải gạch
ngang số cũ, viết số mới bên cạnh ghi lý do chữa và có chữ ký của người chữa;
d) Những người có trách nhiệm ký các lệnh xuất
VLNCN, phiếu lệnh, đều phải đăng ký chữ ký tại kho VLNCN. Thủ kho vật liệu nổ
chỉ cấp phát VLNCN theo các phiếu có người ký phiếu đã đăng ký chữ ký tại kho;
đ) Việc xuất VLNCN ra khỏi kho phải thực hiện
theo lệnh xuất VLNCN hay phiếu lệnh;
e) Kế toán đơn vị có trách nhiệm thống kê VLNCN
đã xuất và nhập trên cơ sở phiếu xuất nhập của thủ kho và trình lãnh đạo ký duyệt;
g) Định kỳ mỗi tháng một lần lãnh đạo đơn vị (hoặc
giao nhiệm vụ bằng văn bản cho người có trách nhiệm thay mặt lãnh đạo) phải kiểm
tra việc ghi chép số xuất nhập VLNCN tại kho và ký xác nhận vào sổ thống kê cấp
phát VLNCN. Khi kiểm tra phát hiện thấy thiếu, thừa VLNCN phải báo ngay cho
lãnh đạo đơn vị biết và áp dụng mọi biện pháp để truy tìm nguyên nhân.
Điều 6. Quy định thủ kho và
bảo vệ kho vật liệu nổ công nghiệp
Kho VLNCN phải có thủ kho và bảo vệ kho theo quy
định tại Quy chuẩn Việt Nam QCVN 02:2008/BCT.
1. Thủ kho VLNCN phải có sức khoẻ tốt, có trình
độ văn hóa tối thiểu tốt nghiệp phổ thông trung học và phải đáp ứng các yêu cầu
về an ninh, trật tự; được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa
cháy, ứng phó sự cố trong các hoạt động liên quan đến bảo quản VLNCN.
2. Người làm công tác bảo vệ kho phải có thể lực
tốt, được huấn luyện về chuyên môn nghiệp vụ bảo vệ, sử dụng thành thạo vũ khí,
công cụ hỗ trợ và được huấn luyện cơ bản về VLNCN theo chương trình quy định.
Biên chế đội bảo vệ kho VLNCN do thủ trưởng đơn vị quyết định sau khi đã thoả
thuận với Công an tỉnh. Chế độ bảo vệ kho VLNCN thực hiện theo phụ lục M, Quy chuẩn Việt Nam QCVN
02:2008/BCT.
Điều
7. Chuyển giao vật liệu nổ công nghiệp
1. Khi đơn vị không còn nhu cầu sử dụng VLNCN nữa
thì số VLNCN còn lại ở kho phải chuyển giao cho đơn vị được phép cung ứng
VLNCN. Việc chuyển giao này phải làm đúng thủ tục hiện hành và thông báo bằng
văn bản đến Sở Công thương và Công an tỉnh.
Trường hợp không chuyển giao được do VLNCN quá hạn
hoặc việc chuyển giao không đảm bảo các điều kiện an toàn, đơn vị được phép
tiêu hủy. Việc tiêu hủy VLNCN thực hiện theo Điều 16 QCVN 02:2008/BCT.
2. Tổ chức sử dụng VLNCN không được lưu giữ
VLNCN dư thừa tại công trường qua đêm sau khi đã kết thúc nổ mìn. Kết thúc công
việc nạp mìn nếu không sử dụng hết VLNCN, tổ chức sử dụng VLNCN phải chủ động
phối hợp với đơn vị kinh doanh cung ứng để làm thủ tục vận chuyển VLNCN về kho
để bảo quản; thủ tục vận chuyển VLNCN về kho do Phòng Cảnh sát Quản lý hành
chính về trật tự xã hội-Công an tỉnh hướng dẫn.
Điều 8. Quy định về vận
chuyển vật liệu nổ công nghiệp
1. Tổ chức hoạt động VLNCN khi vận chuyển
VLNCN phải tuân thủ theo những quy định về an toàn tại QCVN 02:2008/BCT và những
quy định khác của pháp luật hiện hành.
2. Quá trình vận chuyển VLNCN phải có giấy phép
vận chuyển VLNCN do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp vận chuyển nội bộ.
3. Khi vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp phải
đem theo đầy đủ các hồ sơ pháp lý có liên quan đến việc vận chuyển và lý lịch
lô hàng; phương tiện vận chuyển phải tuân thủ lộ trình ghi trong giấy phép vận
chuyển.
Điều 9. Điều kiện, hồ sơ, thủ
tục cấp Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp
Các tổ chức, cá nhân liên quan đến vận chuyển
VLNCN bằng phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa phải
thực hiện theo quy định tại Thông tư số 35/2010/TT-BCA ngày 11 tháng 10 năm
2010 của Bộ Công an quy định về cấp Giấy phép vận chuyển VLNCN và hàng nguy hiểm;
Thông tư số 04/2014/TT-BCA ngày 21 tháng 01 năm 2014 của Bộ Công an về việc sửa
đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2010/TT-BCA ngày 11 tháng 10 năm
2010 của Bộ Công an quy định về cấp giấy phép vận chuyển VLNCN và hàng nguy hiểm
và Thông tư số 50/2014/TT-BCA ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Bộ Công an quy định
về cấp, đổi, cấp lại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ
hỗ trợ.
Chương
III
QUY ĐỊNH VỀ
SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP
Điều 10. Điều kiện sử dụng
vật liệu nổ công nghiệp
1. Là tổ chức được thành lập theo quy định pháp
luật, có đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hoạt động những ngành nghề, lĩnh vực cần
sử dụng VLNCN.
2. Có giấy phép hoạt động khoáng sản, dầu khí được
cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật hoặc công trình
xây dựng, công trình nghiên cứu, thử nghiệm cần sử dụng VLNCN. Địa điểm sử dụng
VLNCN phải đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, đảm bảo khoảng cách an
toàn đối với các công trình, đối tượng cần bảo vệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ
thuật hiện hành và quy định liên quan.
3. Có kho chứa, công
nghệ, thiết bị, phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác sử dụng VLNCN thỏa mãn các yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
hiện hành và các quy định tại Mục 6 Nghị định số
39/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về VLNCN; trường hợp không
có kho bảo quản, phương tiện vận chuyển, phải có hợp đồng thuê bằng văn bản với
các tổ chức được phép bảo quản, vận chuyển VLNCN.
4. Lãnh đạo quản lý, chỉ huy nổ mìn, thợ mìn,
người phục vụ liên quan đến sử dụng VLNCN phải đáp ứng các yêu cầu về an ninh,
trật tự; có trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được
huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy, ứng phó sự cố trong các
hoạt động liên quan đến sử dụng VLNCN.
Điều 11. Trách nhiệm của tổ
chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
1. Tổ chức sử dụng VLNCN chỉ được mua VLNCN đã
có trong danh mục VLNCN Việt Nam và từ các doanh nghiệp kinh doanh VLNCN hợp
pháp. VLNCN thừa, sử dụng không hết phải bán lại cho tổ chức kinh doanh VLNCN hợp
pháp.
2. Thực hiện việc bổ nhiệm chỉ huy nổ mìn và thực
hiện đầy đủ các quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về kỹ thuật an toàn
trong sử dụng VLNCN khi tiến hành nổ mìn. Sử dụng công nhân nổ mìn hoặc người
lao động làm công việc có liên quan trực tiếp đến VLNCN có trình độ chuyên môn
nghiệp vụ phù hợp với vị trí, chức trách đảm nhiệm theo quy định tại Điều 6
Thông tư số 23/2009/TT-BCT ngày 11 tháng 8 năm 2009 của Bộ Công Thương và thỏa
mãn các yêu cầu quy định tại Phụ lục
C Quy chuẩn Việt Nam QCVN 02:2008/BCT.
3. Lập phương
án nổ mìn phù hợp với quy mô sản xuất, điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội nơi
nổ mìn; quy định cụ thể trong phương án nổ mìn các biện pháp an toàn, bảo vệ
canh gác chống xâm nhập trái phép khu vực nổ mìn; thủ tục cảnh báo, khởi nổ; thủ
tục bảo quản và thủ tục giám sát việc tiêu thụ, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp
tại nơi nổ mìn và các nội dung khác theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện
hành.
4. Trong trường hợp nổ mìn trong các khu vực dân
cư, cơ sở khám chữa bệnh, khu vực có các di tích lịch sử, văn hoá, bảo tồn
thiên nhiên, các công trình an ninh, quốc phòng hoặc các công trình quan trọng
khác của quốc gia, khu vực bảo vệ khác theo quy định pháp luật, thì phương án nổ
mìn phải được cơ quan cấp Giấy phép sử dụng VLNCN phê duyệt và được sự cho phép
của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận. Thực hiện việc giám sát các ảnh hưởng nổ
mìn theo quy định tại Quy chuẩn Việt Nam QCVN 02:2008/BCT và Điều 24 Quy định này.
Điều 12. Điều kiện để được
tiến hành dịch vụ nổ mìn
- Dịch vụ nổ
mìn chỉ do những tổ chức được cấp phép thực hiện dịch vụ nổ mìn;
- Tổ chức thực
hiện làm dịch vụ nổ mìn phải đăng ký Giấy phép tại Sở Công thương;
- Chỉ được phép tiến hành nổ mìn dịch vụ khi đảm
bảo các quy định an toàn, an ninh trật tự ….;
- Các tổ chức đã thuê dịch vụ nổ mìn không được
thuê nhiều tổ chức dịch vụ cùng cung ứng một loại dịch vụ tại một vị trí, địa
điểm; theo sự điều hành của bên cung ứng dịch vụ trong các hoạt động cụ thể khi
bảo quản, vận chuyển, sử dụng VLNCN.
Điều 13. Quy định về phương pháp nổ mìn lộ thiên
1. Đối với các khu vực dân cư, cơ sở khám chữa bệnh,
khu vực có các di tích lịch sử, văn hoá, bảo tồn thiên nhiên, các công trình an
ninh, quốc phòng hoặc các công trình quan trọng khác của quốc gia, khu vực bảo
vệ khác theo quy định pháp luật có khoảng cách dưới 500 m, phải sử dụng phương
pháp nổ mìn vi sai phi điện.
2. Đối với các khu vực nổ mìn ngoài Khoản 1 Điều
này phải sử dụng phương pháp nổ mìn dây nổ kết hợp kíp vi sai điện.
Điều
14. Quy định về thời gian nổ mìn
1. Thời gian được phép tiến hành nổ mìn trong
ngày bắt đầu lúc 11 giờ 30 phút đến 13 giờ. Nếu không thể khởi nổ trước 13 giờ
thì phải bảo vệ bãi nổ và được phép nổ xử lý từ 16 giờ 30 phút đến 17 giờ 30
phút trong ngày.
2. Đối với đơn vị thi công xây dựng công trình
có nhu cầu nổ mìn ngoài các giờ quy định trên, đơn vị sử dụng VLNCN có thông
báo cho Sở Công thương, Công an tỉnh, chính quyền địa phương nơi tiến hành nổ
mìn biết để kiểm tra quyết định thời gian tiến hành khởi nổ.
Điều
15. Quy định về thời gian không được phép vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công
nghiệp
1. Tết âm lịch: Trước ngày nghỉ Tết 02 (hai)
ngày, trong ngày nghỉ Tết và sau ngày nghỉ Tết 02 (hai) ngày.
2. Những ngày nghỉ lễ theo quy định của Bộ Luật
Lao động: Trước ngày nghỉ lễ 01 (một) ngày, trong ngày nghỉ lễ và sau ngày nghỉ
lễ 01 (một) ngày.
3. Trong một số trường hợp đặc biệt, Sở Công
thương hoặc Công an tỉnh sẽ có thông báo bằng văn bản việc không được tiến hành
nổ mìn trong một thời gian nhất định.
Điều
16. Thủ tục cấp giấy phép sử dụng VLNCN
Tất cả các doanh nghiệp, tổ chức thuộc các thành
phần kinh tế muốn sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phải làm thủ tục cấp
giấy phép sử dụng VLNCN tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và đăng ký đầy đủ thủ
tục với các cơ quan chức năng của tỉnh theo quy định của pháp luật và Quy định
này. Trong đó:
1. Doanh nghiệp nhà nước ở địa phương, doanh
nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn: nộp hồ sơ tại Sở
Công thương.
2. Doanh nghiệp nhà nước Trung ương, doanh nghiệp
có vốn đầu tư nước ngoài, đơn vị làm dịch vụ nổ mìn, các doanh nghiệp hoạt động
dầu khí, các cơ quan đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu khoa học: nộp hồ sơ tại Bộ
Công thương (Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp).
3. Doanh nghiệp thuộc
cơ quan Quân sự nộp hồ sơ tại Tổng Cục Công nghiệp quốc phòng - Bộ Quốc phòng.
Điều
17. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Tổ chức có nhu cầu sử dụng VLNCN nộp 01 bộ hồ sơ
đến cơ quan có thẩm quyền được quy định tại Điều 16 Quy định này. Hồ sơ đề nghị
cấp Giấy phép sử dụng VLNCN bao gồm.
1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép sử dụng VLNCN do
lãnh đạo ký (Phụ lục 1. Mẫu
đơn đề nghị).
2. Bản sao Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, phải có Giấy
chứng nhận đầu tư hoặc Giấy phép thầu do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định
pháp luật.
3. Bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an
ninh trật tự.
4. Bản sao Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản
đối với các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản; Giấy phép thăm dò, khai thác dầu
khí đối với các doanh nghiệp hoạt động dầu khí; Quyết định trúng thầu thi công
công trình hoặc Hợp đồng nhận thầu hoặc văn bản ủy quyền, giao nhiệm vụ thực hiện
hợp đồng thi công công trình của tổ chức quản lý doanh nghiệp.
5. Thiết kế thi công các hạng mục công trình xây
dựng, thiết kế khai thác mỏ có sử dụng VLNCN đối với các công trình quy mô công
nghiệp; phương án thi công, khai thác đối với các hoạt động xây dựng, khai thác
thủ công. Thiết kế hoặc phương án do chủ đầu tư phê duyệt phải thỏa mãn các yêu
cầu an toàn theo Quy phạm kỹ thuật an toàn trong khai thác và chế biến đá lộ
thiên TCVN 5178:2004 hoặc Quy phạm kỹ thuật an toàn trong các hầm lò than và diệp
thạch TCVN-14-06-2006 hoặc Quy phạm kỹ thuật an toàn trong công tác xây dựng
TCVN 5308:91 và các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng liên quan.
6. Phương án nổ mìn theo nội dung hướng dẫn tại Phụ lục 2 Quy định này.
Phương án nổ mìn phải được lãnh đạo doanh nghiệp
ký duyệt hoặc cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 4 Điều 11 Quy định này phê duyệt, cho phép.
7. Phương án giám sát ảnh hưởng nổ mìn thỏa mãn
các yêu cầu của QCVN 02:2008/BCT (nếu có); kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng
phó sự cố khẩn cấp đối với kho, phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.
8. Văn bản cam kết đáp ứng đầy đủ các điều kiện
an toàn về phòng cháy chữa cháy của người đứng đầu cơ sở với cơ quan cảnh sát
PCCC đối với kho VLNCN kèm theo hồ sơ kho bảo quản thỏa mãn
các quy định tại QCVN 02:2008/BCT đối với các tổ chức có kho bảo quản vật
liệu nổ công nghiệp.
Trường hợp tổ chức đề nghị cấp
phép sử dụng VLNCN không có kho hoặc không có phương tiện vận chuyển, hồ sơ đề
nghị cấp phép phải có bản sao hợp lệ hợp đồng nguyên tắc thuê kho, phương tiện
vận chuyển VLNCN với tổ chức có kho, phương tiện VLNCN thỏa mãn các yêu cầu nêu
trên hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng nguyên tắc với tổ chức được phép kinh doanh
VLNCN để cung ứng VLNCN đến công trình theo hộ chiếu nổ mìn.
9. Quyết định bổ nhiệm người chỉ
huy nổ mìn của lãnh đạo doanh nghiệp và danh sách thợ mìn, người liên quan trực
tiếp đến sử dụng VLNCN; Giấy phép lao động của người nước ngoài làm việc có
liên quan đến sử dụng VLNCN (nếu có).
Điều 18. Hồ sơ đề nghị cấp lại, cấp điều chỉnh Giấy phép sử
dụng vật liệu nổ công nghiệp
1. Về đề nghị cấp lại Giấy phép
sử dụng VLNCN:
Ít nhất ba mươi ngày (30 ngày)
trước khi giấy phép sử dụng VLNCN hết hạn, tổ chức có nhu cầu cấp lại giấy phép
sử dụng VLNCN phải lập hồ sơ nộp về cơ quan cấp phép lần đầu. Hồ sơ nộp gồm 01
bộ như sau:
- Đơn đề nghị (Phụ lục 1. Mẫu đơn đề nghị);
- Báo cáo hoạt động sử dụng
VLNCN trong thời hạn hiệu lực của Giấy phép đã cấp lần trước;
- Các tài liệu quy định tại Điều
17 Quy định này (nếu có sự thay đổi).
Trường hợp Doanh nghiệp nhà nước
đã được cổ phần hóa mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối thì trước khi giấy
phép sử dụng VLNCN hết hạn ít nhất 30 ngày; đơn vị phải nộp hồ sơ theo quy định
tại Điều 17 Quy định này về Sở Công Thương để xem xét, giải quyết.
2. Về đề nghị cấp điều chỉnh Giấy
phép sử dụng VLNCN:
Tổ chức đã được cấp Giấy phép sử
dụng VLNCN nhưng trong thời gian hoạt động có thay đổi về đăng ký kinh doanh, về
địa điểm, quy mô và điều kiện sử dụng VLNCN thì phải đề nghị cấp điều chỉnh Giấy
phép sử dụng VLNCN. Hồ sơ nộp gồm 01 bộ như sau:
- Đơn đề nghị (Phụ lục 1. Mẫu đơn đề nghị);
- Bản sao Giấy chứng nhận đủ điều
kiện về an ninh trật tự cấp mới theo đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp thay
đổi về đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp;
- Các tài liệu tương ứng với điều
kiện thay đổi quy định tại Điều 17 Quy định này đối với các tổ chức đề nghị cấp
điều chỉnh Giấy phép sử dụng VLNCN trong trường hợp thay đổi về địa điểm, quy
mô hoặc điều kiện sử dụng.
Điều 19.
Đăng ký sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
1. Các tổ chức được Bộ Công thương
(Cục Kỹ Thuật an toàn và Môi trường công nghiệp) hoặc Bộ Quốc phòng (Tổng cục
công nghiệp Quốc phòng) cấp Giấy phép sử dụng VLNCN (kể cả đơn vị làm dịch vụ nổ
mìn) đến hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phải đăng ký Giấy phép sử dụng
VLNCN tại Sở Công thương để quản lý, theo dõi, chậm nhất 03 ngày trước khi nổ
mìn. Sở Công thương phối hợp với Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát PC 64, Phòng Cảnh
sát PC 66) tiến hành kiểm tra việc đảm bảo các quy định pháp luật về thời
gian, địa điểm nổ mìn, khoảng cách an toàn, các điều kiện an ninh, an toàn
phòng cháy, chữa cháy và các điều kiện an toàn khác và cấp Giấy đăng ký cho tổ
chức sử dụng VLNCN trước khi nổ mìn. Hồ sơ đăng ký gồm 01 bộ như sau:
a) Đề nghị đăng ký sử dụng
VLNCN do thủ trưởng đơn vị ký;
b) Bản sao Giấy phép sử dụng
VLNCN;
c) Danh sách chỉ huy nổ mìn và
người trực tiếp liên quan công tác nổ mìn;
d) Phương án nổ mìn; thời gian,
địa điểm tiến hành;
đ) Hợp đồng dịch vụ nổ mìn, số
lượng, phạm vi, quy mô tổ chức dịch vụ nổ mìn phải phù hợp với nhiệm vụ, nhu cầu
của các hoạt động xây dựng công trình, hoạt động khoáng sản đã được phê duyệt
và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương. Đơn vị làm dịch vụ nổ mìn bảo đảm đủ
điều kiện sử dụng VLNCN quy định tại Điều 21, Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày
23/4/2009 của Chính phủ về VLNCN;
e) Trong trường hợp nổ mìn ở
khu vực dân cư, công trình văn hóa lịch sử, công trình quan trọng quốc gia và
các công trình khác không thuộc quyền sở hữu của tổ chức sử dụng VLNCN, tổ chức
sử dụng VLNCN phải lập phương án giám sát ảnh hưởng nổ mìn thoả mãn các yêu cầu
của QCVN 02:2008/BCT. Quy định giám sát ảnh hưởng nổ mìn thực hiện theo Điều 24
Quy định này.
2. Các đơn vị, doanh nghiệp
quân đội do Bộ Quốc phòng cấp phép sử dụng VLNCN, khi sử dụng VLNCN phục vụ cho
mục đích kinh tế tại tỉnh Bình Thuận có trách nhiệm thực hiện đăng ký giấy phép
sử dụng VLNCN tại Sở Công thương và những quy định pháp luật liên quan.
Điều 20.
Thời hạn cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
1. Không
quá 05 (năm) năm đối với Giấy phép sử dụng VLNCN phục vụ khai thác khoáng sản.
2. Theo thời hạn công trình
nhưng không quá 02 (hai) năm đối với Giấy phép sử dụng VLNCN phục vụ thi công
công trình, nghiên cứu, thử nghiệm.
3.
Phí thẩm định cấp giấy phép sử dụng VLNCN theo quy định tại Quyết định số
61/2008/QĐ-UBND ngày 29 tháng 7 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.
Điều 21. Thẩm quyền cấp Giấy phép, đăng ký sử dụng
vật liệu nổ công nghiệp
1. Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền
cho Sở Công thương tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và cấp mới, cấp lại, điều chỉnh hoặc
thu hồi giấy phép sử dụng VLNCN đối với các doanh nghiệp thuộc Khoản 1 Điều 16
Chương III Quy định này. Thực hiện đăng ký sử dụng VLNCN đối với các doanh
nghiệp do Bộ Công thương (Cục Kỹ Thuật an toàn và Môi trường công nghiệp) hoặc
Bộ Quốc phòng (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) cấp Giấy phép theo Điều 19 Quy
định này.
2. Thời hạn
xử lý hồ sơ:
- Trong thời gian không quá 05
(năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công thương phải tiến
hành kiểm tra, thẩm định hồ sơ và thực hiện việc cấp mới, cấp lại, điều chỉnh
hoặc thu hồi giấy phép sử dụng VLNCN, hoặc trả lời
cho đơn vị về việc Giấy phép không được cấp và nêu rõ lý do;
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc,
kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công thương có trách nhiệm xác nhận đăng ký
cho tổ chức đề nghị đăng ký sử dụng VLNCN, trong trường hợp không xác nhận phải
thông báo rõ lý do.
Chương IV
QUY ĐỊNH VỀ
KIỂM TRA, THỬ, HỦY VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP VÀ GIÁM SÁT CÁC ẢNH HƯỞNG NỔ MÌN
Điều 22. Kiểm tra và thử vật liệu nổ công
nghiệp
Các
tổ chức có kho bảo quản VLNCN, phải định kỳ tiến hành kiểm tra và thử nổ nhằm
xác định chất lượng của VLNCN theo quy định tại Điều 15, QCVN 02:2008/BCT. Việc
kiểm tra và thử phải theo đúng quy định ở Phụ lục L của QCVN 02:2008/BCT.
Điều 23. Hủy vật liệu nổ công nghiệp
VLNCN
sau khi kiểm tra và thử nếu xác định đã mất phẩm chất mà không có khả năng hoặc
không có điều kiện tái chế thì phải tiến hành hủy. Đơn vị tổ chức hủy phải có Giấy
phép sản xuất, sử dụng VLNCN. Trình tự thủ tục và các bước tiến hành hủy VLNCN
thực hiện theo quy định tại Điều 16, QCVN 02:2008/BCT.
Điều 24. Quy định về giám sát các ảnh hưởng nổ
mìn
Khi nổ mìn ở khu dân cư, công trình văn hóa lịch sử, công trình quan trọng
quốc gia và các công trình khác không thuộc quyền sở hữu của đơn vị sử dụng vật
liệu nổ công nghiệp. Tổ chức sử dụng VLNCN
phải lập phương án giám sát và tổ chức thực hiện giám sát, xác định về ảnh hưởng
nổ mìn theo yêu cầu của QCVN 02:2008/BCT; 15 ngày trước khi tiến hành nổ mìn, tổ
chức sử dụng VLNCN phải gửi phương án giám sát về Sở Công thương để kiểm tra
việc thực hiện phương án giám sát ảnh hưởng nổ mìn. Nội dung giám sát thực hiện
theo Chương II, mục 5, QCVN 02:2008/BCT quy định về giám sát các ảnh hưởng nổ
mìn.
Chương V
HUẤN LUYỆN, KIỂM
TRA, SÁT HẠCH VÀ BÁO CÁO VIỆC SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP
Điều 25.
Huấn luyện, kiểm tra, sát hạch cấp giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn vật liệu nổ
công nghiệp
1. Sở Công thương chủ trì tổ chức
huấn luyện, kiểm tra, sát hạch và cấp Giấy chứng nhận về kỹ thuật an toàn VLNCN
theo quy định tại QCVN 02:2008/BCT cho chỉ huy nổ mìn, thợ mìn và các đối tượng
có liên quan đến hoạt động VLNCN thuộc thẩm quyền. Việc huấn luyện kiểm tra,
sát hạch được tổ chức 02 năm một lần.
2. Nội dung huấn luyện kiểm
tra, sát hạch Quy định tại Phụ
lục C của QCVN 02:2008/BCT.
Điều 26. Thanh tra, kiểm tra, báo cáo tình hình sử
dụng vật liệu nổ công nghiệp
1. Thanh tra, kiểm tra tình
hình sử dụng VLNCN.
Sở Công thương chủ trì phối hợp
với Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ban ngành
liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ 1 lần/1năm hoặc đột xuất để kịp thời chấn chỉnh
và xử lý vi phạm về sử dụng VLNCN theo quy định tại Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu
nổ công nghiệp.
2. Báo cáo tình hình sử dụng vật
liệu nổ công nghiệp.
Các doanh nghiệp sử dụng vật liệu
nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phải thực hiện báo cáo định kỳ với
Sở Công thương như sau:
Báo cáo số lượng, chủng loại,
chất lượng VLNCN và các vấn đề có liên quan khác cho Sở Công thương nơi tiến
hành nổ mìn vào trước ngày 25 tháng 6 đối với báo cáo sáu tháng và trước ngày
25 tháng 12 đối với báo cáo năm. Mẫu báo cáo quy định tại Phụ lục 3 Quy định này;
Sở Công thương chịu trách nhiệm
báo cáo Bộ Công thương về tình hình cấp giấy phép và sử dụng VLNCN trên địa bàn
tỉnh theo quy định tại Thông tư 23/2009/TT-BCT ngày 11 tháng 8 năm 2009
của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều trong Nghị định số
39/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về VLNCN.
Chương VI
TRÁCH NHIỆM CỦA
CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ CÁC DOANH NGHIỆP VỀ VIỆC SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG
NGHIỆP
Điều 27.
Trách nhiệm chung của các sở, ngành và địa phương
Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện
chức năng quản lý Nhà nước về VLNCN trên địa bàn tỉnh. Các Sở: Công thương, Lao
động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, UBND các địa phương theo chức năng
quản lý ngành và địa phương được phân công có trách nhiệm giúp UBND tỉnh trong
công tác quản lý Nhà nước về VLNCN trên địa bàn tỉnh.
Điều 28.
Trách nhiệm của Sở Công Thương
1. Sở Công thương là cơ quan đầu
mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về VLNCN trên địa bàn tỉnh.
2. Chủ trì, phối hợp với
các ngành chức năng có liên quan thực hiện:
a) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện
các văn bản quy phạm pháp luật về cung ứng, vận chuyển, bảo quản và sử dụng
VLNCN trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;
b) Tiếp nhận hồ sơ, chủ trì và
phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định hồ sơ và cấp phép theo ủy quyền của
Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc cấp mới, cấp lại, điều chỉnh hoặc thu hồi Giấy
phép sử dụng VLNCN của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm
quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh;
c) Chủ trì, phối hợp với các
ngành chức năng liên quan ở tỉnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử
lý hoặc đề nghị xử lý vi phạm hành chính về quản lý, cung ứng, bảo quản sử dụng
VLNCN trên địa bàn theo quy định của pháp luật và Quy định này.
3. Thực hiện việc đăng ký sử dụng
VLNCN đối với các đơn vị có giấy phép sử dụng VLNCN do Bộ Công thương hoặc Bộ
Quốc phòng cấp đến hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Thuận theo quy định của
pháp luật.
4. Chủ trì kiểm tra việc thực
hiện phương án giám sát ảnh hưởng chấn động do nổ mìn của tổ chức sử dụng VLNCN
trên địa bàn tỉnh.
5. Tổ chức huấn luyện, sát hạch
cấp giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn VLNCN cho các đối tượng quy định tại Khoản
1 Điều 25 Quy định này.
6. Lập báo cáo định kỳ 06 (sáu)
tháng, hàng năm về tình hình quản lý kinh doanh và sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh
cho Bộ Công thương trước ngày 30 tháng 6 đối
với báo cáo 06 (sáu) tháng và trước ngày 31 tháng 12 đối với báo cáo năm.
Điều 29.
Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Trách nhiệm trong lĩnh vực
quản lý hành chính về trật tự xã hội:
a) Tiếp nhận hồ sơ và xem xét cấp
giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho các tổ chức sử dụng VLNCN
trên địa bàn tỉnh;
b) Tiếp nhận hồ sơ, xem xét cấp
giấy phép vận chuyển VLNCN (M) và kiểm tra giấy phép vận chuyển VLNCN của tổ chức
hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh;
c) Chủ trì công tác kiểm tra về
việc đảm bảo thực hiện các điều kiện về an ninh trật tự của các tổ chức hoạt động
VLNCN trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của ngành;
d) Tham gia đóng góp ý kiến thẩm
định về lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội cho hồ sơ thiết kế cơ sở công
trình kho chứa VLNCN của các tổ chức hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh;
đ) Tiến
hành xử lý các hành vi vi phạm hành chính hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều
kiện về an ninh trật tự đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng các quy định
quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự trong các đơn vị
sử dụng VLNCN theo thẩm quyền.
2. Trách nhiệm trong lĩnh vực
quản lý phòng cháy và chữa cháy:
a) Chủ trì công tác thanh, kiểm
tra việc thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy của tổ chức hoạt động VLNCN
trên địa bàn tỉnh;
b) Tham gia
đóng góp ý kiến thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy cho hồ sơ thiết kế công
trình kho chứa VLNCN của các tổ chức hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh.
3. Tham gia đoàn thanh, kiểm
tra định kỳ hoặc đột xuất các hoạt động của tổ chức hoạt động VLNCN trên địa
bàn tỉnh do Sở Công thương chủ trì.
4. Xử lý vi phạm về VLNCN theo
thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Điều 30.
Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Hướng dẫn thực hiện các quy
định về an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với các tổ chức hoạt động VLNCN
trên địa bàn tỉnh.
2. Tham gia kiểm tra việc thực
hiện phương án giám sát ảnh hưởng chấn động nổ mìn của các tổ chức sử dụng
VLNCN trên địa bàn tỉnh do Sở Công thương chủ
trì.
3. Tham gia thanh, kiểm tra định
kỳ hoặc đột xuất các hoạt động của tổ chức hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh do
Sở Công thương chủ trì.
Điều 31.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
1. Có trách nhiệm chỉ đạo các
ngành chức năng liên quan ở địa phương và Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi, giám
sát hoạt động VLNCN trên địa bàn. Báo cáo kịp thời về Sở Công thương khi phát
hiện việc sử dụng VLNCN sai quy định.
2. Tham gia thanh, kiểm tra định
kỳ hoặc đột xuất các hoạt động của tổ chức hoạt động VLNCN trên địa bàn do Sở
Công thương hoặc Công an tỉnh chủ trì.
3. Tham gia xử lý sự cố và các
vấn đề khác xảy ra có liên quan đến các hoạt động VLNCN trên địa bàn.
4. Xử lý vi phạm theo thẩm quyền
hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Điều 32.
Trách nhiệm của Doanh nghiệp hoạt động vật liệu nổ công nghiệp
Tất cả các đơn vị cung ứng, vận
chuyển, sử dụng VLNCN, dịch vụ nổ mìn hoạt động trên địa bàn tỉnh chỉ được hoạt
động sử dụng VLNCN khi các cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép và đăng ký với Sở
Công Thương, Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát PC64, Phòng Cảnh sát PC66). Lãnh đạo
các đơn vị sử dụng VLNCN, dịch vụ nổ mìn có trách nhiệm trực tiếp quản lý, kiểm
tra việc bảo quản, cấp phát, quy trình kỹ thuật khoan nổ, an toàn lao động
trong sử dụng VLNCN tại khai trường (nơi có hoạt động khai thác nổ mìn), công
trường theo quy định tại Quy chuẩn Việt Nam QCVN 02:2008/BCT và các quy định
khác có liên quan đến VLNCN. Trước khi nổ mìn phải thông báo cho chính quyền và
nhân dân địa phương biết về địa điểm, thời gian nổ mìn để phòng tránh tai nạn.
Định kỳ 6 tháng, hàng năm phải
lập báo cáo về tình hình cung ứng, sử dụng VLNCN của đơn vị mình gửi Sở Công
thương và các ngành chức năng liên quan để theo dõi quản lý.
Điều 33. Xử
lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của
Quy định này và các quy định khác của pháp luật
liên quan về hoạt động
VLNCN, tùy theo
mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định
số 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ
quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa
chất, phân bón và VLNCN hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình
sự, trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền
hạn cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, cá nhân hoạt động VLNCN; bao che cho người vi phạm pháp luật về
hoạt động VLNCN hoặc thiếu trách
nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà
bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải
bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chương
VII
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Điều 34.
Điều khoản chuyển tiếp
Các Giấp phép sử dụng VLNCN còn
thời hạn theo quy định của pháp luật trước ngày Quy định này có hiệu lực thi
hành được tiếp tục thực hiện theo thời hạn quy định tại Giấy phép.
Điều 35. Tổ
chức thực hiện
Thủ trưởng các sở, ngành; Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ
quan, địa phương mình tổ chức thực hiện Quy định này.
Sở Công thương phối hợp các sở,
ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện Quy định
này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, các ngành, các địa
phương, các đơn vị báo cáo kịp thời về Sở Công thương để tổng hợp, trình Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hoạt động VLNCN trên
địa bàn tỉnh./.
Phụ lục 1. Mẫu đơn đề nghị
(Ban hành kèm theo Quyết định số 28/2015/QĐ-UBND ngày 10 tháng 7 năm
2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập -Tự do - Hạnh phúc
---------------------
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
Cấp (cấp lại, cấp điều chỉnh) Giấy phép sử dụng
vật liệu nổ công nghiệp
Kính gửi: Sở Công thương tỉnh Bình Thuận.
Tên doanh nghiệp:............................................................……….…………......
Quyết định
hoặc Giấy phép thành lập số: ..........................................……........
Do……………………...............................cấp
ngày..........................……........
Nơi đặt trụ
sở chính:
...........................................................................….…......
Đăng ký
kinh doanh số………….do…..... cấp ngày..…tháng… năm 20……..
Mục đích:
...................................................................…………………………
Phạm vi, địa
điểm:
......................................................................……………....
Họ và tên
người đại diện:…...............................................................................
Ngày tháng
năm sinh: ................................... Nam (Nữ)...................................
Chức danh (Giám đốc/Chủ doanh nghiệp):
.......................................................
Địa chỉ thường trú (hoặc tạm trú):
.....................................................................
Đề nghị Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận xem xét và cấp (cấp
lại, cấp điều chỉnh) Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho doanh nghiệp
theo quy định tại Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính
phủ về vật liệu nổ công nghiệp; Nghị định số 54/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 6 năm
2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày
23 tháng 4 năm 2009; Thông tư số 23/2009/TT-BCT ngày 11 tháng 8 năm 2009 của Bộ
trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều trong Nghị định số
39/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp
và Thông tư số 26/2012/TT-BCT ngày 21 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công
Thương sửa đổi bổ sung một số điều tại Thông tư số 23/2009/TT-BCT ngày 11 tháng
8 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều trong Nghị
định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về vật liệu nổ
công nghiệp.