Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 3941/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng Người ký: Nguyễn Ngọc Phúc
Ngày ban hành: 17/05/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3941/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 17 tháng 5 năm 2024

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRỒNG TRỌT TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Căn cứ Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 72/TTr-SNN ngày 13/5/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với các nội dung chính sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung: Phát triển trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, vững chắc an ninh lương thực và các nhu cầu khác của nền kinh tế, gia tăng giá trị xuất khẩu; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng, chống có hiệu quả thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nông dân góp phần ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:

a) Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 5-5,5%/năm; diện tích sản xuất đạt tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao chiếm 30% diện tích canh tác toàn tỉnh, xây dựng và phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tổng diện tích 30.000 ha.

b) Tỷ lệ diện tích cây trồng được tưới đạt trên 75% diện tích cần tưới, trong có trên 50% diện tích áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

c) Sản xuất trồng trọt theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế về an toàn thực phẩm, bền vững đạt trên 50% diện tích; tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất qua các hình thức hợp tác, liên kết đạt trên 60%; tỷ lệ nông sản qua sơ chế đạt trên 90% và chế biến đạt trên 35%; tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch dưới 10%.

d) Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chính đạt trên 800 triệu USD.

đ) Giá trị sản phẩm trồng trọt bình quân đạt 300 triệu đồng/ha; diện tích kém hiệu quả (dưới 50 triệu đồng/ha/năm) giảm xuống dưới 2%.

3. Tầm nhìn đến 2050: Phát triển trồng trọt của tỉnh thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và tham gia chuồi cung ứng nông sản toàn cầu; đưa Lâm Đồng trở thành trung tâm về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn thuộc nhóm đứng đầu cả nước.

III. Nhiệm vụ, giải pháp

1. Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm trồng trọt:

a) Tiểu vùng I: Thành phố Đà Lạt, huyện Đơn Dương, huyện Lạc Dương, huyện Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà (thị trấn Nam Ban, các xã: Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà): Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực rau, hoa, cà phê chè, chanh dây; sản phẩm đặc sản: dâu tây, hồng ăn trái, actiso, dược liệu. Ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp, hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp quốc gia, là vùng trọng tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh gắn với phát triển du lịch nông nghiệp.

b) Tiểu vùng II: Huyện Di Linh, huyện Lâm Hà (thị trấn Đinh Văn, xã Đạ Dờn, Phú Sơn, Phi Tô, Tân Văn, Tân Hà, Liên Hà, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Tân Thanh), huyện Dam Rông: Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, gôm cây công nghiệp (cà phê, dâu tằm), cây ăn quả (sầu riêng, bơ, chuối laba, chanh dây) và cây dược liệu. Phát triển các chuỗi giá trị gắn với các vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả tập trung theo hướng nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao.

c) Tiểu vùng III: Thành phố Bảo Lộc, các huyện: Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên: Tập trung phát triển cây ăn quả (sầu riêng, măng cụt, mít), dâu tằm; điều, lúa chất lượng cao (đối với các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên) và cây công nghiệp (cà phê, chè tại khu vực Bảo Lộc, Bảo Lâm), kết hợp xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn để nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Định hướng phát triển một số cây trồng chủ lực:

a) Rau: Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; tiếp tục mở rộng diện tích canh tác trên cơ sở chuyển đổi diện tích cà phê kém hiệu quả, diện tích đất lúa 1 vụ; nâng tổng diện tích đất canh tác rau toàn tỉnh đến năm 2030 lên 30.000 ha, trong đó diện tích canh tác rau an toàn, tập trung khoảng 24.000 ha. Tổng diện tích gieo trồng 95.500 ha, tổng sản lượng rau đạt 3,8-4 triệu tấn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau đạt trên 90% diện tích, xây dựng và phát triển 10 vùng sản xuất rau công nghệ cao với quy mô khoảng 10.000 ha; ưu tiên phát triển các sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; giá trị sản xuất rau đạt bình quân trên 900 triệu đồng/ha/năm.

b) Hoa: Xây dựng và triển khai chiến lược phát triển bền vững ngành hoa tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2024-2030. Duy trì và phát triển diện tích canh tác hoa đến năm 2030 khoảng 4.000 ha, diện tích gieo trồng đạt 14.500 ha; sản lượng khoảng 5,4 tỷ cành và 500 triệu chậu hoa các loại. Phát triển hoa sản xuất công nghệ cao đạt trên 95% diện tích, xây dựng và phát triển 05 vùng sản xuất hoa công nghệ cao với quy mô trên 2.500 ha gắn với thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”; đẩy mạnh phát triển diện tích sản xuất hoa giá trị cao, giống mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và xu thế của thị trường; từng bước chuyển sang sử dụng giống có bản quyền phù hợp với các quy định để phát triển thị trường xuất khẩu; giá trị sản xuất bình quân đạt trên 3,7 tỷ đồng/ha/năm.

c) Cà phê: Duy trì ổn định khoảng 165.000 ha, sản lượng đạt 576.000 tấn/năm. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống sang các loại cà phê chè chất lượng cao ở những khu vực có điều kiện phù hợp, kết hợp tái canh, ghép cải tạo giống cà phê già cỗi, năng suất thấp với diện tích 42.000-45.000 ha; tiếp tục phát triển thêm 3.200 ha cà phê chè (Typica, Bourbon, Moka, THA 1), tăng diện tích cà phê chè lên 15.000 ha vào năm 2030; diện tích cà phê vối đến năm 2030 còn 150.000 ha. Tiếp tục thực hiện canh tác cà phê theo các tiêu chuẩn bền vững (UTZ, 4C, Rainforest, hữu cơ, ...), trồng xen cây ăn quả, cây đa mục đích với mật độ phù hợp, phấn đấu có 50% diện tích cà phê được che bóng. Diện tích cà phê ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 34.400 ha (chiếm 20,8% diện tích); công nhận 05 vùng sản xuất cà phê ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, với diện tích trên 1.370 ha; ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong canh tác để cà phê chín tập trung, kết hợp cơ giới hóa trong canh tác, thu hoạch, phơi sấy, bảo quản nhằm giảm chi phí nhân công, giảm tỷ lệ tổn thất xuống dưới 10% nâng cao chất lượng cà phê nhân; giá trị sản xuất cà phê bình quân trên 200 triệu đồng/ha/năm.

d) Cây ăn quả: Phát triển cây ăn quả chủ lực phù hợp với điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu từng tiểu vùng sinh thái đảm bảo bền vững và hình thành các vùng nguyên liệu tập trung; tạo liên kết đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả cao giữa sản xuất, thu mua, chế biến gắn với xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Đến 2030, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 51.000 ha, trong đó trồng xen 30.600 ha và trồng thuần 20.400 ha; tổng sản lượng 633.500 tấn; phát triển 12.000 ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 10.000 ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng; sản lượng trái cây tiêu thụ qua chuỗi đạt ít nhất 60% tổng sản lượng trái cây toàn tỉnh; giá trị sản xuất cây ăn quả bình quân trên đơn vị diện tích đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm.

đ) Mắc ca: Thực hiện Kế hoạch phát triển Mắc ca bền vững tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030 định hướng đến năm 2050 với mục tiêu phát triển mắc ca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững có giá trị gia tăng cao; góp phần phục hồi, tăng độ che phủ rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, ổn định dân cư, giữ vững trật tự an ninh chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Mở rộng diện tích mắc ca bằng hình thức trồng xen trong vườn cà phê, trên các diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm sản xuất nông nghiệp lâu năm, đến năm 2030 nâng diện tích trồng mắc ca toàn tỉnh đạt 26.000 ha, trong đó trồng trên đất nông nghiệp 16.600 ha và 9.400 ha trên đất lâm nghiệp, tổng sản lượng 34.000 tấn.

e) Chè: Duy trì ổn định diện tích chè đến năm 2030 khoảng 8.000 ha, tập trung chuyển đổi khoảng 2.000 ha chè hạt, chè già cỗi năng suất thấp tại huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc sang chè cành (1.500 ha) và chè Oolong (500 ha); nâng tỷ lệ diện tích chè chất lượng cao lên 50% diện tích toàn tỉnh, sản lượng 121.300 tấn/năm. Diện tích áp dụng quy trình sản xuất an toàn (VietGAP, GlobalGAP) đạt 2.400 ha; chè hữu cơ 500 ha; sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao đạt 7.600 ha và công nhận 02 vùng sản xuất chè ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với quy mô trên 600 ha để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, đạt chất lượng cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

g) Cây điều: Duy trì ổn định diện tích điều đến năm 2030 khoảng 13.000 ha, chuyển đổi 7.500 ha điều kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn ưu tiên cho các loại cây ăn quả như sầu riêng, mít,... tại 03 huyện phía Nam và Đam Rông.

h) Cây dâu tằm: Đến năm 2030 phát triển diện tích dâu tằm toàn tỉnh đạt 15.000 ha; sản lượng 385.000 tấn. Thúc đẩy phát triển ngành dâu tằm tơ theo hướng sản xuất hiệu quả, bền vững; hình thành vùng nguyên liệu dâu tằm ổn định, gắn nghề trồng dâu nuôi tằm với ươm tơ dệt lụa; nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm dâu tằm tơ.

i) Cây dược liệu: Phát triển ngành dược liệu tương xứng với tiềm năng của tỉnh để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mở rộng quy mô, diện tích vùng trồng cây dược liệu theo 2 hướng trồng dưới tán rừng và trồng tập trung trên đất nông nghiệp, gắn với đẩy mạnh chế biến dược phẩm, thực phẩm chức năng. Đến năm 2030, toàn tỉnh có trên 2.500 ha sản xuất dược liệu (dưới tán rừng 1.000 ha, trên đất nông nghiệp 1.500 ha); tổng sản lượng 40.000 tấn.

k) Cây lương thực:

- Lúa gạo: Duy trì diện tích canh tác lúa 15.000 ha, diện tích gieo trồng 25.150 ha với sản lượng 150.000 tấn góp phần ổn định an ninh lương thực tại các vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh. Bố trí cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng theo hướng thuận thiên có kiểm soát thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng trên 95% giống lúa cấp xác nhận; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất từ khâu làm đất đến thu hoạch.

- Ngô: Diện tích gieo trồng đến năm 2030 đạt 9.800 ha; mở rộng vùng sản xuất trên diện tích đất canh tác kém hiệu quả, đất lúa 01 vụ và chú trọng phát triển ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi, ngô thực phẩm phục vụ thị trường ăn tươi. Thực hiện luân canh phù hợp với cây trồng khác theo từng mùa vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất.

3. Phát triển giống cây trồng phục vụ sản xuất:

a) Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cơ sở sản xuất giống; ưu tiên công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng và công bố tiêu chuẩn chất lượng cây giống của các cơ sở gieo ươm giống trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu du nhập giống cây ở các vùng khác trong nước hoặc nhập nội khảo nghiệm chọn lọc giống có khả năng kháng sâu bệnh, đạt năng suất, chất lượng cao và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Đảm bảo cây giống đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng năm, đối với cây rau trên 24.000 tấn củ giống và 100 tấn hạt giống/năm; giống hoa trên 5.000 triệu cây/năm; giống cây công nghiệp trên 14 triệu cây và 20,5 triệu chồi ghép/năm; giống cây ăn quả trên 1,2 triệu cây/năm.

b) Nghiên cứu, chọn tạo và nhân giống cây trồng quy mô công nghiệp và sản xuất các giống rau, hoa, dược liệu cao cấp; khu vực thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận hình thành công nghiệp sản xuất giống cây trồng invitro với sản lượng trên 150 triệu cây giống/năm.

c) Quản lý chặt chẽ công tác sản xuất, kinh doanh giống cây trồng; đảm bảo 100% cơ sở đều thực hiện đảm bảo các quy định về sản xuất kinh doanh giong cây trồng theo quy định của Luật Trồng trọt và các quy định liên quan.

4. Phát triển công nghiệp chế biến:

a) Tiếp tục hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến nông sản: khu công nghiệp Lộc Sơn, Phú Hội, Phú Bình và các cụm công nghiệp để thu hút, kêu gọi các dự án chế biến nông sản quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại; tiếp tục nghiên cứu mở rộng, thành lập mới các khu, cụm công nghiệp tại thành phố Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, huyện Đạ Huoai mới (gồm huyện Đạ Huoai, huyện Đạ Tẻh, huyện Cát Tiên hiện hữu) để thu hút đầu tư các dự án chế biến nông sản.

b) Đẩy mạnh phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch của từng địa phương với công nghệ hiện đại, giúp giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch nông sản dưới 10% vào năm 2030. Trong đó ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, hệ thống quản lý chất lượng (ISO, HACCP,...) nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra các sản phẩm có giá trị góp phần tăng tỷ lệ nông sản qua chế biến; đến 2030 tỷ lệ sơ chế nông sản đạt trên 90% và tỷ lệ chế biến trên 35% sản lượng nông sản toàn tỉnh.

c) Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục nhân rộng và hình thành mới các Trung tâm sau thu hoạch gắn với vùng nguyên liệu sản xuất rau, hoa, cây ăn trái tại thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Huoai; kết hợp xây dựng mô hình trung tâm sau thu hoạch với trung tâm logistics nông sản.

5. Phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm:

a) Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển liên kết trong sản xuất gắn với phát triển các kênh tiêu thụ nông sản theo chuỗi liên kết bền vững, phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 270 chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi đạt trên 60% nông sản toàn tỉnh và 80% số chuỗi có sự tham gia của doanh nghiệp.

b) Tiếp tục đổi mới và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã trở thành hạt nhân của chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm qua đó hình thành mạng lưới tiêu thụ hàng nông sản hiệu quả, chất lượng cao, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững.

c) Tổ chức, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); đánh giá, lựa chọn doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực có vai trò dẫn dắt trong từng mặt hàng để hình thành các chuỗi liên kết.

d) Đến năm 2030 có ít nhất 50% diện tích cây trồng chủ lực được cấp mã số vùng trồng, góp phần nâng sản lượng tiêu thụ qua chuỗi đạt trên 60% tổng sản lượng trồng trọt của tỉnh.

6. Quảng bá xúc tiến thương mại gắn với phát triển nhãn hiệu, thương hiệu:

a) Đẩy mạnh công tác xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông sản gắn với chỉ dẫn địa lý và sản phẩm OCOP. Tiếp tục phát triển, quản lý tốt và nâng cao độ nhận diện các nhãn hiệu, thương hiệu nông sản của tỉnh, đặc biệt là “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, “Cà phê Lâm Đồng”,....

b) Triển khai các hoạt động hỗ trợ, thiết lập kênh phân phối hàng hóa gián tiếp (thông qua các công ty thương mại và các công ty xuất nhập khẩu trong nước) và kênh phân phối trực tiếp, nhất là đối với nhóm nông sản đã được chế biến thành sản phẩm cuối cùng (thông qua hệ thống bán lẻ nước ngoài như: siêu thị cửa hàng tiện lợi, chợ,...).

c) Xây dựng hệ thống thông tin về thị trường nông sản; phổ biến đến các doanh nghiệp, người dân về chính sách thương mại, thị hiếu, giá cả, rào cản kỹ thuật, ... của các nước nhập khẩu.

d) Thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử, thông qua kênh thương mại điện tử để hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu trực tiếp. Tăng cường quảng bá các sản phẩm xuất khẩu chủ lực thông qua việc tổ chức các gian hàng trực tuyến trên các sản thương mại điện tử trong nước, nước ngoài; tổ chức và tham gia các tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến, triển lãm trực tuyến.

đ) Phát triển, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường truyền thống, phân khúc cao tại các nước trong khu vực Hiệp định RCEP (Nhật Bản, Hàn Quốc,..), các nước Khối liên minh Châu Âu, khu vực Bắc Mỹ. Thúc đẩy phát triển các thị trường tại Ấn Độ, các nước UAE, các nước khối Đông Âu (Nga, Belarus,..), ....chú trọng thị trường Trung Quốc để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch đối với mặt hàng trái cây của tỉnh. Đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt chính của tỉnh đạt trên 780 triệu USD, trong đó: rau đạt trên 100 triệu USD; hoa 108,5 triệu USD; cây ăn quả đạt 200 triệu USD; cà phê nhân 331,2 triệu USD; chè 36,9 triệu USD.

7. Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất:

a) Đẩy mạnh ứng dụng sản xuất công nghệ cao, có tính phù hợp với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp: ứng dụng công nghệ tiến tiến, sản xuất sạch trong công nghiệp chế biến nông sản; nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp an toàn, công nghiệp chế biến gắn với bảo vệ môi trường; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, đa giá trị, mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh, tuần hoàn,.... Đến năm 2030 diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh đạt khoảng 80.000 ha; xây dựng, phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với các sản phẩm chủ lực tổng diện tích 30.000 ha cây trồng.

b) Nghiên cứu đề xuất xây dựng các đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học, công nghệ, ưu tiên các lĩnh vực: chọn tạo các loại giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và thích ứng với điều kiện canh tác ngoài trời, thay thế cho giải pháp trồng trong nhà kính; bảo tồn, phục tráng, khai thác và phát triển các giống cây trồng đặc sản gắn với thương hiệu của tỉnh; ứng dụng các loại phân bón công nghệ cao, chế phẩm sinh học, tác nhân phòng trừ sinh học, KIT chẩn đoán bệnh, phát hiện dư lượng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật; công nghệ IoT và giải pháp quản lý, sử dụng, bổ sung dinh dưỡng, phục hồi đất, giảm phát thải khí nhà kính phục vụ sản xuất trồng trọt bền vững.

c) Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt: xây dựng cơ sở dữ liệu về trồng trọt và BVTV, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu số sản xuất, kinh doanh trồng trọt (quản lý đất đai, số hóa vùng trong, cây trồng, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thị trường...). Tăng cường áp dụng công nghệ cao trong thu thập, quản lý thông tin, phân tích dữ liệu về quản lý vùng trồng, cảnh báo thiên tai, dịch bệnh.

d) Đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, sản xuất hữu cơ, tuần hoàn gắn với chuỗi giá trị cho các đối tượng cây trồng chủ lực nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường; công nghệ, thiết bị phục vụ cơ giới hóa, tự động hóa trong thu hoạch, sơ chế, bảo quản và chế biến sâu một số nông sản chủ lực.

đ) Tăng cường hợp tác với các nước có trình độ sản xuất nông nghiệp tiến tiến trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ, Hà Lan, .... và các tổ chức phi chính phủ có tiềm lực để tranh thủ thu hút nguồn vốn, phát triển thị trường, tiếp cận khoa học công nghệ phục vụ cho mục tiêu phát triển ngành trồng trọt. Ưu tiên hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, quy trình và công nghệ sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, trao đổi thông tin và nguồn gen cây trồng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong trồng trọt; hợp tác đầu tư, liên kết sản xuất, dự báo và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cây trồng.

8. Xây dựng, triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án trọng tâm

(Chi tiết theo Phụ lục đính kèm)

IV. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố Đà Lạt và bảo Lộc triển khai thực hiện Kế hoạch này gắn với thực hiện Quyết định số 1065/QĐ-UBND ngày 15/6/2022 phê duyệt Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông nghiệp nông thôn bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 661/QĐ-UBND ngày 28/3/2023 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững hiện đại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

b) Chủ trì triển khai thực hiện các giải pháp chỉ đạo phòng, chống sinh vật gây hại thực vật, kiểm dịch thực vật; tiếp tục quản lý chặt chẽ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chỉ đạo tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; tham mưu và triển khai thực hiện các chương trình IPM, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).

c) Phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến địa phương, doanh nghiệp, người dân về mã số vùng trồng, các quy định của các nước nhập khẩu nông sản lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU,...; đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói để sản phẩm trồng trọt của tỉnh được mở rộng thị trường trong nước, tiếp cận và tham gia vào thị trường xuất khẩu.

d) Tiếp tục duy trì việc hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, quảng bá các sản phẩm nông sản chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, sản phẩm chứng nhận OCOP của địa phương thông qua trang web nongsandalatlamdong.vn, hội chợ xúc tiến thương mại, triển lãm, hội nghị, hội thảo,... trong và ngoài nước; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thực hiện liên kết thành chuỗi giá trị, tạo đầu ra cho các sản phẩm trồng trọt của tỉnh.

e) Rà soát các cơ chế, chính sách có liên quan đến phát triển trồng trọt của Trung ương và của tỉnh, tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch.

f) Thực hiện rà soát, đánh giá kết quả thực hiện hàng năm trước ngày 10/12; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo trong quá trình triển khai và tổ chức sơ kết, tổng kết kết quả triển khai thực hiện kế hoạch theo quy định.

2. Sở Khoa học và Công nghệ:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng, triển khai có hiệu quả các đề tài, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trồng trọt; ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, thông minh tích hợp với sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn.

b) Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, bảo vệ và khai thác, phát triển tài sản trí tuệ liên quan đến lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Công Thương:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, quảng bá các sản phẩm nông sản chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; kêu gọi các doanh nghiệp tham gia thực hiện chuỗi giá trị, tạo đầu ra cho các sản phẩm trồng trọt chủ lực của tỉnh.

b) Ưu tiên bố trí nguồn kinh phí khuyến công và nguồn kinh phí khác hỗ trợ các cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm trồng trọt đầu tư mở rộng nâng cao công suất, đổi mới công nghệ thiết bị.

4. Các sở, ngành khác: Thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại mục V Quyết định số 1065/QĐ-UBND ngày 15/6/2022 của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030, tam nhìn đến năm 2050; định kỳ 06 tháng một lần (20/5 và 15/12 hàng năm) hoặc đột xuất báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Căn cứ các mục tiêu, định hướng và giải pháp của Chiến lược và Kế hoạch này, xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn phù hợp với điều kiện địa phương.

b) Nghiên cứu, triển khai cơ chế chính sách để huy động nguồn lực, nguồn vốn phù hợp điều kiện của địa phương để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Chiến lược; thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng nội dung, nhiệm vụ với Chiến lược.

c) Chỉ đạo thực hiện và tổ chức theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch trên địa bàn; thực hiện chế độ báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch định kỳ 06 tháng một lần (20/5 và 15/12 hàng năm) về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc các đơn vị, địa phương báo cáo về Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp thời./.


Nơi nhận:
- Bộ NN & PTNT;
- Các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở; NN&PTNT, KHCN, CT, TC;
- UBND các huyện, TP;
- LĐVP;
- Lưu: VT, NN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Phúc

PHỤ LỤC:

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRỒNG TRỌT TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số: 3941/KH-UBND ngày 17 tháng 5 năm 2024 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

STT

Nhiệm vụ

Cơ quan đơn vị chủ trì

Cơ quan đơn vị phối hợp

Sản phẩm

Thời gian thực hiện/hoàn thành

Ghi chú

I

TỔ CHỨC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC

1

Tuyên truyền, phổ biến nội dung Chiến lược, Kế hoạch thực hiện Chiến lược; Truyền thông phổ biến các văn bản pháp luật về lĩnh vực trồng trọt

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các huyện, thành phố

Hội thảo, hội nghị, tập huấn, sản phẩm truyền thông

Hằng năm

2

Xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược tại địa phương, tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Kế hoạch thực hiện Chiến lược của UBND tỉnh

UBND các huyện, thành phố

Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan

Kế hoạch hành động

2024

II

TRIỂN KHAI CÁC NỘI DUNG CHÍNH CỦA CHIẾN LƯỢC

1

Tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành; Luật Trồng trọt, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật Trồng trọt, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố

Văn bản quy phạm pháp luật, Văn bản hướng dẫn.

Hằng năm

2

Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về trồng trọt

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố

Văn bản quy phạm pháp luật, Văn bản hướng dẫn.

Hằng năm

3

Tổ chức triển khai hiệu quả các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trồng trọt đảm bảo mục tiêu Kế hoạch thực hiện Chiến lược

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố

Dự án/mô hình

Hăng năm

4

Tổ chức, quản lý sản xuất

4.1

Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung lĩnh vực sản xuất trồng trọt

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các huyện, thành phố

Cơ sở dữ liệu

2024-2025

4.2

Tăng cường năng lực quản lý nhà nước lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật và trao đổi hợp tác quốc tế về trồng trọt, bảo vệ thực vật.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố

Văn bản, kế hoạch và báo cáo

Hằng năm

4.3

Tổ chức xây dựng và triển khai các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ phát triển trồng trọt, bảo vệ thực vật

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các huyện, thành phố

Chương trình, nhiệm vụ

Hằng năm

4.4

Triển khai các giải pháp tưới chủ động, tiết kiệm nước cho cây trồng đảm bảo mục tiêu của Kế hoạch.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố

Báo cáo

Hằng năm

4.5

Triển khai hiệu quả các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trồng trọt đảm bảo mục tiêu của Kế hoạch.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố

Báo cáo

Hằng năm

5.

Xây dựng, triển khai hiệu quả, chất lượng chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phát triển trồng trọt

5.1

Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch đã được phê duyệt

a

Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố

Báo cáo

Hằng năm và kết thúc Đề án

Quyết định số 2666/QĐ-UBND ngày 20/11/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng

b

Chương trình Khuyến nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố

Báo cáo

Hằng năm và kết thúc Chương trình

Quyết định số 780/QĐ-UBND ngày 26/3/2021 của UBND tỉnh

c

Kế hoạch tái canh, ghép cải tạo cà phê tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố

Báo cáo

Hằng năm và kết thúc Kế hoạch

Quyết định số 1118/QĐ-UBND ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng

d

Kế hoạch phát triển mắc ca bền vững tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030 định hướng đến 2050.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố

Báo cáo

Hằng năm và kết thúc Kế hoạch

Quyết định số 1418/QĐ-UBND ngày 10/8/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng

e

Đề án phát triển sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ dược liệu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố

Báo cáo

Hằng năm và kết thúc Đề án

Quyết định số 2149/QĐ-UBND ngày 15/11/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng

f

Đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố

Hội thảo khoa học
Đề án
Báo cáo

2024

Hằng năm

Quyết định số 178/QĐ-UBND ngày 30/01/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng

g

Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố

Báo cáo

Hằng năm và kết thúc Kế hoạch

Kế hoạch số 2976/KH- UBND ngày 17/4/2024 của UBND tỉnh

h

Kế hoạch sản xuất cây ăn quả chủ lực gắn với xây dựng thương hiệu, hướng đến thị trường xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2024 - 2030

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố

Báo cáo

Hằng năm, 5 năm và kết thúc Kế hoạch

Kế hoạch số 899/KH-SNN ngày 02/5/2024 của Sở NN và PTNT

5.2

Xây dựng, triển khai hiệu quả, chất lượng các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch

a

Kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất trồng điều tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2024-2030

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố

Kế hoạch ban hành; Báo cáo

2024

Hằng năm, 5 năm và kết thúc Kế hoạch

b

Kế hoạch phát triển các cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố

Kế hoạch ban hành; Báo cáo

2024

Hằng năm, 5 năm và kết thúc Kế hoạch

c

Chiến lược phát triển ngành hoa bền vững tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030, định hướng 2050

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố

Chiến lược ban hành; Báo cáo

2024

Hằng năm, 5 năm và kết thúc Chiến lược

d

Kế hoạch phát triển giống nông nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố

Kế hoạch ban hành; Báo cáo

2024

Hằng năm

e

Kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2024-2030

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố

Kế hoạch ban hành; Báo cáo

2024

Hằng năm, 5 năm và kết thúc Kế hoạch

h

Đề án ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố

Đề án ban hành; Báo cáo

2025

Hằng năm và kết thúc Đề án

6.

Tổ chức kiểm tra, đánh giá

6.1

Theo dõi, tổng hợp, kiểm tra, đánh giá Kế hoạch thực hiện Chiến lược

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố

Báo cáo

Hằng năm

6.2

Định kỳ sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố

Hội nghị Báo cáo

5 năm và kết thúc Kế hoạch thực hiện Chiến lược

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 3941/KH-UBND ngày 17/05/2024 thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


102

DMCA.com Protection Status
IP: 3.21.246.247
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!