UBND
TỈNH BẠC LIÊU
SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
65/QĐ-SGTVT
|
Bạc
Liêu, ngày 07 tháng 08 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH CẤP GIẤY PHÉP THI CÔNG VÀ GIẤY
PHÉP CHO XE QUÁ KHỔ, QUÁ TẢI LƯU HÀNH TRÊN ĐƯỜNG BỘ
GIÁM ĐỐC SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI BẠC LIÊU
Căn cứ Quyết định số 04/QĐ-UB,
ngày 01/01/1997 và Quyết định số: 1170/QĐ-UB, ngày 21/11/1997 của UBND tỉnh Bạc
Liêu V/v quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở GTVT Bạc Liêu;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ
ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Nghị định 186/2004/NĐ-CP
ngày 05/11/2005 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng
giao thông đường bộ;
Căn cứ Quyết định số
63/2007/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Quy định
về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và lưu hành xe bánh xích gây hư hại
mặt đường, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ trên đường bộ;
Căn cứ Quyết định số:
27/2005/QĐ-BGTVT ngày 17 tháng 5 năm 2005 của Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải về
quản lý đường thủy nội địa;
Xét đề nghị của Văn phòng Sở và
Phòng QLGT & KTTT,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy trình cấp
giấy phép thi công và giấy phép cho xe quá khổ, quá tải lưu hành trên đường bộ".
Điều 2.
Bãi bỏ các quy định trước đây trái với quy trình này.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Sở, Trưởng phòng QLGT & KTTT Sở; Giám
đốc Ban QLDA CTGT, Giám đốc Đoạn Quản lý đường bộ & Đường sông Bạc Liêu;
Chánh Thanh tra Sở; các phòng chức năng của Sở và các đơn vị có liên quan căn cứ
quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực kể từ
ngày ký.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- GĐ, PGĐ Sở;
- Lưu VP Sở.
|
GIÁM
ĐỐC
Ngô Hữu Dũng
|
QUY TRÌNH
CẤP PHÉP THI CÔNG VÀ CẤP PHÉP CHO XE QUÁ KHỔ, QUÁ TẢI LƯU
HÀNH TRÊN ĐƯỜNG BỘ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 65/QĐ-SGTVT ngày 07 tháng 08 năm
2008)
I. Mục đích:
Công tác cấp phép thi công trên
công trình giao thông đang khai thác, hành lang an toàn đường bộ và cấp phép
cho xe quá khổ quá tải nhằm bảo vệ kết cấu, độ bền vững của công trình giao
thông và an toàn giao thông cho các phương tiện khi tham gia giao thông trên địa
bàn tỉnh Bạc Liêu.
II. Phạm vi áp dụng:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan
đến việc đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác các tuyến đường bộ & đường
thủy do tỉnh quản lý;
Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan
đến việc vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng bằng phương tiện cơ giới đường
bộ, lưu hành xe bánh xích gây hư hại mặt đường; xe quá tải trọng, quá khổ giới
hạn an toàn của đường bộ trên đường bộ trong địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
III. Nội dung:
A. Công tác cấp
phép thi công:
1. Căn cứ các văn bản pháp luật
có liên quan:
- Nghị định 186/2004/NĐ-CP ngày
05/11/2005 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao
thông đường bộ;
- Nghị định 21/2005/NĐ-CP ngày
01/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật giao
thông đường thủy nội địa;
- Thông tư 13/2005/BGTVT ngày 07
tháng 11 năm 2005 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số
186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo
vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
- Quyết định 04/2006/QĐ-BGTVT ngày
09/1/2006 của Bộ Giao thông vận tải V/v Ban hành quy định về bảo đảm an toàn
giao thông khi thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ;
- Quyết định 27/2005/QĐ-BGTVT ngày
17/5/2005 của Bộ Giao thông vận tải về quản lý đường thủy nội địa;
- Quyết định 21/2005/QĐ-UBND ngày
27/9/2005 của UBND tỉnh Bạc Liêu V/v Ban hành quy định về đảm bảo trật tự an
toàn giao thông và bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa.
2. Nơi tiếp nhận hồ sơ:
Văn phòng Sở Giao thông vận tải Bạc
Liêu.
3. Nội dung hồ sơ xin cấp phép:
a. Giấy phép thi công công trình
trên đường bộ và hành lang an toàn đường bộ:
- Đơn xin phép thi công (theo mẫu)
kèm theo thiết kế kỹ thuật, thiết kế tổ chức thi công, biện pháp điều tiết giao
thông và tổ chức thi công bảo đảm an toàn giao thông khi thi công được cấp có
thẩm quyền phê duyệt;
- Văn bản thỏa thuận của Sở GTVT và
quy hoạch phát triển hệ thống các cửa hàng được cấp có thẩm quyền phê duyệt
(xăng dầu, vật liệu xây dựng, kinh doanh khác …);
- Văn bản chấp thuận thiết kế đoạn
đường dẫn nằm trong hành lang an toàn, thiết kế vị trí đấu nối vào đường tỉnh của
cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền;
- Bản cam kết tự dỡ bỏ công trình
hoặc thay đổi thiết kế đấu nối khi ngành đường bộ có yêu cầu sử dụng và không
yêu cầu bồi thường;
- Bản cam kết hoàn trả hiện trạng mặt
đường (theo mẫu).
(Ghi chú: trường hợp thi công
các công trình đơn giản như: đào đường để lắp đặt ống cấp nước, cáp quang, …
thì chỉ cần văn bản xin cấp giấy phép thi công của tổ chức, cá nhân; bản vẽ vị
trí thi công và cam kết hoàn trả mặt đường).
b. Giấy phép thi công trên đường
thủy nội địa và hành lang an toàn đường thủy nội địa:
- Đơn xin phép thi công (theo mẫu);
- Văn bản đề nghị xem xét chấp thuận
phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa;
- Phương án thi công công trình;
- Phương án bảo đảm an toàn giao
thông đường thủy nội địa khu vực thi công công trình, bao gồm:
+ Thuyết minh chung về dự án:
+ Bản vẽ mặt bằng tổng thể thể hiện
phương án bố trí báo hiệu bảo đảm an toàn giao thông, vị trí các trạm điều tiết
khống chế, bố trí phương tiện điều tiết khống chế;
+ Phương án bố trí nhân lực;
+ Quy chế hướng dẫn phương tiện qua
khu vực thi công;
+ Thời gian thực hiện phương án;
+ Bảng tổng hợp hạng mục và khối lượng
công việc;
- Bản cam kết hoàn trả hiện trạng
(theo mẫu).
c. Khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ
phụ trách phải kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, đồng thời yêu cầu các cơ quan quản
lý cung cấp thông tin để làm cơ sở cấp phép.
- Đối với giấy phép thi công trên
công trình đã thực hiện đầu tư xong và đưa vào sử dụng: trường hợp các công
trình mang tính phức tạp, thời gian thi công lâu, ảnh hưởng an toàn giao thông,
kết cấu công trình thì yêu cầu Đoạn quản lý đường bộ & đường sông Bạc Liêu
cung cấp các thông tin về vị trí thi công bằng văn bản để làm cơ sở cấp phép
(không quá 24 giờ).
- Các công trình đơn giản, thi công
nhanh, mang tính bức xúc cần xử lý kịp thời như lắp đặt ống nước, dây cáp quang
… thì trao đổi thông tin về vị trí thi công qua điện thoại với đơn vị quản lý để
làm cơ sở cấp phép.
- Đối với giấy phép thi công trên
công trình chuẩn bị đầu tư và đang thực hiện đầu tư: Ban QLDA CTGT Bạc Liêu có
trách nhiệm cung cấp thông tin bằng văn bản về quy hoạch và hồ sơ thiết kế chi
tiết để làm cơ sở cấp phép (trong 01 ngày làm việc).
4. Thời gian cấp phép thi công:
- Không quá 03 ngày làm việc kể từ
ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
5. Nơi nhận giấy phép và thu lệ
phí cấp phép:
Nơi nộp lệ phí (nếu có) và nhận giấy
phép thi công tại Văn phòng Sở GTVT.
B. Công tác cấp
giấy phép lưu hành đặc biệt:
1. Căn cứ pháp lý:
- Luật Giao thông đường bộ ngày 29
tháng 6 năm 2001;
- Quyết định số 63/2007/QĐ-BGTVT
ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Quy định về vận chuyển
hàng siêu trường, siêu trọng và lưu hành xe bánh xích gây hư hại mặt đường, xe
quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ trên đường bộ.
2. Nơi tiếp nhận hồ sơ:
Văn phòng Sở Giao thông vận tải Bạc
Liêu.
3. Nội dung hồ sơ xin cấp phép:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép lưu
hành xe bánh xích, xe quá tải, quá khổ theo mẫu kèm theo Quy định này. Kèm theo
đơn có vẽ sơ đồ xe ghi đầy đủ, chính xác các kích thước bao ngoài (nếu xe chở
hàng phải ghi đầy đủ, chính xác các kích thước bao ngoài khi đã xếp hàng hóa
lên xe hoặc lên rơ moóc, sơ mi rơ moóc: chiều cao, chiều rộng, chiều dài), khoảng
cách các trục xe, chiều dài đuôi xe. Đơn đề nghị cấp Giấy phép lưu hành là bản
chính, rõ ràng, đầy đủ, không được tẩy xóa; tổ chức, cá nhân đứng đơn đề nghị
phải là chủ phương tiện hay chủ hàng hoặc người điều khiển phương tiện phải ký
và ghi rõ họ, tên, đóng dấu nếu có;
b) Bản chụp giấy đăng ký hoặc giấy
đăng ký tạm thời (đối với phương tiện mới nhận), xe, đầu kéo, rơ moóc, sơ mi rơ
moóc.
c) Bản chụp các trang ghi về đặc điểm
phương tiện và kết quả kiểm định lần gần nhất của Sổ kiểm định an toàn kỹ thuật
và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Trường hợp phương
tiện mới nhận chỉ cần bản chụp tính năng kỹ thuật của xe (do nhà sản xuất gửi
kèm theo xe).
Người đến làm thủ tục xin cấp Giấy
phép lưu hành phải mang theo các bản chính của các bản chụp nêu trên để đối chiếu.
4. Thời gian cấp phép:
Thời gian xem xét cấp Giấy phép lưu
hành không quá 02 ngày ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
* Chú ý: Chỉ cấp phép quá tải cho
những trường hợp đặc biệt, đột xuất và máy móc thiết bị, hàng hóa không thể
tách rời được; tổng trọng lượng xe quá tải không vượt quá hệ số an toàn cầu đường.
5. Nơi nhận giấy phép và nộp lệ
phí cấp phép:
Lệ phí: 30.000đ/01 giấy phép (Thông
tư số 76/2004/TT-BTC ngày 29/7/2004)
Nơi nộp lệ phí và nhận giấy phép
lưu hành đặc biệt tại Văn phòng Sở GTVT.