ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
10/2024/QĐ-UBND
|
Sóc Trăng, ngày
05 tháng 02 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH KHU VỰC, ĐỊA ĐIỂM ĐỔ THẢI, NHẬN CHÌM ĐỐI VỚI VẬT CHẤT NẠO VÉT TỪ
HỆ THỐNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA, ĐƯỜNG BIỂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm
2012;
Căn cứ Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11
năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng
11 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển
và vùng nước đường thủy nội địa;
Căn cứ Thông tư số 28/2019/TT-BTNMT ngày 31
tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật
đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt
Nam;
Căn cứ Thông tư số 23/2022/TT-BTNMT ngày 26
tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một
số điều của Thông tư số 28/2019/TT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng
Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định
khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi
trường tỉnh Sóc Trăng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này quy định Khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo
vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa, đường biển trên địa bàn tỉnh Sóc
Trăng.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 02 năm 2024.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh Sóc Trăng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
xã, phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân và các đơn vị có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- CT và các PCT. UBND tỉnh;
- Công báo tỉnh, Cổng TTĐT tỉnh;
- Trang TTĐT - VP. UBNDT;
- HTĐT: sotp@soctrang.gov.vn;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vương Quốc Nam
|
QUY ĐỊNH
KHU
VỰC, ĐỊA ĐIỂM ĐỔ THẢI, NHẬN CHÌM ĐỐI VỚI VẬT CHẤT NẠO VÉT TỪ HỆ THỐNG GIAO
THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA, ĐƯỜNG BIỂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
(Kèm theo Quyết định số 10/2024/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2024 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Sóc Trăng)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định Khu vực, địa điểm đổ thải, nhận
chìm đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa, đường
biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ
chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nạo vét, đổ thải, nhận chìm vật chất nạo
vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa, đường biển trên địa bàn tỉnh Sóc
Trăng.
Điều 3. Quy định về khu vực,
địa điểm đổ thải, nhận chìm vật chất nạo vét
1. Điều kiện xác định khu vực, địa điểm đổ thải, nhận
chìm
a) Khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm có quy mô
đáp ứng duy trì hoạt động ổn định, an toàn, tuân thủ các quy định của pháp luật
có liên quan, không tạo ra các xung đột về lợi ích, môi trường và hạn chế tác động
xấu của vật chất nạo vét đến môi trường xung quanh.
b) Khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm phải phù hợp
với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan của địa
phương; được xem xét trên cơ sở các điều kiện về địa chất, thủy văn, không làm
cản trở dòng chảy, dòng hải lưu ven bờ, không gây sạt lở bờ biển khu vực lân cận
địa điểm đổ rác thải, nhận chìm vật chất nạo vét, không nằm ở vị trí đầu nguồn
nước, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều, phòng
chống thiên tai, bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật có liên quan.
Quy hoạch khu vực biển được sử dụng để nhận chìm thực
hiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 49 Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày
15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Khu vực nhận chìm chất nạo vét ở biển
được xác định theo quy định kỹ thuật tại Chương III Thông tư số
28/2019/TT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2019 quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo
vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam và Điều 1
Thông tư số 23/2022/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài
nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
28/2019/TT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi
trường quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất
nạo vét ở vùng biển Việt Nam.
c) Khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm có vị trí
thuận lợi để đảm bảo việc thu gom vật chất nạo vét từ vùng nước đường thủy nội
địa, đường biển đáp ứng được các quy định pháp luật về khoảng cách an toàn đến
khu vực dân cư sinh sống tập trung, trường học, bệnh viện, di tích lịch sử, các
nguồn nước, sông, hồ đúng theo quy định pháp luật. Nếu thực hiện đổ thải lên
khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải được sự chấp
thuận của tổ chức, cá nhân; đồng thời, việc đổ thải, nhận chìm phải đảm bảo
không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các khu vực nêu trên và đúng
quy định của pháp luật.
d) Đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh
quan, an ninh trật tự, không xâm phạm chỉ giới giao thông, bảo đảm các quy định
về hành lang bảo vệ bờ biển, hành lang bảo vệ công trình đường bộ, đường thủy nội
địa, kết cấu hạ tầng hàng hải, không làm ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người
dân.
2. Quy định khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm
a) Khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm phải được Ủy
ban nhân dân tỉnh công bố địa điểm đổ chất nạo vét trên bờ và ngoài biển thuộc
phạm vi quản lý theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28
tháng 11 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng
biển và vùng nước đường thủy nội địa hoặc được Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí và
chấp thuận bằng văn bản về vị trí đổ vật chất nạo vét theo quy định tại khoản 3
Điều 7 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP .
b) Có diện tích, sức chứa phù hợp để chứa, xử lý
các vật chất nạo vét từ vùng nước đường thủy nội địa, đường biển đối với từng dự
án cụ thể.
Điều 4. Trách nhiệm quản lý về
khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm
1. Sở Giao thông vận tải
a) Hướng dẫn cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công thực
hiện phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với hoạt động nạo vét trong vùng
nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa theo thẩm quyền.
b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các cơ quan có liên quan
thanh tra, kiểm tra công tác thu gom, xử lý, vận chuyển vật chất nạo vét từ
vùng nước đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xác định
vị trí sử dụng làm khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo
vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa, đường biển trên địa bàn tỉnh
theo quy định; trước ngày 30 tháng 01 hàng năm, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
công bố địa điểm đổ chất nạo vét trên bờ và ngoài biển thuộc phạm vi quản lý.
b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, hướng
dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý
vật chất nạo vét từ vùng nước đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển.
c) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt
động đổ thải, nhận chìm theo quy định.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Hướng dẫn chủ đầu tư các dự án nạo vét đường thủy
nội địa, đường biển có đổ thải thực hiện đúng các quy định của Luật Đê điều, Luật
Phòng chống thiên tai, Luật Thủy lợi, Quy hoạch phòng chống lũ của các tuyến
sông có đê và các quy định chuyên ngành liên quan.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải thẩm
định phương án đổ thải, nhận chìm đối với các dự án nạo vét các công trình thủy
lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý phục vụ giao thông đường
thủy cần đổ thải do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư.
4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên
quan tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật
tự, an toàn xã hội trong khu vực biên giới biển; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với
hoạt động của người, phương tiện nạo vét vi phạm các quy định về vùng cấm, khu
vực hạn chế hoạt động trong khu vực biên giới biển, vùng cấm tạm thời, vùng hạn
chế hoạt động trong lãnh hải theo quy định tại Nghị định số 71/2015/NĐ-CP ngày
03 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện
trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
a) Phối hợp với các Sở, ban ngành có liên quan
trong xác định vị trí đổ thải, nhận chìm theo quy định; rà soát các vị trí đổ
thải phù hợp khi lập, trình phê duyệt quy hoạch sử dụng đất.
b) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các
hoạt động nạo vét, đổ thải, nhận chìm trên địa bàn.
Điều 5. Trách nhiệm của các tổ
chức, cá nhân trong hoạt động đổ thải, nhận chìm
1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đổ thải, nhận chìm gửi
văn bản đến Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số
159/2018/NĐ-CP để được xác định vị trí đổ thải, nhận chìm.
2. Thực hiện đổ thải, nhận chìm đúng vị trí, khối
lượng được cấp có thẩm quyền cho phép, chấp hành nghiêm các quy định của pháp
luật về đổ thải, nhận chìm.
3. Chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố, vi phạm
pháp luật trong hoạt động nạo vét, đổ thải, nhận chìm theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện các yêu cầu đối với hệ thống giám sát
nạo vét, nhận chìm được quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP
và khoản 1 Điều 62 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu phát sinh
khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời bằng văn bản về Sở
Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết
định./.