ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4301/KH-UBND
|
Bắc Ninh, ngày 06
tháng 11 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
PHÒNG,
CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC
NINH
Căn cứ Luật Thú y ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21/11/2017;
Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19/11/2018;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn chi
tiết thi hành một số điều của Luật Thủ y, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản.
Căn cứ Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày
10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch
bệnh động vật thủy sản;
Căn cứ Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày
31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch động vật
trên cạn;
Căn cứ Thông tư số 24/2019/TT-BNNPTNT ngày
24/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông
tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 quy định về phòng, chong dịch động vật
trên cạn;
Căn cứ Thông tư số 09/2021/TT-BNNPTNT ngày
12/8/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông
tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 quy định về phòng, chống dịch động vật
trên cạn;
Căn cứ Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày
30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động
vật;
Căn cứ văn bản số 6289/BNN-TY ngày 23/8/2024 của
Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc khẩn trương xây dựng Kế hoạch chủ động phòng, chống
dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2025; Công văn số 7361/BNN-TY ngày 01/10/2024 của
Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí phòng, chống
dịch bệnh năm 2025.
Căn cứ Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày
07/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành Quy định hỗ trợ
về phát triển nông nghiệp, Chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn trên địa
bàn tỉnh Bắc Ninh.
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tại Tờ trình số 1932/TTr-SNN ngay 18/10/2024.
Chủ tịch UBND tỉnh ban hành “Kế hoạch phòng, chống
dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc-Ninh”, cụ
thể như sau:
A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
I. Mục đích
Chủ động ngăn chặn, phòng, chống hiệu quả các loại
dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản của tỉnh nhằm nâng cao tính bền
vững trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; góp phần phát triển kinh tế - xã hội,
bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
II. Yêu cầu
- Việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật cần
được sự chỉ đạo thống nhất và phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các
ngành từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời huy động được cả hệ thống chính trị và toàn
dân tích cực tham gia thực hiện.
- Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật phải
tuân theo các quy định của Pháp luật về chăn nuôi, thú y, thủy sản và sự chỉ đạo,
hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y và UBND tỉnh.
- Tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật phải kịp
thời, phù hợp và hiệu quả, không gây lãng phí nguồn lực.
B. NỘI DUNG
1. Khi chưa xuất hiện dịch bệnh
1. Công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương,
chính sách, quy định của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật
trên cạn và động vật thủy sản; hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh động vật
cho người dân trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Ninh, Cổng Thông
tin điện tử tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở, Bản tin Nông nghiệp, hội nghị, hội
thảo, tập huấn, tờ rơi, băng rôn...
- Thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác tình hình dịch
bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên thế giới, trong nước và trong tỉnh để mọi
người dân được biết và chủ động phòng, chống.
- Tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ
cho đội ngũ cán bộ làm công tác thú y từ tỉnh đến cơ sở và lực lượng trực tiếp
tham gia phòng, chống dịch... Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi và nuôi trồng thủy
sản thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; hướng dẫn xây dựng vùng, cơ sở chăn
nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh.
2. Về giám sát dịch bệnh
- Tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn gia
súc, gia cầm và trên đàn thủy sản đến tận cơ sở, hộ chăn nuôi và hộ nuôi trồng
thủy sản.
- Củng cố và hoàn thiện hệ thống khai báo dịch từ cấp
thôn đến cấp xã, huyện, tỉnh.
- Giám sát sau tiêm phòng, giám sát sự lưu hành vi
khuẩn, vi rút gây bệnh tại các trang trại, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi, hộ nuôi
trồng thủy sản, các chợ buôn bán gia súc, gia cầm, chợ buôn bán thủy sản hoặc từ
những động vật ốm, chết không rõ nguyên nhân bằng hình thức lấy mẫu xét nghiệm
định kỳ và đột xuất.
- Thường xuyên theo dõi, thống kê, kê khai đàn vật
nuôi và đàn thủy sản để có biện pháp quản lý, giám sát đối với từng vùng, từng
khu vực.
3. Công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật
nuôi
Thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia
súc, gia cầm theo quy định tại các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và PTNT: số
07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật
trên cạn; số 24/2019/TT-BNNPTNT ngày 24/12/2019 va số 09/2021/TT-BNNPTNT ngày
12/8/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ;
các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y.
4. Công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi
trường
- Phát động Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc
môi trường trong năm theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh.
- Trong các “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc
môi trường” và các đợt vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường do xảy ra tình
hình dịch bệnh tại địa phương, Nhà nước hỗ trợ tiền công, vật tư theo chính
sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hiện hành trên địa bàn tỉnh.
- Ngoài các chính sách hỗ trợ hiện hành của Trung
ương và tỉnh, các cơ sở, hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chủ động, tự túc vật
tư, hóa chất thường xuyên thực hiện khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường
chăn nuôi, ao nuôi thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành Thú
y.
5. Kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ
sinh thúy
- Tổ chức kiểm dịch tận gốc đối với động vật và sản
phẩm động vật; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật
(kể cả động vật thủy sản) ra, vào địa bàn tỉnh theo quy định tại các Thông tư của
Bộ Nông nghiệp và PTNT: số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 quy định về kiểm dịch
động vật, sản phẩm động vật trên cạn; số 35/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 sửa
đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 và
Thông tư số 20/2017/TT-BNNPTNT ngày 10/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn; số 04/2024/TT-BNNPTNT ngày 01/4/2024 sửa đổi bổ sung một
số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên
cạn; số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 quy định về kiểm dịch động vật, sản
phẩm động vật thủy sản; số 36/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 sửa đổi bổ sung một
số điều của Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật
thủy sản; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của Bộ Nông nghiệp và PTNT,
Cục Thú y.
- Đẩy mạnh việc kiểm tra vệ sinh thú y đối với động
vật, sản phẩm động vật theo quy định tại các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và
PTNT: số 09/2016/TT- BNNPTNT ngày 01/6/2016 quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm
tra vệ sinh thú y; số 10/2022/TT-BNNPTNT ngày 14/9/2022 về sửa đổi, bổ sung
Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTN.
- Xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ động vật
không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và các trường hợp vận chuyển, buôn bán động
vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm
dịch.
II. Khi xuất hiện dịch bệnh
Thực hiện khẩn trương, đồng bộ các biện pháp bao
vây, khống chế, dập dịch theo quy định hiện hành. Cụ thể:
- Tổ chức xử lý, tiêu hủy gia súc, gia cầm, thủy sản
bệnh theo quy định.
- Khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn
nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành Thú
y.
- Lập các chốt kiểm dịch tạm thời; kiểm soát việc
lưu thông vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra - vào ổ dịch nhằm ngăn chặn
dịch lây lan.
- Quản lý chặt chẽ đàn vật nuôi và đàn thủy sản
trong vùng dịch; nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ (trừ trường hợp
được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo quy định của Bộ Nông nghiệp
và PTNT) hoặc vút xác gia súc, gia cầm, thủy sản bệnh ra môi trường.
- Tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm ở
vùng dịch, vùng nghi có dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm theo hướng dẫn của
cơ quan Thú y.
- Thực hiện chế độ giám sát dịch bệnh; hướng dẫn
người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản kiểm tra, phát hiện và chủ động khai báo
khi có dịch để được hỗ trợ xử lý kịp thời.
III. Chính sách hỗ trợ
Kinh phí để phòng, chống dịch đối với động vật trên
cạn và động vật thủy sản khi chưa xuất hiện, khi xuất hiện dịch bệnh được thực
hiện theo quy định, chính sách hỗ trợ hiện hành.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành liên
quan, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc,
gia cầm và thủy sản ở các huyện, thị xã, thành phố; báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông
nghiệp và PTNT.
- Phối hợp với Sở Y tế trong công tác phòng, chống
các bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định tại Thông tư liên tịch
số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp
và PTNT.
- Phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin
kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch;
các biện pháp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh.
- Phát động Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc
môi trường trong năm theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh.
- Phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo phòng, chống
dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2025 trên địa bàn tỉnh theo quy định
tại các Thông tư, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của Bộ Nông nghiệp
và PTNT.
- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, các
phòng, đơn vị thuộc Sở theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện các nội dung:
+ Căn cứ vào điều kiện chăn nuôi, khí hậu thời tiết,
đặc điểm dịch tễ, sự lưu hành của tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động
vật trên địa bàn tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tiêm phòng từng loại
vắc xin cho phù hợp và đảm bảo hiệu quả tiêm phòng.
+ Chỉ đạo hệ thống thú y phối hợp với các cơ quan
chức năng, kiểm tra, phát hiện sớm các ổ dịch nhằm kịp thời bao vây, khống chế
không để dịch lây lan; Thực hiện giám sát dịch bệnh động vật đến tận thôn, xóm,
hộ chăn nuôi, hộ nuôi trồng thủy sản.
+ Thực hiện việc kiểm dịch tại gốc; tăng cường kiểm
soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với gia súc, gia cầm, thủy sản, sản phẩm
gia súc, gia cầm, thủy sản. Kiên quyết xử lý đối với gia súc, gia cầm, thủy sản
và sản phẩm gia súc, gia cầm, thủy sản không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy
chứng nhận kiểm dịch.
+ Cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vắc xin, hóa
chất và vật tư thú y thuộc đối tượng được hỗ trợ của chính sách để phòng, chống
dịch bệnh động vật trên cạn và động vật thủy sản; hướng dẫn kiểm tra việc tuân
thủ quy trình, kỹ thuật trong quá trình thực hiện phòng, chống dịch.
+ Phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường, Công
an tỉnh kiểm soát chặt chẽ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập
vào, xuất ra khỏi tỉnh; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
+ Tham mưu tổng hợp báo cáo kết quả công tác phòng,
chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh theo quy định.
2. Sở Tài chính
Căn cứ chế độ, chính sách hiện hành và khả năng cân
đối ngân sách, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị có liên quan
rà soát các nội dung hoạt động của Kế hoạch, trình cấp có thẩm quyền bố trí
kinh phí thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách của Luật Ngân sách nhà
nước và các quy định hiện hành. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thanh tra, kiểm
tra việc thực hiện theo quy định.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với
Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.
4. Sở Y tế
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong công tác
phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định tại Thông
tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ
Nông nghiệp và PTNT.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan báo chí của tỉnh, hệ thống
thông tin cơ sở phối hợp với ngành nông nghiệp và cơ quan chức năng thực hiện
công tác thông tin, tuyên truyền đầy đủ, chính xác, kịp thời về tình hình dịch
bệnh và công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đồng thời biểu dương những
gương điển hình người tốt, việc tốt nâng cao nhận thức cho người dân trên các phương
tiện thông tin đại chúng và truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội (Facebook,
Twitter, Zalo...).
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
Thực hiện quản lý nhà nước về môi trường trong các
hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản
phẩm động vật; Phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, hướng dẫn các địa
phương thực hiện việc tiêu hủy gia súc, gia cầm, thủy sản bệnh theo quy định, đảm
bảo vệ sinh môi trường.
7. Công an tỉnh
- Đảm bảo an ninh trật tự khi có dịch bệnh xảy ra;
cử cán bộ tham gia các đội kiểm dịch cơ động liên ngành theo yêu cầu của công
tác phòng, chống dịch.
- Kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm kinh doanh,
vận chuyển, tiêu thụ gia súc, gia cầm, thủy sản, sản phẩm từ gia súc, gia cầm,
thủy sản không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch; chế biến thực phẩm từ sản
phẩm của gia súc, gia cầm, thủy sản mắc bệnh, vi phạm vệ sinh thú y, an toàn thực
phẩm nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh.
8. Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh
Phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan tăng
cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh thịt
và sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo
an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hạn chế nguy cơ dịch bệnh
phát sinh, lây lan.
9. Cục Quản lý thị trường
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các Sở,
ngành liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý các sai phạm đối với các trường hợp
buôn bán, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm, thủy sản và sản phẩm gia
súc, gia cầm, thủy sản không rõ nguồn gốc trên thị trường; cử cán bộ tham gia
các đội kiểm dịch cơ động liên ngành theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch.
10. UBND các huyện, thị xã, thành phố
Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công
tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và động vật thủy sản trên địa bàn
quản lý:
- Xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống
dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản tại địa phương nhằm đảm bảo công tác
phòng, chống dịch bệnh; đồng thời chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư chủ động ứng
phó khi có dịch xảy ra.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi kế hoạch
phòng, chống dịch bệnh động vật đến các tầng lớp nhân dân để biết và chủ động
thực hiện.
- Tổ chức giám sát đến tận hộ chăn nuôi, hộ nuôi trồng
thủy sản về tình hình dịch bệnh; xử lý kịp thời những ổ dịch xảy ra, không để dịch
bệnh lây lan ra diện rộng.
- Tổ chức thực hiện tốt công tác khử trùng, tiêu độc
môi trường và công tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi theo kế hoạch và hướng dẫn,
chỉ đạo của cơ quan Thú y.
- Công bố dịch khi đủ điều kiện theo quy định tại
Luật Thú y đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm các biện
pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia
súc, gia cầm và thủy sản năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Trong quá trình
thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện,
thị xã, thành phố phản ánh về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch
UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- TT TU, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành liên quan;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- VP UBND tỉnh: LĐVP;
- Lưu: VT, NN.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Xuân Lợi
|