BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
4082/VBHN-BLĐTBXH
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 8 năm 2024
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH VỀ TUYỂN DỤNG, SỬ DỤNG, BỒI DƯỠNG ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP
Thông tư số 06/2017/TT-BLĐTBXH ngày 08 tháng 03 năm
2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về tuyển dụng,
sử dụng, bồi dưỡng đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực kể từ
ngày 01 tháng 5 năm 2017, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 28/2022/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm
2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều
của các Thông tư quy định về tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng và chế độ làm việc
của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3
năm 2023.
Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng
11 năm 2014;
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng
9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng
02 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành
Luật Giáo dục nghề nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng
9 năm 2020 của Chính phủ quy định việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục
nghề nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
ban hành Thông tư quy định về tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng đối với nhà giáo
giáo dục nghề nghiệp[1].
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng[2]
1. Thông tư này quy định về tuyển dụng đối với nhà
giáo giáo dục nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; sử dụng,
bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp
trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp,
trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
2. Thông tư này áp dụng đối với nhà giáo, giáo dục
nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề
nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; cơ quan, tổ chức
và cá nhân khác có liên quan.
3. Thông tư này không áp dụng đối với nhà giáo giảng
dạy nhóm ngành đào tạo giáo viên thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Giáo
dục và Đào tạo. Không áp dụng các quy định về tuyển dụng, sử dụng tại Thông tư
này đối với nhà giáo giảng dạy ở các trường cao đẳng, trường trung cấp thuộc thẩm
quyền quản lý nhà nước của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn đối
với nhà giáo được cử đi bồi dưỡng
1. Nhà giáo được cử đi bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng
nâng cao (sau đây gọi chung là bồi dưỡng) phải thực hiện đầy đủ chương trình, kế
hoạch học tập trong thời gian bồi dưỡng; chấp hành pháp luật của nhà nước, nội
quy, quy chế của cơ sở bồi dưỡng; giữ gìn, bảo vệ tài sản của cơ sở bồi dưỡng.
2.[3]
Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập,
trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được cử đi bồi dưỡng được
hưởng nguyên lương và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
3. Nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề
nghiệp tư thục và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi
tham gia các lớp bồi dưỡng được hưởng quyền và lợi ích theo quy định của pháp
luật.
4. Nhà giáo khi tham gia các khóa bồi dưỡng phải có
cam kết về thời gian làm việc tại đơn vị chủ quản sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng
theo quy định của pháp luật.
5. Nhà giáo được cử đi bồi dưỡng, thực tập tại
doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn phải có trách nhiệm lưu trữ và báo cáo đề
cương, kết quả bồi dưỡng, thực tập.
Điều 3. Kinh phí cho hoạt động
bồi dưỡng[4]
1. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, kinh phí
cho hoạt động bồi dưỡng được đảm bảo từ các nguồn sau:
a) Nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp
luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
b) Nguồn thu từ học phí, thu hoạt động sự nghiệp;
c) Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
2. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục
và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh phí cho hoạt động
bồi dưỡng được đảm bảo từ nguồn tài chính của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Chương II
TUYỂN DỤNG, SỬ DỤNG NHÀ
GIÁO
Điều 4. Tuyển dụng nhà giáo[5]
Việc tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục
nghề nghiệp công lập được thực hiện theo quy định tại Chương II Nghị định số
115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử
dụng và quản lý viên chức.
Điều 5. Sử dụng nhà giáo[6]
1. Người được tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp
viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp phải thực hiện chế độ tập sự theo
quy định tại Điều 21 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của
Chính phủ quy định việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
2. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo
dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên phải sử
dụng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn theo quy định, phù hợp với ngành
nghề được đào tạo, đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động.
Chương III
BỒI DƯỠNG ĐỐI VỚI NHÀ
GIÁO
Điều 6. Các loại hình bồi dưỡng
1. Bồi dưỡng chuẩn hóa là loại hình bồi dưỡng cho
nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ; tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp
và những nội dung khác theo quy định của pháp luật.
2. Bồi dưỡng nâng cao là loại hình bồi dưỡng cho
nhà giáo để nâng cao về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm,
ngoại ngữ, tin học, tiến bộ khoa học, công nghệ và những nội dung khác nhằm đáp
ứng yêu cầu phát triển của nghề nghiệp.
3. Thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên
môn đối với nhà giáo là loại hình bồi dưỡng để cập nhật kiến thức, công nghệ,
phương pháp tổ chức quản lý sản xuất và rèn luyện kỹ năng trong thực tiễn, sản
xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Điều 7. Yêu cầu về nội dung
chương trình bồi dưỡng
Nội dung chương trình bồi dưỡng phải đảm bảo các
yêu cầu sau:
1. Thể hiện được mục tiêu bồi dưỡng; quy định kiến
thức, kỹ năng của người học sau khi hoàn thành khóa học; phạm vi và cấu trúc nội
dung, phương pháp và hình thức đào tạo, bồi dưỡng; cách thức đánh giá kết quả học
tập sau khi hoàn thành khóa học;
2. Đảm bảo tính khoa học, hiện đại, hệ thống, thực
tiễn, linh hoạt đáp ứng sự thay đổi của thị trường lao động; đảm bảo việc liên
thông giữa các chương trình bồi dưỡng;
3. Được định kỳ rà soát cập nhật, bổ sung cho phù hợp
với kỹ thuật công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.
Điều 8. Tổ chức xây dựng, thẩm
định và ban hành chương trình bồi dưỡng
1. Thành lập Ban chủ nhiệm để xây dựng đề cương tổng
hợp, thiết kế chương trình tổng quát, biên soạn chương trình chi tiết. Nhiệm vụ,
quyền hạn, cơ cấu, thành phần, tiêu chuẩn của các thành viên Ban chủ nhiệm được
quy định cụ thể theo từng chương trình bồi dưỡng.
2. Thành lập Hội đồng thẩm định để nghiệm thu
chương trình bồi dưỡng. Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, thành phần, tiêu chuẩn của
các thành viên Hội đồng thẩm định được quy định cụ thể tùy theo từng chương
trình bồi dưỡng.
3. Kết quả nghiệm thu chương trình của Hội đồng thẩm
định là căn cứ để xem xét ban hành chương trình bồi dưỡng.
Điều 9. Hình thức, phương thức
tổ chức bồi dưỡng
1. Hình thức tổ chức: Tập trung, bán tập trung, vừa
làm vừa học và từ xa.
2. Phương thức tổ chức: Hội thảo; tập huấn; bồi dưỡng
chuyên đề; nghiên cứu, khảo sát thực tế; tham quan học tập; thực tập nâng cao
và tự nghiên cứu nâng cao trình độ.
Điều 10. Sử dụng kết quả bồi
dưỡng
Kết quả bồi dưỡng được sử dụng để đánh giá nhà giáo
trong việc thực hiện nhiệm vụ hàng năm hoặc được sử dụng làm điều kiện xét nâng
hạng, thi nâng hạng viên chức; xét công nhận đạt chuẩn và các chế độ, chính
sách khác có liên quan.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm của Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;
mẫu chứng chỉ, quy định việc quản lý, cấp phát chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm giáo
dục nghề nghiệp để giảng dạy các cấp trình độ đào tạo.
2. Ban hành chương trình bồi dưỡng đạt chuẩn các chức
danh nghề nghiệp; mẫu chứng chỉ, quy định việc quản lý, cấp phát chứng chỉ chứng
chỉ đạt chuẩn các chức danh nghề nghiệp cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp theo
quy định.
Điều 12. Trách nhiệm của Tổng
cục Giáo dục nghề nghiệp
1. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các Bộ,
ngành, địa phương lập kế hoạch bồi dưỡng đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp
theo từng giai đoạn, hàng năm và phối hợp tổ chức thực hiện.
2. Thành lập các Ban chủ nhiệm, Hội đồng thẩm định
để tổ chức xây dựng, thẩm định và nghiệm thu các chương trình, tài liệu bồi dưỡng
cho nhà giáo.
3.[7]
(được bãi bỏ).
4.[8]
(được bãi bỏ).
5. Hướng dẫn, thanh tra và kiểm tra việc thực hiện
các quy định tại Thông tư này.
Điều 13. Trách nhiệm của các Bộ,
cơ quan ngang Bộ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1.[9]
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp,
trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc phạm vi quản lý thực
hiện các quy định tại Thông tư này.
2. Lập kế hoạch, dự trù kinh phí bồi dưỡng đối với
nhà giáo theo từng giai đoạn, hàng năm và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3.[10]
Quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác tuyển dụng nhà giáo trong các cơ
sở giáo dục nghề nghiệp công lập; sử dụng, bồi dưỡng đối với nhà giáo giáo dục
nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề
nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc phạm vi quản
lý; báo cáo định kỳ hằng năm, đột xuất tình hình thực hiện công tác bồi dưỡng đối
với nhà giáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục Giáo dục nghề
nghiệp).
Điều 14. Trách nhiệm của Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội
1.[11]
Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn
các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm
giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện
các quy định tại Thông tư này.
2. Lập kế hoạch, dự trù kinh phí bồi dưỡng đối với nhà
giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý theo từng
giai đoạn, hàng năm và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương phê duyệt.
3.[12]
Thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở
giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý; sử dụng, bồi dưỡng nhà
giáo giáo dục nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động
giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Báo cáo định kỳ hằng năm, đột xuất tình hình thực hiện công tác tuyển dụng, sử
dụng, bồi dưỡng đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp về Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 15. Trách nhiệm của các
cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm
giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên[13]
1.[14]
Xây dựng kế hoạch tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công
lập; kế hoạch sử dụng, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong các cơ sở
giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục
nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên theo từng giai đoạn, hằng năm trình cấp có
thẩm quyền phê duyệt.
2. Hướng dẫn các nhà giáo được cử đi bồi dưỡng xây
dựng kế hoạch, đề cương, báo cáo kết quả thực hiện. Đảm bảo nhà giáo được luân
phiên bồi dưỡng theo chu kỳ ít nhất 05 năm một lần; thực tập tại doanh nghiệp
hoặc cơ quan chuyên môn: 04 tuần trong 01 năm đối với nhà giáo dạy trình độ cao
đẳng, trung cấp và 02 tuần trong 1 năm đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp.
3. Tổ chức hoặc kết hợp với các cơ sở giáo dục
khác, các doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn có đủ điều kiện để bồi dưỡng cho
nhà giáo.
4. Cử và tạo điều kiện thuận lợi để nhà giáo tham
gia các lớp bồi dưỡng do các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức; có cơ chế
khuyến khích các hoạt động tự bồi dưỡng đối với nhà giáo.
5. Báo cáo kết quả thực hiện công tác tuyển dụng, sử
dụng, bồi dưỡng nhà giáo theo từng giai đoạn, hàng năm theo quy định.
Điều 16. Trách nhiệm của cơ sở
tổ chức bồi dưỡng
1. Cơ sở tổ chức bồi dưỡng cho nhà giáo phải đảm bảo
các điều kiện theo yêu cầu của từng loại hình, nội dung bồi dưỡng và được cơ
quan có thẩm quyền cho phép tổ chức thực hiện.
2. Cơ sở tổ chức bồi dưỡng cho nhà giáo phải xây dựng
kế hoạch bồi dưỡng; quản lý quá trình học tập, đánh giá và công nhận kết quả học
tập của người học; báo cáo kết quả bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho người học theo
quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp).
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[15]
Điều 17. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01
tháng 5 năm 2017.
2. Quyết định số 57/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 26/05/2008
của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quy định sử dụng, bồi
dưỡng giáo viên dạy nghề; Thông tư số 41/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ
trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về sử dụng, bồi dưỡng chuẩn
hóa, bồi dưỡng nâng cao đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp hết hiệu lực thi
hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề
nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công
báo);
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ LĐTBXH;
- Lưu VT, TCGDNN.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN
HỢP NHẤT
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Tấn Dũng
|
[1]
Thông tư số 28/2022/TT-BLĐTBXH có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng
11 năm 2014;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 20 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng
9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng
02 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành
Luật Giáo dục nghề nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng
7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng
9 năm 2020 của Chính phủ quy định việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục
nghề nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về tuyển
dụng sử dụng bồi dưỡng và chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.”
[2]
Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông tư số
28/2022/TT-BLĐTBXH , có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2023.
[3]
Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số
28/2022/TT-BLĐTBXH , có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2023.
[4]
Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Thông tư số
28/2022/TT-BLĐTBXH , có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2023.
[5]
Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Thông tư số
28/2022/TT-BLĐTBXH , có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2023.
[6]
Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 1 của Thông tư số
28/2022/TT-BLĐTBXH , có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2023.
[7]
Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Thông tư số
28/2022/TT-BLĐTBXH , có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2023.
[8]
Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Thông tư số
28/2022/TT-BLĐTBXH , có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2023.
[9]
Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 1 của
Thông tư số 28/2022/TT-BLĐTBXH , có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm
2023.
[10]
Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 1 của
Thông tư số 28/2022/TT-BLĐTBXH , có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm
2023.
[11]
Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 1 của
Thông tư số 28/2022/TT-BLĐTBXH , có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm
2023.
[12]
Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 1 của
Thông tư số 28/2022/TT-BLĐTBXH , có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm
2023.
[13]
Tên điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 8 Điều 1 của
Thông tư số 28/2022/TT-BLĐTBXH , có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm
2023.
[14]
Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 8 Điều 1 của
Thông tư số 28/2022/TT-BLĐTBXH , có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm
2023.
[15]
Điều 3 của Thông tư số 28/2022/TT-BLĐTBXH , có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 3 năm 2023, quy định như sau.
“Điều 3. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01
tháng 3 năm 2023.
2. Bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 12 Thông tư số
06/2017/TT-BLĐTBXH ngày 08 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội quy định về tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng đối với nhà giáo giáo
dục nghề nghiệp; khoản 1 Điều 3 Thông tư số 34/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 12
năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc sửa đổi, bổ
sung một số điều của Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 10 năm 2015
quy định về đào tạo trình độ sơ cấp, Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20
tháng 10 năm 2015 quy định về đào tạo thường xuyên, Thông tư số
07/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 3 năm 2017 quy định chế độ làm việc của nhà
giáo giáo dục nghề nghiệp, Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 3 năm
2017 quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo giáo dục nghề
nghiệp, Thông tư số 10/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13 tháng 3 năm 2017 quy định về mẫu
bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng; việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ
bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và Thông tư số 31/2017/TT-BLĐTBXH ngày 28
tháng 12 năm 2017 quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo
hình thức đào tạo vừa làm vừa học.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề
nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn./.”