QUY ĐỊNH
TẠM THỜI VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ GIẢI
QUYẾT VIỆC LÀM, TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TUÝ TẠI PHƯỜNG QUYẾT
TÂM, PHƯỜNG CHIỀNG CƠI VÀ XÃ HUA LA THÀNH PHỐ SƠN LA GIAI ĐOẠN 2013 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 284/QĐ-UBND ngày 06/02/2013 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La)
Chương I
CÁC QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Đối
tượng thực hiện
1. Người sau cai nghiện ma tuý
không tái sử dụng các chất ma tuý, bao gồm: Người hoàn thành dứt điểm quy trình
cai nghiện đã loại ra khỏi danh sách quản lý và người không tái nghiện vẫn đang
quản lý trong danh sách (Không bao gồm các đối tượng đang thực hiện điều trị
bằng thuốc Methadone), có sức khoẻ, có khả năng lao động, sản xuất, kinh
doanh, chưa có việc làm hoặc có việc làm
nhưng chưa ổn định và có nhu cầu về hỗ trợ giải quyết việc làm, tạo việc làm.
2. Đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở
sản xuất kinh doanh…, tham gia tạo việc làm, giải quyết việc làm cho người sau
cai nghiện ma tuý, bao tiêu sản phẩm.
3. Cộng tác viên làm công tác
quản lý theo dõi giúp đỡ người sau cai nghiện ma tuý giải quyết việc làm, tạo
việc làm tại các tổ, bản, tiểu khu (01 cộng tác viên/01 bản, tiểu khu, tổ
dân phố). Tuỳ theo điều kiện của từng xã, phường, tổ, bản, tiểu khu bố trí
cộng tác viên cho phù hợp.
Điều 2.
Nguồn kinh phí thực hiện
Kinh phí hỗ trợ giải quyết việc
làm, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý được tổng hợp lồng ghép các
nguồn vốn: Ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của
Nhà nước; Được bố trí trong dự
toán chi ngân sách địa phương hàng năm, giao dự toán trực tiếp cho UBND thành
phố Sơn La.
Chương II
NỘI DUNG CƠ
CHẾ, CHÍNH SÁCH
Điều 3.
Chính sách hỗ trợ đối với người sau cai nghiện ma túy quản lý tại cộng đồng
1. Hỗ trợ đào tạo, dạy nghề
UBND xã, phường có trách nhiệm
nắm bắt nhu cầu lao động tại địa phương; liên hệ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các Trung tâm dạy nghề trong tỉnh để thực hiện lồng ghép mở lớp tập
huấn, dạy nghề hoặc gửi đi đào tạo, dạy nghề (trường hợp ít người đăng ký
không mở được lớp) phù hợp với điều kiện của địa phương và nhu cầu của đối
tượng, như sau:
1.1. Hỗ trợ kinh phí học nghề
ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng) mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề.
- Người sau cai nghiện ma tuý thuộc diện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ
nghèo, người dân tộc thiểu số được
hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 03 triệu
đồng/người/khoá học; hỗ trợ tiền
ăn với mức 20.000 đồng/ngày thực
học/người.
- Người sau cai nghiện ma tuý
thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo được hỗ trợ chi
phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khoá học.
- Người sau cai nghiện ma tuý
không thuộc 02 đối tượng trên được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 02 triệu đồng/người/khoá học.
Mỗi người sau cai nghiện ma túy chỉ được hỗ trợ học nghề một lần theo quy định; Riêng những người đã được hỗ trợ học nghề nhưng bị mất
việc do điều kiện thực tiễn cơ sở sản xuất phá sản, tác động bên ngoài gây tổn
thất lớn thì UBND thành phố có thẩm quyền xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ học
nghề để chuyển đổi việc làm theo quy định này nhưng tối đa không quá 03 lần;
Trường hợp học các nghề có thời gian, chi phí lớn hơn mức hỗ
trợ trên thì chỉ được hỗ trợ theo mức
tối đa đã quy định trên.
1.2. Hỗ trợ kinh phí tập huấn, hướng dẫn công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến
công; hướng dẫn sử dụng máy móc,
thiết bị phục vụ sản xuất; chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, bao gồm:
- Hỗ trợ tiền in tài liệu kỹ thuật.
- Hỗ trợ tiền ăn học viên 50.000 đ/người/ngày.
- Hỗ trợ tiền nước uống 5.000
đ/người/ngày.
- Hỗ trợ giảng viên trực tiếp hướng dẫn thực hành 200.000 đ/người/ngày (08
giờ) và các chi phí tập huấn khác.
Mỗi
người sau cai nghiện ma túy chỉ được hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn 01 lần riêng những người đã được
hỗ trợ tập huấn nhưng bị mất việc do nguyên nhân khách quan thì các cấp có thẩm
quyền xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ tập huấn để chuyển đổi việc làm theo
quy định này nhưng tối đa không quá 03 lần.
1.3. Hỗ trợ kinh phí cho người sau cai nghiện ma túy đi xuất khẩu lao động.
- Người sau
cai nghiện ma túy khi tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được hỗ trợ
các chi phí học nghề theo quy định tại Tiết a, Điểm 1.1, Mục
1, Phần II tại Quyết định này.
- Được hỗ trợ tiếp các nội dung
sau:
+ Hỗ trợ kinh phí học ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động theo các quy định hiện hành, thời gian đào tạo 3 tháng.
+ Tiền tàu,
xe (cả đi và về) 01 lần từ nơi cư trú đến nơi đào tạo học nghề, học ngoại
ngữ (mức hỗ trợ theo giá cước của phương tiện vận tải hành khách thông thường
tại thời điểm thanh toán).
+ Hỗ trợ 100% chi phí làm thủ tục
trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo các mức quy định về phí làm hộ chiếu,
phí visa, phí khám sức khoẻ, lệ
phí làm lý lịch tư pháp.
1.4. Người sau cai nghiện ma túy được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí tại
các Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh.
2. Hỗ trợ vốn, tư liệu sản xuất cho người
sau cai nghiện ma túy
2.1. Người sau cai nghiện ma túy được hỗ trợ lãi suất tiền vay từ Ngân hàng
chính sách và các Ngân hàng thương mại để làm chuồng trại, mua bò giống, trồng
cỏ …, theo quy định tại Nghị quyết
số 258/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2008 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ
trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2009 -
2015.
2.2. Người sau cai nghiện ma túy
được vay vốn không lãi suất cho việc chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng, khai
hoang…, trang bị máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất (thực hiện đối
với các dự án có số tiền tối đa không quá 10 triệu đồng đã được cơ quan trực tiếp
cho vay và chủ trì dự án thẩm định, phê duyệt), bao gồm:
Chi phí giống vật nuôi, cây trồng;
chi phí vật tư thiết yếu (như: Thức ăn chăn nuôi, phân bón ...); chi phí mua sắm máy móc,
thiết bị phục vụ sản xuất.
2.3. Người
sau cai nghiện ma túy học các nghề có thời gian, chi phí lớn hơn mức quy định tại Tiết a, Điểm 1.1,
Mục 1, Phần II, ngoài phần được hỗ trợ, nếu có nhu cầu được vay vốn để chi trả
các chi phí còn lại thì được vay vốn với mức vay, thời hạn và lãi suất vay áp dụng
theo quy định tín dụng đối với học sinh, sinh viên tại ngân hàng chính sách xã
hội.
2.4. Người sau cai nghiện ma tuý
tham gia xuất khẩu lao động ngoài mức hỗ trợ theo quy định này nếu có nhu cầu
vay vốn, được vay để chi trả các chi phí trước khi xuất cảnh tại Ngân hàng
chính sách xã hội thì được vay vốn với mức vay theo nhu cầu vay vốn của người
vay để chi phí đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài nhưng tối đa không vượt quá
30 triệu đồng; thời hạn vay, lãi suất vay theo quy định tín dụng đối với lao động
đi xuất khẩu lao động tại Ngân hàng chính sách xã hội.
Ngoài các chính sách hỗ trợ được
hưởng tại quy định này, người sau cai nghiện ma tuý được thực hiện các chính
sách hiện hành do Trung ương, tỉnh đã ban hành (nếu đúng đối tượng).
Điều 4. Chế độ
chính sách đối với đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia tạo
việc làm, giải quyết việc làm, bao tiêu sản phẩm cho người sau cai nghiện ma
tuý
1. Cho vay vốn
1.1. Hộ gia đình có phương án sản
xuất cụ thể tạo được việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý được vay vốn từ
nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng chính sách xã hội để mua sắm
vật tư, máy móc, thiết bị, mở rộng nhà xưởng; phương tiện vận tải, phương tiện
đánh bắt thuỷ hải sản, nhằm mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh;
mua sắm nguyên liệu, giống cây trồng, vật nuôi, thanh toán các dịch vụ phục vụ
sản xuất, kinh doanh; mức tối đa 20 triệu đồng không phải thế chấp (Phương
án sản xuất do Ngân hàng chính sách xã hội thẩm định và phê duyệt).
1.2. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ,
cơ sở sản xuất kinh doanh tuyển dụng người sau cai nghiện ma túy vào làm việc ổn
định (có lương hàng tháng theo quy định) từ 05 người trở lên hoặc thực
hiện bao tiêu trên 70% sản phẩm/người do người sau cai nghiện ma tuý sản xuất
ra từ 10 người trở lên được vay vốn từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm với
số tiền tối đa 500 triệu đồng.
Việc vay vốn thực hiện theo Quyết
định số 212/2006/QĐ-TTg ngày 20 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về tín
dụng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng
người lao động là người sau cai nghiện ma túy và hướng dẫn cho vay của Ngân
hàng chính sách tại Hướng dẫn số 682/NHCS-TD ngày 23 tháng 4 năm 2007.
2. Chính sách hỗ trợ khác
2.1. Miễn giảm thuế thu nhập doanh
nghiệp cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sử dụng lao động là người sau cai nghiện
ma túy vào làm việc ổn định, bao tiêu sản phẩm do gia đình có người sau cai
nghiện ma tuý sản xuất theo quy định Khoản 4, Điều 8, Thông tư số
123/2012/TT-BTC ngày 27 tháng 7 năm 2012 về hướng dẫn chi tiết thực hiện Luật
thuế thu nhập doanh nghiệp.
2.2. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất
sử dụng lao động là người sau cai nghiện ma túy vào làm việc được tạo điều kiện,
ưu tiên thuê mặt bằng sản xuất tại các vị trí thuận lợi (không nằm trong diện
quy hoạch).
2.3. Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu
tư xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp,
nông nghiệp, lâm nghiệp để phổ biến những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, làm mẫu
cho các hộ gia đình có người sau cai nghiện ma tuý làm theo. Mức hỗ trợ tối đa
20 triệu đồng/mô hình.
2.4. Hỗ trợ xây dựng mô hình sản
xuất tập trung cho người sau cai nghiện ma tuý (thuận lợi cho việc quản lý).
Mức tối đa là 100 triệu đồng/mô hình, với số người sau cai nghiện ma tuý thường
xuyên tham gia là 10 người trở lên.
Điều 5. Hỗ trợ
cộng tác viên
Hỗ trợ hàng tháng đối với cộng tác
viên trực tiếp theo dõi, giúp đỡ người sau cai nghiện ma tuý trong quá trình quản
lý, tạo việc làm, giải quyết việc làm ở bản, tiểu khu, tổ dân phố không tái
nghiện:
- Hỗ trợ đối với cộng tác viên
giúp đỡ từ 01 - 03 người sau cai nghiện ma túy: Mức hỗ trợ bằng 0,2 mức lương tối
thiểu/tháng.
- Hỗ trợ đối với cộng tác viên
giúp đỡ trên 03 người sau cai nghiện ma túy trở lên: Mức hỗ trợ bằng 0,3 mức
lương tối thiểu/tháng.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Trách
nhiệm các ngành
1. Sở Lao động, Thương binh và Xã
hội:
- Chủ trì, phối hợp với UBND thành
phố và các sở, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng đề án đào tạo nghề, giải quyết
việc làm và tạo việc làm cho người sau cai nghiện thí điểm tại phường Quyết
Tâm, phường Chiềng Cơi, và xã Hua La.
- Thành lập Ban Chỉ đạo thí điểm
của thành phố để triển khai đề án đảm bảo cơ chế, chính sách hỗ trợ giải quyết
việc làm, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại phường Quyết Tâm,
phường Chiềng Cơi và xã Hua La thành phố Sơn La giai đoạn 2013 - 2015 được thực
hiện có hiệu quả.
2. Sở Tài chính
Chủ trì phối hợp với các sở,
ban, ngành liên quan hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí
thực hiện chính sách giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy.
3. UBND thành phố
- Hàng quý, năm có trách nhiệm
báo cáo tình hình thực hiện thí điểm chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, tạo
việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý tại phường Quyết Tâm, phường Chiềng
Cơi và xã Hua La.
- Kết thúc giai đoạn 2013 -
2015, chủ trì phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các ngành có
liên quan tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện chính sách thí điểm.
Trong quá trình thực hiện có vướng
mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
(qua Ban Chỉ đạo thực hiện đề án) để trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.