Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 186/2004/NĐ-CP quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Số hiệu: 186/2004/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 05/11/2004 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 186/2004/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2004

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 186/2004/NĐ-CP NGÀY 05 THÁNG 11 NĂM 2004 QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghị định này quy định việc phân loại, đặt tên hoặc số hiệu đường bộ; tiêu chuẩn kỹ thuật của các cấp đường bộ; trình tự, thủ tục lập, phê duyệt và công bố quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phạm vi đất dành cho đường bộ; sử dụng, khai thác đất hành lang an toàn đường bộ và việc xây dựng các công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ; trách nhiệm quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Điều 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo các quy định của Nghị định này và các quy định pháp luật có liên quan.

Điều 3. Các hệ thống đường bộ trong cả nước là một mạng lưới liên hoàn do Nhà nước thống nhất quản lý, không phân biệt đường bộ được xây dựng bằng nguồn vốn nào.

Điều 4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Việc sử dụng, khai thác và xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường bộ phải bảo đảm giao thông thông suốt, trật tự an toàn và không được ảnh hưởng tới sự bền vững của công trình đường bộ.

Chương 2:

PHÂN LOẠI, ĐẶT TÊN VÀ SỐ HIỆU ĐƯỜNG BỘ

Điều 5. Mạng lưới đường bộ được chia thành 6 hệ thống sau:

1. Hệ thống quốc lộ là các đường trục chính của mạng lưới đường bộ, có tác dụng đặc biệt quan trọng phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước hoặc khu vực gồm:

a) Đường nối liền Thủ đô Hà Nội với thành phố trực thuộc Trung ương; với trung tâm hành chính các tỉnh;

b) Đường nối liền trung tâm hành chính của từ 3 tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) trở lên;

c) Đường nối liền từ cảng biển quốc tế đến các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên đường bộ.

2. Hệ thống đường tỉnh là các đường trục trong địa bàn 1 tỉnh hoặc 2 tỉnh gồm đường nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện hoặc với trung tâm hành chính của tỉnh lân cận; đường nối quốc lộ với trung tâm hành chính của huyện.

3. Hệ thống đường huyện là các đường nối từ trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường nối đường tỉnh với trung tâm hành chính của xã hoặc trung tâm cụm xã.

4. Hệ thống đường xã là các đường nối trung tâm hành chính của xã với các thôn, xóm hoặc đường nối giữa các xã.

5. Hệ thống đường đô thị là các đường nằm trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị.

6. Hệ thống đường chuyên dùng là các đường chuyên phục vụ cho việc vận chuyển, đi lại của một hoặc nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tư nhân.

Điều 6. Thẩm quyền phân loại và điều chỉnh các hệ thống đường bộ được quy định như sau:

1. Hệ thống quốc lộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định.

2. Hệ thống đường tỉnh do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

3. Hệ thống đường đô thị do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

4. Hệ thống đường huyện do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

5. Hệ thống đường xã do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định.

6. Hệ thống đường chuyên dùng do tổ chức, cá nhân có đường chuyên dùng quyết định sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với đường chuyên dùng nối với quốc lộ; ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với đường chuyên dùng nối với đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện; ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với đường chuyên dùng nối với đường xã.

Điều 7. Việc đặt tên, số hiệu đường bộ được quy định như sau:

1. Tên đường được đặt theo tên danh nhân, người có công hoặc tên di tích, sự kiện lịch sử văn hoá, tên địa danh hoặc tên theo tập quán; số hiệu đường được đặt theo số tự nhiên kèm theo chữ cái nếu cần thiết.

2. Đường bộ đặt theo tên gồm chữ "Đường" kèm với tên; đặt theo số hiệu gồm tên hệ thống đường kèm với số hiệu.

Trường hợp đường đô thị trùng với quốc lộ thì sử dụng cả tên đường đô thị và tên, số hiệu của quốc lộ.

3. Tên, số hiệu đường bộ tham gia vào mạng lưới đường bộ trong khu vực, đường bộ quốc tế thực hiện theo thoả thuận giữa Việt Nam với các quốc gia liên quan.

Trường hợp đường bộ trong nước trùng với đường bộ trong khu vực, đường bộ quốc tế thì sử dụng cả tên, số hiệu đường trong nước và tên, số hiệu đường trong khu vực, đường bộ quốc tế (nếu có).

4. Việc đặt tên, số hiệu đường bộ do cơ quan có thẩm quyền phân loại đường bộ quyết định; riêng đường đô thị, đường tỉnh đặt theo tên do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể việc đặt tên, số hiệu đường bộ.

Chương 3:

QUY HOẠCH KẾT CẤU HẠ TẦNG VÀ TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT ĐƯỜNG BỘ

Điều 8.

1. Trách nhiệm lập và thẩm quyền phê duyệt quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được quy định như sau:

a) Căn cứ vào chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và nhu cầu đi lại của nhân dân, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chung của cả nước, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vùng (khu vực), quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng của hệ thống quốc lộ và một số quy hoạch đặc biệt được giao, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Căn cứ vào chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và nhu cầu đi lại của nhân dân địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chung của tỉnh và của cả nước; phê duyệt hoặc trình duyệt theo phân cấp. Riêng quy hoạch phát triển hệ thống đường tỉnh phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải; quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đô thị loại đặc biệt và đô thị loại 1 phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải.

2. Trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải tuân theo quy định của pháp luật về quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư và xây dựng.

3. Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sau khi được phê duyệt, cơ quan tổ chức xây dựng quy hoạch có trách nhiệm tổ chức công bố rộng rãi bằng các hình thức thích hợp.

Điều 9.

1. Đường bộ xây dựng mới phải bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật của từng cấp đường theo tiêu chuẩn Việt Nam và các tiêu chuẩn ngành của Bộ Xây dựng đối với đường đô thị hoặc các tiêu chuẩn ngành của Bộ Giao thông vận tải đối với đường ngoài đô thị; riêng đối với đường lâm nghiệp, đường khai thác mỏ và đường chuyên dùng khác phải áp dụng cả các tiêu chuẩn riêng của ngành đó.

Trường hợp áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật công trình đường bộ của nước ngoài thì phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

2. Các tuyến đường bộ đang khai thác chưa vào cấp phải được cải tạo, nâng cấp để đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật của cấp đường phù hợp.

Điều 10.

1. Công trình đường bộ xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo và công trình đường bộ đã đưa vào khai thác phải được thẩm định an toàn giao thông.

2. Thẩm định an toàn giao thông được thực hiện tại một hoặc một số trong các giai đoạn sau:

a) Báo cáo đầu tư xây dựng công trình;

b) Dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình;

c) Thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công;

d) Trước khi đưa công trình vào khai thác;

đ) Trong quá trình khai thác.

3. Việc thẩm định an toàn giao thông do một tổ chức gồm những người có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu của công việc thẩm định thực hiện; tổ chức này hoạt động độc lập với tổ chức tư vấn thiết kế đã lập hồ sơ dự án, thiết kế công trình.

4. Người có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc cho phép đầu tư quyết định dự án phải thẩm định, giai đoạn thẩm định và tổ chức thực hiện việc thẩm định an toàn giao thông.

5. Tổ chức thực hiện thẩm định an toàn giao thông có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ dự án, thiết kế công trình, kiểm tra hiện trường, phát hiện các khả năng tiềm ẩn về tai nạn giao thông, đề xuất, kiến nghị các biện pháp khắc phục.

6. Tư vấn thiết kế có trách nhiệm tiếp thu bằng văn bản các đề xuất, kiến nghị nêu trong báo cáo thẩm định an toàn giao thông và chỉnh sửa hồ sơ dự án, thiết kế theo nội dung đã tiếp thu. Đối với công trình đường bộ đã đưa vào khai thác, cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm tiếp thu các đề xuất, kiến nghị nêu trong báo cáo thẩm định an toàn giao thông và có phương án sửa chữa khắc phục.

7. Kinh phí thẩm định an toàn giao thông được xác định trong kinh phí đầu tư dự án đối với công trình xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo; được sử dụng trong nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường bộ đối với công trình đã đưa vào khai thác.

8. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể công tác thẩm định an toàn giao thông; phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về kinh phí thẩm định an toàn giao thông.

Chương 4:

PHẠM VI BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 11. Phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ, phần trên không, phần dưới mặt đất, phần dưới mặt nước có liên quan đến an toàn công trình và an toàn giao thông đường bộ.

Điều 12.

1. Đất của đường bộ là phần đất trên đó công trình đường bộ được xây dựng bao gồm cả các công trình giao thông tĩnh và các công trình phụ trợ. Công trình đường bộ gồm:

a) Nền, mặt đường, hè phố, nơi dừng xe, đỗ xe, hệ thống thoát nước, đèn tín hiệu, cọc tiêu, hàng rào chắn, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cột cây số, đảo giao thông, dải phân cách, hệ thống chiếu sáng, đường ngầm, tràn, đường cứu nạn;

b) Cầu, hầm, cống, kè, tường chắn;

c) Bến phà, bến cầu phao, phương tiện vượt sông và nơi cất dấu các phương tiện vượt sông;

d) Các công trình chống va, tường, kè chỉnh trị dòng nước;

đ) Trạm điều khiển giao thông, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí cầu đường, các thiết bị đếm xe;

e) Các mốc đo đạc, cột mốc lộ giới;

g) Các công trình phụ trợ an toàn giao thông.

2. Hành lang an toàn đường bộ là phần đất dọc hai bên đường bộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ.

Điều 13. Giới hạn hành lang an toàn đối với đường được quy định như sau:

1. Đối với đường ngoài đô thị: căn cứ cấp kỹ thuật của đường theo quy hoạch, phạm vi hành lang an toàn của đường có bề rộng tính từ mép chân mái đường đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào, mép ngoài của rãnh dọc hoặc mép ngoài của rãnh đỉnh của đường trở ra hai bên là:

20 m (hai mươi mét) đối với đường cao tốc, đường cấp I, cấp II;

15 m (mười lăm mét) đối với đường cấp III;

10 m (mười mét) đối với đường cấp IV, cấp V;

05 m (năm mét) đối với đường dưới cấp V.

2. Đối với đường trong đô thị: phạm vi hành lang an toàn của đường là bề rộng tính từ mép đường đến chỉ giới xây dựng của đường theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Đối với đường bộ song song với sông ngòi, kênh rạch có khai thác vận tải thủy mà hành lang an toàn bị chồng lấn thì phạm vi hành lang an toàn đường bộ tính từ mép bờ cao trở về phía đường bộ.

4. Đối với đường bộ song song liền kề với đường sắt mà hành lang an toàn bị chồng lấn thì ranh giới hành lang an toàn giữa đường bộ và đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.

Điều 14. Giới hạn hành lang an toàn đối với cầu, cống được quy định như sau:

1. Đối với cầu trên đường ngoài đô thị:

a) Theo chiều dọc cầu, từ đuôi mố cầu ra mỗi bên là:

50 m (năm mươi mét) đối với cầu có chiều dài từ 60 m trở lên;

30 m (ba mươi mét) đối với cầu có chiều dài dưới 60 m;

Trong trường hợp cầu có chiều dài đường dốc lên, dốc xuống lớn hơn quy định tại điểm a khoản 1 trên đây thì giới hạn hành lang an toàn được tính từ đuôi mố cầu ra đến hết chân dốc.

b) Theo chiều ngang cầu, từ phạm vi tiếp giáp với cầu, kể từ điểm ngoài cùng của kết cấu cầu trở ra mỗi phía là:

150 m (một trăm năm mươi mét) đối với cầu có chiều dài lớn hơn 300 m;

100 m (một trăm mét) đối với cầu có chiều dài từ 60m đến 300m;

50 m (năm mươi mét) đối với cầu có chiều dài từ 20m đến dưới 60m;

20 m (hai mươi mét) đối với cầu có chiều dài dưới 20m.

2. Đối với cầu trên đường trong đô thị:

a) Theo chiều dọc cầu, quy định như điểm a khoản 1 Điều này.

b) Theo chiều ngang cầu.

Từ mép lan can ngoài cùng của cầu trở ra mỗi bên 07 m (bảy mét) đối với phần cầu chạy trên cạn, kể cả phần cầu chạy trên phần đất chỉ ngập nước khi có nước lũ; đối với phần cầu còn lại, quy định như điểm b khoản 1 Điều này.

3. Giới hạn hành lang an toàn đối với cống, theo chiều dọc cống về hai phía bằng bề rộng hành lang an toàn của đường bộ.

Điều 15. Giới hạn hành lang an toàn đối với hầm đường bộ quy định như sau:

1. Trên đường ngoài đô thị: phạm vi trong vòng 100m (một trăm mét) cách các điểm ngoài cùng của các bộ phận kết cấu của hầm.

2. Trên đường trong đô thị: do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với từng dự án cụ thể.

Điều 16. Giới hạn hành lang an toàn đối với bến phà, cầu phao được quy định như sau:

1. Theo chiều dọc: bằng chiều dài đường xuống bến phà, cầu phao.

2. Theo chiều ngang: từ tim bến phà, cầu phao trở ra mỗi phía thượng lưu, hạ lưu là 150 m (một trăm năm mươi mét).

Điều 17. Giới hạn hành lang an toàn đối với kè được quy định như sau:

1. Kè chống xói để bảo vệ nền đường:

a) Từ đầu kè và từ cuối kè về hai phía thượng lưu, hạ lưu mỗi phía 50 m (năm mươi mét);

b) Từ chân kè trở ra sông 20 m (hai mươi mét).

2. Kè chỉnh trị dòng nước:

a) Từ chân kè về hai phía thượng lưu, hạ lưu mỗi phía 100 m (một trăm mét);

b) Từ gốc kè trở vào bờ 50 m (năm mươi mét);

c) Từ chân đầu kè trở ra sông 20 m (hai mươi mét).

Điều 18. Phạm vi bảo vệ đối với bến xe, bãi đỗ xe, trạm điều khiển giao thông, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí cầu đường và các công trình phục vụ quản lý đường là phạm vi vùng đất, vùng nước của công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định trong giấy phép sử dụng.

Điều 19. Giới hạn khoảng cách an toàn đường bộ đối với phần trên không được quy định như sau:

1. Đối với đường là 4,75 m (bốn mét bảy lăm) tính từ tim mặt đường trở lên theo phương thẳng đứng.

2. Đối với cầu là bộ phận kết cấu cao nhất của cầu, nhưng không thấp hơn 4,75 m (bốn mét bảy lăm) tính từ mặt sàn cầu trở lên theo phương thẳng đứng.

3. Chiều cao đường dây thông tin đi phía trên đường bộ phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu từ mặt đường đến đường dây thông tin là 5,50 m (năm mét năm mươi).

4. Chiều cao đường dây tải điện đi phía trên đường bộ hoặc gắn trực tiếp trên kết cấu của cầu phải bảo đảm an toàn cho hoạt động giao thông vận tải và an toàn lưới điện tùy theo điện áp cuả đường dây điện.

Điều 20. Giới hạn khoảng cách an toàn đường bộ theo chiều ngang đối với đường dây thông tin, dây tải điện: tính từ chân mái đường đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào đến cột tối thiểu bằng 1,3 lần chiều cao của cột và không được nhỏ hơn 05 m (năm mét).

Điều 21. Giới hạn khoảng cách an toàn đường bộ phần dưới mặt đất, phần dưới mặt nước đối với công trình đường bộ do cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền quy định đối với từng công trình cụ thể, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình, không ảnh hưởng đến việc quản lý, bảo trì đường bộ.

Điều 22. Đối với công trình đường bộ trong đô thị, giới hạn hành lang an toàn phải tuân theo quy định của Nghị định này và quy định về bảo vệ công trình đường bộ trong đô thị.

CHƯƠNG 5:

SỬ DỤNG, KHAI THÁC TRONG PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG BỘ

Điều 23.

1. Đất dành cho đường bộ chỉ dành để xây dựng công trình đường bộ, sử dụng và khai thác để phục vụ cho mục đích an toàn giao thông vận tải đường bộ.

2. Việc xây dựng một số công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ phải bảo đảm khai thác an toàn công trình đường bộ và chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau:

a) Công trình phục vụ yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng;

b) Công trình có yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật không thể bố trí ngoài phạm vi đất dành cho đường bộ;

c) Công trình phải bố trí trên cùng một mặt bằng với công trình đường bộ để bảo đảm tính đồng bộ và tiết kiệm.

Điều 24. Việc xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ phải tuân theo các quy định sau:

1. Lập và duyệt dự án, thiết kế theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.

2. Phải được cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ có thẩm quyền sau đây đồng ý bằng văn bản ngay từ khi lập dự án và chấp thuận hồ sơ thiết kế trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định:

a) Bộ Giao thông vận tải đối với công trình thuộc dự án nhóm A;

b) Cục Đường bộ Việt Nam đối với công trình thuộc dự án nhóm B, C liên quan đến quốc lộ và công trình xây dựng mới, sửa chữa nhưng chưa đến mức lập dự án liên quan đến quốc lộ thuộc phạm vi quản lý;

c) Sở Giao thông vận tải đối với công trình thuộc dự án nhóm B, C liên quan đến đường địa phương (ngoài đô thị) và công trình xây dựng mới, sửa chữa nhưng chưa đến mức lập dự án liên quan đến các đường thuộc phạm vi quản lý;

d) Sở Giao thông công chính hoặc Sở Xây dựng đối với công trình thuộc dự án nhóm B, C và công trình xây dựng mới, sửa chữa nhưng chưa đến mức lập dự án liên quan đến đường đô thị theo phân công của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Có giấy phép thi công bảo đảm an toàn giao thông của cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ có thẩm quyền.

Điều 25. Việc khai thác, sử dụng trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ được quy định như sau:

1. Được phép sử dụng, khai thác đất hành lang an toàn đường bộ để trồng cây lương thực, hoa mầu, cây ăn quả, cây lấy gỗ, nuôi trồng thủy sản, nhưng phải tuân theo các yêu cầu sau:

a) Đối với đường đắp, phải trồng cách mép chân đường ít nhất 01 m (một mét) đối với cây lương thực, hoa mầu và ít nhất 02 m (hai mét) đối với cây ăn quả, cây lấy gỗ;

b) Đối với đường đào phải trồng cách mép đỉnh mái đường hoặc mép ngoài rãnh đỉnh ít nhất 06 m (sáu mét);

c) Chỉ được trồng các loại cây ăn quả, cây lấy gỗ có rễ ăn sâu và không cản trở tầm nhìn của người tham gia giao thông đường bộ. Riêng tại các đoạn đường gần nơi đường giao nhau giữa đường bộ với đường bộ, giao cắt đường bộ với đường sắt và các vị trí ở phía bán kính nhỏ của đường cong dễ bị khuất tầm nhìn chỉ được trồng các loại cây thấp không cản trở tầm nhìn;

d) Các ao, hồ nuôi trồng thủy sản phải cách mép chân đường một khoảng tối thiểu bằng mức chênh lệch về độ cao giữa mép chân nền đường đắp và đáy ao, hồ. Mức nước trong ao, hồ không được cao hơn cao độ chân nền đường;

đ) Các mương thủy lợi phải cách chân mái đường đắp một khoảng cách tối thiểu bằng chiều sâu của mương và mức nước trong mương không được cao hơn cao độ chân nền đường, trừ trường hợp lũ lụt.

2. Khi xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ phải xây dựng hệ thống đường gom nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ và phải nối vào hệ thống đường nhánh hiện có trước khi nối với đường chính.

Trường hợp đường nhánh xây dựng mới được phép nối trực tiếp với đường chính hiện có thì điểm nối phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về đường bộ cho phép từ khi lập dự án và thiết kế phải bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn.

3. Các biển quảng cáo lắp đặt ở phần hành lang an toàn đường bộ phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền chấp thuận và không được gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

4. Việc sử dụng hành lang an toàn đường bộ liên quan đến công trình an ninh, quốc phòng liền kề phải có ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

5. Các trạm xăng dầu phải được xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ, theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền về vị trí và thiết kế đoạn đường dẫn vào trạm xăng dầu qua phần đất hành lang an toàn đường bộ bao gồm thiết kế điểm nối với đường hiện có, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn của đoạn đường đang khai thác.

Điều 26. Nghiêm cấm các hành vi sau đây:

1. Đào, khoan, xẻ đường trái phép.

2. Mở đường nhánh nối vào đường chính trái phép.

3. Đặt chướng ngại vật trên đường gây cản trở giao thông.

4. Thả rông, chăn dắt súc vật trên mặt đường, mái đường; buộc súc vật vào hàng cây hai bên đường hoặc vào cọc tiêu, biển báo, công trình phụ trợ khác của đường bộ.

5. Khai thác trái phép cát, đá, sỏi hoặc các hành vi khác làm ảnh hưởng tới an toàn công trình đường bộ.

6. Đào phá, đốt lửa, nổ mìn, neo buộc tầu thuyền hoặc gây ảnh hưởng đến an toàn cầu.

7. Tự ý leo trèo lên mố, trụ và dầm cầu.

8. Lấn, chiếm đất hành lang an toàn đường bộ dưới bất kỳ hình thức nào.

9. Các hành vi khác gây ảnh hưởng đến an toàn công trình và an toàn giao thông đường bộ.

Điều 27. Việc thi công công trình trên đường bộ đang khai thác phải tuân theo quy định về bảo đảm an toàn giao thông của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 28.

1. Trường hợp khẩn cấp, cơ quan phòng chống lụt bão có thẩm quyền có thể sử dụng công trình đường bộ phục vụ cho việc chống bão lụt; sau khi hoàn thành phải khôi phục lại trạng thái ban đầu của công trình đường bộ.

2. Trường hợp các cơ quan quản lý công trình đường bộ và cơ quan quản lý công trình thủy lợi đều có kế hoạch xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp công trình thì việc xây dựng mới, cải tạo nâng cấp công trình phải kết hợp với nhau.

3. Việc xây dựng công trình mới làm ảnh hưởng đến độ bền vững của công trình có trước hoặc làm trở ngại đến tác dụng của công trình đó thì cơ quan chủ quản công trình xây dựng mới phải có biện pháp xử lý bằng kỹ thuật theo sự thoả thuận của cơ quan chủ quản công trình cũ bị ảnh hưởng và chịu phí tổn để sửa chữa, khôi phục. Nếu đồng thời muốn cải tạo, mở rộng nâng cấp công trình có trước thì cơ quan chủ quản công trình cũ phải đầu tư phần tăng thêm.

Điều 29. Trường hợp các đoạn vừa là đường giao thông vừa là đê, việc sử dụng, khai thác phải tuân theo pháp luật về bảo vệ đê điều và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc ưu tiên bảo đảm an toàn đê điều.

Điều 30. Việc sử dụng, khai thác ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động, an toàn giao thông đường bộ, phải tuân theo các quy định sau:

1. Lò vôi, lò đúc kim loại, lò gạch, lò thủy tinh, lò gốm phải cách chân nền đường bộ ít nhất 25 m (hai lăm mét).

2. Nơi họp chợ và các điểm kinh doanh, dịch vụ phải nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ và mọi hoạt động không được để ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ.

3. Các kho chứa chất nổ, chất độc, chất dễ cháy; các mỏ khai thác bằng mìn ngoài việc phải ở ngoài hành lang an toàn đường bộ còn phải có một khoảng cách an toàn theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Các công trình khác ở ngoài hành lang an toàn đường bộ nhưng ảnh hưởng đến hoạt động giao thông và an toàn giao thông đường bộ phải được khắc phục, sửa chữa kịp thời.

Chương 6:

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 31. Tổ chức và phân cấp quản lý đường bộ được quy định như sau:

1. Bộ Giao thông vận tải thống nhất quản lý nhà nước về đường bộ trong phạm vi cả nước; chịu trách nhiệm tổ chức quản lý xây dựng, bảo trì hệ thống quốc lộ.

Cục Đường bộ Việt Nam được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống quốc lộ; chỉ đạo các địa phương trong toàn quốc về chuyên môn nghiệp vụ quản lý, bảo trì và khai thác đường bộ.

2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý các hệ thống đường tỉnh, đường đô thị trong phạm vi địa phương.

Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Giao thông công chính được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống đường tỉnh.

Sở Giao thông công chính hoặc Sở Xây dựng được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống đường đô thị.

3. Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã quản lý, bảo trì và khai thác các hệ thống đường huyện, đường xã theo quy định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có đường chuyên dùng chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì và khai thác đường chuyên dùng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành đường bộ.

5. Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư xây dựng đường bộ theo hình thức hợp đồng xây dựng - khai thác - chuyển giao (B.O.T) tự tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác đường bộ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 32. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm:

1. Trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; hướng dẫn thực hiện các văn bản đó.

2. Chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý, bảo vệ công trình đường bộ trong phạm vi cả nước.

3. Tổ chức bộ máy quản lý, bảo trì đường bộ do Trung ương quản lý; hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức bộ máy quản lý, bảo trì đường bộ thuộc địa phương quản lý.

4. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

5. Tổ chức, chỉ đạo và giám sát hoạt động của lực lượng Thanh tra giao thông đường bộ trong phạm vi cả nước.

6. Xây dựng kế hoạch, tổ chức và kiểm tra thực hiện công tác phòng, chống và khắc phục hư hại của công trình đường bộ do sự cố thiên tai, địch hoạ gây ra.

7. Phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các bộ, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

8. Phối hợp với Bộ Tài chính cân đối kinh phí thực hiện kế hoạch bảo trì đường bộ, giải toả hành lang an toàn đường bộ, phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai, địch hoạ gây ra đối với hệ thống quốc lộ.

9. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình an toàn giao thông quốc gia trình Chính phủ.

10. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại và tố cáo liên quan đến việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.

Điều 33. Bộ Công an có trách nhiệm:

1. Chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng trong ngành kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo thẩm quyền quy định.

2. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xác định danh mục, lập phương án bảo vệ các công trình đường bộ quan trọng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 34. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức bảo vệ công trình quốc phòng kết hợp làm công trình đường bộ.

Điều 35. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi thẩm định các dự án quy hoạch phải bảo đảm dự án tuân thủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Điều 36. Bộ Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn lập và quản lý quy hoạch xây dựng theo thẩm quyền; hướng dẫn quản lý xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn lập và thực hiện quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đô thị.

Điều 37. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc quy hoạch và xây dựng hệ thống công trình thủy lợi có liên quan đến công trình đường bộ; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn việc sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ để canh tác nông nghiệp, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và an toàn giao thông.

Điều 38. Bộ Thương mại có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc quy hoạch và xây dựng hệ thống trạm xăng dầu, các dịch vụ khác dọc theo đường bộ.

Điều 39. Bộ Tài chính có trách nhiệm:

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lập và tổ chức thực hiện kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, kể cả kinh phí giải toả hành lang an toàn đường bộ được bố trí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Kiểm tra việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho việc quản lý, bảo trì đường bộ và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm sử dụng đúng mục đích.

Điều 40. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc khảo sát, đo đạc, phân loại và sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật.

Điều 41. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh khi lập quy hoạch xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp công trình có ảnh hưởng đến an toàn các công trình đường bộ phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 42. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

1. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của Bộ Giao thông vận tải.

2. Tổ chức bộ máy quản lý, bảo trì đường bộ của địa phương.

3. Tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra đối với Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính) trong các lĩnh vực sau đây:

a) Hoạt động của lực lượng Thanh tra giao thông của tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải;

b) Cấp, thu hồi giấy phép thi công, đình chỉ hoạt động gây mất an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của địa phương.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra đối với Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong các lĩnh vực sau đây:

a) Bảo vệ các công trình đường bộ trên địa bàn tỉnh;

b) Quản lý, sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ, đặc biệt là việc giao đất, cấp giấy phép xây dựng dọc theo đường bộ;

c) Giải toả các công trình vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi của huyện.

5. Huy động lực lượng, vật tư, thiết bị để khôi phục giao thông kịp thời khi bị thiên tai, địch hoạ.

6. Tổ chức, chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương.

7. Lập kế hoạch và chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm, giải toả hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi địa phương.

8. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại và tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương theo quy định của pháp luật.

Điều 43. Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:

1. Quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ của huyện.

2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

3. Quản lý, sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ.

4. Phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ và các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình đường bộ.

5. Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, chống lấn chiếm, cưỡng chế dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép để giải toả hành lang an toàn đường bộ.

6. Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khôi phục giao thông khi bị thiên tai, địch hoạ.

7. Cấp, thu hồi giấy phép thi công trên đường bộ theo phân cấp.

8. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.

Điều 44. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:

1. Quản lý, bảo trì đường bộ được giao trên địa bàn cấp xã quản lý.

2. Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

3. Phối hợp với đơn vị trực tiếp quản lý công trình đường bộ và các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình đường bộ bao gồm cả việc giữ gìn các cột mốc lộ giới.

4. Quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ.

5. Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khôi phục giao thông khi bị thiên tai, địch hoạ.

6. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn cấp xã quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 45. Cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm:

1. Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân địa phương tổ chức và thực hiện việc cắm mốc lộ giới xác định phạm vi đất dành cho đường bộ và bàn giao cho Uỷ ban nhân dân cấp xã quản lý, bảo vệ.

2. Quản lý, bảo trì đường bộ, bao gồm theo dõi, kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất các hư hỏng của công trình đường bộ; duy trì tình trạng kỹ thuật của đường, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn và năng lực thông qua của đường bộ.

3. Thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao đường bộ theo thẩm quyền.

4. Kịp thời báo cáo và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ở địa phương xử lý các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ.

Điều 46. Lực lượng Cảnh sát, Kiểm soát quân sự, Thanh tra giao thông và các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện và phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ trong công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Chương 7:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 47.

1. Tổ chức, cá nhân được khen thưởng theo quy định của Nhà nước khi có một trong những thành tích sau đây:

a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

b) Đóng góp công sức, của cải vào việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

c) Phát hiện, tố giác và ngăn chặn hành vi xâm phạm, phá hoại công trình đường bộ, hành vi lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ.

Điều 48. Xác định mốc thời gian để giải quyết và nguyên tắc giải quyết đối với công trình tồn tại trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ quy định như sau:

1. Xác định mốc thời gian:

a) Trước ngày 21 tháng 12 năm 1982;

b) Từ ngày 21 tháng 12 năm 1982 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2000;

c) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2000 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực.

2. Nguyên tắc giải quyết:

a) Dỡ bỏ ngay các công trình gây nguy hại đến sự ổn định của công trình đường bộ và an toàn hoạt động giao thông vận tải đường bộ;

b) Những công trình xét thấy chưa ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định của công trình đường bộ và an toàn giao thông đường bộ thì trước mắt cho phép giữ nguyên hiện trạng nhưng chủ công trình phải cam kết không cơi nới, không phát triển và thực hiện việc dỡ bỏ công trình khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

c) Việc bồi thường, hỗ trợ cho chủ công trình bị dỡ bỏ thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương 8:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 49. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 172/1999/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông đối với công trình giao thông đường bộ, Nghị định số 167/1999/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 1999 của Chính phủ về tổ chức quản lý đường bộ; bãi bỏ các quy định trước đây trái với Nghị định này.

Điều 50. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 51. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

THE GOVERNMENT
---------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom – Happiness
--------------

No. 186/2004/ND-CP

Hanoi, November 5, 2004

 

DECREE

PRESCRIBING THE MANAGEMENT AND PROTECTION OF ROAD TRAFFIC INFRASTRUCTURES

THE GOVERNMENT

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the June 29, 2001 Law on Road Traffic;
At the proposal of the Transport Minister,

DECREES:

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- This Decree prescribes the classification, naming and numerical identification of roads; the technical standards of road grades; the order and procedures for formulating, approving and publicizing the road traffic infrastructure planning; the land areas reserved for roads; the use and exploitation of road safety land corridors and the construction of essential works within land areas reserved for roads; and the responsibilities for managing and protecting road traffic infrastructures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 3.- The nationwide road systems constitute an integrated network uniformly managed by the State, irrespective of the capital sources for construction thereof.

Article 4.- Agencies, organizations and individuals shall have to protect the road traffic infrastructures. The land use, exploitation and construction within land areas reserved for roads must ensure traffic non-interruption, order and safety and must not affect the durability of roads.

Chapter II

CLASSIFICATION, NAMING AND NUMERICAL IDENTIFICATION OF ROADS

Article 5.- The land road networks are divided into the following 6 systems:

1. The national highway system, which consists of the main axial roads of the nationwide land road network, which are of particularly important effect in service of the national or regional socio-economic development, defense and security, including:

a/ Roads linking Hanoi capital with the centrally-run cities; and with administrative centers of the provinces;

b/ Roads linking administrative centers of three or more provinces or centrally-run cities (hereinafter called provinces);

c/ Roads linking international seaports with international border-gates and main land border-gates.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The district road systems, which consist of roads linking districts' administrative centers with the administrative centers of communes or commune clusters or with adjacent districts' administrative centers; roads linking provincial roads with administrative centers of communes or centers of commune clusters.

4. The commune road systems, which consist of roads linking the communes' administrative centers with hamlets and villages, or roads linking communes together.

5. The urban road systems, which consist of roads lying within the administrative boundaries of inner cities or urban centers.

6. The exclusive road systems, which consist of roads used exclusively for transport and communication by one or a number of agencies, enterprises and/or individuals.

Article 6.- The competence to classify and readjust road systems is determined as follows:

1. The national highway system is decided by the Transport Minister.

2. The provincial road systems are decided by the presidents of the provincial-level People's Committees after getting written consents from the Transport Minister.

3. The urban road systems are decided by the presidents of the provincial-level People's Committees after getting written consents from the Construction Minister and the Transport Minister.

4. The district road systems are decided by the presidents of the provincial-level People's Committees.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. The exclusive road systems are decided by organizations or individuals that have the roads after getting written consents from the Transport Minister, for exclusive roads linking with national highways; written consents from the presidents of provincial-level People's Committees, for exclusive roads linking with provincial roads, urban roads or district roads; written consents from the presidents of district-level People's Committees, for exclusive roads linking with commune roads.

Article 7.- The naming and numerical identification of roads are prescribed as follows:

1. Roads shall be named after great personalities, persons with meritorious services to the nation, historical and cultural relics or events, geographical areas or traditional customs; identification numbers of roads shall be natural numbers accompanied with letters if necessary.

2. Named roads shall be called by names consisting of "Duong" (Vietnamese for road) followed by their proper names; numbered roads shall be called by names of their road systems followed by their identification numbers.

In cases where the name and/or identification number of an urban road is identical to those of a national highway, both the name of such urban road and the name as well as identification number of such national highway shall be used.

3. Names and identification numbers of roads which are included in the regional or international road systems shall comply with the agreements between Vietnam and the concerned countries.

In cases where the name and identification number of a domestic road is identical to those of a regional or international road, both the name and identification number of such domestic road and the name and identification number of such regional or international road (if any) shall be used.

4. The naming and numbering of roads shall be decided by the agencies competent to classify them. Particularly, urban roads or provincial roads shall be named under decisions of the provincial-level People's Councils.

The Transport Ministry shall guide in detail the naming and numbering of roads.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



ROAD INFRASTRUCTURE PLANNING AND TECHNICAL STANDARDS

Article 8.-

1. Responsibilities to formulate and competence to approve road traffic infrastructure plannings are prescribed as follows:

a/ Basing itself on the socio-economic development, defense and security strategies and plannings and the people's travel demands, the Transport Ministry shall have to formulate national road traffic infrastructure development strategies and plannings, regional road traffic infrastructure plannings, national highway system's infrastructure development plannings and some special plannings they are assigned to formulate, then submit them to the Prime Minister for approval;

b/ Basing themselves on the socio-economic development, defense and security strategies and plannings and the local people's travel demands, the provincial-level People's Committees shall have to organize the formulation of strategies and plannings on development of systems of provincial roads, district roads, commune roads or urban roads in line with the national and provincial road traffic infrastructure plannings; then approve them or submit them for approval under decentralization. Particularly, plannings on development of provincial road systems must be commented in writing by the Transport Ministry; plannings on traffic infrastructures of special-grade and grade-1 urban centers must be commented in writing by the Construction Ministry and the Transport Ministry.

2. The order and procedures for formulating and approving road traffic infrastructure plannings must comply with law provisions on planning, investment and construction management.

3. Road traffic infrastructure plannings, after being approved, must be widely publicized in appropriated forms by the agencies which have organized thereof formulation.

Article 9.-

1. The construction of new roads must ensure the technical standards of each grade of road according to Vietnamese standards and the Construction Ministry's branch standards, for urban roads or the Transport Ministry's branch standards for roads outside urban centers. Particularly for forestry roads, mining roads and other exclusive roads, the exclusive standards of such sectors must be applied.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Roads being currently exploited but not yet graded must be renovated or upgraded to attain the technical standards of appropriate road grades.

Article 10.-

1. Newly constructed, upgraded or renovated roads and roads already put into exploitation must be evaluated in terms of traffic safety.

2. Traffic safety evaluation must be conducted at one or several following stages:

a/ Work construction investment reports;

b/ Work construction investment projects or work construction econo-technical reports;

c/ Technical designs or construction drawing designs;

d/ Before works are put into exploitation;

e/ In the course of exploitation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Persons competent to decide on the investment or permit the investment shall decide which projects must be evaluated, at which stages the evaluation shall be conducted, and organize the traffic safety evaluation.

5. Organizations conducting the traffic safety evaluation shall have to study project dossiers, work designs, conduct site inspections and detect imminent traffic accidents, then propose or request remedial measures therefor.

6. Design consultants shall have to receive written proposals or requests stated in traffic safety evaluation reports and readjust project dossiers and designs according to the received contents. For roads already put into exploitation, the road management agencies shall have to accept proposals and requests stated in the traffic safety evaluation reports and adopt repairing or remedial measures.

7. Funding for traffic safety evaluation shall be determined within the project investment funding, for newly constructed, upgraded or renovated works; or shall be taken from the financial sources for road management and maintenance, for those already put into exploitation.

8. The Transport Minister shall guide in detail the traffic safety evaluation; coordinate with the Construction Ministry and the Finance Ministry in specifically guiding the funding for traffic safety evaluation.

Chapter IV

SCOPE OF PROTECTION OF ROAD TRAFFIC INFRASTRUCTURES

Article 11.- Scope of protection of road traffic infrastructures covers road land, road safety corridors, overhead, underground and underwater sections related to safety of works and safety of road traffic.

Article 12.-

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Roadbeds, road surfaces, pavements, car stops, car parks, water drainage systems, traffic lamps, boundary markers, fences, signboards, road painted lines, milestones, traffic roundabouts, median strips, lighting systems, tunnels, spillways, emergency exits;

b/ Bridges, tunnels, sewage, embankments, shield walls;

c/ Ferry landings, pontoon bridge wharves, river-crossing means and places to river-crossing means sheltering places;

d/ Anti-collision works, walls, water current-regulating embankments;

e/ Traffic control stations, car-weighing stations, road and bridge toll booths, car-counting equipment;

f/ Measurement markers, road boundary markers;

g/ Traffic safety supporting works.

2. Road safety corridors mean two land strips along roadsides reserved for purpose of ensuring traffic safety and protecting road works.

Article 13.- The road safety corridor limits are prescribed as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- 20 m (twenty meters) for expressways, and grade-I and grade-II roads;

- 15 m (fifteen meters) for grade-III roads;

- 10 m (ten meters) for grade-IV and grade-V roads;

- 5 m (five meters) for under grade-V roads.

2. For urban roads: the road safety corridor limit shall be the width measuring from the road edge to the road construction boundaries under the planning approved by competent authorities.

3. For roads running in parallel with rivers or canals with waterway transport activities, of which the safety corridors are overlapping, the road safety corridor limits shall be calculated from the upper edges of the banks of such rivers or canals towards the roads.

4. For roads running in parallel with or adjacent to railways, of which the protection corridors are overlapping, the borders of safety corridors between such roads and railways shall be decided by the Transport Minister.

Article 14.- The safety corridor limits for bridges and sluices are prescribed as follows:

1. For bridges on roads outside urban centers:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- 50 m (fifty meters) for bridges with the length of 60 m or over;

- 30 m (thirty meters) for bridges with the length of under 60 m.

Where a bridge has bridge-head slopes longer than the distance prescribed at Point a, Clause 1 above, the safety corridor limit shall be calculated from the bridge abutment's end to the slope foot's end.

b/ According to the width of the bridge, the distance from the outermost point of the bridge structure to each side of the bridge shall be:

- 150 m (one hundred and fifty meters) for bridges with the length of over 300 m;

- 100 m (one hundred meters) for bridges with the length of between 60 m and 300 m;

- 50 m (fifty meters) for bridges with the length of between 20 m and under 60 m;

- 20 m (twenty meters) for bridges with the length of under 20 m.

2. For bridges on urban roads:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ According to the width of the bridges:

- From the edge of the outermost parapets outward, it shall be 7 m (seven meters) for bridge sections over land, including bridge sections over land areas only submerged when floods appear; other bridge sections shall comply with provisions of Point b, Clause 1 of this Article.

3. For sluices, the safety corridor limit according to the length of the sluice to both sides shall be equal to the width of the road safety corridor.

Article 15.- The safety corridor limits for road tunnels are prescribed as follows:

1. On roads outside urban centers: Within the distance of 100 m (one hundred meters) from the outermost points of structural parts of tunnels.

2. On urban roads: Such limits shall be prescribed by competent State agencies for each specific project.

Article 16.- The safety corridor limits for ferry landings and pontoon bridge wharves are prescribed as follows:

1. According to the length of the ferry landing or pontoon bridge wharf: It is equal to the length of the slope leading to the landing or wharf.

2. According to the width of the ferry landing or pontoon bridge wharf: It is 150 m (one hundred and fifty meters) from the middle of the landing or wharf to each side downstream or upstream.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. For anti-erosion embankments to protect roadbeds:

a/ It is 50 m (fifty meters) from both ends of the embankment to the upper reach and the lower reach respectively;

b/ It is 20 m (twenty meters) from the foot of the embankment toward the river.

2. For water current-regulating embankments:

a/ It is 100 m (one hundred meters) respectively to the upper reach and the lower reach from the embankment foot;

b/ It is 50 m (fifty meters) from the embankment foot to the bank;

c/ It is 20 m (twenty meters) from the embankment foot to the river;

Article 18.- The protection scopes of car terminals, parking lots, traffic control stations, car-weighing stations, road and bridge toll booths and works in service of road management shall be the land and/or water areas covered by such works, which have been prescribed by competent State agencies in the use permits.

Article 19.- The road safety distance limits for overhead sections are prescribed as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. For bridges, it is the height of the highest structure of the bridge, but not lower than 4.75 m (four point seventy five meters) from the bridge floor surface upward vertically.

3. The height of communications lines stretching above roads must ensure the minimum distance of 5.5 m (five point five meters) from the road surface to such communication line.

4. The height of the power transmission lines above roads or directly attached onto the bridge structure must ensure safety for transport activities and the safety of the power grids, depending on the voltages of the transmission lines.

Article 20.- The horizontal road safety distance limits for communications lines or power transmission lines, calculated from the foot of the embanked road taluses or the edge of the top of the dug road taluses to the posts, shall be at least equal to 1.3 times the height of the posts and must not be shorter than 5 m (five meters).

Article 21.- The road safety distance limits for underground or underwater sections of road works shall be prescribed by competent road management agencies for each specific project, satisfying the technical requirements, ensuring traffic safety and work safety, and not affecting the road management and maintenance.

Article 22.- For road works in urban centers, the safety corridor limits must comply with the provisions of this Decree and regulations on protection of road works in urban centers.

Chapter V

LAND USE AND EXPLOITATION WITHIN LAND AREAS RESERVED FOR ROADS

Article 23.-

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The construction of a number of essential works within land areas reserved for roads must ensure the safe exploitation of road works and shall be conducted in the following cases:

a/ Works in service of security and defense requirements;

b/ Works with special technical requirements, which cannot be located outside land areas reserved for roads;

c/ Works which must be located on the same plane with road works in order to ensure the synchronism and thrift.

Article 24.- The construction of essential works within land areas reserved for roads must comply with the following regulations:

1. Project formulation and approval, project designing must comply with law provisions on investment and construction management.

2. They must be approved in writing by the following competent agencies in charge of State management over roads right from the stage of project formulation and approval of designing dossiers before submission thereof to competent authorities for approval according to regulations:

a/ The Transport Ministry, for works under group-A projects;

b/ Vietnam Road Administration, for works under group-B or group-C projects related to national highways and newly constructed or renovated construction works, which are ineligible for formulation of national highway-related projects under its management;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Provincial/municipal Traffic and Public Work Services or Construction Services, for works under group-B or group-C projects related to local roads and newly constructed or renovated construction works, which are ineligible for formulation of urban road-related projects according to task assignment by provincial/municipal People's Committees.

3. They must have construction permits to ensure traffic safety, issued by competent agencies in charge of State management over roads.

Article 25.- Land exploitation and use within the land areas of road safety corridors are prescribed as follows:

1. The land of road safety corridors may be used for planting food crops, subsidiary food crops, fruit trees and/or timber trees or for aquaculture, but the following regulations must be complied with:

a/ For embanked roads, they must be planted at least 1 m (one meter) from road foot for food crops and subsidiary food crops and at least 2 m (two meters) for fruit trees and timber trees;

b/ For dug roads, they must be planted at least 6 m (six meters) from the top edge of the road talus or the outer edge of the top ditch;

c/ Only fruit trees and timber trees, which have deep main roots and do not affect visibility of persons joining road traffic, are allowed to be planted. Particularly in road sections close to road forks, crossroads, intersections with railways and at positions to the smaller radius of road bends where the visibility is blocked, only low trees which cannot affect the visibility are allowed to be planted;

d/ Ponds and lakes for aquaculture must be away from the edge of the road foot for a distance being at least equal to the height difference between the edge of the base of embanked road and the pond or lake beds. The water level in ponds or lakes must not be higher than the road base foot;

e/ Irrigation ditches must be away from the foot of embanked road talus for a distance being at least equal to the depth of the ditches and the water level in the ditches must not be higher than the road base foot, except for case of flooding.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In cases where newly constructed access roads are allowed to directly link with the existing main roads, the linking points must be approved by competent agencies in charge of State management over roads right at the stage of project formulation and the designs must ensure technical and safety standards.

3. Billboards installed in road safety corridors must be approved by competent road management agencies and must not affect the traffic safety.

4. The use of the road safety corridors related to adjacent security or defense works must be agreed upon by the Public Security Minister or the Defense Minister.

5. Gas stations must be constructed outside the road safety corridors under the plannings approved by competent agencies, and with competent road management agency’s written approval of positions and designs of gas station drive-in and drive-out ways through the land of the road safety corridors, including designs of points linking with the existing roads and ensuring technical standards and safety of the currently exploited road sections.

Article 26.- The following acts are strictly prohibited

1. Illegally digging, drilling or sawing roads.

2. Illegally opening loop roads linked to main roads.

3. Placing obstacles on roads to impede traffic.

4. Letting unbridled or tending and walking animals on roads, road taluses; tying animals to tree lines along roadsides or to signal posts, signboards or other road supporting works.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. Digging, setting fire, blasting, anchoring or mooring vessels or affecting the safety of bridges.

7. Climbing without permission onto bridge abutments, piers and beams.

8. Encroaching upon or appropriating land of road safety corridors in any form.

9. Other acts affecting road works' safety and road traffic safety.

Article 27.- The construction of works on currently exploited roads must comply with the Transport Ministry's regulations on traffic safety assurance.

Article 28.-

1. In case of emergency, the competent agencies in charge of flood and storm prevention and combat may use road works in service of flood and storm combat. After fulfilling their tasks, they shall have to restore the initial state of road works.

2. In cases where the road work-managing agencies and the irrigation work managing agencies have plans to construct new works or renovate or upgrade the existing ones, the construction, renovation and upgrading of works must be combined together.

3. For the construction of new works, which affect the durability of previously constructed works or restrict the utility thereof, the agencies managing such new works shall have to apply technical measures to handle them as agreed upon by the agencies managing the previously constructed works which are damaged and to cover the expenses for repair and restoration. If the agencies managing the old works also wish to make the renovation, expansion and upgrading thereof, they shall have to invest therein.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 30.- The use and exploitation of land outside the road safety corridors must not affect the road traffic activities and safety and comply with the following regulations:

1. Lime kilns, metal foundries, brick kilns, glass kilns and pottery kilns must be at least 25 m (twenty five meters) away from the foot of the road base;

2. Market places and business and service spots must be located outside the road safety corridors and all activities therein must not affect the road traffic safety;

3. Explosive, poison and inflammables depots and mines exploited by blasting must, apart from being located outside the road safety corridors, be away therefrom at a safe distance according to current law provisions;

4. Other works outside the road safety corridors but affecting the road traffic activities and safety must be promptly repaired.

Chapter VI

RESPONSIBILITIES TO MANAGE AND PROTECT ROAD TRAFFIC INFRASTRUCTURES

Article 31.- Organization of, and decentralization of responsibilities for, road management are prescribed as follows:

1. The Transport Ministry shall perform the uniform State management over roads nationwide, and be responsible for organizing the management of construction and maintenance of the national highway system.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The provincial-level People's Committees shall manage the systems of provincial roads and urban roads within their respective localities.

The provincial/municipal Transport Services or Traffic and Public Work Services shall be assigned by the provincial-level People's Committees the tasks of directly managing, maintaining and exploiting the systems of provincial roads.

The provincial/municipal Traffic and Public Work Services or Construction Services shall be assigned by the provincial-level People's Committees the tasks of directly managing, maintaining and exploiting the systems of urban roads.

3. The district-level and commune-level People's Committees shall manage, maintain and exploit the systems of district roads and commune roads according to regulations of the provincial-level People's Committees.

4. Agencies, organizations and individuals having exclusive roads shall have to manage, maintain and exploit their exclusive roads under guidance of the specialized agencies in charge of roads.

5. Domestic as well as foreign organizations and individuals that invest in road construction in form of build - operate - transfer (BOT) contracts shall organize by themselves the road management, maintenance and exploitation according to Vietnamese law provisions.

Article 32.- The Transport Ministry has the responsibilities:

1. To submit to the Government for promulgation or promulgate according to its competence legal documents on management and protection of road traffic infrastructures; and guide the implementation of such documents;

2. To direct and organize the training and fostering of personnel in charge of management and protection of road works nationwide;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. To examine and inspect the implementation of law provisions on management and protection of road traffic infrastructures.

5. To organize, direct and supervise activities of the road traffic inspection force throughout the country;

6. To work out plans on the prevention, combat and overcoming of damage caused to road works by natural disasters or enemy sabotage, and organize and inspect the implementation thereof;

7. To coordinate with the provincial-level People's Committees and the concerned ministries and branches in propagating, disseminating, educating and implementing law provisions on the management and protection of road traffic infrastructures;

8. To coordinate with the Finance Ministry in balancing funds for implementation of the plans on road maintenance, clearance of road safety corridors, prevention, combat and overcoming of consequences caused by natural disasters or enemy sabotage to the national highway system;

9. To assume the prime responsibility for, and coordinate with the concerned ministries and branches in, formulating the national traffic safety program, then submitting it to the Government;

10. To settle disputes, complaints and denunciations related to the management and protection of road traffic infrastructures according to law provisions.

Article 33.- The Public Security Ministry has the responsibilities:

1. To direct and guide the public security forces to inspect and handle violations of legislation on the protection of road traffic infrastructures according to their prescribed competence.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Transport Ministry in, drawing up the list of important road works and plans for the protection thereof, then submitting them to the Prime Minister for approval.

Article 34.- The Defense Ministry shall have to assume the prime responsibility for, and coordinate with the Transport Ministry in, organizing the protection of defense works in combination with the construction of road works.

Article 35.- The Planning and Investment Ministry, when evaluating planning projects, shall have to ensure that such projects comply with the regulations on management and protection of road traffic infrastructures.

Article 36.- The Construction Ministry shall have to direct and guide the formulation and management of construction plannings according to its competence; guide the management of construction outside the road safety corridors; coordinate with the Transport Ministry and the provincial-level People's Committees in directing and guiding the formulation and implementation of urban traffic infrastructure plannings.

Article 37.- The Ministry of Agriculture and Rural Development shall have to direct and guide the planning and construction of the system of irrigation works related to road works; coordinate with the Transport Ministry in directing and guiding the use of land of road safety corridors for cultivation purpose, thus ensuring the technical requirements and traffic safety.

Article 38.- The Trade Ministry shall have to direct and guide the planning and construction of the system of gas stations and other services along roads.

Article 39.- The Finance Ministry has the responsibilities:

1. To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Transport Ministry and the provincial-level People's Committees in, estimating and implementing the funding for road management and maintenance and road traffic infrastructure protection, including funding for clearance of road safety corridors, being allocated or originating from the State budget, according to the provisions of the State Budget Law.

2. To inspect the use of the State budget allocations for road management and maintenance and road traffic infrastructure protection, ensuring that such allocations are used for the right purposes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 41.- The ministries, the ministerial-level agencies, the Government-attached agencies, the provincial/municipal People's Committees, when planning the construction, renovation or upgrading of works, which affects the safety of road works, must obtain written consents of the Transport Ministry.

Article 42.- The provincial-level People's Committees have the responsibilities:

1. To guide and organize the implementation of the regulations on protection of road traffic infrastructures in their respective localities in compliance with the legal documents of the State and the Transport Ministry.

2. To organize apparatuses for management and maintenance of their local roads;

3. To organize, direct and inspect the provincial/municipal Transport Services (the Traffic and Public Work Services) in the following domains:

a/ Activities of the provincial traffic inspection force under the guidance of the Transport Ministry;

b/ The granting and withdrawal of construction permits, the suspension of activities which cause unsafety to traffic as well as to road works within the local road traffic infrastructure protection limits.

4. To direct, guide and inspect the district-level People's Committees in the following domains:

a/ The protection of road works in their respective provinces;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To clear works infringing upon the protected road traffic infrastructures within districts;

5. To mobilize all forces, supplies and equipment for the prompt restoration of traffic disrupted by national calamities and/or enemy sabotages;

6. To organize and direct the propagation, dissemination and education of the legislation on road traffic infrastructure protection within their respective localities;

7. To plan and direct the application of measures to preclude, prevent, handle violations and clear road safety corridors within their respective localities;

8. To settle disputes, complaints and denunciations related to the protection of the road traffic infrastructures in their respective localities according to law provisions.

Article 43.- The district-level People's Committees have the responsibilities:

1. To manage and maintain the road systems within their localities;

2. To organize the propagation, dissemination and education among the population of the regulations on land areas reserved for roads, and protection of road traffic infrastructures;

3. To manage and use land inside and outside the road safety corridors according to law provisions; promptly handle cases of illegally encroaching upon, appropriating or using land of road safety corridors;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. To organize the application of measures to protect road safety corridors, fight illegal encroachment, compel the dismantlement of illegally constructed works for clearance of road safety corridors.

6. To mobilize all forces, supplies and equipment for protection of works or prompt restoration of traffic disrupted by natural calamities or enemy sabotages;

7. To grant and withdraw permits for construction on roads according to the responsibility decentralization;

8. To settle disputes, complaints and denunciations related to the protection of road traffic infrastructures in their respective districts according to law provisions.

Article 44.- The commune-level People's Committees have the responsibilities:

1. To manage and maintain the roads in their localities assigned to their management;

2. To organize the propagation, dissemination and education among the population of the regulations on land areas reserved for roads, and protection of road traffic infrastructures;

3. To coordinate with the units directly managing road works and concerned forces in applying measures to protect road works, including the preservation of road boundary markers;

4. To manage the use of land inside and outside the road safety corridors according to law provisions; detect and promptly handle cases of illegally encroaching upon, appropriating or using road safety corridors;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. To settle disputes, complaints and denunciations related to the protection of road traffic infrastructures in their respective localities according to law provisions.

Article 45.- The road management agency has the responsibilities:

1. To assume the prime responsibility for, and coordinate with the local People's Committees in, organizing and conducting the implanting of road boundary markers determining land areas reserved for roads, and hand them over to the commune-level People's Committees for management and protection.

2. To manage and maintain roads, covering activities of monitoring, checking, regularly maintaining, periodically or unexpectedly repairing damage of road works; maintaining the technical conditions of roads, ensuring uninterrupted traffic, safety and clearing capacity of roads.

3. To inspect, examine, detect and handle violations of law provisions on protection of road traffic infrastructures according to its competence.

4. To promptly report and request local competent agencies to handle cases of illegally encroaching upon, appropriating and using the road safety corridors.

Article 46.- The police force, the military police force, the Traffic Inspectorate and the law enforcement agencies in localities shall, within the ambit of their tasks and powers, have to conduct and coordinate with the road management units in the protection of road traffic infrastructures.

Chapter VII

COMMENDATION, REWARD AND VIOLATION HANDLING

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Organizations and individuals shall be commended and/or rewarded according to the State’s regulations when recording the following achievements:

a/ Splendidly fulfilling the tasks of managing and protecting the road traffic infrastructures;

b/ Contributing labor, efforts and/or properties to the protection of the road traffic infrastructures;

c/ Detecting, denouncing and preventing acts of infringing upon or sabotaging road works, encroaching upon, appropriating or illegally using road safety corridors.

2. Organizations and individuals that violate the regulations on protection of road traffic infrastructures shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be administratively sanctioned according to the provisions of the Government's Decree No. 15/2003/ND-CP of February 19, 2003 on the sanctioning of administrative violations in road traffic.

Article 48.- Determination of deadlines and principles for handling works existing within the road safety corridors is prescribed as follows:

1. Determination of deadlines:

a/ Before December 21, 1982;

b/ Between December 21, 1982 and before January 1, 2000;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Handling principles:

a/ Works causing dangers to the stability of road works and safety of road transport activities must be immediately dismantled;

b/ Works which are considered not directly affecting the stability of road works and road traffic safety shall, for the immediate future, be permitted to exist in status quo, provided that their owners commit not to expand and develop them, and to dismantle them when so requested by competent State management agencies.

c/ The compensations or supports for works' owners to dismantle their works by themselves shall comply with law provisions.

Chapter VIII

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 49.- This Decree takes effect 15 days after its publication in the Official Gazette and replaces the Government's Decree No. 172/1999/ND-CP of December 7, 1999 detailing the implementation of the Ordinance on Protection of Traffic Works with regard to road traffic works and Decree No. 167/1999/ND-CP of November 26, 1999 on organization of road management. All previous stipulations contrary to this Decree are hereby annulled.

Article 50.- The Transport Minister shall have to guide the implementation of this Decree.

Article 51.- The ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the heads of the Government-attached agencies and the presidents of the People's Committees of the provinces and centrally-run cities shall have to implement this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Phan Van Khai

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 186/2004/NĐ-CP ngày 05/11/2004 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


39.188

DMCA.com Protection Status
IP: 3.149.29.192
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!