BỘ GIAO
THÔNG VẬN TẢI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 09/VBHN-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 22
tháng 3 năm 2021
|
THÔNG
TƯ
QUY
ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN ĐỐI VỚI XE CHỞ HÀNG BỐN BÁNH CÓ GẮN ĐỘNG CƠ VÀ NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN
THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Thông tư số 16/2014/TT-BGTVT ngày 13 tháng 5
năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về điều kiện đối với xe
chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông, có
hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT ngày 30 tháng 7
năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số Điều của
các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm
2018.
Thông tư số 26/2020/TT-BGTVT ngày 16 tháng 10
năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của
các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đăng kiểm, có
hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2020.
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng
11 năm 2008;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa
ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
ngày 17 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31
tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Căn cứ Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13
tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực giao thông đường bộ và đường sắt;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20
tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ
cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công
nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Thông tư quy định về điều kiện đối với xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và
người điều khiển tham gia giao thông đường bộ như sau[1]:
Chương I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh
1. Thông tư này quy định về:
a) Kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và
bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp, khai thác sử dụng xe chở hàng bốn
bánh có gắn động cơ;
b) Điều kiện đối với xe chở hàng bốn bánh có
gắn động cơ và người điều khiển khi tham gia giao thông;
2. Thông tư này không quy định đối với xe chở
hàng bốn bánh có gắn động cơ được sản xuất, lắp ráp và khai thác sử dụng vào mục
đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Điều 2. Đối tượng áp
dụng
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá
nhân có liên quan đến quản lý, sản xuất, lắp ráp, thử nghiệm, kiểm tra chất
lượng, chứng nhận chất lượng và khai thác sử dụng xe chở hàng bốn bánh có gắn
động cơ.
Điều 3. Giải thích từ
ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được
hiểu như sau:
1. Xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ (sau
đây gọi tắt là Xe) là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chạy bằng động
cơ, có hai trục, bốn bánh xe, có phần động cơ và thùng hàng lắp trên cùng một
xát xi (tương tự xe ô tô tải có tải trọng dưới 3.500 kg). Xe sử dụng động cơ
xăng, có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 15 kW, vận tốc thiết kế lớn
nhất không lớn hơn 60 km/h và khối lượng bản thân không lớn hơn 550 kg.
2. Hệ thống là hệ thống truyền lực, hệ
thống chuyển động, hệ thống treo, hệ thống phanh, hệ thống lái, hệ thống điện,
hệ thống chiếu sáng và tín hiệu.
3. Linh kiện là các hệ thống, động cơ,
khung, cụm chi tiết và các chi tiết được sử dụng để lắp ráp Xe.
4. Sản phẩm là Xe và linh kiện của Xe.
5. Sản phẩm cùng kiểu loại là các sản
phẩm của cùng một chủ sở hữu công nghiệp, cùng nhãn hiệu, thiết kế và các thông
số kỹ thuật, được sản xuất trên cùng một dây chuyền công nghệ.
6. Chứng nhận chất lượng kiểu loại sản
phẩm là quá trình kiểm tra, thử nghiệm, xem xét, đánh giá và chứng nhận sự
phù hợp của một kiểu loại sản phẩm với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành về
chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
7. Mẫu thử nghiệm là mẫu điển hình do
Cơ sở sản xuất tự lựa chọn hoặc mẫu do Cục Đăng kiểm Việt Nam lấy ngẫu nhiên để
thực hiện việc thử nghiệm.
8. Cơ sở thử nghiệm là tổ chức có đủ điều
kiện và được chỉ định để thực hiện việc thử nghiệm sản phẩm theo quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia tương ứng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
9. Cơ sở sản xuất là doanh nghiệp sản
xuất, lắp ráp Xe, linh kiện Xe có đủ điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật theo quy
định.
10. Sản phẩm bị lỗi kỹ thuật là sản
phẩm có lỗi trong quá trình thiết kế, sản xuất, lắp ráp có khả năng gây nguy
hiểm đến an toàn tính mạng và tài sản của người sử dụng cũng như gây ảnh hưởng
xấu đến an toàn và môi trường của cộng đồng.
11. Triệu hồi sản phẩm là việc Cơ sở
sản xuất thu hồi các sản phẩm thuộc lô, kiểu loại sản phẩm bị lỗi kỹ thuật mà
Cơ sở sản xuất đã cung cấp ra thị trường nhằm sửa chữa, thay thế phụ tùng hay
thay thế bằng sản phẩm khác để ngăn ngừa các nguy hiểm có thể xảy ra do các lỗi
trong quá trình thiết kế, sản xuất, lắp ráp sản phẩm.
12. Kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật
và bảo vệ môi trường trong khai thác sử dụng (sau đây gọi tắt là kiểm tra lưu
hành) là việc tiến hành kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn kỹ thuật và
bảo vệ môi trường của xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ để chứng nhận xe có
đủ điều kiện tham gia giao thông trong phạm vi, tuyến đường hoạt động và thời
gian hoạt động theo quy định riêng của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương.
Chương II
QUY
ĐỊNH VỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG SẢN
XUẤT, LẮP RÁP XE
Điều 4. Thử nghiệm
mẫu
1. Các hạng mục kiểm tra, thử nghiệm và chứng
nhận quy định tại Phụ lục I và Phụ
lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Cơ sở sản xuất có trách nhiệm chuyển mẫu
thử nghiệm tới địa điểm thử nghiệm. Cơ sở thử nghiệm có trách nhiệm thử nghiệm
mẫu theo đúng các quy trình tương ứng với các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; lập
báo cáo kết quả thử nghiệm theo mẫu quy định và chịu trách nhiệm về các kết quả
thử nghiệm của mình. Trong trường hợp cần thiết, Cục Đăng kiểm Việt Nam trực
tiếp giám sát việc thử nghiệm.
3. Số lượng mẫu thử nghiệm
a) Đối với Xe: số lượng mẫu thử là 01 mẫu.
b) Đối với linh kiện: số lượng mẫu thử theo
quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư
này.
4. Quản lý mẫu thử nghiệm
a) Sau khi thử nghiệm và lập báo cáo kết quả
thử nghiệm, Cơ sở thử nghiệm trả mẫu và báo cáo kết quả thử nghiệm cho Cơ sở
sản xuất.
b) Cơ sở sản xuất phải thực hiện lưu mẫu điển
hình không ít hơn 01 năm, kể từ ngày Cơ sở sản xuất không tiếp tục sản xuất,
lắp ráp các Xe cùng kiểu loại. Cơ sở sản xuất có trách nhiệm quản lý mẫu điển
hình sao cho không để ảnh hưởng của các yếu tố môi trường làm hư hỏng mẫu và có
thể xuất trình khi có yêu cầu của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Điều 5. Hồ sơ đăng ký
chứng nhận chất lượng kiểu loại sản phẩm
Hồ sơ đăng ký chứng nhận chất lượng kiểu loại
sản phẩm (sau đây gọi chung là hồ sơ đăng ký chứng nhận) bao gồm:
1. Hồ sơ đăng ký chứng nhận đối với linh kiện
(trừ động cơ nguyên chiếc nhập khẩu):
a) Bản đăng ký thông số kỹ thuật kèm theo bản
vẽ kỹ thuật thể hiện kích thước chính, vật liệu chế tạo và ảnh chụp sản phẩm;
thuyết minh các ký hiệu, số đóng trên sản phẩm (nếu có);
b) Bản chính Báo cáo kết quả thử nghiệm của
Cơ sở thử nghiệm;
c) Bản mô tả quy trình công nghệ sản xuất,
lắp ráp và kiểm tra chất lượng sản phẩm;
d) Bản kê các linh kiện chính sử dụng để lắp
ráp động cơ (đối với trường hợp sản phẩm là động cơ) theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Hồ sơ đăng ký chứng nhận đối với Xe:
a) Bản đăng ký thông số kỹ thuật theo mẫu quy
định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản chính Báo cáo kết quả thử nghiệm Xe
của Cơ sở thử nghiệm;
c) Bản kê các linh kiện chính sử dụng để lắp
ráp Xe theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm
theo Thông tư này;
d) Bản mô tả quy trình công nghệ sản xuất,
lắp ráp và kiểm tra chất lượng Xe;
đ) Hướng dẫn sử dụng Xe trong đó có các thông
số kỹ thuật chính, cách thức sử dụng các thiết bị của Xe, hướng dẫn về an toàn
cháy nổ và bảo vệ môi trường; Phiếu bảo hành Xe (ghi rõ điều kiện và địa chỉ
các cơ sở bảo hành);
e) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
hoặc đầu tư phù hợp đối với Cơ sở sản xuất lần đầu tiên sản xuất, lắp ráp Xe;
g) Bản cam kết của Cơ sở sản xuất về việc
kiểu loại Xe đề nghị chứng nhận không xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đang
được bảo hộ và Cơ sở sản xuất tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật
nếu có xảy ra xâm phạm.
Điều 6. Đánh giá điều
kiện đảm bảo chất lượng tại Cơ sở sản xuất
1. Để đảm bảo việc duy trì chất lượng các sản
phẩm sản xuất hàng loạt, Cơ sở sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Có quy trình và hướng dẫn nghiệp vụ sản
xuất, lắp ráp, kiểm tra chất lượng cho từng kiểu loại sản phẩm từ khâu kiểm
soát chất lượng linh kiện đầu vào, kiểm tra chất lượng trên từng công đoạn và
xuất xưởng để đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn, môi trường và tính năng kỹ thuật
của sản phẩm;
b) Có đủ các thiết bị kiểm tra cần thiết cho
từng công đoạn sản xuất phù hợp với quy trình sản xuất, lắp ráp đã đề ra. Danh mục
tối thiểu các thiết bị cần thiết để thực hiện việc kiểm tra chất lượng xuất
xưởng Xe quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông
tư này. Các thiết bị kiểm tra chất lượng xuất xưởng này hàng năm phải được Cục
Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra và xác nhận tình trạng hoạt động;
c) Có đủ nguồn nhân lực thực hiện việc sản
xuất và kiểm tra chất lượng phù hợp với quy trình sản xuất, lắp ráp đã đề ra.
Kỹ thuật viên chịu trách nhiệm về chất lượng Xe xuất xưởng được nhà sản xuất
nước ngoài (bên chuyển giao công nghệ) hoặc Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp chứng
chỉ nghiệp vụ kiểm tra chất lượng Xe sản xuất, lắp ráp.
2. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành đánh giá điều
kiện đảm bảo chất lượng tại Cơ sở sản xuất (sau đây gọi tắt là đánh giá COP)
theo các nội dung sau:
a) Quy trình và hướng dẫn nghiệp vụ sản xuất,
lắp ráp và kiểm tra chất lượng: kiểm tra linh kiện đầu vào, kiểm tra trên từng
công đoạn, kiểm tra xuất xưởng;
b) Trang thiết bị kiểm tra chất lượng;
c) Nguồn nhân lực thực hiện việc kiểm tra
chất lượng.
3. Các hình thức đánh giá COP:
a) Đánh giá COP lần đầu được thực hiện khi
cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho kiểu
loại sản phẩm.
b) Đánh giá COP hàng năm được thực hiện định
kỳ hàng năm.
c) Đánh giá COP đột xuất được thực hiện khi
Cơ sở sản xuất có dấu hiệu vi phạm các quy định liên quan đến việc kiểm tra
chất lượng hoặc khi có các khiếu nại về chất lượng sản phẩm.
4. Đối với các kiểu loại sản phẩm tương tự,
không có sự thay đổi cơ bản về quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp và kiểm
tra chất lượng sản phẩm thì có thể sử dụng kết quả đánh giá COP trước đó.
5. Đối với các linh kiện nhập khẩu thuộc đối
tượng bắt buộc kiểm tra, nếu không tiến hành việc đánh giá COP thì giấy chứng
nhận chất lượng chỉ có giá trị cho từng lô hàng nhập khẩu.
Điều 7. Cấp giấy
chứng nhận chất lượng kiểu loại
Việc cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại
sản phẩm (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận) được thực hiện theo trình tự và
cách thức như sau:
1. Cơ sở sản xuất lập 01 bộ hồ sơ đăng ký
chứng nhận theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này và nộp
trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cục Đăng kiểm Việt Nam;
2. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận và kiểm
tra hồ sơ đăng ký chứng nhận. Nếu thành phần hồ sơ không đầy đủ theo quy định
thì ngay trong ngày làm việc, hướng dẫn Cơ sở sản xuất hoàn thiện lại; Nếu
thành phần hồ sơ đầy đủ theo quy định thì thống nhất về thời gian và địa điểm
thực hiện đánh giá COP;
3.[2]
Trong
thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ thành phần hồ sơ theo quy định,
Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra nội dung hồ sơ đăng ký chứng nhận và
thực hiện đánh giá COP theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Thông
tư này. Nếu chưa đạt yêu cầu thì thông báo để Cơ sở sản xuất hoàn thiện
lại; Nếu đạt yêu cầu thì cấp Giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục VIIa và VIIb ban hành kèm theo Thông tư này
trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, đánh giá đạt
yêu cầu.
Điều 8. Kiểm tra
trong quá trình sản xuất, lắp ráp
1. Cơ sở sản xuất chỉ được tiến hành sản
xuất, lắp ráp các sản phẩm tiếp theo sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận và
phải đảm bảo các sản phẩm này phù hợp với hồ sơ đăng ký chứng nhận, mẫu điển
hình đã được thử nghiệm. Cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất
xứ, chất lượng các sản phẩm xuất xưởng.
2. Từng sản phẩm sản xuất hàng loạt phải được
Cơ sở sản xuất kiểm tra chất lượng xuất xưởng (sau đây gọi tắt là Kiểm tra xuất
xưởng).
Cục Đăng kiểm Việt Nam có thể tiến hành kiểm
tra đột xuất. Trường hợp kết quả kiểm tra đột xuất cho thấy Cơ sở sản xuất vi
phạm các quy định liên quan đến việc kiểm tra chất lượng sản phẩm thì tùy theo
mức độ vi phạm sẽ thu hồi Giấy chứng nhận hoặc áp dụng hình thức giám sát Kiểm
tra xuất xưởng.
3. Căn cứ vào Giấy chứng nhận chất lượng kiểu
loại đã cấp và việc thực hiện Kiểm tra xuất xưởng, Cơ sở sản xuất sẽ được nhận
phôi Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này cho từng lô
Xe sản xuất, lắp ráp.
4. Căn cứ vào kết quả kiểm tra của từng Xe,
Cơ sở sản xuất cấp Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng. Phiếu kiểm tra chất
lượng xuất xưởng phải do người có thẩm quyền (cấp trưởng, cấp phó hoặc cấp dưới
trực tiếp được ủy quyền bằng văn bản của Thủ trưởng Cơ sở sản xuất) ký tên và đóng
dấu. Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng cấp cho Xe dùng để làm thủ tục đăng
ký Xe.
5. Hồ sơ xuất xưởng
Cơ sở sản xuất có trách nhiệm lập và cấp cho
từng Xe xuất xưởng các hồ sơ sau đây: Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng theo
quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này; Hướng dẫn sử dụng; Phiếu bảo hành Xe.
Điều 9. Đánh giá hàng
năm, đánh giá bổ sung Giấy chứng nhận
1. Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu của Cơ sở sản
xuất, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành đánh giá các Giấy chứng nhận đã cấp theo
nội dung sau:
a) Đánh giá COP theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 6 của Thông tư này;
b) Lấy mẫu ngẫu nhiên trong số các sản phẩm
cùng kiểu loại tại Cơ sở sản xuất, yêu cầu thử nghiệm mẫu theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này. Cơ sở sản xuất có trách nhiệm chuyển mẫu
tới địa điểm thử nghiệm.
2. Cơ sở sản xuất phải tiến hành các thủ tục
chứng nhận bổ sung khi các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến
kiểu loại sản phẩm đã được chứng nhận thay đổi hoặc khi sản phẩm có các thay
đổi ảnh hưởng tới sự phù hợp của kiểu loại sản phẩm đó so với quy định, quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. Cơ sở sản xuất nộp bổ sung các tài liệu sau:
a) Các tài liệu liên quan tới sự thay đổi của
sản phẩm;
b) Báo cáo kết quả thử nghiệm lại sản phẩm
theo các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới.
3. Giấy chứng nhận kiểu loại sản phẩm sẽ
không còn giá trị khi vi phạm một trong các quy định sau:
a) Sản phẩm không còn thỏa mãn các quy định,
quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành hoặc sản phẩm có sự thay đổi, không phù
hợp với hồ sơ đăng ký chứng nhận, Giấy chứng nhận đã cấp mà Cơ sở sản xuất
không thực hiện việc chứng nhận bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Cơ sở sản xuất vi phạm nghiêm trọng các
quy định liên quan đến việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, cấp phiếu kiểm tra
chất lượng xuất xưởng;
c) Cơ sở sản xuất không thực hiện việc triệu
hồi đối với sản phẩm bị lỗi kỹ thuật theo quy định tại khoản 3 Điều
21 của Thông tư này.
Các giấy chứng nhận không còn giá trị được
thông báo cho Cơ sở sản xuất bằng văn bản và công bố trên trang thông tin điện
tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Chương III
QUY
ĐỊNH VỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG KHAI
THÁC SỬ DỤNG XE
Điều 10. Hồ sơ kiểm
tra lưu hành
Khi kiểm tra lưu hành, chủ xe cần có các giấy
tờ sau:
1. Bản chính Giấy đăng ký xe do cơ quan nhà
nước có thẩm quyền cấp hoặc một trong các giấy tờ còn hiệu lực sau để xuất
trình:
a) Bản sao Giấy đăng ký xe có xác nhận của
ngân hàng đang giữ Bản chính giấy đăng ký xe đó.
b) Bản sao Giấy đăng ký xe có xác nhận của cơ
quan cho thuê tài chính đang giữ Bản chính giấy đăng ký xe đó.
2. Bản chính Giấy chứng nhận bảo hiểm trách
nhiệm dân sự còn hiệu lực để xuất trình.
3. Bản sao chụp Phiếu kiểm tra chất lượng
xuất xưởng (đối với trường hợp kiểm tra lưu hành lần đầu của các Xe có đăng ký
lần đầu sau ngày thông tư này có hiệu lực).
4. Giấy chứng nhận lưu hành của lần kiểm tra
trước (đối với trường hợp kiểm tra lưu hành các lần tiếp theo).
Điều 11. Đơn vị đăng
kiểm thực hiện kiểm tra lưu hành
1. Xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ được
đăng ký và cấp biển số tại địa phương nào thì thực hiện kiểm tra lưu hành tại
Đơn vị đăng kiểm ở địa phương đó.
2. Dữ liệu kiểm tra lưu hành được lưu trữ tại
Đơn vị đăng kiểm và trên Cơ sở dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Điều 12. Trình tự,
cách thức thực hiện khi kiểm tra lưu hành
1. Chủ xe hoặc người đưa xe đến kiểm tra lưu
hành (sau đây gọi tắt là chủ xe) đưa Xe và các giấy tờ theo quy định tại Điều 10 của Thông tư này đến Đơn vị đăng kiểm để kiểm tra lưu
hành.
2. Đơn vị đăng kiểm tiếp nhận, kiểm tra hồ
sơ. Nếu không đầy đủ hoặc không hợp lệ thì hướng dẫn chủ xe hoàn thiện lại; nếu
đầy đủ, hợp lệ thì thu phí, chụp ảnh phương tiện và tiến hành kiểm tra các hạng
mục theo phương pháp kiểm tra được quy định tại Phụ lục
IX ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Đối với trường hợp kiểm tra lần đầu, Đơn
vị đăng kiểm kiểm tra và lập Biên bản kiểm tra lần đầu xe chở hàng bốn bánh có
gắn động cơ theo mẫu quy định tại Phụ lục XI ban
hành kèm theo Thông tư này.
4. Xe kiểm tra đạt tiêu chuẩn, Đơn vị đăng kiểm
thu lệ phí, trả hóa đơn thu lệ phí và cấp Giấy chứng nhận lưu hành, Tem lưu
hành theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm
theo Thông tư này.
5. Xe có kết quả không đạt, Đơn vị đăng kiểm
thông báo hạng mục kiểm tra không đạt của xe cho chủ xe biết để sửa chữa, khắc
phục để kiểm tra lại, đồng thời thông báo xe không đạt lên mạng kiểm định.
Điều 13. Giấy chứng
nhận lưu hành, Tem lưu hành
1. Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận lưu
hành:
a) Trường hợp kiểm tra lần đầu: 12 tháng đối
với Xe mới, chưa qua sử dụng đến 02 năm, kể từ năm sản xuất; 06 tháng đối với
Xe mới, chưa qua sử dụng trên 02 năm, kể từ năm sản xuất.
b) Các lần kiểm tra tiếp theo: 06 tháng.
c) Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận lưu
hành không vượt quá ngày hết hạn của Giấy đăng ký Xe (nếu có) hoặc ngày xe hết
niên hạn sử dụng.
2. Phôi Giấy chứng nhận lưu hành, Tem lưu
hành do Cục Đăng kiểm Việt Nam thống nhất phát hành. Nội dung Giấy chứng nhận
lưu hành, Tem lưu hành được in từ chương trình phần mềm do Cục Đăng kiểm Việt
Nam quản lý, công bố. Giấy chứng nhận, Tem lưu hành phải có cùng một seri và có
nội dung phù hợp với thông số kỹ thuật của Xe do Cục Đăng kiểm Việt Nam công
bố.
a) Giấy chứng nhận lưu hành được giao cho chủ
xe để mang theo khi lưu hành trên đường, Tem lưu hành được dán tại góc trên bên
phải, mặt trong kính chắn gió phía trước Xe.
b) Giấy chứng nhận lưu hành, Tem lưu hành bị
mất, hư hỏng, rách nát thì chủ xe phải đưa Xe đi kiểm tra lưu hành để cấp lại.
3. Khi phát hiện hồ sơ do chủ xe cung cấp bị
làm giả hoặc sửa chữa, tẩy xóa; Giấy chứng nhận lưu hành, Tem lưu hành đã cấp
không phù hợp với xe đã kiểm tra, các Đơn vị đăng kiểm phải thông báo cho cơ
quan chức năng để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật và có trách
nhiệm thu hồi Giấy chứng nhận lưu hành, Tem lưu hành đã cấp (nếu còn hiệu lực).
4. Giấy chứng nhận lưu hành, Tem lưu hành hết
hiệu lực khi:
a) Xe đã được cấp Giấy chứng nhận lưu hành và
Tem lưu hành mới;
b) Đã có khai báo mất của chủ Xe;
c) Đã có thông báo thu hồi của các Đơn vị
đăng kiểm;
d) Xe bị tai nạn đến mức không đảm bảo an
toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
Điều 14. Báo cáo và
lưu trữ hồ sơ
1[3].
Thực hiện báo cáo định kỳ như sau:
a) Tên báo cáo: Báo
cáo công tác kiểm tra lưu hành Xe;
b) Nội dung yêu cầu
báo cáo: Báo cáo tổng số lượt kiểm tra Xe, tổng số lượt Xe đạt, tổng số lượt Xe
không đạt; Báo cáo sử dụng phôi Giấy chứng nhận lưu hành và Tem lưu hành;
c) Đối tượng thực
hiện báo cáo: Đơn vị đăng kiểm;
d) Cơ quan nhận báo
cáo: Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở Giao thông vận tải;
đ) Phương thức gửi,
nhận báo cáo: Báo cáo được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản
điện tử; được gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc phương thức điện tử
hoặc các phương thức khác theo quy định của pháp luật;
e) Thời hạn gửi báo
cáo: Trước ngày 20 hàng tháng;
g) Tần suất thực hiện
báo cáo: Báo cáo định hàng tháng;
h) Thời gian chốt số
liệu báo cáo: Từ ngày 15 tháng trước đến ngày 14 của tháng thuộc kỳ báo cáo;
i) Mẫu biểu số liệu
báo cáo: Theo Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông
tư này.
2. Báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ
quan có thẩm quyền.
3. Lưu trữ
a) Hồ sơ xe, hồ sơ kiểm tra lưu hành và các
giấy tờ liên quan được lưu trữ tại các Đơn vị đăng kiểm.
b) Hồ sơ kiểm tra lưu hành, phiếu ghi nhận
kết quả của các lần kiểm tra lưu hành: Lưu trữ trong thời hạn 03 năm kể từ ngày
kiểm tra lưu hành. Hồ sơ xe được hủy sau 03 năm, kể từ ngày Xe hết niên hạn sử
dụng.
c) Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn các Đơn
vị đăng kiểm về việc lưu trữ hồ sơ Xe và hồ sơ kiểm tra lưu hành.
Chương IV
QUY
ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN KHI THAM GIA GIAO THÔNG
Điều 15. Điều kiện
đối với người điều khiển Xe
Người điều khiển xe chở hàng bốn bánh có gắn
động cơ phải có Giấy phép lái xe từ hạng B2 trở lên và phải tuân thủ theo quy
định tại Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Điều 16. Điều kiện
đối với Xe
1. Xe phải đảm bảo chất lượng an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường quy định tại Thông tư này khi tham gia giao thông.
2. Niên hạn sử dụng đối với xe chở hàng bốn
bánh có gắn động cơ áp dụng theo khoản 1 Điều 4 của Nghị định số 95/2009/NĐ-CP
ngày 30 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định về niên hạn sử dụng đối với
các loại xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người.
Điều 17. Chấp hành
quy định khi tham gia giao thông
1. Việc chấp hành quy tắc giao thông đường
bộ, mức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trong
lĩnh vực giao thông đường bộ theo quy định của Chính phủ và áp dụng theo loại
phương tiện tương tự xe ô tô tải có tải trọng dưới 3.500 kg.
2. Phạm vi, tuyến đường hoạt động và thời
gian hoạt động đối với xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ do Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định căn cứ điều kiện
thực tế tại địa phương, đảm bảo nguyên tắc không cho phép loại phương tiện này
tham gia giao thông trên các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường bộ được thiết
kế theo tiêu chuẩn cấp I và cấp II.
Chương V
ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Trách nhiệm
của Cục Đăng kiểm Việt Nam
1. Cục Đăng kiểm Việt Nam là Cơ quan quản lý
nhà nước về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các sản
phẩm thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này; chịu trách nhiệm tổ chức hướng
dẫn, chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ về kiểm tra chất lượng trong sản xuất, lắp
ráp, kiểm tra lưu hành và kiểm tra thực hiện Thông tư này.
2. Thống nhất phát hành, quản lý và hướng dẫn
sử dụng các Giấy chứng nhận; phôi Phiếu kiểm tra chất lượng, Giấy chứng nhận
lưu hành và Tem lưu hành.
3. Thông báo danh sách các Cơ sở thử nghiệm
thực hiện việc thử nghiệm phục vụ cho công tác chứng nhận chất lượng an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường trên trang thông tin điện tử Cục Đăng kiểm Việt Nam.
4. Tổ chức kiểm tra, thanh tra theo định kỳ
hoặc đột xuất đối với việc thực hiện đảm bảo chất lượng của Cơ sở sản xuất,
kiểm tra lưu hành của các Đơn vị đăng kiểm.
5. Báo cáo kiểm tra chất lượng an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường đối với các loại xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ
theo quy định.
Điều 19. Trách nhiệm
của Sở Giao thông vận tải
1. Báo cáo, xây dựng và trình Ủy ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định thời gian, phạm vi, tuyến đường
hoạt động đối với xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ phù hợp tình hình thực tế
của địa phương.
2. Kiểm tra và xử lý sai phạm của các cá
nhân, Đơn vị đăng kiểm trực thuộc Sở trong việc thực hiện công tác kiểm tra lưu
hành xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ. Phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam
kiểm tra hoạt động kiểm định lưu hành xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ của
các Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tại địa phương.
Điều 20. Trách nhiệm
của Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới
1. Thực hiện việc kiểm tra lưu hành và cấp
Giấy chứng nhận lưu hành, Tem lưu hành cho xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ
theo quy định. Người đứng đầu Đơn vị đăng kiểm và đăng kiểm viên trực tiếp thực
hiện kiểm tra lưu hành phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra.
2. Công khai trình tự, thủ tục, nội dung, quy
trình, tiêu chuẩn, quy định, phí, lệ phí và thời gian làm việc.
3. Thực hiện chế độ lưu trữ, báo cáo theo quy
định. Truyền số liệu kiểm tra hàng ngày, bảo quản mật khẩu và cập nhật số liệu
cảnh báo từ mạng dữ liệu Cục Đăng kiểm Việt Nam.
4[4].
(được bãi bỏ)
5. Chấp hành và tạo điều kiện thuận lợi cho
việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm tra lưu hành của cơ quan chức
năng.
Điều 21. Trách nhiệm
của Cơ sở sản xuất
1. Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung
thực của hồ sơ tài liệu đã cung cấp cho Cục Đăng kiểm Việt Nam.
2. Hợp tác đầy đủ với Cục Đăng kiểm Việt Nam
trong quá trình thanh tra, kiểm tra về chất lượng sản phẩm.
3. Thực hiện việc triệu hồi sản phẩm theo quy
định tại Điều 22 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi phát hiện sản
phẩm bị lỗi kỹ thuật.
4. Cơ sở sản xuất phải xây dựng hệ thống quản
lý chất lượng nhằm đảm bảo việc duy trì chất lượng các sản phẩm sản xuất hàng
loạt.
5. Chịu trách nhiệm trước phát luật nếu vi
phạm quy định về quyền sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ.
6[5].
Lưu trữ phần lưu của Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, hồ sơ kiểm tra chất
lượng của sản phẩm tối thiểu 03 năm kể từ ngày xuất xưởng xe. Khi hủy tài liệu này,
cơ sở sản xuất phải bảo đảm được việc truy xuất dữ liệu phục vụ cho việc triệu
hồi.
Điều 22. Trách nhiệm
của chủ xe
Ngoài việc thực hiện các nội dung trong Thông
tư này, chủ xe còn có trách nhiệm thực hiện các quy định sau đây:
1. Không được làm giả, tự bóc, dán, tẩy xóa,
sửa đổi các nội dung của Giấy chứng nhận lưu hành, Tem lưu hành.
2. Cung cấp chính xác các thông tin cần thiết
có liên quan tới nội dung kiểm tra lưu hành, nội dung quản lý hành chính, thông
số kỹ thuật của Xe, kể cả việc cung cấp các hồ sơ, tài liệu có liên quan cho
các Đơn vị đăng kiểm.
3. Thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa nhằm duy trì
tình trạng kỹ thuật của xe giữa hai kỳ kiểm tra lưu hành.
4. Nộp lại Giấy chứng nhận lưu hành và Tem
lưu hành khi có thông báo thu hồi của Đơn vị đăng kiểm.
Điều 23. Phí và lệ
phí
Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cơ sở thử nghiệm và
Đơn vị đăng kiểm được thu các khoản phí và lệ phí theo quy định của Bộ Tài
chính.
Điều 24. Hiệu lực thi
hành[6]
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01
tháng 7 năm 2014 và bãi bỏ các văn bản sau đây:
a) Quyết định số 3917/QĐ-BGTVT ngày 31 tháng
12 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định tạm thời về kiểm tra
chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với loại xe chở hàng bốn
bánh có gắn động cơ thí điểm sản xuất, lắp ráp trong nước;
b) Quyết định số 614/QĐ-BGTVT ngày 12 tháng 3
năm 2010 và Quyết định số 3667/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quyết định số
3917/QĐ-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy
định tạm thời về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối
với loại xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ thí điểm sản xuất, lắp ráp trong
nước.
2. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, người điều
khiển xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ khi tham gia giao thông phải có Giấy
phép lái xe phù hợp theo quy định tại Điều 15 của Thông tư này.
3. Các Giấy chứng nhận phù hợp, Phiếu kiểm
tra chất lượng xuất xưởng còn hiệu lực đã được cấp trước ngày Thông tư này có
hiệu lực vẫn có giá trị đến hết thời hạn sử dụng.
4. Trong trường hợp các văn bản, tài liệu
tham chiếu trong Thông tư này có sự thay đổi, bổ sung, chuyển đổi thì áp dụng
theo văn bản mới.
Điều 25. Tổ chức thực
hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các
Vụ trưởng thuộc Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục
Đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN
HỢP NHẤT
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn
Văn Thể
|