Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 4036/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Nguyễn Mạnh Quyền
Ngày ban hành: 25/10/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4036/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2022

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “QUY ĐỊNH SỐ LƯỢNG XE CHỞ NGƯỜI BỐN BÁNH SỬ DỤNG ĐỘNG CƠ ĐIỆN PHỤC VỤ KINH DOANH HOẠT ĐỘNG THEO KHU VỰC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI PHÙ HỢP VỚI KẾT CẤU HẠ TẦNG VÀ AN TOÀN GIAO THÔNG”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;

Căn cứ Luật Thủ đô ngày 21/11/2012;

Căn cứ Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 của HĐND Thành phố về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030”;

Căn cứ Quyết định số 5953/QĐ-UBND ngày 24/8/2017 của UBND Thành phố về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030”;

Căn cứ Quyết định số 5316/QĐ-UBND ngày 04/10/2018 của UBND Thành phố về việc phê duyệt dự toán chi phí xây dựng Đề án theo Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố để phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 142/TTr-SGTVT ngày 21/01/2021 và văn bản số 1727/SGTVT-QLVT ngày 14/4/2022, văn bản số 5023/SGTVT-QLVT ngày 22/9/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Quy định số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông” với nội dung chính như sau (Có Đề án kèm theo):

1. Mục tiêu, phạm vi, đối tượng nghiên cứu.

a. Mục tiêu: Đánh giá hiện trạng và nhu cầu sử dụng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện trên địa bàn thành phố Hà Nội; Xác định được phạm vi, cách tính số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phù hợp điều kiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn giao thông, phát triển du lịch và phù hợp với Kế hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố; Đề xuất các giải pháp quản lý xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

b. Phạm vi

Phạm vi không gian: Các điểm tham quan du lịch, di tích lịch sử và các khu vực đang thí điểm sử dụng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện trên địa bàn thành phố Hà Nội (các tuyến thí điểm tại Phụ lục kèm theo)

Phạm vi thời gian: Giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

c. Đối tượng nghiên cứu

Công tác, tổ chức, quản lý, hoạt động của xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Quy định số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện

a. Xác định phạm vi hoạt động

Phạm vi hoạt động được xác định cụ thể theo mục đích phục vụ của đơn vị kinh doanh, đảm bảo những điều kiện cơ bản sau:

- Đảm bảo an toàn giao thông: tuyến đường, khu vực, có hệ thống hạ tầng giao thông đáp ứng hoạt động cho xe bốn bánh sử dụng động cơ điện.

- Khu vực, tuyến, hoạt động, được UBND Thành phố quyết định

b. Quy định số lượng phương tiện

- Giữ nguyên số lượng phương tiện và phạm vi hoạt động của các tuyến hiện đang thí điểm.

- Cho phép triển khai hoạt động của xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện để phục vụ trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào các khu du lịch, khu di tích có hạ tầng đáp ứng yêu cầu.

- Nguyên tắc xác định số lượng phương tiện

+ Phải phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông trong phạm vi hoạt động của phương tiện bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ hành khách và Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2015-2020 và định hướng 2030 về các tuyến, điểm du lịch.

+ Phương pháp tính số lượng phương tiện bốn bánh sử dụng động cơ điện như sau:

Số lượng phương tiện (xe)

=

Nhu cầu đi lại bằng phương tiện trong ngày
(Lượt hành khách)

Năng suất phương tiện ngày bình quân
(Lượt hành khách/1 phương tiện trong 1 ngày)

Năng suất phương tiện ngày bình quân (hành khách/ngày)

=

Năng suất phương tiện bình quân chuyến (hành khách/chuyến) x Số chuyến hoạt động bình quân ngày (chuyến/ngày)

Số chuyến hoạt động trong ngày (chuyến/ngày)

=

Thời gian hoạt động phương tiện trong ngày (giờ)

Thời gian 1 chuyến xe (giờ)

Năng suất phương tiện bình quân chuyến (lượt hành khách/chuyến)

=

Sức chứa phương tiện x hệ số sử dụng sức chứa

- Chất lượng phương tiện: phương tiện phải đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành, đảm bảo an toàn giao thông và các điều kiện kinh doanh vận tải.

- Cho phép triển khai hoạt động của xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện để phục vụ trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào các khu du lịch, khu di tích có hạ tầng đáp ứng yêu cầu; Các tuyến mở mới cần xây dựng đề án thí điểm gửi Sở Giao thông vận tải Hà Nội; Sở Giao thông vận tải rà soát, thẩm định về chuyên ngành phù hợp kết cấu hạ tầng, an toàn giao thông và các quy hoạch liên quan trình UBND Thành phố quyết định.

c. Các giải pháp tăng cường quản lý xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện trên các tuyến thí điểm.

Các giải pháp chính về quản lý xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn Thành phố bao gồm: (1) Giải pháp quản lý về các tuyến đường và phạm vi hoạt động của tuyến thí điểm; (2) Giải pháp về quản lý điểm đầu, điểm cuối và điểm dừng đối với tuyến thí điểm; (3) Giải pháp về quản lý thời gian hoạt động tuyến thí điểm; (4) Giải pháp về quản lý đăng ký, chấp thuận khai thác tuyến thí điểm: (5) Giải pháp quản lý trách nhiệm của đơn vị kinh doanh; (6) Giải pháp quản lý về trách nhiệm người điều hành, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe; (7) Giải pháp quản lý về trách nhiệm của hành khách đi xe.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Giao thông vận tải: Tổ chức hướng dẫn thực hiện đề án, phê duyệt phương án kinh doanh; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về kinh doanh; sắp xếp, bố trí các điểm dừng đỗ phù hợp với công tác tổ chức giao thông của Thành phố.

2. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Giao thông vận tải hướng dẫn cho các đơn vị kinh doanh trong việc thực hiện kê khai, niêm yết giá cước theo quy định và phí đăng kiểm phương tiện.

3. Sở Du lịch: Phối hợp với Sở Giao thông vận tải xây dựng phương án quản lý đào tạo đội ngũ lái xe, nhân viên điều hành có chứng chỉ nghiệp vụ du lịch; phối hợp với Sở, ban, ngành cùng doanh nghiệp kinh doanh xe điện tổ chức quảng bá, tuyên truyền các danh lam, thắng cảnh, khu di tích,...

4. Công an Thành phố: Tổ chức, kiểm tra, xử lý vi phạm theo các quy định như đối với phương tiện giao thông đường bộ và theo quy định tại văn bản này.

5. UBND các quận, huyện, thị xã: Quản lý, tổ chức cấp phép các điểm dừng, đỗ cho xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện tại các khu vực do UBND các quận, huyện, thị xã quản lý theo phân cấp; Có văn bản thống nhất với Sở Giao thông vận tải về việc cho phép xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện hoạt động trên địa bàn.

6. Các Ban quản lý, tổ chức thực hiện quản lý tại các địa điểm văn hóa, thể thao, du lịch, dịch vụ... có trách nhiệm thống nhất với Sở Giao thông vận tải trong việc cho phép xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện vào hoạt động và bố trí các điểm dừng, đỗ cho xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện hoạt động trong khu vực do đơn vị mình quản lý.

7. Các Sở, ban, ngành Thành phố và địa phương có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường phối hợp với Sở Giao thông vận tải trong công tác quản lý xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh đảm bảo trật tự an toàn giao thông và đảm bảo văn minh đô thị.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở, ngành Thành phố: Giao thông vận tải, Tài chính, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Công an Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường HĐND Thành phố;
- Chủ tịch UBND Thành phố; (để báo cáo)
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội;
- Các Ban của HĐND Thành phố: Đô thị,
Pháp chế, KTNS,VHXH;
- VPUBTP: CVP, các PCVP,
các phòng: TH, KGVX, ĐT, KTN;
- Trung tâm THCB;
- Cổng giao tiếp điện tử TP;
- Lưu: VT, KTN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Quyền

PHỤ LỤC

PHẠM VI, SỐ LƯỢNG XE ĐIỆN PHỤC VỤ KHÁCH DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2022-2030
(kèm theo Quyết định số 4036/QĐ-UBND ngày 25/10/2022 của UBND Thành phố)

TT

Khu vực, phạm vi

Chức năng, tuyến

Số lượng xe tối đa được đồng thời hoạt động

Số lượng đơn vị kinh doanh

I

Tuyến hiện trạng

1

Khu vực phố cổ

Tuyến phục vụ khách du lịch Khu vực phố cổ.

Tuyến 01: 7,5km; hoạt động từ 08h00 đến 20h00 hàng ngày, từ thứ 2 đến 19h00 ngày thứ Sáu: Điểm đón Đinh Tiên Hoàng - Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường (Hàng Buồm) - Đồng Xuân (tại sảnh trước chợ Đồng Xuân) - Hàng Khoai- Hàng Lược - Hàng Mã - Hàng Chiếu (Ô Quan Chưởng) - Đào Duy Từ - Nguyễn Siêu - Ngõ Gạch - Hàng Cá - Lò Rèn - Hàng Bông - Hàng Vải (Thuốc Bắc) - Lãn Ông - Hàng Buồm - Hàng Giấy - Mã Mây - Hàng Bạc - Hàng Bồ (Lương Văn Can) -Bát Đàn - Hàng Điếu - Hàng Nón - Hàng Quạt - Lương Văn Can - Lê Thái Tổ - Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng - (đền Ngọc Sơn - đền Bà Kiệu) - đường đôi Đinh Tiên Hoàng.

40

01

2

Tuyến 02: 3,9km; hoạt động từ 19h ngày thứ Sáu đến 24h00 ngày Chủ nhật hàng tuần: Đường đôi Đinh Tiên Hoàng (Bến xe điện bờ Hồ cũ) - Phùng Hưng cụt.

3

Tuyến 03: 2,9km; hoạt động từ 19h ngày thứ Sáu đến 24h00 ngày Chủ nhật hàng tuần: Đường đôi Đinh Tiên Hoàng (Bến xe điện bờ Hồ cũ) - điểm đỗ xe Bãi Đá (Trần Quang Khải).

4

Tuyến 04: 4,7km; hoạt động từ 19h ngày thứ Sáu đến 24h00 ngày Chủ nhật hàng tuần: Đường đôi Đinh Tiên Hoàng (Bến xe điện bờ Hồ cũ) - điểm đỗ xe đường Trần Khánh Dư.

5

Khu vực Hồ Tây

Tuyến phục vụ khách du lịch khu vực Hồ Tây

Tuyến 01: 18km; hoạt động từ 06h00 đến 22h00 hàng ngày- “Du lịch Văn hóa Lịch sử Hồ Tây bằng xe điện”: Xuất phát từ trung tâm điều hành Công ty cổ phần TLC Hồ Tây ngõ 431 đường Âu Cơ - Đầm Sen Hồ Tây - Phố Quảng Bá - Phố Quảng Khánh - Phố Quảng An - Đường Từ Hoa - Phố Từ Hoa Công Chúa - Phố Yên Phụ - Đường Yên Hoa - Đường Thanh Niên - Đường Nguyễn Đình Thi - Đường Trích Sài - Đường Lạc Long Quân - Đường Vệ Hồ - Đường Nhật Chiêu - Công ty cổ phần TLC Hồ Tây.

20

01

6

Tuyến 02: 3,5km; hoạt động buổi sáng từ 9h30 - 15h30 (sau 15h30 đến trước 19h00, yêu cầu chấm dứt tour, xe về điểm tập kết tại Chùa Trấn Quốc); buổi chiều từ: 19h00 - 22h30 hàng ngày - “Du lịch văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội”: Đường Thanh Niên (Chùa Trấn Quốc) - Mai Xuân Thưởng - Hùng Vương - Đường Độc Lập (Quảng trường Ba Đình) - Điện Biên Phủ - Hoàng Diệu (Hoàng Thành Thăng Long) - Điện Biên Phủ (Bảo tàng Quân đội Việt Nam) - Trần Phú - Hùng Vương - Nguyễn Thái Học - Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Cát Linh - Trịnh Hoài Đức - Nguyễn Thái Học - Hùng Vương - Lê Hồng Phong - Ngọc Hà - Hoàng Hoa Thám - Hùng Vương - Đường Thanh Niên (Chùa Trấn Quốc).

7

Khu vực Cảng HKQT Nội Bài

Tuyến phục vụ khu vực Cảng HKQT Nội Bài

Về hành trình xe chạy: đi theo đường gom phía bên trong có giải phân cách cứng ở giữa đường Võ Văn Kiệt; hoạt động từ 06h00 đến 22h00 hàng ngày.

Tuyến: Bãi đỗ xe máy nhà ga T1; Cảng vụ Hàng không miền Bắc; Bưu điện Nội Bài; Trụ sở công ty Cảng HKQT Nội Bài; Trung tâm kỹ thuật bay (Vaeco); Nhà ga  T1; Nhà ga T2; ngã tư đường Nội Bài và quốc lộ 2A(tại đây đã có hệ thống tín hiệu đèn xanh, đèn đỏ).

28

03

II

Tuyến thí điểm bổ sung

1

Khu du lịch Làng cổ Đường Lâm

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào khu du lịch;

- Kết nối nội bộ trong Khu du lịch Làng cổ Đường Lâm

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý, tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

5

1÷2

2

Khu phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào khu phố đi bộ;

- Kết nối nội bộ trong Khu phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý, tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

5

1÷2

3

Khu du lịch Chùa Hương

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào khu du lịch;

- Kết nối nội bộ trong khu vực nội bộ du lịch Chùa Hương và vào các tháng lễ hội;

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý, tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

5

1÷2

4

Khu du lịch Làng nghề gốm sứ Bát Tràng

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào khu du lịch;

- Kết nối nội bộ trong Làng gốm Bát Tràng.

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý, tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

10

1÷2

5

Khu du lịch sinh thái xã Hồng Vân - Huyện Thường Tín

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào khu du lịch;

- Kết nối nội bộ trong khu vực nội bộ khu du lịch sinh thái xã Hồng Vân

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý, tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

10

1÷2

6

Khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào khu du lịch;

- Kết nối nội bộ trong khu vực nội bộ khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà;

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý, tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

10

1÷2

7

Công viên Yên Sở

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào công viên;

- Kết nối nội bộ trong khu vực nội bộ công viên Yên Sở

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý, tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

5

1÷2

8

Khu du lịch Thác Bạc - Suối Sao

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào khu du lịch;

- Kết nối nội bộ trong khu vực nội bộ khu du lịch Thác Bạc - Suối Sao

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý, tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

10

1÷2

ĐỀ ÁN

QUY ĐỊNH SỐ LƯỢNG XE CHỞ NGƯỜI BỐN BÁNH SỬ DỤNG ĐỘNG CƠ ĐIỆN PHỤC VỤ KINH DOANH HOẠT ĐỘNG THEO KHU VỰC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ PHÙ HỢP VỚI KẾT CẤU HẠ TẦNG VÀ AN TOÀN GIAO THÔNG
(Kèm theo Quyết định số 4036/QĐ-UBND ngày 25 tháng 10 năm 2022 của UBND Thành phố Hà Nội)

Đại diện chủ đầu tư
TRUNG TÂM QUẢN LÝ
GIAO THÔNG CÔNG CỘNG




PHÓ GIÁM ĐỐC
Trần Thị Phương Thảo

Đơn vị tư vấn
CÔNG TY CỔ PHẦN
PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG




GIÁM ĐỐC
Hoàng Hữu Thành

Chủ đầu tư
SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI
THÀNH PHỐ HÀ NỘI




PHÓ GIÁM ĐỐC
Đào Việt Long

MỤC LỤC

1. MỞ ĐẦU

1.1. Cơ sở pháp lý

1.2. Sự cần thiết của Đề án

1.3. Mục tiêu xây dựng đề án

1.4. Phạm vi, đối tượng đề án

1.5. Nguyên tắc xây dựng đề án

2. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

3. NỘI DUNG ĐỀ ÁN

3.1. Tổng quan xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện (xe điện)

3.1.1. Khái niệm, phân loại

3.1.2. Vai trò chức năng, đặc điểm

3.1.3. Kinh nghiệm quản lý và phát triển xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện

3.2. Hiện trạng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh ở Hà Nội

3.2.1. Hiện trạng phương tiện giao thông đường bộ Hà Nội

3.2.2. Hiện trạng phương tiện bốn bánh chở người sử dụng động cơ điện

3.2.3. Chất lượng dịch vụ xe điện trên địa bàn thành phố

3.2.4. Hiện trạng nhu cầu sử dụng xe bốn bánh sử dụng động cơ điện tại các khu đô thị

3.2.5. Hiện trạng công tác quản lý phương tiện bốn bánh sử dụng động cơ điện Hà Nội

3.2.6. Đánh giá chung hiện trạng phát triển xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện trên địa bàn thành phố Hà Nội

3.3. Định hướng phát triển xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện

3.3.1. Định hướng phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội

3.3.2. Quan điểm phát triển

3.3.3. Quy hoạch tổ chức không gian du lịch Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030

3.4. Định hướng phát triển giao thông, đô thị Hà Nội

3.4.1. Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

3.4.2. Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030”

3.5. Nhu cầu sử dụng xe điện phục vụ tham quan, du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội

3.5.1. Hiện trạng nhu cầu sử dụng xe điện đối với các tuyến du lịch đang triển khai hoạt động

3.5.2. Đánh giá nhu cầu thăm quan, tìm hiểu của du khách:

3.5.3. Khảo sát nhu cầu sử dụng xe điện tại các khu tham quan du lịch trên địa bàn thành phố

3.6. Đề xuất quy định số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện và các giải pháp thực hiện

3.6.1. Đề xuất quy định số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện hoạt động

3.6.2. Nguyên tắc xác định số lượng phương tiện bốn bánh sử dụng động cơ điện.

3.6.3. Giải pháp nâng cao công tác quản lý xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện trên các tuyến thí điểm

3.7. Tổ chức thực hiện đề án

4. KẾT LUẬN

5. PHỤ LỤC

5.1. Phụ lục 1: Hiện trạng lộ trình các tuyến xe điện

5.2. Phụ lục 2: Phiếu khảo sát nhu cầu và chất lượng dịch vụ xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện

5.3. Phụ lục 3 danh sách các tuyến xe điện đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội

5.4. Phụ lục 4 Phạm vi, số lượng xe điện phục vụ khách du lịch giai đoạn 2020-2030

5.5. Phụ lục 5 Tiếp thu ý kiến giải trình, cập nhật bổ sung theo văn bản số 657/TB-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2022

DANH MỤC BẢNG

Bảng 3-1: Tổng hợp hiện trạng ô tô và xe máy giai đoạn 2005-2018

Bảng 3-2: Hiện trạng luồng tuyến xe điện đến năm 2018

Bảng 3-3: Hiện trạng các tuyến xe điện phục vụ khách du lịch

Bảng 3-4: Số lượng phương tiện xe điện tính đến năm 2019

Bảng 3-5: Các điểm dừng đón trả khách theo tuyến

Bảng 3-6: Rà soát nhu cầu sử dụng phương tiện bốn bánh chở người sử dụng động cơ điện tại các khu đô thị

Bảng 3-7: Rà soát các nội dung quản lý phương tiện bốn bánh chở người sử dụng động cơ điện

Bảng 3-8: Rà soát các văn bản quản lý phương tiện bốn bánh chở người sử dụng động cơ điện trên địa bàn Hà Nội

Bảng 3-9: Chỉ tiêu phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020

Bảng 3-10: Số lượng khách du lịch tới Hà Nội giai đoạn 2012 - 2018

Bảng 3-11: Kết quả khảo sát nhu cầu sử dụng xe điện tại các điểm du lịch trên địa bàn các Huyện

Bảng 3-12: Phạm vi và số lượng xe chở người bốn bánh phục vụ khách du lịch giai đoạn 2020-2030

DANH MỤC HÌNH

Hình 3-1 : Mục đích sử dụng xe điện

Hình 3-2: Thời gian di chuyển sử dụng xe điện

Hình 3-3: Cự ly di chuyển khi sử dụng xe điện

Hình 3-4: Tiêu chí chọn lựa phương tiện của hành khách

Hình 3-5: Tỷ lệ nhu cầu sử dụng xe điện

Hình 3-6: Lý do khách chưa chọn sử dụng xe điện

Hình 3-7: Cự ly và thời gian khách mong muốn sử dụng xe điện

1. MỞ ĐẦU

1.1. Cơ sở pháp lý

- Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008;

- Căn cứ Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/10/2013;

- Căn cứ Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;

- Căn cứ Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;

- Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030; tầm nhìn đến năm 2050;

- Căn cứ Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

- Căn cứ Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/05/2020 của Bộ giao thông vận tải Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;

- Căn cứ Thông tư 86/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ giao thông vận tải về Quy định về điều kiện đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế;

- Căn cứ Thông tư số 56/2011/TT-BGTVT ngày 17/11/2011 của Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành 06 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện cơ giới đường bộ;

- Căn cứ Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT ngày 15/4/2015 của Bộ giao thông vận tải về Quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô;

- Căn cứ Thông tư số 73/2014/TT-BGTVT ngày 15/12/2014 của Bộ giao thông vận tải về việc Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô;

- Căn cứ Quyết định số 4597/QĐ-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2012 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

- Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

- Căn cứ Quyết định số 4597/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội ngày 16 tháng 12 năm 2012 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

- Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”;

- Căn cứ Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND ngày 4/7/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030”;

- Căn cứ quyết định 867/QĐ-SGTVT ngày 24/5/2018 của Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội và chi phí xây dựng đề án “Xây dựng quy định số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn thành phố phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông” theo nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4/7/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội để phục vụ công tác đảm bảo TTATGT.

- Căn cứ Quyết định số 5316/QĐ-UBND ngày 04/10/2018 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt dự toán chi phí xây dựng Đề án theo Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố để phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông;

- Căn cứ Quyết định số 1579/QĐ-SGTVT ngày 17/10/2018 của Sở Giao thông vận tải Hà Nội về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu “Tư vấn xây dựng Đề án: Xây dựng quy định số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn Thành phố phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông”;

1.2. Sự cần thiết của Đề án

Thành phố Hà Nội với diện tích 3.344,7 km2, tính đến năm 2018 dân số của Hà Nội trên 8 triệu người. Với tốc độ tăng trung bình 3%/năm dự báo đến năm 2020 dân số Hà Nội sẽ đạt ngưỡng 10,5 triệu người, tốc độ tăng dân số cao sẽ gây sức ép lớn lên hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, trong đó có phát triển du lịch.

Trong những năm qua, ngành du lịch Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu và đạt được kết quả tích cực, hàng năm luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Lượng khách du lịch chiếm khoảng 1/3 lượng khách du lịch cả nước, mức tăng bình quân hơn 10%/năm. Tổng số khách du lịch đến Hà Nội năm 2018 đạt 26,3 triệu lượt khách, tăng 9,3% so với năm 2017; khách du lịch nội địa đạt 20,3 triệu lượt khách, tăng 7,5%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 75.815 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017. Chính vì vậy cần phát triển đa dạng các loại hình vận tải nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách tham quan du lịch trong thành phố trong giai đoạn tới.

Phương tiện bốn bánh chở người sử dụng động cơ điện (sau đây gọi tắt là xe điện) là một trong những phương tiện giao thông được sử dụng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các thành phố phát triển du lịch. Tại các địa điểm du lịch, phương tiện sử dụng điện đang dần thay thế các loại phương tiện truyền thống khác vì tính an toàn, tiện lợi và thân thiện với môi trường.

Sử dụng xe điện vận chuyển hành khách trong du lịch mang lại những lợi thế sau:

- Hạn chế tối đa lượng khí thải ra ngoài môi trường: Việc sử dụng nguồn năng lượng sạch như năng lượng điện năng sẽ không tạo ra những khí thải ảnh hưởng tới môi trường sống. Xe điện sử dụng điện năng, biến đổi điện năng thành cơ năng giúp xe điện chở khách hoạt động. Việc tạo ra nguồn năng lượng sạch như điện năng cũng không sinh ra lượng khí thải nhiều như khi đốt cháy xăng dầu, khí của những động cơ của các loại xe khác.

- Tiết kiệm nhiên liệu: Việc lựa chọn sử dụng xe điện thay thế các loại xe khác trong những cự li ngắn, địa bàn nhất định giúp giảm thiểu lượng khí thải vào bầu khí quyển, tiết kiệm nhiên liệu, làm giảm sự nóng lên của Trái đất.

- Hạn chế ô nhiễm tiếng ồn: Nhờ hoạt động bằng động cơ điện, không có các bộ phận đốt cháy nhiên liệu nên xe điện vận hành rất êm và không gây tiếng ồn trong quá trình sử dụng. Điều này giúp giảm ô nhiễm tiếng ồn trong thành phố, địa điểm hoạt động của xe điện.

- Đa phần xe điện có thiết kế nhỏ gọn, bắt mắt, cơ chế điều khiển dễ dàng rất phù hợp với quy mô của các khu tham quan hay các điểm du lịch trong thành phố. Khi xảy ra các sự cố bất ngờ trên đường, khả năng xử lý cũng linh hoạt hơn. Xe không chiếm nhiều diện tích khi di chuyển nên có thể đậu đỗ ở bất cứ không gian nào cho phép dừng. Vì vậy, có thể dễ dàng tìm một điểm dừng chân thích hợp mà không lo gây ùn tắc giao thông hoặc vi phạm chiếm dụng không gian công cộng khi vận chuyển khách tham quan.

- Nhờ an toàn với môi trường mà xe điện trở thành phương tiện chở khách được khách du lịch ưa chuộng tại những điểm tham quan, khách hàng lựa chọn khi di chuyển trong khu du lịch, công viên,...

Sự cần thiết của đề án xây dựng quy định quản lý phương tiện bốn bánh chở người sử dụng động cơ điện trên địa bàn thành phố Hà Nội:

- Thứ nhất: Căn cứ nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4/7/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về việc thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030”.

Kế hoạch 212/KH-UBND ngày 28/9/2017 của Ủy ban nhân dân “Thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4/7/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về việc thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030”.

Bảng phân công tổ chức thực hiện nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố (Kèm theo Kế hoạch số 212/KH-UBND ngày 28 tháng 9 năm 2017), số thứ tự 3, nhiệm vụ: Đề án “Xây dựng quy định số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn Thành phố phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông”.

Mục tiêu của NQ 04 là “Thực hiện các giải pháp vừa lâu dài vừa cấp bách, cụ thể để tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại và nâng cao chất lượng môi trường sống của Nhân dân trên địa bàn Thành phố”.

Vì vậy việc nghiên cứu đề án “Quy định số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn Thành phố phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông” đáp ứng mục tiêu quản lý xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện hiện nay trên địa bàn Thành phố

- Thứ hai: Theo Thông tư 86/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 Quy định về điều kiện đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế;

Xe tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế là xe chỉ hoạt động trên tuyến đường và thời gian quy định của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong điều 20: Chấp hành quy định khi tham gia giao thông: “Phạm vi, tuyến đường hoạt động đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.”

Ngày 22/6/2010, UBND thành phố Hà Nội có Công văn số 4623/UBND-GT thí điểm cho phép ô-tô điện hoạt động trong khu vực phố cổ phục vụ du lịch. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 88 phương tiện và 05 doanh nghiệp khai thác vận hành thí điểm nhưng chưa có những quy định về quản lý và xử lý các vi phạm của UBND thành phố Hà Nội. Do vậy, trên thực tế đã có những vi phạm của các doanh nghiệp khai thác như chạy ngoài tuyến đường cho phép, sử dụng cho các mục đích khác, không phải phục vụ khách du lịch. Điều này gây ra tình trạng lộn xộn trong giao thông thành phố. Tuy nhiên, hiện nay các văn bản về chế tài xử phạt tình trạng này chưa có, dẫn đến các cơ quan chức năng quản lý chỉ mới dừng ở việc nhắc nhở mà không có căn cứ xử phạt.

Do đó, thực hiện xây dựng đề án là yêu cầu đặt ra để quy định về phạm vi hạn chế của xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện trên địa bàn Thành phố

- Thứ ba: Theo văn bản số 1318/TTg-CN ngày 27/9/2018 về việc thí điểm hoạt động xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện phục vụ chở khách thăm quan, du lịch trong khu vực hạn chế. Trong văn bản của Thủ tướng đã nếu: “Đồng ý thí điểm hoạt động đối với xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện hoặc động cơ xăng phục vụ chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của các Bộ: Công an, Tư Pháp, Văn hóa - Thể thao và Du lịch tại các văn bản nêu trên. Việc thí điểm chỉ thực hiện đối với phương tiện đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường; được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật trước khi lưu hành”.

Giao UBND các tỉnh có liên quan chịu trách nhiệm quy định về thời gian hoạt động trong ngày, lộ trình tuyến đường, được phép hoạt động trên địa bàn,....

Vì vậy, việc xác định khu vực hạn chế và quy định các yêu cầu về điều kiện an toàn kỹ thuật trong đề án về xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tế.

- Thứ tư: Qua thời gian thí điểm sử dụng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện (xe điện) trong khu vực phố cổ ở Hà Nội được đánh giá có hiệu quả cao:

Xe điện đã từng bước khắc phục các tình trạng “cò mồi”, chèo kéo và đeo bám khách du lịch xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố cổ.

Là loại phương tiện vận tải công cộng thay thế các hình thức đi bộ, xích lô, xe ôm hay taxi, giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm tại các điểm tham quan du lịch.

Du khách sử dụng xe điện có cảm giác thoải mái, sạch sẽ, thuận tiện có thể vừa ngắm phố phường vừa giao lưu, trao đổi với nhau. Đặc biệt, xe điện đã tạo dựng được hình ảnh mới, đẹp, văn minh về giao thông đô thị, không gây tiếng ồn và ô nhiễm môi trường.

Tuy có nhiều lợi thế để phát triển nhưng loại hình xe điện phục vụ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội mới chỉ dừng lại ở thí điểm khu vực phố cổ và một số phạm vi hạn chế, do các đặc điểm sau:

- Chưa có các quy định cụ thể về số lượng phương tiện, phạm vi hoạt động đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, các địa điểm du lịch trong thành phố.

- Chưa có đánh giá yêu cầu điều kiện vận hành về kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông khi sử dụng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện trên địa bàn thành phố.

- Chưa có các cơ chế chính sách quản lý phương tiện sử dụng động cơ điện, vẫn có những trường hợp xe điện hoạt động ngoài phạm vi quy định nhưng không có chế tài xử lý doanh nghiệp và phương tiện khai thác.

Chính vì những lý do trên, đề án: “Xây dựng quy định số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn thành phố phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông” là cần thiết đáp ứng nhu cầu thực tế phát triển loại hình phương tiện này trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian tới.

1.3. Mục tiêu xây dựng đề án

- Đánh giá hiện trạng và nhu cầu sử dụng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện (xe điện) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Xác định được phạm vi hạn chế, số lượng phương tiện bốn bánh sử dụng động cơ điện (xe điện) phù hợp điều kiện cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch, giao thông vận tải.

- Đề xuất cơ chế chính sách quản lý xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện (xe điện) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

1.4. Phạm vi, đối tượng đề án

- Phạm vi không gian: Các điểm tham quan du lịch, di tích lịch sử và các khu vực đang thí điểm sử dụng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Phạm vi thời gian: Giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

- Đối tượng nghiên cứu: Công tác tổ chức hoạt động của xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện (xe điện) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

1.5. Nguyên tắc xây dựng đề án

- Đảm bảo hoạt động bình thường của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tăng cường kết nối giữa các loại hình vận tải trong đó có xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện.

- Các giải pháp quản lý đề xuất phải phù hợp với hiện trạng hoạt động của xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện và hệ thống giao thông của thành phố Hà Nội.

2. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Triển khai kế hoạch theo căn cứ Quyết định số 1579/QĐ-SGTVT ngày 17/10/2018 của Sở Giao thông vận tải Hà Nội về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu “Tư vấn xây dựng Đề án: Quy định số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn Thành phố phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông”;

- Trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo - Sở Giao thông vận tải đã ký hợp đồng số 10/2018/HĐTV ngày 17/10/2018 với Công ty cổ phần phát triển đô thị bền vững (SUD) thuộc trường Đại học Giao thông vận tải;

- Từ ngày 17/10 đến 25/10/2018, Trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo phối hợp với Phòng vận tải cùng Tư vấn (Công ty cổ phần phát triển đô thị bền vững) đã tích cực xây dựng báo cáo đề cương chi tiết dưới sự chủ trì Sở Giao thông vận tải và các phòng ban chuyên môn của Sở.

- Từ ngày 26/10-20/11/2018: Tiến hành khảo sát chất lượng dịch vụ và nhu cầu sử dụng dịch vụ phương tiện chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện trên địa bàn thành phổ thông qua phiếu điều tra trực tiếp với những khách du lịch sử dụng dịch vụ xe điện, đồng thời tiến hành khảo sát các doanh nghiệp đang cung ứng dịch vụ.

- Thu thập, phân tích tài liệu về kinh nghiệm phát triển hệ thống xe điện tại một số các đô thị trên thế giới như: tại Trung Quốc, thủ đô Manila - Philippines, Singapore,... đã khẳng định vai trò phát triển xe điện phục vụ khách du lịch.

- Từ ngày 21/11-1/12/2018: Tiến hành khảo sát thu thập số liệu, xác định phạm vi hoạt động phương tiện chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện tại các tuyến điểm du lịch, kết nối giao thông.

- Tư vấn báo cáo lần I trước Sở giao thông vận tải ngày 10/01/2019 và đã hoàn thiện các ý kiến đóng góp và những chỉ đạo của đồng chí Giám đốc Sở GTVT; Tư vấn chỉnh sửa và gửi ý kiến đóng góp của Sở ban ngành, các phòng ban liên quan từ tháng 2/2019- tháng 5/2019.

- Tư vấn gửi báo cáo lần II và xin ý kiến các Phòng ban liên quan của Sở Giao thông vận tải, sau đó tiếp thu hoàn chỉnh báo cáo theo các ý kiến đóng góp và trình đề án trong tháng 6/2019. Căn cứ tư vấn đề án xây dựng, Sở GTVT đã có tờ trình số 5306/Ttr-SGTVT ngày 28 tháng 6 năm 2019 phê duyệt đề án.

- Sở GTVT và Tư vấn báo cáo UBND thành phố ngày 19/7/2019. Và UBND thành phố ra thông báo kết luận số 868/TB-UBND ngày 26/7/2019 về thực hiện đề án. Theo kết luận số 868/TB-UBND, tư vấn tiến hành thu thập số liệu theo công văn số 707/SGTVT-QLVT ngày 20/8/2019 về việc cung cấp số liệu xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện hoạt động tại các khu đô thị, và rà soát bổ sung nội dung theo kết luận của UBND.

- Ngày 7,9,10/1/2020, các đơn vị Sở GTVT (Phòng Quản lý vận tải, Phòng kết cấu hạ tầng giao thông, Trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo) và Tư vấn kết hợp với Phòng Quản lý đô thị, Phòng Quản lý văn hóa - UBND các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức, Gia Lâm, Đông Anh tiến hành khảo sát các khu du lịch.

- Sở GTVT đã trình UBND văn bản số 1727/SGTVT-QLVT ngày 14/4/2022 về việc hoàn thiện đề án “Quy định số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn Thành phố phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông”

- Ngày 30/8/2022 UBND đã ra văn bản số 657/TB-UBND về Thông báo kết luận của UBND Thành phố về việc xem xét, phê duyệt Đề án “Quy định số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn Thành phố phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông”.

- Căn cứ thông báo 657/TB-UBND ngày 30/8/2022, ngày 21/9/2022 Sở GTVT và đơn vị Tư vấn đã phối hợp khảo sát bổ sung hạ tầng, nhu cầu sử dụng xe động cơ điện bốn bánh tại khu vực đi bộ Thành cổ Sơn Tây.

- Ngày 22/9/2022, Sở Giao thông vận tải đã có văn bản số 5023/SGTVT-QLVT về việc tiếp thu, hoàn thiện một số nội dung tại Thông báo kết luận của UBND Thành phố về việc xem xét, phê duyệt Đề án “Quy định số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn Thành phố phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông”.

3. NỘI DUNG ĐỀ ÁN

3.1. Tổng quan xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện (xe điện)

3.1.1. Khái niệm, phân loại

a. Khái niệm

Theo Thông tư số 86/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ GTVT quy định về điều kiện đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế, thì phương tiện chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện là một trong các loại phương tiện bị quản lý bởi Thông tư này. Theo đó:

“Phương tiện chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện (gọi tắt là xe điện) là bằng động cơ điện, có kết cấu để chở người, hai trục, ít nhất bốn bánh xe, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 30 km/h, số chỗ ngồi tối đa không quá 15 chỗ (kể cả chỗ ngồi của người lái)”.

b. Phân loại xe điện

- Phân loại theo số ghế ngồi

Áp dụng phân loại với đa số phương tiện chuyên chở người, tính theo số ghế người ngồi trong ca-bin, có tính cả người điều khiển (người lái) phương tiện (sức chứa phương tiện dao động từ 2-15 chỗ ngồi).

- Phân loại theo nhu cầu sử dụng

+ Xe phục vụ nhu cầu cá nhân.

+ Xe kinh doanh vận tải hành khách.

- Phân loại theo lốp xe:

+ Xe lốp đặc.

+ Xe lốp khí.

- Phân loại theo công suất động cơ:

Tùy thuộc vào sức chứa của phương tiện mà công suất động cơ sẽ khác nhau. Có thể chia theo công suất động cơ thành 3 loại:

+ Động cơ loại 36 Vol;

+ Động cơ loại 48 Vol;

+ Động cơ loại 72 Vol;

3.1.2. Vai trò chức năng, đặc điểm

a. Đặc điểm:

- Ưu điểm của xe điện

Xe điện là một trong những phương tiện giao thông được sử dụng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các thành phố phát triển du lịch. Tại các địa điểm du lịch, xe điện đang dần thay thế các loại phương tiện truyền thống khác vì tính an toàn, tiện lợi và thân thiện với môi trường.

Xe điện hoạt động trong đô thị và các địa điểm du lịch có những lợi thế như sau:

+ Hạn chế tối đa lượng khí thải ra ngoài môi trường: Việc sử dụng nguồn năng lượng sạch như năng lượng điện năng sẽ không tạo ra những khí thải ảnh hưởng tới môi trường sống. Xe điện sử dụng điện năng, biến đổi điện năng thành cơ năng giúp xe điện chở khách hoạt động. Việc tạo ra nguồn năng lượng sạch như điện năng cũng không sinh ra lượng khí thải nhiều như khi đốt cháy xăng dầu, khí động cơ của các loại xe khác.

+ Tiết kiệm nhiên liệu: Việc lựa chọn sử dụng xe điện thay thế các loại xe khác trong những cự ly ngắn, địa bàn nhất định giúp giảm thiểu lượng khí thải lên bầu trời, tiết kiệm nhiên liệu, làm giảm sự nóng lên của Trái đất.

+ Hạn chế ô nhiễm tiếng ồn: Nhờ hoạt động bằng động cơ điện, không có các bộ phận đốt cháy nhiên liệu,... nên xe điện vận hành rất êm và không gây tiếng ồn trong quá trình sử dụng. Điều này giúp giảm ô nhiễm tiếng ồn trong thành phố, địa điểm hoạt động của xe điện.

+ Đa phần xe điện có thiết kế nhỏ gọn, bắt mắt, cơ chế điều khiển dễ dàng rất phù hợp với quy mô của các khu tham quan. Khi xảy ra các sự cố bất ngờ trên đường, khả năng xử lý cũng linh hoạt hơn. Xe không chiếm nhiều diện tích khi di chuyển nên có thể đậu đỗ ở bất cứ không gian nào cho phép dừng. Vì vậy, có thể dễ dàng tìm một điểm dừng thích hợp mà không lo gây ùn tắc giao thông hoặc vi phạm chiếm dụng không gian công cộng khi vận chuyển khách tham quan du lịch.

+ Nhờ an toàn với môi trường mà xe điện trở thành phương tiện chở khách được khách du lịch ưa chuộng tại những điểm tham quan, khách hàng lựa chọn khi di chuyển trong khu du lịch, công viên,...

- Nhược điểm của xe điện

+ Xe điện phù hợp các chuyến hành trình cự ly ngắn, nhỏ hơn 200 km do các yếu tố về công nghệ sạc, dung lượng pin, ắc quy cũng như đòi hỏi phải phát triển các trạm nạp điện trong quá trình vận chuyển.

+ Mất nhiều thời gian để nạp đầy ắc quy cho phương tiện sử dụng động cơ điện, thường vào khoảng 6-8 giờ.

+ Cơ sở hạ tầng cho xe điện còn chưa phát triển, có rất ít các trạm nạp điện dành cho phương tiện sử dụng động cơ điện.

+ Tăng chi phí tiền điện hàng tháng của đơn vị quản lý và vận hành.

+ Hiện tại do hạn chế về công nghệ mà xe điện chưa thể so sánh được với các phương tiện truyền thống chạy xăng ở phương diện tốc độ cao và sự gia tốc.

+ Các thiết bị tiêu thụ điện khác trên phương tiện như máy điều hòa, ti vi,.... sẽ làm ắc quy hết điện nhanh hơn.

b. Vai trò, chức năng của xe điện

Xuất phát từ đặc điểm hoạt động, vận hành của phương tiện bốn bánh sử dụng động cơ điện (xe điện) có thể thấy loại phương tiện này như một phương tiện vận tải hành khách công cộng sức chứa nhỏ, thực hiện chủ yếu phục vụ khách tham quan du lịch. Do đó, phương tiện này có vai trò cụ thể như sau:

- Thực hiện vai trò kết nối, trung chuyển giữa các hình thức vận chuyển khách du lịch.

- Thay thế xe xích lô và xe ba bánh chở khách di chuyển bên trong và kết nối giữa các khu du lịch trong thành phố.

- Phục vụ nhu cầu đi lại tham quan du lịch.

3.1.3. Kinh nghiệm quản lý và phát triển xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện

Hiện nay tại các điểm tham quan du lịch trên thế giới đã và đang sử dụng loại hình xe điện đáp ứng nhu cầu đi lại, tham quan du lịch của du khách. Một số đô thị có triển khai và phát triển loại hình xe điện để chở khách công cộng như thủ đô Manila - Philippines, Singapore.

a. Triển khai xe điện thay xe chở khách giá rẻ ở Philippines

Trong nhiều thập kỷ qua, xe đò chở khách “jeepney” là sự lựa chọn đi lại giá rẻ ở Philippines, nơi hàng triệu người không có khả năng tiếp cận đầy đủ hệ thống vận tải công cộng.

Trong những năm gần đây, chính phủ Philippines bắt đầu triển khai các xe chở khách chạy bằng động cơ điện với mục đích dần thay thế cho những chiếc xe “jeepney” chạy bằng dầu diesel có tuổi đời hơn 15 vào năm 2020 theo một chương trình hiện đại hóa xe “jeepney”.

Tại thủ đô Manila, một trong những đô thị có mật độ dân cư đông đúc nhất thế giới với 13 triệu dân, “jeepney” là phương tiện đi lại được yêu thích, phục vụ nhu cầu di chuyển của hàng triệu người mỗi ngày. Mỗi chiếc xe có thể chở 15-20 người, ngồi sát nhau trên các băng ghế không có dây thắt an toàn hay điều hòa nhiệt độ.

Hầu hết xe “jeepney” chạy bằng dầu diesel vì thế, chúng xả khí thải gây ô nhiễm nặng nề. Đây là lý do chính khiến chính phủ Philippines muốn thay thế chúng bằng những chiếc xe chạy bằng động cơ Euro 4 hoặc động cơ điện. Chính phủ Philippines cũng muốn đặt ra những tuyến đường mới dành riêng cho xe “jeepney” với các điểm trả khách và đón khách cố định, sát nhập các công ty vận hành xe “jeepney” để cải thiện hoạt động và lợi nhuận.

b. Dịch vụ thuê xe điện giá rẻ tại Singapore

Ngày 12/12/2017, dịch vụ thuê xe điện giá rẻ của hãng BlueSG đã chính thức hoạt động ở Singapore. Dự án mang lại nhiều lợi ích cho giao thông và môi trường.

Dịch vụ thuê xe điện đầu tiên của Singapore chính thức hoạt động với 80 ô tô và 32 trạm sạc công cộng. Dịch vụ này do BlueSG, đơn vị thuộc tập đoàn Bollore của Pháp cung cấp. Đây là một phần của kế hoạch giảm lượng xe riêng và thúc đẩy sử dụng phương tiện công cộng.

Để thuê xe, khách hàng phải đăng ký dịch vụ online hoặc vào ứng dụng BlueSG. Người lái đặt xe và chỗ đậu bằng thẻ thành viên BlueSG hoặc thẻ EZ-Link có sẵn. Theo BlueSG, hiện đã có 2.000 người đăng ký.

Dịch vụ có 2 loại, gói theo năm giá 15 USD/tháng, nếu đặt trước ít nhất 15 phút sẽ giảm 0,33 USD/phút. Gói theo tuần giá 0,5 USD/phút, không cần thêm phí định kỳ. Ví dụ, với quãng đường từ Toa Payoh đến Mohammed Sultan, gói năm tốn 5,61 USD, còn loại tuần mất 8,5 USD.

Tuy nhiên, loại hình này mới chỉ áp dụng thí điểm và thúc đẩy người dân chuyển đổi sang phương tiện thân thiện với môi trường.

Như vậy ta có thể thấy hiện nay các đô thị trên thế giới, loại hình xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện (xe điện) chủ yếu chỉ áp dụng phục vụ nhu cầu thăm quan du lịch, chưa mở rộng và không áp dụng như một loại hình VTHKCC trong đô thị.

3.2. Hiện trạng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh ở Hà Nội

3.2.1. Hiện trạng phương tiện giao thông đường bộ Hà Nội

Theo thống kê của Cục đăng kiểm Việt Nam và Công an thành phố Hà Nội, số lượng các phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố tính đến tháng 12/2016 như sau:

Bảng 3-1: Tổng hợp hiện trạng ô tô và xe máy giai đoạn 2005-2018

Đơn vị: chiếc

Năm

Xe ô tô

Tổng số ô tô

Xe mô tô, xe gắn máy

Tổng số

Ô tô con

Ô tô khách

Ô tô tải

Ô tô chuyên dùng

Ô tô khác

2005

56.119

11.087

32.414

-

4.993

105.640

1.970.959

1.981.523

2006

64.329

11.456

37.363

-

5.891

119.039

2.152.270

2.271.309

2007

84.062

13.318

43.324

5.161

1.306

147.171

2.409.317

2.556.488

2008

111.650

14.623

51.943

5.629

1.795

185.640

2.837.810

2.856.374

2009

148.939

15.800

61.315

6.322

2.123

234.499

3.249.315

3.483.814

2010

180.396

16.270

71.319

3.191

2.365

273.541

3.577.041

3.850.582

2011

218.507

17.477

79.100

3.563

2.530

321.177

3.980.070

4.301.247

2012

226.810

18.334

82.786

3.681

2.788

334.399

4.444.127

4.778.526

2013

231.960

18.560

84.882

3.773

2.947

342.122

4.660.761

5.002.883

2014

255.658

19.702

93.572

3.947

3.538

376.417

4.852.380

5.228.797

2015

275.938

20.155

102.890

4.500

5.230

408.713

5.045.672

5.454.385

2016

327.820

23.141

123.841

5.304

5.849

485.955

5.255.245

5.741.200

2017

382.177

25.806

142.879

6.261

6.490

563.613

5.620.170

6.183.783

2018

-

-

-

-

-

739.731

5.909.865

6.649.596

Nguồn: Cục đăng kiểm Việt Nam và Công an thành phố Hà Nội, Quý I/2019

Đến tháng Quý I/2019 trên địa bàn Thành phố có 739.731 xe ô tô các loại, và trên 5,9 triệu xe máy, trên 1,2 triệu xe đạp, trên 11 nghìn xe đạp điện và xe máy điện (chưa kể số lượng khoảng 10-15% các phương tiện ngoại tỉnh hoạt động); tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2018 là hơn 10% đối với ô tô và 6,7% đối với xe máy, trong khi đó tốc độ tăng trưởng bình quân chiều dài đường bộ là 3,85%. Sự phát triển nhanh phương tiện giao thông đã tạo áp lực lớn đến kết cấu hạ tầng giao thông làm gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Hiện nay, quản lý phát triển về số lượng phương tiện mới chỉ có quy định đối với xe taxi và xe buýt, các loại xe còn lại chưa có quy định quản lý.

3.2.2. Hiện trạng phương tiện bốn bánh chở người sử dụng động cơ điện

a. Hiện trạng tuyến

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải ra văn bản về việc thí điểm Dự án đầu tư xe điện phục vụ khách du lịch thăm quan khu vực phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm - Thành phố Hà Nội với 40 xe cho công ty Cổ phần Đồng Xuân.

Tính đến năm 2018, trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng số 88 xe điện của 05 doanh nghiệp đang hoạt động thí điểm tại 3 khu vực hạn chế với 7 tuyến theo quy định. Trong đó, tuyến dài nhất là tuyến 01 - “Du lịch Văn hóa Lịch sử Hồ Tây bằng xe điện” tại khu vực Hồ Tây (18km) và tuyến ngắn nhất là tuyến 03 - Đường đôi Đinh Tiên Hoàng (Bến đỗ xe Bờ Hồ cũ) - Điểm đỗ xe Bãi Đá (Trần Quang Khải) (1,5km).

Bảng 3-2: Hiện trạng luồng tuyến xe điện đến năm 2018

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

1

Số lượng tuyến

- Khu phố cổ và hồ Hoàn Kiếm

- Khu vực Hồ Tây

- Cảng HK quốc tế Nội Bài

Tuyến

5

4

1

0

7

4

2

1

7

4

2

1

7

4

2

1

2

Tuyến có cự ly dài nhất

km

18

18

18

18

3

Tuyến có cự ly ngắn nhất

km

2,9

2,9

2,9

2,9

4

Tổng phương tiện

xe

68

88

88

88

5

Tổng lượt xe

Lượt

117.883

122.523

131.310

134.336

6

Tổng km xe chạy

km

830.175

810.917

783.991

815.848

7

Tổng lượt khách

Lượt

825.187

941.287

1.009.485

1.016.540

(Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo của các DN)

Trong tổng số 7 tuyến khai thác thí điểm hiện nay, thì có 6 tuyến do công ty Đồng Xuân và TLC Hồ Tây vận hành có đặc điểm là phục vụ mục đích tham quan Hà Nội của khách du lịch. Trong đó, tuyến 1 của Công ty cổ phần Đồng Xuân với phạm vi tham quan khu phố cổ và hồ Hoàn Kiếm có số lượng khách đông nhất.

Bảng 3-3: Hiện trạng các tuyến xe điện phục vụ khách du lịch

Năm

Công ty CP Đồng Xuân

Công ty TLC Hồ Tây

Tổng khách sử dụng xe

Tổng Khách DL đến HN

Tỷ lệ sử dụng

Tuyến 1

Tuyến 2

Tuyến 3

Tuyến 4

Tuyến 1

Tuyến 2

2014

602,456

0

0

0

15,000

0

617,456

18,510,000

3.34%

2015

800,187

0

0

0

25,000

0

825,187

19,693,743

4.19%

2016

520,666

29,749

26.298

31,350

37,500

1,000

646,563

21,830,906

2.96%

2017

463,116

61,594

63,703

66,281

46,220

1,332

702,246

23,830,000

2.95%

2018

442.592

68.914

54.590

69.742

56.620

1.666

694.124

26.301.268

2.63%

(Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo của các DN và tư vấn)

Từ số liệu thống kê của hai công ty xe điện cho thấy số lượt xe chạy là từ 2 - 8 lượt/ngày; khoảng cách vận chuyển bình quân 1 ngày của 1 xe từ 50 - 60 km/ngày và trung bình mỗi xe là 7 khách/xe.

Ngoài ra, dựa vào số lượng khách tới Hà Nội trong những năm gần đây và số lượng khách sử dụng xe điện trong giai đoạn từ 2014 - 2018, cho thấy trung bình có 3,21% khách du lịch tới Hà Nội sử dụng xe điện cho chuyến tham quan.

Cụ thể các luồng tuyến của xe điện đang được khai thác tại Hà Nội hiện nay như sau:

+ Khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm

Từ năm 2010, Công ty cổ phần Đồng Xuân đã hoạt động khai thác với 40 phương tiện trên 4 tuyến được cấp phép như sau:

- Tuyến 1: 6,7km; hoạt động từ 08h00 đến 20h00 hàng ngày, từ thứ 2 đến 19h00 ngày thứ Sáu.

- Tuyến 2: 2km; hoạt động từ 19h ngày thứ Sáu đến 24h00 Chủ nhật hàng tuần.

- Tuyến 3: 1,5km; hoạt động từ 19h ngày thứ Sáu đến 24h00 Chủ nhật hàng tuần.

- Tuyến 4: 2km; hoạt động từ 19h ngày thứ Sáu đến 24h00 Chủ nhật hàng tuần.

+ Khu vực Hồ Tây:

Công ty Cổ phần TLC Hồ Tây đang hoạt động khai thác 2 tuyến với 20 xe từ năm 2011:

- Tuyến 1: 18km; hoạt động từ 06h00 đến 22h00 hàng ngày- “Du lịch Văn hóa Lịch sử Hồ Tây bằng xe điện”.

- Tuyến 2: 3,5km; hoạt động buổi sáng từ 9h30 - 15h30, yêu cầu chấm dứt tour, xe về điểm tập kết tại Chùa Trấn Quốc; buổi chiều từ: 19h00 - 22h30 hàng ngày - “ Du lịch văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội”.

Về hoạt động các phương tiện: Mỗi đợt không quá 03 xe, các đoàn xe cách nhau không quá 30 phút, nếu đoàn khách lớn hơn 03 xe thì khoảng cách của mỗi đoàn cách nhau 500m.

+ Khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài

Hiện nay, khu vực này có 03 đơn vị được UBND Thành phố chấp thuận về nguyên tắc cho phép xe điện gồm: Công ty cổ phần phát triển đầu tư Hoàng Phong; Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Hàng không Thủ đô; Công ty cổ phần đầu tư thương mại Nội Bài.

- Về hành trình xe chạy (6km): đi theo đường gom phía bên trong có giải phân cách cứng ở giữa đường Võ Văn Kiệt.

- Về thời gian hoạt động: từ 06h00 đến 22h00 hàng ngày.

 Đánh giá chung về mạng lưới tuyến hiện nay

Nhìn chung, các doanh nghiệp kinh doanh xe điện đã chấp hành nghiêm chỉnh về thời gian hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế còn có một số hạn chế và khó khăn như:

- Theo quy định xe ôtô 45 chỗ không được phép hoạt động tại các tuyến phố trong khu vực phố cổ, để đảm bảo thuận tiện cho khách du lịch muốn sử dụng dịch vụ xe điện, các công ty du lịch thường hợp đồng xe điện đón khách tại các điểm dừng đỗ khu vực đường đê Trần Quang Khải. Tuy nhiên, do xe điện chưa được phép hoạt động ngoài luồng tuyến nên không đáp ứng được nhu cầu trung chuyển khách du lịch vào khu vực phố cổ, làm hạn chế nhu cầu đưa khách tham quan khu phố cổ.

- Theo quy định, xe điện chỉ được phép hoạt động theo luồng tuyến cố định, tuy nhiên nhiều đoàn khách có nhu cầu đón và trả khách tại khách sạn nằm trên các phố ngoài luồng tuyến. Do vậy còn tình trạng một số xe điện chạy chưa đúng luồng tuyến quy định.

- Đối với tuyến 2 “Du lịch văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội” của công ty TLC Hồ Tây có thời gian kết thúc vào lúc 15h30, yêu cầu chấm dứt tour, và đưa xe về điểm tập kết tại Chùa Trấn Quốc thường gây khó khăn cho khách vì phần lớn tour bắt đầu vào khoảng 14h nên không đủ thời gian cho khách tham quan. Hơn nữa, do tuyến này chạy qua khu vực Tòa nhà Quốc hội nên thời điểm Quốc hội họp thường bị yêu cầu dừng hoạt động.

- Do chưa có tuyến kết nối giữa hai điểm du lịch lớn của Hà Nội là khu vực hồ Hoàn Kiếm và Hồ Tây nên khách thường chỉ lựa chọn sử dụng xe điện ở một trong hai nơi, sau đó muốn tham quan khu vực còn lại phải sử dụng phương tiện đi lại khác. Điều này chưa tạo thuận lợi cho du khách cũng như làm gia tăng các phương tiện tham gia giao thông cho Hà Nội.

- Có một số các xe điện chạy ngoài khu vực cho phép phục vụ đoàn khách cưới hỏi không đúng quy định cho phép, chưa có chế tài xử lý xe vi phạm.

b. Hiện trạng phương tiện:

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay có tổng số 88 xe điện của 05 doanh nghiệp, cụ thể như sau:

Bảng 3-4: Số lượng phương tiện xe điện tính đến năm 2019

TT

Doanh nghiệp

Số lượng (chiếc)

Sức chứa (chỗ)

Mác kiểu xe

1

Công ty cổ phần Đồng Xuân

40

7

EAGLE

EG6088K

2

Công ty cổ phần TLC Hồ Tây

20

7

EAGLE

EG6088K

3

Công ty cổ phần đầu tư phát triển Hoàng Phong

8

7

EAGLE

EG6088K

4

Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Hàng không Thủ đô

10

14

MARSHELL/DN-14

5

Công ty cổ phần đầu tư thương mại Nội Bài

10

7

MARSHELL

- Thông số kỹ thuật của xe: Thông số kỹ thuật của xe phù hợp với thông tư 86/2014/TT-BGTVT về quy định điều kiện cho xe chở người bốn bánh có gắn động cơ khi tham gia giao thông trong khu vực hạn chế, cụ thể:

+ Chiều dài 4,270m; rộng 1,490m; cao 2,050m.

+ Vận tốc tối đa cho phép: 30 km/h; độ leo dốc 20%.

+ Thông số kỹ thuật của xe đáp ứng các quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường quy định tại Điều 53 và 57 khoản 1 mục (a, b, c, d, e) của Luật giao thông đường bộ.

+ Có đủ hệ thống phanh tay, phanh chân;

+ Có hệ thống chuyển hướng trợ lực lái;

+ Có đủ hệ thống đèn chiếu sáng (pha, cốt), đèn kích thước xe, đèn phanh, đèn lùi, gạt mưa, gương chiếu hậu, gương chiếu sau, còi...

+ Có đủ hệ thống dây đai an toàn cho khách ngồi trên xe.

- Xe đã được cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn, đảm bảo các tiêu chuẩn về nồng độ khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường và được phép lưu hành giao thông trên đường giao thông công cộng trong khu vực hạn chế.

Trong quá trình tham gia giao thông, các công ty cũng thực hiện nghiêm quy trình kiểm tra an toàn của xe trước khi đưa vào hoạt động. Tốc độ xe chạy trung bình trong nội độ khoảng 20-25km/h nên khá an toàn, không để xảy ra tai nạn trong quá trình khai thác vận hành.

 Đánh giá chung về phương tiện

Hiện nay, với dòng xe các công ty đang khai thác sau mỗi lần sạc điện từ 6 - 8 tiếng sẽ chạy được khoảng 100km. Xe được nhập mới nguyên chiếc nên nhìn chung các phương tiện xe điện của các công ty còn mới. Ngoài ra, để tạo ấn tượng cũng như việc nhận diện thương hiệu của các công ty, xe điện của từng công ty được sơn màu và trang trí khá bắt mắt. Đặc biệt, xung quanh xe còn được dán một số hình ảnh về các điểm du lịch của Hà Nội, vừa tạo cho xe điện sự thân thuộc vừa quảng bá được những điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội.

Dòng xe bốn bánh sử dụng động cơ điện 7 chỗ được đánh giá là phù hợp với khu phố cổ, đường ven hồ Tây do đặc thù đường giao thông nhỏ hẹp, mật độ người, các hộ kinh doanh và phương tiện tham gia giao thông lớn, tránh cản trở ùn tắc giao thông ở Hà Nội.

Tuy nhiên, do thiết kế của xe điện loại này không có cửa chắn nên nếu không chú ý có thể gây nguy hiểm cho hành khách, đặc biệt là với trẻ nhỏ và hàng ghế phía sau xe. Mặc dù mỗi ghế ngồi đều có dây thắt an toàn nhưng nhiều khách du lịch cảm thấy không thoải mái khi thắt dây ngồi trên xe điện trong quá trình thăm quan cũng là một vấn đề chưa thực sự đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường. Do vậy, cần có những quy định cụ thể với hành khách khi sử dụng phương tiện xe bốn bánh sử dụng động cơ điện.

c. Hiện trạng cơ sở hạ tầng phục vụ

+ Điểm dừng đón trả khách

Các điểm dừng đón trả khách trong luồng tuyến được khai thác hiện nay đối với các tuyến tham quan du lịch chủ yếu là các điểm du lịch tại Hà Nội. Điều này giúp cho du khách có khả năng tiếp cận điểm du lịch một cách thuận tiện. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng dành riêng cho điểm dừng của phương tiện chưa có, không có nhà chờ tại các điểm dừng. Do vậy, tính an toàn tại các điểm dừng đỗ trên tuyến du lịch chưa đảm bảo an toàn giao thông cho cả hành khách và các phương tiện tham gia giao thông khác.

Còn đối với tuyến xe điện kết nối tại khu vực cảng Hàng không Nội Bài, điểm đón khách được bố trí bên trong cảng trong khi khách có thể đi bằng xe buýt đến sân bay được đỗ ngoài cảng; hoặc khách gửi xe cách bãi đỗ xe máy của khách cách bãi đỗ xe điện khoảng 500m nên khó tiếp cận xe điện. Bên trong cảng, tuyến này có cột biển báo điểm dừng đón trả khách riêng và lộ trình tuyến đầy đủ. Tuyến này có một điểm dừng đón trả tại ngã tư đường Nội Bài giao cắt với quốc lộ 2A nên tính an toàn chưa cao cho loại hình xe điện.

Bảng 3-5: Các điểm dừng đón trả khách theo tuyến

Khu vực

Tuyến

Điểm dừng đón trả khách

Khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm

1

Đinh Tiên Hoàng; chợ Đồng Xuân; Hàng Khoai; Hàng Lược; Hàng Mã; Đào Duy Từ; Nguyễn Siêu; Ngõ Gạch; Hàng Đồng; Lãn Ông; Hàng Buồm; Mã Mây; Lê Thái Tổ; Đinh Tiên Hoàng.

2

Đinh Tiên Hoàng; Hàng Gai; Hàng Bông; Cửa Nam; Lê Duẩn; Quán Sứ; Lý Thường Kiệt; Hỏa Lò; Lê Thánh Tông; Tràng Tiền; Đinh Tiên Hoàng.

3

Đinh Tiên Hoàng; Lê Thái Tổ; Bà Triệu; Nguyễn Du; Yết Kiêu; Quán sứ; Hỏa Lò; Dã Tượng; Trần Hưng Đạo; Lê Thánh Tông; Tràng Tiền; Đinh Tiên Hoàng.

Khu vực Hồ Tây

1

Trung tâm điều hành (614 Lạc Long Quân); Công viên nước Hồ Tây; Ao sen ngoại giao đoàn; ngã 4 đường Quảng Khánh - Quảng An - Cổng KS Sheraton; Cổng KS Intercontinental; Cổng KS Thắng Lợi; Chùa Trấn Quốc; Đình Quán Thánh; Lối rẽ ngõ 128 Thụy Khuê; Vườn hoa cạnh làng Hồ; Chùa Sải; Chùa Võng Thị; Đình Trích Sài; Vệ Hồ; Vườn hoa tại ngõ 322/7 Lạc Long Quân; Chùa Vạn Niên - Chùa Tảo Sách - Vệ Hồ; Ngã 4 Xuân La - Võ Chí Công

2

Chùa Trấn Quốc; Hoàng Thành Thăng Long; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Văn Miếu Quốc Tử Giám; Khu di tích Phủ Chủ Tịch; Công viên Bách Thảo; Đền Quán Thánh.

Khu vực Cảng HKQT Nội Bài

1

Bãi đỗ xe máy nhà ga  T1; Cảng vụ Hàng không miền Bắc; Bưu điện Nội Bài; Trụ sở công ty Cảng HKQT Nội Bài; Trung tâm kỹ thuật bay (Vaeco); Nhà ga T1; Nhà ga T2; ngã tư đường Nội Bài và quốc lộ 2A

+ Bãi đỗ

- Khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm

Bãi đỗ chính của Công ty Đồng Xuân nằm sau chợ Đồng Xuân với diện tích 600 m2 là nơi tập kết xe khi không vận hành, sửa chữa nhỏ và là nguồn sạc điện với 40 đầu sạc được trang bị.

Ngoài ra, công ty còn có một bãi xe chờ khách tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và trước cổng chợ Đồng Xuân. Bãi đỗ này, Công ty được bố trí còn chật hẹp, chỉ được phép tập kết từ 3 đến 5 xe. Trong khi, đây là bến chính của các tuyến du lịch, lượng khách du lịch tập trung đông, nên số xe điện bố trí tại đây không đủ để phục vụ nhu cầu của du khách. Điều này đã dẫn đến việc khách đứng tràn cả xuống lòng đường, gây mất an toàn. Đồng thời, khách du lịch thường phải đợi xe lâu, có những thời điểm gần một tiếng đồng hồ để xe được điều động từ nơi khác đến. Do vậy, có nhiều khó khăn, bất cập trong công tác phục vụ và đáp ứng nhu cầu của du khách.

- Khu vực Hồ Tây

Bãi đỗ xe của công ty TLC Hồ Tây có diện tích 4000m2 tại 614 Lạc Long Quân. Tại bãi đỗ công ty trang bị 20 nguồn sạc điện và là nơi tập kết xe.

Ngoài ra, công ty còn có điểm chờ xe trước cổng chùa Trấn Quốc. Diện tích tại đây cũng không đủ rộng và chỉ đủ tập kết 3 - 5 xe. Bến đỗ này không có mái che hay ghế ngồi cho khách khi phải đợi xe.

- Khu vực cảng hàng không quốc tế Nội Bài

Các phương tiện được bố trí bãi đỗ gần khu vực cảng để sạc điện. Khi xe vào trong cảng được tập kết tại nơi quy định do cảng quản lý.

+ Điểm bán vé

Các công ty đều bố trí điểm bán vé tại bến đỗ của công ty, tạo điều kiện thuận lợi cho khách vãng lai, mua lẻ tại điểm. Quầy bán vé được thiết kế nhỏ gọn và có nhân viên trực bán vé trong thời gian chạy xe. Thông tin tuyến hành trình và giá vé còn chưa được niêm yết đầy đủ tại các điểm bán vé, chủ yếu được thông tin bởi nhân viên trực quầy.

Bên cạnh đó, văn phòng điều hành của các công ty gần với tuyến điểm vận hành phương tiện nên thuận tiện trong việc điều hành và nhanh chóng, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.

3.2.3. Chất lượng dịch vụ xe điện trên địa bàn thành phố

Để đánh giá khách quan chất lượng dịch vụ xe điện ở Hà Nội hiện nay, Nhóm Tư vấn đã tiến hành lập phiếu điều tra và tiến hành khảo sát hành khách đã sử dụng, đang sử dụng và cả những người không sử dụng xe điện (được trình bày chi tiết trong phụ lục). Trong đó, Tư vấn phỏng vấn trực tiếp khách hàng và thu về 300 phiếu.

a. Đặc điểm của hành khách sử dụng

Hành khách sử dụng xe điện rất đa dạng về độ tuổi, trong đó tập trung đông vẫn là những người trẻ tuổi. Trong tổng số những người được phỏng vấn điều tra, có 94% hành khách có độ tuổi dưới 60 tuổi, 57% có độ tuổi từ 20-40 tuổi.

Đối tượng sử dụng phương tiện xe điện cho chuyến tham quan chủ yếu là công nhân viên chức (chiếm 45%), đứng thứ hai là học sinh, sinh viên (chiếm 21%), sau đó là những người kinh doanh tự do (chiếm 17%).

Số lượng khách hàng chiếm hơn 1/2 là khách quốc tế tới Việt Nam du lịch, phần lớn là khách châu Á đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc,...

Thu nhập chủ yếu của người sử dụng xe điện hiện này là từ 10 triệu đồng trở lên chiếm 59%. Nhìn chung, những người sử dụng phương tiện này có thu nhập cao do có đủ điều kiện đi tham quan du lịch hoặc kết nối với phương tiện tại sân bay.

b. Đặc điểm nhu cầu đi lại

Về mục đích sử dụng xe điện (Biểu đồ 3.1), chiếm 79% là thăm quan du lịch, chỉ có 17% để kết nối các phương tiện khác và 0,4% với mục đích khác. Điều này có thể thấy rõ thông qua các tuyến hành trình đang được thí điểm của xe điện hiện nay. Cụ thể là tuyến 1 của Công ty cổ phần Đồng Xuân và tuyến 1, tuyến 2 của công ty TLC Hồ Tây - đây cũng là ba tuyến chính trong hoạt động du lịch City tour dành cho khách du lịch tham quan tại Hà Nội. Còn tuyến số 2,3,4 của công ty cổ phần Đồng Xuân và khu vực khai thác của 3 công ty tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được sử dụng với mục đích kết nối phương tiện khác.

c. Đặc điểm chuyến đi

Về thời gian di chuyển sử dụng xe điện, theo Biểu đồ 3.2 ta thấy 52% hành khách đi trong khoảng thời gian 30 - 60 phút, 23% đi trong khoảng 15 - 30 phút, 19% đi trên 60 phút và chỉ có 0,6% đi dưới 15 phút. Đối với khu vực phục vụ khách du lịch thường theo một lộ trình tour đã định sẵn nên thời gian khách trên xe thường từ 30 đến trên 60 phút. Thời gian này đủ cho khách trải nghiệm, nghe thuyết minh, vào các điểm du lịch tham quan tại một số điểm dừng. Còn với khách sử dụng phương tiện với mục đích kết nối thì thời gian di chuyển thường ngắn, dưới 15 phút. Về thời gian trong ngày, đối với tuyến du lịch thường đông vào buổi chiều, khoảng từ 14h đến 17.30h. Đây cũng là thời điểm không phải giờ cao điểm về giao thông ở Hà Nội.

Hình 3-2: Thời gian di chuyển sử dụng xe điện

Về cự ly di chuyển khi sử dụng xe điện, có 45% hành khách đi từ 2-5km cho mỗi chuyến đi, 34% đi trên 5 km, 16% đi từ 2km và 5% đi dưới 1 km. Có thể thấy với tuyến ở khu phố cổ và hồ Hoàn Kiếm có hành trình tuyến dưới 8km cho cả 4 tuyến, còn tuyến vòng quanh Hồ Tây có chiều dài cả hành trình là 18km, còn khu vực cảng hàng không quốc tế Nội Bài có hành trình là dưới 2 km. Theo đánh giá của du khách, độ dài của các tuyến này hiện nay là phù hợp do đặc điểm hoạt động của từng khu vực với các mục đích khác nhau. Như tuyến tham quan du lịch City tour đều tiếp cận và đi qua các điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội.

Ngoài ra, còn có các tuyến kết nối trong khu vực sân bay Nội Bài và kết nối với các phương tiện cá nhân khi du khách vào phố đi bộ ở khu phố cổ quanh Hồ Hoàn Kiếm những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, độ dài cự ly tuyến phục vụ cho khách du lịch tùy thuộc vào các tài nguyên du lịch hấp dẫn du khách. Do vậy, khi mở rộng tuyến cần chú ý tới điều này.

Hình 3-3: Cự ly di chuyển khi sử dụng xe điện

d. Đánh giá chất lượng dịch vụ hành khách sử dụng xe điện

Theo đánh giá của hành khách hiện nay, việc lựa chọn xe điện làm phương tiện vận chuyển dựa trên nhiều yếu tố như: thoải mái trên phương tiện (19%), thân thiện với môi trường (18%), giá vé rẻ (18%), thuận tiện (18%), điểm dừng phù hợp nhu cầu (12%).

Hình 3-4: Tiêu chí chọn lựa phương tiện của hành khách

3.2.4. Hiện trạng nhu cầu sử dụng xe bốn bánh sử dụng động cơ điện tại các khu đô thị

Tư vấn đã tiến hành thu thập số liệu theo công văn số 707/SGTVT-QLVT ngày 20/8/2019 về việc cung cấp số liệu xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện hoạt động tại các khu đô thị.

Bảng 3-6: Rà soát nhu cầu sử dụng phương tiện bốn bánh chở người sử dụng động cơ điện tại các khu đô thị

STT

Ban quản lý khu đô thị

Địa chỉ

1

Ban quản lý khu đô thị: Khu đô thị mới Mỗ Lao, Phường Mộ Lao, Quận Hà Đông

Tòa nhà CC02 Khu ĐT mỗ Lao, Phường Mộ Lao, Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội

2

Ban quản lý khu đô thị: Khu đô thị Văn Phú - Hà Đông

Lô 29 khu 4b, P. Quang Trung, Quận Hà Đông, Hà Nội

3

Ban quản lý khu đô thị: Khu đô thị Vinhomes Ocean Park Gia Lâm

B1 - T10 Times City, số 458 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

4

Ban quản lý khu đô thị: Khu đô thị VINHOMES ROYAL CITY

72 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội

5

Ban quản lý khu đô thị: Khu đô thị Times City

B1 - T10 Times City, số 458 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

6

Ban quản lý khu đô thị: Khu đô thị VINHOMES GARDENIA MỸ ĐÌNH

Tầng 2, R6, Royal City, 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

7

Ban quản lý khu đô thị: Khu đô thị Khu đô thị Tây Hồ Tây StarLake

STARLAKE Gallery, Khu đô thị Tây Hồ Tây, Xuân Tảo, Tây Hồ, Hà Nội, Hà Nội

8

Ban quản lý khu đô thị: Khu đô thị Tân Tây Đô

tòa nhà CT1B, KĐT Tân Tây Đô, Đan Phượng, Hà Nội

9

Ban quản lý khu đô thị: Khu đô thị Vinhomes Smart City Tây Mỗ Đại Mỗ

B2, R3 Royal City, số 72A Nguyễn Trãi, P. Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.

Qua khảo sát về nhu cầu sử dụng, phạm vi hoạt động và hạ tầng đáp ứng đủ điều kiện xe bốn bánh sử dụng động cơ điện trên địa bàn thành phố, một số đặc điểm về hạ tầng và nhu cầu sử dụng như sau:

- Các khu đô thị kết nối trực tiếp với hạ tầng giao thông của thành phố, không có hoặc ít sử dụng hạ tầng nội bộ trong khu đô thị, vì vậy xe bốn bánh sử dụng động cơ điện chưa thể hiện được vai trò kết nối trong nội bộ khu đô thị.

- Hạ tầng hiện nay các khu đô thị phần lớn chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn thiết kế dành riêng cho loại hình xe bốn bánh chở người sử dụng động cơ điện. Chưa có hạ tầng kết nối giữa xe điện với các phương tiện công cộng khác trong đô thị.

Đến thời điểm khảo sát (Tháng 9/2019) chưa xuất hiện nhu cầu sử dụng xe bốn bánh chở người sử dụng động cơ điện tại các khu đô thị, khu dân cư cũ, vì vậy cần nghiên cứu kỹ khi áp dụng và cấp phép loại hình này được khai thác trong các khu đô thị và khu dân cư cũ.

3.2.5. Hiện trạng công tác quản lý phương tiện bốn bánh sử dụng động cơ điện Hà Nội

a. Về các văn bản chỉ đạo thực hiện việc thí điểm xe điện trên địa bàn thành phố Hà Nội

+ Văn bản của Thủ tướng Chính phủ:

- Văn bản số 852/TTg-KTN ngày 25/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm Dự án đầu tư xe điện phục vụ khách du lịch thăm quan khu vực phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm - Thành phố Hà Nội.

- Văn bản số 573/TTg-KTN ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc kết quả thực hiện thí điểm sử dụng xe bốn bánh chạy năng lượng điện trong hoạt động chở khách.

- Văn bản số 1634/TTg-KTN ngày 11/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động đối với xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện.

+ Văn bản của Bộ Giao thông vận tải:

- Văn bản số 3560/BGTVT-VT ngày 01/6/2010 của Bộ Giao thông vận tải về việc thí điểm xe điện chạy trong khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

- Văn bản số 3381/BGTVT-VT ngày 10/06/2011 của Bộ Giao thông Vận tải gửi UBND Thành phố Hà Nội thống nhất về việc tiếp tục thí điểm sử dụng xe chạy bằng năng lượng điện (xe điện) để phục vụ dự án “Du lịch Văn hóa Lịch sử Hồ Tây bằng xe điện”.

- Thông tư số 86/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về điều kiện đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế.

- Văn bản số 4638/BGTVT-VT ngày 14/4/2015 của Bộ Giao thông vận tải gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo, đề xuất về quản lý hoạt động đối với xe bốn bánh có gắn động cơ (chạy bằng năng lượng điện hoặc động cơ xăng).

+ Văn bản của Bộ, ngành liên quan:

- Văn bản số 1556/C61-C67 ngày 08/6/2010 của Tổng Cục VII - Bộ Công an về việc hướng dẫn đăng ký, quản lý xe điện chạy trong khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

- Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 của Bộ Công an Quy định về Đăng ký xe;

b. Về công tác cấp phép hoạt động xe điện trên địa bàn Hà Nội

Đến thời điểm hiện tại, UBNN Thành phố đã cấp phép thí điểm hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe bốn bánh sử dụng động cơ điện cho 5 doanh nghiệp với tổng số 88 xe đang hoạt động thí điểm tại 03 khu vực hạn chế, cụ thể như sau:

1. Tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài:

Có 03 đơn vị được UBND Thành phố chấp thuận về nguyên tắc cho phép xe chạy bằng năng lượng điện gồm: Công ty cổ phần phát triển đầu tư Hoàng Phong (tại văn bản số 9508/UBND-XDGT ngày 04/12/2014); Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Hàng không Thủ Đô (tại văn bản số 2706/UBND-XDGT ngày 24/04/2015); Công ty cổ phần đầu tư thương mại Nội Bài (tại văn bản số 5942/UBND-ĐT ngày 14/9/2016).

2. Khu vực Hồ Tây:

Công ty Cổ phần TLC Hồ Tây đang hoạt động khai thác 2 tuyến với 20 xe: Tuyến 1 “Du lịch Văn hóa Lịch sử Hồ Tây bằng xe điện”. Tuyến 2 “Du lịch văn hóa lịch sử Thăng Long-Hà Nội” cả 02 tuyến đã được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương tại văn bản số 1479/UBND-KH&ĐT ngày 03/03/2011; Văn bản số 1992/UBND-XDGT ngày 05/04/2016.

3. Khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm:

Công ty cổ phần Đồng Xuân đang hoạt động khai thác với 40 phương tiện (được chấp thuận chủ trương tại văn bản số 12318/UBND-KH&ĐT ngày 29/12/2009; Văn bản số 293/UBND-QHXDGT ngày 09/01/2013 của UBND Thành phố Hà Nội; Văn bản số 8107/VP-ĐT ngày 09/09/2016 của UBND TP Hà Nội).

Bảng 3-7: Rà soát các nội dung quản lý phương tiện bốn bánh chở người sử dụng động cơ điện

STT

NỘI DUNG QUẢN LÝ

NỘI DUNG QUY ĐỊNH

NGUỒN GỐC VĂN BẢN

ĐÁNH GIÁ

1

Quản lý phương tiện

- Quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe sản xuất, lắp ráp

- Quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe nhập khẩu

- Quy định về kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế

- Quy định về điều kiện tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế

Thông tư số 86/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ Giao thông vận tải

Đã đầy đủ

2

Quản lý người lái

- Người điều khiển Xe phải có Giấy phép lái xe từ hạng B2 trở lên và phải tuân thủ theo quy định tại Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Điều 18 Thông tư số 86/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ Giao thông vận tải

Chưa xem xét đến điều kiện về mặt nghiệp vụ phục vụ hành khách trên xe.

3

Quản lý điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe bốn bánh sử dụng động cơ điện

 

 

Chưa có: Điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực, lao động quản lý điều hành hoạt động ...

4

Quy định về phạm vi hoạt động và số lượng phương tiện

1. Tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài

2. Khu vực Hồ Tây:

Hoạt động khai thác 2 tuyến với 20 xe: Tuyến 1 “Du lịch Văn hóa Lịch sử Hồ Tây bằng xe điện”. Tuyến 2 “Du lịch văn hóa lịch sử Thăng Long-Hà Nội”

3. Khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm:

Hoạt động khai thác với 40 phương tiện

- Theo văn bản số 9508/UBND-XDGT ngày 04/12/2014; theo văn bản số 2706/UBND-XDGT ngày 24/04/2015; Theo văn bản số 5942/UBND-ĐT ngày 14/9/2016.

Được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương tại văn bản số 1479/UBND-KH&ĐT ngày 03/03/2011; Văn bản số 1992/UBND-XDGT ngày 05/04/2016.

Được chấp thuận chủ trương tại văn bản số 12318/UBND-KH&ĐT ngày 29/12/2009; Văn bản số 293/UBND-QHXDGT ngày 09/01/2013 của UBND Thành phố Hà Nội; Văn bản số 8107/VP-ĐT ngày 09/09/2016 của UBND TP Hà Nội).

- Phạm vi hoạt động của xe điện trong các văn bản quy định hiện nay chủ yếu phục vụ nhu cầu du lịch trong phạm vi hẹp.

- Việc xác định số lượng xe điện hoạt động hiện nay mang tính chất ngắn hạn; gắn với từng tuyến cụ thể.

5

Quy định về chất lượng dịch vụ

 

 

Chưa có khung dịch vụ tối thiểu cần đạt được của dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe điện...

Bảng 3-8: Rà soát các văn bản quản lý phương tiện bốn bánh chở người sử dụng động cơ điện trên địa bàn Hà Nội

TT

VĂN BẢN

NỘI DUNG

GHI CHÚ

1

Văn bản số 852/TTg-KTN ngày 25/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm Dự án đầu tư xe điện phục vụ khách du lịch thăm quan khu vực phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm - Thành phố Hà Nội.

Giao UBNN TP Hà Nội phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công An tổ chức thí điểm hoạt động xe điện phục vụ khách du lịch thăm quan khu vực phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm - TP Hà Nội; Sau 03 năm tiến hành tổng kết và báo cáo kết quả thí điểm.

Đã thực hiện

2

Văn bản số 573/TTg-KTN ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc kết quả thực hiện thí điểm sử dụng xe bốn bánh chạy năng lượng điện trong hoạt động chở khách

- Giao Bộ Giao thông vận tải rà soát, bổ sung các quy định về hoạt động của xe điện, các nguyên tắc và điều kiện vận hành xe điện để báo cáo chính phủ.

- Bộ Công an chủ trì việc rà soát các điều kiện cấp đăng ký xe, biển số hoạt động và xử lý vi phạm hành chính với loại xe này.

Chưa hoàn thiện việc sửa đổi bổ sung các điều kiện quy định cho hoạt động của xe điện.

3

Văn bản số 1634/TTg-KTN ngày 11/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động đối với xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện

Thủ tướng chỉ đạo:

- Bộ GTVT tổng kết nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ đưa xe điện vào đối tượng quản lý.

- Bộ GTVT chủ trì phối hợp tổng hợp nhu cầu sử dụng xe điện chở khách du lịch trong phạm vi hẹp.

- Tăng cường công tác chỉ đạo quản lý hoạt động xe điện bốn bánh đang trong quá trình thí điểm.

Chưa hoàn thiện

4

Văn bản số 3560/BGTVT-VT ngày 01/6/2010 của Bộ Giao thông vận tải về việc thí điểm xe điện chạy trong khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Văn bản số 3381/BGTVT-VT ngày 10/06/2011 của Bộ Giao thông Vận tải gửi UBND Thành phố Hà Nội thống nhất về việc tiếp tục thí điểm sử dụng xe chạy bằng năng lượng điện (xe điện) để phục vụ dự án “Du lịch Văn hóa Lịch sử Hồ Tây bằng xe điện”.

Giao UBNN TP Hà Nội phối hợp các doanh nghiệp quy định phạm vi hoạt động thí điểm của xe điện trong khu vực phố cổ và Hồ Hoàn Kiếm; khu vực du lịch văn hóa Lịch sử Hồ Tây.

Đã thực hiện và tiến hành tổng kết.

5

Thông tư số 86/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về điều kiện đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế.

Quy định về:

- Kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu;

- Kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế;

- Điều kiện tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế đối với Xe và người điều khiển Xe.

Đã có hiệu lực thi hành tuy nhiên còn thiếu các nội dung quy định liên quan đến:

- Điều kiện kinh doanh.

- Quản lý số lượng phương tiện và chất lượng dịch vụ

6

Văn bản số 4638/BGTVT-VT ngày 14/4/2015 của Bộ Giao thông vận tải gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo, đề xuất về quản lý hoạt động đối với xe bốn bánh có gắn động cơ (chạy bằng năng lượng điện hoặc động cơ xăng).

Báo cáo trình bày:

- Tình hình hoạt động của xe bốn bánh có gắn động cơ trong cả nước.

- Đề xuất biện pháp quản lý hoạt động của xe bốn bánh có gắn động cơ

Đã nhận được văn bản chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ.

7

Văn bản số 1556/C61-C67 ngày 08/6/2010 của Tổng Cục VII - Bộ Công an về việc hướng dẫn đăng ký, quản lý xe điện chạy trong khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Văn bản hướng dẫn:

- Việc đăng ký hoạt động, đăng ký biển số xe của xe điện hoạt động trong khu vực phố cổ và Hồ Hoàn Kiếm.

- Quy định chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các lỗi sai phạm trong khi tham gia giao thông.

Đã có hiệu lực thi hành.

8

Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 của Bộ Công an Quy định về Đăng ký xe;

Thông tư này quy định việc cấp, đổi, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định của Luật giao thông đường bộ, bao gồm: Xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự; xe máy chuyên dùng của Công an sử dụng vào mục đích an ninh.

Đã áp dụng.

3.2.6. Đánh giá chung hiện trạng phát triển xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện trên địa bàn thành phố Hà Nội

a. Ưu điểm

Xe điện là loại phương tiện vận tải mới, lần đầu được tham gia giao thông trên đường phố Thủ đô, với thiết kế nhỏ gọn, chạy bằng năng lượng sạch, xe điện được đông đảo nhân dân Thủ đô và du khách hoan nghênh đón nhận. Xe điện với năng lực vận tải hơn hẳn xe xích lô, mỗi lượt hoạt động chuyên chở 7-14 hành khách, do vậy đáp ứng được nhu cầu đi lại của các đoàn khách du lịch, hạn chế lượng xe tham gia giao thông, đặc biệt xe được trang bị hệ thống loa phát thanh, nên việc giới thiệu cho du khách về lịch sử ra đời của từng khu phố và các di tích danh thắng bằng hai thứ tiếng Việt - Anh rất hiệu quả. Xe điện đã tạo được hình ảnh đẹp, mới lạ, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu về lịch sử văn hóa, kiến trúc đặc sắc của khu phố cổ và một phần cuộc sống thường nhật của người dân ở Thủ đô.

Mức giá hợp lý (7.000 - 80.000 VND) đã khuyến khích người dân và du khách hướng tới một loại phương tiện vận tải mới thân thiện với môi trường, xe vận chuyển cùng lúc được nhiều người, nên so với các loại phương tiện vận tải khác, xe điện luôn là lựa chọn hàng đầu của các công ty du lịch lữ hành và du khách khi tới tham quan, tìm hiểu Hà Nội.

Với những tính năng vượt trội so với những loại hình vận chuyển khách du lịch khác (xe taxi, xích lô du lịch), xe điện đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Liên tục trong suốt quá trình triển khai, dự án đã được các cơ quan báo chí và truyền hình tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của xe điện và tuyến du lịch tham quan tìm hiểu về lịch sử văn hóa kiến trúc của Hà Nội đến đông đảo nhân dân và du khách trong và ngoài nước. Chỉ trong thời gian ngắn, hình ảnh du lịch Hà Nội bằng xe điện đã xuất hiện trên bản đồ du lịch, các trang web của các công ty du lịch trong và ngoài nước. Dự án Giao thông sạch, với những nét mới có tính đột phá đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo nhân dân và khách du lịch, tạo thêm một loại hình du lịch mang màu sắc riêng của Thủ đô Hà Nội, góp phần bảo tồn, tôn vinh và quảng bá rất hiệu quả về giá trị văn hóa Hà Nội.

Xe điện đã khẳng định được chất lượng, động cơ và ắc quy hoạt động ổn định, xe chạy với tốc độ phù hợp trong đô thị, chở đúng số người quy định và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình bảo trì, bảo dưỡng nên các thiết bị theo xe không có dấu hiệu hư hỏng, xe hoạt động an toàn. Theo tính toán và thực tế của doanh nghiệp, khi nạp đầy ắc quy của một xe, tiêu hao hết khoảng 11 số điện, tương ứng với số tiền là 25.000đ, xe điện có thể phục vụ chuyên chở được khoảng 9 lượt khách, tương ứng với quãng đường khoáng 70 km. Đối với xe điện ứng dụng công nghệ pin năng lượng mặt trời, thời gian hoạt động tăng hơn so với số xe cũ là 30%. Do vậy, có thể thấy hiệu quả kinh tế vượt trội của xe điện khi so sánh với các phương tiện chạy bằng các loại năng lượng khác.

Hiệu quả về môi trường và trật tự giao thông đô thị: Xe điện là loại phương tiện giao thông sử dụng công nghệ cao giúp tiết kiệm năng lượng và không gây tiếng ồn, khói, bụi khí thải gây ô nhiễm môi trường. Đưa phương tiện xe điện vào phục vụ vận chuyển khách du lịch góp phần làm hạn chế lượng phương tiện giao thông chạy nhiên liệu xăng, dầu; hạn chế tình trạng ách tắc giao thông, gây tiếng ồn của các phương tiện tham gia giao thông trong khu đô thị, đồng thời từng bước xây dựng thói quen đi bộ và sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện tham gia giao thông cá nhân của nhân dân trong khu vực phố cổ. Đặc biệt, với kích thước nhỏ, tốc độ phù hợp trong đô thị (tối đa không quá 30km/h), loại hình xe ôtô điện rất phù hợp với kết cấu, kiến trúc giao thông đô thị của Hà Nội, cùng với việc điều hành, điều vận xe khoa học, hợp lý, không để xảy ra tình trạng ùn tắc, cản trở giao thông, xe thông thoáng, không khí thải, không tiếng động làm cho cảnh quan môi trường đô thị thêm xanh, sạch, đẹp, góp phần bảo tồn không gian kiến trúc văn hóa khu phố cổ Hà Nội, di sản văn hóa quốc gia.

Xây dựng được sản phẩm du lịch mới của Thủ đô: Tuyến du lịch đã tạo được dấu ấn, được Sở Du lịch đánh giá cao sản phẩm du lịch mới của ngành du lịch Thủ đô. Bên cạnh những tuyến du lịch truyền thống, Công ty cổ phần Đồng Xuân, công ty TLC Hồ Tây đã sáng tạo nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch kết hợp được các yếu tố: giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa khu phố cổ, phố cũ và kêu gọi bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường. Đến nay đã hoàn thiện một số sản phẩm du lịch, cụ thể:

+ Tour tham quan tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng phố cổ Hà Nội.

+ Tour tham quan phố cổ và mua sắm hàng hóa trên các tuyến phố nổi tiếng và chợ Đồng Xuân.

+ Tour tìm hiểu các công trình văn hóa vật thể và phi vật thể trong khu phố cổ.

+ Tour tham quan khu phố cổ và các nhà nghề, phố nghề của Hà Nội.

+ Tour tham quan, tìm hiểu văn hóa ẩm thực phố cổ và chợ đêm Đồng Xuân. Đặc biệt, tour du lịch tìm hiểu truyền thống lịch sử khu phố cổ Hà Nội đáp ứng chương trình giáo dục truyền thống cho đối tượng học sinh, sinh viên được các trường học rất hoan nghênh giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn giá trị những công trình văn hóa lịch sử của Thủ đô.

+ Tour tham quan vòng quanh Hồ Tây

+ Tour tham quan Hoàng Thành Thăng Long - Văn Miếu, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, khu di tích chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chấp hành luật giao thông đường bộ và Quy định của Thành phố: các công ty tổ chức tập huấn cho lái xe về Luật Giao thông đường bộ và các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô theo tuyến cố định, vận tải khách bằng xe du lịch tại Nghị định của Chính phủ và Quy định của UBND Thành phố về luồng, tuyến giao thông, vị trí tập kết, đỗ xe theo dự án đã phê duyệt, đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành của lái xe và bộ phận quản lý điều hành nên không để xảy ra các vi phạm về Luật Giao thông đường bộ.

Xe điện đã được Cục đăng kiểm cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Quá trình tham gia giao thông, các công ty thực hiện nghiêm Quy trình kiểm tra an toàn của xe trước khi đưa vào hoạt động, luôn có biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình tham gia giao thông, mua bảo hiểm cho khách du lịch theo quy định. Niêm yết giá vé và thu tiền của khách du lịch đúng giá đăng ký. Khu phố cổ với đặc thù đường giao thông nhỏ hẹp, mật độ người, các hộ kinh doanh và phương tiện tham gia giao thông lớn, những hoạt động của phương tiện xe điện đã không để xảy ra tai nạn, va quệt, cản trở ùn tắc giao thông, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình tham gia giao thông.

b. Những mặt hạn chế

Hiện tại đang thực hiện thí điểm theo các Dự án được phê duyệt nên phạm vi hoạt động của xe điện bị bó hẹp trong giới hạn chạy theo luồng tuyến cố định. Tuy nhiên, thực tế hoạt động khi đưa khách đi thăm quan, để đảm bảo an toàn cho du khách, nhiều đoàn yêu cầu trả khách về khách sạn nằm ngoài luồng tuyến nên cũng có khó khăn trong hoạt động.

Đây là hoạt động của phương tiện chở khách (đa số là khách du lịch) có thu tiền nhưng chưa có quy định cụ thể về hoạt động và quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh.

Chất lượng dịch vụ du lịch xe điện còn chưa được hoàn thiện, nhất là tính chuyên nghiệp của đội ngũ quản lý, điều hành, lái xe.

Các kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa, trình độ ngoại ngữ, kiến thức về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của đội ngũ nhân viên phục vụ còn chưa đáp ứng được hành khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.

Chưa có các cơ chế chính sách, quy hoạch, tiêu chuẩn phát triển phương tiện giao thông điện trên địa bàn thành phố.

Chưa có những nguyên tắc, tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng cho phương tiện giao thông điện trên các tuyến đường hiện có;

Chưa có các tiêu chuẩn diện tích, các tiện ích tối thiểu cho bố trí điểm đầu cuối, trung chuyển, dừng đỗ phương tiện giao thông điện; trong đó có tính đến việc chuyển tiếp với các phương tiện công cộng và phương tiện cá nhân khác.

Chưa có những quy định về chế tài xử phạt khi xe có những vi phạm về việc chở quá số người, chạy ra ngoài khu vực bị hạn chế, dừng đỗ không đúng nơi quy định,....

3.3. Định hướng phát triển xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện

3.3.1. Định hướng phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội

+ Các căn cứ định hướng phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội

- Căn cứ Quyết định số 4597/QĐ-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2012 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

- Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

- Căn cứ Quyết định số 4597/QĐ-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2012 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

- Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”;

3.3.2. Quan điểm phát triển

Phát triển du lịch Hà Nội phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội; định hướng quy hoạch vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để Hà Nội không chỉ là trung tâm kinh tế, chính trị văn hóa- xã hội mà còn xứng đáng là trung tâm du lịch của khu vực và cả nước. Quan điểm cụ thể như sau:

- Phát triển du lịch Hà Nội với vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy phát triển các ngành liên quan, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

- Phát triển du lịch Hà Nội với vai trò là trung tâm phát triển du lịch vùng cả nước, đầu mối phân phối khách cho các tỉnh khu vực phía Bắc.

- Phát triển du lịch Hà Nội có chất lượng cao, theo hướng chuyên nghiệp, vừa hiện đại vừa dân tộc, có trọng tâm, trọng điểm.

- Phát triển du lịch Hà Nội theo hướng bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường.

- Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của các địa phương, các thành phần kinh tế trên địa bàn Thủ đô.

- Phát triển du lịch Hà Nội có trọng tâm, trọng điểm trong đó đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình khác du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí

+ Mục tiêu phát triển du lịch Hà Nội

Đến năm 2020, du lịch Hà Nội thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường; đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp và xứng đáng là trung tâm du lịch của khu vực và cả nước.

+ Về vị thế

- Xây dựng Hà Nội thành trung tâm du lịch của cả nước và khu vực, đưa du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.

+ Về phát triển không gian lãnh thổ

- Phát triển không gian du lịch theo đặc trưng riêng của 6 cụm du lịch trọng điểm và có mối quan hệ liên kết với nhau. Theo đó, bên cạnh việc phát huy các thế mạnh tài nguyên mỗi khu vực để phát triển sản phẩm đặc thù, phát triển du lịch để tăng cường liên kết các khu vực với không gian du lịch trung tâm nội đô tạo nên sản phẩm du lịch tổng hợp cho thủ đô Hà Nội.

- Phát triển 02 khu du lịch quốc gia đã được xác định trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam là khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng núi Ba Vì - hồ Suối Hai và khu du lịch Làng văn hóa-du lịch các dân tộc Việt Nam.

- Phát triển 02 điểm du lịch quốc gia đã được xác định trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam là Công viên Văn hóa lịch sử Hoàng Thành - Thăng Long và quần thể du lịch văn hóa lễ hội và thắng cảnh Hương Sơn.

- Ngoài ra đầu tư xây dựng một số khu, điểm du lịch địa phương, làm động lực phát triển du lịch các địa phương trên địa bàn Hà Nội.

Bảng 3-9: Chỉ tiêu phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Năm 2020

1

Khách du lịch:

Triệu khách

30

- Khách quốc tế

5,7

- Khách nội địa

24,3

2

Tổng thu từ khách du lịch

Tỷ đồng

120.000

3

Tỷ trọng GDP du lịch trong tổng GDP thành phố

%

8,7

(Nguồn: Nghị quyết 06/NQ-TU ngày 26/6/2016 của Thành ủy Hà Nội)

+ Về sản phẩm du lịch:

Ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch văn hóa cùng với đa dạng hóa các sản phẩm du lịch: MICE, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, đô thị, trong đó tập trung phát triển một số sản phẩm du lịch đặc thù tại khu/điểm du lịch

+ Về văn hóa - xã hội:

+ Góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Hà Nội nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.

+ Tạo thêm nhiều việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội:

+ Góp phần phát triển thể chất, nâng cao dân trí và đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

+ Về môi trường:

Phát triển được hệ thống các du lịch “xanh”, “có trách nhiệm” gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường đặc biệt là môi trường cảnh quan đô thị.

3.3.3. Quy hoạch tổ chức không gian du lịch Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030

a. Các cụm du lịch

- Cụm du lịch Trung tâm Hà Nội:

Tập trung ở khu vực 4 quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) và một phần quận Tây Hồ, với bán kính từ 5 - 6 km.

- Cụm du lịch Sơn Tây - Ba Vì

Bao gồm hai huyện Ba Vì và Sơn Tây và các phụ cận dọc theo đại lộ Thăng Long, quốc lộ 21 và quốc lộ 32 như Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ...

- Cụm du lịch Hương Sơn - Quan Sơn

Tập trung tại khu vực Quan Sơn và Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức và một số khu vực phụ cận dọc theo đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 21B (thuộc huyện Ứng Hòa)

- Cụm du lịch núi Sóc - Hồ Đồng Quan

Tập trung ở khu vực hồ Đồng Quan, núi Sóc thuộc huyện Sóc Sơn

- Cụm du lịch Vân Trì - Cổ Loa

Tập trung tại khu vực Cổ Loa, Vân Trì (thuộc huyện Đông Anh) và một phần thuộc huyện Mê Linh

- Cụm du lịch Hà Đông và phụ cận

Tập trung ở khu vực quận Hà Đông và các phụ cận.

b. Vành đai du lịch

- Vành đai sông Hồng:

Phát triển dọc theo 2 bờ sông Hồng từ Ba Vì đến Phú Xuyên

- Vành đai sông Đáy:

Phát triển dọc theo 2 bờ sông Đáy từ Phúc Thọ đến Mỹ Đức.

c. Các tuyến du lịch

- Tuyến du lịch mang tính quốc tế

+ Các tuyến du lịch quốc tế theo đường hàng không sân bay quốc tế Nội Bài.

+ Đường sắt liên vận quốc tế : Hà Nội - Trung Quốc, Hà Nội - Lào

+ Đường bộ xuyên Á

- Tuyến du lịch quốc gia

+ Tuyến du lịch theo quốc lộ 1: trung tâm Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa,... Hoặc ngược chiều đi Lạng Sơn.

+ Tuyến du lịch theo quốc lộ 2: Hà Nội - Vĩnh Phúc - Phú Thọ

+ Tuyến du lịch theo quốc lộ 3: Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Cạn - Cao Bằng.

+ Quốc lộ 5: Hà Nội - Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.

+ Tuyến du lịch theo quốc lộ 6: Hà Nội - Lương Sơn - Kim Bôi - Hòa Bình.

+ Tuyến du lịch theo quốc lộ 32: Hà Nội - thị xã Sơn Tây - Ba Vì - Phú Thọ.

- Tuyến du lịch nội vùng

+ Các tuyến du lịch City tour nội thành với các tuyến như Hồ Gươm - Văn Miếu Quốc Tử Giám - quần thể di tích lăng Bác - quần thể di tích và danh thắng Hồ Tây - phố cổ.

+ Tuyến du lịch Hồ Tây - Cổ Loa - Đền Sóc

+ Tuyến du lịch từ Trung tâm qua Vân Trì - Đền Sóc - Bắc Ninh

+ Tuyến du lịch Hà Nội - Ba Vì theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc

+ Tuyến du lịch đường thủy trên sông Đáy

+ Tuyến du lịch đường thủy dọc theo sông Hồng: Chương Dương - Đn Lộ - Bát Tràng - Hưng Yên - Đa Hòa.

3.4. Định hướng phát triển giao thông, đô thị Hà Nội

3.4.1. Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Theo quyết định số: 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng chính phủ về “Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội được thể hiện các điểm chính sau:

a. Quan điểm quy hoạch

- Phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch sử dụng đất và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

- Phù hợp với Chiến lược, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Việt Nam, Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô.

- Phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, bền vững, hiện đại, dễ tiếp cận, thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và thân thiện với môi trường.

- Đảm bảo tính khoa học, hợp lý và khả thi, đáp ứng được các yêu cầu trước mặt và định hướng lâu dài.

- Ưu tiên phát triển giao thông công cộng, nhất là loại hình vận tải có khối lượng trung bình và lớn, góp phần giải quyết ách tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

b. Mục tiêu quy hoạch

- Xây dựng hệ thống giao thông vận tải hoàn thiện đáp ứng được các tiêu chí: Bền vững, đồng bộ, hiện đại trên cơ sở định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

- Cụ thể hóa định hướng Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

- Xây dựng kế hoạch đầu tư hệ thống giao thông vận tải theo các giai đoạn, xác định các dự án ưu tiên.

- Đề xuất các giải pháp về tổ chức, quản lý giao thông và các cơ chế chính sách cho việc quản lý, thực hiện Quy hoạch.

- Làm cơ sở cho việc lập dự án đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

c. Nội dung quy hoạch

- Về kết cấu hạ tầng:

+ Phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch xây dựng đô thị để đảm bảo tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt 20 - 26% cho đô thị trung tâm; đạt 18 - 23% cho các đô thị vệ tinh và đạt 16 - 20% cho các thị trấn. Trong đó, diện tích đất cho giao thông tĩnh cần đạt 3 - 4%.

+ Chỉ tiêu về mật độ mạng đường trong đô thị (tỷ lệ giữa tổng chiều dài các tuyến đường trên diện tích đất xây dựng đô thị) cần đạt được gồm: Tính đến đường cao tốc đô thị: 0,25 - 0,4 km/km2; tính đến đường trục chính đô thị: 0,5 - 0,83 km/km2; tính đến đường trục đô thị: 1,0 - 1,5 km/km2; tính đến đường liên khu vực 2,0 - 3,3 km/km2 và tính đến đường chính khu vực: 4,0 - 6,5 km/km2.

+ Chỉ tiêu về mật độ mạng lưới vận tải hành khách công cộng đạt từ 2 - 3,0 km/km2 cho đô thị trung tâm và 2 - 2,5 km/km2 cho đô thị vệ tinh.

- Về vận tải hành khách công cộng: Tập trung ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2030 Khoảng 50 - 55%, sau 2030 đạt 65 - 70%; các đô thị vệ tinh đến năm 2020 đạt 15%, năm 2030 Khoảng 40%, sau năm 2030 đạt tối đa 50%.

- Vận tải hành khách liên tỉnh: Đường bộ Khoảng 75 - 80%; đường sắt Khoảng 10 - 15%; hàng không Khoảng 7 - 10%.

- Vận tải hàng hóa liên tỉnh: Đường bộ Khoảng 65 - 70%; đường sắt Khoảng 3 - 5%; đường thủy Khoảng 25 - 30%.

- Bảo vệ môi trường

- Giảm thiểu hoạt động giao thông gây ô nhiễm môi trường đối với không khí, tài nguyên nước, tài nguyên đất, đa dạng sinh học, ồn và rung.

- Giảm thiểu hoạt động giao thông gây phát thải khí nhà kính bằng việc đưa vào sử dụng các loại xe thân thiện với môi trường.

- Sử dụng hiệu quả tài nguyên.

- Cung cấp Điều kiện tốt cho tiếp cận dịch vụ giao thông.

- Phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng.

- Tôn trọng và bảo vệ cảnh quan, di sản văn hóa.

3.4.2. Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030”

Việc Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; cùng với yêu cầu đặt ra trong việc tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra cho việc quản lý số lượng xe bốn bánh sử dụng động cơ điện những vấn đề sau:

Quan điểm phát triển xe bốn bánh sử dụng động cơ điện trong thành phố Hà Nội như là một loại hình VTHKCC, từ đó các chức năng của xe bốn bánh sử dụng động cơ điện như sau:

- Thực hiện vai trò kết nối, trung chuyển giữa các hình thức vận chuyển khách du lịch.

- Thay thế xe xích lô và xe ba bánh chở khách di chuyển bên trong và kết nối giữa các khu du lịch trong thành phố.

- Phục vụ nhu cầu đi lại tham quan du lịch.

3.5. Nhu cầu sử dụng xe điện phục vụ tham quan, du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội

3.5.1. Hiện trạng nhu cầu sử dụng xe điện đối với các tuyến du lịch đang triển khai hoạt động:

Hiện nay, hoạt động du lịch xe điện có các tuyến chính phục vụ nhu cầu của du khách, cụ thể:

- Tuyến du lịch phố cổ với chặng đường dài 7km, thời gian đi 40 phút, đi qua 28 tuyến phố thương mại, phố nghề, phố ẩm thực và 121 di tích lịch sử văn hóa - lịch sử cách mạng, 859 công trình kiến trúc có giá trị của Hà Nội 36 phố phường.

- Tuyến du lịch với chủ đề giới thiệu với du khách các công trình văn hóa, kiến trúc khu phố “Pháp” và các địa danh lịch sử, các danh thắng nổi tiếng của Thủ đô nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Lộ trình tuyến dài khoảng gần 7km, thời gian đi 40 phút/tuyến.

- Tuyến “du lịch văn hóa lịch sử Hồ Tây bằng xe điện” vòng quanh Hồ Tây đi qua 23 di tích ven hồ có giá trị của Thủ đô tạo thành một vòng khép kín cho chuyến tham quan tại quận Tây Hồ. Lộ trình tuyến dài 18km, thời gian đi 60 phút/tuyến.

- Tuyến “du lịch văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội” qua các điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội như chùa Trấn Quốc, Hoàng Thành Thăng Long, Bảo tàng Quân đội, lăng Bác, Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Lộ trình tuyến dài 3,5km, thời gian đi 20 phút/tuyến.

Các tuyến xe điện hiện nay đã có lộ trình tuyến đi qua phần lớn các điểm du lịch nổi tiếng có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khi tới tham quan Hà Nội. Do vậy, xe điện đã tạo cho trên 100 doanh nghiệp du lịch lữ hành trên địa bàn Thủ đô có thêm điều kiện để phát triển, làm phong phú thêm các tour du lịch, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh dịch vụ, thương mại trên địa bàn Thành phố, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

3.5.2. Đánh giá nhu cầu thăm quan, tìm hiểu của du khách:

Theo số liệu thống kê, sau 8 năm thực hiện Dự án, khối lượng hành khách sử dụng xe điện đã tăng dần theo các năm, tính đến hết năm 2018 với số lượng 60 đầu xe phục vụ tham quan du lịch (công ty Đồng Xuân 40 xe, công ty TLC Hồ Tây 20 xe) đã phục vụ trên 5 triệu lượt khách (trong đó khách Trung Quốc chiếm 10%, Hàn Quốc 30%, Châu Âu 15%, Việt Nam 30%, khách lẻ khác là 15%), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 30%/năm. Với số liệu như trên, tỷ lệ khách quốc tế và trong nước có sự chênh lệch rất lớn, do khách quốc tế thường thông qua các công ty du lịch lữ hành, ký hợp đồng đặt tour du lịch xe điện với số lượng lớn và theo những khoảng thời gian cố định trong ngày (từ 9h00 đến 12h00 và từ 14h00 đến 16h00). Tuy nhiên, với địa bàn hoạt động bó hẹp trong các luồng tuyến được phê duyệt và với số lượng xe hạn chế, xe điện chỉ đủ phục vụ cho các hợp đồng đã ký với các công ty du lịch, chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của nhân dân và du khách thăm quan. Vào mùa du lịch, có nhiều thời điểm khách đã đặt trước nhưng cũng phải chờ hơn một tiếng mới có xe phục vụ.

Qua kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, có tới 67,59% người được phỏng vấn có nhu cầu sử dụng xe điện làm phương tiện tham quan tại Hà Nội.

Hình 3-5: Tỷ lệ nhu cầu sử dụng xe điện

Còn theo số liệu thống kê khách du lịch quốc tế và nội địa đến Hà Nội trong những thời gian qua có thể thấy năm sau cao hơn năm trước, với tốc độ tăng trung bình 8-14%.

Bảng 3-10: Số lượng khách du lịch tới Hà Nội giai đoạn 2012 - 2018

Đơn vị: Lượt khách

Chỉ tiêu

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

- Khách du lịch quốc tế

2,100,000

2,580,000

3,010,000

3,263,743

4,020,306

4,950,000

6,005,268

- Khách du lịch nội địa

12,300,000

13,997,000

15,500,000

16,430,000

17,810,600

18,880,000

20,296,000

Tổng khách du lịch

14,400,000

16,577,000

18,510,000

19,693,743

21,830,906

23,830,000

26,301,268

(Nguồn: Báo cáo tổng kết của Sở Du lịch Hà Nội, 2018)

Tuy nhiên, số lượng khách sử dụng xe điện lại không tăng lên mà có xu hướng chững lại. Điều này một phần nguyên nhân là do số xe điện được phép hoạt động thí điểm không tăng lên trong thời gian quá. Nhưng bên cạnh đó, còn có một lý do là chưa có những tuyến xe điện phù hợp với lộ trình tuyến tham quan của khách du lịch cũng như hành khách còn thiếu thông tin về loại hình phương tiện này.

Hình 3-6: Lý do khách chưa chọn sử dụng xe điện

Theo kết quả điều tra của tư vấn đối với những khách có nhu cầu sử dụng xe điện cho các chuyến tham quan trong tương lai, phần lớn khách hàng mong muốn cự ly của tuyến xe điện là từ 2 - 5km chiếm 40,93% và trên 5km chiếm 34,2%. Còn về thời gian khách hàng mong muốn ngồi trên xe điện 30 - 60 phút là 38,3% và từ 15-30 phút là 28,72%. Điều này cũng phù hợp với một chuyến tham quan City tour vừa ngắm cảnh, vừa vào tham quan một số điểm trên tuyến.

Hình 3-7: Cự ly và thời gian khách mong muốn sử dụng xe điện

Từ những số liệu trên và kết quả khảo sát cho thấy, nhu cầu về việc sử dụng xe điện tham quan du lịch còn nhiều và sẽ tăng theo số lượng khách đến Hà Nội. Vì vậy, việc có xây dựng những tuyến hành trình mới cũng như có tiêu chuẩn cho việc kinh doanh và phục vụ của phương tiện này là cần thiết.

3.5.3. Khảo sát nhu cầu sử dụng xe điện tại các khu tham quan du lịch trên địa bàn thành phố

Ngày 7,9,10/1/2020, các đơn vị Sở GTVT (Phòng Quản lý vận tải, Phòng kết cấu hạ tầng giao thông, Trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo) và Tư vấn kết hợp với Phòng Quản lý đô thị, Phòng Quản lý văn hóa - UBND các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức, Gia Lâm, Đông Anh tiến hành khảo sát các khu du lịch.

Căn cứ thông báo 657/TB-UBND ngày 30/8/2022, ngày 21/9/2022 Sở GTVT và đơn vị Tư vấn đã phối hợp khảo sát bổ sung hạ tầng, nhu cầu sử dụng xe động cơ điện bốn bánh tại khu vực đi bộ Thành cổ Sơn Tây.

Bảng 3-11: Kết quả khảo sát nhu cầu sử dụng xe điện tại các điểm du lịch trên địa bàn các Huyện

TT

Điểm khảo sát

Quận/ Huyện/ Thị xã

Bề rộng mặt đường tối thiểu

Độ dốc dọc tối thiểu

Tuyến kết nối

Điều kiện hạ tầng đầu cuối

Đánh giá chung

Ghi chú

Thời gian khảo sát: ngày 7.1.2020

1

Bến thủy nội địa hồ Suối 2

Ba Vì

>=7,5m

<=10%

Khoảng cách: 500m; kết nối Bến Thủy nội địa Hồ Suối Hai với khu khách sạn nhà nghỉ (Khách sạn Công Đoàn Hồ Suối Hai; Khách sạn 02 - Garden; Khách sạn Xứ Đoài); Giao cắt TL413;

Đủ diện tích đầu cuối tuyến

Cải tạo nâng cấp tuyến kết nối (tuyến đường huyện quản lý), tổ chức giao thông giao cắt với TL413

2

Khu du lịch Ao Vua

Ba Vì

>=7,5m

<10%

Kết nối Bãi đ xe khu du lịch vào trong nội bộ khu du lịch

Chưa có yêu cầu sử dụng xe điện kết nối ngoài khu du lịch

3

Vườn Quốc Gia Ba Vì

Ba Vì

>=5m

<10%

Khoảng cách: 3,5km; Kết nối từ cổng vườn QG Ba Vì - Khu DL Long Việt (1,5km) - Cổng Khu DL Thiên Sơn Suối Ngà (2km)

Đủ diện tích đầu cuối tuyến

Cải tạo nâng cấp tuyến đường huyện kết nối các khu du lịch

4

Khu du lịch Khoang Xanh

Ba Vì

>=7,5m

<10%

Kết nối Bãi đỗ xe khu du lịch vào trong nội bộ khu du lịch;

Chưa có yêu cầu sử dụng xe điện kết nối ngoài khu du lịch

5

Làng cổ Đường Lâm

Sơn Tây

>=5m

<10%

Kết nối nội bộ trong Làng cổ Đường Lâm; Kết nối từ Cây Đa (Công làng) - Chợ Mía (700m) - Lăng Ngô Quyền (1,5km)

Đủ diện tích đầu cuối tuyến

Có xuất hiện nhu cầu

3 xe chưa cấp phép

6

Chùa Tây Phương

Thạch Thất

>=7,5m

<10%

Cách Quốc Lộ 32 500m, Bãi đỗ xe cách cổng chùa 200m;

Chưa có yêu cầu sử dụng xe điện kết nối ngoài khu du lịch

Thời gian khảo sát: ngày 9.1.2020

7

Chùa Hương

Mỹ Đức

>7m

<10%

Kết nối Bến xe Đục Khê (Xã Hương Sơn) - Ngã tư UBND Xã Hương Sơn - TL419 - Bến đò Suối Yên - Bãi đ xe Thôn Yên Vĩ (1.000m); Kết nối Bến xe Hội Xá - Ngã tư UBND Xã Hương Sơn - TL419 - Bến đò Suối Yên - Bãi đỗ xe Thôn Yên Vĩ (1.800m);

Đủ diện tích đầu cuối tuyến

Có nhu cầu về sử dụng xe điện trong 3 tháng l hội

năm 2017 đã có nhưng đến nay không còn

8

Khu du lịch Hồ Quan Sơn

Mỹ Đức

>7m

<10%

Cách 200m đường TL 424 - Cổng khu du lịch Hồ Quan Sơn

Chưa xuất hiện nhu cầu sử dụng xe điện

Thời gian khảo sát: ngày 10.1.2020

10

Điểm du lịch làng nghề gốm sứ Bát Tràng

Gia Lâm

6m

<10%

Kết nối nội bộ trong Làng gốm Bát Tràng. Kết nối từ UBND xã Bát Tràng đến đền Giang Cao, đến Chợ Gốm.

Hiện nay bãi đỗ xe chính thức chưa có. Nhưng có bãi đỗ xe trong Chợ Gốm và Bãi đỗ xe Bắc Hưng Hải (Bãi đỗ xe tư nhân)

- Có nhu cầu xe điện.

- Cải tạo đường làng

Hiện nay đã có xe điện khai thác (10 xe) của các hộ gia đình. Thường đỗ xe tại sân UBND xã hoặc sân đền.

11

Khu du lịch Cổ Loa

Đông Anh

>5m

<10%

Khoảng cách: 1km. Kết nối từ Bãi đỗ xe (Khu vực họp chợ: 5 ngày/lần) vào nội bộ khu du lịch (cùng chung 300m đường với xe buýt).

Bãi đỗ xe: 1.500 m2 do Ban quản lý di tích TP Hà Nội quản lý.

Có nhu cầu về sử dụng xe điện trong dịp lễ hội đầu năm (5.6 tháng Giêng)

12

Khu du lịch di tích Đền Sóc

Sóc Sơn

>7.5m

<10%

Khoảng cách 4km. Kết nối từ UBND Phù Linh (Đoạn giao cắt với QL 3), chung đường với xe buýt.

Có bãi đỗ xe nội bộ dành cho Ban quản lý di tích

Chưa có yêu cầu sử dụng xe điện kết nối ngoài khu du lịch

>=5m

9-10%

Khoảng cách 7km. Kết nối từ UBND Phù Linh đến Học viện Phật giáo (3.5km), đến chân tượng đài (Theo đường núi: 3.5km).

Có bãi đỗ xe tại chân tượng đài

Có nhu cầu sử dụng xe điện nhiều theo chiều từ tượng đài Thánh Gióng xuống dưới đường QL. Tuy nhiên, có nhiều đoạn dốc

Thời gian khảo sát: ngày 26.9.2022

13

Khu phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây

Sơn Tây

>7.5m

<5%

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào khu phố đi bộ;

- Kết nối nội bộ trong Khu phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây Khoảng cách: 1,6km

Có bãi đỗ xe trên tuyến phố đi bộ

Có nhu cầu sử dụng xe điện trong khu vực phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây

3.6. Đề xuất quy định số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện và các giải pháp thực hiện

3.6.1. Đề xuất quy định số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện hoạt động

Từ những thực trạng phân tích về luồng tuyến và nhu cầu của du khách, kết hợp với việc khảo sát thực tế tại các điểm du lịch và hiện trạng khai thác của các công ty du lịch lữ hành tư vấn đề xuất số lượng xe điện phục vụ khách du lịch như sau:

- Giữ nguyên số lượng phương tiện và phạm vi hoạt động của các tuyến hiện đang thí điểm.

- Cho phép triển khai hoạt động của xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện (xe điện) để phục vụ trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào các khu du lịch, khu di tích có hạ tầng đáp ứng yêu cầu.

Hiện tại Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát và lập danh sách một số khu vực có thể triển khai loại hình phương tiện xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện, cụ thể như sau:

- Khu du lịch Làng cổ Đường Lâm: Trong khu vực nội bộ Làng cổ Đường Lâm;

- Khu du lịch Chùa Hương: Trong khu vực nội bộ du lịch Chùa Hương và vào các tháng lễ hội;

- Khu du lịch Làng nghề gốm sứ Bát Tràng: Trong khu vực nội bộ của Làng gốm sứ Bát Tràng;

- Khu du lịch sinh thái xã Hồng Vân - Huyện Thường Tín: Trong khu vực nội bộ khu du lịch sinh thái.

- Khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà: Trong khu vực nội bộ khu du lịch;

- Công viên Yên Sở - Hoạt động nội bộ trong công viên;

- Khu du lịch Thác Bạc - Suối Sao: Trong khu vực nội bộ khu du lịch;

Số lượng phương tiện tối đa được xác định tính toán trên từng dự án và phù hợp điều kiện cơ sở hạ tầng và phạm vi hoạt động cho phép.

Bảng 3-12: Phạm vi và số lượng xe chở người bốn bánh phục vụ khách du lịch giai đoạn 2020-2030

STT

Tuyến, khu vực, phạm vi

Chức năng

Số lượng xe tối đa được đồng thời hoạt động

Số lượng đơn vị kinh doanh

1

Khu du lịch Làng cổ Đường Lâm

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào khu du lịch;

- Kết nối nội bộ trong Khu du lịch Làng cổ Đường Lâm

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý , tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

5

1÷2

2

Khu phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào khu phố đi bộ;

- Kết nối nội bộ trong Khu phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý, tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

5

1÷2

3

Khu du lịch Chùa Hương

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào khu du lịch;

- Kết nối nội bộ trong khu vực nội bộ du lịch Chùa Hương và vào các tháng lễ hội;

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý, tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

5

1÷2

4

Khu du lịch Làng nghề gốm sứ Bát Tràng

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào khu du lịch;

- Kết nối nội bộ trong Làng gốm Bát Tràng.

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý, tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

10

1÷2

5

Khu du lịch sinh thái xã Hồng Vân - Huyện Thường Tín

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào khu du lịch;

- Kết nối nội bộ trong khu vực nội bộ khu du lịch sinh thái xã Hồng Vân

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý, tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

10

1÷2

6

Khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào khu du lịch;

- Kết nối nội bộ trong khu vực nội bộ khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà;

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý, tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

10

1÷2

7

Công viên Yên Sở

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào công viên;

- Kết nối nội bộ trong khu vực nội bộ công viên Yên Sở

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý, tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

5

1÷2

8

Khu du lịch Thác Bạc - Suối Sao

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào khu du lịch;

- Kết nối nội bộ trong khu vực nội bộ khu du lịch Thác Bạc - Suối Sao

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý, tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

10

1÷2

3.6.2. Nguyên tắc xác định số lượng phương tiện bốn bánh sử dụng động cơ điện

Dựa vào phạm vi hoạt động của phương tiện bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ khách du lịch và Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2015-2020 và định hướng 2030 về các tuyến, điểm du lịch, thì số lượng phương tiện được xác định phù hợp với nhu cầu thực tế và điều kiện tổ chức phù hợp kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông trong phạm vi triển khai.

- Nguyên tắc xác định số lượng phương tiện

Phải phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông trong phạm vi hoạt động của phương tiện bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ hành khách và Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2015-2020 và định hướng 2030 về các tuyến, điểm du lịch.

Số lượng phương tiện (xe)

Nhu cầu đi lại bằng phương tiện trong ngày
(Lượt hành khách)

Năng suất phương tiện ngày bình quân
(Lượt hành khách/1 phương tiện trong 1 ngày)

Năng suất phương tiện ngày bình quân (hành khách/ngày)

Năng suất phương tiện bình quân chuyến (hành  khách/chuyến) x Số chuyến hoạt động bình quân ngày (chuyến/ngày)

Số chuyến hoạt động trong ngày (chuyến/ngày)

Thời gian hoạt động phương tiện trong ngày (giờ)

Thời gian 1 chuyến xe (giờ)

Năng suất phương tiện bình quân chuyến (lượt hành khách/chuyến)

Sức chứa phương tiện x hệ số sử dụng sức chứa

- Chất lượng phương tiện: Đoàn phương tiện phải đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành, đảm bảo an toàn giao thông và các điều kiện kinh doanh vận tải.

- Đề xuất: Cho phép triển khai hoạt động của xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện (xe điện) để phục vụ trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào các khu du lịch, khu di tích có hạ tầng đáp ứng yêu cầu; Các tuyến mở mới cần xây dựng đề án thí điểm gửi Sở GTVT; Sở Giao thông vận tải rà soát, thẩm định về chuyên ngành phù hợp kết cấu hạ tầng, an toàn giao thông và các quy hoạch liên quan sẽ trình UBND Thành phố quyết định.

3.6.3. Giải pháp nâng cao công tác quản lý xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện trên các tuyến thí điểm

Với đặc vai trò, chức năng và đặc điểm riêng của phương tiện, quy định xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện chỉ hoạt động trong các khu vực hạn chế, khu du lịch, danh lam thắng cảnh thuộc Thành phố và các khu vực khác được cấp thẩm quyền quy định.

Căn cứ vào thông tư số 86/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 đã đưa ra quy định “Xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện được hiểu là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chạy bằng động cơ điện, có kết cấu để chở người, hai trục, ít nhất bốn bánh xe, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 30 km/h, số chỗ ngồi tối đa không quá 15 chỗ (kể cả chỗ ngồi của người lái)”.

Từ đặc điểm và kết quả đánh giá hiện trạng cũng như nhu cầu về chất lượng dịch vụ của loại hình phương tiện xe điện, tư vấn đề xuất một số giải pháp về nâng cao công tác quản lý như sau:

a. Giải pháp quản lý về các tuyến đường và phạm vi hoạt động của tuyến thí điểm

Các tuyến đường và phạm vi hoạt động của tuyến thí điểm cần phải thỏa mãn các yêu cầu sau:

- Các tuyến đường kết nối từ bãi đỗ xe đến các khu du lịch, văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, khu vực cảng hàng không, công viên...đảm bảo các điều kiện, yêu cầu và an toàn giao thông và được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

- Các tuyến đường hạn chế phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hoạt động trong các dịp lễ hội, sự kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

- Sở Giao thông vận tải trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt phạm vi, tuyến đường cho phép phương tiện hoạt động.

b. Giải pháp về quản lý điểm đầu, điểm cuối và điểm dừng đối với tuyến thí điểm

Điểm đầu, điểm cuối phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Có đủ diện tích cho phương tiện quay đầu và dừng, đỗ đảm bảo an toàn giao thông;

- Có lắp đặt đầy đủ bảng thông tin: tên tuyến; hành trình; lịch trình; các điểm dừng trên tuyến; số điện thoại của cơ quan quản lý tuyến và đơn vị kinh doanh tham gia khai thác tuyến; trách nhiệm của hành khách, người lái xe và nhân viên phục vụ trên xe.

Điểm dừng trên tuyến đảm bảo các điều kiện sau:

- Điểm dừng trên tuyến được báo hiệu bằng biển báo và vạch sơn kẻ đường theo quy định; trên biển báo hiệu phải ghi tên tuyến (điểm đầu - điểm cuối) và hành trình tuyến rút gọn.

c. Giải pháp về quản lý thời gian hoạt động tuyến thí điểm

Thời gian hoạt động của phương tiện theo quy định hiện hành về hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thời gian phương tiện dừng đón, trả khách tại các điểm dừng trên tuyến tối đa không quá 03 (ba) phút.

d. Giải pháp về quản lý đăng ký, chấp thuận khai thác tuyến thí điểm

Về quản lý đăng ký, chấp thuận khai thác các tuyến thí điểm:

- Các đơn vị kinh doanh xây dựng phương án kinh doanh vận tải hành khách bằng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện hoạt động theo các tuyến đường và phạm vi hoạt động, thời gian hoạt động (gọi tắt là phương án kinh doanh) gửi Sở Giao thông vận tải để đăng ký khai thác;

- Căn cứ vào phương án kinh doanh và các quy định của pháp luật hiện hành, Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố và các sở, ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, khảo sát và thống nhất đề xuất trình UBND Thành phố cho phép triển khai thực hiện.

Về nội dung đăng ký khai thác bao gồm:

- Văn bản đề nghị khai thác;

- Phương án kinh doanh.

e. Giải pháp quản lý trách nhiệm của đơn vị kinh doanh

Đơn vị kinh doanh cần thực hiện quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động kinh doanh và các quy định của pháp luật và các hoạt động nâng cao chất lượng dịch vụ sau:

- Ký hợp đồng lao động, đóng các loại bảo hiểm, tổ chức khám sức khỏe định kỳ và thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động (bao gồm cả người điều hành, lái xe và nhân viên phục vụ) theo quy định của pháp luật về lao động.

- Đơn vị kinh doanh cần ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng phần mềm trong công tác quản lý phương tiện, quản lý lái xe, lưu trữ hồ sơ, vé, hóa đơn; tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của hành khách theo quy định của pháp luật.

- Đơn vị kinh doanh cần tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho người điều hành, lái xe, nhân viên phục vụ theo quy định; cấp thẻ tên và đăng ký mẫu đồng phục cho lái xe, nhân viên phục vụ của đơn vị theo quy định. Thẻ tên phải có ảnh, ghi rõ họ tên, đơn vị quản lý.

- Thực hiện kê khai và niêm yết giá cước theo quy định.

- Niêm yết thông tin theo quy định.

- Bố trí cán bộ kiểm tra, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông, điều hành vận tải.

- Đầu tư xây dựng và bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho phương tiện hoạt động (bảng thông tin, biển báo hiệu, vạch sơn tại các điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng và quầy bán vé) theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

- Chịu sự thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh và pháp luật khác có liên quan của cơ quan có thẩm quyền.

- Định kỳ báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh vận tải của đơn vị hàng tháng gửi Sở Giao thông vận tải để theo dõi, quản lý theo quy định (báo cáo kết quả tháng trước gửi chậm nhất vào ngày 05 của tháng tiếp theo).

f. Giải pháp quản lý về trách nhiệm người điều hành, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe

Đối với người điều hành, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe cần chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và thực hiện nghiêm các quy tắc ứng xử nơi công cộng theo quy định của UBND Thành phố Hà Nội.

Người điều hành cần kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn của phương tiện trước khi khởi hành; theo dõi quá trình hoạt động của phương tiện, người lái xe và hành khách trên xe trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển; thực hiện tiếp nhận và đưa ra phương án xử lý khi xảy ra các sự cố gây mất an toàn giao thông.

Lái xe, nhân viên phục vụ (nếu có) cn thực hiện:

- Đeo thẻ tên, mặc đồng phục theo đúng mẫu đơn vị kinh doanh đã quy định;

- Giao vé cho hành khách và thu cước vận chuyển theo đúng giá cước đã niêm yết. Thực hiện đúng hành trình, lịch trình chạy xe đã được phê duyệt;

- Cung cấp thông tin về hành trình, các điểm dừng xe trên tuyến khi hành khách yêu cầu; hướng dẫn, giúp đỡ hành khách (đặc biệt là người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em) khi lên, xuống xe; có thái độ văn minh lịch sự, hướng dẫn hành khách ngồi đúng nơi quy định;

- Không chở quá số người được phép chở. Có quyền từ chối vận chuyển đối với hành khách gây mất an ninh, trật tự, an toàn trên xe hoặc đang bị dịch bệnh nguy hiểm. Có biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách đi xe;

- Kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn của phương tiện trước khi khởi hành. Có trách nhiệm từ chối điều khiển phương tiện khi phát hiện phương tiện không đảm bảo các điều kiện an toàn. Giữ gìn vệ sinh phương tiện.

g. Giải pháp quản lý về trách nhiệm của hành khách đi xe

Hành khách đi xe cần:

- Chấp hành các quy định khi đi xe và sự hướng dẫn của người điều hành, người lái xe và nhân viên phục vụ trên xe. Chỉ được yêu cầu người lái xe dừng, đỗ tại những nơi đúng quy định.

- Có quyền yêu cầu đơn vị kinh doanh: xuất vé đúng loại sau khi trả tiền; cung cấp thông tin về hành trình chạy xe; giữ vé suốt hành trình và xuất trình vé khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra.

- Có quyền được khiếu nại, kiến nghị, phản ánh những hành vi vi phạm của lái xe, nhân viên phục vụ, đơn vị kinh doanh và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).

- Có trách nhiệm thông tin kịp thời đến đơn vị kinh doanh khi hủy dịch vụ.

- Thực hiện quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

3.7. Tổ chức thực hiện đề án

Để hoạt động của xe điện đảm bảo được chức năng vận chuyển khách du lịch và đảm bảo an toàn giao thông cho thành phố Hà Nội, cn quy định rõ trách nhiệm của các Sở, ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan hoạt động trên địa bàn Thành phố:

a. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

- Tổ chức hướng dẫn, chấp thuận phương án kinh doanh, đăng ký chất lượng dịch vụ của các đơn vị kinh doanh xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện theo các quy định của pháp luật hiện hành;

- Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính hướng dẫn các đơn vị kinh doanh trong việc thực hiện kê khai, niêm yết giá cước theo quy định và phí đăng kiểm phương tiện.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh của đơn vị sử dụng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện trên địa bàn Thành phố theo quy định của pháp luật;

- Từng bước sắp xếp, bố trí các điểm dừng đỗ cho xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện đón trả khách một cách hợp lý, tạo điều kiện cho phương tiện dừng đỗ đón trả khách đúng quy định đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của Thành phố, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị;

- Phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về hoạt động kinh doanh vận tải, dịch vụ vận tải khách du lịch bốn bánh sử dụng động cơ điện, người điều khiển phương tiện theo quy định của Pháp luật.

b. Công an Thành phố

- Tổ chức đăng ký cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe theo quy định;

- Kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông theo quy định của Pháp luật và tại quy định này.

c. Sở Du lịch

- Đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố nội dung quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện trong công tác quy hoạch và phát triển chung của ngành du lịch;

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các doanh nghiệp kinh doanh xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện và lái xe vi phạm các quy định về hoạt động vận tải, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của Thủ đô.

d. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải hướng dẫn cho các đơn vị kinh doanh trong việc thực hiện kê khai, niêm yết giá cước theo quy định và phí đăng kiểm phương tiện.

e. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải quản lý, tổ chức cấp phép các điểm đỗ xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện tại các điểm thuộc khu vực trên địa bàn Thành phố theo phân cấp.

f. Các Sở, Ban, ngành khác thuộc Thành phố

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các Sở, ngành, đơn vị tham mưu UBND Thành phố, tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của UBND Thành phố.

- Các Ban quản lý, tổ chức thực hiện quản lý tại các địa điểm văn hóa, thể thao, du lịch, dịch vụ ... có trách nhiệm thống nhất với Sở Giao thông vận tải Hà Nội trong việc cho phép xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện vào hoạt động và bố trí các điểm dừng, đỗ cho xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện hoạt động trong khu vực do đơn vị mình quản lý.

- Các Sở, Ban, ngành khác có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường phối hợp với Sở Giao thông vận tải trong công tác quản lý xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh đảm bảo trật tự an toàn giao thông và đảm bảo văn minh đô thị.

4. KẾT LUẬN

Theo số liệu thống kê, sau 8 năm thực hiện triển khai thí điểm hoạt động loại hình xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện, khối lượng hành khách xe điện phục vụ đã tăng dần theo các năm, tính đến hết năm 2017, với số lượng 88 đầu xe, dịch vụ du lịch xe điện đã phục vụ trên 5 triệu lượt khách. Tuy nhiên, với địa bàn hoạt động bị bó hẹp trong các luồng tuyến được phê duyệt và với số lượng xe hạn chế, xe điện chỉ đủ phục vụ cho các hợp đồng đã ký với các công ty du lịch, chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của nhân dân và du khách tham quan.

Kế hoạch 212/KH-UBND ngày 28/9/2017 của Ủy ban nhân dân “Thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4/7/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về việc thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030”. Việc phát triển và quản lý xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện là một giải pháp nhằm quản lý phương tiện và tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân trên địa bàn thủ đô đến năm 2030.

Do vậy, việc xác định phạm vi và quản lý hoạt động của loại hình xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện là hết sức cần thiết đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch đồng thời tiến hành các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

Đề án “Quy định số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn Thành phố phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông” đáp ứng mục tiêu quản lý xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện hiện nay trên địa bàn thành phố.

Đề án đã tiến hành:

- Đánh giá hiện trạng nhu cầu sử dụng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện;

- Đề xuất phạm vi hoạt động xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện theo không gian và thời gian;

- Đề xuất các điều kiện hoạt động xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện về kết cấu cơ sở hạ tầng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố;

- Đề xuất nguyên tắc quy định số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh theo phạm vi và tn suất thực hiện;

- Đề xuất các cơ chế, chính sách quản lý xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện trên địa bàn Thành phố.

Các giải pháp đề xuất trong Đề án đã cơ bản tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, có một số giải pháp cần có chủ trương chỉ đạo của Chính phủ để sau khi Đề án được phê duyệt UBND Thành phố sẽ chỉ đạo xây dựng phương án cụ thể triển khai thực hiện.

Đối với một số vấn đề vượt thẩm quyền, đề xuất Chính phủ, Bộ giao thông vận tải ban hành về quy định về điều kiện kinh doanh đối với đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện; Quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện; Quy định trách nhiệm người lái xe và hành khách đi xe; Quy định xử lý vi phạm. Các vấn đề vượt thẩm quyền chỉ được thực hiện khi có quy định của các cấp có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện.

5. PHỤ LỤC

5.1. Phụ lục 1: Hiện trạng lộ trình các tuyến xe điện

+ Khu vực Phố cổ:

- Tuyến 1: 7,5km; hoạt động từ 08h00 đến 20h00 hàng ngày, từ thứ 2 đến 19h00 ngày thứ Sáu: Điểm đón Đinh Tiên Hoàng - Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường (Hàng Buồm) - Đồng Xuân (tại sảnh trước chợ Đồng Xuân) - Hàng Khoai- Hàng Lược - Hàng Mã - Hàng Chiếu (Ô Quan Chưởng) - Đào Duy Từ - Nguyễn Siêu - Ngõ Gạch - Hàng Cá - Lò Rèn - Hàng Bông - Hàng Vải (Thuốc Bắc) - Lãn Ông - Hàng Buồm - Hàng Giấy - Mã Mây - Hàng Bạc - Hàng Bồ (Lương Văn Can) - Bát Đàn - Hàng Điếu - Hàng Nón - Hàng Quạt - Lương Văn Can - Lê Thái Tổ - Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng - (đền Ngọc Sơn - đền Bà Kiệu) - đường đôi Đinh Tiên Hoàng.

- Tuyến 2: 3,9km; hoạt động từ 19h ngày thứ Sáu đến 24h00 ngày Chủ nhật hàng tuần: Đường đôi Đinh Tiên Hoàng (Bến xe điện bờ Hồ cũ) - Phùng Hưng cụt.

+ Chiều ra: Đường đôi Đinh Tiên Hoàng (Bến xe điện bờ Hồ cũ) - qua Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (lối ra) - Hàng Gai - Hàng Bông - Đường Thành - Phùng Hưng - Lê Văn Linh - điểm đỗ xe Phùng Hưng cụt.

+ Chiều vào: Phùng Hưng cụt - Phan Đình Phùng - Hàng Cót - Hàng Lược-Chả Cá - Hàng Cân - Lương Văn Can - Hàng Gai - Cầu Gỗ - Hàng Thùng - Nguyễn Hữu Huân - Lò Sũ (lối vào) - đường đôi Đinh Tiên Hoàng (Bến xe điện bờ Hồ cũ).

- Tuyến 3: 2,9km; hoạt động từ 19h ngày thứ Sáu đến 24h00 ngày Chủ nhật hàng tuần: Đường đôi Đinh Tiên Hoàng (Bến xe điện bờ Hồ cũ) - điểm đỗ xe Bãi Đá (Trần Quang Khải).

+ Chiều ra: Đường đôi Đinh Tiên Hoàng (Bến xe điện bờ Hồ cũ) - qua Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (lối ra) - Cầu Gỗ - Hàng Thùng - điểm đỗ xe Bãi đá (Trần Quang Khải).

+ Chiều vào: Điểm đỗ xe Bãi đá (Trần Quang Khải) - Tràng Tiền - Tông Đản - Hàng Vôi - Lò Sũ (lối vào) - đường đôi Đinh Tiên Hoàng (Bến xe điện bờ Hồ cũ).

- Tuyến 4: 4,7km; hoạt động từ 19h ngày thứ Sáu đến 24h00 ngày Chủ nhật hàng tuần: Đường đôi Đinh Tiên Hoàng (Bến xe điện bờ Hồ cũ) - điểm đỗ xe đường Trần Khánh Dư.

+ Chiều ra: Đường đôi Đinh Tiên Hoàng (Bến xe điện bờ Hồ cũ) - qua Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (lối ra) - Cầu Gỗ - Hàng Thùng - Trần Quang Khải - điểm đỗ xe đường Trần Khánh Dư.

+ Chiều vào: điểm đỗ xe đường Trần Khánh Dư - Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông - Lý Thái Tổ - Ngô Quyền - Hàng Vôi - Lò Sũ (lối vào) - đường đôi Đinh Tiên Hoàng (Bến xe điện bờ Hồ cũ).

+ Khu vực Hồ Tây:

- Tuyến 1: 18km; hoạt động từ 06h00 đến 22h00 hàng ngày- “Du lịch Văn hóa Lịch sử Hồ Tây bằng xe điện”: Xuất phát từ trung tâm điều hành Công ty cổ phần TLC Hồ Tây ngõ 431 đường Âu Cơ - Đầm Sen Hồ Tây - Phố Quảng Bá - Phố Quảng Khánh - Phố Quảng An - Đường Từ Hoa - Phố Từ Hoa Công Chúa - Phố Yên Phụ - Đường Yên Hoa - Đường Thanh Niên - Đường Nguyễn Đình Thi - Đường Trích Sài - Đường Lạc Long Quân - Đường Vệ Hồ - Đường Nhật Chiêu - Công ty cổ phần TLC Hồ Tây.

- Tuyến 2: 3,5km; hoạt động buổi sáng từ 9h30 - 15h30, yêu cầu chấm dứt tour, xe về điểm tập kết tại Chùa Trấn Quốc; buổi chiều từ: 19h00 - 22h30 hàng ngày - “Du lịch văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội”: Đường Thanh Niên (Chùa Trấn Quốc) - Mai Xuân Thưởng - Hùng Vương - Đường Độc Lập (Quảng trường Ba Đình) - Điện Biên Phủ - Hoàng Diệu (Hoàng Thành Thăng Long) - Điện Biên Phủ (Bảo tàng Quân đội Việt Nam) - Trần Phú - Hùng Vương - Nguyễn Thái Học - Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Cát Linh - Trịnh Hoài Đức - Nguyễn Thái Học - Hùng Vương - Lê Hồng Phong - Ngọc Hà - Hoàng Hoa Thám - Hùng Vương - Đường Thanh Niên( Chùa Trấn Quốc).

+ Khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài:

- Về hành trình xe chạy: đi theo đường gom phía bên trong có giải phân cách cứng ở giữa đường Võ Văn Kiệt.

+ Hành trình chiều đi: Trụ sở đơn vị (điểm đầu) - Sân đỗ xe ô tô nhà ga T2 - Bãi đỗ xe máy nhà ga  T1 (Đài quan sát không lưu) - Cảng vụ hàng không miền Bắc - Công an cửa khẩu (Bưu điện Nội Bài) - Trụ sở công ty Cảng hàng không quốc tế Nội Bài quay đầu điểm 1.

+ Hành trình chiều về: Trung tâm kỹ thuật bay (Vaeco) - Khu vực kho hàng hóa - Nhà ga  T1 - Nhà ga  T1 mở rộng - Nhà ga T2 - Kho xăng dầu mới - ngã tư đường Nội Bài và quốc lộ 2A (tại đây đã có hệ thống tín hiệu đèn xanh, đèn đỏ) và quay đầu điểm 2.

5.2. Phụ lục 2: Phiếu khảo sát nhu cầu và chất lượng dịch vụ xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện

ĐIỀU TRA PHỎNG VẤN HÀNH KHÁCH TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI VỀ NHU CẦU ĐI LẠI VÀ CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ XE ĐIỆN bốn bánh CHỞ KHÁCH

Quý hành khách thân mến!

Nhằm nâng cao tính an toàn và chất lượng dịch vụ cho hành khách sử dụng xe điện bốn bánh chở khách, Sở Giao thông vận tải Hà Nội tiến hành cuộc khảo sát thăm dò ý kiến về hiện trạng và nhu cầu sử dụng xe điện bốn bánh chở khách. Rất mong Quý khách trả lời đầy đủ và đánh dấu X vào các câu trả lời trong phiếu.

THÔNG TIN CÁ NHÂN NGƯỜI ĐƯỢC PHỎNG VẤN

Q1: Giới tính:                □ Nam                 □ Nữ

Q2: Độ tuổi:        □ Dưới 20       □ Từ 20 - < 40         □ Từ 40 - < 60           □ Trên 60

Q3: Nghề nghiệp:

□ Học sinh, sinh viên            □ Công nhân viên chức             □ Kinh doanh tự do

□ Chưa đi làm                       □ Về hưu, nội trợ          □ Khác

Q4: Thu nhập bình quân (triệu VNĐ/tháng):

□ Dưới 2                         □ Từ 2 - < 5                   □ Từ 5 - < 10

□ Từ 10 - < 15                □ Từ 15 - < 20                □ Trên 20

Q5. Bạn đã từng sử dụng xe điện bốn bánh chở khách ở Hà Nội chưa?

□ Chưa (không) đi (trả lời câu hỏi Q12) □ Đã và đang sử dụng (mời trả lời từ câu hỏi Q6)

THÔNG TIN VỀ CHUYẾN ĐI CỦA HÀNH KHÁCH (chuyến đi sử dụng xe điện bốn bánh chở khách)

Q6. Mục đích chuyến đi:

□ Thăm quan, du lịch           □ Kết nối phương tiện khác          □ Mục đích khác

Q7. Nơi đi và đến của chuyến đi:

Điểm đi: ……………………………..Điểm đến: ……………………………..

Q8. Cự ly chuyến đi:

□ Dưới 1 km             □ Từ 1 - <2 km                □ Từ 2 - < 5 km         □ Trên 5 km

Q9. Tổng thời gian của chuyến đi:

□ Dưới 15 phút         □ Từ 15 - < 30 phút         □ Từ 30 - < 60 phút   □ Trên 60 phút

Q10. Loại vé và giá vé bạn sử dụng:

□ Vé lượt(... 103 đồng)  □ Vé thời gian (…103 đồng/h) □ Vé theo chương trình tham quan (trọn gói)

Q11. Lý do bạn lựa chọn xe điện cho chuyến đi của mình (sắp xếp theo thứ tự giảm dần về mức độ quan trọng)

□ Thuận tiện              □ Thoải mái trên phương tiện      □ Điểm dừng phù hợp nhu cầu

□ Lộ trình tuyến phù hợp     □ Thân thiện môi trường    □ Giá vé rẻ

□ Dễ dàng chuyển tiếp     □ Không có sự lựa chọn khác

Ý kiến khác: ………………………………………………….

NẾU CHƯA SỬ DỤNG XE ĐIỆN bốn bánh CHỞ KHÁCH. XIN TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI SAU:

Q12. Điều gì khiến bạn CHƯA (KHÔNG) SỬ DỤNG xe điện bốn bánh chở người:

□ Chưa có tuyến xe điện      □ Chất lượng phương tiện kém     □ Giá vé đắt

□ Không thuận tiện               □ Thời gian di chuyển chậm          □ Thiếu thông tin

Ý kiến khác: ……………………………..…………………………….

ĐIỀU TRA NHU CẦU SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN SỬ DỤNG ĐỘNG CƠ ĐIỆN (XE ĐIỆN)

Q13. Bạn có nhu cầu sử dụng xe điện để thăm quan du lịch và kết nối các phương tiện VTHKCC khác không ?

□ Có                                         □ Không

Nếu trả lời Có mời bạn trả lời các câu hỏi sau:

Q14. Khoảng cách chuyến đi mong muốn khi bạn sử dụng xe điện thay thế cho phương tiện cá nhân:

□ < 0.5 km        □ 0.5 - 1.0 km           □ > 1.0 - 2 km          □ > 2 - 5km           □ > 5 km

Q15. Thời gian chuyến đi mong muốn khi bạn sử dụng xe điện thay thế cho phương tiện cá nhân:

□ Dưới 15 phút         □ Từ 15 - < 30 phút       □ Từ 30 - < 60 phút      □ Trên 60 phút

Q16. Bạn sử dụng xe điện để thực hiện mục đích chuyến đi nào sau đây:

□ Thăm quan, du lịch      □ Kết nối với các phương thức VTHKCC (xe buýt, đường sắt đô thị)

□ Mục đích khác

Q17. Nếu sử dụng xe điện bạn lựa chọn yếu tố nào quyết định chuyến đi của mình

□ Thuận tiện         □ Thoải mái trên phương tiện               □ Điểm dừng phù hợp nhu cầu

□ Lộ trình tuyến phù hợp     □ Thân thiện môi trường         □ Giá vé rẻ

□ Dễ dàng chuyển tiếp     □ Không có sự lựa chọn khác     □ Yếu tố khác

Xin chân thành cảm ơn về sự hợp tác!

5.3. Phụ lục 3 danh sách các tuyến xe điện đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội

Khu vực

Đơn vị khai thác

Tuyến

Lộ trình hoạt động

Văn bản chấp thuận thí điểm UBND TP Hà Nội

Khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm

Công ty cổ phần Đồng Xuân

1

Điểm đón Đinh Tiên Hoàng- Hàng Đào-Hàng Ngang- Hàng Đường (Hàng Buồm)- Đng Xuân (tại sảnh trước chợ Đồng Xuân)- Hàng Khoai- Hàng Lược-Hàng Mã- Hàng Chiếu (Ô Quan Chưởng)-Đào Duy Từ-Nguyễn Siêu-Ngõ Gạch- Hàng Cá-Lò Rèn-Hàng Bông-Hàng Vải(Thuốc Bắc)-Lãn Ông-Hàng Buồm-Hàng Giấy - Mã Mây-Hàng Bạc- Hàng Bồ (Lương Văn Can)-Bát Đàn- Hàng Điếu-Hàng Nón-Hàng Quạt-Lương Văn Can-Lê Thái Tổ-Hàng Khay-Đinh Tiên Hoàng-(đền ngọc Sơn- đền Bà Kiệu)-đường đôi Đinh Tiên Hoàng

Văn bản số 12318/UBND-KH&ĐT ngày 29/12/2009;

2

Chiều ra: Đường đôi Đinh Tiên Hoàng (Bến xe điện bờ Hồ cũ)-qua Quảng trường Đông Kinh Nghĩa thục(lối ra)- Hàng Gai-Hàng Bông -Đường Thành-Phùng Hưng- Lê Văn Linh-điểm đỗ xe Phùng Hưng cụt.

Chiều vào: Phùng Hưng cụt-Phan Đình Phùng-Hàng Cót-Hàng Lược-Chả Cá-Hàng Cân- Lương Văn Can- Hàng Gai- Cầu Gỗ - Hàng Thùng - Nguyễn Hữu Huân - Lò Sũ (lối vào)-đường đôi Đinh Tiên Hoàng (Bến xe điện bờ Hồ cũ).

- Văn bản số 293/UBND-QHXDGT ngày 09/01/2013

- KH số 159/KH-UBND ngày 28/8/2016

- Văn bản số 8107/VP-ĐT ngày 09/09/2016

- Văn bản 3612/SGTVT-GTĐT-QLVT ngày 15/9/2016 của Sở GTVT HN

3

Chiều ra: Đường đôi Đinh Tiên Hoàng (Bến xe điện bờ Hồ cũ)-qua Quảng trường Đông Kinh Nghĩa thục (lối ra)-Cầu Gỗ- Hàng Thùng-điểm đỗ xe Bãi đá (Trần Quang Khải).

Chiều vào: Điểm đỗ xe Bãi đá (Trần Quang Khải)- Tràng Tiền-Tông Đản-Hàng Vôi-Lò Sũ(lối vào)-đường đôi Đinh Tiên Hoàng (Bến xe điện bờ Hồ cũ).

4

Chiều ra: Đường đôi Đinh Tiên Hoàng (Bến xe điện bờ Hồ cũ)-qua Quảng trường Đông Kinh Nghĩa thục (lối ra)-Cầu Gỗ-Hàng Thùng-Trần Quang Khải-điểm đỗ xe đường Trần Khánh Dư.

Chiều vào: điểm đỗ xe đường Trần Khánh Dư-Trần Hưng Đạo-Lê Thánh Tông-Lý Thái Tổ-Ngô Quyền- Hàng Vôi-Lò Sũ (lối vào)-đường đôi Đinh Tiên Hoàng (Bến xe điện bờ Hồ cũ)

Khu vực Hồ Tây

Công ty Cổ phần TLC Hồ Tây

5

Ngõ 431 đường Âu Cơ - Đầm Sen Hồ Tây - Phố Quảng Bá - Phố Quảng Khánh - Phố Quảng An - Đường Từ Hoa - Phố Từ Hoa Công Chúa - Ph Yên Phụ - Đường Yên Hoa - Đường Thanh Niên - Đường Nguyễn Đình Thi - Đường Trích Sài - Đường Lạc Long Quân - Đường Vệ Hồ - Đường Nhật Chiêu - 431 đường Âu Cơ

Văn bản số 1479/UBND-KH&ĐT ngày 03/03/2011;

Khu vực cảng hàng không quốc tế Nội Bài

Công ty cổ phần phát triển đầu tư Hoàng Phong;

6

Hành trình hoạt động: được phép hoạt động trong phạm vi nội Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, không hoạt động ra đường giao thông công cộng do thành phố Hà Nội quản lý (không đi trên đường Võ Văn Kiệt).

1. Văn bản số 9508/UBND-XDGT ngày 04/12/2014;

Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Hàng không Thủ Đô;

2. Văn bản số 2706/UBND-XDGT ngày 24/04/2015;

Công ty cổ phần đầu tư thương mại Nội Bài

3. Văn bản số 5342/UBND-ĐT ngày 14/9/2016

5.4. Phụ lục 4 Phạm vi, số lượng xe điện phục vụ khách du lịch giai đoạn 2020-2030

STT

Tuyến, khu vực, phạm vi

Chức năng

Số lượng xe tối đa được đồng thời hoạt động

Số lượng đơn vị kinh doanh

1

Khu du lịch Làng cổ Đường Lâm

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào khu du lịch;

- Kết nối nội bộ trong Khu du lịch Làng cổ Đường Lâm

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý, tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

5

1÷2

2

Khu phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào khu phố đi bộ;

- Kết nối nội bộ trong Khu phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý, tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

5

1÷2

3

Khu du lịch Chùa Hương

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào khu du lịch;

- Kết nối nội bộ trong khu vực nội bộ du lịch Chùa Hương và vào các tháng lễ hội;

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý, tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

5

1÷2

4

Khu du lịch Làng nghề gốm sứ Bát Tràng

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào khu du lịch;

- Kết nối nội bộ trong Làng gốm Bát Tràng.

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý, tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

10

1÷2

5

Khu du lịch sinh thái xã Hồng Vân - Huyện Thường Tín

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào khu du lịch;

- Kết nối nội bộ trong khu vực nội bộ khu du lịch sinh thái xã Hồng Vân

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý, tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

10

1÷2

6

Khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bài đỗ xe vào khu du lịch;

- Kết nối nội bộ trong khu vực nội bộ khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà;

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý, tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

10

1÷2

7

Công viên Yên Sở

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào công viên;

- Kết nối nội bộ trong khu vực nội bộ công viên Yên Sở

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý, tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

5

1÷2

8

Khu du lịch Thác Bạc - Suối Sao

- Kết nối trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào khu du lịch;

- Kết nối nội bộ trong khu vực nội bộ khu du lịch Thác Bạc - Suối Sao

- Lộ trình cụ thể theo sơ đồ có xác nhận của cấp thẩm quyền (thống nhất của UBND quận, huyện với Sở Giao thông vận tải và các ban quản lý, tổ chức trực tiếp quản lý các khu du lịch, khu di tích)

10

1÷2

5.5. Phụ lục 5 Tiếp thu ý kiến giải trình, cập nhật bổ sung theo văn bản số 657/TB-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2022

STT

Thành viên UBND Thành phố

Ý kiến

Giải trình, cập nhật bổ sung

1

Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND Thành phố

Đồng ý, chú ý tiêu chuẩn kỹ thuật xe

Đề án đã bổ sung và cập nhật các điều kiện về tiêu chuẩn kỹ thuật phương tiện, hiện nay tiêu chuẩn kỹ thuật phương tiện thực hiện theo đúng thông tư 86/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ giao thông vận tải về Quy định về điều kiện đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế;

2

Đồng chí Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND Thành phố

Đồng ý, Cần nghiên cứu bổ sung hoạt động tại không gian đi bộ Thành phố kết nối phù hợp (Thành cổ Sơn Tây,....); Cần xem xét nội dung nghiên cứu bổ sung tuyến kết nối di sản (Trung tâm Hoàng thành Thăng Long....)

Đề án đã khảo sát tại khu phố đi bộ Thành c Sơn Tây và bổ sung danh mục các tuyến thí điểm.

Tuyến Hoàng thành Thăng Long đang là tuyến thí điểm 02 của Công ty cổ phần TLC Hồ Tây

3

Đồng chí Ngô Anh Tuấn - Giám đốc Sở Tư pháp

Ý kiến khác:

1. Đổi tên đề án từ “Quy định số lượng xe chở người...” thành Xác định số lượng xe chở người...”

2. Rà soát nội dung Đề án xem có tăng số lượng xe hiện có; Nếu tăng thì cần phải có báo cáo xin ý kiến chấp thuận của cấp trên

Đề án đã rà soát và làm rõ các nội dung:

1. Về tên của đề án theo nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4/7/2017; Kế hoạch 212/KH-UBND ngày 28/9/2017 của Ủy ban nhân dân “Thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ; Bảng phân công tổ chức thực hiện nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố (Kèm theo Kế hoạch số 212/KH-UBND ngày 28 tháng 9 năm 2017), số thứ tự 3, nhiệm vụ: Đề án “Xây dựng quy định số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn Thành phố phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông”.

2. Về nội dung tăng số lượng xe hiện có: Giữ nguyên số lượng phương tiện và phạm vi hoạt động của các tuyến hiện đang thí điểm; Cho phép triển khai hoạt động của xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện (xe điện) để phục vụ trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào các khu du lịch, khu di tích có hạ tầng đáp ứng yêu cầu,... Các tuyến mở mới cần xây dựng đề án thí điểm gửi Sở Giao thông vận tải Hà Nội; Sở Giao thông vận tải rà soát, thẩm định về chuyên ngành phù hợp kết cấu hạ tầng, an toàn giao thông và các quy hoạch liên quan trình UBND Thành phố quyết định.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 4036/QĐ-UBND ngày 25/10/2022 phê duyệt Đề án "Quy định số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông"

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


285

DMCA.com Protection Status
IP: 3.21.105.222
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!