ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
61/2021/QĐ-UBND
|
Thừa
Thiên Huế, ngày 04 tháng 10 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI KHÁCH DU LỊCH BẰNG ĐƯỜNG
THỦY NỘI ĐỊA VÀ PHƯƠNG TIỆN PHỤC VỤ VUI CHƠI, GIẢI TRÍ DƯỚI NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
THỪA THIÊN HUẾ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy
nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng
6 năm 2017;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày
23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 110/2014/NĐ-CP
ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh vận tải
đường thủy nội địa;
Căn cứ Nghị định số 128/2018/NĐ-CP
ngày 24 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của
các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy
nội địa;
Căn cứ Nghị định số 48/2019/NĐ-CP
ngày 05/6/2019 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện vui
chơi, giải trí dưới nước;
Căn cứ Thông tư số
42/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Bộ Giao thông vận tải về việc
quy định điều kiện của người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang
thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch;
Căn cứ Thông tư số
50/2014/TT-BGTVT ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về
quản lý cảng, bến thủy nội địa;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL ngày 26 tháng 6 năm 2012 của Liên Bộ Giao thông Vận
tải - Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong
hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa;
Căn cứ Thông tư số
39/2019/TT-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Bộ Giao thông vận tải quy định
trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhận
chức danh thuyền viên và định biên tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao
thông vận tải tại Tờ trình số 1172/TTr-SGTVT ngày 01 tháng 7 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy định về quản lý hoạt động vận tải khách du lịch bằng đường
thủy nội địa và phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước trên địa bàn tỉnh
Thừa Thiên Huế.
Điều 2. Hiệu lực
thi hành
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15
tháng 10 năm 2021 và thay thế Quyết định số 31/2012/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm
2012 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về quản lý hoạt động vận tải hành
khách du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 3. Tổ chức
thực hiện
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh,
Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Tài nguyên
và Môi trường, Công an tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế;
Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt
động vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa, phương tiện phục vụ vui
chơi, giải trí dưới nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch;
- Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế;
- CVP và các PCVP UBND tỉnh;
- Công báo tỉnh; Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, VH, DL, GT.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hoàng Hải Minh
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI KHÁCH DU LỊCH BẰNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA VÀ PHƯƠNG
TIỆN PHỤC VỤ VUI CHƠI, GIẢI TRÍ DƯỚI NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 61/2021/QĐ-UBND ngày 04/10/2021 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về quản lý
hoạt động vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa và phương tiện phục vụ
vui chơi, giải trí dưới nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Quy định này áp dụng đối với cơ
quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động vận tải khách du lịch bằng đường
thủy nội địa và phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước trên địa bàn tỉnh
Thừa Thiên Huế, bao gồm:
a) Các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt
động vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa và phương tiện phục vụ vui
chơi, giải trí dưới nước.
b) Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt
động vận tải khách du lịch và phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước.
c) Các cảng, bến thuyền du lịch và
khu vực neo đậu.
d) Các tổ chức, cá nhân có liên quan
khác.
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Phương tiện vận tải khách du lịch
là phương tiện thủy nội địa chuyên hoạt động vận tải khách du lịch trên đường
thủy nội địa, bao gồm:
a) Tàu, thuyền du lịch là phương tiện
vận tải khách du lịch tham quan, dạo chơi hoặc nghe ca Huế trên đường thủy nội
địa.
b) Tàu, thuyền lưu trú du lịch.
c) Nhà hàng nổi.
d) Khách sạn nổi.
2. Phương tiện chuyển tải là phương
tiện thủy nội địa chuyên hoạt động chuyển tải phục vụ cho phương tiện vận tải
khách du lịch.
3. Chủ phương tiện là tổ chức, cá
nhân sở hữu: phương tiện được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện và
đơn vị kinh doanh vận tải.
4. Cảng, bến thuyền du lịch là cảng,
bến thủy nội địa được quy định để phương tiện vận tải khách du lịch, phương tiện
chuyển tải ra, vào đón, trả khách du lịch và thực hiện các dịch vụ hỗ trợ khác
(nếu có).
5. Khu vực neo đậu là khu vực được
quy định cho phương tiện vận tải khách du lịch, phương tiện phục vụ vui chơi,
giải trí dưới nước neo đậu được cơ quan thẩm quyền công bố hoặc cấp giấy phép
hoạt động theo quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa.
6. Ban Quản lý cảng, bến thuyền du lịch
là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố nơi
Ban Quản lý cảng, bến đặt trụ sở làm việc.
7. Đơn vị kinh doanh vận tải là doanh
nghiệp, hợp tác xã sử dụng phương tiện vận tải khách du lịch; phương tiện vui
chơi, giải trí dưới nước để kinh doanh, có thu tiền.
Điều 3. Những
hành vi bị cấm
Thực hiện theo quy định tại Điều 8 Luật
Giao thông đường thủy nội địa; khoản 3 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014; Điều 9 Luật Du
lịch và các hành vi khác trái với các quy định của pháp luật, trái với quy định
này.
Chương II
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG
VẬN TẢI KHÁCH DU LỊCH BẰNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Mục 1. QUY ĐỊNH
VỀ PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI KHÁCH DU LỊCH VÀ PHƯƠNG TIỆN CHUYỂN TẢI
Điều 4. Quy định
chung đối với phương tiện vận tải khách du lịch
Ngoài việc thực hiện quy định tại Điều
24 Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; khoản 7 Điều 1
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày
17 tháng 6 năm 2014; Điều 7 Thông tư số 42/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm
2017 của Bộ Giao thông vận tải quy định về điều kiện của người điều khiển
phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương
tiện vận tải khách du lịch và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, phương
tiện vận tải khách du lịch còn phải đáp ứng các quy định sau:
1. Đảm bảo các điều kiện về an toàn,
phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và thẩm mỹ. Trang bị phao cứu sinh phải
thỏa mãn quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chế tạo và kiểm tra thiết
bị cứu sinh dùng cho phương tiện thủy nội địa QCVN 85:2015/BGTVT.
2. Có phương án phòng chống giông
bão, chống đắm; phòng chống cháy nổ và cứu hộ, cứu nạn tại chỗ.
3. Có giấy chứng nhận bảo hiểm trách
nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với hành khách và người thứ ba còn hiệu lực.
4. Khoang hành khách phải được bố trí
các cửa thoát hiểm, có bảng hướng dẫn sử dụng trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa,
sử dụng búa để mở hoặc phá cửa thoát hiểm bằng 2 thứ tiếng Anh và tiếng Việt dễ
hiểu, đặt ở vị trí hành khách dễ nhận thấy.
5. Có tủ thuốc y tế với dụng cụ y tế
và một số loại thuốc sơ cứu thông dụng ban đầu còn hạn sử dụng.
6. Niêm yết số điện thoại đường dây
nóng của đơn vị kinh doanh vận tải và các cơ quan chức năng theo quy định.
7. Có bảng nội quy an toàn hành khách
đi thuyền, nội quy bảo vệ môi trường, các hướng dẫn về an toàn và giá dịch vụ dễ
hiểu, đặt ở vị trí hành khách dễ nhận thấy được thể hiện bằng hai thứ tiếng Việt
và tiếng Anh.
8. Không được ăn, ở sinh hoạt theo
quy mô hộ gia đình trên phương tiện.
9. Không được nuôi gia súc, gia cầm
trên phương tiện.
10. Thùng chứa rác phải có nắp đậy
kín, thẩm mỹ, hợp vệ sinh và được bố trí ở những nơi thuận tiện cho việc bỏ
rác.
11. Nhà vệ sinh (nếu có) phải có bể
phốt chứa kín và có hợp đồng thu gom, xử lý chất thải trên phương tiện, chất thải
từ bể phốt nhà vệ sinh với cơ quan bảo vệ môi trường.
12. Có đủ ghế ngồi, phòng ngủ cố định
chắc chắn theo sức chở của phương tiện, đảm bảo chất lượng, hình thức đẹp, bố
trí hành lang đi lại giữa các hàng ghế hoặc giường ngủ thuận tiện, đảm bảo chiều
rộng hành lang không nhỏ hơn 50cm;
13. Đối với các phương tiện vận tải
khách du lịch có tổ chức biểu diễn ca Huế phải tuân thủ theo quy định hiện hành
của Ủy ban nhân dân tỉnh và các văn bản quy phạm khác có liên quan.
14. Phương tiện vận tải khách du lịch
hoạt động ban đêm phải bố trí hộp đèn ghi số đăng ký phương tiện rõ ràng, dễ nhận
thấy đặt ở phía trước cửa ra, vào để nhận biết phương tiện ban đêm.
15. Phương tiện vận tải khách du lịch
phải được lắp thiết bị giám sát hành trình (trừ nhà hàng nổi, khách sạn nổi cố
định, không di chuyển), camara giám sát đảm bảo hoạt động thường xuyên để chủ
phương tiện và cơ quan chức năng theo dõi và giám sát phương tiện.
16. Máy chính và máy phụ lắp trên
phương tiện vận tải khách du lịch (nếu có) phải chưa qua sử dụng, máy chính phải
là máy thủy chuyên dụng, có từ 2 xi lanh trở lên, khoang máy riêng biệt, có biện
pháp giảm rung, giảm tiếng ồn tiêu chuẩn và có biện pháp thu gom, xử lý dầu bẩn
đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.
17. Khi đóng mới, hoán cải, sửa chữa
phục hồi phương tiện vận tải khách du lịch phải có hồ sơ thiết kế được cơ quan
đăng kiểm phê duyệt và phương tiện phải được đóng mới, hoán cải, sửa chữa tại
cơ sở có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 128/2018/NĐ-CP
của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều
kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa và phải có sự giám
sát của cơ quan đăng kiểm theo quy định.
Điều 5. Quy định
đối với tàu, thuyền du lịch
1. Thực hiện theo quy định tại:
a) Điều 4 của Quy định này.
b) Khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch
số 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL ngày 26 tháng 06 năm 2012 của liên Bộ Giao thông
vận tải - Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về bảo đảm an toàn giao thông
trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa.
2. Tàu, thuyền du lịch hoạt động trên
sông Hương phải theo mẫu được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kèm theo Quyết định
số 817/QĐ-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2014 về việc phê duyệt mẫu thuyền phục vụ biểu
diễn ca Huế và du thuyền trên sông Hương. Mẫu phương tiện hoạt động trên các
tuyến còn lại được thực hiện theo đúng quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Tàu, thuyền du lịch cao tốc, tạo
sóng lớn không hoạt động trên các tuyến sông, hồ.
4. Phao áo trang bị cho hành khách được
bố trí tại mỗi ghế ngồi của hành khách, đảm bảo thẩm mỹ và thuận tiện thao tác
khi sử dụng.
5. Có Biển hiệu phương tiện vận tải
khách du lịch theo quy định.
Điều 6. Quy định
đối với nhà hàng nổi
1. Thực hiện theo quy định tại:
a) Điều 4 của Quy định này.
b) Thông tư số 43/2012/TT-BGTVT ngày
23 tháng 10 năm 2012 Quy định các yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với
tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi.
2. Có bảng hướng dẫn sử dụng các
trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm và số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ tìm
kiếm cứu nạn.
3. Có cầu tàu (đối với nhà hàng nổi
tiếp bờ) hoặc vị trí cặp phương tiện chuyển tải (đối với nhà hàng nổi không tiếp
bờ) đảm bảo an toàn, thuận tiện, có lan can bảo vệ để khách lên xuống nhà hàng
hoặc phương tiện chuyển tải tiếp cận.
4. Có thiết bị theo dõi thời tiết và
thông tin liên lạc đảm bảo hoạt động 24/24 giờ hàng ngày.
5. Có khu vực đón tiếp khách, bếp,
phòng ăn và dịch vụ phục vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và phòng
chống cháy, nổ theo quy định.
6. Có đủ điện, nước sinh hoạt; có thiết
bị thu gom rác thải, nước thải bảo đảm vệ sinh môi trường.
7. Có nơi để xe cho hành khách đối với
nhà hàng nổi cố định tiếp bờ.
8. Có mẫu được Ủy ban nhân dân tỉnh
chấp thuận trước khi đóng mới hoặc hoán cải theo quy định.
Điều 7. Quy định
đối với tàu, thuyền lưu trú du lịch và khách sạn nổi
1. Thực hiện theo quy định tại:
a) Điều 4 của Quy định này.
b) Khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch
số 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL ngày 26 tháng 06 năm 2012 của liên Bộ Giao thông
vận tải - Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
c) Thông tư số 43/2012/TT-BGTVT ngày
23 tháng 10 năm 2012 của Bộ Giao thông vận tải.
2. Có khu vực đón tiếp khách, phòng tắm,
phòng vệ sinh riêng biệt tại các phòng ngủ, có quầy lễ tân và có phòng vệ sinh
dùng chung.
3. Có bếp, phòng ăn và dịch vụ phục vụ
ăn uống đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ; vệ sinh môi trường và an toàn thực
phẩm theo quy định.
4. Có đủ điện, nước sinh hoạt; có thiết
bị thu gom rác thải, nước thải bảo đảm vệ sinh môi trường.
5. Thiết bị theo dõi thời tiết và
thông tin liên lạc đảm bảo hoạt động 24/24 giờ hàng ngày.
6. Có tối thiểu:
a) 5 buồng ngủ đối với tàu, thuyền
lưu trú du lịch;
b) 10 buồng ngủ đối với khách sạn nổi.
7. Có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày.
8. Có vị trí để phương tiện chuyển tải
tiếp cận an toàn, thuận tiện, có lan can tay vịn đảm bảo an toàn cho hành khách
lên, xuống.
9. Có mẫu được Ủy ban nhân dân tỉnh
chấp thuận trước khi đóng mới hoặc hoán cải theo quy định.
Điều 8. Quy định
về phương tiện chuyển tải
1. Phương tiện chuyển tải chỉ được
phép hoạt động từ cảng, bến chuyển tải đến phương tiện cần chuyển tải và ngược
lại.
2. Không được bám buộc vào phương tiện
khác khi đang hành trình.
3. Không sử dụng phương tiện cao tốc,
phương tiện hoạt động tạo sóng lớn làm phương tiện chuyển tải trên các tuyến
sông, hồ.
4. Không sử dụng phương tiện chuyển tải
để vận tải khách du lịch tham quan, dạo chơi, nghe ca Huế,...
5. Phương tiện chuyển tải không thu
tiền trực tiếp hành khách.
6. Trang bị phao cứu sinh thỏa mãn
quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chế tạo và kiểm tra thiết bị cứu
sinh dùng cho phương tiện thủy nội địa QCVN 85:2015/BGTVT.
7. Người trên phương tiện chuyển tải
bắt buộc phải mặc áo phao khi phương tiện hoạt động.
Điều 9. Quy định
cấp biển hiệu thuyền du lịch
1. Thủ tục cấp, cấp lại, cấp đổi và
thu hồi biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch do Sở Giao thông vận tải thực
hiện theo quy định tại Điều 17, 18, 19, 20 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31
tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
2. Chỉ cấp biển hiệu phương tiện vận
tải khách du lịch lần đầu đối với các phương tiện được đóng mới, hoán cải theo
mẫu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hoặc chấp thuận. Giao Sở Giao thông vận
tải chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tiến hành kiểm tra, xác nhận mẫu
phương tiện trước khi cấp biển hiệu.
Mục 2. THUYỀN
VIÊN, NGƯỜI LÁI PHƯƠNG TIỆN VÀ NHÂN VIÊN PHỤC VỤ
Điều 10. Quy định
đối với thuyền viên, người lái phương tiện
Ngoài việc thực hiện quy định tại
Chương IV Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004, Luật
Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi năm 2014 và Điều 6 Thông tư số
22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL ngày 26 tháng 06 năm 2012 của liên Bộ Giao thông vận
tải - Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan;
thuyền viên, người lái phương tiện làm việc trên phương tiện vận tải khách du lịch
và phương tiện chuyển tải còn phải đảm bảo yêu cầu các quy định sau:
1. Có chứng chỉ bơi lội.
2. Mặc đồng phục, đeo thẻ tên theo
quy định của đơn vị kinh doanh vận tải trong suốt quá trình làm việc trên
phương tiện và các công việc liên quan.
3. Có thái độ phục vụ văn minh, lịch
sự.
4. Không được uống bia, rượu hoặc sử
dụng chất kích thích trong quá trình làm việc trên phương tiện và các công việc
liên quan.
5. Không phải là người đang trong thời
gian bị cấm hành nghề theo quy định pháp luật.
6. Có hợp đồng lao động và đóng bảo
hiểm y tế, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
7. Không được mời chào, bám buộc, lôi
kéo hành khách dưới mọi hình thức gây mất trật tự, an toàn ở cảng, bến thuyền
du lịch.
8. Thực hiện trách nhiệm theo quy định
tại khoản 1 Điều 12 Quy định này.
Điều 11. Quy định
đối với nhân viên phục vụ trên phương tiện
Thực hiện theo quy định tại:
1. Điều 7 Thông tư liên tịch số
22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL ngày 26 tháng 6 năm 2012 của liên bộ Giao thông vận
tải - Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2. Điều 5 Thông tư 42/2017/TT-BGTVT
ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Bộ Giao thông vận tải.
3. Khoản 2 Điều 12 của quy định này.
Điều 12. Trách
nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và nhân viên phục vụ
1. Trách nhiệm của thuyền viên, người
lái phương tiện
a) Thực hiện quy định tại:
Điều 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13
Thông tư số 39/2019/TT-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Bộ Giao thông vận tải
quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm
nhận chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy
nội địa.
Khoản 1, 2 Điều 8 Thông tư liên tịch
số 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL ngày 26 tháng 6 năm 2012 của liên Bộ Giao thông vận
tải - Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Điều 23 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT
ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý cảng, bến
thủy nội địa.
b) Giữ gìn trật tự, an ninh, vệ sinh
môi trường, văn hóa tín ngưỡng tại các cảng, bến thuyền; các khu, điểm du lịch.
c) Đảm bảo an toàn cho phương tiện
ra, vào cảng, bến và khách lên, xuống phương tiện.
d) Phổ biến nội quy an toàn hành
khách đi thuyền và hướng dẫn cách sử dụng các trang, thiết bị an toàn trên
phương tiện cho khách biết trước khi phương tiện rời cảng, bến.
đ) Chỉ cho phương tiện đón, trả khách
tại các cảng, bến được công bố hoặc cấp phép. Đậu đỗ phương tiện đúng nơi quy định,
đảm bảo an toàn khi không có phiên chuyến hoạt động.
e) Phối hợp và thực hiện tốt các quy
định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật (nếu có) theo quy định của Ủy ban nhân
dân tỉnh. Tuyệt đối từ chối biểu diễn nghệ thuật khi phương tiện đang hành
trình hoặc không đúng vị trí, thời gian biểu diễn theo quy định và chỉ cho
phương tiện cặp bến để đón khách trước 30 phút so với thời gian bắt đầu xuất bến,
thực hiện chuyến hành trình;
h) Triển khai thực hiện phương án
phòng chống giông bão, chống đắm và cứu hộ cứu nạn tại chỗ.
i) Các quy định khác của pháp luật có
liên quan.
2. Trách nhiệm của nhân viên phục vụ
trên phương tiện
Thực hiện theo quy định tại Điều 9
Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL ngày 26 tháng 6 năm 2012 của
liên Bộ Giao thông vận tải - Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các quy định khác
của pháp luật có liên quan.
Mục 3. ĐƠN VỊ
KINH DOANH VẬN TẢI, CHỦ PHƯƠNG TIỆN VÀ KHÁCH DU LỊCH
Điều 13. Điều kiện
hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải
1. Đơn vị kinh doanh vận tải phải được
thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật và có đăng ký
ngành nghề kinh doanh vận tải bằng phương tiện thủy nội địa.
2. Có phương tiện, thuyền viên, người
lái phương tiện và nhân viên phục vụ đáp ứng quy định tại Điều 5, 6, 7, 8, 9,
10, 11, 12 của quy định này, tương ứng với hình thức kinh doanh.
3. Có phương án kinh doanh phù hợp với
hình thức kinh doanh.
4. Trường hợp vận tải khách du lịch bằng
phương tiện vận tải khách du lịch phải có hợp đồng vận tải và danh sách hành
khách vận tải theo chuyến bằng văn bản. Trường hợp lưu trú khách du lịch bằng
tàu, thuyền lưu trú du lịch; khách sạn nổi phải lập danh sách hành khách lưu
trú.
5. Phương tiện vận tải khách du lịch
theo tuyến cố định phải được Sở Giao thông vận tải chấp thuận tuyến hoạt động.
Điều 14. Vé hành
khách, hợp đồng vận tải và danh sách hành khách
1. Vé hành khách
Ngoài việc thực hiện quy định tại khoản
3 Điều 1 Thông tư số 34/2019/TT-BGTVT ngày 06 tháng 9 năm 2019 Sửa đổi, bổ sung
một số điều của các thông tư quy định về vận tải đường thủy nội địa; đơn vị
kinh doanh vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa và đơn vị kinh doanh dịch
vụ vui chơi giải trí dưới nước phải thực hiện các quy định sau:
a) Lập hồ sơ kê khai giá gửi Sở Giao
thông vận tải, Cục thuế tỉnh hoặc Chi cục thuế nơi đơn vị kinh doanh vận tải đặt
trụ sở đăng ký kinh doanh.
b) Kê khai giá lần đầu được thực hiện
khi đơn vị bắt đầu tham gia kinh doanh hoặc lần đầu thực hiện kê khai giá theo
quy định này.
c) Kê khai lại giá được thực hiện khi
đơn vị kinh doanh vận tải điều chỉnh tăng, giảm vượt mức 3% so với mức giá đã
kê khai liền kề trước đó do các yếu tố hình thành giá thay đổi. Trường hợp tổng
điều chỉnh tăng, giảm giá trong phạm vi 3% so với mức giá đã kê khai liền kề
trước đó, đơn vị không phải thực hiện kê khai lại, nhưng phải gửi thông báo bằng
văn bản về mức giá điều chỉnh về Sở Giao thông vận tải, Cục thuế tỉnh hoặc Chi
cục thuế nơi đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở đăng ký kinh doanh trước khi
áp dụng.
2. Hợp đồng vận tải, danh sách hành
khách
a) Tàu, thuyền du lịch phải có hợp đồng
vận tải bằng văn bản và danh sách hành khách theo từng chuyến vận tải cụ thể.
b) Hợp đồng vận tải phải được đàm
phán và ký kết trước khi thực hiện chuyến vận tải giữa đơn vị kinh doanh vận tải
với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến vận tải.
c) Đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được
ký hợp đồng vận tải với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến vận tải và
chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm ghi trong hợp đồng vận tải đã ký kết;
không được gom khách, đón khách ngoài danh sách hành khách.
d) Khi vận tải, ngoài các giấy tờ phải
mang theo theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, Thuyền trưởng
còn phải mang theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giấy của đơn vị kinh doanh vận
tải đã ký kết và danh sách hành khách có dấu xác nhận của đơn vị kinh doanh vận
tải (trừ trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử). Trường hợp sử dụng hợp đồng điện
tử, thuyền trưởng phải có thiết bị để truy cập được nội dung của hợp đồng điện
tử và danh sách hành khách do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp.
đ) Các nội dung tối thiểu bắt buộc có
trong Hợp đồng vận tải gồm: số đăng ký phương tiện, số lượng hành khách vận tải,
thời gian, hành trình chuyến đi (tên cảng, bến phương tiện đón khách; thời gian
đón, trả khách; lộ trình, tên cảng, bến đón, trả khách dọc tuyến (nếu có) và
tên cảng, bến trả khách).
e) Danh sách hành khách theo mẫu quy
định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 34/2019/TT-BGTVT ngày 06
tháng 9 năm 2019 của Bộ Giao thông vận tải.
3. Đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện
việc kê khai, nộp thuế và miễn giảm giá vé đối với các đối tượng ưu tiên theo
quy định.
Điều 15. Trách
nhiệm, nghĩa vụ của chủ phương tiện, người thuê phương tiện
1. Thực hiện quy định tại Điều 4
Thông tư số 39/2019/TT-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2019 và khoản 2 Điều 1 Thông
tư 34/2019/TT-BGTVT ngày 06 tháng 9 năm 2019 của Bộ Giao thông vận tải.
2. Xây dựng phương án kinh doanh, bố
trí phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện và nhân viên phục vụ hoạt động
phải đảm bảo điều kiện quy định tại Điều 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 của quy định
này, tương ứng với hình thức kinh doanh.
3. Có quyết định phân công trách nhiệm,
nhiệm vụ cụ thể cho thuyền viên, người lái phương tiện, nhân viên phục vụ và phổ
biến, giám sát trực tiếp đến từng đối tượng thực hiện. Thường xuyên kiểm tra để
có biện pháp khắc phục kịp thời những thiếu sót, vi phạm và chịu trách nhiệm về
các hoạt động của thuyền viên, người lái phương tiện và nhân viên phục vụ trong
quá trình hoạt động.
4. Kiểm tra các điều kiện an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường phương tiện, các điều kiện của thuyền viên, người
lái phương tiện và nhân viên phục vụ đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định
này trước khi hoạt động.
5. Trực tiếp chịu trách nhiệm hoặc
liên đới chịu trách nhiệm về các hoạt động liên quan đến sự cố xảy ra đối với
phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện và nhân viên phục vụ trên
phương tiện.
6. Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi
trường và tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường theo quy định. Khắc phục ô nhiễm
môi trường do hoạt động của phương tiện mình gây ra.
7. Thực hiện:
a) Ký hợp đồng thu gom, xử lý chất thải
trên phương tiện, chất thải từ bể phốt nhà vệ sinh với cơ quan bảo vệ môi trường
theo quy định.
b) Ký hợp đồng vận tải, lập danh sách
hành khách vận tải với người thuê vận tải trước khi thực hiện chuyến vận tải và
giao hợp đồng vận tải, danh sách hành khách vận tải cho thuyền trưởng mang theo
khi phương tiện hoạt động.
c) Lắp đặt và duy trì tình trạng hoạt
động liên tục của camera, thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện phù hợp
tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định. Cung cấp địa chỉ truy cập và thay đổi
(nếu có) vào thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên phương tiện, gồm: đường
dẫn truy cập, tên đăng nhập, mật khẩu về Sở Giao thông vận tải và Ban quản lý cảng,
bến thuyền du lịch nơi phương tiện vào, rời cảng, bến đón trả khách để theo
dõi, giám sát.
d) Vệ sinh phương tiện sạch sẽ trước
khi đưa phương tiện vào hoạt động.
đ) Không được tổ chức chào mời, lôi
kéo khách đi thuyền gây mất trật tự ở cảng, bến thuyền.
e) Đón, trả khách tại cảng, bến khách
được công bố hoặc cấp, phép hoạt động; hợp đồng vận tải phải được ký kết trước
khi thực hiện vận tải và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết.
Điều 16. Trách
nhiệm của khách du lịch
1. Thực hiện quy định tại Điều 10
Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL ngày 26 tháng 6 năm 2012 của
liên bộ Giao thông vận tải - Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2. Thực hiện các quy định về an ninh
trật tự, nội quy an toàn, bảo vệ môi trường và hướng dẫn thực hiện các biện
pháp an toàn của thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện.
3. Mua vé hành khách hoặc trả cước
phí vận tải theo đúng quy định; mua đầy đủ vé tham quan các tuyến, điểm du lịch,...
theo quy định; thanh toán chi phí dịch vụ theo đúng thỏa thuận.
4. Kê khai trung thực, đúng các nội
dung khi chủ phương tiện lập danh sách hành khách.
5. Có mặt tại nơi phương tiện xuất
phát đúng thời gian quy định hoặc đã thỏa thuận.
6. Không mang theo hành lý thuộc loại
hàng hóa mà pháp luật cấm lưu thông, cấm vận tải chung với người.
7. Tuân thủ các nội quy về an toàn và
bảo vệ môi trường tại các cảng, bến, trên các phương tiện thủy và những điểm,
khu du lịch; không xả các chất thải, rác thải xuống đường thủy nội địa; không
mang hóa chất độc hại, chất nổ, chất dễ gây cháy khi tham gia các hoạt động du
lịch.
8. Thực hiện các quy định tại Bộ Quy
tắc ứng xử văn minh du lịch ban hành kèm theo Quyết định số 718/QĐ-BVHTTDL ngày
02 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Quy tắc
ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Mục 4. CẢNG, BẾN
THUYỀN DU LỊCH VÀ KHU VỰC NEO ĐẬU
Điều 17. Quy định
về cảng, bến thuyền du lịch và khu vực neo đậu
1. Điều kiện hoạt động của cảng, bến
thuyền du lịch
a) Đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về cảng,
bến khách quy định tại Quyết định 31/2004/QĐ-BGTVT ngày 21 tháng 12 năm 2004 của
Bộ Giao thông vận tải ban hành tiêu chuẩn cấp kỹ thuật cảng thủy nội địa, tiêu
chuẩn bến thủy nội địa, có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa hoặc quyết định
công bố hoạt động cảng thủy nội địa còn hiệu lực của cơ quan thẩm quyền.
b) Có phương tiện cứu hộ, cứu nạn,
trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và các phương tiện khác bảo đảm an toàn,
an ninh trật tự và bảo vệ môi trường.
c) Có đủ cọc neo, đệm chống va và báo
hiệu theo quy tắc báo hiệu đường thủy nội địa; có cầu dẫn cho người lên xuống
thuận tiện, an toàn. Nếu hoạt động ban đêm phải có đèn chiếu sáng khu vực hành
khách lên xuống.
d) Có nhà chờ, điểm bán vé, khu vệ
sinh và đường ra, vào thuận tiện, đảm bảo người khuyết tật tiếp cận.
đ) Có bảng thông tin hướng dẫn cho
khách du lịch về tuyến, điểm du lịch; các công trình phụ trợ phục vụ khách du lịch
bằng hai thứ tiếng Anh và tiếng Việt đảm bảo thẩm mỹ, đặt ở vị trí dễ quan sát
e) Có bảng nội quy cảng, bến và hòm
thư góp ý rõ ràng bằng hai thứ tiếng Anh và tiếng Việt.
g) Có bãi đỗ xe thuận tiện cho hành
khách tiếp cận bằng phương tiện cơ giới đường bộ.
h) Văn phòng làm việc có đầy đủ
trang, thiết bị, nhân lực làm việc theo nhiệm vụ và quyền hạn được giao, có máy
tính kết nối internet và Camera giám sát. Cán bộ, nhân viên làm việc tại cảng,
bến thuyền du lịch phải mang đồng phục, đeo thẻ tên và có thái độ nhã nhặn, văn
minh, lịch sự, hướng dẫn tận tình, chu đáo.
i) Có hệ thống loa phát thanh.
2. Khu vực neo đậu
a) Có phương tiện cứu hộ, cứu nạn,
trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và các phương tiện khác bảo đảm an toàn,
an ninh trật tự và bảo vệ môi trường.
b) Trang thiết bị neo đậu phương tiện
phải đảm bảo an toàn.
c) Được cơ quan thẩm quyền công bố hoặc
cấp giấy phép hoạt động theo quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa.
3. Quản lý cảng, bến thuyền du lịch
và khu vực neo đậu.
Thực hiện theo quy định tại Thông tư
50/2014/TT-BGTVT ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải.
Điều 18. Nhiệm vụ
và quyền hạn của Ban quản lý cảng, bến thuyền du lịch
1. Thực hiện kiểm tra, cấp giấy phép
ra, vào cảng, bến cho phương tiện.
2. Huy động người, phương tiện, thiết
bị tham gia tìm kiếm cứu nạn; phòng chống bão lũ; chữa cháy và khắc phục ô nhiễm
môi trường.
3. Theo dõi và phối hợp xử lý những
hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong vùng nước cảng, bến thủy nội
địa.
4. Theo dõi, giám sát hoạt động của
phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên phương tiện. Nhắc nhở,
chấn chỉnh, xử lý hoặc phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm qua
theo dõi từ thiết bị giám sát hành trình.
5. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước
chuyên ngành về giao thông đường thủy nội địa của Cảng vụ đường thủy nội địa tại
cảng, bến thuyền du lịch.
6. Quy định nơi neo đậu cho phương tiện
tại cảng, bến.
7. Tiếp nhận và xác nhận đăng ký mẫu
trang phục, thẻ tên thuyền viên, người lái phương tiện và nhân viên phục vụ của
đơn vị kinh doanh vận tải.
8. Xác nhận, lưu trữ danh sách hành
khách đi thuyền và thông tin tuy cập vào thiết bị giám sát hành trình lắp đặt
trên phương tiện.
9. Kiểm tra điều kiện hoạt động của
phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện và nhân viên phục vụ đảm bảo đầy
đủ theo quy định trước khi cấp phép phương tiện rời cảng, bến, gồm:
a) Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện.
b) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật
và bảo vệ môi trường phương tiện.
c) Giấy chứng nhận khả năng chuyên
môn, bằng, chứng chỉ chuyên môn, trang phục, thẻ tên,… của thuyền viên, người
lái phương tiện, nhân viên phục vụ.
d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm
dân sự của chủ phương tiện đối với hành khách và người thứ ba.
đ) Hợp đồng vận tải, vé hành khách,
danh sách hành khách đi thuyền.
e) Các trang, thiết bị an toàn như:
trang, thiết bị cứu sinh, cứu đắm, cứu hỏa và các điều kiện về an toàn, an
ninh, bảo vệ môi trường, thẩm mỹ,...
h) Tình trạng hoạt động của thiết bị
giám sát hành trình và Camera lắp đặt trên phương tiện.
10. Tiếp nhận và thông báo tình hình
luồng, tuyến cho phương tiện tại cảng, bến.
11. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn
thực hiện những quy định của pháp luật về giao thông vận tải đường thủy nội địa.
12. Kiểm tra điều kiện an toàn đối với
cảng, bến, luồng, báo hiệu và các công trình khác có liên quan trong phạm vi cảng,
bến. Khi phát hiện có dấu hiệu mất an toàn phải thông báo cho tổ chức, cá nhân
có trách nhiệm xử lý kịp thời.
13. Giám sát việc khai thác, sử dụng
cảng, bến bảo đảm an toàn; yêu cầu tổ chức cá nhân khai thác cảng, bến tạm ngừng
khai thác cảng hoặc kiến nghị đình chỉ hoạt động khi xét thấy có ảnh hưởng đến
an toàn cho người và phương tiện.
14. Tổ chức tìm kiếm, cứu người, hàng
hóa, phương tiện bị nạn trong vùng nước cảng, bến quản lý.
15. Huy động phương tiện, thiết bị,
nhân lực trong khu vực cảng, bến để tham gia cứu người, hàng hóa, phương tiện
và xử lý ô nhiễm môi trường trong phạm vi cảng, bến.
16. Chủ trì kiểm tra, giám sát thực
hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tại cảng, bến và các phương tiện thủy nội
địa, trong vùng nước quản lý; tham gia lập biên bản, kết luận nguyên nhân tai nạn,
sự cố xảy ra trong vùng nước cảng, bến; yêu cầu các bên liên quan khắc phục hậu
quả tai nạn.
17. Xử phạt vi phạm hành chính; thu
phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
18. Theo dõi, giám sát việc xếp hành
khách lên phương tiện trong vùng đất, vùng nước cảng, bến quản lý.
19. Chủ trì, phối hợp hoạt động với
các cơ quan quản lý nhà nước khác thực hiện công tác bảo đảm bảo trật tự an
toàn giao thông trong khu vực cảng, bến. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ
quan khi có nhu cầu kiểm tra, làm việc tại cảng, bến.
20. Xây dựng kế hoạch hoạt động hàng
năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện; tham gia xây dựng
quy hoạch phát triển đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa trong phạm vi
quản lý khi có yêu cầu.
21. Thực hiện những nhiệm vụ khác do
Giám đốc Sở Giao thông vận tải giao.
Điều 19. Quy định
phương tiện vào và rời cảng, bến đón, trả khách
1. Thủ tục phương tiện vào và rời cảng,
bến đón, trả khách thực hiện theo quy định tại Điều 15, 16 Thông tư
50/2014/TT-BGTVT ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải.
2. Hợp đồng vận tải, danh sách hành
khách đi thuyền được lưu giữ 01 bản tại Ban quản lý cảng, bến nơi phương tiện
làm thủ tục rời bến thực hiện chuyến hành trình.
3. Ban quản lý cảng, bến thuyền sắp xếp,
bố trí phương tiện đậu đỗ đúng nơi quy định, đảm bảo trật tự, an toàn. Kiểm tra
đầy đủ các điều kiện về hoạt động của phương tiện, thuyền viên, người lái
phương tiện, nhân viên phục vụ theo quy định của pháp luật và theo quy định này
trước khi cấp giấy phép phương tiện rời, vào cảng, bến.
4. Không làm thủ tục rời cảng, bến
trong các trường hợp sau:
a) Khi phương tiện không đảm bảo các
điều kiện an toàn, phương tiện, chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương
tiện và nhân viên phục vụ vi phạm quy định này hoặc vi phạm nội quy cảng, bến,
hợp đồng, cam kết đã được ký kết giữa chủ phương tiện với Ban quản lý cảng, bến.
b) Không có vé hành khách hoặc hợp đồng
vận tải, danh sách hành khách; thiết bị giám sát hành trình, Camera giám sát
không hoạt động theo quy định.
c) Khi thời tiết có diễn biến xấu, phức
tạp theo thông báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh và khi điều kiện
thời tiết có cấp gió vượt quá mức cho phép đối với cấp kỹ thuật của phương tiện.
d) Trong trường hợp thời tiết có diễn
biến đột xuất, Ban quản lý cảng, bến trực tiếp xem xét giải quyết việc ngưng
hay tiếp tục cấp giấy phép rời bến cho phương tiện trên cơ sở đảm bảo an toàn.
Khi ngừng hay tiếp tục cấp lại phải thông báo công khai cho các bên liên quan
được biết.
đ) Các trường hợp vi phạm khác theo
quy định của pháp luật.
Chương III
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG
PHƯƠNG TIỆN PHỤC VỤ VUI CHƠI, GIẢI TRÍ DƯỚI NƯỚC
Điều 20. Điều kiện
hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước
Tổ chức, cá nhân tổ chức, hoạt động
vui chơi, giải trí dưới nước phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
1. Có vùng hoạt động đảm bảo các điều
kiện quy định, được cơ quan thẩm quyền chấp thuận hoặc công bố hoạt động.
2. Phương tiện phục vụ vui chơi giải
trí dưới nước phải được đăng ký, đăng kiểm theo quy định.
3. Tùy thuộc công suất máy chính lắp
đặt trên phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước, người lái phương tiện
phục vụ vui chơi giải trí dưới nước phải có giấy chứng nhận lái phương tiện hoặc
phải được hướng dẫn về kỹ năng an toàn và phải đảm bảo về sức khỏe theo quy định.
4. Có cảng, bến, khu vực neo đậu để
phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước neo đậu, đón, trả khách được Sở
Giao thông vận tải cấp phép hoạt động.
5. Thực hiện theo các quy định tại
Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ và các văn bản
quy phạm pháp luật liên quan.
6. Không tổ chức hoạt động phương tiện
vui chơi, giải trí dưới nước đối với phương tiện cao tốc, cano, moto nước,...
trên các tuyến sông, hồ.
7. Người hướng dẫn về kỹ năng an toàn
tối thiểu phải có giấy chứng nhận lái phương tiện theo quy định.
Điều 21. Quy định
về vùng hoạt động
1. Thẩm quyền, thủ tục và trình tự chấp
thuận vùng hoạt động vui chơi giải trí dưới nước tại vùng 1:
a) Thực hiện theo quy định tại Điều
9, Điều 10 Chương III Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2019 của
Chính phủ.
b) Sở Giao thông vận tải chấp thuận
vùng vui chơi, giải trí tại vùng 1 trên tuyến đường thủy nội địa địa phương và
hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chấp thuận hoạt động vui
chơi, giải trí dưới nước tại vùng 1 trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia.
c) Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế hướng
dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chấp thuận hoạt động vui chơi,
giải trí dưới nước tại vùng 1 trên vừng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải.
2. Thẩm quyền, thủ tục và trình tự
công bố vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước tại vùng 2:
a) Thực hiện theo quy định tại Điều
11, Điều 12 Chương III Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2019 của
Chính phủ.
b) Giao Sở Giao thông vận tải:
Chủ trì phối hợp với các Sở, ban
ngành, chính quyền địa phương và tổ chức, cá nhân liên quan tiến hành kiểm tra
các điều kiện về địa điểm, quy mô, biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, cứu hộ,
cứu nạn và ngăn ngừa ô nhiễm, ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy,
hải sản,... đối với vùng hoạt động và có văn bản tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
trước khi Ủy ban nhân dân tỉnh thỏa thuận đầu tư, công bố vùng hoạt động.
Quản lý hoạt động của phương tiện phục
vụ vui chơi, giải trí dưới nước và vùng hoạt động đã được công bố hoạt động.
Tùy thuộc tình hình thực tế, xem xét
tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về số lượng của tổ chức, cá nhân và phương tiện
phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước hoạt động trên vùng đã được công bố.
c) Tổ chức, cá nhân khác muốn tổ chức,
hoạt động vui chơi, giải trí trên vùng hoạt động đã được công bố phải có văn bản
thỏa thuận, thống nhất về chi phí đầu tư ban đầu với tổ chức, cá nhân đã được
công bố hoạt động và tùy thuộc vào số lượng phương tiện đã hoạt động trên vùng.
d) Thủ tục đóng, không cho phép hoạt
động vui chơi giải trí tại vùng 2: thực hiện theo quy định tại Điều 13 Chương
III Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ.
Điều 22. Quy định
về đăng ký phương tiện
1. Phương tiện phục vụ vui chơi, giải
trí dưới nước phải được đăng ký theo quy định, trừ:
a) Phương tiện đã được đăng ký theo
các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa hoặc pháp luật về
hàng hải.
b) Phương tiện thô sơ chở dưới 5 người
hoặc bè hoạt động ở vùng 1 (trên luồng đường thủy nội địa).
2. Quy định về đăng ký, xóa đăng ký,
tên, số đăng ký, kẻ số đăng ký, cơ quan đăng ký, thủ tục đăng ký lần đầu, thủ tục
đăng ký lại, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký, thủ tục xóa đăng ký
phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước thực hiện theo quy định tại Điều
14, 15, 16, 17, 19, 20, 21, 22, 23 Chương IV Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 05
tháng 6 năm 2019 của Chính phủ.
3. Sở Giao thông vận tải tổ chức thực
hiện và quản lý đăng ký, quản lý phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước
thuộc diện không đăng ký, đăng kiểm trên địa bàn tỉnh.
Điều 23. Quy định
vè đăng kiểm phương tiện
1. Phương tiện phục vụ vui chơi, giải
trí dưới nước phải được đăng kiểm theo quy định, trừ:
a) Phương tiện thô sơ, không có động
cơ hoạt động ở vùng 1 (trên luồng đường thủy nội địa);
b) Phương tiện có động cơ có công suất
máy chính dưới 5cv hoặc chở dưới 5 người hoạt động ở vùng 1 (trên luồng đường
thủy nội địa).
2. Cơ quan thực hiện đăng kiểm phương
tiện: Chi cục Đăng kiểm số 13 - Huế.
Điều 24. Quy định
đối với phương tiện không đăng ký, đăng kiểm
1. Đảm bảo điều kiện về an toàn theo
quy định tại điểm a mục 3 khoản 7 Điều 1 Luật Bổ sung, sửa đổi một số điều của
Luật Giao thông đường thủy nội địa.
2. Có bản kê khai điều kiện an toàn đối
với phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước không đăng ký, đăng kiểm
theo mẫu quy định tại Phụ lục (kèm theo).
3. Chủ phương tiện có trách nhiệm lập
bản kê khai điều kiện an toàn đối với phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới
nước không đăng ký, đăng kiểm, có trách nhiệm duy trì và chịu trách nhiệm đảm bảo
các điều kiện an toàn cho phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước
trong suốt thời gian hoạt động.
4. Bản kê khai điều kiện an toàn
phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước không đăng ký, đăng kiểm được
chủ phương tiện lập thành 3 bản, trong đó: một bản gửi Sở Giao thông vận tải, một
bản lưu chủ phương tiện, một bản lưu ở phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí
dưới nước để trình cơ quan chức năng khi kiểm tra, kiểm soát.
Điều 25. Quy định
về người lái phương tiện
1. Thực hiện theo quy định tại khoản
2 Điều 6 Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ.
2. Người lái phương tiện phục vụ vui
chơi, giải trí dưới nước, người tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước
bắt buộc phải mặc áo phao trong suốt thời gian tham gia hoạt động.
3. Áo phao trang bị cho người lái
phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước và người tham gia vui chơi, giải
trí dưới nước phải thỏa mãn quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chế tạo
và kiểm tra thiết bị cứu sinh dùng cho phương tiện thủy nội địa QCVN
85:2015/BGTVT.
Điều 26. Quy định
về cảng, bến, khu vực neo đậu
1. Thực hiện theo quy định tại Điều
17 của Quy định này.
2. Các cảnh báo, chỉ dẫn về điều kiện
khí hậu, thời tiết, sức khỏe và các yếu tố liên quan khi cung cấp dịch vụ; khuyến
cáo các trường hợp không được tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước
phải được niêm yết trên bảng rõ ràng, dễ hiểu, đặt ở vị trí dễ thấy tại nhà chờ
hành khách.
Điều 27. Quy định
về thời gian hoạt động
1. Thời gian hoạt động trong ngày của
phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước được quy định như sau:
a) Phương tiện phục vụ vui chơi, giải
trí dưới nước cao tốc, cano, moto nước: từ 5 giờ 00 phút đến 19 giờ 00 phút.
b) Các phương tiện phục vụ vui chơi,
giải trí dưới nước còn lại: từ 5 giờ 00 phút đến 22 giờ 00 phút.
2. Phương tiện phục vụ vui chơi, giải
trí dưới nước không hoạt động trong điều kiện thời tiết có diễn biến phức tạp,
giông, bão và lũ lụt.
Điều 28. Điều kiện
đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước
1. Đáp ứng đủ các quy định tại Điều
20 của Quy định này.
2. Đơn vị kinh doanh dịch vụ vui
chơi, giải trí dưới nước phải là doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập theo
quy định của pháp luật, có đăng ký ngành nghề kinh doanh cung cấp dịch vụ bằng
phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước.
3. Đáp ứng điều kiện quy định tại khoản
1, khoản 2 (trừ điểm d), khoản 3 Điều 14 của Quy định này.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 29. Sở Giao
thông Vận tải
1. Cơ quan thường trực, tổ chức giám
sát việc thực hiện Quy định này và tổng hợp, đề xuất các biện pháp giải quyết
các phát sinh trong quá trình thực hiện Quy định này.
2. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước
trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa.
Điều 30. Sở Du lịch
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Giao
thông vận tải và các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch cho thuyền
viên, người lái phương tiện và nhân viên phục vụ trên phương tiện.
2. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải
và các cơ quan có liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về bảo đảm an toàn
cho khách du lịch của các phương tiện và tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải
khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa.
3. Phối hợp với các đơn vị liên quan
trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch; các chất
lượng, tiêu chuẩn về dịch vụ trên thuyền du lịch.
4. Xác nhận phương tiện đạt tiêu chuẩn
vận chuyển khách du lịch theo quy định.
Điều 31. Sở Văn
hóa - Thể thao
1. Chủ trì phối hợp với Sở Giao thông
vận tải, Sở Du lịch, các tổ chức, cá nhân liên quan xây dựng, tham mưu UBND tỉnh
ban hành mẫu phương tiện du lịch phù hợp với cảnh quan môi trường hoạt động.
2. Thực hiện việc quản lý nhà nước
chuyên ngành về hoạt động ca Huế trên phương tiện theo quy định.
3. Tổ chức tập huấn, cấp giấy chứng
nhận lái phương tiện cho người lái phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước.
Điều 32. Công an
tỉnh
1. Đảm bảo an ninh trật tự đối với hoạt
động của phương tiện, công tác phòng chống cháy nổ, quản lý lưu trú và các lĩnh
vực có liên quan theo quy định của pháp luật.
2. Là cơ quan thường trực cứu hộ, cứu
nạn; chủ động phối hợp với các ngành, địa phương liên quan giải quyết các sự cố
xảy ra trên đường thủy nội địa.
3. Chỉ đạo lực lượng công an phường,
xã tăng cường công tác phối hợp với Ban quản lý cảng, bến đảm bảo trật tự an
ninh tại khu vực cảng, bến.
4. Chỉ đạo phòng Cảnh sát Giao thông
và các lực lượng công an tăng cường công tác tuần tra kiểm soát hoạt động của
các phương tiện vận tải khách du lịch, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp
vi phạm bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Điều 33. Ban Quản
lý cảng, bến thuyền du lịch
1. Thực hiện các quy định tại Điều 9,
Điều 10 và Điều 11 Quy định này.
2. Quản lý và chuẩn bị các điều kiện
đảm bảo yêu cầu về an toàn, thuận tiện cho khách và thuyền du lịch ra, vào tại
các cảng, bến thuyền du lịch.
3. Tổ chức hướng dẫn, giám sát chung
các hoạt động của thuyền du lịch trong việc chấp hành quy định về hành trình,
điểm neo đậu, bảo vệ cảnh quan môi trường trên, chất lượng dịch vụ các tuyến đường
thủy nội địa.
4. Phối hợp với lực lượng công an,
chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tại khu
vực cảng, bến thuyền du lịch.
5. Bố trí nơi bán vé và thực hiện
niêm yết giá vé theo quy định tại cảng, bến thuyền trong trường hợp đơn vị kinh
doanh vận tải ủy thác.
Điều 34. Sở Tài
nguyên và Môi trường
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước môi
trường và thực hiện các nhiệm vụ, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật
và Quy định này.
Điều 35. Sở Y tế
1. Quy định danh mục thuốc thông thường
và thiết bị y tế trên thuyền du lịch.
2. Tổ chức tập huấn, cấp giấy chứng
nhận về nghiệp vụ sơ, cấp cứu y tế; kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho
chủ phương tiện; thuyền viên, người lái phương tiện và nhân viên phục vụ.
Điều 36. Sở Tài
chính
1. Quản lý nhà nước về giá dịch vụ sử
dụng cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.
2. Thẩm định phương án giá dịch vụ sử
dụng cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Điều 37. Cục Thuế
tỉnh
1. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn
pháp luật về thuế; công khai các thủ tục về thuế theo đúng quy định của pháp luật.
Kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật thuế, phí và xử lý vi phạm theo thẩm
quyền.
2. Thực hiện các biện pháp quản lý
thuế đối với hoạt động vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa.
Điều 38. UBND
các huyện, thị xã và thành phố Huế
1. Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước
về hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa trên địa
bàn quản lý.
2. Kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp
luật về tổ chức, quản lý trong vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội
địa trên địa bàn quản lý theo quy định này và các quy định khác của pháp luật.
3. Tổ chức đăng ký bản cam kết bảo vệ
môi trường cho các chủ thuyền du lịch theo quy định; Tổ chức kiểm tra, thanh
tra việc thực hiện các nội dung đã ghi trong bản cam kết bảo vệ môi trường của
các thuyền du lịch.
4. Xây dựng phương án giá dịch vụ sử
dụng cảng, bến thủy nội địa quản lý theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 1
Quyết định số 46/2017/QĐ-UBND ngày 19 tháng 6 năm 2017 của UBND tỉnh sửa đổi, bổ
sung một số điều của Quy định quản lý nhà nước về giá trên địa bàn tỉnh Thừa
Thiên Huế ban hành kèm theo Quyết định số 26/2015/QĐ-UBND ngày 15 tháng 7 năm
2015 của UBND tỉnh.
5. Chủ trì trong việc chăm sóc, hỗ trợ
ban đầu cho khách du lịch khi gặp nạn trên các tuyến đường thủy nội địa thuộc địa
bàn quản lý.
Điều 39. Điều
khoản thi hành
1. Sở Giao thông vận tải trong phạm
vi chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện và kiểm
tra việc tổ chức thực hiện Quy định này.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện
Quy định này, nếu có vướng mắc, phát sinh đề nghị phản ánh về Sở Giao thông Vận
tải để nghiên cứu, tổng hợp trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Điều 40. Điều
khoản chuyển tiếp
1. Phương tiện vận tải khách du lịch
lắp động cơ 01 (một) xy-lanh được phép hoạt động cho đến khi hết niên hạn sử dụng.
2. Phương tiện vận tải khách du lịch
được đóng mới hoặc hoán cải động cơ sau ngày Quy định này có hiệu lực phải thực
hiện theo quy định tại khoản 16 Điều 4 của Quy định này.
3. Trường hợp các văn bản được dẫn
chiếu trong Quy định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo
quy định của các văn bản mới./.