KIỂM TOÁN NHÀ
NƯỚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1348/QĐ-KTNN
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 10 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ SỬ DỤNG CỘNG TÁC VIÊN KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước ngày 24 tháng 6
năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước ngày
26 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 220/QĐ-KTNN ngày 02 tháng 3
năm 2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc ban hành Quy chế soạn thảo, thẩm định,
ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý của Kiểm toán nhà nước;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm
soát chất lượng kiểm toán.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy chế sử dụng Cộng tác viên Kiểm toán nhà nước.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn
vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo KTNN;
- Các đơn vị trực thuộc KTNN;
- Lưu: VT, CĐ (02).
|
TỔNG KIỂM TOÁN
NHÀ NƯỚC
Ngô Văn Tuấn
|
QUY CHẾ
SỬ
DỤNG CỘNG TÁC VIÊN KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1348/QĐ-KTNN ngày 31/10/2023 của Tổng Kiểm
toán nhà nước)
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về việc Kiểm toán nhà nước sử
dụng cộng tác viên thực hiện tư vấn, giám định chuyên môn, các công việc hỗ trợ
trong hoạt động kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước; quy định phạm
vi sử dụng, nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện đối với cộng tác viên; quy định về
quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan đến sử dụng cộng tác
viên.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc
Kiểm toán nhà nước; cộng tác viên thực hiện nhiệm vụ và các cơ quan, tổ chức,
cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Cộng tác viên Kiểm toán nhà nước (sau đây gọi là
cộng tác viên) là cá nhân hoặc tổ chức trong nước và ngoài nước, tại thời điểm
ký hợp đồng không thuộc biên chế hoặc hợp đồng lao động với Kiểm toán nhà nước,
có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Quy chế này; dược Kiểm toán nhà
nước sử dụng trong một số công việc liên quan đến hoạt động kiểm toán dưới hình
thức hợp đồng thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Quy chế này.
2. Cộng tác viên là cá nhân gồm: Các chuyên gia,
nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và ngoài nước, là những người được đào tạo
chuyên sâu, có kinh nghiệm, có trình độ, kĩ năng chuyên môn cao thuộc các
chuyên ngành phù hợp với công việc mà Kiểm toán nhà nước yêu cầu.
3. Cộng tác viên là tổ chức gồm: Các cơ quan, đơn vị,
các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo trong nước và ngoài nước
có tư cách pháp nhân, năng lực kinh nghiệm, có đội ngũ nhân viên đủ điều kiện,
tiêu chuẩn, chuyên sâu phù hợp với yêu cầu của hoạt động kiểm toán nhà nước.
Điều 4. Nguyên tắc thực hiện
1. Chỉ sử dụng cộng tác viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn
và điều kiện theo quy định tại Quy chế này. Việc sử dụng cộng tác viên được thực
hiện thông qua hợp đồng thực hiện nhiệm vụ bằng văn bản.
2. Việc sử dụng cộng tác viên là cá nhân hoặc tổ chức
ngoài nước chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau:
a) Cộng tác viên trong nước không đáp ứng được tiêu
chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 7 Quy chế này;
b) Theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng
hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia;
c) Theo quy định của các thỏa thuận quốc tế mà Kiểm
toán nhà nước ký kết hoặc tham gia.
3. Khi thực hiện nhiệm vụ, cộng tác viên phải tuân
thủ các quy định theo hợp đồng đã ký với Kiểm toán nhà nước và các quy định
pháp luật có liên quan; không được giao cho người khác, tổ chức khác thực hiện
thay công việc nếu không được sự đồng ý của Kiểm toán nhà nước. Trường hợp cộng
tác viên là thành viên Đoàn kiểm toán, phải tuân thủ quy định tại Khoản
2 Điều 43 Luật Kiểm toán nhà nước và các quy định hiện hành có liên quan của
Kiểm toán nhà nước.
4. Cộng tác viên phải bảo đảm nguyên tắc bảo mật
thông tin theo quy định của pháp luật và các quy định của Kiểm toán nhà nước về
bảo mật thông tin.
5. Cộng tác viên chịu trách nhiệm trước Kiểm toán
nhà nước và pháp luật về tính đầy đủ, khách quan, trung thực, hợp pháp của số
liệu, tài liệu, kết quả và kết luận đối với nội dung, công việc được thực hiện
theo hợp đồng đã cung cấp cho Kiểm toán nhà nước. Kiểm toán nhà nước quyết định
việc sử dụng số liệu, tài liệu kết quả và kết luận của cộng tác viên theo quy định
của Luật Kiểm toán nhà nước và Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước.
Điều 5. Kinh phí sử dụng cộng
tác viên
Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu sử dụng cộng tác viên,
Kiểm toán nhà nước lập dự toán kinh phí sử dụng cộng tác viên. Kinh phí sử dụng
cộng tác viên được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Kiểm
toán nhà nước hoặc dự toán bổ sung trong trường hợp phát sinh đột xuất theo quy
định của Luật Ngân sách nhà nước.
Chương 2
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 6. Các công việc được sử dụng
cộng tác viên
Kiểm toán nhà nước sử dụng cộng tác viên thực hiện
các công việc (khi cần thiết) gồm:
1. Tư vấn về chuyên môn
a) Tư vấn chuyên môn trong việc xây dựng chuẩn mực
kiểm toán, quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; xây dựng chương trình,
tài liệu hướng dẫn chuyên môn kiểm toán;
b) Tư vấn trong công tác chuẩn bị kiểm toán: Thuyết
trình về cơ chế, chính sách, chế độ quản lý và những bất cập, hạn chế trong thực
tế liên quan đến nội dung kiểm toán; khảo sát, thu thập thông tin; xác định trọng
tâm, trọng yếu, rủi ro kiểm toán, nội dung và phương pháp kiểm toán; xây dựng
các tiêu chí kiểm toán,...;
c) Tư vấn chuyên môn trong quá trình thực hiện kiểm
toán, lập Báo cáo kiểm toán;
d) Tư vấn chuyên môn trong quá trình kiểm tra thực
hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, trả lời khiếu nại, giải quyết khởi kiện quyết
định giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân
có liên quan đến hoạt động kiểm toán.
2. Tham gia hỗ trợ công tác kiểm toán:
a) Nghiên cứu tài liệu, hồ sơ kỹ thuật, chuyên môn
trợ giúp cho công tác kiểm toán; dịch tài liệu kỹ thuật, chuyên môn; thực hiện
một số công việc thuộc nội dung kiểm toán; sử dụng chuyên gia để trợ giúp kiểm
toán viên nhà nước theo quy định của chuẩn mực Kiểm toán nhà nước về việc sử dụng
chuyên gia.
b) Giám định chuyên môn: Kiểm định chất lượng công
trình xây dựng, máy móc, thiết bị; thẩm định giá cả và xuất xứ máy móc, thiết bị;
giám định tài liệu chứng từ; kiểm kê; định giá tài sản, doanh nghiệp; đo đạc địa
chính, địa hình, địa vật, diện tích, kích thước hình học; khoan thí nghiệm xác
định địa chất các lớp đất đá; siêu âm để xác định chiều dài cọc khoan nhồi, cốt
thép, chiều dày bảo vệ cốt thép trong các kết cấu; kiểm tra các kết cấu chìm
khuất; kiểm định chất lượng môi trường, quan trắc và phân tích thành phần môi
trường; các trường hợp khác cần sử dụng chuyên gia giám định chuyên môn theo
quy định của chuẩn mực Kiểm toán nhà nước.
c) Các công việc khác do Tổng Kiểm toán nhà nước
quyết định.
Điều 7. Tiêu chuẩn và điều kiện
cộng tác viên
1. Đối với cộng tác viên là cá nhân
a) Tiêu chuẩn
- Có trình độ, kỹ năng chuyên môn phù hợp với
chuyên ngành và công việc mà Kiểm toán nhà nước yêu cầu;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm,
trung thực, khách quan;
- Có kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu, quản lý tối
thiểu 5 năm liên tục trong lĩnh vực chuyên môn liên quan đến yêu cầu của Kiểm
toán nhà nước;
- Có bằng cấp, chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề
(được cấp của cơ quan chức năng có thẩm quyền) liên quan đến yêu cầu, nội dung
công việc mà Kiểm toán nhà nước yêu cầu theo quy định của pháp luật.
b) Điều kiện
- Phải có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điểm a Khoản
1 điều này;
- Trong 3 năm trước liền kề và tại thời điểm ký hợp
đồng không có sai phạm, vi phạm pháp luật bị cơ quan nhà nước, hội nghề nghiệp
xử lý; không thuộc diện liên quan đến các vụ việc đang bị điều tra, khiếu nại,
tố cáo liên quan đến lĩnh vực chuyên môn theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước;
- Cộng tác viên tham gia kiểm toán không thuộc các
trường hợp theo Điều 28 của Luật Kiểm toán nhà nước và không
tham gia làm việc, tư vấn cho đơn vị được kiểm toán hoặc các tình huống khác
làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan trong thực hiện nhiệm vụ (do thành
kiến, mâu thuẫn lợi ích, hoặc những nhân tố khác có ảnh hưởng đến những xét
đoán nghề nghiệp).
- Trường hợp cộng tác viên là cá nhân ngoài nước phải
đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn hoạt động theo quy định của pháp luật Việt
Nam.
- Cộng tác viên không vi phạm các hợp đồng đã ký
trước đây với Kiểm toán nhà nước.
2. Đối với cộng tác viên là tổ chức
a) Tiêu chuẩn
- Được thành lập theo quy định của pháp luật, có tư
cách pháp nhân, có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với các
công việc mà Kiểm toán nhà nước yêu cầu;
- Có uy tín, đủ năng lực chuyên môn thuộc các
chuyên ngành phù hợp với công việc mà Kiểm toán nhà nước yêu cầu;
- Tại thời điểm ký hợp đồng có thời gian hành nghề
tối thiểu 03 năm trong lĩnh vực chuyên môn mà Kiểm toán nhà nước yêu cầu.
b) Điều kiện
- Phải có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điểm a Khoản
2 Điều này;
- Trong 3 năm trước liền kề và tại thời điểm ký hợp
đồng không có sai phạm, vi phạm pháp luật bị cơ quan nhà nước, hội nghề nghiệp
xử lý; không thuộc diện liên quan đến các vụ việc đang bị điều tra, khiếu nại,
tố cáo liên quan đến lĩnh vực chuyên môn theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước;
- Trong 02 năm trước liền kề và hiện tại không thực
hiện các công việc liên quan đến các công việc mà Kiểm toán nhà nước yêu cầu với
đơn vị được kiểm toán;
- Không sở hữu vốn hoặc có các lợi ích liên quan đến
đơn vị được kiểm toán.
- Trường hợp cộng tác viên là tổ chức ngoài nước phải
đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn hoạt động theo quy định của pháp luật Việt
Nam.
- Không vi phạm các hợp đồng đã ký trước đây với Kiểm
toán nhà nước.
c) Các tổ chức chỉ cử cá nhân, người lao động thuộc
tổ chức mình đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này
tham gia thực hiện nhiệm vụ cộng tác với Kiểm toán nhà nước.
3. Trường hợp đặc biệt cần bổ sung, điều chỉnh các
tiêu chuẩn, điều kiện so với quy định tại Điều này thì báo cáo Tổng Kiểm toán
nhà nước xem xét quyết định.
Điều 8. Lựa chọn cộng tác viên
1. Lập danh sách cộng tác viên: Căn cứ vào nhu cầu
sử dụng cộng tác viên hoặc căn cứ vào tình hình thực tế trong quá trình kiểm
toán, thủ trưởng đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước xác định nhu cầu sử dụng
cộng tác viên, đề xuất nội dung công việc cần sử dụng cộng tác viên và lập danh
sách cộng tác viên trình Tổng Kiểm toán nhà nước.
2. Thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện cộng tác viên:
a) Các đơn vị có nhu cầu sử dụng cộng tác viên (đơn
vị chủ trì) đề xuất tiêu chuẩn, điều kiện, các nội dung có liên quan đến việc
sử dụng cộng tác viên ninh Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Chế độ và Kiểm
soát chất lượng kiểm toán) xem xét, quyết định.
b) Trường hợp cần thiết, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất
lượng kiểm toán chủ trì tham mưu, đề xuất Tổng Kiểm toán nhà nước thành lập Hội
đồng thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện đối với cộng tác viên. Thành phần Hội đồng
thẩm định gồm:
- Tổng Kiểm toán nhà nước hoặc Phó Tổng Kiểm toán
nhà nước phụ trách đơn vị chủ trì - Chủ tịch Hội đồng.
- Đại diện Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm
toán (01 Lãnh đạo Vụ làm thành viên thường trực; 01 Lãnh đạo Phòng làm thành
viên thư ký).
- Thủ trưởng đơn vị chủ trì - Thành viên.
- Đại diện Lãnh đạo Vụ Tổng hợp - Thành viên.
- Đại diện Lãnh đạo Vụ Pháp chế - Thành viên.
- Đại diện Lãnh đạo Văn phòng Kiểm toán nhà nước -
Thành viên.
- Thành phần khác do Tổng Kiểm toán nhà nước quyết
định.
3. Tổ chức lựa chọn cộng tác viên, phê duyệt và ký hợp
đồng: Trên cơ sở phê duyệt của Tổng Kiểm toán nhà nước về kết quả lựa chọn cộng
tác viên, các đơn vị có trách nhiệm hoàn tất thủ tục lựa chọn cộng tác viên và
ký hợp đồng với cộng tác viên theo quy định của pháp luật. Trường hợp cần thiết,
Văn phòng Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán nhà nước khu vực chủ trì phối hợp với Vụ
Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán và các đơn vị có liên quan (nếu có)
tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước tổ chức lựa chọn cộng tác viên theo quy định
của Luật Đấu thầu.
Điều 9. Hợp đồng thực hiện nhiệm
vụ
1. Kiểm toán nhà nước (Văn phòng Kiểm toán nhà nước,
Kiểm toán nhà nước khu vực) và cộng tác viên ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ
trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành.
2. Hợp đồng gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Tên, địa chỉ của các bên; tài khoản ngân hàng
giao dịch, mã số thuế (nếu có);
b) Nội dung, phạm vi công việc thực hiện;
c) Quy định về chuyên môn phải thực hiện;
d) Quyền và nghĩa vụ của các bên;
đ) Kết quả thực hiện hợp đồng (Báo cáo kết quả thực
hiện công việc tư vấn, số liệu, các tài liệu ghi chép của cộng tác viên kiểm
toán...);
e) Giá hợp đồng và phương thức nghiệm thu, thanh
toán, thanh lý hợp đồng;
g) Cam kết thực hiện và thời hạn hoàn thành; thủ tục
giải quyết tranh chấp hợp đồng;
h) Hiệu lực và thời hạn hợp đồng;
i) Các điều khoản khác (nếu có).
Điều 10. Kiểm tra, giám sát
1. Kiểm toán nhà nước có quyền và trách nhiệm kiểm
tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 12
và Điều 13 của Quy chế này và theo quy định của pháp luật.
2. Cộng tác viên có nghĩa vụ chấp hành sự kiểm tra,
giám sát việc thực hiện hợp đồng và chất lượng công việc theo yêu cầu của Kiểm
toán nhà nước.
3. Hoạt động kiểm tra, giám sát của Kiểm toán nhà
nước được thực hiện theo quy định của pháp luật và của Kiểm toán nhà nước.
Điều 11. Quyền hạn và nghĩa vụ
của cộng tác viên
1. Quyền hạn
a) Được quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ khi
thực hiện các công việc đã được ghi trong hợp đồng thực hiện nhiệm vụ;
b) Nhận đầy đủ, kịp thời kinh phí từ Kiểm toán nhà
nước theo các điều khoản cam kết tại hợp đồng đã ký giữa hai bên;
c) Đề nghị Kiểm toán nhà nước yêu cầu đơn vị được
kiểm toán cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu cần thiết và giải trình
các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ được giao;
d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật và hợp
đồng.
2. Nghĩa vụ
a) Thực hiện khai báo kịp thời với Kiểm toán nhà nước
nếu thuộc các trường hợp làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan trong thực
hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2
Điều 7 của Quy chế này.
b) Thực hiện nhiệm vụ theo đúng nội dung hợp đồng;
c) Chấp hành nghiêm chỉnh các
quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và các quy định pháp luật liên quan;
d) Chịu trách nhiệm trước Kiểm toán nhà nước và trước
pháp luật về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và theo hợp đồng đã ký; khi
có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý
hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi
thường theo hợp đồng và theo quy định của pháp luật;
d) Khi tham gia Đoàn kiểm
toán, cộng tác viên phải:
- Chấp hành và hoàn thành nhiệm vụ theo sự phân
công của Trưởng đoàn hoặc Tổ trưởng Tổ kiểm toán; tuân thủ chuẩn mực, quy trình
và phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán; Quy chế tổ chức và hoạt động của
đoàn kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; chấp hành nghiêm các quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Luật Kiểm toán nhà nước và các quy định khác
có liên quan của Kiểm toán nhà nước. Trường hợp cộng tác viên là tổ chức thì phải
bố trí người có trình độ chuyên môn phù hợp, đáp ứng tiêu chuẩn và điều kiện
như cộng tác viên là cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Quy
chế này để đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc;
- Có trách nhiệm báo cáo trung thực về các mối quan
hệ làm ảnh hưởng đến tính khách quan trong hoạt động kiểm toán theo Điều 28 của Luật Kiểm toán nhà nước;
- Thông báo kịp thời với Tổ trưởng, Trưởng đoàn kiểm
toán để báo cáo Kiểm toán nhà nước theo quy định khi phát hiện đơn vị được kiểm
toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
e) Chấp hành các yêu cầu của Kiểm toán nhà nước về
việc báo cáo, kiểm tra, giám sát;
g) Cộng tác viên chịu trách nhiệm bảo mật tài liệu,
số liệu và các thông tin do đơn vị được kiểm toán hoặc Kiểm toán nhà nước cung
cấp theo quy định của Kiểm toán nhà nước và quy định của pháp luật;
h) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của
pháp luật và hợp đồng.
Điều 12. Quyền hạn và nghĩa vụ
của Kiểm toán nhà nước
1. Quyền hạn
a) Yêu cầu cộng tác viên thực hiện đầy đủ quyền và
nghĩa vụ theo các cam kết trong hợp đồng và quy định của Quy chế này;
b) Có quyền chấm dứt hợp đồng đối với cộng tác viên
nếu cộng tác viên vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện hợp đồng hoặc vi
phạm cam kết theo hợp đồng đã ký giữa hai bên;
c) Yêu cầu bồi thường trong trường hợp cộng tác
viên gây thiệt hại cho đơn vị được kiểm toán, đơn vị, cá nhân có liên quan và
cho Kiểm toán nhà nước;
d) Khởi kiện cộng tác viên khi vi phạm hợp đồng
theo quy định của pháp luật;
đ) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các điều khoản
hợp đồng, kiểm soát chất lượng kiểm toán theo Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm
toán;
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật và hợp
đồng.
2. Nghĩa vụ
a) Phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng tác
viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;
b) Thanh toán đầy đủ, kịp thời kinh phí theo thoả
thuận trong hợp đồng;
c) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và
hợp đồng.
Điều 13. Trách nhiệm của các
đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước
1. Trách nhiệm của các đơn vị tham mưu:
a) Văn phòng Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm: Tổng
hợp nhu cầu và dự toán từ các đơn vị, lập dự toán và tổng hợp quyết toán kinh
phí sử dụng cộng tác viên chung toàn ngành, trình các cấp có thẩm quyền quyết định;
chủ trì phối hợp với Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán và các đơn vị
có nhu cầu sử dụng cộng tác viên trình Tổng Kiểm toán nhà nước danh sách cộng
tác viên; tham gia Hội đồng thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện đối với cộng tác
viên (trong trường hợp thành lập Hội đồng); ký hợp đồng với cộng tác
viên của các đơn vị chủ trì là Kiểm toán nhà nước chuyên ngành, các đơn vị tham
mưu theo danh sách đã được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt; theo dõi việc thực
hiện hợp đồng, thanh lý hợp đồng, quyết toán kinh phí đối với việc sử dụng cộng
tác viên theo quy định.
b) Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán có
trách nhiệm tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước thành lập Hội đồng thẩm định tiêu
chuẩn, điều kiện đối với cộng tác viên; là thường trực Hội đồng thẩm định tiêu
chuẩn, điều kiện đối với cộng tác viên (trong trường hợp thành lập Hội đồng);
chủ trì phối hợp với Văn phòng Kiểm toán nhà nước, đơn vị chủ trì và các đơn vị
liên quan tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước về nội dung hợp đồng thực hiện
nhiệm vụ với cộng tác viên.
c) Vụ Tổng hợp có trách nhiệm tham gia Hội đồng thẩm
định tiêu chuẩn, điều kiện đối với cộng tác viên (trong trường hợp thành lập
Hội đồng).
d) Vụ Pháp chế có trách nhiệm thẩm định tính pháp
lý của Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ với cộng tác viên theo yêu cầu của Tổng Kiểm
toán nhà nước; tham gia Hội đồng thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện đối với cộng
tác viên (trong trường hợp thành lập Hội đồng).
2. Trách nhiệm của các đơn vị chủ trì:
a) Căn cứ kế hoạch công tác của đơn vị (kế hoạch
công tác năm, kế hoạch kiếm toán năm, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp
luật, kế hoạch kiểm toán của đoàn kiểm toán) hoặc yêu cầu thực tế phát sinh
trong quá trình kiểm toán chịu trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng cộng tác
viên, lập kế hoạch đề xuất những công việc cần sử dụng cộng tác viên, đề xuất
danh sách cộng tác viên, dự toán kinh phí trình Tổng Kiểm toán nhà nước (qua
Văn phòng Kiểm toán nhà nước).
b) Đề xuất tiêu chuẩn, điều kiện đối với cộng tác
viên, lựa chọn cộng tác viên trình Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Chế độ và
Kiểm soát chất lượng kiểm toán);
c) Tham gia Hội đồng thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện
đối với cộng tác viên (trong trường hợp thành lập Hội đồng).
d) Thực hiện ký hợp đồng với cộng tác viên theo
danh sách đã được Tổng kiểm toán nhà nước phê duyệt (Trường hợp đơn vị chủ trì
là các Vụ tham mưu, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành thì phối hợp với Văn phòng
Kiểm toán nhà nước để ký hợp đồng);
e) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng; Kiểm
soát chất lượng kiểm toán theo trách nhiệm quy định tại Quy chế kiểm soát chất lượng
kiểm toán của Kiểm toán nhà nước;
g) Nghiệm thu kết quả thực hiện, thanh lý hợp đồng
sử dụng cộng tác viên và quyết toán kinh phí theo quy định (Trường hợp đơn vị
chủ trì là đơn vị tham mưu, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành thì phối hợp với
Văn phòng Kiểm toán nhà nước thực hiện các thủ tục thanh lý hợp đồng và quyết
toán).
3. Ngoài các trách nhiệm nêu trên, các đơn vị trực
thuộc Kiểm toán nhà nước thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc sử dụng cộng
tác viên theo chức năng, nhiệm vụ được giao và khi được Tổng Kiểm toán nhà nước
phân công.
Chương 3
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà
nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy chế
này.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát
sinh mới hoặc khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh kịp thời về Vụ Chế độ và
Kiểm soát chất lượng kiểm toán để tổng hợp, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước sửa
đổi, bổ sung cho phù hợp./.