THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
56/2006/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 13 tháng 03 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÓ THỜI HẠN CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VỀ CÁC HUYỆN,
XÃ TRỌNG ĐIỂM VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng
12 năm 2001;
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm
2003;
Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998 và Pháp lệnh sửa đổi,
bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003;
Căn cứ Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần
thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc tại Quyết định
số 122/2003/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Đối tượng, thời
gian, nguồn cán bộ tăng cường
1. Thực hiện việc tăng cường có thời hạn (từ 3 đến
5 năm) đối với cán bộ, công chức ở cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện (trừ các tỉnh
Tây Nguyên đã có quyết định riêng) về các huyện, xã trọng điểm vùng đồng bào
dân tộc thiểu số giúp cơ sở thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn
hoá - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng ở địa phương.
2. Cán bộ, công chức tăng cường quy định tại khoản
1 Điều này được tập trung cho các huyện, các xã trọng điểm, có đông đồng bào
dân tộc thiểu số, còn nhiều yếu kém.
Điều 2. Tiêu chuẩn, cán bộ,
công chức tăng cường
1. Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và
chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo; am hiểu hệ thống
chính trị cấp xã với những nét đặc thù ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
2. Có trình độ, kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ;
nói, hiểu được tiếng dân tộc và phong tục tập quán của đồng bào tại địa phương;
có khả năng tuyên truyền, vận động quần chúng.
3. Có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách
nhiệm, nhiệt tình công tác.
4. Tuổi tối đa không quá 45; đủ sức khoẻ để thực
hiện nhiệm vụ được giao.
Điều 3 . Nhiệm vụ của cán bộ,
công chức tăng cường
Tham mưu để Ủy ban nhân dân các huyện, xã trọng
điểm tổ chức thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp trên các lĩnh vực cụ thể
sau:
1. Tổ chức thực hiện tốt công tác cải cách hành
chính ở địa phương và việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức cấp xã bảo đảm
chuyên môn, chuyên nghiệp hoá;
2. Tổ chức thực hiện phát triển sản xuất, đẩy mạnh
xoá đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, làm
chuyển biến tích cực kinh tế - xã hội của địa phương;
3. Tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát
triển văn hoá, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc
thiểu số và bảo vệ tài nguyên môi trường;
4. Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính
trị, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phù hợp với tập quán, văn hoá của mỗi
vùng dân tộc;
5. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh -
quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chính sách dân tộc, tôn
giáo;
6. Tổ chức công tác tuyên truyền, vận động quần
chúng thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng, cơ quan Nhà nước và các
đoàn thể quần chúng;
7. Tổ chức sơ kết, tổng kết những cơ chế, mô
hình tốt để nhân ra diện rộng.
Điều 4. Quyền lợi của cán bộ,
công chức tăng cường
1. Được giữ nguyên lương, phụ cấp trách nhiệm,
các quyền lợi khác (nếu có) và biên chế ở cơ quan, đơn vị cử đi. Trường hợp địa
bàn đến công tác có phụ cấp khu vực cao hơn thì được hưởng mức phụ cấp này; hết
thời hạn tăng cường, trong vòng 03 tháng đơn vị cũ có trách nhiệm bố trí công
việc phù hợp.
2. Trong thời gian tăng cường nếu hoàn thành xuất
sắc nhiệm vụ thì được ưu tiên xét dự thi nâng ngạch, nâng bậc lương trước thời
hạn (tối đa là 12 tháng so với thời gian quy định) và xem xét, bổ nhiệm vào chức
danh thích hợp.
Điều 5. Chính sách hỗ
trợ, trợ cấp đối với cán bộ, công chức tăng cường
1. Ngoài các quyền lợi quy định tại Điều 4, cán
bộ, công chức tăng cường còn được:
a) Hỗ trợ ban đầu tối thiểu một triệu đồng/người;
b) Trợ cấp thêm hàng tháng bằng 50% mức lương và
phụ cấp (nếu có) hiện hưởng, trợ cấp này được nhận cùng kỳ lương hàng tháng và
không trích để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
c) Tuỳ theo điều kiện cụ thể ở các huyện, xã trọng
điểm và khả năng ngân sách của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng
nhân dân cùng cấp quy định cụ thể mức trợ cấp thêm hàng tháng cho cán bộ, công
chức tăng cường có thể cao hơn mức trợ cấp quy định tại điểm a và điểm b khoản
1 Điều này.
2. Các chế độ của cán bộ, công chức tăng cường về
huyện, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số do ngân sách địa phương đảm
bảo và cơ quan đơn vị quản lý cán bộ, công chức trước khi tăng cường chi trả.
Điều 6. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết
định các huyện, xã trọng điểm của địa phương sau khi có ý kiến thẩm định của Ủy
ban Dân tộc.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết
định lĩnh vực cần tăng cường cán bộ, loại cán bộ, công chức tăng cường (kể cả
chức danh chủ chốt), số lượng cán bộ và thời gian tăng cường cụ thể cho từng
huyện, xã trọng điểm; chỉ đạo Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch tăng cường, quy chế
làm việc đối với cán bộ, công chức tăng cường cho các huyện, xã trọng điểm; quy
định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ công tác với cơ sở, hàng
năm có nhận xét, đánh giá cụ thể đối với cán bộ, công chức được tăng cường,
thông báo cho cơ quan về tình hình cán bộ, công chức của cơ quan được cử đi
tăng cường.
3. Ủy ban nhân dân huyện thực hiện việc tăng cường
cán bộ, công chức theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; số cán bộ, công
chức tăng cường thuộc biên chế được giao của cơ quan, đơn vị.
4. Cán bộ, công chức tăng cường phải được
tập huấn những kiến thức cần thiết về phương pháp làm việc, phương pháp tuyên
truyền, vận động quần chúng và phải được đào tạo tiếng dân tộc thiểu số nơi đến
tăng cường. Đối tượng, nội dung, chương trình tập huấn, giáo trình giảng dạy tiếng
dân tộc, thời gian đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng do Ủy ban nhân
dân tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 7. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân cấp xã
Ủy ban nhân dân xã chịu trách nhiệm quản lý, tạo
điều kiện cho cán bộ, công chức tăng cường về xã thực hiện các nhiệm vụ theo
quy định tại Điều 3 Quyết định này; bố trí chỗ ở, nơi làm việc để cán bộ, công
chức tăng cường hoàn thành tốt nhiệm vụ và thực hiện nghiêm Quy chế của Ủy ban
nhân dân tỉnh quy định đối với cán bộ, công chức tăng cường.
Điều 8. Trách nhiệm của
các Bộ, ngành Trung ương
1. Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ
Nội vụ theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Quyết định này ở các địa phương
và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Các Bộ, ngành khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ
của mình phối hợp với các địa phương để chỉ đạo việc thực hiện tăng cường cán bộ,
công chức xuống địa bàn trọng điểm và hỗ trợ việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức
đối với cán bộ, công chức cần tăng cường giúp cơ sở giải quyết yêu cầu, nhiệm vụ
có liên quan.
Điều 9. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày,
kể từ ngày đăng Công báo.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.