QUY CHẾ
LÀM VIỆC
CỦA CÁN BỘ LUÂN CHUYỂN, TĂNG CƯỜNG CÓ THỜI HẠN VỀ CÁC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN THUỘC
TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 468/2009/QĐ-UBND ngày 23 tháng 10 năm 2009 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Ninh Thuận)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn,
mối quan hệ công tác của cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường có thời hạn
về các xã, phường thị trấn (gọi chung là cấp xã) thuộc tỉnh Ninh Thuận theo Quyết
định số 70/2009/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về
chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã thuộc 61 huyện
nghèo và chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên
môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc 61 huyện nghèo theo Nghị
quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ và Quyết định số
255/2009/QĐ-UBND ngày 04 tháng 9 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về
chính sách luân chuyển, tăng cường có thời hạn cán bộ chủ chốt cho các xã, phường,
thị trấn thuộc tỉnh Ninh Thuận.
2. Đối tượng áp dụng: cán bộ, công chức được luân chuyển,
tăng cường có thời hạn về giữ các chức vụ chủ chốt cấp xã: Bí thư, Phó Bí thư Đảng
ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp xã.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh
Áp dụng thống nhất cho tất cả cán bộ, công chức luân chuyển,
tăng cường có thời hạn từ các cơ quan sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp
huyện về đảm nhận các chức vụ chủ chốt cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Chương II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
LUÂN CHUYỂN, TĂNG CƯỜNG
Điều 3. Chức năng
1. Cán bộ, công chức được luân chuyển, tăng cường về giữ các
chức vụ chủ chốt cấp xã thực hiện chức năng theo quy định của Đảng và pháp luật
của Nhà nước.
2. Cán bộ, công chức được luân chuyển, tăng cường ngoài việc
thực hiện các chức năng trên còn có chức năng tham mưu cho Huyện ủy, Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố và các sở chuyên ngành chủ quản hoạch định và triển khai thực hiện các chủ
trương, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, cơ sở.
Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ,
công chức luân chuyển, tăng cường
1. Nhiệm vụ và quyền hạn chung: cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường thực hiện
đầy đủ chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn của chức vụ được giao theo quy định của
Đảng và pháp luật của Nhà nước; đồng thời cùng với
cấp ủy, chính quyền cấp xã tổ chức thực hiện tốt
chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của
Hội đồng nhân dân cùng cấp.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của từng chức danh:
a) Bí thư Đảng ủy:
- Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Đảng,
Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường,
thị trấn và các quy định do cơ quan Đảng có thẩm quyền giao cho.
- Lãnh đạo và chịu trách nhiệm chính về kết quả đào tạo
cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực của địa phương, củng cố và nâng cao chất lượng
hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở;
b) Phó Bí thư, Thường trực Đảng ủy: thực hiện nhiệm vụ và
quyền hạn theo quy định của Đảng, Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16 tháng 01
năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối
với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và các quy định do cơ quan Đảng có
thẩm quyền giao cho;
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân: là người đứng đầu Ủy ban
nhân dân, lãnh đạo và điều hành mọi công việc của Ủy ban nhân dân, lãnh đạo
phân công công tác của Ủy ban nhân dân, các thành viên Ủy ban nhân dân, công
tác chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã theo Điều 127 Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 và Điều 4 Quyết định số 77/2006/QĐ-TTg ngày
13 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế mẫu của Ủy ban
nhân dân xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã còn có
thêm một số nhiệm vụ và quyền hạn sau:
- Áp dụng các biện pháp cải cách hành chính, ứng dụng khoa
học kỹ thuật vào quản lý công sở, quản lý và điều hành bộ máy hành chính ở cấp
xã hoạt động có hiệu quả.
- Tổ chức đào tạo và bồi dưỡng cán bộ và nguồn nhân lực của
địa phương đạt kết quả; cùng Bí thư Đảng ủy củng cố và nâng cao chất lượng hoạt
động của hệ thống chính trị ở cơ sở;
d) Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân: thực hiện nhiệm vụ, quyền
hạn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân phân công và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy
ban nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Cụ thể:
- Trực tiếp tổ chức chỉ đạo các lĩnh vực và địa bàn công
tác Chủ tịch Ủy ban nhân dân phân công; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch
triển khai các công việc theo lĩnh vực được phân công; được sử dụng quyền hạn của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân khi giải quyết công việc, các vấn đề thuộc lĩnh vực được
giao; được ủy nhiệm quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân khi Chủ tịch Ủy ban
nhân dân đi vắng.
- Giúp Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân và Chủ
tịch Ủy ban nhân dân xã (nơi không có cán bộ luân chuyển, tăng cường) áp dụng
các biện pháp cải tiến lề lối làm việc, quản lý và điều hành bộ máy hành chính
và công tác cải cách hành chính ở xã, phường, thị trấn đạt hiệu quả; đào tạo và
bồi dưỡng nguồn nhân lực, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động cho hệ thống
chính trị ở cơ sở.
Chương III
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 5. Chế độ làm việc
1. Chế độ làm việc: cán bộ, công chức trong thời gian luân chuyển, tăng cường có thời hạn về
đảm nhận các chức vụ chủ chốt tại các xã, phường, thị trấn, thực hiện chế độ làm
việc như cán bộ chuyên trách, công chức xã theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Chế độ thông tin, báo cáo:
a) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Đảng
và pháp luật của Nhà nước theo từng chức vụ được phân công phụ trách;
b) Định kỳ 6 tháng và 1 năm báo cáo cá nhân về kết quả thực
hiện nhiệm vụ cho Huyện, Thành ủy; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố nơi đang
công tác; Sở Nội vụ; cơ quan, đơn
vị cử đi, cụ thể trên các lĩnh vực sau:
- Tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính ở địa phương
và việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức cấp xã bảo đảm chuyên môn,
chuyên nghiệp hoá.
- Tổ chức thực hiện phát triển sản xuất, khai thác thế mạnh
của địa phương, đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của nhân dân,
làm chuyển biến tích cực kinh tế - xã hội của địa phương.
- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hoá, bảo tồn
phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số và bảo vệ
tài nguyên môi trường.
- Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, thực hiện
quy chế dân chủ ở cơ sở phù hợp với
tập quán, văn hoá của mỗi vùng dân tộc.
- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo
đảm an ninh - quốc phòng; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; chính sách
dân tộc, chính sách tín ngưỡng tôn giáo.
- Tổ chức công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện
tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng, cơ quan Nhà nước và các đoàn thể quần chúng;
- Công tác tuyên truyền nâng
cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương về nâng cao quyền
năng cho phụ nữ, nâng cao bình đẳng giới.
- Tổ chức thực hiện công tác kế hoạch hoá gia đình, công tác
bình đẳng giới và bảo vệ phụ nữ, chống bạo lực gia đình.
- Công tác tổ chức sơ kết, tổng kết những cơ chế, mô hình tốt
để nhân ra diện rộng;
c) Thực hiện các báo cáo chuyên đề, đột xuất khác cho cơ
quan chủ quản cử đi luân chuyển, tăng cường và Sở Nội vụ khi có yêu cầu.
Điều 6. Quan hệ công tác của cán bộ,
công chức luân chuyển, tăng cường với các cơ quan cấp huyện và cấp xã
1. Quan hệ với Huyện ủy và Ủy ban nhân dân và các cơ quan
chuyên môn, ban Đảng cấp huyện, thành phố (gọi chung là cấp huyện):
a) Chịu sự chỉ đạo điều hành của Huyện ủy, Ủy ban
nhân dân huyện, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Huyện ủy, Ủy ban
nhân dân cấp huyện theo chức vụ được phân công.
Trong chỉ đạo điều hành, khi gặp những vấn đề vượt quá thẩm
quyền hoặc chưa được pháp luật và Điều lệ Đảng quy định phải kịp thời xin ý kiến
chỉ đạo của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện; thực nghiêm chế độ báo cáo theo
quy định của khoản 2, Điều 5 thuộc Quy chế này.
Định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo tự kiểm điểm đánh giá phân loại
của bản thân cho Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện theo phân cấp quản lý.
b) Cùng với Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã chịu sự chỉ đạo, hướng
dẫn, kiểm tra, đôn đốc về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan chuyên môn, ban
Đảng cấp huyện trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trên địa bàn xã; có trách
nhiệm phối hợp với cơ quan chuyên môn, các ban Đảng cấp huyện trong đào tạo, bồi
dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã, từng
bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
2. Quan hệ với các cơ quan trong hệ thống chính trị ở cơ sở:
cán bộ luân chuyển, tăng cường đảm
nhận chức vụ nào thì thực hiện mối quan hệ công tác với Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể cấp
xã; các Ban quản lý thôn, khu phố trong phạm vi, trách nhiệm và quyền hạn được
phân công theo Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Điều lệ Đảng
và các quy chế, quy định pháp luật có liên quan.
Điều 7. Quan hệ công tác giữa cán bộ,
công chức luân chuyển, tăng cường với Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban,
ngành, đơn vị cấp tỉnh
1. Báo cáo kịp thời với Giám đốc sở, thủ trưởng các ban,
ngành đơn vị chủ quản trước khi luân chuyển, tăng cường về kết quả thực hiện
công tác theo quy định; kiến nghị những vấn đề cần thiết có liên quan đến
chuyên ngành quản lý của đơn vị chủ quản và những vấn đề về cơ chế, chính sách
cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện của địa phương và quy định của
pháp luật.
2. Được quyền tham gia các cuộc họp quan trọng của đơn vị
trước khi luân chuyển, tăng cường: xây dựng và triển khai kế hoạch 5 năm, hằng
năm; quy hoạch cán bộ, lấy phiếu tín nhiệm đề bạt, bổ nhiệm theo quy định; hội
nghị cán bộ công chức cơ quan.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Trách nhiệm thực hiện
1. Sở Nội vụ chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan,
đơn vị liên quan triển khai thực hiện Quy chế này; thường xuyên đôn đốc, kiểm
tra, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo định kỳ 6 tháng, 1 năm.
2. Cán bộ, công chức luân chuyển tăng cường có thời hạn về
giữ các chức vụ chủ chốt ở cấp xã có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
3. Việc thực hiện Quy chế làm việc là một căn cứ chấm điểm
thi đua hằng năm và đánh giá cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường.
4. Căn cứ vào quy chế này Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện,
thành phố chỉ đạo phòng Nội vụ định kỳ 6 tháng, 1 năm tổng hợp kết quả đánh giá
phân loại chất lượng cán bộ, công chức luân chuyển tăng cường trên địa bàn gửi
về Sở Nội vụ và cơ quan chủ quản của cán bộ luân chuyển tăng cường (nếu có) để
theo dõi, kiểm tra, đánh giá.
5. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các xã,
phường, thị trấn, các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan phản ánh về Sở
Nội vụ để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy
chế./.