HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 24/NQ-HĐND
|
Bạc Liêu, ngày 05
tháng 11 năm 2021
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT
CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN 2022 - 2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ BA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng
11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng
02 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành
Luật Giáo dục nghề nghiệp;
Căn cứ Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 08
tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế -
xã hội 5 năm 2021 - 2025;
Xét Tờ trình số 137/TTr-UBND ngày 26 tháng 10
năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Chương trình phát triển
giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2022 - 2025; báo cáo thẩm tra của
Ban văn hóa - xã hội của Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu
Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất phê duyệt Chương trình
phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2022 - 2025, với nội
dung như sau:
I. MỤC TIÊU:
Phát triển giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân
lực phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành
nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng
sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc
tế và chuyển đổi số trong thời kỳ công nghệ 4.0; tạo điều kiện cho người học sau
khi hoàn thành chương trình, khóa học có khả năng tự tìm việc làm, tự tạo việc
làm, nâng cao thu nhập hoặc học ở trình độ cao hơn, làm chủ quy trình, công
nghệ sản xuất, đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng lao động; góp phần quan
trọng vào quá trình phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh.
II. CHỈ TIÊU GIAI ĐOẠN 2022 - 2025:
- Tuyển sinh, đào tạo cho 54.000 người, trong đó: Trình
độ cao đẳng, trung cấp 6.000 người; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng 48.000
người.
- Phấn đấu trên 82% người lao động qua đào tạo nghề
nghiệp có việc làm.
- Đến cuối năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt
73,35%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 28,69%.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:
1. Tổ chức tuyên truyền chủ trương của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước trong giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là các
chính sách như: khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào giáo dục nghề
nghiệp; chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp
và dưới 3 tháng; hỗ trợ chi phí học tập cho người lao động bằng nhiều hình thức
đa dạng, phong phú.
2. Phát triển chương trình, giáo trình,
ngành, nghề đào tạo. Chỉnh sửa, bổ sung hoàn chỉnh chương trình, giáo trình đào
tạo của các ngành, nghề đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được cơ
quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp
theo hướng đáp ứng chất lượng đầu ra theo yêu cầu, vị trí việc làm của đơn vị
sử dụng lao động.
Xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, giáo trình
đào tạo của các ngành, nghề đào tạo mới phù hợp với nhu cầu thực tế sử dụng lao
động của xã hội, đặc biệt là nhu cầu, yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực qua đào
tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp. Xây dựng danh mục ngành nghề đào tạo theo hướng
đa ngành, đa lĩnh vực và đảm bảo sát với nhu cầu của người dân và doanh nghiệp,
phục vụ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động và quá trình phát triển kinh
tế - xã hội của tỉnh và của cả nước.
3. Quan tâm kiểm tra, rà soát, đánh giá thực
trạng để nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc phục vụ đào
tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, góp phần đảm bảo và nâng cao
chất lượng đào tạo nghề nghiệp.
4. Tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng
chuyên môn định kỳ, hàng năm, nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý Nhà
nước, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đội ngũ nhà giáo trong tất
cả cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
5. Tổ chức tuyển sinh, đào tạo các ngành,
nghề theo nhu cầu xã hội và giải quyết việc làm sau đào tạo; trình độ đào tạo
theo quy mô tuyển sinh của cơ sở đào tạo được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy
chứng nhận đăng ký hoạt động. Liên kết, phối hợp với các trường đại học, cao đẳng
chất lượng cao trong và ngoài nước tổ chức tuyển sinh, đào tạo các ngành, nghề,
trình độ theo nhu cầu xã hội.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN:
Kinh phí thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho
người lao động được đảm bảo từ ngân sách Nhà nước và các nguồn huy động hợp
pháp khác.
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Chương trình giai
đoạn 2022 - 2025 là 230.600 triệu đồng, trong đó:
- Ngân sách Trung ương: 208.600 triệu đồng.
- Ngân sách cấp tỉnh: 22.000 triệu đồng.
Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển
khai thực hiện nghị quyết theo quy định pháp luật.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các
Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực
hiện nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu
khóa X, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 05 tháng 11 năm 2021 và có hiệu lực kể từ
ngày thông qua./.
Nơi nhận:
- UBTVQH (báo cáo);
- Chính phủ (báo cáo);
- Bộ LĐ-TB và XH;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- TT. HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Sở LĐ - TB và XH; Sở Tài chính;
- Lưu (NH).
|
CHỦ TỊCH
Lữ Văn Hùng
|