ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1528/QĐ-UBND
|
Cà Mau, ngày 07 tháng 9 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, CÔNG
CHỨC, VIÊN CHỨC ĐƯỢC CỬ ĐI BỒI DƯỠNG Ở NƯỚC NGOÀI BẰNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CỦA TỈNH
CÀ MAU TRONG NĂM 2017
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số
điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi
dưỡng công chức;
Căn cứ Quyết định số 552/QĐ-UBND
ngày 27/3/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch bồi dưỡng
cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước năm 2017 của
tỉnh Cà Mau;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ
tại Tờ trình số 261/TTr-SNV ngày 05/9/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định tạm
thời về quản lý và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức được cử đi bồi
dưỡng ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước của tỉnh Cà Mau trong năm 2017”.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với
các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở
Nội vụ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố Cà Mau và các đơn vị, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định
thi hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- NC (Ng27);
- Lưu: VT, Tu17/9.
|
KT, CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Hồng Quân
|
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ QUẢN LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐƯỢC CỬ ĐI BỒI
DƯỠNG Ở NƯỚC NGOÀI BẰNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CỦA TỈNH CÀ MAU TRONG NĂM 2017
(Ban hành kèm theo Quyết định số
1528/QĐ-UBND ngày 07/9/2017 của
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau)
Điều 1. Đối tượng
và phạm vi áp dụng
1. Quy định này quy định về quản lý
và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức được cử đi bồi dưỡng ở nước
ngoài bằng ngân sách nhà nước của tỉnh Cà Mau trong năm 2017.
2. Quy định này được áp dụng đối với
các cơ quan có trách nhiệm quản lý gồm Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ, các cơ quan, đơn
vị có cán bộ, công chức, viên chức được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài bằng ngân
sách nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài
bằng ngân sách nhà nước theo Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 2. Nguyên
tắc lãnh đạo, quản lý
1. Đảm bảo tuân thủ các quy định của
Đảng và pháp luật của Nhà nước về đi bồi dưỡng ở nước ngoài.
2. Đảm bảo thực hiện đầy đủ nội dung,
chương trình khóa bồi dưỡng và các chế độ liên quan.
3. Đảm bảo chấp hành các quy định của
cơ sở đào tạo, các quy định về ăn ở, đi lại, học tập, sinh hoạt ở nước ngoài và
trong quan hệ, giao tiếp với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.
Điều 3. Trách
nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài
1. Lựa chọn, đề cử cán bộ, công chức,
viên chức có đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định.
2. Quán triệt, giáo dục cho cán bộ,
công chức, viên chức trước khi ra nước ngoài để nâng cao nhận thức chính trị về
quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của
đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức khi ra nước ngoài.
Điều 4. Trách nhiệm
của cán bộ, công chức, viên chức được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài
1. Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn:
a) Trưởng đoàn
- Trưởng đoàn là người quản lý và đại
diện đoàn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về toàn bộ các
hoạt động của đoàn cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian học tập ở nước
ngoài.
- Thay mặt đoàn giao dịch với cơ sở bồi
dưỡng nước ngoài hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài
(khi cần thiết).
- Theo dõi việc thực hiện chương
trình, nội dung, kế hoạch học tập, nghiên cứu của đoàn trên cơ sở hợp đồng đã
được ký kết.
- Chịu trách nhiệm quản lý các thành
viên của đoàn trong thời gian đoàn tham gia bồi dưỡng ở nước ngoài; tổng hợp,
báo cáo kết quả học tập của đoàn sau khi kết thúc khóa bồi dưỡng.
b) Phó Trưởng đoàn
Phó Trưởng đoàn có trách nhiệm giúp
Trưởng đoàn quản lý đoàn và chấp hành đầy đủ các quy định đối với đoàn và thành
viên của đoàn.
2. Trách nhiệm chung của cán bộ, công
chức, viên chức được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài
a) Trước khi đi nước ngoài
- Thực hiện đúng thời gian, yêu cầu của
cơ quan thẩm quyền về quy trình lập hồ sơ, thủ tục chuẩn bị tham dự bồi dưỡng ở
nước ngoài và các giấy tờ tùy thân xuất cảnh, nhập cảnh
liên quan đến khóa bồi dưỡng (hộ chiếu, thị thực, thư mời
của cơ sở bồi dưỡng nước ngoài, Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cử
cán bộ, công chức, viên chức tham dự bồi dưỡng nước ngoài).
- Tham dự họp đoàn đầy đủ, đúng thời
gian theo thư mời để nghe phổ biến, quán triệt các vấn đề có liên quan trước
khi ra nước ngoài.
- Nghiên cứu, chuẩn bị kỹ tài liệu
liên quan đến nội dung, chương trình bồi dưỡng để tham gia khóa học đạt kết quả
cao nhất; mang theo đồ dùng cá nhân và đồ dùng sinh hoạt theo đúng quy định về
xuất cảnh, nhập cảnh.
- Cán bộ, công chức, viên chức phải
báo cáo với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi công tác về nội dung chuyến đi, thời
gian ra nước ngoài, nước đến khi có quyết định cử đi nước ngoài của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh.
- Bàn giao công việc chuyên môn do cá
nhân đảm trách cho lãnh đạo cơ quan để phân công cán bộ,
công chức, viên chức liên quan đảm trách.
b) Khi ra nước ngoài
- Tuân thủ quy định của Trưởng đoàn
và người hướng dẫn đoàn; tập trung làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định,
ngay sau khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh, các thành viên phải theo đoàn cùng về
nơi ở do cơ sở bồi dưỡng bố trí (không tự ý tách đoàn, khi cần thiết phải báo
Trưởng đoàn).
- Chấp hành nghiêm các quy định hiện
hành của Đảng, Nhà nước, pháp luật Việt Nam; pháp luật của nước sở tại về xuất
cảnh, nhập cảnh và các quy định khác có liên quan. Trong quan hệ, giao tiếp với
tổ chức, cá nhân người nước ngoài phải cẩn trọng, không làm phương hại đến lợi
ích đất nước và an ninh quốc gia.
- Không mang tài liệu mật và tài liệu
chưa được phép lưu hành của Đảng, Nhà nước ra nước ngoài.
- Luôn nâng cao cảnh giác, chủ động
phòng ngừa, đấu tranh với những hoạt động chia rẽ, lôi kéo, chống phá của các lực
lượng phản động và các thế lực thù địch. Khi phát hiện các hoạt động mua chuộc,
móc nối, lôi kéo, chống phá Đảng, Nhà nước ta, phải kịp thời báo cáo với Trưởng
đoàn.
- Tôn trọng phong tục tập quán, truyền
thống văn hóa, văn minh của nước sở tại. Không nói chuyện ồn ào nơi công cộng
(kể cả nói chuyện qua điện thoại); khi tiến hành các hoạt động tại nơi công cộng
phải xếp hàng theo quy định (nếu có); hút thuốc lá đúng nơi quy định; bảo quản
không để mất mát tài sản cá nhân (lưu ý điện thoại...).
- Thực hiện đúng trách nhiệm, thời
gian, nội dung, chương trình bồi dưỡng. Nêu cao ý thức của từng cá nhân trong học
tập: Tham gia đầy đủ các buổi học và khảo sát thực tế; thực hiện đúng thời gian
lên lớp theo quy định của cơ sở đào tạo; nghiên cứu kỹ từng chuyên đề, nội dung
có liên quan trước khi lên lớp; nghiêm túc học tập, tích cực tham gia trao đổi,
thảo luận, đặt vấn đề với giảng viên để làm rõ các nội dung có liên quan đến
khóa bồi dưỡng. Không trao đổi nội dung có liên quan đến nội bộ của ngành, tỉnh
và quốc gia.
- Phải có ý thức trong sinh hoạt; chấp
hành đầy đủ các quy định cơ sở đào tạo; nghiêm túc thực hiện các quy định về ăn
ở, đi lại, học tập, sinh hoạt ở nước ngoài. Nơi ăn ở phải sạch sẽ, gọn gàng
theo đúng quy định của khách sạn. Ngồi xe phải đúng chỗ, những số ghế phía trước
ưu tiên dành cho giảng viên, phiên dịch và Trưởng đoàn. Khi lên lớp phải tắt điện
thoại. Đồng thời, khi lên lớp và nghe giảng viên thuyết minh khi đi thực tế tuyệt
đối phải tập trung kịp thời, lắng ghe và không được chụp ảnh hoặc làm việc
riêng.
- Khi ra ngoài (khỏi nơi ở tập trung
của đoàn) phải báo cáo Trưởng đoàn.
c) Khi hoàn thành khóa bồi dưỡng
- Cán bộ, công chức, viên chức đi bồi
dưỡng ở nước ngoài sau khi kết thúc khóa bồi dưỡng phải về nước đúng thời thời
gian quy định.
- Sau khi về nước trong thời gian 07
ngày làm việc phải có trách nhiệm báo cáo báo đầy đủ, trung thực bằng văn bản
(theo quy định tại Điều 23 Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25/01/2011 của Bộ Nội
vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày
05/3/2010); Trưởng đoàn tổng hợp báo cáo chung và kèm theo các báo cáo của từng
thành viên trong đoàn gửi Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh. Nội dung báo cáo của đoàn và các thành viên trong đoàn cần nêu rõ những
mô hình tiên tiến, những kinh nghiệm hay có thể vận dụng trong thực hiện nhiệm
vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Thực hiện đúng quy định xuất cảnh,
nhập cảnh trong việc mang hàng hóa về nước, trong đó cần lưu ý đến loại hàng
hóa được phép mang, không được phép mang và trọng lượng quy định; việc gởi và
nhận hành lý; việc cất giữ giấy tờ liên quan đến thủ tục xuất nhập cảnh. Không
được mang các tài liệu phản động, các loại văn hóa phẩm đồi trụy, các tài liệu
văn hóa phẩm và hàng hóa cấm khác về nước.
Điều 5. Xử lý vi
phạm
Những trường hợp sau đây tùy theo
tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, bồi thường vật chất, đền bù chi
phí bồi dưỡng hoặc truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật:
1. Trưởng đoàn thiếu tinh thần trách
nhiệm để xảy ra những hiện tượng tiêu cực và hoạt động của đoàn trong thời gian
ở nước ngoài không đúng với mục đích của khóa bồi dưỡng và không hoàn thành
chương trình của khóa bồi dưỡng.
2. Cán bộ, công chức, viên chức được
cử đi bồi dưỡng vi phạm quy định xuất cảnh, nhập cảnh; không chấp hành quy định
của đoàn; không tham dự bồi dưỡng không có lý do hoặc có lý do nhưng chưa được
cơ quan có thẩm quyền cho phép; vi phạm nội quy của cơ sở đào tạo; vi phạm pháp
luật của nước sở tại; về nước không đúng thời hạn (trừ trường hợp được cơ quan
có thẩm quyền cho phép).
3. Không chấp hành chế độ báo cáo
theo quy định.
Trong quá trình thực hiện Quy định này
những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở
Nội vụ để tổng hợp, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho
phù hợp./.