ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
437/KH-UBND
|
An
Giang, ngày 19 tháng 7 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 68/NQ-CP NGÀY 01 THÁNG
7 NĂM 2021 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 23/2021/QĐ-TTG NGÀY 07 THÁNG 7 NĂM
2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG
VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG GẶP KHÓ KHĂN DO ĐẠI DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
AN GIANG
Căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày
01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và
người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;
Căn cứ Quyết định 23/2021/QĐ-TTg
ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một
số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại
dịch COVID-19.
Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xây
dựng Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử
dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
Cụ thể hoá các nội dung, chính
sách hỗ trợ được quy định tạiNghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của người lao
động và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh góp phần ổn định an sinh xã hội
trên địa bàn tỉnh An Giang.
Hỗ trợ cho người lao động và người
sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục
hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định
sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.
2. Yêu cầu
Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm
cụ thể của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở trong việc tập trung chỉ đạo triển
khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ cá nhân, đơn vị gặp khó khăn do đại dịch
COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang.
Việc triển khai thực hiện phải bám
sát các nội dung của Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số
23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn các Bộ,
Ngành Trung ương; phù hợp với chức năng, thẩm quyền và điều kiện thực tế của địa
phương;phải bảo đảm sự thống nhất toàn hệ thống; sự phối hợp chặt chẽ giữa các
Sở, ngành, đơn vị có liên quan và địa phương.
II. NGUYÊN TẮC
1. Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối
tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
2.Triển khai các tiêu chí, điều kiện
thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính
sách.
3. Bảo đảm
tính khả thi, hiệu quả của chính sách và nguồn lực để thực hiện. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một
chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền (trừ các đối tượng
hưởng chính sách bổ sung quy định tại điểm 7, điểm 8 mục II Nghị quyết 68/NQ-CP
của Chính phủ) chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự
nguyện không tham gia.
4. Phát huy
tính chủ động của các cấp, các ngành,
địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạttriển khai, đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc và kịp thời
các chính sách hỗ trợ.
III. CÁC CHÍNH
SÁCH HỖ TRỢ
1. Giảm mức
đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
a) Đối tượng hỗ trợ
Người sử dụng lao động đóng vào Quỹ
bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượngáp
dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức,
viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ
quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng
lương từ ngân sách nhà nước).
b) Mức đóng và thời gian áp
dụng mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Mức đóng: Bằng 0% Quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
- Thời gian áp dụng: 12 tháng, từ
ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022.
2. Hỗ trợ người
lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất
a) Đối tượng hỗ trợ
Người lao động và người sử dụng
lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Điều
2 Luật Bảo hiểm xã hội.
b) Điều kiện hỗ trợ
(1) Người sử
dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu
trí và tử tuất đến hết tháng 4 năm 2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn
đến phải giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở
lên tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị so với tháng 4 năm 2021. Số lao động tham
gia bảo hiểm xã hội tính giảm bao gồm:
- Số lao động chấm dứt hợp đồng
lao động, hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật trừ đi số lao động mới
giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01
tháng 5 năm 2021 đến ngày người sử dụng lao động có văn bản đề nghị.
- Số lao động đang tạm hoãn thực
hiện hợp đồng lao động mà thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động từ 14
ngày làm việc trở lên trong tháng.
- Số lao động đang nghỉ việc không
hưởng tiền lương mà thời gian nghỉ việc không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm
việc trở lên trong tháng.
- Số lao động đang ngừng việc mà
thời gian ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
(2) Số lao động tham gia bảo hiểm
xã hội tính giảm tại khoản (1) nêu trên chỉ bao gồm người làm việc theo hợp đồng
làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định
thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều
hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; không bao gồm người lao động nghỉ việc hưởng
lương hưu từ ngày 01 tháng 5 năm 2021.
c) Thời gian tạm dừng đóng
vào quỹ hưu trí và tử tuất
- Người lao động và người sử dụng
lao động đủ điều kiện theo quy định, được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử
tuất 06 tháng tính từ tháng người sử dụng lao động nộp hồ sơ đề nghị.
- Đối với trường hợp đã được giải
quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày
09 tháng 4 năm 2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của
Chính phủ, nếu đủ điều kiện và được giải quyết tạm
dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định, thì tổng thời gian tạm dừng
đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 không quá 12 tháng.
d) Đóng bù vào quỹ hưu trí
và tử tuất
- Hết thời gian tạm dừng đóng tại
điểm c nêu trên, người lao động và người sử dụng lao động tiếp tục đóng vào quỹ
hưu trí và tử tuất và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng (đối với cả người lao
động ngừng việc hưởng tiền lương theo Điều 99 Bộ luật Lao động), số tiền đóng
bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm
xã hội.
- Kể từ thời điểm kết thúc thời
gian được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, nếu người sử dụng lao động
không thực hiện việc đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng thì thực hiện theo quy
định tại khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội.
- Trong thời gian tạm dừng đóng vào
quỹ hưu trí và tử tuất, người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, chế độ
tử tuất hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động và người lao
động thực hiện đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng để giải quyết chế độ cho người
lao động.
3. Hỗ trợ người
sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì
việc làm cho người lao động
a) Đối tượng và điều kiện hỗ trợ
Người sử dụng
lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều
43 Luật Việc làm nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ trong thời gian từ ngày 01 tháng 7
năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022 được hỗ trợ khi
có đủ các điều kiện sau:
- Đóng
đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất
nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.
- Phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Bộ
luật Lao động.
- Có doanh thu của quý liền kề
trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc
năm 2020.
- Có phương án hoặc phối hợp với
cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ
năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
b) Mức hỗ trợ, thời gian hỗ
trợ và phương thức chi trả
- Mức hỗ trợkinh phí đào tạo, bồi
dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1.500.000 đồng/người lao động/tháng.
Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng
khóa học.
Trường hợp
khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì được tính theo nguyên
tắc: Dưới 15 ngày tính là 1/2 tháng, từ đủ 15 ngày trở lên tính là 01 tháng để
xác định mức hỗ trợ.
Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có
mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ theo quy định tại khoản này thì phần vượt quá mức
hỗ trợ do người sử dụng lao động tự chi trả.
- Thời gian hỗ trợ:
Tối đa 06 tháng.
- Phương thức chi
trả: Chi trả trực tiếp cho người sử dụng lao động theo phương án hỗ trợ đào tạo,
bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề được phê duyệt.
4. Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp
đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương
a) Đối tượng và điều kiện hỗ trợ
Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên,cơ sở giáo dục dân lập,
tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học
phổ thông, giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là doanh
nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục) phải tạm dừng hoạt
động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch
COVID-19 được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau:
- Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao
động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 và thời điểm bắt
đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày
01 tháng 5 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021.
- Đang
tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động
tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
b) Mức hỗ trợ và phương
thức chi trả
- Mức hỗ trợ:
+ Hỗ trợ 1.855.000
đồng/người đối với người lao động tạm
hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục
trở lên đến dưới 01 tháng (30 ngày).
+ Hỗ trợ 3.710.000 đồng/người đối
với người lao động tạm hoãn thực hiện
hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng (30 ngày) trở lên.
- Người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người;
người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em
chưa đủ 06 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi và
chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.
- Phương thức chi
trả: Trả 01 lần cho người lao động.
5. Chính
sách hỗ trợ người lao động ngừng việc
a) Đối tượng, điều kiện hỗ
trợ
Người lao động được hỗ trợ khi có
đủ các điều kiện sau:
- Làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng
việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế
hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm
quyềntừ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết
ngày 31 tháng 12 năm 2021.
- Đang
tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng trước liền kề tháng người lao động
ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động.
b)Mức hỗ trợ và phương thức
chi trả
- Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người.
- Người lao động đang mang thai được hỗ
trợ thêm 1.000.000 đồng/người; đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc
thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ
06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha
hoặc người chăm sóc thay
thế trẻ em.
- Phương thức chi trả: Trả 01 lần
cho người lao động.
6. Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động
nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
a) Đối tượng, điều kiện hỗ
trợ
Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự
nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường
xuyên, cơ sở giáo dụcdân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm
non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề
nghiệp phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để,
chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31
tháng 12 năm 2021 được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
- Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người
lao động chấm dứt hợp đồng lao động.
- Chấm dứt
hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31
tháng 12 năm 2021 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ các
trường hợp sau đây:
+ Người lao động
đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
+ Hưởng lương
hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
b) Mức hỗ trợ và phương
thức chi trả
- Mức hỗ trợ: 3.710.000 đồng/người.
- Người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000
đồng/người; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế
trẻ em chưa đủ 06 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi
và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc
người chăm sóc thay thế trẻ em.
- Phương thức chi
trả: Trả 01 lần cho người lao động.
7. Chính
sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế
a) Đối tượng hỗ trợ
Trẻ em (người dưới 16 tuổi theo
quy định của Luật trẻ em) và người điều trị do nhiễm
COVID-19 (F0) hoặc cách ly y tế để phòng, chống COVID-19 (F1) theo quyết định của
cơ quan có thẩm quyền.
b)
Mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ
- Hỗ
trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với các trường hợp người điều trị
nhiễm COVID-19 (F0), từ ngày 27 tháng 4 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021,
thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày.
- Hỗ trợ
tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với các trường hợp người thực hiện cách
ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, từ ngày 27 tháng 4 năm
2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày.
- Hỗ trợ đối với trẻ em trong
thời gian điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế:
+ Được hỗ trợ thêm một lần mức
1.000.000 đồng/trẻ em.
+ Ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí đối với các chi phí
ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế và chi phí khám, chữa bệnh đối với trẻ
em không có thẻ bảo hiểm y tế.
8. Hỗ trợ
viên chức hoạt động nghệ thuật
a) Đối tượng, điều kiện hỗ
trợ
Viên chức hoạt động nghệ thuật được
hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
- Là đạo diễn nghệ thuật, diễn
viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV.
- Làm việc
trong các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật (không
bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải tạm dừng hoạt động từ 15
ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng
12 năm 2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch
COVID-19.
b) Mức hỗ trợ và phương thức chi trả
- Mức hỗ trợ: 3.710.000 đồng/người.
- Phương thức chi trả: Trả 01 lần
cho người lao động.
9. Hỗ trợ hướng
dẫn viên du lịch
a) Đối tượng, điều kiện hỗ
trợ
Hướng dẫn viên du lịch được hỗ trợ
khi có đủ các điều kiện sau:
- Có thẻ
hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Luật Du lịch.
- Có
hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp
cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề
nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn
viên du lịch nội địa; có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm
du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
b) Mức hỗ trợ và phương thức
chi trả
- Mức hỗ trợ: 3.710.000 đồng/người.
- Phương thức chi trả: Trả 01 lần
cho người lao động.
10. Hỗ trợ hộ kinh doanh
a) Đối tượng, điều kiện hỗ trợ
Hộ kinh doanh được
hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
- Có đăng ký kinh
doanh, đăng ký thuế.
- Phải dừng hoạt
động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến
ngày 31 tháng 12 năm 2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để
phòng, chống dịch COVID-19.
b) Mức hỗ
trợ và phương thức chi trả
- Mức hỗ trợ: 3.000.000 đồng/hộ
kinh doanh.
- Phương thức chi trả: Trả 01 lần
cho hộ kinh doanh.
11. Hỗ trợ
người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản
xuất
a) Điều kiện vay vốn
a.1) Người sử dụng lao động đượcvay
vốn trả lương ngừng việc khi có đủ các điều kiện sau:
- Có người lao động làm việc theo hợp
đồng đang tham giabảo hiểm xã hộibắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm người
lao động ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định
khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến
hết ngày 31 tháng 3 năm 2022.
- Không có nợ xấu tại tổ chức tín
dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.
a.2) Người sử dụng lao động được
vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh khi có đủ
các điều kiện sau:
- Đối với người sử dụng lao động
phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng,
chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31
tháng 3 năm 2022:
+ Người sử dụng lao động phải tạm
dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch
COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3
năm 2022.
+ Có người lao động làm việc theo
hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn.
+ Có phương án hoặc kế hoạch phục
hồi sản xuất, kinh doanh.
+ Không có nợ xấu tại các tổ chức
tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.
- Đối với người sử dụng lao động
hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa
người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để phục hồi sản
xuất, kinh doanh:
+ Có người lao động làm việc theo
hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn.
+ Có phương án hoặc kế hoạch phục
hồi sản xuất, kinh doanh.
+ Không có nợ xấu tại tổ chức tín
dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020
tại thời điểm đề nghị vay vốn.
b) Mức cho vay, thời hạn cho
vay, thời hạn giải ngân
- Vay
vốn trả lương ngừng việc: Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối
với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 03
tháng; thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
- Vay vốn trả lương cho người lao động
khi phục hồi sản xuất: Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với
người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động. Thời gian hưởng chính sách
hỗ trợ tối đa 03 tháng; thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
- Việc giải ngân của Ngân hàng
Chính sách xã hội cho người sử dụng lao động đối với các tháng 5, 6, 7 năm 2021
được thực hiện 01 lần; thời hạn giải ngân đến hết ngày 05 tháng 4 năm 2022 hoặc
khi giải ngân hết 7.500 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho vay tái cấp
vốn tùy theo điều kiện nào đến trước.
12. Hỗ lao động
không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc
thù khác:
Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các ngành liên quan xây dựng
tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ, tham mưu UBND tỉnh
ban hành chính sách hỗ trợ đối với lao động không có giao
kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác từ
nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.
IV. KINH PHÍ
1. Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ các đối
tượng quy định tại khoản 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 Mục III của
Kế hoạch này theo quy định.
2. Kinh phí thực hiện cho người sử dụng lao động vay để trả lương cho người
lao động trong thời gian ngừng việc do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn
cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định.
3. Kinh phí thực
hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao
trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm sử dụng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
V. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với các ngành
liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này theo đúng tinh thần của Nghị
quyết số 68/NQ-CP Chính phủ và quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định.
- Triển khai, hướng dẫn hồ sơ, quy
trình, thủ tục các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tại
các điểm 3,4,5, 6, 7, 10 Mục III của Kế hoạch đúng theo
quy định.
- Tiếp nhận
và giải quyết hồ sơ tại Khoản 3 mục III của Kế hoạch đúng theo quy định.
- Tổng hợp
hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với các chính sách tại Khoản 4,
5, 6, 7, 10 mục III của Kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh quyết định.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành
liên quan tham mưu UBND tỉnh chính sách hỗ trợ đối với lao động không có giao kết
hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.
- Chủ trì, phối hợp với Liên đoàn
lao động tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chính sách hỗ
trợ người sử dụng lao động đào tạo,
bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
- Phối hợp
với các ngành, địa phương kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Kế hoạch đảm
bảo đúng quy định hiện hành.
- Là đầu mối ghi nhận các thông
tin liên quan đến việc triển khai thực hiện Kế hoạch, chủ động phối hợp với các
ngành liên quan giải quyết theo thẩm quyền; đồng thời, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh
giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
2. Sở Tài chính
- Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh
phí thực hiện các chính sách quy định tại khoản 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 mục III của
Kế hoạch này theo quy định.
- Phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục thuế tỉnh, Ngân
hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh An Giang và các đơn vị liên quan trong việc
triển khai thực hiện các chính sách.
- Hướng dẫn các địa phương và các
cơ quan có liên quan việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán ngân sách nhà nước
của các đơn vị theo đúng quy định.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Triển khai, hướng dẫn hồ sơ,
trình tự, thủ tục hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng
dẫn viên du lịch đúng theo quy định.
- Chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ
đề nghị hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn
viên du lịch; thẩm định hồ sơ, lập danh sách đề nghị hỗ trợ trình UBND tỉnh quyết
định.
4. Cục
thuế tỉnh
- Chủ trì,
hướng dẫn Chi cục thuế các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nội
dung có liên quan đến ngành; phối hợp cùng địa phương thống kê số đối tượng là
hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh để đề xuất hỗ trợ theo quy định.
- Phối hợp
với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định
các chính sách hỗ trợ đối với các hộ kinh doanh.
5.
Bảo hiểm xã hội tỉnh
- Triển khai, hướng dẫn hồ sơ, quy
trình, thủ tục các chính sách hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất; triển khai thực hiện các
chính sách trong phạm vi trách nhiệm được quy định.
- Thực hiện xác nhận các danh sách
người lao động đang tham gia bảo hiểm đúng theo quy định.
- Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
thực hiện chi trả kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để
duy trì việc làm cho người lao động.
6. Ngân hàng Chính sách
xã hội Chi nhánh tỉnh An Giang
- Chủ trì, triển khai tuyên
truyền, hướng dẫn quy trình,hồ sơ thủ tục và
hỗ trợ người sử dụng lao động trong việc vay vốn để trả lương ngừng
việc, trả lương phục hồi sản xuất đúng theo quy định.
- Chủ động tham mưu NHCSXH Việt Nam đảm bảo nguồn
vốn để thực hiện cho người sử dụng lao động vay theo qui định.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì và chủ động phối hợp với
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng nội dung, chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền
thông của tỉnh kịpthời tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về các nội dung chính
sách hỗ trợ của Kế hoạch này để mọi người đều tiếp cận được thông tin và chủ động
đề nghị hỗ trợ nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội
Hỗ trợ, phối hợp triển khai thực
hiện và hướng dẫn, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội
các cấp tổ chức công tác thông tin, tuyền truyền, vận động, giám sát, tham gia
thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo kịp thời, côngkhai, minh bạch,
đúng đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
các cấp trong tỉnh xem xét đẩy mạnh vận động nguồn lực xã
hội hóa để chăm lo hỗ trợ nhu yếu phẩm cho một số đối tượng yếu thế nằm ngoài
gói hỗ trợ và hộ nghèo, hộ cận nghèo.
9. Liên đoàn lao động tỉnh:
- Triển khai giám sát việc thực hiện các chính
sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trên
địa bàn tỉnh;
- Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng,
nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
10. Ban quản lý Khu kinh
tế tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã:
Phối hợp triển khai tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ cho người lao động và người
sử dụng lao động trong các khu công nghiệp và các doanh nghiệp là hội
viên của Hiệp hội.
9. Liên đoàn lao động tỉnh, Ban
quản lý Khu kinh tế tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh:
Tổ chức và phối hợp tổ chức
thông tin, tuyên truyền chính sách hỗ trợ người lao động, người sửdụng
lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số23/2021/QĐ-TTg
của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo củaTổng Liên đoàn Lao
động Việt Nam; đảm bảo người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận
và hiểu rõ các chính sách hỗ trợ.
- Phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội
tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng,
nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
10. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố
- Khẩn
trương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch rộng rãi trên địa bàn. Chủ động sử
dụng nguồn lực của địa phương để tổ chức thực hiện. Trường hợp có khó khăn về
nguồn ngân sách, báo cáo Sở Tài chính để tổng hợp và trình cấp có thẩm
quyền quyết định.
- Chỉ đạo,
phân công việc rà soát, thẩm định hồ sơ, lập danh sách các nhóm đối tượng đảm bảo
đúng đối tượng, tránh trùng lắp, không để xảy ra sai sót trong quá trình xét
duyệt và chi trả. Thực hiện hỗ trợ đúng, đầy đủ, kịp thời
công bằng, công khai, minh bạch.
11. Xử lý vi phạm:
Các cơ quan,
tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách này để trục lợi, vi phạm pháp luật thì tùy
theo tính chất, mức độ vi phạm mà phải bồi thường, bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi
phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy
định của pháp luật.
VI. THÔNG TIN
BÁO CÁO:
Yêu cầu các sở, ngành, đơn vị có
liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo kết quả thực hiện về Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội định kỳ trước ngày 20 hàng tháng (hoặc đột
xuất khi có yêu cầu) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội.
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp
trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai và kết quả thực hiện Kế
hoạch này./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Phước
|