ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3998/QĐ-UBND
|
Thành phố Hồ Chí Minh,
ngày 27 tháng 10 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG VẬN TẢI HÀNH
KHÁCH CÔNG CỘNG KẾT HỢP KIỂM SOÁT SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN CƠ GIỚI CÁ NHÂN THAM GIA
GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày
19 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao
thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021;
Căn cứ Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày
06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh Quy hoạch chung
xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 và Quyết định số 430/QĐ-TTg ngày 27
tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy
hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày
08 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch
phát triển giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn
sau năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2631/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ ngày 31 tháng 12 năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;
Căn cứ Công văn số 148/TTg-KTN ngày
27 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các giải pháp phát
triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn;
Căn cứ Chương trình hành động số
14-CtrHĐ/TU ngày 25 tháng 10 năm 2016 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội
Đảng bộ Thành phố lần thứ X về Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai
nạn giao thông giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Thông báo kết luận số
5398-TB/TU ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về Đề án Tăng
cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ
giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Nghị quyết số 25/NQ-HĐND
ngày 11 tháng 7 năm 2020 của Hội đồng nhân dân Thành phố về tăng cường vận tải
hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia
giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;
Theo đề nghị của Sở Giao thông vận
tải tại Tờ trình số 11466/TTr-SGTVT ngày 25 tháng 9 năm 2020 về phê duyệt Đề án
tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới
cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Tăng cường vận tải
hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia
giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Đề án) với
những nội dung chính sau đây:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
1. Phát triển vận tải hành khách công cộng phải kết
hợp, đồng
thời với hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân tham
gia giao thông. Tập trung ưu tiên phát triển các phương thức vận tải hành khách
công cộng khối lượng lớn (đường sắt đô thị, xe buýt nhanh,...).
2.
Ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo (bao gồm đầu tư hạ tầng và vận hành khai
thác), đảm bảo hệ thống vận tải hành khách công cộng phát triển bền vững.
3.
Tổ chức kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân thông qua việc kết hợp
hài hòa, khoa học các giải pháp hành chính và giải pháp kinh tế; quá trình triển
khai thực hiện có lộ trình cụ thể, có sự đồng thuận của người dân.
II. MỤC TIÊU
1.
Mục tiêu chung
Phát triển bền vững vận tải hành khách công cộng nhằm đảm
bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại và nâng cao chất lượng môi trường sống của nhân
dân, từng bước góp phần giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi
trường và chi phí xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
2.
Chỉ tiêu cụ thể
- Vận tải hành khách công cộng Thành phố đảm nhận 15%
nhu cầu giao thông đô thị vào năm 2025.
- Vận
tải hành khách công cộng Thành phố đảm nhận 25% nhu cầu giao thông đô thị vào năm
2030.
(Chi tiết theo Phụ lục I đính kèm)
III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Nhóm giải pháp tăng cường vận tải hành khách công
cộng
Bao gồm 17 giải pháp phát triển hệ thống, tăng cường
tiếp cận, nâng cao tính cạnh tranh của vận tải hành khách công cộng; nâng cao
chất lượng đoàn phương tiện và công tác quản lý điều hành, khai thác hệ thống vận
tải hành khách công cộng.
2. Nhóm giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới
cá nhân tham gia giao thông
Bao gồm 3 giải pháp kinh tế, hành chính về thu phí xe ôtô lưu thông vào
khu vực trung tâm thành phố, phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi
trường và kiểm soát hoạt động của xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh.
3. Nhóm giải pháp hỗ trợ
Bao gồm 7 giải pháp về quản lý quy hoạch đô thị, phát
triển nguồn vốn hỗ trợ giao thông công cộng, ứng dụng công nghệ thông tin, quản
lý nhu cầu giao thông và trật tự an toàn giao thông, tuyên truyền.
(Chi tiết theo Phụ lục II đính kèm)
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Đề án từ ngân sách Nhà nước (bao gồm chi
thường xuyên và chi đầu tư phát triển được cân đối hàng năm cho các Sở, ngành,
địa phương); kinh phí tự cân đối và huy động hợp pháp khác của các đơn vị thuộc
đối tượng tham gia Đề án; kinh phí tài trợ từ các nước và tổ chức quốc tế.
2. Khuyến khích nguồn kinh phí huy động từ các doanh nghiệp,
tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong
các chương trình, đề án liên quan đã được phê duyệt và các nguồn hợp pháp khác
để thực hiện nhiệm vụ.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giao thông vận tải là cơ quan thường trực, khẩn trương tham
mưu Ủy ban nhân
dân Thành phố
ban hành Kế hoạch phân công trách nhiệm cho các cấp, các ngành trong triển khai
thực hiện, đảm bảo tiến độ, đồng bộ, chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, thường
xuyên theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Đề án.
2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên
quan căn cứ mục tiêu, giải pháp của Đề án để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có
hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của từng địa
phương, đơn vị, gắn với việc thực hiện chương trình công tác hàng năm, kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện
của các cấp, các ngành, định kỳ tháng 01 hàng năm đánh giá kết quả thực hiện
các nhiệm vụ, giải pháp được phân công, gửi Sở Giao thông vận tải tổng hợp, báo
cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ
ngày tháng năm 2020.
Điều 3. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: (Kèm Phụ lục I&II)
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐNDTP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP;
- Văn phòng Thành ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐNDTP;
- Sở Giao thông vận tải;
- VPUB: CVP, các PCVP;
- Các Phòng: TH, ĐT;
- Lưu: VT, (ĐT-HS)
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Văn Hoan
|
FILE ĐƯỢC
ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|