BỘ GIAO
THÔNG VẬN TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 08/VBHN-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 22 tháng 3 năm 2021
|
THÔNG
TƯ
QUY
ĐỊNH VỀ ĐĂNG KIỂM PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA
Thông tư số 48/2015/TT-BGTVT ngày 22 tháng 9
năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng kiểm phương tiện
nội địa, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, được sửa đổi, bổ sung
bởi:
Thông tư số 26/2020/TT-BGTVT ngày 16 tháng 10
năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của
các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đăng kiểm, có
hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2020.
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa
ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa
ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20
tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ
cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công
nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Thông tư quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa[1].
Chương I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh
1. Thông tư này quy định về đăng kiểm phương
tiện thủy nội địa và việc tổ chức thực hiện đăng kiểm cho các phương tiện thủy
nội địa.
2. Thông tư này không áp dụng đối với:
a) Phương tiện thủy nội địa làm nhiệm vụ quốc
phòng, an ninh, tàu cá;
b) Phương tiện thủy nội địa không có động cơ
trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc có sức chở đến 12 người;
c) Phương tiện thủy nội địa có động cơ công
suất máy chính dưới 5 sức ngựa và có sức chở dưới 5 người;
d) Bè.
Điều 2. Đối tượng áp
dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân
liên quan đến hoạt động đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.
Điều 3. Giải thích từ
ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được
hiểu như sau:
1. Sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương
tiện thủy nội địa (sau đây gọi tắt là sản phẩm công nghiệp) gồm: Vật liệu, máy
móc và các trang thiết bị được sử dụng trong đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục
hồi lắp đặt trên phương tiện thủy nội địa.
2. Tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ
môi trường phương tiện thủy nội địa (sau đây gọi tắt là Tem kiểm định) là biểu
trưng cấp cho phương tiện thủy nội địa đã được cơ quan đăng kiểm chứng nhận đạt
tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
3. Hồ sơ thiết kế gồm: Hồ sơ thiết kế đóng
mới, hoán cải, sửa đổi đối với phương tiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục
hồi và nhập khẩu; thiết kế lập hồ sơ đối với phương tiện nhập khẩu, phương tiện
đã đóng mà không có sự giám sát của đăng kiểm; thiết kế sản phẩm công nghiệp;
thiết kế mẫu định hình; thiết kế chuyển đổi tàu biển thành phương tiện thủy nội
địa.
4. Tài liệu hướng dẫn gồm: Thông báo ổn định
cho thuyền trưởng, Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu của tàu, Kế hoạch ứng cứu ô
nhiễm của tàu do chở các chất lỏng độc hại.
5. Sao và thẩm định mẫu định hình là sao và
thẩm định thiết kế trên cơ sở thiết kế mẫu định hình đã được thẩm định.
Chương II
ĐĂNG
KIỂM PHƯƠNG TIỆN
Điều 4. Nội dung công
tác đăng kiểm phương tiện
1. Thẩm định hồ sơ thiết kế và tài liệu hướng
dẫn của tàu.
2. Kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và
bảo vệ môi trường (sau đây gọi là kiểm tra), cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa cho phương tiện nhập khẩu.
3. Kiểm tra và cấp các giấy chứng nhận cho
sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện.
4. Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa cho phương tiện trong đóng
mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi.
5. Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa cho phương tiện trong quá
trình hoạt động.
6. Đo đạc xác định trọng tải toàn phần và
dung tích của phương tiện.
7. Đo đạc xác định mạn khô và vạch dấu mớn
nước an toàn của phương tiện.
8. Sao và thẩm định mẫu định hình; thẩm định
thiết kế thi công, thiết kế hoàn công cho phương tiện.
Điều 5. Căn cứ đánh
giá chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện và sản
phẩm công nghiệp
Công tác đăng kiểm quy định tại Điều
4 của Thông tư này phải được tiến hành theo quy định của các quy phạm, quy
chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định tại Phụ lục
I của Thông tư này.
Điều 6. Các loại hình
kiểm tra phương tiện
1. Các loại hình kiểm tra phương tiện bao
gồm:
a) Kiểm tra lần đầu, bao gồm: kiểm tra phương
tiện khi đóng mới, phương tiện nhập khẩu, phương tiện đăng ký hành chính lần
đầu;
b) Kiểm tra chu kỳ, bao gồm: kiểm tra định
kỳ; kiểm tra hàng năm; kiểm tra trên đà; kiểm tra trung gian;
c) Kiểm tra bất thường theo quy định tại hệ
thống quy phạm, các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định tại Phụ lục I của Thông tư này.
2. Nội dung và thời hạn các loại hình kiểm
tra được thực hiện theo quy định tại hệ thống quy phạm, các quy chuẩn kỹ thuật,
tiêu chuẩn kỹ thuật quy định tại Phụ lục I của Thông
tư này.
Điều 7. Nguyên tắc
kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện
thủy nội địa
1. Phương tiện phải được kiểm tra lần đầu,
cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội
địa trước khi đăng ký hành chính lần đầu.
2. Phương tiện được đóng mới, hoán cải, sửa
chữa phục hồi ở khu vực nào thì đơn vị đăng kiểm có đủ năng lực, thẩm quyền phụ
trách khu vực đó thực hiện kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và
bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa.
3. Phương tiện đã đăng ký hành chính khi kiểm
tra chu kỳ, kiểm tra bất thường được kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa tại bất kỳ đơn vị đăng kiểm
nào có đủ năng lực, thẩm quyền phụ trách khu vực phương tiện neo đậu.
4. Các đơn vị đăng kiểm chỉ được kiểm tra,
cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội
địa phù hợp với năng lực, thẩm quyền và trong khu vực được giao.
Chương III
THỦ
TỤC THẨM ĐỊNH HỒ SƠ THIẾT KẾ, TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN; KIỂM TRA, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN
AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA; KIỂM TRA, CẤP
GIẤY CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP
Điều 8. Hồ sơ đề nghị
thẩm định thiết kế, tài liệu hướng dẫn
1. Đối với thẩm định thiết kế đóng mới, hoán
cải, sửa đổi, lập hồ sơ, hồ sơ bao gồm:
a) 01 bản chính Giấy đề nghị thẩm định thiết
kế theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này;
b) 03 bản chính hồ sơ thiết kế gồm bản tính,
bản vẽ, thuyết minh và các tài liệu kỹ thuật (nếu có) theo quy định của quy
chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho phương tiện. Đối với hồ sơ
thiết kế do đơn vị thiết kế nước ngoài thiết kế hoặc chủ phương tiện là người
nước ngoài hoặc thiết kế phương tiện đóng ở Việt Nam để xuất khẩu thì ngôn ngữ
sử dụng trong thuyết minh, bản tính phải là tiếng Việt hoặc tiếng Anh có kèm
theo bản dịch bằng tiếng Việt, còn ngôn ngữ sử dụng trong bản vẽ là tiếng Việt
hoặc tiếng Anh;
c) Đối với thiết kế lập hồ sơ của phương tiện
đã đóng trong nước mà không có sự giám sát của đăng kiểm, ngoài các giấy tờ
phải nộp quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì phải trình: Hợp đồng đóng
mới phương tiện hoặc các giấy tờ chứng minh phương tiện là tài sản hợp pháp của
chủ phương tiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của tài
sản đó.
2. Đối với thẩm định thiết kế mẫu định hình,
hồ sơ bao gồm:
a) 01 bản chính Giấy đề nghị thẩm định mẫu
định hình phương tiện thủy nội địa theo mẫu quy định tại Phụ
lục III của Thông tư này;
b) 03 bản chính hồ sơ thiết kế gồm bản tính,
bản vẽ, thuyết minh theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật
áp dụng cho phương tiện.
3. Đối với sao và thẩm định mẫu định hình, hồ
sơ bao gồm 01 bản chính Giấy đề nghị sử dụng mẫu định hình phương tiện thủy nội
địa theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Thông tư
này.
4. Đối với thẩm định thiết kế phương tiện
nhập khẩu, hồ sơ bao gồm:
a) 01 bản chính Giấy đề nghị thẩm định thiết
kế theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư
này;
b) 03 bản chính hồ sơ thiết kế gồm bản tính,
bản vẽ, thuyết minh và các tài liệu kỹ thuật (nếu có) theo quy định của quy
chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho phương tiện và các tài liệu kỹ
thuật của tổ chức nước ngoài cấp cho phương tiện (nếu có). Các thuyết minh và
bản tính của hồ sơ thiết kế phải sử dụng ngôn ngữ là tiếng Việt hoặc tiếng Anh
có kèm theo bản dịch bằng tiếng Việt, các bản vẽ có thể sử dụng ngôn ngữ là
tiếng Việt hoặc tiếng Anh;
c) Hồ sơ xác định tuổi của phương tiện;
d) Tờ khai hàng hóa nhập khẩu của tổ chức, cá
nhân nhập khẩu (đối với trường hợp phương tiện đã nhập khẩu về Việt Nam).
5. Đối với thẩm định thiết kế sản phẩm công
nghiệp, hồ sơ bao gồm:
a) Trường hợp sản phẩm công nghiệp được sản
xuất, chế tạo trong nước, hồ sơ nộp bao gồm: 01 bản chính Giấy đề nghị thẩm
định thiết kế theo mẫu quy định tại Phụ lục II của
Thông tư này; 03 bản chính hồ sơ thiết kế gồm bản tính, bản vẽ, thuyết minh và
các tài liệu kỹ thuật (nếu có) theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn
kỹ thuật áp dụng cho sản phẩm;
b) Trường hợp sản phẩm công nghiệp nhập khẩu,
hồ sơ nộp bao gồm: 01 bản chính Giấy đề nghị thẩm định thiết kế theo mẫu quy
định tại Phụ lục II của Thông tư này; 03 bản chính
hồ sơ thiết kế gồm bản tính, bản vẽ, thuyết minh và các tài liệu kỹ thuật nước
ngoài cấp cho phương tiện (nếu có) theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu
chuẩn kỹ thuật áp dụng cho sản phẩm. Các thuyết minh và bản tính của hồ sơ
thiết kế phải sử dụng ngôn ngữ là tiếng Việt hoặc tiếng Anh có kèm theo bản
dịch bằng tiếng Việt, các bản vẽ có thể sử dụng ngôn ngữ là tiếng Việt hoặc
tiếng Anh; tờ khai hàng hóa nhập khẩu của tổ chức, cá nhân nhập khẩu.
6. Đối với thẩm định thiết kế chuyển đổi tàu
biển thành phương tiện thủy nội địa, hồ sơ bao gồm:
a) 01 bản chính Giấy đề nghị thẩm định thiết
kế theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư
này;
b) 03 bản chính hồ sơ thiết kế gồm bản tính,
bản vẽ, thuyết minh và các tài liệu kỹ thuật (nếu có) theo quy định của quy
chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho phương tiện.
7. Đối với thẩm định tài liệu hướng dẫn, hồ
sơ bao gồm:
a) 01 bản chính Giấy đề nghị thẩm định tài
liệu hướng dẫn theo mẫu quy định tại Phụ lục II
của Thông tư này;
b) 03 bản chính hồ sơ tài liệu hướng dẫn.
Điều 9. Trình tự thẩm
định thiết kế, tài liệu hướng dẫn
1. Tổ chức, cá nhân chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đề
nghị thẩm định nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc gửi bằng hình
thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc đơn vị đăng kiểm được Cục
Đăng kiểm Việt Nam ủy quyền.
2. Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc đơn vị đăng
kiểm được Cục Đăng kiểm Việt Nam ủy quyền tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ; trường hợp
hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn hoàn thiện ngay trong ngày làm
việc (đối với trường hợp nộp trực tiếp) hoặc hướng dẫn hoàn thiện trong 02
(hai) ngày làm việc đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính và hình
thức phù hợp khác; nếu hồ sơ đầy đủ thì hẹn thời gian trả kết quả.
3. Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị theo quy
định, trong thời hạn 20 ngày làm việc đối với thiết kế loại phương tiện đóng
bằng vật liệu mới, công dụng mới hoặc các phương tiện hoạt động tuyến vận tải
đường thủy nội địa ven biển, từ bờ ra đảo, giữa các đảo; phương tiện chở khí
hóa lỏng, chở xô hóa chất nguy hiểm, tàu dầu có nhiệt độ chớp cháy nhỏ hơn hoặc
bằng 60 °C, có trọng tải toàn phần từ 500 tấn trở lên; tàu khách cao tốc, tàu
đệm khí; nhà hàng nổi, khách sạn nổi, tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, tàu chở
khách có sức chở từ 100 khách trở lên hoặc trong thời hạn 5 ngày làm việc đối
với thiết kế không phải là loại kể trên và tài liệu hướng dẫn, Cục Đăng kiểm
Việt Nam hoặc đơn vị đăng kiểm được Cục Đăng kiểm Việt Nam ủy quyền hoàn thành
thẩm định hồ sơ thiết kế, tài liệu hướng dẫn; nếu đạt thì cấp giấy chứng nhận
thẩm định thiết kế theo mẫu quy định tại Thông tư số 15/2013/TT-BGTVT ngày 26
tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về biểu mẫu giấy
chứng nhận và sổ kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho tàu
biển, phương tiện thủy nội địa và sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện
thủy nội địa (sau đây gọi tắt là Thông tư số 15/2013/TT-BGTVT), cấp Thông báo
thẩm định tài liệu hướng dẫn/thiết kế theo mẫu quy định tại Phụ lục VI của Thông tư này; nếu không đạt thì thông
báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân để khắc phục các tồn tại.
4. Đối với các hồ sơ thiết kế đã khắc phục
các tồn tại theo thông báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc đơn vị đăng kiểm
được Cục Đăng kiểm Việt Nam ủy quyền, kể từ ngày nhận hồ sơ thiết kế đã khắc
phục, trong thời hạn 02 ngày làm việc hoàn thành thẩm định hồ sơ thiết kế; nếu
đạt thì cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế như quy định tại khoản 3 Điều này;
nếu không đạt thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân để hoàn thiện
lại.
5. Tổ chức, cá nhân đề nghị thẩm định thiết
kế, tài liệu hướng dẫn nộp phí và lệ phí theo quy định và có thể nhận kết quả
trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc đơn vị đăng kiểm được Cục Đăng kiểm
Việt Nam ủy quyền hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác.
Điều 10. Thủ tục kiểm
tra và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện
thủy nội địa
1. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc
gửi qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác đến đơn vị đăng kiểm, hồ
sơ bao gồm: Giấy đề nghị kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ
lục V của Thông tư này (trừ trường hợp đề nghị kiểm tra bằng hình thức đề
nghị trực tiếp, gọi điện thoại), hồ sơ kỹ thuật của phương tiện. Hồ sơ kỹ thuật
của phương tiện quy định như sau:
a) Đối với kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an
toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa
phục hồi hoặc phương tiện đã đóng mà không có sự giám sát của đăng kiểm thì
trình bản gốc hồ sơ thiết kế đã được thẩm định.
b) Đối với kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an
toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện đang khai thác thì trình bản
gốc Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội
địa đã được cấp khi thực hiện kiểm tra phương tiện.
c) Đối với kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an
toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện chuyển đổi tàu biển thành
phương tiện thủy nội địa thì trình bản gốc hồ sơ thiết kế chuyển đổi tàu biển
thành phương tiện thủy nội địa đã được thẩm định và Giấy chứng nhận xóa đăng ký
tàu biển Việt Nam.
2. Đơn vị đăng kiểm tiếp nhận, kiểm tra hồ
sơ, trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn hoàn thiện ngay
trong ngày làm việc (đối với trường hợp nộp trực tiếp) hoặc hướng dẫn hoàn
thiện trong 02 (hai) ngày làm việc đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống
bưu chính và hình thức phù hợp khác; nếu hồ sơ đã đầy đủ thì hẹn thời gian, địa
điểm kiểm tra.
3. Đơn vị đăng kiểm tiến hành kiểm tra. Trong
thời hạn 01 (một) ngày làm việc đối với việc kiểm tra phương tiện cách trụ sở
làm việc dưới 70 km và 02 (hai) ngày làm việc đối với việc kiểm tra phương tiện
cách trụ sở làm việc từ 70 km trở lên hoặc kiểm tra phương tiện ở vùng biển,
đảo, kể từ khi kết thúc kiểm tra tại hiện trường, nếu kết quả kiểm tra phương
tiện thỏa mãn các quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật thì đơn
vị đăng kiểm cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương
tiện thủy nội địa theo mẫu quy định tại Thông tư số 15/2013/TT-BGTVT và đóng
dấu hoàn công vào các hồ sơ thiết kế hoàn công đối với trường hợp kiểm tra đóng
mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi loại phương tiện nêu ở khoản 1, 2, 3 Phụ lục IX của Thông tư này; nếu kết quả kiểm tra không
đạt yêu cầu thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị.
4. Tổ chức, cá nhân đề nghị kiểm tra phương
tiện nộp phí, lệ phí theo quy định và có thể nhận kết quả trực tiếp tại đơn vị
đăng kiểm hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc các hình thức phù hợp khác.
Điều 11. Thủ tục kiểm
tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện
nhập khẩu
1. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc
gửi qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt
Nam, hồ sơ bao gồm: Giấy đề nghị kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Thông tư này (trừ trường hợp đề nghị
trực tiếp, gọi điện thoại), hồ sơ kỹ thuật của phương tiện nhập khẩu. Hồ sơ kỹ
thuật của phương tiện nhập khẩu quy định như sau:
a) Đối với phương tiện nhập khẩu đã được kiểm
tra và cấp giấy chứng nhận đăng kiểm bởi cơ quan đăng kiểm nước ngoài do Cục
Đăng kiểm Việt Nam thừa nhận, khi nhập khẩu về Việt Nam thì nộp hồ sơ thiết kế
phương tiện đã được cơ quan đăng kiểm nước ngoài thẩm định (bản sao kèm bản
chính để đối chiếu), bản chính hồ sơ đăng kiểm do cơ quan đăng kiểm nước ngoài
cấp cho phương tiện, các tài liệu kỹ thuật liên quan đến phương tiện; trình hồ
sơ để xác định tuổi phương tiện, bản sao chứng từ nhập khẩu có xác nhận của tổ
chức, cá nhân nhập khẩu gồm hóa đơn thương mại hoặc các giấy tờ tương đương, tờ
khai hàng hóa nhập khẩu của tổ chức, cá nhân nhập khẩu;
b) Đối với phương tiện nhập khẩu đã được kiểm
tra và cấp giấy chứng nhận bởi cơ quan đăng kiểm nước ngoài chưa được Cục Đăng
kiểm Việt Nam thừa nhận hoặc chưa được cơ quan đăng kiểm nước ngoài kiểm tra,
cấp giấy chứng nhận đăng kiểm thì trình bản chính hồ sơ thiết kế đã được thẩm
định.
2. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ;
trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn hoàn thiện ngay trong
ngày làm việc (đối với trường hợp nộp trực tiếp) hoặc hướng dẫn hoàn thiện
trong 02 (hai) ngày làm việc đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu
chính và hình thức phù hợp khác; nếu hồ sơ đã đầy đủ thì hẹn thời gian, địa điểm
kiểm tra.
3. Cục Đăng kiểm Việt Nam trực tiếp thực hiện
hoặc ủy quyền cho đơn vị đăng kiểm thực hiện kiểm tra như sau:
a) Đối với phương tiện được quy định tại điểm
a khoản 1 Điều này, tiến hành kiểm tra để xác nhận tình trạng kỹ thuật thực tế
của phương tiện so với hồ sơ thiết kế đã thẩm định và hồ sơ đăng kiểm đã cấp
cho phương tiện;
b) Đối với phương tiện được quy định tại điểm
b khoản 1 Điều này, tiến hành kiểm tra thực tế phương tiện với loại hình kiểm
tra lần đầu.
4. Trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc đối
với việc kiểm tra phương tiện cách trụ sở làm việc dưới 70 km và 02 (hai) ngày
làm việc đối với việc kiểm tra phương tiện cách trụ sở làm việc từ 70 km trở
lên hoặc kiểm tra phương tiện ở vùng biển, đảo, kể từ khi kết thúc kiểm tra tại
hiện trường, nếu kết quả kiểm tra phương tiện thỏa mãn các quy định của quy
chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật thì Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc đơn vị đăng
kiểm được Cục Đăng kiểm Việt Nam ủy quyền cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật
và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa theo mẫu quy định tại Thông tư số
15/2013/TT-BGTVT , nếu kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu thì thông báo cho tổ
chức, cá nhân đề nghị.
5. Tổ chức, cá nhân đề nghị kiểm tra phương
tiện nhập khẩu nộp phí, lệ phí theo quy định và có thể nhận kết quả trực tiếp
tại Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc đơn vị đăng kiểm được Cục Đăng kiểm Việt Nam ủy
quyền hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác.
Điều 12. Thủ tục kiểm
tra và cấp các giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy
nội địa
1. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc
gửi qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt
Nam hoặc đơn vị đăng kiểm được Cục Đăng kiểm Việt Nam ủy quyền. Hồ sơ đề nghị
kiểm tra bao gồm: Giấy đề nghị kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Thông tư này (trừ trường hợp đề nghị
trực tiếp, gọi điện thoại), hồ sơ kỹ thuật của sản phẩm công nghiệp. Hồ sơ kỹ
thuật của sản phẩm công nghiệp quy định như sau:
a) Đối với sản phẩm công nghiệp sản xuất đơn
chiếc hoặc theo lô trong nước thì trình bản gốc hồ sơ thiết kế đã được thẩm
định;
b) Đối với sản phẩm công nghiệp nhập khẩu về
Việt Nam đã được cơ quan đăng kiểm nước ngoài do Cục Đăng kiểm Việt Nam thừa
nhận kiểm tra, thì nộp hồ sơ đăng kiểm do cơ quan đăng kiểm nước ngoài cấp cho
sản phẩm công nghiệp (bản sao có bản chính để đối chiếu) và các tài liệu kỹ
thuật liên quan (nếu có); Bản sao chứng từ nhập khẩu có xác nhận của tổ chức,
cá nhân nhập khẩu gồm Hóa đơn thương mại hoặc các giấy tờ tương đương, tờ khai
hàng hóa nhập khẩu của tổ chức, cá nhân nhập khẩu;
c) Đối với sản phẩm công nghiệp nhập khẩu về
Việt Nam đã được kiểm tra bởi cơ quan đăng kiểm nước ngoài nhưng chưa được Cục
Đăng kiểm Việt Nam thừa nhận hoặc chưa được cơ quan đăng kiểm nước ngoài kiểm
tra, thì trình bản gốc hồ sơ thiết kế đã được thẩm định.
2. Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc đơn vị đăng
kiểm được Cục Đăng kiểm Việt Nam ủy quyền tiếp nhận hồ sơ; trường hợp hồ sơ
không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn hoàn thiện ngay trong ngày làm việc
(đối với trường hợp nộp trực tiếp) hoặc hướng dẫn hoàn thiện trong 02 (hai)
ngày làm việc đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính và hình thức
phù hợp khác; nếu hồ sơ đã đầy đủ thì hẹn thời gian, địa điểm kiểm tra.
3. Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc đơn vị đăng kiểm
được Cục Đăng kiểm Việt Nam ủy quyền tiến hành kiểm tra. Đối với sản phẩm quy
định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này, trong thời hạn 01 (một) ngày làm
việc đối với việc kiểm tra sản phẩm công nghiệp cách trụ sở làm việc dưới 70 km
và 02 (hai) ngày làm việc đối với việc kiểm tra sản phẩm công nghiệp cách trụ
sở làm việc từ 70 km trở lên hoặc kiểm tra sản phẩm công nghiệp ở vùng biển,
đảo, kể từ khi kết thúc kiểm tra tại hiện trường, nếu kết quả kiểm tra thỏa mãn
các quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật thì Cục Đăng kiểm Việt
Nam hoặc đơn vị đăng kiểm được Cục Đăng kiểm Việt Nam ủy quyền cấp các giấy
chứng nhận sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy nội địa theo mẫu
quy định tại Thông tư số 15/2013/TT-BGTVT , nếu kết quả kiểm tra không đạt yêu
cầu thì thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị.
4. Tổ chức, cá nhân đề nghị kiểm tra sản phẩm
công nghiệp nộp phí, lệ phí theo quy định và có thể nhận kết quả trực tiếp tại
Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc đơn vị đăng kiểm được Cục Đăng kiểm Việt Nam ủy
quyền hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác.
Điều 13. Hồ sơ đăng
kiểm, Tem kiểm định và số kiểm soát cấp cho phương tiện
1. Phương tiện sau khi được kiểm tra có trạng
thái kỹ thuật thỏa mãn các quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật
sẽ được cấp các hồ sơ sau:
a) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ
môi trường phương tiện thủy nội địa;
b) Các loại biên bản và báo cáo kiểm tra kỹ
thuật.
2. Ngoài các hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này
còn có:
a) Sổ kiểm tra thiết bị nâng hàng đối với
phương tiện có thiết bị nâng hàng;
b) Sổ chứng nhận thể tích chiếm nước của
phương tiện khi có yêu cầu của chủ phương tiện;
c) Cấp các giấy chứng nhận sản phẩm công
nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy nội địa.
3. Tem kiểm định theo mẫu quy định tại Phụ lục VII của Thông tư này được cấp kèm theo Giấy
chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa. Tem
kiểm định được dán trên phương tiện như sau:
a) Đối với phương tiện có kính phía trước vô
lăng lái: Tem kiểm định được dán ở mặt trong, góc trên, ngoài cùng, phía bên
phải của kính (nhìn từ lái về mũi phương tiện), ở vị trí dễ quan sát;
b) Đối với phương tiện có ca-bin hoặc buồng
ngủ nhưng không có kính vách phía trước: Tem kiểm định được dán ở mặt ngoài,
góc trên, ngoài cùng, phía bên phải của vách trước ca-bin hoặc buồng ngủ (nhìn
từ lái về mũi phương tiện), ở vị trí dễ quan sát;
c) Đối với phương tiện không thuộc điểm a, b khoản
này nhưng có thành quây hầm hàng: Tem kiểm định được dán ở mặt ngoài, góc trên,
ngoài cùng, phía bên phải của thành quây hầm hàng phía mũi (ngay phía dưới của
thanh gia cường mép miệng quây), ở vị trí dễ quan sát;
d) Đối với phương tiện còn lại: Tem kiểm định
được dán ở vị trí dễ quan sát, ít bị va chạm và ít bị ảnh hưởng của thời tiết.
4. Số kiểm soát
a) Phương tiện sau khi được kiểm tra thỏa mãn
các yêu cầu theo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật sẽ được đóng hoặc gắn
một số kiểm soát, số kiểm soát được đóng hoặc gắn trên phương tiện nhằm kiểm
soát từng phương tiện và số lượng phương tiện đã được đăng kiểm trên toàn quốc;
b) Số kiểm soát gồm phần chữ và phần số. Phần
chữ gồm hai chữ cái in hoa là VR (đối với các phương tiện quy định tại khoản 1,
2, 3 Phụ lục IX của Thông tư này), VS (đối với các
phương tiện quy định tại khoản 4 Phụ lục IX của Thông
tư này). Phần số gồm 8 (tám) chữ số, hai chữ số đầu là 2 (hai) chữ số cuối của
năm đóng phương tiện, sáu chữ số tiếp theo là số tự nhiên do Cục Đăng kiểm Việt
Nam quản lý và cấp trực tiếp cho các đơn vị đăng kiểm. Số này được lưu vào cơ sở
dữ liệu quản lý đăng kiểm phương tiện trong suốt quá trình hoạt động của phương
tiện;
c) Các đơn vị đăng kiểm, khi nhận được phiếu
cấp phát 6 (sáu) chữ số tự nhiên từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, phải xác nhận về
Cục Đăng kiểm Việt Nam. Đơn vị đăng kiểm sử dụng số kiểm soát theo thứ tự từ số
nhỏ đến số lớn. Hàng tháng, đơn vị phải báo cáo việc sử dụng số kiểm soát, dự
trù kế hoạch sử dụng của tháng tiếp theo và báo cáo về Cục Đăng kiểm Việt Nam.
5. Kích thước, vị trí số kiểm soát theo quy
định tại Phụ lục VIII của Thông tư này.
Chương IV
CƠ
QUAN TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐĂNG KIỂM PHƯƠNG TIỆN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ
CHỨC, CÁ NHÂN
Điều 14. Cơ quan thực
hiện đăng kiểm phương tiện
1. Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm tổ
chức thực hiện nội dung đăng kiểm quy định tại Điều 4 của Thông
tư này; tổ chức hệ thống đơn vị đăng kiểm thống nhất trong phạm vi cả nước;
thực hiện công tác đăng kiểm quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 4
của Thông tư này.
2. Các đơn vị đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng
kiểm Việt Nam và các đơn vị đăng kiểm trực thuộc Sở Giao thông vận tải (sau đây
gọi là đơn vị đăng kiểm) đã được xác nhận và thông báo hạng đơn vị đăng kiểm sẽ
được thực hiện nội dung công tác đăng kiểm quy định tại khoản 4,
5, 6, 7, 8 Điều 4 của Thông tư này và các nội dung đăng kiểm khác khi được
Cục Đăng kiểm Việt Nam ủy quyền phù hợp với năng lực của đơn vị đăng kiểm sau
khi được xác nhận và thông báo.
3. Đơn vị đăng kiểm được chia thành hạng I,
hạng II, hạng III theo yêu cầu về năng lực quy định tại Phụ
lục X của Thông tư này và thực hiện công tác đăng kiểm như sau:
a) Đơn vị đăng kiểm hạng III thực hiện công
tác đăng kiểm cho các phương tiện thuộc khoản 4 Phụ
lục IX của Thông tư này.
b) Đơn vị đăng kiểm hạng II thực hiện công
tác đăng kiểm cho các phương tiện thuộc khoản 1, 2, 3, 4 Phụ lục IX của Thông tư này (trừ tàu hàng có trọng
tải toàn phần từ 2000 tấn trở lên; tàu dầu có nhiệt độ chớp cháy lớn hơn 60°C,
có trọng tải toàn phần từ 1000 tấn trở lên; tàu dầu có nhiệt độ chớp cháy nhỏ
hơn hoặc bằng 60°C, có trọng tải toàn phần từ 500 tấn trở lên; tàu hàng cấp
VR-SB có trọng tải toàn phần từ 500 tấn trở lên hoặc tàu khách cấp VR-SB có sức
chở từ 50 người trở lên; tàu đệm khí; tàu chở xô hóa chất nguy hiểm; tàu chở
khí hóa lỏng).
c) Đơn vị đăng kiểm hạng I thực hiện công tác
đăng kiểm cho tất cả các loại phương tiện thủy nội địa.
Điều 15. Trách nhiệm
của Cục Đăng kiểm Việt Nam
1. Xây dựng mới hoặc bổ sung, sửa đổi quy
chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ
môi trường của phương tiện trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; xây dựng, ban
hành các quy định về nghiệp vụ đăng kiểm để áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu
chuẩn kỹ thuật về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương
tiện.
2. Tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ về
đăng kiểm phương tiện và kiểm tra thực hiện Thông tư này.
3. Xây dựng, quản lý, hướng dẫn sử dụng thống
nhất Cơ sở dữ liệu quản lý đăng kiểm phương tiện thủy nội địa; nối mạng truyền
số liệu và quản lý dữ liệu phương tiện của các đơn vị đăng kiểm.
4. Tổ chức tập huấn về nghiệp vụ đăng kiểm.
5. Thực hiện việc xác nhận và thông báo năng
lực đơn vị đăng kiểm theo quy định tại Phụ lục X.
Công bố hạng các đơn vị đăng kiểm trên trang thông tin điện tử của Cục Đăng
kiểm Việt Nam.
6. Công bố danh sách các đơn vị đăng kiểm
được Cục Đăng kiểm Việt Nam ủy quyền thực hiện công tác đăng kiểm trên trang
thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
7. Kiểm tra, giám sát công tác đăng kiểm của
các đơn vị đăng kiểm. Xử lý hoặc đề nghị xử lý sai phạm của cá nhân và đơn vị
đăng kiểm theo quy định.
8. Quy định các biên bản, báo cáo kiểm tra kỹ
thuật cấp cho phương tiện.
9. In ấn, quản lý, cấp phát các loại ấn chỉ,
ấn phẩm sử dụng trong đăng kiểm phương tiện.
10. Báo cáo kết quả thực hiện công tác đăng
kiểm theo quy định.
11. Thu phí, lệ phí theo quy định hiện hành.
Điều 16. Trách nhiệm
của Sở Giao thông vận tải
1. Kiểm tra, giám sát hoạt động và xử lý sai
phạm của các cá nhân, đơn vị đăng kiểm thuộc địa phương quản lý. Phối hợp với
Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra công tác đăng kiểm của các đơn vị đăng kiểm
trực thuộc địa phương quản lý.
2. Chỉ đạo các đơn vị chức năng của Sở Giao
thông vận tải:
a) Phối hợp với chính quyền địa phương tuyên
truyền, vận động, kiểm tra, xử lý những trường hợp không tuân thủ các quy định
về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa;
b) Phối hợp với đơn vị đăng kiểm trực thuộc
Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện đăng kiểm phương tiện, đối với trường hợp được
quy định tại khoản 2 Điều 17 của Thông tư này.
Điều 17. Trách nhiệm
của đơn vị đăng kiểm
1. Đơn vị đăng kiểm trực thuộc Sở Giao thông
vận tải có trách nhiệm thực hiện nội dung đăng kiểm theo quy định đối với loại
phương tiện quy định tại khoản 4 Phụ lục IX thuộc
địa phương quản lý và các phương tiện quy định tại khoản 3 Phụ lục IX của Thông tư này khi đủ năng lực và được
Cục Đăng kiểm Việt Nam xác nhận và thông báo.
2. Đơn vị đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm
Việt Nam có trách nhiệm thực hiện nội dung đăng kiểm theo quy định đối với loại
phương tiện quy định tại khoản 1, 2, 3 Phụ lục IX
của Thông tư này. Trong trường hợp có đề nghị của Sở Giao thông vận tải thì
nhiệm vụ đăng kiểm được phân công cho đơn vị đăng kiểm trực thuộc Sở Giao thông
vận tải sẽ do đơn vị đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện.
3. Đơn vị đăng kiểm phải đáp ứng yêu cầu về
năng lực và phải được xác nhận và thông báo có đủ năng lực phù hợp với hạng I,
II, III quy định tại Phụ lục X của Thông tư này.
4. Đơn vị đăng kiểm phải có trách nhiệm bố
trí đủ nhân lực thực hiện công tác đăng kiểm trên địa bàn được giao thỏa mãn
quy định tại Phụ lục X và Phụ
lục XI; Phân công đăng kiểm viên thực hiện kiểm tra theo đúng trình độ và
năng lực ghi trong giấy chứng nhận đăng kiểm viên.
5. Thực hiện kiểm tra và cấp giấy chứng nhận
an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa một cách khách
quan, phù hợp với yêu cầu nghiệp vụ và đúng pháp luật.
6. Người đứng đầu đơn vị đăng kiểm và đăng
kiểm viên trực tiếp thực hiện kiểm tra phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm
tra.
7. Công khai trình tự, thủ tục, nội dung quy
trình, phí, lệ phí và thời gian làm việc.
8[2].
Thực hiện chế độ lưu trữ theo quy định và báo
cáo kết quả thực hiện công tác đăng kiểm theo các nội dung sau:
a) Tên báo cáo: Công tác
giám sát kỹ thuật phương tiện thủy nội địa;
b) Nội dung yêu cầu báo cáo: Báo cáo số lượt
kiểm tra phương tiện phân theo loại hình;
c) Đối tượng thực hiện báo cáo: Các đơn vị
đăng kiểm;
d) Cơ quan nhận báo cáo: Cục Đăng kiểm Việt
Nam;
đ) Phương thức gửi, nhận báo cáo: Báo cáo
được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử; được gửi trực
tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc phương thức điện tử hoặc các phương thức
khác theo quy định của pháp luật;
e) Thời hạn gửi báo cáo: Trước ngày 28 hàng
tháng;
g) Tần suất thực hiện báo cáo: Báo cáo định
kỳ hàng tháng hoặc theo yêu cầu;
h) Thời gian chốt số liệu báo cáo: Tính từ
ngày 26 tháng trước kỳ báo cáo đến ngày 25 của tháng kỳ báo cáo;
i) Mẫu biểu số liệu báo cáo: Theo Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này.
9. Tuân thủ sự chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên
môn nghiệp vụ của Cục Đăng kiểm Việt Nam về công tác kiểm tra và cấp giấy chứng
nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện.
10. Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, giám
sát hoạt động đăng kiểm của cơ quan chức năng.
11. Quản lý, giám sát hoạt động đăng kiểm,
thường xuyên giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, đăng kiểm viên và
nhân viên; phòng, chống tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm của đơn vị.
12. Thu phí, lệ phí theo quy định hiện hành.
13. Khi nhận được yêu cầu kiểm tra bất thường
bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đơn vị đăng kiểm phải tổ chức
thực hiện kiểm tra và trả lời bằng văn bản về kết quả kiểm tra theo nội dung,
thời gian và địa điểm yêu cầu kiểm tra.
14. Thu hồi giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật
và bảo vệ môi trường và Tem kiểm định của phương tiện trong trường hợp tàu bị
tai nạn mà không còn đảm bảo trạng thái kỹ thuật; thu hồi giấy chứng nhận an
toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong trường hợp cấp hồ sơ đăng kiểm mới khi
thực hiện chu kỳ kiểm tra tiếp theo.
Điều 18. Trách nhiệm
của chủ phương tiện, cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi
phương tiện, cơ sở chế tạo sản phẩm công nghiệp, cơ sở thử nghiệm phục vụ công
tác đăng kiểm
1. Thực hiện các quy định về đăng kiểm phương
tiện, sản phẩm công nghiệp tại Thông tư này và các quy định liên quan khác của
pháp luật.
2. Nộp lại Giấy chứng nhận và Tem kiểm định
khi có thông báo thu hồi của đơn vị đăng kiểm hoặc khi nhận Giấy chứng nhận và
Tem kiểm định mới (trừ trường hợp bị mất).
3. Nộp phí và lệ phí theo quy định.
Chương V
ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Hiệu lực thi
hành[3]
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 01 tháng 01 năm 2016.
2. Bãi bỏ Quy định về đăng kiểm phương tiện
thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 11
năm 2004, Thông tư số 34/2011/TT-BGTVT ngày 26 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đăng
kiểm phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT
ngày 25 tháng 11 năm 2004 và tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ của đăng kiểm
viên phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số
2687/2000/QĐ-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải.
Điều 20. Điều khoản
chuyển tiếp
1. Các đơn vị đăng kiểm đang hoạt động trước
ngày Thông tư này có hiệu lực tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo quy định về đăng
kiểm phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT
ngày 25 tháng 11 năm 2004 cho đến khi được đánh giá, xác nhận năng lực.
2. Trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, Cục Đăng kiểm
Việt Nam phải xác nhận năng lực và thông báo cho các đơn vị đăng kiểm.
Điều 21. Trách nhiệm
tổ chức thực hiện:
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ
trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận
tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức
và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Thể
|