Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 40/2013/TT-BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Kết cấu an toàn chống cháy xe cơ giới

Số hiệu: 40/2013/TT-BGTVT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Đinh La Thăng
Ngày ban hành: 01/11/2013 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 40/2013/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2013

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ KẾT CẤU AN TOÀN CHỐNG CHÁY CỦA XE CƠ GIỚI VÀ VỀ YÊU CẦU AN TOÀN CHỐNG CHÁY CỦA VẬT LIỆU SỬ DỤNG TRONG KẾT CẤU NỘI THẤT XE CƠ GIỚI

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Kết cấu an toàn chống cháy của xe cơ giới và về Yêu cầu an toàn chống cháy của vật liệu sử dụng trong kết cấu nội thất xe cơ giới,

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này 02 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia:

1. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Kết cấu an toàn chống cháy của xe cơ giới.

Mã số đăng ký: QCVN 52:2013/BGTVT.

2. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Yêu cầu an toàn chống cháy của vật liệu sử dụng trong kết cấu nội thất xe cơ giới

Mã số đăng ký: QCVN 53:2013/BGTVT.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 06 năm 2014.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, các Vụ, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố thuộc TW;
- Bộ Khoa học và Công nghệ (để đăng ký);
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo; Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Website Bộ Giao thông vận tải;
- Báo GTVT, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, KHCN.

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng

 

QCVN 52:2013/BGTVT

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ KẾT CẤU AN TOÀN CHỐNG CHÁY CỦA XE CƠ GIỚI
National Technical Regulation of Motor Vehicle Structure with regard to the Prevention of Fire Risks

Lời nói đầu

QCVN 52:2013/BGTVT do Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành kèm theo Thông tư số 40/2013/TT-BGTVT ngày 01 tháng 11 năm 2013.

Quy chuẩn này được biên soạn trên cơ sở tham khảo quy định UNECE R No.34 của Châu Âu.

 

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ KẾT CẤU AN TOÀN CHỐNG CHÁY CỦA XE CƠ GIỚI

National Technical Regulation of Motor Vehicle Structure with regard to the Prevention of Fire Risks

1. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Phạm vi điều chỉnh

1.1.1. Quy chuẩn này quy định về yêu cầu kỹ thuật và kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật đối với kết cấu an toàn chống cháy của các kiểu loại xe ô tô thuộc nhóm ô tô chở người, nhóm ô tô chở hàng (ô tô tải), nhóm rơ moóc và sơ mi rơ moóc lắp thùng nhiên liệu chứa nhiên liệu lỏng (sau đây gọi tắt là thùng nhiên liệu).

1.1.2. Quy chuẩn này không áp dụng đối với các loại xe sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng hay những mục đích đặc biệt khác.

1.2. Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thùng nhiên liệu và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thử nghiệm, kiểm tra chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

1.3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chuẩn này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.3.1. Kiểu loại xe (vehicle type) là các sản phẩm của cùng một chủ sở hữu công nghiệp, cùng nhãn hiệu, thiết kế và các thông số kỹ thuật, được sản xuất theo cùng một dây chuyền công nghệ. Các xe không khác nhau về các nội dung sau:

- Loại xe;

- Nhãn hiệu xe;

- Kích thước và khối lượng bản thân của xe (sai lệch không vượt quá giới hạn sai số cho phép được quy định tại các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành);

- Số người cho phép chở;

- Kiểu dáng, kết cấu của cabin, khung hoặc thân vỏ xe;

- Động cơ, hệ thống truyền lực;

- Loại nhiên liệu sử dụng;

- Kết cấu, hình dáng, kích thước và vật liệu của thùng nhiên liệu;

- Vị trí lắp đặt thùng nhiên liệu trên xe;

- Các đặc tính kỹ thuật và vị trí của hệ thống cung cấp nhiên liệu (bơm, bộ lọc...) trên xe;

- Các đặc tính kỹ thuật và vị trí lắp đặt hệ thống điện trên xe.

- Hệ thống phanh: kiểu dẫn động, cơ cấu phanh;

- Hệ thống lái: kiểu cơ cấu lái;

- Hệ thống treo: kiểu hệ thống treo, kiểu kết cấu của bộ phận đàn hồi;

- Hệ thống chuyển động: kiểu loại cầu bị động;

- Cơ cấu chuyên dùng (nếu có).

1.3.2. Khoang chở khách (hoặc khoang khách) (passenger compartment) là khoảng không gian cho người ngồi trên xe, được giới hạn bởi nóc xe, trần xe, thành xe, các cửa, kính che ngoài, vách ngăn phía trước và bề mặt vách ngăn phía sau hoặc mặt tựa của lưng ghế sau.

1.3.3. Thùng nhiên liệu (fuel tank) là các thùng được thiết kế để chứa nhiên liệu lỏng, được sử dụng chủ yếu cho nguồn động lực của xe.

1.3.4. Dung tích của thùng nhiên liệu (capacity of the fuel tank) là dung tích của thùng nhiên liệu theo quy định của cơ sở sản xuất.

1.3.5. Nhiên liệu lỏng (liquid fuel) là nhiên liệu ở trạng thái lỏng trong các điều kiện nhiệt độ và áp suất thông thường.

1.3.6. Mặt phẳng ngang (transverse plane) là mặt phẳng thẳng đứng, vuông góc với mặt phẳng trung tuyến dọc của xe.

1.3.7. Khối lượng bản thân xe (unladen mass) là khối lượng của xe ở trạng thái sẵn sàng hoạt động, không có người và hàng hóa nhưng đổ đầy nhiên liệu, chất lỏng làm mát, dầu mỡ bôi trơn, chất lỏng rửa kính, các phụ tùng dự trữ và bánh xe dự phòng (nếu cơ sở sản xuất xe quy định).

1.3.8. Cơ sở sản xuất, nhập khẩu: là doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu linh kiện, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe cơ giới có đủ điều kiện theo các quy định hiện hành.

2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

2.1. Các quy định đối với thùng nhiên liệu

2.1.1. Các yêu cầu chung đối với thùng nhiên liệu

2.1.1.1. Các thùng nhiên liệu phải được chế tạo để chống lại sự ăn mòn của nhiên liệu.

2.1.1.2. Các thùng nhiên liệu phải lắp được các phụ kiện một cách bình thường, các phép thử rò rỉ bằng chất lỏng phải được thực hiện và phù hợp với các quy định trong mục 2.1.2 của Quy chuẩn này.

Thùng nhiên liệu được làm bằng vật liệu chất dẻo được coi là phù hợp nếu nó thỏa mãn các quy định trong mục 2.1.3 của Quy chuẩn này.

2.1.1.3. Phải có các thiết bị giảm áp suất tự động phù hợp (lỗ thông hơi, van an toàn...) khi áp suất trong thùng nhiên liệu vượt quá áp suất làm việc.

2.1.1.4. Các lỗ thông hơi phải được thiết kế sao cho hơi nhiên liệu thoát ra từ lỗ thông hơi không bay vào khoang chở khách hoặc những nơi có nhiệt độ cao như động cơ, hệ thống khí thải. Đặc biệt là khi thùng nhiên liệu được đổ đầy nhiên liệu thì nhiên liệu rò rỉ không được chảy xuống hệ thống khí thải mà phải được dẫn để chảy xuống đất

2.1.1.5. Thùng nhiên liệu không được đặt ở trong hoặc tiếp xúc (qua sàn, thành, vách ngăn) với khoang chở khách hoặc khoang khác nằm trong khoang chở khách.

2.1.1.6. Nhiên liệu không được chảy ra ngoài qua đỉnh thùng nhiên liệu hay qua các thiết bị để xả áp suất dư trong thùng khi xe hoạt động.

2.1.1.6.1. Nắp ống tiếp nhiên liệu phải được lắp cố định với ống tiếp nhiên liệu.

Các quy định trong mục 2.1.1.6.1 của Quy chuẩn này được coi là thỏa mãn nếu nhiên liệu trong thùng nhiên liệu không bị bay hơi quá mức và nhiên liệu không bị đổ ra khi nắp ống tiếp nhiên liệu bị tuột.

Điều này có thể đạt được theo một trong các yêu cầu sau đây:

- Nắp ống tiếp nhiên liệu được đóng và mở tự động và không thể tháo rời được khỏi ống tiếp nhiên liệu;

- Thiết kế để tránh sự bay hơi quá mức và tránh đổ nhiên liệu ra ngoài khi mất nắp ống tiếp nhiên liệu;

- Bất kỳ quy định nào có cùng tác dụng như trên. Các thí dụ có thể sử dụng nhưng không bị hạn chế trong các thí dụ này, sử dụng dây xích buộc nắp ống tiếp nhiên liệu hoặc sử dụng khóa tương tự đối với nắp ống tiếp nhiên liệu và bộ phận đánh lửa của xe. Trong trường hợp này, chìa khóa chỉ tháo được khỏi nắp ống tiếp nhiên liệu khi nắp này đã khóa. Tuy nhiên, việc tự sử dụng dây xích hay khóa nắp thùng nhiên liệu là không đủ đối với các xe không phải là xe ô tô con và ô tô tải có khối lượng toàn bộ không lớn hơn 3,5 tấn.

2.1.1.6.2. Ổ khóa giữa nắp và ống tiếp nhiên liệu phải được giữ chắc chắn ở đúng vị trí. Nắp phải được chốt chắc chắn vào ổ khóa của ống tiếp nhiên liệu khi đóng.

2.1.1.7. Thùng nhiên liệu phải được làm bằng vật liệu kim loại chống cháy. Thùng nhiên liệu có thể được làm bằng vật liệu chất dẻo phù hợp với quy định trong mục 2.1.3 của Quy chuẩn này.

2.1.2. Yêu cầu các phép thử đối với thùng nhiên liệu

Thùng nhiên liệu phải được thử theo Phụ lục A của Quy chuẩn này.

2.1.2.1. Yêu cầu về rò rỉ khi thử bằng chất lỏng

Sau khi thử nghiệm theo mục A.1 trong Phụ lục A của Quy chuẩn này, vỏ thùng nhiên liệu không được vỡ hoặc rò rỉ; tuy nhiên, thùng có thể bị biến dạng vĩnh cửu.

2.1.2. Yêu cầu về rò rỉ khi bị lật thùng

Thùng nhiên liệu không được rò rỉ vượt quá 30 g/phút khi thử nghiệm theo mục A.2 trong Phụ lục A của Quy chuẩn này.

2.1.3. Thử nghiệm đối với thùng nhiên liệu được làm bằng chất dẻo

Đối với thùng nhiên liệu được làm bằng chất dẻo thì ngoài các quy định ở mục 2.1.2, phải được thử theo Phụ lục B của Quy chuẩn này.

2.1.3.1. Độ bền va chạm

Sau khi thử nghiệm theo mục B.1 trong Phụ lục B của Quy chuẩn này, thùng nhiên liệu không được rò rỉ.

2.1.3.2. Độ bền cơ học

Sau khi thử nghiệm theo mục B.2 trong Phụ lục B của Quy chuẩn này, thùng nhiên liệu và các phụ kiện của nó không được nứt vỡ hoặc rò rỉ; tuy nhiên, nó có thể bị biến dạng.

2.1.3.3. Độ thấm nhiên liệu

Khi thử theo mục B.3.3 trong Phụ lục B của Quy chuẩn này, khối lượng nhiên liệu giảm trung bình cho phép lớn nhất là 20 g trong 24 tiếng thử.

Khi thử theo mục B.3.4 trong Phụ lục B của Quy chuẩn này, tổn thất khối lượng đo được không được vượt quá 10 g trong 24 tiếng.

2.1.3.4. Độ bền với nhiên liệu

Sau khi thử nghiệm theo mục B.3 trong Phụ lục B của Quy chuẩn này, thùng nhiên liệu vẫn phải đáp ứng các quy định trong mục 2.1.3.1 và 2.1.3.2 của Quy chuẩn này.

2.1.3.5. Khả năng chống cháy

Sau khi thử nghiệm theo mục B.4 trong Phụ lục B của Quy chuẩn này, không được có nhiên liệu lỏng rò rỉ ra từ thùng nhiên liệu.

2.1.3.6. Độ bền với nhiệt độ cao

Sau khi thử nghiệm theo mục B.5 trong Phụ lục B của Quy chuẩn này, thùng nhiên liệu không bị rò rỉ hay có biến dạng nghiêm trọng.

2.1.3.7. Dán nhãn trên thùng nhiên liệu

Trên thùng nhiên liệu phải có tên thương mại hoặc nhãn hiệu của thùng; nhãn hiệu phải rõ ràng, dễ đọc khi thùng nhiên liệu được lắp trên xe và không tẩy xóa được.

2.2. Quy định chung về lắp đặt hệ thống nhiên liệu trên xe ô tô

2.2.1. Bộ phận lắp đặt hệ thống nhiên liệu

2.2.1.1. Thùng nhiên liệu phải phù hợp với các quy định trong mục 2.1 của Quy chuẩn này.

2.2.1.2. Các bộ phận để lắp đặt thùng nhiên liệu phải được bảo vệ an toàn bằng các bộ phận của khung hoặc thân xe để thùng không va chạm vào chướng ngại vật trên mặt đường. Không cần sự bảo vệ này nếu phần dưới của thùng nhiên liệu xa nền đường hơn phần khung và thân xe ở phía trước nó.

2.2.1.3. Các ống và tất cả các phụ kiện khác để lắp đặt thùng nhiên liệu phải được bố trí trên xe ở các vị trí được bảo vệ tốt nhất có thể. Các chuyển động xoắn, uốn và dao động của các kết cấu của xe hay bộ phận truyền động không được gây ra ma sát, nén hoặc ép căng bất thường với các bộ phận lắp đặt thùng nhiên liệu.

2.2.1.4. Liên kết của các ống mềm hay dễ bị uốn với các phần cứng của các tổng thành của bộ phận lắp đặt thùng nhiên liệu phải được thiết kế và có kết cấu để chống rò rỉ dưới các điều kiện sử dụng khác nhau của xe, không bị ảnh hưởng bởi các chuyển động xoắn, uốn và dao động của kết cấu xe hay bộ phận truyền động.

2.2.1.5. Nếu ống tiếp nhiên liệu được đặt ở thành bên của xe thì nắp ống tiếp nhiên liệu khi đóng không được nhô ra khỏi bề mặt thành xe.

2.2.2. Bộ phận lắp đặt hệ thống điện

2.2.2.1. Các dây điện khác với các dây được bố trí ở các bộ phận rỗng của xe phải được lắp vào kết cấu xe hoặc thành xe hoặc các vách ngăn gần đầu xe. Các điểm mà dây điện đi qua thành xe hay các vách ngăn phải được bảo vệ một cách thỏa đáng để dây không bị hở hoặc đứt.

2.2.2.2. Các bộ phận lắp điện phải được thiết kế, cấu tạo và được lắp sao cho các tổng thành của nó có thể chống lại sự mài mòn ở những chỗ tiếp xúc.

2.2.3. Phải có vách ngăn để tách thùng nhiên liệu ra khỏi khoang chở khách. Vách ngăn có thể có lỗ thông (để luồn dây) sao cho nhiên liệu không chảy được một cách tự do từ thùng nhiên liệu vào khoang chở khách hoặc các khoang khác nằm trong khoang chở khách trong điều kiện sử dụng bình thường.

2.2.4. Mỗi thùng nhiên liệu phải được lắp chắc chắn và được đặt ở vị trí để đảm bảo rằng tất cả nhiên liệu rò rỉ từ thùng nhiên liệu và các phụ kiện của nó phải được chảy xuống đất và không chảy vào khoang chở khách trong điều kiện sử dụng bình thường. Vị trí lắp thùng nhiên liệu phải tránh xa các nguồn gây ra lửa như dây điện, ống xả, trong trường hợp phải lắp gần ống xả thì phải có vách ngăn tấm chắn, nếu lắp phía trên ống xả thì phải có khay chắn phía dưới thùng nhiên liệu.

2.2.5. Lỗ của ống tiếp nhiên liệu không được đặt trong khoang chở khách, khoang hành lý hoặc khoang động cơ.

2.2.6. Thùng nhiên liệu phải được lắp đặt để có khả năng bảo vệ được chống lại tác động của va chạm từ đằng trước hoặc sau xe; thùng phải không có phần nhô ra ngoài xe, không được có các cạnh sắc... ở gần thùng.

2.2.7. Thùng nhiên liệu và cổ ống tiếp nhiên liệu phải được thiết kế và lắp đặt trên xe để tránh được sự tích điện tĩnh ở trên toàn bộ bề mặt của thùng. Nếu có sự tích điện trên bề mặt của thùng thì điện tích này phải được phóng vào kết cấu kim loại của khung xe hoặc một khối kim loại lớn thông qua một dây dẫn tốt.

3. QUY ĐỊNH QUẢN LÝ

3.1. Phương thức kiểm tra, thử nghiệm

Xe và/hoặc thùng nhiên liệu được sản xuất và cơ sở sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm theo quy định tại các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: Thông tư 30/2011/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2011 “Quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới” và Thông tư 31/2011/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2011 “Quy trình về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu”.

3.2. Tài liệu kỹ thuật và mẫu thử

Khi có nhu cầu thử nghiệm, các cơ sở sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thùng nhiên liệu phải cung cấp cho cơ sở thử nghiệm tài liệu kỹ thuật và mẫu thử theo yêu cầu nêu tại mục 3.2.1 và 3.2.2 của Quy chuẩn này.

3.2.1. Yêu cầu về tài liệu kỹ thuật

Tài liệu kỹ thuật phải có các thông tin sau đây:

- Một bản mô tả chi tiết về kiểu loại xe theo các nội dung quy định tại mục trong đó phải quy định những thông số và/hoặc các ký hiệu xác định kiểu loại động cơ và kiểu loại xe;

- Bản vẽ kỹ thuật của thùng nhiên liệu: các bản vẽ phải thể hiện đầy đủ các đặc tính kỹ thuật của thùng chứa nhiên liệu và đặc tính của vật liệu chế tạo thùng nhiên liệu;

- Sơ đồ đầy đủ của hệ thống nhiên liệu, hệ thống điện xác định vị trí và phương thức lắp đặt của nó trên xe;

- Vị trí và phương thức lắp đặt thùng nhiên liệu trên xe.

3.2.2. Yêu cầu về mẫu thử

Số lượng mẫu thử cho mỗi kiểu loại sản phẩm cần thử nghiệm gồm có:

- 02 thùng chứa nhiên liệu cùng với đầy đủ phụ kiện của thùng (trong trường hợp thùng nhiên liệu được làm bằng vật liệu kim loại) để thử nghiệm theo Phụ lục A của Quy chuẩn này; hoặc 07 thùng chứa nhiên liệu cùng với đầy đủ phụ kiện của nó (trong trường hợp thùng nhiên liệu được làm bằng vật liệu chất dẻo) để thử nghiệm theo Phụ lục B của Quy chuẩn này.

- 01 xe hoàn chỉnh để kiểm tra lắp đặt hệ thống nhiên liệu trên xe theo mục 2.2 của Quy chuẩn này.

3.3. Báo cáo thử nghiệm

Cơ sở thử nghiệm phải lập báo cáo kết quả thử nghiệm có nội dung bao gồm các mục quy định trong Quy chuẩn này tương ứng với từng kiểu loại thùng nhiên liệu và loại xe sử dụng thùng nhiên liệu đó.

3.4. Áp dụng quy định

Trong trường hợp các văn bản, tài liệu được viện dẫn trong Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định trong văn bản mới.

Đối với các kiểu loại thùng nhiên liệu đã được kiểm tra, thử nghiệm theo quy định tại mục 3.1 và có hồ sơ đăng ký phù hợp sẽ được cấp Báo cáo thử nghiệm theo mục 3.3 của Quy chuẩn này.

4. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

4.1. Lộ trình thực hiện

Quy chuẩn này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 06 năm 2014, riêng yêu cầu quy định tại các mục 2.1.2 và 2.2 được áp dụng từ 01 tháng 06 năm 2016 đối với các kiểu loại xe mới và từ ngày 01 tháng 06 năm 2018 năm đối với các kiểu loại xe đã được cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại.

4.2. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam

Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm triển khai, hướng dẫn thực hiện Quy chuẩn này trong kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với xe và/hoặc thùng nhiên liệu sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu.

 

PHỤ LỤC A

THỬ THÙNG NHIÊN LIỆU CHỨA NHIÊN LIỆU LỎNG

A.1. Thử rò rỉ bằng chất lỏng

Thùng nhiên liệu phải được thử áp suất chất lỏng bên trong khi thùng không lắp các phụ kiện. Thùng phải được đổ đầy bằng chất lỏng không cháy được (thí dụ như nước). Sau khi đóng đường thông với bên ngoài, tăng áp suất từ từ thông qua ống nối cấp nhiên liệu từ thùng nhiên liệu đến động cơ, đến áp suất tương đối bên trong bằng 2 lần áp suất làm việc của thùng và không được lớn hơn 0,3 bar trong bất kỳ trường hợp nào, áp suất này sẽ được giữ trong 1 phút.

A.2. Thử rò rỉ khi bị lật thùng

A.2.1. Thùng nhiên liệu và tất cả các phụ kiện của nó phải được lắp trên giá thử tương tự như cách lắp đặt trên xe sử dụng thùng nhiên liệu đó; điều này cũng áp dụng cho các hệ thống bù áp suất trong thùng.

A.2.2. Giá thử phải quay quanh một trục nằm song song với trục dọc của xe.

A.2.3. Phép thử sẽ được thực hiện với thùng nhiên liệu được đổ ở 2 mức 90% và 30% dung tích của thùng bằng chất lỏng không cháy có tỷ trọng và độ nhớt gần với nhiên liệu thông thường được sử dụng (có thể chấp nhận dùng nước).

A.2.4. Thùng nhiên liệu phải được quay 90° từ vị trí lắp đặt sang bên phải. Thùng nhiên liệu phải được giữ ở vị trí này trong ít nhất là 5 phút. Sau đó thùng nhiên liệu được quay tiếp 90° theo cùng hướng. Thùng nhiên liệu phải được giữ ở vị trí này, khi đó thùng ở vị trí lộn ngược hoàn toàn, trong khoảng thời gian ít nhất là 5 phút. Sau đó thùng nhiên liệu được quay trở lại vị trí bình thường. Chất lỏng thử không chảy ngược từ hệ thống thông gió đến thùng nhiên liệu phải được dẫn lưu và bổ sung lại chất lỏng nếu cần. Thùng nhiên liệu phải được quay 90° theo hướng ngược lại và giữ ở vị trí này ít nhất 5 phút.

Thùng nhiên liệu phải được quay thêm 90° theo cùng hướng. Vị trí úp ngược hoàn toàn này được giữ ít nhất 5 phút. Sau đó thùng nhiên liệu được quay ngược lại đến vị trí bình thường.

 

PHỤ LỤC B

THỬ THÙNG NHIÊN LIỆU ĐƯỢC LÀM BẰNG VẬT LIỆU CHẤT DẺO

B.1. Thử độ bền va chạm

B.1.1. Thùng nhiên liệu phải được đổ đầy bằng nước hoặc chất lỏng khác, mà chất lỏng đó không làm thay đổi các đặc tính kỹ thuật của vật liệu làm thùng nhiên liệu, và sau đó phải thử độ bền va chạm theo mục B.1.3 trong Phụ lục này.

B.1.2. Trước khi thử, thùng nhiên liệu phải được giữ ở nhiệt độ phòng thử ít nhất 3 tiếng.

B.1.3. Đồ gá thử con lắc va chạm được sử dụng cho phép thử này.

Đồ gá thử va chạm bằng con lắc sẽ được sử dụng cho phép thử này. Khối va chạm phải được làm bằng thép và có hình chóp với các mặt tam giác đều và đế vuông, đỉnh chóp và các mép được vê tròn với bán kính 3 mm. Trọng tâm va chạm của con lắc phải trùng với trọng tâm của con lắc; khoảng cách từ trọng tâm đến trục quay của con lắc là 1 m. Khối lượng tổng cộng của con lắc là 15 kg. Năng lượng của con lắc ở thời điểm va chạm không được nhỏ hơn 30 Nm và càng gần giá trị này càng tốt.

B.1.4. Các phép thử phải được thực hiện trên các điểm của thùng nhiên liệu dễ bị tác động bởi sự va chạm từ phía trước và phía sau nhất. Các điểm dễ bị tác động bởi sự va chạm là các điểm tiếp xúc nhiều nhất hoặc là những điểm yếu nhất trên bề mặt của thùng nhiên liệu hoặc liên quan đến sự lắp đặt trên xe của thùng. Các điểm được chọn để thí nghiệm phải được chỉ ra trong báo cáo thử nghiệm.

B.1.5. Trong quá trình thử, thùng nhiên liệu phải được giữ nguyên vị trí bằng cách lắp đặt trên cạnh đối diện với cạnh chịu va chạm.

B.1.6. Theo lựa chọn của cơ sở sản xuất, tất cả các phép thử va chạm có thể được thực hiện trên một thùng nhiên liệu hoặc mỗi phép thử được thực hiện trên một thùng nhiên liệu khác nhau.

B.2. Thử độ bền cơ học

Thùng nhiên liệu phải được thử theo các điều kiện mô tả trong mục A.1 trong Phụ lục A về độ rò rỉ và độ cứng hình dạng. Thùng nhiên liệu và tất cả các phụ kiện của nó phải được lắp vào đồ gá thử theo cách phù hợp với kiểu lắp đặt trên xe sử dụng thùng đó. Chất lỏng được sử dụng để thử là nước ở 326 K (53°C) được đổ đầy vào thùng. Áp suất tương đối trong thùng phải bằng 2 lần áp suất làm việc và trong bất kỳ trường hợp nào áp suất này không được lớn hơn 0,3 bar ở nhiệt độ 326 K ± 2 K (53°C ± 2°C) trong khoảng thời gian là 5 tiếng.

B.3. Thử độ thấm nhiên liệu

B.3.1. Nhiên liệu được sử dụng cho phép thử độ thấm phải là nhiên liệu theo quy định phụ lục 9 của Tiêu chuẩn ECE 83, hoặc nhiên liệu loại tốt trên thị trường. Nếu thùng nhiên liệu chỉ được thiết kế để lắp trên các xe có động cơ cháy do nén, thì thùng nhiên liệu phải được đổ bằng nhiên liệu diesel.

B.3.2. Trước khi thử, thùng nhiên liệu phải được đổ đến 50% dung tích bằng nhiên liệu thử, không đậy kín và giữ ở nhiệt độ môi trường là 313 K ± 2 K (40 °C ± 2 °C) đến khi tổn thất khối lượng trên một đơn vị thời gian bằng hằng số.

B.3.3. Sau đó thùng nhiên liệu được đổ hết nhiên liệu đi và đổ lại nhiên liệu thử đến 50%, sau đó thùng được đậy kín và bảo quản ở nhiệt độ 313 K ± 2 K (40 °C ± 2 °C). Áp suất phải được điều chỉnh khi nhiên liệu trong thùng đạt đến nhiệt độ thử. Trong khoảng thời gian thử tiếp theo là 8 tuần, tổn thất khối lượng do khuếch tán trong khoảng thời gian thử sẽ được xác định.

B.3.4. Nếu tổn thất khối lượng vượt quá giá trị quy định ở mục 2.1.3.3 của Quy chuẩn này thì phải thực hiện lại phép thử được mô tả ở đây, trên một thùng nhiên liệu cùng kiểu loại, để xác định sự tổn thất khối lượng do khuếch tán ở 296 K ± 2 K (23 °C ± 2 °C) nhưng ở cùng các điều kiện khác.

B.4. Thử khả năng chống cháy

Thùng nhiên liệu phải được thử các phép thử sau.

B.4.1. Thùng nhiên liệu, được lắp như lắp trên xe, phải được đốt trong lửa trong 2 phút. Sau khi đốt thùng phải không bị rò rỉ.

B.4.2. Ba lần thử phải được thực hiện trên các thùng nhiên liệu được đổ nhiên liệu như sau:

B.4.2.1. Nếu thùng nhiên liệu được thiết kế để lắp đặt trên xe có động cơ cháy cưỡng bức hoặc động cơ cháy do nén, thì phải thực hiện 3 lần thử với thùng nhiên liệu được đổ xăng loại tốt.

B.4.2.2. Nếu thùng nhiên liệu chỉ được thiết kế cho xe có động cơ cháy do nén, thì phải thực hiện 3 lần thử với thùng nhiên liệu được đổ nhiên liệu diesel;

B.4.2.3. Đối với mỗi phép thử thùng nhiên liệu và các phụ kiện của nó phải được lắp đặt vào đồ gá thử mô phỏng các điều kiện lắp đặt thực tế càng giống càng tốt. Nhờ cách lắp đặt đó mà thùng nhiên liệu được lắp trên đồ gá phù hợp với các đặc tính kỹ thuật tương ứng cho xe. Các phần của xe để bảo vệ thùng nhiên liệu và phụ kiện của nó tránh tiếp xúc với lửa hoặc tác động đến nguyên nhân cháy theo bất kỳ cách nào cũng như các tổng thành quy định được lắp trên thùng nhiên liệu và các chốt cần phải được quan tâm. Tất cả các chỗ hở cần phải được đóng lại, nhưng hệ thống thông gió vẫn phải duy trì hoạt động. Ngay trước khi thử, thùng nhiên liệu phải được đổ bằng nhiên liệu quy định đến 50% dung tích.

B.4.3. Ngọn lửa mà thùng nhiên liệu đưa vào đó phải là ngọn lửa được đốt bằng nhiên liệu bán trên thị trường cho động cơ cháy cưỡng bức (ở đây gọi là nhiên liệu) trong một lòng chảo. Khối lượng nhiên liệu được đổ vào chảo phải đủ để cho phép đốt cháy thành ngọn lửa trong toàn bộ quá trình thử.

B.4.4. Kích thước của chảo phải được chọn để đảm bảo rằng các cạnh của thùng nhiên liệu được tiếp xúc với ngọn lửa. Vì vậy, chảo phải nhô ra theo phương ngang so với thùng nhiên liệu ít nhất 20 cm, nhưng không lớn hơn 50 cm. Thành của chảo không được nhô cao quá 8 cm lên phía trên mức nhiên liệu ở thời điểm bắt đầu thử.

B.4.5. Chảo đổ nhiên liệu phải được đặt dưới thùng nhiên liệu để khoảng cách giữa mức nhiên liệu trong chảo và đáy thùng nhiên liệu tương ứng với chiều cao thiết kế của thùng nhiên liệu so với mặt đường trong điều kiện không tải (khối lượng bản thân xe - xem mục 1.3.7 của Quy chuẩn này). Chảo hoặc đồ gá thử, hoặc cả hai, phải có khả năng di chuyển được tự do.

B.4.6. Trong pha C của phép thử, chảo phải được che phủ bằng một màn chắn đặt ở 3 cm ± 1 cm phía trên của mức nhiên liệu.

Màn chắn phải được làm bằng vật liệu chịu lửa, như mô tả trong Phụ chương 2 - Phụ lục B của Quy chuẩn này. Có thể không có khe hở giữa các viên gạch và các viên gạch phải được tựa lên trên chảo nhiên liệu sao cho các khe hở trên các viên gạch không bị che khuất. Chiều dài và chiều rộng của khung phải nhỏ hơn các kích thước trong của chảo từ 2 cm đến 4 cm để tạo thành một khe hở từ 1 cm đến 2 cm giữa khung và thành của chảo để thông hơi.

B.4.7. Khi các phép thử được thực hiện ở ngoài trời, thì phải chắn gió đầy đủ và vận tốc gió ở chỗ chảo nhiên liệu không vượt quá 2,5 km/h. Trước khi thử, màn chắn phải được làm nóng ở nhiệt độ 308 K ± 5 K (35 °C ± 5°C). Các viên gạch chịu lửa có thể được làm ướt để đảm bảo các điều kiện thử giống nhau đối với mỗi phép thử kế tiếp.

B.4.8. Phép thử gồm có 4 pha (xem Phụ chương 1 - Phụ lục B của Quy chuẩn này).

B.4.8.1. Pha A: Làm nóng trước (hình B.1.1 của Phụ lục này)

Nhiên liệu trong chảo phải được đốt cháy ở khoảng cách ít nhất 3 m so với thùng nhiên liệu được thử. Sau 60 giây làm nóng, chảo sẽ được đặt xuống dưới thùng nhiên liệu.

B.4.8.2. Pha B: Tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa (hình B.1.2 của Phụ lục này)

Trong 60 giây thùng nhiên liệu phải được tiếp xúc với ngọn lửa từ nhiên liệu cháy tự do.

B.4.8.3. Pha C: Tiếp xúc gián tiếp với ngọn lửa (hình B.1.3 của Phụ lục này)

Ngay khi hoàn thành pha B, màn chắn phải được đặt giữa chảo đang cháy và thùng nhiên liệu. Thùng nhiên liệu phải được tiếp xúc gián tiếp với ngọn lửa qua màn chắn trong thời gian lớn hơn 60 giây.

B.4.8.4. Pha D: Kết thúc phép thử (hình B.1.4 của Phụ lục này)

Chảo đang cháy được phủ bằng màn chắn phải được đưa trở lại vị trí ban đầu của nó (pha A). Nếu ở cuối phép thử, thùng nhiên liệu bị cháy, thì lửa ở thùng nhiên liệu phải được dập tắt ngay lập tức.

B.5. Độ bền với nhiệt độ cao

B.5.1. Đồ gá được sử dụng cho phép thử phải phù hợp với cách lắp đặt thùng nhiên liệu trên xe, bao gồm cả cách thoát hơi của thùng.

B.5.2. Thùng nhiên liệu được đổ nước ở 293 K (20°C) đến 50% dung tích của thùng, sau đó được đặt trong môi trường có nhiệt độ 368 K ± 2 K (95 °C ± 2 °C) trong 1 tiếng.

 

Phụ lục B - Phụ chương 1

THỬ KHẢ NĂNG CHỐNG CHÁY CỦA THÙNG NHIÊN LIỆU LÀM BẰNG CHẤT DẺO

Hình B.1.1

Pha A: Làm nóng trước

Hình B.1.2

Pha B: Tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa

Hình B.1.3

Pha C: Tiếp xúc gián tiếp với ngọn lửa

Hình B.1.4

Pha D: Kết thúc phép thử

 

Phụ lục B - Phụ chương 2

CÁC KÍCH THƯỚC VÀ DỮ LIỆU KỸ THUẬT VỀ GẠCH CHỊU LỬA

Loại gạch chịu lửa

(Seger-Kegel) SK 30

Hàm lượng Al2O3

30 - 33%

Lỗ thùng (Open porosity (Po))

20 - 22% thể tích

Tỷ trọng

1.900 - 2.000 kg/m3

Diện tích lỗ có hiệu quả

44,18%

 

QCVN 53:2013/BGTVT

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ YÊU CẦU AN TOÀN CHỐNG CHÁY CỦA VẬT LIỆU SỬ DỤNG TRONG KẾT CẤU NỘI THẤT XE CƠ GIỚI
National Technical Regulation on the Burning Behaviour of Materials Used in the Interior Structure of Certain Categories of Motor Vehicles

Lời nói đầu

QCVN 53:2013/BGTVT do Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành kèm theo Thông tư số 40/2013/TT-BGTVT ngày 01 tháng 11 năm 2013.

Quy chuẩn này được biên soạn trên cơ sở tham khảo quy định UNECE R No.118 của Châu Âu.

 

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ YÊU CẦU AN TOÀN CHỐNG CHÁY CỦA VẬT LIỆU SỬ DỤNG TRONG KẾT CẤU NỘI THẤT XE CƠ GIỚI

National Technical Regulation on the Burning Behaviour of Materials Used in the Interior Structure of Certain Categories of Motor Vehicles

1. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Phạm vi điều chỉnh

1.1.1. Quy chuẩn này quy định về yêu cầu an toàn chống cháy của vật liệu sử dụng trong kết cấu nội thất ô tô khách có khối lượng toàn bộ lớn hơn 5 tấn và có số người cho phép chở từ 22 người trở lên (kể cả người lái) (sau đây gọi tắt là xe), không áp dụng cho ô tô khách thành phố được định nghĩa tại Tiêu chuẩn TCVN 6211 “Phương tiện giao thông đường bộ - Kiểu Thuật ngữ và đinh nghĩa”.

1.1.2. Quy chuẩn này không áp dụng đối với các loại xe sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng.

1.2. Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe; các cơ sở sản xuất, nhập khẩu vật liệu, linh kiện trong kết cấu nội thất của xe (gọi tắt là linh kiện nội thất) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thử nghiệm, kiểm tra chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

1.3. Giải thích từ ngữ

1.3.1. Ô tô khách thành phố (Urban bus): Ô tô khách được thiết kế và trang bị để dùng trong thành phố và ngoại ô; loại ô tô này có các ghế ngồi và chỗ đứng cho khách; cho phép khách di chuyển phù hợp với việc đỗ xe thường xuyên.

1.3.2. Khoang chở khách (khoang khách) (Passenger compartment): Khoảng không gian cho người ngồi trên xe, được giới hạn bởi nóc xe, trần xe, thành xe, các cửa, kính che ngoài, vách ngăn phía trước và bề mặt vách ngăn phía sau hoặc mặt tựa của lưng ghế sau.

1.3.3. Vật liệu sản xuất (Production materials): Các sản phẩm, dưới dạng vật liệu rời (ví dụ như các cuộn vải bọc) hoặc các linh kiện chế tạo sẵn, được cung cấp cho cơ sở sản xuất để lắp ráp lên xe được kiểm tra theo Quy chuẩn này.

1.3.4. Ghế (Seat): Kết cấu riêng biệt hoặc một phần của kết cấu xe để cho một người lớn ngồi. Thuật ngữ này áp dụng cho cả ghế đơn hoặc một phần của ghế băng dùng cho một người ngồi.

1.3.5. Nhóm ghế (Group of seat): Ghế băng hoặc các ghế ngồi riêng biệt nhưng kề sát nhau cho một hoặc nhiều người ngồi.

1.3.6. Ghế băng (Bench seat): Kết cấu hoàn chỉnh dành cho từ hai người trở lên ngồi.

1.3.7. Kiểu loại xe (Vehicle type): Các sản phẩm của cùng một chủ sở hữu công nghiệp, cùng nhãn hiệu, thiết kế và các thông số kỹ thuật, được sản xuất theo cùng một dây chuyền công nghệ. Các xe không khác nhau về các nội dung sau:

- Loại xe;

- Nhãn hiệu xe;

- Kích thước và khối lượng bản thân của xe (sai lệch không vượt quá giới hạn sai số cho phép được quy định tại các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành);

- Số người cho phép chở;

- Kiểu dáng, kết cấu của cabin, khung hoặc thân vỏ xe;

- Động cơ, hệ thống truyền lực;

- Loại nhiên liệu sử dụng;

- Hệ thống phanh: kiểu dẫn động, cơ cấu phanh;

- Hệ thống lái: kiểu cơ cấu lái;

- Hệ thống treo: kiểu hệ thống treo, kiểu kết cấu của bộ phận đàn hồi;

- Hệ thống chuyển động: kiểu loại cầu bị động;

- Cơ cấu chuyên dùng (nếu có);

- Các linh kiện và vật liệu trong kết cấu nội thất của xe.

1.3.8. Linh kiện (Component): Là các tổng thành, hệ thống và các chi tiết được sử dụng dễ lắp ráp xe.

1.3.9. Kiểu loại linh kiện (Type of component): Là các linh kiện không khác nhau về các đặc điểm cơ bản như:

- Ký hiệu kiểu loại của nhà sản xuất;

- Mục đích sử dụng (vật liệu bọc ghế, vật liệu ốp trần xe v.v...);

- Vật liệu cơ bản (ví dụ như len, chất dẻo, cao su, hợp kim, vật liệu tổng hợp);

- Số lớp (trong trường hợp vật liệu ghép);

- Các đặc điểm kỹ thuật khác có tác động đáng kể tới các đặc tính được quy định trong Quy chuẩn này.

1.3.10. Tốc độ cháy (Burning rate): Là tỷ số giữa độ dài khoảng bị cháy (được đo theo Phụ lục C và/hoặc Phụ lục E của Quy chuẩn này) và thời gian cần thiết để cháy hết khoảng đó. Tốc độ cháy được tính bằng milimét trên phút.

1.3.11. Vật liệu tổng hợp (Composite material): Là một vật liệu được ghép từ nhiều lớp vật liệu giống nhau hoặc khác nhau gắn chặt với nhau tại bề mặt bằng gắn kết thấm, kết dính, mạ, hàn v.v... Trường hợp các vật liệu khác nhau được ghép nối chặt với nhau (ví dụ bằng cách may, hàn điểm, đinh tán) thì không được coi là vật liệu tổng hợp.

1.3.12. Bề mặt ngoài nội thất (Exposed face): Là mặt quay ra phía ngoài khoang chở khách của vật liệu nội thất khi nó được lắp lên phương tiện.

1.3.13. Vật liệu bọc (Upholstery): Là vật liệu được bọc trên bề mặt nội thất đã hoàn thiện và/ hoặc bề mặt để tạo thành miếng đệm đàn hồi của khung ghế ngồi.

1.3.14. Vật liệu ốp (Interior lining(s)): Là các vật liệu cùng tạo thành một vật liệu hoàn thiện bề mặt và vật liệu nền của trần xe, vách hoặc sàn xe.

2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

2.1. Kiểm tra một kiểu loại xe về đặc tính cháy của các linh kiện nội thất sử dụng trong khoang khách.

2.1.1. Các vật liệu nội thất được sử dụng trong khoang khách của xe được chứng nhận chất lượng phải phù hợp với các yêu cầu trong mục 2.2 của Quy chuẩn này.

2.1.2. Các vật liệu nội thất và/hoặc thiết bị được sử dụng trong khoang khách và/hoặc trong các phụ tùng được kiểm tra chứng nhận dưới dạng linh kiện nội thất phải được lắp đặt sao cho giảm thiểu các nguy cơ phát triển và lây lan ngọn lửa.

2.1.3. Các vật liệu nội thất và/hoặc thiết bị nói trên phải được lắp đặt theo đúng mục đích sử dụng của chúng, phù hợp với các thử nghiệm đã tiến hành (xem các mục 2.2.1, 2.2.2 và 2.2.3 của Quy chuẩn này), đặc biệt nếu liên quan đến đặc tính cháy và nóng chảy của chúng (theo phương nằm ngang/thẳng đứng).

2.1.4. Tất cả các chất kết dính dùng để dán vật liệu nội thất vào kết cấu đỡ của nó không được phép làm tăng đặc tính cháy của vật liệu.

2.2. Kiểm tra chứng nhận một kiểu loại linh kiện nội thất về đặc tính cháy hoặc liên quan đến đặc tính cháy của vật liệu sử dụng trong kết cấu nội thất bao gồm:

2.2.1. Yêu cầu về tốc độ cháy của vật liệu theo phương ngang (theo Phụ lục C của Quy chuẩn này)

Phải thử nghiệm đối với các loại vật liệu sau đây:

- Vật liệu dùng để bọc ghế ngồi và các phụ kiện của nó (bao gồm cả ghế của người lái);

- Vật liệu dùng để ốp trần xe;

- Vật liệu dùng để ốp các thành bên và phía sau, bao gồm cả các vách ngăn;

- Vật liệu có chức năng về nhiệt và/hoặc âm thanh;

- Vật liệu đùng để ốp sàn xe;

- Vật liệu dùng để ốp phía bên trong của các giá hành lý, các đường ống sưởi và thông hơi;

- Vật liệu dùng để gá lắp đèn.

Phải thử nghiệm về tốc độ cháy của vật liệu theo phương ngang theo Phụ lục C của Quy chuẩn này; kết quả thử nghiệm được xem là đạt yêu cầu nếu tốc độ cháy theo phương ngang không lớn hơn 100 mm/phút hoặc nếu ngọn lửa tắt trước khi tiếp cận điểm đo cuối cùng.

2.2.2. Yêu cầu về đặc tính nóng chảy của vật liệu (theo Phụ lục D của Quy chuẩn này)

Phải thử nghiệm đối với các loại vật liệu sau đây:

- Vật liệu dùng để ốp trần xe;

- Vật liệu dùng để ốp phía bên trong của các giá hành lý, các đường ống sưởi và thông hơi đặt trên trần xe;

- Vật liệu dùng để gá lắp đèn đặt bên trong giá hành lý và/hoặc trần xe.

Phải thử nghiệm về đặc tính nóng chảy của vật liệu theo Phụ lục D của Quy chuẩn này; kết quả thử nghiệm được xem là đạt yêu cầu khi vật liệu nếu có tạo thành giọt thì giọt đó không được gây cháy len bông.

2.2.3. Yêu cầu về tốc độ cháy của vật liệu theo phương thẳng đứng (theo Phụ lục E của Quy chuẩn này)

Phải thử nghiệm đối với các loại vật liệu dùng cho rèm cửa và tấm chắn sáng (và/hoặc các vật liệu dạng mành treo khác).

Phải thử nghiệm về tốc độ cháy của vật liệu theo phương thẳng đứng theo Phụ lục E của Quy chuẩn này; kết quả thử nghiệm được xem là đạt yêu cầu nếu tốc độ cháy theo phương thẳng đứng không lớn hơn 100 mm/phút.

2.2.4. Đối với các loại vật liệu liệt kê dưới đây không phải tiến hành các thử nghiệm nêu tại các Phụ lục C, D, E của Quy chuẩn này, cụ thể:

2.2.4.1. Các phần chế tạo bằng kim loại hoặc thủy tinh.

2.2.4.2. Từng chi tiết riêng biệt của ghế ngồi có khối lượng thành phần phi kim loại nhỏ hơn 200 g. Nếu tổng khối lượng của phụ kiện vượt quá 400 g so với khối lượng vật liệu phi kim loại của mỗi ghế ngồi, thì phải tiến hành thử nghiệm đối với từng vật liệu.

2.2.4.3. Các bộ phận có diện tích bề mặt hoặc thể tích không vượt quá các giá trị tương ứng:

- 100 cm2 hoặc 40 cm3 đối với các bộ phận ghép nối với một chỗ ngồi riêng lẻ;

- 300 cm2 hoặc 120 cm3 đối với mỗi hàng ghế và, tối đa, đối với mỗi mét dài của phần nội thất khoang chở khách mà bộ phận đó được phân bố trong xe và không ghép nối với một chỗ ngồi riêng lẻ.

2.2.4.4. Các bộ phận mà không thể thực hiện việc lấy mẫu theo kích thước quy định nêu trong mục C.3.1, mục D.3.1 và mục E.3.1 của Quy chuẩn này.

3. QUY ĐỊNH QUẢN LÝ

3.1. Phương thức kiểm tra, thử nghiệm

Xe và/hoặc linh kiện nội thất được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm theo quy định tại các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: Thông tư 30/2011/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2011 “Quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới” và Thông tư 31/2011/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2011 “Quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu”.

3.2. Tài liệu kỹ thuật và mẫu thử

Khi có nhu cầu thử nghiệm, cơ sở sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe; cơ sở sản xuất, nhập khẩu linh kiện nội thất phải cung cấp cho cơ sở thử nghiệm tài liệu kỹ thuật và mẫu thử theo yêu cầu nêu tại mục 3.2.1 và 3.2.2 của Quy chuẩn này.

3.2.1. Yêu cầu về tài liệu kỹ thuật

Tài liệu kỹ thuật gồm:

- Đối với kiểm tra xe: Bản đăng ký thông số theo Phụ lục A của Quy chuẩn này;

- Đối với kiểm tra chứng nhận linh kiện nội thất: Bản đăng ký thông số theo Phụ lục B của Quy chuẩn này.

3.2.1. Yêu cầu về mẫu thử

3.2.2.1. Trong trường hợp kiểm tra xe: một mẫu xe tiêu biểu cho kiểu loại kiểm tra hoặc có thể kết hợp với mẫu xe khi thử phê duyệt kiểu.

3.2.2.2. Trong trường hợp các linh kiện nội thất đã được chứng nhận: bản danh sách các số chứng nhận và ký hiệu kiểu loại linh kiện nội thất liên quan của cơ sở sản xuất, phải được gửi kèm theo tài liệu kỹ thuật để kiểm tra cho xe.

3.2.2.3. Trong trường hợp các linh kiện nội thất chưa được chứng nhận:

3.2.2.3.1. Các mẫu linh kiện nội thất sử dụng trên xe có số lượng mẫu phải thỏa mãn các yêu cầu trong mục C.1.1, mục D.1.1 và mục E.1.1 của Quy chuẩn này. Hình dạng, kích thước mẫu thử phải thỏa mãn các yêu cầu trong mục C.3.1, mục D.3.1 và mục E.3.1 của Quy chuẩn này.

3.2.2.3.2. Đối với các linh kiện nội thất như ghế ngồi, rèm cửa, vách ngăn ... các mẫu theo quy định ở mục 3.2.2.3.1 của Quy chuẩn này cộng với một mẫu linh kiện hoàn chỉnh theo quy định ở trên.

3.3. Báo cáo thử nghiệm

Cơ sở thử nghiệm phải lập báo cáo kết quả thử nghiệm có các nội dung ít nhất bao gồm các mục quy định trong Quy chuẩn này tương ứng với từng kiểu loại xe hoặc linh kiện nội thất.

3.4. Áp dụng quy định

Trong trường hợp các văn bản, tài liệu được viện dẫn trong Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định trong văn bản mới.

4. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

4.1. Lộ trình thực hiện

Quy chuẩn này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 06 năm 2014, riêng yêu cầu quy định tại mục 2.2 được áp dụng từ 01 tháng 06 năm 2016 đối với các kiểu loại xe và linh kiện nội thất mới và từ ngày 01 tháng 06 năm 2018 đối với các kiểu loại xe và linh kiện nội thất đã được cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại.

4.2. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam

Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm triển khai, hướng dẫn thực hiện Quy chuẩn này trong kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với xe và/hoặc linh kiện nội thất sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu.

 

PHỤ LỤC A

BẢN ĐĂNG KÝ THÔNG SỐ KỸ THUẬT
(Đối với kiểm tra một kiểu loại xe về đặc tính cháy của các linh kiện nội thất sử dụng trong khoang khách)

Nếu các hệ thống, linh kiện hoặc chi tiết kỹ thuật rời có điều khiển bằng điện tử thì phải cung cấp thông tin liên quan đến tính năng hoạt động

A.1. Thông tin chung

A.1.1. Nhãn hiệu:  ....................................................................................................................

A.1.2. Kiểu loại và mô tả chung về sản phẩm: ...........................................................................

A.1.3. Phương pháp nhận dạng kiểu loại (nếu được ghi trên xe): ...............................................

A.1.4. Vị trí dấu hiệu kiểu loại: ..................................................................................................

A.1.5. Loại xe1/: .......................................................................................................................

A.1.6. Tên và địa chỉ của cơ sở sản xuất: .................................................................................

A.1.7. Địa chỉ của cơ sở lắp ráp: ..............................................................................................

A.2. Các đặc điểm cấu tạo chung của xe

A.2.1. Ảnh, bản vẽ của một xe điển hình:

A.3. Thân xe

Các trang thiết bị bên trong

A.3.1. Ghế ngồi

A.3.1.1. Số lượng: ...................................................................................................................

A.3.2. Đặc tính cháy của vật liệu sử dụng trong kết cấu nội thất của xe

A.3.2.1. Vật liệu dùng để ốp trần xe

A.3.2.1.1. Số chứng nhận:........................................................................................................

A.3.2.2. Vật liệu dùng cho thành bên và phía sau xe

A.3.2.2.1. Số chứng nhận: .......................................................................................................

A.3.2.3. Vật liệu dùng cho sàn xe

A.3.2.3.1. Số chứng nhận: .......................................................................................................

A.3.2.4. Vật liệu dùng để bọc ghế ngồi

A.3.2.4.1. Số chứng nhận: .......................................................................................................

A.3.2.5. Vật liệu dùng cho đường ống sưởi và thông gió

A.3.2.5.1. Số chứng nhận: .......................................................................................................

A.3.2.6. Vật liệu dùng cho khoang hành lý

A.3.2.6.1. Số chứng nhận: .......................................................................................................

A.3.2.7. Vật liệu dùng để gá lắp đèn

A.3.2.7.1. Số chứng nhận: .......................................................................................................

A.3.2.8. Vật liệu dùng cho rèm cửa và tắm chắn sáng

A.3.2.8.1. Số chứng nhận: .......................................................................................................

A.3.2.9. Vật liệu dùng cho các mục đích khác

A.3.2.9.1. Mục đích sử dụng: ...................................................................................................

A.3.2.9.2. Số chứng nhận: .......................................................................................................

A.3.2.10. Các linh kiện nội thất được kiểm tra chứng nhận dưới hình thức thiết bị hoàn chỉnh (ghế ngồi, vách ngăn, khoang hành lý, v.v...)

A.3.2.10.1. Số chứng nhận: .....................................................................................................

Chúng tôi cam kết bản khai này phù hợp với kiểu loại xe đã đăng ký kiểm tra và chịu trách nhiệm hoàn toàn về các vấn đề phát sinh do khai sai hoặc khai không đủ nội dung trong bản khai này.

 

 

Ngày …… tháng ….. năm ……..
Tổ chức/ cá nhân lập bản khai
(Ký tên, đóng dấu)

____________

1/ Theo định nghĩa trong tiêu chuẩn TCVN 6211 và TCVN 7271

 

PHỤ LỤC B

BẢN ĐĂNG KÝ THÔNG SỐ KỸ THUẬT
(Đối với kiểm tra, chứng nhận một kiểu loại linh kiện nội thất về đặc tính cháy)

Nếu các hệ thống, linh kiện hoặc chi tiết kỹ thuật rời có điều khiển bằng điện tử thì phải cung cấp thông tin liên quan đến tính năng hoạt động

B.1. Thông tin chung

B.1.1. Nhãn hiệu: ....................................................................................................................

B.1.2. Kiểu loại và mô tả chung về sản phẩm: ...........................................................................

B.1.3. Tên và địa chỉ của cơ sở sản xuất: .................................................................................

B.1.4. Địa chỉ của cơ sở sản xuất, lắp ráp:

B.2. Vật liệu nội thất

B.2.1. Vật liệu dùng cho:...........................................................................................................

B.2.2. Vật liệu cơ sở/ký hiệu: ...................................................................................................

B.2.3. Vật liệu tổng hợp/đơn, số lớp (nếu có): ...........................................................................

B.2.4. Loại lớp phủ (nếu có): ....................................................................................................

B.2.5. Độ dày tối đa/tối thiểu ............................................................................................... mm

B.2.6. Số chứng nhận (nếu có): ................................................................................................

Chúng tôi cam kết bản khai này phù hợp với kiểu loại linh kiện nội thất đã đăng ký kiểm tra và chịu trách nhiệm hoàn toàn về các vấn đề phát sinh do khai sai hoặc khai không đủ nội dung trong bản khai này.

 

 

Ngày ….. tháng …. năm ….
Tổ chức/ cá nhân lập bản khai
(Ký tên, đóng dấu)

 

PHỤ LỤC C

THỬ NGHIỆM XÁC ĐỊNH TỐC ĐỘ CHÁY CỦA VẬT LIỆU THEO PHƯƠNG NGANG

C.1. Phương pháp lấy mẫu

C.1.1. Phải tiến hành thử nghiệm đối với 5 mẫu thử trong trường hợp vật liệu là đẳng hướng, hoặc 10 mẫu thử trong trường hợp vật liệu là dị hướng (5 mẫu thử cho thử nghiệm theo mỗi hướng).

C.1.2. Phải lấy mẫu thử từ vật liệu thử nghiệm. Đối với các vật liệu có tốc độ cháy khác nhau theo các phương, phải tiến hành thử nghiệm đối với mỗi phương. Phải lấy mẫu và đặt mẫu thử trong thiết bị thử nghiệm sao cho đo được giá trị tốc độ cháy lớn nhất. Đối với vật liệu được cấp theo chiều rộng, phải cắt lấy mẫu có chiều dài không nhỏ hơn 500 mm chiều dài bao trùm toàn bộ chiều rộng đó; tiếp theo phải lấy mẫu có chiều dài ít nhất là 100 mm tính từ cạnh tấm vật liệu và cách đều nhau. Các mẫu thử phải được lấy từ các thành phẩm theo cùng một phương pháp, nếu hình dạng của thành phẩm cho phép. Nếu độ dày của thành phẩm lớn hơn 13 mm, phải làm giảm độ dày về giá trị 13 mm bằng cách thực hiện quá trình gia công cơ khí đối với bề mặt không hướng ra phía khoang hành khách. Nếu không thể thực hiện được việc này, cơ quan thử nghiệm phải tiến hành thử nghiệm với độ dày ban đầu của vật liệu, và phải ghi rõ điều này trong báo cáo thử nghiệm.

Phải tiến hành thử nghiệm đối với vật liệu tổng hợp (xem mục 1.3.11) nếu chúng có cấu trúc đồng nhất. Trong trường hợp đối với vật liệu được tạo thành từ nhiều lớp có cấu trúc khác nhau, không phải vật liệu tổng hợp, được xếp chồng lên nhau, thì phải tiến hành các thử nghiệm riêng biệt đối với tất cả các lớp vật liệu nằm trong khoảng độ dày là 13 mm tính từ bề mặt hướng ra phía khoang khách.

C.1.3. Mẫu thử được giữ nằm ngang trên một giá kẹp hình chữ U và hơ trên ngọn lửa trong 15 giây trong một buồng cháy, ngọn lửa tác động vào đầu không kẹp giữ của mẫu thử. Phép thử kết thúc nếu ngọn lửa tắt hoặc khi đã xác định được khoảng thời gian mà ngọn lửa đi được một đoạn cho trước.

C.2. Thiết bị thử nghiệm

C.2.1. Buồng cháy (Xem Hình C.1), chế tạo bằng thép không gỉ và có kích thước được cho trong Hình C.2. Mặt trước của buồng cháy có một cửa sổ quan sát có khả năng chống cháy. Cửa sổ này có thể bao trùm mặt trước và có thể được chế tạo như một ô cửa ra vào.

Mặt đáy của buồng cháy có các lỗ thông, và mặt trên của buồng cháy có khe thông gió xung quanh. Buồng cháy được đặt trên 4 chân, ở độ cao 10 mm.

Buồng cháy có thể có một lỗ ở mặt bên để đưa giá kẹp mẫu thử vào; ở mặt bên đối diện, một lỗ nữa được tạo ra cho đường ống dẫn khí gas. Vật liệu nóng chảy được hứng vào một khay hứng (xem Hình C.3). Khay hứng được đặt dưới đáy buồng cháy, ở giữa các lỗ thông hơi và không được che khuất bất cứ phần diện tích nào của lỗ.

Hình C.1: Buồng cháy với giá kẹp mẫu thử và khay hứng

Hình C.2: Buồng cháy

(Kích thước tính bằng milimét)

Hình C.3: Một khay hứng điển hình

(Kích thước tính bằng milimét)

C.2.2. Giá kẹp mẫu, gồm 2 tấm hoặc khung kim loại chống ăn mòn hình chữ U. Kích thước của giá kẹp được cho trong Hình C.4.

Tấm phía dưới có các chốt, tấm phía trên có các lỗ tương ứng nhằm đảm bảo kẹp giữ mẫu chắc chắn. Các chốt này cũng được sử dụng làm các điểm đo ở đầu và cuối khoảng cháy.

Một giá đỡ có dạng các dây chịu nhiệt đường kính 0,25 mm căng ngang qua khung theo các đoạn cách nhau 25 mm trên tấm chữ U phía dưới (xem Hình C.5).

Mặt phẳng phía dưới của mẫu phải nằm cao hơn sàn buồng cháy là 178 mm. Khoảng cách của mép trước của giá kẹp mẫu so với mặt bên của buồng phải là 22 mm; khoảng cách của hai cạnh dọc của giá kẹp mẫu so với hai bên thành buồng phải là 50 mm (tất cả các kích thước được đo bên trong) (xem Hình C.1 và Hình C.2).

Hình C.4: Giá kẹp mẫu

(Kích thước tính bằng milimét)

Hình C.5: Tiết diện của khung chữ U phía dưới được thiết kế có dây đỡ

(Kích thước tính bằng milimét)

C.2.3. Đầu đốt bằng khí gas

Nguồn cháy được cấp lửa bởi một đèn đốt Bunsen có đường kính trong là 9,5 mm ± 0,5 mm. Nguồn cháy được bố trí trong buồng thử sao cho tâm của đầu đốt nằm dưới và cách tâm của mép dưới phía đầu hở của mẫu thử một đoạn là 19 mm (xem Hình C.2).

C.2.4. Khí gas thử nghiệm

Khí gas cung cấp cho đèn đốt phải có nhiệt trị ≈ 38 MJ/m3 (ví dụ như khí thiên nhiên, LPG).

C.2.5. Lược bằng kim loại, có độ dài ít nhất 110 mm, có từ 7 đến 8 răng được làm tròn, trơn nhẵn ứng với mỗi đoạn dài 25 mm.

C.2.6. Đồng hồ bấm giờ, có độ chính xác tới 0,5 giây.

C.2.7. Tủ hút gió.

Có thể đặt buồng cháy vào trong một hệ thống tủ hút gió, với điều kiện thể tích bên trong của tủ phải lớn hơn tối thiểu gấp 20 lần, nhưng không quá 110 lần, thể tích của buồng cháy, đồng thời một trong ba kích thước chiều dài, chiều rộng hoặc chiều cao không được lớn hơn quá 2,5 lần hai kích thước còn lại. Trước khi thử nghiệm, phải đo tốc độ theo phương thẳng đứng của không khí đi qua tủ hút gió ở vị trí 100 mm phía trước và phía sau vị trí đặt buồng cháy. Giá trị vận tốc này phải nằm trong khoảng 0,10 m/s ÷ 0,30 m/s để tránh sự bất tiện do sản phẩm của quá trình cháy gây ra cho người vận hành. Có thể sử dụng một tủ hút gió được thông gió tự nhiên với tốc độ gió thích hợp.

C.3. Mẫu thử

C.3.1. Hình dạng và kích thước

C.3.1.1. Hình dạng và kích thước của mẫu thử được cho trong Hình C.6. Độ dày của mẫu thử tương đương với độ dày của sản phẩm được thử nghiệm. Giá trị độ dày này không được lớn hơn 13 mm. Khi thực hiện việc lấy mẫu, mẫu thử phải có tiết diện không đổi trên toàn bộ chiều dài.

Hình C.6: Mẫu thử

(Kích thước tính bằng milimét)

C.3.1.2. Nếu hình dạng và kích thước của sản phẩm không cho phép thực hiện việc lấy mẫu theo kích thước đã cho thì phải đảm bảo các kích thước tối thiểu sau:

(a) Đối với mẫu thử có chiều rộng từ 3 mm ÷ 60 mm thì chiều dài phải là 356 mm. Trong trường hợp này vật liệu được thử nghiệm ở bề rộng của sản phẩm;

(b) Đối với mẫu thử có chiều rộng từ 60 mm ÷ 100 mm thì chiều dài tối thiểu phải là 138 mm. Trong trường hợp này độ dài đoạn có thể cháy được tương đương với chiều dài mẫu thử, phép đo được bắt đầu từ điểm đo đầu tiên.

C.3.2. Điều kiện thử

Mẫu thử phải ở trong điều kiện môi trường nhiệt độ 23°C ± 2°C và độ ẩm tương đối 50% ± 5% trong ít nhất 24 giờ nhưng không quá 7 ngày, và phải duy trì điều kiện này cho đến thời điểm ngay trước khi thử nghiệm.

C.4. Quy trình thử

C.4.1. Đặt mẫu thử có bề mặt phủ lông sợi hoặc búi sợi lên một mặt phẳng và chải hai lần ngược chiều sợi bằng lược kim loại (xem mục C.2.5).

C.4.2. Đặt mẫu thử vào giá kẹp mẫu (xem mục C.2.2) sao cho mặt ngoài hướng xuống ngọn lửa.

C.4.3. Điều chỉnh ngọn lửa khí gas tới độ cao 38 mm bằng cách sử dụng vạch dấu trong buồng cháy, đường nạp không khí của đầu đốt đóng. Trước khi tiến hành phép thử đầu tiên, ngọn lửa phải cháy ổn định trong khoảng thời gian ít nhất là 1 phút.

C.4.4. Đưa giá kẹp mẫu vào trong buồng cháy sao cho đầu của mẫu thử được hơ trên ngọn lửa, và ngắt dòng khí gas sau 15 giây.

C.4.5. Phép đo thời gian cháy được bắt đầu từ thời điểm chân của ngọn lửa cháy qua điểm đo đầu tiên. Quan sát sự lan truyền của ngọn lửa ở bề mặt nào cháy nhanh hơn (mặt dưới hoặc mặt trên).

C.4.6. Phép đo thời gian cháy kết thúc khi ngọn lửa cháy đến điểm đo cuối cùng, hoặc khi ngọn lửa tắt trước khi cháy được đến điểm đo cuối cùng. Nếu ngọn lửa không cháy được đến điểm đo cuối cùng thì tiến hành đo đoạn cháy được tính đến điểm ngọn lửa bị tắt. Đoạn cháy được là phần bị phân hủy của mẫu thử, nghĩa là bị phá hủy trên bề mặt hoặc bên trong do sự cháy.

C.4.7. Trong trường hợp mẫu thử không bắt lửa hoặc không tiếp tục cháy sau khi đầu đốt tắt lửa, hoặc khi ngọn lửa tắt trước khi cháy đến điểm đo đầu tiên, tức là không đo được thời gian cháy, thì ghi vào báo cáo thử nghiệm là tốc độ cháy bằng 0 mm/phút.

C.4.8. Khi thực hiện một loạt phép thử hoặc thực hiện lại phép thử, phải đảm bảo rằng nhiệt độ tối đa của buồng cháy và giá kẹp mẫu là 30°C trước khi bắt đầu phép thử tiếp theo.

C.5. Tính toán

Tốc độ cháy B tính bằng milimét trên phút theo công thức sau:

B = 60 S/t

Trong đó:

S - đoạn cháy được, tính theo [mm];

t - thời gian tiêu tốn để cháy đoạn S, tính theo [s].

Chỉ tính toán tốc độ cháy (B) của mỗi mẫu thử khi ngọn lửa cháy đến điểm đo cuối cùng hoặc cháy đến hết mẫu thử.

 

PHỤ LỤC D

THỬ NGHIỆM XÁC ĐỊNH ĐẶC TÍNH NÓNG CHẢY CỦA VẬT LIỆU

D.1. Phương pháp lấy mẫu

D.1.1. Phải tiến hành thử nghiệm đối với 4 mẫu thử, ở cả hai bề mặt của mẫu (nếu các bề mặt không giống nhau).

D.1.2. Đặt một mẫu thử ở vị trí nằm ngang và đưa vào trong một lò sấy điện. Đặt một khay hứng phía dưới mẫu thử để hứng các giọt nóng chảy. Đặt một ít len bông trong khay hứng đó để xác định có giọt gây cháy hay không.

D.2. Thiết bị thử nghiệm

Thiết bị thử nghiệm bao gồm (xem Hình D.1):

(a) Một lò sấy điện;

(b) Một giá đỡ mẫu thử có lắp một vỉ lưới;

(c) Một khay hứng (để hứng các giọt nóng chảy);

(d) Một giá đỡ (để lắp đặt các thiết bị thử nghiệm).

D.2.1. Nguồn nhiệt là một lò sấy điện có công suất hữu ích là 500 W. Bề mặt bức xạ nhiệt phải được chế tạo từ một tấm thạch anh trong suốt có đường kính là 100 mm ± 5 mm.

Nhiệt tỏa ra từ thiết bị được đo tại một bề mặt đặt song song và cách bề mặt của lò sấy 30 mm phải là 3 W/cm2.

D.2.2. Giá đỡ mẫu thử là một vòng kim loại (xem Hình D.1). Trên giá đỡ này đặt một vỉ lưới bằng sợi dây thép không gỉ với kích thước như sau:

(a) đường kính trong: 118 mm;

(b) kích thước mắt lưới: hình vuông cạnh 2,10 mm;

(c) đường kính sợi dây thép: 0,70 mm.

D.2.3. Khay hứng là một ống hình trụ có đường kính trong là 118 mm và chiều sâu là 12 mm. Khay hứng phải được lấp đầy len bông.

D.2.4. Một cột trụ thẳng đứng sẽ đỡ các thiết bị đã nêu trong các mục D.2.1, D.2.2 và D.2.3.

Lò sấy được đặt trên đỉnh đầu cột giá đỡ sao cho bề mặt bức xạ nhiệt nằm ngang và sự bức xạ nhiệt hướng xuống dưới.

Phải lắp một tay quay/đòn bẩy ở cột đỡ để nâng giá đỡ lò sấy lên từ từ. Đồng thời phải lắp một cơ cấu khóa hãm để đảm bảo có thể đưa lò sấy về vị trí bình thường của nó.

Ở vị trí bình thường, trục của lò sấy, giá đỡ mẫu thử và đồ chứa phải trùng khớp với nhau.

D.3. Mẫu thử

D.3.1. Mẫu thử phải có kích thước 70 mm x 70 mm. Các mẫu thử phải được lấy từ các thành phẩm theo cùng một phương pháp, nếu hình dạng của thành phẩm cho phép. Nếu độ dày của thành phẩm lớn hơn 13 mm, phải làm giảm độ dày về giá trị 13 mm bằng cách thực hiện quá trình gia công cơ khí đối với bề mặt không hướng ra phía khoang khách. Nếu không thể thực hiện được việc này, cơ sở thử nghiệm phải tiến hành thử nghiệm với độ dày ban đầu của vật liệu, và phải ghi rõ điều này trong báo cáo thử nghiệm.

D.3.2. Phải tiến hành thử nghiệm đối với vật liệu tổng hợp (xem mục 1.3.11) nếu chúng có cấu trúc đồng nhất.

D.3.3. Trong trường hợp vật liệu được tạo thành từ nhiều lớp có cấu trúc khác nhau, không phải vật liệu tổng hợp, được xếp chồng lên nhau, thì phải tiến hành các thử nghiệm riêng biệt đối với tất cả các lớp vật liệu nằm trong khoảng độ dày là 13 mm tính từ bề mặt hướng ra phía khoang khách.

D.3.4. Tổng khối lượng của mẫu thử được thử nghiệm tối thiểu phải là 2 g. Nếu khối lượng của một mẫu thử nhỏ hơn giá trị đó, phải bổ sung thêm đủ số lượng mẫu.

D.3.5. Nếu hai bề mặt của vật liệu không giống nhau, phải tiến hành thử nghiệm đối với cả hai bề mặt, nghĩa là phải tiến hành thử nghiệm đối với 8 mẫu thử. Mẫu thử và len bông phải ở trong môi trường có nhiệt độ 23°C ± 2°C và độ ẩm tương đối 50% ± 5% trong ít nhất 24 giờ, và phải duy trì điều kiện này tới thời điểm ngay trước thử nghiệm.

D.4. Quy trình thử

D.4.1. Đặt mẫu thử lên giá đỡ mẫu. Giá đỡ mẫu được chỉnh vị trí sao cho khoảng cách giữa bề mặt lò sấy và mặt trên của mẫu thử là 30 mm.

D.4.2. Khay hứng có chứa len bông bên trong, được đặt phía dưới và cách vỉ lưới của giá đỡ mẫu một khoảng là 300 mm.

D.4.3. Để lò sấy sang một bên sao cho nó không thể tỏa nhiệt lên mẫu thử, và bật điện. Khi lò sấy đạt tới trạng thái thử nghiệm thì đặt lò sấy ở phía trên mẫu thử và bắt đầu đo thời gian.

D.4.4. Nếu vật liệu bị nóng chảy hoặc biến dạng thì phải điều chỉnh chiều cao của lò sấy để duy trì giá trị khoảng cách 30 mm đã nêu.

D.4.5. Nếu vật liệu bốc cháy thì sau đó 3 giây đặt lò sấy sang một bên. Đưa lò sấy trở về vị trí cũ khi ngọn lửa đã tắt, và quy trình tương tự được lặp đi lặp lại liên tục tùy theo mức độ sự cần thiết trong suốt khoảng thời gian 5 phút đầu tiên của thử nghiệm.

Sau phút thứ năm của thử nghiệm:

(i) Nếu mẫu thử đã tắt lửa (mẫu thử có thể đã bốc cháy hoặc chưa bốc cháy trong 5 phút đầu tiên thử nghiệm) thì giữ nguyên vị trí của lò sấy, ngay cả khi mẫu thử bắt đầu bốc cháy trở lại;

(ii) Nếu mẫu thử đang cháy thì chờ đến khi tắt lửa rồi mới đưa lò sấy trở lại vị trí;

Trong cả hai trường hợp, phải tiếp tục thực hiện phép thử thêm 5 phút.

D.5. Kết quả thử nghiệm

Phải ghi lại các hiện tượng quan sát được vào báo cáo thử nghiệm, ví dụ:

(i) tạo thành các giọt (nếu có), dù cháy hay không;

(ii) xảy ra sự bốc cháy len bông.

Hình D.1: Thiết bị thử nghiệm xác định đặc tính nóng chảy của vật liệu

(Kích thước tính bằng milimét)

 

PHỤ LỤC E

THỬ NGHIỆM XÁC ĐỊNH TỐC ĐỘ CHÁY CỦA VẬT LIỆU THEO PHƯƠNG THẲNG ĐỨNG

E.1. Phương pháp lấy mẫu

E.1.1. Phải tiến hành thử nghiệm đối với 3 mẫu thử nếu vật liệu là đẳng hướng, hoặc với 6 mẫu thử nếu vật liệu là dị hướng.

E.1.2. Thử nghiệm này được tiến hành bằng cách đưa mẫu thử được giữ theo vị trí thẳng đứng vào một ngọn lửa rồi xác định tốc độ lan truyền của ngọn lửa trên vật liệu được thử.

E.2. Thiết bị thử nghiệm

Thiết bị thử nghiệm bao gồm:

(a) một giá kẹp mẫu;

(b) một đầu đốt;

(c) một hệ thống thông gió để hút khí gas và các sản phẩm cháy;

(d) một dưỡng mẫu;

(e) các sợi chỉ đánh dấu làm bằng bông trắng được làm bóng có mật độ tuyến tính tối đa là 50 tex.

E.2.1. Giá kẹp mẫu thử gồm một khung hình chữ nhật chiều dài 560 mm, có 2 cạnh dài là hai thanh song song liên kết cứng với nhau cách nhau 150 mm, trên đó có gắn các chốt để lắp mẫu thử. Mẫu thử được lắp lên giá kẹp mẫu tại vị trí một mặt phẳng cách khung giá kẹp ít nhất là 20 mm. Các chốt để lắp mẫu thử phải có đường kính không lớn hơn 2 mm và độ dài tối thiểu là 27 mm. Các chốt được gắn trên 2 thanh cạnh dài của khung hình chữ nhật tại các vị trí được minh họa trong Hình E.1. Khung hình chữ nhật được lắp lên một giá đỡ thích hợp để giữ cho 2 thanh này theo phương thẳng đứng trong suốt quá trình thử nghiệm. Để định vị mẫu thử trên các chốt tại vị trí một mặt phẳng cách khung giá kẹp mẫu như đã nêu, có thể gắn các chân đỡ có đường kính 2 mm sát bên cạnh các chốt đó.

E.2.2. Đầu đốt được mô tả trong Hình E.3.

Khí gas cung cấp cho đầu đốt có thể là khí prôpan thương phẩm hoặc khí butan thương phẩm.

Đầu đốt phải được đặt ở phía trước, nhưng thấp hơn mẫu thử sao cho nó nằm trong mặt phẳng đi qua đường tâm dọc của mẫu thử và vuông góc với bề mặt mẫu thử (xem Hình E.2), và trục dọc của đầu đốt nghiêng lên trên một góc 30° so với phương thẳng đứng nhìn theo hướng cạnh phía dưới của mẫu thử. Khoảng cách giữa mặt mút của đầu đốt và cạnh dưới của mẫu thử là 20 mm.

E.2.3. Có thể đặt các thiết bị thử nghiệm trong một hệ thống tủ hút gió, với điều kiện thể tích bên trong của tủ phải lớn hơn tối thiểu gấp 20 lần, nhưng không quá 110 lần, thể tích của thiết bị, đồng thời một trong ba kích thước chiều dài, chiều rộng hoặc chiều cao không được lớn hơn quá 2,5 lần hai kích thước còn lại. Trước khi thử nghiệm, phải đo tốc độ theo phương thẳng đứng của không khí đi qua tủ hút gió ở vị trí 100 mm phía trước và phía sau vị trí đặt buồng cháy. Giá trị vận tốc này phải nằm trong khoảng 0,10 m/s ÷ 0,30 m/s để tránh sự bất tiện do sản phẩm của quá trình cháy gây ra cho người vận hành. Có thể sử dụng một tủ hút gió được thông gió tự nhiên với tốc độ gió thích hợp.

E.2.4. Phải sử dụng một dưỡng mẫu phẳng, cứng, chế tạo bằng kim loại phù hợp, có kích thước tương đương với kích thước của mẫu thử. Trên tấm dưỡng mẫu khoan các lỗ đường kính ≈ 2 mm tại các vị trí sao cho khoảng cách giữa tâm các lỗ tương đương với khoảng cách giữa các chốt trên giá kẹp mẫu (xem Hình E.1). Các lỗ này phải cách đều về hai bên của đường tâm dọc của dưỡng mẫu.

E.3. Mẫu thử

E.3.1. Mẫu thử phải có kích thước là 560 mm x 170 mm.

E.3.2. Mẫu thử phải ở trong môi trường có nhiệt độ 23°C ± 2°C và độ ẩm tương đối 50% ± 5% trong ít nhất 24 giờ, và phải duy trì điều kiện này tới thời điểm ngay trước thử nghiệm.

E.4. Quy trình thử

E.4.1. Phép thử phải được tiến hành trong môi trường khí quyển có nhiệt độ nằm trong khoảng 10°C ÷ 30°C và độ ẩm tương đối nằm trong khoảng 15% ÷ 80%.

E.4.2. Đầu đốt phải được đốt nóng sơ bộ trong 2 phút. Chiều cao ngọn lửa được điều chỉnh đến độ cao 40 mm ± 2 mm. Chiều cao này là khoảng cách giữa đầu mút của đầu đốt và đỉnh chóp phần màu vàng của ngọn lửa khi ngọn lửa cháy theo phương thằng đứng và được quan sát trong điều kiện ánh sáng mờ.

E.4.3. Đặt mẫu thử trên các chốt của giá kẹp mẫu. Phải đảm bảo rằng các chốt này đi qua các điểm được đánh dấu trên mẫu thử nhờ dưỡng mẫu, và mẫu thử cách khung giá kẹp ít nhất là 20 mm. Giá kẹp mẫu được lắp lên giá đỡ sao cho mẫu thử ở vị trí thẳng đứng.

E.4.4. Các sợi chỉ đánh dấu được căng ngang phía trước mẫu thử tại các vị trí minh họa trong Hình E.1. Ở mỗi vị trí, buộc một vòng dây sao cho hai đoạn dây chỉ nằm cách mặt phẳng phía trước của mẫu thử lần lượt là 1 mm và 5 mm.

Mỗi vòng dây được buộc với một thiết bị định giờ thích hợp. Các sợi chỉ được căng với lực căng thích hợp để duy trì vị trí tương đối so với mẫu thử.

E.4.5. Ngọn lửa được tác dụng vào mẫu thử trong 5 giây. Sự bắt lửa được coi là xảy ra nếu mẫu thử tiếp tục cháy trong 5 giây sau khi tách ngọn lửa mồi ra. Nếu sự bắt lửa không xảy ra, ngọn lửa được cho tác dụng vào một mẫu thử khác trong 15 giây.

E.4.6. Nếu có bất kỳ một kết quả nào trong mỗi nhóm 3 mẫu thử vượt quá 50% so với kết quả tối thiểu, phải tiến hành thử nghiệm đối với một nhóm 3 mẫu thử khác ở bề mặt đó hoặc theo hướng đó. Nếu có 1 hoặc 2 mẫu thử trong bất kỳ nhóm 3 mẫu thử nào không cháy đến sợi chỉ đánh dấu trên cùng, phải tiến hành thử nghiệm đối với một nhóm 3 mẫu thử khác ở bề mặt đó hoặc theo hướng đó.

E.4.7. Đo các giá trị thời gian dưới đây, tính bằng giây:

(a) thời gian từ khi bắt đầu cho ngọn lửa mồi tác dụng vào mẫu thử tới khi sợi chỉ đánh dấu đầu tiên bị đứt (t1);

(b) thời gian từ khi bắt đầu cho ngọn lửa mồi tác dụng vào mẫu thử tới khi sợi chỉ đánh dấu thứ hai bị đứt (t2);

(c) thời gian từ khi bắt đầu cho ngọn lửa mồi tác dụng vào mẫu thử tới khi sợi chỉ đánh dấu thứ ba bị đứt (t3).

E.5. Kết quả thử nghiệm

Phải ghi lại các hiện tượng quan sát được vào báo cáo thử nghiệm, bao gồm:

(i) Các khoảng thời gian cháy: t1, t2 và t3 [giây]

(ii) Độ dài đoạn cháy được tương ứng: d1, d2 và d3 [mm]

Đối với mẫu thử mà ngọn lửa lan tới sợi chỉ đánh dấu đầu tiên chậm nhất, tốc độ cháy V1 và V2, V3 (nếu có) được tính như sau:

Vi = 60 di/ti (mm/phút)

Lấy giá trị tốc độ cháy cao nhất trong ba giá trị V1, V2 và V3.

Hình E.1: Giá kẹp mẫu

(Kích thước tính bằng milimét)

Hình E.2: Vị trí của đầu đốt

Hình E.3: Đầu đốt khí gas

(Kích thước tính bằng milimét)

 

PHỤ LỤC F

Mẫu - GIẤY CHỨNG NHẬN

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số (No): ………………..

 

 

GIẤY CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG KIỂU LOẠI
DÙNG CHO LINH KIỆN NỘI THẤT XE CƠ GIỚI
TYPE APPROVAL CERTIFICATE FOR SYSTEMS/COMPONENTS

Cấp theo Thông tư số 40/2013/TT-BGTVT ngày 01 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Căn cứ hồ sơ đăng ký số:                                                                                 Ngày     /     /
Pursuant to the Technical document N°                                                            Date

Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng:
Standard, regulation applied

Căn cứ báo cáo kết quả đánh giá điều kiện kiểm tra chất lượng số:                  Ngày     /     /
Pursuant to the results of C.O.P Testing record N°                                             Date

Căn cứ báo cáo kết quả thử nghiệm số:                                                             Ngày    /     /
Pursuant to the results of Testing record N°                                                       Date

CỤC TRƯỞNG CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM CHỨNG NHẬN
General Director of Vietnam Register hereby approves that

Kiểu loại sản phẩm (System/ Component type):

Nhãn hiệu (Make):                                                                          Số loại (Type):

(Các nội dung liên quan tới thông số kỹ thuật và chất lượng cho từng đối tượng sản phẩm sẽ do Cơ quan chứng nhận chất lượng quy định cụ thể)

 

 

 

 

 

Kiểu loại sản phẩm nói trên phù hợp với Quy chuẩn QCVN:            : 2013/BGTVT.
The product is in compliance with the QCVN:       : 2013/BGTVT.

 

Ghi chú:
(Note)

Ngày     tháng    năm     (Date)
CỤC TRƯỞNG CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM
Vietnam Register
General Director

 

MINISTRY OF TRANSPORT
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
---------------

No. 40/2013/TT-BGTVT

Hanoi, 01 November 2013

 

CIRCULAR

ON NATIONAL TECHNICAL REGULATIONS OF MOTOR VEHICLE STRUCTURE WITH REGARD TO THE PREVENTION OF FIRE RISKS AND ON THE BURNING BEHAVIOR OF MATERIALS USED IN THE INTERIOR STRUCTURE OF CERTAIN CATEGORIES OF MOTOR VEHICLES

Pursuant to the Law on Technical Standards and Regulations dated 29 June 2006;

Pursuant to the Government's Decree No. 127/2007/NĐ-CP dated 01 August 2007 on the details for the enforcement of certain articles of the Law on Technical Standards and Regulations;

Pursuant to the Government’s Decree No. 107/2012/NĐ-CP dated 20 December 2012 on functions, missions, authority and organizational structure of the Ministry of Transport;

At the request of the Head of the Department of Science and Technology and the Head of the Vietnam Register;

Minister of Transport issues the national technical regulations of motor vehicle structure with regard to the prevention of fire risks and on the burning behavior of materials used in the interior structure of certain categories of motor vehicles.

Article 1. This Circular is enclosed with 02 sets of national technical regulations:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Registered code: QCVN 52:2013/BGTVT.

2. National technical regulation on the burning behavior of materials used in the interior structure of certain categories of motor vehicles

Registered code: QCVN 53:2013/BGTVT.

Article 2. This Circular takes effect as of 01 June 2014.

Article 3. Chief of Office, Chief of Inspectorate, Departments, Vietnam Register, Heads of relevant authorities and agencies under Ministry of Transport, organizations and individuals concerned are responsible for enforcing this Circular./.

 

 

MINISTER




Dinh La Thang

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

NATIONAL TECHNICAL REGULATION OF MOTOR VEHICLE STRUCTURE WITH REGARD TO THE PREVENTION OF FIRE RISKS

Preamble

QCVN 52:2013/BGTVT is formulated by Vietnam Register, is assessed by Ministry of Science and Technology and is issued by Minister of Transport under the Circular No. 40/2013/TT-BGTVT dated 01 November 2013.

This technical regulation is formulated by reference to UNECE Regulation No. 34.

 

NATIONAL TECHNICAL REGULATION OF MOTOR VEHICLE STRUCTURE WITH REGARD TO THE PREVENTION OF FIRE RISKS

1. GENERAL

1.1. Scope of regulation

1.1.1 This Regulation stipulate technical requirements and technical safety inspection for motor vehicle structure with regard to the prevention of fire risks in passenger vehicles, freight carrying vehicles (goods vehicles), trailers and semi-trailers fitted with liquid fuel tank (referred to as fuel tank).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1.2. Regulated entities

This Regulation applies to manufacturers, assemblers and importers of vehicles, producers and importers of fuel tanks and authorities and entities involved in testing, inspection and certification of quality, technical safety and environmental protection.

1.3. Definitions

In this Regulation, the following phrases are construed as follows:

1.3.1. Vehicle type refers to products of one industrial owner, which carry similar make, design and technical specifications and derive from the same production line. Vehicles contain no variations on:

- Type;

- Make;

- Size and unladen mass of vehicles (tolerance must not exceed permissible deviation limit as per current regulations and standards);

- Permissible number of passengers;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Engine, motion drive system;

- Fuel type;

- Structure, shape, size and materials of fuel tank;

- Position of fuel tank in vehicles;

- Technical properties and position of fuel supply system (pump, filter, etc.) in vehicles;

- Technical properties and position of electrical system in vehicles;

- Brake system: drive approach, brake structure;

- Steering system: steering approach and structure;

- Suspension system: type and structure;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1.3.2. Passenger compartment means the space for occupants’ accommodation bounded by the roof, floor, side walls, doors, outside glazing, front bulkhead and the plane of the rear compartment bulkhead or the plane of the rear seat back support.

1.3.3. Fuel tank refers to the tank(s) designed to contain the liquid fuel used primarily for the propulsion of the vehicle.

1.3.4. Capacity of the fuel tank means the fuel tank capacity as specified by the manufacturer.

1.3.5. Liquid fuel refers to fuel that is liquid in normal conditions of temperature and pressure.

1.3.6. Transverse plane means the vertical plane perpendicular to the longitudinal median plane.

1.3.7. Unladen mass refers to the weight of a vehicle in functional readiness, unloaded with either passenger or freight, filled up with fuel, coolant, grease, windshield washer fluid, spare parts and spare tire (if required by the manufacturer).

1.3.8 Manufacturers and importers comprise companies that fabricate and import components, enterprises that produce, assemble and import motor vehicles conformable to current regulations.

2. TECHNICAL REQUISITES

2.1. Requisites for fuel tank

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2.1.1.1. Fuel tank(s) must be made so as to be corrosion-resistant.

2.1.1.2. Fuel tank(s) must be equipped ordinarily with accessories. Leakage tests must be carried out according to Clause 2.1.2 of this Regulation.

Fuel tank(s) made of a plastic material is (are) deemed satisfactory if meeting requisites as defined in Clause 2.1.3 of this Regulation.

2.1.1.3 Pressure exceeding the working pressure in fuel tank(s) must be compensated automatically by suitable devices (vents, safety valves, etc.).

2.1.1.4 The vents must be designed in such a way to prevent fuel in gaseous state from penetrating into the passenger compartment or high temperature spaces in the engine or exhaust system. In particular, fuel that may leak when fuel tank(s) is (are) being filled must not be able to fall on the exhaust system and must be channeled to the ground.

2.1.1.5 Fuel tank(s) must not be situated in or abut on (through floor, wall, buckhead) the passenger compartment or other compartments integral to it.

2.1.1.6. Fuel must not escape through the fuel tank cap or through devices provided to compensate excess pressure in the tank during the course of operation of the vehicle.

2.1.1.6.1. The tank cap must be fixed to the filler pipe.

The requirements in Clause 2.1.1.6.1 of this Regulation shall be met if excess evaporative emissions and fuel spillage caused by loose fuel filler cap are precluded.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The fuel filler cap is not removable and automatically opened and closed.

- Features are designed to avert excess evaporative emission and fuel spillage due to missing fuel filler cap;

- Other requisites that lead to equivalent effects. Examples may include, but are not limited to, a chained filler cap or a similar locking key for the filler cap and for the vehicle's ignition. In such case, the said key shall only be removable from the filler cap in locked condition. However, the use of chained filler cap or locking key itself is not adequate for vehicles other than small cars and goods vehicles having maximum mass not exceeding 3.5 tonnes.

2.1.1.6.2. The lock mechanism between the cap and the filler pipe must retained securely in place. The cap must latch securely in place against the lock mechanism of the filler pipe when closed.

2.1.1.7. Fuel tank(s) must be made of a fire-resistant metallic material. Fuel tank(s) may be made of a plastic material provided that the requisites in Clause 2.1.3 are satisfied.

2.1.2. Requirements for tests of fuel tanks

Fuel tank(s) must be subject to tests as defined in Annex A of this Regulation.

2.1.2.1. Requirement for liquid leakage test

After the test is done according to Article A.1, Annex A of this Regulation, the shell of fuel tank(s) must not crack or leak; however, it may be permanently deformed.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The fuel tank leakage must not exceed 30 g/minute when the test is carried out according to Article A.2, Annex A of this Regulation.

2.1.3. Testing of fuel tanks made of a plastic material

Fuel tank(s) made of a plastic material, apart from satisfying requisites in Clause 2.1.2, must be tested according to Annex B of this Regulation.

2.1.3.1. Collision resistance

The fuel tank leakage must not occur after the test is carried out according to Article B.1, Annex B of this Regulation.

2.1.3.2 Mechanical strength

The fuel tank and its accessories must not crack or leak despite their possible deformation after the test is carried out according to Article B.2, Annex B of this Regulation.

2.1.3.3. Fuel permeability

The maximum permissible average loss of fuel is 20 g per 24 hours of testing time when the test is carried out according to Clause B.3.3, Annex B of this Regulation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2.1.3.4. Resistance to fuel

After the test is carried out according to Article B.3, Annex B of this Regulation, the fuel tank remains its satisfaction of requisites as defined in Clause 2.1.3.1 and 2.1.3.2 of this Regulation.

2.1.3.5. Resistance to fire

The liquid fuel must not leak from the fuel tank after the test is carried out according to Article B.4, Annex B of this Regulation.

2.1.3.6. Resistance to high temperature

The fuel tank, after the test as defined in Article B.5, Annex B of this Regulation, must not be leaking or severely deformed.

2.1.3.7. Markings on fuel tank

The trade name or label must be affixed onto the fuel tank. Such markings must be indelible and clearly legible on the fuel tank fitted in the vehicle.

2.2. General requisites for installation of fuel system in vehicles

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2.2.1.1. The fuel tank must satisfy requisites as defined in Clause 2.1 of this Regulation.

2.2.1.2. The components of fuel tank installation must be safely protected by parts of the chassis or bodywork against contact with obstacles on the ground. Such protection shall not be required if the bottom section of the fuel tank is further from the ground than the part of the chassis or bodywork in front of it.

2.2.1.3. Pipes and all other parts of fuel tank installation must be accommodated at positions protected to the fullest possible extent in the vehicle. Twisting and bending movements, and vibrations of the vehicle’s structure or drive unit shall not expose components of fuel tank installation to friction, compression or abnormal stress.

2.2.1.4. The connections of soft or pliable pipes with rigid parts of the components of fuel tank installation must be so designed and constructed as to refrain from leakage under various conditions of use of the vehicle, despite twisting and bending movements and vibrations of the vehicle's structure or drive unit.

2.2.1.5. If the filler hole is located on the side of the vehicle, the filler cap, when closed, must not protrude beyond the surface of that side of the vehicle.

2.2.2. Electrical installation

2.2.2.1 Electric wires other than wires positioned in the vehicle’s hollow components must be attached to the vehicle’s structure or walls or partitions near the front of the vehicle. The points at which electric wires pass through the vehicle's walls or partitions must be satisfactorily protected from exposure or shearing.

2.2.2.2. Electrical installation must be so designed, constructed and fitted that its constituents are able to resist corrosion to which they are exposed.

2.2.3. A partition must be provided to separate the fuel tank(s) from the passenger compartment. The partition may contain apertures (to accommodate cables) provided they are so arranged that fuel cannot flow freely from the fuel tank(s) into the passenger compartment or other compartments integral to it during normal conditions of use.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2.2.5. The filler hole must not be located in the passenger compartment, luggage compartment or engine compartment.

2.2.6. The fuel tank(s) must be installed in such a way to be protected from consequences of a collision at the front or rear of the vehicle. There shall be no protruding parts, sharp edges or so near the fuel tank(s).

2.2.7. The fuel tank(s) and the filler neck must be designed and installed in the vehicle in such a way as to avoid accumulation of static electricity on the entire surface of the tank(s). If accumulation of electric charges occurs, such electricity must be discharged into the metallic structure of the chassis or major metallic mass by means of a good conductor.

3. REQUISITES FOR MANAGEMENT

3.1. Methods of testing

Vehicles and/or fuel tanks shall be produced and must be examined and tested, through manufacturers, assemblers and importers, according to the following circulars by Ministry of Transport: Circular No. 30/2011/TT-BGTVT dated 15 April 2011 on “Regulations for inspection of quality, technical safety and environmental protection for the production and assembly of motor vehicles" and Circular No. 31/2011/TT-BGTVT dated 15 April 2011 on “Procedures for inspection of quality, technical safety and environmental protection for imported motor vehicles”.

3.2. Technical documents and sampling

Manufacturers, assemblers and importers of vehicles and producers and importers of fuel tanks, when requiring tests, must provide testers with technical documents and samples according to Clause 3.2.1 and 3.2.2 of this Regulation.

3.2.1. Requirements for technical documents

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The detailed description of vehicle type by contents regulated, including parameters and/or designations that specify engine type and vehicle type;

- The technical drawings of fuel tanks: Such drawings must indicate full technical features of fuel tanks and properties of materials that constitute fuel tanks;

- The full diagram of the fuel system and electrical system, which specify their installation methods and positions in the vehicle;

- The locations and installation methods of fuel tanks in the vehicle.

3.2.2. Requirement for sampling

The quantity of samples for each product type that requires tests shall be:

- 02 fuel tanks with full accessories (for fuel tanks made of a metallic material) for tests as defined in Annex A of this Regulation, or 07 fuel tanks with full accessories (for fuel tanks made of a plastic material) for tests as defined in Annex B of this Regulation.

- 01 fully made vehicle for fuel tank installation tests as defined in Clause 2.2 of this Regulation.

3.3. Test report

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3.4. Enforcement of requisites

If documents mentioned in this Regulation are amended or replaced, new documents shall take effect.

Test reports for fuel tanks that have valid registration papers and have been tested according to Clause 3.1 shall be subject to Clause 3.3 of this Regulation.

4. ENFORCEMENT

4.1. Course of implementation

This Regulation shall come into force as of 01 June 2014; however, Clause 2.1.2 and 2.2 shall apply to new vehicle types as of 01 June 2016 and to vehicle types certified in writing for type quality as of 01 June 2018.

4.2. Responsibilities of Vietnam Register

Vietnam Register shall be responsible for implementing this Regulation and providing guidelines for inspection of quality and technical safety for vehicles and/or fuel tanks manufactured, assembled and imported.

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

LIQUID FUEL TANK TEST

A.1. Liquid leakage test

The fuel tank must undergo the internal pressure test without any of its accessories. The fuel tank must be full of a non-flammable liquid (e.g. water). After all communications with the outside has been cut off, the pressure must be gradually increased via the pipe connection through which fuel is fed to the engine, to a relative internal pressure twice as much as the tank's working pressure and lower than 0.3 bar in all cases. Such pressure shall be maintained in one minute.

A.2. Overturn test

A.2.1. The tank with all accessories must be mounted onto a test fixture in a manner that resembles the installation approach of the tank in the vehicle. This also applies to pressure compensation systems in the tank.

A.2.2. The test fixture shall rotate about an axis parallel to the vehicle’s longitudinal axis.

A.2.3. The test shall be carried out on the tank filled with a non-flammable liquid to 90% and 30% of its capacity. Such non-flammable liquid must have a density and viscosity close to those of fuels normally used (water is acceptable).

A.2.4. The tank must be turned 90o to the right of its installed position. The tank shall be kept in such position in at least five minutes. The tank shall then be turned another 90o in the same direction. The tank shall be remained in such position, in which it is completely inverted, in at least five minutes. The tank shall then be rotated back to its normal position. Testing liquid that does not flow back from the venting system into the tank must be drained and replenished, if necessary. The tank must be then turned 90o in the opposite direction and left there in at least five minutes.

The tank shall then be turned 90o further in the same direction. The tank shall be completely inverted in at least five minutes. Afterwards, the tank shall return to its normal position.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ANNEX B

TESTING OF FUEL TANKS MADE OF A PLASTIC MATERIAL

B.1. Collision resistance test

B.1.1. The fuel tank must first be filled to its capacity with water or another liquid that does not alter technical properties of the tank’s material. The tank shall then undergo a collision resistance test according to Clause B.1.3 of this Annex.

B.1.2 The tank, before tested, must be maintained at the test chamber's ambient temperature in at least 3 hours.

B.1.3. A pendulum collision testing fixture shall be employed for the test. The collision body must be a regular square pyramid shape made of steel. The appex and edges are rounded to a radius of 3 mm. The center of percussion of the pendulum must coincide with its center of gravity. The distance from the pendulum's center of gravity to its axis of rotation must be 1 m. The total weight of the pendulum shall be 15 kg. The energy of the pendulum upon collision must not be less than and must be as close to 30 Nm as possible.

B.1.4. The tests must be done on the tank's points that are regarded most vulnerable to frontal or rear collision. Such points include those that are most exposed or weakest on the tank's surface or regarding the manner, in which the tank is fitted in the vehicle. The test report must indicate the points selected for the test.

B.1.5. During the test, the tank must be held in position on the side opposite to the collision side.

B.1.6. All impact tests, at the manufacturer's discretion, may be carried out on one tank or each test may be done on a different tank.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The fuel tank must be tested under conditions as defined in Article A.1 of Annex A for leakage and shape rigidity. The tank with all accessories must be mounted onto a test fixture in a manner consonant with the approach of installation by which the tank is fitted in the vehicle. Water at 326 K (53o C) shall fill up the tank. The relative pressure inside the tank must be maintained double the working pressure and, in all cases, less than 0.3 bar at the temperature of 326 K ± 2 K (53°C ± 2°C) in 5 hours.

B.3. Fuel permeability test

B.3.1. The fuel used for the permeability test must be either subject to Annex 9 of ECE Regulation No. 83 or a premium-grade commercial fuel. If the tank is only designed for vehicles with compression-ignition engine, the tank shall be filled with diesel fuel.

B.3.2. Prior to the test, the tank must be filled with the test fuel to 50% of its capacity. The tank shall be then stored in unsealed condition at the ambient temperature of 313 K ± 2 K (40oC ± 2oC) until the weight loss per time unit becomes constant.

B.3.3 The tank must be then emptied and refilled with the test fuel to 50% of its capacity before being hermetically sealed and stored at 313 K ± 2 K (40°C ± 2°C). The pressure must be adjusted when the content inside the tank reaches the test temperature. During the test period of 8 weeks, the weight loss due to diffusion shall be determined.

B.3.4. If such loss does not exceed the value as stated in Clause 2.1.3.3 of this Regulation, the test as defined in this section must be repeated on another tank of the same type to clarify the weight loss out of diffusion under similar conditions but at 296 K ± 2 K (23°C ± 2°C).

B.4. Fire resistance test

The fuel tank must undergo the following tests.

B.4.1. The tank must be held in a position that resembles its fitting in the vehicle and then be set on fire in 2 minutes. Leakage must not occur afterwards.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

B.4.2.1. If the tank is designed for vehicles with position ignition engine or compression-ignition engine, the test shall be carried out 3 times on tanks filled with premium-grade gasoline,

B.4.2.2. If the tank is only designed for vehicles with compression-ignition engine, the test shall be done 3 times on tanks filled with diesel fuel;

B.4.2.3. For the test, the tank with accessories must be installed in a test fixture that simulates actual installation conditions to the highest possible extent. The method by which the tank is installed in the said fixture must correspond with relevant specifications of the vehicle. Attention should be given to the vehicle's parts that protect the tank and its accessories from exposure to flame or involvement in the cause of a fire in any manners. Components fitted on the tank and plugs must also be taken into consideration. All openings must be closed though the venting system must remain in operation. The tank, immediately before the test, must be filled with the fuel specified to 50% of its capacity.

B.4.3. The flames to which the tank is exposed must grow from the ignition of a commercial fuel for positive ignition engines (referred to as the fuel) in a pan. The amount of the fuel poured into the pan must suffice to give rise to flames for the entire progress of the test.

B.4.4. The pan's dimensions must be so selected as to assure that the sides of the tank are exposed to flames. Therefore, the pan must be larger than the horizontal projection of the tank by at least 20 cm but less than 50 cm. The pan’s sidewalls must not project more than 8 cm above the level of the fuel upon the start of the test.

B.4.5. The pan filled with the fuel must be placed under the tank in such a way that the distance between the level of the fuel in the pan and the tank's bottom correspond with the designed height of the tank above the road surface under the vehicle's unladen condition (see Clause 1.3.7 of this Regulation for the vehicle’s unladen mass). The pan and/or the test fixture must be freely movable.

B.4.6. During phase C of the test, the pan must be covered by a screen placed 3 cm ± 1 cm above the fuel level.

Such screen must be made of a refractory material as prescribed in Supplement 2, Annex B of this Regulation. Gaps between bricks must not exist and the bricks must lean on the pan in such a manner that the bricks' holes are not obstructed. The length and width of the frame must be 2 cm to 4 cm smaller than the pan's interior dimensions for the existence of a ventilation gap of 1 cm to 2 cm between the frame and wall of the pan.

B.4.7. When the tests are carried out in open air, wind barricade must be sufficiently provided and wind velocity at the pan's location must not exceed 2.5 km/h. Prior to the test, the screen must be heated to 308 K ± 5 K (35°C ± 5°C). Firebricks may be wetted to assure identical test conditions for each successive test.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

B.4.8.1. Phase A: Pre-heating (see Figure B.1.1 in this Annex)

The fuel in the pan must be ignited at a distance of at least 3 m from the fuel tank being tested. After 60 seconds of pre-heating, the pan shall be then placed under the tank.

B.4.8.2. Phase B: Direct exposure to flame (see Figure B.1.2 in this Annex)

The tank must be exposed to frames growing from the freely burning fuel in 60 seconds.

B.4.8.3. Phase C: Indirect exposure to flames (see Figure B.1.3 in this Annex)

Upon the completion of phase B, the screen must be inserted between the burning pan and the tank. The tank must be in contact with flames through the screen in another 60 seconds.

B.4.8.4. Phase D: End of test (see Figure B.1.4 in this Annex)

The burning pan covered by the screen must be returned to its original position (phase A). At the end of the test, flames on the burning tank must be extinguished forthwith.

B.5. Resistance to high temperature

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

B.5.2 The tank shall be filled to 50% of its capacity with water at 293 K (20°C) before being stored at 368 K ± 2 K (95°C ± 2°C) in 1 hour.

 

Annex B - Supplement 1

FIRE RESISTANCE TEST FOR FUEL TANKS MADE OF PLASTIC MATERIAL

 

Figure B.1.1

Phase A: Pre-heating

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Phase B: Direct exposure to flame

Figure B.1.3

Phase C: Indirect exposure to flame

Figure B.1.4

Phase D - End of test

 

Annex B - Supplement 2

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Type of fire brick

 (Seger-Kegel) SK 30

Al2O3 content

30 - 33%

Open porosity (Po)

20 - 22% of volume

Density

1,900 - 2,000 kg/m3

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

44.18%

 

QCVN 53:2013/BGTVT

NATIONAL TECHNICAL REGULATION ON THE BURNING BEHAVIOR OF MATERIALS USED IN THE INTERIOR STRUCTURE OF CERTAIN CATEGORIES OF MOTOR VEHICLES

Preamble

QCVN 53:2013/BGTVT is compiled by Vietnam Register, is assessed by Ministry of Science and Technology and is issued by Minister of Transport under the Circular No. 40/2013/TT-BGTVT dated 01 November 2013.

This technical regulation is formulated by reference to UNECE Regulation No. 118.

 

NATIONAL TECHNICAL REGULATION ON THE BURNING BEHAVIOR OF MATERIALS USED IN THE INTERIOR STRUCTURE OF CERTAIN CATEGORIES OF MOTOR VEHICLES

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1.1. Scope of regulation

1.1.1. This Regulation stipulates requirements for the burning behavior of materials used in the interior structure of passenger vehicles having maximum mass exceeding 5 tonnes and comprising at least 22 seats including the driver’s seat (referred to as vehicles). It does not apply to urban bus as defined in TCVN 6211 standard on “Means of road transport - Terminology and definition”.

1.2.2. This Regulation does not apply to vehicles used for national defense and security.

1.2. Regulated entities

This Regulation applies to manufacturers, assemblers and importers of vehicles, producers and importers of materials and components used in vehicles’ interior structure (referred to as interior components) and authorities and entities involved in testing, inspection and certification of quality, technical safety and environmental protection.

1.3. Definitions

1.3.1. Urban bus: A vehicle designed and equipped for urban and suburban uses, which has seats and standing area for passengers and allows passengers’ movements in accordance with the vehicle's frequent stops.

1.3.2 Passenger compartment: The space for occupants’ accommodation bounded by the roof, floor, side walls, doors, outside glazing, front bulkhead and the plane of the rear compartment bulkhead or the plane of the rear seat back support.

1.3.3. Production materials: Products, in the form of bulk materials (e.g. rolls of upholstery) or preformed components, supplied to a manufacturer for incorporation in a vehicle tested according to this Regulation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1.3.5. Group of seat: A bench seat or contiguous separate seats that accommodate one or more seated adult persons.

1.3.6. Bench seat: A structure complete with trim, intended to seat two adult persons or more.

1.3.7. Vehicle type: Products of one industrial owner, which carry similar make, design and technical specifications and derive from the same production line. Vehicles contain no variations on:

- Type;

- Make;

- Size and unladen mass of vehicles (tolerance must not exceed permissible deviation limit as per current regulations and standards);

- Permissible number of passengers;

- Shape and structure of cabin, chassis or bodywork;

- Engine, drive system;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Brake system: motion drive model, brake structure; - Steering system: steering approach and structure; - Suspension system: type and structure; - Motion drive system: beam axle; - - Specialized mechanism (if available);

- Components and materials used in the vehicle’s interior structure.

1.3.8 Component: Constituents, systems and parts used for the assembly of the vehicle.

1.3.9. Type of component: Components that do not differ from the following essential respects:

- The manufacturer’s type designations;

- The intended use (seat upholstery, roof lining, etc.);

- The base material(s) (e.g. wool, plastics, rubber, blended materials);

- The number of layers (of composite materials);

- Other technical characteristics that have appreciable effect on properties as defined in this Regulation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1.3.11. Composite material: A material composed of several layers of similar or different materials intimately held together at their surfaces by cementing, bonding, cladding, welding, etc. When different materials are connected with each other (e.g. by sewing, high-frequency welding, riveting), such materials shall be deemed as composite materials.

1.3.12. Exposed face: The side of an interior material, when mounted in the vehicle, facing towards the passenger compartment.

1.3.13. Upholstery: Interior padding and surface finish material, which jointly constitute the elastic cushioning of the seat frame.

1.3.14. Interior lining(s): Material(s) that (together) constitute(s) the surface finish and substrate of a roof, wall or floor.

2. TECHNICAL REQUISITES

2.1. Testing of a vehicle type with regard to the burning behavior of interior components used in the passenger compartment.

2.1.1. Certification of quality of Interior materials used in the vehicle’s passenger compartment must abide by Clause 2.2 of this Regulation.

2.1.2 Interior materials and/or equipment used in the passenger compartment and/or appurtenances tested and certified as interior components must be installed in such a manner that risks of flame development and propagation are minimized.

2.1.3 Such interior materials and/or equipment must be installed in accordance with their intended purposes and tests that they have passed (see Clauses 2.2.1, 2.2.2 and 2.2.3 of this Regulation), particularly in relation to their burning and melting behavior (in horizontal and vertical direction).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2.2. Testing and certification of an interior component for or with regard to the burning behavior of an interior material shall include:

2.1.1. Requirement for the horizontal burning rate of materials (as per Annex C of this Regulation).

The following materials must be tested:

- Material(s) used for the upholstery of seat and its accessories (including the driver's seat);

- Material(s) used for the interior lining of the roof;

- Material(s) used for the interior lining of side and rear walls, including separation walls;

- Material(s) with thermal and/or acoustic function;

- Material(s) used for the interior lining of the floor;

- Material(s) used for the interior lining of luggage racks, heating and ventilation pipes;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The horizontal burning rate of materials must be tested according to Annex C of this Regulation. The result of the test shall be considered satisfactory if the horizontal burning rate does not exceed 100 mm/minute or if flames die out before reaching the last measuring point.

2.2.2.2 Requirement for the melting behavior of materials (as per Annex D of this Regulation)

The following materials must be tested:

- Material(s) used for the interior lining of the roof;

- Material(s) used for the interior lining of luggage racks, heating and ventilation pipes;

- Material(s) for light fittings at luggage racks and/or roof.

The melting behavior of materials must be tested according to Annex D of this Regulation. The result of the test is deemed satisfactory if any drop formed does not ignite the cotton wool.

2.1.3. Requirement for the vertical burning rate of materials (as per Annex E of this Regulation).

Materials used for curtains and blinds (and/or other hanging materials) must undergo the test.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2.2.4. The following materials are not required to undergo the tests as defined in Annex C, D and E of this Regulation:

2.2.4.1. Parts made of metal or glass.

2.2.4.2. Each individual seat accessory with a mass of non-metallic material less than 200 g. If the total mass of accessories is over 400 g larger than the mass of the seat's non-metallic materials, each material must be tested.

2.2.4.3. Elements whose surface area or volume, respectively, does not exceed:

- 100 cm2 or 40 cm3 for the elements connected to an individual seat;

- 300 cm2 or 120 cm3 per seat row and, to the maximum, per linear meter of the interior of the passenger compartment for the elements that are allocated in the vehicle and not attached to an individual seat.

2.2.4.4. Elements that are not possible to extract a sample in dimensions as prescribed in Clause C.3.1, D.3.1 and E.3.1 of this Regulation.

3. REQUISITES FOR MANAGEMENT

3.1. Methods of testing

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3.2. Technical documents and sampling

Manufacturers, assemblers and importers of vehicles and producers and importers of interior components, when requiring tests, must provide testers with technical documents and samples according to Clause 3.2.1 and 3.2.2 of this Regulation.

3.2.1. Requirement for technical documents

Technical documents comprise:

- For inspection of vehicles: Specification registration sheet as per Annex A of this Regulation

- For inspection of interior components: Specification registration sheet as per Annex B of this Regulation

3.2.1. Requirement for sampling

3.2.2.1. For inspection of vehicles: A representative vehicle that represents the type to be inspected or such vehicle combines with the sample vehicle used for certification of the vehicle type.

3.2.2.2. For interior components certified: A list of certification numbers and manufacturers’ type designations of relevant interior components, with technical documents for vehicle inspection.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3.2.2.3.1. Samples of interior components used in the vehicle in quantity as specified in Clause C.1.1, D.1.1 and E.1.1 of this Regulation. Shape and size of samples must conform to requirements in Clause C.3.1, D.3.1 and E.3.1 of this Regulation.

3.2.2.3.2 For interior components such as seats, curtains, separation walls and so on: the samples as prescribed in Clause 3.2.2.3.1 of this Regulation plus some complete components as stated above.

3.3. Test report

Testers must execute test reports that at least state requisites in this Regulation by type of vehicle or interior component.

3.4. Enforcement of requisites

If documents mentioned in this Regulation are amended or replaced, new documents shall take effect.

4. ENFORCEMENT

4.1. Course of implementation

This Regulation shall come into force as of 01 June 2014; however, Clause 2.2 shall apply to new types of vehicle and interior component as of 01 June 2016 and to types of vehicles and interior component certified in writing for type quality as of 01 June 2018.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Vietnam Register shall be responsible for implementing this Regulation and providing guidelines for inspection of quality and technical safety for vehicles and/or interior components manufactured, assembled and imported.

 

ANNEX A

TECHNICAL SPECIFICATION REGISTRATION SHEET
(For inspection of a vehicle type with regard to the burning behavior of interior components used in the passenger compartment)

If systems, components or separate technical units have electronic controls, information concerning their operation must be provided)

A.1. General

A.1.1. Make:  ..........................................................................................................

A.1.2. Type and general description of the product: ..................................................

A.1.3. Methods for identification of type (if marked on the vehicle): ...........................

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

A.1.5. Category of vehicle1/: .....................................................................................

A.1.6. Name and address of the manufacturer: .........................................................

A.1.7. Address of the assembly factory: ..................................................................

A.2. General structural characteristics of the vehicle

A.2.1. Photographs and drawings of a representative vehicle:

A.3. Bodywork

Interior equipment

A.3.1. Seat

A.3.1.1. Quantity: ....................................................................................................

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

A3.2.1. Material(s) used for interior lining of the roof

A.3.2.1.1. Certification number(s):.............................................................................

A.3.2.2. Material(s) used for the rear and side walls

A.3.2.2.1. Certification number(s): ............................................................................

A.3.2.3. Material(s) used for the floor

A.3.2.3.1. Certification number(s): ............................................................................

A.3.2.4. Material(s) used for seat upholstery

A.3.2.4.1. Certification number(s): ............................................................................

A.3.2.5. Material(s) used for heating and ventilation pipes

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

A.3.2.6. Material(s) for luggage racks

A.3.2.6.1. Certification number(s): ............................................................................

A.3.2.7. Material(s) used for light fittings.

A.3.2.7.1. Certification number(s): ............................................................................

A.3.2.8. Material(s) for curtains and blinds

A.3.2.8.1. Certification number(s): ............................................................................

A.3.2.9. Material(s) used for other purposes

A.3.2.9.1. Use: ........................................................................................................

A.3.2.9.2. Certification number(s): ............................................................................

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

A.3.2.10.1. Certification number(s): ...........................................................................

We undertake that this sheet matches the vehicle type registered to undergo tests and assume all liabilities for issues out of false or insufficient information declared in this sheet.

 

 

Date: … … ....
Declarant (Organization or Person)

(sign and seal)

____________

1/ As per definitions in TCVN 6211 and TCVN 7271 standards

 

ANNEX B

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

If systems, components or separate technical units have electronic controls, information concerning their operation must be provided)

B.1. General

B.1.1. Make: ...........................................................................................................

B.1.2. Type and general description of the product: ..................................................

B.1.3. Name and address of the manufacturer: .........................................................

B.1.4. Address of the assembly factory:

B.2. Interior materials

B.2.1. Material(s) used for:........................................................................................

B.2.2. Base material(s)/ designation: ........................................................................

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

B.2.4. Type of coating (if available): .........................................................................

B.2.5. Maximum/ minimum thickness .................................................................. mm

B.2.6. Certification number(s): ..................................................................................

We undertake that this sheet matches the interior component registered to undergo tests and assume all liabilities for issues out of false or insufficient information declared in this sheet.

 

 

Date: … … …
Declarant (Organization or Person)

(sign and seal)

 

ANNEX C

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

C.1. Sampling method

C.1.1. Five samples of an isotropic material shall be tested or ten samples of a non-isotropic material shall be tested (five for each direction).

C.1.2. Samples must be extracted from the material tested. If the burning rates in different directions vary, each direction must be tested. Samples must be taken and placed in test apparatuses in such a manner that the highest burning rate can be determined. When the material is supplied in widths, a length of at least 500 mm shall first be cut, covering the entire width; thence, equidistant samples with length of at least 100 mm shall be taken from the material edge. The sampling of finished products shall follow the similar method if feasible as per the shape of the product. When the thickness of the finished product is more than 13 mm, it must be reduced to 13 mm through a mechanical process applied to the surface not facing towards the passenger compartment. If such reduction is not viable, tests shall be carried out on the initial thickness of the material, which must be stated in the test report.

Composite materials must be tested (see Clause 1.3.11) if they have uniform composition. If materials are made of superimposed layers of different compositions that are not composite materials, all layers of such materials within a depth of 13 mm from the surface facing towards the passenger compartment shall be tested separately.

C.1.3. Samples shall be held horizontally in a U-shaped holder and are exposed to the action of a flame acting on the free end of the holder in 15 seconds in a combustion chamber.

C.2. Test apparatus

C.2.1. Combustion chamber (see Figure C.1), made of stainless steel in dimensions specified in Figure C.2. The front of the chamber contains a fire-resistant observation window. Such window may cover the front and be constructed as an access panel.

The bottom of the chamber has vent holes and the top has vent slots all around. The combustion chamber is 10 mm high and shall be placed on four feet.

The chamber may have one hole at one end for the insertion of the sample holder; at the opposite end, another hole is available for the gas line. Melted material escapes into a tray (see Figure C.3), which is placed on the bottom of the chamber between vent holes. The tray must not mantle any areas of the vent holes.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Figure C.1: A combustion chamber with sample holder and drip tray

 

 

Figure C.2: Combustion chamber

 (Dimensions are displayed in millimeters)

Figure C.3: Typical drip tray

 (Dimensions are indicated in millimeters)

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The lower plate is equipped with pins matched by holes in the upper plate to assure a firm grip of the sample. The pins also serve as measuring points at the beginning and end of the burning distance.

Heat resistant supportive wires 0.25 mm in diameter shall span at 25-mm intervals over the U-shaped frame at the bottom.

The plane of the lower side of samples must be 178 mm above the floor plate of the chamber. The distance of the front edge of the sample holder from the other end of the chamber must be 22 mm. The distance of longitudinal sides of the sample holder from the sides of the chamber must be 50 mm (all dimensions are measured inside the chamber) (see Figure C.1 and Figure C.2).

Figure C.4: Sample holder

 (Dimensions are indicated in millimeters)

 

Figure C.5: Section of lower U-shaped frame design for wire support

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

C.2.3. Gas burner

A Bunsen burner with a diameter of 9.5 mm ± 0.5 mm provides the ignition source. The ignition source is so located in the test cabinet that the center of the burner’s nozzle is 19 mm below the center of the bottom edge of the open end of the sample (see Figure C.2).

C.2.4. Test gas

The gas supplied to the burner must have a calorific value near 38 MJ/m3 (e.g. natural gas, LPG)

C.2.5. Metal comb at least 110 mm in length with 7 to 8 smooth rounded teeth per 25 mm.

C.2.6. Stop swatch accurate to 0.5 second.

C.2.7. Fume cupboard

The combustion chamber may be placed in a fume cupboard provided that the internal volume of the cupboard is at least 20 times but at most 110 times greater than the chamber. Moreover, one of three dimensions including the length, width or height of the cupboard must not be 2.5 times larger than the other two dimensions. Before the test, the vertical velocity of the air passing through the fume cupboard must be measured 100 mm before and behind the location of the chamber. Such velocity must range from 0.10 m/s to 0.30 m/s in order to prevent combustion products from causing discomfort to the operator. A fume cupboard with natural ventilation and appropriate air velocity may be utilized.

C.3. Samples

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

C.3.1.1. The shape and dimensions of samples are shown in Figure C.6. The thickness of samples shall match that of the products to be tested. Thickness must not exceed 13 mm. Samples, when taken, must have a constant section over its entire length.

Figure C.6: Sample

 (Dimensions are shown in millimeters)

C.3.1.2. If the shape and dimensions of a product do not permit the extraction of samples by given dimensions, these minimum dimensions must be followed:

 (a) For samples having a width of 3 mm to 60 mm, the length shall be 356 mm. In this case, the material is tested in the product’s width;

 (b) For samples having a width of 60 mm to 100 mm, the minimum length shall be 138 mm. In this case, the potential burning distance corresponds with the length of the sample. Data shall be measured from the first measuring point.

C.3.2. Test condition

Samples must be kept in ambient temperatures of 23°C ± 2°C and relative humidity of 50% ± 5% in at least 24 hours but not more than 7 days. Such condition must be maintained until the instant before the start of the test.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

C.4.1. First, the sample with napped or tufted surfaces shall be laid on a flat surface and brushed with a metal comb twice against the nap (see Clause C.2.5).

C.4.2. The sample shall be then placed in the sample holder (see Clause C.2.2) in such a manner that the exposed side lies face downwards to the flame.

C.4.3. The gas flame shall then be adjusted to a height of 38 mm according to the mark in the combustion chamber and the air intake of the closed burner. Before the start of the first test, the flame must burn stably in at least one minute.

C.4.4. The sample holder is inserted into the chamber in such a way that the sample's end is exposed to the flame. Gas flow shall be then cut off after 15 seconds.

C.4.5. The burning time shall be measured upon the flame's licking the first measuring point. The propagation of the flame shall be monitored on the side that burns faster than the other (upper or lower side).

C.4.6. The measured burning time stops when the flame reaches the last measuring point or when the flame dies before reaching the last measuring point. If the flame does not reach the last measuring point, the burning distance shall be measured up to the point where the flame extinguishes. The burning distance refers to the decomposed part of the sample, whose surface or interior is destroyed.

C.4.7. If the sample does not catch fire or stops burning upon the extinguishment of the burner (i.e. the burning time is not measurable), the test report shall indicate the burning rate at 0 mm/minute. The sample applies to the circumstance in which the flame dies before reaching the first measuring point.

C.4.8. When a series of tests is carried out or a test is repeated, the maximum temperature of the chamber and the sample holder must be maintained at 30oC prior to the following test.

C.5. Calculation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

B = 60 S/t

Including:

S - the burning distance, in millimeters;

t - the time consumed, in seconds, to burn the distance S.

The burning rate (B) of each sample shall only be calculated when the flame reaches the last measuring point or burn to the end of the sample.

 

ANNEX D

TESTING OF MELTING BEHAVIOR OF MATERIALS

D.1. Sampling method

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

D.1.2. Each sample is inserted in horizontal position into an electric radiator. A receptacle is placed under the sample to collect the resultant drops. Some cotton wool is put on the receptacle to verify if any drops ignite flame.

D.2. Test apparatus

Apparatuses shall consist of (see Figure D.1):

 (a) An electric radiator;

 (b) A sample holder with grill;

 (c) A receptacle (for resultant drops);

 (d) A stand (for the fitting of the apparatuses)

D.2.1. The electric radiator with useful output of 500 W is the source of heat. The radiating surface must be made of a transparent quartz plate 100 mm ± 5 mm in diameter.

The heat radiating from the apparatuses shall be measured on a surface that is parallel to the radiator’s surface at a distance of 30 mm. Such heat must reach 3 W/cm2.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 (a) interior diameter: 118 mm;

 (b) dimension of grill’s hole: 2.10 mm square; (c) diameter of steel wire: 0.70 mm. D.2.3. The receptacle shall consist of a cylindrical tube with interior diameter of 118 mm and depth of 12 mm. The receptacle must be filled with cotton wool.

D.2.4. A vertical stand shall hold the apparatuses as stated in Clause D.2.1, D.2.2 and D.2.3.

The radiator is attached to the top of the stand in such a manner that the heat-radiating surface is horizontal and downward.

A level or pedal shall be fitted in the stand to elevate the radiator holder gradually. A catch must also be provided to return the radiator back to its normal position.

The radiator’s axis, the sample holder and the receptacle, in their normal positions, must match each other.

D.3. Samples

D.3.1. The dimensions of a test sample must be 70 mm x 70 mm. Samples must be extracted from finished products in a same manner when the shape of the finished products permits such extraction. When the thickness of the finished product is more than 13 mm, it must be reduced to 13 mm through a mechanical process applied to the surface not facing towards the passenger compartment. If such reduction is not viable, tests shall be carried out on the initial thickness of the material, which must be indicated in the test report.

D.3.2. Composite materials (see Clause 1.3.11) must be tested if they have uniform composition.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

D.3.4. The total mass of the sample tested must be at least 2 g. If the mass of one material is lower than such value, samples must be added to suffice.

D.3.5. If two faces of the material differ, both faces shall be tested. In other words, eight samples shall undergo the test. Samples and cotton wool must be kept in ambient temperatures of 23°C ± 2°C and relative humidity of 50% ± 5% in at least 24 hours. Such condition shall be maintained until the instant immediately preceding the test.

D.4. Test procedure

D.4.1. The sample is placed on the sample holder. The holder is so positioned that the distance between the radiator’s surface and the upper side of the sample is 30 mm.

D.4.2. The receptacle filled with cotton wool is located beneath the grill of the sample holder at a distance of 300 mm.

D.4.3. The radiator is put aside before being switched on to avoid the radiation of heat onto the sample. When the radiator reaches its full testing capacity, it is placed above the sample and timing starts.

D.4.4. If the material melts or deforms, the height of the radiator must be adjusted to be maintained at the distance of 30 mm.

D.4.5. If the material burns, the radiator shall be moved aside after 3 seconds. The radiator is returned in position when the flame languishes. The procedure is similarly repeated as frequently as necessary during the first five minutes of the test.

After the fifth minute of the test:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 (ii) If the material is on fire, the flame has to extinguish before the radiator returns into position again.

In both cases, the test must carry on for another five minutes.

D.5. Test result

Events observed have to be transcribed into the report, for example:

 (i) formation of any drops, whether flammable or not;

 (ii) ignition of cotton wool.

Figure D.1: Apparatuses for testing of melting behavior of materials

 (Dimensions are shown in millimeters)

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ANNEX E

TESTING OF VERTICAL BURNING RATE OF MATERIALS

E.1. Sampling method

E.1.1. Three samples of an isotropic material or six samples of a non-isotropic material shall be tested.

E.1.2. In this test, samples are held in vertical position then exposed to a flame. The speed at which the flame spreads over the material tested shall be determined.

E.2. Test apparatus

Apparatuses include:

 (a) a sample holder;

 (b) a burner;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 (d) a template;

 (e) marker threads of white mercerized cotton with a maximum linear density of 50 tex.

E.2.1. The sample holder is composed of a rectangular frame 560 mm in length. Such frame has two rigidly connected parallel rods spaced 150 mm apart from each other. The sample shall be mounted on pins fitted on the rods. The sample is positioned on a plane at least 20 mm from the holder's frame. The pins for mounting the sample must have a diameter of at most 2 mm and a length of at least 27 mm. The pins are positioned on two rods of the rectangular frame's as per Figure E.1. The frame is installed onto a suitable support to maintain the two rods in vertical position during the test. Spacer stubs 2 mm in diameter may abut on the pins to locate the sample on a plane distant from the holder’s frame.

E.2.2. The burner is described in Figure E.3.

Commercial propane gas or commercial butane gas shall be fed to the burner.

The burner must be positioned in front of but below the sample in such a manner that the burner enters the plane passing through the vertical centerline of the sample and being perpendicular to the sample’s surface (see Figure E.2). Moreover, the burner's longitudinal axis must be inclined upwards at 30o to the vertical direction of the lower edge of the sample. The distance between the tip of the burner and the sample’s lower edge must be 20 mm.

E.2.3. The apparatuses may be placed in a fume cupboard provided that the internal volume of the cupboard is at least 20 times but at most 110 times greater than the apparatuses. Moreover, one of three dimensions including the length, width or height of the cupboard must not be 2.5 times larger than the other two dimensions. Before the test, the vertical velocity of the air passing through the fume cupboard must be measured 100 mm before and behind the location of the combustion chamber. Such velocity must range from 0.10 m/s to 0.30 m/s in order to prevent combustion products from causing discomfort to the operator. A fume cupboard with natural ventilation and appropriate air velocity may be utilized.

E.2.4. A flat rigid template made of a suitable metallic material must be provided. The size of the template shall correspond with that of the sample. Holes having an approximate diameter of 2 mm shall be worn in the template and so positioned as to match the intervals between the centers of the holes and the intervals between the pins on the sample holder (see Figure E.1). Such holes shall be equidistant along the vertical centerline of the template.

E.3. Samples

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

E.3.2. Samples must be kept in ambient temperatures of 23°C ± 2°C and relative humidity of 50% ± 5% in at least 24 hours. Such condition shall be maintained until the instant right before the start of the test.

E.4. Test procedure

E.4.1. The test must be carried out in atmospheric temperatures of 10°C to 30°C and relative humidity between 15% and 80%.

E.4.2. The burner must be preheated in 2 minutes. The height of the flame shall be adjusted to 40 mm ± 2 mm. Such height grows from the top of the burner's tube and the yellow tip of the flame that burns in vertical direction under low light condition.

E.4.3. The sample is mounted onto the holder's pins. Such pins must pass through the points on the sample, which are marked by the template. The distance between the sample and the holder's frame must be at least 20 mm. The frame shall be fitted on a stand to keep the sample in vertical position.

E.4.4. The marker threads shall be stretched over the sample at positions as shown in Figure E.1. At each position, a loop of thread shall be hung in such a manner that two strings are spaced 1 mm and 5 mm from the plane in front of the sample.

Each loop shall be attached to a suitable timing instrument. Sufficient tension shall be imposed on the threads to maintain their position on par with the sample.

E.4.5. The sample shall be exposed to fire in 5 seconds. Ignition shall be deemed to have occurred if the sample still burns in 5 seconds after the removal of the igniting flame. If ignition does not occur, another sample shall be exposed to the flame in 15 seconds.

E.4.6. If any result in any set of three samples exceeds the minimum result by 50%, another set of 3 samples shall undergo the test for the same direction or side. If one or two samples in any set of three do not burn to the top marker thread, another set of three shall undergo the test for the same side or direction.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 (a) upon the exposure of the igniting flame to the sample to the severance of the first marker thread (t1);

 (b) upon the exposure of the igniting flame to the sample to the severance of the second marker thread (t2);

 (c) upon the exposure of the igniting flame to the sample to the severance of the third marker thread (t3);

E.5. Test result

Events observed have to be transcribed into the report, for example:

 (i) periods of combustion: t1, t2 and t3 [seconds] (ii) relevant distances of combustion: d1, d2 and d3 [mm] For the sample on which the flame spreads to the first marker thread at lowest pace, its burning rate V1, V2 and V3 (if applicable) shall be determined as follows:

Vi = 60 di/ti (mm/minute)

Out of V1, V2 and V3, the fastest burning rate shall be taken into account.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 (Dimensions are shown in millimeters)

Figure E.2: Location of the burner

Figure E.3: Gas burner

 (Dimensions are shown in millimeters)

 

ANNEX F

CERTIFICATE (sample form)

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM

MINISTRY OF TRANSPORT
VIETNAM REGISTER

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom - Happiness

Số (No): ………………..

 

 

GIẤY CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG KIỂU LOẠI
DÙNG CHO LINH KIỆN NỘI THẤT XE CƠ GIỚI
TYPE APPROVAL CERTIFICATE FOR SYSTEMS/COMPONENTS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Under the Circular No. 40/2013/TT-BGTVT dated 01 November 2013 by Minister of Transport

Căn cứ hồ sơ đăng ký số:                                                                                 Ngày     /     /
Pursuant to the Technical document N°                                                            Date

Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng:
Standard, regulation applied

Căn cứ báo cáo kết quả đánh giá điều kiện kiểm tra chất lượng số:                  Ngày     /     /
Pursuant to the results of C.O.P Testing record N°                                             Date

Căn cứ báo cáo kết quả thử nghiệm số:                                                             Ngày    /     /
Pursuant to the results of Testing record N°                                                       Date

CỤC TRƯỞNG CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM CHỨNG NHẬN
General Director of Vietnam Register hereby approves that

Kiểu loại sản phẩm (System/ Component type):

Nhãn hiệu (Make):                                                                          Số loại (Type):

(Các nội dung liên quan tới thông số kỹ thuật và chất lượng cho từng đối tượng sản phẩm sẽ do Cơ quan chứng nhận chất lượng quy định cụ thể)

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

 

 

 

Kiểu loại sản phẩm nói trên phù hợp với Quy chuẩn QCVN:            : 2013/BGTVT.
The product is in compliance with the QCVN:       : 2013/BGTVT.

 

Ghi chú:
(Note)

Ngày     tháng    năm     (Date)
CỤC TRƯỞNG CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM
Vietnam Register
General Director

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 40/2013/TT-BGTVT ngày 01/11/2013 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Kết cấu an toàn chống cháy của xe cơ giới và về Yêu cầu an toàn chống cháy của vật liệu sử dụng trong kết cấu nội thất xe cơ giới do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


9.168

DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.98.108
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!