ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2041/QĐ-UBND
|
Bình Thuận, ngày
12 tháng 8 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH CHẤP THUẬN NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC
NGOÀI TRƯỚC KHI NHẬP CẢNH VIỆT NAM ĐẾN BÌNH THUẬN LÀM VIỆC
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Nghị định số
152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước
ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm
việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam;
Căn cứ Thông báo số
118/TB-VPCP ngày 21/3/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc kết luận của Thủ tướng
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch
Covid-19;
Công văn số 3198/VPCP-QHQT
ngày 22/4/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc giải quyết thủ tục nhập cảnh đối
với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
Căn cứ Chỉ thị số 05/CT-TTg
ngày 28/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng, chống
dịch Covid-19;
Căn cứ Công văn số
5322/CV-BCĐ ngày 05/7/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19
về việc hướng dẫn chuyên gia nước ngoài nhập cảnh phòng chống dịch COVID-19;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 75/TTr-SLĐTBXH ngày 14 tháng 7
năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình chấp thuận
người lao động nước ngoài trước khi nhập cảnh Việt Nam đến Bình Thuận làm việc.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế
Quyết định số 22/QĐ-UBND ngày 06/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban
hành Quy trình chấp thuận người lao động nước ngoài trước khi nhập cảnh Việt
Nam đến Bình Thuận làm việc.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị có liên quan
và các doanh nghiệp, tổ chức, nhà thầu đang hoạt động trên địa bàn tỉnh căn cứ
Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, KGVXNV. (Trình)
|
CHỦ TỊCH
Lê Tuấn Phong
|
QUY TRÌNH
CHẤP THUẬN NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI TRƯỚC KHI NHẬP CẢNH VIỆT
NAM ĐẾN BÌNH THUẬN LÀM VIỆC
(Kèm theo Quyết định số 2041/QĐ-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban
nhân dân tỉnh)
I. Nguyên tắc
thực hiện
- Đảm bảo công tác xem xét chấp
thuận các trường hợp đề nghị nhập cảnh vào Việt Nam theo đúng các quy định; thực
hiện đúng, đầy đủ các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch
COVID-19 và Bộ Y tế về việc giám sát, cách ly y tế nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm
COVID-19 từ nước ngoài.
- Người lao động là công dân nước
ngoài nhập cảnh Việt Nam đến Bình Thuận làm việc và thực hiện các quy định về cấp
giấy phép lao động trước khi làm việc.
II. Đối tượng
áp dụng
Người lao động là công dân nước
ngoài nhập cảnh vào làm việc tại tỉnh Bình Thuận ở các vị trí công việc: Nhà đầu
tư, Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao (gọi
tắt là người lao động nước ngoài).
III. Quy
trình thực hiện
1. Đối với
người lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động
1.1. Trước khi nhập cảnh
Người sử dụng lao động có nhu cầu
sử dụng người lao động nước ngoài cần chuẩn bị trước, thực hiện đầy đủ các nội
dung sau:
a. Có văn bản chấp thuận của Ủy
ban nhân dân tỉnh cho tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài ở từng vị
trí công việc. Trường hợp người lao động nước ngoài quy định tại các khoản 3, 4
và 5 Điều 154 của Bộ luật Lao động năm 2019 và các khoản 1, 2, 8, 9, 10, 11, 12
và 13 Điều 7 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định
về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người
lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (gọi tắt
là Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ) thì người sử dụng
lao động không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước
ngoài.
b. Có văn bản đề nghị Ủy ban
nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho phép nhập cảnh
đối với người lao động nước ngoài; trong văn bản phải có nội dung cam kết thực
hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện tốt việc quản
lý, sử dụng lao động người nước ngoài đúng theo quy định hiện hành.
c. Danh sách người lao động nước
ngoài, cụ thể: họ và tên; giới tính; ngày/tháng/năm sinh; số hộ chiếu, ngày cấp,
ngày hết hạn; Quốc tịch; vị trí công việc; chức danh công việc; hình thức làm
việc; nơi làm việc; địa chỉ làm việc; thời gian dự kiến nhập cảnh, cửa khẩu nhập
cảnh, địa điểm cách ly.
d. Bản sao công chứng Giấy phép
lao động đã được cấp hoặc giấy tờ chứng minh là Nhà quản lý, giám đốc điều
hành, chuyên gia theo quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 3 Nghị định số
152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước
ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm
việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (nếu của nước ngoài phải dịch
ra tiếng Việt và công chứng theo quy định của pháp luật Việt Nam).
đ. Đối với trường hợp người lao
động nước ngoài là lao động kỹ thuật cao cần cung cấp bản sao chứng thực Giấy
phép lao động đã được cấp hoặc thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Được đào tạo chuyên ngành kỹ
thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 01 năm và làm việc ít nhất 03 năm trong
chuyên ngành được đào tạo.
- Có trên 05 năm kinh nghiệm
làm công việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến
làm việc tại Việt Nam.
(Các giấy tờ nêu trên nếu của
nước ngoài phải dịch ra tiếng Việt và công chứng theo quy định của pháp luật Việt
Nam).
1.2. Sau khi nhập cảnh và
hoàn thành thời gian cách ly y tế
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc
kể từ ngày hoàn thành thời gian cách ly y tế theo quy định, người sử dụng lao động
có văn bản báo cáo cụ thể danh sách người lao động nước ngoài đã được nhập cảnh
về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (bao gồm: họ và tên; giới tính;
ngày/tháng/năm sinh; số hộ chiếu; quốc tịch; thời gian nhập cảnh, cửa khẩu nhập
cảnh, địa điểm cách ly, thời gian hoàn thành cách ly; thời gian dự kiến bắt đầu
làm việc, nơi làm việc; địa chỉ làm việc, vị trí công việc, chức danh công việc;
số điện thoại người cần liên hệ).
- Trong vòng 15 ngày làm việc,
kể từ ngày người lao động nước ngoài hoàn thành thời gian cách ly y tế, người sử
dụng lao động kịp thời lập hồ sơ đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp
giấp phép lao động theo đúng quy định hiện hành.
- Cung cấp Giấy xét nghiệm âm
tính lần cuối với vi rút SARS-CoV-2 được thực hiện tại phòng xét nghiệm do
Chính phủ phê duyệt hoặc thuộc hệ thống phòng xét nghiệm của Tổ chức Y tế thế
giới và quyết định hoàn thành cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú khi nộp hồ sơ đề
nghị cấp giấy phép lao động.
2. Đối với
người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động
2.1. Trước khi nhập cảnh
Người sử dụng lao động có nhu cầu
sử dụng người lao động nước ngoài cần chuẩn bị trước, thực hiện đầy đủ các nội
dung sau:
a. Có văn bản chấp thuận của Ủy
ban nhân dân tỉnh cho tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài ở từng vị
trí công việc. Trường hợp người lao động nước ngoài quy định tại các khoản 3, 4
và 5 Điều 154 của Bộ luật Lao động năm 2019 và các khoản 1, 2, 8, 9, 10, 11, 12
và 13 Điều 7 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ thì người
sử dụng lao động không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng người lao động
nước ngoài.
b. Có văn bản đề nghị Ủy ban
nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho phép nhập cảnh
đối với người lao động nước ngoài; trong văn bản phải có nội dung cam kết thực
hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện tốt việc quản
lý, sử dụng lao động người nước ngoài đúng theo quy định hiện hành.
c. Danh sách người lao động nước
ngoài, cụ thể: họ và tên; giới tính; ngày/tháng/năm sinh; số hộ chiếu, ngày cấp,
ngày hết hạn; quốc tịch; vị trí công việc; chức danh công việc; hình thức làm
việc; nơi làm việc; địa chỉ làm việc; thời gian dự kiến nhập cảnh, cửa khẩu nhập
cảnh, địa điểm cách ly.
d. Đối với trường hợp là nhà đầu
tư cần cung cấp bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận
đăng ký đầu tư.
đ. Bản sao có chứng thực Giấy
xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc giấy tờ chứng minh người
lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại
Điều 7, Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ, như: là chủ
sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn
từ 3 tỷ đồng trở lên; là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản
trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên; vào Việt Nam với
thời hạn dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp
nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà
các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không
xử lý được;... (nếu của nước ngoài phải dịch ra tiếng Việt và công chứng
theo quy định của pháp luật Việt Nam).
e. Giấy tờ chứng minh là Nhà quản
lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật cao theo quy định tại
điểm d, e khoản 1.1. nêu trên.
2.2. Sau khi nhập cảnh và
hoàn thành thời gian cách ly y tế
a. Trong thời hạn 03 ngày làm
việc kể từ ngày hoàn thành thời gian cách ly y tế theo quy định, người sử dụng
lao động có văn bản báo cáo cụ thể danh sách người lao động nước ngoài đã được
nhập cảnh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (bao gồm: họ và tên; giới
tính; ngày/tháng/năm sinh; số hộ chiếu; quốc tịch; thời gian nhập cảnh, cửa khẩu
nhập cảnh, địa điểm cách ly, thời gian hoàn thành cách ly; thời gian dự kiến bắt
đầu làm việc, nơi làm việc; địa chỉ làm việc, vị trí công việc, chức danh công
việc; số điện thoại người cần liên hệ).
b. Trong vòng 10 ngày làm việc,
kể từ ngày người lao động nước ngoài hoàn thành thời gian cách ly y tế, người sử
dụng lao động kịp thời lập hồ sơ đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo đúng quy định hiện hành.
c. Cung cấp Giấy xét nghiệm âm
tính lần cuối với vi rút SARS-CoV-2 được thực hiện tại phòng xét nghiệm do
Chính phủ phê duyệt hoặc thuộc hệ thống phòng xét nghiệm của Tổ chức Y tế thế
giới và quyết định hoàn thành cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú khi nộp hồ sơ đề
nghị cấp giấy phép lao động.
IV. Tổ chức
thực hiện
1. Trách nhiệm Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội
- Phối hợp chặt chẽ với Công an
tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư nắm chắc thông tin về tình hình hoạt động kinh
doanh, tình hình sử dụng lao động nước ngoài, rà soát những vị trí công việc cần
thiết phải sử dụng lao động nước ngoài thực sự nhập cảnh đúng đối tượng, mục
đích.
- Trên cơ sở hồ sơ đề nghị của
người sử dụng lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra hồ sơ và gửi
hồ sơ đến Công an tỉnh để có ý kiến trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét, có văn bản đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho nhập cảnh đối
với người lao động nước ngoài.
- Thực hiện hướng dẫn cấp giấy
phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người
lao động nước ngoài theo đúng quy định.
- Đề nghị cơ quan có thẩm quyền
rút Giấy phép hoạt động, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận
đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với người sử dụng lao động đứng ra
bảo lãnh chuyên gia người nước ngoài nhập cảnh, sau khi hết thời gian cách ly
không tiếp nhận chuyên gia hoặc không quản lý để chuyên gia đi đến nhiều địa
phương.
2. Trách nhiệm Sở Y tế
- Hướng dẫn cho các doanh nghiệp
trên địa bàn tỉnh khi có nhu cầu mời chuyên gia người nước ngoài nhập cảnh làm
việc tại tỉnh. Cần thực hiện đảm bảo các quy định: về xét nghiệm, phương án nhập
cảnh và cách ly y tế, địa điểm cách ly, nơi lưu trú, nơi làm việc… bằng văn bản
gửi Sở Y tế thẩm định phê duyệt theo quy định trước khi nhập cảnh vào Việt Nam
làm việc tại tỉnh Bình Thuận.
- Xây dựng phương án cụ thể việc
đưa đón, cách ly sau khi được nhập cảnh, giám sát chặt chẽ việc đưa đón người
nhập cảnh về nơi cách ly y tế tập trung đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo
quy định.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát
các điều kiện cách ly và việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại các
cơ sở cách ly y tế tập trung trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả công tác phòng,
chống dịch.
- Quản lý, giám sát chặt chẽ việc
cách ly y tế tại nơi lưu trú hoặc nơi làm việc sau khi hoàn thành thời gian
cách ly tập trung đúng quy định.
- Phối hợp với Công an tỉnh bàn
giao các chuyên gia nước ngoài sau thời gian cách ly tập trung, có thông báo bằng
văn bản cho chính quyền địa phương và cơ sở y tế nơi lưu trú của người nước
ngoài, đồng thời gửi về Sở lao động - Thương binh và Xã hội để phối hợp theo
dõi.
3. Trách nhiệm Công an tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế,
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan giám sát
chặt chẽ việc đưa đón chuyên gia về cơ sở cách ly, triển khai công tác đảm bảo
an ninh trật tự và các nội dung liên quan nhằm đảm bảo an toàn và phòng chống dịch
tại các cơ sở cách ly tập trung, cách ly tại nơi lưu trú theo đúng quy định.
- Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị
xem xét nhập cảnh của người sử dụng lao động do Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội chuyển đến, Công an tỉnh có ý kiến bằng văn bản gửi Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội trong vòng 05 ngày làm việc.
- Phối hợp cung cấp thông tin về
người lao động nước ngoài được nhập cảnh cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
để kịp thời theo dõi, hướng dẫn lập hồ sơ cấp giấy phép lao động theo đúng quy
định hiện hành.
4. Tránh nhiệm của Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Chủ trì phối hợp với các cơ quan,
đơn vị liên quan ban hành Quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế, cấp giấy
xác nhận hoàn thành cách ly y tế đối với các trường hợp cách ly y tế tại cơ sở
lưu trú trên địa bàn. Đồng thời chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị chức
năng liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly y tế tại các
cơ sở lưu trú trên địa bàn và thực hiện cưỡng chế các trường hợp không tuân thủ
yêu cầu cách ly theo quy định; chủ trì phối hợp với lực lượng công an tổ chức
giám sát cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú, nơi làm việc đảm bảo công tác phòng
chống dịch COVID-19 theo quy định.
5. Tránh nhiệm của người sử
dụng lao động
- Trước khi nhập cảnh:
+ Người sử dụng lao động có nhu
cầu mời người lao động nước ngoài nhập cảnh gửi hồ sơ đến cơ quan có nhiệm vụ
tiếp nhận hồ sơ nhập cảnh để được xem xét, giải quyết.
+ Thông báo cho người lao động
nước ngoài nhập cảnh phải được xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real
Time-PCR và có kết quả xét nghiệm âm tính trước ngày nhập cảnh vào Việt Nam
theo quy định.
- Sau khi nhập cảnh:
+ Khi được cấp phép nhập cảnh,
nếu nhập cảnh cách ly tại tỉnh Bình Thuận, đề nghị người sử dụng lao động có
nhu cầu mời người lao động nước ngoài làm việc thông báo bằng văn bản cho Sở Y
tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan các thông tin
cụ thể về thời gian hạ cánh, số hiệu chuyến bay, số lượng chuyên gia nhập cảnh
và các thông tin liên quan khác để có cơ sở phối hợp tổ chức thực hiện cách ly
y tế theo phương án đã được Sở Y tế thẩm định phê duyệt.
+ Thực hiện giám sát, quản lý
người lao động nước ngoài bảo đảm phòng, chống dịch sau khi nhập cảnh làm việc
cho mình và hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu xảy ra các vi phạm về phòng chống dịch
COVID-19.
+ Cam kết chấp hành nghiêm các
biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, phối
hợp với các ban, ngành liên quan quản lý chặt chẽ người lao động nước ngoài sau
khi nhập cảnh.
- Liên hệ với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội để thực hiện các thủ tục cấp Giấy phép lao động hoặc xác
nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo đúng quy định. Nếu người sử dụng
lao động không thực hiện hoặc cố tình vi phạm thì Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm theo quy định./.