THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2223/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CẢNG CẠN VIỆT
NAM ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số
154/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định thủ tục hải
quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan;
Căn cứ Nghị định số
92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản
lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP
ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị
định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận
tải (tờ trình số 9217/TTr-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2009) về Quy hoạch phát
triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam
đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm và
mục tiêu phát triển
a) Quan điểm phát triển
- Cảng cạn là một bộ phận thuộc kết
cấu hạ tầng giao thông vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển và hệ thống
các kết cấu hạ tầng khác; việc phát triển cảng cạn phải phù hợp với quy hoạch phát
triển hệ thống cảng biển, các quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông và quy
hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các vùng và địa phương;
- Phát triển hệ thống cảng cạn để
đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của từng khu vực và hành lang kinh tế,
đặc biệt đối với hàng hóa được vận chuyển bằng container;
- Phát triển hệ thống cảng cạn phải
đảm bảo sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và địa phương có liên quan
trong hoạt động quản lý, khai thác cảng cạn, đặc biệt trong quá trình lựa chọn
địa điểm cụ thể để xây dựng cảng cạn;
- Trong giai đoạn từ nay đến năm
2016, ưu tiên phát triển các cảng cạn để hỗ trợ cho cảng biển Hải Phòng và Bà Rịa-Vũng
Tàu.
b) Mục tiêu phát triển
- Mục tiêu chung:
Từng bước hình thành và phát triển
hệ thống cảng cạn nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu,
tăng năng lực thông qua cho các cảng biển; tổ chức vận chuyển container một
cách hợp lý nhằm giảm chi phí vận chuyển, thời gian lưu hàng tại cảng biển và đảm
bảo an toàn hàng hóa; góp phần giảm ách tắc giao thông, đặc biệt ở các đô thị lớn.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Đến năm 2020, xây dựng hệ thống cảng
cạn đạt công suất khoảng 06 triệu TEU/năm, trong đó: miền Bắc đạt 1,2 triệu
TEU/năm, miền Trung đạt 600 nghìn TEU/năm và miền Nam đạt 4,2 triệu TEU/năm;
+ Đến năm 2030, xây dựng hệ thống cảng
cạn đạt công suất 14,2 triệu TEU/năm, trong đó: miền Bắc đạt 3,5 triệu TEU/năm,
miền Trung đạt 1,9 triệu TEU/năm và miền Nam đạt 8,8 triệu TEU/năm.
2. Nội dung quy hoạch
a) Chức năng của cảng cạn
- Nhận và gửi hàng hóa được vận
chuyển bằng container;
- Đóng hàng vào và dỡ hàng ra khỏi
container;
- Vận chuyển hàng container từ cảng
cạn đến cảng biển và ngược lại;
- Kiểm tra và hoàn tất thủ tục hải
quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu;
- Gom và chia hàng lẻ đối với hàng có
nhiều chủ trong cùng container;
- Kho, bãi tạm chứa hàng xuất, nhập
khẩu và container rỗng;
- Sửa chữa và bảo dưỡng container.
b) Tiêu chí hình thành cảng cạn
- Cảng cạn được hình thành trên cơ
sở nhu cầu phát triển kinh tế của vùng có khối lượng lớn hàng hóa xuất, nhập khẩu
bằng container (trên 50 nghìn TEU) hoặc tại khu vực cửa khẩu quốc tế, các khu vực
thường bị ùn, tắc giao thông do phương tiện vận tải hàng hóa gây nên (trên 30
nghìn TEU);
- Gắn với các hành lang vận tải
chính (trục giao thông quốc gia, quốc tế) tới cảng biển phục vụ phát triển kinh
tế vùng;
- Cảng cạn phải được kết nối với cảng
biển ít nhất 02 phương thức vận tải để tạo điều kiện tổ chức vận tải đa phương
thức (ưu tiên vị trí cảng cạn gắn với phương thức có năng lực vận tải cao);
- Kết nối thuận tiện với hệ thống
giao thông, sử dụng hợp lý các phương thức vận tải để có hiệu quả kinh tế và đảm
bảo an toàn trong quá trình vận tải;
- Đảm bảo đủ quỹ đất để đáp ứng nhu
cầu phát triển lâu dài (tối thiểu 10ha);
- Đảm bảo đủ diện tích để bố trí
nơi làm việc cho các cơ quan, tổ chức hữu quan;
- Đảm bảo tuân thủ các quy định của
pháp luật về bảo vệ môi trường, công nghệ, quốc phòng, an ninh, phòng, chống
cháy nổ và đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật trong quá trình xây dựng
và khai thác sử dụng.
c) Quy hoạch hệ thống cảng cạn Việt
Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 như sau:
- Miền Bắc: hình thành 05 cảng cạn
tại các khu vực kinh tế, hành lang kinh tế sau:
+ Khu vực kinh tế ven biển: giai đoạn
đến năm 2020 có quy mô khoảng 20 - 30 ha và giai đoạn sau năm 2030 có quy mô
trên 60 ha; phạm vi phục vụ chủ yếu gồm các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam,
Ninh Bình, phía Tây Hà Nội và Hòa Bình; khả năng thông qua hàng hóa khoảng 630
nghìn TEU/năm, chủ yếu qua cảng Hải Phòng và cảng Hòn Gai;
+ Hành lang kinh tế Hà Nội - Lào
Cai: giai đoạn đến năm 2020 có quy mô khoảng 20 - 30 ha và giai đoạn sau năm
2030 có quy mô trên 70 ha; phạm vi phục vụ chủ yếu gồm các tỉnh: Lào Cai, Yên
Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Hà Giang; khả năng thông qua khoảng 720
nghìn TEU/năm, chủ yếu qua cảng Hải Phòng và cảng Hòn Gai;
+ Hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng
Sơn: giai đoạn đến năm 2020 có quy mô khoảng 20 - 30 ha và giai đoạn sau năm
2030 có quy mô trên 50ha; phạm vi phục vụ chủ yếu gồm các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng,
Bắc Giang và Bắc Ninh; khả năng thông qua khoảng 550.000 TEU/năm, chủ yếu qua cảng
Hòn Gai và cảng Hải Phòng;
+ Khu vực kinh tế Tây Bắc Hà Nội:
giai đoạn đến năm 2020 có quy mô khoảng 10 - 20 ha và giai đoạn sau năm 2030 có
quy mô trên 40 ha; phạm vi phục vụ chủ yếu gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú
Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu; khả năng thông qua khoảng 380.000
TEU/năm, chủ yếu qua cảng Hải Phòng và cảng Hòn Gai;
+ Khu vực kinh tế Đông Nam Hà Nội:
giai đoạn đến năm 2020 có quy mô khoảng 40 - 50 ha và giai đoạn sau năm 2030 có
quy mô trên 100 ha; phục vụ chủ yếu gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh,
Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên và Bắc Cạn; khả năng thông qua khoảng
1.300.000 TEU/năm, chủ yếu qua cảng Hải Phòng và cảng Hòn Gai.
- Miền Trung - Tây Nguyên: hình
thành 05 cảng cạn tại các khu vực kinh tế và hành lang kinh tế sau:
+ Khu kinh tế Nghi Sơn: giai đoạn đến
năm 2020 có quy mô khoảng 10 - 20 ha và giai đoạn sau năm 2030 có quy mô trên
30 ha; phục vụ chủ yếu các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Hòa Bình và Sơn
La; khả năng thông qua khoảng 260.000 TEU/năm, chủ yếu qua cảng Nghi Sơn và cảng
Cửa Lò;
+ Hành lang kinh tế đường 8, đường
12A: giai đoạn đến năm 2020 có quy mô khoảng 10 - 20 ha và giai đoạn sau năm
2030 có quy mô trên 30 ha; phục vụ chủ yếu các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà
Tĩnh và Quảng Bình; khả năng thông qua khoảng 330.000 TEU/năm, chủ yếu qua cảng
Vũng Áng - Sơn Dương và cảng Cửa Lò, Hòn La;
+ Hành lang kinh tế đường 9: giai
đoạn đến năm 2020 có quy mô khoảng 10 - 20 ha và giai đoạn sau năm 2030 có quy
mô trên 30 ha; phục vụ chủ yếu gồm các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên
Huế; khả năng thông qua khoảng 280.000 TEU/năm, chủ yếu qua cảng Hòn La và qua
cảng Chân Mây;
+ Khu vực kinh tế Đà Nẵng - Huế,
hành lang đường 14B: giai đoạn đến năm 2020 có quy mô khoảng 20 - 30 ha và giai
đoạn sau năm 2030 có quy mô trên 60 ha; phục vụ chủ yếu các tỉnh, thành phố: Đà
Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi; khả năng thông qua khoảng
550.000 TEU/năm, chủ yếu qua cảng Đà Nẵng và cảng Kỳ Hà, Chân Mây;
+ Hành lang kinh tế đường 19: giai
đoạn đến năm 2020 có quy mô khoảng 20 - 30 ha và giai đoạn sau năm 2030 có quy
mô trên 50 ha; phục vụ chủ yếu các tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh
Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum và Đắc Lắc; khả năng thông qua khoảng 480.000
TEU/năm, chủ yếu qua cảng Quy Nhơn và qua cảng Dung Quất, Ba Ngòi.
- Miền Nam: hình thành 03 cảng tại
các khu vực kinh tế và hành lang kinh tế sau:
+ Khu vực kinh tế Đông Bắc Thành phố
Hồ Chí Minh: giai đoạn đến năm 2020 có quy mô trên 150 ha và giai đoạn sau năm
2030 có quy mô trên 400 ha; phục vụ chủ yếu các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ
Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Tây
Ninh, Đắc Nông và Lâm Đồng; khả năng thông qua khoảng 6.000.000 TEU/năm, chủ yếu
qua cụm cảng Bà Rịa-Vũng Tàu và qua cảng cụm cảng Thành phố Hồ Chí Minh;
+ Khu vực kinh tế Tây Nam Thành phố
Hồ Chí Minh: giai đoạn đến năm 2020 có quy mô trên 70 ha và giai đoạn sau năm
2030 có quy mô trên 150 ha; phục vụ chủ yếu gồm các tỉnh, thành phố: thành phố
Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Bến Tre; khả năng
thông qua khoảng 1.700.000 TEU/năm, chủ yếu qua cụm cảng Thành phố Hồ Chí Minh,
cụm cảng Bà Rịa-Vũng Tàu và Mỹ Tho;
+ Khu vực kinh tế Đồng bằng Sông Cửu
Long: giai đoạn đến năm 2020 có quy mô khoảng 40 - 50 ha và giai đoạn sau năm
2030 có quy mô trên 100 ha; phục vụ chủ yếu gồm các tỉnh, thành phố: Cần Thơ,
Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An
Giang; khả năng thông qua khoảng 1.100.000 TEU/năm, chủ yếu qua cảng Cần Thơ và
Mỹ Thới.
3. Một số giải
pháp, chính sách chủ yếu
- Huy động tối đa mọi nguồn lực
trong nước và ngoài nước để phát triển hệ thống cảng cạn và hệ thống giao thông
kết nối; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi
thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và khai thác cảng cạn bằng các hình
thức theo quy định của pháp luật;
- Hoàn thiện cơ chế cho thuê khai
thác cảng cạn được đầu tư bằng nguồn vốn của Nhà nước;
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục
hành chính, tạo môi trường thông thoáng trong đầu tư xây dựng, kinh doanh khai
thác cảng cạn phù hợp với quá trình hội nhập và thông lệ quốc tế;
- Tăng cường công tác quản lý nhà
nước trong quá trình thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn phù hợp với
các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội và các quy
hoạch khác của ngành, địa phương.
Điều 2.
Tổ chức thực hiện
1. Bộ Giao thông vận tải có trách
nhiệm:
- Xây dựng quy chế quản lý hoạt động
của cảng cạn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan, tổ
chức triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn đến năm 2020,
định hướng đến năm 2030; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện
các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và khai thác sử dụng cảng cạn; định
kỳ tổ chức thanh tra, kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch; trường hợp
có sự biến động về kinh tế xã hội và luồng hàng hóa, trình Thủ tướng xem xét,
quyết định việc điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu của thực tế.
2. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng
dẫn thủ tục và quyết định thành lập địa điểm làm thủ tục hải quan tại các cảng
cạn.
3. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối
hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện các mục tiêu của Quy hoạch phát triển cảng
cạn, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch và kế hoạch phát triển
của ngành và địa phương.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí quỹ đất để xây dựng cảng cạn phù hợp
với quy hoạch được phê duyệt; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các
tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư xây
dựng, khai thác sử dụng cảng cạn.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban
hành.
Điều 4.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b)
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Hoàng Trung Hải
|