ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
82/KH-UBND
|
Bạc
Liêu, ngày 10 tháng 6 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
PHÒNG, CHỐNG BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC TRÊN TRÂU, BÒ CỦA TỈNH BẠC LIÊU, GIAI
ĐOẠN 2022 - 2030
Thực hiện Quyết định số 1814/QĐ-TTg
ngày 28 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt kế hoạch
quốc gia phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò giai đoạn 2022 - 2030”;
Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục
trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2022 - 2030, với các nội
dung chính như sau:
I. NHẬN ĐỊNH TÌNH
HÌNH BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC
1. Đặc điểm của
bệnh Viêm da nổi cục:
- Bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) do vi
rút thuộc họ Poxviridae, chi Capripoxvirus, cùng chi với vi rút
gây bệnh đậu trên dê, cừu.
- Vi rút VDNC ổn định, tồn tại trong
thời gian dài ngoài môi trường, đặc biệt là ở dạng vảy khô; tồn tại trong các nốt
da hoại tử trên 33 ngày, trong các lớp vảy khô lên đến 35 ngày và ít nhất 18
ngày trong da phơi khô. Vi rút nhạy cảm với ánh sáng mặt trời và chất tẩy rửa
có chứa dung môi lipid, nhưng trong điều kiện môi trường tối và ẩm ướt, ví dụ
như chuồng trại bị ô nhiễm, vi rút có thể tồn tại trong nhiều tháng.
- Động vật mẫn cảm với vi rút VDNC là
trâu, bò. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 - 20%; tỷ lệ chết khoảng 1 - 5%. Thời
gian ủ bệnh trung bình khoảng 04 - 14 ngày.
- Triệu chứng và đặc điểm nhận biết của
bệnh VDNC: Triệu chứng chính của bệnh bao gồm: sốt cao (có thể trên 41 °C),
bỏ ăn, giảm tiết sữa, da và niêm mạc nổi những nốt sần có đường kính khoảng 2 -
5cm, đặc biệt là vùng da cổ, đầu, bầu vú, cơ quan sinh dục và vùng đáy chậu.
- Phương thức lây truyền bệnh: Bệnh
VDNC lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; tiếp súc giữa gia
súc bệnh và gia súc khỏe mạnh; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu,
bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch.
2. Tình hình dịch
bệnh trong nước và trong tỉnh:
- Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, bệnh VDNC trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào tháng
10 năm 2020 bệnh chủ yếu gây ra trên đàn trâu, bò tại các tỉnh biên giới phía Bắc
và sau đó lây lan dần đến phía Nam và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Kiên
Giang, Đồng Tháp,...
- Theo thống kê của Cục Thú y trong
năm 2021, bệnh VDNC đã xảy ra tại 4.349 xã của 55 tỉnh, thành phố. Số gia súc mắc
bệnh gồm 207.687 con, số gia súc tiêu hủy 29.182 con. Từ đầu năm đến nay, bệnh
VDNC xảy ra tại 17 xã của 02 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 15 con trâu, bò.
- Tỉnh Bạc Liêu bệnh VDNC bắt đầu xảy
ra vào năm 2021 tại xã Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi), xã Vĩnh Trạch và
Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu), tổng số bò mắc bệnh 07 con, không
có bò chết và tiêu hủy do chưa có bò mắc bệnh nặng. Tuy nhiên, bệnh đã được khống
chế, không có dấu hiệu lây lan trên diện rộng và đến nay không phát sinh thêm ổ
dịch mới.
II. MỤC TIÊU KẾ HOẠCH
I. Mục tiêu
chung:
Chủ động ứng phó, phát hiện sớm, kiểm
soát, khống chế thành công dịch bệnh VDNC trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh Bạc
Liêu; giảm thiểu nguy cơ bệnh lây lan trên diện rộng, góp phần bảo đảm an toàn
thực phẩm cho người dân.
2. Mục tiêu cụ
thể:
- Tiêm phòng vắc xin VDNC cho trên
80% tổng đàn trâu, bò, bê, nghé (gọi chung là trâu, bò) thuộc diện tiêm
tại thời điểm tiêm phòng.
- Chủ động giám sát, phát hiện sớm và
kiểm soát tốt dịch bệnh nhằm ngăn chặn dịch bệnh VDNC lây lan trên rộng và hướng
tới thành dịch bệnh địa phương nhỏ lẻ không ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi.
- Phòng bệnh chủ động, có hiệu quả bằng
các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc và tiêu
diệt các véc tơ truyền bệnh; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.
- Kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc
vận chuyển, ngăn chặn không để mầm bệnh VDNC từ các địa phương khác xâm nhiễm
vào tỉnh.
- Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật,
công nghệ tin học vào công tác quản lý dữ liệu, khống chế dịch bệnh.
III. NỘI DUNG VÀ
CÁC GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
1. Phòng bệnh bằng
vắc xin VDNC:
a) Nguyên tắc chung:
Sử dụng vắc xin VDNC để tiêm phòng
cho đàn trâu, bò là giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất và chi phí thấp nhất
trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
b) Đối tượng tiêm vắc xin:
Trâu, bò, bê, nghé trên 06 tháng tuổi,
khỏe mạnh, chưa được tiêm vắc xin hoặc đã tiêm vắc xin VDNC nhưng hết thời gian
miễn dịch bảo hộ (theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin); trong trường
hợp địa phương có dịch tiêm theo hướng dẫn cụ thể của ngành thú y.
c) Phạm vi tiêm vắc xin:
- Hằng năm, tổ chức tiêm vắc xin VDNC
đồng loạt cho trâu, bò trên địa bàn, đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt trên 80% tổng đàn
thuộc diện tiêm tại thời điểm tiêm phòng.
- Khi có dịch bệnh xảy ra, tổ chức rà
soát và tiêm phòng bổ sung vắc xin VDNC cho đàn trâu, bò (chưa được tiêm vắc
xin hoặc đã được tiêm vắc xin VDNC nhưng hết thời gian miễn dịch bảo hộ)
trong phạm vi bán kính tối thiểu 60 km tính từ ổ dịch VDNC hoặc theo địa giới
hành chính cấp huyện của địa phương có dịch bệnh VDNC và huyện liền kề xung
quanh địa phương có dịch bệnh VDNC.
d) Thời điểm tiêm vắc xin:
- Mỗi năm thực hiện tiêm phòng 01 đợt
chính trước thời điểm dịch bệnh VDNC thường xảy ra tại địa phương, trước mùa
phát triển của các véc tơ truyền bệnh VDNC (như ruồi, muỗi, ve, mòng, ...)
trước khi hết thời gian miễn dịch bảo hộ đối với trâu, bò đã được tiêm vắc xin
VDNC (theo kế hoạch tiêm phòng gia súc, gia cầm hàng năm), tổng số liều
vắc xin VDNC sử dụng khoảng 3.500 liều/năm.
- Ngoài đợt tiêm chính, các địa
phương cần thường xuyên rà soát, tổ chức tiêm vắc xin VDNC bổ sung cho đàn
trâu, bò chưa được tiêm phòng, phát sinh, nhập đàn trước và sau đợt tiêm chính.
đ) Sử dụng và bảo quản vắc xin:
- Loại vắc xin tiêm phòng là những vắc
xin được cấp phép lưu hành tại Việt Nam và theo khuyến cáo sử dụng vắc xin của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Sử dụng và bảo quản vắc xin VDNC
theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đơn vị cung ứng vắc xin, theo các văn bản hướng
dẫn của Cục Thú y.
2. Chủ động
phòng bệnh có hiệu quả bằng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu
độc khử trùng, tiêu diệt véc tơ truyền bệnh:
a) Chủ cơ sở chăn nuôi trâu, bò áp dụng
các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc bảo đảm
không để gia súc mắc bệnh, làm lây lan dịch bệnh trên diện rộng, thực hiện công
tác phòng dịch theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
b) Chính quyền cơ sở phối hợp với
ngành thú y tổ chức vệ sinh, tiêu độc định kỳ tại khu vực chợ, điểm buôn bán,
giết mổ trâu, bò và các sản phẩm của trâu, bò; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối
với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật
chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.
c) Sử dụng hóa chất khử trùng được
phép lưu hành tại Việt Nam và theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và
Thú y, hướng dẫn của nhà sản xuất, đơn vị cung ứng hóa chất tiêu độc khử trùng
và tiêu diệt véc tơ truyền bệnh.
…..
bổ sung tháng hành động tiêu độc khử
trùng theo chỉ đạo của Cục Thú y và tình hình dịch bệnh của địa phương.
đ) Khuyến cáo các giải pháp chủ động
phòng dịch cho người chăn nuôi là:
- Không vận chuyển, sử dụng hoặc tiếp
tay cho việc vận chuyển trâu, bò và các sản phẩm từ trâu, bò bệnh, nghi mắc bệnh
từ nơi này sang nơi khác, đặc biệt là từ vùng đã và đang có bệnh VDNC; không
tham gia, tiếp tay cho việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không qua kiểm
dịch hoặc trốn tránh kiểm dịch vào địa bàn tỉnh.
- Tăng cường áp dụng các biện pháp an
toàn sinh học, đồng thời định kỳ vệ sinh, khử trùng và tiêu độc những nơi có
nguy cơ cao.
- Khi phát hiện có trâu, bò mắc bệnh,
nghi mắc bệnh có các triệu chứng bệnh tích giống VDNC, cần báo ngay cho nhân
viên thú y xã, chính quyền và cơ quan thú y nơi gần nhất. Việc giấu dịch, giữ
trâu, bò bệnh để điều trị là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bùng
phát, khó kiểm soát.
3. Giám sát dịch
bệnh:
a) Giám sát chủ động:
- Chủ vật nuôi, Mạng lưới thú y (MLTY)
cơ sở chủ động theo dõi, giám sát đàn trâu, bò. Trường hợp phát hiện trâu,
bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh VDNC, chết không rõ nguyên nhân hoặc trâu, bò, sản
phẩm của trâu, bò nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, báo cáo cơ quan
thú y cấp huyện, chính quyền cơ sở để xử lý theo quy định; cơ quan thú y cấp
huyện phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện việc lấy mẫu để xét nghiệm
bệnh VDNC trước khi xử lý gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh theo quy định.
- Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn lập kế hoạch trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí và
tổ chức thực hiện chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút VDNC tại địa phương
có nguy cơ cao, địa phương đã từng có dịch bệnh VDNC.
- Phối hợp với Cục Thú y thực hiện
giám sát chủ động bệnh VDNC theo các chương trình quốc gia; ngoài ra Chi cục
Chăn nuôi và Thú y chủ động lấy mẫu định kỳ giám sát tình hình dịch bệnh trong
tỉnh, mỗi năm 01 lần trước khi vào mùa dịch bệnh thường xuyên xảy ra.
b) Giám sát bị động, điều tra ổ dịch:
- Khi phát hiện trâu, bò nghi mắc bệnh
VDNC cơ quan thú y cấp huyện phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức lấy
mẫu để xét nghiệm xác định vi rút VDNC; trâu, bò nghi có tiếp xúc với đàn trâu,
bò mắc bệnh VDNC; nguyên nhân lây bệnh nếu nghi đàn trâu, bò mắc bệnh VDNC.
- Chính quyền địa phương chỉ đạo các
phòng, ban liên quan phối hợp cùng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành điều
tra ổ dịch, xác định nguyên nhân, nguồn lây bệnh, mức độ lây lan của bệnh trong
khu vực,... Thông tin điều tra ổ dịch cần bao gồm các thông tin liên quan trong
khoảng thời gian tối thiểu từ thời điểm 14 ngày trước khi xuất hiện dấu hiệu
lâm sàng của ca bệnh đầu tiên đến thời điểm áp dụng các biện pháp kiểm soát ổ dịch.
- Quy trình lấy mẫu giám sát bị động
bệnh VDNC thực hiện theo hướng dẫn của Cục Thú y. Dự kiến thực hiện lấy 06 mẫu
giám sát bị động/năm.
c) Giám sát sau tiêm phòng:
- Chủ cơ sở chăn nuôi, MLTY cơ sở
theo dõi lâm sàng trâu, bò sau tiêm phòng, nếu phát hiện trâu, bò có biểu hiện
bệnh VDNC thì tổ chức lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
- Phối hợp với Cục Thú y thực hiện
các chương trình giám sát sau tiêm phòng tại các vùng chăn nuôi trọng điểm; hoặc
giám sát để đánh giá hiệu quả, hiệu lực của vắc xin VDNC sử dụng tại địa
phương.
4. Kiểm dịch động
vật, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y
a) Kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển
ngăn chặn vận chuyển, buôn bán gia súc mắc bệnh VDNC vào địa bàn tỉnh Bạc Liêu:
- Kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm
các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp trâu, bò, sản phẩm từ
trâu, bò không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh.
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp
chặt chẽ với các ngành liên quan để thực hiện kiểm dịch tại gốc đối với trâu,
bò; sản phẩm trâu, bò xuất tỉnh và tiến hành cách ly, theo dõi, quản lý trâu,
bò nhập tỉnh theo quy định.
- Các trạm kiểm dịch động vật đầu mối
giao thông, tổ kiểm dịch lưu động thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ
trâu, bò; sản phẩm trâu, bò vận chuyển ra vào địa bàn tỉnh; tiêu độc khử trùng
phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; lấy mẫu xét nghiệm trâu, bò
mắc bệnh, nghi mắc bệnh; kịp thời phát hiện những vi phạm trong hoạt động kinh
doanh, vận chuyển, giết mổ trâu, bò và sản phẩm của trâu, bò mắc bệnh, không rõ
nguồn gốc.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập
các Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, kiểm soát các hoạt động vận chuyển,
giết mổ, kinh doanh trâu, bò, sản phẩm trâu, bò trên địa bàn cấp huyện.
- Trâu, bò được phép vận chuyển ra khỏi
địa bàn cấp tỉnh đang có dịch VDNC sau khi được tiêm vắc xin VDNC tối thiểu 21
ngày, có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh VDNC và thực hiện đầy đủ các biện
pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch theo quy định.
b) Kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ
sinh thú y:
- Thực hiện quy trình kiểm soát giết
mổ động vật theo quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y.
- Trong trường hợp phát hiện động vật,
sản phẩm động vật mắc bệnh VDNC tại cơ sở giết mổ, thực hiện các biện pháp xử
lý theo quy định.
- Cơ quan thú y cấp huyện thực hiện,
tổ chức giám sát công tác tiêu độc khử trùng ngay sau mỗi ca giết mổ và thực hiện
vệ sinh khu vực buôn bán trâu, bò và các sản phẩm từ trâu, bò.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã
và thành phố có kế hoạch xây dựng, quản lý các cơ sở giết mổ gia súc tập trung;
tăng cường công tác kiểm tra, xử lý cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không có giấy phép; phối
hợp với ngành thú y định kỳ thực hiện kiểm tra đủ điều kiện vệ sinh thú y đối với
các cơ sở giết mổ trên địa bàn quản lý.
5. Ứng phó, xử
lý ổ dịch, chống dịch, quản lý, chăm sóc gia súc bệnh:
a) Trách nhiệm của chủ gia súc:
- Cách ly ngay gia súc mắc bệnh hoặc
có dấu hiệu mắc bệnh VDNC.
- Không mua bán, vận chuyển, giết mổ,
tiêu thụ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động
vật mang mầm bệnh ra môi trường.
- Thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu
độc, xử lý, chăm sóc gia súc mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh; tiêu hủy động vật
chết theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.
- Cung cấp thông tin chính xác về dịch
bệnh theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, nhân viên thú y cấp
xã và chính quyền địa phương.
- Thực hiện các biện pháp phòng, chống
dịch bệnh không để bệnh lây lan trên diện rộng theo quy định, theo hướng dẫn,
chỉ đạo của chính quyền địa phương và ngành thú y.
b) Trách nhiệm của Thú y cấp huyện:
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp
phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y trong điều
kiện bệnh xảy ra nhỏ lẻ, không lây lan trên diện rộng.
- Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và
Thú y, chính quyền địa phương lấy mẫu xét nghiệm chủ động, bị động và giám sát
sau tiêm phòng bệnh VDNC trên trâu bò theo yêu cầu của Chi cục chăn nuôi và Thú
y.
- Phối hợp với địa phương thực hiện
công tác giám sát dịch bệnh thường xuyên, phát hiện sớm và khoanh vùng chống dịch;
tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện công bố dịch tại các xã trong trường hợp
dịch bệnh xảy ra nhỏ lẻ.
- Thực hiện công tác tiêm phòng, tiêu
độc khử trùng, phun thuốc diệt vec tơ truyền bệnh, hướng dẫn người dân chăn
nuôi an toàn sinh học, thực hiện các biện pháp phòng dịch khác.
c) Trách nhiệm của Chi cục Chăn nuôi
và Thú y:
- Tiến hành xác minh và lấy mẫu chẩn
đoán bệnh, xét nghiệm bệnh.
- Phối hợp với chính quyền các cấp, lập
chốt kiểm soát tạm thời trên các trục đường giao thông ra, vào vùng dịch, vùng
khống chế nhằm ngăn chặn, không để vận chuyển động vật, sản phẩm động vật mẫn cảm
ra, vào vùng dịch, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Luật Thú y và
có hướng dẫn, giám sát của cơ quan thú y có thẩm quyền; có giải pháp quản lý,
kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nội tỉnh để hạn chế lây
lan dịch bệnh.
- Đặt biển báo khu vực có dịch, hướng
dẫn vận chuyển trâu, bò tránh đi qua vùng dịch.
- Tổ chức phun khử trùng phương tiện
vận chuyển từ vùng dịch đi ra ngoài.
- Hướng dẫn thực hiện vệ sinh, khử
trùng, tiêu độc chuồng nuôi và khu vực xung quanh bằng vôi bột, hóa chất đặc hiệu
để tiêu diệt mầm bệnh, véc tơ truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng,...).
- Hướng dẫn xử lý, chăm sóc, quản lý
gia súc trong vùng dịch.
- Tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc công bố dịch
bệnh VDNC, công bố hết dịch trên địa bàn toàn tỉnh và tổ chức phòng, chống dịch
bệnh theo quy định.
- Giám sát xử lý, tiêu hủy động vật mắc
bệnh, chết trong ổ dịch; lấy mẫu giám sát bị động; cảnh báo tình trạng dịch bệnh
cho các đơn vị cấp huyện xung quanh.
6. Tăng cường
năng lực chẩn đoán, xét nghiệm:
- Cử cán bộ kỹ thuật, xét nghiệm tham
gia các hội thảo, đào tạo tập huấn nâng cao kỹ thuật chẩn đoán, xét nghiệm dịch
bệnh nguy hiểm.
- Tăng cường năng lực của Trạm chẩn
đoán xét nghiệm bệnh động vật Chi cục Chăn nuôi và Thú y về vật chất, con người
nhằm đảm bảo khả năng xét nghiệm PCR (xét nghiệm sinh học phân tử) cho
các bệnh truyền nhiễm của động vật trên cạn và bệnh VDNC.
7. Xây dựng cơ sở,
vùng an toàn dịch bệnh:
- Khuyến khích người chăn nuôi đăng
ký cơ sở an toàn dịch bệnh động vật đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ảnh
hưởng đến việc mua bán, xuất khẩu động vật và các sản phẩm từ động vật trong đó
có bệnh VDNC.
- Đẩy mạnh việc xây dựng vùng an toàn
dịch cấp xã, cấp liên xã hướng tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trong tỉnh đối
với một số bệnh động vật.
8. Nghiên cứu đặc
điểm dịch tễ bệnh VDNC, chọn lựa vắc xin VDNC tiêm phòng cho đàn trâu, bò trong
tỉnh:
- Phối hợp với Cục Thú y thực hiện
giám sát, thu thập mẫu vi rút, nghiên cứu các đặc tính sinh học phân tử, đặc
tính di truyền, kháng nguyên, khả năng gây bệnh và khả năng truyền lây của vi
rút VDNC, đề xuất loại vắc xin sử dụng trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với các viện, trường
nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ của bệnh trên địa bàn tỉnh và đề xuất một số giải
pháp khống chế bệnh có hiệu quả.
9. Tuyên truyền,
tập huấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi:
a) Nội dung thông tin, tuyên truyền:
- Đặc điểm và tính chất nguy hiểm của
bệnh VDNC, cách nhận biết gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh VDNC và biện pháp xử
lý, phòng, chống dịch bệnh.
- Vai trò, tầm quan trọng của việc
phòng bệnh bằng vắc xin VDNC; các đặc điểm, hiệu quả và kế hoạch tiêm vắc xin
VDNC cho đàn trâu, bò.
- Nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng,
an toàn dịch bệnh, thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi do
các hoạt động trong buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trâu, bò, sản phẩm từ trâu,
bò trái phép, không rõ nguồn gốc.
- Phổ biến chủ trương, chính sách và
quy định về phòng, chống bệnh VDNC, xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh
VDNC; xử lý các trường hợp vi phạm, không tuân thủ các quy định về phòng, chống
bệnh VDNC.
- Thông báo các nội dung và tổ chức
thực hiện Kế hoạch phòng, chống bệnh VDNC giai đoạn 2022 - 2030.
b) Phương thức thông tin, tuyên truyền:
- Hàng năm thực hiện 01-02 chương
trình khuyến nông, chuyên đề về phòng chống VDNC trên Đài Phát thanh - Truyền
hình tỉnh, viết bài tuyên truyền cho các Đài Truyền thanh địa phương; báo giấy,
báo mạng, trang thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức có liên quan; nhắn
tin trên mạng viễn thông; truyền thông trên các nền tảng công nghệ.
- Hàng năm kết hợp với các tổ chức đoàn
thể, tổ chức xã hội thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền lưu động ở
cơ sở; tuyên truyền, vận động thông qua các báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ
sở.
- Xây dựng, in ấn, phát miễn phí các
tài liệu tuyên truyền (tờ rơi, panô, sổ tay,...) về phòng, chống bệnh
VDNC. Mỗi năm cập nhật thông tin, chỉnh sửa, in ấn và phát hành 5.000 tờ rơi về
phòng chống bệnh VDNC trong tỉnh.
- Hàng năm tổ chức 07 lớp tập huấn
công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm cho cán bộ thú y của 07
huyện, thị xã và thành phố (01 lớp/huyện, thị xã, thành phố); có thể lồng
ghép phần nội dung phòng, chống bệnh VDNC trên trâu, bò vào nội dung tập huấn
phòng, chống dịch bệnh động vật hàng năm.
c) Thời điểm và tần suất tuyên truyền:
- Thông tin, tuyên truyền về các nội
dung phòng, chống bệnh VDNC phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt
trước thời điểm dịch bệnh VDNC thường xảy ra tại địa phương, trước mùa phát triển
của các véc tơ truyền bệnh VDNC, trước khi triển khai kế hoạch tiêm vắc xin
VDNC.
- Thực hiện vào các buổi sáng sớm,
chiều tối và khung giờ vàng trên Đài Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố,
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.
10. Chính sách
hỗ trợ:
Triển khai các chính sách hỗ trợ cho
chủ cơ sở chăn nuôi có gia súc phải tiêu hủy do mắc bệnh VDNC, gia súc chết do
tiêm vắc xin VDNC; chính sách hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch
theo quy định của pháp luật hiện hành, tùy theo từng thời điểm dịch bệnh xảy ra
có mức hỗ trợ phù hợp quy định.
IV. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
1. Nguồn ngân
sách của tỉnh:
- Ngân sách tỉnh đảm bảo kinh phí cho
các hoạt động của cơ quan cấp tỉnh, bao gồm những nội dung chính: Hỗ trợ cho
người chăn nuôi có trâu, bò buộc tiêu hủy, khôi phục sản xuất chăn nuôi và các
lực lượng tham gia chống dịch thuộc cơ quan cấp tỉnh; hỗ trợ mua vắc xin VDNC
và tổ chức tiêm phòng; mua dụng cụ, trang bị, bảo hộ dùng trong phòng, chống dịch
bệnh; chủ động giám sát lưu hành vi rút VDNC (thực hiện theo kế hoạch của tỉnh);
xây dựng các chuỗi chăn nuôi trâu, bò, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; điều
tra ổ dịch, lấy mẫu, xét nghiệm mẫu động vật mắc bệnh; các hoạt động chống dịch,
bảo hộ cá nhân, tiêu hủy trâu, bò, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; ứng dụng công
nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác thú y; thông tin, tuyên truyền;
đào tạo, tập huấn chuyên môn; các hoạt động kiểm tra, giám sát, hội thảo, hội
nghị về phòng, chống VDNC do tỉnh tổ chức; thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử
trùng; kinh phí mua hóa chất dự phòng, chống dịch; kinh phí xây dựng các mô
hình áp dụng các biện pháp chăn nuôi trâu, bò hiệu quả; các chính sách khuyến
khích, hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò phát triển bền vững phù hợp với tình hình thực
tiễn của các địa phương.
- Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên động vật trình Ủy
ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định bố trí kinh phí cho các hoạt động phòng,
chống dịch bệnh động vật (trong đó có bệnh VDNC trên trâu, bò); chính
sách hỗ trợ phòng, chống dịch VDNC ở địa phương theo các quy định của pháp luật
tại thời điểm xảy ra dịch.
2. Nguồn từ ngân
sách cấp huyện:
- Trong trường hợp bệnh xảy ra nhỏ lẻ,
ngân sách huyện chi trả công tác chống dịch, tiêu hủy gia súc bệnh, các hoạt động
khác khống chế dịch bao gồm: Tiền công tiêu hủy, tiền công cán bộ tham gia chống
dịch cấp huyện, cấp xã; chi tiền hỗ trợ cho người chăn nuôi tái đàn theo đúng
quy định hiện hành.
- Trong trường hợp ngân sách huyện
không đảm bảo, dịch bùng phát mạnh, địa phương khó khăn, Ủy ban nhân dân cấp
huyện làm tờ trình xin cấp ngân sách từ nguồn ngân sách của tỉnh.
3. Kinh phí do
người dân, doanh nghiệp chăn nuôi tự bảo đảm:
- Tổ chức, cá nhân chăn nuôi trâu, bò
có trách nhiệm chi trả kinh phí tiêm phòng vắc xin phòng bệnh VDNC (trong
trường hợp ngân sách nhà nước không hỗ trợ); lấy mẫu, xét nghiệm mẫu khi thực
hiện kiểm dịch vận chuyển hoặc khi có nhu cầu giết mổ tiêu thụ; phí, lệ phí kiểm
dịch vận chuyển trâu, bò, sản phẩm trâu, bò ra ngoài tỉnh; vôi bột, hóa chất khử
trùng tại cơ sở chăn nuôi, chuồng trại của mình; kinh phí tham gia xây dựng cơ
sở, vùng an toàn dịch bệnh.
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận
chuyển trâu, bò, sản phẩm của trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh VDNC phải chi trả
toàn bộ chi phí lấy mẫu, vận chuyển mẫu, gửi mẫu, xét nghiệm mẫu, tổ chức tiêu
hủy và các chi phí phục vụ công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc phương tiện, hố
chôn động vật.
4. Các nguồn vốn
hợp pháp khác:
Kinh phí thực hiện các chương trình,
dự án do các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, xã hội hóa và từ các nguồn vốn hợp
pháp khác.
5. Cơ chế tài
chính và nguyên tắc hỗ trợ:
Phân bổ kinh phí thực hiện căn cứ
theo đúng quy định tại văn bản: Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của
Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và khôi phục sản xuất
vùng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh; Quyết định số 1146/QĐ-UBND ngày
04/7/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định mức chi thực hiện
cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị
thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Quyết định số
2018/QĐ-UBND ngày 07/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định
chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh thủy sản, gia súc, gia cầm trên địa
bàn tỉnh Bạc Liêu và các văn bản có liên quan.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm:
- Tổ chức thực hiện các biện pháp
phòng, chống bệnh VDNC theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn
thi hành Luật Thú y; các văn bản chỉ đạo của tỉnh.
- Hằng năm, tham mưu Ủy ban nhân dân
tỉnh xây dựng kế hoạch kinh phí phòng chống bệnh viêm da nổi cục (lồng ghép
với Kế hoạch kinh phí phòng, chống dịch bệnh thủy sản và gia súc, gia cầm) trình
Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và bố trí kinh phí thực hiện.
- Phối hợp với Cục Thú y chủ động tổ
chức giám sát lưu hành vi rút VDNC để cảnh báo dịch bệnh, xác định chủng loại
và đánh giá tương đồng kháng nguyên để có cơ sở khoa học cho việc lựa chọn,
khuyến cáo sử dụng vắc xin. Tổ chức điều tra dịch tễ, xác định nguyên nhân dịch
bệnh xảy ra, nguồn bệnh trên đàn trâu bò mắc bệnh; phối hợp với các viện, trường
nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ, vẽ bản đồ dịch tễ bệnh VDNC trên địa bàn tỉnh Bạc
Liêu để làm căn cứ chống dịch.
- Thành lập Đoàn công tác hướng dẫn,
đôn đốc, kiểm tra công tác tiêm phòng vắc xin, công tác chống dịch (xử lý ổ
dịch, môi trường xung quanh ổ dịch). Phối hợp với Cục Thú y tổ chức giám
sát sau tiêm phòng, xét nghiệm mẫu để xác định tỷ lệ gia súc có bảo hộ đối với
bệnh VDNC.
- Tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho thú
y các huyện về công tác phòng, chống dịch VDNC, đặc điểm dịch tễ của bệnh và
các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học hướng tới xây dựng cơ sở, vùng chăn
nuôi an toàn dịch bệnh VDNC.
- Tham gia các khóa đào tạo, tập huấn
ứng dụng, triển khai có hiệu quả chương trình, dự án ứng dụng công nghệ thông
tin, chuyển đổi số trong công tác thú y, đặc biệt trong phòng, chống dịch bệnh
động vật và dịch bệnh VDNC.
- Phối hợp với các cơ quan truyền
thông thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người
chăn nuôi trong phòng, chống dịch bệnh VDNC.
- Hằng năm, tổ chức hướng dẫn, kiểm
tra, đôn đốc các địa phương thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC. Tổng
kết đánh giá việc thực hiện kế hoạch, tình hình khống chế và thanh toán bệnh dịch
VDNC trên địa bàn tỉnh, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Căn cứ vào tình hình dịch bệnh
trong tỉnh để quyết định việc điều chỉnh, bổ sung và hướng dẫn các biện pháp kỹ
thuật trong phòng, chống dịch bệnh VDNC nhằm bảo đảm không để lây lan dịch bệnh.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, giám
sát, kiểm tra và quy định chế độ báo cáo định kỳ kết quả thực hiện phòng, chống
bệnh VDNC.
- Nâng cao năng lực chẩn đoán của Trạm
chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật Chi cục Chăn nuôi và thú y.
- Tổ chức xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi
cơ sở sản xuất sản phẩm trâu, bò an toàn dịch bệnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng
trong tỉnh và khu vực lân cận hướng tới xuất khẩu.
- Tổ chức chỉ đạo thực hiện nghiêm
các quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; tổ chức quản lý chặt chẽ
các chợ buôn bán trâu, bò, đặc biệt hướng tới bảo đảm trâu, bò phải được được
tiêm vắc xin VDNC còn miễn dịch bảo hộ trước khi ra, vào các chợ, cơ sở tập kết,
trung chuyển,...
- Rà soát các cơ sở giết mổ động vật
trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; không cho giết mổ nếu cơ sở
không được chính quyền cấp giấy phép hoạt động hoặc không bảo đảm yêu cầu vệ
sinh thú y, an toàn thực phẩm; tăng cường việc kiểm soát giết mổ; xây dựng và
triển khai mạng lưới Cơ sở giết mổ tập trung; ưu tiên quỹ đất, có cơ chế đặc
thù cho chủ đầu tư trong việc bố trí mặt bằng, vốn đầu tư để xây dựng cơ sở giết
mổ động vật với hệ thống cấp đông, bảo quản lạnh, đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú
y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
2. Sở Tài chính
chịu trách nhiệm:
Trên cơ sở dự toán kinh phí Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính thẩm định, tham mưu trình Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét bố trí kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động phòng, chống
dịch theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn phù hợp
theo khả năng cân đối ngân sách của địa phương để thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch.
3. Sở Giáo dục,
Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn xây dựng các đề tài nghiên cứu các giải pháp khoa học kỹ thuật
phục vụ công tác phòng, chống bệnh VDNC.
4. Sở Văn hóa,
Thông tin, Thể thao và Du lịch; Báo Bạc Liêu; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh
chịu trách nhiệm:
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch
tuyên truyền phòng, chống bệnh VDNC, giai đoạn 2022 - 2030.
- Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo
chí và hệ thống Đài Truyền thanh cấp huyện tổ chức công tác truyền thông nguy
cơ dịch bệnh VDNC, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân chủ động
áp dụng các biện pháp phòng bệnh.
5. Công an tỉnh
chịu trách nhiệm:
Chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp
tục điều tra, theo dõi nắm tình hình, rà soát cập nhật danh sách các đối tượng
có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển tiêu thụ động vật, các sản phẩm động
vật, nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép, chưa qua kiểm dịch, mất vệ
sinh an toàn thực phẩm; có biện pháp giáo dục, vận động, răn đe nhằm chủ động
phòng ngừa, đồng thời tập trung các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực
lượng tổ chức đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
6. Sở Giao thông
vận tải chịu trách nhiệm:
- Ban hành văn bản nghiêm cấm các
phương tiện vận tải vận chuyển gia súc, các sản phẩm gia súc không rõ nguồn gốc,
chưa qua kiểm dịch và xử lý nghiêm các chủ phương tiện vi phạm theo quy định
pháp luật.
- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao
thông và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường,
Công an, Thú y, Y tế kiểm tra, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia
súc, sản phẩm gia súc không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch tại các bến phà,
tàu xe, đầu mối giao thông theo quy định hiện hành.
7. Sở Tài nguyên
và Môi trường chịu trách nhiệm:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường phục vụ công tác
phòng, chống dịch bệnh đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường tại các hố chôn lấp.
8. Ban Chỉ đạo
chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bạc Liêu):
- Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức
triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử
lý nghiêm hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật
vào địa bàn tỉnh.
- Phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ
thông tin, dữ liệu với cơ quan thú y các cấp; phối hợp chỉ đạo, tổ
chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của
pháp luật.
9. Cục Quản lý
thị trường Bạc Liêu:
Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường phối
hợp với các lực lượng chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn,
kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, lưu thông và buôn
bán gia súc và các sản phẩm thịt gia súc không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch,...
vào địa bàn tỉnh.
10. Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã và thành phố chịu trách nhiệm:
- Quản lý, bố trí địa điểm cho việc
chăn nuôi trâu, bò phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và theo nguyên
tắc chăn nuôi trâu, bò an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, cân bằng cung cầu
và an sinh xã hội.
- Căn cứ điều kiện thực tiễn của địa
phương, có giải pháp, chính sách hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi trâu, bò xây dựng
chuồng trại đảm bảo theo yêu cầu chăn nuôi trâu, bò an toàn sinh học, an toàn dịch
bệnh VDNC phù hợp; đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn quản lý
nhằm đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng
và nhân rộng các mô hình cơ sở chăn nuôi, chuỗi sản xuất, trang trại chăn nuôi
trâu, bò đảm bảo vệ sinh phòng dịch, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh phù hợp
với điều kiện và quy mô chăn nuôi.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, giám
sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của địa phương và
báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch theo nội dung hướng dẫn của Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn.
- Hằng năm kết hợp với Chi cục Chăn
nuôi và Thú y tổ chức tiêm vắc xin VDNC cho đàn trâu, bò trên toàn bộ phạm vi địa
bàn cấp huyện bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 80% tổng đàn; chỉ đạo rà soát,
tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn trâu, bò phát sinh, nhập đàn trước và sau đợt
tiêm phòng chính.
- Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch
VDNC của huyện, chủ động ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện; bố trí nguồn lực,
vật tư, phương tiện, quỹ đất để chống dịch, tiêu hủy động vật mắc bệnh khi có dịch.
Bố trí nguồn kinh phí nêu trong phần cơ chế chính sách thuộc trách nhiệm của cấp
huyện.
- Theo dõi việc khai báo và kê khai
các cơ sở chăn nuôi theo quy định, hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn (Chi cục Chăn nuôi và Thú y).
- Quản lý hoạt động của các cơ sở giết
mổ động vật; hoạt động sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản
phẩm động vật và vệ sinh thú y trên địa bàn.
- Tổ chức hướng dẫn xây dựng các chuỗi
cơ sở, các vùng, chuỗi sản xuất các sản phẩm trâu, bò an toàn dịch bệnh, an
toàn sinh học.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã: Thực
hiện công tác phòng, chống dịch, đặc biệt công tác giám sát, phát hiện và xử lý
ổ dịch; hướng dẫn thực hiện khai báo và kê khai các cơ sở chăn nuôi theo quy định,
hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Chăn nuôi và
Thú y). Triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch, đặc biệt công tác
giám sát, phát hiện, báo cáo và xử lý ổ dịch theo hướng dẫn văn bản của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y và địa phương.
11. Các hiệp hội,
doanh nghiệp, người chăn nuôi, người vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi
trâu, bò:
- Thực hiện các quy định hiện hành của
pháp luật về chăn nuôi, thú y, phòng, chống dịch bệnh; căn cứ chức năng, nhiệm
vụ của từng tổ chức, đơn vị để tham gia thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh
theo chỉ đạo, đề nghị của Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
- Phối hợp với cơ quan chức năng,
thông báo kịp thời khi phát hiện các hành vi vi phạm, giấu dịch, tình trạng vứt
xác trâu, bò bệnh chết ra môi trường, hiện tượng bán chạy trâu, bò bệnh, không
tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Trong quá trình triển khai thực hiện,
nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời về
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo đề xuất, trình Ủy
ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý.
Kế hoạch này thay thế Kế hoạch số
98/KH-UBND ngày 16 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu về kế hoạch
phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp &
PTNT (để báo cáo);
- TT. Tỉnh ủy; TT, HĐND tỉnh (để báo cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Cục Thú y; Chi cục Thú y vùng 7;
- Các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh;
- Thành viên BCĐ PCDB động vật tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Bạc Liêu, Đài PT-TH tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Trung tâm CB-TH;
- Lưu VT, (Trạng 06).
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Phạm Văn Thiều
|